(PetroTimes) - Ngày 13/6, Học viện Ngoại giao Áo và Hội Hữu nghị Áo - Việt đã phối hợp với Tiến sĩ Afred Gerstl, chuyên gia tại Viện Khoa học Đông Á, Trường đại học Vienna (Áo) tổ chức hội thảo về Biển Đông với sự tham dự của khoảng 80 đại biểu. Tham luận của Tiến sĩ Afred Gerstl tập trung phân tích sâu về vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) khi đối chiếu với UNCLOS; đồng thời nhấn mạnh: Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình ngoài cơ sở pháp lý của UNCLOS, còn dựa trên căn cứ có từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) và được Pháp tái khẳng định năm 1884.
Cũng trong ngày 13/6, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh: Việt Nam tiếp tục phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông.
Thay đổi nguyên trạng bằng mọi giá
Giới phân tích cảnh báo, Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược “cắt lát salami” chiếm dần Biển Đông sang chiến lược đâm va. Và dù là “cắt lát salami” hay đâm va, Trung Quốc cũng đang muốn tạo ra “sự thật” để tuyên bố chủ quyền phi lý và Bắc Kinh không muốn bất kỳ một thỏa thuận đa phương nào về vấn đề này. Bởi Bắc Kinh cho rằng đã phạm sai lầm khi nhất trí về DOC, nên sẽ không tham gia COC.
Giáo sư Carl Thayer từng cảnh báo, mọi nỗ lực về COC chỉ lãng phí công sức của ASEAN bởi Trung Quốc không muốn điều này trở thành hiện thực. Do đó, 10 quốc gia thành viên ASEAN có thể giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ với nhau, dựa theo thỏa thuận giữa Indonesia và Philippines gần đây và một bộ quy tắc mới có thể tồn tại cạnh Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do, Trung lập (ZOPFAN, 1971), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1976), và Hiệp ước không vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á (1995).
Tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, trước những việc làm đầy toan tính của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền ở Biển Đông, ASEAN phải có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC. Đồng thời nhấn mạnh, nếu không có phản ứng nào, dù là quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền trong khu vực, Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng chủ quyền tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc với các nước tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ William Choong cũng cảnh báo, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như những hành động tại các bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền và bãi đá James trong EEZ của Malaysia là chiến lược được tính toán kỹ càng để Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông.
Chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Washburn, Mỹ Craig Martin cho rằng, việc Trung Quốc duy trì giàn khoan HD-981 tại Hoàng Sa đến nay cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng trong khu vực. Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu cấp cao Lowy của Australia Rory Medcalf cũng khẳng định, Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, với những hành động đang diễn ra ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng và ép buộc các nước liên quan làm quen với thứ quyền lực mà Bắc Kinh đưa ra.
Theo chuyên gia Graeme Dobell thuộc Viện Chính sách chiến lược Australa, đã đến lúc phải khẳng định những động thái khiêu khích của Trung Quốc, như hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 và đâm tàu thực thi pháp luật, tàu cá Việt Nam, là sự biểu hiện đầy đủ và chính thức chính sách của Bắc Kinh. Chuyên gia Graeme Dobell khuyến cáo, đã đến lúc ASEAN thôi hy vọng vào việc thương thuyết với Bắc Kinh để đạt được COC bởi Trung Quốc không muốn bất kỳ thỏa thuận đa phương nào. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, tiến trình COC đã gây chia rẽ ASEAN và chia rẽ các nước ASEAN có tranh chấp.
Bộ trưởng QP Nhật Bản Itsunori Onodera
Ngày 13/6, Phó vụ trưởng Các vấn đề biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương đã ngang ngược bịa đặt rằng, kể từ ngày 2/5, số lần tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc ở vùng biển gần giàn khoan HD-981 là 1.547 lần. Tuyên bố vu khống của ông Dịch Tiên Lương khiến một quan chức cấp cao Mỹ cho là “lộ rõ sự lố bịch” bởi Bắc Kinh từng sử dụng cả không quân và hải quân cũng như lực lượng hải cảnh để “đe dọa các nước khác”; đồng thời cho rằng, đây là một nỗ lực yếu ớt nhằm che đậy những gì Trung Quốc thực sự đang làm gần giàn khoan HD-981.
Cũng trong ngày 13/6, Tân Hoa xã đăng bài vu cáo Việt Nam của Cung Nghênh Xuân, Giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc xung quanh vụ hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Những động thái đáng quan ngại
Ngày 14/6, tờ The Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose thông báo, Manila vừa gửi công hàm phản đối việc Bắc Kinh tiến hành hoạt động cải tạo ở bãi đá Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về hoạt động khai phá ở bãi đá Gạc Ma cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho rằng, Trung Quốc sẽ xây căn cứ tại Gạc Ma và đây sẽ là hiểm họa khôn lường. Cũng trong ngày 14/6, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc khởi công xây dựng trường học mang tên Vĩnh Hưng với diện tích lên đến 4.650m2 cùng khoản đầu tư 36 triệu NDT (5,76 triệu USD) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Tờ Philstar vừa dẫn báo cáo mật của Chính phủ Philippines cho rằng, Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng tại 5 bãi đá ở Biển Đông, đó là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Theo đó, ngoài việc thiết lập đường băng trên bãi Gạc Ma, Trung Quốc còn đang xây dựng trái phép trên 4 bãi đá Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ sớm thay đổi hiện trạng tại bãi Đá Chữ thập và Xu bi. Hãng Bloomberg bình luận: Cát, xi măng, gỗ và bê tông là những công cụ mới nhất trong kho vũ khí giành biển đảo của Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng thay đổi hình dạng Biển Đông.
Ngày 13/6, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Balton cho rằng, các nước láng giềng đã phản đối gay gắt sau khi Trung Quốc tự ý tuyên bố khẳng định quyền đánh cá của mình ở Biển Đông và yêu cầu các tàu nước ngoài chấp hành yêu cầu sai trái này. Trước đó (11/6), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, Washington đang làm việc với ASEAN để thúc đẩy hoàn tất COC nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, tăng cường an ninh biển và củng cố luật pháp quốc tế. Bà Susan Rice cũng nhấn mạnh tới trụ cột chính trong chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ trong tương lai sẽ “linh động hơn” so với trước và Mỹ không để xảy ra tình trạng nước lớn chèn ép nước nhỏ.
Theo ông Richard Bitzinger, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, Bắc Kinh cần có máy bay đóng ở Biển Đông để áp đặt ADIZ và đường băng nhân tạo giúp ích cho bước đi này. Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng, Trung Quốc có đủ khả năng để xây dựng một đảo nhân tạo với căn cứ quân sự rộng lớn ở bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo nhận định của nhà phân tích nổi tiếng Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), sẽ không có chuyện Mỹ để Trung Quốc muốn làm gì thì làm tại Biển Đông. Chuyên gia Ernest Bower cho rằng, Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông xuất phát từ việc cho rằng, Mỹ không dám can thiệp nếu xung đột xảy ra trong khu vực.
Tiến sĩ Edward Miller, giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth, bang New Hamshire (Mỹ) cho rằng, trên thế giới, ở Mỹ, ở Châu Âu và các nước khác, nhiều người theo dõi hành động của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông, mà cả trong cách hành xử vấn đề tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông đều cho rằng, Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách bành trướng trên biển và điều này khiến mọi người nghi ngờ về tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Dư luận cho rằng, chính sách “trỗi dậy bằng nòng pháo” thể hiện qua các hành động hung hăng ở Biển Đông là chiến lược thống nhất được phê chuẩn từ cấp cao nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc hay cho tàu vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền
Leo thang căng thẳng
Ngày 14/6, tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản tiết lộ, một tàu chiến Trung Quốc bị nghi đã kích hoạt hệ thống radar kiểm soát khai hỏa (FCR) nhắm vào tàu khu trục Sawagiri và một máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản ở biển Hoa Đông hôm 29/5. Nhưng do chưa thu được bằng chứng xác thực về vấn đề này nên Tokyo vẫn chưa công khai vụ việc. Theo Hiến chương LHQ, hành động này tương ứng với đe dọa dùng vũ lực.
Ngày 12/6, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Tony Abbott đều cho rằng, tuân theo luật pháp quốc tế là mấu chốt cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Barack Obama còn nhấn mạnh, với tư cách là một nước mới nổi, Trung Quốc phải giúp củng cố và tuân thủ các luật quốc tế cơ bản.
Tổng thống Obama (phải) và Thủ tướng Abbott tại Nhà Trắng ngày 12/6
Ngày 13/6, Đài NHK dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khi ông kêu gọi lập tức khởi động đường dây nóng an ninh hàng hải giữa Tokyo và Bắc Kinh. Trước đó (12/6), Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa lạc quan trước khả năng đường dây nóng sẽ đi vào hoạt động. Cũng trong ngày 13/6, Tokyo phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh về việc Cục Phòng vệ Nhật Bản điều máy bay “bay sát rất nguy hiểm” cạnh máy bay Trung Quốc trên biển Hoa Đông hôm 11/6.
Trước đó (12/6), Trung Quốc tố cáo Nhật Bản điều 2 chiến đấu cơ F-15 áp sát, gây nguy hiểm cho chiếc Tu-154 của Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng Nhật Bản tố Trung Quốc về hành động tương tự. Cũng trong ngày 12/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản trên bầu trời biển Hoa Đông.
Ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã kêu gọi Trung Quốc phải hành động có đạo đức sau khi chiến đấu cơ nước này một lần nữa áp sát máy bay tuần tra của Nhật Bản trong không phận quốc tế ở biển Hoa Đông. Cũng trong ngày 11/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng chỉ trích việc Trung Quốc điều 2 máy bay tiêm kích bay sát máy bay Nhật Bản “một cách bất thường” trên vùng biển Hoa Đông. Cùng ngày 11/6, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế hành vi ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Sau cuộc hội đàm 2+2 tại Tokyo, Ngoại trưởng Australa Julie Bishop đã kêu gọi Nhật Bản nên đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết xung đột tại Châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston đã bác bỏ cáo buộc, Australia, Nhật Bản và Mỹ đang tìm cách kiểm soát Châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó (11/6), Nhật Bản và Australia đã đạt được thỏa thuận cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, trong đó có công nghệ phát triển tàu ngầm tàng hình.
Được biết, Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc vừa tập bắn đạn thật ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm nâng cao khả năng tác chiến ở vùng biển xa. Và trong đoạn phim được phát trên Đài RT cho thấy 2 tàu hộ vệ Miên Dương và Hồ Lô Đảo với sự hỗ trợ của tàu tiếp tế Hồng Trạch Hồ, đã thay phiên nhau nã pháo dữ dội trên biển.
Ngày 13/6, Đa Chiều (tờ báo của người Hoa hải ngoại) bình luận, ông Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên Biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan HD-981 không có gì lạ. Trước đó (12/6), tờ Đa Chiều với luận điệu sặc mùi hiếu chiến và đe dọa cho rằng, Trung Quốc sử dụng 3 mũi giáp công ép Việt Nam, nên khó tránh xung đột, nhất là khi Mỹ và Nhật Bản trở thành bên thứ 3 can dự vào Biển Đông. Và chiến dịch quân sự quy mô nhỏ nhằm vào Việt Nam không những trong tầm tay, mà còn là tất yếu bởi Trung Quốc sẽ thông qua “nhất chiến định càn khôn” nhằm tạo ra cục diện mới trên Biển Đông!? Theo nhận định của Trương Hoài Đông, nhà bình luận thời sự của Đa Chiều, một khi nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông thì chắc chắn không phải là va chạm thông thường, quy mô lớn hơn trận hải chiến 1974 và 1988.
|
06:45 | 18/06/2014
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh