Wednesday, December 6, 2023

Thấy gì qua vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên ?

 Mỹ Hằng

tonhien1

Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than.

Thấy gì về vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên trước kế hoạch huy động tài trợ của Thủ tướng Chính ?

Dự án 88 (The 88 Project) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy vụ bắt giữ Giám đốc Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên là ‘vi phạm nhân quyền’ và ‘mang yếu tố chính trị’.

Báo cáo do Tiến sĩ Ben Swanton và Michael Altman-Lupu là đồng tác giả, được công bố ngay trước ngày khai mạc Thượng đỉnh khí hậu COP28 tại Dubai vào 1/12 – nơi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự kiến có bài phát biểu công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP (Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng) trước các nhà tài trợ Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than. Bà cũng đang lãnh đạo một dự án cải cách thể chế nhằm thúc đẩy các công ty năng lượng nhà nước thoái vốn khỏi điện than.

"Hoạt động chính sách của bà, giống như hoạt động của các nhà hoạt động khí hậu, có thể bị các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là nỗ lực nhằm ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng’ vì nó thách thức sự độc quyền của đảng trong hoạch định chính sách", theo Tiến sĩ Swanton và Altman-Lupu.

Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Ravina Shamdasani, đã tuyên bố ‘quan ngại’ ngay sau khi bà Nhiên bị bắt, theo Reuters.

Từ nghiên cứu ‘quá táo bạo’

tonhien2

Việt Nam phụ thuộc nặng vào điện than

Bà Ngô Thị Tố Nhiên - người bị bắt hôm 15/9/2023 với cáo buộc ‘chiếm đoạt… tài liệu của cơ quan, tổ chức’ theo Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 - từng hợp tác với Liên Hiệp Quốc để thực hiện một ‘nghiên cứu nhạy cảm’, đưa ra kịch bản tối ưu để giảm phát thải than, các tài liệu mà Dự án 88 thu thập được cho thấy.

Trước COP26 tại Glasgow (Scotland) - nơi ông Chính bất ngờ tuyên bố cam kết đầy tham vọng với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 - một ‘cuộc đối thoại cấp cao’ đã được bà Nhiên lên kế hoạch để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới các lãnh đạo Việt Nam.

Nhưng nghiên cứu này đã bị một số người cho là ‘quá táo bạo’, theo lời kể của John Cotton, Giám đốc Chương trình cấp cao của Đối tác chuyển đổi Năng lượng (ETP) của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, năm nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt giữ trong các năm từ 2021-2023.

Không nản lòng, năm 2022, bà Nhiên tiếp tục giúp Liên Hiệp Quốc lãnh đạo một dự án nhằm cải cách ngành năng lượng Việt Nam.

Dự án này đánh giá khả năng ngưng hoạt động của 26 nhà máy điện than của ba công ty năng lượng do nhà nước độc quyền là Petro Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đầu tư của ba công ty này vào than chiếm 50% công suất điện than cả nước. Bà Nhiên và các nhà phân tích của Liên Hiệp Quốc xác định đây là trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch.

‘Vi phạm nhân quyền’

tonhien3

(Từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng - những nhà hoạt động môi trường hàng đầu bị chính phủ Việt Nam bỏ tù.

Bà Nhiên bị bắt ngày 15/9 nhưng công an lại cho biết bà bị khởi tố vào 20/9. Tin bà Nhiên bị bắt giữ và những cáo buộc chống lại bà chỉ được công bố vào ngày 30/9.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, công bố vụ bắt giữ trong cuộc họp báo chính phủ vào ngày 30/9. Ông Xô nói bà Nhiên bị bắt sau khi trả tiền cho ông Lê Quốc Anh và Dương Việt Đức – hai chuyên gia của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mà VIETSE thuê làm tư vấn - để tiếp cận các tài liệu về quy hoạch và phát triển lưới điện của EVN.

Ông Xô nói các tài liệu này là ‘nội bộ, mật’.

Theo tài liệu mà Dự án 88 có trong tay, ông Anh và Đức đã giúp VIETSE tìm hiểu khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện của Việt Nam dựa trên các văn bản quy hoạch của EVN.

Hai ông bị công an thẩm vấn tháng 12/2022, khi đó bà Nhiên đang đi công tác nước ngoài. Khi trở về nước đầu 2023, công an tịch thu Hộ chiếu và bắt bà chín tháng sau đó.

Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin 2016.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam lại cho thiết kế và ban hành một khung pháp lý mở rộng để ngăn chặn quyền này, Dự án 88 phân tích.

Điều 6 luật nói trên quy định những thông tin ‘bí mật nhà nước’ mà công chúng không được tiếp cận.

Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước cũng quy định công dân không được tiếp cận thông tin ‘chính trị’, ‘chính sách của Đảng và Nhà nước’ - những thông tin trên thực tế có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân.

Dự án 88 chỉ ra rằng cáo buộc ‘chiếm đoạt, mua bán… tài liệu mật của cơ quan nhà nước’ là mơ hồ và không phù hợp với luật về nhân quyền quốc tế.

Quyền tiếp cận thông tin là một khía cạnh tất yếu của quyền tự do ngôn luận, theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Quyền này bao gồm việc được tiếp cận với các tài liệu mà cơ quan công quyền nắm giữ, vì lợi ích cộng đồng.

Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 – vốn được dùng để buộc tội bà nhiên và hai ông Anh, Đức – hạn chế quyền được tiếp cận thông tin và sự hạn chế này là lớn hơn so với luật pháp quốc tế.

Khi buộc tội bà Nhiên tiếp cận thông tin quy hoạch lưới điện Việt Nam, Bộ Công an đã vi phạm quyền tìm kiếm và tiếp cận thông tin từ cơ quan công quyền – và các thông tin này có ích cho cộng đồng – do đó không nằm trong danh sách ngoại lệ của ICCPR.

Ngoài ra, khi công an ập vào văn phòng VIETSE, thẩm vấn nhân viên, họ đã không công khai việc bắt giữ bà Nhiên, nhưng tiếp tục giam giữ và cách ly bà dù bà không gây nguy hiểm cho xã hội.

Các phương thức này giống hệt các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động khí hậu khác trong khoảng thời gian 2021-2023.

Bên cạnh đó, việc chiếm đoạt tài liệu mật được quy định trong Điều 337 và Điều 361 chứ không phải Điều 342. Do đó sử dụng Điều 342 để bắt bà Nhiên là không phù hợp và tùy tiện.

Việc giam giữ bà Nhiên mà không cáo buộc là vi phạm Điều 9 ICCPR mà Việt Nam ký kết năm 1982.

Từ các bằng chứng thu thập được và các phân tích nói trên, Dự án 88 kết luận rằng việc bắt giữ bà Nhiên là vi phạm luật nhân quyền.

'Động cơ chính trị’

tonhien4

Dự án 88 nghiên cứu các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động môi trường trước đó, gồm Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, và thấy rằng họ đều là những người nỗ lực thành lập các liên minh thúc đẩy phong trào xã hội dân sự. Do đó, vô hình trung, đẩy họ vào thế xung đột với Đảng cộng sản Việt Nam.

Họ cũng đều là lãnh đạo các tổ chức vận động chính sách năng lượng và đều nhận được tài trợ nước ngoài để thực hiện công việc này.

Cùng ngày bà Nhiên bị bắt giữ, báo Nhân Dân có bài viết nhằm vào các nhà bảo trợ nước ngoài đang tài trợ cho các nghiên cứu chính sách ở Việt Nam.

Bài báo cho rằng ‘một nhóm nhỏ’ đang lợi dụng hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm môi trường, ‘làm vỏ bọc để can thiệp vào nội bộ Việt Nam’.

Bài báo xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Việt Nam được cho là đang ‘đàn áp sâu rộng’ xã hội dân sự.

Cuối cùng, bà Nhiên, ông Đặng Đình Bách và bà Ngụy Thị Khanh đã bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giữ và khởi tố. Nhưng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự quy định rõ : Cơ quan An ninh Điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra ‘tội phạm an ninh quốc gia’, ‘tội ác chiến tranh’, ‘tội phạm nghiêm trọng’, những tội không bao gồm Điều 342 mà bà Nhiên bị buộc tội. Theo luật thì cơ quan này chỉ được phép điều tra các tội phạm khác nếu được Bộ trưởng Bộ Công an cho phép như một trường hợp ngoại lệ, Tiến sĩ Swanton phân tích.

Từ các phân tích nói trên, việc bắt giữ bà Nhiên dường như có động cơ chính trị, theo Dự án 88.

Khuyến nghị

Dự án 88 khuyến nghị Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 6 nhà hoạt động môi trường và đảm bảo xã hội dân sự có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước mà không bị đe dọa, quấy rối và trả thù.

Dự án 88 cũng khuyến nghị các nhà tài trợ JETP ra tuyên bố công khai phản ứng với việc bắt giữ tùy tiện bà Ngô Thị Tố Nhiên ; đồng thời đặt điều kiện cho việc giải ngân hơn 15 tỷ USD là chính phủ phải trả tự do cho các nhà hoạt động nói trên.

Với Liên Hiệp Quốc, Dự án 88 khuyến nghị họ chỉ tham gia vào các thỏa thuận thúc đẩy nhân quyền theo đúng nguyên tắc và mục tiêu của họ.

Chính quyền Việt Nam nói gì ?

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 5/10/2023, người phát ngôn Phạm Thu Hằng khi trả lời phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và vụ bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đã nói :

"Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam cũng như về quan hệ đối ngoại của Việt Nam".

Bà Hằng cũng nói rằng, "Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".

Về bà Nhiên, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 30/9, trung tướng Tô Ân Xô nói rằng kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được đã xác định từ năm 2020, bà Nhiên biết ông Việt và ông Anh là những người có quyền tiếp cận tài liệu liên quan đến chính sách phát triển lưới điện EVN.

Ông Xô nói bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với hai người này theo hình thức bán thời gian, có trả lương.

"Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra", ông Xô nói.

Ông này cũng nói rằng sau khi bà Nhiên bị khởi tố, "một số cơ quan truyền thông nước ngoài và tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường".

Ông Xô nói rằng đây là hành động ‘can thiệp nội bộ Việt Nam’.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 01/12/2023

Từ tham nhũng kinh tế đến tham nhũng quyền lực ở Việt Nam

Phạm Trần


Tham nhũng kinh tế ngày càng phát triển phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị

 “Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố. Cơ quan này viết: “Tham nhũng ở Việt Nam ngày càng phát triển tinh vi, phức tạp và có tổ chức cấu kết từ Trung ương đến địa phương…Tham nhũng kinh tế, tham nhũng chính trị hiện nay và mối quan hệ nhân quả giữa các loại hình tham nhũng này.” 

    Vậy sự khác biệt giữa hai loại tham nhũng này thế nào?
    Ban Nội chinh Trung ương (BNC) giải thích: “Tham nhũng kinh tế hiện nay được hiểu theo nghĩa phổ biến là lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để thu lợi bất chính cho mình và người thân về vật chất. Các hành vi phổ biến như tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi vật chất”.
    Điều khiến đảng lo sợ là: “Tham nhũng kinh tế, vì mục đích kinh tế diễn ra khắp toàn quốc, trong cả hệ thống chính trị, từ địa phương tới Trung ương và càng lên cấp cao, vụ việc càng lớn, nghiêm trọng. Tham nhũng kinh tế đã đạt đến mức có tổ chức, móc ngoặc, câu kết từ cán bộ địa phương đến cán bộ Trung ương, vừa tinh vi vừa trắng trợn, có khi công khai ngang nhiên.”

CHỐNG ĐÂU XIÊU ĐÓ

Tình trạng nghiêm trọng như thế mà trong 10 năm chống tham nhũng (2012-2022), chỉ có: “Hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật.”
    Về lĩnh vực tố tụng, Báo cáo cho hay: “Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...” 
    Nhưng mức độ nghiêm trọng của loại “tham nhũng kinh tế” tiềm ẩn âm mưu gì?
    BNC trả lời: “Dự báo có nguyên nhân sâu xa hơn là tham nhũng vật chất để toan tính, đầu tư vào tham nhũng chính trị và khi cần thì tiến hành “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ, thực hiện giấc mơ lớn là khống chế, làm chủ chế độ, đất nước lâu dài vì mục đích của cá nhân và nhóm lợi ích. Cùng với sự phát triển của đất nước, tham nhũng kinh tế ngày càng phát triển phức tạp và nhanh chóng chuyển sang cấp độ tinh vi hơn là tham nhũng chính trị như một bước tất yếu.”  (Ban Nội chính Trung ương, ngày 02/03/2023).
    Như vậy rõ ràng càng “tham nhũng kinh tế” bao nhiêu thì tham vọng chính trị càng nẩy sinh phức tạp trong nội bộ Đảng. Do đó, BNC cho biết: “Các hành vi tham nhũng chính trị phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dùng quyền lực, lợi ích để kết nối sự ủng hộ trong nội bộ, kể cả mua chuộc và đe dọa, khống chế để giành quyền lãnh đạo, quản lý bộ máy Đảng, Nhà nước; bố trí con, cháu, người thân, tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài; chấp nhận, giúp đỡ, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi; kết nối quan hệ, tác động, can thiệp, cấu kết có hệ thống với các phần tử tham nhũng để chia phần lợi ích;…Tham nhũng chính trị nhanh chóng hình thành các nhóm lợi ích, phát triển thành các tập đoàn lợi ích vững chắc, thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp tư pháp và truyền thông báo chí. Từ đó, các tập đoàn lợi ích cấu kết để nắm quyền lợi về kinh tế và chính trị, thâu tóm quyền lực để tự do tham nhũng, tiêu cực. Lúc này, thế lực tham nhũng đã kết nối vững chắc, trở nên rất lớn mạnh, sẵn sàng bất chấp quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, dư luận của nhân dân và nguy hiểm hơn, tiến hành vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt thẳng tay những người chân chính, dám đấu tranh chống lại họ. Các tập đoàn tham nhũng hình thành, kết nối, phát triển sẽ thao túng nền chính trị đất nước và ngày càng thách thức nghiêm trọng sự lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực Nhà nước và cả hệ thống chính trị.”

    Đây là lấn đầu tiên, nhóm chữ “Các tập đoàn tham nhũng” đã được sử dụng để chứng minh “tham nhũng kinh tế” và “tham nhũng quyên lực” đã cấu kết với nhau sâu rộng và nguy hiểm đến tài sản của dân và sự tồn vong của chế độ. Chứng minh cho kết luận này đã được báo Đầu Tư xác nhận: “Mặc dù Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “có bước tiến mới”, song tội phạm tham nhũng tăng mạnh, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5% khiến thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đầy lo ngại.” (Đầu Tư-Chứng Khoán, ngày 08/09/2023)Báo Đầu Tư viết: “Chính phủ đánh giá, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm, tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước, mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
    Tuy nhiên Chính phủ không tiết lộ “yếu tố nước ngoài” là gì, cá nhân hay nhà nước? Nhưng, theo lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường thì: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, đấu thầu, trái phiếu, y tế, giáo dục, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội.”
    Tất nhiên “rửa tiền” phải có “yếu tố nước ngoài” tiếp tay thì mới đầu xuôi, đuôi lọt.

VÀO CẢ QUỐC HỘI
 
Đáng chú ý hơn là “giặc tham nhũng” đã chui vào cả Quốc, cơ quan Lập pháp có quyền lực cao nhất nước, sau khi đã “ngồi an toàn ” trong Hành pháp và Tư pháp. Nội chính Trung ương cho hay: “Về lập pháp, lực lượng tham nhũng chính trị tác động vào công tác xây dựng và ban hành pháp luật, thể chế, chính sách theo hướng có lợi cho họ, cài cắm lợi ích  nhóm vào các luật. Mức cao hơn, lực lượng tham nhũng này có thể tác động vào công tác nhân sự và đại biểu Quốc Hội, vận động hành lang để Quốc Hội biểu quyết thông qua những dự án lớn theo tính toán của họ. Dần dần, Quốc Hội sẽ bị thao túng, khống chế bởi các tập đoàn tham nhũng, không còn là cơ quan quyền lực tối cao của nhân nhân, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, vì quyền lợi nhân dân nữa, hay nói cách khác là nhân dân đã bị chiếm mất quyền lực tối cao theo Hiến định.”
    Như vậy hèn gì mà “tham nhũng cứ trơ ra” như lời than của Tồng Bí thư Nguyễn Phú Trong!
    Hậu thuẫn cho thừa nhận của ông Trọng, Nội chính Trung ương xác nhận: “Nhìn chung, tham nhũng kinh tế và tham nhũng chính trị ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển ở mức nghiêm trọng, gắn kết với nhau trong mối quan hệ ràng buộc nhân quả và dù Đảng ta đã hết sức quyết liệt đấu tranh, trừng trị nhưng vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi”.
    Vì chưa đẩy lùi được nên “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quay lưng lại với Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, như đảng đã nhìn nhận.
    Nhìn chung, như Nội chính Trung ương đã thừa nhận, hai thế lực “tham nhũng kinh tế” và “tham nhũng quyền lực” đã cấu kết với nhau để “hóa giải” quyền cai trị của đảng cho lợi ích nhóm và cá nhân, gia đình. Như vậy, cuộc chiến giữa hai nhóm tham nhũng với đảng CSVN kéo dài bao nhiêu thì đất nước càng suy thoái và nhân dân càng bị bóc lột bấy nhiêu.

– Phạm Trần

(12/023)

Thảm trạng giáo dục

 Lâm Bình Duy Nhiên-6-12-2023

Học sinh xúm lại đánh cô giáo. Cô giáo cũng dùng giày dép rượt đuổi và đánh học trò… Dường như học trò tiểu học hay trung học cơ sở thôi!

Thật ngao ngán và xấu hổ! Liệu đó có phải là một trường hợp lẻ loi hay chỉ là bề nổi của tảng băng ngầm cho cái gọi là nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

Giáo dục là nền tảng của một xã hội nhân bản và tiến bộ. Phát triển một nền giáo dục khoa học dựa trên tinh thần tôn sư trọng đạo là điều cần thiết và cấp bách để đào tạo những công dân có đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng. Tiếc thay, Việt Nam chỉ biết chạy đua theo thành tích, giải thưởng Olympic này nọ, học sinh chuyên cấp quận, cấp thành, cấp quốc gia như những cỗ máy, con vẹt nhưng lại quên đi cái nền móng của nền giáo dục!

Học sinh thì bị ép học, học nữa, học mãi theo gương của lãnh tụ mà suy cho cùng cũng chẳng hấp thụ được bao nhiêu kiến thức quan trọng.

Thành tích bắt buộc nên học trò lại cứ phải học thêm. Sáng đi học, chiều tối lại cặm cụi đi học thêm, học luyện thi, để có điểm tốt, để trúng tủ đề thi, để được thầy cô giáo nâng đỡ…

Thầy cô thì quên đi trọng trách cao cả của nghề dạy học. Cũng phải bươn chải kiếm sống bằng cách dạy thêm. Suy cho cùng đồng tiền đã chi phối toàn xã hội. Ai cũng nghĩ đến tiền. Học trò, phụ huynh, thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục: phải có tiền để vào trường tốt. Phải có tiền để con học thêm. Phải có tiền từ dạy thêm để nuôi sống gia đình!

Bất chợt người viết nhớ lại cái thời học trò trong nước. Cũng chỉ vì muốn trở thành bác sĩ (MK, cũng phải là bác sĩ), mà cha mẹ chạy đôn, chạy đáo kiếm tiền cho con đi học luyện thi!

Mà phải học từ lớp 10 lận! Sáng đi học ở trường. Trưa đạp xe về nhà ăn cơm, xong lại đạp xe, “chạy xô” đi học luyện thi, hết Toán, Hoá rồi Sinh, đến gần 21 giờ mới về nhà.

Ngày nào cũng thế. Trong suốt 2 năm…

Cha mẹ đóng tiền học luyện thi. Nhớ học môn Sinh vật. Cô giáo là giảng viên đại học Y. Cha đưa một chiếc nhẫn, cả chỉ vàng (?) cho cô giáo, vì không có tiền mặt. Hình ảnh ấy là một cơn ác mộng đeo đuổi người viết đến tận bây giờ!

Nhiều ông thầy, bà cô coi như làm giàu nhờ dạy luyện thi. Thậm chí in tờ rơi quảng cáo có học sinh đậu thủ khoa trường A hay B. Mà họ giàu thật. Cứ mùa luyện thi là hốt bạc…

Tất cả những kỷ niệm ấy tưởng chừng chỉ tồn tại trong thời bao cấp, đói khổ hay mới mở cửa. Ai ngờ đã vào thế kỷ 21 rồi nhưng nền giáo dục tại quê nhà vẫn không đổi thay.

Thậm chí đạo đức bị suy đồi trầm trọng. Từ trò đến thầy cô, không còn sự tôn trọng lẫn nhau. Cái gì cũng phải hơn thua nhau và bạo lực là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn: giữa học trò, giữa thầy trò, giữa ban giám hiệu với thầy cô giáo…

Bạo lực xuất hiện khắp nơi, kể cả trong sách giáo khoa, để gieo rắc sự hận thù trong tâm trí của học sinh các cấp.

Bạo lực chính là giải pháp tối ưu trong toàn xã hội!

Biết bao giờ người cộng sản mới thức tỉnh để hiểu rằng phải có một nền giáo dục nhân bản và khoa học thì đất nước mới phát triển.

Có giáo dục vững mạnh thì kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng phát triển vì có nhân tố con người tiến bộ để tác động vào guồng máy xã hội.

Dường như người cộng sản chỉ tập trung vào sự cai trị chính trị. Họ vứt bỏ giáo dục vì họ ngại yếu tố con người tiến bộ, có trách nhiệm và được đào tạo bài bản. Những nhân tố ấy là mối đe doạ cho sự tồn tại của chế độ. Chẳng thà đào tạo một tầng lớp chỉ biết đua đòi, tham lam, vô trách nhiệm trong một nền giáo dục lạc hậu và bạo lực còn hơn những tiếng nói phản biện và can đảm.

Thầy trò đánh nhau. Công dân vác dao, mã tấu đâm nhau vì những bất đồng trong xã hội. Cứ mâu thuẫn là lấy bạo lực để giải quyết. Đó là thảm trạng của một nền giáo dục độc tài, lấy bạo quyền và đồng tiền làm kim chỉ nam.

Một sự tụt hậu được báo trước từ gần nửa thế kỷ qua nhưng không hề được quan tâm bởi bộ máy cầm quyền!

Chẳng phải Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

Chính cái vũ khí ấy khiến mọi chế độ độc tài phải sợ hãi và không muốn phát triển nền giáo dục.

Đáng buồn, Việt Nam cũng không là một ngoại lệ!

Người Việt có thực sự hiểu Trung Quốc

 Huy Đức-6-12-2023

Ảnh: Tác giả chụp với Trần Bảo Nam, con trai liệt sĩ Trần Văn Duẩn, ngày 17-2-2015, tại cột mốc 92 “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Cho đến bây giờ, vốn tiếng Hoa của tôi, chỉ còn có thể nói gần đúng một câu: “Wo shi ba nian ji xue sheng 我是八年级学生 (Tôi là học sinh lớp Tám)”. Vì, năm tôi học lớp Chín, quan hệ Việt – Trung đã rất căng thẳng. Trường có hai giáo viên dạy tiếng Trung Quốc thì thầy Cát phải nhập ngũ còn cô Thủy phải chuyển sang làm thủ thư kiêm đánh trống. Thầy hiệu trưởng cũng gặp không ít khó khăn do họ “Quách” của mình.

Sáng 17-2-1979, “Trung Quốc nổ súng gây chiến tranh trên toàn tuyến Biên giới”, tôi bỏ học, đi bộ đến thẳng Ủy ban Thị trấn Nông trường Thạch Ngọc, nộp đơn xung phong nhập ngũ.

Năm ấy, những bài xã luận phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam làm máu sục sôi, chúng tôi coi những phản ứng ấy của “hệ thống chính trị” là không có gì phải bàn cãi.

Đất nước mình là thế.

Không có người Việt nào nghi ngờ về những tham vọng của Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng Trung Quốc còn là một nền kinh tế lớn và một nền văn hóa lớn. Không ai thực sự tự hỏi, chúng ta muốn đánh thức ở đấy “nguy” hay đánh thức “cơ”.

Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, cha ông ta hẳn phải rất hiểu Trung Quốc mới thắng họ và giữ được nền độc lập. Thời đại nào, Trung Nam Hải cũng khát khao Đại Hán và để phát triển được như hiện nay, hẳn họ cũng đã phải rất tư duy chiến lược. Chúng ta cần biết những đứt gãy ở đâu để giờ đây, người Việt gần như chỉ học được từ người Hoa tiểu xảo.

Khi Trung Quốc sai, những người Việt Nam cộng sản đã tin một cách ngây thơ vào “chủ nghĩa quốc tế vô sản”, gần họ đến mức sợ “môi hở răng lạnh”. Khi Trung Quốc bắt đầu đúng, năm 1978, Việt Nam lại phải coi họ là kẻ thù.

Khi đã coi họ là kẻ thù, như trường hợp của lớp tôi năm 1978, đến tiếng Hoa chúng ta cũng không thèm học.

Đừng nhìn mối quan hệ với Trung Quốc chỉ bằng “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”. Ở nhiều tỉnh Biên giới phía Bắc, người Kinh là “dân tộc thiểu số”. Cả về kinh tế và văn hóa, người dân ở đấy gần gũi với phần người Hoa giáp biên hơn Hà Nội.

Giá cả sầu riêng, thanh long và cả lợn, tôm hùm… lên xuống, nông dân Việt Nam không hề có khả năng dự báo. Chúng ta quan hệ với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai chỉ chủ yếu qua thương lái. Chúng ta không chỉ thiếu một đội ngũ người Việt hiểu Trung Quốc từ bên trong Lục Địa, chúng ta thiếu cả những người Việt để hướng dẫn du lịch, để giao tiếp với người Hoa ở ngay trên đất nước mình.

Không phải bao giờ quyền lợi của dân chúng Việt – Hoa cũng tương đồng với quyền lợi giữa Bắc Kinh và Hà Nội. “A.Q.” không muốn “nắm tóc Chí Phèo”. Dân chúng cần một đường biên hòa bình. Muốn để đường biên ấy hòa bình, ngay cả khi ta nghĩ Trung Quốc xử sự như một “láng giềng tốt”, người Việt cũng cần phải học để biết lòng dạ họ; ngay cả khi Trung Quốc hành xử như kẻ thù, người Việt càng phải học để làm sao thắng họ.

Đạo đức xã hội xuống cấp do đâu?

 Dương Quốc Chính-6-12-2023

Việc học sinh mất dạy không phải chỉ lỗi của nền giáo dục đâu, mà bọn trẻ con cấp 1-2 thì gia đình dạy là chính. Nhà trường vẫn là thứ yếu về giáo dục đạo đức. Càng lớp nhỏ thì cô giáo còn có chút vai trò dạy đạo đức chứ càng lên cao thì càng ít và ở cấp đại học và sau đại học thì hầu như vai trò giáo dục đạo đức là bằng không, thậm chí còn âm. Vì nhiều khi giáo viên dạy sinh viên đút lót, đổi tình lấy điểm…

Mấy vụ học sinh đánh nhau, bắt nạt học đường. Giờ là bắt nạt cả cô giáo, nó thuộc phạm trù đạo đức. Bây giờ vùng quê hay vùng ven, hay các khu vực dân lao động ở nhiều thì càng nát. Vì bố mẹ vất vả, ít học, chẳng có thời gian dạy con hoặc dạy con mất dạy thêm thông qua sự mất dạy của chính bố mẹ (do nghề nghiệp tạo ra).

Xã hội Việt Nam và Trung Quốc dễ giống nhau ở chỗ vô đạo (không có tôn giáo) và nền tảng đạo đức xuống cấp. Chính ra thời phong kiến, người ta còn nhiều rào cản đạo đức hơn bây giờ. Bây giờ rào cản răn đe hành vi con người chủ yếu chỉ còn là pháp luật mà thôi. Nhưng lẽ ra một xã hội văn minh cần có thêm rào cản đạo đức xã hội và tôn giáo nữa thì con người mới có thể giữ được lề thói.

Thời phong kiến người ta còn sự ràng buộc bởi đạo đức Nho giáo. Lưu ý là Nho giáo không chỉ về quy tắc chính trị mà cả đạo đức. Tất nhiên đến giờ nhiều cái hủ lậu nhưng vẫn còn nhiều giá trị đạo đức. Ví dụ như răn dạy về quân tử và tiểu nhân, đạo làm vợ, làm chồng, làm con, làm thầy, trò.

Ngoài ra thì còn đạo Phật, Công giáo… cũng dạy đạo đức rất nhiều, cơ bản cũng hướng thiện. Nông thôn xưa còn có hương ước và lệ làng, cũng là thứ rào cản đạo đức theo chuẩn mực thôn quê, cũng dựa trên nền tảng Nho giáo. Dân người ta sợ lệ làng hơn cả luật vua. Sợ bị làng xóm chê cười, nên cũng không dám làm điều xấu, thất đức. Kiểu gọt đầu bôi vôi nghe nó hủ lậu thật nhưng cũng đỡ khoản chịch dạo này kia.

Nhưng từ ngày cách mạng thành công, lật đổ cmn hết cả các nền tảng nói trên, thì xã hội chỉ còn rào cản bằng điều lệ đảng (hồi đầu còn có rất ít luật, nghị quyết dùng thay luật) và rơi rớt lại chút ít nề nếp gia phong của một số dòng họ lớn. Nên tạm gọi hồi đó theo cái gọi là nền đạo đức XHCN (đạo đức cách mạng), kiểu mỗi người làm việc bằng hai, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ… Giáo dân lúc nguy cấp thì lạy Chúa, Phật tử thì mô Phật, còn con người XHCN sẽ hô khẩu hiệu, gọi tên Bác 3 lần!

Nhưng cái làm đảo lộn giá trị xã hội lớn nhất là tư duy cào bằng, cào bằng không chỉ về kinh tế mà cào bằng cả về đạo đức và sự tôn trọng lẫn nhau. Mọi người đều bình đẳng, không có tôn ti trật tự thời phong kiến nữa. Bần nông có thể chỉ mặt chửi địa chủ. Công nhân, thợ thuyền, buôn bán nhỏ có thể chỉ mặt chửi tư sản, giáo sư, nhân danh sự bình đẳng. Dưới chế độ ta, trí thức còn không bằng cục phân (lời Lenin và Mao).

Rồi chuyện đấu tố thời cải cách ruộng đất mới thực sự “đào tận gốc, trốc tận rễ” nền tảng tôn ti cũ. Con cái đấu tố bố mẹ, người làm đấu tố chủ, ân nhân cũ… Giá trị đạo đức cũ bị triệt hạ tận gốc rễ. Bây giờ anh em che’m giê’t nhau để tranh giành đất đai không còn là hiếm. Con đô’t cả mẹ nữa…

Rồi đến khi đổi mới, xã hội trở nên xôi thịt hơn, thì đồng tiền nó bẻ lái hết cả giá trị xã hội. Mới sinh ra sự mục nát như giờ. Tiền bạc, lợi ích nó là động lực phát triển của Chủ nghĩa Tư bản. Nhưng Chủ nghĩa Tư bản nó không bị mục ruỗng nền tảng đạo đức vì nó còn duy trì tôn giáo và tôn ti trên dưới của xã hội và quan trọng nhất là pháp luật nó nghiêm minh và độc lập. Còn Việt Nam và Trung Quốc  hiện nay thì đang có đủ tật xấu của Cộng sản và Tư bản. Nhưng luật lại không thể nghiêm vì có nhiều kẻ được ngồi trên luật.

Tổng quan về đạo đức xã hội nó đang là như vậy. Nên đừng vội chỉ trách thầy cô giáo. Họ cũng chỉ là những tế bào của xã hội mà thôi. Tổng thể xuống cấp thì các tế bào cũng sinh bệnh cả.

Trong một tổng thể như vậy, điểm yếu nhất về nền tảng đạo đức là giai cấp cần lao. Nên mấy trường lớp kể trên mới lắm học sinh mất dạy thế. Như bạn của con mình, có đứa hay chửi bậy, là mình hỏi con ngay, bố mẹ bạn làm nghề gì? Y như rằng, là buôn bán vặt, chắc chửi bậy hàng ngày. Nói thế không phải là phân biệt giai cấp. Cũng có người này người kia, nhưng đa số sẽ là vậy. Mình phải đe con là đề phòng bạn rủ rê chơi bời, chứ không cấm nó chơi chung.

Trò chơi ném dép

 Chu Mộng Long-6-12-2023


Báo Tuổi Trẻ tường thuật có đầu có đuôi vụ cô giáo và học sinh chơi “trò chơi ném dép” ở Tuyên Quang. Đầu đuôi là cô giáo có “khúc mắc” với học sinh, học sinh “phản ứng” và sau đó diễn ra “trò chơi ném dép”.

Tuy nhiên, báo không cho biết rõ là “khúc mắc” như thế nào. Chỉ nói cô giáo “nhắc nhở” một số học sinh ở ngoài chưa vào lớp và “không đồng ý” khi học sinh xin ra ngoài. Chỉ có thế mà kết quả là xung đột diễn ra. Khi cô giáo đã sang dạy lớp khác mà học sinh vẫn kéo nhau sang tấn công cô giáo: Nhốt cô giáo lại, chửi bới, ném rác, ném dép vào đầu cô giáo.

Nếu viết một vở kịch dựa trên tường thuật của báo như vậy thì ắt bạn đọc sẽ bảo: Đó là kịch phi lý hoặc là hư cấu một cách khiên cưỡng. Bởi vì nếu cô giáo chỉ nhắc nhở, không cho học sinh ra vào tùy tiện trong giờ học mà dẫn đến học sinh tấn công cô giáo là chuyện không thể xảy ra. Nếu chỉ vì thế mà bị tấn công thì nhà giáo nào chẳng một lần bị ăn đòn?

Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà giáo tay nhanh hơn não, chửi học sinh “mất dạy”! Ừ thì xem clip, thấy rõ đám học sinh này mất dạy thật. Nhưng chửi như vậy thì các loại nhà có động não khi truy ngược, rằng ai dạy nó? Chúng ta có trách nhiệm dạy trẻ em và chửi trẻ em “mất dạy” chẳng phải là tự chửi mình sao?

Nhiều người chửi cha mẹ những em bé ấy không biết dạy con. Có một bạn viết rất hay rằng, nếu cha mẹ những đứa trẻ này là quan chức thì chửi cũng thỏa đáng. Nhưng đa phần cha mẹ những đứa trẻ này là con dân đen. Tôi tin điều đó là đúng. Nhìn chiếc dép tổ ong của chúng đủ biết chúng thuộc thành phần nào. Dân đen thì gánh trên vai miếng cơm manh áo, gánh học phí và các loại phí như con nợ, gánh giá sách giáo khoa, các loại học liệu và đóng các loại quỹ đến oằn lưng, đầu tắt mặt tối, thời gian đâu mà dạy con?

Vậy thì sự “mất dạy” của chúng phải là do thầy cô giáo, do cán bộ Đoàn, Đội, do các quan phụ mẫu chứ không lẽ trời sinh ra thế? Tấm gương các thầy cô, các cán bộ Đoàn, Đội, các quan phụ mẫu thế nào mà trẻ em hư hỏng gần như đồng loạt vậy?

Tấm gương thế nào thì trẻ em thời đại Internet biết cả. Thầy cô, đứng đầu là giáo sư, tiến sĩ đại học cho đến thầy cô giáo phổ thông thì như đứa buôn gian bán lận, từ buôn sách, viết thuê bài báo đến luận án, buôn bán bằng cấp và ăn phong bì, quà cáp. Cán bộ Đoàn, Đội thì tổ chức những hoạt động cổ vũ ăn chơi bừa bãi, phản văn hóa. Quan phụ mẫu thì nhận cả vali tiền, ăn không chừa thứ gì. Chưa nói nhà chùa thì nổi lên hoạt động đồng bóng, không thờ Phật mà chỉ biết cúng vong. Cả một hệ thống ma quỷ, cô hồn như vậy bủa vây trẻ em, chúng soi vào đâu để làm người?

Đây không phải là một vài học sinh cá biệt mà loạn cả lớp học. Câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” của cụ Khổng, hay câu “Phần nhiều do giáo dục mà nên” của cụ Hồ, chẳng lẽ sai?

20.11 vừa rồi, các bản văn từ trên xuống dưới đều ngợi ca truyền thống “Tôn sư trọng đạo” kia mà? Trong trường hợp này sao không nói câu cửa miệng rằng “Mình phải như thế nào mới được đối xử như vậy chứ?”

Tôi gạt nước mắt để tỉnh táo xem cả ba phần của clip, gồm ba scene. Scene 1: Cô giáo dọn giáo cụ, học sinh bỏ giấy đỏ giấy vàng như đồ hàng mã vào cặp cô giáo. Cô giáo vứt bỏ ra ngoài và đi ra khỏi lớp, rồi một học sinh ngã lăn quay. Học sinh đóng cửa không cho cô ra ngoài và khiêu khích, mạ lỵ cô, hô hoán lên cô giáo đánh học sinh. Cô giáo im lặng, chịu đựng và lấy điện thoại quay lại cảnh học sinh mạ lỵ mình.

Scene 2: Tiếp tục màn học sinh khiêu khích, mạ lỵ cô giáo và một học sinh ném dép vào đầu cô giáo. Cô giáo hỏi đứa nào ném dép vào đầu cô. Thế là đấu khẩu diễn ra. Cô nói một, học sinh nói mười, vì học sinh rất đông.

Scene 3: Học sinh ném dép vào cô, và cô chạy quanh phòng ném dép lại học sinh. Và cô cũng ngã lăn quay như học trò!

Trên bề mặt hình ảnh ba scene của clip độc nhất vô nhị này, chỉ có thể bào chữa cho trơn mép. Rằng đó không phải cái chợ cá mà là cô và trò đang hoạt động trải nghiệm bằng trò chơi ném dép. Trong trò chơi này, cô và trò đóng vai bình đẳng: Trò ném dép thì cô cũng ném dép, cô quay clip thì trò cũng quay clip, trò lăn quay thì cô cũng lăn quay. Rất vui vẻ để thực hành khẩu hiệu: “Trường học thân thiện”, “Học sinh tích cực”.

Trong 5 phẩm chất, 10 năng lực “cốt lõi” mà ông Thuyết và cộng sự chủ trương không có phẩm chất nào “kính thầy, yêu bạn”. Bắt trẻ em phải đạt những phẩm chất và năng lực như ông thánh, khi chúng không thể thành thánh thì ắt chúng thành ma quỷ. Coi như chơi trò ma quỷ nhân hội Halloween để doạ nhau, hay coi như đó là một tiết học trải nghiệm chơi trò đánh giặc giả để thể hiện phẩm chất yêu nước cũng được. Giáo dục như vậy là thành công rực rõ, chưa bao giờ được như bây giờ!