Monday, June 20, 2016

Chữ và nghĩa

Theo Người Việt-20-06-2016 4:31:00 PM 
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tuần qua, vụ khủng bố tại thành phố Orlando của tiểu bang Florida khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương lại khiến mực chảy hơn máu. Người ta tranh luận về nguyên nhân và trong không khí hực lửa của cuộc tranh cử tổng thống, cuộc tranh luận khiến chúng ta ngao ngán về nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nổi đình đám và gây âm vang dữ dội nhất là bài diễn văn của ứng cử viên Donald Trump bên đảng Cộng Hòa. Nhiều người chẳng thèm xem kỹ bài diễn văn được phóng lên truyền hình, nhưng lại dựa vào lời tường thuật của truyền thông về bài diễn văn. Ðâm ra ta có ba tầng mây khói về cùng một sự kiện: vụ khủng bố, cách nhìn của ứng viên đang muốn xin phiếu của quần chúng và cách loan tải của báo chí về bài diễn văn.

Nhìn từ bên ngoài, chữ và nghĩa tại Hoa Kỳ có tầm quan trọng bất ngờ!

Về vụ khủng bố, hung thủ là một thanh niên sinh tại Hoa Kỳ trong một gia đình di dân đến từ xứ Afghanistan - đất của dân Afghan - tên là Omar Mateen. Ngay tại hiện trường, trong khi đang nã súng vào đám đông, ba lần hung thủ xác nhận với cảnh sát qua đường dây 911, rằng hắn hành động như vậy để làm sáng danh Thượng Ðế Allah và đấng Tiên Tri Mohamed của đạo Hồi, theo sự hướng dẫn của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS và lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi.

Tức là chẳng còn ai có thể nghi ngờ gì về nguyên nhân hay động lực.

Nhưng hôm 20, khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ công bố nội dung cuộc điện đàm của Omar Mateen qua một bản sao chép thì các chi tiết liên quan đến Hồi Giáo đều hoặc bị xóa hoặc bị sửa, chỉ để lại một chữ Thượng Ðế (God) rất mơ hồ. Nhà chức trách, ở cấp cao nhất của Bộ Tư Pháp, trên cả thẩm quyền của cơ quan điều tra FBI, đã cạo sửa một hồ sơ pháp lý. Vì lý do chính trị?

Bước qua tầng thứ hai, là bài diễn văn của Donald Trump về vụ khủng bố. Ông đả kích chánh sách bảo vệ an ninh nội địa của chính quyền Barack Obama và chú trọng đến danh tánh của hung thủ đã bị hạ sát tại hiện trường:

“Kẻ sát nhân là một người Afghan, có cha mẹ là dân Afghan đã di tản qua Mỹ. Người cha của hắn từng công bố việc ủng hộ lực lượng Taliban tại Afghanistan, một chế độ đã sát hại những ai không đồng ý với quan điểm quá khích của họ. Ông ta còn nói rằng đang tranh cử chức tổng thống tại xứ này. Kết cuộc thì chỉ có một lý do ban đầu khiến hung thủ sống tại Hoa Kỳ là chúng ta đã cho phép gia đình hắn vào đây. Chúng ta có một hệ thống di dân lệch lạc khiến ta không được biết ai đã được nhập cư và khiến ta không bảo vệ được công dân của mình.”
Qua đến tầng ba thì truyền thông báo chí gây thêm nhiễu âm bằng màn khói ngôn ngữ.

Nhật báo The Washington Post đi tựa đề theo phép quy nạp: “Dường như Donald Trump muốn liên hệ Tổng Thống Obama vào vụ bắn súng tại Orlando.” Xin để ý đến chi tiết nhạt nhẽo là “vụ bắn súng,” với cái tội là cây súng, khác với “vụ khủng bố hay tàn sát tại Orlando.” Chữ nghĩa nặng ngàn cân.

Người không hiểu nội vụ, hoặc sẵn thiên kiến với ứng cử viên năng nổ này, có thể lướt tin đó của tờ WaPo rất nhanh và kết luận, rằng The Donald kết án tổng thống đã bí mật gặp Omar Mateen! Nếu không, tại sao lại nói Tổng Thống Obama có liên hệ đến vụ bắn súng tại Orlando? Liên quan là đồng lõa?

Dĩ nhiên, kết luận ấy sai vì Donald Trump chẳng hề nói vậy. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cảm quan và ấn tượng về cách loan tin.

Hơn 10 năm trước, cũng tờ Post đã dùng thủ thuật ngôn ngữ đó để liên kết Tổng Thống George W. Bush với trại tù Guantanamo và vụ ngược đãi tù nhân trong trại tù Abu Ghraib và giải thích hiện tượng chống Mỹ trong thế giới Hồi Giáo. Trách nhiệm là Tổng Thống Bush, từ chiến trường Iraq tới trận bão Katrina. Dù hay ứng khẩu nói liều, ứng cử viên Donald Trump không hề nhảy cóc như thế!

Chẳng riêng gì tờ Post, đài truyền hình MSNBC cũng nhảy cóc khi “mở cuộc điều tra” về lời phát biểu của Trump: “Ứng cử viên này nói sai khi bảo Omar sinh tại Afghan.” Nàng xướng ngôn viên Katie Tur của đài này không phân biệt được chi tiết tối thiểu, mãi hôm sau MSNBC mới sửa. Afghan là tên sắc dân và Afghanistan mới là đất của dân Afghan. Donald Trump chỉ nói hung thủ Omar Mateen là người Afghan, sinh tại Hoa Kỳ.

Chi tiết ấy khiến chúng ta phải đi xa hơn một chút về chữ và nghĩa khi người ta cần chụp mũ.

Một kẻ cuồng tín đã sát hại đám đông vô tội - như tại Orlando, San Bernardino, cuộc chạy bộ Boston Marathon, trại Fort Hood, v.v... - được truyền thông phải đạo loan tin đúng là “người Mỹ.” Ðúng mà không đủ khi họ cố che giấu xuất xứ hoặc đặc tính sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Các hung thủ đến từ Afghanistan, Pakistan, Saudi Arabia, hay Dagestan, nhưng đều sùng chuộng tư tưởng Hồi Giáo quá khích. Tư tưởng đó mới là chuyện chính.
Nhưng khi nói đến khía cạnh tích cực như đã tốt nghiệp đại học thì xuất xứ của đương sự được nhấn mạnh. Và khi hung thủ bị nêu tên thì người nào đả kích được truyền thông chụp cho cái mũ, rằng ông này bà kia kể tội người Afghan, người Pakistan hay Lebanon, Dagestan. Quốc tính và quốc tịch có sự khác biệt và nói đến quốc tích, gốc gác sắc tộc hay văn hóa, là mang tội kỳ thị.

Hàng ngày, chúng ta thường tiêu thụ loại tin chất chứa nội dung sai lạc ấy, mà không biết.

Nhìn từ bên ngoài thì sau mỗi vụ khủng bố, dư luận Hoa Kỳ lại lên cơn sốt và cãi nhau về chuyện bên lề. Tội là ở khẩu súng, súng lục hay súng liên thanh có giấy phép hay không là chi tiết nhỏ. Tội là ở chánh sách tiếp nhận di dân, dù Hoa Kỳ thành hình từ di dân tứ xứ. Tội là do chánh sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Ðông, dù Hoa Kỳ đã yểm trợ dân Hồi Giáo tại Âu Châu khi Cộng Hòa Liên Bang Nam Tư tan rã mà vẫn bị khủng bố Hồi Giáo tấn công từ năm 1993 dưới thời Bill Clinton, trước khi có vụ khủng bố 9-11 và các chiến trường Afghanistan rồi Iraq, dưới thời Bush 43 rồi các chiến trường Libya và Syria dưới thời Obama...

Người ta tranh luận chuyện bên lề để tìm thắng lợi chính trị ngắn hạn, qua lối tường thuật có ẩn ý của truyền thông.

Nhìn trong viễn ảnh trường kỳ thì Hoa Kỳ là quốc gia quá trẻ nên nhiều người chẳng cần biết rằng mọi thể chế chính trị đều có thể bị nạn khủng bố, dưới tên gọi khác nhau, cho nhiều mục tiêu khác biệt. Chiến tranh bùng nổ từ các hành vi khủng bố và có thể dẫn tới sự hình thành của một hệ thống chính trị mới. Các tiểu vương quốc, rồi vương quyền, đế quốc hay quốc gia rồi ngày nay, chế độ kinh tế thị trường nhất thể hóa, đều từng bị khủng bố. Ðộng lực của hành vi khủng bố xuất phát từ một hệ thống tư tưởng, hay ý thức hệ, nhằm xây dựng một trật tự chính trị khác bằng sự hãi sợ.

Trong cả ngàn năm, các tiểu vương quốc đã sống bên nhiều trào lưu tôn giáo biết sử dụng bạo lực lẫn kẻ chém thuê giết mướn. Khi hội tụ thành vương quyền thì hoàng gia tích cực có thể lập ra các đội hải tặc bắn phá thương thuyền vô tội nên nhiều thương quyền, quyền lực thương mại kiểu công ty Ðông Ấn của Anh hay của Hòa Lan, cũng tự trang bị quân đánh thuê để loại bỏ đối thủ bằng phương pháp khủng bố. Khi Âu Châu thành lập các quốc gia dân tộc - nation-states - thì nhiều tổ chức vô chính phủ cũng phát động khủng bố. Khi các quốc gia này thành đế quốc thuộc địa họ chẳng từ nan hành động khủng bố chống các phong trào đấu tranh giành độc lập. Khi ấy, lịch sử hay báo chí có thể gọi đấy là “quân khủng bố” hay “giải phóng quân.” Cũng lại chữ và nghĩa!

Ngày nay, nền văn minh Tây phương đã tự cải thiện và đề cao quyền tự do, sự khác biệt và tinh thần sống chung dưới thể chế dân chủ trong thị trường mở rộng. Nhưng nền văn minh đó đang bị khủng bố tấn công, nhằm tiêu diệt một tuần báo châm biếm như tờ Charlie Hebdo tại Paris hoặc một câu lạc bộ giải trí của người đồng tính tại Orlando. Vấn đề không chỉ là quyền châm biếm hay đồng tính, hoặc chế độ kiểm soát súng đạn chặt chẽ như tại Pháp hay tự do như tại Hoa Kỳ.

Vấn đề là nhiều người cho rằng chế độ tự do hội nhập ấy không được quyền tồn tại.

Nền tự do chúng ta coi như hiển nhiên có giá trị của nền văn minh Tây phương đang bị kết án tử hình mà giới chính trị và truyền thông cận thị lại đi tìm điểm lẻ ở ngoài da, với chữ và nghĩa về di dân và võ khí.

Trung Quốc và ‘kịch bản’ đáp trả phán quyết biển Đông

Máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc bay ngang qua biển Hoa Đông giữa năm 2014.
Máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc bay ngang qua biển Hoa Đông giữa năm 2014.
VOA Tiếng Việt
21.06.2016 

Dư luận ở Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông, nếu vấp phải phán quyết bất lợi từ vụ kiện của Philippines, trong khi Hoa Kỳ phô trương sức mạnh nhằm trấn an đồng minh.
Giả thuyết này được nêu ra hôm 20/6 trong cuộc thảo luận tại một trung tâm nghiên cứu có tiếng ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo của Việt Nam từng phát biểu, về các bước đi của mọi bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ, sau quyết định sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Tòa đặt tại La Haye, Hà Lan, dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày 7/7 về vụ kiện “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông do Philippines khởi xướng.
Bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bất luận phán quyết như thế nào, biển Đông sẽ “dậy sóng”.
"Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm".Bà Amy Searight của CSIS nói.

Chuyên gia về an ninh châu Á này nói thêm: “Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, cho dù tòa án ra phán quyết như thế nào đi chăng nữa, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thay vì giúp hạ giảm. Trung Quốc đã nói rõ sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết này. Trung Quốc cũng đã khai mào cuộc chiến ngoại giao, thu hút sự ủng hộ của một số nước như Afghanistan, Gambia, Niger…”
Bà Searight nhận định tiếp rằng Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ lên tiếng nhấn mạnh về tính cưỡng hành về mặt pháp lý của phán quyết đó đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc, đồng thời Washington sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm như Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu hay Ấn Độ để củng cố tuyên bố đó.
Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và đây là sẽ “phép thử đối với sức mạnh và sự đoàn kết” của khối này.
Mới đây, ASEAN rút lại một tuyên bố cứng rắn về biển Đông sau khi vấp phải điều các nhà quan sát nói là “áp lực ngoại giao” từ Trung Quốc sau cuộc đối thoại với Bắc Kinh ở tỉnh Vân Nam.
Thi hành tuyên bố ADIZ
Lính hải quân Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh khi tàu sân bay này trên Biển Hoa Đông.Lính hải quân Trung Quốc trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh khi tàu sân bay này trên Biển Hoa Đông.
Những người tổ chức hội thảo ở CSIS cũng tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của người tham dự về 5 khả năng Trung Quốc có thể thực hiện ở biển Đông trong vòng một năm tới, như xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm từ Philippines; triển khai chiến đấu cơ tới Trường Sa, hoặc lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Đông.
Hơn 53% số người tham dự nghiêng về khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng ADIZ ở biển Đông.
Về điều này, ông Gregory B. Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nhận định thêm: “Năm 2013, Trung Quốc đã áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Hoa Đông [nơi Bắc Kinh tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku, hay còn gọi là Điếu Ngư, theo tiếng Hoa]. Mọi tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ đó tới nay đều nói rằng họ có quyền làm điều tương tự ở biển Đông. Tôi nghĩ điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra".
Chuyên gia này nói tiếp: "Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể buộc các nước phải tuân thủ điều này không. Trung Quốc gần như hoàn tất đường băng họ xây dựng ở Trường Sa. Có sự khác biệt giữa việc một số máy bay có thể đáp xuống đó với chuyện thi hành tuyên bố ADIZ, nhất là với Mỹ, Nhật, và Ấn Độ”.
Ông Poling còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có hành động cả trên đất liền lẫn trên biển nhằm chứng tỏ không tuân thủ phán quyết đồng thời nhằm trừng phạt Philippines vì đã đâm đơn kiện.
Cuộc chiến ngoại giao
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hôm 18/6 đã tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis hôm 18/6 đã tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Bắc Kinh thời gian qua tăng cường mưu tìm hậu thuẫn của nhiều nước trong vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ủng hộ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương tranh chấp biển Đông.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng kêu gọi “các quốc gia ngoài cuộc ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng sau đó hoan nghênh phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, nói thêm rằng “bất cứ ai quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông nên hỗ trợ Trung Quốc và các nước liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó nhấn mạnh rằng đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương.
Ông Bình nói rằng còn đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
Trong một động thái nhằm trấn an các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết, hải quân Mỹ hôm 18/6 đã triển khai hai hàng không mẫu hạm cùng nhiều tàu chiến tới tham gia tập trận trên Biển Philippines.
Hai nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan bao gồm hơn 12 nghìn thủy thủ, 140 máy bay và sáu tàu chiến khác.
Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông không nhằm “khống chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Con quan lại làm quan: phải minh bạch!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (trái) phát biểu trước truyền thông sau một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (trái) phát biểu trước truyền thông sau một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2015.

Cao Huy HuânTheo
 VOA-20.06.2016 
Ca dao Việt Nam có câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Cá nhân tôi không hoàn toàn cho rằng việc cha truyền con nối là hoàn toàn tiêu cực, bản chất nằm ở chỗ tính minh bạch và sự đồng thuận chính trị, tức sự tín nhiệm thực sự cần phải được đảm bảo đến mức chấp nhận được. Vụ ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như vậy.
Trước hết cần nói về tính minh bạch. Chưa bàn về vấn đề đúng sai, phải quấy, vụ việc ngay khi được báo chí công bố đã cho thấy những khuất tất gây nhiều tranh cãi, trong đó phần lớn thông tin cần phải được khai thác, điều tra, đào xới để tìm ra sự thật. Việc bổ nhiệm một người không có quan hệ thân thuộc vào những chức vụ quan trọng đã cần phải cẩn trọng, đừng nói chi đến việc người được bổ nhiệm là con trai của một quan cấp bộ. Thế nhưng, cũng như rất nhiều lần trước, với nhiều vụ “con quan” tương tự, thông tin và quy trình bổ nhiệm dường như còn quá nhiều vấn đề phải bàn cãi. Sự thỏa mãn thông tin đối với dự luận dường như chưa được đảm bảo, để lại một khoảng trống khiến phía dư luận hoàn toàn có khả năng tự bơm lấp bằng hoàn loạt những giai thoại, những câu chuyện của họ.
Việc khuất tất và thiếu thông tin được chính phía Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chứng minh trên báo Người Lao Động (Việt Nam). Một là về vấn đề ông Vũ Quang Hải có làm công ty Đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) thua lỗ hay không? Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tức cha của ông Hải, khẳng định khi bổ nhiệm con trai làm tổng giám đốc PVFI, công ty này đã thua lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc trách nhiệm của Hải. Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa, thậm chí sau này còn có lời (dù không nhiều).
Phản biện quan điểm này, VAFI khẳng định thông tin Vũ Quang Hải làm thua lỗ 220 tỉ đồng là căn cứ vào báo cáo tóm tắt đăng trên website của PVFI. Trên trang Web của PVFI, phần giới thiệu lịch sử PVFI có nói rằng PVFI đã kinh doanh có lãi khoảng 100 tỉ đồng trong 3 năm 2007, 2008, 2009. Đúng như VAFI đặt vấn đề, đâu là thông tin đúng, thông tin sai? Báo cáo trên website đúng (thực tế thì báo cáo trên website về nguyên tắc là báo cáo chính thức, post báo cáo lên không thể làm thay đổi số liệu), hay là lời ông Hoàng, ông Hải đúng? Nhất thiết phải giải quyết vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng, thuyết phục.
Phản biện thứ hai nằm ở chỗ, giai đoạn ông Vũ Quang Hải làm việc ở Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng xuất hiện mâu thuẫn. Bản thân ông Vũ Quang Hải nói cá nhân ông về Cục này không theo ngạch công chức nhà nước. Như vậy có thể hiểu rằng ông Vũ Quang Hải không phải công chức nhà nước. Tuy nhiên phải nhớ rằng, chỉ có công chức nhà nước mới được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên. Đó là chưa tính đến việc trong thời gian ở Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại), ông Hải lại được nhận chức Kiểm soát viên tài chính ở Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (một đơn vị độc quyền kinh doanh thuốc lá với thu nhập rất cao và đặc biệt), còn ông Hoàng (cha của ông Hải) tại thời điểm ấy lại đang là người đại diện của Tổng Công ty này. Sự mâu thuẫn trong lời nói của ông Hải cũng cần được giải thích một cách thõa đáng, vì nó liên quan đến “quy trình” – điều mà nhiều cá nhân vẫn cho rằng ông Hải đã theo đúng khi được bổ nhiệm.
Phản biện thứ ba cũng rất cần được lưu ý chính là khi ông Hải đến làm việc tại Sabeco, việc bổ nhiệm dường như có vấn đề pháp lý. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, phát biểu trên báo Dân Trí (Việt Nam) rằng Sabeco là công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương chỉ được quyền đề cử người vào thành viên Hội đồng Quản trị, sau đó Đại hội đồng cổ đông bầu Hội đồng Quản trị rồi Hội đồng Quản trị mới bổ nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc... Khi bổ nhiệm các chức danh đó thì có thể phải hỏi ý kiến Hội đồng Quản trị. Việc Sabeco chủ động đi “xin” Bộ Công Thương là trái luật. Cần lưu ý, người đứng đầu Bộ Công thương lại là ông Hoàng, cha của ông Hải. Thay vì hỏi ý kiến Hội đồng Quản trị, vốn trong đó cũng có ít nhất 20% cổ phần của các đơn vị ngoài nhà nước thì Sabeco lại chạy đến Bộ Công thương. Việc làm này, như ông Cung phân tích, vừa trái luật, vừa không để ý đến lợi ích chung của cổ đông.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để giảm thiểu và tiến đến xóa bỏ những vụ “con quan thì lạt làm quan” gây bức xúc dư luận. Thứ nhất, nói hoài và nói mãi, chính là tính minh bạch trong việc tuyển người. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng Luật Doanh nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện rất đáng kể, thậm chí việc quy định bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của đại diện vốn Nhà nước, cơ cấu Ban giám đốc đúng với chuẩn mực quốc tế. Việc nói Luật có nhiều kẽ hở thật ra không thuyết phục. Luật nói rất rõ là những người liên quan như ông Hoàng (trong vai trò làm cha của ông Hải) là không được làm gì liên quan đến bổ nhiệm. Báo chí đã nhiều lần đề cập đến việc cần phải tổ chức thi tuyển công chức, lãnh đạo như vị trí của ông Hải. Nếu chỉ dựa vào đề xuất của Sabeco (suy cho cùng cũng dưới trướng của ông Hoàng, cha của ông Hải) rằng ông Hải giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm (khi tuổi đời còn quá trẻ) thì không thuyết phục, hoặc ít nhất không thể thuyết phục người dân. Các tiêu chí của Sabeco như thế nào, hội đồng chấm thi là ai, thì hình thức gì, barem điểm ra sao,... tất cả mọi thứ nhất thiết phải được đưa ra minh bạch, rõ ràng, công bằng để ai đủ điều kiện đều có thể dự thi.
Phải nhấn mạnh lại rằng ông Hải hoàn toàn có thể làm chức vụ cao cấp nếu đủ năng lực và điều kiện. Quan trọng là, khái niệm “đạt yêu cầu” đó phải do một đơn vị độc lập đánh giá dựa trên quy trình rõ ràng, tiêu chuẩn rõ ràng, người chấm có năng lực và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai. Tất cả thông tin này phải đảm bảo công luận muốn biết sẽ có ngay lập tức – minh bạch tuyệt đối. Tổng thống Mỹ cũng có cha làm, con nối nghiệp, thì việc cha làm quan con nối nghiệp cha không phải không chấp nhận được. Quan trọng là cách làm và mọi thứ phải mang lại sự đồng thuận cao, hài lòng cao của người làm chủ - tức nhân dân.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Vì sao Tổng Bí thư Trọng muốn tổ chức chiến dịch ‘diệt ruồi’?

 Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Chí Dũng
Theo VOA-21.06.2016 

Vụ việc có nhiều liên đới đáng ngờ của hai ông Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang và Vũ Huy Hoàng ở Bộ Công Thương sẽ chẳng có gì đặc biệt, nếu không bất thần hiện ra hai dấu hiệu bất thường: một văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) “tố cáo” còn trai ông Vũ Huy Hoàng, và cụm từ “việc cần làm ngay” trong công văn ngày 9/6/2016 của Văn phòng trung ương đảng thông báo “ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân nhưng gắn biển xanh”.
‘Việc cần làm ngay’
Chuyện lạ đầu tiên: trong lịch sử hoạt động của mình, VAFI chưa từng có thói quen đứng đơn tố cáo những vụ việc tham nhũng hoặc khuất tất về nhóm quyền lực, mà thường chỉ là địa chỉ phát ra những kiến nghị về cơ chế thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ… Nhưng văn bản của VAFI - xuất hiện cùng thời điểm vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang - đã mang tính “cáo trạng” khi đề cập đến việc ông Vũ Huy Hoàng “điều động” con trai mới 28 tuổi của mình là Vũ Quang Hải về Công ty Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên hội đồng quản trị, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc. Trước đó khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI - trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách), chỉ trong 2 năm ông Vũ Quang Hải trực tiếp điều hành, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp đến 220 tỷ đồng.
Chuyện lạ thứ hai là đã gần ba chục năm, “những việc cần làm ngay” mới tái hiện. Việc nhắc lại cụm từ này dường như thể hiện ý chí của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”.
Cần nhắc lại, “Những việc cần làm ngay” được coi là một khẩu hiệu phục vụ cho cuộc “chỉnh đảng”, khởi đầu vào năm 1987, sau khi ông Nguyễn Văn Linh nhận chức vụ tổng bí thư vào năm 1986 và khởi sự phong trào “Đổi mới”. Từ năm 1986 đến năm 1990, Tổng Bí thư Linh đã viết khoảng 18 bài cho mục “Những việc cần làm ngay” được mở trên báo Nhân Dân, phê phán những vụ việc quan chức và đảng viên dính líu tiêu cực hoặc có lối sống “không lành mạnh”. Chiến dịch “chỉnh đảng” này đã ngay lập tức tạo phản ứng xã hội sôi động và thuận lợi cho đảng. Uy tín chính trị lẫn xã hội của ông Nguyễn Văn Linh cũng bởi thế tăng vọt, cho dù về sau này nhiều người cho rằng thực chất của “Những việc cần làm ngay” là chỉ “tỉa ngọn”, mà cũng rất ít, chứ hoàn toàn không làm bật gốcrễ của bất cứ một nhóm tham nhũng nào (khi đó chưa có khái niệm “nhóm lợi ích” như hiện nay).
Nhưng dù muốn “làm ngay” và lặp lại hình ảnh nổi bật của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải tình trạng tham nhũng hiện thời gấp hàng trăm lần, nếu không nói là hơn thế, so với cách đây ba chục năm.
Một trong những cơ sở để so sánh là nếu vào thời lạm phát lên đến vài trăm phần trăm và thực phẩm khan hiếm của ông Nguyễn Văn Linh, chênh lệch về mức thu nhập và mức sống giữa quan chức và người dân là không đáng kể, thì đến nay một số chuyên gia phản biện độc lập cho biết khoảng cách biệt giữa 5% có thu nhập cao nhất với 5% có thu nhập thấp nhất trong xã hội đã vọt lên ít nhất hàng trăm lần chứ không phải dưới 10 lần như những con số của Tổng cục Thống kê nhà nước.
Do vậy, không có gì bảo đảm là Tổng Bí thư Trọng có thể làm được một chiến dịch lớn nhằm “xoay chuyển tình thế” cho đảng cầm quyền rất thiết thân của ông. Nhất là khi cái quyền lợi thiết thân ấy từ lâu đã được gắn liền với những cuộc tranh giành lãnh địa tiền - quyền giữa các nhóm lợi ích trong đảng.
Nhắm nhiều mục tiêu?
Với tín hiệu “việc cần làm ngay”, có ít khả năng là trong thời gian tới, Tổng Bí thư Trọng muốn mở ra một chiến dịch “diệt ruồi” như Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc từ năm 2012. Tuy nhiên với chính thể Việt Nam đã dấn quá sâu vào các mối quan hệ chồng chéo, tương lai “đả hổ” chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, những quan chức bị “sờ” nặng nhất vẫn chỉ là số đã trở thành cán bộ hưu trí. Tiêu biểu là trường hợp ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ, với một tòa lâu đài tráng lệ ngự trị ngay tại quê hương của phong trào “Đồng Khởi” những năm 60 của thế kỷ XX nhưng cho đến giờ vẫn nổi bật như một trong những khu vực có tỷ lệ nghèo cao ở Việt Nam. Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Trần Văn Truyền là ông Huỳnh Phong Tranh cũng tiêu biểu không kém bởi phát ngôn chưa từng có tiền lệ “Tham nhũng vẫn ổn định”.
Lần này dường như cũng thế, chiến dịch được coi là “chỉnh đảng” được khởi động với một quan chức đương nhiệm cấp trung nhưng dường như nhắm đến một quan chức cao cấp về hưu. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe hơi Lexus giá trị đến 5,7 tỷ đồng, báo chí nhà nước bỗng quay ngoắt sang một hướng khác: tấn công vào cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Có những dấu hiệu cho thấy sự tương đồng giữa chiến dịch “chỉnh đảng” đang diễn ra với chiến dịch “tảo thanh” của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Đại hội XII: vai trò của báo chí.
Nếu trước Đại hội XII, đơn thư tố cáo tung bay như bươm bướm trên một số trang mạng xã hội và đặ biệt là bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Bộ Chính trị và Ban bí thư giải trình về 12 điểm liên quan đến những vấn đề cá nhân, gia đình và “vấn đề chính trị hiện nay”, thì mới đây một số tờ báo nhà nước có vẻ đã được “lập trình” trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng khi phản ứng rất nhanh và đồng loạt phát ra những dấu hiệu khuất tất với lối dẫn dắt được bồi đắp bằng một số tài liệu mang tính chứng cứ.
Một trong những biểu hiện đáng chú ý là văn bản của Văn phòng trung ương đảng về trường hợp phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng chiếc xe có giá đến 5 tỷ đồng trên lại được chuyển đến giới báo chí và lập tức được công khai hóa - một động tác khá mâu thuẫn với truyền thống “bảo mật” đối với rất nhiều vụ việc, đặc biệt liên quan đến công tác “phòng chống tham nhũng” của đảng cầm quyền.
Cũng ngay sau khi VAFI phóng ra văn bản “tố cáo” ông Vũ Huy hoàng, một số tờ báo đã lập tức đăng tải, không quên làm đậm đề nghị của VAFI về “Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại 1 lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá… Hiệp hội này ước tính, số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD, đủ tiền để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội” (báo Dân Trí).
Chi tiết đáng chú ý là sau đó, nguyên chủ tịch Sabeco là ông Phan Đăng Tuất đã phản bác quyết liệt: "Đề xuất của VAFI rất "bậy", đưa lên sàn rồi bán nguyên lô như thế không biết ai mua, và nhà đầu tư lớn sẵn sàng móc tay với nhau đặt giá thấp hơn mà vẫn mua được. Nguy cơ thứ 2 là khi bán xong như vậy không biết ai là người mua được thì liệu sau thương hiệu có giữ được không? Thứ 3 cổ phiếu mua đi bán lại ai kiểm soát, thương hiệu còn không hay một nhà đầu tư nước ngoài mua rồi xoá sổ thương hiệu đi bởi người ta muốn mua thị trường chứ không phải mua thương hiệu" (Dân Trí).
Có vẻ cuộc tranh giành thị phần và lãnh địa đang được khởi sự một cách quyết liệt cùng với chiến dịch “diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng.
Mọi việc rồi sẽ dẫn đến đâu?
Đánh lạc hướng vụ ‘cá chết Formosa’?
Nếu tổ chức thành công chiến dịch “diệt ruồi” đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng, lẽ dĩ nhiên Tổng Bí thư Trọng sẽ lấy lại được phần nào uy tín lẫn nâng tầm vị thế chính trị của ông trong con mắt của “đảng viên và quần chúng”. Nhất là sau khi kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5/2016, ông Trọng chỉ đạt phiếu thuận của 86% cử tri (trước đó báoTiền Phong đăng tải kết quả này là 68%), khác biệt lớn so với “Tôi bất ngờ…” - một tán thán của chính ông Trọng khi ông nhận hầu như 100% phiếu thuận cho chức vụ tổng bí thư tại Đại hội XII vào tháng Giêng năm 2016.
Tính “chính danh” nếu có của đảng trong chiến dịch “diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng là cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từ lâu đã bị dư luận xã hội xem như một nhân vật “mang yếu tố Trung Quốc” và cần bị điều tra về rất nhiều trách nhiệm liên quan đến rất nhiều vụ việc về nạn nhập siêu khủng khiếp từ Trung Quốc, để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đến 90% các công trình trọng điểm quốc gia, dung dưỡng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục tăng giá và bắt toàn bộ dân chúng Việt phải gánh khoản lỗ tổng cộng lên đến 40.000 tỷ đồng của hai tập đoàn này. Chưa kể một vụ việc khủng khiếp là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung vào cuối năm 2013 đã giết chết đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ, song công lý đã trở nên trơ trẽn nhất khi đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du” ở nước ngoài…
Chỉ có điều, một dấu hỏi rất lớn vẫn lồ lộ: trong khi tỏ ra quyết liệt chỉnh đảng và kéo theo phong trào thôn tính lẫn nhau của nhóm lợi ích mới dối với nhóm lợi ích cũ, Tổng Bí thư Trọng, văn phòng trung ương đảng và cả chính phủ của ông vẫn không có một động tác minh bạch và quyết liệt nào về công bố nguyên nhân vụ “cá chết Formosa” tức tưởi ở 4 tỉnh miền Trung đã kéo dài gần 3 tháng qua.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

TQ có chiến thuật gì ở Biển Đông?

John Sudworth BBC News, Hải Nam 20 tháng 6 2016 

Image copyrightOTHER
Image captionCác láng giềng Trung Quốc cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa đội tàu cá.
Nếu bạn muốn hiểu cách Trung Quốc thực sự nghĩ về tuyên bố gây tranh cãi của họ về khu rộng lớn của biển ngoài khơi về phía nam thì đảo Hải Nam là điểm tốt để bắt đầu.
Đây là một nơi mà mọi thứ đều được làm để chứng minh và khẳng định chủ quyền, từ chính phủ và các chính sách quân sự, cho tới hoạt động đánh cá và du lịch, và thậm chí cả lịch sử của chính nơi này.
Chúng tôi tới cảng cá Tanmen, trên bờ biển phía đông đảo Hải Nam vì truyền thông nhà nước đưa tin gần đây về sự tồn tại của một tài liệu đặc biệt - một cuốn sách 600 năm tuổi chứa đựng bằng chứng về tầm quan trọng quốc gia quan trọng.

'Bằng chứng sắt đá’

Cuốn sách thuộc sở hữu của một ngư dân đã nghỉ hưu tên là Tô Thừa Phân (Su Chengfen), được cho là có chép lại thông tin hướng dẫn hoa tiêu của tổ tiên của ông nói về cách làm thế nào để tới được những bãi cạn và các rạn san hô của quần đảo Trường Sa xa xôi, cách Hải Nam hàng trăm hải lý.
Trung Quốc luôn nói những bãi này là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc với lập luận là "chúng tôi từng tới đó trước tiên". Vì vậy, cuốn sách của ông Su 81 tuổi "được nâng niu" và "được bọc trong lớp giấy" kể như “Chén Thánh” hàng hải.
Trên thực tế, báo chí Trung Quốc nói đây chẳng khác gì "bằng chứng thép" về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vì vậy, chúng tôi đã đến gặp ông Tô vào ngày mà ông đang bận rộn dựng một mô hình chiếc thuyền ở sân trước của ông, cách bãi biển vài phút đi bộ.
"Cuốn sách này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác," ông nói với tôi khi tôi hỏi về cuốn sách. "Từ thế hệ của ông nội tôi, để thế hệ của cha tôi, rồi tới tôi."
“Cuốn sách này chủ yếu dạy chúng tôi làm thế nào để đi đâu đó và quay trở lại, làm thế nào để đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và làm thế nào để trở về với đảo Hải Nam."
Nhưng sau đó, khi tôi yêu cầu để xem cuốn này – vốn chỉ mới được nói tới cách đây vài tuần, và được đài báo cáo ở Trung Quốc đưa tin nhiều tại Trung Quốc và ngoài Trung Quốc – thì có điều ngạc nhiên xảy ra.
Image copyrightOTHER
Ông nó nói với tôi cuốn sách đó không tồn tại.
"Mặc dù cuốn sách là quan trọng, tôi đã quẳng nó đi vì sách cũ và hỏng," ông nói.
Dù chuyện gì đã xảy ra, cuốn sách của ông Tô khó là bằng chứng sắt thép về bất cứ điều gì.
Có lẽ trừ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát truyền thông của họ để không làm cho một vài sự kiện cản trở cách đưa tin chính thức.
Chúng tôi rời căn nhà của ông Tô, cũng thấy hơi kỳ vì những gì nghe ông nói, và được chứng kiến chút ít về việc Hải Nam sẵn sàng kiểm soát việc đưa tin liên quan tới Nam Hải (Biển Đông).
Ở khắp nơi chúng tôi đi, chúng tôi bị nhiều xe hơi có kính mờ của chính phủ bám theo; từ cảng nơi chúng tôi cố phỏng vấn ngư dân, tới chợ cá nơi chúngtôi nói chuyện với thương nhân, và tại tất cả những chỗ trên đường chúng tôi quay lại khách sạn.
Sự chú ý có vẻ như không cần thiết lắm và kể như không ai muốn nói chuyện với chúng tôi khi chúng tôi tiếp cận.
Và những ai chúng tôi hỏi chuyện nói với chúng tôi không có gì tranh cãi hơn là một sự lặp lại đơn thuần của đài báo chính thức của nhà nước, đó là Biển Đông thuộc về Trung Quốc ngư dân Trung Quốc đã tới đó đầu tiên.
Nhưng nhà chức trách không để yên. Chúng tôi sau đó nghe nói một trong những người đồng ý trả lời một số câu hỏi của chúng tôi, trong đó có một thuyền trưởng, đã bị công an tiếp cận và thẩm vấn ngay.

Mặt trận tuyên truyền

Image copyrightOTHER
Image captionViệc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông châm ngòi làn sóng phản đối ở Philippines.
Tất nhiên là mọi chuyện diễn ra trong bối cảnh sắp có phán quyết trong vài tuần tới của một tòa án quốc tế về Biển Đông.
Philippines đã kiện tới Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague để yêu cầu một phán quyết kỹ thuật về mức độ có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải dựa trên cơ sở của việc sở hữu bờ biển và các đảo và đá khác nhau.
Phán quyết dự kiến sẽ không thuận lợi cho Trung Quốc, và thậm chí có thể đi xa tới việc làm vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền mở rộng được biết tới là "đường chín đoạn" bao trùm đến 90% vùng biển tranh chấp.
Chẳng ngạc nhiên gì khi Trung Quốc nói họ không sẽ tham gia vào phiên tòa án cũng như không chấp nhận thẩm quyền của phán quyết đó.
Đó là lý do vì sao họ đã gắng sức tự vệ cho lập trường của mình bằng các cách khác; tăng cường tuyên truyền – đặc biệt là liên tục khẳng định lịch sử đang đứng về phía họ và tham gia vào thúc đẩy ngoại giao để giành hậu thuẫn và có thêm đồng minh cho mục đích mà họ theo đuổi.
Điều này có thể giúp giải thích tại sao sự hiện diện của một nhà báo nước ngoài tại Hải Nam đặc biệt là vào thời điểm này có khả năng thu hút sự chú ý sát sao từ nhà chức trách.
Trong trường hợp của chúng tôi thì có thể có một lý do khác: Có lẽ chúng tôi đã đòi hỏi quá nhiều các câu hỏi về lực lượng "dân quân biển" khét tiếng của Hải Nam.
Người ta cho rằng Trung Quốc đã huấn luyện quân sự cho ngư dân của họ trong nhiều thập niên.
Nhưng trong những năm gần đây, số lượng dân quân trên các tàu cá tăng và hành động của họ dường như mạnh bạo hơn trong việc giúp khẳng định và thực thi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Lợi thế chiến lược của họ là họ có thể được, và thường, sử dụng cho các cam kết quân sự bất thường - chiếm lãnh thổ trên biển, tiến hành giám sát hoặc quấy rối các tàu khác - trong khi hoạt động dưới vỏ bọc của tàu đánh cá dân sự.
Hoạt động của các đơn vị dân quân tại cảng Tanmen được ghi chép khá đầy đủ.
Image copyrightOTHER
Image captionNăm 2013, khi có đối đầu với Việt Nam Trung Quốc điều một trong các tàu cá lớn nhất ra các đảo có tranh chấp.
Họ thậm chí có trụ sở riêng đặt trong tòa nhà chính quyền nằm trong thị trấn, được vinh danh trong năm 2013 và Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm.
Mặc dù chúng tôi nỗ lực như vậy nhưng không ai chịu nói về lực lượng trá hình đang đóng vai trò của mình thuộc đội tàu cá Trung Quốc, và chúng tôi càng hỏi nhiều, thì an ninh chính phủ càng bám đuôi nhiều hơn.
Giáo sư Andrew S. Erickson từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Naval War College ở Hoa Kỳ tin rằng sự hiện diện của lực lượng dân quân tại vùng biển tranh chấp làm tăng rủi ro của leo thang nguy hiểm.
"Tôi thấy một nguy cơ lớn của tính toán sai lầm và leo thang," ông nói với tôi.
"Cách tiếp cận hiện tại mà Trung Quốc đang thực hiện trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển không chỉ khiến họ gặp nguy hiểm, [nó] sẽ làm các cá nhân và các tàu khác xung quanh họ gặp nguy hiểm và nó thực gây nguy cơ sẽ có việc lực lượng của Hoa Kỳ và các nước khác dùng vũ lực chống lại họ để tự vệ chính đáng hoặc để đảm bảo việc tàu bè đi lại hợp pháp."
Và ông cho rằng rủi ro đó và có thể tăng hơn nữa, sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực.
"Khi hội đồng trọng tài cuối cùng đưa ra một hình thức một phán quyết nào đó thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cố gắng tìm một cách để bày tỏ sự phản đối cụ thể, bày tỏ sự quyết tâm và sự không hài lòng của họ và
"Tôi nghĩ rằng cách sử dụng lực lượng dân quân biển ở khoảng cách gần và quấy rối tàu Mỹ, Philippines và các nước khác là điều mà các nhà hoạch định chính sách tại các nước đó phải chuẩn bị cho mình."
Vì vậy, trong khi Philippines có thể sớm có được một phán quyết ủng hộ cho lập trường của mình, phán quyết này cũng có thể là một thắng lợi nửa vời.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ không có tính ràng buộc Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chủ quyền. Tòa này đã nói rất rõ ràng như vậy.
Thay vào đó phán quyết này sẽ thuyết phục chính phủ và giới lãnh đạo quân sự ở Bắc Kinh rằng chỉ có một cách duy nhất trong tương lai – dùng vũ lực.

Tạm ngừng biểu tình

Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-06-20  
000_C00Z2.jpg
 Người Việt sống tại Đài Loan biểu tình do nước thải công ty Formosa khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày 18 Tháng 6 năm 2016.  AFP PHOTO
Trong một số tuần trở lại đây các cuộc biểu tình của người dân để yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá chết không còn diễn ra, dù chính phủ vẫn chưa công bố nguyên nhân.
Tại sao các cuộc biểu tình không còn diễn ra và phải chăng cần có giải pháp đấu tranh mới?
Từ lúc sự kiện cá chết đến nay đã gần 80 ngày, nhưng nguyên nhân gây ra sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa được công bố.
Sự kiện cá chết không những ảnh hưởng trực tiếp đến các ngư dân mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người dân trên đất nước Việt Nam. Nhiều lời kêu gọi biểu tình ôn hòa để yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá chết đã được lan truyền trên các trạng mạng xã hội, và cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra lần đầu tiên là ngày 01 tháng 05 năm 2016 ở Hà Nội và Sài Gòn với số lượng người biểu tình đông đảo nhất từ trước đến nay.
Nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp dã man và bỉ ổi, nên những người biểu tình cũng có hoang mang và lo sợ, cho nên sự việc biểu tình không còn diễn ra.
- Anh Nguyễn Thiện Nhân
Tiếp đó nhiều cuộc tuần hành biểu tình của người dân cũng diễn ra ở một số tỉnh thành trên cả nước. Lần này ngư dân bị tác động ở những tỉnh miền Trung cũng tham gia lên tiếng như tại Nghệ An với cuộc biểu tình của giáo dân giáo xứ Phú Yên ở huyện Quỳnh Lưu hôm 12 tháng 6. Số lượng lên đến hơn 1000 người dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Antôn Đặng Hữu Nam.
Biểu ngữ biểu tình chính vừa qua là: ‘Tôi chọn tôm cá’, ‘Biển sạch, môi trường sạch’, ‘Minh bạch thông tin’…
Đàn áp
Tuy nhiên, hầu hết những cuộc biểu tình đó đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam huy động một lực lượng công an, dân phòng… đàn áp và đánh đập nhiều người dân biểu tình, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Chia sẻ với chúng tôi tại sao trong một số tuần trở lại đây các cuộc biểu tình ôn hòa yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá chết và ai là thủ phạm gây ra không diễn ra, thì nhiều người dân cho biết là do họ bị đàn áp một cách mạnh tay từ nhà cầm quyền, nhiều người đi biểu tình bị đánh đập, nhiều người bị công an câu lưu tại nhà.
Anh Nguyễn Huy Tuấn, một người dân ở thành phố Hà Nội, cũng là người đã đi biểu tình trong sự việc yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên nhân cá chết chia sẻ một số nguyên nhân mà một số tuần trở lại đây không có những cuộc biểu tình của người dân:
“Thứ nhất, là đán áp hay hành hung những người xuống đường biểu tình vì môi trường một cách rất dã man. Thứ hai, nhà cầm quyền chuyên gửi tin mật để khủng bố tinh thần của những người dám xuống đường để yêu cầu việc công bố nguyên cá chết. Thứ ba, một số nguyên nhân bị loãng do sự việc của cô Cấn Thị Thêu.”
Blogger Lê Dũng ở thành phố Hà Nội cũng chia sẻ một số nguyên nhân, bên cạnh đó anh cho biết bây giờ để yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên nhân cá chết là việc của các nhà truyền thông báo chí và của chính quyền:
060516-bieutinh-630.jpg
An ninh ngăn chặn người biểu tình vì môi trường tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 5 năm 2016. RFA VIDEO
“Ở Hà Nội hàng loạt các vụ việc nóng xảy ra, về quân đội, về Biển Đông cũng nóng, ngoài ra sự đàn áp của nhà cầm quyền gia tăng, ra mặt đàn áp, gần như là khủng bố nhân dân. Những nhà hoạt động xã hội người ta cảm thấy làm vậy là đủ rồi, việc còn lại là của truyền thông, của báo chí và của chính quyền.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân ở thành phố Sài Gòn chia sẻ nguyên nhân, và anh cũng cho biết dù người dân không còn biểu tình, nhưng người dân vẫn thể hiện sự quan tâm trên các mạng xã hội, và bằng nhiều cách khác nhau:
“Nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp dã man và bỉ ổi, nên những người biểu tình cũng có hoang mang và lo sợ, cho nên sự việc biểu tình không còn diễn ra. Tuy nhiên bằng cách này hay cách khác người ta vẫn thể hiện tiếng nói của mình để quan tâm đến môi trường sống, môi trường biển.”
Anh Trần Bang ở thành phố Sài Gòn cũng biết, hiện nay sự kiện và 2 chiếc máy bay rơi phần nào làm loãng về thông tin sự kiện cá chết:
“Về sự kiện 2 chiếc máy bay rơi, dư luận đang tập trung vào 2 chiếc máy bay này và nguyên nhân cũng chưa được làm rõ.”
Phương pháp đấu tranh mới
Khi các cuộc tuần hành biểu tình yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên nhân cá chết đều bị chính quyền cộng sản Việt Nam huy động một lực lượng lớn công an, bộ đội, dân phòng, đoàn thanh niên… thì nhiều người đấu tranh trong nước cho rằng thay vì đi biểu tình thì người dân có thể thể hiện bằng cách này hay cách khác để lên tiếng, tuy nhiên anh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đấu tranh thì có nhiều cách, nhưng xuống đường là một cách hữu hiệu tốt nhất.
Cộng đồng mạng và những người đang quan tâm vẫn tiếp tục lên tiếng trên mạng xã hội, bằng các hình thức ở nhà, gõ mâm, tuần hành trên xe máy, thổi còi ở các khu công cộng.
- Blogger Lê Dũng
Anh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ:
“Đấu tranh thì có nhiều cách, nhưng xuống đường là một cách thể hiện tinh thần cộng đồng, tiếng nói chung của quần chúng và sự đàn áp nó chỉ có tác dụng ngắn hạn, người dân bất bình trước sự đàn áp đó và sự bất bình đó dồn nén thì đến 1 thời gian lâu dài sẽ có tác dụng lớn ảnh hưởng đến tình hình đất nước.”
Bên cạnh các cuộc biểu tình để yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên cá chết thì vẫn có nhiều nhóm thể hiện bằng cách khác như là đi xe máy, một mình quay Video hô khẩu hiệu, gõ mâm và một phương pháp hiện nay đang có nhiều người thực hiện đó là thổi còi Stop Formosa.
Khi nói về những phương pháp này Blogger Lê Dũng cho rằng, đó là những phương pháp và số lượng người tham gia ít.
Anh Lê Dũng chia sẻ:
“Thực ra cộng đồng mạng và những người đang quan tâm người ta vẫn tiếp tục lên tiếng trên mạng xã hội, bằng các hình thức ở nhà, gõ mâm, tuần hành trên xe máy, thổi còi ở các khu công cộng giờ này, giờ kia, nhưng thực ra những cái đó ở các nhóm nhỏ, những người tham gia và quan tâm rất ít.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ với chúng tôi, chính phủ đã hứa là trong tháng 6 này sẽ công bố nguyên nhân cá chết. Đến hôm nay là ngày 20 tháng 6, hầu hết mọi quan tâm đang chờ đợi câu trả lời ai là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết. Hẳn nhiên nếu nguyên nhân không được công bố thì khó có thể giữ được niềm tin của dân đối với chính quyền!