Friday, November 9, 2018

Mang... mẹ ra để thuyết phục dân

Hôm 7 tháng 11 vừa rồi, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Tp HCM gặp gỡ 35 người dân hai phường Bình An và Bình Khánh nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thấy dân nghi ngờ về lòng thật của ông, ông phải mang chức của ông ra để đảm bảo: “Tôi là chủ tịch thành phố, tôi không vì lợi ích người dân, quan tâm người dân thì làm vì cái gì, quan tâm cái gì?”
Có thể hiểu đó là một câu thề, mang chức vụ ra mà thề: đã là chủ tịch thì phải quan tâm đến người dân, nếu không quan tâm đến dân thì không phải là chủ tịch, tức là sẵn sàng từ chức hoặc chấp nhận cách chức.
Tuy nhiên lập luận qua quýt đã thấy nó không phải như vậy. Không phải cứ là chủ tịch thì sẽ vì lợi ích người dân. Hiện nay, cả nước có khoảng 11,5 nghìn đơn vị hành chính, từ cấp tỉnh thành, quận huyện rồi đến cấp xã phường, nghĩa là có khoảng 11,5 nghìn ông chủ tịch với ông chủ tịch nước. Nếu 11,5 nghìn ông ấy đều vì dân cả thì tại sao dân vẫn khổ hoài. Với dân Thủ Thiêm, khi họ bị tịch thu đất thì quận 2 hay thành phố vẫn có chủ tịch đấy chứ, sao họ lại tới nông nỗi ấy.
Thực tế đã có rất nhiều ông chủ tịch và quan chức vẫn vào tù hoặc bị kỷ luật vì tham nhũng hay có những hành vi hại dân khác. Ông Phong bảo, không vì dân thì vì cái gì? Câu này có thực tế trả lời, đó là vì danh vì lợi chứ vì cái gì nữa.
Cho nên, không phải chủ tịch thì ắt vì dân mà chủ tịch vì dân mới là sự hiếm.
Không chỉ ông Nguyễn Thành Phong, trước đó 1 ngày, ông chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng mang... mẹ ra để đảm bảo lời nói của ông: mẹ tôi “luôn luôn dặn tôi phải làm cho quê hương mình phát triển, đừng làm điều có hại cho dân”.
Tuy nhiên, dân vẫn đầy nghi ngờ. Thứ nhất là không biết mẹ ông có dặn thế thật không, thứ hai là dù mẹ ông có dặn thế thật thì ông có nghe lời không và thứ ba là, dù ông muốn nghe lời nhưng công việc nó đâu chỉ phụ thuộc vào một mình ông. Ví dụ như mấy thằng thầy dùi dốt hoặc đểu mà ông không nhận ra. Hoặc cứ cho là mấy đứa đó tử tế cả thì cơ chế lãnh đạo tập thể nó có cho phép ông làm theo ý mình không.
Trong hai ngày, liên tiếp có hai ông chủ tịch cấp tỉnh mang chức vụ hay mang mẹ ra để thuyết phục dân. Điều này nói lên các ông đã bí lắm trong việc làm sao để dân tin. Họ tin nhiều rồi, bị lừa nhiều rồi nên trong lòng họ đầy rẫy những nghi ngờ, cảnh giác. Và như đã phân tích, mang chức hoặc mang mẹ ra để đảm bảo lời nói của mình là chuyện vô lý, vô ích và nực cười. Chỉ còn cách là các ông chứng minh bằng những việc làm cụ thể. Nếu các ông nói gì làm đúng như thế thì tự nhiên dân người ta tin, hà tất phải mang chức vụ hay mang mẹ ra để thuyết phục.

9/11/2018

Một quân đội chỉ biết “tủi thân”


Thì chắc chắn đó là một quân đội yếu kém và nhu nhược.
Tất cả quân đội trên thế giới điều mà người lính học được đầu tiên từ quân trường nơi bắt đầu cuộc đời quân nhân chuyên nghiệp thì quan trọng nhất họ phải học nằm lòng tính chất hào hùng mà một đội quân tinh nhuệ phải có. Đạo binh ấy có mạnh mẽ hay không nằm trong ý chí của từng người lính bất kể họ có được trang bị vũ khí hiện đại đến đâu nhưng khi ra trận yếu tố hèn nhát vẫn là nguyên nhân đầu tiên của sự bại trận, khi quân thù chưa đánh đã thua.
Quân đội Nhân dân Việt Nam từng được xem là anh hùng và thiện chiến sau thời gian dài đánh Mỹ. Nhưng đó chỉ là dĩ vãng, là kỷ niệm đẹp đẽ dành cho những người từng tham gia cuộc chiến khốc liệt tấn công và giải phóng miền Nam. Cuộc chiến ấy đã lùi vào quá khứ từ khi Gạc Ma mất vào tay giặc cùng với nhiều cây số đất đai dọc biên giới phía Bắc. Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng vắng bóng hơn trên chính trường thế giới. Các nước trong khu vực không còn lấy mô hình của một đạo binh từng lừng lẫy để học tập vì chính phủ của họ biết rằng hào quang đã tắt lịm trên từng chiến binh Việt Nam và thay vào đó là những đạo quân đi làm kinh tế thay vì được huấn luyện để quen thuộc với các thao tác chiến tranh.
Chiều ngày 6/11, trong khi Quốc hội thảo luận về  Luật Công an nhân dân bàn về số lượng tướng phân bổ trong đơn vị này, cảm thấy bị bỏ rơi, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh đã lên tiếng, ông nói: “Đề nghị Đảng, nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia. Làm thế này bên quân đội buồn, tủi thân lắm”
Hai chữ “tủi thân” được Thượng tướng Nguyễn Văn Được dùng trong ngữ cảnh này phản ánh một thực tế cần suy nghĩ. Tủi thân là một cảm giác bị hắt hủi, bỏ mặc một cách bất công. Tủi thân bao hàm tính chất tự ti mặc cảm, thường chỉ xảy ra ở trẻ con hay những phụ nữ hiền lành, cam chịu. Tủi thân không thể chấp nhận là một biểu cảm của đàn ông vì tính cách này thường bị xem là ủy mị và yếu đuối.
Một quân đội có được phép tủi thân hay không khi thuộc tính của nó là chảy nước mắt, ngậm đắng nuốt cay vì bị hắt hủi, thờ ơ và sự bất công nằm ngay trong sự việc xảy ra?
Nếu một quân đội như thế thì thật vô phúc cho quốc gia nào chứa chấp nó. Việt Nam không có truyền thống tủi thân trong quân đội từ bao đời nay kể từ khi lập quốc. Dù thô sơ và yếu kém nhưng những đạo quân của dân tộc chưa bao giờ có khái niệm tủi thân, một khái niệm rất gần với nhu nhược và hèn nhát.
Xưa là vậy còn nay tại sao Quân đội lại thấy tủi thân trước một lực lượng vũ trang khác là Công an? Mặc dù một ông Thượng tướng phát biểu trong nghị trường một cách vô tư nhưng phía sau câu nói ấy phải có một động lực nào thúc đẩy bởi ông ta không thể nói những lời vô căn cứ. “Tủi thân” chỉ là sự lập lại của hai chữ “tâm tư” của ông Phùng Quang Thanh phát biểu trước đây, nhưng tâm tư nghe ra nhẹ nhàng và vô tội vạ hơn, trong khi “tủi thân” mở ra một hình ảnh thực sự của một đạo quân nhu nhược đang có mặt trên đất nước này.
Nếu không nhu nhược thì không lý gì biển đảo ngày một mất dần, ngư dân không còn dám hành nghể trên vùng đất của mình vì Trung Quốc ngày đêm canh giữ sẵn sàng bắt bớ thậm chí hành hung, trong khi quân đội mất cả tăm hơi giống như đang chạy trốn sự thật tại Biển Đông. Một tiếng còi hụ từ tàu tuần duyên cũng không được nghe thấy.
Trên bờ thì hết vùng đất này tới khu công nghiệp khác, quân đội trực tiếp đầu tư và điều hành những dự án không hề liên quan gì tới súng đạn. Vừa làm giàu vừa đòi hỏi chính phủ dành cho mình những ưu tiên, quân đội không còn chú ý tới sự vi phạm chủ quyền âm thầm của Trung Quốc để ít nhất cũng lên tiếng trước Quốc hội tìm phương thức đối phó. Quân đội bị trói tay tứ bề và chính sách “quân đội được phép làm kinh tế” có vẻ như một cách ban bố cho tập thể này bớt “tủi thân” so với công an, thanh gươm và lá chắn, còn Đảng còn mình của chế độ.
Trong khi quân đội tiếp tục tủi thân vì những chuyện trẻ con nơi nghị trường thì ngoài kia các chiến sĩ đang bảo vệ Trường Sa một cách âm thầm không biết có tủi thân không khi sự cô đơn và nhỏ bé của họ không được trong bờ chú ý.
Một vài chuyến thăm hỏi, một vài bài báo khen lấy có, một vài câu chuyện về sự hy sinh của những người lính đảo có lẽ chỉ là cách xoa bóp cho một căn bệnh đã trở thành di căn: mị dân.
Người lính đảo sống trong thiếu thốn mọi bề xứng đáng được những đại biểu quân đội trong Quốc hội yêu cầu được đối xử công bằng chứ không phải sự công bằng biểu hiện từ những chiêc lon gắn vội trên ve áo. Tướng nhiều làm gì khi binh sĩ không còn là binh sĩ và khi có chuyện đao binh liệu những viên tướng “tủi thân” ấy sẽ làm được gì cho cơ đồ dân tộc?

Củ tỏi và thân phận người Lý Sơn

TTVN-2018-11-09   
Tỏi Lý Sơn còn tồn đọng hàng trăm tấn mặc dù sắp sang vụ mới
Tỏi Lý Sơn còn tồn đọng hàng trăm tấn mặc dù sắp sang vụ mới-RFA
Vài năm trở lại đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi phát triển bộc phát, ngoài đèo Eo Gió ở Nghĩa Hành, thác Trắng ở huyện Minh Long, đảo Lý Sơn được nhắm đến như là điểm mạnh du lịch của tỉnh này. Và có thể nói rằng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái trên đảo Lý Sơn khá thành công. Đây cũng là niểm hi vọng cho rất nhiều gia đình ngư dân bám biển lâu đời, chịu sóng chịu gió, chịu hiểm nguy và không ít người đã trả giá bằng tính mạng. Chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt sang đánh bắt phục vụ du lịch hoặc bỏ hẳn đánh bắt sang phục vụ du lịch là lựa chọn của rất nhiều ngư dân Lý Sơn.

Tỏi Lý Sơn: giả và thật!

Ngành nông nghiệp với cây tỏi làm chủ lực cũng nhanh chóng bắt nhịp phục vụ du lịch, bán cho khách vãng lai với giá tương đối cao và nguồn cung luôn luôn không đủ cầu trong vài năm. Thế rồi mọi chuyện đột ngột thay đổi trong vài tháng trở lại đây, cụ thể là từ khi các quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trở nên “êm đềm” hơn, người Trung Quốc được lái xe sang Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc được thông quan mạnh hơn và hàng tiểu ngạch từ hai phía Việt – Trung cũng tăng động. Củ tỏi Lý Sơn từ chỗ nổi tiếng lành tính, thơm ngon trở thành mối nghi ngại của người tiêu dùng bởi không thể phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi Trung Quốc, người nông dân Lý Sơn điêu đứng vì tỏi thật tỏi giả. Hiện tại, ở Lý Sơn sắp sang mùa trồng tỏi nhưng tỏi của vụ trước vẫn tồn đọng hàng trăm tấn.
Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.
Một nông dân trồng tỏi tên Nguyên, ở Đảo Lớn, chia sẻ: “Tỏi đẹp hồi xưa là 80 ngàn đồng mỗi ký, bữa nay còn có 40 ngàn à, rớt dữ lắm, khó sống lắm, nhưng mà đỡ cái là còn có hành nó bù qua chứ tỏi vậy khó sống lắm. Trước phơi qua xong thì tỏi đẹp được 75 ngàn một ký chứ giờ còn có 40 ký thì chết a,  người nông dân chết a, bữa nay Lý Sơn khổ lắm, lý do là điêu đứng tỏi, ứ đọng như nhà tôi đã là mấy trăm ký đây. Mà may cũng có du lịch, ở đâu có du lịch thì ở đó tiến bộ hơn chứ, họ rinh đi một mớ rồi chứ không có du lịch thì khổ nữa…!
Ông Nguyên than thở rằng hiện tại, chuyện củ tỏi Lý Sơn tưởng như đơn giản nhưng thực ra, ông cảm nhận một mối nguy hiểm khó lường. Bởi trước đây người Lý Sơn yêu biển đảo, yêu chủ quyền đất nước bao nhiều thì bây giờ, cũng chính những con người khốn khó từng vào sinh ra tử ấy lại thấy yêu tiền bấy nhiêu. Tiền khiến cho nhiều người bất chấp. Hơn nữa, đã làm du lịch thì khách hàng luôn là Thượng Đế, mà khách du lịch Trung Quốc luôn chiếm con số rất cao trong các lượt khách thăm Việt Nam nói chung và thăm đảo Lý Sơn nói riêng. Một khi đã chấp nhận xem người Trung Quốc là Thượng đế thì cũng đồng nghĩa với việc các Thượng Đế sẽ tìm cách tác oai tác quái trên đảo này.
Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu du lịch ra vào đảo, đều qua cửa an ninh và được kiểm soát gắt gao. Vậy tại sao tỏi Trung Quốc có thể vượt 15 hải lý để vào đảo và đóng vai tỏi Lý Sơn với giá rẻ bèo, cuối cùng, củ tỏi Lý Sơn mất uy tín trên thị trường và mất cả đầu ra. Người nông dân Lý Sơn điêu đứng?

Du lịch hái ra tiền, nguy hiểm cũng cao hơn…

Một người làm kinh doanh du lịch trên đảo Lý Sơn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Du lịch về phát triển kinh mà, đồng ý có những thứ phải thay đổi chứ. Như Hội An thì dù muốn dù không, cái thay đổi của Hội An là theo xã hội, tiến bộ còn Lý Sơn thì thay đổi vì nếu không cứ theo cái đà cù lần là đi xuống thôi nên buộc nó thay đổi, khác xưa nhiều chứ. Còn chuyện tỏi, hành thì tệ quá, căn bản là do biến động thị trường, chứ một số tỏi ở trên đất liền mang ra đảo bán thì chẳng đáng gì nhưng do biến động thị trường kinh quá, đọng, ứ đọng, nhất là thị trường Trung Quốc, nó ăn nhiều, nó nhập nhiều, nó nhập về quá mức luôn, nó ép!”
Củ tỏi gắn liền với đời sống cư dân Lý Sơn.
Củ tỏi gắn liền với đời sống cư dân Lý Sơn. RFA
Vị này chia sẻ thêm rằng nếu với đà hiện tại, nghĩa là người ta thi nhau làm du lịch, lấy lợi nhuận làm kim chỉ Nam và bất chấp mọi chuyện… thì nguy cơ người Trung Quốc núp bóng một nhà đầu tư nào đó vào thao túng các diện tích đất vàng trên đảo Lý Sơn không phải là chuyện tưởng tượng mà đó phải là sự thật. Hiện tại, có một tập đoàn kinh tế nổi tiếng đã vào thao túng toàn bộ bờ biển Lý Sơn để xây dựng du lịch. Và theo vị này, với mức độ thao túng như vậy, đến một lúc nào đó các dự án này đi vào hoạt động thì cơ may hái ra tiền từ du lịch của người dân Lý Sơn sẽ teo tóp trở lại. Đó là chưa muốn nói đến các chuyến tàu đặc cách chỉ chở khách Trung Quốc vào thăm Lý Sơn.
“Lo chứ, sợ chứ… ví như vừa rồi có một tập đoàn FLC đó, nó định mở ra Lý Sơn, quy hoạch ngoài này, dân Lý Sơn phản ảnh, sợ lắm! Làm gì thì làm nhưng Trung Quốc đứng sau thì dân đả đảo. Lý Sơn làm gì thì làm cũng có truyền thống là ngày xưa ông bà đi giữ đảo vậy mà giờ Trung Quốc nó lấy Hoàng Sa rồi, tức giữ lắm mà không biết làm sao. Giờ nhiều khi cán bộ tham nhũng, ăn hối lộ rồi cái gì vào cũng có Trung Quốc đứng đằng sau thì dân bức xúc lắm, ghét ghê lắm! Nói chung là nếu để bọn nó núp bóng vào, tương lai nếu mà để nó thay thế thì mất đảo (Lý Sơn) luôn á!”
Ông nhấn mạnh thêm, sở dĩ ông không nhắc đến khách các nước mà chỉ nói đến khách Trung Quốc bởi hai chữ này là nỗi ám ảnh lâu dài của người Lý Sơn. Đã có không biết bao ngư dân vì chén cơm manh áo, và vì cả chủ quyền biển quốc gia đã đương đầu sóng gió, hiểm nguy để đánh bắt, giữ ngư trường Hoàng Sa thần thánh. Và cũng từng có một hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn thề không bao giờ để mất Hoàng Sa. Thế nhưng mọi chuyện trở nên khôi hài một khi đồng tiền phá sạch mọi thứ.
Củ tỏi Lý Sơn bị điêu đứng trên thị trường, nông dân Lý Sơn tuyệt vọng, câu chuyện ấy không đơn giản là câu chuyện kinh tế. Ông cho rằng sâu xa bên trong mùi vị, màu sắc và giá trị của củ tỏi Lý Sơn cũng là mùi vị dân tộc, màu sắc lòng yêu nước, quyết tâm giữ nước và giá trị trung kiện của nhiều thế hệ. Một khi củ tỏi Lý Sơn bị đánh phá, bị mất giá trị, sẽ có nhiều giá trị liên đới bị mất đi. Mà một khi đã mất đi dưới sức ép lòng ham muốn, lòng tham, sự bất chấp thì sẽ không bao giờ tìm lại được.

Đồng Nai y án sơ thẩm 15 người biểu tình chống dự luật Đặc khu

RFA-2018-11-09   
15 người biểu tình ở Biên Hòa tại phiên tòa phúc thẩm hôm 9/11/2018
15 người biểu tình ở Biên Hòa tại phiên tòa phúc thẩm hôm 9/11/2018-Courtesy Báo Đồng Nai
Mười lăm người biểu tình chống dự luật đặc khu ở Đồng Nai hôm nay 9 tháng 11 bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo đối với án tù mà tòa sơ thẩm tuyên đối với họ hôm cuối tháng 7 vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm, cũng như báo Thanh niên trong nước loan tin rằng 15 người có đơn kháng cáo tại phiên phúc thẩm đều nói rằng họ tham gia biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước. Họ bác bỏ cáo buộc nói rằng họ ‘gây rối trật tự’ khi đi biểu tình.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với Đài Á Châu Tự Do sau phiên phúc thẩm:
"Trong phiên tòa ngày hôm nay họ đều nói là biểu tình vì lòng yêu nước. Có bị cáo Phạm Ngọc Huyền dù chỉ làm công nhân thôi nhưng đã nói là 'nước mất thì nhà tan nên tôi đi biểu tình'. Rồi có hai chị em ra tòa nói là 'tôi yêu bản thân, tôi yêu gia đình nhưng mà muốn giữ được điều đó chúng tôi phải yêu đất nước trước đã,”
Báo Đồng Nai dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, khoảng 10 giờ, ngày 10/6, nhiều người tụ tập đi bộ và xe mô tô trên Quốc lộ 1A, đoạn thuộc các phường: Tân Biên, Tân Hòa đến ngã ba Tam Hiệp (Tp.Biên Hòa).
Sau đó, nhóm người này đi qua đường Phạm Văn Thuận về cầu Mương Sao thuộc phường Tân Tiến mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu phản đối Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Cũng theo cáo trạng trong quá trình diễu hành, một số người đã cầm băng rôn, biểu ngữ, hô hào, la hét, dàn hàng ngang giữa đường, gây ùn tắc giao thông, làm mất trật tự nơi công cộng.
Trong những ngày 9,10,11 tháng 6 tại nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng mà Quốc Hội đưa ra bàn thảo.
Đợt biểu tình tự phát này được đánh giá là lớn nhất kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam.

Tài sản tu sĩ Cao Đài không theo Nhà nước lại bị đốt phá

Theo RFA-2018-11-09   
Ông Hứa Phi và dụng cụ bị đốt cháy.
Ông Hứa Phi và dụng cụ bị đốt cháy.-Courtesy of FB Hứa Phi
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cho biết nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa bị công an đốt sau khi ông đi gặp phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11 vừa qua tại Sài Gòn cùng một số vị lãnh đạo tôn giáo khác.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 9 tháng 11, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết diễn biến:
“8/11/2018 tôi có vô thăm rẫy cà phê của chúng tôi. Tôi vô thấy cái nhà trong vườn cà phê để sản xuất cửa đã bung ra rồi, bên trong cháy hết 3 phòng. Trong đó gồm dụng cụ sản xuất nông nghiệp, tủ lạnh, máy giặt này kia cũng cháy tan hoang hết.”
Ông Chánh trị sự Hứa Phi đưa ra lập luận về đối tượng gây ra vụ phá hoại như vừa nêu mà theo ông là công an địa phương:
“Trước đó ông Thịnh và ông Vinh, công an huyện Đức Trọng, nghĩa là những người công an mật, an ninh, cũng đã vô nhà hỏi rồi. Chiều mùng 4 tây đến khuya mùng 4 rạng mùng 5, người ta thấy tôi đang ở Sài Gòn, đang ở trong đó thì người ta tức giận vì canh gác cả đêm mà giữ tôi không được nên người ta tức, người ta đốt tất cả những dụng cụ tôi sản xuất.”
Ông Hứa Phi là người mạnh mẽ lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Hà Nội đối với Đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên; cũng như đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo Chánh trị sự Hứa Phi, đây không phải là lần đầu tiên ông bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp, ngăn cấm đi gặp các phái đoàn ngoại giao, tổ chức nhân quyền.
Gần đây nhất, Chánh trị sự Hứa Phi cho biết ông đã bị công an địa phương mặc thường phục đến nhà vào chiều ngày 22/6, đánh đập đến bất tỉnh rồi cắt râu của ông. Nguyên nhân được cho biết là do ông nhận được giấy mời từ Đại sứ quán Úc để gặp các viên chức đại sứ quán vào ngày 25/6.

Dân biểu Thụy Sĩ: ‘Ông Tô Lâm nên trả tự do cho bà Trần Thị Nga’

VOA Tiếng Việt/09/11/2018 
Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Dân biểu Tiểu bang Geneve Anne Marie Von Arx-Vernon.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Dân biểu Tiểu bang Geneve Anne Marie Von Arx-Vernon.
Bà Anne Marie Von Arx-Vernon, Dân biểu tiểu bang Geneve của Thụy Sĩ, nói với VOA rằng Bộ Công an Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga.
Trong lá thư gởi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm vào tháng trước, Dân biểu Arx-Vernon đã yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động Trần Thị Nga, kêu gọi giới chức trách tôn trọng quy tắc của LHQ trong việc đối xử với tù nhân lương tâm, cũng như yêu cầu ngưng việc chuyển trại bà Nga đến những nơi xa gia đình.
Bà Arx-Vernon trả lời phỏng vấn VOA bằng tiếng Pháp qua lời thông dịch của ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ – Việt Nam Cosunam.
Bức thư của Dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon gửi Bộ trưởng Tô Lâm. Photo Cosunam
Bức thư của Dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon gửi Bộ trưởng Tô Lâm. Photo Cosunam
“Tôi đã gửi một bức thư cho ông Bộ trưởng (Bộ Công an Việt Nam) và tôi muốn sẵn sàng dấn thân để giúp đỡ, an thiệp cho mọi trường hợp của tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Mỗi lần họ cần đến tôi thì tôi sẵn sàng can thiệp, làm mọi cách để kêu gọi chính phủ Thụy Sĩ can thiệp, đặc biệt là trường hợp bà Trần Thị Nga.”
Tôi muốn sẵn sàng dấn thân để giúp đỡ, an thiệp cho mọi trường hợp của tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon
Trong thư gửi ông Tô Lâm, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, và ông Phạm Hải Bằng, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, bà Arx-Vernon nhấn mạnh: “Chúng tôi viết thư ngỏ này đến ông sau khi được biết tin từ những nguồn khả tín về điều kiện giam cầm khắc nghiệt của bà Trần Thị Nga, công dân Việt Nam, người đang chịu mức án 9 năm tù tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, cách nơi thường trú của bà hơn 1300 cây số.”
Dân biểu Tiểu bang Geneve đồng thời là người đại diện Nhóm Bảo vệ quyền con người và Đấu tranh chống hành hung phụ nữ lên án việc chính quyền Việt Nam sách nhiễu bà Nga trong trại giam: “Ngày 17/8, qua trung gian người thân, bà (Nga) đã báo cho chúng tôi biết là bà đã bị người cùng phòng giam đánh đập dã man và hăm dọa sát hại.”
Ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ - Việt Nam Cosunam.
Ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ - Việt Nam Cosunam.
Ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ – Việt Nam Cosunam nói:
Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ những năm qua rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là sau thảm họa môi trường Formosa, các vụ cướp đất của dân oan...
Nguyễn Đăng Khải, Uỷ ban Cosunam
“Tôi nghĩ bản án 9 năm tù của bà Nga, bị giam ở nhà tù xa nhà 1300km là bản án phi pháp. Bà Nga không có tội gì mà phải bị bản án quá nặng nề như vậy. Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ những năm qua rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là sau thảm họa môi trường Formosa, các vụ cướp đất của dân oan, an toàn thực phẩm, nền giáo dục bị xuống cấp…”
Bà Trần Thị Nga tại phiên tòa ở tỉnh Hà Nam, ngày 25/7/2017. (Ảnh: VietnamNet)
Bà Trần Thị Nga tại phiên tòa ở tỉnh Hà Nam, ngày 25/7/2017. (Ảnh: VietnamNet)
Bà Trần thị Nga, 41 tuổi, bị bắt ngày 21/1/2017 với cáo buộc là có các hành vi “phỉ báng chính quyền” và “gieo rắc tư tưởng phản động.”
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm 25/10 phát đi thư ngỏ khẩn cấp kêu gọi mọi người trên thế giới viết thư gửi cho tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang gặp nguy hiểm trong trại giam.
Theo Ân Xá Quốc Tế, viên chức trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, gần đây thông báo bằng miệng với gia đình bà Nga rằng bà bị kỷ luật vì “không tuân thủ quy định của trại giam.”

Ngưng nói được không?

Theo VOA-Trân Văn/09/11/2018 
Ông Trọng là người nói "Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!"
Ông Trọng là người nói "Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!"
Nếu giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục minh định, tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của họ là bất di, bất dịch, họ nên ngưng nói. Tuy không bình thường nhưng ngưng nói là giải pháp hữu hiệu để giảm trọng lượng của gánh nặng tinh thần mà công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang mang và may ra có thể giúp củng cố nỗ lực giữ gìn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”…
***
Dư luận Việt Nam tiếp tục bị khuấy động vì những tuyên bố của giới lãnh đạo Việt Nam.
Hạ tuần tháng 10, tại diễn đàn Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, thỏ thẻ trình bày ba giải pháp để chỉnh đốn lĩnh vực y tế nước nhà. Tuy các đại biểu Quốc hội bật cười khi bà Tiến ví von ba giải pháp ấy như ba chân: Chân phải, chân trái và chân… thứ ba (!) nhưng dân chúng Việt Nam cười không nổi.
Nhiều người mỉa mai bà Tiến - đã vận dụng hình tượng ba chân, sao không huỵch toẹt chân thứ ba là… chân giữa luôn cho đúng… kiểu (?). Nhiều người khác thở dài vì viên chức cỡ Bộ trưởng Y tế lại tiếp tục ví von một cách dung tục. Ví von dung tục, xiển dương kiểu tư duy – gợi ý hạ cấp dường như đang là mốt.
Hồi đầu năm, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, từng ví von quê hương của người Việt như một cô gái “chỗ nào cũng đẹp”, thành ra phải lựa chọn cẩn thận kẻ muốn “vào”. Theo lối ví von ấy, quê hương của người Việt chẳng khác gì một ả điếm hạng sang thành ra cần làm giá.
Trươc sự phẫn nộ của công chúng về hình tượng và lối ví von của bà Tiến, Mion – facebooker thực hiện trang facebook Nhật Ký Yêu Nước lý giải đó là do: Tiến hồi xuân. Tiến nhớ nhân dân. Lâu rồi nhân dân không chửi Tiến, Tiến thèm. Đề nghị nhân dân luôn nhớ Tiến.
Cũng đã có một số người khen kiểu chọn hình tượng – ví von của bà Tiến như Nguyen Quang Lap: Không thể thiếu chân… thứ ba là phát biểu chân thật nhất của bà Tiến, kể từ ngày bà trở thành bộ trưởng. Song có một số facebooker không thể bỡn cợt nổi nên nhận định đầy cay đắng như Pham Nguyen Truong: Trong Trại súc vật do bọn lợn bốn chân cai trị thì động vật hai chân bị kỳ thị. Trong số động vật hai chân thì có bọn tuy hai chân nhưng mang não của loại bốn chân, bốn lần vinh quang thành ra những người như Chu Hảo, Nguyên Ngọc bị kỳ thị, Bộ trưởng Giáo dục nói ngọng, nữ bộ trưởng đòi phải có chân… thứ ba, sinh viên được bán dâm bốn lần.
***
Dư luận chưa kịp lắng xuống vì nữ Bộ trưởng Y tế Việt Nam khăng khăng khẳng định, y giới nước nhà cần cái chân… thứ ba thì lại bị Thủ tướng Việt Nam khuấy lên. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, tới lượt mình, trong vai người đứng đầu nội các, ông Nguyễn Xuân Phúc ví von: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.
Trước, ông Phúc từng tỏ ra ham thích đặc biệt hình tượng “đầu tàu”. Đi đến đâu, trò chuyện với địa phương nào, ông Phúc cũng ví von, khuyến khích nơi đó trở thành… “đầu tàu”. Tuy nhiên hình tượng và lối ví von này không ổn. Ai cũng có thể thấy, nếu 63 tỉnh – thành phố trên toàn Việt Nam là 63 “đầu tàu” vận động theo nhiều hướng khác nhau như Thủ tướng Việt Nam mong mỏi, chắc chắn đoàn tàu Việt Nam sẽ “trật” khỏi đường ray.
Có thể vì hình tượng “đầu tàu” khiến nghi ngại của thiên hạ về chuyện đầu… Thủ tướng dường như bất ổn càng ngày càng tăng, lần này, ông Phúc chuyển sang dùng hình tượng… “đàn chim”. Không rõ ông Phúc nhặt hình tượng đàn chim ở đâu nhưng tiếc cho ông Phúc là hình tượng đàn chim cũng không khiến hình ảnh Thủ tướng trong mắt dân chúng Việt Nam dễ coi hơn, trí tuệ hơn.
Tại sao?
Ngay sau khi Thủ tướng Việt Nam sử dụng hình tượng… đàn chim và ví von – khuyến khích những con chim cuối đàn nuôi dưỡng khát vọng bay nhanh hơn để gia nhập vào nhóm đầu đàn, có những facebooker như Ba Kiem Mai lập tức viết ngay ít dòng… phụ đạo cho Thủ tướng…
Sở dĩ các đàn chim luôn di chuyển theo hình chữ V ngược và chỉ có một con dẫn đầu vì đó là con chim thuộc loại khỏe nhất đàn (leader). Chim leader không chỉ dẫn đường mà còn dùng sức để chống lại sức cản của không khí và gió. Theo sát phía sau ở hai bên chim leader là những con yếu hơn một chút (winger). Lý do hai con chim này lùi về phía sau một chút và bay ở mức thấp hơn chim leader một chút là để hưởng lực nâng lên của luồng khí quẩn (turbulence) hình thành từ lực do chim leader đập cánh tạo ra nên đỡ mất sức hơn...
Cứ thế, những con chim khác trong đàn (các winger) tuần tự bám theo nhau, duy trì khoảng cách và cao độ theo phương thức vừa kể. Làm khác đi, winger sẽ lìa đàn bởi không còn được nương nhờ lực nâng do đàn tạo ra. Không đủ sức rướn lên để hợp đàn trở lại thì winger chỉ còn nước đáp xuống đất, chờ cho đến khi đủ sức để thiên di theo đàn khác…
Ba Kiem Mai nhắc thêm, nhân loại học được điều này từ lâu và từ lâu đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ thể thao (chẳng hạn đua xe đạp – cũng có những leader cản gió cho đồng đội bám theo phía sau cho tới khi cần bứt phá để chuyển sang nhóm khác), cho tới quân sự (Formation flight – đội hình bay hợp đoàn - của không quân). Hình như Thủ tướng nằm trong nhóm rất ít không học, chẳng đọc thành thử ví von trớt hướt. Trong status “Thủ tướng ví von sai quy luật tự nhiên”, Ba Kiem Mai khều nhẹ: Người thông thái nói câu ngắn nhưng hàm lượng thông tin cao, hình tượng chọn để ví von đúng với quy luật tự nhiên. Chẳng hạn, Giáo sư Ngô Bảo Châu ví von: Bám theo lề là việc của những con cừu chứ không phải của con người tự do – rõ ràng là đúng qui luật di chuyển của động vật móng guốc.
Khều như thế dường như nhẹ quá. Chẳng lấy gì làm chắc là ông Phúc biết mình bị khều!
***
Ví von “đàn chim” còn đang khiến dư luận xôn xao thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước, nhập cuộc. Ngày 3 tháng 11, tại buổi gặp đại diện ngành Giáo dục và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Trọng tuyên bố: Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!
Lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào thì ai cũng thấy, cũng biết, thành ra tuyên bố vừa kể của ông Trọng chẳng khác gì kích nổ trái bom có sức công phá cao. Có facebooker như Vanhoa Le khái quát: Đọc xong… phấn khích ngay. Bạn của Vanhoa Le như Tuyet Nguyen thì than: Nghe xong muốn trụy tim. Hoa Binh Nguyen rủa: Sao ngộ ? Bọn này từ thằng bé đến thằng lớn hễ mở miệng là… bốc mùi! Cũng có những facebooker như Tuấn CoN không giữ được bình tĩnh nên nặng lời: Người ta nói miệng quan, trôn trẻ. Miệng mấy thằng cán bộ già như đ.. trẻ con quả thật không sai.
Trong bối cảnh như hiện nay, với bối cảnh xã hội, nhân tâm như đã dẫn, ngưng nói hình như là giải pháp có thể thực hiện ngay để không gây nguy hại thêm cho thanh danh, uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, không vét chút tin yêu còn sót lại đổ đi, đó cũng là cách để tính mạng, sức khỏe đồng bào không bị những căn bệnh mãn tính liên quan nhiều đến cảm xúc như huyết áp, tim mạch đe dọa. Chẳng biết giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có hiểu điều đó hay không?

Vai trò trí thức trong chế độ XHCN Việt Nam

Theo VOA-Thiện Ý/09/11/2018 
Thẻ Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Thẻ Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tin tổng hợp giới truyền thống quốc tế và Việt Nam cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, vì cho rằng ông “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khi xuất bản những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Ngay sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Tri Thức, vì những căn cứ trên, giới trí thức phản ứng mạnh bằng cách tuyên bố công khai từ bỏ đảng, thậm chí từ chức. Các trí thức trong số 13 người vừa tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam nói với VOA rằng họ “quá bức xúc” vì Đảng “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, Đảng “đã chọn sai đường”, và họ dự báo rằng con số thoái đảng “sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo”.
Trước sự kiện trên, người viết tự hỏi “Vai trò của trí thức trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa tại Việt Nam” bao lâu nay là gì vậy?
Để trả lời câu hỏi tự đặt ra này, chúng tôi lần lượt trình bày: (1) Ý nghĩa từ ngữ trí thức và giai cấp trí thức, (2) vai trò của trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (3) Nhận định về hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ đảng CSVN.
I - Ý NGHĨA TỪ NGỮ TRÍ THỨC VÀ GIAI CẤP TRÍ THỨC
Theo từ điển Hán-Việt của học giả Đào Duy Anh, trí thức (Intellectual) là những người có “tri thức” (Knowledge). Nghĩa là “những điều người ta vì kinh nghiệm hoặc học tập mà biết, hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết”. Còn giai cấp trí thức (Intellectuals class) là “những người trong xã hội thuộc về hạng có tri thức, đã từng chịu giáo dục khá cao”. Nghĩa là những người mà xã hội thường gọi là trí thức khoa bảng đỗ đạt các văn bằng cao như cử nhân, tiến sĩ , luật sư, bác sỹ, kỹ sư… chẳng hạn.
Trong xã hội dưới chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam xưa, giai cấp trí thức là những người có học thi đỗ đạt ra làm quan lớn nhỏ trong hệ thống công quyền quốc gia và được sắp xếp thứ bậc là giai cấp đứng đầu trong xã hội “Sĩ, nông, công, thương, binh”. Không biết có phải vì thế trong dân gian với có câu phiếm “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chậy rông thì nhất nông, nhì sĩ” chăng?
Trong xã hội ngày nay dưới các chế độ dân chủ pháp trị thì các nhà trí thức không nhất thiết tham gia vào guồng máy công quyền mà có tự do chọn lựa ngành nghề trong xã hội thích hợp theo khả năng văn bằng.Nhưng trong xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, Việt Nam nói riêng, thì vai trò của trí thức có khác.
II - VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC TRONG CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trong chế đô độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giai cấp trí thức được giáo dục đào tạo theo qui hoạch, để phục vụ cho các chủ trương chính sách cai trị vì lợi ích của đảng cầm quyền duy nhất là đảng CSVN. Nghĩa là tạo ra các trí thức “vừa hồng, vừa chuyên”, là vừa thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản (hồng) và kiến thức chuyên môn theo ngành học (chuyên). Nhưng khác với chế độ quân chủ chuyên chế xưa, “chế độ chuyên chính vô sản” xã hội chủ nghĩa lại sắp xếp giai cấp trí thức đứng đầu các giai cấp cần phải cải tạo hay tiêu diệt nếu không thể cải tạo hay thuần hóa thành công cụ của “Đảng và chế độ CS” được. Công cuộc cải tạo hay thuần hóa thường được thực hiện triệt để trước và một thời gian nhất định sau khi “cướp được chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo phương trâm “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn”. Vì sao?
Vì trên bình diện lý luận Marxist-Leninist, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Vì vậy sau khi cướp được chính quyền cần cải tạo toàn diễn xã hội cũ, trong đó có con người cũ mà giai cấp trí thức cũ (tiểu tư sản) là ưu tiên cải tạo hay thuần hóa hàng đầu. Vì trong các giai cấp cũ, trí thức là loại cứng đầu, do có trình độ hiểu biết, sống có lý trí nên chủ nghĩa cộng sản khó mê hoặc hơn những giai cấp khác, như giai cấp địa chủ (The landlord class), giai cấp nông dân (The peasant class), giai cấp tư sản (The capitalist class); và ngay cả giai cấp công nhân (The working class) mang danh “giai cấp vô sản” (The proletarian class). Trong cuộc đấu tranh giai cấp, công nhân hay giai cấp vô sản được chủ nghĩa cộng sản coi là lực lượng nòng cốt, tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng vô sản” triệt để (vì không có tư sản ngoài bàn sức lao động cho tư bản, “nếu có mất thì chỉ mất cái xiềng xích, mà được toàn thề giới”…), để xây dựng “một xã hội không còn cảnh người bóc lột người” (xã hội chủ nghĩa). Giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản,cướp chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vẫn theo lý luận Marx-Lenine, đảng cộng sản là “Đội tiên phong của giai cấp vô sản, là thành phần tiên tiến và ưu tú của giai cấp công nhân” v.v... Thế nhưng thực tế, giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng, các nước có chung hiểm họa cộng sản nói chung đều thấy rõ “giai cấp vô sản” hay “giai cấp công nhân” cũng như nông dân và lao động nghèo đã chỉ là giai cấp lót đường cho đảng cộng sản thực hiện tham vọng độc quyền thống trị, độc quyền áp bức, bóc lột. Vì đảng CSVN khi chưa cướp được chính quyền “những giai cấp thấp cổ bé miệng” này đã phải hy sinh nhiều nhất kể cả sinh mạng. Nhưng sau khi nắm quyền thống trị rồi, các giai cấp được “uống nước đường”, cho đi “tàu bay giấy” này lại là giai cấp đã bị áp bức, bóc lột nhất bởi một tập đoàn thống trí mới, để phục vụ cho quyền và lợi ích trên hết và trước hết của một giai cấp mới: giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền,lắm bạc nhiều tiền, sống vinh thân, phì gia một cách “vô tư”…gây phẫn nộ toàn xã hội, nhưng nếu giám phản kháng sẽ bị các lực lượng “chuyên chính vô sản”(!) đàn áp thẳng tay, không thương tiếc.
Đó chính là thực tế Việt Nam sau khi đảng CSVN cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự vào ngày 30-4-1975, cộng sản hóa Miền Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thật vậy, vận dụng lý luận của chủ nghĩa cộng sản Marx- Leninne, để tiến hành công cuộc “đi lên chủ nghĩa xã hội” tại Việt Nam, Nghị quyết của Đại hội IV năm 1976 của Cộng đảng Việt Nam đã đưa ra “Đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước” như một định thức chỉ đạo là “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt…”.
Để thực hiện dịnh thức trên, đảng và nhà cầm quyền CSVN đã tiến hành các cuộc cải tạo các mặt như thế nào nhân dân trong nước, nhất là nhân dân Miền Nam từng sống dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) đều đã biết.Riêng các trí thức cả hai miền Bắc Nam sau ngày thống nhất, hiển nhiên không cần nói ra thì ai cũng đã biết chính sách cải tạo giới trí thức như thế nào. Riêng người viết cũng đã từng được học tập cải tạo tư tưởng qua các lớp họp tập chính trị ngắn ngày dành cho giới trí thức và còn được học toàn thời gian dài ngày về chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenine. Nhưng kết quả thực tế đã không cải tạo được người viết để có cơ hội tiến thân trong chế độ mới(1). Trái lại người viết đã chấp nhận là kẻ “Phản động” chống lại đảng và chế độ để vào tù (2).
III - NHẬN ĐỊNH
Trước hiện tượng một số nhà trí thức đồng loạt từ bỏ đảng sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo,một công thần của chế độ, một trí thức lớn xã hội chủ nghĩa từng lập nhiều công trạng với đảng và nhà cầm quyền CSVN, chúng tôi có vài nhận định sau đây:
1 - Trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam bao lâu nay giới trí thức chỉ là những “công cụ tri thức” của đảng Cộng sản Việt Nam, là “chất xám” sau khi được “cải tạo” thành chất “vừa hồng, vừa chuyên”, để sử dụng vào “công tác tư tưởng” trên mọi lãnh vực đời sống xã hội.
2 - Giáo sư Chu Hảo bị Đảng kỷ luật đưa đến phản ứng của 13 nhà trí thức lớn cùng tuyên bố ra khỏi đảng, đều là những nhà trí thức xã hội chủ nghĩa “vừa hồng vừa chuyên”, khác với số đông các nhà trí thức khác tại Việt Nam “không vào đảng CS” vì có “chuyên” mà “không hồng”. Vì ở cái tuổi giáo sư Hảo sinh năm 1940 cũng như các vị trí thức cùng trang lứa, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa Miền Bắc sau 1954, đều được giáo dục đào tạo theo khuôn mẫu để thành “trí thức xã hội chủ nghĩa” (vừa hồng vừa chuyên) nên được kết nạp vào đảng Cộng sản Việt Namlà bước vào hàng ngũ giai cấp công nhân để làm cách mạng xây dựng chủ nghĩ xã hội.Trong suốt thời gian dài giáo sư Chu Hảo đã từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong bộ mày đảng và nhà nước XHCN. Thế nhưng trong những năm cuối đời, Ông lại như “phản tỉnh” có những hoạt động tri thức đi ngược lại với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, trái với giáo điều chủ nghĩa xã hội mà đảng đã và đang tiếp tục theo đuổi (Dù chủ nghĩa xã hội đã ở Giờ Thứ 25, mà chính Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Tọng từng tỏ ra hoài nghi không biết đến cuối Thế Kỷ này Việt Nam đã có xã hội chủ nghỉa hay chưa). Chẳng hạn, với cương vị là Giám đốc-Tổng biên tập nhà xuất bản Tri Thức, Ông đã cho phát hành những cuốn sách của các nhà tư tưởng dân chủ Phương Tây, bị xem là “trái quan điểm” của Đảng là những sách về triết học, chính trị-kinh tế học như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền” của John Locke,“Nền Dân Trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville…Những cuốn sách này vẫn được giới trí thức Việt Nam xem là “tinh hoa” tri thức mà NXB Tri Thức cố gắng mang đến cho người dân Việt Nam.
Tất nhiên, ông bị “Đảng ta” kỷ luật là vì “những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng…”. thì đúng rồi còn gì? Sau đó ông tuyên bố ra khỏi đảng, có lẽ như “giọt nước cuối cùng làm tràn ly” tư tưởng phản tỉnh hình thành từ lâu trong đầu ông chăng?
3 - Qua phát biểu với VOA của một số trong 13 vị trí thức vừa tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng họ quá bức xúc vì Đảng “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, Đảng “đã chọn sai đường”, và họ dự báo rằng “con số thoái đảng sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo”. Nhưng chúng tôi và có lẽ nhiều người Việt Nam không cộng sản khác, thì nghĩ rằng, đảng CS V N chưa bao giờ “phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc” mà chỉ phục vụ lợi ích của đảng CSVN (cụ thể là các cán bộ đảng viên CS nắm quyền) và quốc tế cộng sản (cụ thể là các đế quốc CS Nga-Tàu), phản dân tộc. Và vì vậy “Đảng ta’ đã “chọn đúng đường” chứ không “chọn sai đường” đâu.
Chúng tôi nghĩ rằng, những phát biểu này chỉ là cách “nói lái hay nói lách” theo cách nói của Tổng Bí thư đảng cộng sản Nam Tư Minovan Djilas trước đây sau khi phản tỉnh muộn màng, rằng “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có cái đầu”.Trên diễn đàn này chúng tôi đã có bài phản biện, rằng “ 20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới rời bỏ cộng sản là không có trái tim”. Vì chúng tôi cho rằng 20 tuổi là tuổi bắt đầu trưởng thành có đủ đầu óc, trí khôn để tránh được tính mê hoặc, không tưởng của chủ nghĩa cộng sản.Sau đó, nếu đã lỡ theo cộng sản “vì không có cái đầu” thì sau một thời gian ngắn theo đảng CS, qua các hành động giã man tàn ác thực tiễn của CS thì phải “phản tỉnh” để từ bỏ CS càng sớm càng tốt chứ? Chẳng qua, cách nói của Tổng Bí thư đảng CS Nam Tư, chỉ là sự ngụy biện cho việc tin theo đảng cộng sản trong quá khứ là một sai lầm chính đáng, không thể tránh được của tuổi trẻ trước tính mê hoặc của chủ nghĩa cộng sản (Một xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người,công bằng, làm theo năng lực, hưởng theo sức lao động bỏ ra (xã hội XHCN) tiến tới xã hội cộng sản viên mãn, không còn giai cấp,không còn nhà nước,các quan hệ xã hội vận hành tự động, tự giác,tài hóa dư thừa, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầuị, không còn biên giới quốc gia, tiến tới thế giới đại đồng, con người được sống ấm ho tự do, hạnh phúc tuyệt vời như Thiên đường của Thiên Chúa giáo hay Niết Bàn của Phật giáo…) !?!.
IV - KẾT LUẬN
Sự khi bị đề nghị thi hành kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, giáo sư Chu Hảo đã tự ý rút ra khỏi đảng CSVN, kéo theo nhiều nhà trí thức lớn, có thể coi là một hiện tượng “phản tỉnh tập thể” chưa từng có trong hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Mặc dầu đa số các nhà trí thức lớn này đã phản tỉnh khi đã về hưu, sau một thời gian dài cung hiến chất sám “vừa hồng, vừa chuyên” cho đảng cộng sản Việt Nam xây vinh quang. Thế nhưng hành động rời bỏ đảng tập thể này vẫn là điều được nhiều người trân quý vì đã góp phần vào sự gia tốc tiến trình dân chủ hóa Viêt Nam. Vì các đảng viên trí thức chính là bộ não của đảng CSVN. Một khi bộ não teo dần, đảng CS V N ngày một suy kiệt, sự tiêu vong của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam sẽ là một tất yếu, vấn đề chỉ còn là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Vì vậy, đa số quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước ước mong các nhà trí thức đảng viên CS nói riêng, các đảng viên cộng sản nói chung, hãy có hành động thức thời để cứu dân cứu nước thoát họa cộng sản vong nô, phản dân tộc, đã áp đặt nhiều năm qua, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho Đất nước và Dân tộc. Trông đợi ước mong của toàn dân Việt sớm trở thành sự thật.

Thiện Ý
Houston, 2-11-2018

Ghi chú:
(1). Trong bài viết trước đây trên diễn đàn này “Vì sao tôi từ chối vào đảng Cộng sản Việt Nam”, người viết đã nói rõ lý do.Việc được nhà trường gửi cho đi học các lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày hay học về chủ nghĩa cộng sản Marxist-Leninnist dài ngày, có lẽ là do chi bộ đảng nhà trường có ý định kết nạp người viết vào đảng. Vì khi đưa đề nghị kết nạp vào đảng ( tháng 1-1978) Thiếu úy công an khu vực trường học tên S. (là Trung tá Trưởng công an một quận nội thành vào năm 1992 khi gia đình tôi rời Việt Nam) đã nói tôi được quan tâm bồi dưỡng là vì “đồng chí có lý lịch tốt, (thuộc thành phần lao động nghèo, có cha đi kháng chiến chống Pháp ); có năng lực, nhiệt tình và ảnh hưởng quần chúng…”.
(2) Thế những tôi đã từ chối khéo. Vì lúc đó đang tham gia Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức bị coi là “phản động” vì chống lại đảng và chế độ độc tài CS. Đúng là tôi đã “ không uống rượu mời, mà uống rượu phạt” như lời cán bộ T.A.N Đội Trưởng Đội chấp pháp (điều tra, xét hỏi) vụ án có lần nói với tôi sau khi bị bắt cầm tù. Nhưng tôi không chút hối tiếc nào, mà tự hào vì đã chọn lựa đúng theo những gì mình cho là đúng, là chân lý, lẽ phải.

Đà Nẵng cưỡng chế giải tỏa chùa An Cư

VOA Tiếng Việt/09/11/2018 
Image result for Facebook
Đại đức Thích Thiện Phúc và các phật tử chùa An Cư sau khi chùa bị cưỡng chế và san bằng sáng ngày 09/11/2018. Facebook Thich Thien Phuc.
Sáng ngày 9/11, chính quyền Đà Nẵng đã cưỡng chế giải tỏa chùa An Cư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thiết lập cơ sở hạ tầng cho mục đích thương mại, theo tin từ trụ trì chùa.
Ngay sau khi chính quyền thực hiện cưỡng chế, Đại đức Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư tọa lạc ở xã An Hải Bắc, quận Sơn Trà, buộc phải rời khỏi cở sở thờ tự tăng lập này để tá túc ở một ngôi chùa khác thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại đức Thích Thiện Phúc chia sẻ với VOA:
Việc giải tỏa để phóng đường chỉ là cái cớ thôi, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất luôn nằm trong tầm ngắm của họ, họ muốn xóa sổ đi.
Thích Thiện Phúc
“Lúc 8 giờ sáng thì ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND Phường An Hải Bắc đọc lệnh cưỡng chế. Việc giải tỏa để phóng đường chỉ là cái cớ thôi, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất luôn nằm trong tầm ngắm của họ, họ muốn xóa sổ đi. Dự án đã có từ năm 2003-2004, bây giờ họ chỉ đền bù cho có thôi.”
Trong một video trên Facebook của thầy Thích Thiện Phúc cho thấy chính quyền sử dụng cần cẩu để san bằng chùa An Cư dưới sự chứng kiến của các tăng ni và Phật tử.
Luật sư Võ An Đôn viết trên Facebook rằng trong việc cưỡng chế này chính quyền quận Sơn Trà “có nhiều điểm sai: bồi thường quá thấp, thu hồi 332m2 đất nhưng chỉ hỗ trợ 160m vuông tái định cư, thu hồi đất mặt đường nhưng hỗ trợ đất trong hẻm giá trị thấp... là không đúng pháp luật.”
Thầy Thích Thiện Phúc cho VOA biết chính quyền Đà Nẵng không chấp nhận sự tồn tại của chùa An Cư, họ từng ngăn trở Phật tử đến chùa, và sách nhiễu các tăng ni khi họ dâng lễ, bản thân ông bị cô lập và cấm đoán nhiều lần, chỉ vì ông từng lên tiếng cho tự do tôn giáo.
“Hoàn toàn không có tự do tôn giáo, chỉ là một cái bánh vẽ thôi. Nếu cơ sở thờ tự nào theo Nhà nước, theo Đảng thì được tồn tại, còn cơ sở nào không theo Nhà nước thì chắc chắn bị loại bỏ, bị đàn áp. Các thầy và phật tử bị xa cách, hương linh ở tù không được thắp hương, bản thân tôi bị cô lập hoàn toàn.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn USCIRF tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn, ngày 5/11/2018. Photo: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất)
Hòa Thượng Thích Không Tánh phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn USCIRF tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn, ngày 5/11/2018. Photo: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất)
Chư tăng và Phật tử vô cùng xót xa, lo lắng cho hoàn cảnh của Thượng tọa và Phật tử chùa An Cư sẽ giống như tình trạng đau thương của chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Hôm 5/11, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã lên tiếng về việc cưỡng chế chùa An Cư, nói rằng: “Chư tăng và Phật tử vô cùng xót xa, lo lắng cho hoàn cảnh của Thượng tọa và Phật tử chùa An Cư sẽ giống như tình trạng đau thương của chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.”
Cũng hôm 5/11, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm từng bị cưỡng chế năm 2016, đã cùng các thành viên trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã có cuộc gặp với phái đoàn của Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi Mỹ tăng áp lực với chính quyền Hà Nội để dân “được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ.”

Bà mẹ có con nhỏ bị giam hơn 2 tháng tại Sài Gòn vì ‘có ý định biểu tình’

Bà mẹ có con nhỏ bị giam hơn 2 tháng tại Sài Gòn vì ‘có ý định biểu tình’
Ảnh: FB Nguyễn Thúy Hạnh
Trong khi một chiến dịch truy bức để trả thù những người biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng từ hồi tháng 6 đến nay vẫn chưa chấm dứt, các nguồn tin trên mạng xã hội cho biết, một bà mẹ đơn thân có con nhỏ từ tỉnh Bình Thuận đã bị công an bắt giữ hồi đầu tháng 9 ở Sài Gòn đến nay chưa thả.
Theo thông báo của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh trên Facebook, người phụ nữ này là bà Đoàn Thị Hồng, 35 tuổi, ở Hàm Tân, Bình Thuận. Bà Hồng bị bắt vào ngày 2 tháng 9 khi đang có mặt ở Sài Gòn, và lý do dường như là vì bà “có ý định biểu tình.”
Theo gia đình bà Hồng, công an không hề đưa ra lệnh bắt cũng như không thông báo cho gia đình. Phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm khắp các đồn công an, gia đình mới tìm thấy bà Hồng ở trại giam của bộ công an CSVN ở Phan Đăng Lưu. Nhưng tới nay, công an chưa cho bà Hồng gặp gia đình hay luật sư. Gia đình cũng chưa nhận được bất cứ thông báo nào về việc bắt giữ hoặc nguyên do bắt giữ bà Hồng. Đứa con gái hai tuổi rưỡi của bà Hồng hiện được gửi tạm tại nhà ông bà ngoại ở tỉnh Bình Thuận.
Theo tổ chức NOW! Campaign, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN đã kết án gần 100 người tham gia các cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mạng và luât đặc khu, với các mức án tổng cộng hơn 200 năm tù.
Huy Lam / SBTN