Friday, November 25, 2016

Thời Trump, Việt Nam có thể nhanh chóng bị “Phần Lan hóa”

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Giới thiệu: Chính sách toàn cầu hóa kinh tế trong giai đoạn phát triển từ năm 1972 đến nay tròn 44 năm và đang được điều chỉnh. Thế giới đang điều chỉnh bằng cách trở lại thời kỳ bảo thủ (protectionism) dù vẫn phải bảo thủ trong nội dung toàn cầu hóa, bởi vì các mối tương quan và phụ thuộc về kinh tế quốc tế đã phát triển đến mức không thể hoàn toàn trở lại như thời kỳ trước Thế chiến Thứ hai. Dù dưới mức độ nào, đối với các nước đang phát triển đây là một khó khăn vì sự phát triển của các nước này phụ thuộc vào toàn cầu hóa và toàn cầu hóa đem lại cho họ nhiều mối lợi hơn các nước tiên tiến. Riêng với Việt Nam, ngoài lý do kinh tế còn có lý do chính trị vì Việt Nam giống như Trung Cộng đều đặt dưới sự cai trị bởi đảng CS độc tài. Với chiến thắng của Donald Trump và sự yếu kém của các quốc gia thuộc khối ASEAN, khả năng Việt Nam sẽ bị “Phần Lan Hóa” ngày càng rõ hơn.

Một cách vắn tắt, “Phần Lan hóa” (Finlandization), có nghĩa “để trở nên Phần Lan”, là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan chấp nhận các chính sách của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 để đáp ứng với thực tế chính trị thời bấy giờ. Bài viết Hiểm họa Trung Cộng và bài học “Phần Lan hóa” (Finlandization)này được viết vào tháng 8, 2014, nay xin giới thiệu lần nữa khi các điều kiện chính trị đang diễn ra theo chiều hướng đã được bàn, đồng thời đây cũng là một đóng góp về kiến thức và lý luận cho những người Việt quan tâm đến tương lai đất nước.

Trong bài viết Việt Nam đối diện với việc “Phần Lan hóa” từ Trung Quốc (Vietnam Faces "Finlandization" from China) cuối tháng Năm, 2014 trên báo Asiasentinel, David Brown, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết: “Như vậy, trong khi Washington dường như đã sẵn sàng vẽ một lằn ranh quanh Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng có thể Singapore và eo biển Malacca, Hải quân Hoa Kỳ đang từ bỏ việc đương đầu tại một khoảng xa cách từ bờ biển Việt Nam.” Tác giả viết tiếp “Điều đó có thể được hiểu rằng, Mỹ đang dự định chấp nhận nhìn Việt Nam bị “Phần Lan hóa”. 

Tháng 9 năm 2010, trong một bài viết trên tờ Wall Street, Andrew Krepinevich, Chủ tịch Trung tâm Định ước Ngân sách và Chiến lược (the Center for Strategic and Budgetary Assessments) cũng cảnh báo Trung Cộng đang tiến hành “Phần Lan hóa” Thái Bình Dương: “Liên Xô chưa bao giờ thành công “Phần Lan hóa” Châu Âu. Nhưng sự đe dọa vừa trở lại từ phía Trung Cộng, quốc gia này đang cố gắng “Phần Lan hóa” Tây Thái Bình Dương. Cách phát triển quân sự của một quốc gia mở ra cánh cửa cho thấy ý định của nó, và Trung Cộng rõ ràng đang tìm kiếm để gây hiệu quả tuần tự nhưng quyết định vào cán cân quân sự Mỹ-Trung. Mục đích của Trung Cộng là ngăn chận Mỹ trong việc bảo vệ các quyền lợi lâu dài trong khu vực – và để lôi kéo các đồng minh dân chủ của Mỹ vào quỹ đạo của nó.” 

Trong chính luận Tranh chấp Mỹ-Trung, một cảnh giác cho lòng yêu nước trên talawas năm 2010, người viết cũng có bàn tổng quát về trường hợp các quốc gia độn như Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan. Để có thể tồn tại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh các nước này đã phải áp dụng nhiều chiến lược đối ngoại và đối nội khác nhau. Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương cứng rắn chống Liên Xô, đứng hẳn về phía Tây phương, Phần Lan chủ trương các chính sách đối ngoại và đối nội nhượng bộ Liên Xô. Người viết cũng đã phân tích chọn lựa của Thổ Nhĩ Kỳ trong chính luận Hiểm họa Trung Cộng và bài học Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm và lần này bàn đến trường hợp Phần Lan.

Với chủ trương bành trướng Nga Hoàng của Vladimir Putin và ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán của Tập Cận Bình đang cháy rộng, khái niệm “Phần Lan hóa” lại lần nữa được nhắc nhở khá nhiều: “Phần Lan hóa” Ukraine, “Phần Lan hóa” Đài Loan và cả khả năng “Phần Lan hóa” Việt Nam.

Trước khi bàn đến việc liệu Việt Nam có thể sẽ bị “Phần Lan hóa” với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ như David Brown phân tích hay thực tế đã bị “Phần Lan hóa” sau mật ước Thành Đô, cần tìm hiểu các điều kiện địa lý chính trị, lịch sử và quốc phòng của Phần Lan trong quan hệ với Liên Xô trước và sau Thế chiến thứ hai cũng như sự ra đời của khái niệm này.

“Phần Lan hóa” là gì?

Phần Lan hóa” (Finlandization) có nghĩa “để trở nên Phần Lan” là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm vẫn còn nhiều tranh cãi, mang nặng cảm tính này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 để đáp ứng với thực tế chính trị và bảo vệ được chủ quyền đất nước, hay vắn tắt là để tồn tại.

Phần Lan trước Thế chiến Thứ hai

Năm 2013 dân số Phần Lan có 5.5 triệu, tuy nhiên trong giai đoạn “Phần Lan hóa” trong những năm 1940 quốc gia này chỉ có khoảng 4 triệu dân, đa số sống ở các khu vực miền nam, nhiều nhất tại thủ đô Helsinki và vùng phụ cận. Vì là một nước quá nhỏ chia sẻ biên giới với các nước lớn nên Phần Lan cũng gặp nhiều lận đận. Suốt 600 năm, Phần Lan bị Thụy Điển đô hộ. Các viên chức Thụy Điển được cử đến cai trị Phần Lan. Dù đương đầu với hiểm họa bị đồng hóa, Phần Lan vẫn giữ được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và tiếng nói riêng. Khi phong trào cải cách tôn giáo của Martin Luther lan rộng đến Thụy Điển và Phần Lan, Tân Ước được dịch sang tiếng Phần Lan và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Sau chiến tranh giữa Nga và Thụy Điển vào cuối thế kỷ 17, Nga chiếm Phần Lan.

Năm 1912, vua Nga, Alexander I nâng cấp Phần Lan từ hàng tự trị lên cấp quốc gia đặt thủ đô tại Helsinki. Cũng vào thời điểm đó tinh thần quốc gia Phần Lan do Tiến sĩ Johan Vilhelm Snellman nuôi dưỡng, bắt đầu phát triển mạnh. Để chống lại chính sách đồng hóa của Nga Hoàng, Johan Vilhelm Snellman kêu gọi người dân Phần Lan tuyệt đối không dùng tiếng Nga.

Cách Mạng CS Nga 1917 bùng nổ, Phần Lan tuyên bố độc lập. Tuy nhiên bị ảnh hưởng chính trị Nga, cánh tả trong chính phủ Phần Lan rất mạnh và thực hiện một cuộc đảo chánh. Quân chính phủ do tướng Gustaf Mannerheim chỉ huy phản công và đánh bại quân phiến loạn. Phần Lan chính thức trở thành nước Cộng Hòa năm 1919 với K.J. Ståhlberg là tổng thống đầu tiên. Biên giới giữa Nga và Phần Lan được công nhận theo hiệp ước biên giới Tartu ký kết năm 1920. Quan hệ giữa Phần Lan và Liên Xô rất căng thẳng, và quan hệ giữa Phần Lan và Đức cũng không tốt đẹp gì hơn.

Tháng Tám, 1939, Hitler và Stalin ký thỏa hiệp không xâm phạm nhau trong đó có điều khoản Hitler đồng ý nhường Phần Lan cho Stalin. Khi Phần Lan từ chối việc cho phép Liên Xô xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Phần Lan, Stalin tấn công Phần Lan vào tháng 11, 1939. Chiến tranh Mùa Đông (Winter War) bùng nổ. Tuy Phần Lan thua nhưng đã gây thiệt hại trầm trọng cho phía Liên Xô. Sau Chiến tranh Mùa Đông (1939) là Chiến tranh Tiếp Tục (Continuation War) (1941-1944). Trong thời gian này Phần Lan đứng về phía Đức và đem quân tấn công Liên Xô để chiếm lại các phần đất bị mất trong Chiến tranh Mùa Đông và nhiều phần đất khác của Liên Xô. Chính Anh Quốc cũng đã tuyên chiến với Phần Lan năm 1941. Năm 1944, Phần Lan ký hiệp ước đình chiến với Liên Xô.

Phần Lan sau Thế chiến Thứ hai 

Tại hội nghị Paris năm 1946, Đồng Minh ân xá cho Phần Lan và các nước đã đứng về phía phe Trục như Romania, Bulgaria, Hungary và cho phép các nước này trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc. Phần Lan và Liên Xô ký các hiệp ước hòa bình lần nữa vào những năm 1947 và 1948. Trong giai đoạn này Phần Lan quá yếu về khả năng quân sự so với Liên Xô nên đã buộc phải nhường vùng đất phía nam cho Liên Xô. Đứng trước sự phân cực đang hình thành trong sinh hoạt chính trị thế giới, Phần Lan đối diện với một thực tế chính trị thế giới hoàn toàn bất lợi. Đức Quốc Xã, đối trọng với Liên Xô sụp đổ, không có đồng minh quân sự, bị cô lập về địa lý chính trị, các quốc gia trong vùng Đông Âu lần lượt trở thành chư hầu CS của Liên Xô, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania đều bị sáp nhập hẳn vào Liên Xô. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ Phần Lan, vì thế, bằng mọi giá để khỏi bị trở thành một “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa” trong Liên Bang Xô Viết.

Quá sợ Liên Xô nuốt sống như trường hợp các nước vùng Balkan, Phần Lan lấy lòng Liên Xô bằng cách từ chối viện trợ Mỹ trong kế hoạch viện trợ kinh tế Marshall. Tuy vậy, Phần Lan ngấm ngầm thiết lập quan hệ kinh tế với Anh, Mỹ và các chính phủ Anh, Mỹ cũng tìm cách yểm trợ Phần Lan để hy vọng nuôi dưỡng chế độ dân chủ non trẻ tại quốc gia nhỏ ở Bắc Âu này. Chính sách “Phần Lan hóa” ra đời.

Nội dung của “Phần Lan hóa ”

Về đối ngoại. Phần Lan theo đuổi một chính sách đối ngoại rất mềm dẻo, nhân nhượng, không làm mất lòng Liên Xô, trung lập. Liên Xô trong thực tế không xem Phần Lan như là một nước Trung Lập đúng nghĩa mà luôn xem quốc gia này phụ thuộc vào các chính sách đối ngoại phát xuất từ điện Kremlin. Chẳng hạn, khi đại sứ Phần Lan Max Jakobson được đề cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Liên Xô chẳng những không ủng hộ mà còn dùng quyền phủ quyết để bác bỏ vì không muốn thấy một chính khách Phần Lan đóng vai trò quan trọng trong tổ chức chính trị thế giới.

Về đối nội. Loại trừ các thành phần lãnh đạo quốc gia có khuynh hướng chống Liên Xô và ủng hộ các thành phần thân Liên Xô. Theo tài liệu của CIA, Liên Xô duy trì mối quan hệ mật thiết với các chính khách thân Liên Xô đứng đầu là Tổng thống Juho Kusti Paasikivi (1870-1956) và sau đó là Tổng thống Urho Kekkonen (1900-1986). Liên Xô có quyền phủ quyết các chính sách của Phần Lan và can dự vào nội bộ Phần Lan qua trung gian đảng CS Phần Lan, Liên Đoàn Dân Chủ Nhân Dân, Quốc Hội Phần Lan với đa số thuộc cánh tả.

Về văn hóa giáo dục. Để vừa lòng Liên Xô, Phần Lan áp dụng chính sách tự kiểm duyệt, tự kiểm soát và thân Liên Xô. Chính phủ Phần Lan ngăn chận các phương tiện truyền thông có cái nhìn tiêu cực về Liên Xô. Trên 1700 cuốn sách có nội dung chống Liên Xô trước đó bị xếp vào thể loại “sách bị cấm”. Các phim ảnh không có lợi cho Liên Xô như The Manchurian Candidate, One Day in the Life of Ivan Denisovich v.v. đều không được phép chiếu.

Về quốc phòngHiệp ước Hữu Nghị Hợp Tác Phần Lan-Liên Xô năm 1948 (Finno-Soviet Pact of Friendship, Cooperation and Mutual Assistance) quy định Phần Lan phải có trách nhiệm chống lại các lực lượng thù địch của Liên Xô khi các lực lượng này tấn công Liên Xô ngang qua ngả Phần Lan và nếu cần sẽ kêu gọi sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô. Phần Lan không được liên minh quân sự với một quốc gia thứ ba. Điều này do Liên Xô đặt ra để giới hạn Phần Lan gia nhập NATO giống như trường hợp Đan Mạch và Na Uy. Trước đó, trong hiệp ước ký kết giữa hai nước, Phần Lan đã nhường 10 phần trăm lãnh thổ cho Liên Xô.

Nhắc đến “Phần Lan hóa” không thể bỏ qua vai trò của Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen, người lèo lái chính sách này trong suốt 26 năm làm tổng thống. Những người phê bình Urho Kekkonen cho rằng ông ta là con cờ của Liên Xô trong khi những người ủng hộ xem ông như là một trong những anh hùng của Phần Lan vì đã bảo vệ được chủ quyền Phần Lan trong một hoàn cảnh chính trị thế giới vô cùng khó khăn. 

Công tâm mà nói, trong suốt dòng lịch sử, lãnh thổ Phần Lan là bãi chiến trường cho các tham vọng bành trướng của Thụy Điển và sau đó là Nga Hoàng. Sau Thế chiến thứ hai, hầu hết các quốc gia vùng Baltic và Balkan đều nằm trong quỹ đạo Liên Bang Sô Viết. Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của quốc gia này đều bị xóa bỏ. Ý thức được điều đó, mục tiêu hàng đầu của Kekkonen là bảo vệ chủ quyền Phần Lan, bảo vệ nền Cộng Hòa Phần Lan bằng mọi giá, không thể để Phần Lan trở thành một xứ tự trị như thời Nga Hoàng hay một “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa” của Stalin. Mặc dù nhân nhượng Liên Xô rất nhiều trong các lãnh vực chính trị, quốc phòng Phần Lan cũng có lợi về kinh tế vì Liên Xô là quốc gia nhập cảng lớn nhất sản phẩm của Phần Lan. Sự sụp đổ của Liên Xô đã gây ra những suy thoái kinh tế trầm trọng tại Phần Lan. Sau giai đoạn phục hồi, Phần Lan đã phát triển một cách vượt bực. Ngày nay Phần Lan hội nhập cao vào nền kinh tế thế giới và là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới.

Trở lại với quan hệ Trung Cộng và CS Việt Nam trong cái nhìn so sánh giữa Liên Xô và Phần Lan.

Trung Cộng sau Thiên An Môn

Chính sách đối ngoại của Trung Cộng trong thời gian năm 1990 nhằm mục đích thoát khỏi sự cô lập quốc tế và ổn định chính trị nội bộ sau biến cố Thiên An Môn. Những thành tựu kinh tế của chính sách bốn hiện đại hóa từ đầu thập niên 1980 đã đạt một số thành tích đáng kể nhưng tất cả đều rất mong manh, yếu kém. Các cường quốc dân chủ vẫn còn trừng phạt kinh tế sau khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh tàn sát nhiều ngàn sinh viên Trung Quốc yêu dân chủ tại Thiên An Môn đầu tháng 6, 1989.

Như hầu hết các quốc gia CS, kế hoạch chung của cả nước luôn chế ngự và đồng thời duy trì tính cân đối của các chính sách đối ngoại cũng như đối nội trong mỗi thời kỳ. Để thoát khỏi sự cô lập và phục hồi vị trí của Trung Cộng trong bang giao quốc tế, Đặng Tiểu Bình theo đuổi chính sách đối ngoại mềm dẻo trong đàm phán biên giới với hàng loạt các nước lân bang trong đó có Việt Nam. Chính sách của ho Đặng được gọi là chính sách 20 nét chữ “bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời” (lengjing guancha, chenzhuo yingfu, wenzhu zhenjiao, taoguang yanghui, yousuo zuowei).

Sự sụp đổ của hệ thống Liên Xô làm Trung Cộng không còn lo ngại vòng vây Liên Xô từ hướng Việt Nam nhưng lại có mối lo mới nguy hiểm và hùng mạnh hơn nhiều, đó là Mỹ. Như người viết đã trình bày trong các bài trước, thời điểm năm 1990 đối tượng cạnh tranh của Trung Cộng là Mỹ và Nhật chứ không phải Liên Xô hay chư hầu của nó là CSVN và mục tiêu bành trướng của họ Đặng không chỉ giới hạn ở các cù lao trên biển, vài ngọn núi đất ở Hà Giang mà cả Thái Bình Dương. Và để giới hạn sự đe dọa của Mỹ, Trung Cộng đã làm hòa với CSVN. Hai bên đã mở các cuộc đàm phán vào năm 1991 và đạt đến thỏa hiệp vào năm 1993 sau mật ước Thành Đô.

Việt Nam sau Liên Xô 

Sau khi hệ thống CS tại châu Âu sụp đổ, nền kinh tế của các nước CS còn lại của khối COMECON trong đó có Lào, Cu Ba và CSVN trở thành đàn gà mất mẹ. Trong bài bình luận nhân dịp kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh đổ, tạp chí The Economist nhận xét chung rằng khi chế độ thực dân ra đi, các nước cựu thuộc địa ít ra còn hưởng được các phương pháp quản trị, hệ thống tư pháp và nhiều trường hợp cả ngôn ngữ nhưng chế độ CS ra đi không để lại gì ngoài nghèo đói, ngục tù và lạc hậu.

Số phận của đảng CSVN như chỉ mành treo chuông. Trong giờ phút sinh tử đó, lãnh đạo CSVN xem dấu hiệu hòa hoãn của Đặng Tiểu Bình như chiếc phao giữa biển. Họ vui mừng bám lấy. Dĩ nhiên, với bản chất thâm độc, đầu óc tính toán của lãnh đạo Trung Cộng, món lễ vật của đàn em CSVN dâng lên trong ngày quy phục thiên triều lần nữa phải là một lễ vật đắt giá. Món nợ máu xương từ năm 1979 trở về trước hẳn được Đặng Tiểu Bình đòi cả vốn lẫn lời.

Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Quốc gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng thực chất là lễ cam kết một loại “công hàm” khác, trầm trọng hơn nhiều so với “công hàm Phạm Văn Đồng”. Chiều ngày 7 tháng 11 năm 1991 tại Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài Bắc Kinh, Giang Trạch Dân tuyên bố “Nhưng chúng tôi hy vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể khôi phục mối quan hệ mật thiết giữa hai Đảng và hai nước do những người lãnh đạo thuộc thế hệ lão thành xây dựng nên." Họ Giang muốn nhắc nhở lãnh đạo CSVN về thời kỳ mà đảng CSVN thở bằng bình oxygen Trung Cộng trong các thập niên 1950, 1960.

Trung Cộng muốn Việt Nam những gì Liên Xô muốn Phần Lan và nhiều hơn nữa:

- Giống như Liên Xô áp dụng với Phần Lan, Việt Nam phải “trung lập” trên danh nghĩa. Phần Lan luôn tuyên bố trung lập và Liên Xô ủng hộ vị trí trung lập của Phần Lan nhưng thực chất có quyền phủ quyết hầu hết các chính sách đối ngoại của Phần Lan. CSVN cũng thế. Họ luôn tuyên bố “quan hệ hợp tác bình đẳng cùng có lợi” với mọi quốc gia trên thế giới nhưng thực chất chỉ “hợp tác” với sự đồng ý của Trung Cộng. Bất cứ khi nào có dấu hiệu làm trái ý, Trung Cộng sẽ dùng mọi biện pháp hèn hạ nhất để trừng phạt như trường hợp giàn khoan HD981 vừa qua, bất chấp dư luận thế giới khinh khi.

- Giống như Liên Xô áp dụng với Phần Lan, các chính sách an ninh quốc phòng của Việt Nam không được đi ngược với chính sách quốc phòng của Trung Cộng, không được độc lập trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng. Để thỏa mãn Trung Cộng, Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc phòng “ba không” tự sát: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Các điều khoản này tương tự các điều khoản của hiệp ước mà Phần Lan phải ký với Liên Xô năm 1948.

- Giống như Liên Xô đã cướp đất của Phần Lan, CSVN đã chấp nhận vị trí đặc quyền, đặc lợi của Trung Cộng trong Biển Đông. Như đã viết, khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.

- Giống như Liên Xô đã áp lực với lãnh đạo Phần Lan, Việt Nam cũng thực hiện các chính sách tự kiểm duyệt các tin tức gây mất lòng Trung Cộng, giới hạn các phim ảnh, sách báo có nội dung tiêu cực về chế độ CS tại Trung Quốc, ngăn chận mọi ý kiến, phản ứng dù rất ôn hòa của người dân trước các hành động gây hấn, xâm lược lộ liễu của Trung Cộng. Tháng Sáu vừa qua, các báo VnExpress, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong, Giáo Dục đã phải đồng loạt lấy xuống các hình ảnh và tin tức liên quan đến ngày kỷ niệm Tàn Sát Thiên An Môn. TS Nguyễn Quang A, một trong những thành viên chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự phát biểu với RFA: “Điều đó chứng tỏ rằng những thế lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn gắn rất chặt với Trung Quốc. Tôi tin chắc chắn là họ nghe theo lệnh của Bắc Kinh để họ làm như vậy.”

- Bên cạnh các điểm giống nhau nêu trên, một điểm khác biệt có tính quyết định đối với tương lai của dân tộc Việt Nam: Trung Cộng quyết tâm bảo vệ đảng CSVN. Làm gì thì làm, nói gì thì nói, lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện nay chỉ còn năm đảng cầm quyền mang nhãn hiệu búa liềm. Nắm giữ Việt Nam về mặt lý luận tư tưởng không chỉ để bảo vệ cơ chế mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Và do đó, bị “Phần Lan hóa” trong quỹ đạo Trung Cộng cũng có nghĩa ngày nào Trung Cộng còn do đảng CS cai trị ngày đó nhân dân Việt Nam lại cũng sẽ tiếp tục chịu đựng dưới ách chủ nghĩa độc tài toàn trị Lê Nin không có Mác. Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen phải khuất phục Liên Xô chỉ vì để bảo vệ chế độ cộng hòa và chủ quyền đất nước, lãnh đạo CSVN bám vào chiếc phao Trung Cộng chỉ vì quyền lực và quyền lợi riêng của đảng CS.

Những phân tích trên cho thấy có khả năng cao Việt Nam đã bị “Phần Lan hóa” qua mật ước Thành Đô. Và Việt Nam, như một dân tộc, chỉ có thể tự thoát khỏi quỹ đạo Trung Cộng tức tránh khỏi nạn bị “Phần Lan hóa” bằng (1) dân chủ trước Trung Cộng, (2) đoàn kết dân tộc để vượt thoát và thăng tiến, (3) chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia trong tranh chấp Thái Bình Dương, (4) sát cánh với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy như đã trình bày trong chính luận Để thắng được Trung Cộng.



_____________________________________________

Tham khảo:

- “Finlandization” in Action: Helsinki’s Experience with Moscow”, Directorate of Intelligence Report. CIA
- Adrew (Andrew) F. Krepinevich, The Wall Street Journal(,) Sept 11, 2010
- David Brown, Asia Sentinel, May 22(,) 2014
- Finland, a country study, Library of Congress , Eric Solsten and Sandra W. Meditz, December 1988
- Mart Laar,The Power of Freedom - Central and Eastern Europe After 1945, Unitas Foundation, 2010
- Challenges for the U.S.(,) Robert S. Ross, Allen S. Whiting and Harry Harding, The NBR Analysis, 1990
- Regime Insecurity and International Cooperation, M. Taylor Fravel, International Security, Vol. 30, No. 2 (Fall 2005), pp. 46–83 © by the President and Fellows of Harvard College
- Korean Reunification Would Cast Off China’s Shadow , Mark P. Barry, World Policy 
Wikipedia.org The Molotov–Ribbentrop Pact 
Wikipedia.org on Finland

Nông dân nghèo lại thêm mạt vì ‘bò chính phủ’

Bà Mang Thị Min phải đưa “bò chính phủ” vào nhà để chăm như chăm con mọn, phải nấu cháo để bón cho bò. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM – Cuối tuần vừa qua, 20 gia đình nghèo ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cùng xin trả lại “bò chính phủ.” Nếu nguyện vọng này không được chấp nhận, mỗi gia đình sẽ ôm thêm nợ.
20 gia đình vừa kể cùng thuộc các sắc tộc thiểu số, cùng “nghèo mạt rệp” nên được ưu tiên vay vốn “xóa đói, giảm nghèo.” Cách nay hai tháng, chính quyền xã Phước Vinh đã gọi họ lên trụ sở, yêu cầu ký văn tự nhận vay 24 triệu/gia đình trong vòng ba năm, không phải trả lãi, rồi dẫn họ đến trại bò Trọng Giảng ở trong vùng để dẫn bò về nuôi.
Hệ thống công quyền gọi những con bò được mua bằng tiền trích từ dự án “xóa đói, giảm nghèo” là “bò dự án.” Người nghèo thì gọi loại bò này là “bò chính phủ.”
Trong hai tháng vừa qua, 20 con “bò chính phủ” chỉ chịu ăn cỏ vài ngày đầu rồi… tuyệt thực. Nếu “bò chính phủ” mà lăn ra chết thì vỡ nợ nên nhiều gia đình đưa bò vào nhà chăm sóc, nấu cháo bón cho bò ăn nhưng sức khỏe của những con “bò chính phủ” càng ngày càng suy kiệt.
Do 20 gia đình nghèo này kêu cứu, chính quyền xã Phước Vinh đã cử nhân viên thú y đến hỗ trợ. Những nhân viên thú y tiết lộ, “bò chính phủ” mà 20 gia đình nghèo vay vốn để mua bị “lở mồm, long móng,” chứng bệnh khiến các loại gia súc có móng guốc (như heo, bò,…) bị lở miệng, loét móng, kiệt sức rồi chết. “Lở mồm, long móng” được tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) xếp vào loại bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với động vật vì lây lan rất nhanh và có thể nhiễm sang người. Bởi những đặc điểm vừa kể, khi phát giác gia súc bị “lở mồm, long móng,” các nhân viên thú y sẽ khuyên tiêu hủy gia súc bị nhiễm virus.
Dẫu hợp đồng vay tiền mua bán bò ghi rõ, chủ trại bò Trọng Giảng chịu trách nhiệm về con bò ông ta bán trong vòng 12 tháng, nếu bò không sinh sản hoặc mắc bệnh thì ông ta sẽ nhận lại bò, hoàn lại tiền, song theo bà Mang Thị Min – một trong 20 nạn nhân của “bò chính phủ” thì nay, chủ trại bò từ chối thực hiện cam kết, vì bò không mắc bệnh mà bị “lở mồm, long móng!”
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền xã Phước Vinh, huyện Ninh Thuận dùng “bò chính phủ” đẩy những gia đình thiểu số nghèo đến mạt lộ.
Cách nay đúng một năm, hồi Tháng Mười Một năm ngoái, 60 gia đình thiểu số nghèo ở xã này đã từng kêu cứu vì phải ký giấy vay 20 triệu đồng/gia đình từ dự án “xóa đói, giảm nghèo” nhưng chỉ được cầm 15 triều đồng và bị buộc phải dùng 15 triệu đồng đó mua “bò chính phủ” cũng tại trại bò Trọng Giảng. Đáng nói là toàn bộ hoạt động này diễn ra dưới… sự giám sát của chính quyền huyện Ninh Phước!
Sau khi nhận “bò chính phủ,” 60 gia đình thiểu số nghèo được nhận “ơn mưa móc của chính phủ” phát giác, họ đã phải vay tiền mua những con bò vừa già, vừa yếu, đã đẻ nhiều lứa với giá quá đắt. Cả 60 gia đình cùng yêu cầu trả lại “bò chính phủ,” hủy hợp đồng vay từ dự án “xóa đói, giảm nghèo.” Chính quyền xã Phước Vinh dứt khoát không chấp nhận. Dưới sức ép của công luận, chủ tịch huyện Ninh Phước chỉ hứa sẽ “kiểm tra lại” và sẽ yêu cầu chính quyền xã Phước Vinh không được ép dân mua bò theo chỉ đạo của họ nữa. (G.Đ)

Freedom House: Việt Nam không có tự do Internet

Hàng chục người dân cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy ở gần tòa án Hà Nội ngày 23 Tháng Ba, 2016. Ông Vinh và Bà Thúy phổ biến các tin tức “lề trái” trên Internet nên bị chế độ Hà Nội bỏ tù. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
WASHINGTON (NV) – Tại Việt Nam, không hề có tự do thông tin, tự do truy cập Internet như nhà cầm quyền CSVN tuyên truyền, tổ chức Freedom House vừa tố cáo trong một bản phúc trình.
Theo Freedom Hose, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, nhà cầm quyền CSVN kiềm chế không bắt nhiều người khi đang thương thuyết Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng ngay sau đó, họ kết án ba người sử dụng Internet, khi hiệp định đã được ký một tháng.
Trang mạng xã hội Facebook và Instagram nhiều lần bị ngăn chặn tại Việt Nam hồi Tháng Năm, 2016 nhằm không cho người ta phổ biến tin tức về các cuộc biểu tình chống công ty Formosa gây thảm họa cho biển Việt Nam và nhà cầm quyền không minh bạch, không đứng về phía nhân dân, thông tin không đầy đủ và không có biện phát tốt để đối phó với thảm họa có thể kéo dài nhiều thế hệ.
Một đạo luật về an ninh mạng được chế độ Hà Nội đưa ra hồi cuối năm ngoái nhằm siết chặt thông tin Internet và phạt nặng những ai vi phạm. Theo Freedom House, tình trạng tự do sử dụng internet tại Việt Nam vẫn tồi tệ trong năm nay như năm ngoái.
Khi đảng CSVN tổ chức đại hội đảng và các phe cánh đấu đá nhau để tranh giành những chỗ trong guồng máy chóp bu của đảng và nhà nước, chính những phe cánh đó phổ biến những bài viết, thông tin tố cáo nhau, đổ tội cho nhau trên mạng xã hội. Không ai biết tác giả của những bài viết, thông tin đó là ai, đến từ đâu. Không có cuộc điều tra nào để lôi những thủ phạm đó ra tòa. Nhưng bất cứ ai bị gán ghép cho thuộc thành phần chống đối chế độ, đòi hỏi tự do thông tin, tự do hội họp mà nói chung nhân quyền, đều bị chế độ Hà Nội tìm mọi cách để trấn áp, từ hành hung, cắt sinh kế hàng ngày đến tù tội.
Theo cuộc khảo sát của Freedom House, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước tệ hại nhất về tự do thông tin trên Internet. Tuy các nước khác cũng chẳng có tự do thông tin trên internet nhưng họ cũng còn nới lỏng hơn là chế độ Hà Nội. Việt Nam còn thua cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí thua cả Cambodia.
Trong năm qua, ít nhất 15 người dân tại Việt Nam đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ. Các vụ ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, hành hung, thẩm vấn đối với những ai bị liệt vào thành phần “phản động” tức đòi hỏi tự do dân chủ, nhân quyền, xảy ra rất thường.
Nhà cầm quyền CSVN dùng các điều luật hình sự mơ hồ như các điều 79, 88 và 258 để giam giữ và bắt tù bất cứ hai vào bất cứ lúc nào chế độ muốn. Ngay như cơ quan Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2016 cũng đã phải lên tiếng đến sáu lần, cáo buộc chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền. (TN)

Những tay trở cờ nối giáo đảng đáng phỉ nhổ không?

Lê Hải Phòng (Danlambao) - Biết bao nhiêu người theo đảng từ lúc còn bé tí, lớn lên sống với đảng phục vụ cho đảng. Họ đã nhận chân bộ mặt lừa dối gian ác tham tàn của đảng mà bằng cách này hay cách khác vạch trần tội ác CS làm tay sai cho giặc mà gây đau khổ cho đồng bào của mình. 

Đáng tởm lợm hơn ai hết là số người ăn cơm quốc gia nghe tuyên truyền rồi thờ ma CS, góp tay phá hoại nền dân chủ phôi thai miền Nam. Thành phần thứ ba cũng như những kẻ tham gia MTGPMN đã nhục nhã ôm mặt khóc khi bị vắt chanh bỏ vỏ. Có một số tên chạy trốn đi tỵ nạn kịp thời ra sách viết báo ăn năn hối lỗi là ngu muội nghe theo lời cộng sản dụ dỗ, có những tên trí thức nằm vùng khi hưởng no say mùi bánh vẻ rực rỡ khẩu hiệu bích chương đã thất vọng hoàn toàn khi không được đảng trọng dụng. 

Bao nhiêu kẻ được hưởng không khí tự do dân chủ miền Nam, được ăn no, được học hành có bằng cấp. Thế mà vô bưng lên rừng mang súng về giết hại đồng bào những ân nhân nuôi mình khôn lớn. Bao nhiêu trí thức trở cờ theo cộng sản để rồi bây giờ cuối đời tuyên bố bỏ đảng mà chết đau đớn trên giường bệnh. 

Thiếu gì người nằm trong cái nôi CS nòi, khi họ thức tỉnh họ phản bác chính sách và hệ thống đảng cai trị sai lầm, họ đã được đảng trả ơn bằng cách giựt bỏ bông hoa phúng điếu, xé vứt bản văn truy điệu khi nằm trong quan tài. Đã có bao nhiêu tướng tá một thời ngang dọc trong cái QĐND chỉ vì góp tiếng nói cho đảng làm việc tốt mà bị hạ bệ hoặc bắt bỏ tù với lý do đơn giản là chống đảng. Đã có quá nhiều người cầm bút nhà văn nhà báo, nhân sĩ, trí thức vì lương tri chức nghiệp tố cáo bản chất độc tài phi nhân để rồi bị đảng tống cổ vào nhà đá bóc lịch đếm ngày tháng "đảng CS quang vinh muôn năm", "bác Hồ vĩ đại sống mãi trong nhà tù với chúng ta"

Chuyện đã xảy ra rành rành trong tâm trí mọi người miền Bắc đã chịu đảng trừng phạt nặng nề qua cuộc CCRĐ kéo đi mạng sống của trên một trăm bảy mươi hai ngàn người dân vô tội. 

Còn có tình người nào hơn khi ngày lễ Tết linh thiêng truyền thống dân tộc, CSVN không tôn trọng lệnh hưu chiến trong 3 ngày mà thôi. Khi xâm chiếm Huế toàn bộ trong tay mình, thay vì dùng súng đạn để tắm máu, chúng tiết kiệm tối đa để rồi tàn bạo dùng cuốc xẻng, giây cột trói từng chùm chôn sống tập thể mà sáu ngàn người dân vô tội có ai biết trước được là bị chết đứng thảm thương như thế. 

Chuyện đã xảy ra rành rành trong lúc chiếm miền Nam xong. Chóp bu đảng không sử dụng hành động tắm máu trực tiếp như Mậu Thân Huế. Chúng chơi trò xảo ngôn tinh vi hơn là lập cái gọi là "Khu kinh tế mới "ở những nơi khỉ ho cò gáy để tống cổ hàng hàng lớp lớp người tới đây chờ chết cho đảng mặc sức tịch thu nhà cửa của họ trong chiến dịch đưa cán bộ đảng viên vào trú ngụ dài lâu. 

Chưa dừng lại tại đó, đảng dùng chiêu bài đánh tư sản mại bản để cướp cạn vàng bạc, trưng dụng lầu đài cao ốc. Cuộc tắm máu mà không lộ liễu chết tức khắc là dùng chiêu bài học tập cải tạo để trả thù hàng trăm ngàn quân dân cán chính miền Nam. Hàng trăm địa điểm đặc biệt là nơi rừng sâu nước độc là những nhà tù khắc nghiệt, nơi đó bọn quản giáo trừng trị dã man bắt làm mà không có ăn để rồi tù nhân chết dần mòn. 

CS vì làm tay sai cho ngoại bang nhất là Tàu cộng, cho nên không loại trừ thủ đoạn nào khi có cơ hội để giết dân Việt. Chính bọn chóp bu BCT thay đổi nhau tham lam giữ quyền bính để vinh thân phì gia. 

Tội ác đảng CSVN thì không biết bao nhiêu tài liệu sách vở vạch ra bộ mặt thật rồi. Trong phạm vi bài này chủ đích là khơi lại một vài sự kiện, nhất là để cho cái đám mang danh tỵ nạn CS vì một chút đĩa xôi thịt đầy máu me mà cam tâm lột xác người tỵ nạn thành con chim kên bấu víu theo đít đảng hút máu dân. 

Về nguồn góp tay giúp đảng sống thêm để gieo tai họa cho sự sống còn của dân tộc là một tội đáng lên án. Đảng CSVN đã lộ nguyên hình là một đảng chỉ lấy xương thịt dân làm lâu đài vinh quang cho đảng ngủ say. Đảng CSVN vì chủ trương thắm thiết anh em với Trung Cộng mà đã đi đêm ký kết dâng hiến và bán buôn bao nhiêu rừng, đất, biển, tài nguyên...
Có ai lại ngu si đến độ như cái đảng CSVN vá vai bắt tay thân thiện để cho giặc xây căn cứ quân sự và dựng sừng sững ngọn hải đăng trong chủ quyền biển đảo của mình. Chỉ cần một âm mưu là đem quân tràn qua để bảo vệ tài sản Hoa kiều trong một biến cố tạo dựng nên. Thế là: Thôi rồi Sản ơi, nước lên nóc nhà rồi. Chỉ khổ cho dân lại một phen làm nô lệ như Tây Tạng, Tân Cương trong bàn tay đại Hán. 

Những tay trở cờ về nguồn nối giáo cho đảng, hãy tự bôi trét son phấn đỏ trộn phân có mùi vào má mình trước khi bưng bô cho đảng cùng nhau vấy máu đồng bào trong vũng lầy tội ác. 

26.11.2016


Nhà máy điện hạt nhân, Hùng Cửu Long và những chiếc bao cao su trên mặt hồ Hà Nội


Tư duy "môi trường" của người Việt: Nhìn từ hiện tượng nhà máy điện hạt nhân, Hùng Cửu Long sang phố Bolsa "truyền bá khát vọng hoà giải", và những chiếc bao cao su lênh láng mặt hồ Hà Nội.
- Stop dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Một tin vui đáng nã đại bác ăn mừng, xuống đường hò reo. Nhưng không hiểu sao, dân tình quá im ắng?
- Trong khi, nóng hơn cái lò điện hạt nhân ấy: Một gã áo dài (váy) đỏ, với mấy câu "ka ka ka - ai - nớp - du chào các tình yêu" tưng tửng giữa phố Bolsa, lại hừng hực đốt thiêu dư luận. Lại thấy, quá nhiều người nhân đấy luận bàn (mô Phật) về "cơ hội hoà giải dân tộc" qua chuyện tửng tưng này. 
- Những chiếc bao cao su lênh láng mặt hồ: Kinh tởm! Lềnh bềnh ngập một góc hồ (Linh Đàm, Hà Nội) là lớp lớp những chiếc bao cao su cùng... băng vệ sinh. Hà Nội đâu có Formosa. Hay đó cũng là Formosa, một thứ Formosa khác của người Hà Nội? Nhìn nó, cứ khiến tôi liên tưởng đến... những con mực ống. Những con mực ống lềnh bềnh trong cơn thảm hoạ Formosa, và hình ảnh những... ai đó đang nhai nhồm nhoàm.
3 mẩu lan man, châm chấm vậy. Có nói lên điều gì trong kiểu thói tư duy rất... môi trường của người Việt?

Chuyện tị nạn giữa thủ đô tị nạn


Tị nạn, không tị nạn
Không hiểu sao, ai cũng nghĩ mình tị nạn. Từ hôm ở DC đã vậy. Qua Cali càng hỏi tợn hơn. Tội, nhiều người còn thẳng thừng "bước đầu khó khăn, có gì cứ nói, mỗi người xúm giúp một tí". Có quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tưởng vậy khi hỏi tôi "Anh qua đây sống vùng nào?". 
Thấy cái tình của bà con mà cảm động. Nhiều người, xa lạ đấy, đã gặp biết gì đâu, vậy mà quan tâm lo lắng như thể thiết thân, còn hơn ruột rà.
Cảm động. Nhưng đấy không phải là cách mình lựa chọn. Nếu chọn đi, có lẽ tôi đã rời ngay từ trước khi... kết thúc điều tra. Không hiểu sao khi ở B14, đến 3 lần khi lấy cung gã điều tra viên hỏi "anh Nhất có ý định ra nước ngoài...?". Lần đầu, tưởng hắn đùa khích mình, tôi ngơ không nói gì. Lần sau vẫn câu ấy, tức khí đưa ngón tay trỏ di di qua lại trên trán "Hình như trong cái đầu tôi chưa bao giờ, dù chỉ manh nha một... ý tưởng thế!". Xong, chỉ tiếp vào thằng đang hỏi "Nếu có, tôi nghĩ tìm ngay trong chính lực lượng của các anh!".
Ra tù, nghe vợ con kể: 2 lần, người của Đại sứ Mỹ điện thoại nêu nhã ý muốn gặp trực tiếp để thăm hỏi và... "trao đổi". Chẳng biết thực hư gì, nhưng khi ấy tôi và gia đình chọn cách im lặng, tránh tiếp xúc.
Tuần đầu ở Toronto (Canada), Phạm Ngọc Cương cũng dặm "Em hỏi thật anh nhé, anh nghiêm túc suy nghĩ đi. Nếu chọn ở lại, sáng mai em chở lên Ottawa, vào Bộ Ngoại giao". Thương Cương quá, chỉ cười "cậu tha cho tớ về, lâu lâu có tiền mua cho cặp vé cho tớ bay qua nhậu trận chơi, vậy sướng rồi!".
Mỗi người một chọn lựa. Thậm chí nhiều khi không thể, và không có quyền lựa chọn. Như Điếu Cày đấy, anh có chịu ký tá gì đâu nhưng vẫn bị tống ra sân bay đẩy đi. 
Và nhiều trường hợp khác, trước anh. Hoặc như Trần Huỳnh Duy Thức bây giờ.
Đi hay ở lại, đều là những chọn lựa khó khăn và đau đớn. 
Đến Bolsa, tránh điều gì?
Điếu Cày đón tôi về "nhà". Một góc phố nhỏ, giữa trung tâm "thủ đô tị nạn" Little Sài Gòn. Cái phòng trọ chỉ đủ kê vỏn vẹn một chiếc giường, cái kệ chén bát và một chiếc bàn viết xộc xệch. Thương anh quá!
Điếu Cày hiểu tôi, nên chẳng cần dặn nhiều. Nhưng quá nhiều người lo cho mình. Trăm sự, bởi ai cũng nghĩ Trương Duy Nhất sang tị nạn. Đến lúc biết tôi qua Mỹ chỉ để chơi, no tị nạn, lại càng thương và đâm... sợ cho tôi. Sợ khó khăn khi trở về, nên nhiều người khuyên "Về Bolsa, ông nhớ tránh 3 điều: tránh cờ vàng, không dùng từ "giải phóng", và đừng đụng Việt Tân".
Thật tình, ngay từ khi qua Mỹ những lần trước, khi vẫn còn mang cái thẻ nhà báo quốc doanh, tôi đã về ngủ với... cờ vàng. Ơ. Họ cũng là người Việt. Đỏ - vàng chi cũng Việt. Sao phải tránh? Sử là vậy. Thắng thua hay vàng đỏ chi vẫn là lịch sử. Và như thế mới là sử. Vì thế, tôi đếch ngại điều này. Mỗi người một chọn lựa. Và tôi tôn trọng họ. Muốn người ta tôn trọng mình thì mình cũng phải biết tôn trọng họ. Với tôi, đỏ vàng - vàng đỏ chi cũng là sử Việt. Rồi cũng phải đến lúc nhìn lại một cách công tâm về từng thời giá trị của tất cả các loại cờ quạt, cho dù vàng hay đỏ. Dù sao, đó cũng là một thể chế thực tồn tại mấy chục năm trên nước Việt. Là thực tế một thời của nửa phần nước Việt đấy thôi!
Còn chữ "giải phóng", có lẽ nhiều người đụng, riêng tôi khó. Hôm ở DC, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy tôi viết câu này, sau cuộc gặp với ngài Dan Southerland, Phó tổng giám đốc chương trình Đài Á châu tự do (RFA):
"... Ông là cựu phóng viên chiến trường Việt Nam. Một trong nhóm ký giả ngoại quốc cuối cùng còn ở lại, chứng kiến sự kiện Sài Gòn 30/4/1975".
Tôi không dùng chữ "giải phóng", cũng không dùng cách gọi "giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn". Tôi viết, đó là "sự kiện Sài Gòn 30/4/1975". Bởi thắng thua gì, đỏ vàng chi cũng là lịch sử. Đó là sự kiện lịch sử chung của cả hai phía, của người Việt. Lịch sử, đâu phải riêng của phe nào.
Với Việt Tân. Thật tình suốt 36 ngày ở Mỹ, không thấy một "đồng chí" Việt Tân nào chào hỏi, mời hẹn gì. Tiếc là không thấy, nếu có cớ sao lại phải chối từ? Ai ngại, với tôi không! Cứ cho là họ khác ta, thậm chí chống ta, sao không một lần ngồi xuống cùng họ, nghe họ nói gì, họ nghĩ sao? 
Sinh thời, ông Thanh (Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - có lần thổ lộ với tôi rằng: Mình mà có quyền, sẽ mời hết tất tật các tổ nhóm chống đối, phản động chi đó ở hải ngoại. Chừng mươi hoặc vài mươi nhóm chứ mấy. Mời hết về, ngồi...  nhậu với nhau đàng hoàng, nghe xem họ phản đối cái gì, chống cái chi? Làm được chứ, tại sao không?
Cũng như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam đâu phải của riêng đảng Cộng sản, hay một phe phái, tôn giáo nào...
Vậy thì hà cớ gì cứ Việt Cộng - Việt Tân gây thù chuốc oán?
Đúng ra, tôi suýt gặp Việt Tân một lần. Hôm ở DC, lên xe chạy một đoạn rồi mới nghe cô lái xe bảo "anh Lý Thái Hùng, Tổng Bí thư Việt Tân điện, nói định chào anh Nhất một tiếng mà anh đi nhanh quá". Thì ra, tôi và Tổng Bí thư Việt Tân suýt gặp nhau. Cũng hơi... tiếc! Cho dù cũng chưa hề gặp, chưa biết Lý Thái Hùng là ai.
Thực ra, giữa phố Bolsa ấy, tôi cũng chả biết ai là Việt Tân, ai Việt Cộng? Nghe nói bên ấy, Việt Cộng cũng đầy!
Mà biết để làm gì nhỉ? Bởi với tôi, Cộng cũng như Tân. Hơn nửa thế kỷ sống cùng Cộng sản. Bố tôi là Cộng sản. Nhưng tôi có Cộng sản đâu. Không Việt Cộng, cũng chẳng Việt Tân. Vì thế, tôi ngồi được tất. Cộng - Tân gì, nhậu tốt cả.
Bolsa, với tôi, là đến với người Việt. Thoải mái vậy thôi, như anh bạn đồng nghiệp của tôi ở nhật báo Người Việt cười vui rằng: Chẳng khác chi ở nhà, đến nỗi hơn bốn chục năm rồi, mình chỉ sài tiếng Anh khi... ra khỏi nước Mỹ!
Giản đơn vậy. Và cũng nhẹ nhõm vậy thôi. Chẳng ai dại chi, khoác trên mình cái áo váy đỏ lòm như nhà cậu Hùng Cửu Long kia đòi "hoà hợp hoá giải" giữa phố Bolsa. Có lẽ, sau sự kiện này, ngoài 3 điều tránh như trên, sẽ phải thêm một điều tránh thứ tư nữa: tránh mặc áo (váy) màu đỏ sao vàng tới phố Bolsa. "Ka ka ka" (nhại lời cậu Hùng Cửu Long tưng tửng), nhưng chớ "hoà hợp hoà giải" kiểu ai - nớp - du ku ku thế mà ăn đòn khổ thân.

Thư cho người bạn trẻ: Khi chúng ta thất bại



Trong một thời gian ngắn, rất nhiều sự kiện trên thế giới đem lại cho chúng ta những bài học về sự thất bại. Từ thất bại của một ứng cử viên tổng thống cho đến thất bại của một quốc gia bất ngờ về người lãnh đạo của mình. Rất nhiều những câu chuyện về thất bại được kể lại với nhiều ngôn ngữ, chủng tộc. Nhưng điều đáng để ghi lại, là khi giáp mặt với thất bại, con người đã hành xử như thế nào.
Điều tôi muốn nói với bạn là vậy.
Ngay tại Việt Nam, người ta cũng nhìn thấy vô số các biểu cảm về sự thất bại. Có người cảm thấy thất bại trong việc đã đặt niềm tin vào ai đó. Có người cảm thấy thất bại vì đã trông chờ vào những chuyển biến của thời cuộc tốt hơn, nhưng chỉ thấy toàn là nhiễu nhương. Trên một status của Facebook, một người bạn trẻ viết rằng anh sẽ rời bỏ trang mạng xã hội này vì đã quá mệt mỏi nuôi hy vọng về tương lai của đất nước mình.
Quả là chúng ta đang đối diện với hàng loạt thất bại. Nhưng đôi khi, có cả những thất bại không phải do chúng ta gây ra, nhưng phải gánh chịu.
Thật thất bại khi phải chấp nhận một Bộ trưởng giáo dục như Phùng Xuân Nhạ, khi cười vui, bán danh dự nhà giáo vào những cuộc chè chén, coi đó là những điều bình thường. Chúng ta đang phải sống và giáp mặt với thất bại từ một nền giáo dục loay hoay với những kẻ cầm đầu vô trách nhiệm cũng như vô liêm sỉ.
Thật thất bại khi mỗi ngày người dân chúng ta nói về biển, về đảo và lòng yêu nước. Nhưng rồi bàng hoàng nhìn tàu kiểm ngư oai vệ đâm chìm tàu ngư dân, hành động hung ác và tàn nhẫn không khác gì tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam ngoài khơi xa. Loại tàu kiểm ngư không bao giờ dám xuất hiện giải cứu ngư dân khi họ gặp kẻ cướp trên biển, chỉ vênh váo gần bờ.
Thật thất bại, khi mỗi ngày các câu chuyện công an, cảnh sát giao thông đánh chết dân vẫn diễn ra, nhưng pháp luật thì bâng quơ. Những kẻ phạm pháp tồi tệ nhất được nâng đỡ chỉ bởi là đảng viên đảng cộng sản. Chúng ta cũng là những kẻ thất bại, khi nhìn thấy chung quanh mình những điều bất cập diễn ra như một sự thách thức lương tri và lẽ phải, nhưng bất lực đối diện với sự thất bại của mình mỗi ngày.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI vào tháng này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói rằng mọi thứ cần phải thay đổi để phát triển, Việt Nam sẽ phải, làm dù chậm. Sự thật là như vậy. Trong những giờ phút mệt mỏi nhất, tôi cũng đã tự hỏi sẽ còn phải đổi bao nhiêu những bất cập nữa, chịu đựng bao nhiêu quan chức tồi tệ như Võ Kim Cự hay Vũ Huy Hoàng… thì chúng ta có được những đổi thay tốt hơn, so với những thất bại từng ngày, từng giờ, trên từng phát biểu của các nhà lãnh đạo hiện nay?
Tôi cũng như bạn, và nhiều người dân Việt Nam khác, nhìn thấy sự thất bại của mình, của dân tộc mình khi nghe rau củ quả Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam với mức thuế 0%. Tôi nghe thấy thất bại khi Ninh Thuận reo mừng thực hiện nhà máy thép Cà Ná, đường biên giới phía Bắc ở Vàng Ma Chải bị Trung Quốc âm mưu lấn từng ngày. Tiếng vọng thất bại còn ở chuyện nền kinh tế Campuchia giờ đây sản xuất được cả xe hơi điện và đòi xây tường ngăn biên giới Việt Nam – Campuchia như Donald Trump tuyên bố, để cấm Việt Nam xâm phạm chủ quyền.
Tôi sống trong thất bại, chúng ta sống trong thất bại, và một cơ đồ nhìn tổng quát như hôm nay, quả là thất bại. Không ít người Việt mang tâm trạng bế tắc và buồn phiền.
Đâu đó trên Twitter, một người ủng hộ cho bà Hilary Clinton, đã viết sau khi có kết quả chung cuộc. Đại ý của cô viết rằng “Chúng ta đã thất bại. Nhưng chúng ta không trốn chạy, không ẩn nấp. 4 năm thật dài, nhưng đó là cơ hội để chúng ta tập hợp và quay lại, giành quyền quyết định cho đất nước mình”. Những dòng chữ này đã có đến hàng chục ngàn like và chia sẻ.
Quả vậy, chúng ta cũng sẽ không trốn chạy, không ẩn nấp. Dẫu rất buồn phiền. Vì bởi giáp mặt với thất bại, nếu chấp nhận đau yếu, bạn sẽ bị hủy diệt. Còn nếu nghĩ đến tương lai và giữ một niềm hy vọng, bạn có thể đi tới và băng qua thất bại của mình, cũng như của kẻ khác.
Và vì bởi, thất bại nhìn thấy hôm nay nhắc mỗi người về tương lai của một quê hương không thể tan rã, con cháu chúng ta không thể lạc loài. Có thể là một ngày thất bại, một giai đoạn thất bại, chứ không thể là một định mệnh thất bại. Hãy nuôi một niềm hy vọng cho những đổi thay tốt đẹp nhất, lên tiếng bằng sự thật và lẽ phải.
Có thể bạn nói tôi mơ ước viễn vông, nhưng đừng quên nhớ lại câu nói nổi tiếng Nelson Mandela, người từng chịu 27 năm tù cho một giấc mơ thôi aparthied trên đất nước mình “Mọi thứ đều là bất khả, chỉ khi sự thật đến”. Chúng ta cũng có quyền nuôi một giấc mơ và hy vọng về sự thật, dẫu phải đang giáp mặt với thất bại.

Lại Phải Chửi Thề


Nhật báo Người Việt phát hành từ Orange County, California (số ra ngày 29 tháng 10 năm 2016) vừa “hân hoan” cho biết:
Tổng Thống Philippines, Rodrigo Duterte, nói rằng ông vừa hứa với Chúa là sẽ thôi không phát ngôn tục tằn nữa.
Ghé đến thành phố nhà Davao sau chuyến công du sang Nhật, ông Duterte cho biết, Chúa đưa ra tối hậu thư này với ông khi ông đang ngồi trên máy bay.
Trước mặt báo chí tại phi trường, ông Duterte nói: “Tôi nghe một tiếng nói bảo tôi hãy ngưng chửi thề, nếu không thì máy bay sẽ rơi từ trên không xuống, và thế là tôi hứa chấm dứt.
Đ...mẹ, tưởng gì chớ bỏ chửi thề thì dễ ợt. Dù chưa bị Chúa “hỏi chuyện” bao giờ, tui cũng đã thôi được cả ngàn lần rồi. Lần cuối, cách đây đã hơn tuần. Tui chỉ vừa tái phạm sau khi đọc một bài viết ngắn (“Cán Bộ Cướp Tang Vật Tiêu Hủy - Gian Dối Đến Thế Là Cùng”) của blogger Lã Yên trên trang Dân Luận:
Nhớ có lần tôi đến chơi nhà một người bạn - làm phóng viên đài truyền hình. Thấy nó nuôi một cặp vẹt rất đẹp. Tôi hỏi, tao nhớ là mày đâu có thú chơi chim, nay đổi gu rồi à? Nó cười, đâu có, chả là hôm vừa rồi đi đưa tin về vụ thả động vật hoang dã về tự nhiên, thấy có cặp vẹt đẹp nên đem về nuôi. Tôi hỏi tiếp, thế số còn lại thì sao? Chia nhau thôi, con thì nhậu, con thì bán lại cho nhà hàng. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, nó vỗ vai tôi, chuyện khó tin, nhưng đó là sự thật.
Và hôm nay, việc tranh cướp hàng chuẩn bị tiêu hủy tại Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi chẳng lấy gì ngạc nhiên. Chỉ tiếc sự việc tương tự như thế này tồn tại từ lâu rồi, nhưng đến nay mới mới bị phanh phui. Quá muộn.
Theo thông tin báo pháp luật, vào ngày 21-10, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hà Nội tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ - Cụ thể: 726 chiếc túi xách, 1.057 chiếc ví da, 39 chiếc dây lưng, 06 chiếc đồng hồ đeo tay, 19 chiếc vòng đeo tay, 290 logo, 210 mặt dây lưng và 02 bán thành phẩm túi xách.Tuy nhiên, một clip vừa được tung lên mạng cho thấy tại buổi tiêu hủy có rất đông người xông vào săm soi, lựa chọn và lấy đi nhiều tang vật thu được.
Có lẽ không có ngôn từ nào có thể diễn tả sự tệ hại của một cơ quan công quyền - cấp bộ. Theo luật định, tất cả hàng hóa được kết luận là vi phạm sở hữu công nghiệp như nhái nhãn mác, giả xuất xứ... đều phải bị tiêu hủy. Nhưng ơ đây họ làm gì ? sự thật đã được phơi bầy trong Clip. Thật xấu hổ cho cái gọi là chống hàng giải, hàng nhái.
Ảnh:vietnamnet
Đ...mẹ, mấy con vẹt hay mớ hàng nhái, hàng giả thì ăn nhằm (cái con cặc) gì! Chúng còn tịch thu và chia chác nguyên cả gia sản của hàng chục triệu lương dân, kể cả “ân nhân cách mạng” ấy chứ.
Coi nè:
     - Những gì mà Cách mạng lấy được của “nhà giàu” trên toàn miền Nam được liệt kê: “Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam; 134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)…; vàng: 7.691 lượng; hạt xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167 thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn tấn phân; 8.000 tấn hoá chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc; 96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
     -  “Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị “đánh” ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ “tư sản thương nghiệp”, 13.923 hộ “trung thương”. Những tháng sau đó có thêm 835 “con phe”, 3.300 “tiểu thương ba ngành hàng”, 4.600 “tiểu thương và trung thương chợ trời” bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.” (Sđd, trang 90).
Chỉ riêng về số lượng bị coi như là thất thu (vì cán bộ thu rồi bỏ túi) đã được ghi nhận như sau, tại một số những địa phương có tổ chức vượt biên chính thức – bán bãi thu vàng – hồi cuối thập niên 1970:
 Hậu Giang, 4.866 lượng; Minh Hải, 48.195 lượng; Bến Tre, 3.789 lượng; Cửu Long, 27.000 lượng; Nghĩa Bình, 27.000 lượng; Phú Khánh, 10.987 lượng; Thuận Hải, 1.220 lượng; An Giang, 1.445 lượng”. (Sđd, trang 129).
Và những vụ  cướp ngày (trắng trợn) tương tự  đâu phải chờ đến năm 1975 mới xẩy ra, ở miền Nam:
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó...
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được.(Sđd, tập II, trang 204 - 206).
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô.
Ảnh: hanoimoi
Thiệt là mặt dầy mày dạn. Vậy mà ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn Phòng Bộ Khoa Học và Công nghệ (KH&CN) tuy thừa nhận là có chuyện hôi của nhưng vẫn “ráng” nói thêm: “... đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây ra dư luận xấu trong xã hội.”
Ông Duy, rõ ràng, muốn lấy thúng úp voi. Cướp giựt vài cái ví da, túi xách, thắt lưng ... thì có (đéo) gì đáng gọi là “sự cố nghiêm trọng.” Đảng của ông cướp bóc không ngừng, từ hơn nửa thế kỷ qua, bộ tưởng là không ai biết hoặc thiên hạ đã quên ráo rồi chăng?

Mặc áo cờ đỏ sao vàng đến Mỹ: Hòa giải hay khiêu khích

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-11-24  
Ông Hùng Cửu Long ở khu Phước Lộc Thọ, California.
Ông Hùng Cửu Long ở khu Phước Lộc Thọ, California. Photo by Nguyen Van Ly
Trong những ngày qua chuyện râm ran xao động trên mạng xã hội và gây sự chú ý của khá nhiều của người Việt ở Hoa Kỳ là chuyện ông Hùng Cửu Long, người chuyên kinh doanh vàng bạc và đá quí ở Việt Nam, đến Hoa Kỳ với những bộ áo dài mà đặc biệt là bộ áo đỏ với một ngôi sao vàng chóe ở trên ngực.
Đó là ngày thứ Ba 15 tháng Mười Một. Thoạt đầu, ông Hùng Cửu Long đến vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, được người quen chở ra thủ đô Washington DC. Trong bộ áo dài đỏ, quần đỏ, giày đỏ và một ngôi sao vàng trên ngực áo, ông Hùng Cửu Long đứng chụp hình trước bức tường khắc tên 58.000 binh sĩ Mỹ từ trận trong cuộc chiến Việt Nam, kế tiếp trước Cây Bút Chì Washington Monument gần đó, cũng trong bộ áo dài màu đỏ ngôi sao vàng.
Ảnh được phóng lên Facebook với lời hứa hẹn của ông Hùng Cửu Long là sẽ mang bộ cánh này sang gặp đồng hương Nam California trong vài ngày nữa với ước muốn hòa giải một cách thân thiện. Ngay lập tức một làn sóng phản ứng dấy lên từ rất đông facebookers người Mỹ gốc Việt khắp nơi, kể cả những ai không dùng Facebook mà chỉ nghe thấy hay được kể lại.

Cộng đồng người Việt ở Washington phản đối

Tại Wahington, những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, nói thẳng ra bị đồng hương chửi mắng nhiều nhất là chủ nhân tiệm làm móng tay Trendy Nails & Spa, anh Frank Huy Đỗ và vợ là chị Tina.
Theo lời anh Frank Huy Đỗ, không trực tiếp quen biết ông Hùng Cửu Long mà chỉ là bạn của Duy Khang, người đi cùng ông Hùng Cửu Long đến Mỹ:
Lúc đầu anh bận áo khoác đen dài thì mấy người trong tiệm không thấy, tới trước khi về ảnh nói để chụp tấm hình thì anh cởi áo khoác ra. Thực sự lúc chụp hình thì không ai trong tiệm để ý chi tiết hết, tức là tụi em không biết để mà đề phòng hay cảnh giác mấy chuyện đó.
-Frank Huy Đỗ
Đang đi làm thì có người bạn gọi ra phi trường rước Duy Khang với người bạn của Duy Khang là anh Hùng Cửu Long gì đó. Duy Khang là bạn học chung ở Việt Nam hồi nhỏ tới giờ hai mươi mấy năm trời. Thì Huy chạy ra sân bay rước bạn, dẫn ra Eden ăn uống xong chở về khách sạn. Mấy người nói cho anh Hùng Cửu Long lên tắm rửa thay đồ tại anh ở Việt Nam mới qua. Anh lên thay đồ xuống rồi nhờ chở đi vòng vòng chụp hình.
Thực sự cái vô ý nhất của em là không để ý tới bộ đồ anh Hùng Cửu Long bân. Lúc chụp hình cởi áo ra thì thấy áo có ngôi sao màu vàng, cái cờ Việt Nam anh bận trên áo, thì em tưởng là cái kiểu của người ta thôi. Xong rồi thì em chở mấy người này về lại khách sạn.
Trên đường về khách sạn, anh Huy lại ghé qua tiệm làm móng tay Trendy Nails & Spa của vợ chồng anh ở thành phố Silver Spring, tiểu bang Maryland:
Lúc đầu anh bận áo khoác đen dài thì mấy người trong tiệm không thấy, tới trước khi về ảnh nói để chụp tấm hình thì anh cởi áo khoác ra. Thực sự lúc chụp hình thì không ai trong tiệm để ý chi tiết hết, tức là tụi em không biết để mà đề phòng hay cảnh giác mấy chuyện đó. Người chụp hình là người Mỹ, là receptionist trong tiệm, họ đâu có biết cờ nào ra cờ nào, họ chụp xong họ post lên thôi.
Em đâu biết cho tới lúc vợ chỉ cho em thì tối đó hai vợ chồng mất ngủ, nói trời ơi chuyện này lớn quá trời, rồi mới bắt đầu lên Facebook, người ta nói nhiều mà em không biết sao để trả lời hết từng người. Họ nói em là tay sai của cộng sản, là cộng sản nằm vùng, tiệm này là tiệm của cộng sản.
Trước sự công kích phản đối của cộng đồng người Việt ở Washington, chủ nhân Trendy Nails & Spa đã viết một bức thư xin lỗi trên mang, nói rằng “đã vô ý chụp hình chung với một người bạn học chung trường hồi nhỏ, và một người đã mặc một bộ đồ có lá cờ màu đỏ làm cho rất nhiều người trong cộng đồng buồn, giận và phẫn nộ”.
IMG_0393-622.jpg
Ông Hùng Cửu Long (giữa) ở Washington DC. Courtesy photo
Cả hai cũng nhìn nhận “hoàn toàn lỗi của mình nên thật lấy làm hổ thẹn với ông, cha và tất cả những người đã hy sinh cho Việt Nam Cộng Hòa”:
Em hoàn toàn không phải là cộng sản, ba em là sĩ quan Khóa 22B Võ Bị Đà Lạt, phi công lái máy bay A37, rồi ông ngoại là Khóa 1 Võ Bị Đà Lạt, gia đình qua đây diện HO. Tới lúc đụng chuyện thì chú bác bạn của ba mẹ mới gọi qua hỏi sao con làm vậy, biết bao người đã bỏ nước đi, cộng sản đã giết bà con mình gia đình mình mà sao con lại đi thân với mấy người này vậy. Chuyện đã vậy rồi, nói chung bà con đã ghét cộng sản rồi thì họ cứ tưởng mình là cộng sản, cái mình sai mình phải chịu. Người ta gọi điện thoại liên tục, họ chủi mình là cộng sản. Lúc có em thì em bắt, còn lúc mình không có ở đó thì thợ bắt. Em thì còn biết lỗi của mình nên mình xin lỗi, còn mấy người thợ trong tiệm đâu có biết gì thành ra họ nói chuyện với người ta không được giống như mình. Đó là cái khó, mình không muốn mà nó đã xảy ra rồi, cái lỗi của mình là sao mà mình ngu quá vậy, chuyện vậy mà cũng nghĩ không ra hay là cũng không để ý tới, thực sự là quá bất cẩn.

Hành động sai lầm

Chuyện ông Hùng Cửu Long mặc áo dài màu đỏ có ngôi sao màu vàng xuất hiện ở Washington một ngày trước khi đi tiếp xuống Chicago chưa dừng lại vì hãy còn lời hứa trên facebook là sẽ sang khu Phước Lộc Thọ của người Việt ở Nam California trong bộ cánh như vậy.
Từ thành phố Westminster, anh Thiện Thành, Hội Anh Em Yêu Nước Hải Ngoại, nói rằng chuyện ông Hùng Cửu Long đang làm giống như một sự khiêu khích:
Sau khi đến DC, mặc bộ áo có cờ đỏ sao vàng và đi ngang nhiên ở Tượng Đài Chiến Sĩ tại DC, Hùng Cửu Long cho biết sẽ qua Cali trong những ngày sắp tới. Thiện Thành đã vào trang tên của Hùng Cửu Long, được biết anh ta hẹn sang Cali ngày 22 thang Mười Một để gặp mọi người ở Phước Lộc Thọ, nói là anh ta sẽ mặc bộ áo có cờ đỏ sao vàng.
Đây là sự khiêu khích mang tính cộng đồng chứ không phải giữa cá nhân với nhau. Anh ta phải biết anh ta đang ở đâu, đến thủ đô của người tị nạn thì anh ta phải biết cái cách nhìn, cái quan điểm, cái ý thức của những người đến mức phải bỏ đất nước, quê hương, mồ mả cha ông nghĩ như thế nào về lá cờ đó.
-Trần Khải Thanh Thủy
Nhưng tới ngày 18 thì anh ta bắn tin trên Facebook là đúng ngày 20 sẽ có mặt tại Phước Lộc Thọ lúc 10 giờ. Thiện Thành đã liên lạc với  thị trưởng Tạ Đức Trí, liên lạc với một số anh em trong nhóm, với Liên Hội Chống Nghị Quyết Cộng Sản của chú Phan Kỳ Nhơn cũng như ban đại diện cộng đồng. Để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, thị trưởng Tạ Đức Trí liên lạc với anh Tim Vũ, phó cảnh sát trưởng thành phố Westsminster.
Tất cả mọi người chuẩn bị đúng 9 giờ thì có mặt trước cửa Phước Lộc Thọ và sau đó Hùng Cửu Long xuất hiện. Anh ta đi taxi tới, xuống xe, vừa bước vào là mọi người chạy tới.
Tuy nhiên ông Hùng Cửu Long, thay vì áo dài đỏ với sao vàng như đã nói trên Facebook, lại bận áo dài vàng, quần đỏ và khăn quang cổ màu đỏ:
Trước đó anh ta xác nhận sẽ mặc bộ đồ cờ đỏ sao vàng như đã mặc trên DC để đến hòa hợp hòa giải với đồng bào. Đó là sự khiêu khích ngay từ đầu thành ra mọi người chống là chống cái lá cờ đó. Người ta nghi ngờ không biết anh ta có mặc bên trong lá cờ đỏ sao vàng hay không thành ra mọi người đè anh ta xuống để tìm lá cờ đó. Khi tìm không có rồi thì người ta đẩy anh ta ra ngoài. Lúc bảo vệ của Phước Lộc Thọ đưa anh ta ra ngoài đường thì cảnh sát thành phố Westminster tới, khám xét và đưa lên xe, đó là tin tất cả mọi người đều biết trên Facebook.
Thị trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster cho biết theo báo cáo của cảnh sát mà ông đọc được khi bà con đối đầu với ông Hùng Cửu Long thì chỉ có lời qua tiếng lại chứ không có va chạm hay xô xát hoặc bạo động
Sau khi nghe cư dân cho biết có một nhân vật từ Việt Nam sẽ đến khu Phước Lộc Thọ và có những biểu tượng liên quan tới nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chúng tôi đã cho phía cảnh sát Westminster biết để họ gìn giữ vấn đề an ninh và trật tự.
Phó cảnh sát trưởng gốc Việt là anh Tim Vũ và cảnh sát Westminster cũng hiểu thành ra đã chuẩn bị. Theo như báo cáo thì cảnh sát đã đem người đó rời khỏi khu Phước Lộc Thọ, sau đó nhân vật này yêu cầu được đón taxi ra phi trường L.A.X. (Los Angeles) để trở về Việt Nam.
IMG_0361-622.jpg
Ông Hùng Cửu Long (giữa) ở một nhà hàng trong Eden Center, Virginia. Courtesy photo
Vẫn theo lời ông thị trưởng Tạ Đức Trí, nếu có một ai đó tìm cách tiếp cận với người Việt ở khu Little Saigon mà thông qua các biểu tượng trong nước như cờ đỏ sao vàng thì quả là chuyện không tưởng, là hành động ngây ngô nếu không muốn nói là sai lầm:
Chúng ta đều hiểu người Việt bỏ nước ra đi sau 30 tháng Tư 1975 không có muốn nhìn thấy bất cứ biểu tượng gì liên quan tới nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Những biểu tượng đó gợi lại nỗi đau của cộng đồng Việt Nam. Tập thể người Việt tị nạn tại hải ngoại, luôn tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền, không chấp nhận bất cứ biểu tượng nào của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Còn theo nhà báo Đoàn Trọng của đài Little Saigon TV thì chừng như ông Hùng Cửu Long này chỉ hành động đơn phương mà thôi:
Vì khiêu khích thì có thể nói hai lực lượng cân bằng với nhau, còn anh này là một người không ai biết đến ở quận Cam này. Có thể đây là hành động anh muốn cho người ta biết đến anh nhiều hơn. Sống ở miền Nam California gần trên 20 năm thì tôi nghĩ đến giờ chưa có ai dám đủ can đảm khiêu khích cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở đây như anh bận cái áo đỏ sao vàng ở Washington DC lên đây. Đến bây giờ khó có thể tưởng tượng được một sự khiêu khích như vậy vì dù sao đi nữa người Việt ở đây không thể chấp nhận cái điều kiện đó, thành ra tôi vẫn nghĩ không có sự khiêu khích đó ở đây.
Từ Bắc California, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, tù nhân lương tâm bị tống xuất từ trại giam miền Bắc thẳng sang Hoa Kỳ, nói rằng bà đã không nhịn được cười khi nghe chuyện về ông Hùng Cửu Long này:
Đây là sự khiêu khích mang tính cộng đồng chứ không phải giữa cá nhân với nhau. Anh ta phải biết anh ta đang ở đâu, đến thủ đô của người tị nạn thì anh ta phải biết cái cách nhìn, cái quan điểm, cái ý thức của những người đến mức phải bỏ đất nước, quê hương, mồ mả cha ông nghĩ như thế nào về lá cờ đó. Thế mà anh ta còn cố tình mặc nó vào người, lại còn nghênh ngang như giữa chỗ không người. Đấy là vừa điên vừa rồ vừa ngu kỳ diệu luôn!
May mà có cảnh sát chứ không thì bà con chửi cho lút đầu mà thậm chí còn dập bã trầu còn tơi tả luôn. Bà con không có gì là quá khích, hòa làm sao được, hợp làm sao được, đi khiêu khích bà con bên này thì đúng là hết thuốc chữa rồi.
Đó là câu chuyện xôn xao mấy ngày qua về một người tên Hùng Cửu Long, tự Việt Nam đến Mỹ và tự làm nỗi mình bằng bộ áo dài màu đỏ có ngôi sao vàng trên ngực áo, gọi là để hòa hợp hòa giải với người Mỹ gốc Việt mà không ngờ là bị chống đối mạnh như vậy.
Thanh Trúc xin chào và sẽ trở lại thứ Năm tuần tới. Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org