Thursday, July 30, 2020

Tòa giảm 3 tháng tù cho 2 tài xế chống "BOT bẩn" dù không xin giảm nhẹ hình phạt

RFA-2020-07-30 

Hai người chống BOT bẩn Bùi Mạnh Tiến (trái) và Đặng Thị Huệ (phải)

Hai người chống BOT bẩn Bùi Mạnh Tiến (trái) và Đặng Thị Huệ (phải)-Photo: RFA

Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên giảm 3 tháng tù giam mỗi người đối với ông Bùi Mạnh Tiến và bà Đặng Thị Huệ (hay còn gọi là Huệ Như) với cáo buộc tội danh "gây rối trật tự công cộng".

Phiên tòa phúc thẩm xử hai tài xế bắt đầu từ ngày 29-7 và kéo dài đến sáng ngày 30-7 mới tuyên án, theo đó ông Tiến phải chịu mức án 15 tháng tù giam và bà Huệ phải chịu mức án 39 tháng tù giam do cộng với bản án 24 tháng tù giam trước đó.

Trưa ngày 30-7, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho hai người này nhận định về bản án này như sau:

"Thật ra cái việc giảm án giống như một động tác xoa dịu sự việc đi chứ thật ra thì cả hai bị cáo: cô Huệ Như và anh Bùi Mạnh Tiến đều không có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Họ không hề kháng cáo điều này, họ kháng cáo xác định là họ vô tội và cái bản án sơ thẩm tuyên có tội là họ bị oan.

Vì vậy cho nên là bản án phúc thẩm giảm hình phạt nhưng mà họ nói là chấp nhận một phần kháng cáo đó là việc không đúng, tại vì họ kháng cáo đâu có xin giảm nhẹ đâu.

Ở đây, tôi đánh giá đây có một động tác giống như là xoa dịu bớt đi cái sự sự vô lý của vụ án và hơn nữa trong diễn biến của vụ án, trong phiên xét xử phúc thẩm thì cái cô kiểm sát viên hầu như như bào chữa rất là sơ sài.

Ví dụ như các luật sư nêu quan điểm 10 thì khi cô ấy (đại diện Viện Kiểm Sát) tranh luận lại hầu như chưa được 1, còn những điểm mà cô ấy có sự tranh luận thì hầu như đều bị các luật sư bác bỏ yêu cầu tranh luận lại, hoặc là yêu cầu giải thích rõ hơn từng điểm thì cô ấy cũng làm một cách hết sức chiếu lệ.

Thậm chí cô ấy đưa ra rất nhiều lý do không chính đáng và cũng không đúng quy định của pháp luật nữa."

Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu căn cứ vào quá trình tranh tụng giữa luật sư với Viện Kiểm sát thì lẽ ra tòa phải tuyên cả hai người vô tội.

Theo bản án sơ thẩm, chiều 11-6-2019, bà Huệ mượn ô tô của người quen rồi nhờ ông Tiến lái xe chở đi giải quyết công việc.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, khi đến Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Tiến lái xe đi vào làn thu phí số 2 nhưng cả hai không đồng ý trả tiền, với lý do bản thân không đi đường tránh Vĩnh Yên, đồng thời yêu cầu nhân viên Trạm thu phí cho xem các văn bản quy định về việc thu phí tại trạm.

Lúc này, nhân viên Trạm BOT cùng lực lượng chức năng Công an huyện Sóc Sơn giải thích, yêu cầu chấp hành mua vé theo đúng quy định, nhưng cả hai ngồi trên xe, dùng điện thoại quay video phát trực tiếp diễn biến sự việc lên mạng xã hội.

Bản án sơ thẩm cho rằng, việc làm của hai bị cáo khiến các phương tiện phía sau không thể di chuyển qua Trạm trên làn số 2, gây ùn tắc kéo dài.

Tuy nhiên, về điểm này luật sư Đặng Đình Mạnh lại cho rằng, trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội bài có quy định một xe qua trạm không được dừng quá 5 phút, khi cả ông Bùi Mạnh Tiến và Đặng Thị Huệ đang ở đây được 3 phút để hỏi văn bản cho phép thu phí thì trạm đã cho nhân viên dùng chướng ngại vật chặn đầu và đuôi xe nên cả hai không di chuyển được.

Thêm vào đó, cả hai đều không quậy phá gì trong suốt gần một tiếng đồng hồ khi sự việc xảy ra.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài từ cuối năm 2018 bị giới tài xế phản đối vì họ không đi qua tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nhưng vẫn bị thu phí khi đi qua đây.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trạm này được nhà nước chuyển giao cho công ty Vietracimex từ năm 2009, đến ngày 1-1-2011, công ty này được thực hiện thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT đầu tư xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên.

Hồi tháng 2 năm nay, trả lời kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về việc xóa bỏ trạm thu phí này, Bộ GTVT cho biết, "đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tích cực đàm phán với các nhà đầu tư của hai dự án nêu trên để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, bất cập tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Đồng thời, với việc dừng thu phí hoàn vốn tại dự án BOT quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, trên cơ sở đó Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận."

Tạp chí Nhân quyền do Hà Nội phát hành chục năm qua, ai đọc?

RFA-2020-07-30 

Tạp chí Nhân quyền Việt Nam.

Tạp chí Nhân quyền Việt Nam.Nguồn: VOV

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam vào ngày 30/7 đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ra Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số đầu tiên.

Theo tin VOV loan đi, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam được xem là tạp chí chuyên ngành hàng đầu về quyền con người ở Việt Nam với nhiều bài viết phản ánh thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó đã góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, làm cho bạn bè quốc tế hiểu đúng hơn về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Bên cạnh đó, những bài viết được đăng tải trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam còn có tính nghiên cứu, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch hoặc kết hợp đưa thông tin về tình hình nhân quyền trên thế giới, quan điểm của cộng đồng quốc tế về vấn đề quyền con người để định hướng dư luận…

Trao đổi với RFA tối 30/7, Nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn bày tỏ ngạc nhiên về sự việc này:

“Lần đầu tôi nghe có Tạp chí Nhân quyền, điều này tôi rất ngạc nhiên. Chắc giống tất cả những việc đối phó với thế giới, chẳng hạn như về tổ chức xã hội dân sự chẳn hạn. Cũng rất nhiều tổ chức xã hội dân sự do đảng lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Việt Nam lại đứng trên nhà nước Việt Nam nên những tiếng nói đối lập hoặc tiếng nói phản biện thì không có chỗ đứng trong những tổ chức xã hội dân sự độc lập mà chỉ có trong tổ chức xã hội dân sự là cánh tay nối dài. Tất cả báo chí, tạp chí Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, tất cả đều dưới đảng cộng sản. Tất cả để phù hợp với các tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các công ước mà đảng cộng sản ký với quốc tế. Tạp chí nhân quyền mà ngay quyền ngôn luận, quyền lập hội không có thì nghe nó hài hước.”

Đồng quan điểm vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cũng cho biết ông chưa bao giờ đọc Tạp chí Ngân quyền và có lẽ những người Việt Nam cũng chưa bao giờ đọc. Ông nhận định:

“Tôi nghĩ việc của họ là họ cứ phải tuyên truyền. Thực sự nhân quyền ở Việt Nam bây giờ bị vi phạm một cách hết sức trầm trọng nhưng họ luôn luôn nói rằng thành tích nhân quyền của họ rất tốt vì họ đã mang lại xóa đói giảm nghèo cho bao nhiêu triệu người… rồi họ nói người Việt Nam có đủ mọi quyền. Đấy là một cách tuyên truyền thường xuyên của một chế độ độc tài lâu nay vẫn vậy.”

Với kinh nghiệm bản thân từng bị cầm tù vì những bài blog của mình, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, hiện đang ở Sài Gòn cho rằng đây là một bước đi mới của chính phủ Hà Nội để che đi hiện thực trái ngược:

“Họ kỷ niệm 10 năm đặt trong bối cảnh hiện nay thì họ xới xáo vấn đề để cho thấy Việt Nam đang cải thiện nhân quyền nhưng tôi cho rằng điều đó không thể nào đánh lừa bất cứ ai. Vì Tạp chí nhân quyền này ra đời 10 năm mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy bằng mắt và cầm trên tay. Điều đó để nói rằng nó không có sức hút vì nó không phản ánh những vấn đề trầm trọng đang diễn ra về nhân quyền tại Việt Nam. Thực tế 10 năm qua thì vấn đề nhân quyền ngày càng xuống dốc thảm hại trên mọi quyền của con người: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đi lại… Hiện tờ tạp chí làm chuyện kỉ niệm chẳng qua là hình thức và không thay thế cho nội dung tình trạng mất nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.”

Vào ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới hằng năm. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt lĩnh vực.

Đến ngày 23/6 vừa qua, báo cáo của một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 (Project 88) với tên gọi Báo cáo 2019 về các tù chính trị và nhà hoạt động có nguy cơ ở Việt Nam cho rằng chính phủ Hà Nội trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội.

Cụ thể, có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ trong năm 2019 vì các hoạt động ôn hoà của họ. Báo cáo của Dự án 88 đánh giá rằng con số này thấp hơn con số 148 người bị bắt giữ trong năm 2018 khi nổ ra những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

Mới đây nhất, 10 tổ chức Xã hội Dân Sự Quốc tế vào ngày 13/7 đã công khai thư ngỏ kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tù nhân lương tâm và thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội ký kết.

Thư ngỏ được ký bởi đại diện 10 tổ chức gồm Ân Xá Quốc tế, Người Bảo vệ Nhân quyền, Các Chương trình về Tự do Biểu đạt của PEN America, Hiệp Hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, VOICE, Safeguards Defenders, People In Need, Project 88, Vietnamese Democracy Activist.

Đại diện ký tên của 10 tổ chức vừa nêu bày tỏ lo ngại về biện pháp đàn áp leo thang của chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập và giới bất đồng chính kiến trước đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.

Trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ đi và bị thế giới chỉ trích, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mục đích của Tạp chí Nhân quyền mà chính phủ Hà Nội cho ban hành chỉ dành cho chính những người viết ra và một số người trong bộ máy dùng để ca ngợi chế độ.

Còn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam mang tính chất giống các tờ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản… tức xuất bản để phát cho những người trong hàng ngũ lãnh đạo nhưng có đọc hay không lại là vấn đề khác.

Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Ngọc Gà cũng bày tỏ nghi ngờ đối với nội dung Tạp chí Nhân quyền đăng tải liệu có phản ánh đúng thực tế tình hình trong nước hay như những lời báo chí tán thưởng:

“Tôi nhớ ông Nguyễn Văn Hưởng là người đầu tiên viết trên Tạp chí Nhân quyền số ra đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Thứ trưởng Bộ Công An. Bài viết có tựa ‘Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam’ thì ngay cách đặt vấn đề của ông Hưởng đã sai rồi vì nhân quyền có giá trị phổ quát chứ không phải nhân quyền Việt Nam. Đồng thời trong bài viết này ông Nguyễn Văn Hưởng đánh đồng vấn đề nhân quyền chỉ có quyền ăn thôi, đó là thú quyền chứ không phải nhân quyền.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng người đứng đầu Tạp chí Nhân quyền là ông tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, người trùm chà đạp lên nhân quyền mà đi viết về nhân quyền là điều rất trớ trêu!

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ 21/5 đến 24/6, chính phủ Hà Nội đã cho bắt giữ hàng loạt các nhà báo độc lập và những người hoạt động dân sự đưa thông tin lên mạng xã hội. Cụ thể gồm Nhà văn Phạm Chí Thành, hay còn gọi là Phạm Thành; nhà báo Nguyễn Tường Thụy - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập; anh Lê Hữu Minh Tuấn - thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập; tù nhân đất đai Cấn Thị Thêu cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và dân oan Nguyễn Thị Tâm.

Do đó, Nhà bào Nguyễn Ngọc Già cho rằng nhân quyền ở Việt Nam không thể nào được cải thiện tốt đẹp nếu chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam vẫn còn tồn tại.

“Mọi lời bào chữa, biện minh của nhà cầm quyền quyền cộng sản Việt Nam không có giá trị trên trường quốc tế và ngay cả trong nội tại nước Việt Nam.”

Sài Gòn ra công văn ‘khẩn’ cấm tụ tập, đóng cửa quán bar, vũ trường

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Toàn bộ 180 quán bar, vũ trường ở Sài Gòn phải dừng hoạt động, việc tập trung quá 30 người nơi công cộng cũng bị cấm kể từ 0 giờ ngày 31 Tháng Bảy, cho đến khi có thông báo mới.

Đây là hai nội dung quan trọng trong quyết định “khẩn” được ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thành phố ở Sài Gòn, ký ban hành chiều 30 Tháng Bảy, nhằm phòng chống COVID-19 ở Sài Gòn, theo đề nghị của Sở Y Tế thành phố và căn cứ thông báo của Văn Phòng Chính Phủ CSVN.

Theo đó, Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đề nghị các ngành, các cấp chính quyền “tuyệt đối không được chủ quan lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, yêu cầu chủ tịch quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn; khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới.”

Đề nghị người dân “thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị.”

Đặc biệt, tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường; dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác… Khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ… Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện…).

Công văn “khẩn” vừa ký của Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Giới hữu trách Sài Gòn cũng khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết phải tổ chức trực tiếp “phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.”

Ngoài ra, đối với “các hoạt động mang tính cấp thiết” của các ngành, chẳng hạn như ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải được tiếp tục, nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành trong lúc tổ chức thực hiện.

Động thái này được đưa ra sau một ngày Sài Gòn ghi nhận hai ca dương tính SARS-CoV-2, đều đến từ Đà Nẵng là bệnh nhân 449, võ sư người Mỹ, 57 tuổi, và bệnh nhân 450 là vợ ông võ sư, 46 tuổi, người Việt Nam, chấm dứt 117 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đô thị lớn nhất Việt Nam.

Một quán bar ở phố Tây Bùi Viện, quận 1, phải đóng cửa trong đợt dịch trước. (Hình: Duyên Phan/Tuổi Trẻ)

Trước khi được phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân 450 đi lại nhiều nơi, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, đến bệnh viện Chợ Rẫy ở quận 5, sau đó là bệnh viện Quốc Tế City ở quận Bình Tân, rồi về nhà ở quận 8, thuê khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11…

Đáng lưu ý, Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật ở Sài Gòn (HCDC) đang phát thông báo “khẩn” truy tìm tài xế xe Grab đã chở bệnh nhân 450, do bà này không đặt xe qua app nên không có thông tin về tài xế. (Tr.N) [qd]

Sập giàn giáo ở Hà Nội, 3 công nhân tử vong, 1 nguy kịch

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tối 30 Tháng Bảy, một vụ sập giàn giáo nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình xây dựng tòa nhà trên đường Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương.

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Khánh, trưởng Công An phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết khoảng 7 giờ 45 phút tối cùng ngày, một nhóm công nhân đứng trên giàn giáo để gắn kính ở tầng 6 cho khách sạn Hướng Dương đang xây ở đường Nguyễn Công Trứ, thì bất ngờ giàn cẩu đổ sập khiến cả nhóm rơi xuống đất.

“Tôi đang ngồi uống nước cách đó 5 mét thì giật mình khi nghe tiếng kính vỡ và tiếng va đập mạnh. Tôi vội chạy đi vì sợ hãi, quay lại đã thấy bốn người gồm một nữ, ba nam nằm bất động dưới lòng đường,” anh Dương Bảo Minh (34 tuổi, ở số nhà 20 Nguyễn Công Trứ) kể với báo VNExpress.

Một số người dân cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, họ đã báo cho giới hữu trách. Tuy nhiên nhận được tin báo, khoảng 20 phút sau công an phường mới đến hiện trường. Sau đó xe cứu hộ mới chạy đến chuyển các nạn nhân đi. Đến 9 giờ tối, lính cứu hộ đưa xe thang đến tháo dỡ giàn cẩu kính bị gãy treo lơ lửng.

Thượng Tá Trương Đức Dũng, phó trưởng Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy và Cứu Nạn Cứu Hộ Công An Hà Nội, cho biết khi kiểm tra hiện trường thấy giàn giáo đã gãy đôi trong lúc thi công. Do các công nhân không có dây bảo hiểm nên đã ngã xuống đất, khiến ba người tử vong tại chỗ, một người bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Giàn cẩu kính bị đổ sập. (Hình: Tất Định/VNExpress)

Theo bà Pham Thị Thảo, người bán hàng gần đó, tòa nhà nơi xảy ra tai nạn là khách sạn Hướng Dương, cao tám tầng, rộng khoảng 200 mét vuông, được xây từ Tháng Năm, 2019, đã gần hoàn thiện.

“Mọi khi dự án này không làm tối, hôm nay mới thấy thi công vào buổi tối,” bà Thảo nói với báo VTC News.

Hiện trường đã được giới hữu trách phong tỏa, cấm người ngoài không được vào nhằm bảo vệ để khám nghiệm, điều tra nguyên nhân. (Tr.N)

Hãy nhìn những gì Trung Quốc làm, đừng nghe những gì Trung Quốc nói

ký sinh trùng trung quốc

Khánh An dịch

(VNTB) – Mô hình ký sinh trùng Bắc Kinh làm suy yếu kinh tế toàn cầu khiến các chủ thể truyền thống nghèo đi. 

Một trong những tình huống phức tạp nhất vào lúc này là sự thay đổi về bản chất các trong mối quan hệ quốc gia với Trung Quốc.

Trong trường hợp mối quan hệ Mỹ-Trung, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất muốn sử dụng các từ cả tích cực và tiêu cực nhằm tạo ra một ấn tượng về sự bình đẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Những gì Trung Quốc nói

Cách đây vài năm, Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng thành lập nhóm G2 gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai chính phủ bình đẳng với sự ưu việt hơn hẳn các quốc gia khác. Qua đó Bắc Kinh muốn thể hiện ngụ ý rằng thế giới nên được chia thành hai phạm vi ảnh hưởng kiểu thuộc địa, một cho Hoa Kỳ và một cho Trung Quốc.

Điều này là rõ ràng. Vào năm 2008, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Timothy J. Keat đã nói với Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Hoa Kỳ về một bình luận của một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc: “Vì chúng tôi phát triển tàu sân bay, tại sao chúng ta lại không thỏa thuận, các anh và chúng tôi? Các anh lo phía đông Hawaii. Chúng tôi lo phía tây phía tây. Chúng ta sẽ chia sẻ thông tin và các anh không cần phải triển khai lực lượng hải quân phía tây Hawaii.”

Trong khi các đồng minh của Mỹ ở phía tây Hawaii tin lời nói của Trung Quốc và ngày càng lo ngại, những người ở Washington dường như chấp nhận phần lớn ý tưởng không thể tránh khỏi của G2, điều này mang lại lợi nhuận tài chính và cơ hội cho các cá nhân trung gian quan trọng như một số CEO, học giả người Mỹ , các nhà phân tích chính sách, chính trị gia, chuyên gia tư vấn … Khi bị nghi ngờ, thì họ lại dùng thuật ngữ “sự trỗi dậy ôn hoà của Trung Quốc”.

Gần đây, đặc biệt là do sự quản lý sai lầm của Bắc Kinh ít nhất là trong dịch Covid-19, việc Bắc Kinh xâm lược trên đất liền và trên biển, đàn áp ở Hồng Kông, và cả những phát ngôn về việc giữ lại thuốc kháng sinh để gây áp lực cho Mỹ, thuật ngữ này đã chuyển thành “ly hôn với Trung Quốc”, ít nhất là về mặt kinh tế.

Từ “ly hôn” một lần nữa ngụ ý tình huống liên sự bình đẳng, cộng thêm yếu tố là ly hôn là một từ mang tính tiêu cực, có cảm xúc sâu sắc đối với nhiều người là một điều nên tránh nếu có thể.

Ly hôn” là một từ phù hợp với Bắc Kinh nhưng cũng hoàn toàn không chính xác.

Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa bao giờ “kết hôn với nhau”, về mặt kinh tế hay bất kỳ mặt nào khác. Một cuộc hôn nhân là sự hợp tác khen ngợi, chia sẻ, tin tưởng, trong đó cả hai bên đều giàu lên và mạnh mẽ hơn.

Mối quan hệ Mỹ-Trung giống như mối quan hệ giữa vật chủ và ký sinh trùng.

Những gì Trung Quốc làm 

Kể từ ít nhất là những năm 1970 và tăng tốc kể từ khi gia nhập WTO, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các thực thể có liên quan đã bám lấy Hoa Kỳ và các quốc gia khác thăm dò các điểm xâm nhập, các hệ thống, hút vốn và sở hữu trí tuệ, làm suy yếu hệ thống phòng thủ, sửa đổi hành vi, phản ứng trung lập và lan rộng từ đó. Trung Quốc khiến cho “vật chủ” của họ trở nên ốm yếu và mất phương hướng. Mặc dù, ít nhất là lúc ban đầu “vật chủ” thường hoan nghênh loại ký sinh trùng này.

Trung Quốc gọi cách tiếp cận này là quyền lực quốc gia toàn diện, và bao gồm cả những huyết mạch xen kẽ như kinh tế, ngoại giao, quân sự, không gian mạng và quyền lực mềm.

Nếu nghĩ rằng đây là một lời nói quá? Các tác động thể hiện rõ hơn ở các nền kinh tế nhỏ hơn. Ví dụ, Vương quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương, dân số 100.000 người. Trong vòng hai mươi năm gần đây, các cửa hàng của Trung Quốc chiếm khoảng 90% lĩnh vực bán lẻ. Phần lớn các sản phẩm bày bán có nguồn gốc từ Trung Quốc, và hầu hết lợi nhuận đều trở về Trung Quốc.

Đây là không phải là tham gia kinh tế bình thường. Có những mối liên hệ giữa các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc và một số người ra quyết định quan trọng ở nước này, tạo điều kiện cho hành vi bất hợp pháp và tham nhũng, làm méo mó thêm thị trường và nền chính trị. Các cửa hàng thường bán các mặt hàng đã hết hạn hoặc dán nhãn sai, che giấu doanh thu và chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi Tonga. Về cơ bản, hoạt động của chúng giống hoạt động ở Trung Quốc, họ làm tất cả những gì có thể để không bị trừng phạt. Đại sứ quán Trung Quốc không hỗ trợ điều tra, kiểm tra lý lịch hoặc chia sẻ thông tin.

Đây không phải là đề cập đến các cá nhân, dân tộc Trung Quốc chăm chỉ. Nếu họ có mối quan hệ gia đình hoặc kinh doanh với đại lục, và ai đó có quyền lực trong hệ thống Trung Quốc muốn họ làm điều gì đó, họ không có nhiều sự lựa chọn. Họ buộc phải song hành với hệ thống.

Đây là về việc xuất khẩu hệ thống bòn rút và khai thác cơ bản của Trung Quốc cũng như những gì mà Trung Quốc đang làm ở nước sở tại. Với các quốc gia như Tonga, kết quả là liên tục rút vốn về Trung Quốc để mua hàng nhập khẩu của Trung Quốc để bán tại các cửa hàng, và rồi các chủ cửa hàng sau đó gửi tiền lã về Trung Quốc. Họ cũng tạo ra một môi trường mà các cửa hàng địa phương không thể cạnh tranh với nhau, họ tạo ra tham nhũng và làm sai lệch quá trình ra quyết định.

Ở một mức độ nào đó hoặc khác, việc tập trung vào các khu vực mềm và / hoặc chiến lược tập trung này đã xảy ra ở vô số các lĩnh vực khác ở rất nhiều các quốc gia khác. Gần đây, Bắc Kinh phàn nàn vì Ấn Độ đã chặn 59 ứng dụng do Trung Quốc sản xuất ở Ấn Độ. Hoàn Cầu Thời Báo đã cho hay rằng lệnh cấm có thể gây thiệt hại 6 tỷ đô la cho công ty internet ByteDance của Trung Quốc, cho thấy các ứng dụng của Trung Quốc hút bao nhiêu tiền từ các nền kinh tế chủ thể. Một lý do khác cho quyết định này là Delhi lo ngại rằng các ứng dụng này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Vào giữa tháng 6, gần như cùng lúc quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao tranh ở Ladakh, một công ty Trung Quốc đã giành được một hợp đồng xây dựng lớn ở Delhi bằng cách thắng thầu một công ty Ấn Độ với một khoản tiền không đáng kể. Các câu hỏi ngay lập tức được đặt ra liệu công ty Trung Quốc bằng cách nào đó đã truy cập giá thầu điện tử của các đối thủ cạnh tranh để giành được hợp đồng. Khó mà biết được. Nhưng nhà hoạch định chính sách ở Ấn Độ dường như nghĩ rằng điều đó phù hợp với những hành vi của Trung Quốc mà họ đã được biết và không muốn gì thêm hơn nữa.

Tất nhiên Bắc Kinh có thể phàn nàn, nhưng họ đã liên tục chặn các ứng dụng nước ngoài hoạt động trong thị trường Trung Quốc. Điều này không chỉ cho phép họ tự bảo vệ khỏi những hành vi bòn rút người khác, mà còn bảo vệ hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc trong khi phát triển và chuẩn bị mở rộng ra bên ngoài. Sự bảo vệ tương tự cho sự phát triển này cũng được áp dụng trong một loạt các lĩnh vực khác như chuyển giao cưỡng chế sở hữu trí tuệ cho các công ty thành lập ở Trung Quốc. Trong những trường hợp đó, họ thậm chí không phải đến quốc gia chủ thể mà các chủ thể này tự để bị bòn rút ở Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không quan tâm và không có khả năng trở thành một đối tác bình đẳng, nơi mọi đối tác cùng phát triển. Bắc Kinh muốn kiểm soát các nền kinh tế khác, hút tiền tăng trưởng để duy trì các mục tiêu của riêng mình.

Nếu bạn muốn xem chuyện trông ra sao, chỉ cần đến các thị trấn sản xuất bị tàn phá trên khắp Hoa Kỳ bị cạnh tranh do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ bòn rút cạn kiệt.

Nếu bạn muốn xem quá trình hoạt động, chỉ cần để mắt đến Hồng Kông. Khi ĐCSTQ mở rộng các ảnh hưởng lên nền kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị, Hồng Kông sẽ co lại và đình trệ, đi từ một trung tâm toàn cầu thịnh vượng thành một cổ đông chết của Bắc Kinh.

Điều này cũng xảy ra với các tổ chức quốc tế mà Bắc Kinh nhắm đến, như WHO. Như trong giai đoạn đầu của đại dịch corona, WHO có vẻ giống như một người truyền tin cho Bắc Kinh chứ không phải một tổ chức khoa học độc lập, lành mạnh.

Tiêu diệt ký sinh trùng

Tất nhiên, điều trớ trêu ở đây là khi mô hình ký sinh ở Bắc Kinh làm suy yếu nền kinh tế và các tổ chức toàn cầu, các vật chủ truyền thống của Trung Quốc đang trở nên nghèo hơn và do đó ít được duy trì hơn. Thời hoàng kim kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện một khi các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản còn mạnh mẽ.

Đó có thể là một trong những lý do tại sao Bắc Kinh bây giờ rất tập trung vào việc bòn rút Châu Phi, Nam Mỹ và các quốc gia khác. Cũng có thể vì sao bị chặn khỏi một thị trường như Ấn Độ có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Các mục tiêu lớn đang dần cạn kiệt. Vì vậy, họ đang bám chặt vào các nền kinh tế đang phát triển, kìm hãm sự phát triển của các quốc gia này bănh việc săn mồi kinh tế (và trong nhiều trường hợp là các khoản vay không khả thi) để nuôi sống Bắc Kinh.

Những người thực sự quan tâm đến người dân Trung Quốc, nên nỗ lực tạo ra các điều kiện để bình thường hoá nền kinh tế Trung Quốc. Ở đâu có nhà nước pháp quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình – những yếu tố cho phép tăng trưởng hữu cơ và bền vững để Trung Quốc thực sự có thể trở thành đối tác toàn cầu cần có. Tất nhiên đây là tất cả những điều này đi ngược lại với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều này đưa chúng ta trở lại với lời nói. Thoát khỏi các yếu tố độc hại của nền kinh tế Trung Quốc không phải là một cuộc ly dị, mà là tẩy giun. Có thể đây là cách duy nhất để vật chủ sống sót và là cách tốt nhất để ký sinh trùng tiến hóa thành một sinh vật tự sinh. Nếu không tất cả chúng ta sẽ có thể cùng bị tuyệt chủng.

Nguồn: https://www.sundayguardianlive.com/news/watch-chinas-actions-dont-listen-words

Ổ dịch Đà Nẵng làm lộ sự tuyên truyền láo khoét của Cộng sản

CTV Danlambao - Trong những ngày gần đây, các bệnh viện Đà Nẵng trở thành ổ lây nhiễm dịch khi hệ thống y tế không truy vết được nguồn bệnh. Các báo cáo thành tích, các bài báo tuyên truyền của Ban Tuyên giáo lần lượt bị bóc tẩy khi bác sĩ thừa nhận Việt Nam không đủ năng lực xét nghiệm cộng đồng.

Sau khi báo Công an Đà Nẵng có bài viết định hướng dư luận về thông tin ca nhiễm F0 là bệnh nhân số 449 (quốc tịch Mỹ), bác sĩ Cao Xuân Minh vừa có bài trả lời Tuổi Trẻ về việc tại sao không xét nghiệm cho người bệnh.

Theo bác sĩ Minh, yếu tố cần và đủ để xét nghiệm cho các ca nghi nhiễm virus Vũ Hán là dịch tể và lâm sàng. Mặc dù các bệnh nhân phát bệnh có triệu chứng lâm sàng về hô hấp, nhưng dưới sự tuyên truyền láo khoét của Cộng sản về chuỗi ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng nên không đủ yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với người mắc bệnh, đi từ vùng dịch trở về.. nên không chỉ định xét nghiệm COVID-19.


Thông tin từ bác sĩ này đã làm lộ rõ bộ mặt của hệ thống tuyên truyền khi hồi tháng 3/2020, báo Chính phủ nổ văng miểng rằng "Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần, kinh nghiệm kiểm soát COVID-19".

Báo chí lề đảng cũng phụ họa khi công bố thông tin Việt Nam có đủ năng lực sản xuất bộ test kits. 20 nước đã đặt mua bộ xét nghiệm từ Việt Nam.

Tuyên truyền mị dân suốt 3 tháng qua rằng mọi thứ đã được kiểm soát để đến khi dịch bùng phát trở lại chưa rõ từ đâu lại lý giải rằng lãng phí tiền bạc là cách chống dịch Vũ Hán của Việt cộng.

31.07.2020

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Cha con bí thư tỉnh ủy dắt nhau đi: Cơ hội nào cho chúng ta?

“…Cơ hội nào khi người dân đi tố cáo ông con và ông bố là người xử lý đây? Cơ hội nào cho con anh và con tôi? Cho những người có chuyên môn nhưng không thể cạnh tranh với cử nhân cờ vua? Cơ hội nào cho môi trường, giống nòi đang bị hủy hoại, đe dọa nghiêm trọng bởi các nhóm lợi ích, gia đình trị?...”

docaocuong05

Bắc Ninh không chỉ được biết đến là cái nôi của quan họ - trung tâm Kinh Bắc cổ xưa, Bắc Ninh còn được biết đến là nơi hình thành lâu đời gắn liền với nền Văn minh sông Hồng.

Nhưng ngày nay, nhiều người dân Bắc Ninh tỏ ra tuyệt vọng khi nhiều con sông đã chết, thêm một tỷ phú “mọc lên” là thêm rất nhiều người dân phải bỏ xứ ra đi, muôn loài tắt thở.

Tôi đã lang thang một mình tới nhiều nơi ô nhiễm nhất Bắc Ninh, tôi đã tới làng giấy Phong Khê và chứng kiến hàng trăm ống khói đen sì, nhiều ống nước thải không qua xử lý trộn lẫn hóa chất vẫn ngày đêm xả thải, nhiều cơ sở hoạt động không phép, nhiều cháu bé phải đeo khẩu trang đi ngủ. Giấy phế liệu được tẩy trắng bằng hoá chất và chở đi muôn nơi.

Tôi đã tới 2 làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá và Quan Độ, cùng thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Mẫn Xá từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp vào 1 trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam, nhìn bầu trời Mẫn Xá phủ đầy sỉ nhôm, tôi không khỏi đau xót và có cảm giác mình đang bước chân vào địa ngục. Rác thải công nghiệp, y tế ở Quan Độ được trộn lẫn để đốt, không qua xử lý nên kim loại nặng ngấm vào đất, nước, dioxin “chạy” thẳng tới xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội từ hơn 10 năm trước khiến nhiều người dân thủ đô cũng bị ung thư và chết theo.

Tôi cũng đã tới làng thép Đa Hội, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, bún Khắc Niệm… cũng buồn nôn, chóng mặt không kém. Người Trung Quốc, các nhà xưởng, cửa hàng ghi bằng tiếng Trung mọc nhan nhản ở Bắc Ninh.

Trong khi Bắc Ninh, và cả Việt Nam đang rất cần những người lãnh đạo có năng lực, có tâm, biết nghĩ cho đời sau thì ông Nguyễn Nhân Chiến - bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh lại để con trai mình là Nguyễn Nhân Chinh - sinh năm 1984, tốt nghiệp ngành cờ vua làm bí thư thành ủy thành phố Bắc Ninh.

Cơ hội nào khi người dân đi tố cáo ông con và ông bố là người xử lý đây? Cơ hội nào cho con anh và con tôi? Cho những người có chuyên môn nhưng không thể cạnh tranh với cử nhân cờ vua? Cơ hội nào cho môi trường, giống nòi đang bị hủy hoại, đe dọa nghiêm trọng bởi các nhóm lợi ích, gia đình trị?

Câu hỏi này, xin dành cho tất cả người dân Việt Nam.

docaocuong06

quehuong_em

Đỗ Cao Cường

Nguồn: facebook.com/docaocuonglieu/posts/3253072291426435

Hai chữ “ăn năn”

TBT Nguyễn Phú Trọng trong cương vị trưởng ban, phát biểu kết luận cuộc họp lần thứ 18 của Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Tham Nhũng hôm 25/7/2020. Ảnh: Báo Lao Động
Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Khi được bầu vào trách vụ tổng bí thư lần thứ hai vào tháng Giêng, 2016, ông Nguyễn Phú Trọng không giấu được sự vui mừng với tuyên bố bất hủ rằng “tôi không ngờ được trung ương tín nhiệm gần… 100%.” Quả thật lúc đó, ông Trọng không vui sao được khi mà phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng tìm mọi cách ăn thua đủ ngay trước thềm đại hội 12.

Vì thế mà ngay sau khi kiểm soát quyền lực trong vai trò tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát động chiến dịch “đốt lò” mà mục tiêu đầu tiên là phanh phui đường dây tham ô của phe Nguyễn Tấn Dũng và sắp xếp lại các phe nhóm nằm dưới sự kiểm soát của ông Trọng.

Hôm 25 tháng Bảy vừa qua,  trong cuộc họp lần thứ 18 của Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng, Chống Tham Nhũng, ông Trọng trong cương vị trưởng ban chỉ đạo đã đăng đàn hãnh diện tuyên bố: “Chúng ta đã làm rất nhiều việc… đã kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, không loại trừ ai trong thời gian qua.” Và ông Trọng nhấn mạnh thêm: “Tất cả các trường hợp bị xử lý đều tâm phục khẩu phục, ăn năn hối lỗi, xin lỗi đảng, nhà nước, nhân dân, xin lỗi tổng bí thư.

Nói cách khác là tất cả những nhân vật bị ông Trọng đưa vào tù đều răm rắp “ăn năn” và “hối lỗi.” Tại sao?

Ăn năn là sự thay đổi trong tư tưởng con người, biết mình làm sai, biết hối lỗi, hàm chứa mong muốn sửa chữa sai lầm của mình để được tha thứ. Nhưng trong trường hợp gọi là “ăn năn” của các quan chức CSVN bị truy tố ra toà về các tội tham ô, không phải họ đã hối lỗi hay biết xấu hổ vì hành vi ăn cắp, chiếm đoạt của dân.

Sự ăn năn – theo nghĩa của ông Trọng – xuất phát từ nhu cầu bản thân, muốn cầu xin một phán quyết nhẹ tội hơn. Nói cách khác, các quan chức ấy xin lỗi đảng, xin lỗi tổng bí thư không phải bày tỏ sự thành khẩn nhận tội mà chỉ mong ông Trọng giảm tội. Thế thôi!

Người ta còn nhớ vào đầu năm 2018 trong vụ án “Cố ý làm trái và tham ô tài sản” tại Tổng công ty PVN và công ty PVC, Đinh La Thăng trong phiên toà cuối cùng trước khi tuyên án đã “cúi đầu xin lỗi đảng, nhà nước…” và xin hội đồng xét xử cho về thăm cha đau nặng, ăn cái tết cuối cùng với gia đình… Còn Trịnh Xuân Thanh thì tha thiết hơn “cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu…”

Thật là một vở bi hài kịch hiếm có, lột tả được sự giả dối, hèn hạ của đám cán bộ cộng sản gọi là cao cấp, khi biết sắp vào lò thì tiếp tục khúm núm xin ân huệ nơi đảng.

Đó là bản chất của thể chế xin-cho, được dùng cho những kẻ có quyền thế đối với kẻ thấp kém hơn nhằm củng cố quyền lực kẻ thống trị. Chính vì thế “xin-cho” là một nguyên tắc bất thành văn mà các phe phái có những lợi ích khác nhau trong đảng dựa vào nhau mà sống. Những vụ truy tố hay kỷ luật gần 300 cán bộ tham ô từ Bộ Chính Trị, trung ương đảng và bí thư các cấp mà ông Trọng khoe khoang trong cuộc họp đều nằm trong khuôn khổ này.

Chẳng những thế, trong nhân dân, trong xã hội đời thường lại càng phải tôn trọng quy định của cơ chế xin-cho này để công việc được trót lọt và cán bộ có cơ hội kiếm tiền trà nước.

Cũng trong kỳ họp thứ 18 nói trên, ông Trọng còn ra chỉ thị xét xử 9 vụ án trọng điểm từ nay đến cuối năm 2020. Đó là những vụ án mà cuộc điều tra kéo dài nhiều năm nay được xới lên vào cuối nhiệm kỳ khoá 12. Như 2 vụ vi phạm liên quan đến đất đai tại TP.HCM SABECO và Dự án số 8-12 Quận 1, hay Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Dự án Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, và vụ TISCO 2 (Cải tạo và mở rộng sản xuất công ty Gang thép Thái Nguyên) mà trách nhiệm có liên quan đến 2 quan chức lớn Vũ Huy Hoàng và Hoàng Trung Hải.

Ông Trọng chống tham nhũng tuy có vẻ rầm rộ nhưng thử hỏi ngoài số năm tù, kết quả việc thu hồi tài sản bị tham nhũng chiếm đoạt hay gọi là thất thoát được bao nhiêu?

Các con số thống kê cho biết trong nửa đầu năm 2020, các cơ quan thi hành án đã thu hồi hơn 37 ngàn tỷ trên cả nước. Còn các vụ án do ban chỉ đạo theo dõi đã thu hồi được trên 11.700 tỷ. Những con số ấy thật quá khiêm nhượng khi so sánh với hàng trăm ngàn tỷ đồng bị quan chức tham nhũng thổi bay. Phải chăng đó là chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ nhưng vẫn “nhân văn” như lời ông Trọng tự khen trước các đồng chí của mình?

Dư luận cho rằng đây chỉ là ván bài nhằm thu hút sự chú ý để người trong đảng và ngoài đảng thấy tổng bí thư rất quan tâm chống tham nhũng…  thế thôi. Còn chuyện Biển Đông, chuyện phục hồi kinh tế hay chuyện chống dịch bệnh trở thành chuyện của ai đó mà thôi.

Phạm Nhật Bình