Saturday, June 25, 2016

Thuyền Tự Do sẽ đến Alaska, hoàn tất 50 tiểu bang Mỹ

Quốc Dũng/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - “Buổi gây quỹ cho chuyến đi lịch sử của Thuyền Tự Do (The Freedom Boat) trên 50 biểu bang Hoa Kỳ và cả ở Canada do Nhà Văn Hóa Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood, 8058 Lampson Ave., Garden Grove, CA 92841. Chúng tôi rất cần sự bảo trợ và hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất của quý cộng đồng, vì đây là chuyến đi cuối cùng của Thuyền Tự Do đến tiểu bang xa nhất, đường đi khó khăn nhất, Alaska.”

Thuyền Tự Do trưng bày tại Carriage Square Shopping Center, Salt Lake City, Utah, năm 2007. (Hình: nguoiviettudoutah.org)

Đó là lời của bà Madalenna Lài, chủ tịch Nhà Văn Hóa Việt Nam ở Pomona, người đã mang chiếc Thuyền Tự Do đi triển lãm ở khắp nước Mỹ và cả ở Canada trong suốt 15 năm qua.

Bà chia sẻ: “Chúng tôi có hai lời hứa với chính phủ Philippines và cộng đồng Việt Nam. Lời hứa thứ nhất, đã thực hiện từ ngày 26 Tháng Giêng, 2001, và đến nay sau 15 năm thực hiện, Nhà Văn Hóa Việt Nam sẽ hoàn tất tiểu bang cuối cùng - tiểu bang Alaska. Chúng tôi sẽ bế mạc chuyến đi lịch sử của Thuyền Tự Do lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Tám, 2016, tại East High School, 4025 E. Northern Lights Blvd., Anchorage, AK 99508.”

“Chúng tôi đã hứa gì? Năm 1996, chúng tôi thành lập một tổ chức thiện nguyện mang tên Nhà Văn Hóa Việt Nam do tôi làm chủ tịch, đồng thời tôi cũng là chủ tịch Cộng Đồng Pomona Valley ở tiểu bang California. Ngày 15 Tháng Mười, 1996, tôi có dịp sang Philippines cùng với thị trưởng Pomona là ông Eddie Cortez để tham dự lễ cắt băng khánh thành Làng Việt Nam tại nơi này,” bà kể.

“Làng Việt Nam do Soeur Pascale Lê Thị Tríu điều hành đã giúp cho 2,000 thuyền nhân Việt Nam được ở lại. Bên cạnh đó còn có sự bảo trợ từ phía chính phủ Philippines, các giáo hội Công Giáo, và sự đóng góp của các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ,” bà kể tiếp.

Bà nói: “Lúc đó tôi mới nghĩ, tại sao Nhà Văn Hóa Việt Nam không có một chiếc thuyền để ghi lại hình ảnh lịch sử dòng người di tản khỏi Việt Nam đi tìm tự do chỉ trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Tôi mới xin Soeur Pascale Lê Thị Tríu rằng tôi muốn có một chiếc thuyền mà những thuyền nhân đã dùng nó để vượt biển, nhưng soeur nói là không thể có, vì khi tới đất liền thì người ta đã đập bỏ thuyền hết.”

“Sau đó bốn năm, soeur gọi điện thoại cho biết đã xin được chiếc thuyền cho tôi. Đó là ngày 2 Tháng Giêng, 2000, Nhà Văn Hóa Việt Nam được chính phủ Philippines chấp thuận trao tặng lại chiếc thuyền tị nạn. Đây là chiếc thuyền tị nạn do 15 thuyền nhân sử dụng vượt biển để đi tìm tự do xuất phát từ Phú Khánh, Nha Trang, vào ngày 12 Tháng Năm, 1981,” bà nói tiếp.

Bà Lài cho biết: “Chiếc thuyền này vượt biển hơn 10 ngày thì cả 15 thuyền nhân phải ăn áo quần của mình để sống còn. Khi tất cả 15 thuyền nhân đều bất tỉnh thì thuyền trôi vào đất Philippines và may mắn được ông Jonard Duran là người đi giữ an ninh trên mặt biển phát giác và cứu.”

“Khi Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos hay tin câu chuyện thương tâm này, ông ra lệnh đem thuyền vào Freedom Plaza ở Bantaan để gìn giữ kể từ năm 1981. Bởi vì chiếc thuyền rất ý nghĩa với thuyền nhân khi họ dùng thuyền ra đi tìm tự do mà không đem theo thức ăn và thức uống,” bà kể. 

Bà Madalenna Lài bán vật lưu niệm gây quỹ cho Thuyền Tự Do. (Hình: nguoiviettudoutah.org)

Bà nhớ lại: “Khi trao chiếc thuyền đó, chính phủ Philippines có phỏng vấn tôi, chiếc thuyền to như vậy (chiều dài 10.5 mét, chiều ngang 3.5 mét, chiều đứng 3 mét) thì làm sao mang đi và mang đi với mục đích gì? Tôi trả lời rằng, chiếc thuyền tị nạn là một bảo vật vô giá, vì nó lưu dấu lại cho thế hệ mai sau biết cha ông đi tìm tự do trên thế giới bằng phương tiện gì.”

“Cha ông đã có mặt trên khắp nước tự do, trên thế giới tự do chỉ bằng chiếc thuyền bé nhỏ vượt đại dương này. Các thuyền nhân chấp nhận rời bỏ Việt Nam, quê hương yêu dấu, chịu gian lao, khổ sở, đói khát, bão táp, bị hải tặc cướp bóc, và hãm hiếp, để được tự do hay là chết... để thế hệ sau biết giá trị tự do, giá trị của con người. Trong lịch sử nhân loại không có một cuộc di tản, vượt biên vượt biển nào trên thế giới mà có hơn nửa triệu người chết trên biển cả chỉ vì đi tìm tự do,” bà sụt sùi nói.

Bà kể: “Sau đó, tôi đã hứa với chính phủ Philippines sẽ đem Thuyền Tự Do đi triển lãm tại 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Triển lãm nhằm để ghi lại lịch sử của thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi vì ước mơ được sống trong một đất nước tự do nên liều mình thà chết chứ nhất định không sống nếu không có tự do. Và sau khi hoàn tất chuyến đi, tôi sẽ đặt Thuyền Tự Do vào một nơi trang trọng nhất, đó là bảo tàng viện 'Cám Ơn Nước Mỹ và Thế Giới' (Thank You America and the World).”

Trong suốt 15 năm hành trình mang Thuyền Tự Do đi triển lãm khắp các tiểu bang, bà Madalenna Lài đi cùng với tài xế Tuyền Cao - một người Việt Nam mới sang Mỹ bốn tháng “nhưng dám đi xuyên bang với tôi. Tất cả các chuyến đi 15 năm nay đều chuyên chở bằng xe, trừ Hawaii thì phải đi tàu, khởi hành từ Long Beach,” bà nói.

“Lần này đi Alaska khó khăn gấp bội. Trong suốt 15 năm qua, Nhà Văn Hóa Việt Nam đã đến Alaska ba lần để vận động nhưng đều không thành vì tiểu bang này rất ít người Việt Nam. Nhưng giờ đây, đồng hương tại Alaska đã có lòng sẵn sàng để hỗ trợ chúng tôi hoàn tất công tác lịch sử này. Cái khó kế tiếp là vận chuyển như thế nào với tiểu bang xa xôi này là điều chúng tôi đắn đo nhiều nhất,” bà cho hay.

Bà kể: “Đầu tiên chúng tôi định gửi thuyền theo đường biển, vì lái xe rất tốn xăng, lại còn giấy tờ rất nhiêu khê. Chưa kể, muốn đến tiểu bang Alaska thì phải đi qua Canada, lại thêm một phiền toái nữa. Rồi lại chuyện mua bảo hiểm cũng rất khó khăn.”

“Thế nhưng, muốn gửi thuyền thì cũng phải lái xe từ California đến Washington, từ đó mới được gửi thuyền qua Alaska. Sau khi tính toán, chúng tôi thấy chi phí gửi từ Washington đi Alaska cả lượt đi và về là $20,000. Đó là chưa tính chi phí lái xe từ California đi Washington đã tốn $10,000 nữa. Tôi nghĩ, nếu đã đi tới Washington rồi thì sao không lái xe đi tiếp qua Alaska luôn? Thế là quyết định lái xe,” bà nói.

Bà cho biết: “Tài xế giờ đã lớn tuổi, không phải còn trẻ như 15 năm trước, nhưng vẫn đồng hành với tôi đi trọn chuyến đi lịch sử này. Và chiếc xe giờ cũng cũ kỹ lắm rồi, những bánh xe cũng đã lăn trong 15 năm qua 49 tiểu bang và Canada. Do đó, khoảng ngày 3 hoặc 4 Tháng Tám chúng tôi sẽ khởi hành, đi trước vài ngày để dự trù xe bị hư thì còn thời gian sửa chữa, để kịp đến Alaska vào ngày 13 Tháng Tám.”

“Tính toán các chi phí, chúng tôi cần khoảng $45,000 mới đi được. Vì vậy, nếu không có sự bảo trợ và hỗ trợ của quý cộng đồng, chúng tôi sẽ gặp khó khăn để hoàn thành trọn vẹn việc làm to lớn này. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của quý đồng hương,” bà tâm sự.

Bà Madalenna Lài nói: “Vé ủng hộ cho buổi gây quỹ lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood là $50, vé VIP là $100. Xin quý vị tiếp một bàn tay, mọi ý kiến đóng góp, chi phiếu hoặc tiền xin gởi về: Nhà Văn Hóa Việt Nam, 450 W. Phillips Blvd., Pomona, CA 91766, điện thoại (714) 333-7428.” 

25-06-2016 3:14:48 PM

Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com

Nổ tàu cá trên biển Phú Quốc: 3 người mất tích, 4 bị thương

PHÚ QUỐC (NV) - Một chiếu tàu đánh cá bị nổ trên biển vào tối 24 Tháng Sáu khiến 3 người mất tích và 4 người bị thương, theo báo Lao Động.

Một nạn nhân vụ nổ tàu ở Phú Quốc đang được đưa vào bờ cấp cứu. (Hình: Báo Lao Động)

Báo này dẫn nguồn tin từ Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 4 cho biết, vụ nổ tàu xảy ra cách Hòn Thơm khoảng 12 hải lý. Chiếc tàu cá mang số hiệu CM 98984 TS, do ông Nguyễn Thanh Nhã thường trú tại Sông Đốc, tỉnh Cà Mau làm chủ bị nổ lốc máy. Trên tàu có 7 người, trong đó có 3 người bị mất tích trên biển và 4 người bị thương rất nặng. Tàu gặp nạn đã bị chìm tại vùng biển trên.

Tin cho hay, Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 4 đã đưa tàu Cảnh Sát Biển 3008 và xuồng Cảnh Sát Biển 505 đi cứu nạn trên biển, trong điều kiện đêm tối, tầm nhìn hạn chế, thời tiết phức tạp.

Vẫn theo báo Lao Động, “khoảng 1 giờ sau vụ nổ, xuồng Cảnh Sát Biển 505 đã đưa được 4 người bị thương nặng cập cảng Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 4 và phối hợp với địa phương đưa các nạn nhân về bệnh viện đa khoa Phú Quốc để cấp cứu. Hiện nay tàu Cảnh Sát Biển 3008 vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên bị mất tích trên biển.

Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tục xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến tàu cá của ngư dân tại Việt Nam.
Hôm 18 Tháng Ba, một tàu cá ở Huế phát nổ khiến 8 trong số 9 ngư dân trên tàu bị thương, trong đó 2 ngư dân bị áp lực vụ nổ hất văng xuống biển, nhiều người bị bỏng da và chấn thương nên ngất xỉu trên tàu.

Vụ nổ xảy ra vào buổi sáng, khi chiếc tàu cá số hiệu TTH 96046 của Trương Viết Rơ (48 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang trên đường vào bờ cập cảng cá Thuận An (Phú Vang) thì gặp nạn do ắc quy trên tàu phát nổ.

Do tàu này gặp nạn ở gần cửa biển nên được nhiều tàu cá đang trên đường vào bờ ứng cứu. Hiện 8 ngư dân bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện trung ương Huế, trong đó các ngư dân Ngộ và Linh bị trọng thương do bị phỏng nặng và bị chấn thương ở vùng đầu.

Sau đó ít ngày, hôm 2 Tháng Tư, một vụ cháy tàu cá xảy ra tại Ụ Bãi Đê (phường 6, Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến 1 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, khoảng 7 giờ cùng ngày, tàu cá KG 90094 TS khi đang neo đậu tại Ụ Bãi Đê để sửa chữa thì bất ngờ phát ra tiếng nổ và bốc cháy dữ dội.

Sau tiếng nổ, nhiều người thấy 1 người bị bỏng lửa đã nhảy từ trên tàu xuống. Người dân đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Phú (40 tuổi, quê Kiên Giang).

Bên trong tàu cá KG 90094 TS chứa 8,000 lít dầu nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. (KN)

25-06-2016 6:26:19 PM 

No speak English: No sin

Theo Người Việt -25-06-2016 3:25:04 PM 
Bùi Bảo Trúc

Nhân vật Tarzan trong tác phẩm của Edgar Rice Burroughs là một thanh niên da trắng lạc cha mẹ từ bé, lớn lên với bầy thú trong rừng già Phi Châu, không hề có những tiếp xúc với xã hội loài người, nói chi với người Anh, người Mỹ nên làm sao nói được tiếng Anh. Nhưng rồi chàng gặp người phụ nữ tên là Jane, hai người vẫn trở nên đôi bạn. Không biết chàng học ESL (English as a Second Language) ở đâu nên mới có người bịa ra chuyện hai người lúc mới gặp nhau, Tarzan nói với Jane rằng: “Me Tarzan, you Jane.” Sự thực thì không có chuyện này ở trong truyện của Burroughs cũng như trong phim do Johnny Weissmuller thủ diễn. Tuy hoàn toàn không có những chi tiết vừa kể, nhưng vẫn có nhiều người đoan chắc là Tarzan có nói câu đó.

Ăng Lê kiểu Tarzan nói với Jane không biết phải gọi là Ăng Lê gì, nhưng nhất định không phải là Ăng Lê bồi, vì Tarzan có đi làm bồi cho ai đâu. Nó là phương tiện thông tin giữa những người không nói chung một ngôn ngữ và cũng không được dậy hay học để nói một ngôn ngữ chung ngõ hầu giao tiếp với nhau. Hai bên sắp xếp những tiếng gần gũi nhất với đời sống ngay trước mặt để thông tin với nhau, bỏ qua những câu nệ về văn phạm, ngữ học. Đó là thứ ngôn ngữ (pidgin English) của những thành phần ít học, không trường lớp, bài bản.


Tuần qua, một video clip được phổ biến rộng rãi trên Facebook với cảnh một hoa hậu Việt Nam làm giám khảo cho cuộc thi đàn ông đẹp trai thế giới năm 2015. Người đẹp Việt Nam này, cô Vũ Trần Triều Thu (hoa hậu Đông Nam Á năm 2014) đặt một câu hỏi cho người thí sinh Hàn Quốc bằng tiếng Anh. Câu hỏi được ban tổ chức viết sẵn. Cô hoa hậu Việt Nam học thuộc lòng, chỉ việc phát âm theo giọng Ăng Lê Hà Nội. Tội nghiệp cô. Cô phát âm câu hỏi đó lần đầu. Mọi người ớ ra ... “Ơ quả mơ!” cóc hiểu gì hết. MC trên sân khấu xin cô nhắc lại. Cô nhắc lại câu hỏi bằng tiếng Anh theo cách phát âm kiểu “con-cu-lây-tinh” (calculating) và “min mai địt” (mean minded) như trong một cuốn sách dậy tiếng Anh vô học ở trong nước. Dĩ nhiên là... bố Mỹ, bố Ăng Lê cũng không hiểu được. Thế là một MC trên sân khấu phải nói thay cô, dùng bản chính của câu hỏi tiếng Anh đọc lên (bằng cách phát âm bình thường) đến lúc ấy mọi người mới hiểu.

Cô hoa hậu Việt Nam vẫn cười vui vẻ với khán giả một cách khả ái. Khán giả có vẻ hoàn toàn thông cảm với cô. Đó là một thái độ văn minh và lịch sự. Cô nói tiếng Anh không ai hiểu thì đã sao! Cô là người Việt, không phải người Anh. Cô không nói được tiếng Anh là chuyện dễ hiểu. Có bao nhiêu (hoa hậu) người Anh, người Mỹ, người Úc... nói được tiếng Việt ? Cô là một người đẹp. Việc của cô là chăm sóc sắc đẹp của cô. Chúng tôi không cần cô ngày ngày phải mở cuốn văn phạm tiếng Anh (Mastering American English) ra làm các bài tập rồi lại vào “lab” luyện giọng theo những cái máy.

Xin cô cứ “Sois belle et tais-toi,” hãy cứ đẹp đi nhưng câm mồm lại cho chúng tôi nhờ là được rồi như tên cuốn phim của Alain Delon và Jean Paul Belmondo ngày nào. Cô không nói giỏi tiếng Anh cũng không sao, không chết thằng Tây nào hết. Bằng cớ là cuộc thi vẫn diễn ra một cách thành công với câu Ăng Lê dễ sợ của cô.

Câu hỏi tiếng Anh ấy quả thực là đã chơi khó cô. Những chữ trong câu hỏi đều không phải là những chữ thường gặp trong tiếng Anh. Nào là “essence,” rồi lại “pageant,”... mà cô lại phát âm theo giọng chợ Đồng Xuân và giọng Ăng Lê bờ Hồ làm sao người ta hiểu được.

Đáng lý ra phải có người chỉ cho cô đọc câu tiếng Anh một cách ngọn ngành. Nathalie Cole khi hát bài 'C'est Si Bon' đã phải nhờ một người Pháp chỉ cho cách phát âm đúng ba chữ Pháp đó nên chúng ta cũng chẳng nên “ném đá” cô tới tấp đến nỗi cô đã phải khóa Facebook của cô lại.

Cô không phải là một nhà ngoại giao tại một hội nghị quốc tế. Cô không đưa ra một phát biểu liên quan đến sinh mạng của những con cá tội nghiệp đang phơi bụng ngoài Vũng Áng. Cô không phát biểu tại tòa án quốc tế về vùng biển chết ở ngoài khơi Việt Nam,

Tiếng Anh như của cô là đủ xài rồi,

Nhưng cái đứa nói MÊ DZÊ IN ZIEC NAM thì không được.

Dốt và ngu lắm. Đỉnh cao trí tuệ cái... củ gì!

Nghĩ tới câu Ăng Lê của nó thì nên tha cho cô Vũ Trần Triều Thu. Hệt như một người không học Nga ngữ một ngày nào bị dí vào tay một mảnh giấy viết bằng tiếng của ông Putin thì có... ngọng không ?

Nhưng mấy chữ MADE IN... thì trên thế giới này, ngay mấy con chó chạy lông nhông ngoài đường gác chân lên cột đèn (để chào bác Hồ) cũng phải biết. Vậy mà nó không nói được rồi cứ thế ông ổng MÊ DZÊ...

Không nói được tiếng Anh chẳng có gì xấu cả. Cũng không bao giờ là một cái tội. Không học thì làm sao nói được?

Nhưng ngu và dốt thì không tha được. Thế mà cũng khoe là trình độ Anh ngữ (theo tiểu sử) được ghi nhận là hạng B (biết nói những câu thông thường).

Ăng Lê như thế thì chó cũng chịu thua.

Thà như ông Tú Xương:

“Hán tự chẳng biết Hán

Tây tự chẳng biết Tây

Thôi đi về đi cầy...”

Bố khỉ! Nó là thằng đã ngu lại dốt, không ở mức độ ngang hàng với cô Vũ Trần Triều Thu!

Liêm sỉ lãnh đạo Việt Nam rất xa xỉ?

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - ...Chúng ta không thể cứ mãi đặt câu hỏi phải chăng liêm sỉ và luân lý trong sự lãnh đạo của người có trách nhiệm chính trị tại Việt Nam là một thứ xa xỉ đối với họ và vì thế mà họ cứ trơ ỳ như khúc gỗ trước những biến cố bị tàn phá tan hoang của đất nước...

*

14g30 hôm nay 24-6 (giờ Việt Nam) Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua kết thúc với kết quả người dân chọn rời khỏi EU.

Ông nói: "Tôi nghĩ thật không đúng nếu tôi tiếp tục đứng đầu dẫn dắt đất nước đến bến bờ mới. Đây là quyết định khó khăn nhưng tôi tin rằng đất nước đòi hỏi một thời kỳ ổn định và rồi sẽ có lãnh đạo mới. Tôi nghĩ vị tân Thủ tướng sẽ quyết định khi nào kích hoạt Điều 50 trong Nghị định thư Lisbon và bắt đầu quy trình rời EU".

Ông Cameron khẳng định: "Người dân Anh đã quyết định rõ ràng chọn một lối đi khác và vì vậy tôi nghĩ đất nước cần một lãnh đạo mới để dẫn dắt người dân đi theo con đường mới".

Đó là liêm sỉ của người có trách nhiệm chính trị của đất nước nước Anh xa xôi bên tận trời Âu.

Với liêm sỉ của lãnh đạo Việt Nam như thế nào?

Không đề cập nhiều đến quá trình lãnh đạo đất nước Việt Nam từ khi khởi thủy cộng sản trên đất nước Việt Nam đến nay. Chúng ta chỉ cần nhìn thẳng vào thảm họa cá chết tại Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ thấy liêm sỉ của người có trách nhiệm như thế nào?

Đã gần 3 tháng thảm họa môi trường tại Miền Trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an toàn môi trường sống, về kinh tế đất nước, về thảm họa thực phẩm ấy vậy nhưng lãnh đạo cộng sản có trả lời cho nhân dân được biết nguyên nhân gây ra thảm họa đó chưa?

Luân lý trong việc đại diện chính trị: Những người có trách nhiệm chính trị không được bỏ qua hoặc coi nhẹ chiều kích luân lý của việc đại điện là phải tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội; hành sử quyền bính trong tinh thần phục vụ; nhằm tới công ích, chứ không phải danh vọng hoặc ích lợi cá nhân.

Nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị là tôn trọng phẩm giá con người, nhân quyền có trước chính trị. Có tư tưởng chính trị hiện đại như vậy thì liêm sỉ luân lý của người có trách nhiệm chính trị mới thực sự là phục vụ nhân dân và công ích quốc gia.

Ông Obama, Tổng Thống của Hoa Kỳ phát biểu tại Hà Nội rằng “Tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh”. Đó là bộ óc tư duy của lãnh đạo phục vụ và đem lại công ích cho nhân dân, họ tôn trọng nhân vị phẩm giá của nhân dân và vui sướng trong sự liên đới giữa bản thân mình với chủ thể nhân dân đó.

Vì sao ông Thủ tướng nước Anh, David Cameron từ chức khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được thông qua là người dân rời khỏ EU. Vì sao ông Obama lại can đảm dám nói rằng nước Mỹ lớn lên vì bản than ông bị nhân dân chỉ trích hàng ngày?

Vì họ hiểu “Nhân dân chuyển giao việc thi hành chủ quyền cho những người mà họ lựa chọn làm đại biểu, và nhân dân giữ quyền kiểm soát”.

Trong bài viết này đem sự lãnh đạo của các nước phương Tây so với cái lãnh đạo Việt Nam thì xem ra có khập khiểng. Nhưng cũng cần phải cân nhắc về mục tiêu và quyền hành của hệ thống chính trị có thực sự phục vụ người dân hay không? để rồi chúng ta tự biết chúng ta đang bị tước đoạt quyền hành chính trị như thế nào?

Chúng ta không thể cứ mãi đặt câu hỏi phải chăng liêm sỉ và luân lý trong sự lãnh đạo của người có trách nhiệm chính trị tại Việt Nam là một thứ xa xỉ đối với họ và vì thế mà họ cứ trơ ỳ như khúc gỗ trước những biến cố bị tàn phá tan hoang của đất nước.

Người dân Việt Nam có thể thay đổi được thói quen, tư duy, hành động, và cả hệ thống chính trị nếu như người dân biết được chủ thể quyền hành chính trị đang nằm trong tay của mình.

25.06.2016

Đan sĩ Đan viện Thiên An bị sách nhiễu trong đêm

GNsP (25.06.2016) – Hơn 30 người tự xưng là công an, cán bộ xông thẳng vào nội vi Đan viện Thiên An, gây gổ, sách nhiễu các Đan sĩ Đan viện Thiên An vào 8 giờ tối ngày 25.06.2016.
Nhóm người này đã cản trở và ngăn cản các Đan sĩ không được xây dựng đường xá trong khuôn viên nội vi của Đan viện Thiên An với lý do họ phát hiện các Đan sĩ đã “xâm chiếm” đất của nhà nước khi đổ cát, đá, xi măng trong khu vực vườn cam. Trong khi đó, khu vực vườn cam thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An từ những năm 1940.
Sau đó, nhà chức trách đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu các Đan sĩ ký, nhưng các thầy đã từ chối và đề nghị họ ngày mai 26.06.2016 lên Đan viện làm việc.
Được biết, bên trong khu vực Hồ Thủy Tiên –thuộc quyền quản lý của Đan viện Thiên An đã bị nhà cầm quyền “chiếm và cướp” – có rất đông CSCĐ để hỗ trợ nhóm người trên. Khu vực Hồ Thủy Tiên có lối ra vào nội vi Đan viện Thiên An, và đây cũng là lối đi của nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thường xông vào nội vi Đan viện Thiên An bất chấp sự phản đối của quý Đan sĩ.
9842058d-14cb-4172-8780-7fd209378fae
Hơn 30 người tự xưng là công an, cán bộ xông thẳng vào nội vi Đan viện Thiên An, gây gổ, sách nhiễu các Đan sĩ Đan viện Thiên An vào 8 giờ tối ngày 25.06.2016.
31ec1258-6add-48b4-a7d7-82ebaecdf22d
Nhóm người này đã cản trở và ngăn cản các Đan sĩ không được xây dựng đường xá trong khuôn viên nội vi của Đan viện Thiên An.
f66cc8c9-735f-414a-8af6-6b835a3760c5
Hiện nay, có khoảng 30 Đan sĩ đang canh gác khu vực vườn cam vì lo sợ nhà cầm quyền sẽ cho côn đồ vào đập phá đoạn đường bêtông mà các Đan sĩ đang xây dở dang suốt hơn một tuần qua.
Hiện nay, có khoảng 30 Đan sĩ đang canh gác khu vực vườn cam vì lo sợ nhà cầm quyền sẽ cho côn đồ vào đập phá đoạn đường bêtông mà các Đan sĩ đang xây dở dang suốt hơn một tuần qua.
Mục đích Đan viện Thiên An xây dựng đường bê tông tại khu vực vườn cam nối dài tới vườn rau để thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt. Con đường dài khoảng 700 mét.
Cách đây chưa đầy 5 ngày, nhà chức trách xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động khoảng 200 cán bộ, dùng xe ủi công suất lớn phá hoại tài sản của Đan viện Thiên An, xúc phạm Thánh Giá. Đặc biệt họ đã lập biên bản “vu cáo” chủ nhà – Đan viện Thiên An “lấn chiếm đất đai” của “kẻ cướp” – nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Huyền Trang, GNsP

Đan viện Thiên An tố cáo nhà chức trách xúc phạm thánh giá và phá hoại tài sản

GNsP (26.06.2016) – Đan sĩ Đan viện Thiên An lên án nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế huy động cán bộ xâm nhập nội vi Đan viện, khống chế các đan sĩ, phá hoại tài sản và có hành vi xúc phạm Thánh Giá – biểu tượng thiêng liêng của Hội Thánh Công giáo.
Trong đơn tố cáo, Bề trên Đan viện Thiên An, Lm Antôn Nguyễn Văn Đức quả quyết, các hành vi của khoảng 200 người tự xưng là công an, cán bộ đưa xe ủi công suất lớn xông vào nội vi Đan viện để phá hoại tài sản và xúc phạm Thánh Giá vào chiều ngày 20.06.2016 vừa qua là “trái pháp luật”.
Và “thể hiện rõ sự bội tín và không tôn trọng các quyền tự do căn bản mà Đan sĩ – Đan viện Thiên An được bảo hộ theo quy định pháp luật”, Lm Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
13310457_1039273402858750_5525815604604876151_n
Các cán bộ xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế ngang nhiên xông thẳng vào nội vi Đan viện Thiên An xúc phạm Thánh Giá vào ngày 20.06.2016.
Tuy nhiên, những người làm trái pháp luật này lại lập biên bản cho “chủ nhà” – Đan viện Thiên An với lý do “vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai” do các Đan sĩ “đổ vật liệu, cát, đá lấn chiếm đất rừng đặc dụng…” ngay trong nội vi của Đan viện Thiên An, bất chấp khu đất này thuộc quyền quản lý và sở hữu của các Đan sĩ “được tạo lập có chứng lý và thực tế từ năm 1940”.
Lm Antôn Nguyễn Văn Đức khẳng định: “Đan viện Thiên An không và sẽ không bao giờ lấn chiếm bất kỳ tài sản – đất – rừng thông của bất kỳ ai. Đan viện Thiên An căn cứ vào thực tế, lẽ phải và sự công bằng, chứng lý chứng minh việc tạo lập và quản lý hợp pháp phần nhà – đất – rừng Thông tọa lạc tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục từ năm 1940 cho đến nay.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây giữa phóng viên GNsP với các Đan sĩ Đan viện Thiên An, các Đan sĩ lưu ý rằng, nhiều lần nhà cầm quyền muốn giải quyết ổn thỏa việc đất đai của Đan viện bằng cách, họ hứa sẽ làm sổ đỏ cho Đan viện với diện tích 18 hécta/ 107 hécta đất-nhà-rừng thông. Bởi vì, phần đất còn lại là hơn 89 hécta đất-rừng thông của Đan viện đã bị nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế “chiếm, cướp và ngang nhiên giao” cho các cơ quan, cụ thể: khu nhà hàng Bội Trân, khu biệt thự Cát Tường Quân, Công ty TNHH MTV Lâm trường Tiền Phong, khoảng 50 hécta đất-rừng bị cướp xây dựng khu du lịch Hồ Thủy Tiên nay đã hoang phế và xuống cấp một cách trầm trọng…
Nhưng các Đan sĩ đã khước từ lời dụ ngọt này, Đan sĩ Phêrô-Khoa Cao Đức Lợi khẳng định: “Đan viện đã có [công văn] trả lời dứt khoát rằng, đất của Đan viện bao nhiêu thì Đan viện nhận bấy nhiêu chứ không nhận 18 hécta, còn chuyện nhà nước có thừa nhận hay không là chuyện của nhà nước. Còn chúng tôi thì tiếp tục, sẽ tiếp tục và mãi mãi tiếp tục đấu tranh để lấy lại những gì của chúng tôi.”
Cũng trong nội dung đơn tố cáo, các Đan sĩ đề nghị “UBND tỉnh có biện pháp đảm bảo và xử lý trách nhiệm những người xúc phạm Thánh Giá, biểu tượng thiêng liêng của Hội Thánh Công Giáo”.
Đơn tố cáo được gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN, Cơ quan ngoại giao Liên minh Châu âu tại VN và Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.
Trong một diễn biến khác, nhằm “hợp thức hóa” tài sản chiếm được của Đan viện Thiên An từ sau năm 1975, nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế đã tiếp tục các hành vi sai trái, ngang ngược có từ năm 2002 đó là đòi “cắm mốc, tôn tạo lại mốc giới” trên chính phần nhà-đất có chủ quyền hợp pháp của Đan viện Thiên An. Trong bài tới, GNsP sẽ thông tin rộng rãi về những sai trái trong cái gọi là “Quyết định giải quyết khiếu nại’” do Tổng Thanh tra NN quyết định vào năm 2002.
Huyền Trang, GNsP
1234

Phó ban tổ chức huyện ủy dùng bằng giả để thăng chức

GIA LAI (NV) - Do còn nợ một số môn học nên không được tốt nghiệp, bà phó ban tổ chức huyện ủy Phú Thiện đã nhờ bạn giới thiệu mua bằng đại học giả nhằm hợp thức hồ sơ thăng chức.

Nạn bằng giả lan tràn ở Việt Nam vì cán bộ có nhu cầu thăng chức. (Hình:Đời Sống & Pháp Luật) 

Báo Tiền Phong loan tin, từ những tố cáo của người dân, việc bà Kpa Loan, phó ban tổ chức huyện ủy huyện Phú Thiện khai man bằng cấp trong hồ sơ, lý lịch để được xét tuyển cán bộ đã được phanh phui.

Nói với phóng viên báo điện tử Zing.vn ngày 24 tháng 6, ông Trần Công Hoan, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra huyện Phú Thiện, xác nhận: “Thời gian qua huyện nhận được nhiều đơn thư người dân tố cáo bà Loan dùng bằng đại học giả và khai man lý lịch. Quá trình kiểm tra, bước đầu Ủy Ban Kiểm Tra xác minh nội dung đơn thư tố cáo là có cơ sở.

Theo đó, bà Loan chưa tốt nghiệp đại học và cũng không có bằng cấp. Tuy nhiên, bà này lại được xếp ngạch chuyên viên và bổ nhiệm chức vụ phó ban tổ chức đảng sau nhiều năm công tác.

Nói với phóng viên báo điện tử Zing.vn về vấn đề này, bà Loan thừa nhận mình chưa tốt nghiệp đại học do trong thời gian theo học khoa Toán - Tin trường đại học khoa học tự nhiên Sài Gòn niên khóa 1996-2004 bà còn nợ một số môn nên không thể thi tốt nghiệp.

“Do công việc bận rộn nên sau này quay lại trường xin học trả nợ môn để lấy bằng nhưng ban giám hiệu cho biết đã quá thời hạn nên hủy bỏ kết quả. Trong thời gian đi học, tôi có quen một số bạn bè và giới thiệu nên mua một bằng đại học giả,” bà Loan nói.

“Việc sử dụng bằng giả tôi biết sẽ bị bại lộ. Tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm, cũng như hình thức kỷ luật của cơ quan,” bà Loan thừa nhận. (Tr.N)

Bạc Liêu: Hai ngôi trường xây hàng chục tỷ đồng rồi bỏ hoang

BẠC LIÊU (NV) - Được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng trường trung học cấp 3 Hưng Hội và trường cao đẳng nghề ở Bạc Liêu bị bỏ hoang phế nhiều năm nay, theo báo điện tử VnExpress.

Trường cấp 3 Hưng Hội hoang tàn suốt 5 năm qua. (Hình: VnExpress)

Hoàn thành năm 2011, với nguồn vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng nhưng do không đủ học sinh để dạy nên đến nay trường cấp 3 Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Theo mô tả của phóng viên VnExpress, trường có một tầng trệt và 2 tầng lầu trên diện tích khoảng một hecta. Hệ thống nước, phòng cháy chữa cháy trong trường đã lắp đặt xong. Hơn 15 phòng học đã gắn đèn, quạt nhưng đều bị khóa kín cửa, các ổ khóa thì bị gỉ sét. Do bị bỏ hoang phế 5 năm qua nên mặt trước ngôi trường trông rất hoang tàn, cỏ mọc um tùm, một số nhà dân ở gần đã thả gà vịt vào nuôi.

Vì không được đưa vào giảng dạy nên Sở Giáo Dục tỉnh Bạc Liêu đã bàn giao trường cho Sở Lao Động để làm Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội. Sau khi tiếp quản, sở này cho xây dựng thêm một công trình nhưng hiện cũng bị bỏ hoang, xung quanh cỏ mọc um tùm, đường sá trũng nước.

Trong khi đó: “Con em ở địa phương học hết cấp 2 thì phải ra tận thành phố Bạc Liêu để học cấp 3, trong khi trường này thì bị bỏ hoang, gây lãng phí quá lớn,” ông Thạch Xa, một người dân địa phương bất bình nói.

Nhiều phòng học của trường cao đẳng nghề Bạc Liêu xuống cấp trầm trọng vì bỏ hoang. (Hình: VnExpress)

Cùng chung cảnh ngộ là trường dạy nghề xây dựng gần 20 tỷ đồng. Gần 5 năm trước, trường này đưa vào sử dụng trong khu đất được quy hoạch rộng đến 7.2 hecta. Dãy nhà khang trang nhưng lúc đó chỉ có vài chục học sinh vào học dù sở giao chỉ tiêu cho trường tuyển sinh 1,000 người vào năm 2011.
Không sử dụng hết công năng, trường sáp nhập với cao đẳng nghề Bạc Liêu nhưng do không có học viên nên một số dãy nhà phải đóng cửa, nền móng của dãy nhà bị nứt toác, phủ đầy rêu phong.
Ông Nguyễn Văn Dần, bảo vệ trường cho biết, do chưa xin được tiền mua máy cắt cỏ nên trong khuôn viên trường khá nhiều cây cỏ mọc um tùm. Do bị bỏ hoang phế nhiều năm, hiện các dãy nhà bị hư hỏng nặng.

Nói với phóng viên VnExpress ngày 24 tháng 6, ông Đào Anh Tuấn, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Bạc Liêu cho biết, sau khi sáp nhập vào tháng 10, 2015, nhà trường đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng sửa chữa cổng trường và nhiều hạng mục khác nhưng để sử dụng được cho việc giảng dạy thì cần hơn 1.2 tỷ đồng nữa để nâng cấp.


“Do cơ sở vật chất bị hư hỏng nhiều nên hiện trường chỉ tận dụng được một số ít phòng còn nguyên vẹn để dạy nghề may. Sau hơn 8 tháng sáp nhập, trường tổ chức dạy được cho hơn 200 học viên,” ông Tuấn nói. (Tr.N)

25-06-2016-2016 4:41:50 PM 

Người Sài Gòn chưa biết bao giờ mới được ăn cá sạch

Trần Tiến Dũng/Người Việt
2016 4:49:55 PM 
SÀI GÒN (NV) - Từ văn phòng một công ty tư nhân, lời đối đáp qua điện thoại giữa hai người nữ nhân viên, người từ Sài Gòn nói với người bạn đang công tác ở Quảng Trị. “Bà coi có mắm hay khô gì ngoài đó ngon ngon mua giùm tôi, bà về tôi gởi tiền lại.” Sau đó người từ Sài Gòn lại nói. “Xém nữa thì tôi quên chuyện cá chết, ừ, tôi nghe lời bà, thôi thì bà coi có bánh trái gì đó mua cũng được.”

Cá chết vì nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung đến nay vẫn chưa được nhà cầm quyền công bố nguyên nhân. (Hình: Getty Images)

Từ căn chung cư ở quận Tân Bình, những người đến để chào tạm biệt người thân Việt kiều trước khi họ trở lại Úc, điều đáng chú ý ở đây là những người họ hàng được bà Việt kiều tặng cho chai nước mắm mà bà mua mang về Sài Gòn khi đi chơi Phú Quốc. Bà Việt kiều nói với bà con: “Trước khi tôi lên máy bay, các chợ người Việt ở Sydney như Bankstown, Cabramatta... đều hết sạch nước mắm. Bên đó người ta tin mua trữ nước mắm Thái là chắc ăn, còn về đây tôi thấy mua nước mắm Phú Quốc là chắc ăn, đâu có gì chắc là nước mắm ở miền Trung không làm bằng cá nhiễm độc.”

Đã hơn hai tháng từ ngày vùng biển Vũng Áng - Hà Tĩnh có sự việc cá chết hàng loạt và biển bị đầu độc, từ đó, hầu như người Sài Gòn không đi chợ mua cá biển hay hải sản các loại như thói quen truyền thống.
Ở một ngôi chợ ông Hoàng, Tân Bình, nơi đông người nhập cư gốc miền Trung, trước đây luôn có người bán cá biển từ miệt ngoài gởi theo xe đò chạy đêm vào bán cũng phải nghỉ bán một thời gian, gần đây bắt đầu bán lại nhưng rất ít cá và hầu như vắng bóng khách mua.

Ở đường Thành Thái, quận 10, mấy cửa hàng từng đề bảng bán cá đặc sản Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết... chỉ bán cầm hơi. Ở một nhà hàng thuộc loại lớn nhất quận 8, có tên gọi là Bình Xuyên, các loại cá biển đặc sản vẫn lội đầy các hồ kiếng của quán, nhưng không còn là mồi ngon khiêu khích dân nhậu lắm tiền nữa. Hỏi chuyện người phục vụ quán này món nào đặc biệt nhất. Người phục vụ lanh miệng giới thiệu nào là thịt bò cuốn cải bẹ xanh, cơm cháy nước dừa chấm nước mắm kho quẹt, gà nướng các loại... nhưng tuyệt nhiên không đá động tới các món cá biển mắc tiền. Dân nhậu cắc cớ hỏi, chỉ vô các hồ kiếng nào đủ loại cá biển, hải sản biển hạng sang. Anh chàng phục vụ nói giọng Nam rằng. Dạo này ai cũng chạy mặt mấy đồ biển, tụi cháu mở miệng mời là bị chửi nên không dám mời như trước.

Nếu nói rằng cả Sài Gòn và các đô thị miền Nam không bán cá biển hay hải sản từ biển nữa thì không ai dám khẳng định, nhưng rõ ràng là lượng cá biển bán ở các chợ đầu mối hay siêu thị thực phẩm rất ít có người mua. Vào siêu thị Co.opmart, một hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam, một nhân viên quầy hàng thực phẩm tươi sống nói với chúng tôi cá biển bán ở đây là cá từ các tỉnh miền Tây, không phải cá miền Trung. Thật vậy chăng? Ở Việt Nam hiện nay không ai có thể bảo đảm chính xác nguồn xuất xứ của thực phẩm nói chung huống gì là cá biển. Tất nhiên người ta biết cá biển từ phía Tây như Kiên Giang, Cà Mau chưa có dấu hiệu chết trắng bụng vì chất độc hay các lý do khác, nhưng tâm lý chung vẫn lo sợ mua nhằm cá biển bị đầu độc.

Ngày 10 tháng 6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã công bố thông tin qua kiểm nghiệm phát hiện mẫu thử của lô 30 tấn cá nục đông lạnh đang tồn kho, thu mua ngay sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển miền Trung, có chứa chất cực độc phenol, một loại chất độc mà theo truyền thông, chỉ cần ngửi, hay sử dụng chất cực độc này thì sẽ bị ngộ độc cấp, tiêu chảy, rối loạn ý thức, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Sự việc này càng tăng độ nóng lo sợ trong cộng đồng người có thói quen ăn cá biển. Hẳn nhiên vẫn còn đó người Sài Gòn thèm cá biển và trong hơn 10 triệu dân Sài Gòn, nhất là người nghèo cũng có không ít người đánh liều mua cá biển về ăn.

Một cửa hàng bán cá biển trương bảng hiệu “cá biển sạch” trên phố Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Phải chăng người Việt vốn có bệnh mau quên và người Việt ngày nay lại có thêm bệnh cam chịu, chấp nhận nuôi sống sự tồn vong của mình bằng nguồn cá biển mà họ không cách nào kiểm tra được có nhiễm độc hay không.

Từ bỏ thói quen ăn cá biển lâu đời hay cam chịu liều mạng ăn cá bị nhiễm độc đều là việc tự đầu độc chính mình. Bao giờ các gia đình Việt được ăn cá sạch từ biển sạch trở lại? Câu hỏi đó không ray rức bằng ý nghĩ. Ai đã đầu độc biển của dân tộc!

Từng bữa thèm cá biển, cái cảm giác bình thường thèm vị ngọt, béo bình dị của thịt cá nục, cá thu, cá ngừ, cá chim, cá mối... thậm chí các thứ cá rẻ tiền nhất cũng bị cái chính quyền không minh bạch toa rập cùng bọn thủ phạm được bao che đánh cướp là sao?

Hôm qua đến ăn cơm ở nhà một người bạn, nghe đứa bé trai sắp vô lớp một của họ kêu ngay giữa mâm cơm, “Con ngán thịt, con muốn ăn cá!” Những người lớn đưa mắt nhìn nhau, không có câu trả lời nào cho đứa trẻ. Có thể ngày mai người mẹ cưng con sẽ tìm mua một loại cá đồng nào đó cho con ăn, nhưng ngay cả các loài cá đồng mà các gia đình Việt sẽ ăn hôm nay và ngày mai cũng không trả lời được cho họ câu hỏi rằng, vì sao họ bị cướp mất quyền được ăn cá sạch từ biển đất nước mình.

Người Việt đang sống ở thế kỷ nào mà cả hệ thống cầm quyền đang được nuôi sống bằng tiền thuế, mồ hôi nước mắt của công dân; vậy mà, lúc này, ngày mai người Việt vẫn không thể ăn, không thể có bữa ăn hàng ngày với cá sạch.

Máy bay chiến đấu VN ‘gặp sự cố trong buồng lái’

Báo chí trong nước đăng tải hình ảnh một mảnh vỡ của chiếc CASA rúm ró, và biến dạng.
Báo chí trong nước đăng tải hình ảnh một mảnh vỡ của chiếc CASA rúm ró, và biến dạng.

Theo MOD, VnE, VOA-25-06-2016
Quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết rằng, qua lời kể của một phi công sống sót, chiếc Su-30 “gặp sự cố trong buồng lái”.
Trả lời báo chí trong nước hôm 24/6, thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam cho biết rằng “qua lời kể của phi công Cường, bước đầu xác định Su-30 gặp sự cố trong buồng lái nên phi công nhảy dù thoát hiểm”.
Quan chức quân sự này nói thêm: “Còn nguyên nhân tai nạn CASA 212 - máy bay làm nhiệm vụ cứu nạn phi công Su-30, đang được đánh giá. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khi làm nhiệm vụ có biến động bất thường, máy bay bay ở độ cao thấp. Đó có thể là những yếu tố kết hợp tạo ra tai nạn".
Chiếc máy bay tuần thám CASA của cảnh sát biển, chở 9 người, “mất liên lạc” trưa 16/6 khi đang đi tìm kiếm một phi công lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 mất tích trước đó.
Ông Tuấn xác nhận thêm rằng tất cả 9 thành viên tổ bay CASA đã tử nạn. Liên quan tới chiếc chiến đấu cơ Su-30, một trong hai phi công là Nguyễn Hữu Cường còn sống sót.
Quan chức quân sự này nói rằng Việt Nam nhanh chóng tìm được vị trí chiếc CASA gặp nạn là “nhờ một tàu New Zealand ngang qua phát hiện”.
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam cho biết điều quan trọng nhất lúc này là tìm và trục vớt hộp đen của hai chiếc máy bay gặp nạn.
Ông được trích lời nói rằng "chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những vật thể có liên quan đến hai chiếc máy bay gặp nạn này, trong đó có bộ phận hết sức quan trọng mà chúng ta gọi là hộp đen để từ đó kết hợp với các yếu tố khách quan khác để tìm, phân tích nguyên nhân xay ra tai nạn từ đó phòng ngừa tai nạn trong tương lai”.
Hiện có các giả thuyết về việc máy bay gặp nạn của Việt Nam chịu “va đập”, “tác động bên ngoài”, hay “chế áp điện tử”, nhưng các chuyên gia hàng không cho rằng mọi phỏng đoán đều “không chắc chắn”.
Cũng giống như ông Tuấn, họ cũng cho rằng cần phải tìm được thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay thì mới có thể xác định được nguyên nhân gây ra sự cố.
Hiện Trung Quốc đã điều nhiều máy bay và thuyền bè tới giúp Việt Nam thực hiện công tác tìm kiếm, trong khi Mỹ vẫn đề nghị hỗ trợ.

Thiết giáp rầm rập giữa đêm – Chuyện gì đang xảy ra tại Sài Gòn?



Bạn đọc Danlambao - Khuya 25, rạng sáng 26/6/2016, người dân Sài Gòn bất ngờ chứng kiến cảnh hàng loạt xe thiết giáp quân đội di chuyển rầm rập giữa trung tâm thành phố.

Bắt đầu từ trụ sở Bộ tư lệnh TP.HCM tại quận 10, đoàn xe thiết giáp đã di chuyển rất nhanh trên đường Cách mạng tháng 8 theo hướng tiến về khu vực trung tâm quận 1.

Video phổ biến trên mạng xã hội cho thấy đoàn xe quân sự đi thành một hàng dài dằng dặc, đa số thuộc loại xe thiết giáp chở quân BRT do Liên Xô tài trợ.

Tháp tùng trên xe là lực lượng mặc trang phục lục quân Việt Nam, những người này vừa đi vừa la hét, quát tháo người dân tránh sang hai bên, mặc dù tiếng còi hú giành đường ưu tiên vẫn vang lên inh ỏi. 

Hiện không rõ nguyên nhân thực sự cũng như điểm đến của đợt xuất quân trên quy mô lớn lần này. Tuy nhiên, sự kiện các khí tài quân sự xuất hiện rầm rập ngay giữa thời bình đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi đầy hoài nghi.

Động thái này khiến nhiều người nhớ lại sự kiện tương tự hồi tháng 7/2015, giữa lúc bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh vắng mặt với lý do “sang Pháp chữa bệnh”, các khí tài quân sự cũng đã được lệnh di chuyển mà không nói rõ lý do. 

Khi ấy, một số lời đồn đoán cho rằng việc vận chuyển vũ khí liên quan đến vấn đề căng thẳng tại khu vực biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng, động thái này có liên quan đến các diễn biến quyền lực trong nội bộ đảng CSVN, mà kết quả sau đó là Phùng Quang Thanh bị loại ra khỏi chiếc ghế chủ tịch nước, vị trí mà chỉ vài tháng trước đó ông này gần như đã nắm chắc trong tay.

* Video: Facebook Vo Son Hoang Tuan, Phat Huu Tran, Do Duc Hop

Mẹ kêu cứu cho con bị bỏ tù oan vì sử dụng Facebook


Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nay, mẹ anh Nguyễn Hữu Quốc Duy về tình trạng bị ngược đãi trong trại giam của con trai bà.

Anh Nguyễn Hữu Quốc Duy, năm nay 31 tuổi, hiện đang bị Công an tỉnh Khánh Hoà giam giữ 8 tháng nay với cáo buộc sử dụng Facebook nhằm “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trên thực tế, lý do khiến Duy bị CA bắt giam chỉ vì đã dùng Facebook để lên tiếng cho em họ mình là Nguyễn Hữu Thiên An, 21 tuổi, người cũng bị bị bắt giam trước đó vì ủng hộ phong trào Zoombie tại Khánh Hoà.

Trong cuộc trò chuyện với đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nay kể lại vụ việc gia đình bị gây khó khăn khi thăm nuôi và gửi đồ tiếp tế vào trại giam cho Duy, mặc dù việc làm này của gia đình hoàn toàn theo đúng quy định pháp luật.

Trong lần thăm nuôi mới nhất, hành vi gây khó dễ vẫn tiếp tục diễn ra và Cơ quan ANĐT (CA tỉnh Khánh Hoà) đã phớt lờ đơn yêu cầu giải quyết sự việc của bà Nguyễn Thị Nay. 

Nguyễn Hữu Quốc Duy bị bắt từ tháng 11/2015 đến nay với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Đến nay đã 8 tháng, nhưng anh vẫn chưa một lần được thăm gặp hay nhận đồ thăm nuôi trực tiếp từ gia đình. 

Trong thông báo số 178 gửi bà Nguyễn Thị Nay, cơ quan công an tỉnh Khánh Hoà nói rằng trong quá trình điều tra, anh Nguyễn Hữu Quốc Duy “tỏ thái độ ngoan cố, xem thường pháp luật” nên từ chối cho gia đình bảo lãnh.

Qua cuộc nói chuyện, bà Nguyễn Thị Nay mong muốn các luật sư và những người quan tâm cùng lên tiếng để đòi tự do cho Nguyễn Hữu Quốc Duy.