Tuesday, March 20, 2018

Bạo lực sắc tộc tại Việt Nam trong tình hình giới hạn tự do tôn giáo

RFA-2018-03-20
Hình minh họa. Hình chụp hôm 20/12/2015 cho thấy những người thiểu số Hmong đang bán những con chó con tại một chợ phiên vào Chủ nhật ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
 Hình minh họa. Hình chụp hôm 20/12/2015 cho thấy những người thiểu số Hmong đang bán những con chó con tại một chợ phiên vào Chủ nhật ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.AFP
Bốn gia đình người sắc tộc Hmong tại Việt Nam bị tấn công vì không chịu từ bỏ niềm tin Thiên Chúa Giáo của họ.
Tổ chức Nhân Dân Và Các Quốc Gia Không Có Được Đại Diện- UNPO vào ngày 19 tháng 3 loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ World Watch Monitor. Theo đó vụ tấn công xảy ra vào ngày 1 tháng 3 khiến 4 người phải nhập viện để điều trị các vết thương trên đầu và tay do bị tấn công.
Bốn gia đình người Hmong có tổng cộng 24 thành viên được cho biết vừa cải đạo sang Thiên Chúa Giáo.
Bản tin của UNPO cho biết có những báo cáo nói rõ chính quyền địa phương Việt Nam nơi những tín đồ Thiên Chúa Giáo Hmong cư ngụ thường yêu cầu họ phải bỏ đạo; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê của họ.
Ước tính có chừng 400 ngàn người trong tổng số 1 triệu người sắc tộc thiểu số Hmong tại Việt Nam là tín đồ Thiên Chúa Giáo, hoặc theo các giáo phái Tin Lành hoặc Công Giáo La Mã.
Tổ chức có tên Open Doors trong Danh Sách Theo Dõi năm 2018 xếp Việt Nam vào hạng 18 những quốc gia nơi mà tín hữu Thiên Chúa Giáo phải đối diện với tình trạng bách hại nhất trên thế giới.

Thêm người trẻ ra tòa vì quan điểm đối lập

Diễm Thi, RFA 2018-03-19   
Nguyễn Viết Dũng tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015.
Nguyễn Viết Dũng tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015.Photo: facebook
Tòa án Việt Nam gần đây tuyên những bản án tù nặng nề cho những tiếng nói đối lập. Theo lịch thì vào ngày 28 tháng 3, thanh niên Nguyễn Viết Dũng, người được biết đến với một số hoạt động liên quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây sẽ ra tòa. Vì sao nhiều người trẻ tại Việt Nam hiện nay không sợ tù tội khi bày tỏ chính kiến khác biệt của họ như anh Nguyễn Viết Dũng?
Tin cho biết anh Nguyễn Viết Dũng từng đoạt giải nhất một kỳ thi tháng của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2004. Trong kỳ thi đại học cùng năm, Dũng đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, người thanh niên này sẽ ra tòa vào ngày 28 tháng 3 sắp tới đây với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ mà Công An tỉnh Nghệ An đưa ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2017 trong thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.
Ngay sau khi Dũng bị bắt, Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam ra thông báo trong đó có đoạn viết: “Khoảng 10 tay an ninh đã lôi Dũng lên xe và đưa đi đâu không rõ. Họ không đọc lệnh bắt hay có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc bắt. Lúc bắt Dũng, họ không có bất cứ ai mặc sắc phục hay giấy tờ gì chứng minh họ là công an. Họ còn đánh đập xô xát với mấy em đi cùng.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Viết Dũng bị bắt và đưa ra tòa. Trước đây anh từng bị bắt khi tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015. Khi đó Nguyễn Viết Dũng mặc chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa ‘dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân’. Lần đó anh bị án tù 12 tháng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong hai luật sư nhận bào chữa vụ này cho chúng tôi biết ông mới gửi thủ tục bào chữa vào Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, ông sẽ sắp xếp vào sao chụp hồ sơ vụ án làm cơ sở bào chữa cho thân chủ của mình.
Trả lời câu hỏi vì sao ông lại nhận bào chữa cho một vụ án chính trị như vậy, ông trả lời:
Luật sư ở Việt Nam không thiếu, nhưng những người có đủ trí tuệ, dũng khí và bản lĩnh để bảo vệ những người bất đồng chính kiến thì không nhiều, chỉ trên dưới 10 người, và họ thường bị cô lập trong các hoạt động hàng ngàycho nên tôi muốn tham gia để thắp lên ngọn lửa dũng khí cho chính những đồng nghiệp của mình, và hơn hết là góp phần  bảo vệ cho những người có tư tưởng tiến bộ nhưng theo tư tưởng, theo chế độ hiện tại thì họ bị xem là không phù hợp nên họ bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh trên chính quê hương của mình.”
Theo ông, các bản án đối với những người bất đồng chính kiến chủ yếu xét xử dựa vào thái độ nhiều hơn là phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Ông nhận định Nguyễn Viết Dũng không phạm tội. Ông nói thêm:
“Thực tế các phiên xử những người bất đồng chính kiến mà tôi tham gia khoảng trên một chục vụ thì thái độ của người bị xét xử trước phiên tòa quan trọng hơn nội dung những lời biện hộ của luật sư trước tòa. Trường hợp của Nguyễn Viết Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Theo nhận định của tôi thì thái độ của Dũng trước phiên tòa sẽ quyết định nhiều đến mức án của Dũng hơn là những gì mà tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành bào chữa cho Dũng.”
Nhận thức, đấu tranh…
Một nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay, anh Dương Đại Triều Lâm. Lý giải lý do vì sao Nguyễn Viết Dũng lại chọn con đường công khai chính kiến để rồi lâm cảnh tù tội:
“Nhờ sự tác động của internet, sự mở mang tiếp cận mọi ngóc ngách của cuộc sống nên Dũng tìm thấy nền giáo dục cũ Việt Nam Cộng Hòa có những giá trị về nhân văn, về tự do dân chủ rất tốt đẹp, trái ngược hẳn với những gì Dũng được nhồi sọ trên ghế nhà trường. Từ đó Dũng bắt tay vào hành động để mang lại những giá trị tốt đẹp của nền Việt Nam Công Hòa cũ trở lại với người dân Việt Nam hiện tại. Đó là những điều Dũng làm.”
Trả lời câu hỏi liệu khi tham gia những hoạt động như vậy thì các bạn trẻ có lo sợ rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ bị bắt, cũng sẽ bị tù tội hay không, anh Dương Đại Triều Lâm thừa nhận:
“Bản thân mình cũng lo ngại khi tham gia các sự kiện về chính trị hay ủng hộ các tù nhân lương tâm, mình cũng bị đánh đập, bị bắt, bị nhốt. Không thể nói là không lo sợ, nhưng mình phải làm sao để đồng hành với nỗi lo sợ đó. Khi mình đồng hành được thì mình mới hoạt động được. Còn việc bị bắt thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những người hoạt động trong nước. Quan trọng là mình hoạt động như thế nào để mang lại giá trị cao nhất mà mình muốn đóng góp cho xã hội này.”
… tù tội
Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại về những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho những người bất đồng chính kiến, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng đây là một chủ trương trong thế cùng bởi chính quyền đang muốn dập tắt phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bằng những bản án nặng nề. Nhưng theo ông thì đây là suy nghĩ sai lầm, bởi những người thực sự tâm huyết với đất nước thì dù có tử hình người ta cũng đấu tranh chứ không chỉ án tù mười mấy năm.
Xin được nhắc lại, trong thời gian qua, chính phủ Hà Nội tuyên những bản án nặng nề cho các bạn trẻ tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, như Trần Hoàng Phúc, thành viên trẻ của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á- YSEAL; sinh viên Phan Kim Khánh, nhà hoạt động sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam. Tất cả đều với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nhận định về việc này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng:
“Năm ngoái đến năm nay thì mọi người quan sát đều thấy rằng thay vì khép vào tội 258 thì bây giờ họ khép vào tội 88 hay 79. Chỉ là bày tỏ bất đồng chính kiến thôi nhưng lùa vào những tội có khung án rất nặng. Cho nên không chỉ dành cho người trẻ mà dành cho bất kỳ ai.”

Trình diễn tội ác

Trương Duy Nhất Theo RFA-2018-03-19  
Trần Văn Đức và chiếc máy ảnh Nikon lịch sử của Ronald Haeberle, trước khu mộ phần của mẹ anh và các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai.
 Trần Văn Đức và chiếc máy ảnh Nikon lịch sử của Ronald Haeberle, trước khu mộ phần của mẹ anh và các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai.-Blog Trương Duy Nhất
Hôm 16/3/2018, Sơn Mỹ tổ chức tưởng niệm 50 năm thảm sát Mỹ Lai. Vẫn sân khấu, màn hình, hội trường, băng rôn, cờ phướn...
Khác mọi năm là hoa. Ngập đầy hoa sen. Một cuộc trình diễn hoa, áo dài, với dàn diễn viên nghiệp dư gần 50 nữ sinh tiểu học, và... hoa hậu.
Năm nay, không dựng kịch tái diễn cảnh bắn giết nữa. Người ta đã sáng tạo trình diễn lại tội ác thảm sát kinh rợn qua màn trình diễn áo dài, hoa hậu và những khúc hát “giết sạch chém sạch, máu rơi...”
Khi ca sĩ hát, tôi thấy Đức (Trần Văn Đức), Trần Thị Hà và nhiều nhân chứng sống sót khác nhắm mắt, bịt tai quay đi không dám nghe. Họ khóc. Đức bảo “tôi không muốn nhìn nghe người ta diễn lại cảnh mẹ tôi, chị tôi và đồng bào của tôi trước mắt mình”.
Vâng, ngay cả tôi cũng không chịu nổi những âm thanh “chém giết” ấy, dù đó là... bài hát. Dù cái người ca sĩ đang hùng hồn hét những khúc ca giết chóc man rợ kia là... nghệ sĩ ưu tú, nhân dân chi đó.
Nhớ 5 năm trước, 2013. Tôi cùng Ronald Haeberle(*) về Sơn Mỹ. Khi xem cảnh diễn tái hiện vụ thảm sát trên sân khấu, Ronald đã bịt tai, không dám nghe lại những âm thanh chết chóc man rợ đó. Ông bảo: sao không xây dựng một công viên, làm cái chuông để chỉ rung chuông cầu nguyện thôi?
Tôi cười: Người ta làm cho người sống, chứ không phải để tưởng niệm người chết.
Chẳng biết Ronald có hiểu?
Những cuộc trình diễn. Vâng, phải gọi đúng là những cuộc trình diễn. Cứ thế suốt nửa thế kỷ. 50 năm. Những lễ tưởng niệm đã biến thành những cuộc trình diễn cho người sống, những cuộc trình diễn cho hàng nghìn quan chức phưỡn bụng ngồi xem.
Lạ thật. Quan chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch, Thủ tướng hay bất kể một đứa ất ơ nào, viếng thì về thắp một nén nhang, hoặc một nhành hoa. Can cớ chi cứ phải phưỡn bụng ngồi nghe diễn văn rồi xem hát hò, trình diễn rềnh rang vậy?
Hãy nhìn Đức - Hà kìa, và bao nhân chứng khác, cùng hàng vạn cư dân Sơn Mỹ, xem khi các quan chức đang phưỡn bụng ngồi “tưởng niệm”, thì họ làm gì?
Đức - Hà, và nhiều người khác đã không chịu nổi cảnh trình diễn man rợ này. Nhìn cảnh anh em Đức “chạy thoát” khỏi cái hội trường trình diễn ấy, ra quỳ rạp, khóc lạy trước khu mộ phần, tôi cũng không cầm được nước mắt, và thật sự đã thấy mình chợt... nghiến răng!
Nhìn ở mặt nào đó, những cuộc trình diễn kia cũng là tội ác. Những cuộc trình diễn tội ác, ác hơn cả tội ác.
(*): Ronald Haeberle: cựu binh Mỹ, phóng viên chiến trường, tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai chấn động địa cầu 50 năm trước.
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Điều gì sắp xảy ra với ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn?

RFA-2018-03-19 
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc họp báo hôm 30/6/2016 tại Hà Nội.
  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc họp báo hôm 30/6/2016 tại Hà Nội.AF
Chấm dứt nhiều lần trì hoãn kéo dài, chiều 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ đã buộc phải chính thức công bố Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu - AVG (bit.ly/2G4cAeJ, qua đó, những nhân vật trong Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ kế hoạch Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công an, kể cả ông Phạm Nhật Vũ (em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) - ông chủ của AVG và một số nhân bật bí ẩn khác đã chính thức bắt đầu lộ diện.
Trước đó ít ngày, trong cuộc họp của Ban Bí thư ngày 8/3/2018 để xem xét việc công ty MobiFone mua 95% cổ phần của AGV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đánh giá rằng “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đồng thời đã có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc chỉ đạo việc xử lý vụ “Mobifone mua 95% AVG”. Theo đó Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.
Được biết vào lúc mua bán đó (năm 2015) giá trị thực của AVG chỉ vào khoảng 1.983 tỉ đồng, nhưng Mobifone đã "hào phóng" mua đắt với giá 8.889,815 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước có thể lên tới 7.006 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch nói trên đã được chia chác cho những cá nhân liên quan có phần tiếp tay. Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, trong thương vụ mua AVG của MobiFone, có 6 cá nhân nhận tới 8.051 tỷ đồng trong tổng giá trị 8.889,98 tỷ đồng. Cũng theo nguồn tin này, các cá nhân trên đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỷ đồng. (bit.ly/2u0bbRC).
Tin từ nội bộ Bộ TT & TT cũng như Mobifone cho biết, trước đó Mobifone chắc chắn không có ý định từ đầu để mua AVG, vì lúc đó Công ty VTC cũng là đối tượng đang gặp vấn đề thua lỗ cần “đẩy đi” càng nhanh càng tốt. Song kể từ khi được lãnh đạo Bộ TT & TT gợi ý và giới thiệu, thì lãnh đạo Mobifone đột nhiên hăm hở triển khai triển khai việc mua AVG. Có tin cho rằng có những lúc ông Cao Xuân Hải - Tổng giám đốc Tổng công ty viễn thông MobiFone còn cao hứng trình Hội đồng thành viên để mua AVG với mức giá lên đến hơn 14.000 tỷ đồng.
Về trách nhiệm của Bộ TT & TT, bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ vụ Mobifone mua AVG đã xác định, Bộ TT & TT mà ông Trương Minh Tuấn lúc đó nắm vai trò Thứ trưởng đã mắc bốn sai phạm: Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án, lựa chọn thẩm định giá, lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần. Theo đó, "...khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG". Thậm chí, khi đó Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Bắc Son còn phê bút trong công văn để cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghĩa là ông Trương Minh Tuấn là người phải chịu trách nhiệm (một phần lớn) về những sai phạm thuộc phạm vi của Bộ TT & TT, trong thương vụ Mobifone mua AVG để bòn rút tài sản nhà nước lên đến 7.006 tỷ VND.
Ba sai phạm đáng kể chứng minh cho sự cố ý làm trái một cách chủ ý của Bộ TT & TT mà trách nhiệm thuộc về ông Trương Minh Tuấn là:
1. Trước hết Bộ TT & TT Dự án đầu tư của Mobifone vào lĩnh vực truyền hình (mua 95% cổ phần của AVG) “đảm bảo hiệu quả kinh tế”, để sau đó đã dễ dàng chấp nhận báo cáo "ma” của AVG, theo đó AVG đã "dự tính bán cho một số nhà đầu tư ngoại quốc với giá vống 700 triệu Mỹ kim, rồi từ đó không hề thẩm tra về mức độ chính xác của báo cáo "ma" này mà đã tạo điều kiện cho Mobifone mua đắt hàng chục lần giá trị thực có của AVG tại thời điểm mua bán.
2. Vì muốn bưng bít thông tin cũng như muốn dập tắt các ý kiến phản biện của thương vụ đầy khuất tất này, Bộ TT và TT đã đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Dẫu rằng họ thừa biết rằng vấn đề này là nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công an nhưng họ vẫn cứ tiến hành, để sau đó 2 Bộ Công An và Bộ TT & TT đã lập tức xếp thương vụ này vào loại “Mật”. Trầm trọng hơn, thậm chí có thông tin, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lúc đó đã làm việc với tổ thẩm định giá mua bán AVG mà không có đại diện của Mbifone, cũng như không thông báo cho Mobifone biết.
3. Trong khi, giá trị mà Thanh tra Chính phủ đưa ra là 1900 tỷ chưa tính lỗ lũy kế đến 2017 cỡ 1 ngàn tỷ và thua lỗ tại 2 dự án mà Phạm Nhật Vũ đã mua với giá rất cao nhằm mục đích rút ruột AVG trước khi bán. Đó là các dự án Công ty Giống tằm Mai Lĩnh, mua với giá cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần; dự án Công ty An Viên B.P – khai thác bauxite giá nhận chuyển nhượng cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần. Vậy thế mà những người có trách nhiệm của Bộ TT & TT hoàn toàn "không" hay biết. (!?)
Điều đó đã cho thấy, không chỉ sinh mạng chính trị của ông Trương Minh Tuấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – Phó Ban Tuyên giáo TW, một nhân vật được mệnh danh là “cảnh sát tư tưởng”, kẻ vốn đang nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với truyền thông nhà nước có thể ví như trứng treo đầu đẳng. Mà cả sinh mạng theo nghĩa đen của ông Tuấn cũng khó thoát một bản án tử hình
Từ sau Đại hội Đảng XII, nhất là kể từ khi Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn kiêm chức Phó Ban Tuyên giáo TW, ông Tuấn đã tỏ ra cứng rắn quá mức cần thiết với báo chí nhà nước, với hàng loạt việc từ yêu cầu gỡ bài đến rút thẻ nhà báo, thậm chí có không ít vụ đình bản cả tờ báo. Đó chính là lý do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù rằng chỉ là Phó Ban Tuyên giáo song hoàn toàn lân át vai trò của Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng. Tới mức người ta cho rằng, Trương Minh Tuấn có một tương lai không xa và sẽ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị để nắm giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo TW.
Theo nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà - Cô Gái Đồ Long cho biết, ĐBQH Lê Thanh Vân một người trước đó đã từng nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ TT & TT về vụ Mobifone mua AVG, vừa qua tại nghị trường phát biểu đánh động rằng: “Kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ về thương vụ MobiFone mua AVG là hồi chuông cảnh báo cho những ai tự thấy mình không đảm nhiệm được chức vụ thì nên rời bỏ chức vụ, nhường chỗ cho người tài đức hơn.”
Không phải ngẫu nhiên mà ĐBQH Lê Thanh Vân dám nói điều đó, mà chắc chắn phải có kẻ xúi. Còn ai xúi thì chúng ta hãy tự nghĩ ra, chỉ gợi ý rằng trong những ngày qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi công du nước ngoài. Và vì sao trong lúc Thủ tướng Phúc ra ngoại quốc thì người ta công bố bản Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Trên nguyên tắc, những thông tin quan trọng như văn bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ đó phải được đích thân Thủ tướng chính phủ phê duyệt, hoặc phải là Phó TT phê duyệt đồng thời có ý kiến chỉ đạo thì mới được công bố. Vậy ai đã cho phép Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng bằng lệnh miệng đã yêu cầu các cơ quan báo chí công bố sớm và rộng rãi để tranh thủ dư luận. Và ngay sau đó cũng chính ông Võ Văn Thưởng đã yêu cầu các cơ quan báo chí phải lập tức gỡ bỏ thông tin "Bộ Thông tin truyền – Thông tin phản bác Thanh tra Chính phủ" về văn bản phản bác Kết luận của Thanh tra Chính phủ của Bộ TT & TT (bit.ly/2G02vj5) do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký.
Nhìn lại những thất thoát trong tài sản nhà nước trong vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nếu so với việc cố ý làm trái trong vụ án Mobifone mua AVG đã gây thất thoát đến hơn 7.000 tỷ của nhóm tội phạm này thì có thể thấy một con muỗi đặt cạnh một con Voi. Nghiêm trọng hơn, người giữ vai trò đầu vụ tham nhũng như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” lại là  Phó Ban Tuyên giáo TW - Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn. Chắc chắn Tổng Bí thư Trọng muốn bỏ qua cũng không được.
Một nhà báo rất thạo tin nội chính đề nghị dấu danh tính có nhận định rằng, "Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, và AVG... hiện đang ra sức chạy tội. Với số tiền khủng sau những phi vụ như thế này, họ thừa tiền để thuê luật sư hay đội ngũ dư luận viên, định hướng viên,... cũng như nhiều cách khác để chạy tội. Nhưng có lẽ Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son,... và đội quân chạy tội đang dày công vô ích. Chuyện họ sẽ mặc áo Juvetus, ăn cơm tù, ra vành móng ngựa là điều gần như không thay đổi được."
Đây cũng có thể được coi rằng là một bằng chứng nói một đằng, làm một nẻo của Ban Tuyên giáo Đảng CSVN nói chung và cá nhân ông Trương Minh Tuấn nói riêng. Và một lần nữa khẳng định, "đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm".
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Chánh văn phòng Đảng ủy dùng chứng chỉ giả nộp lấy bằng đại học

Để lấy bằng tốt nghiệp đại học, một chánh văn phòng Đảng ủy xã ở tỉnh Kiên Giang lấy chứng chỉ giả của người khác cạo sửa rồi dán ảnh mình vào.
Yêu cầu dừng cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A,B,C - Hình 1
Ngày 20-3, ông Võ Văn Kiệu, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết đã ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Nguyễn Văn Ửng (Chánh Văn phòngĐảng ủy xã Vĩnh Phong) vì sử dụng chứng chỉ tiếng Anh giả.
Theo kết quả xác minh, ông Ửng theo học lớp đại học tại một trường đại học ở TP HCM. Để nhận được bằng tốt nghiệp đại học vào cuối năm 2017, ông Ửng lấy chứng chỉ tiếng Anh của người khác đã được làm giả trước đó rồi cạo sửa, dán ảnh của mình vào. Sau đó, ông Ửng mang chứng chỉ này nộp cho trường để nơi đây cấp bằng tốt nghiệp đại học. Việc làm này của ông Ửng đã bị người khác phát hiện và làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Tiếp nhận đơn tố cáo này, Công an tỉnh Kiên Giang và cuộc xác minh làm rõ.
“Sau khi có thông báo về kết quả xác minh từ Công an tỉnh Kiên Giang thì Đảng ủy xã tiến hành họp xét xử kỷ luật ông Ửng bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng. Do chức danh này hoạt động hình thức không chuyên trách và chưa có người thay thế nên ông Ửng vẫn đang tiếp tục giữ chức vụ Chánh Văn phòng Đảng ủy xã”- ông Kiệu cho biết thêm.
 Theo Người Lao Động

Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ tát nhân viên, bỏ cấp dưới trong rừng

Cùng với một số nội dung phản ánh khác, đoàn kiểm tra Huyện ủy Đức Phổ đã có kết luận về việc ông Lê Thanh Tân-Phó chủ tịch UBND huyện này tát ông V.C - nhân viên cấp dưới ngay tại trụ sở cơ quan.
Chiều 19.3, tại buổi làm việc với PV báo Dân Việt, ông Huỳnh Quý-Bí thư huyện Đức Phổ cho biết: Vào khoảng tháng 10.2017, sau khi có nhiều dư luận không hay về thái độ và cách cư xử trong quá trình làm việc của ông Tân-Phó chủ tịch UBND huyện này, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lãnh đạo địa phương, nên Huyện ủy Đức Phổ đã lập đoàn kiểm tra để xác minh thông tin trên.
Trong số nhiều vấn đề liên quan, đáng chú ý là các nội dung: Khi cùng đi kiểm tra công trình bằng ô tô, ông Tân đã cãi nhau với nhân viên và rồi bỏ người này lại trong rừng, phải đi bộ nhiều km ra đường đón xe về; trong quá trình ra tỉnh báo cáo tình hình bão lũ, nhân viên cấp dưới xin đi cùng ô tô nhưng ông Tân không cho; đặc biệt là vụ việc tát ông V.C nhân viên của mình ngay tại cơ quan.
Qua xác minh, đoàn kiểm tra của Huyện ủy Đức Phổ đã kết luận các nội dung trên là có thật. Riêng đối với vụ việc ông Tân-Phó chủ tịch UBND huyện này tát ông V.C tại cơ quan, ông Quý-Bí thư huyện Đức Phổ giải thích: Tuy người bị đánh là ông V.C và ông Tân phủ nhận không có, thế nhưng qua làm việc với các cá nhân liên quan có mặt và chứng kiến vụ việc, đoàn kiểm tra Huyện ủy đã đủ cơ sở để xác định việc này là có thật.
Theo ông Quý-Bí thư huyện Đức Phổ, thông tin vụ việc ông Tân tát ông V.C mà lãnh đạo Huyện biết và cho kiểm tra là do cán bộ của huyện xì xào, bàn tán chứ không phải là có đơn thư tố cáo. “Ban đầu khi làm việc với tôi, một trong số cán bộ đã trực tiếp chứng kiến còn giấu và không chịu xác nhận. Đến khi lãnh đạo chính quyền huyện mời lên làm việc mới chịu xác nhận. Cho nên không thể nói rằng có ai đó đã dựng chuyện, vu khống để bôi nhọ, làm giảm uy tín của ông Tân được”, ông Quý-Bí thư huyện Đức Phổ bày tỏ.
Cùng với báo cáo toàn bộ nội dung đã kiểm tra và xác minh cho cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi, Ban thường vụ Huyện ủy Đức Phổ sẽ họp và đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Tân theo quyền hạn được phân cấp.
Như đã phản ánh, thời gian qua dư luận ở địa phương bàn tán xôn xao về việc ông Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đã đánh ông V.C – nhân viên cấp dưới ngay tại cơ quan; đồng thời chửi lãnh đạo cấp phòng “ngu”…. Sự việc này đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến uy tín của lãnh đạo chính quyền địa phương.
Theo Dân Việt

Có hiện tượng làm luật thiên vị bộ, ngành

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng công tác chuẩn bị các dự án luật quá chậm, ảnh hưởng việc thẩm tra của các ủy ban
Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh.
Có hay không lợi ích nhóm?
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ QH thực hiện việc chất vấn theo hình thức đại biểu (ĐB) QH hỏi, bộ trưởng trả lời ngay, thay vì nhiều ĐB lần lượt chất vấn rồi bộ trưởng mới trả lời.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình – ông Nguyễn Ngọc Phương – thẳng thắn: “Bộ Tư pháp là cơ quan gác cổng thẩm định các văn bản pháp luật, vậy đề nghị bộ trưởng cho biết có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc đề xuất chính sách?”.
Giải đáp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết với quy trình xây dựng pháp luật và cách thức làm luật như hiện nay thì cơ bản là ổn. Tuy nhiên, có hiện tượng cơ quan chủ trì soạn thảo luật thì ít nhiều cũng có cái nhìn thiên lệch, thiên vị, dành thuận lợi hơn cho ngành mình, bộ mình.
Bộ trưởng Lê Thành Long nói trách nhiệm của Bộ Nội vụ liên quan đến kiểm tra, xử lý văn bản là thông tư và văn bản của địa phương; còn văn bản của Chính phủ thì bộ không có thẩm quyền xem xét xử lý. Trách nhiệm chính là của trưởng ngành cơ quan ban hành thông tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng công tác chuẩn bị các dự án luật quá chậm, ảnh hưởng đến việc thẩm tra của các ủy ban của QH. Thậm chí, có dự án luật chuyển sang vào cuối ngày thứ 6, giao Ủy ban Tư pháp làm trong 2 ngày nghỉ, dẫn đến không bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ngoài ra, có những dự án trình rất sơ sài, đánh giá tác động “chay”, chỉ nửa trang, không có số liệu kèm theo.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận có trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong việc trình luật chậm, không bảo đảm tiến độ, quy trình. QH đã có phần nghị quyết quy định về việc này. Xét về trách nhiệm chính trị thì việc chậm cũng là một yếu tố để QH bỏ phiếu tín nhiệm với các bộ trưởng. Với Chính phủ, quy định cũng tương đối rõ. Trong các phiên họp, Thủ tướng yêu cầu rất rõ việc này.
Trăn trở với đề tài nghiên cứu… bỏ ngăn kéo
Chiều cùng ngày, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề: “Vai trò khoa học rất quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước, vậy bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản để đạt được mục tiêu này?”.
Trả lời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng đây là vấn đề trúng, đúng nhưng rất rộng. Vừa rồi, Nghị quyết 24 và Nghị quyết 48 của QH đã thể hiện rõ điều này.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, vừa rồi khảo sát 2.000 doanh nghiệp (DN) cho thấy 35% ứng dụng công nghệ thông tin tăng năng suất 1,7 lần. Toàn bộ khối này dùng KH-CN tăng hơn 2 lần so với trước. Do vậy, cần tập trung mọi điều kiện vào nhóm DN làm nhiệm vụ dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu, có thể 200-300 DN “vệ tinh” phụ trợ. Đối với DN nhỏ và vừa thì làm sao nhận được sự chuyển giao nhanh, đối với nhóm DN trực tiếp chuyển giao thì sẽ có những thúc đẩy. Riêng đối với nhóm DN khởi nghiệp thì số lượng DN cũng cần tăng gấp 2 lần để đổi mới sáng tạo.
ĐB Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) đề cập hiện tượng các đề tài, nghiên cứu bỏ ngăn kéo. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định đây là vấn đề trăn trở của bộ. Xét ở khía cạnh trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, việc chậm đưa ứng dụng vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí.
Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết bộ đã rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, dần thay đổi tỉ lệ chi cho ngành từ chi thường xuyên là 60%, chi nhiệm vụ nghiên cứu là 40% thì đến năm 2016 đã đổi thành 50/50. Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay Chính phủ vẫn bảo đảm khoản chi khoảng 2% dự toán ngân sách cho hoạt động KH-CN và con số này đều đặn tăng qua mỗi năm.
Ra tòa nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản
Tiếp tục chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đi thẳng vào dự luật rất quan trọng là dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mà ủy ban này chịu trách nhiệm thẩm tra cũng bị chậm.
Giải trình, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận đây là dự án rất khó và thời điểm này thì việc có xem xét để trình ra QH kỳ họp tới đây (tháng 5) cũng có những ý kiến khác nhau. Cụ thể, về xử lý tài sản tham nhũng, có ý kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế tới 40%.
“Đây là quan điểm của Chính phủ và với tư cách một thành viên của Chính phủ, tôi tuân thủ việc này. Nhưng quan điểm từ đầu của Bộ Tư pháp đối với luật này là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải tịch thu hoặc chuyển sang hình sự ngay” – ông Long nhấn mạnh.
Theo Người Lao Động

Học sinh xem nhẹ tính mạng, thiếu kỹ năng sống: Cần xem lại mục tiêu giáo dục

Hiện nay, nhà trường dạy rất nhiều kiến thức văn hóa cho học sinh. Các em phải học ngày, học đêm, nhưng những kỹ năng tối thiểu để bảo vệ mình, quý trọng mạng sống của mình thì lại rất thiếu.
TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục -IRED) cho rằng, điều này thể hiện mục tiêu giáo dục đã không đạt, nếu không muốn nói là thất bại.
Nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị đăng clip hôn bạn trai trong lớp lên mạng, nữ sinh lớp 9 nhảy cầu tự tử khi bị gia đình mắng vì cắt tóc ngắn, nam sinh viên nhảy lầu trong khuôn viên Đại học Kiến trúc,  nữ sinh viên nhảy lầu tự tử trong ký túc xá… Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp những vụ việc đau lòng đã xảy ra, các bạn trẻ có lựa chọn tiêu cực, khi phải đương đầu với những vấp váp đầu đời.
Theo TS Nguyễn Khánh Trung (tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại ĐH Toulouse 2 của Pháp), những cái chết của học sinh là lời cảnh tỉnh cho người ở lại, trong việc giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ, để các em biết trân trọng chính mạng sống của mình.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có suy nghĩ và lựa chọn hành động tiêu cực, trong đó có nguyên nhân từ phía trường học, giáo dục gia đình và những bất ổn tâm sinh lý lứa tuổi. Ở các nước phát triển không có nguyên nhân từ phía trường học, còn ở Việt Nam, có không ít trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học hành, về thành tích điểm số. Văn hóa thành tích đã tồn tại từ rất lâu, ăn sâu vào mỗi người giáo viên, người làm giáo dục và tác động cả vào phụ huynh, khiến học sinh phải chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía”- TS Trung chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia giáo dục này, bản chất của con người là khác biệt nhau, mỗi em học sinh có một khuynh hướng riêng, cách học riêng, giáo viên, phụ huynh phải hiểu sự khác biệt đó. Chỉ tiếc là, tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt đã tồn tại rất lâu trong mỗi người Việt. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất ý thức của mình, trở thành một người khác. Các em sống cho cha mẹ, như cha mẹ mong muốn, thầy cô mong muốn, dẫn đến việc không có chính kiến, không biết đương đầu ra sao khi gặp phải những sóng gió đầu đời.
“Tại nhiều nước phát triển, mục đích giáo dục của họ rất rõ ràng, là giáo dục học sinh thành những người tự chủ, có khả năng bước đi trên đôi chân của mình, chứ không phải sống cuộc đời của người khác. Ngay từ cấp mẫu giáo, học sinh đã được trang bị kỹ năng sống, giáo dục về giới tính để biết cách bảo vệ mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.
Còn chúng ta, chương trình giáo dục còn quá nặng về kiến thức văn hóa, bắt học sinh học ngày học đêm, mà không chú trọng dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để tồn tại. Việc giáo dục một đứa trẻ đến tuổi 18 mà vẫn có tư tưởng dựa dẫm vào người này, người khác, theo tôi là một sự giáo dục không đạt, nếu không muốn nói là thất bại trong mục tiêu giáo dục” – TS Nguyễn Khánh Trung khẳng định.
Theo Lao Động

Người dân Đà Nẵng tập trung phản đối dự án khu du lịch bít đường xuống biển

Hàng chục người dân làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã bức xúc, tập trung phản đối khi Tập đoàn Trung Thủy tiến hành dựng rào chắn để xây dựng khu du lịch.
Ngày 20/3, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết đã vận động người dân làng Nam Ô trở về sau khi họ tập trung, phản đối dự án khu du lịch sinh thái của Tập đoàn Trung Thủy (TP.HCM) trên địa bàn.
Sự việc xảy ra vào trưa cùng ngày khi hàng chục người dân tập trung bên ngoài dự án Lancaster Nam Ô để phản đối việc Tập đoàn Trung Thủy dựng hàng rào chắn.
Người dân cho hay, việc chủ đầu tư lập hàng rào đã chặn đường ra biển của người dân.
“Đây là con đường ra biển đã có hàng trăm năm của chúng tôi. Họ dựng hàng rào lên như vậy thì chúng tôi không còn đường ra biển nữa.
Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ nghề biển, họ mà bịt lại như vậy thì chúng tôi làm ăn kiểu gì”, anh Lê Thịnh, người dân Nam Ô nói.

Cơ quan chức năng quận Liên Chiểu vận động người dân trở về nhà
Theo người dân, việc quy hoạch và cấp phép dự án là việc của chính quyền. Tuy nhiên, chủ đầu tư không có quyền bịt lối ra biển của người dân và cũng không được quyền sở hữu mặt biển.
“Tôi yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư phải giải quyết điều này để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, một người dân bức xúc.
Bà Lệ cho biết dự án của Tập đoàn Trung Thủy đã được phê duyệt và đơn vị này đang bắt đầu xây dựng. Theo bà Lệ, việc người dân tập trung phản đối vì cho rằng đơn vị chủ đầu tư dựng hàng rào chắn bịt lối ra biển của họ là không hợp lý.
“Cách đó hơn chục mét còn đường ra biển khác”, bà Lệ nói.
Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy, cho biết dự án đã được phê duyệt và đang tiến hành thi công. Theo ông Thủy, việc lập rào chắn là để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công dự án.
“Chúng tôi sẽ xây dựng tại vị trí cũ một con đường ra biển và một bãi tắm công cộng cho người dân với nhiều trò chơi giải trí. Việc xây dựng đường ra biển sẽ hoàn thành trong khoảng 1 tháng rưỡi nữa. Người dân phản ứng có lẽ do chưa có thông tin đầy đủ”, ông Tín cho biết.
theo Thời đại

Cách hết chức vụ trong Đảng của cựu lãnh đạo Công ty Cao su Đắk Lắk

Trước hàng loạt những sai phạm của ông Huỳnh Văn Khiết - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Đắk Lắk (Đakruco) - trong quá tình lãnh đạo công ty này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã quyết định thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Khiết.
heo đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng khóa IX (nhiệm kỳ 2005 – 2010) và khóa X (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đối với ông Huỳnh Văn Khiết.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty, ông Khiết đã vi phạm Quy chế làm việc của Đảng ủy Công ty; vi phạm Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty; độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và các quy định trong đầu tư, xây dựng, tài chính.
Tỉnh ủy cũng nêu rõ, vi phạm của ông Huỳnh Văn Khiết là nghiêm trọng, gây thiệt hại vốn của Nhà nước, có biểu hiện vụ lợi, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và bản thân.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy Công ty TNHH một thành viên Cao su Đắk Lắk khóa X (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã vi phạm Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, không kiểm tra, giám sát để lãnh đạo công ty có những quyết định đầu tư gây thua lỗ nặng, không đúng quy định của Bộ Tài chính.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Khiết.
Riêng trường hợp của ông Văn Đức Lư – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Dakruco (giai đoạn 2010-2012) và ông Bùi Quang Ninh – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk cũng có nhiều vi phạm nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy các vi phạm khuyết điểm đã quá thời hiệu xử lý nên không tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo Dân Trí