Monday, February 29, 2016

Dưa hấu 300 đồng/kg - ai cứu nông dân?

Theo Laođộng -  

Người trồng dưa hấu tại tỉnh Gia Lai phải đổ cho trâu, bò ăn vì giá dưa chỉ còn 300 đồng/kg. Ảnh Đ.V

Một trái dưa hấu hiện chỉ được thương lái mua tại vườn với giá khoảng 300 - 1.700 đồng/kg và không ít hộ dân trồng dưa hấu tại Gia Lai phải rớt nước mắt đổ cho trâu, bò ăn. Đây là chuyện diễn ra nhiều năm nhưng cho đến giờ vẫn chưa có lời giải.
    Nước mắt nông dân
    Nhìn vườn dưa héo úa, nằm thối ngoài đồng, anh Lê Văn Thanh (trú tổ 3, P.Tây Sơn, TX.An Khê) thở dài: “Năm nay lỗ nặng”. Thấy năm trước dưa hấu được mùa, giá cao, anh Thanh thuê 2ha đất tại xã An Trung (huyện Kông Chro) với giá 40 triệu đồng để trồng dưa. Khấp khởi vui mừng khi dưa chưa kịp lớn đã có thương lái đánh tiếng bao trọn khu ruộng. Thế nhưng, cuối vụ giá dưa hấu xuống thê thảm chỉ còn 1.700 đồng/kg, thay vì 5.000-7.000 đồng/kg như niên vụ 2015.
    Anh Thanh cắn răng bỏ ra 80 triệu đồng thuê 2 chiếc xe tải lớn chở số dưa lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán sang Trung Quốc. “Sau khi trả tiền công, tiền chi phí đầu tư, tiền vận chuyển, thuê đất còn lỗ vài chục triệu đồng” - anh Thanh chua chát. Vì dưa không đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Việt (SN 1953, TX.An Khê) phải thuê xe chở đi Kon Tum bán với giá 1.000 đồng/kg. Trừ công chăm sóc của 4 thành viên trong gia đình, ông Việt lỗ hơn 400 triệu đồng.
    Theo ông Trần Xuân Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai), dưa hấu chỉ là cây trồng phụ, không thuộc diện quy hoạch của Gia Lai. Ngoài người dân Gia Lai, nông dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi cũng lên tỉnh Gia Lai thuê đất, trồng dưa hấu theo kiểu tự phát, bất chấp khuyến cáo. Ông Khải cho biết, vì là tự phát nên rủi ro cao vì không có thị trường và giá cả ổn định. Đặc biệt, tâm lý chạy theo phong trào là năm trước “được giá”, năm sau trồng càng nhiều, lúc mất giá thiệt hại càng lớn.
    Lý giải thêm cho điều này, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết: Dưa hấu là giống cây gối vụ, ngắn ngày, bình quân chỉ khoảng 55-60 ngày cho 1 vụ thu hoạch, sản lượng khoảng 35 tấn/ha. Vì dưa hấu cho sản lượng khá lớn, nên nếu trồng với diện tích lớn không theo quy hoạch, số lượng dưa trên thị trường sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ. “Theo quy chuẩn, dưa hấu chỉ để 1 quả/cây, nhưng nông dân ta thấy sai quả lại mừng, để tới 2-3 quả/cây nên chất lượng quả kém, mẫu mã xấu, khiến giá bán thấp, khó tiêu thụ” - ông Định chia sẻ.
    Chất lượng kém, lại không được chú trọng nhãn mác, bao bì, bán theo kiểu “đổ đồng” cũng là một trong những lý do khiến dưa hấu của Việt Nam phải bán với giá thấp. Thương lái Trung Quốc chỉ chọn những quả đẹp để mua với giá thấp, rồi phân loại, chở sâu vào nội địa bán với giá cao hơn. Những quả dưa hấu bị trả về bị ế ẩm trên thị trường nội địa, khiến người trồng dưa lao đao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại phụ thuộc vào Trung Quốc. “Điều đáng lo ngại bây giờ là Trung Quốc cũng sang Lào và Campuchia thuê đất trồng dưa, cho trái to hơn, mẫu mã đẹp và hợp yêu cầu thị trường của họ hơn. Nếu người trồng dưa không “tỉnh” sẽ thua lỗ nặng, bởi trồng dưa hấu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha” - ông Định cho biết thêm.
    Trong khi đó, nhiều diện tích đất trồng dưa ở khu vực Nam Trung Bộ là đất thuê, người thuê chỉ làm một vụ rồi trả lại chủ đất trồng cây màu khác nên phải tuân thủ thời vụ, luân canh cây trồng, không thể rải vụ được dẫn đến tình trạng trồng quá tập trung vào một thời vụ, diện tích trồng quá lớn, sản lượng cao, thu hoạch tập trung thời gian ngắn nên tiêu thụ sẽ khó khăn.
    Tin đồn giết quả dưa
    Ngoài việc bị chê khi nhập khẩu vào Trung Quốc, quả dưa Việt Nam còn lao đao bởi những tin đồn thất thiệt. Trước thông tin cho rằng, dưa hấu bị “chê” trên thị trường Việt, bởi có dư luận cho rằng hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, thậm chí có ý kiến cho rằng “cho bò ăn, bò cũng bị đau bụng”, ông Trần Xuân Định khẳng định: “Dưa hấu là cây chủ yếu được bón phân NPK, đạm, lân, kali, nên không có chuyện “độc” như dư luận đồn thổi”.
     
    Dưa hấu tại Gia Lai rớt giá xuống còn đồng/kg. Ảnh Đ.V

    Rõ ràng là câu chuyện đã xoay quanh một hướng khác. Sự “đỏng đảnh” của thị trường Trung Quốc, cùng những đồn thổi ác ý đã khiến giá dưa trên ruộng rớt thê thảm, người nông dân gần như thua lỗ. Trong khi đó, trên thị trường dưa hấu vẫn được bán đến tay người tiêu dùng với giá cao chót vót 17.000 - 20.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ khâu trung gian đã “ăn” mất của người nông dân 15.000 đồng, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có giải pháp để gắn kết giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm, thiếu thông tin thị trường… dẫn đến tình trạng “cung” vượt quá “cầu”, gây bế tắc cho việc tiêu thụ sản phẩm.
    Đã từng có khoảng thời gian trên mạng xã hội người ta hô hào “giải cứu dưa hấu”, tuy nhiên thân phận quả dưa sẽ mãi long đong nếu không có chính sách phù hợp cũng như người dân vẫn còn tin vào những tin đồn ác ý giết dưa hấu Việt Nam.
    ĐÌNH VĂN - KHÁNH VŨ

    Cướp có lệnh bài

    Lê Thị Công Nhân
    29-2-2016
    Hai vợ chồng chị Lê Thị Công Nhân và anh Ngô Duy Quyền.
    Kính gửi: – Cơ quan chuyên trách về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc;
    – Cơ quan chuyên trách về Nhân quyền của Hội đồng Châu Âu;
    – Chính phủ các nước quan tâm tới vấn đề Nhân quyền của Việt Nam;
    – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ;
    – Các tổ chức Nhân quyền quốc tế;
    – Quốc hội Việt Nam;
    – Các cơ quan truyền thông;
    -Các tổ chức và cá nhân quan tâm
    Tôi là Lê thị Công Nhân sinh năm 1979, trú tại P316-A7 khu VPCP, ngõ 4 phố Phương Mai, Đống Đa-Hà Nội, viết bài tường thuật này tố cáo công an thành phố Hà Nội xâm phạm chỗ ở và lấy tài sản của gia đình tôi một cách phi pháp và bạo lực, tại nhà tôi vào ngày 4.2.2016 vừa qua. Sự việc như sau:
    Hơn 4h chiều ngày 4.2.2016, bà Hà-Tổ phó tổ dân phố gọi “Nhân ơi” tôi vừa mở cửa thì ông đại tá công an Ngô Quang Du – PA24 công an thành phố Hà Nội dẫn theo gần 50 công an mặc sắc phục, thường phục ào ào xông vào nhà tôi. Đi cùng còn có ông Thuyên-Hội Người cao tuổi của tổ dân phố, cùng ở tổ dân phố số 1-phường Phương Mai với nhà tôi.
    Dưới sân có khoảng 100 công an vây kín 2 lối vào khu chung cư.
    Tôi hỏi tại sao khám nhà, lệnh đâu thì 1 công an huơ huơ 1 tờ giấy, đọc: khám chỗ ở của Ngô Duy Quyền (chồng tôi) theo lệnh của công an Hà Nội đã được Viện Kiểm sát Hà Nội phê chuẩn, căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án Thư ngỏ Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích của nhà nước quy định tại điều 258 Bộ Luật Hình sự, Thiếu tướng Bạch Thành Định – Thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an ký ngày 28.1.2016 (cũng là ngày kết thúc đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam). Tôi yêu cầu phải được đưa một bản lệnh khám nhà, họ không đưa mà cất đi ngay.
    Khi ấy trong nhà có mẹ tôi Trần thị Lệ 63 tuổi-chính chủ căn nhà, bị tai biến não năm 2013, di chứng liệt và câm, nhận thức và giao tiếp hạn chế; con gái tôi là Lucas Ngô Quyền Thiên Ân hơn 4 tuổi; em gái tôi Lê thị Minh Tâm 35 tuổi. Hai chị em tôi đứng chặn không cho công an vào nhà. Tôi nói: Tô phản đối cái lệnh khởi tố và lệnh khám nhà này, vì kể cả chưa bình luận đúng sai 2 cái lệnh đó thì đây cũng không phải nhà anh Quyền, mà là nhà mẹ vợ anh Quyền. Ngay cả nhà mẹ vợ anh Quyền thì anh Quyền cũng không thường xuyên ở đây. Một tuần anh Quyền chỉ ở đây 1, 2 ngày còn lại là ở quê. Khám thì về nhà người đó khám sao lại khám nhà mẹ vợ người ta. (Đầu năm 2011, ngay khi chúng tôi kết hôn, công an đã ép Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh (nơi anh Quyền làm việc lúc đó) tìm mọi cách đuổi việc anh Quyền. Sau đó anh đi làm vài nơi khác, đi đâu công an cũng đến “hỏi thăm” khiến doanh nghiệp không yên, anh Quyền phải quay về quê làm nông nghiệp cùng em trai là Ngô Quỳnh – một cựu Tù nhân Lương tâm – cùng vụ án với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng năm 2008.)
    Chị em tôi bám chặt cửa không cho công an vào nhà, nói với họ mẹ tôi bệnh nặng, bác sỹ chỉ định tuyệt đối tránh căng thẳng kích động, nếu không có thể dẫn tới tai biến lần nữa nguy hiểm tính mạng, Lucas còn quá nhỏ có thể vì khiếp đảm mà bấn loạn, mong họ vì lý do nhân đạo đừng dùng vũ lực xông vào nhà tôi. Thậm chí tôi còn nói nếu các anh không biết nhà anh Quyền thì tôi sẽ đi cùng. Mặc kệ chị em tôi nói như gào khóc, đám công an vẫn ào tới xông vào nhà trong. Chúng tôi trì người lại bám vào cửa phòng khách thì bị cả chục nam công an bẻ tay, đè đầu lôi xềnh xệch trên mặt đất ném ra ngoài hành lang. Trong nhà bé Lucas kêu khóc gọi mẹ lạc giọng, mẹ tôi mặt mũi tím tái, kêu ú ớ.
    Chúng tôi cố vào lại nhà mình thì tiếp tục bị công an bẻ tay, đè đầu, giật áo ném trở ra. Nỗi uất ức và đau đớn khiến tôi xỉu đi trong giây lát. Mở mắt ra tôi kinh hãi tột độ khi nhặt được cái áo len chui đầu của em gái tôi rơi dưới đất, còn em tôi ngồi khóc nức nở cách đó một quãng. Rất may mùa đông chúng tôi đều mặc nhiều quần áo, nếu không thì với trình độ bạo lực thượng thừa của công an cộng sản không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
    Vì quá lo sợ mẹ tôi lại bị tai biến có thể nguy hiểm tính mạng (mẹ tôi bị tai biến lần 2 cách đây 1 năm) em gái tôi trở nên bấn loạn, kêu khóc không ngừng gọi mẹ tôi. Tôi chỉ còn biết ôm em tôi cầu nguyện để giữ bình tĩnh.
    Trong suốt nửa tiếng đồng hồ không biết Ngô Quang Du và đám nhân viên đông lúc nhúc làm gì trong căn nhà 30m2 của mẹ tôi. Sau đó, công an áp giải anh Quyền về và đưa vào trong nhà luôn. Hai chị em chúng tôi vẫn bị chặn ở ngoài. Hành xử cực kỳ vô lý của công an khiến chị em tôi có thêm sức mạnh. Chúng tôi lại vùng dậy lao vào nhà mình và tiếp tục bị chặn lại bằng bạo lực bởi đám công an. Chúng tôi nguyền rủa chúng “Các người không có bố mẹ, con cái sao mà làm thế này? Các người làm gì trong nhà một bà già liệt và một đứa bé 4 tuổi? Lũ cướp ngày các người sẽ bị trời tru đất diệt! Các người là ác quỷ” Một lúc sau chị em tôi mới chui được (qua cánh tay đám công an) vào nhà mình.
    Lúc đó có khoảng 30 công an ở phòng khách và phòng ngủ bên trong, 1 số đứng nhìn canh, 1 số vẫn đang lục lọi khắp nơi. Họ cứ đứng áp vào tủ, bàn làm việc, quay lưng lại phía chúng tôi, lấy các thứ ra và ném vào 2 cái thùng cạc tông của họ đem theo. Chúng tôi không thể nhìn thấy công an đã lấy những gì, đồng thời bị 2 công an canh 2 bên. Công an khám cả ngăn đồ lót, đọc từng cái hóa đơn tiền điện, trèo lên gác xép đựng đồ cũ, khám cả vở tô màu tập viết của Lucas. Công an lục lọi quá kỹ, kỹ hơn nhiều so với hồi khám nhà và bắt tôi đi tù hồi tháng 3.2007. Không những thế “Nó còn ngoáy thùng gạo loạn cả lên.”, em tôi kể.
    Anh Quyền bị công an bắt lúc gần 4h (trước khi khám nhà tôi) tại đường Phạm Ngũ Lão gần Nhà hát Lớn Hà Nội, khi đang đi giao gà, cá cho khách hàng. Chiếc xe máy cũ và thùng hàng 1 công an lái đi đâu không rõ. Anh Quyền bị ốp vào xe ô tô, xe dừng lại ngoài đường 2 lần, mỗi lần 20 phút, rồi mới đưa về nhà (tôi đoán là để phối hợp nhịp nhàng với việc khám nhà, nhằm tránh tối đa việc người nhà đương sự được ở cạnh nhau cùng phản kháng, ở nhà chỉ có 2 phụ nữ đàn áp sẽ dễ hơn). Anh Quyền kể khi vào nhà (lúc ấy chị em tôi vẫn bị chặn ở ngoài hành lang) thấy mẹ tôi nằm vật ra trên ghế dài, còn bé Lucas ngồi khóc dưới đất cạnh đó.
    Trong lúc ngồi nhìn công an xục xạo khắp nhà mình, tôi hỏi anh Quyền hôm nay bán được bao nhiêu tiền hàng thì đưa tôi. Chồng tôi đưa hết số tiền bán hàng ngày hôm đó, ước tính khoảng 5 triệu. Tôi để hết số tiền lên mặt bàn nhưng công an không hỏi, cũng không động tới số tiền này. Vợ chồng tôi đều nghĩ anh Quyền sẽ bị bắt tạm giam ngay sau khi khám nhà nên tôi tranh thủ chia sẻ vài kinh nghiệm ở tù cho chồng mình, nhất là những ngày tháng đầu tiên khi vào tù là khó khăn nhất. Chồng tôi có vẻ điềm tĩnh lạ lùng, tôi thì vô cùng bối rối, đau lòng. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu tâm trạng người thân của những người tù, nhất là Tù nhân Lương tâm.
    Gần 5h, Tâm-em gái tôi định ra ngoài đón con-bé Tường Minh 6 tuổi, học lớp 1G trường Tiểu học Phương Mai ngõ 4 Phương Mai, cách nhà tôi 400m, thì bị chặn lại không cho đi. Đám công an vênh váo tua điệp khúc “Khám nhà là nội bất xuất ngoại bất nhập.” Chúng tôi điên tiết quát: Các người bị điên à? Con tôi 6 tuổi học lớp 1, hết giờ học là khóa cửa lớp, nhà trường không trông học sinh như ở mầm non. Con tôi có việc gì các người có chịu trách nhiệm nổi không? Đám công an vô cảm thành ra đần độn, cương quyết không cho em tôi ra khỏi nhà. Cuối cùng chính chúng tôi phải bảo “Không cho tôi ra khỏi nhà đón con thì các người phải đi đón con tôi về ngay. Đón muộn con tôi có việc gì thì đừng có trách.” Thế là ai đó trong đám công an đã đến trường đón cháu tôi về nhà. Về nhà, cháu tôi hốt hoảng, mặt mũi thất thần hỏi “Mẹ ơi, sao mẹ không đón con? Các chú ấy là ai thế? Sao lại lấy đồ của nhà mình?”
    Bỗng dưng, anh nhân viên ngân hàng Đông Á thỉnh thoảng chuyển tiền đến chúng tôi xuất hiện như trên trời rơi xuống. Hóa ra anh này tới chuyển tiền, đám công an thích thú quá như bắt được bằng chứng rõ như ban ngày bọn phản động nhận tiền hải ngoại để bán nước (cho Mỹ hay Trung Quốc?), hí hửng lôi cổ anh này lên tận nhà. Anh Quyền nói “Nhà tôi đang bị khám lấy đồ, tôi không thể nhận tiền lúc này được, nhận xong là bị cướp ngay thôi. Công an nói nội bất xuất ngoại bất nhập sao lại cho người lên nhà tôi lúc này?” Đám công an chưng hửng vì mưu đồ thô thiển!
    Gần 7h tối, công an ngừng khám nhà, đọc 1 cái thứ gọi là biên bản, nội dung dối trá đến lố bịch “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập-Tự do- Hạnh phúc”. Trong đó có đoạn “cơ quan điều tra đã đọc lệnh khám nhà, gia đình hoàn toàn chấp hành” Ối giời ơi – chúng tôi thốt lên – ông không biết ngượng là gì à ông Du, ông ngồi cách chúng tôi chưa đến 1m đâu nhé! Mặt Du trơ còn hơn mặt thớt gỗ mõ vàng tâm của Nguyễn Đức Chung!
    Phần đồ thu giữ ghi đúng 1 dòng “Thu 1 thùng đựng tài liệu và 1 thùng đựng phương tiện làm việc, đã niêm phong”. Xong, hết và nói: anh Quyền ký vào biên bản. Trời! Thế này thì đúng là CƯỚP CÓ LỆNH BÀI rồi còn gì!
    Chúng tôi quát lên “Cái này gọi là biên bản à? Có bị khùng không? Đây là ăn cướp. Cướp được thì cướp luôn đi. Tịch thu đồ thì phải ghi rõ tịch thu cái gì, của ai, số lượng, chủng loại, hình thức, hiện trạng đồ tịch thu. Còn định giá hoặc miêu tả chi tiết để sau cũng được. Có cần tôi dạy cho lập biên bản không? Có đi học hay không vậy?”.
    Chúng tôi không ký vì không thể ký vào một thứ vô pháp nhảm nhí như vậy. Chúng tôi hỏi ông bà Thuyên – Hà cùng tổ dân phố xem có chấp nhận được hành động ăn cướp này không. Hai ông bà câm như hến. Lúc này công an mới đem đống đồ “phương tiện liên lạc và làm việc” ra đếm: 2 cái laptop, 12 cái điện thoại và máy tính bảng, 8 cái usb, nhưng nhất quyết không nói rõ tên, hình thức, tình trạng và hoàn toàn không động gì đến thùng tài liệu. Chúng tôi hỏi tại sao lại lấy cả máy tính bảng của trẻ con chơi hoạt hình, thu đồ thì phải hỏi đồ của ai, phải kiểm tra qua xem là đồ của ai thì mới thu chứ, bật lên xem có phải toàn là báo mạng đỏ (báo xanh dân chủ thì bị chặn hết rồi!) và phim hoạt hình bí đỏ búp bê không. Lucas và Tường Minh đều nói “Đấy là pad của cháu, trả lại cho cháu” Bất chấp tất cả, công an sau khi đếm đồ xong lại đóng thùng lại. Tôi nói với Du: Gần 10 năm trước ông khám nhà và bắt tôi đi tù, ông còn ghi là “thu giữ 24 đầu tài liệu, tiêu đề … giờ ông còn tồi tệ và tồi tàn hơn nhiều!”
    Bỗng nhiên, chồng tôi nhìn thấy trên bàn cái bóp đen bị mở tung, trống rỗng, mới hỏi “Tiền của tôi để trong mấy cái phong bì ở trong bóp đâu rồi? Sao không thấy biên bản nhắc đến? Tiền là một tài sản riêng biệt, không thể đánh đồng với tài liệu hay phương tiện làm việc. Thu tiền thì phải ghi rõ: loại tiền, số lượng, chủng loại, mệnh giá và lấy từ chỗ nào.” Bầu không khí bỗng trầm xuống! Một công an cao giọng “Yên tâm đi, để hết trong thùng đựng tài liệu, niêm phong rồi.” Anh Quyền quát lên “Chúng mày định cướp trắng à? Trả lại ngay tiền của tao. Đây là tiền mồ hôi nước mắt tao kiếm nuôi gia đình.” 1 công an trẻ vô liêm sỉ lên giọng đe dọa “Này, đừng có mày tao nhá, ăn nói phải lịch sự.” Chồng tôi quát lại “Chúng mày đến nhà người ta ăn cướp, phải gọi chúng mày là ông bà thì mới được coi là lịch sự à ? Tao phỉ nhổ vào cái thứ lịch sự ấy”.
    Hai vợ chồng tôi và em gái tôi đồng loạt quát lớn bắt bọn chúng phải trả lại tiền, tình huống rất hỗn loạn khi 3 người chúng tôi đối mặt với 150 tên công an xông vào nhà cướp với cái lệnh bài mang tên Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bé Lucas và Tường Minh ôm nhau khóc “Bố mẹ ơi con sợ lắm! Sao các chú lấy đồ của nhà mình, lấy cả pad của con?” Mẹ tôi cũng khóc trong câm lặng vì không thể nói thành lời.
    Du không nói gì, mặt vênh lên, đùi rung rinh có vẻ hài lòng nhìn cảnh chúng tôi uất ức khốn đốn. Đám công an trơ tráo ôm 2 thùng đồ đi ra đến cửa, nói: Anh không ký thì thôi, có người dân chứng kiến là đủ, rồi quay sang bảo hai ông bà Thuyên-Hà ký. Lúc này chúng tôi quát lên: Nãy giờ ông bà chứng kiến công an khủng bố đàn áp gia đình chúng tôi, ông bà còn chút lương tâm nào không mà ký vào cái biên bản đó, ông bà mà ký vào là ông bà a dua cho tội ác, chúng tôi sẽ không tha thứ cho ông bà, ông bà không phải là nô lệ của họ, tại sao lại câm nín như vậy. Hai ông bà Thuyên-Hà vẫn im lặng.
    Tâm-em gái tôi nói “Chúng tôi không biết đám người này là ai, từ đâu tới. Chúng tôi chỉ biết ông bà thôi. Họ xông vào nhà chúng tôi cướp tài sản, cướp tiền trắng trợn như vậy mà ông bà ký vào biên bản thì sáng mai chúng tôi sẽ đẩy mẹ tôi ngồi xe lăn đến trước cửa nhà ông bà đòi tiền, đòi đến khi nào ông bà trả.” Không biết có phải vì câu nói này hay là thêm cả quá trình chứng kiến vụ cướp và sự phản kháng mạnh mẽ của gia đình tôi, bà Hà đã cất lời một cách đầy e dè sợ sệt “Ờ .. ờ .. thì là .. tôi thấy các anh làm thế này là thì .. thì là .. không được.” Ông Thuyên có vẻ chỉ đợi như thế nói ngay vào “Tôi cũng đồng ý với chị Hà, các anh làm như thế là không được. Thu tiền thì phải kiểm đếm chứ, phải ghi rõ lấy ở đâu, loại tiền, mệnh giá, số lượng.”
    Ôi! Khi nhân dân đồng thanh cất tiếng, dù là ngắn ngủi, yếu ớt nhưng sự đồng lòng sẽ mang đến sức mạnh lớn lao. Tôi chợt nhận ra, ngay lúc này, đám công an cuồng sản coi toàn bộ gia đình tôi là kẻ thù, chỉ hai ông bà Thuyên-Hà được coi là “nhân dân”. Mà đã coi là “nhân dân” thì kiểu gì cũng phải cố mị dân tí ti.Vì nhân dân thật sự có sức mạnh mà bọn độc tài khiếp sợ. Sức mạnh đó có được khi một người dám nói lên suy nghĩ thật của mình – tức là họ đã dám thực hiện quyền Tự do ngôn luận và nhận được sự chia sẻ của người khác dù chỉ có 1 người ủng hộ!
    Ngay lập tức đám công an đột ngột im lặng như thể vừa nghe sấm truyền. Du buộc phải ra hiệu, đám nhân viên hiểu ý hạ 2 thùng đồ xuống, mở niêm phong thùng đựng tài liệu ra. Ôi chao! Số tiền của chồng tôi để trong 4,5 cái phong bì, cái nào bên ngoài cũng ghi rõ: 100 usd anh X mua gà, 100 usd chị Y mua cá, súp lơ … 100 usd bác Z nhờ gửi cho cựu Tù nhân Lương tâm Trần Đình Cương trong Nghệ An, 100 usd của Facebook Thiêm Võ tài trợ Hội Bầu Bí mà mấy ngày hôm đó chồng tôi đi bán hàng tết (có ngày về quê Hiệp Hòa Bắc Giang 2 lần bằng xe máy để mang hàng ra, quá mệt) quên đưa lại cho tôi giữ … Đám công an hí hửng chĩa 3 cái camera vào đống tiền bán gà, vịt của bố cháu như thể sắp có vụ lật đổ chính quyền bằng 660 usd để mua bom hay thuê sát thủ ám sát lãnh đạo cấp cao vậy!
    Xin nói thêm, anh em Quyền, Quỳnh may mắn bán được một phần nông sản cho bạn hữu hải ngoại. Người mua ở xa không nhận được hàng, nên thường nhờ Quyền, Quỳnh đem số hàng đã mua biếu lại một số dân oan, người đấu tranh dân chủ quen biết. Thật sự số tiền và số hàng mỗi lần mua không lớn nhưng đó là tấm lòng của bạn hữu mua giúp cho anh em Quỳnh Quyền vì sản xuất nông sản sạch nhưng quy mô nhỏ và mặt hàng không phong phú thì rất khó tìm đầu ra.
    Dù vậy, công an cũng chỉ mở các phong bì ra rồi ghi lại loại tiền, số tiền, số seri rồi cất đi. Họ lại yêu cầu chúng tôi ký vào biên bản vì cho rằng họ làm thế là tốt lắm rồi. Chúng tôi nói không thể ký vào biên bản được, vì vẫn chưa kiểm đếm, ghi rõ các tài liệu và phương tiện làm việc là cái gì, như thế nào và tiếp tục yêu cầu công an trả lại tiền. Đám công an mặt ráo hoảnh vác 2 cái thùng và nói anh Quyền đi. Tôi hỏi họ định đem anh Quyền đi đâu, làm gì. Họ nói đi thẩm vấn, nhưng không nói đi đâu, cũng không đọc lệnh tạm giam, triệu tập hay áp giải. Anh Quyền vẫn ngồi lại trên ghế, nói “Vào mà khiêng tôi đi, tôi không đi đâu hết, phải trả tôi cái xe máy? Còn cả thùng hàng tôi chưa kịp giao ai chịu trách nhiệm?” Đám công an không ai nói năng gì, kéo nhau đi ra gần hết, còn lại khoảng chục tên trong nhà canh chồng tôi. Tôi đi xuống nhà trước, cố nói thật to đòi lại xe máy. Thấy chồng tôi cương quyết không đứng dậy, công an chỉ còn cách lôi xềnh xệch, họ bàn tính với nhau một lúc, có thể là câu giờ để thưởng thức bữa tiệc khủng bố gia đình tôi, 15 phút sau, chúng mới mang xe máy của anh Quyền trả lại cho tôi. Khoảng 7h20 công an đem chồng tôi đi cùng với những gì đã lấy của nhà tôi mà không để lại một mảnh giấy nào.
    Dưới đây là những tài sản của chúng tôi bị công an đã lấy một cách bất hợp pháp ngày 4.2.2016 tại nhà mẹ tôi:
    – Tài liệu, sách, vở, đĩa CD, đựng đầy1 cái thùng cạc tông to bằng 2 cái lò vi sóng. Trong đó có đủ thứ văn, thơ, hồi ký, đơn kiện, sách học thuật, báo chí …. 99% là của tôi mua, được tặng, tự in ra từ trên mạng, tự viết ra. Một vài quyển sách tôi nhớ tên: Ngày long trời Đêm lở đất, Nỗi khổ nhục trong nhà tù cộng sản Rumani, Phùng Cung, Hồi ký Đèn Cù, Đường về Nô lệ, Hồi ký Những lời trăng trối Trần Đức Thảo, Thơ Những Mẩu quặng dọc đường và Hồi ký Nguyễn Thanh Giang, 1 số đơn kiện của dân oan các nơi, thơ của tôi viết, các công ước của Liên Hợp quốc về Nhân quyền …
    Công an lấy luôn quyển sách “Quốc hội và quốc nội” của bác Trần Lâm là luật sư đã bào chữa miễn phí cho tôi trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hồi 2007 và là một người đấu tranh nổi tiếng trong phong trào dân chủ của Việt Nam.
    Ngày 26.11.2007 hôm trước phiên tòa phúc thẩm tôi (ngày 27.11) bác Lâm đang đi xe đạp trên đường Cát Linh – Hà Nội đã bị 1 nam mật vụ đi xe máy tông ngã. Bác bị xây xát trên người và trẹo/bong gân chân nhưng hôm sau vẫn cố gắng hết sức đến phiên tòa để bào chữa cho tôi dù khi đó bác đã 85 tuổi (bác sinh năm 1922). Khi tôi ra tù gặp lại, bác đã kể tôi nghe chuyện này. Tôi nói công an để lại quyển sách vì những bài viết của bác đều công khai trên mạng và quyển sách có dòng viết tay của bác đề tặng tôi. Bác đã mất tháng 11.2014 (Khi Hội Bầu bí Tương thân và bạn đồng hành về dự đám tang đã bị công an mật vụ Hải Phòng giật 2 dải băng tang, ngăn chặn không cho ghi tên, xướng tên khi viếng, ra về bị truy sát rượt đuổi ném đá vào xe ô tô 2 lần làm vỡ toàn bộ gương sau xe và móp thành xe, rất may là không ai bị thương tích. Quý vị có thể tìm đọc trên mạng bài viết RƯỚC SỰ CHẾT VỀ của tôi). Tất nhiên, đám công an trơ lỳ như điếc không trả lại quyển sách.
    – Phương tiện liên lạc và làm việc, gồm:
    + 2 máy tính xách tay: 1 cái hiệu Lenovo vỏ nhựa màu đen, vẫn dùng tốt, ước tính giá đồ cũ khoảng 3 triệu; 1 cái hiệu Asus Prime core i5, vỏ nhôm màu bạc, vẫn dùng tốt, ước tính giá đồ cũ khoảng 12 triệu ;
    +12 cái điện thoại, gồm: 1 iphone 4, 1 Samsung, 1 Qmobile vẫn dùng tốt, đều của anh Quyền; 1 Sony Xperia Z Ultra, 1 Gionee, 1 LG Chocolate BL70 vẫn dùng tốt, 1 Panasonic V6 hỏng pin, đều của tôi; 1 Alcatel Idol mini sập nguồn của em gái tôi; 1 máy tính bảng Numy Vega vẫn dùng tốt của Tường Minh cháu tôi; 1 Lenovo S850 vẫn dùng tốt của Lucas; 2 Nokia gập vẫn dùng tốt của mẹ tôi, nhưng từ khi mẹ tôi bị tai biến não thì không dùng nữa. Ước tính giá đồ cũ của số điện thoại này khoảng 15 triệu.
    + 8 cái usb các loại
    – Tiền: 660 usd của anh Quyền.
    Sau này, kiểm tra lại chúng tôi còn phát hiện công an đã lấy toàn bộ sổ điện thoại của chúng tôi, ngay cả sổ điện thoại từ thời trung học tôi giữ làm kỷ niệm cũng bị lấy đi, thư từ cá nhân, giấy biên nhận gửi thư bảo đảm cho cơ quan nhà nước, mấy cái giấy triệu tập của chính Ngô Quang Du ký triệu tập anh Quyền đi làm việc tháng 10.2015, form mở tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, hồ sơ bàn giao công việc ở công ty cũ và bằng tốt nghiệp đại học của anh Quyền cách đây gần 20 năm. Vậy là chúng muốn triệt đường sống của anh Quyền, muốn đi xin việc cũng chẳng còn bằng cấp gì!
    Tất cả những thứ họ lấy đi của chúng tôi có liên quan gì đến “Thư ngỏ của các Tổ chức Xã hội Dân sự độc lập tại Việt Nam gửi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang” – đăng đầy trên mạng? Thư ngỏ này của 19 tổ chức dân sự (thật sự) đứng tên chứ không thu thập chữ ký cá nhân. Anh Quyền thấy hoàn toàn đúng với hiểu biết và lương tâm của mình nên in ra và gửi bưu điện cho ông Bộ trưởng công an Trần Đại Quang vào tháng 5.2015. Tháng 10.2015 công an Hà Nội liên tục triệu tập anh Quyền đi thẩm vấn nhưng anh Quyền không đi. Sau vụ khám nhà, công an thành phố Hà Nội tiếp tục triệu tập anh Quyền thẩm vấn, sáng thứ hai 29.2.2016 là lần thứ 3. Anh Quyền không đi vì lý do: tại sao công dân gửi thư cho Bộ trưởng mà lại bị công an triệu tập thẩm vấn như tội phạm? Lẽ ra Bộ trưởng phải trực tiếp hoặc (do quá bận rộn) cử nhân viên cấp dưới tiếp dânh, cảm ơn tinh thần xây dựng xã hội của công dân và hứa hẹn sẽ sớm xem xét những nội dung mà người dân nêu, ít ra là đãi bôi. Thế kỷ 21 rồi mà vẫn có chuyện dùng công an, mật vụ triệu tập, bắt người, khám nhà, cướp tài sản chỉ vì cái thư ngỏ? Tin nổi không? Tin quá đi chứ, vì chúng tôi đang sống dưới chế độ độc tài cộng sản!
    Thành tựu lớn nhất trong vụ việc này là công an và nhà cầm quyền Việt Nam đã khủng bố thành công người dân bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi với một thông điệp sắc nét rằng dưới sự cai trị của độc tài cộng sản thân phận người dân Việt Nam chỉ là cỏ rác. Một người nông dân bán gà, vịt mà còn có thể bị vu cho phạm vào điều luật trứ danh 258 BLHS thì hỏi còn ai trên đất nước này có thể yên thân, trừ bọn hến trong nồi?
    Đêm hôm khám nhà cả gia đình tôi mất ngủ hoàn toàn vì kinh hãi. Hai chị em tôi bị đau bả vai và cánh tay 10 ngày sau mới đỡ. Tôi vừa tiếc vừa nhớ những đồ dùng cũng là những món quà kỷ niệm đã gắn bó với tôi lâu nay. Đến giờ tôi mới có lại được ,điện thoại và máy tính, nhờ vào sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn hữu trong và ngoài nước, mới viết được bài tường thuật sự việc. Một vài món đồ đắt tiền đã bị lấy đi là quá sức để tôi có thể mua lại lúc này. Chúng ta thường nghĩ kẻ thù có mưu đồ gì cao sâu lắm. Nhưng đôi khi chỉ đơn giản là khủng bố tinh thần tí ti cho vui, cướp đồ, cướp tiền làm kiệt quệ về kinh tế, lấy hết sạch điện thoại và sổ điện thoại để hết đường liên lạc, lấy bằng đại học để khỏi đi xin việc luôn …
    Vụ này dù sao cũng chưa sét đánh bằng “Tôi đã xin nghỉ mà đại hội không cho rút! … Đảng ta dân chủ đến thế là cùng!” của Trọng Lú Silicon. Đúng là đại ma đầu thế nào- đám lâu la thế ấy!
    Cộng sản tử tế mới làm tôi bối rối!
    Bỗng nhiên tưởng tượng ra trường thiên “Vụ án Thư ngỏ, bầy quỷ đỏ và chàng chăn vịt”. Để xem ở chương cuối, ai sẽ chết và chết thế nào?
    Hà Nội, 29.2.2016

    Chống Mỹ cứu nước nào?

    Trần Gia Phụng (Danlambao) - Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam dọc theo sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Bắc Việt Nam (BVN), do đảng Lao Động (LĐ) cai trị. Đảng LĐ là hậu thân của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD). Trong khi đó, Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ở Nam Việt Nam (NVN), do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng. Năm sau, thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, lật đổ quốc trưởng Bảo Đại và thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955 do ông Diệm làm tổng thống.

    Đất nước chia hai, nhưng đảng LĐ ở BVN không dừng lại ở đó. Tại Đại hội III đảng LĐ từ 5 đến 10-9-1960, đảng LĐ quyết định động binh tấn công VNCH, mà CS gọi là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ngoài ra, đảng LĐ còn đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” nhằm khích động lòng yêu nước của dân chúng Việt Nam và để được các nước cộng sản (CS) giúp đỡ. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà ít người chú ý là Hồ Chí Minh (HCM) và đảng LĐ tức đảng CSĐD chống Mỹ cứu nước là để cứu nước Việt Nam hay là cứu nước nào khác?

    1. Hồ Chí Minh tuyên bố chống Mỹ

    Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSĐD hợp tác với tổ chức OSS của Hoa Kỳ. Tổ chức OSS là Office of Strategic Services (Sở tình báo chiến lược), tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency). Giữa tháng 4-1945, HCM cùng hai nhân viên vô tuyến của O.S.S. từ Côn Minh (Kunming, Trung Hoa) về Cao Bằng. Từ đó, O.S.S. giúp VM huấn luyện quân sự, sử dụng võ khí, truyền tin... (Chính Đạo,Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, tt. 358-359.) 

    Khi HCM và đảng CS cướp được chính quyền và lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, thiếu tá OSS là Archimèdes Patti giúp HCM viết bản tuyên ngôn độc lập.(Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, Berkely, 1980, tr. 223.) Tuy nhiên, sau đó OSS rời Việt Nam do Hoa Kỳ chủ trương không can thiệp vào Đông Dương để cho Pháp tự do hành động. (A. Patti, sđd. tr. 379.) Từ đó giữa cộng sản Việt Nam (CSVN) và Mỹ không còn hợp tác, nhưng cũng không đối đầu trực tiếp với nhau. 

    Sau thế chiến (1939-1945), chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản (do Mỹ đứng đầu) và CS (do Liên Xô lãnh đạo) bắt đầu năm 1946. Năm 1950, Mỹ thừa nhận chính phủ QGVN và viện trợ giúp Pháp chống CS ở Việt Nam, nhưng Mỹ không gởi quân đánh nhau với quân CSVN. Khi hội nghị Genève sắp kết thúc và các bên sửa soạn ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngày 20-7-1954, thì lần đầu tiên, HCM lớn tiếng tuyên bố mục tiêu chiến đấu mới của CSVN trong giai đoạn sắp đến là chống “đế quốc” Mỹ.

    Báo cáo tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, HCM nói: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào. Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ. Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương. Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7:1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 313-315.) 

    Một điều khá lạ lùng là từ khi OSS về nước, bang giao với Mỹ bị gián đoạn, HCM hầu như chưa lần nào công kích Mỹ nặng nề. Lúc nầy Mỹ chưa viện trợ trực tiếp cho chính phủ QGVN, kẻ thù của CS mà chỉ giúp đỡ gián tiếp qua tay người Pháp. Nói cách khác, cho đến 1954, giữa VM và Mỹ chưa đối đầu trực tiếp, chưa hận thù sâu sắc, ngoài những kỷ niệm thời 1945. Thế mà đột nhiên sau hội nghị Liễu Châu, HCM xem Mỹ là “kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào.” Để tìm hiểu vấn đề tại sao HCM lại tuyên bố chống Mỹ sau vụ Liễu Châu, xin trở lại với hoàn cảnh chính trị phức tạp trước khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954.

    Hội nghị Genève bắt đầu từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954, chia thành hai giai đoạn: 1) Từ 8-5 đến 20-6-1954. 2) Từ 10-7 đến 21-7-1954. Giữa hai giai đoạn là 20 ngày tạm nghỉ để các phái đoàn về nước tham khảo và nghỉ ngơi. 

    Trong thời gian hội nghị tạm nghỉ, xảy ra ba sự kiện quan trọng ở ba nơi khác nhau trên thế giới: Mendès-France lên làm thủ tướng Pháp ngày 17-6-1954. Ngô Đình Diệm nhận chức thủ tướng QGVN ngày 7-7-1954 (ngày Song thất). Châu Ân Lai (CÂL) và HCM bí mật gặp nhau tại Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), Trung Hoa, từ 3 đến 5-7-1954, bàn về giải pháp kết thúc chiến tranh. Lúc đó, không ai biết về hội nghị nầy.

    Cũng tại hội nghị Liễu Châu chắc chắn hai bên, CÂL và HCM, duyệt xét lại toàn bộ tình hình thế giới và tình hình Đông Á sau chiến tranh Triều Tiên, mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đang đối đầu với Mỹ.

    2. Tình hình Đông Á trước hội nghị liễu Châu

    Tại Trung Hoa, đảng Cộng Sản (CS) do Mao Trạch Đông (MTĐ) lãnh đạo, chiếm được lục địa, và tuyên bố thành lập CHNDTH tức Trung Cộng (TC) ngày 1-10-1949. Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng di tản ra Đài Loan (Taiwan), tiếp tục chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Tuy rất nhỏ so với TC, nhưng nhờ Mỹ hậu thuẫn, THDQ vẫn giữ ghế đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), và giữ luôn ghế hội viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.

    Năm sau, chiến tranh bùng nổ ngày 25-6-1950 giữa Bắc Triều Tiên (BTT) và Nam Triều Tiên (NTT). Quân cộng sản BTT bất ngờ tiến đánh NTT, vượt qua vĩ tuyến 38, đường phân chia BTT và NTT từ 1945, chiếm thủ đô Hán Thành (Seoul). Theo đề nghị của Hoa Kỳ, ngày 27-6-1950 LHQ yêu cầu các nước giúp NTT. 

    Ngày 12-9-1950, đại tướng Hoa Kỳ là Douglas Mac Arthur cầm đầu quân đội LHQ, bất thần đổ bộ vào hải cảng Inchon, tây bắc NTT, giáp với BTT. Quân LHQ đẩy lui quân BTT, tái chiếm Hán Thành ngày 19-9, tiếp tục truy đuổi bắc quân CS, vượt vĩ tuyến 38, chiếm thủ đô BTT là Bình Nhưỡng (Pyongyang), tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), ở vùng biên giới Mãn Châu, thuộc TC.

    Ngày 26-11-1950, 250,000 quân TC vượt biên giới, giúp BTT, đẩy lui quân LHQ xuống phía nam, tái chiếm Hán Thành. Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman gởi tướng Matthew Ridgway thay tướng Mac Arthur. Quân LHQ đẩy lui bắc quân khỏi vĩ tuyến 38 vào tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết giữa hai bên bắt đầu từ tháng 7-1951, và hai bên ký kết hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Triều Tiên. Bên nào ở yên bên đó, không xâm phạm lẫn nhau. 

    Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, thì Hoa Kỳ phái Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan làm cho TC quan ngại. Trong eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn-Mã Tổ (Kinmen-Mazu), nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của lục địa TC khoảng 15 Km, trong khi cách bờ biển hải đảo Đài Loan khoảng 270 Km, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc quyền của THDQ (Đài Loan).

    Sau hiệp ước Bàn Môn Điếm, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, NTT tức Cộng Hòa Triều Tiên ký với Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC ngày 1-10-1953 Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Mutual Defence Treaty) có hiệu lực từ ngày 17-11-1954.

    Bên cạnh NTT là Nhật Bản (NB). Tại hội nghị hòa bình San Francisco (Hoa Kỳ) từ 4 đến 8-9-1951, NB tuyên bố từ bỏ mọi quyền hành trên các hải đảo mà NB đã chiếm trong thế chiến thứ hai (1939-1945). Cùng ngày 8-9-1951, NB và Hoa Kỳ ký Hiệp ước an ninh hỗ tương (Mutual Security Treaty) cho phép quân đội Hoa Kỳ đóng quân trên đất NB. 

    Ngày 8-3-1954, hai nước Hoa Kỳ và NB ký kết thêm Thỏa ước Phòng thủ chung (Mutual Defence Assistance Agreement), có hiệu lực từ 1-5-1954, cho phép quân đội Hoa Kỳ trú đóng trên đất NB vì mục đích hòa bình và an ninh trong khi khuyến khích NB tăng cường quốc phòng.

    Các hiệp ước Hoa Kỳ ký với NTT và với NB đều nhắm mục đích giúp bảo vệ an ninh của hai nước nầy, chống lại sự đe dọa từ bên ngoài, thực sự là chống lại sự đe dọa của TC. Hơn nữa, Hoa Kỳ gởi Hạm đội số 7 đến eo biển Đài Loan, chính là để bảo vệ Đài Loan và vùng biển nầy.

    Những hoạt động trên đây của Hoa Kỳ làm cho TC bận tâm lo lắng vì cảm thấy bị bao vây từ nhiều phía: Ở phía tây, TC giáp với Liên Xô. Từ khi Stalin qua đời ngày 5-3-1953, cuộc bang giao giữa TC với Liên Xô càng ngày càng xấu. Ở tây nam, TC bị Ấn Độ chận đứng. Ở phía đông là Thái Bình Dương, TC lại bị các nước NTT, NB, THDQ bao vây. Các nước nầy được Mỹ bảo vệ. Trên Thái Bình Dương thì Đệ thất hạm đội Mỹ chập chờn canh chừng. Vì vậy, TC rất căm thù Hoa Kỳ. 

    Tại Hoa Kỳ, lúc đó phong trào chống cộng rất mạnh. Vào đầu năm 1950, thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin là Joseph Raymond McCarthy đưa ra chủ trương “tố cộng” mạnh mẽ khắp nước Mỹ. Tinh thần chống cộng của người Mỹ lúc đó mạnh đến nỗi đáng chú ý là khi khai mạc hội nghị Genève về Việt Nam vào ngày 8-5-1954, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là ngoại trưởng John Foster Dulles không bắt tay trưởng phái đoàn TC là thủ tướng kiêm ngoại trưởng CÂL. (Henry Kissinger,White House Years, Toronto: Little, Brown and Company, 1979, tr. 1054.) Có lẽ CÂL khó quên kỷ niệm không vui nầy.

    Tại hội nghị Liễu Châu từ 3 đến 5-7-1954, chắc chắn CÂL đã trình bày toàn cảnh tình hình Đông Á trên đây với HCM. Vừa thù nước, vừa giận riêng, phải chăng CÂL đã chỉ thị cho HCM, nên khi về nước, HCM chĩa mũi dùi ngay vào Hoa Kỳ tại Hội nghị lần thứ 6 Ban CHTƯĐ/LĐ khóa II ngày 15-7-1954.

    Ở đây, xin ghi nhận thêm giao tình giữa HCM và các lãnh tụ TC: 

    Thứ nhứt, khi Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) gởi điệp viên Lý Thụy (HCM) đến Quảng Châu (Trung Hoa) hoạt động năm 1924, thì Lý Thụy mở những khóa huấn luyện cán bộ và mời các lãnh tụ CSTH đến giảng dạy như Lưu Thiếu Kỳ, CÂL, Lý Phúc Xuân, Bành Bài…(Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 10.). 

    Thứ hai, sau khi bị giữ lại ở Liên Xô từ 1934 đến 1938 để điều tra, Nguyễn Ái Quốc (HCM) được QTCS gởi qua Trung Hoa vào 1938, đến căn cứ phía bắc TC là Diên An, học tập và hoạt động tình báo. Lúc đó, Quốc với tên mới là Hồ Quang, mang quân hàm thiếu tá trong quân đoàn Bát lộ quân của TC, để dễ di chuyển và hoạt động. (Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, Diên Vỹ và Hoài An dịch, Diễn đàn www.x-cafevn.org tt. 190-191.) 

    Sau đó, Hồ Quang đến Quế Lâm (Quảng Tây) hoạt động. Khoảng đầu thu 1940, Hồ Quang (HCM) cử người đến Diên An, ký mật ước với TC, theo đó đại diện đảng TC tại cục Tình báo Á châu của ĐTQTCS, phụ trách lãnh đạo công tác của CSVN. Cộng Sản Việt Nam sẽ cử cán bộ đến Diên An thụ huấn, và CSTH sẽ trợ cấp cho CSVN 50,000 quan Pháp mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt tại Trung Hoa. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Nxb. Truyện Ký Văn Học, Đài Bắc, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, 1999, tt. 167-168.) 

    Thứ ba, trong chiến tranh với Pháp từ năm 1946, CSVN thua chạy dài. Sau khi CHNDTH được thành lập năm 1949, HCM qua Bắc Kinh, rồi qua Moscow cầu viện năm 1950. Mao Trạch Đông cũng có mặt tại Moscow. Stalin uỷ nhiệm cho MTĐ giúp cho CSVN. 

    Cùng đi trên chuyến xe lửa từ Moscow đưa MTĐ về Bắc Kinh, HCM đến xin MTĐ giúp đỡ. (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, trong sách Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, do Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Montreal: Tạp chí Truyền Thông, số 32 & 33, 2009, tr. 47.) Từ đó, TC viện trợ tối đa cho CSVN. Nhờ thế, CSVN phản công và thành công năm 1954.

    Chỉ cần nhắc lại những chuyện trên đây đủ thấy rõ HCM và đảng CSVN quá nặng nợ với TC. Khi TC viện trợ rộng rãi cho CSVN, HCM và CSVN chẳng có gì để trả nợ, nên chỉ còn cách là phải đáp lại những đòi hỏi, yêu sách hay mệnh lệnh của TC để trả ơn.

    3. Chiêu bài “chống mỹ cứu nước”

    Sau hội nghị Liễu Châu, trong báo cáo của HCM tại hội nghị Ban CHTƯĐ/LĐ ngày 15-7-1954, HCM chỉ nhắc sơ là có gặp và trao đổi với thủ tướng CÂL. Về sau, khi ấn hành lại bản báo cáo nầy trong Hồ Chí Minh toàn tập tập 7, Nxb Chính Trị Quốc Gia chỉ chú thích sơ lược cuộc gặp gỡ ở cuối trang 315.

    Về phía CÂL, TC cũng không loan báo tin tức hội nghị nầy, mãi cho đến năm 2005, Trung Cộng đảng sử xuất bản xã phát hành sách Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève], chuyện Liễu Châu mới được tiết lộ công khai. Tại Liễu Châu, CÂL khuyên HCM nên chấp nhận giải pháp chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17 để Pháp ra đi và Mỹ không can thiệp. Ngược lại HCM bàn với CÂL là sẽ chôn giấu võ khí, cài cán bộ, đảng viên ở lại NVN, trường kỳ mai phục để đợi thời cơ tái tục chiến tranh. 

    Vì BVN trường kỳ mai phục, chuẩn bị sẵn sàng hành động ở NVN, nên ngay từ năm 1955, BVN đề nghị với NVN họp hội nghị để tổ chức tổng tuyển cử, thống nhứt đất nước, mà BVN cho rằng do hiệp định Genève quy định, nhưng bị NVN từ chối, vì NVN cho rằng QGVN đã không ký vào hiệp định Genève. Bắc Việt Nam còn đề nghị nhiều lần sau đó, cũng đều bị NVN từ chối.

    Thật ra, hiệp định Genève không liên hệ đến việc tổng tuyển cử, không có điều khoản nào đề cập đến việc tổng tuyển cử, mà chỉ là hiệp định đình chỉ chiến sự, chấm dứt chiến tranh. Sau khi hiệp định Genève được ký kết vào tối 20-7-1954, các phái đoàn họp tiếp vào ngày 21-7-1954, đưa ra bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương". 

    Bản tuyên bố (déclaration) gồm 13 điều; trong đó quan trọng nhứt là điều 7, ghi rằng: "Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó." (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53.) (Vào google đọc bản chữ Pháp: Déclaration finale de la conférence de Genève en 1954.) 

    Khi được hỏi ý kiến, các phái đoàn tham dự đều trả lời miệng, chứ không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố nầy. Bản tuyên bố không có chữ ký không phải là một hiệp ước, không có tính cách cưỡng hành, mà chỉ có tính cách khuyến cáo hay đề nghị mà thôi. Phái đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và cũng không ký vào bản "Tuyên bố cuối cùng…" ngày 21-7-1954. Phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ chỉ đưa ra tuyên bố riêng để minh định lập trường của chính phủ mình. 

    Nói cách khác, cả hai bên Bắc và Nam Việt Nam đều không bị bắt buộc phải thi hành lời khuyến cáo hay đề nghị trong bản tuyên bố không chữ ký. Vì vậy, VNCH có quyền từ chối đề nghị tổng tuyển cử mà không thể kết luận rằng VNCH không thi hành hay vi phạm hiệp định Genève 20-7-1954. 

    Khi NVN từ chối đề nghị tổng tuyển cử do BVN đưa ra, thì BVN hô hoán lên rằng NVN vi phạm hiệp định Genève, trong khi đó BVN đã vi phạm trước, vì BVN đã chôn giấu võ khí, cài cán bộ ở lại NVN từ 1954. Bắc Việt Nam tổ chức Đại hội đảng LĐ lần thứ III tại Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, đưa ra hai mục tiêu là “xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng NVN bằng võ lực”. 

    Khai mạc Đại hội III đảng LĐ tại Hà Nội ngày 5-9-1960, HCM nhấn mạnh: "Ngày nào chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên. Bởi vậy không thể nào tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất nước nhà với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.”( Hồ Chí Minh toàn tập tập 10 1960-1962, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2000, tr. 200.)

    Trong phần kết luận bài phát biểu nầy, HCM tiếp: "Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ…” (Hố Chí Minh, sđd. tr.319.)

    Đáng chú ý, suốt bản báo cáo, HCM luôn nhấn mạnh đến chuyện chống Mỹ, và kết luận “mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ”.

    Kết luận

    Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSVN hợp tác với OSS là một tổ chức tình báo Mỹ, nhờ OSS huấn luyện và trang bị những phương tiện thông tin cần thiết. Sau đó, tuy chưa có gì va chạm, nhưng vì Mỹ không muốn làm mất lòng Pháp ở Đông Dương, nên Mỹ rút các toán OSS ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc chiến 1946-1954, HCM hầu như không đả động gì đến việc chống Mỹ.

    Bất ngờ, sau hội nghị Liễu Châu (Quảng Tây) với CÂL vào đầu tháng 7-1954, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ mạnh mẽ. Nói trắng ra, phải chăng chính HCM vâng lệnh CÂL tại hội nghị nầy, nên khi về nước, HCM triệu tập liền hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, để phổ biến ngay chủ trương chống “đế quốc” Mỹ? 

    Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đảng LĐ phải tốn một thời gian ổn định BVN, quốc doanh toàn bộ công thương nghiệp thành phố, cải cách ruộng đất để làm chủ nông thôn, triệt tiêu tất cả những phản kháng của giới trí thức và văn nghệ sĩ. Sau những chiến dịch nầy, đảng LĐ tức đảng CSĐD nắm vững BVN trong khuôn khổ độc tài toàn trị CS, liền nghĩ đến chuyện NVN.

    Đảng LĐ tổ chức Đại hội III từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 để phát động chiến tranh tấn công NVN, đưa ra hai chiêu bài chiến lược song song là “giải phóng miền Nam” và “chống Mỹ cứu nước”. 

    Thực ra, ngay từ 1954, trước khi ký kết hiệp định Genève, tại Liễu Châu, CSVN đã cho thấy tham vọng tấn công NVN nhằm thống trị toàn bộ đất nước chứ không phải “giải phóng miền Nam”.

    Còn HCM chủ trương "mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ” là HCM làm theo lời MTĐ đã từng nói là nếu CSVN “giải tỏa được mối đe dọa của bọn xâm lược, đó là Việt Nam giúp Trung Quốc.” (La Quý Ba trích dẫn, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Hồi ký của những người trong cuộc, sđd. tr. 27). 

    Như thế, CVSN chống Mỹ không phải để cứu nước Việt, mà để cứu Tàu, theo yêu cầu của Tàu, vì lợi ích của Tàu. Chính vì vậy mà Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng LĐ từ năm 1960, đã nhận: "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc.” Lời của Lê Duẩn là niềm hãnh diện của CSVN, được viết thành biểu ngữ khá lớn treo ngay trước nhà thờ Lê Duẩn ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

    Niềm hãnh diện nầy cho thấy sự nghiệp “giải phóng miền Nam”, “chống Mỹ cứu nước” của HCM và CSVN nằm trong kế hoạch “tự Hán hóa” (autochinization / autochinalization) của CSVN, nghĩa là không phải Tàu khựa áp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, mà CSVN tự nguyện Hán hóa Việt Nam dưới sự đô hộ của Tàu khựa. 

    Cộng sản Việt Nam phản quốc đến thế là cùng. Tồi tệ nhứt trong lịch sử nước nhà! (Trích Lịch sử sẽ phán xét, xuất bản tháng 6-2016.)

    (Toronto, 28-2-2016)

    Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ được bình yên

    Nguyên Thạch (Danlambao) - Đảng CSVN hãy xem lời tựa của bài viết như một lời khẳng định của tác giả. Khi dân chúng lầm than, khi triệu triệu tiếng ta thán của muôn dân cao vút tận trời cao thì đó là dấu hiệu ngày tàn của một chế độ. Thuyền nổi nhờ dân, thuyền chìm cũng do dân, đó là định luật muôn đời. Ngọn lửa bạo tàn sẽ không bao giờ thiêu đốt hết được muôn triệu tấm lòng yêu nước. Đảng CSVN há quên rằng Ý Dân là Ý Trời đó sao?.
     
    Hãy "Ôn cố để tri tân", hãy nhìn gương của những hôn quân để lấy làm bài học kinh nghiệm. Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc của ngày xưa những tên lạy giặc cầu vinh, rước voi dày mả tổ. Những tên Hán tặc trá hình Hồ Quang - Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh, ĐM, Nguyễn Phú Trọng... của hôm nay rồi cũng sẽ không thể nào thoát khỏi khối sức mạnh vô biên của cả dân tộc và lịch sử cũng sẽ ghi khắc ô danh muôn đời.
     
    Gương lịch sử chống Tàu của bao tiền nhân anh hùng lẫm liệt vẫn còn đó, Việt tộc hôm nay vẫn còn đây dẫu phải trải qua bao ngàn năm gian lao giữ nước. Hãy bỏ ra khoảnh khắc để đọc lại sử tích của Đại đế Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh vào năm 1789 (Kỷ Dậu)

    Vua Lê chạy sang Trung Quốc, cầu viện Thanh Cao Tông (Càn Long)

    Vua Lê chạy sang Trung Quốc, cầu viện Thanh Cao Tông (Càn Long). Vị hoàng đế già đồng ý và cuối năm 1788 sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long. Quân Tây Sơn do Đại tư mã Ngô Văn Sở, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn cố thủ chờ lệnh. Nghe tin báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.
     
    Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Ngoài ra còn có một đội tượng binh với 200 voi chiến. Vua Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.
     
    Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Ninh Bình. Biết quân Thanh dự định ngày 16 tháng giêng (âl) sẽ từ Thăng Long xuất quân, ông quyết định quân Tây Sơn sẽ đánh tan quân Thanh và tiến vào Thăng Long trước ngày mùng 6 tháng giêng (âl). Ông hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết Nguyên đán trước và tuyên bố đanh thép: Ngày mùng 7 Tết sẽ đánh vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết khai hạ. Sau đó, 5 đạo quân thần tốc tiến ra Thăng Long.

    Đêm 30 tháng chạp Mậu Thân tức 25-1-1789: Quân Tây Sơn nhanh chóng vượt bến đò Gián Khẩu (Ninh Bình), đánh tan quân của Trấn thủ Sơn Nam Hoàng Phùng Nghĩa.

    Trưa ngày mùng 5 tháng giêng (ÂL), Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.
     
    Vua Quang Trung dẫn đầu đạo quân chiến thắng, tiến vào Thăng Long trước sự hân hoan đón chào của nhân dân. Nha cua cho yết bảng an dân, cho quân Thanh ra hàng. Chiến dịch lịch sử đại phá 29 vạn quân Thanh diễn ra nhanh chóng và oanh liệt. (1)

    Và đây là lời của nữ lưu Bà Triệu:

    "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!"
     
    Đảng CSVN đừng tưởng rằng với binh đông, đạn bạo, với côn an trùm khắp sẽ là "lá chắn" trung thành. 19 tên trong Bộ chính trị cộng 200 tên trung ương ủy viên há là sức mạnh?. Không, ngàn lần không, chúng bây không là gì cả khi bầu nhiệt huyết yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào là những người cha mẹ anh chị em của Quân đội và Công an và khi sự tự ái của họ trỗi dậy thì mấy trăm tên Thái thú có là bao. Cầu viện Tàu cộng ư?. Ai chấp nhận cho bọn Tẩu làm việc đó?. Bộ cả thế giới chết hết rồi sao?. Bọn phản quốc đừng hy vọng hảo huyền vì bản thân thằng Tàu cộng, nó lo cho thân nó còn chưa xong thì sức đâu mà đùm đuề cho những đứa con hoang với lòng lan dạ sói.
     
    Kiếp chó hoang thì có gì tự hào ngoài thân bại danh liệt, con cháu sẽ cúi đầu tủi hổ nhục lây. Làm chi chuyện một lần sinh ra để ngàn đời bị thế gian nguyền rủa?. Hỡi đám hôn quân, hôn quan phải sớm biết được THẾ NƯỚC LÒNG DÂN mà quay đầu là bờ.
     
    90 triệu người dân quốc nội tới một lúc nào đó không còn chịu nổi nữa thì sẽ tràn ra khắp nơi mà bao vây chúng bây, chúng bây có cái gan mà bắn được bao nhiêu?. Rồi sẽ phải đối mặt với bao nhiêu hận thù sau đó?. Nhà tù nào có thể chứa hết lượng dân khổng lồ này?. Khi chúng bây dồn dân vào con đường cùng không còn gì để mất thì người ta sẽ chấp nhận tất cả để mạng đổi mạng, răng đổi răng và đó là chuyện đương nhiên, chẳng có gì khó hiểu.
     
    Hơn 4 triệu rưỡi người Việt ở nước ngoài cùng lớp hậu duệ kế tiếp, lực lượng này sẽ chẳng bao giờ chấp nhận hòa hợp hòa giải (HHHG) như chúng bây đã từng mụ mị. Họ là những tiếng nói khắp 5 châu để tố giác chúng bây, là lực lượng vận động các quốc gia sở tại tẩy chay chúng bây, là nguồn lực vô hạn ủng hộ quốc nội về nhiều mặt, trong đó tài chánh là mạch máu cho dòng thác cách mạng tiến lên. Đảng cộng sản cùng guồng máy tà quyền của chúng bây sẽ hoàn toàn bị dồn vào tình thế "TỨ BỀ THỌ ĐỊCH".
     
    Hỡi bọn giặc Bắc phương hãy nhớ về lịch sử mà nhận thức cho đúng đắn truyền thống chống ngoại xâm của Việt tộc mà liệu thân, chớ tham lam mê muội mà chuốc lấy tai tiếng nhục nhã bởi lẽ: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây"? câu nói của anh hùng nước Nam Nguyễn Trung Trực.
    Đền thờ Nguyễn Trung Trực
     
    Lời di chúc của tiền nhân

    VUA TRẦN NHÂN TÔNG
    (1258-1309)

    Các Người chớ quên!
    Nghe lời Ta dạy
    Chính nước lớn
    Làm những điều bậy bạ
    TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
    Bất nghĩa bất nhân
    Ỷ nước lớn
    Tự cho mình cái quyền ăn nói!
    Nói một đường làm một nẻo! Vô luân!
    Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
    Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!

    Họa Trung Hoa!
    Tự lâu đời truyền kiếp!

    Kiếm cớ này bày chuyện nọ! TÀ MA!
    Không tôn trọng biên cương theo quy ước
    Tranh chấp hoài! Không thôn tính được ta
    Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
    Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy!

    Gặm nhấm dần
    Giang Sơn ta nhỏ lại
    Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di

    Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
    Canh cánh bên lòng “ĐẠI SỰ QUỐC GIA”!
    Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VIỆT
    Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa!

    VẬY NÊN
    CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
    KHÔNG ĐỂ MẤT
    MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
    HÃY ĐỀ PHÒNG
    QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA!

    LỜI NHẮN NHỦ
    CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
    CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.

    *

    VUA LÊ THÁNH TÔNG
    (1473)

    “Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ
    làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

    Nam Quốc Sơn Hà
    Lý Thường Kiệt
    南 國 山 河 

    南 國 山 河 南 帝 居 
    截 然 定 分 在 天 書 
    如 何 逆 虜 來 侵 犯 
    汝 等 行 看 取 敗 虛 

    Nam quốc sơn hà

    Nam quốc sơn hà nam đế cư 
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư 
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? 
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư! 

    Dịch thơ:

    Sông núi nước nam 
    Sông núi nước Nam vua Nam ở 
    Rành rành định phận tại sách trời 
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ? 
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời! - (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

    Chú giải:

    1. Vào năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt (Việt Nam). Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt.

    2. Thiên Thư mà bài thơ này nhắc đến chính là sách Thượng Thư hay Kinh Thư (là bản Thượng Thư mà Khổng Tử đã san định). Trong Thượng Thư Đại Truyện có kể về Việt Thường Thị giao hảo với nhà Chu, cống chim Trĩ.

    Tiền nhân Việt Nam từ đó khẳng định Việt và Hoa là hai xứ khác nhau, hai đất nước khác nhau. Tuy nhiên bài thơ này chưa nêu bật được tinh thần quốc gia, mà chỉ mới xem Nam quốc sơn hà là của Nam đế. Nhưng bất luận thế nào thì bài thơ cũng được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam. (2)
     
    Nghe rõ chưa hỡi bọn Ba Đình phản quốc cùng lũ bành trướng láu lếu Bắc triều?.

     

    _________________________________________

    Ghi chú: