Monday, September 7, 2020

Ưng khuyển “dân quân“

Đỗ Ngà|

Dân quân là một loại mô hình lực lượng vũ trang trá hình rất đặc thù của CS. Mỗi dân quân có nhiệm vụ đóng tròn 2 vai, vai người dân lao động sản xuất và vai người lính chịu sự chỉ huy của lực lượng vũ trang. Cái lợi của loại mô hình này là sự biến hình. Khi nó đi gây tội ác theo chỉ đạo, thì chính quyền có thể chối “đó là quần chúng tự phát” chứ không phải chủ trương của đảng. Phải nói rằng, lực lượng dân quân là công cụ hiệu quả giúp chính quyền CS muốn đạp lên luật pháp để đạt mục đích xấu xa.

Lực lượng quân đội chuyên nghiệp là những người lính có huấn luyện bài bản, mục đích là “thao trường đổ mồ hôi chiến trường ít đổ máu”. Thế nhưng với lực lượng dân quân thì không cần phải tiết kiệm sinh mạng, cứ cho nó chết vì loại này dốt nát dễ dụ.

Ngày trước lực lượng dân quân làm ưng khuyển cho quân đội Bắc Việt thì ngày nay nó làm ưng khuyển cho lực lượng công an. Thành phần này thì chỉ làm được kiếp ưng khuyển thôi chứ chẳng làm được khá hơn. Vì sao? Vì thành phần được tuyển vào lực lượng này hầu hết là những kẻ dốt nát có nhận thức rất kém, đa phần bọn này không hiểu được đúng sai nên chúng chỉ làm công cụ thực hiện những điều xấu xa của kẻ ra lệnh. Vì vậy, khi chính quyền muốn cướp đất hay trấn áp biểu tình, thì họ xua lực lượng này nhảy bổ vào dân cắn càn rất nguy hiểm.

Theo con số của giáo sư Carl Thayer đưa ra thì hiện nay cả nước có khoảng 1,2 triệu công an và khoảng 5,5 triệu thành phần dân quân dưới trướng. 5,5 triệu là con số rất lớn. Như ta biết, số lượng quân chính quy của Mỹ chỉ có 1,4 triệu, đông thứ nhì. Còn quân đội Tàu Cộng được biết là đông nhất thế giới cũng chỉ có 2,3 triệu, ấy vậy mà bọn ưng khuyển của công an đến 5,5 triệu. Với ưng khuyển đông như vậy, thì công an CS Việt Nam đủ sức bóp nát mọi cuộc biểu tình được tính bằng đơn vị “nghìn người”.

Mô hình dân quân là một mô hình mà Việt Cộng bắt chước đàn anh Trung Cộng. Có điều, Tàu Cộng không những dùng ưng khuyển cắn càn dân mình mà còn cắn luôn cả người dân nước khác. Theo Sách Trắng Quốc phòng Tàu Cộng năm 2019, thì kể từ năm 2012 nước này đã triển khai 950 ngàn lượt binh sĩ quân đội và cảnh sát vũ trang. Thêm vào đó là họ tạo ra hơn 1,4 triệu dân quân tham gia các hoạt động trên biển Đông. Được biết, lực lượng được gọi là “dân quân” của Tàu Cộng không phải amateur như dân quân CS Việt Nam mà là lực lượng vũ trang chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ càng như một binh sĩ. Nói chung là binh sĩ đội lốt ngư dân. Mỗi khi đám dân quân này tấn công ngư dân Việt thì chính quyền Tàu Cộng sẽ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, còn nếu ai dám tấn công đám dân quân này thì đó là cái cớ để quân chính quy Tàu Cộng tràn xuống Biển Đông. Và thực tế, khi bọn “dân quân” này chiếm giữ biển Đông thì cả Hải Quân và Cảnh Sát Biển CS Việt Nam đều phải nằm bờ né tránh.

Dân quân là một lực lượng vô cùng nguy hiểm. Hãy nhìn đám dân quân Tàu nguy hiểm với Việt Nam như thế nào, thì đám “dân quân tự vệ” của Việt Cộng cũng nguy hiểm với nhân dân như vậy. Thật đáng sợ cho cái gọi là “lực lượng dân quân”. Chưa có một chế độ nào bày ra cái trò vừa thâm vừa ác như CS./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/20-nuoc-co-tiem-luc-quan-su-manh-nhat-th…

https://thanhnien.vn/…/luc-luong-hung-than-tren-bien-dong-1…

https://www.nguoi-viet.com/…/bo-cong-csvn-xoa-6-tong-cuc-t…/

Vụ án Đồng Tâm: Anh em ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức ‘nhận tội’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức và nhóm dân Đồng Tâm bị cáo buộc cầm đầu vụ chống cưỡng chế đất, được báo nhà nước đưa tin là “nhận tội” như bị cáo buộc “giết người” và “xin khoan hồng.”

Buổi chiều Thứ Hai, 7 Tháng Chín, của ngày đầu tiên xử vụ chống đối cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm bước qua phần xét hỏi các bị cáo theo sự áp đặt rút ngắn xét xử của chủ tọa phiên tòa. Những người bị thẩm vấn coi như cầm đầu chống trả lực lượng võ trang của nhà cầm quyền, dẫn đến cái chết của ba sĩ quan công an và cảnh sát cơ động sáng sớm ngày 9 Tháng Giêng, 2020.

Những người dân xã Đồng Tâm trong phiên xử sơ thẩm tại Hà Nội ngày 7 Tháng Chín. (Hình: Tuổi Trẻ)

Họ gồm: ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), ông Lê Đình Công (56 tuổi), ông Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), ông Lê Đình Doanh (32 tuổi), ông Lê Đình Chức (40 tuổi). Hai ông Công và Chức là con trai ông Lê Đình Kình đã bị bắn chết đêm 9 Tháng Giêng.

Ông Lê Đình Công, con trai lớn của ông Lê Đình Kình, “thừa nhận đã chỉ đạo chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, dao phóng lợn để chống đối cảnh sát nhằm mục đích ‘giữ đất’ tại khu vực cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức,” bản tin VNExpress viết.

Ông Lê Đình Công tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín. (Hình: TTXVN)

Tuy nhiên, theo VietNamNet, ông Công phủ nhận là người chủ mưu cùng với các người khác. Ông nói những vũ khí dùng trong vụ chống đối từ bom xăng đến dao phóng, lựu đạn, là tiền đóng góp chung của dân làng trong kế hoạch giữ đất, chống cưỡng chế bất công.

Còn ông Lê Đình Chức, con trai thứ của ông Lê Đình Kình, thì “thừa nhận ngồi trên trần nhà hàng xóm, dùng dao phóng lợn chọc xuống dưới khiến ba cảnh sát đang di chuyển qua cửa sổ ngã xuống hố sâu 4m giữa hai nhà. Bị cáo đổ xăng, châm lửa làm ba cảnh sát hy sinh. Bị cáo biết chọc dao là nguy hiểm và là hành vi trái pháp luật, nhưng lúc đó vì muốn bảo vệ bố là Lê Đình Kình. Mong tòa xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng,” VNExpress kể.

Ông Lê Đình Chức tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín. (Hình: Thanh Niên)

Ông Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, theo VietNamNet, “Thừa nhận đã cùng ông Lê Đình Kình thành lập ‘Tổ đồng thuận’ để giữ đất.” Ông “thừa nhận đã lên trần nhà ông Kình, ném 2 chai ‘bom’ xăng về phía lực lượng chức năng.”

Còn ông Nguyễn Văn Tuyển thì cũng khai đã tham gia “Tổ đồng thuận” từ Tháng Tư, 2017, và “tham gia chống đối theo lời ông Lê Đình Kình,” theo báo mạng Zing. “Bị cáo Tuyển thừa nhận hành vi là sai” và “quý tòa xem xét cho bị cáo hình phạt nhẹ.”

Tất cả các bản tin trên báo chí chính thống của chế độ đều dồn tội làm chết ba tay sĩ quan công an và cảnh sát cơ động cho ông Lê Đình Chức và người cháu Lê Đình Doanh (con trai ông Lê Đình Công).

Ông Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín. (Hình: TTXVN)

Tờ Thanh Niên dẫn lời ông Lê Đình Công: “Sau khi bị bắt thì mới biết ba cán bộ công an hy sinh. Bị cáo rất hối hận. Cho bị cáo thành thật xin lỗi ba gia đình, mong ba gia đình cán bộ chiến sĩ tha thứ cho các bị cáo trong vụ án. Bị cáo đã nhận ra những sai lầm của mình và đã thành khẩn khai báo để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.”

Không có nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng và chưa thấy các luật sư biện hộ của họ phát biểu gì.

Như các báo trong nước kể lại, có vẻ phiên tòa diễn tiến nhanh chóng theo lời khai của những người bị cáo buộc là “cầm đầu.” Dự trù phiên tòa kéo dài 10 ngày nhưng rất có thể xong rất sớm. (TN) [kn]

Tòa án CSVN dùng ‘luật rừng’ để xử 29 người dân Đồng Tâm

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tòa án CSVN tại Hà Nội dùng “luật rừng” để xử 29 người dân của xã Đồng Tâm bị quy chụp cho tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ.”

Vụ án đang được dư luận trong ngoài nước chú ý theo dõi để xem tòa án CSVN xét xử thế nào về các hệ quả tiếp theo của một vụ cưỡng chế đất đẫm máu và nước mắt của dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, rúng động dư luận trong ngoài nước mà nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là tội ác “trời không dung, đất không tha.”

Những người dân xã Đồng Tâm bị đưa ra tòa ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: TTXVN)

Ngay trong ngày xét xử đầu tiên diễn ra tại tòa án thành phố Hà Nội hôm 7 Tháng Chín, các luật sư biện hộ đã phải khiếu nại về những cái lệnh và quyết định trái luật của Thẩm Phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa.

Luật Sư Ngô Văn Tuấn (FB Tuan Ngo) tóm tắt nửa ngày đầu tiên của phiên tòa, trong đó một số luật sư yêu cầu phải triệu tập chủ tịch thành phố, đại diện công an là những người quyết định và chỉ huy cuộc đàn áp ngày 9 Tháng Giêng, 2020, đồng thời phải triệu tập thân nhân của các bị cáo là những nhân chứng quan trọng của vụ đàn áp, đặc biệt bà cụ Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, nhưng đều không được cho tới tòa.

Chưa kể phiên tòa được tuyên bố là “công khai” nhưng Luật Sư Ngô Văn Tuấn tường trình cho thấy “phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.”

Bên ngoài tòa án, công an lập vòng rào, chốt canh gác chặt chẽ, cô lập khu vực, cấm không cho ai tới gần. Tin tức của giới hoạt động xã hội dân sự nói hơn chục người đã bị bắt.

Vào giờ giải lao buổi trưa, 10 luật sư biện hộ đã viết một thư gửi chánh án tòa án thành phố Hà Nội khiếu nại về những quyết định trái luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn không cho phép các luật sư tiếp xúc với thân chủ.

Luật Sư Nguyễn Hà Luân đã phản đối trực tiếp ông Toàn là vi phạm Khoản 4 Điều 256 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, ông ta vẫn lấy cớ họ đã từng được tiếp xúc trong trại giam nên việc tiếp xúc tại tòa là “không cần thiết.”

“Xét thấy hành vi nêu trên của thẩm phán chủ tọa (ông Trương Việt Toàn) đã xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Bởi lẽ việc bào chữa và được bào chữa bao gồm cả quyền được tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, theo nội dung điều 6: ‘Sự công bằng, bình đẳng’ và Mục c Khoản 2 Điều 10 “thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng…” đã nêu tại Bộ Quy Tắc Đạo Đức và Ứng Xử của Thẩm Phán.” Đơn khiếu nại của 10 luật sư thấy được phổ biến trên trang FB của Luật Sư Đặng Đình Mạnh viết.

Sau khi cướp xong đất của dân tại cánh đồng Sênh, lính CSVN xây dựng tường bao. (Hình Twitter/Phil Robertson)

Vì vậy, các luật sư “yêu cầu chủ tọa phiên tòa (ông Trương Việt Toàn) cùng Hội Đồng Xét Xử phải đảm báo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.”

Trong phần tường trình tóm tắt trên Facebook, Luật Sư Ngô Văn Tuấn kể lại là ông chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn từ chối “không triệu tập Chủ Tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (đang bị tạm giam vì tội ‘Chiếm đoạt bí mật nhà nước’) và đại diện Bộ Quốc Phòng cùng một số người khác vì ‘không liên quan.'” Ông ta chỉ sẽ “xem xét” triệu tập bà Dư Thị Thành trong khi thân nhân của các bị cáo khác lại bị cho là “không cần thiết, để bảo đảm trật tự phiên tòa” dù họ cũng là những nhân chứng quan trọng.

Nhiều lời yêu cầu khác hoặc bị lờ đi hoặc luật sư xin phát biểu lại không cho.

Bốn ngày trước khi phiên xử bắt đầu, 13 luật sư tham dự biện hộ đã gửi một “Đơn Kiến Nghị” cho Thẩm Phán Toàn, chánh án tòa án Hà Nội và viện trưởng Viện Kiểm Sát thành phố, tố cáo: “Trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, cả ba giai đoạn: điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, các luật sư bào chữa chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn.”

Họ nêu ra các dẫn chứng cụ thể để chứng minh các thành phần vừa kể vi phạm pháp luật để đòi hỏi “đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can.” Những gì mới chỉ diễn ra trong nửa ngày đầu tiên của phiên tòa dự trù kéo dài 10 ngày đã hé lộ cho mọi người thấy cái “pháp chế xã hội chủ nghĩa” nó chỉ có cái vỏ bề ngoài.

Mấy chục năm trước, Luật Sư Ngô Bá Thành, một người đi theo Cộng Sản rồi sau thất vọng, từng phải kêu lên: “Ở Việt Nam đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.”

Trên mạng xã hội Twitter, ông Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu Vụ của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về phiên tòa xử 29 người dân Đồng Tâm là cái xứ Việt Nam “không có công lý,” còn công dân “không có các quyền dân sự và chính trị.” Cho nên dân Đồng Tâm sẽ “không được xét xử công bằng” khi mà “kết quả vụ án đã được quyết định từ trước” bởi những kẻ cầm đầu đảng CSVN.

Ông Robertson dự đoán chế độ Hà Nội sẽ áp đặt bản án “vô cùng khắc nghiệt để cảnh cáo những ai khác muốn thách đố độc quyền cai trị” của đảng CSVN.

Báo chí của chế độ Hà Nội tiếp tục tường thuật phiên tòa theo kiểu cò mồi, tuyên truyền cáo buộc các người dân xã Đồng Tâm là những kẻ vi phạm pháp luật, cưỡng chiếm đất đai lại còn chống đối dẫn đến cái chết của ba tên sĩ quan công an, cảnh sát cơ động.

Các luật sư khiếu nại chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn vi phạm luật Hình Sự Tố Tụng trong phiên xử đầu tiên ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: FB Mạnh Đăng)

Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai, 7 Tháng Chín, hé lộ cho thấy cơ quan điều tra chia 29 người bị đưa ra tòa thành ba nhóm tội nặng nhẹ khác nhau.

Theo đó, không kể ông Lê Đình Kình đã chết, bốn người bị coi là “nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội gồm Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (87 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi) và Lê Đình Chức (40 tuổi).”

“Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội gồm Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Bùi Văn Tiến (41 tuổi), Lê Đình Quân (44 tuổi), Trịnh Văn Hải (32 tuổi), Bùi Thị Nối (62 tuổi), Nguyễn Văn Quân (40 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi) và Bùi Văn Tuấn (29 tuổi).”

“Nhóm giúp sức gồm Bùi Thị Đục (63 tuổi), Nguyễn Thị Bét (59 tuổi), Nguyễn Thị Lụa (64 tuổi), Trần Thị La (42 tuổi), Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), Bùi Văn Niên (40 tuổi), Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi), Mai Thị Phần (57 tuổi), Đào Thị Kim (37 tuổi), Lê Thị Loan (54 tuổi) và Nguyễn Văn Trung (32 tuổi).”

Theo cái lối quy chụp này, những người bị coi là “chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện” dẫn đến cái chết của ba tay sĩ quan công an và cảnh sát cơ động khó tránh bản án cao nhất, theo luật hình sự CSVN. (TN) [kn]

Sập cổng trường học ở Lào Cai, 3 học sinh thiệt mạng

 LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Một số học sinh tại phân hiệu trường tiểu học Khánh Yên Thượng ở Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn đã đu cánh cổng nô đùa khiến trụ và cánh cổng đổ sập đè lên người làm ba em chết, ba bị thương.

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, chiều 7 Tháng Chín, bà Nguyễn Thị Trâm, bí thư xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, cho biết sự việc xảy ra khoảng 1giờ 30 trưa cùng ngày khi một nhóm học sinh chơi đùa, đánh đu trên cánh cổng trường tiểu học Khánh Yên Thượng, khiến cánh cổng đổ sập làm ba em học sinh gồm: Giàng Thị D. (5 tuổi); Vàng Thị Hồng Tr. (6 tuổi); Ma Thị X. (6 tuổi) tử vong tại chỗ. Ba em Giàng Thị Hoa Sinh (5 tuổi); Giàng A Vi (4 tuổi) và Ma Thị Chi (6 tuổi) bị thương được đưa vào bệnh viện Đa Khoa huyện Văn Bàn cấp cứu. “Hiện nguyên nhân vụ việc đang được công an làm rõ,” bà Trâm nói thêm.

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. (Hình: P.Vang/Tuổi Trẻ)

Tại hiện trường, cổng trường nằm trên một con dốc cách mặt đường chừng 2 mét. Một cánh cổng sắt cao 2 mét có chắn song nằm dưới đất bên trụ gạch bị gãy làm đôi đè lên ba học sinh. Cánh cổng còn lại vẫn còn nguyên.

Nói với báo VTC News, lãnh đạo bệnh viện Đa Khoa huyện Văn Bàn, cho biết khoảng 2 giờ 30 trưa 7 Tháng Chín, giáo viên trường tiểu học Khánh Yên Thượng có đưa ba học sinh từ 4-6 tuổi nhập viện.

“Khi tiếp nhận, các cháu bị chấn thương vùng đầu, cằm. Tuy cả ba đều tỉnh táo, phản xạ và tri giác ổn định nhưng tinh thần không tốt, biểu hiện sợ hãi,” vị lãnh đạo này cho biết.

Bệnh viện đã siêu âm, chụp hình X quang… cho các em và chưa phát hiện bất thường, song cả ba em vẫn đang được theo dõi chấn thương sọ não kín.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Văn Bàn, cho biết phân hiệu trường Bản Phung là nơi học tập của học sinh mầm non và tiểu học tại xã Khánh Yên Thượng. Khu vực cổng trường nằm trên nền đất dốc, nhiều ngày nay nơi này “có mưa lớn, khiến mặt đất mềm nhão.”

Giới hữu trách khám nghiệm hiện trường. (Hình:Minh Tuệ/VTC News)

Trong khi đó ông Phạm Hùng Anh, cục trưởng Cục Cơ Sở Vật Chất thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cho biết bộ này đã yêu cầu tỉnh Lào Cai phúc trình sự việc, sớm có kết luận điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và “xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có.”

Nói thêm với báo Công An Nhân Dân về việc “bảo đảm an toàn cơ sở vật chất trường học,” ông Hùng Anh thừa nhận thời gian qua, do một số công trình trường học ở Việt Nam được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, hư hỏng nên thường dẫn đến một số sự việc như sập nền nhà vệ sinh, sập sàn của phòng học, sập lan can… (Tr.N) [kn]

Tỉnh nghèo An Giang chi $26.3 triệu xây trụ sở công an tỉnh

 AN GIANG, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền tỉnh An Giang vừa làm lễ khởi công xây trụ sở Công An tỉnh An Giang với chi phí lên đến 612 tỷ đồng ($26.3 triệu) từ tiền thuế dân. Con số này được ghi nhận gần gấp đôi so với kinh phí xây trụ sở Công An tỉnh Kiên Giang vốn là địa phương khấm khá hơn, là 351 tỷ đồng ($15.1 triệu), theo báo Tiền Phong hồi Tháng Sáu.

Báo An Giang cho biết, trụ sở công an tỉnh được xây dựng tại khóm Đông Thịnh 8, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên), với tổng diện tích 23,000 mét vuông, quy mô chín tầng, một tầng hầm. Dự trù, công trình hoàn thành trong 1,100 ngày.

Lễ khởi công xây trụ sở Công An tỉnh An Giang. (Hình: Báo An Giang)

Theo báo Công An Nhân Dân, tỉnh An Giang phải gấp rút xây trụ sở công an mới vì trụ sở hiện tại “được tiếp quản từ 1975, các yêu cầu về công năng sử dụng đã quá cũ, chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng kịp với nhu cầu làm việc, chiến đấu trong thời gian tới.”

Việc lãnh đạo An Giang quyết định xây trụ sở công an với kinh phí $26.3 triệu diễn ra trong lúc tỉnh này vẫn được coi là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và vẫn đang loay hoay thực hiện mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” sau nhiều năm.

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử An Giang hồi Tháng Năm, An Giang “là tỉnh thuần nông, đang nhận sự hỗ trợ ngân sách của trung ương nên nguồn lực đầu tư của tỉnh vào các chính sách không đủ lớn.”

Trang tin này cho hay, phần lớn lao động nghèo tại An Giang có trình độ học vấn thấp, chưa có tay nghề… Thời gian qua, đầu tư của nhà nước cho các chính sách giảm nghèo tại An Giang ngày càng tăng.

Cũng theo Cổng Thông Tin Điện Tử An Giang, tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 14,170 hộ nghèo, 29,414 “hộ cận nghèo” và 3,318 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Hồi cuối Tháng Sáu, ông Đinh Văn Nơi, 44 tuổi, từ vị trí phó giám đốc công an thành phố Cần Thơ được bổ nhiệm làm giám đốc công an tỉnh An Giang.

Báo Công An Nhân Dân cũng nhấn mạnh rằng Công An tỉnh An Giang hiện đang đặt mục tiêu “đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, đối tượng [người] chống đối cực đoan trong tôn giáo, dân tộc không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.”

Ông Đinh Văn Nơi được bổ nhiệm làm giám đốc Công An tỉnh An Giang hồi cuối Tháng Sáu. (Hình: Công An Nhân Dân)

Trước thời điểm ông Nơi nhận nhiệm sở, Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh An Giang được ghi nhận liên tiếp bắt giữ người với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Hồi Tháng Tư, đã có hai người ở Long Xuyên bị bắt là bà Nguyễn Thị Kim Phượng (53 tuổi) và ông Lê Ngọc Thành (48 tuổi). (N.H.K) [kn]

Giới tranh đấu bị canh nhà, thân nhân bị can không được dự phiên tòa vụ Đồng Tâm

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày trước phiên xử vụ Đồng Tâm dự trù diễn ra hôm 7 Tháng Chín tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội, một số nhân vật trong giới tranh đấu và xã hội dân sự cho hay họ đã bị an ninh canh cửa từ ba ngày trước.

“Để đảm bảo cho cái gọi là ‘công khai’ của phiên tòa, chúng tôi ở Hà Nội đã bị canh gác từ ngày 4 Tháng Chín, ba ngày trước phiên tòa. Biết mấy xót xa, ai oán cho những người dân Đồng Tâm. Có những gia đình ba người bị bắt với tội danh nặng nề. Bao giờ trời mới sáng đây?,” bà Nguyễn Thúy Hạnh viết trên trang cá nhân.

Huân chương của ông Lê Đình Kình cùng với dấu đạn trên tường nhà ông. (Hình: May/Luật Khoa Tạp Chí)

Canh cửa nhà giới hoạt động là “thông lệ” của an ninh Hà Nội tại các phiên tòa mang yếu tố chính trị như vụ Đồng Tâm nhằm ngăn ngừa việc truyền thông trên mạng xã hội. Phiên tòa dự trù sẽ kéo dài 10 ngày đang là tâm điểm của giới quan sát, trí thức và xã hội dân sự.

Trong khi đó, trang Luật Khoa Tạp Chí dẫn lời bà Lê Thị Thoa, con gái thứ tư của ông Lê Đình Kình, người bị giết trong cuộc tấn công võ trang hôm 9 Tháng Giêng: “Nhà xe không cho nhà tôi và người làng thuê xe đi dự phiên tòa. Họ bảo, công an gọi nhắc nhở rồi. Một cán bộ xã khuyên chúng tôi ở nhà, lên đó cũng không được vào dự. Mặc ai nói gì, chúng tôi vẫn đi. Chúng tôi sẽ đi bộ từ làng đến phiên tòa trên Hà Nội. Mẹ tôi muốn nhìn thấy con cháu. Các cháu tôi muốn nhìn thấy mặt chồng, mặt bố. Không ai ngăn được chúng tôi.”

Nhà báo tự do Nguyễn Thông, từng công tác ở báo Thanh Niên, bình luận trên trang cá nhân: “Một vết nhơ đáng xấu hổ, đầy máu và nước mắt như vụ Đồng Tâm mà còn bới ra, lôi ra xét xử, bất chấp phải trái, bất chấp dư luận và lòng người, thì các vị đừng có dẻo mồm kêu gọi dân chúng cùng đi tiến lên xã hội công bằng dân chủ văn minh với các vị nữa.”

Ông Thông cũng viết thêm rằng nhà cầm quyền CSVN “nếu giỏi, hãy tổ chức xử những người dân Đồng Tâm ngay ở làng cho dân địa phương bày tỏ thái độ với các bị cáo, công khai cho cả nước biết ‘tội ác’ của họ.”

Hồi đầu tháng này, một văn bản do Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng phát đi trên mạng xã hội, ghi: “Nếu tòa án xử theo kịch bản đã định trước, tức ‘án bỏ túi’ quy tội ‘Giết người’ cho các nạn nhân với những hình phạt nặng nề, thì đây là tội ác khủng khiếp.”

Cũng trong hôm 7 Tháng Chín, các báo nhà nước tiếp tục đăng bài “kết tội” nghi can vụ Đồng Tâm. Tờ Người Lao Động đưa cáo buộc rằng khi cảnh sát tiến vào nhà ông Kình, ông Kình “cầm trên tay một quả lựu đạn và hô ‘Tao cho nổ, chúng mày chết,’ do đó, tổ công tác đã nổ súng hai lần khiến ông Kình bị thương và tử vong sau đó.”

Bà Dư Thị Thành và vết đạn trên cửa kính. (Hình: May/Luật Khoa Tạp Chí)

Việc báo đảng được Ban Tuyên Giáo cho đồng loạt đăng bài cáo buộc một chiều nhắm vào dân Đồng Tâm là chỉ dấu cho thấy các bị cáo trong phiên tòa tới đây nhiều khả năng sẽ bị “lên án” và “nhận lãnh các mức hình phạt thích đáng.”

Theo báo VNExpress, 25 người, trong đó có các con trai, cháu nội ông Kình, bị truy tố với cáo buộc “Giết người” phải đối mặt với mức 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Bốn người còn lại bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ,” đối mặt với mức án 2-7 năm tù. (N.H.K) [kn]

Gần 100,000 doanh nghiệp ở Việt Nam từ ‘tạm ngừng’ đến ‘giải thể’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chịu không nổi tác động của dịch COVID-19, gần 100,000 doanh nghiệp các loại tại Việt Nam từ “ngừng kinh doanh có thời hạn” đến “hoàn tất giải thể.”

“Tám tháng đầu năm 2020 có 34,300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 24,200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 10,400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 30,600 doanh nghiệp không hoạt động, tất cả đều tăng cao so với cuối năm 2019.”

Chủ một cửa hàng trên phố Hàng Đường, khu phố cổ Hà Nội, dán thông báo đóng cửa vì dịch COVID-19 làm ế khách. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Bản tin VietNamNet hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Chín đưa ra những con số thê thảm như vừa dẫn của nền kinh tế Việt Nam hiện đang chống đỡ khó khăn vì đợt dịch COVID-19 thứ hai, không biết bao giờ có thể vượt qua được.

Theo nguồn tin trên, trong số 10,400 doanh nghiệp “hoàn tất thủ tục giải thể,” phần lớn thuộc các lãnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe hơi, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống,… Còn những doanh nghiệp “ngừng kinh doanh có thời hạn” thì cũng thuộc loại có thể “chết lâm sàng,” tình hình không cải thiện sớm thì cũng chết luôn.

Nguồn tin dẫn chứng cuộc khảo sát mới đây của “Ban Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân, thuộc Hội Ðồng Tư Vấn Cải Cách Thủ Tục Hành Chính của thủ tướng chính phủ,” cho thấy “chỉ có 3% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể chiếm 2% tổng số tham gia khảo sát. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%. Có tới 75% số doanh nghiệp vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu – chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí.”

Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN ước tính thời gian tới “số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên đến 70%, số lao động mất việc làm có thể lên tới 60,000 đến 70,000 người mỗi tháng, còn số lao động bị tạm ngừng việc, giãn việc, giảm việc là 3.5 triệu đến 5 triệu người.

Hàng loạt chủ tiệm tại chợ Bến Thành đóng cửa vì dịch COVID-19 làm ế ẩm. (Hình: The Leader)

Hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Chín, báo mạng VNExpress dẫn báo cáo của Bộ Công Thương CSVN nói hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may xuất cảng “hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50-60% đơn hàng so với Tháng Chín năm ngoái, các tháng còn lại năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.”

“Theo thống kê, kỹ nghệ dệt may xuất cảng tuy đóng góp gần $22 tỷ vào kim ngạch xuất khẩu chung tám tháng đầu năm nay của Việt Nam, nhưng vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019. Đợt dịch mới bùng phát trở lại trên toàn cầu khiến sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục ‘ngập’ trong khó khăn,” VNExpress viết. (TN) [kn]

Hai người con, một người cháu ông Lê Đình Kình đối diện án tử hình

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai người con và một người cháu của ông Lê Đình Kình bị đưa tên trên báo chí của nhà cầm quyền CSVN, khó tránh khỏi bị áp đặt cho tội “giết người thi hành công vụ.”

Hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Chín, nhiều báo tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN đăng lại bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) phỏng vấn tướng công an Tô Ân Xô “trao đổi với phóng viên về nguyên nhân, diễn biến vụ việc, quá trình bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng chức năng và những vấn đề rút ra từ vụ án ở xã Đồng Tâm.”

Dân xã Đồng Tâm đổ đất đá chận đường để chống cưỡng chế. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Cuộc phỏng vấn được đăng tải một ngày trước phiên tòa diễn ra tại Hà Nội xử người dân xã Đồng Tâm, dự trù vào sáng Thứ Hai, 7 Tháng Chín.

Vụ án liên quan đến vụ nhà cầm quyền CSVN đưa hàng ngàn cảnh sát cơ động, tấn công vào đêm 9 Tháng Giêng, dứt điểm chống đối cưỡng chế đất cánh Đồng Sênh. Vụ đàn áp đẫm máu làm cho ba sĩ quan công an, cảnh sát cơ động chết cháy dưới hố, còn ông Lê Đình Kình, thủ lãnh của cuộc đấu tranh giữ đất, bị bắn chết với rất nhiều vết đạn trên người.

Nhà cầm quyền ngay đêm đó và các ngày hôm sau đã bắt khoảng 40 người, sau cùng khởi tố 29 người, trong đó, 25 người bị quy chụp tội danh giết người, và bốn người bị vu cho tội “chống người thi hành công vụ.” Phần lớn những người bị đưa ra tòa là con hoặc cháu và họ hàng của  ông Lê Đình Kình, một họ lớn ở xã Đồng Tâm.

Luật hình sự CSVN quy chụp tôi danh giết người, bị kết án ít nhất 12 năm tù và nặng nhất là tử hình. Nếu bị vu cho tội “Chống người thi hành công vụ” thì bản án từ 2 đến 7 năm tù. Theo điều 123 Luật Hình Sự CSVN, khi bị vu cho tội “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” và “Có tổ chức,” nhất là lại liên quan đến cái chết của công an, chế độ Hà Nội thường trả thù với bản án nặng nhất như những vụ án từng xử trước đây.

Chuẩn bị dư luận trước phiên tòa, guồng máy tuyên truyền CSVN luôn luôn được sử dụng làm cái loa đấu tố, kể tội các nạn nhân, nhiều khi bịa đặt những điều hoàn toàn không có, nhằm biện minh cho các bản án đã được những kẻ cầm đầu chế độ quyết định sẵn, nên gọi là “án bỏ túi.”

Lực lượng Cảnh sát Cơ động được đưa tới đàn áp dân xã Đồng Tâm ngày 9 Tháng Giêng, 2020. (Hình: FB)

Trong cuộc phỏng vấn cò mồi của TTXVN ngày Chủ Nhật 6 Tháng Chín, tướng Tô Ân Xô kể lại diễn tiến đêm 9 Tháng Giêng, 2020 tại xã Đồng Tâm là “Khi biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng,” pháo sáng, lựu đạn (ném ba quả lựu đạn, một quả nổ, hai quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy ba đồng chí công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi ba đồng chí công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3-5 chậu xăng xuống, dẫn đến ba chiến sĩ công an hy sinh.”

Lê Đình Chức là con trai ông Kình và Lê Đình Doanh là cháu nội. Mấy tháng trước, các báo trong nước đã lập đi lập lại “tội giết người” của Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh theo đúng bài bản chuẩn bị dư luận.

Tờ Người Lao Động ngày 25 Tháng Tám kể: “Lúc đó, Chức Bảo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để đối tượng đổ xuống hố nơi các cán bộ, chiến sĩ Thịnh, Huy và Quân rơi xuống và châm lửa đốt. Hậu quả là cả ba cán bộ, chiến sĩ công an này tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.”

Trước đó nữa, tờ VietNamNet ngày 14 Tháng Sáu còn kể lể lâm ly hơn: “Khi các anh Thịnh, Huy và Quân (các sĩ quan công an và CSCĐ) di chuyển qua cửa sổ nhà Hợi để sang mái nhà Chức thì bị Chức dùng tuýp sắt gắn dao phóng lợn chọc từ trên xuống. Cùng lúc, các đối tượng khác ném ‘bom’ xăng, gạch đá từ mái nhà Kình khiến các anh bị rơi xuống hố sâu 4 m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức.”

Lê Đình Doanh (SN 1988) đặt chậu xăng lên bờ tường nóc tum nhà Lê Đình Chức, sát tường nhà Lê Đình Hợi, châm lửa cho bùng cháy lớn rồi dùng chân đẩy mạnh chậu xăng rơi xuống hố. Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ nhiều lần xuống hố, làm lửa bùng cháy lớn. Vừa đổ Chức vừa nói: “Cho chết m… mày đi” và quay sang nói với Tiến “Mạ”: “Tao đổ xăng chết ba đứa rồi.” Hậu quả, các anh Thịnh, Huy, Quân tử vong.”

Ngày 14 Tháng Giêng, tờ Dân Trí thuật lại vụ việc đêm 9 Tháng Giêng kèm theo video clip lời khai của ông Lê Đình Công (con trai ông Kình) là “Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, sau đó ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng, nhưng chúng tôi không đầu hàng mà vẫn tiếp tục ném đá và bom xăng vào các lực lượng chức năng…”

Tất cả những chi tiết kể trên đều là những thông tin tuyên truyền của chế độ Hà Nội, không có một nguồn tin độc lập nào có người có mặt tại chỗ để kiểm chứng.

Ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình bị bắt sau vụ đàn áp 9 Tháng Giêng, 2020 rồi đưa lên TV tuyên truyền “thú tội.” (Hình: VNExpress)

Hơn 30 luật sư sẽ tham dự biện hộ cho 29 người dân xã Đồng Tâm mà không mấy ai tin họ sẽ được xét xử công bằng khi chế độ nhất định cướp đất của dân bằng bất cứ giá nào. Các luật sư đã nhiều lần tố cáo họ không được tiếp xúc với thân chủ cũng như bị cản trở tiếp cận hồ sơ vụ án.

Bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kinh từng làm đơn tố cáo công an giết người, cướp tài sản khi tấn công xã Đồng Tâm. Dân Đồng Tâm là nạn nhân của một vụ cướp của giết người, thủ phạm là nhà cầm quyền, thì bị biến thành thủ phạm của vụ chống đối để bị áp đặt các bản án bất công với án nặng nhất đến tử hình.

Vụ đàn áp đêm 9 Tháng Giêng 2020 làm rúng rộng dư luận trong ngoài nước, nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là một tội ác “trời không dung, đất không tha.” (TN) [kn]