Wednesday, July 12, 2017

Tội phạm gia tăng, công an Sài Gòn ‘siết’ đường phố sau 9 giờ tối

Cảnh sát giao thông được quyền kiểm tra tất cả người đi đường nếu thấy “nghi ngờ.” (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cứ 9 giờ tối mỗi ngày, tổ công tác đặc biệt của công an thành phố Sài Gòn sẽ “siết” tất cả người dân đi đường, bắt dừng xe để kiểm tra giấy tờ và cốp xe nếu “nghi ngờ.”
Trước tình hình tội phạm gia tăng, Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ-Đường Sắt, Công An thành phố Sài Gòn, phối hợp với các lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, công an các quận, huyện… thực hiện đợt kiểm tra tăng cường trên đường phố bắt đầu từ Tháng Sáu, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Theo đó, từ 21 giờ mỗi ngày, tổ công tác có thể yêu cầu tất cả người đi đường dừng xe để kiểm tra hành chính. Lực lượng này được kiểm tra cốp xe, được yêu cầu xuất trình giấy tờ phải đủ cả bốn loại giấy: căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy chủ quyền và bảo hiểm xe.
“Với quy định này chắc tôi sẽ là người dễ bị chặn lại kiểm tra vì tôi có vẻ ngoài hơi giống giang hồ, vừa có xăm hình, tóc dài, dáng ốm như người nghiện. Việc này có thể giúp phụ nữ an tâm hơn khi về trễ vì đường có nhiều công an. Song theo tôi chỉ nên áp dụng 9 giờ tối cho vùng ven, còn các quận trung tâm nên là sau 10 giờ tối,” ông Trần Quyền, tiểu thương ở quận Phú Nhuận, nói.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về quy định trên, đại diện Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ-Đường Sắt, cho biết: “Mục đích là bảo vệ an toàn cho người dân. Đặc biệt là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, các đối tượng tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí, hung khí. Tuy nhiên, không phải bất cứ người dân nào lực lượng công an cũng kiểm tra, mà chỉ nhắm đến các tốp thanh thiếu niên chạy xe dàn hàng ngang từ hai xe trở lên, nhuộm tóc, xăm mình, có biểu hiện sử dụng ma túy, rượu bia…”(Tr.N)

Chính quyền Nghệ An ‘đẻ’ thêm nhiều khoản để tận thu tiền dân

Một góc xóm Chùa, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. (Hình: Báo Thanh Niên)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Dù đã có các “khoản thu tự nguyện,” nhưng chính quyền huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vẫn cố tình “đẻ” ra thêm nhiều “khoản thu nghĩa vụ” trở thành gánh nặng cho dân nghèo.
Trong các “khoản thu nghĩa vụ” năm 2017 đối với người dân, ủy ban xã Mã Thành quy định đến chín danh mục thu quỹ gồm quỹ phòng chống lụt bão; quỹ bảo trợ trẻ em; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ an ninh quốc phòng; quỹ vệ sinh môi trường; quỹ giao thông; quỹ xây dựng trạm y tế; quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia và quỹ thú y, với tổng số tiền lên đến 435,000 đồng/người.
Gia đình ông Trần Thế Thành, ở xóm Chùa Sơn, xã Mã Thành, có tám người, trong đó sáu người ở tuổi lao động. Theo thông báo của xóm, gia đình ông phải đóng gần 2 triệu đồng, cộng với khoản nợ năm 2016 thì phải nộp hơn 7 triệu đồng.
Theo ông, trong các khoản thu, có những khoản là tự nguyện nhưng xã đều bắt buộc đóng là không đúng. Nhiều khoản thu do xã đưa ra không rõ ràng. “Ví dụ, quỹ thú y thu là không đúng, vì khi tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, các gia đình đều nộp phí cho cán bộ thú y, chưa kể nhiều nhà không chăn nuôi vẫn bị thu. Quỹ xây dựng trường chuẩn, quỹ xây dựng trạm y tế xã chưa có kế hoạch xây dựng mà vẫn thu là khó chấp nhận được,” ông nói.
Tương tự, nhà ông Lê Văn Nhiệm, xóm Chùa Sơn, có sáu người nên năm 2017 cũng phải đóng cho xã các loại quỹ với tổng số tiền 1.85 triệu đồng, chưa kể hơn 1.2 triệu đồng nộp cho xóm với các loại quỹ thủy lợi, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn.
“Với quỹ nâng cấp trạm y tế thì kế hoạch nâng cấp trạm chưa có, vì vậy việc xã thu tiền để góp vốn với mức thu mỗi lao động 100,000 đồng/năm là gánh nặng cho dân,” ông dẫn chứng.
Tại xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, ngoài các loại quỹ trên, người dân còn phải “gánh” thêm hai khoản thu của xã và xóm về quỹ giao thông. Mỗi người dân trong độ tuổi lao động phải đóng cho xã 150,000 đồng/người và đóng cho xóm 450,000 đồng/người.
“Nhà tôi có ba người trong tuổi lao động, riêng quỹ giao thông cho xã và xóm đã phải đóng 1.8 triệu đồng, chưa kể các khoản khác,” ông Hồ Sĩ Sơn, xã Hùng Thành, nói.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Trần Văn Trung, chủ tịch xã Hùng Thành, cho biết ủy ban đã dựa vào nghị quyết của Hội Đồng Xã để thu. Quỹ giao thông thu cao do xã đang cần huy động sức dân để làm giao thông nông thôn và sẽ thu quỹ này đến năm 2021 khi làm xong hệ thống cầu cống.
Còn ông Trần Đình Cảnh, phó chủ tịch xã Mã Thành, cho rằng các khoản thu này đều được Hội Đồng Xã thông qua, nhằm “đón đầu để làm vốn đối ứng khi có dự án xây dựng vì ngân sách xã không có.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hà, phó chủ tịch huyện Yên Thành, cho biết theo quy định, năm 2017 chỉ còn quỹ phòng chống thiên tai là bắt buộc, còn các loại quỹ khác thu theo tinh thần tự nguyện.
“Năm nào, huyện cũng chỉ đạo các xã thu đúng quy định, không được ép người dân. Huyện sẽ kiểm tra và giải quyết nếu các xã tự đặt ra các khoản thu trái quy định,” ông nói sau khi được nhà báo phản ánh. (Tr.N)

Chính quyền Quảng Nam muốn ‘gây thêm họa’ ở vùng hay động đất

Tháng Chín, 2016, một van ống thủy điện sông Bung 2 bị vỡ khiến hai người chết mất xác; một ngôi làng là nơi cư trú của 400 gia đình ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị san thành bình địa. (Hình: Báo điện tử VietNamNet)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa gửi cho Hội Đồng Nhân Dân tỉnh này một tờ trình “đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My.”
Theo tờ Tiền Phong, diện tích chiếm đất của bốn dự án thủy điện vừa kể khoảng 145 hécta, trong đó có 60 hécta là đất rừng.
Báo điện tử VietNamNet cho biết, huyện miền núi Nam Trà My trong những năm qua được biết đến là nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất, đặc biệt là khu vực thủy điện sông Tranh 2.
Quảng Nam hiện có 32 dự án thủy điện nằm trong cái gọi là “quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ” và nếu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Quảng Nam gật đầu với đề nghị vừa kể thì con số dự án thủy điện vừa và nhỏ sẽ tăng lên thành 36.
Cần nhắc lại rằng, cả các chuyên gia lẫn những viên chức ở tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết các công trình thủy điện sẽ giáng họa xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, thành bình địa.
Theo báo Tuổi Trẻ, năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần Tháng Hai, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Đến hạ tuần Tháng Năm, ở Nam Trà My có thêm một trận động đất nữa với cường độ là 2.7 độ Richter.
Hồi trung tuần Tháng Chín, 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang, bị xóa sổ.
Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các quy mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…
Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người, đặc biệt là các sắc tộc thiểu số, tới tột đỉnh của sự bần cùng do không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20,000 hécta rừng.
Rất nhiều chuyên gia khẳng định, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Hồi Tháng Ba vừa qua, chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái.” Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, thủ tướng yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều “tác động bất lợi đến môi trường, xã hội.”
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài Nguyên-Môi Trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa.
Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do vừa kể cũng đã khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong “quy hoạch thủy điện” của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32.
Đáng ngạc nhiên là trong bối cảnh như vừa kể, khi họa thủy điện đã sờ sờ, chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn chìa ra “tờ trình” xin “bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ” nữa. (G.Đ)

Vụ "Thường vụ quốc hội 5 phút": Báo chí chỉ một màu tuyên giáo!

Trúc Giang-13-07-2017
(VNTB) - Những ai trong danh sách Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ngại sự có mặt của báo chí?
   Vì sao bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngại báo chí?

“Nhiều khi để anh em báo chí vào thì các đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích về lý do báo chí sẽ không được dự đầy đủ các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội như trước đây. Báo chí chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để phục vụ ghi hình.

Theo ông Phúc, mỗi ngày, Văn phòng Quốc hội sẽ có 2 bản thông cáo báo chí về vấn đề được thảo luận tại phiên họp để gửi cơ quan báo chí.

Thông cáo báo chí không phải là tin tức báo chí

Thông cáo báo chí là một văn bản ngắn, thường chỉ một trang, nhằm mục đích kêu gọi nhận thức và sự quan tâm tới một sự kiện hoặc một vấn đề có giá trị tin tức của doanh nghiệp/ tổ chức và ở đây là của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thông cáo báo chí được soạn theo một mẫu chung gửi đến tất cả mọi loại hình thông tin báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Như vậy, các báo sẽ chỉ có thể đưa tin tuyền một màu tuyên giáo mà Ủy ban thường vụ Quốc hội mong muốn.

Nguyên tắc chung của một thông cáo báo chí, là phải trả lời những câu hỏi sau đây: Tại sao sự kiện này lại quan trọng và nó trở thành tin tức bằng cách nào?; Những điểm chính là gì?; Có tài liệu nghiên cứu nào khác để thay thế thông tin đó không?; Thông tin có thể kiểm tra dễ dàng không nếu như phóng viên yêu cầu làm việc đó?; Ai là người có thẩm quyền phát biểu về vấn đề này và trả lời ngay tức khắc những thắc mắc của phóng viên, biên tập viên?

Như vậy, chắc rằng thông cáo báo chí mà ông Nguyễn Hạnh Phúc đề cập tới, chỉ dừng ở mức “định hướng tuyên truyền” mà các vị trong Ủy ban thường vụ Quốc hội mong muốn.

Những ai trong danh sách Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ngại sự có mặt của báo chí?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Uông Chu Lưu; Đỗ Bá Tỵ; Phùng Quốc Hiển.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện; Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Trần Văn Túy - Trưởng Ban Công tác Đại biểu; Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Tất cả 18 thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 đều là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 2 người là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12.

Vì sao bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngại báo chí?

Kể từ Quốc hội khóa XI (đầu những năm 2000), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Như vậy trước quy định “đóng cửa” báo chí của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cho thấy có ít nhất loạt vấn đề cần phải được làm rõ:

1. Đại biểu Quốc hội là do người dân bầu lên để đại diện cho tiếng nói của người dân và được người dân giám sát trong quá trình làm việc. Thường vụ Quốc hội là do đại biểu bầu lên. Nếu cấm cửa cơ quan truyền thông để cập nhật tin tức thì biết các vị đang làm gì bên trong?

2. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, giúp chuyển tải mọi thông tin từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài, cấm báo chí đồng nghĩa cấm dân biết tin tức, cũng có nghĩa dân không biết cuộc họp của Thường vụ Quốc hội đang bàn gì, làm việc nước hay việc riêng? Đây là nơi ban hành luật lại chưa thượng tôn luật.

3. Thật không ngờ, đến họp thường vụ Quốc hội cũng trở thành bí mật, dù Quốc hội là nơi thể hiện tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

4. Báo chí được phép vào năm phút đầu giờ? Như vậy là việc tuyên truyền công khai chỉ được phép đưa bằng hình ảnh...?!

5. Các đại biểu Quốc hội nói cái gì, bàn cái gì, không cho dân biết, giám sát; hạn chế việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì sao gọi là đại biểu cho nhân dân?

6. Hóa ra bấy lâu nay các đại biểu Quốc hội nhận lương từ dân, nhưng không làm hết trách nhiệm, không dám phát biểu hết ý kiến chỉ vì sợ báo chí? Thế nhưng, sợ báo chí hay sợ báo chí phản ánh những thông tin đúng về các phiên họp này?

Núi nợ gần 500 ngàn tỷ đồng, EVN sẽ thiêu thân tăng giá điện!

Minh Quân-13-07-2017
(VNTB) - Với lợi nhuận trước thuế năm 2016 của EVN vào khoảng 5 ngàn tỷ đồng, để trả hết nợ hiện thời, EVN sẽ phải liên tục tăng giá như thiêu thân hàng trăm năm nữa.
Quyết định tăng giá điện của Thủ tướng Phúc bị xem là tiếp tay lộ liễu cho EVN tàn hại dân sinh. 

Vào năm 2014, một con số hiếm hoi về nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được tiết lộ, theo đó EVN trở thành “quán quân” con nợ của ngân hàng với khoảng 140 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thành tích quán quân đó vẫn quá xa vời với thực tế chúa chổm của EVN.  

Đến cuối năm 2015, vào lúc nhiều thông tin cho biết Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng - nhân vật có nhiều biểu hiện “bảo kê” cho EVN trong hàng loạt vụ việc gây nghi ngờ về những khuất tất lớn của tập đoàn này, phải “nghỉ” sau Đại hội 12, thêm một con số nợ nước ngoài nữa của EVN được công bố: khoảng 9 tỷ USD.

Gần đây, một báo cáo của cơ quan chức năng đã xác nhận khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.

Nhưng vẫn còn xa với thực tế.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán vừa được EVN công bố cho thấy, cuối năm 2016 tổng nợ phải trả của Tập đoàn này đã tăng lên xấp xỉ 487 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 21 tỷ USD), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý là kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiển toán cho EVN đã nhấn mạnh rằng: Tại ngày 31/12/2016, Tập đoàn có một số nợ tiềm tàng. Điều đó đồng nghĩa rằng, số nợ thực của EVN có thể còn lớn hơn so với con số gần 487 ngàn tỷ đồng đã báo cáo.

Theo con số do EVN báo cáo, tỷ lệ nợ của EVN đã lên đến 70,3% trên tổng tài sản, gấp 2,37 lần nợ/vốn chủ sở hữu.

Vì sao EVN - doanh nghiệp độc quyền đã từng nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong nhiều năm với giá cao gấp 3 lần giá thành sản xuất trong nước - lại rơi vào cảnh chúa chổm như thế?

Có rất nhiều nghi ngờ về lối xài tiền vô tội vạ của tập đoàn này.

Vào năm 2014, một cuộc thanh tra của Tổng thanh tra chính phủ đã phát hiện không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” với nhân dân. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Cuối cùng, vụ việc này đã hoàn toàn chìm xuồng.

Những năm 2007-2009, EVN cũng là tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Các nhà máy thủy điện của EVN còn xả lũ lên đầu dân chúng vào năm 2013 mà gây ra đến hơn năm chục cái chết của dân nghèo… Nhưng tất cả những tội ác đó đã không bị một cấp nào xử lý.

Còn giờ đây, với số nợ gần 500 ngàn tỷ đồng, EVN đang là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi vì “thú tính” tăng giá điện bất chấp dân sinh. Chỉ riêng năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng đến 18,5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm được một phần lỗ của mình.

Với lợi nhuận trước thuế năm 2016 của EVN vào khoảng 5 ngàn tỷ đồng, để trả hết nợ hiện thời, EVN sẽ phải liên tục tăng giá như thiêu thân hàng trăm năm nữa.

Mới đây, Thủ tướng Phúc đã ký quyết định cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện 2 lần mỗi năm với mức từ 3 đến dưới 5%, Bộ Công thương được quyết tăng giá điện từ 5 - 10%.

Trong trường hợp “nhân đạo” nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá diện dưới 5% và được hai lần một năm, nghĩa là giá điện ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.

Còn kém “nhân đạo” hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công thương sẽ “trảm” dân. Nối tiếp truyền thống bao che thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bộ này sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để “kết quả dân chúng” bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20%!

Ngay lập tức, quyết định trên của Thủ tướng Phúc bị xem là tiếp tay lộ liễu cho EVN tàn hại dân sinh. 

Phải chăng báo chí lề phải đã hết đề tài để viết?

Đào Đức Thông

(VNTB) - Phải chăng báo chí lề phải ở Việt Nam ta đã hết đề tài để viết? Cớ sao cứ phải đeo bám mãi vụ án Đại Gia – Hoa Hậu? 

Tuyệt đại đa số báo chí Việt Nam đã quay lưng với nhà đấu tranh nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong lúc lại khai thác tỉ mẩn đến từng chi tiết đời tư của Phương Nga...


Nghịch lý đau lòng

Những ngày tháng qua, trong lúc cả nước Việt Nam đang bức xúc về việc các quan chức CS tham nhũng xây biệt phủ khắp nơi trong nước, sống xa hoa truỵ lạc. Nhà cầm quyền Việt Nam và đảng thì hàng ngày không ngừng hô hào phong trào vạch mặt bọn tham nhũng, lợi ích nhóm, bộ phận Tuyên Giáo không ngừng kêu gọi người dân Việt Nam cùng chống tham nhũng...  trong khi đó báo chí lề phải Việt Nam lại ào ạt khai thác tỷ mỷ từng câu từng chữ trong vụ kiện giữa Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga: một gã đàn ông chơi gái không sòng phẳng và một cô gái Việt vì tiền mà bán danh phẩm đạo hạnh.

Thử nhìn lại vấn đề của 2 bên:

Cao Toàn Mỹ - Một gã đàn ông ham vui mải chơi háo sắc, bủn xỉn và đê tiện cộng với tính hèn hạ không đáng nói trên đời, và hoàn toàn không đủ tư cách để được gọi là "đại gia" vì trên thế giới chẳng có người nào mang danh đại gia mà hèn như gã.

Trương Hồ Phương Nga- Một cô gái gốc Việt từng có thời gian sinh sống ở Liên Ban Nga nhưng không giữ được công dung ngôn hạnh của người Phụ nữ Việt Nam. Mang danh "hoa hậu" của một cộng đồng khoảng 70 ngàn người Việt Nam ở Nga (tại thời điểm PN được vinh danh Hoa Hậu), nhưng nếu lấy con số người đó so ra thì cũng chỉ tương đương với hoa hậu của một huyện nhỏ không có gì đáng nói.

Phải chăng báo chí lề phải ở Việt Nam ta đã hết đề tài để viết? Cớ sao cứ phải đeo bám mãi vụ án Đại Gia – Hoa Hậu? Xin lỗi những người làm báo chân chính nhưng không thể không đặt ra câu hỏi này!

Câu chuyện  về  gã Đại Gia “dỏm” và Hoa Hậu “bán dâm” thiết nghĩ báo chí và người dân nên biết dừng lại ở đây. Các phóng viên báo chí lề phải trong nước không nên quá tò mò khai thác đời tư những người trong cuộc của một vụ án tế nhị và đau buồn này.

Mỗi người Việt Nam những ai yêu sự tự thật, công lý, v.v… thì nhất thiết cần phát huy nghề làm báo, viết báo, nói sự thật của mình trên facebook và mạng xã hội.

Mỗi trang Facebook là một tờ báo do chính mình làm chủ bút, tự chịu trách nhiệm, hãy nói tiếng nói tốt nhất, thật nhất để có hàng triệu tiếng nói cùng xây dựng đất nước Việt Nam. Các tầng lớp xã hội đừng chụp ảnh tự sướng, ăn uống, và kể những câu chuyện hoặc than vãn đời tư. Hãy mạnh mẽ, đứng lên đi thẳng và nói thật bằng tất cả trái tim của một người Việt Nam vì tự do bản thân, gia đình; vì vận mệnh của đất nước.

Báo chí không thiếu việc để làm, nhất là báo chí lề phải, việc của báo chí là lên tiếng bảo vệ nhân dân bảo vệ chính nghĩa,  không thể lạm quyền báo chí  để đi bới móc nhặt nhạnh giật tít những câu chuyện tầm thường, điều này vô hình trung làm nên phản ứng số đông khiến mọi người nhao nhao bàn luận và đối tượng bị chê trách thì cứ nghĩ mình là "ngôi sao" trong lòng khán giả sẽ để lại nhiều hệ quả rất tai hại.

Nếu báo chí lề phải có tâm vì cộng đồng, vì đất nước thì hãy nói về tham nhũng, về bè  phái, lợi ích nhóm đang ngày đêm phá tan Tổ quốc, phải dám mạnh mẽ lên án những vụ quan tham, dám đứng ra bênh vực cho những người đấu tranh vì lẽ phải.

Những người dám nói lên sự thật chống lại lợi ích nhóm thì bị cầm tù, cứ cho là trong đó có thông tin đúng và có thông tin sai, nhưng phải xét động cơ của họ, và nguyên nhân vì sao để họ có động cơ đó.

Vụ "Mẹ Nấm" - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại biển Đông, phản đối công ty Formosa trong vụ là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại miền Trung. Gần đây nhất sau khi  Như Quỳnh bị bắt và khởi tố ngày 10 tháng 10 năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 khoản 1 - tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bị Tòa án CS Việt Nam  xử 10 năm tù là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nhưng vụ này và những vụ tương tự tuyệt nhiên không có nhà báo, phóng viên lề phải nào lên tiếng cả. Không có luật sư nào dám dũng cảm tranh tụng quyết liệt và đến cùng.

Ở Việt Nam, phần lớn người dân bình thường đều có quan điểm cùng thủ thân, thủ miệng không dám nói lên chính kiến của mình, mặc dù họ thấy điều này sai, điều kia oan khuất. Người thực thi luật pháp thì tự sướng kiểu "thủ dâm" tập thể, tự cho mình cái quyền hạch sách và kiêu ngạo?

Cứ như vầy thì Tổ quốc ta sẽ đi về đâu, nhân dân ta sẽ mở mang trí tuệ đến đâu? Ngành nào dưới sự lãnh đạo của CS cũng tự thủ dâm, tự ca ngợi mình và tự đề cử những việc "nhất thế giới".

Cái hố to nhất thế giới đang cuốn người Việt vào vòng xoáy đó! Vòng xoáy của sự mất niềm tin và vô cảm! Nó sẽ diệt vong tất cả những kẻ tự sướng và tự ca ngợi mình!

Trong triết lý vẫn nói: " Người thông minh có thể bị đi tù vì chống lại bọn ngu mà chúng lại quá đông"! Đó là những gì chúng ta đang thấy ở nước Việt Nam ta ngày nay.

Nhưng lại có câu: " Những kẻ ngu si có thể sẽ bị đi tù vì chống lại và xâm hại tới sự văn minh của xã hội". Đó là những gì chúng ta sẽ thấy trong tương lai không xa.

Hai chữ “bí mật” trên xứ Việt


Hiếm có nơi nào mà hai chữ “bí mật” được sử dụng tùy tiện như Việt Nam hiện nay. Đụng thứ gì cũng nghe bí mật! 
Tàu ngư dân Việt bị tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm, bắt bớ, cướp bóc, thậm chí nổ súng giết người, bí mật!
Người Việt Nam lang thang, chui nhủi ở xứ người làm thuê, bữa no bữa đói, chị giới chủ ép đủ điều vì không được bảo vệ quyền lợi theo hợp tác quốc tế, bí mật!
Rừng Việt Nam bị chặt sạch cây cổ thụ, trở thành đất trống đồi trọc, bí mật!
Biển Việt Nam từng là vùng biển đẹp, hoang sơ và giàu tài nguyên một thuở, nay thành biển độc, bí mật!
Người lao động Việt Nam bị giới chủ nước ngoài đánh đập, ức hiếp ngay trên quê hương, bí mật!
Họp ủy ban thường vụ quốc hội, cho báo chí có mặt vài phút lấy lệ rồi đóng cửa bí mật!
Chuyện tham nhũng, điều tra, bóc mẽ chiếu lệ cho vui rồi lại bí mật!
Thủy thủ đoàn Việt Nam bị phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc làm con tin đòi tiền chuộc, bí mật!
Đến khi có hai người bị phiến quân giết dã man, gia đình vật vã, đau khổ, kêu gọi nhà nước và công ty chủ quản mang xác con họ về, vẫn phải bí mật!
Dường như không có thứ gì là không bí mật trên đất nước này, từ cây kim, sợi chỉ cho đến con gà, con cá, con lợn, con bò, tất cả sẽ đi vào vòng bí mật nếu như một ngày đẹp trời nào đó, ông thôn, ông xã, ông huyện, ông tỉnh hay ông trung ương nổi hứng, xếp nó vào diện bí mật.
Càng buồn cười hơn là những thứ mà người dân dù có mắt nhắm mắt mở vẫn thấy nó sờ sờ ra đó, nhưng họ lại phải giữ bí mật về cái điều hết sức công khai, lộ liễu kia, họ bí mật mà không hiểu vì sao mình phải bí mật. Bởi bí mật đôi khi là chiếc bùa hộ mệnh, giúp người ta sống sót và ít bị quấy nhiễu.
Và đặc biệt hơn là hiếm có quốc gia nào có những qui định bí mật vớ vẩn như Việt Nam, ví dụ như chuyện liên quan đến nghĩa tử nghĩa tận, chuyện sinh mạng, chuyện cái chết tromng trại tạm giam, lẽ ra phải được bạch hóa, phải trả công bằng cho nạn nhân thì đảng, nhà nước lại cho vào bí mật, cấm đoán, ngăn cản bằng mọi cách để câu chuyện không được công khai.
Ngay cả cái nhà của Phạm Sĩ Quí, nó cũng được xếp vào vòng bí mật mặc dù nó chẳng có gì là bí mật, thậm chí nó cần phải được công khai, bạch hóa cho người dân biết được tài năng làm kinh tế, nuôi lợn, nuôi gà, đánh bạc của ông giỏi đến mức có thể xây được biệt phủ nghìn tỉ. Nhưng không, đó là bí mật, không tin thì đến nhà của ông Quí, đưa máy lên chụp ảnh thì biết ngay, một bà cắt cỏ cũng có thể cầm kéo đe dọa người chụp hình bởi bà không cho phép người ta chụp hình bãi cỏ, tượng đá hay cây cối. Bởi nó là bí mật.
Vậy những thứ gì không xếp vào vùng bí mật trong truyền thông?
Đó là chuyện cô hoa hậu đi ăn vặt, bị cắn lưỡi chảy máu, câu chuyện được giật tít lớn ở một tờ báo lớn và thu hút một lượng lớn bạn đọc.
Đó là chuyện anh chàng ca sĩ hát nhép, hát chữa cháy đùng một cái thành ngôi sao ca nhạc và tuôn ra những lời phát biểu bổ bả chẳng ra làm sao cả nhưng được giật tít ngay điểm nhấn của trang đầu một tờ báo lớn như một sự kiện lớn, một triết gia lớn, một nghệ sĩ lớn đang nhả lời vàng ngọc.
Đó là một cô người mẫu chân dài rủa sả người đối diện vì người đó chê cô ta vú mướp và cô dạy cho người đó một bài học bằng lời rủa sả không thương tiếc. Câu chuyện được khai thác hết cỡ trên các mặt báo.
Đó là mấy câu thơ đọc vừa sai nội dung, vừa sai tác giả của ông Thủ tướng đương nhiệm được lăng xê thành“câu thơ phản ánh ba giai đoạn lịch sử”, mà dù có cố vắt óc nghĩ cũng không ra ba giai đoạn này nằm ở đâu trong câu thơ. Hỏi nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả chính thức bị tráo tên và đạo thơ về bà giai đoạn đó, không chừng ông tưởng mình đang nói chuyện với đứa khùng. Thử hỏi, những câu “Quê hương mỗi người chỉ một/ Duy chỉ một mẹ thôi” của ông Nguyễn Xuân Phúc đọc từ hai câu gốc là “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi” của nhà thơ Đỗ Trung Quân phản ánh ba giai đoạn lịch sử nào? Vậy mà các nhà báo Việt Nam thường trú tại Đức cố vặn vẹo, nhét vào mồm nó ba giai đoạn lịch sử. 
Chung qui, những thứ được công khai tại Việt Nam là những thứ mà người nghèo ngửi không vô, kẻ có tiền, có quyền thì khạc nhổ xong rồi sờ mó lên nó. 
Và mọi thứ thuộc về bài học lương tri, bài học làm người đều phải xếp vào góc tối, trong căn phòng bí mật, những thứ trơ trẽn, hớ hên được cổ xúy tối đa để thành đề tài nóng trong xã hội.
Một phiên tòa có ảnh hưởng đến tương lai dân tộc, ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam như phiên tòa xử Mẹ Nấm bị bịt kín, bị xếp vào bí mật nhưng một phiên tòa xử về một bản hợp đồng tình dục giữa một tay trọc phú với một cô chân dài lại được báo chí trong nước quan tâm hết mức, số lượng bài đi trên các trang báo lên đến hàng trăm, thậm chí có thể hàng ngàn nếu xét thêm các status của các dư luận viên và những người rỗi hơi, hóng chuyện.
Tại sao lại có chuyện kỳ cục và thối nát như vậy?
Thực sự, điều này cho thấy rằng đảng Cộng sản mặc dù độc tài, mặc dù nắm hết toàn bộ mọi thứ từ quyền lực đến tài nguyên. Nhưng có một thứ họ không thể nắm được, và cho đến bây giờ thì họ không thể có được, nếu không muốn nói là họ sẽ vĩnh viễn không chạm tới được, đó là Lòng Dân.
Và trong một xã hội mà mọi chuyện dấy động lòng dân, gây bi thương và phẫn uất trong nhân dân lại có nguyên nhân, gốc gác từ sự lãnh đạo chểnh mãn, từ sự kém cỏi và thiếu lương tâm của nhà cầm quyền thì chắc chắn nó khó có cơ hội được công khai. 
Ngược lại, một xã hội độc tài bao giờ cũng muốn dân chúng trở thành một bầy cừu biết vâng lời, răm rắp nghe theo sự chỉ dẫn của chủ và luôn sợ những con chó săn trong bụi rậm, chúng phải luôn câm mồm để gặm cỏ và chẳng bao giờ dám mở miệng vì sợ chó săn nghe tiếng. Có cách gì làm cho xã hội nhanh chóng bị ngu đần nhanh hơn là hằng ngày, hằng giờ cho người ta tiếp thu và hấp thụ những thứ vô bổ nhưng lại có khả năng kích động bản năng?
Như lời của một ông trưởng xóm ở miền Bắc từng nói với ông chủ tịch xã để xin kinh phí cúng xóm: “Xin cấp trên hãy cho tôi kinh phí để thuê giàn loa, giàn nhạc thật oách. Tiền mua rượu bia thì xóm đã chung mua đủ. Muốn xóm làng bình yên, đừng thằng nào quan tâm đến chính trị hay nêu nó ra thì tốt nhất là sau khi cúng, chó chúng ăn uống thật nhiều và ăn uống no say rồi thì cho chúng tranh nhau hát, chỉ có vậy mới yên!”.
Cái câu nghe tưởng chừng là ngu ngốc của ông trưởng xóm kia lại rất minh triết trong chiến lược ngu dân của nhà độc tài. Và có lẽ do vậy mà xứ Việt cứ đụng thứ gì cũng bí mật, trừ những thứ rác rưởi, hôi hám ngửi không vào thì được công khai!