Saturday, March 12, 2016

Nỗi xấu hổ xuất khẩu lao động: Tự hào kiểu Việt Nam

(Baodatviet) - Chỉ vì sức ép việc làm ở trong nước mà đẩy lao động ra nước ngoài là sai lầm lớn...

PGS.TS Mai Quốc Chánh – Trường Đại học Lao động và Xã hội cũng cho rằng “xuất khẩu lao động là nỗi nhục của một dân tộc”. Theo ông, một điều chắc chắn rằng, tâm thế người làm chủ bao giờ cũng khác hẳn với người đi làm thuê.

Ông Chánh cho biết, xuất khẩu lao động chỉ được coi là giải pháp tình thế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nền sản xuất không phát triển do đó phải đẩy lượng lao động dôi dư ra nước ngoài để giảm gánh nặng cho xã hội và cả nền kinh tế. Đó chỉ là giải pháp bần cùng bất đắc dĩ, ông Chánh nhắc lại.

Noi xau ho xuat khau lao dong: Tu hao kieu Viet Nam
Ảnh minh họa

Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể coi đó là giải pháp cứu cánh. Ông cho biết, về trước mắt, xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được một phần việc làm, tạo nguồn thu, giảm áp lực xã hội, nền kinh tế cũng không thể thụ động ngồi chờ đợi nguồn kiều hối của lao động ở nước ngoài gửi về.

Theo ông, ngay cả niềm tự hào lao động giá rẻ, Việt Nam cũng cần nhìn nhận lại. Không nên bằng lòng mãi với niềm tự hào nhân công giá rẻ. Các nước khác không làm như Việt Nam, họ coi xuất khẩu lao động như một kênh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc. Điều mà nước ta chưa bao giờ coi trọng.

"Thế giới coi trọng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn, vì thế, chỉ khi nào lao động của Việt Nam sang làm việc cùng với các chuyên gia nước họ khi đó hãy nên tự hào", ông Chánh nói.

Ông lo ngại, nếu không sớm thay đổi mà cứ bằng lòng với thành tích xuất khẩu lao động giá rẻ đó sẽ là điều rất đáng lo ngại. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vấn đề lao động cũng đang đứng trước môi trường cạnh tranh rất mạnh mẽ, nếu chất lượng lao động không được nâng lên rõ ràng người lao động Việt sẽ luôn ở thế yếu.

Ở trong nước, sự sàng lọc, đào thải lao động tại các doanh nghiệp nước ngoài hiện cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều lo ngại, lao động Việt có nguy cơ thất nghiệp ngay trên sân nhà do nhiều yếu tố như thiếu kỹ năng, thiếu trình độ, tính kỷ luật thấp.

Còn ở nước ngoài, việc tuyển dụng lao động ngày càng được siết chặt. Khi nguồn cung lớn hơn cầu, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. VN đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lao động bị đánh đập, ép uổng, thậm chí còn bị khai thác thân thể... đó là quy luật tất yếu của thị trường.

Sự cạnh tranh này đã từng  xảy ra từ những năm thời kỳ 1980, VN cũng ồ ạt xuất khẩu lao động sáng Bungari và một số nước khác. Kết quả là lao động không được sử dụng với đúng ngành nghề đã được đào tạo, bị đối xử không công bằng, ngược đãi....

"Tôi là người đi nghiên cứu sinh tại đây, thầy dậy của tôi có hỏi: Tại sao nước cậu lại đưa nhiều lao động sang đây thế? Tôi có giải thích, do nước tôi còn nghèo và khó khăn.

Ông thầy đã tiết lộ, vừa mới đọc được chỉ thị yêu cầu tăng cường sử dụng lao động VN. Nhưng sử dụng thế nào là do họ quyết định, không dựa trên hợp đồng. Tôi đã chứng kiến, lao động Việt phải sống rất khó khăn, thiếu thốn, hàng chục người bị dồn vào một căn phòng nhỏ.
Khi đó tôi hiểu rằng, VN đã sai lầm. Chỉ vì sức ép việc làm ở trong nước mà các nhà quản lý chỉ nghĩ rằng đang thiếu việc làm thì phải làm thế nào để đưa được càng nhiều lao động sang nước ngoài càng tốt. Chính vì thế, dẫn tới việc lao động bị sử dụng tùy tiện, không được coi trọng", ông nói.

Theo ông nói, thì kịch bản "mua rẻ, bán rẻ" nguồn lao động thực tế đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng nếu VN không thay đổi thì áp lực cạnh tranh, lao động bị ép giá sẽ còn diễn ra gay gắt hơn. Người chịu thiệt thòi chỉ là lao động VN.

Hiện nay, đang có một thực tế lao động có trình độ, có chuyên môn lại không được trọng dụng trong nước, nên không tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ cao đó.

Bên cạnh đó, do chính sách thu hút, sử dụng lao động bất hợp lý dẫn tới chảy máu chất xám. Có rất nhiều trường hợp đi du học đã không trở về. Trong khi lao động phổ thông lại không có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Vấn đề đặt ra là lao động có trình độ cao thì bị mất, lao động trình độ thấp không đáp ứng được yêu cầu hội nhập mới, chỉ phân tích như vậy sẽ thấy tương lai nguồn lao động VN sẽ đi về đâu.

11/03/2016 14:22

Sếp Nhật: ‘Chúng mày sang đây để học và làm, không phải để ăn cắp’

Chào các bạn, đây là lần đầu tiên tôi viết vài dòng tâm sự lên đây. So với phần lớn các anh em sang đây (Nhật), thì tôi thuộc thành phần khá già (đời đầu 8x). Mục tiêu của tôi sang đây để đi làm kiếm tiền (trả nợ, đóng học phí, gửi tiền nuôi vợ con), nên ngoài thời gian lên lớp, còn lại tôi đi làm cày ngày cày đêm mong kiếm đủ tiền sau có vốn làm ăn. Gần 2 năm sống ở Nhật, đi làm khá nhiều loại công việc, tiếp xúc với đủ hạng người, tôi lập cho mình thói quen việc ai người ấy lo, không nói nhiều, ko can dự vào chuyện người khác. Tuy nhiên, có những việc mà các bạn vẫn “vô tư” cư xử như ở VN, làm ảnh hưởng đến rất nhiều người Việt khác, trong đó có tôi, nên cho phép tôi chia sẻ một số vấn đề về ý thức, cũng như tác phong sinh hoạt. Không phải ai cũng vậy, nhưng chỉ một vài người kém ý thức, cũng khiến cho người khác họ nói, đó là “bọn Việt Nam”, nhục lắm.
Sếp Nhật: ‘Chúng mày sang đây để học và làm, không phải để ăn cắp’
1, Vô kỷ luật. Cái này thì rõ rồi, rất nhiều bạn thích nghỉ là nghỉ, đăng ký lịch đi làm nhưng hôm nay kêu mệt, nghỉ, trời mưa, nghỉ… đủ lý do, làm người quản lý ngày nào cũng đau đầu kêu hết người này tới người khác, vì không đủ người cho công ty bố trí vào các chuyền –> hậu quả là ở một số công ty, họ dần dần hạn chế không gọi người Việtđi làm nữa.
2, Hay trốn việc: đủ chiêu trò, nào là chui vào nhà vệ sinh ngồi hơn nửa tiếng, hay lén lên phòng chuke để ngủ (nhờ bạn người Việt làm cùng chuyền có ai hỏi thì báo đi vệ sinh). Có lần tôi vào nhà vệ sinh thấy một người quản lý ngồi hẳn trong đó để theo dõi mấy ông VN luôn. Các bạn đừng nghĩ họ không biết mà lầm đấy.
3, Tác phong làm việc uể oải, chậm chạp. Có nhiều công việc đòi hỏi phải thao tác nhanh, nhưng một số bạn thì cứ tà tà, ai nhanh kệ họ, việc ta chậm cứ chậm, không cần biết chuyền khác họ đang cần sản phẩm gấp, hay quy định phải đạt một số sản phẩm trong thời gian nhất định. Nếu có bạn VN nào làm nhiệt tình, nhanh nhẹn một chút, thì lập tức bị xéo, kiểu “làm nhanh thì lương có cao hơn tụi này đâu”, hay “làm thế có huy chương không”…, rốt cuộc người khác họ nhìn tác phong làm việc đó đã thấy ghét rồi, đi trong xưởng nhìn cậu nào dáng đi chậm chạp, đủng đỉnh đích thị là người Việt. Nhìn sang các bạn Nepal xem, họ làm việc nhanh nhẹn, đi lại năng động lắm! Bạn Việt Nam nào làm tốt, nhanh nhẹn thì quản lý họ rất quý.
4, Coi thường các quy định của công ty: nhiều bạn đi làm mà chẳng thèm để ý đến quy định của công ty về trang phục, vệ sinh… đến nỗi có công ty tôi làm, tuần nào quản lý cũng bắt nhóm lao động Việt Nam họp để phổ biến các quy định của công ty, và nhắc nhở kỷ luật
5, Thụ động, kém ý thức học hỏi. Có nhiều bạn mới đi làm lần đầu, tôi nhiệt tình hướng dẫn thì nhận được những ánh mắt hằn học, kiểu “không mượn, bố mày không cần”, riết rồi tôi cũng nản luôn. Làm một lúc y như rằng bị quản lý mắng cho vì làm sai, hỏng sản phẩm, rồi mắng sang cả tôi sao mày không chỉ cho nó???. Công việc không khó, làm vài lần là biết, nhưng người mới thì nên chịu khó quan sát và học hỏi chứ?
6, Làm việc ẩu, vô trách nhiệm. Câu mà tôi hay nghe là, “ôi, kệ mẹ nó, có phải của mình đâu”, nhiều bạn làm việc rất ẩu và vô trách nhiệm, chỉ mong nhanh nhanh hết giờ để về. Nhiều cậu làm xong việc liền lén lén chạy ngay lên thay đồ để về, cuối cùng chẳng có ai ở lại vệ sinh máy móc lau chùi, đến nỗi quản lý nhiều lần phải chạy lên lôi từng anh xuống để bắt dọn dẹp xong mới cho ra về, và cũng nhiều lần họ phải tổ chức họp hành để nhắc nhở về thái độ này.
7, Cái tính táy máy, ăn cắp vặt: Cái này không nhiều, nhưng một vài vụ cũng khiến người Nhật coi khinh. Ví dụ, công ty quy định mang dép đi trong nhà, thì nhiều bạn không thèm mang theo, mà lên công ty xem có dép của ai để đó không là “vô tư” lấy dùng; hoặc đi làm về thấy trời mưa thì chạy lại rút ngay một cái ô của người khác; đến nỗi một người quản lý đã quát vào mặt cả đám VN là, chúng mày sang đây để học và đi làm chứ không phải đi ăn cắp nhé (ông này cực ghét người Việt); hoặc nhiều lần quản lý đứng canh ngay cửa kiểm tra xem dép có phải của người đó hay không, có nhục không các bạn?
Có nhiều bạn rất có ý thức và làm việc tốt, được quản lý quý mến. Có thể bạn làm chăm chỉ thì lương không cao hơn người khác, nhưng bạn nhận được đó là sự tôn trọng, mà theo tôi, người Nhật họ khác biệt so với các dân tộc khác, đó là mỗi cá nhân đều có ý thức xây dựng lòng tự trọng cho bản thân, và nhận được sự tôn trọng của người khác.
10/03/2016
Nguồn baonhat.com

Thăm bà quả phụ 'Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương'

* Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh
Việt Hùng/Người Việt

SÀI GÒN (NV)
 - Năm nay, 2016, là đúng 45 năm ngày mất của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương (1971-2016), Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðại Úy Ðương hy sinh tại chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971, và được mọi người biết đến như một huyền thoại qua tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Anh Không Chết Ðâu Anh.” Phóng viên Việt Hùng của Người Việt đến thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, tại tư gia ở Quận 11, Sài Gòn và được bà dành cho cuộc phỏng vấn dưới đây.

Bà Trần Thị Mai bên di ảnh chồng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Việt Hùng (NV): 
Xin bà cho biết ký ức về thời gian Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh ở mặt trận Hạ Lào?


Bà Trần Thị Mai (TTM): Tôi còn nhớ những ngày đó, nó rơi vào những ngày cuối Tháng Hai Dương Lịch, 1971. Lúc đó tôi lên phòng hậu cứ để lãnh lương của anh Ðương, thì được một người lính nhảy dù, buồn bã nói với tôi là “một tuần nữa chắc chị có khăn mới đeo.” Lúc đó tôi không biết khái niệm “khăn mới” là gì hết.

Một tuần sau, tôi nhận được giấy báo mất tích của anh Ðương tại đồi 31, căn cứ Hạ Lào (tức vào sâu trong vùng biên giới nước Lào khoảng 25km). Lúc đó tôi vẫn còn hy vọng. Tôi cầu nguyện và xin lá xâm trên chùa, thì được thầy cho biết là “người này đang gặp đại nạn.” Tuy vậy, tôi vẫn còn rất tin tưởng là chồng mình còn sống.

Thế nhưng anh Ðương, ảnh rất là “linh.” Sau đó khoảng 3 ngày thì tôi nằm ngủ mơ, trong giấc mơ, tôi thấy anh Ðương về nhà trong tình trạng bị thương ở chân, vẫn còn mặc bộ đồ lính và nói với tôi là “lần này anh đi không trở lại được, em ở nhà ráng nuôi các con khôn lớn. Anh vẫn luôn che chở cho mẹ con em.” Tôi òa khóc! Giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai bên mình hết. Lúc đó thì tôi tin là anh Ðương đã mất.

Sau đó đúng 3 ngày thì tôi nhận được giấy báo tử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đề ngày mất là 24 Tháng Hai, 1971, nhằm 29 Tháng Giêng, năm Tân Hợi. Bởi vậy gia đình tôi vẫn luôn cúng giỗ cho anh Ðương vào ngày 29 tháng Giêng âm lịch. Năm nay là nhằm ngày 7 Tháng Ba Dương Lịch.

Với bà Mai, “anh Ðương vẫn mãi sống trong tim mình.” (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

NV
: Về thông tin những giây phút cuối đời của Ðại Úy Ðương, bà có nắm được gì không?


TTM: Lần cuối anh Ðương ở nhà là vào Mồng Một Tết Tân Hợi 1971. Qua ngày Mồng Hai anh được lệnh phải vào gấp trong trại, và anh gọi điện về là sẽ đi chiến dịch quan trọng, nên mẹ con ở nhà ăn tết vui vẻ. Sang Mồng Ba thì toàn bộ Sư Ðoàn Nhảy Dù đã âm thầm di chuyển bằng không vận từ các căn cứ gần Sài Gòn ra Ðông Hà, Quảng Trị.

Lần lượt các đơn vị Dù đã được không tải đến những địa điểm ấn định từ trước, phối hợp với các đơn vị khác, thực hiện cuộc hành quân mang tên là “Hành Quân Lam Sơn 719” nhằm tiến quân đánh thẳng vào các căn cứ tiếp vận quan trọng của Cộng Sản ở đường mòn Hồ Chí Minh, vùng Hạ Lào (tức là vượt biên 25 km qua lãnh thổ Lào). Con số 719 là gồm 71 là năm 1971 và số 9 là Quốc Lộ 9, con đường huyết mạch để chuyển quân trong chiến dịch này. Vì vậy có tên gọi “Hành Quân Lam Sơn 719.”

Sau này khi tôi nghe các anh lính cũng là lính Nhảy Dù trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 kể lại thì lúc giáp chiến với quân đôi Bắc Việt là vào 19 giờ tối ngày 24 Tháng Hai, 1971. Cả pháo đội 3 của anh Ðương đều bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, anh Ðương ra lệnh cho các anh em tuyến dưới ai tháo chạy được thì cứ chạy. Còn anh Ðương vẫn ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó anh tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu mình.

Qua hôm sau là ngày 25 Tháng Hai, 1971, cả căn cứ 31 thuộc vùng Hạ Lào đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Bắc Việt. Rất nhiều người lính VNCH đã bỏ mạng nơi đây... (khóc)

NV: Rồi sau năm 1975 cuộc sống gia đình bà ra sao?

TTM: Từ năm 1971 đến 1975 thì tôi vẫn còn lương của chính quyền VNCH, nên tuy một mình, tôi vẫn đủ nuôi 4 đứa con (3 trai 1 gái). Tuy nhiên sau năm 1975 thì cuộc sống gia đình tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ðầu tiên là từ phía chính quyền CSVN, thời gian đầu họ “kiểm tra hộ khẩu” nhà tôi liên tục. Có nhiều đêm tôi không dám ở nhà vì sợ cảm giác “gõ cửa lúc nửa đêm.”

Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi làm đủ thứ nghề mà vẫn không khá được. Các con tôi đều không được học hành đàng hoàng. Lớn lên một tí thì hai đứa con trai lớn vì không chịu nổi hoàn cảnh và đã đến tuổi đi “bộ đội” (trên 18 tuổi, luật của CSVN là bắt đi nghĩa vụ quân sự), nên đã bỏ trốn qua Campuchia làm nghề cạo mủ cao su. Rồi cả hai đều mất vì những căn bệnh hiểm nghèo. Có lẽ hít phải mùi cao su quá nhiều và ăn uống kham khổ nên đổ bệnh.

Nguyễn Viết Xa, con trai cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, bên bàn thờ thân phụ. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


Ðứa con trai út đang sống với tôi là Nguyễn Viết Xa, năm nay đã 47 tuổi, lúc bố mất, nó mới có 2 tuổi à. Hiện nay nó đang làm nghề chạy xe ôm. Còn đứa con gái thì lấy chồng ở bên phía nhà chồng. 

Bản thân tôi năm nay đã bước sang tuổi 76, bệnh tật đầy mình, một con mắt đã mù hẳn vì nhà sập trong quá khứ. Hiện nay căn nhà tôi đang ở là của bố mẹ chồng (tức bố mẹ anh Ðương).

NV: Với tư cách là vợ người anh hùng đã hy sinh vì sự bình yên của miền Nam, bà có mong muốn điều gì?

TTM: Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bộn bề của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.

NV: Với những thăng trầm của cuộc sống, điều gì khiến bà cảm thấy hối tiếc nhất, và tự hào nhất?

TTM: Ðiều tôi hối tiếc là chưa nuôi dạy con được tốt. Bốn đứa con không đứa nào được học hành đàng hoàng. Hai đứa đầu thì đã mất, đứa con gái lấy chồng thì cũng tạm ổn, nhưng thằng con trai út thì vẫn phải hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi có lỗi với anh Ðương về điều này (khóc).

Còn điều tôi tự hào nhất thì chắc chắn là về anh Ðương. Tôi tự hào khi có được người chồng anh dũng như vậy. Bản thân tôi không “đi bước nữa” cũng vì lý do này. Với tôi anh Ðương vẫn luôn là người anh hùng trong tim tôi! 

Cho đến bây giờ, lâu lâu tôi vẫn mở bản nhạc “Anh Không Chết Ðâu Anh” để nghe. Tôi thuộc làu từng lời bài hát đó, nhưng vẫn cứ thích nghe đi nghe lại và ngồi hát một mình vu vơ (cười).

NV: Cảm ơn bà đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Xin chúc bà được nhiều sức khỏe và mong bà sớm thực hiện được ước muốn của mình là được sang vùng Hạ Lào để nhìn thấy nơi Ðại Úy Ðương đã anh dũng hy sinh. Biết đâu điều kỳ diệu sẽ đến, khi bà tìm được xương cốt của cố đại úy.

TTM: Cảm ơn Người Việt rất nhiều. Xin chúc độc giả quý báo một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.



Anh Không Chết Ðâu Anh
Tác giả: Trần Thiện Thanh
Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi
Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh
Ôi đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh
Không, anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh...

03-11- 2016 5:59:47 PM 

Internet ở Việt Nam chập chờn, dù tiền thu đầy đủ

HÀ NỘI (NV) - Ít nhất là đến cuối tuần tới, việc truy cập Internet tại Việt Nam mới trở lại bình thường. Dù việc truy cập Internet hết sức khó khăn nhưng giống như trước, phí dịch vụ Internet không hề thay đổi.

Sơ đồ tuyến cáp quang AAG nối Việt Nam với bên ngoài qua Internet. (Hình: Báo Thanh Niên)

Việc truy cập Internet tại Việt Nam trở thành hết sức khó khăn từ hôm 3 tháng 3 và sẽ còn tiếp diễn ít nhất cho đến ngày 18 tháng 3 và cũng liên quan đến tuyến cáp quang chạy ngầm dưới đáy biển có tên là Asia America Gate Way, thường được gọi tắt là AAG, hỗ trợ người sử dụng Internet tại Việt Nam kết nối với các trang web, gửi - nhận thư điện tử, trò chuyện với các bên hoặc những người sử dụng Internet bên ngoài Việt Nam.

Tuyến cáp quang AAG có chiều dài khoảng 20,000 cây số, bắt đầu từ Mã Lai và kết thúc tại Hoa Kỳ. Nhánh rẽ vào Việt Nam của tuyến cáp quang AAG có chiều dài 314 cây số, cập bờ tại Vũng Tàu.

Tuyến cáp quang AAG bắt đầu được khai thác vào năm 2009 và thường xuyên bị đứt. Mỗi lần tuyến cáp AAG bị đứt, lưu lượng kết nối với Internet giữa Việt Nam và bên ngoài lại giảm khoảng 60%.

Lần đứt gần nhất xảy ra hồi đầu tháng 1 năm ngoái và kéo dài cho đến cuối tháng. Lúc đó giới hữu trách tại Việt Nam cho biết, đoạn cáp bị đứt nằm trong khoảng nối giữa tuyến cáp chính với trạm chuyển tiếp tại Vũng Tàu, cách trạm chuyển tiếp Vũng Tàu khoảng 120 cây số.

Trước đó, khi tuyến cáp quang AAG bị đứt, những cơ quan có trách nhiệm duy trì và vận hành tuyến cáp quang AAG phỏng đoán nguyên nhân có thể do hoạt động của các con tàu ngang dọc trên biển, song hồi tháng giêng năm ngoái, họ cho rằng, tuyến cáp quang AAG bị đứt là do... cá mập cắn, bởi cá mập không phân biệt được sóng điện từ của cáp quang với điện trường sinh học quanh các đàn cá.

Do tuyến cáp quang AAG lien tục bị đứt nên mức độ nghi ngờ của dân chúng Việt Nam về chất lượng của tuyến cáp quang này càng lúc càng cao. Lúc đầu, đại diện một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam biện bạch, sự ổn định của các tuyến cáp quang chạy ngầm dưới biển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời tiết, lưu lượng tàu bè qua lại trong khu vực có cáp, địa chất đáy biển... Tuy nhiên sau này, chính họ cũng thừa nhận, các khâu khảo sát - thiết kế tuyến cáp quang AAG có thể có vấn đề nên tần suất đứt mới “dày đặc” như vậy.

Cuối năm 2013, tuyến cáp quang AAG bị đứt đến giữa tháng 1 năm 2014 mới khôi phục được. Tới tháng 3 năm 2014, cơ quan có trách nhiệm duy trì và vận hành tuyến cáp quang AAG phải “bảo trì” nên việc truy cập Internet tại Việt Nam cũng chẳng khác gì lúc tuyến cáp quang này bị đứt. Sau khi “bảo trì,” vào giữa tháng 7 năm 2014, tuyến cáp quang AAG lại bị đứt khiến việc truy cập Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng trong khoảng nửa tháng. Một tháng rưỡi sau, hồi giữa tháng 9 năm 2014, tuyến cáp quang AAG lại đứt thêm lần nữa ở đoạn gần Hongkong...

Lần này thì tuyến cáp quang AAG không đứt nhưng cần phải sửa chữa do có sự rò rỉ về nguồn điện. Về lý thì nếu chất lượng dịch vụ không dúng như cam cấp thì phía cung cấp dịch vụ phải bồi thường. Hình thức thường thấy là giảm phí nhưng người dùng Internet tại Việt Nam chưa bao giờ được hưởng điều đó.

Hiện có bốn tuyến cáp quang biển giúp kết nối Việt Nam với bên ngoài qua Internet và tuyến cáp quang AAG là mới nhất và có dung lượng lớn nhất nhưng hoạt động cũng thất thường nhất. (G.Đ)

03-12- 2016 4:48:06 PM

Nguyễn Phú Trọng lại chọc cho dân chửi

HÀ NỘI (NV) - Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng CSVN, đang bị chỉ trích kịch liệt vì tuyên bố: “Không để lọt các phần tử 'thế này thế khác' vào Quốc Hội.”

Ông Nguyễn Phú Trọng, tuy có học vị tiến sĩ về “xây dựng Đảng” nhưng thường có những phát biểu giống như chọc cho dân chửi. (Hình: Getty Images) 

Mới đây, trong một cuộc trò chuyện với VOA, ông Nguyễn Quang A, một trong những trí thức được nhiều người biết và cũng là người tự ứng cứ vào Quốc Hội Việt Nam trong kỳ bầu cử sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 sắp tới, nhận định, tuyên bố vừa kể của ông Trọng là một sự lạm quyền, xem thường các qui định pháp luật hiện hành.
Ứng cử hay bầu cử vốn đã có những tiêu chí rõ ràng thành ra theo ông A, “thế này, thế khác” là một “khái niệm tù mù.” Nó biểu lộ sự coi thường cả luật pháp lẫn thiên hạ. Nếu không xem thường như thế, ông Trọng không phát biểu tùy tiện như vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Trọng, một người có học vị tiến sĩ về chuyên ngành... “xây dựng Đảng,” đưa ra những tuyên bố khiến thiên hạ chưng hửng như vậy.

Chưa bao giờ tại Việt Nam, cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 sắp tới lại có nhiều người tự ứng cử như vậy. Nguyên nhân chính là từ ông Trọng.

Cuối tháng 1 vừa qua, sau khi tái đắc cử vào vị trí tổng bí thư Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đọc một diễn văn ca ngợi “tự do, dân chủ” ở Việt Nam và khẳng định, Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng!”

Chính tuyên bố đó đã khiến ông A soạn một thư ngỏ, đề nghị các công dân Việt Nam hội đủ tiêu chuẩn trở thành đại biểu Quốc Hội Việt Nam hãy tích cực “tự ứng cử.” Ông A khẳng định, phong trào tự ứng cử là một phương pháp thử yếu tố “dân chủ” mà ông Trọng nhấn mạnh “đến thế là cùng.”

Dẫu những người thật sự tự ứng cử luôn luôn bị loại bỏ bằng đủ mọi cách, trong đó chủ yếu là “hiệp thương” để mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức thu thập ý kiến “cử tri” - diễn ra y như “đấu tố” - để lựa chọn, tiến cử ứng cử viên chính thức nhưng ông A kêu gọi mọi người đừng ngần ngại.

Chuyện nhiều người tham gia tự ứng cử, những người khác theo sát, ghi âm - ghi hình các buổi “hiệp thương,” công khai nội dung của những buổi “hiệp thương” này sẽ giúp mọi người nhận ra hình dạng “dân chủ đến thế là cùng” tại Việt Nam như thế nào.
Ông A nói thẳng, ông không tin việc tự ứng cử sẽ thành công song thất bại hàng loạt có giá trị riêng của nó. Ít nhất mọi người cũng sẽ nhận ra, “tự ứng cử” là một “quyền hão.” Càng nhiều người nhận ra tính chất “hão” của quyền này thì như cầu đòi thực quyền mới hình thành và phát triển.

Trên thực tế, chính quyền Việt Nam đang khắc họa những đường nét chính của cái mà ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định “dân chủ đến thế là cùng.”

Do “dân chủ đến thế là cùng” nên hệ thông truyền thông của chính quyền Việt Nam có quyền bôi nhọ những cá nhân tự ứng cử. Chẳng hạn, tờ Năng Lượng Mới đăng một bài với tựa “Quốc Hội không phải là phường chèo,” chỉ trích nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng dám “tự ứng cử.” Nghệ sĩ này bị xem là “lộng ngôn,” “đốt đền,” tuy cha mẹ đều là đảng viên nhưng “phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng,” “vu khống Đảng và chính quyền hèn với giặc, ác với dân, dâng biển đảo cho giặc.” Tờ Năng Lượng Mới cho rằng, nghệ sĩ này “bất tài,” không thành công trên sân khấu thật mới nhảy sang “sân khấu chính trị.”

Trong bài “Quốc Hội không phải là phường chèo,” tờ Năng Lượng Mới còn chỉ trích một loạt những cá nhân khác đã tuyên bộ tự ứng cử như: Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Đặng Bích Phượng,... vì “đang phá hoại cuộc bầu cử Quốc Hội.” Theo tờ báo này thì những cá nhân tự ứng cử đều hám danh nên mới tham gia các hoạt động đòi phải bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, đòi phải cương quyết với Trung Quốc, đòi phải tôn trọng nhân quyền! Tờ Năng Lượng Mới xem việc tự ứng cử, trình bày nhận định về thời cuộc, kế hoạch hành động nếu đắc cử là “trò lố!”

Cũng do “dân chủ đến thế là cùng,” nên Ủy Ban Bầu Cử thành phố Hà Nội đòi bà Đặng Bích Phượng phải xin xác nhận lại lý lịch tại một phường nơi bà... không có hộ khẩu thường trú nên tất nhiên là không thể được xác nhận để có hồ sơ ứng cử hợp lệ. Một cá nhân khác, ông Nguyễn Tường Thụy thì bị chính quyền địa phương ghi vào lý lịch gửi cho Ủy Ban Bầu Cử rằng ông có “tiền sự” (hai lần bị cảnh cáo do tham gia biểu tình chống Trung Quốc). Với những “tiền sự” này, ông Thụy không có quyền tự ứng cử.

Trong một xã hội “dân chủ đến thế là cùng” như Việt Nam, công an cũng đã vô cớ ập vào nhà ông Phan Văn Bách để kiểm tra hành chính sau khi ông nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc Hội. Ông Võ An Đôn, một luật sư ở Phú Yên thì được mời đến làm việc với an ninh của tỉnh này sau khi ông tuyên bố sẽ tự ứng cử.

Diễn biến mới nhất liên quan tới “dân chủ đến thế là cùng” là người xuất hiện trong video clip, nhận định ông A “bất xứng, không nên chọn làm đại biểu Quốc Hội,” tuy sắm vai hàng xóm của ông A nhưng cả tổ trưởng tổ dân phố lẫn trưởng Ban Mặt Trận Tổ Quốc phường nơi ông A cư ngụ, thừa nhận không biết anh ta là ai. (G.Đ)

03-12- 2016 5:00:09 PM 

Ông Trọng có biết nội thù ở đâu không?

Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam Cộng sản đang đối mặt với đám nội thù nằm ngay trong lòng chế độ mà Lãnh đạo cứ nhởn nhơ như không hay biết gì.

Thứ nhất, chuyện Bộ Quốc phòng bình chân như vại trước những hành động của Trung Quốc mở rộng vùng chiếm biển đảo Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2007 đến nay là một thắc mắc chưa được ai trong đảng và nhà nước giải thích cho dân biết.

Sau đó đến hành động ngăn cấm, trong suốt 41 năm qua không cho tổ chức tưởng niệm 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ chống quân Tầu xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Duy trì kỳ thị, phân biệt kẻ Bắc người Nam trong đấu tranh chống quân xâm lược ngoại bang Trung Quốc của ai đó trong đảng Cộng sản Việt Nam là hành động vô cùng ấu trĩ, thiển cận và chia rẽ dân tộc không tha thứ được, nhất là đối với những kẻ vẫn có tâm địa nô lệ Tầu phương Bắc.

Rồi trong 37 năm qua, nhà nước còn cấm cả việc tổ chức lễ tưởng nhớ và tri ân trên 40 ngàn quân và dân của “phe mình” ở 6 tỉnh biên giới đã can trường chiến đấu và hy sinh chống 600,000 quân xâm lăng Trung Quốc từ 1979 đến 1990.

Đảng cũng cấm luôn không cho tổ chức truy điệu 64 chiến sỹ của Quân đội Nhân dân đã hy sinh chống quân Tầu chiếm 7 đảo và bãi đá tại chiến trường Trường Sa năm 1988. 

Song song với những cấm đoán phản cảm vô trách nhiệm và xúc phạm đến danh dự Tổ Quốc là những lần nhà nước cho Công an đội lốt côn đồ chống phá và đàn áp người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc từ Sài Gòn ra Hà Nội từ 2011. Công an cũng đã ngăn chặn, đe dọa và tấn công các nhân sỹ, trí thức và những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền không cho họ lên tiếng hay hành động chống xâm lược Trung Quốc.

Tệ hại hơn, nhà nước còn bỏ tiền nuôi đám dư luận viên ấu trĩ, làm hề phản quốc để đội lốt người hiền lương xâm nhập vào hàng ngũ anh chị em dân chủ trong nước để tuyên truyền và xuyên tạc các mục tiêu tranh đấu chống kẻ thù xâm lược.

Nổi tiếng nói xiên nói quàng và cãi chầy cãi cối hăng nhất trong số họ có Trần Nhật Quang ở Hà Nội. Nhưng kẻ nào trong đảng hay trong chính phủ đã chủ trương ngăn dân chống Trung Quốc và cấm không cho truy điệu các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh ở 3 mặt trận biên giới, Hoàng Sa và Trường Sa?

Và ai đã chỉ thị cho Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho đảng bộ Đà Nẵng hủy bỏ lễ thắp nến tri ân 74 chiến sỹ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa nhân dịp kỷ niệm 40 năm, dự trù diễn ra trong đêm 18/01/2014?

Sự kiện lịch sử này đã được Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cả năm trời lấy tên là “Hướng về Hoàng Sa” với chương trình ca nhạc có chủ đề “Hướng về biển đảo quê hương" tổ chức tại Công viên Biển Đông, nhưng giờ chót Ban Tổ chức buộc phải đưa ra lý do ngớ ngẩn vì “chuẩn bị chưa được chu đáo”!

Ai ở Việt Nam hồi ấy cũng xầm xí “lệnh hủy bỏ đến từ Trung Quốc” mà Bộ Chính trị không dám chống lại!

Sau đó để chữa cháy cho hành động mất chính nghĩa của mình và sau nhiều tranh cãi trong nội bộ, đảng CSVN đã phải đồng ý xây tượng đài tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cửa ngõ đi ra quần đảo Hoàng Sa từ Thế kỷ 17. Một số thân nhân của các liệt sỹ VNCH hy sinh chống quân Tầu ở Hoàng Sa đã được mời tham dự lể đặt viên đá đầu tiên xây đài ngày 17/01/2016.

Tượng đài “Người mẹ thắp lửa -Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" với“ý tưởng mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng, làm ngọn hải đăng soi đèn cho những người con thấy đường trở về” đã được công khai tại buổi lễ, căn cứ theo trang điện tử Zing.VN.

Nhưng việc làm này không đủ giúp đảng CSVN lấy lại niềm tin đã mất trong dân bởi lẽ lâu nay Việt Nam chỉ biết phản đối Trung Quốc bằng nước bọt.

Bộ ngoại giao Hà Nội luôn luôn mở lại đĩa nhạc cũ mèm quen thuộc với câu: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Hay Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ biết ru ngủ nhân dân rằng: "Đảng khẳng định kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”

Việt Nam nói nhiều nhưng hành động thì không nên phía Trung Quốc đã tự do chiếm đảo và dành biển. Họ luôn luôn lập luận không chứng minh được rằng:"Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải.” (tuyên bố của Chủ tịch, Tổng Bí đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc (Hoa Thịnh Đốn) ngày 25/09/2015)

Bắc Kinh cũng đã đem quân, máy bay tác chiến, thiết lập đài radar và 8 giàn Hỏa tiễn địa không đến đồng trú tại đảo Phú Lâm (Trung Hoa gọi là Vĩnh Hưng), thủ phủ của Hoàng Sa để đe dọa an ninh Biển Đông.

Hai sân bay có khả năng dân dụng và quân sự đã được thiết lập ở đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma là hai vị trí chiến lược quan trọng trong dẫy Trường Sa. Từ Chữ Thập, cách Đà Nẵng khoảng 400 cây số, máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tấn công Cam Ranh và miền Trung.

Và từ Gạc Ma, Trung Quốc có thể chận đứng đường tiếp viện của Quân Việt Nam đến Trường Sa và tấn công thẳng vào Nha Trang và miền nam Trung phần Việt Nam.

Trước đây, Việt Nam không quan tâm lắm về đe dọa của Trung Quốc vì tin rằng đường bay từ đảo Hải Nam đến Việt Nam quá xa nên không sợ bị tấn công bất ngờ. Giờ đây thì Trung Quốc đã có các sân bay và bến tầu ở vùng Trường Sa thì an ninh hàng hải và hàng không của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung sẽ bị đe dọa trực tiếp.

Lý Khắc Cường - Biển Đông

Mới đây Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố kế họach tăng ngân sách quốc phòng và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông mà họ Lý cho là của Trung Quốc.

Trong diễn văn tại lễ khai mạc, của Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khoá 12 ngày 3/3/2016, theo Tân Hoa Xã (Xinhua) ông Lý xác định Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải và bảo vệ an ninh trong vùng biển của Trung Hoa, đồng thời sẽ nghiêm khắc đối phó với những vi phạm.

(“The pledges include boosting maritime law enforcement, ensuring freedom of navigation and security in Chinese waters and “appropriately dealing with infringements” of rights at sea.”--Xinhua)

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài và tăng ngân sách Quốc phòng tăng lên 7.6 phần trăm, hay 954 tỷ đồng Nhân tệ, tương đương với 146 tỷ US dollars.

(Premier Li Keqiang (李克強) also said during his work report delivered to the legislature yesterday that the government would increase its capacity to protect its interests overseas. The defence budget is planned to rise by 7.6 per cent this year to 954 billion yuan.)

Họ Lý nói với các Đại biểu: "Chúng ta sẽ tăng cường phối trí quân sự trên khắp mặt trận và trong mọi tình huống để sẵn sàng quyết liệt chiến đấu và bảo vệ biên giới, bờ biển và phòng không.”

(“We will strengthen in a coordinated way military preparedness on all fronts and for all scenarios and work meticulously to ensure combat readiness and border, coastal and air defence control".)

Liệu những lời đe dọa của Lý Khắc Cường có thấm vào tâm não lãnh đạo Việt Nam không, hay họ cứ nhởn nhơ mãi để tin vào lời đường mật “vừa lả đồng chí vừa là anh em” của lãnh đạo Trung Hoa ?

Nhiều người trong lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng Lý Khắc Cường có chủ ý nhắm vào Mỹ vì mới đây Bắc Kinh đã lên án Hoa Thịnh Đốn khiêu khích và chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Lãnh đạo đảng - Trung Quốc

Vậy các người lãnh đạo to đầu của đảng và nhà nước đã nói về chiến tranh biên giới với Trung Quốc và chủ quyền ở Biển Đông ra sao?

Vào dịp kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới (2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”.

Không thấy ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói gì về chuyện có nên kỷ niệm hay không đối với cuộc chiến biên giới năm 1979, nhưng ông ta bày tỏ quan điểm về tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 01/07/2014, ông Trọng nói: "Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren... Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với TQ, người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Ông còn kéo thêm câu: "Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”.

Như vậy là ông Trọng muốn lập lờ bơi như con cá trong bể nước. Ông muốn khuyên dân phải tỉnh táo và khôn khéo để chung sống hòa bình, an thân với láng giềng “vừa là đồng chí vừa là anh em”. 

Người Việt Nam nào trong nước cũng biết thái độ nhũn như con chi chi này này chỉ giúp cho Trung Quốc được chân lân đến đầu rồi bóp cổ Việt Nam lúc nào không hay!

Nhưng mà chuyện lịch sử đâu có thể vì phải sống chung, dù mình không muốn, mà bẻ cong không cho con cháu ta biết những gì đã xẩy ra cho đất nước?

Bằng chứng là kè nội thù nào đã cấm không cho viết về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục?

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết ông “không giải thích được vì sao kiến thức lịch sử về vấn đề chủ quyền gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc và có tầm quan trọng đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ nhưng chưa được đưa vào sách giáo khoa phổ thông môn Lịch Sử?” (Báo Giáo dục Việt Nam, 16/03/2016)

Thầy Hiếu trích lời GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nói trong bản tham luận tại cuộc Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học lịch sử trong trường phổ thông Việt Nam cuối năm 2015: "Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang bi hùng được viết bằng máu xương của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chăm Pa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay. 

Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước, không chỉ là quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta mà hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước, một cộng đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, chết không rời biển lại không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng! 

Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.

Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hứa sẽ đem cuộc chiến tranh biên giới chống Tầu và Biển đảo vào sách giáo khoa, nhưng bao giờ mới làm hay cứ mãi sợ “nhậy cảm” với Trung Quốc để phản bội Tổ Quốc?

Kẻ nội thù nằm đâu, ông Trọng có biết không? -/-

(03/016)

Như thế nào mới là nghiêm trọng?

Đại tá Vũ Văn Lâu. Ảnh THGL

Người Quan Sát (Danlambao) - Vụ việc thiếu tá Vũ Đức Khiêm (Trưởng Công an xã Ia Dơk, Đức Cơ, Gia Lai) mang theo sung đến trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, Đức Cơ, Gia Lai) đánh bảo vệ, học sinh và mắng chửi cô giáo trường THCS Quang Trung lúc 16h30' ngày 2/3/2016 được đại tá Vũ Văn Lâu - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đánh giá là. (1)

Như thế nào mới là nghiêm trọng?

Ông đại tá Vũ Văn Lâu đợi đến khi có nạn nhân thiệt mạng ư?

Từ thông tin “thiếu tá công an mang súng vào trường học” cho đến sự dàn xếp vật ông Khiêm mang theo đánh vào đầu bảo vệ Nguyễn Đức Nam gây thương tích phải khâu 5 mũi là không nghiêm trọng?

“Một số nhân chứng cho rằng vật ông Khiêm mang vào trường để đánh anh Nam là súng ngắn. Tuy nhiên, ông Khiêm một mực phủ nhận và cho rằng đó chỉ là chiếc bật lửa hình khẩu súng.” (2) 

“Ngày 9/3, Thượng tá Nguyễn Bá Ngọc- Phó trưởng Công an huyện Đức Cơ - cho biết, đơn vị đang tiến hành thu hồi 4 khẩu súng công cụ hỗ trợ, trang bị cho lực lượng Công an xã Ia Dớk và “vật dụng hình khẩu súng” do Thiếu tá Trần Vũ Khiêm dùng để gây thương tích cho anh Nam để những người có liên quan nhận dạng...

Cũng theo ông Ngọc thì chiếc “bật lửa” mà ông Khiêm nói đến đang được vợ ông Khiêm cất giấu, chưa giao nộp cho cơ quan công an.” (3)

Như thế này chưa đủ nghiêm trọng?

Đồng nghiệp, đồng đảng chứng minh ông Khiêm “tử tế đàng hoàng lắm” nên sự việc không nghiêm trọng? 

Nói về con người Thiếu tá Khiêm, ông Rơ Man Thịnh - Bí thư xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết:

"Thiếu tá Khiêm là người sống rất đàng hoàng tử tế, chưa bao giờ có xích mích gì với ai trong cơ quan cũng như các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Trong công việc cũng như ngoài công việc ông Khiêm luôn thể hiện sự vui vẻ, thoải mái, hòa nhã với đồng nghiệp. Để xảy ra sự việc này tôi cũng hiểu phần nào và thông cảm cho hành động này của ông Khiêm. Cũng bởi ông Khiêm bức xúc quá nên mới hành xử như thế mà thôi".

Có cùng quan điểm với ông Thịnh, ông Lê Văn Hồng - Phó Công an xã Ia Dơk cho biết: "Thiếu tá Khiêm là người sống nhiệt tình, thoải mái chứ không có vấn đề gì. Ở cơ quan hay ở nhà, ông Khiêm luôn đề cao tinh thần trách nhiệm. Vợ chồng, con cái nhà ông Khiêm cũng sống rất hạnh phúc và mẫu mực, yêu thương nhau lắm. Trong công việc tôi rất ngưỡng mộ về phong cách làm việc của ông Khiêm"(3)

Ông Bí thư cho rằng ông Khiêm bức xúc nên mới vác súng đánh người và xúc phạm giáo viên. Ông Phó Công xã thì ngưỡng mộ ông Khiêm.

Bởi thế chuyện xảy ra không hề nghiêm trọng?

Hãy xem nạn nhân của ông Khiêm là ai?

Họ là bảo vệ, giáo viên và học sinh, là những người không hề có trong tay bất kỳ vật dụng nào để tự vệ.

Nạn nhân nhỏ tuổi nhất lại là học sinh, bằng tuổi con gái ông Khiêm, vậy chuyện gì làm ông Khiêm bức xúc đến độ cư xử như côn đồ?

Khoan nói đến việc xử lý ông Khiêm bằng hình thức kỷ luật theo quy định của ngành công an, hãy thử xem trường hợp say rượu gây náo loạn, hành hung người gây thương tích của thiếu tá công an Trần Vũ Khiêm có phải là tội “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý gây thương tích” không?

Tại sao sự việc xảy ra từ chiều ngày 2/3/2016 đến tận ngày 10/3/2016 các lãnh đạo công an mới có câu trả lời là “đang xác minh vụ việc” cho công luận?

Và như thế nào mới là nghiêm trọng đủ để xử lý với hành vi thiếu đạo đức như ông thiếu tá công an Khiêm?

Từ một xích mích nhỏ giữa các em học sinh với nhau, mà bậc cha mẹ như ông Khiêm đã thị uy với thiên hạ như thế thì bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể xông vào trường học để làm côn đồ như ông Khiêm hay sao?

Và như thế nào mới là nghiêm trọng khi ngành giáo dục đang kêu gọi tẩy chay bạo lực học đường thì phụ huynh học sinh như ông Khiêm chọn cách côn đồ nhất để thể hiện với giáo viên và con em mình?



___________________________________

Chú thích:


Bội chi ngân sách 6.1%/GDP ‘vẫn nằm trong giới hạn’: Giấu đầu lòi đuôi

Chỉ ít lâu sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 vọt lên 6.1%/GDP.

Tỷ lệ này chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6.3%/GDP của năm 2013.
Điều đáng nói là trước đại hội 12, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cam kết sẽ giữ mức bội chi năm 2015 chỉ khoảng 5%, tức không vượt quá giới hạn cho phép. Song đến bây giờ, sự thật đã quá trần trụi. Tình trạng thê thảm của ngân sách càng được hun đúc bởi chiến dịch dùng tiền ngân sách xây tượng đài và trụ sở hành chính vào năm 2015, bất kể “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng” như một trần thuật của Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, cũng chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đang bao che cho chính phủ khi cho rằng tỷ lệ bội chi ngân sách 6.1%/GDP dù cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội song vẫn nằm trong giới hạn mà Quốc hội đã thông qua.
Lý giải về việc tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 cao hơn so với Quốc hội phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm so với số đã báo cáo Quốc hội là 291.1 nghìn tỷ đồng, còn trên thực tế con số bội chi vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt là 256 nghìn tỷ đồng (Bao gồm 226 nghìn tỷ đồng đã và 30 nghìn tỷ đồng tăng thêm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được Quốc hội thông qua).
Thế nhưng nghịch lý rất lớn trong giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu như quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm thì làm sao tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2015 vẫn được chính phủ báo cáo là trên 6.5% - một con số rất cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái năm thứ 8 liên tục, kể từ năm 2008.
Có vẻ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm nên công tích giấu đầu lòi đuôi: rốt cuộc các cơ quan Việt Nam đã không thể che giấu được sự thật về “tăng trưởng GDP” và “kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực”.
Phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào tháng 2/2016 đã diễn ra thật sự căng thẳng về vấn đề ngân sách. Con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20%/năm. Đồng thời, năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp số doanh nghiệp phá sản và phải ngừng hoạt động tăng liên tục…
03/12/2016 - 17:13
Lê Dung / SBTN