Tuesday, April 30, 2024

Việt Nam còn gì, sau 49 năm dưới sự cai trị của cộng sản?

T.N/SGN

 Kayla Ng

30 Tháng Tư, một ngày được tung hô từ Nam chí Bắc nhưng cũng đem lại sự xót xa đau đớn, đem theo những kỷ niệm đen tối ùa về.

Giờ đây, đến ngày 30 Tháng Tư, giới trẻ chỉ nghĩ về những kỳ nghỉ, bàn nhau coi nên đi đâu, chơi gì. Năm nay cũng là một kỳ nghỉ nhiều ngày, khiến không khí càng nhộn nhịp, xe cộ càng chật kín các con đường quốc lộ.

Cũng những ngày này, tôi lặng ngồi một góc nghĩ về chuyện những chuyến tàu vượt biên. Những chuyến tàu cũng đông đúc, chất chội, chất đầy sự lo lắng và sợ hãi. Tôi còn quá trẻ, lại không từng trải qua, tôi sao mà hiểu hết những đau khổ ngày đó.

Chỉ là mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của con tàu vượt biên, mỗi khi nghe kể về chuyến đi định mệnh như vậy lồng ngực tôi luôn thắt lại, cổ họng thì nghẹn ứ. Tôi nghĩ phải tới mức nào, phải bị chèn ép, bị đàn áp tới mức nào người ta mới chọn rời bỏ quê hương, lênh đênh trên biển đối mặt với sống chết, đối mặt biết bao khó khăn không thể lường trước được.

Trong một lần học Tiếng Anh, tôi vô tình xem được một đoạn video có cậu nhóc tên Tâm được nước Mỹ đón nhận, lớn lên ở Mỹ, đang nói tiếng Mỹ, đang ăn cùng với gia đình người Mỹ, đang được họ quan tâm hỏi han về chiến tranh Việt Nam nhưng cậu ta lại “sửa lưng” họ, và nói đó là “American war.”

Lớn lên ở Mỹ nhưng tư tưởng của cậu ta lại rất Việt Cộng. Tôi tự hỏi nếu có những năm tháng lớn lên với chế độ đã xua đuổi gia đình cậu ra biển, liệu cậu sẽ có cái nhìn khác?

Tôi, một người sống 49 năm của các gọi là “thống nhất” chợt phẫn nộ. Và tôi cũng tự hỏi những người thuộc thời đại VNCH họ suy nghĩ gì? Những người từ bỏ quê hương đang bị chiếm đoạt bởi cộng sản, vẫn im lặng và từ chối tranh luận từ những kẻ ngu dốt, những kẻ nhắm mắt nghe tuyên truyền.

Tôi tự hỏi vì cái gì mà thằng bé tên Tâm đó lại có sự vênh váo như vậy? Vì nó căn cứ trên những giá trị của quyền tự do ngôn luận ở nước Mỹ mà nó được vẫn “dùng” hằng ngày. Nhưng nó sẽ không bao giờ biết được những người như tôi chỉ thấy cái quyền đó trong mơ. Người Việt tỵ năm 1975 chỉ là tị nạn chính trị. Còn ngày nay người Việt phải “tị nạn” kinh tế, “tị nạn” môi trường, “tị nạn” văn hóa, “tị nạn” giáo dục… Tất cả đều ra đi vì những giấc mơ.

Người Việt phải tị nạn mọi mặt, chứng tỏ đất nước đã trống rỗng, đã không còn gì nữa rồi. Nếu dựa vào những giá trị của VNCH trước năm 1975 chúng ta, có thể ngẩng cao đầu trước bất kỳ Quốc gia nào. Đáng tiếc rằng những thứ ngày hôm nay còn lại đang mục ruỗng, thậm chí còn sản sinh những thế hệ mới dị dạng, hung tợn.

Cái hiện rõ trong mắt mọi người, đó là sự kiêu ngạo của người cộng sản Bắc Việt. Họ tự cho họ là thượng đẳng, mọi việc họ làm, mọi thứ họ biết đều là đúng đắn, họ tự chối tìm hiểu, từ chối kiểm chứng.

Điều thứ hai là xã hội độc tài cộng sản, đã khiến người Việt Nam chạy theo thói bợ đỡ, liêm khiết giả tạo để che đậy thói tham tàn. Kế đến, là hoa trái từ chính cây trồng của cộng sản: nhưng thế hệ trẻ vô năng chiếm chỗ, giỏi thuyết giáo tuyên truyền và thích được tung hô. Nhân tài thật của đất nước thì không có đất dụng võ.Gần nửa thế kỷ trong sự kiểm soát của cộng sản, điều quan trọng nhất đã bị hủy hoại chính là con người và văn hóa. Mọi thứ đang mất đi, hình ảnh người Việt ở các nước đang tệ hại dần và không còn những điều tốt đẹp như đã được tạo dựng từ thời VNCH.

Trong bàn tay cộng sản, đất nước thành bãi hoang kiêu hãnh.

Nhìn lại ngày Quốc Hận 30-4, để hy vọng ở tương lai

 Phan Đức Minh/SGN

Đoạn đường trước khách sạn Continental ở Sài Gòn năm 1975 (trái) và năm 2015. (Hình: Taylor Weidman/Getty Images)

Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư lại đến. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại, dù biến cố lịch sử đau thương, mất mát lớn lao ở mức độ kinh hoàng cho Nam Việt Nam, không thể nào nói lên hết bằng vài ba trang giấy.

-Ngày 6 Tháng Giêng: Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về phía Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau “Mùa Hè đỏ lửa” từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị năm 1972, Phước Bình là thị trấn đầu tiên của Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm.

Không Quân VNCH thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 của Liên Xô. Sự thiếu vắng phản ứng quân sự của Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia của cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam.

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn và Bộ Chính Trị của Đảng CSVN quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

-Ngày 28 Tháng Giêng: Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford , yêu cầu Quốc Hội tăng thêm quân viện cho Nam Việt Nam và Campuchia với ngân khoản $522 triệu. Lúc này, quân cộng sản Bắc Việt có mặt tại Nam Việt Nam tới mức 289,000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Xô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững “một tiền đồn chống cộng” ở Đông Nam Á Châu, ngân khoản $522 triệu có là bao so với những năm trước đó là mỗi năm vài tỉ đôla. Thế nhưng cũng không xong.  Người ta đã phải bỏ cuộc mà ra đi cho rồi.

-Ngày 5 Tháng Hai:  Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng  vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.

-Ngày 10 Tháng Ba: Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến , với phương tiện chiến  tranh hiện đại của Liên Xô và Trung Quốc, tấn công Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

-Ngày 14 Tháng Ba: Sau khi họp bàn với một số tướng lãnh và nhân vật thân cận, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I, Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cửa ngõ, quyết định sự sống chết của Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả, trong khi các lực lượng chiến đấu của 2 Quân Đoàn (Army Corps) CNCH Việt Nam rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản.

-Ngày 24 Tháng Ba: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Hà Nội giao cho tướng Văn Tiến Dũng một “thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào Tháng Năm. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

-Ngày 25 Tháng Ba: Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật đảng phái vào dịp Tết Mậu Thân 1968, nên kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly của Trung Cộng và đại bác 130 ly của Liên Xô.

Ông Thiệu ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt VNCH, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản.

Tới lúc này mà còn hy vọng Mỹ trở lại cứu VNCH, thì làm sao cho tướng Ngô Quang Trưởng tuân lệnh được đây!Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông  Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21 –Tháng Chín 1973. Kế theo đó, ngày 12 Tháng Mười 1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc (sau bài học cay đắng tại Việt Nam).

Dân thường và quân đội lên thuyền Hải Quân trong cuộc sơ tán thành phố Huế ở miền Nam Việt Nam vào ngày 26 Tháng Ba năm 1975. (Hình: UPI/Bettmann Archive/Getty Images)
Ngày 29 Tháng Ba: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn một viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc, đau đớn chia lìa trong máu và nước mắt…
Tôi, lúc đó kẹt lại Đà Nẵng, nên cùng bạn bè đi tù cải tạo. Trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hoả tiễn Trung Cộng cầy nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không có, tầu Hải Quân VNCH từ trong Nam kéo ra bãi Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng người trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tàu bằng đủ mọi cách, gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chiếc lá mùa thu.
Tôi nói với Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhảy dù: “ Không đi bằng cách này được! Mấy đứa trẻ sẽ chết hết! “ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân đàn em, lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tàu Mỹ.
Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương chĩa vào thuyền: thuyền ra là bắn hết ! Cả hai chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người!
Trong khi bạn bè cùng cảnh ngộ chỉ bị giam giữ năm, bảy năm là được thả, riêng tôi đi tù cải tạo 12 năm, 16 ngày. Thật là kinh khủng!
Tôi đã từng sống trong nhà tù của Pháp, từng đi thanh tra trại tù của VNCH, coi trại tù của Mỹ qua truyền hình, báo in, báo điện tử, nhưng chưa thấy có thứ trại tù nào ghê gớm, kinh khủng, ác ôn, tàn bạo như nhà tù của cộng sản.
Điều an ủi cho tôi, là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của hai Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I và Toà án Quân Sự Thường Trực Đà Nẵng còn có mặt, tôi ra lệnh mở cửa nhà tù, phóng thích vô điều kiện tất cả hơn 700 quân phạm, bất kể sĩ quan hay binh sĩ, tiểu hay đại hình, xếp hàng, cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến. Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả!
-Từ ngày 6 Tháng Tư: Hai Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH, cùng với một Lữ Đoàn nhảy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang để hy vọng đánh trận phản công.
Cộng sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhảy dù nên để cho tình hình yên tĩnh ba ngày. Thế là Lữ Đoàn nhảy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giữa Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo với hai Sư Đoàn quân Bắc Việt.
Thay thế cho Lữ Đoàn nhảy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó một đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 của Liên Xô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.
-Ngày 7 Tháng Tư: Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót của cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.
-Ngày 8 đến 21 Tháng Tư: Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão của hai Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này. Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhảy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện.
Chỉ mang theo vài thứ trên lưng, một gia đình khóc trên đường chạy loạn khi đi bộ dọc theo Quốc Lộ 1, cách Nha Trang 27 dặm về phía bắc hướng tới Qui Nhơn. Ước tính có khoảng 1.5 triệu người bị mắc kẹt ở Đà Nẵng, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản năm 1975. (Hình: Getty Images)
Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này hai sư đoàn nữa là bốn sư đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt. Đánh chiếm miền Nam mùa Xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt của quân đội VNCH.
Cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1 trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phía chính họ. Ngày 21 Tháng Tư, Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 VNCH không muốn hy sinh trong thế tuyệt vọng, cả Sư Đoàn 18 Bộ Binh anh dũng, thiện chiến trong hoàn cảnh bất lợi về tất cả mọi mặt nên đã ra lệnh cho Sư Đoàn này rút khỏi phòng tuyến đang trấn giữ.
Bị áp lực từ nhiều phía, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Hương để ra ngoại quốc, bỏ lại đằng sau: Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào của Ông, là những gì thiêng liêng mà ông từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức, cũng như trong các dịp Quốc Lễ là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng.
-Ngày 23 Tháng Tư: Tại Hoa kỳ, Tổng Thống Gerald Rudolph Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt. Dư luận hiểu rằng chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và tháo chạy bằng mọi giá, trong khi Liên Xô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ “Dứt điểm tiền đồn chống cộng của Mỹ tại Á Châu.”
-Ngày 28 Tháng Tư: Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm Tháng Mười Một năm 1963.
Cộng sản không mạnh bằng Mỹ về vũ khí chiến tranh nhưng với tinh thần cuồng tín, liều mạng và hầu như luôn giữ thế tấn công trên các mặt trận, trong khi Mỹ quá mạnh nhưng luôn ở trong thế thụ động với các mục tiêu, đồn bót rõ ràng nên thế thuận lợi lại luôn nghiêng về phía cộng sản.
Người dân trèo lên xe buýt chở người di tản vào Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, trong khi hàng trăm người chen chúc quanh cổng, cố gắng chen vào để tham gia cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29 Tháng Tư. (Hình: Getty Images)
-Rạng sáng ngày 30 Tháng Tư, quân cộng sản tiến vào Sài Gòn, vẫn còn gặp vài ổ kháng cự lẻ tẻ. Dương Văn Minh cứ yên trí theo bài bản đã nhận được từ “cấp trên” qua điện thoại, ra đón tiếp quân “giải phóng” và sau đó “xin bàn giao chính quyền.”
Buổi sáng hôm đó, cộng sản bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, nhưng dân chúng miền Nam không vui mừng, sung sướng, hạnh phúc mà lại xô nhau chạy đi mọi ngả, tìm cách thoát chạy khỏi chính quê hương, đất nước của mình để tránh họa cộng sản, bất kể mọi gian nguy, bị giết chóc, cướp bóc, hải tặc hãm hiếp, quăng  xác xuống biển…
Chính quyền mới truy lùng, tiêu diệt, bắt bớ những kẻ phục vụ cho chế độ cũ, nhân vật đảng phái chính trị, tống họ vào những trại tập trung cải tạo ở các vùng rừng núi âm u, hiểm hóc, cách biệt hẳn với xã hội loài người.
Nam Bộ là cái túi đựng người quá đông đảo mà lại không có rừng núi thích hợp cho việc thiết lập các trại cải tạo, vừa an toàn lại tiện cho việc khai thác có lợi nhiều, cho nên cộng sản mới phải đưa số đông “kẻ thù” của họ ra Bắc, tống lên các trại cải tạo vùng Thượng Du Bắc Việt.
Cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ, ngơ ngác nhìn Sài Gòn và Nam Việt Nam trong cảnh xác xơ, buồn thảm nhưng vẫn không làm mất, không che dấu được sự phồn thịnh, phát triển quá cao so với “thiên đàng hay địa ngục Bắc Bộ. Cộng sản lớn nhỏ thi nhau vơ vét tài sản vét của kẻ bỏ chạy, của nhân dân Miền Nam “tay sai Mỹ Ngụy” đem về Bắc như những chiến lợi phẩm.
Sau này, có cơ hội tiếp xúc với người thân ở Bắc Việt Nam, từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cộng sản thời gian này, tôi được biết mật lệnh của cộng sản Hà Nội lúc đó có những điểm rất kinh khủng: bắt nhốt hết mọi kẻ có khả năng chống cự, nổi dậy sau này, tịch thâu mọi loại vũ khí có tầm sát hại tập thể hay cá nhân, khi có dấu hiệu hay mầm mống biến động thì tất cả những kẻ ít nguy hiểm nhất cũng phải tập trung cải tạo.
Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Quân Đội VNCH nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi trở ngại, khó khăn, thiếu thốn. Miền Nam sụp đổ, nhiều Tướng Lãnh: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng… và nhiều sĩ quan cao cấp khác đã tự sát trong khung cảnh vô cùng oanh liệt, chưa từng có trong một quân đội, một quốc gia nào trên thế giới.
Hình ảnh những anh hùng vị quốc vong thân, đặt tại đài tưởng niệm trong khu Tượng đài Chiến sĩ Việt-Mỹ ở Little Saigon, thành phố Westminster, CA. (Hình: Paul Bersebach/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)
Họ không chịu đầu hàng hay để bị bắt làm tù binh. Hàng triệu quân nhân, viên chức chính phủ, nhân vật đảng phái chính trị bị nhốt vào các trại tù cải tạo khổng lồ nơi rừng thiêng, nước độc. Dân chúng ồ ạt bỏ nước ra đi, bỏ hết tài sản, không kể sống chết, thảm họa kinh hoàng trên biển cả… Tất cả là những vấn đề vượt quá khả năng và tầm tay của người Việt Miền Nam chúng ta. Chỉ có các đấng thiêng liêng, chỉ có lịch sử mới hiểu được mà thôi!
Điều đáng mừng cho chúng ta là càng ngày, dân chúng Hoa Kỳ cũng như thế giới loài người càng hiểu ra sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam (mà có những nhà chính trị, giáo sư đại học lẩm cẩm kêu là cuộc nội chiến, tức là người Việt Nam đánh lộn với nhau), một bài học đắt giá, quý báu cho người Việt, cho siêu cường quốc Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới.
Nước nhỏ yếu mà chỉ biết trông cậy, giao tất cả vận mệnh dân tộc mình vào tay một nước lớn mạnh khác lo hộ hoàn toàn thì nhiều chuyện nguy hiểm bắt buộc sẽ phải đến. Nước lớn, dù là Đệ Nhất Siêu Cường Quốc mà thiếu chung thủy, coi thường đồng minh, bạn bè, phản bội dễ dàng những người đã từng sống chết với mình trên cùng một chiến tuyến, coi thường Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế có thẩm quyền cao nhất để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ những rắc rối, tranh chấp điên khùng của loài người ngày nay có nhiều tham lam, ích kỷ, ưa dùng bạo lực, ít biết đến giá trị của hòa bình… thì không được đồng minh, bạn bè chân thành kính nể. Không lúc này thì cũng lúc khác, họ sẽ bị những thế lực thù địch khác, mà tất nhiên có nhiều kẻ thù lớn nhỏ, tìm cơ hội đánh cho những đòn chí mạng, thảm khốc, kinh hoàng.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai. Thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu nước trong cũng như ngoại quốc, với trình độ kiến thức, hiểu biết rộng rãi về “tiến trình của nhân loại,” hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là với niềm tự hào của một dân tộc tuy nhỏ bé, luôn luôn bị xâm lăng, thống trị dã man, tàn bạo, nhưng không bao giờ đánh mất Niềm Tin vào Tổ Quốc.
Việt Nam từng có những trang sử oanh liệt của Ngô Quyền, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ… sẽ mãi mãi muôn đời có mặt trong cộng đồng thế giới tự do, tiến bộ và thật sự văn minh.
(Tháng Tư, 2024 – San Diego)
-Ngày 24 Tháng Ba: Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn “Chiến dịch Hồ Chí Minh.” Hà Nội giao cho tướng Văn Tiến Dũng một “thời khoá biểu” phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu vào Tháng Năm. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tâ

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn và Bộ Chính Trị của Đảng CSVN quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó xảy ra vào năm 1976 mà thôi.

Hà Nội đã giàu có ra sao, sau ngày “giải phóng”?

 Nguyên Hồng/SGN

Một công an viên xét hỏi giấy tờ ở Sài Gòn vào năm 1978, trong giai đoạn “ngăn sông cấm chợ” (Photo by Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Bài viết dưới đây, là một ghi chép sống động về ý đồ cướp bóc, thù hằn của những người lãnh đạo miền Bắc, sau 1975, được nhà văn Nguyên Hồng ghi lại. Đây có thể coi là một tư liệu lịch sử sống động về những ngày mà Hà Nội vẫn nói thế giới rằng họ đã “giải phóng” miền Nam khỏi ách nô lệ của Đế Quốc Mỹ. Bài viết có tựa gốc là  “Đỗ Mười và chiến dịch đánh tư sản X-3 tàn bạo ở miền Nam”, nhân 30 Tháng Tư 2024, xin phép được đăng tải, với tựa đề cho SGN đặt.

Chiều 21-3-1978, Hội trường của Trường đảng Nguyễn Ái Quốc II ở Thủ Đức như nghẹt thở. Mấy trăm cán bộ cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố phía Nam được triệu tập về đây từ hai, ba ngày trước. Ăn, ngủ ngay tại đây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, công an giám sát chặt chẽ. Tôi là phóng viên báo Tiền phong, Trung ương Đoàn trưng dụng làm “nhiệm vụ đặc biệt” cũng nằm trong số đó.

Nhiệm vụ đặc biệt gì không ai được biết. Qua vài thông tin rò rỉ, các “quân sư quạt mo” nhận định chuẩn bị đánh tư sản thương nghiệp, mật danh X-3, dưới sự chỉ huy của “Bàn tay sắt” Đỗ Mười và giờ G đã điểm! Khi đó, ông Đỗ Mười là Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công Thương nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa tại miền Nam.

Hôm đó, Đỗ Mười mặc chiếc quần Kaki màu cà phê đậm, chiếc áo sơ mi ngắn tay cùng màu, chân đi dép, khổ người khệnh khạng, mặt chữ “nãi”, trán ngắn đầy nếp nhăn, miệng cá trê, bờm tóc dựng trông rất dữ tợn. Tôi đã được nghe nói nhiều về tính bốc đồng, nóng nảy của Đỗ Mười, hôm đó được giáp mặt, quả đúng vậy.

Đúng như mọi người dự đoán, chiến dịch X-3 đã bắt đầu.

Đỗ Mười đọc Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100-CP, và triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đỗ Mười nói: “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. (Rất cần phải nhắc lại cái kế hoạch X-1 do hung thần Đỗ Mười đề xuất: Sĩ Quan “Ngụy” từ Trung úy trở lên, Công chức từ cấp Chánh sự vụ trở lên: “Tử hình!”. May mà tụi Pol Pot bên Campuchia làm quá nên bị cả thế giới nguyền rủa và lên án nên Cộng sản Việt Nam mới chùn tay). Đã thực hiện X-2 đánh bọn Tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ Chủ nghĩa Tư bản, tay sai đế quốc Mỹ, diệt triệt để, diệt không nương tay… ông vừa nói vừa chém tay vào không khí.

VIETNAM – Ngay những ngày đàu tiên đặt chân vào miền Nam, tình trạng vơ vét của cải của người dân miền Nam đã diễn ra (Photo by Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)
“Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn Tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta. Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm (nhưng hỡi ôi, đúng là nhà nước vét hết để chở ra Bắc vì dân Bắc sống sung sướng trong thiên đường XHCN nên các cửa hàng trống rỗng, thực phẩm phải mua bằng tem phiếu, vải được phân phối mỗi năm 4 mét/người). Chính là bọn Tư sản thương nghiệp! Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? Chính là bọn đầu nậu lúa gạo (thực ra chính CS đã đầu nậu). Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? Chính là bọn Tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa của Đảng ta…”.
Đỗ Mười nói say sưa, hùng hồn, quyết liệt. Mép sủi bọt. Tay vung vẩy. Mồ hôi trán đầm đìa. Lúc đầu mặc quần áo nghiêm chỉnh, sau một hồi diễn thuyết khoa chân múa tay, Đỗ Mười bật nút áo sơ mi phanh ngực ra. Cuối cùng cởi phăng cái áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi, trên người ông chỉ còn mỗi chiếc áo may ô ba lỗ.
Đỗ Mười vẫn hăng nói: “Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn…”.
Bầu không khí ngột ngạt và kích động muốn nổ tung hội trường. Sức nóng từ Đỗ Mười truyền đến từng người. Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng cười tiếng nói hả hê. Những gương mặt hừng hực khí thế “xung trận”.
Xin đừng ở vị trí hôm nay phán xét những người trong cuộc ba mươi lăm bốn mươi năm trước, thời điểm đó tư duy của mọi người khác bây giờ, nhất là tư duy của những cán bộ đảng viên vốn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách của Đảng. Những người mà Đảng bảo sao cứ làm đúng phóc như vậy. Hãy bình tĩnh nhìn lại một cách trung thực, khách quan, để thấy một phần nỗi đau của mình, bạn bè mình, dân tộc mình, nỗi đau từ sự ấu trĩ, nóng vội, làm ào ào, đặt trái tim không đúng chỗ ngay từ khởi đầu!
Đỗ Mười kết thúc buổi triển khai chiến dịch X-3, bằng mấy cái chém tay như có ‘thượng phương bảo kiếm’: “Anh nào, chị nào nhụt ít chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn-sê-vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”
Chúng tôi ra về với một tâm trạng nặng nề, mang theo lời cảnh tỉnh “Tuyệt đối bí mật”.
Những người lính Bắc Việt ngượng ngùng trên chiếc xe máy lần đầu tiên trong đời, vừa lấy được (Photo by Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)
Nhưng hình như linh tính đã báo điềm chẳng lành cho thành phố Sài Gòn. Đó là cảm giác của tôi khi chạy xe máy từ cầu Công Lý lên cảng Bạch Đằng vòng qua Chợ Lớn. Người dân đổ ra đường nhiều hơn, vội vã, tất tưởi, gương mặt thất thần, nhiều tốp người tụm nhau bàn tán. Người ta nháo nhào đi mua từng cân muối ký gạo, như sắp chạy càn. Người dân thành phố vốn nhạy cảm và đó lại là cảm giác đúng: Thủ tướng nào thì chưa biết, nhưng trước hết phải lo thủ lấy miếng ăn!
Bảy giờ sáng hôm sau, ngày 23-3-1978, tất cả các cửa hàng kinh doanh to nhỏ, đủ mọi ngành nghề, ngóc ngách, đóng cửa, án binh bất động theo lệnh của Ủy ban Nhân dân thành phố (UBND) Hồ Chí Minh. Một bản thông báo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký được ban hành ngay sau đó, xác nhận “Chiến dịch X-3”, bắt đầu ở thành phố “mang tên Bác”.
Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ bị niêm phong. Danh sách đã được lên từ trước! Họ làm bí mật lâu rồi. Như một trận đánh giặc đã được trinh sát, điều nghiên tỉ mỉ, chính xác. Các tổ công tác ập vào từng điểm bất ngờ, nhanh chóng niêm phong tài sản, khống chế mọi người trong gia đình nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi điểm niêm phong có tối thiểu một tổ ba người, không cùng cơ quan, không quen biết nhau. Họ là thanh niên xung phong, thanh niên công nhân các nhà máy, sinh viên các trường đại học, cả những thanh niên các phường được huy động vào chiến dịch.
Ngay buổi chiều hôm ấy một cuộc mít tinh tuần hành từ Nhà văn hóa Thanh niên do Thành đoàn tổ chức. Hàng ngàn học sinh, sinh viên rầm rộ xuống đường, diễu hành khắp các phố chính Sài Gòn, Chợ Lớn, hoan nghênh chính sách cải tạo công thương nghiệp của Đảng, đả đảo bọn gian thương! Suốt đêm Câu lạc bộ Thanh niên vang lên bài ca “Tình nguyện”, “Dậy mà đi”. Khi chống Mỹ sinh viên học sinh hát những bài hát ấy, giờ cũng hát những bài hát ấy để tăng bầu nhiệt huyết đánh tư sản!
Ngày 26-3-đ1978, cô công nhân Nguyễn Thị Bé B. ở nhà máy dệt Phong Phú được kết nạp Đoàn vì từ chối nhận một món quà của một cơ sở kinh doanh mà cô canh giữ. Tiếp theo một trường hợp tương tự, anh thanh niên Vũ Ngọc Ch. ở nhà máy dệt Thắng Lợi.
Mấy ngày sau tiếng trống ở trường Trần Khai Nguyên quận 5, vang lên, như trống trận. Đó là nơi tập trung của 1.200 thanh niên học sinh người Hoa xuống đường ủng hộ chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, người dẫn đầu là cô học sinh lớp 11, có gương mặt búp bê, mái tóc cắt ngắn: Lý Mỹ.
Lý Mỹ là con gái một gia đình kinh doanh buôn bán, có một cửa hàng ở đường Cách mạng Tháng Tám, quận 10. Khi X-3 nổ ra, Lý Mỹ mới 17 tuổi, được tổ chức Đoàn tuyên truyền giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, được kết nạp Đoàn khóa 26-3, được nghe đích thân Đỗ Mười nói chuyện về chính sách cải tạo công thương nghiệp. Trái tim non trẻ của cô học sinh mười bảy tuổi như sôi sục bầu máu nóng đấu tranh giai cấp, cô đã chọn đối tượng để đấu tranh: đó chính là cha mẹ mình!
Lý Mỹ vận động thuyết phục cha mẹ kê khai tài sản, cha mẹ chần chừ, cô trực tiếp đứng ra kê khai. Cô theo dõi bố mẹ cất giấu vàng bạc, của cải, báo cho tổ kê khai moi móc ra bằng hết. Lý Mỹ phát biểu trên báo: “Tinh thần Pavel Corsaghin sáng chói trong trái tim tôi! Tôi không cần vàng bạc, của cải, cha mẹ tôi bóc lột của nhân dân. Từ hôm nay tôi từ bỏ giai cấp bóc lột, bước sang cuộc sống mới, hòa vào dòng người lao động vinh quang xây dựng xã hội chủ nghĩa” (Báo Tiền phong số 40,1978).
Khi cha mẹ vật vã than khóc, và dọa ra nước ngoài, Lý Mỹ tuyên bố nếu cha mẹ xuất cảnh, cô sẽ ở lại một mình, chấp nhận cuộc sống cô đơn để cống hiến cho lý tưởng Cộng Sản!
Không phải chỉ có một Lý Mỹ, mà hàng trăm “Lý Mỹ” như vậy. Những “Lý Mỹ” được sinh ra nóng hổi dưới lá cờ Đoàn thanh niên Cộng sản Hổ Chí Minh, và qua sự khích động của Đỗ Mười.
Trong cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc có con tố cha mẹ, vợ tố chồng, bạn bè tố nhau. Những cán bộ từng hoạt động bí mật trong chiến tranh, được những gia đình buôn bán, giàu có bao bọc, giờ quay ngoắt lại tịch thu tài sản ân nhân của mình. Những tính từ bọn, đồng bọn, “tên tư sản”, “con buôn” thay danh từ ông, bà, anh, chị. Gần ba chục năm trước, người bị quy là địa chủ, phú nông xấu xa thế nào, thì 1978, người bị gọi là tư sản, con buôn xấu xa như vậy. Người ta, vì ngu dốt như Đỗ Mười, đã phủ nhận một tầng lớp tiên tiến của xã hội, nhục mạ tầng lớp đó, đào hố ngăn cách giữa các tầng lớp nhân dân, và kéo lùi sự phát triển của đất nước, đó là một sự thật lịch sử cần ghi nhận.
Chiến dịch X-3 ở thành phố Hồ Chí Minh đã đánh gục 28.787 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “Khi tôi làm Trưởng ban Cải tạo trung ương, tìm hiểu và dự kiến Sài Gòn, Chợ Lớn có khoảng 6.000 hộ kinh doanh buôn bán lớn. Khi Đỗ Mười thay tôi, anh ấy áp dụng theo quy chuẩn cuộc cải tạo tư sản Hà Nội từ năm 1955, nên con số mới phồng to lên như vậy” (Nguyễn Văn Linh, “Những trăn trở trước đổi mới”).
Đỗ Mười đưa hàng ngàn hộ tiểu thương, trung lưu vào diện cài tạo, gộp luôn những hộ sản xuất vào đối tượng đó.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “Anh Mười không trao đổi với chúng tôi. Anh ấy có ‘thượng phương bảo kiếm’ trong tay, toàn quyền quyết định”.
Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban Cải tạo ngày 16-2-1978. Trong chiến dịch X-3, Đỗ Mười không sử dụng người của Nguyễn Văn Linh mà đưa hầu hết cán bộ từ miền Bắc vào nắm giữ những vị trí quan trọng. Đồng thời Đỗ Mười bố trí cán bộ các ngành thương nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp nhẹ, kho hàng vào tiếp quản. Đỗ Mười đóng đại bản doanh ở Thủ Đức, trực tiếp chỉ đạo, không tham khảo bất cứ ý kiến ai trong cơ quan lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên của TTXVN khoe đi vào Nam làm phóng sự chiến tranh, trên những chiếc xe máy lấy được ở Đà Nẵng (TTXVN)
Kết quả X-3, với “công lao to lớn” của Đỗ Mười, thu được khoảng hơn 4.000 (kg) vàng, gần 1.200.000 đô la, và một khối lượng hàng hóa không thống kê hết. Từ chiếc xe hơi, TiVi, tủ lạnh, đến bịch bột giặt, quả trứng gà… đều khê khai và tịch thu chất trong các kho, để rồi không cánh mà bay, hoặc biến thành phế thải.
X-3, cú đòn trời giáng cuối cùng, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Thành phố chết”, đẩy thêm dòng người bỏ đất nước ra đi bất chấp hiểm nguy, bao nhiêu số phận đã rã rời trên biển sâu. Năm 2005, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận: “Trong các chiến dịch Cải cách ruộng đất và Cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế”.
Có lần chúng tôi hỏi nhà báo Trần Bạch Đằng: “Hình như trong 63 năm tham gia cách mạng và làm lãnh đạo, Đỗ Mười không để lại một tác phẩm nào?”. Ông Trần Bạch Đằng chớp mắt nhếch cái miệng méo xẹo: “Cha ấy để lại cho đời tác phẩm cải tạo công thương nghiệp, biến Sài Gòn và miền Nam thành những vùng đất chết!”.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ kể: “Một lần anh Mười xuống Hải Phòng, tôi và anh Nguyễn Dần dẫn anh ấy đi thăm nhà máy đóng tàu. Đi ngang Quán Toan thấy cái nhà hai tầng, anh Mười hỏi: “Nhà ai đây?” tôi trả lời: “Dạ nhà anh Bút lái xe”, anh Mười nói: “Nếu tôi mà là Bí thư, Chủ tịch thành phố tôi sẽ tịch thu ngay cái nhà này làm nhà mẫu giáo!”.
Đỗ Mười là người đố kỵ với Võ Nguyên Giáp, không biết vì ghen ghét tài năng hay nguyên nhân gì. Ông Đoàn Duy Thành kể: “Chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, anh Mười gọi tôi tới, nêu vấn đề anh Văn năm 16 tuổi được thực dân Pháp cho sang Pháp học 6 tháng. Rồi anh Mười bảo, về nói cho đoàn đại biểu Hải Phòng biết, và những ai quen biết ở các đoàn khác cũng nói cho các đồng chí ấy biết. Tôi hỏi anh Trường Chinh, anh Trường Chinh bảo: “Võ Nguyên Giáp năm 1941-1942, kể cả việc làm con nuôi Martin trùm mật thám Đông Dương là chuyện bịa hết! Anh Mười, anh ấy rất võ biền. Các cuộc họp tôi nói, anh ta thường chặn lời tôi…” (hồi ký “Làm người là khó”).
Ông Nguyễn Văn Linh trong một lần hội nghị ở T78 đã nói thẳng với Đỗ Mười: “Anh Mười tưởng rằng làm Ủy viên Bộ chính trị là to lắm, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn phê bình ai cũng được. Đỗ Mười đứng dậy nói: “Tôi nói đó là tinh thần Bôn-sê-vich” (“Làm người là khó”).
Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “Có lần tôi hỏi anh Tô (Phạm Văn Đồng): “Còn Đỗ Mười thì sao?”. Anh Tô suy nghĩ hai ba phút rồi nói: “Chỉ có phá!”.
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất đúng với trường hợp cải tạo công thương nghiệp. Cũng đúng thôi, vì ông Mười xuất thân từ nghề hoạn lợn thiến heo sau đi theo cách mạng. Ông đâu có được học hành gì, bởi thế những suy tư và hành động của ông là suy tư và hành động của những tên lưu manh, vô lại, khi bỗng nhiên có chức, có quyền.
Năm nay Đỗ Mười hơn chín chục tuổi rồi. Nghe nói vẫn phải nuôi con mọn do cô hộ lý sinh ra và nghe nói là con của ông??? Không biết có đúng không, và nếu đúng, tương lai nó sẽ ra sao? Cầu trời, nó đừng như những “đứa con” sinh ra từ cuộc cải tạo công thương nghiệp 1978 như Lý Mỹ!