Thursday, April 26, 2018

Hiện tượng thủy sản chết ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh: nghi vấn về xả thải của Formosa?

Thảo Vy – Nguyễn Cao (VNTB) Ngày 24-4-2018, tại các bè nổi nuôi hải sản khu vực biển Vũng Áng, gần nơi sản xuất của Formosa Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng một số cá, mực nuôi ngoi lên mặt nước, lờ đờ rồi chết. Chính quyền giải thích rằng đây là do bị thiếu oxy.

Giải thích này khó thuyết phục, vì nếu vùng nước làng bè bị thiếu oxy thì cá không chết đột ngột và nhanh đến như vậy. Việc hải sản đột ngột chết cũng chỉ ghi nhận xảy ra vào buổi sớm 24-4, mà không diễn tiếp sau đó.

“Khi vùng biển được người dân chọn làm bè để nuôi cá bị thiếu oxy (oxy hòa tan, DO), thì trước tiên cá sẽ nổi lên mặt nước, đớp không khí để hô hấp gọi là hiện tượng cá nổi đầu. Nếu thiếu dưỡng khí kéo dài thì hàm dưới của cá nhô ra, màu sắc trên lưng biến nhạt. Nếu không có biện pháp xử lý cá sẽ chết hàng loạt thậm chí chết toàn bộ”.
Cá điêu hồng tại lồng nuôi ở khu vực cảng Vũng Áng lờ đờ trên mặt nước, một số sau đó đã bị chết. Ảnh: Dân Trí
Tài liệu về “Bệnh học thủy sản” của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho biết như vậy.

Giải thích từ nhà chức trách đưa ra là “khu vực các bè nổi đang kinh doanh nằm giữa cầu cảng số 3, số 4 và số 5 đang thi công gây ứ đọng, giảm khả năng lưu thông nguồn nước, có thể tác động đến môi trường”; và “các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa… được gửi về Sở Tài nguyên thì các chỉ số về nguồn nước đều ở ngưỡng bình thường” (!?)

Tuy nhiên theo lời của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án của Công ty cảng Quốc tế Lào- Việt thì việc kết luận thi công cầu cảng gây nước ứ đọng, dẫn tới chuyện cá bè trên biển bị chết là không thuyết phục.

“Hiện Công ty cảng Quốc tế Lào- Việt đang thi công Bến cảng số 3. Do đó, đơn vị đang khoan cọc nhồi bằng phương pháp thả ống vách ngăn móc đất lên bờ, công trình thi công được hơn 4 tháng nay đã hoàn thành được 40 cọc bê tông, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước”. Ông Tuấn nói và cho biết cần lưu ý tình tiết vào khoảng 5 giờ sáng 24-4, các hộ kinh doanh hải sản trên bè nổi tại Vũng Áng – Hà Tĩnh bất ngờ phát hiện thấy có hiện tượng lạ khi nước biển đang trong bỗng chuyển sang màu như nước chè xanh đặc.

Trong lúc người dân đang đặt câu hỏi tại sao thì đến khoảng 6 giờ cùng ngày bắt đầu thấy hải sản trong lồng bè của mình, trong đó có các loại cá mú, cá hồng, mực nhảy, tôm hùm, cua, ghẹ... thi nhau chết hàng loạt.

“Thi công cọc bê tông bến cảng thực hiện vào ban ngày. Khả năng dòng nước biển có màu như nước chè xanh đặc, là từ một họng cống xả thải nào đó từ nhà máy trong vùng biển này!”. Một số công nhân khoan cọc nhồi tại đây đặt nghi vấn. Họ ngại nêu tên Formosa cho ngờ vực xả thải đó.

Năm 2014, nhiều ngư dân khi lặn biển đêm đã phát hiện hệ thống đường ống dẫn nước khổng lồ dưới đáy biển Vũng Áng. Đến đầu tháng 4-2016, cũng trong lúc lặn đêm, một ngư dân bất ngờ phát hiện miệng đường ống khổng lồ nằm dưới đáy biển này đang phun rất mạnh dòng nước có màu vàng đục ra biển. Ngư dân này đã cấp tốc trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Đồn Biên phòng Đèo Ngang sau đó lên tiếng cho rằng, đó chỉ là ống dẫn nước xả thải sinh hoạt của dự án Formosa. Tuy nhiên từ thời điểm đó cá biển ở Vũng Áng đột ngột chết rất nhanh và lan rộng tới nhiều địa phương khác…

Khi ấy, trả lời về hiện tượng cá bị nhiễm độc chết hàng loạt liệu có liên quan đến dự án Formosa, ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty Formosa nói rằng hệ thống xả thải của Formosa trước khi được thải ra biển các điểm xả thải phải tập trung về một chỗ. Sau đó nước thải đi qua một trạm quan trắc tự động. Ống xả thải ra biển này, là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Ống xả thải đó đã được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nhà nước Việt Nam.

Tháng 4 năm nay tái xuất hiện chuyện cá chết ở vùng biển Vũng Áng với quy mô nhỏ hơn. Rất nhanh, chính quyền địa phương đã khẳng định “các chỉ số về các trạm quan trắc online lắp đặt tại các nhà máy Nhiệt điện, Formosa gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đều bình thường (!?)”.

PGS.TS Vũ Đình Đáp, cựu phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, dè dặt cho rằng: “Đương nhiên họ đã rút kinh nghiệm lần 1, không dám để gây hậu quả như trước, còn xử lý công nghệ như thế nào giảm thiểu ô nhiễm lại khác, đã khai khoáng thì chỉ là mức độ nặng nhẹ ra sao, khu vực đông dân cư hay thế nào, chủ yếu là mức độ chấp nhận được, chỉ là hạn chế tối đa ô nhiễm, chứ không phải là không có ô nhiễm.

Việc sản xuất chắc chắn sẽ kèm theo ô nhiễm, nhà sản xuất n

'Sẽ còn đổ máu tiếp'

Mai Quốc Ấn


"Sẽ còn đổ máu tiếp!" là thông điệp của người dân quanh nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trong chừng mực thông tin tôi có thì có thể khẳng định là sẽ lớn hơn cuộc bạo loạn trước đây nếu không có các biện pháp đảm bảo về môi trường.

Nhắc lại 1 chút, trong 2 ngày 14 và 15/4/2015, nhiều người dân Vĩnh Tân đã từng chặn quốc lộ 1, xô xát với cảnh sát cơ động, ném bom xăng vào lực lượng chức năng và sau đó bị khởi tố.

Sau 3 năm, Vĩnh Tân bây giờ ra sao?

Tôi tìm về Vĩnh Tân để chứng kiến những chuyến xe chở tro xỉ chạy rầm rập từ nhà máy nhiệt điện. Sau khi người dân phản ánh bụi mù tung trong 1 tháng trở lại đây thì có hoạt động tưới đường, tưới tro xỉ, rửa xe tải. Tuy nhiên, có một nỗi lo khác...

Người dân tại đây nói với tôi rằng bãi tro xỉ cao ngút 27m và rộng như một quả đồi được tưới bằng nước biển chính là cách giết môi trường tốt nhất! Hệ thống bạt đệm bãi tro xỉ chắc chắn bị rách mới khiến nước muối lan tỏa nhanh và nhiều do công trình chứa tro xỉ cao (27m) so với đất dân. Nước muối thấm xuống đất, nước và phát sinh ion do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nên lan nhanh. Càng tưới bằng nước biển, nước lợ thì quá trình ô nhiễm càng nhanh. Nước biển chứa muối, không có độ trơ như nước ngọt, nên trở thành dung môi có thể ion hóa các gốc gây độc trong xỉ than ngấm sâu vào đất.

Nước giếng được người dân bơm vào bể chứa để dùng, chỉ sau 1-2 ngày là hình thành tinh thể muối ở các kẻ nứt của bể. Mùi nước hắc và vị lợ. Nước giếng là thứ người dân sát bãi xỉ dùng xưa nay, đã không thể dùng được! Tại khu vực bãi đổ tro xỉ của Vĩnh Tân ra các hộ dân có hiện tượng nước đóng muối cục. Tinh thể muối đã khiến các giếng nước thành giếng nước "chết". Hệ rong rêu tự nhiên giờ chỉ còn là những thảm rêu "cháy" đen vì nhiễm mặn còn rong thì đã trở thành rong thối, hóa nhờn. Nước giếng giờ người dân đã không dám dùng và phải mua nước bình để uống. Nhưng nước giếng cho trâu bò, heo gà uống lại tiềm ẩn nguy cơ khác kiểu ô nhiễm lan tỏa. Mẫu nước đang được kiểm nghiệm nên tôi không dám đoán trước là có các yếu tố gây ung thư hay không. Nếu có, hãy tưởng tượng bạn ăn thịt bò uống nước nơi ấy...

Đất cũng "chết", ở diện rộng. Các loại cỏ chịu mặn phát triển cao vượt mức bình thường và nguy nhất chính là sự xuất hiện của sậy chịu mặn- 1 loài không phải thực vật bản địa ở Vĩnh Tân. Nghĩa là mức độ nhiễm mặn đã vượt qua ngưỡng an toàn rất xa, thay đổi môi trường tự nhiên. Trong tương lai gần, khoảng 2 năm nữa, sẽ chứng kiến sự xuống cấp tan nát của hệ thực vật bản địa. Hiện nay, người dân khu vực này trồng dưa và hoa màu coi như mất trắng. Cây trôm- loại cây bản địa tiêu biểu cũng xuất hiện tinh thể muối ở gốc.

Không khí ô nhiễm ở một mức độ không thể chấp nhận được. Hệ thống chở tro xỉ từ nhà máy ra bãi đổ là xe tải che bạt, không phải xe bồn cylo như quy định của Luật Môi trường nên gây bụi rất nhiều dù có phun rửa. Hệ thống băng chuyền lộ thiên của nhà máy cũng làm bụi bay theo gió. Mức độ về bụi chỉ có thể dùng cụm từ "Không thể sống được!" để hình dung.

Chính quyền địa phương trợ cấp cho người dân 3 tháng tiền gạo, 10 tháng tiền nước theo diện... "thiên tai". Thiên tai? Chỉ có nhân tai Nhân tai từ việc im lặng của địa phương và báo cáo láo của các bộ. (Tôi sẽ có bài riêng về những cán bộ báo cáo láo!)

Số tro xỉ hiện hữu tại bãi bị nhiễm mặn đang ngày càng chất chồng và dự kiến không còn chỗ chứa trong khoảng 380 ngày nữa. Tôi nắm thêm thông tin là các "doanh nghiệp xí phần" ngoài xí đất thì sẽ lợi dụng san lấp mặt bằng để hút cát và lấy tro xỉ lấp lại nên rất nguy hiểm. Họ lầm to khi xí phần! Vì số tro xỉ nhiễm mặn không làm gạch không nung được!

Lợi dụng xin dự án để hút cát đem bán là khẳng định của không chỉ người dân mà cả... công an địa phương. Thậm chí có những công an xin ra ngành, ra khỏi Đảng vì chính các báo cáo của họ đều bị ém nhẹm. Người chiến sĩ ấy cay đắng nói với tôi: "Xã im. Huyện im. Tỉnh im. Trung ương vô kiểm tra cũng im và không có thông báo gì cho chúng tôi. Ô nhiễm vẫn diễn ra hàng ngày..."

Nước và đất nhiễm mặn thì cây chết, không có mảng xanh thì lấy gì lọc bụi. Bụi bốc lên nhiều lại tiếp tục tưới nước mặn (vì nước ngọt đâu mà dùng). Vòng quay chết chóc này, ảnh hưởng trực tiếp đến dân, sẽ đi đến đâu?

Có rất nhiều thứ khác không tiện nêu lên vì thuộc về an ninh, quốc phòng và tôi chỉ làm một người chuyển thông tin đến những người có trách nhiệm. Nếu "Sẽ còn đổ máu tiếp!" thì thực sự quá kinh khủng vì dân không còn đường để sống. Chính tôi, sau 1 ngày vòng quanh bãi xỉ, đã gặp vấn đề về hô hấp 2 hôm nay chưa dứt. Mũi vẫn nghẹt, vẫn ho và khô cổ...

Hãy nhìn Vĩnh Tân hôm nay để nghĩ về việc 6 Bộ ngành được thủ tướng giao xử lý tro xỉ. Các bạn biết hướng xử lý là gì không? Là đề xuất hạ chuẩn môi trường "đem ô nhiễm đi khắp nơi" bằng cách "san lấp" và "hoàn nguyên mỏ". Thậm chí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng bị "qua mặt". (Xin xem ở comment)! Và hãy nhớ, hiện nay Việt nam có 26 nhiệt điện và sẽ là 57 nhiệt điện hoạt động vào 2030. Một mối nguy hiểm không tha bất kỳ ai cả!

Nếu tôi là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tôi sẽ rà soát lại toàn bộ đề xuất của các bộ ngành được giao xử lý ô nhiễm tro xỉ để phát hiện ra những nơi nào đã tham mưu kiểu... bán đứng nhân dân!

Cuộc bạo loạn tháng 4 năm 2015 ở Vĩnh Tân mà Bình Thuận phải cầu viện thêm lực lượng cơ động từ Ninh Thuận, Đồng Nai và Tp.HCM vẫn không thể trấn áp được. Tôi không hề muốn chứng kiến thêm cuộc bạo loạn nào cả! Vì cũng là người Việt đối đầu người Việt. Chỉ có tình báo Hoa Nam là nhếch mép cười...

Hãy nhớ dự đoán của tôi: Nếu có bạo loạn vì môi trường tại Vĩnh Tân lần nữa thì hậu quả sẽ lớn hơn lần trước! Và dĩ nhiên, lỗi của 6 bộ ngành được giao nhiệm vụ là rất lớn. Tôi đã chuẩn bị danh sách từng cái tên liên quan từ hôm nay...

NHÂN DÂN có quyền được biết kẻ nào đã phản bội NHÂN DÂN, TỔ QUỐC chứ!


Chú thích: Các clip tôi quay được đã được chuyển tới người cần chuyển và không đưa lên đây. (ảnh internet)

Đà Nẵng đón nhận “bão tố” giữa mùa hè…!

Minh Hải (VNTB) Vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm) hiện đã kéo theo hàng loạt quan chức, cựu lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam cùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để phục vụ công tác điều tra vụ án và dự kiến sẽ còn khởi tố nhiều nhân vật khác vào những ngày sắp tới. Đà Nẵng trong những ngày “nóng” hơn bao giờ hết…


Những gương mặt bị khởi tố vì vướng vào Vũ "Nhôm". Ảnh: Zing
Thật vật, trong những ngày này ở Đà Nẵng thật sự “nóng”, “nóng” không chỉ vì thời tiết đang vào những ngày mùa hè oi bức mà “nóng” ở đây còn liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra đã kéo theo hàng loạt quan chức, cựu lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam bị kỷ luật và “xọ khám”.

Vũ “nhôm” chính thức bị Bộ Công an Việt Nam bắt tạm giam vào ngày 4/1/2018 sau khi bị Cục xuất nhập cảnh Singapor trục xuất vì có 2 hộ chiếu với hai nhân thân khác nhau. Trước đó vào các ngày 21& 22/12/2017, Vũ “nhôm” bị Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã.

Việc Vũ “nhôm” bị bắt là một sự chấn động đối với người dân và tình hình chính sự ở Đà Nẵng, đã chứng minh chân lý không gì là không thể, khoảng cách giữa vương quyền và tội phạm chỉ trong gang tấc. Một Vũ “nhôm” quyền uy ở Đà Nẵng như thế, lắm người vừa nể vừa phục thậm chí là sợ nay đã trở thành tội phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố với ba tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vũ “nhôm” bị bắt, dư luận tất đoán biết không sớm thì muộn đường dây “ăn theo” Vũ “nhôm” cũng phải cùng chung số phận.

Ngày 17/04/2018, Đà Nẵng lại chấn động liên quan đến chấn động bắt Vũ “nhôm”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 07 bị can trong đó có 5 bị can ở Đà Nẵng gồm: Ông Trần Văn Minh (SN 1955) nguyên Chủ tịch Ủy ban TP.Đà Nẵng (2006-2011); ông Văn Hữu Chiến (SN 1954) nguyên Chủ tịch Ủy ban TP.Đà Nẵng (2011-2014); Nguyễn Điểu (SN 1958) nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP.Đà Nẵng; ông Trần Văn Toán (SN 1957) nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP.Đà Nẵng và ông Lê Cảnh Dương (SN 1975), Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP.Đà Nẵng cùng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Riêng ông Minh và ông Chiến bị khởi tố thêm hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Minh hiện đang bị tạm giam và ông Chiến bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Không ở Đà Nẵng nhưng cũng là 01 trong 07 bị can phải nói là rất quan trọng bị khởi tố vào ngày 17/04 có liên quan đến vụ án Vũ “nhôm” là trung tướng Phan Hữu Tuấn (SN1955, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) nguyên Phó Tổng cục tỉnh báo Bộ Công an đã nghỉ hưu về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bắt trung tướng Tuấn đã góp phần rõ ràng hơn về tin đồn thân phận tình báo Công an của Vũ “nhôm” mà đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa chính thức thông tin cho dư luận được biết. Và nếu Vũ “nhôm” là tình báo Công an thì xét về mối quan hệ mật thiết ở Đà Nẵng chẳng ai khác hơn là hàng ngũ Công an đứng đầu hiện tại là ông Đại tá Lê Văn Tam –Gíám đốc Công an TP.Đà Nẵng.

Nhắc đến đại tá Tam ở Đà Nẵng có thể một ai đó không biết nhưng đối với nhà báo Dương Hằng Nga - Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Giao thông vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì phải biết. Vào tháng 8/2017, nhà báo Hằng Nga có chuyến công ty đi Myanmar nhưng lại bị Công an Đà Nẵng ra lệnh cấm xuất cảnh 3 tháng. Công an Đà Nẵng cho rằng việc cấm xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga là đúng quy định vì trước đó họ nhận được đơn của ông Vũ “nhôm” khiếu nại nhà báo Nga đã dùng quyền năng nhà báo xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và danh dự cá nhân. Bản thân nhà báo Hằng Nga cho biết, khoảng thời gian từ ngày 8-15/4/2017, nhà báo này đã viết 8 bài báo đăng trên Tạp chí Giao thông vận tải có nội dung chống tiêu cực tại dự án xây dựng Khu đô thị Đa Phước do Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và ông Vũ “nhôm” là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty này.

Nhà báo Hằng Nga còn cho biết thêm, khoảng tháng 6/2016 khi nhà báo này đưa bố chồng đi mổ dạ dạy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn)cũng liên tục bị Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng triệu tập, xét hỏi.

Liên quan giữa nhà báo Hằng Nga với Công an Đà Nẵng nói chung và cá nhân Đại tá Tam nói riêng còn phải nói ngay tại thời điểm Đà Nẵng đang “nóng” vụ án Vũ “nhôm” thì mới đây nhà báo Hằng Nga đã giáng một “quả đấm thép” vào đại tá Tam khi đăng một status lên trang Facebook cá nhân Dương Hằng Nga được cho là của nhà báo Hằng Nga với nội dung thông tin đại tá Tam có biệt phủ gần trăm tỷ đồng ở làng biệt thự Euro Village ở bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng) có phải do Vũ “nhôm” biếu tặng? Ngay lập tức đại tá Tam đã lên tiếng thừa nhận gia đình ông có biệt thự ở làng biệt thự Euro Village nhưng phủ nhận do Vũ “nhôm” biếu tặng.


Không chỉ vậy, trong những ngày qua dư luận ở Đà Nẵng đang có tin đồn là thời gian tới đại tá Tam có nguy cơ bị đưa vào “lò đốt” bởi chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang cháy chưa thấy có giới hạn. Và nếu tin đồn này thành hiện thực thì người tiền nhiệm của đại tá Tam ở cương vị Gíam đốc Công an Đà Nẵng là Trung tướng Nguyễn Văn Sơn- Thứ trưởng Bộ Công an hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng có thể đứng trước nguy cơ bị “dòm ngó”. Và tất cả mọi diễn biến như tin đồn thì quả thật Đà Nẵng đón nhận “bão tố” giữa mùa hè hoặc là “đại hạn” cho giới quan chức Đà Nẵng./.

Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai "tai nạn"

Đào Tiến Thi (VNTB) Bảy anh chị em chúng tôi, gồm anh Nguyễn Đăng Quang (cựu đại tá công an), anh Hoàng Hưng (nhà thơ, từ Sài Gòn ra), anh Nguyễn Quang A (TS kinh tế học), chị Nguyên Bình (nhà văn), chị Hoàng Hà (nhà giáo), chú Lê Trường Thanh (giảng viên đại học) và tôi (Đào Tiến Thi, nhà văn), rủ nhau về Đồng Tâm sáng 21-4-1018. Anh Nguyễn Đăng Quang đã thân thuộc với bà con từ một năm nay, còn lại, chúng tôi chỉ dõi theo Đồng Tâm trên báo chí, dư luận, đây là lần đầu tiên chúng tôi về mảnh đất này, nhưng cảm xúc kính phục, mến thương đã đầy ắp trong lòng. 


Đồng Tâm – điểm nóng về đất đai, biểu tượng của “làng chiến đấu”, của những trí tuệ nông dân độc đáo, của những tấm lòng nhân ái khoan dung có một không hai,… được về tận nơi, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc, nhưng tất cả những chuyện đó xin kể sau. Hôm nay chỉ xin kể một sự cố bất ngờ không mong muốn xảy ra trên đường về.


Xe chúng tôi vừa ra khỏi thôn Hoành, đến chỗ cây xăng thì bỗng thấy bên phải đường có một xe máy để nằm ngang, phía trước khoảng 15m có mấy cảnh sát với tư thế rất sẵn sàng cho một việc gì đó. Họ ra hiệu dừng xe chúng tôi. Chúng tôi giật mình: có chuyện gì đây? Nhưng chú Thanh lái xe bảo: “Yên tâm, không mắc lỗi gì và xe đủ giấy tờ”. Xuống xe, họ xem giấy tờ và giải thích là vừa có tai nạn ở đây, họ kiểm tra xem xe có liên quan hay không. 
Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai "tai nạn". Ảnh: cắt từ video clip

Chúng tôi nói, đại ý: Tai nạn đã xảy ra trước đó và cảnh sát thì đã có mặt ở đây trước khi xe chúng tôi đến, vậy làm sao có thể nghi ngờ xe chúng tôi gây được tai nạn được? Và tại sao bao nhiêu xe khác đi qua không xét hỏi, lại xét hỏi mỗi xe chúng tôi? Họ bảo: “Chúng tôi được nhân dân tố giác nghi xe các bác liên quan đến tai nạn”!. 

Thì đây, trong nháy mắt, nhân dân đã đổ xô ra! Họ không “tố giác” chúng tôi mà tố cáo cái trò dàn dựng bỉ ổi này. Chú Công, con trai cụ Kình, bức xúc quá, xông vào, may mà có người can ra được. Qua sự việc này, chúng tôi mới biết: hễ có khách xa đến là bà con đều tổ chức bảo vệ rất sát sao. Chứ không là rất dễ bị chơi đểu. 

Giấy tờ rất đầy đủ, đàng hoàng, chẳng có lý do gây sự, tất nhiên họ phải để chúng tôi đi. Và còn giục chúng tôi đi cho nhanh. Vì càng chậm dân càng ra đông, họ càng lộ mặt.

Chúng tôi ra cánh đồng Sênh (nơi nhà cầm quyền cố tình cướp 59 héc-ta của dân cũng là nơi đá gãy xương đùi, xương hông cụ Kình) tham quan trong ít phút rồi chia tay bà con. Đi được khoảng 3 cây số, vào khoảng 14g20, bỗng xuất hiện hai thanh niên lạ đi một xe máy từ phía sau vọt lên, lạng lách trước mũi trước ô tô, rồi trong khoảnh khắc, một ô tô nữa chặn đầu xe chúng tôi, buộc xe chúng tôi phải dừng. Chiếc xe đỗ chắn ngang đường khiến chúng tôi không thể lách ra để đi tiếp. Ô tô này đậu đó ít phút, khi xuất hiện công an xã thì đi. Về sau chúng tôi khớp biển xe này với một xe đậu trong sân Ủy ban Phúc Lâm, phát hiện ra vẫn chính là nó. Hai thanh niên đến bên cửa kính ô tô, ra hiệu hạ kính để nói chuyện. Chú Thanh hạ kính xuống. Hai thanh niên khoảng 20 tuổi, người gầy, da tái. Một cậu áo phông cộc tay tận vai, để lộ ra hai cánh tay xăm trổ nhằng nhịt, tóc đằng trước để dài, phần gáy lại gọt trắng, kiểu đầu Kim Châng Un, lãnh tụ của Bắc Triều Tiên (XHCN). Cậu còn lại cũng áo phông nhưng có “tay cộc”, không xăm trổ, tóc gần như ngược với cậu kia, đằng trước ngắn, chân gáy để dài. Cả hai có dáng không được lương thiện. Họ bảo chú Thanh: “Xe này đánh võng”. Chú Thanh nói: “Cháu xem, trên xe toàn người già, làm sao đánh võng được”. 

Hai bên nói qua nói lại vài phút. Hơi lạ là hai cậu này nói nhỏ, dáng lừ đừ chứ không nổi nóng, không hung dữ, chửi bới như thường thấy ở một người bị tông xe. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra tình thế: lại “có chuyện” rồi! Chúng tôi xuống xe, thấy trước mũi ô tô gần 1m, họ đã ngả nằm ngang chiếc xe máy. Chú Thanh còn nhìn thấy trước khi để nằm chiếc xe máy, hai cậu lấy xe của mình huých nhẹ một cái vào đầu ô tô. Trong khoảnh khắc ấy không hiểu sao họ còn làm một việc buồn cười là tráo vào đó một chiếc xe khác làm tang chứng chứ không phải cái xe đang đi. Những bức ảnh chụp được cho thấy cái xe đánh võng trước mặt chúng tôi là xe màu đen, còn cái xe bây giờ nằm đây làm tang chứng “tai nạn” lại là xe màu trắng! Có thể vì hai thanh niên không chịu dùng xe của mình làm vật “thí thân”, hay là xe của các cậu không đủ giấy tờ hợp pháp?

Một trong hai thanh niên biến đâu mất. Cậu còn lại vào vỉa hè ngồi, đầu khật khưỡng, dáng mệt mỏi. Bỗng có vài người đến bảo: “Phải đưa thằng bé này đi viện, nó bị tông xe nên choáng đấy”. Thế là họ đưa đi. Sau này chúng tôi biết, đã một người dân Đồng Tâm bám theo, vào tận “giường bệnh” phỏng vấn. Cậu thanh niên này bảo: “Người ta (tức chúng tôi) không sai, chỉ tại em uống rượu thôi (…) Và em cũng không sao cả!”.

Chúng tôi gọi điện cấp báo về Đồng Tâm. Công an xã kéo ra rất nhanh và đông “như quân Nguyên”, cứ như đã phục sẵn từ bao giờ. Họ hầu hết là người có tuổi, thường là sáu mươi, bảy mươi cả rồi, có nhiều ông mặt mày hoặc dữ tợn hoặc xôi thịt. Một ông chưa xem xét gì đã vội kết luận: “người ta chặn anh lại rồi sau đó anh cố tình húc vào người ta”. Tôi nói với họ: “Đây là một vụ dàn dựng để thực hiện một âm mưu bẩn thỉu. Các bác cẩn thận kẻo bị lừa”. Họ chẳng những chẳng thèm nghe mà còn hung hăng đe dọa tôi. Bất giác tôi nhớ câu “Người nách thước, kẻ tay đao…”, bỗng thấy mình thật dại: làm sao nói điều phải chăng với những con người này, trong tình huống này. May mà lúc này bà con Đồng Tâm đã có mặt, nhiều người dân xông đến áp đảo, những cái “mặt ngựa” ấy mới lui. Thấy có một cậu công an xã còn trẻ dáng chừng là “sếp” của đám già kia, tôi lại gặp và nói lại ý trên. Cậu này có phần nhã nhặn, bảo rằng: “Vì được báo có tai nạn cho nên chúng cháu phải làm (…), xin hứa sẽ làm đúng pháp luật, không bênh ai”.
Bà con Đồng Tâm kéo đến mỗi ngày một đông. Họ biết ngay kiểu ăn vạ quen thuộc này nên rất bức xúc. Chú Công, con cụ Kình và một số thanh niên quá nóng nảy, dễ manh động, bà con kịp thời đưa về, nếu không họ có thể tạo thêm một màn vu vạ mới không chừng. Tuy nhiên, giới nữ thì lại được huy động. Họ “khẩu chiến” không lúc nào ngừng với đám người nhà nước. Ngược lại, với chúng tôi, bà con hết lòng quan tâm, thương yêu, nào đưa quạt, nón mũ, nào mua nước mát, lại bảo chúng tôi cứ vào vỉa hè ngồi nghỉ để bà con đương đầu thay, không sợ gì cả.

Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự của huyện, của thành phố kéo đến dày đặc. Nhiều thanh niên không mặc sắc phục nhưng nhìn mặt mũi, tác phong cũng đủ biết đó là an ninh chìm (mật vụ). Đêm hôm đó, lúc quay về Đồng Tâm, một chị cho tôi biết, chị có gặp một cậu công an tỉnh, sau khi nghe chị giải thích thực chất của sự việc, cậu ấy bảo: “Chúng em được báo có vụ tai nạn gây ách tắc giao thông nên về đây, thế thôi. Còn các bác nói gì cứ nói, làm gì cứ làm (ý chừng nói: các bác cứ việc “khẩu chiến”). 

Các loại cảnh sát đông như vậy, tuy nhiên, sau vài động tác đo đường và lấy vôi khoanh cái xe máy ăn vạ thì đám người nhà nước này hầu như chẳng làm gì hết. Anh Nguyễn Quang A có việc riêng nên bắt xe về trước, còn lại sáu người chúng tôi. Trời nóng nực và bóng ngả về tây rồi mà chúng tôi cứ phải chờ đợi mà chẳng biết cái gì sắp diễn ra.

Khoảng 2 tiếng sau, một chiếc xe cẩu ở đâu được đưa đến. Trên sàn xe, nghênh ngang một ông nhà báo quốc doanh cầm máy ảnh chuyên nghiệp chầm chậm soi từng điểm một để quay. Bà con đọc ngay một âm mưu: họ sẽ cẩu ô tô chúng tôi đi! Thế là, trong nháy mắt, bà con kịp thời ập đến chặn đầu, khiến cho xe cẩu không tiến lên được nữa. Không khí nóng lên dữ dội. Công an bảo chú Thanh đưa xe về huyện khám nghiệm, bà con thì đòi đưa về Đồng Tâm mà khám chứ dứt khoát không về huyện. Chúng tôi yêu cầu khám tại đây nhưng họ bảo đem về huyện mới đủ “phương tiện”. Chúng tôi thương lượng, là đưa vào một địa điểm nào gần nhất quanh đây và họ đồng ý. Tuy nhiên, khi xe của họ dẫn đường qua ngã ba thì nhân dân phát hiện đấy là đường về huyện, cách đây những hơn 20km. Bà con hò hét phản đối rất dữ dội và cho chúng tôi biết nếu về huyện thì bà con không thể theo lên đông, họ sẽ làm những trò bỉ ổi không biết đâu mà lường. Bà con yêu cầu dứt khoát phải về Đồng Tâm. Tuy nhiên chúng tôi biết không đời nào nhà chức trách chịu về Đồng Tâm nên thương lượng với cả nhà chức trách lẫn bà con là hãy vào Ủy ban xã Phúc Lâm, chỉ cách chỗ này vài chục mét, bà con vào luôn đó giám sát là được. Bà con thấy vẫn không ổn nhưng nể lời đề nghị của bác Đăng Quang nên cuối cùng cũng đồng ý. 

Đến cổng ủy ban, bỗng thấy hàng chục công an xã và dân phòng hùng hổ chạy vào trước ôm hai cánh cổng. À, họ chuẩn bị tư thế, sẽ chỉ cho ô tô lọt vào là sập cổng, cách ly bà con với chúng tôi. Chú Thanh dừng xe lại và chúng tôi đấu tranh quyết liệt phải để bà con vào giám sát. Ý kiến chúng tôi là: Giám sát là quyền của công dân. Nhất là khi chỉ trong chưa đầy một tiếng đồng hồ công an đã dàn dựng hai vụ tai nạn giả, chưa kể vừa nãy định lừa chúng tôi về huyện, vậy thì hãy để bà con giám sát để chứng minh câu cửa miệng “Hãy tin chúng tôi” của các ông đi. Nhưng họ kiên quyết từ chối yêu cầu này. Đám công an xã ăn nói rất bặm trợn, bảo rằng đây là chỗ nhà nước, họ có quyền không cho ai vào. Cánh công an huyện thì mềm dẻo hơn chút, hứa với chúng tôi họ sẽ làm việc rất nhanh, vì chỉ là thủ tục. Họ liên tiếp tuôn ra rất nhiều lời lẽ giả dối, như “chúng tôi làm theo pháp luật”, “chúng tôi làm theo lương tâm”, nghe rất chối, nhưng cãi mãi mỏi miệng, đành thua họ.

Nhùng nhằng khá lâu ở giữa cổng, cuối cùng chúng tôi đành chấp nhận, để bà con ở bên ngoài, mấy người chúng tôi cô độc bên trong giữa năm, sáu chục cảnh sát các loại. Bóng tối đã đổ xuống lờ mờ. Sợ nhất là chúng quẳng ma túy vào xe. Tận dụng lúc này còn chút ánh sáng, chú Thanh kiểm tra cốp xe, lật các ghế xe lên, sợ biết đâu cửa kính hạ lên hạ xuống trong lúc lời qua tiếng lại suốt mấy tiếng vừa rồi, chúng đã kịp quẳng cái gì vào.

Họ bắt đầu “khám” xe. “Phương tiện” khám mà lúc nãy họ bảo về huyện mới có hóa chỉ là… cái thước dây để đo centimet và cái bút, tờ giấy để ghi kết quả! Họ phát hiện đầu ô tô (gần chỗ mà cái xe máy tai nạn để nằm cạnh) có một vết xước nhỏ. Lúc ấy chúng cũng tôi hơi lo: hay là vết xước này do 2 thanh niên, vào lúc ô tô đã dừng, còn cố tình lấy xe máy “dí” vào một cái đây? Tuy nhiên chúng tôi vẫn yên tâm: kiểu gì thì không thể coi đó là một cú tông của ô tô vào xe máy, gây tai nạn.

“Khám” xong họ bảo anh Nguyễn Đăng Quang đi làm việc. Tôi theo vào để giám sát. Họ không nghe, bảo tôi sang phòng bên, rồi cũng sẽ đến lượt. Hỏi việc gì thì họ bảo chúng tôi là nhân chứng, cần tường thuật lại. Tôi băn khoăn một lát rồi cuối cùng cũng đồng ý. Vì nghĩ thông qua việc này, mình có cơ hội vạch mặt mưu hèn kế bẩn không thể chối cãi của họ. Sau tôi, anh Hoàng Hưng cũng chấp nhận làm việc. Riêng hai chị Nguyên Bình và Hoàng Hà thì dứt khoát từ chối.

Sau khi tường thuật sự việc, tôi yêu cầu ghi vào ý kiến của tôi: hai vụ “tai nạn” giao thông này hoàn toàn là sự dàn dựng có chủ đích của một lực lượng nào đó. Anh Nguyễn Đăng Quang, sau khi thuật và ký, nhận ra cái xe đậu trong ủy ban chính là cái xe ép chúng tôi dừng lúc chiều (xe biển số 30E – 856.26) nên vào khai bổ sung. Còn tôi thì đã khai là không nhớ biển số cái xe đó (điện thoại đã hết pin chẳng biết là lúc ấy có chụp được hay không) nên không bổ sung gì thêm. 

Màn đêm buông đã lâu nhưng sân ủy ban không có đèn hay do họ cố ý không bật nên tối om. Bà con gửi vào cho chúng tôi bánh mì và nước uống nên không lo đói nhưng rất mệt. Vì từ chiều đến giờ phải chiến đấu chưa ngưng nghỉ và cũng không thể biết diễn biến tiếp theo thế nào. Thỉnh thoảng tôi lại hỏi họ bao giờ thì chúng tôi được về. Ban đầu họ còn trả lời nhã nhặn, rằng “lát nữa”, “chút nữa thôi”, “cố chờ tí nữa thôi”, nhưng càng về sau, khi số mặc sắc phục CSGT và CSTT rút bớt đi, chỉ còn đa số là an ninh mặc thường phục và công an xã, dân phòng thì càng chỉ thấy có những khuôn mặt lạnh lùng. Họ chỉ nói hai tiếng “không biết” và không nói gì thêm. 

Đội quân tóc dài bên ngoài vẫn tiếp tục “khẩu chiến” với đám người nhà nước bên trong. Đôi lúc bị chửi đau quá, vài ông ra chiến lại nhưng bị nốc ao ngay, lại phải quay vào. 

Thời gian trôi đi nặng nề. Tôi sốt ruột quá liền đến một đám đang đứng khá đông, có đủ loại sắc phục và lứa tuổi, hỏi: “Tôi hỏi, ai là người chỉ huy cao nhất ở đây?” Không ai trả lời. Bỗng một lão già khoảng 60, nhỏ người nhưng mặt mày hung dữ, sắc phục công an xã (hay là dân phòng), tay đeo dùi cui, quát”: 

- Đ. mẹ mày, mày muốn gì?” 

Tôi bảo: 

- Này, anh mặc sắc phục nhà nước và đang làm việc trong ủy ban mà ăn nói thế à?

- Đ. mẹ mày, tao đéo cần. Tao cởi bộ sắc phục này ra cho mày biết tay đây.

Ông ta giật luôn mấy cái cúc áo, phanh bụng ra và xông vào tôi. Tôi lùi lại, đồng thời anh Hoàng Hưng và một ông công an xã già, dáng cao lớn xông vào chặn được ông ta.

Một sỹ quan công an bảo tôi: 

- Xin bác ngồi một chỗ cho, đừng đi lại nữa, “dân” người ta bức xúc, chúng tôi không đảm bảo an toàn cho bác được đâu!”

- Ô, ông vừa nãy là “dân” ư? Các ông có cho người dân vào trong sân này đâu. Chúng tôi vẫn đang làm việc trong sân ủy ban này mà ông bảo “không dám đảm bảo an toàn”, thế nghĩa là các ông chứa côn đồ trong sân này à?

Anh ta liền đánh bài lảng.

Lát sau tôi thấy một toán toàn công an xã đi theo một ông có vẻ chỉ huy vào một góc tối để hội ý. Tôi đi chầm chậm lại gần để nghe, nhưng họ nói nhỏ, không thể nghe được, chỉ đoán lờ mờ hình như là họ sợ bà con sắp làm gì đó, cần phải chặn ngay. Hội ý xong, trên đường đi ra, một ông đắc chí, vung tay nói: “Chúng ta có quyền “nực”. Ai chống “nại” chúng ta “nà” chúng ta xử “nuôn” nhé. Nhớ đấy, phải sử dụng quyền “nực” vì chúng ta có quyền “nực!”. Nghe thế, anh Hoàng Hưng bảo: “Chả có mãi quyền lực đâu ông ơi. Khối tướng công an đang chết đấy thôi. Các ông cứ giữ trật tự, nhưng đừng tự biến mình thành kẻ thù của nhân dân!”. Chị Nguyên Bình tiếp: “Không quay về với dân, cứ bám theo dây của họ rồi có ngày chết chùm đấy”. Và chị Hoàng Hà: “Quyền lực của chính quyền là để bảo vệ dân chứ không phải mang quyền lực ra đàn áp dân đâu nhá”. 

Tuy nhiên những lời nhắc nhở nhẹ nhàng ấy liệu có thể lọt tí nào vào những cái đầu đã bị nhồi đặc một điều duy nhất: “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình”. 

Cảm thấy như một âm mưu gì đó đối với bà con sắp diễn ra, tôi ra kể với bà con và nhân thể kể sự việc tay công an xã định đánh tôi lúc nãy. Bà con chẳng quan tâm âm mưu gì sắp tới cho mình, chỉ lo cho chúng tôi thôi. Các chị bảo: 

- Chết, nó đã đánh bác chưa? Có gì các bác phải báo ngay với chúng em chứ. Nếu nó đánh là chúng em phá ngay cửa sắt này vào chơi nhau với chúng đấy. Chúng em chả sợ chết gì nữa đâu.

Từ đó bà con cứ luôn phải rọi đèn pin vào để quan sát mọi âm mưu, diễn biến. Hai chiếc chiếu đại mới tinh được trải ra trươc cổng Uỷ ban. Một chị nói: “Chúng tôi sẽ ở lại đây cả đêm, cho đến khi nào các cụ được về!”. 

Cuối cùng thì cũng không thấy chúng giở trò gì thêm nữa. Họ gọi chú Thanh đi làm các thủ tục để nhận xe. Chú Thanh cho biết kết luận cuối cùng về vụ “tai nạn” là: “có va chạm nhưng người và phương tiện cả hai bên đều an toàn”. Tôi bảo va chạm gì đâu nhưng chú Thanh giải thích trong giao thông hễ có người ngã, có xe đổ là tính “va chạm” rồi.

Lúc này khoảng 21 giờ. Chú Thanh vẫn định về, vì mai xe phải trả sớm, nhưng bà con kiên quyết không cho về. Mọi người chờ ý kiến quyết định của anh Đăng Quang. Anh Đăng Quang bảo, thôi cứ quay lại Đồng Tâm chút đã rồi quyết định sau.

Đèn sáng trưng, tiếng động cơ rầm rập, mấy trăm con người hùng dũng về Đồng Tâm. Bà con chia làm hai nửa, một nửa đi trước, một nửa đi sau, bảo vệ chúng tôi như tháp tùng nguyên thủ quốc gia vậy.

Sao vạch đồng hoa

Nguyễn Hồng Lam

(FB Lam Hồng Nguyễn)


Mùa hè năm 2000, kỹ sư Trần Quốc Việt, một người bạn vai anh, đồng hương Phan Rang với tôi từ Mỹ về Việt Nam lập công ty viết phần mềm Ulysses tại TP Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lên trụ sở của Ulysses, đóng tại cao ốc Diamond Plaza chơi.

Một hôm, khoảng sau 12h đêm, Việt điện thoại cầu cứu tôi. Hôm đó, Việt đi nhảy đầm ở Vũ trường Phi Thuyền, góc Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (nơi khởi phát mâu thuẫn dẫn đến vụ bắn Dung Hà), bị móc mất ví. Tiền mặt mất không nhiều, nhưng quan trọng là toàn bộ giấy tờ tùy thân, trong đó có cả Master Card, Visa Card, tài khoản tổng cộng chừng trên dưới 50.000 USD tiền trả lương cho công ty đã theo ví biến mất.

Tôi đến ngay, một mặt kêu Việt đến Công an phường Nguyễn Thái Bình, Q.I trình báo ngay, mặt khác tức tốc gọi điện về Mỹ làm các thủ tục phong tỏa ngay hai tài khoản vừa bị mầt card, đề phòng bị dùng thẻ rút mất tiền.

Phần mình, tôi phóng xe lên đường Nguyễn Công Trứ, gần chợ Cầu Ông Lãnh. Ở đó có một đám nhóc đánh giày, bán báo, tuổi từ 14-20, vô gia cư, tối vẫn về đó thuê ghế bố giá 2000 đồng qua đêm. Bọn nhóc vừa uống cà phê, vừa coi phim chưởng chờ trời sáng sẽ túa đi mưu sinh khắp các nẻo đường Sài Gòn. Không thích coi phim thì cứ quấn chăn ngủ vạ vật. Trên ghế bố có che dù nên dù có mưa chúng cũng không ướt hết, ngủ tốt!

Tôi búng tay cái ‘tróc”, lập tức hơn chục đứa đệ tử ruột túa ra. Móc cho mỗi đứa 20.000 đồng, tôi giao: “Chia nhau đi lục hết các nhà vệ sinh công cộng trong bán kính 1km tính từ Phi Thuyền, thấy bất kỳ cái ví nào cứ mang về đây cho chú. Cả mấy con hẻm tối ở gần đó cũng phải chú ý. Đứa nào có đèn pin thì mang theo. Chú đợi tụi mày ở Công an Phường Nguyễn Thái Bình”.

Khoảng 2h sáng, bọn nhóc y hẹn quay trở lại, mang theo chừng 3 chục cái ví. Có cái rỗng, có cái vẫn đầy ắp giấy tờ. Đáng tiếc là không có cái nào của Việt. Tôi giao hết mớ ví cho công an phường rồi cho bọn nhóc về ngủ. Nhiều đứa đòi ngồi lại “chơi với sư phụ”, tôi đuổi thẳng cẳng.

Trong khi Việt đang tiu nghỉu thì xe Jeep công an phường thắng cái rét, tống xuống phường một gã móc túi vửa bị bắt tại trận ở Phi Thuyền. Gã mặc quần short, áo pull, mang dép xẹp kẹp ngón, khá trắng trẻo, đẹp trai và to con, trông như khách du lịch vừa bước ra khỏi khách sạn, hoặc cán bộ đi nghỉ dưỡng chứ không giống bộ dạng một thằng móc túi. Vô phường, thằng này vẫn cười, mặt nhơn nhơn, luôn mồm bảo mấy anh bắt lầm, bắt lầm, rằng thì là mà… Tôi nhác thấy có vài kẻ lạ khác đi xe máy bám theo, nhưng khi gã kia được đưa vào trụ sở công an phường thì họ quay xe .

Chỉ ít phút sau, trong khi công an phường đang ghi lời khai kẻ bị bắt thì đám này quay lại, có thêm một gã tóc bom bê, mập, mặt bự thịt, hao hao giống diễn viên Hồng Kong Hồng Kim Bảo, trông rất quen. Gã này bước thẳng đến chỗ cán bộ công an phường đang trực ban, xuất trình một mớ giấy tờ, giải thích nho nhỏ mấy câu. Anh cán bộ cầm mấy cái thẻ săm soi một lát rồi đưa vào trình lãnh đạo. Vài phút sau, được trả lại mớ thẻ, gã ung dung ra vỗ vai kẻ mới bị bắt bảo: “Về thôi. Xong rồi”. Thằng cà chớn này còn nhoẻn cười, vỗ vai mấy anh công an, dân phòng mới bắt dẫn mình bảo: “Hiểu lầm, hiểu lầm. Anh em không. Cảm ơn nhé…”, rồi ra xe, theo đường Phó Đức Chính đi mất.

Đang ngồi bên ngoài quan sát nên khi họ ra, tôi bí mật giữ khoảng cách và bám theo ngay. Hai chiếc xe chở 4 người đi trước hầu như không quan tâm chuyện có thể bị theo, cứ chạy tà tà, rẻ trái đường Bến Chương Dương (nay đã không còn), lên cầu Nguyễn Tất Thành, qua đường Hoàng Diệu Quận 4 rồi chui tọt vào hẻm 20 thước gần cầu Hàn. Đã gần 3h sáng, tôi không mạo hiểm quẹo xe theo vì dư biết đó là địa danh khét tiếng giang hồ, một lãnh địa cờ bạc của băng nhóm Năm Cam.

Quay xe lại công an phường Nguyễn Thái Bình, tôi kêu Việt về ngủ lấy sức, mai... ngủ tiếp. Trình thẻ nhà báo, tôi hỏi anh công an phường mấy câu. Anh này bảo: “Họ mang thẻ quân báo tới, bảo đang làm nhiệm vụ. Thẻ thật. Làm sao tạm giữ được mà không thả?”. Tôi hỏi: “Người đến bảo lãnh là sĩ quan quân báo à?”. Anh công an phường lắc đầu: “Không, thằng đó bốc vác ở chợ Cầu Muối, tụi tôi nhẵn mặt. Không hiểu sao nó lại có thẻ quân báo. Tụi tôi có photo lại đây nè”. Anh chìa bản photo, tôi ghé xem và hoa mắt. Một trong hai cái thẻ, tên của tay “cán bộ quân báo” là…Châu Phát Lai Em. Thằng giang hồ bự này tôi khá rành, chỉ tại tức thời không nhớ ra, nhưng vẫn máng máng thấy quen. Quen và rất nghi.

Phải hai năm sau, khi vụ án Năm Cam bước vào cao trào bắt bớ hàng loạt, mối hoài nghi của tội mới được giải đáp. Ngày 22 - 6 - 2002, trung tá quân báo Võ Văn Ngọc, thường gọi là Ngọc “sọ não” bị quân pháp lột lon, còng tay. Duy nhất thời điểm đó chỉ có Vnexpress đăng tin và báo ANTG đăng bài “Vì sao Ngọc “sọ não” bị khởi tố, bắt khẩn cấp?” do tôi viết. Các báo khác không đưa tin, bởi ngay khi Ngọc bị xử lý, một lệnh không văn bản nào đó đã yêu cầu báo chí không được đề cập đến nhân vật và vụ việc này. Báo ANTG đăng bài in trước khi có lệnh. Vì thế, trong giao ban báo chí sau đó, báo ANTG đã bị Ban tuyên giáo thành ủy điểm tên, nhắc nhở. Tôi vì cầm đèn chạy trước ô tô, dù viết bài có nội dung không hề sai cũng bị kỷ luật, bị xếp 2 tháng loại C (nộp phạt bằng 2/3 lương tháng).

Sự thật là tay quân báo giang hồ Ngọc “sọ não”, lợi dụng chức vụ, đã cấp hàng trăm thẻ quân báo cho bọn lưu manh, giang hồ Sài Gòn làm bùa hộ mệnh khi có dính líu với luật pháp. Một nửa đàn em loại gộc trong băng đảng Năm Cam – những tên chuyên bảo kê, cho vay nặng lãi, gá bạc... có thẻ quân báo, bị ban chuyên án thu lại hết. Trong số này có anh em Châu Phát Lai Anh, Châu Phát Lai Em, Châu Phát Lai Út và hung thần giang hồ Nguyễn Văn Thọ, kẻ cầm đầu vụ giết Thượng sĩ Phan Lê Sơn và người bạn Hồ Phước Hưng tại quán Cấm Chỉ, đường Hải Triều, Quận I đêm 26 - 1 - 2000. Thọ là cháu gọi Năm Cam bằng cậu ruột (mẹ của Thọ là bà Trương Thị Điệu, chị ruột Năm Cam). Biệt danh Thọ “đại úy” chỉ xuất hiện trên giang hồ từ khi Thọ cầm được tấm thẻ quân báo này. Giang hồ gọi những tên có thẻ lụi này là đám “sĩ quan đồng hoa”. Già tuổi thì gọi thiếu tá, đại úy, còn loại mặt rô búng ra….mụn trứng cá thì gọi trung úy, thiếu úy, dù trên thẻ không hề ghi bậc hàm nào cả.

Như vậy, chuyện “sao vạch đồng hoa” nôm na trong giang hồ, trước hết là để chỉ những người được xem là làm việc cho lực lượng vũ trang, nhưng xuất thân không phải từ sĩ quan chính quy trong quân ngũ. Cách gọi sặc mùi giang hồ, song về bản chất, đây lại là cả một chính sách nghiêm túc, hợp pháp, cần thiết, chỉ là trong một số trường hợp bị lợi dụng làm bậy.

Có nhiều loại “sĩ quan đồng hoa”. Thứ nhất, đó là những người có chuyên môn cao, là chuyên gia khoa học, kỹ thuật thuộc lĩnh vực nào đó, được quân đội hoặc công an tuyển dụng, đồng hóa quân hàm để phục vụ lâu dài. Trong thời chiến, điều này rất bình thường, quốc gia nào cũng áp dụng. Nếu đọc cuốn “Hai số phận” của bậc thầy tiểu thuyết người Anh Jeffrey Archer, bạn sẽ thấy hai nhân vật chính Kane và Abel, một nhà tài chính và một ông chủ khách sạn đều tham gia chiến tranh thế giới II với bộ quân phục đóng lon trung tá và lon đại úy, dù trước chiến tranh họ chưa từng một ngày trong quân ngũ. Mô típ nhân vật “sao vạch đồng hoa” này tiếp tục được tác giả lặp lại trong cuốn “Quyền lực thứ tư”, với hai sĩ quan cùng mang lon đại úy trong quân đội Hoàng gia Anh là Richard Arstrong và Keith Townsend. Tôi viết bạn có thể hoài nghi, vì tôi chỉ là một gã cầm bút vô danh. Nhưng Jeffrey Archer nói thì đáng tin đấy. Không những là nhà văn nổi tiếng, ông thần này còn từng là nghị sĩ Nghị viện Anh Quốc, thậm chí đã có giai đoạn giữ chức Thủ tướng. Lẽ tất nhiên, người như ông ấy thì không thể nói, viết bừa bãi, xạo hay thiếu hiểu biết.

Nhưng mà thôi, kệ mẹ nước Anh với nước Mỹ thời chiến, hãy quay lại với Sài Gòn, Việt Nam, thời bình. Năm 1996, Trung tâm điện toán quân đội được thành lập, trụ sở gần sân bay Tân Sơn Nhất. Giám đốc Trung tâm lúc đó là Thượng tá, Tiến sĩ Lê Trường Tùng. Trung tâm đã tuyển một người làm phó giám đốc là Tiến sĩ toán học Dương Kiều Hoa. Quân hàm đầu tiên của chị Hoa là Thiếu tá. Phải thôi, trình của nữ Phó Giám đốc này chắc là rất cao, trước đó đã có 14 năm du học ở Đức. Chị từng có nhã ý giúp dạy tại gia một người anh họ của tôi món Auto Cad. Bài học đầu tiên, chị bắt dùng con chuột nối chính xác 2 điểm 180 lần/ phút khiến học trò phồng tay, hoa mắt… và chạy mất dép. Cô giáo đuổi thẳng cổ, bỉu môi bảo: “Quá xoàng, biến! Bà giáo bên Đức còn bắt tao nối được những 300 lần/phút mời cho theo học đấy!”. Mở ngoặc nói thêm, chị Dương Kiều Hoa là em gái của nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương.

Loại sao vạch đồng hoa thứ hai thường được tuyển ngay từ trường đại học, theo tỷ lệ đăng ký xuất phát từ nhu cầu đáp ứng chuyên môn của công an hoặc quân đội. Thời chúng tôi học đại học (đầu thập niên 1990), trước khi tốt nghiệp, sinh viên đều phải ký cam kết tham gia sĩ quan dự bị, nếu được động viên là nhập ngũ ngay với quân hàm thiếu úy hoặc trung úy (nếu kết quả tốt nghiệp xuất sắc). Những người này chỉ là sĩ quan kỹ thuật, mang quân hàm gãy, không phải là sĩ quan chỉ huy. Thời gian phục vụ tại ngũ có thể từ 3-5 năm. Sau đó nếu cá nhân có nhu cầu hoặc quân đội có yêu cầu, họ có thể phục vụ quân đội vĩnh viễn, thành sĩ quan thực thụ, tất nhiên là sau khi đã kinh qua các khóa đào tạo nghiệp vụ quân đội, công an lên đến bậc học viện để trở nên chính quy, bài bản.

Loại thứ ba, chủ trương tham gia làm kinh tế trong thời bình đã khiến trong quân đội hình thành nên một loạt công ty, được phiên ngang tương đương cấp trung đoàn hoặc binh đoàn, làm trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, thương mại. Ở Công an ít hơn, nhưng cũng có một số đơn vị hoạt động kinh tế, gọi là công ty bình phong, chủ yếu phục vụ cho hoạt động tình báo. Nâng lên cấp Tổng công ty hoặc Tập đoàn, quy mô của các đơn vị này sẽ tương đương Sư đoàn. Lẽ tất nhiên, lãnh đạo công ty, tập đoàn phải là sĩ quan trung – cao cấp, với chức vụ tương đương đi kèm với quân hàm có số sao và vạch tương ứng.

Út Trọc Đinh Ngọc Hệ, trước khi được điều động về Tổng công ty Thái Sơn năm 2009 và giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) đã từng công tác ở Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC (Quân chủng Phòng không - Không quân). Về Thái Sơn, ông ta là Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Công ty này. Việc Đinh Ngọc Hệ mang quân hàm Thượng tá là bình thường, phù hợp với chức vụ, có quá trình phục vụ và thăng tiến trong các đơn vị kinh tế của quân đội một cách…đúng quy trình. Như vậy, đây là trường hợp sĩ quan quân đội phạm tội và bị xử lý, hoàn toàn không phải là tội phạm xuất thân chui sâu leo cao vào quân đội như dư luận hoài nghi.

Loại thứ tư, do nhu cầu hợp tác phát triển, một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đã liên doanh liên kết với các đơn vị kinh tế tư nhân bên ngoài theo tỷ lệ góp vốn nhất định. Sau khi sát nhập, lẽ đương nhiên tùy theo tỷ lệ góp vốn, doanh nhân ngoài quân đội sẽ trở thành giám đốc hoặc phó giám đốc đơn vị liên doanh. Đã là chỉ huy của một đơn vị thuộc quân đội, công an thì anh ta phải trở thành người của lực lượng vũ trang, được phiên quân hàm tương đương theo chức vụ, trở thành sĩ quan cấp tá, nếu đơn vị mới tương đương trung đoàn, binh đoàn. Kể từ đây, viên sĩ quan mới sẽ buộc phải trải qua các khóa đào tạo, bắt đầu là từ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ gọi nôm na là “tráng men”, sau đó nâng dần lên theo tiêu chuẩn đào tạo bắt buộc đối với sĩ quan chỉ huy. Và cũng tất nhiên, kể từ đây thì theo sự thăng tiến, mức lương, sao và vạch sẽ được nâng dần, theo luật là 4 năm một lần cho cấp hàm từ đại tá trở xuống.

Một người quen của tôi sinh năm 1974, đi nghĩa vụ quân sự và phục viên năm 1995. Trở về, anh này dần dần trở thành một doanh nhân thành công, có vài đoạn không hẳn đã hoàn toàn minh bạch. Năm 2008, một cú liên doanh đã giúp anh ta trở thành thượng tá, chánh văn phòng của một binh đoàn có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, anh ta đã tiến xa hơn nhiều, đã tốt nghiệp học viện quân sự và đang – nghe nói – có cơ hội lên cao hơn nữa để đeo lon tướng.

Trường hợp Vũ Nhôm phải được xếp vào loại thứ 5, không hề giống bất kỳ trường hợp nào trong 4 loại trên. Vũ chưa tốt nghiệp phổ thông trug học, dĩ nhiên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo để thành sĩ quan chỉ huy với quân hàm thượng tá. Có quân hàm này là do sự lập lờ, tự công nhận công ty của Vũ là công ty bình phong, đem ông chủ công ty với bí danh AV75 ra phiên ngang quân hàm hoàn toàn sai luật. Âm mưu, lòng tham của một vài cán bộ cao cấp đã giúp Vũ, một kẻ luôn âm mưu phạm tội trong làm ăn kinh tế có cơ hội chui sâu, có được tấm thẻ Thượng tá Công an. Tất cả là nhờ cái mác công ty bình phong, trong ngành tình báo đặc thù gần như ít ai có điều kiện phanh phui, phát giác. Nếu là ở một đơn vị khác ngoài ngành tình báo quá bí hiểm đối với xã hội, Phan Văn Anh Vũ sẽ tuyệt đối không có cơ hội này, dù có rải bao nhiêu tiền. Đây sẽ là một tình tiết ly kỳ và quan trọng mà các cơ quan luật pháp đang tích cực điều tra làm rõ.

Đại khái,câu chuyện sao vạch đồng hoa của Vũ Nhôm cũng không khác mấy về độ tào lao và trắng trợn như vụ thẻ quân báo 20 năm trước trong đường dây Ngọc “sọ não”. Khác chăng là về quy mô, nó lớn hơn bội phần, được thực hiện trắng trợn và nguy hiểm cho xã hội hơn bội phần.

P/S: Bản photo tấm thẻ quân báo của Châu Phát Lai Em tìm mãi không ra. Khi nào tìm được, bổn giang hồ sẽ post bổ sung. Tìm không được khỏi post.