Wednesday, December 2, 2015

Trách chi những anh quan sứ

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán Việt Nam chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày. - Hương Vũ

Từ xứ Thái trở về, blogger Phạm Hồng Phong có mang theo một câu chuyện làm quà. Dù đã cố nén hết mọi “nỗi niềm,” giọng kể của ông vẫn khiến người nghe muốn ứa nước mắt:

“Bay chuyến cuối cùng trong ngày, từ Don Muang về Tân Sơn Nhất. 

Gặp một nhóm hơn chục người đi tay không, quần áo nhàu nhĩ áo phông trắng thì thành cháo lòng, áo màu thì cáu bẩn, người đi tông, người đi chân đất, ồn ào, nhốn nháo lên máy bay tìm ghế ngồi. Tất cả đều rất trẻ, tuổi từ 20, đến 31.

Khá ngạc nhiên, hỏi ra mới biết anh em ngư dân Sông Đốc - Cà Mau bị cảnh sát biển Thái Lan bắt khi đang câu mực ở Vịnh Thái Lan, tịch thu thuyền, tài sản, án tù 3 tháng. Gia đình vay tiền chạy chọt, ngồi tù được 55 ngày, hôm nay được thả về. 

Cầm vé trên tay nhưng không biết ghế của mình chỗ nào. Mình cùng mấy cô tiếp viên Air Asia hướng dẫn từng chỗ ngồi vì anh em đều lần đầu bị đi bằng máy bay. 

Ngồi hỏi chuyện và nghe kể mới biết sự cơ cực từ ngày bị bắt đến khi được tha.

Để được thả, gia đình phải tự tìm cò, qua Thái, liên hệ Đại sứ quán VN ở Bangkok, xuống Songkhla gặp cảnh sát, cai tù...

Rổ giá để được tự do:

- Thuyền viên 12 -20 triệu/người, 

- Tài công 80 -120 triệu/người tùy tội nặng nhẹ, tùy hứng của cò và cảnh sát.

Tiền vé máy bay riêng, nghe anh em nói là mỗi người 8 triệu nộp cho đại sứ quán mua và làm thủ tục cho cả nhóm, ngồi xe tù, cảnh sát chở tuột ra sân bay, gọi tên từng thằng phát cho cuống vé. (Giá bình thường mua cận ngày thì tối đa cũng chỉ 150$~ 3 triệu ông cụ). Mình bảo anh em, có thể do tiền cò, lệ phí giấy thông hành ĐSQ cấp và xăng xe tù, xe áp tải của cảnh sát Thái nên mới hết 8 triệu, chứ vé mình mua trước đây 5 ngày có 1800 Bath ~ 1,2 triệu.

Được tự do, anh em ai nấy đều phấn khởi, dù về nhà sẽ phải cày cuốc để trả nợ. Thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Anh em kể ở bên đó còn hàng trăm ngư dân VN vẫn đang ngồi tù ở Songkhla, nhiều người không có tiền chạy nên ở tù mấy năm chưa được về. Có ông cụ ở tù lâu, bị đánh đến nỗi mất trí nhớ không biết quê mình ở đâu, gia đình cũng không có ai liên lạc, kể như sẽ ở đó cho đến chết.”

Ảnh: Facebook Phạm Hồng Phong

Chuyện kể của Phạm Hồng Phong, tính đến 9 giờ sáng ngày 29 tháng 11 năm 2015, được 4.357 lượt chia sẻ và 333 lời bình phẩm. Xin trích dẫn một vài:

Chuối Cả Vườn: ĐSQ ăn cơm ngư dân và cò trên lưng ngư dân ư? Bụng bảo dạ không tin nhưng không thể. 

Phuong Nguyen: Bọn ĐSQ VN ở các nước chúng nó cũng là cò chứ là gì! Làm gì cho dân cũng phải tiền, người gốc Việt cũng tiền. Chỉ có dân bản xứ là chưa dám thôi. Thật chứ, dân VN ra nước ngoài muốn đc bảo vệ vẫn phải có tiền. Không ai can thiệp cho. Các nước khác thì họ biết tiền họ xài là do dân trả nên bảo vệ dân là trách nhiệm của họ nên họ làm hết sức mình.

Phạm Chánh Nghĩa: Đ' biết có cái Đại Sứ Quán nào trên thế giới tuyệt vời như cái ĐSQ Việt Nam! Này không nhỉ . Má nó , kinh khủng thiệt.

Nhà Trọ Hà Hằng: Ngư dân đi biển bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải mà để người ta khổ thế à mấy anh lãnh đạo? ĐSQ không giúp gì ư mà lại ăn Tiền vé đến 8 triệu của người ta.

Nguyễn Trần Hoàn: Đại sứ quán là nơi ăn bẩn đó bạn ơi, ở Hàn quốc còn khủng hơn nhiều, giá đổi một cái hộ chiếu khi hết hạn không dưới 300usd, nếu bị mất hộ chiếu thì càng khốn nạn hơn nữa.

Câu chuyện làm quà của Phạm Hồng Phong, cùng những lời bình dẫn thượng, khiến tôi nhớ đến bài viết (“Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Nam”) trên Tuổi Trẻ Online của phóng viên Đình Dân:

“Ở Philippines ngư dân ta đi biển gặp nạn được Dũng giúp đỡ rất nhiều’, ‘Không chỉ những người Việt đi biển gặp nạn ở Philippines biết tới Dũng, mà thậm chí nhiều thân nhân của họ đang sống ở quê cũng lưu trong điện thoại cầm tay cái tên Dũng Việt Nam’... Đó là những thông tin mà tôi nghe được từ nhiều người dân ở đảo Phú Quý. Và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ‘Dũng Việt Nam’ nhân chuyến đi Philippines viết về vụ 122 ngư dân bị giam giữ tại đây...”

“Chiều 23-8, trời Palawan vẫn mưa suốt. Sáng mai là ngày diễn ra phiên tòa xét xử 122 ngư dân nên chiều hôm đó những người từ Việt Nam qua ai cũng bận rộn lo giấy tờ, thủ tục chuẩn bị hầu tòa. Anh Dũng cũng cuống cuồng vừa chạy xe vừa điện thoại liên tục để hẹn các luật sư ở Philippines nhằm thiết kế các buổi gặp gỡ với các luật sư từ Việt Nam qua. Vừa gặp luật sư xong, anh Dũng lại cùng anh Thoại - chủ DNTN Long Hải Long - vào nhà tù để mang thuốc tây và một ít tiền bà con ở đảo Phú Quý gửi cho người nhà của họ trong trại giam. Mưa to ướt hết áo, anh Dũng phải mượn áo một thuyền trưởng mặc vào để chạy tiếp. Thay vội chiếc áo vừa mượn, anh lại quay ngoắt chiếc xe ba bánh ra khỏi cổng nhà tù rồi nói vội: ‘Tôi chạy ra tòa xin cái giấy cho anh em xuống tàu lấy gạo và quần áo’.

“Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi: ‘Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được...’.

“Nhiều lần ngồi tâm sự, xen trong câu chuyện của những tháng ngày bị bắt trên đất Philippines, các thuyền trưởng luôn kể về anh Dũng với vẻ hàm ơn. Ông Trần Hút, người lớn tuổi nhất trong bảy thuyền trưởng, kể: “Những ngày đầu bị bắt lên đây, chúng tôi vừa hoảng hốt vì không biết vì sao mình lại bị bắt, vừa lo lắng vì không người thân thích, không biết đường sá, cũng không biết hải quân Philippines nói gì. Chúng tôi cứ như người câm điếc, may mà có Dũng..”

“Một số ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Thuận kể rằng từ năm 2004 đến nay, anh Dũng đã giúp đỡ khoảng 30 nhóm ngư dân Việt Nam bị mắc nạn và trôi dạt vào vùng biển của nước bạn. Anh nói anh giúp các nhóm ngư dân những việc như phiên dịch, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, giúp ngư dân từ việc làm giấy tờ cho đến đi chợ, mua card điện thoại..."

“Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. ‘Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn - một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi: Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm. 12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết”. 

“Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines...”

Anh Dũng trong cuộc làm việc với luật sư Philippines - Ảnh: Đình Dân

Ủa, cái ông Dũng này là ai mà sao rảnh rỗi và “bao la” dữ vậy cà? Xin hãy nán đọc thêm một đoạn ngắn nữa, về người đàn ông Việt Nam vô cùng nhân ái và tháo vát này:

“Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Philippines này là một người bán giày dép trên hè phố...” 

Anh Dũng (thứ hai từ trái) làm phiên dịch trong buổi khám sức khỏe cho ngư dân - Ảnh: Đình dân

Coi: một người dân Việt lam lũ, vợ dại con thơ, đang lưu lạc nơi đất lạ xứ người mà chăm lo cho những đồng hương của mình từ A tới Z (cung cấp tọa độ nơi ngư dân bị bão đánh chìm thuyền cho hải quân Phi, tham vấn với luật sư bản sứ, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, vào tù thăm non tiếp tế cho đồng bào đang bị giam dữ, rồi cùng đi với họ ra toà...) như vậy thì các Toà Tổng Lãnh Sự và Đại Sứ Quán VN làm gì?

Chỉ làm... tiền thôi!

Chớ họ còn có lựa chọn nào khác nữa đâu. “Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán Vn chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày.”

Bởi vậy, đừng ngạc nhiên (và cũng đừng buồn) khi thấy trên trang mạng xã hộ dân sự (Tôi & Sứ Quán) có những dòng chữ rầu rĩ thế này đây:

Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco xin lỗi và hoàn trả tiền lạm thu sau khi một thành viên Tôi và Sứ quán khiếu nại suốt 5 tháng.

Thành viên Tôi và Sứ quán phản ánh lạm thu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa, Canada tới các đại biểu quốc hội sau khi không nhận được phản hồi từ Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền.

Thành viên Tôi và Sứ quán phản ánh tình trạng lạm thu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Sứ quán VN ở Bỉ “chưa sẵn sàng đối thoại.”

Ông Đỗ Xuân Cang trước cửa Lãnh Sự Quán Việt Nam, tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc. Nguồn ảnh: ĐCV.

Ngay tại Việt Nam mà qúi vị lãnh đạo có ai thiết tha gì đến chuyện bảo vệ ngư dân, ngư trường, biển đảo, môi trường, và sức khoẻ của người dân đâu (tất cả chỉ chăm lo vơ vét thôi) thì trách chi những anh quan sứ.

02/12/2015

Dân oan biểu tình đòi quyền tư hữu đất đai

Trần Quang Thành (Danlambao) - Sáng nay ngày 2/12/2015, trước trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại số 1 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội, dân oan ở nhiều địa phương Bắc Trung Nam đã biểu tình đòi quyền tư hữu đất đai. Bà con giương cao biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu với nội dung yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân; còn Đảng cộng sản người dân còn mất quyền làm người; đả đảo chế độ công an trị; đả đảo đảng cộng sản.

Sau đây là một số hình ảnh cuộc biểu tình do dân oan Trương Thanh Quang ở tỉnh Tiến Giang ghi lại.



03/12/2015

Ông Ngô Xuân Phúc tuyên bố rời khỏi đảng

Ngô Xuân Phúc - Tuyên bố sẽ ra khỏi đảng là hành động thể hiện sự phản đối, chống lại cái sai của tòa án, chính quyền và đảng bộ Nghệ An trong việc giải quyết sự việc của tôi. Tôi mong muốn toàn thể đảng viên, nhân dân hãy ghi nhận thời khắc và hành động này một cách tích cực, bởi tôi không có bất cứ một công cụ hay biện pháp nào khác để phản đối cái sai, cái bất hợp lí, bất công và áp bức, trù dập của tòa án, chính quyền, đảng bộ ở Nghệ An. Khi người nắm quyền phản bội lại lời tuyên thệ, đẩy nhân dân, đảng viên không chức quyền vào con đường không lối thoát thì chỉ còn một biện pháp duy nhất để thể hiện chính kiến đó là rời khỏi tổ chức mà những phần tử, cá nhân có tư tưởng, hành động sai đang nắm quyền, đang điều hành.

Tôi nhận thấy sự phản bội cần phải được đưa ra ánh sáng, phải chỉ rõ cho tất cả cùng thấy. Xin cảm ơn và mong rằng từ nay chân lý sẽ có chủ nhân mới ở đất nước này. Tôi từ bỏ đảng vì không chấp nhận quan điểm của những cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết sự việc ủa tôi nhưng không cùng quan điểm và lập trường chính trị với tôi. Sự mâu thuẫn đó cần phải được chấm dứt để tôi thoải mái và không cảm thấy bị lừa dối hơn nữa.

Lựa chọn nào cũng không đơn giản, với 1 năm, 4 tháng là quá đủ để không còn động lực, muốn được tranh luận lần cuối với đảng, chính quyền để củng cố niềm tin hoặc cho rõ sự thẳng thắn và đúng đắn nhưng Tòa không đồng thuận. Họ sợ một quả bom công luận mang tên Ngô Xuân Phúc trước Tòa. Sợ tôi sẽ như những người sáng lập đảng ngày xưa chỉ mặt vạch tên và bảo cho họ thấy cái sai của họ, sự phản bội đảng của họ, phản bội nhân dân của họ.

Nếu cho tôi lựa chọn, tôi nói thật với đảng và nhân dân Việt Nam: Tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường dân chủ và đấu tranh cho quyền lợi đúng đắn của mọi người dân, đặc biệt là dân nghèo; đấu tranh cho những cái đúng. Đáng tiếc là mâu thuẫn ở đây do sự liên kết lợi ích nhóm, việc bảo vệ bầy đàn để trù dập cái đúng và chúng đã sẵn sàng bỏ cả tư tưởng cơ bản nhất của đảng cộng sản, nghĩa là chúng chấp nhận bỏ đảng về bản chất để không thừa nhận tôi đúng thì ra khỏi đảng là điều hợp lí.

Cảm ơn tất cả! Hi vọng tôi và nhân dân sẽ chiến thắng, chân lí sẽ thuộc về người đúng chứ không phải quyền lực. Tôi tin và tâm niệm như vậy.

Vinh, ngày 02/12/2015.

Ngô Xuân Phúc

Dân biết nước sạch bị nhiễm độc nhưng vẫn phải xài

KHÁNH HÒA (NV) Biết nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 1,000 hộ dân ở huyện Khánh Sơn bị nhiễm độc từ thượng nguồn, song chính quyền địa phương vẫn làm ngơ bảo “chờ di dời.”

Theo báo Lao Ðộng, hiện nay suối Gia Ôi, nơi cung cấp nước chính cho nhà máy nước Tô Hạp, đang bị “bức tử” bởi một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật từ việc trồng trọt của hơn 38 hộ dân ở khu vực thượng nguồn. Dọc bờ suối, rất nhiều chai lọ đựng thuốc trừ sâu vứt bừa bãi, thậm chí có người sau khi xịt xong thuốc còn đem cả máy bơm xuống suối súc rửa.


Nhà máy nước Tô Hạp bị nhiễm độc nhưng người dân vẫn phải dùng mỗi ngày. (Hình: báo Lao Ðộng)

Ông Mai Văn Ðạt, cán bộ kỹ thuật Ban Quản Lý các công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Sơn cho biết: “Cách đây không lâu, dòng suối trong xanh, rất nhiều cá tôm, cua ốc,... nhưng nay thì màu xanh biến mất, tôm cá cũng chẳng còn. Tại nhà máy nước Tô Hạp, hầu hết các hạng mục như bể lọc, bể chứa đã cũ, rong rêu bám dày đặc, bể lọc rêu và chất cặn sủi lên đặc quánh.”

Trong khi thừa biết suối Gia Ôi là “đầu vào” duy nhất của nhà máy nước Tô Hạp, cung cấp “mạch sống” cho hàng ngàn hộ dân ở trung tâm huyện, song trả lời phóng viên báo Lao Ðộng, ông Nguyễn Khoa Trưởng, trưởng ban Quản lý các công trình công cộng và môi trường Khánh Sơn, né tránh trách nhiệm cho rằng: “Tôi mới nhận công tác ở đây khoảng hơn một năm, trong khi nhà máy có từ năm 2002 và hiện chỉ có duy nhất một bể lọc, một bể chứa nên không thể làm gì hơn.”

Ông Trưởng nói thêm: “Trong thực tế, người dân ở thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Trung và xã Ba Cụm Bắc mặc dù biết nước sinh hoạt ở nhà máy Tô Hạp đã bị nhiễm độc từ đầu nguồn, nhưng không còn lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận. Chúng tôi đã khảo sát và đề nghị có phương án xây thêm bể lắng, nhưng hiện tại kinh phí chưa có, nên chỉ biết... chờ cấp trên phê duyệt.”

Nói về biện pháp khắc phục, ngày 30 tháng 11, ông Ðinh Ngọc Bình, chủ tịch huyện Khánh Sơn chỉ cho biết, sắp tới sẽ di dời nhà máy nước Tô Hạp sang Sơn Trung nhưng không nói thời gian cụ thể.

Không biết chủ trương di dời nhà máy nước đến bao giờ mới thực hiện được, chỉ biết rằng, mỗi ngày, hàng ngàn người ở Khánh Sơn đang dùng nước bị nhiễm độc. (Tr.N)
12-01-2015 5:21:53 PM 

Hà Nội: Buôn người, bán thận ngày càng tinh vi

HÀ NỘI (NV) - Ông Lê Huy, phó Phòng Cảnh Sát Hình Sự công an thành phố Hà Nội, cho biết như trên tại hội nghị giao ban báo chí do Thành Ủy Hà Nội tổ chức chiều 1 tháng 12. Tin từ báo Tuổi Trẻ.

Thông tin tới báo chí về tình hình tội phạm mua bán người, ông Huy cho biết, tình hình tội phạm mua bán người ở Hà Nội đang có nhiều tiềm ẩn phức tạp, xuất hiện một số thủ đoạn mới.


Những nạn nhân của các nhóm mua bán thận. (Hình: Tri Thức Trẻ)

“Ðối tượng ngoài tỉnh về thuê nhà tại thành phố Hà Nội để tìm các thanh niên khỏe mạnh có nhu cầu bán thận, sau đó cấu kết với các nhóm ‘cò’ ở Sài Gòn, Ðà Nẵng, Nam Ðịnh làm giả giấy tờ và đưa vào bệnh viện Trung Ương Huế bán thận với giá từ 150-200 triệu đồng (khoảng $7,500-10,000). Còn người bán chỉ nhận được từ 100-150 triệu đồng,” ông Huy nói.

Chưa hết, theo ông Huy, các nhóm buôn người còn lợi dụng thành lập công ty tuyển dụng cung cấp nguồn nhân lực trong và ngoài nước để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ xin cấp hộ chiếu, visa và cấu kết với người nước ngoài, chủ yếu là Việt kiều Ðông Âu, Trung Quốc để đưa người ra nước ngoài bán vào các ổ mại dâm hoặc bóc lột sức lao động.

“Từ đầu năm 2015 đến nay, công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra, khám phá 3 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, bắt 5 người, giải cứu 3 nạn nhân,” ông Huy dẫn chứng.
Hiện công an thành phố đã phải phối hợp với tổ chức Rồng Xanh ở quận Hoàn Kiếm để xác minh, giải cứu nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, ông Huy cho biết thêm. (Tr.N)
12-01-2015 5:20:12 PM 

Bàn về chữ nhục thời bây giờ


Chữ “nhục” hay chữ “vinh” không phải mới có bây giờ. Nếu không nhầm, cặp phạm trù đối lập này có từ thời con người bắt đầu ý thức được mối tương quan giữa bản thân với xã hội chung quanh họ. Đương nhiên tùy vào từng bối cảnh, hoàn cảnh mà cặp phạm trù này mang những cái tên khác nhau. Nhưng xét về mặt ý niệm, khái niệm, có lẽ không có gì khác.
Hai chữ “nhục” và “vinh” cũng tùy thời mà người ta định nghĩa, tùy vào kiến văn, tùy vào tri thức và lòng tự trọng cũng như tư tưởng của mỗi người mà có cách định nghĩa về nó. Đây là chuyện vừa nhạy cảm vừa khôi hài, đôi khi cười ra nước mắt. Tuy bên ngoài tưởng như không có gì quan trọng nhưng nó lại liên quan đến những khái niệm khác như “sang” và hèn”. Thậm chí, trên một chừng mực nào đó, có sự tương hỗ, bổ sung giữa hai cặp phạm trù này.
Sở dĩ phải nói chữ “nhục” hay chữ “vinh” là tùy thuộc vào sở tri và định nghĩa của mỗi cá nhân là vì bản chất của “vinh” và “nhục” vẫn chưa bao giờ thay đổi, “nhục” là “nhục” mà “vinh” là “vinh” nhưng do cách định nghĩa, sở tri của mỗi cá nhân lại nên hai chữ này bị đánh tráo, xáo trộn thường xuyên, thời đại nào cũng có kẻ đánh tráo, xáo trộn. Thời đại tốt thì số kẻ đánh tráo, xáo trộn này ít, thời đại tồi tệ thì người ta đua nhau đánh tráo, xáo trộn, tự lừa mị bản thân để được thỏa mãn.
Thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa, hai chữ nhục và vinh bị đánh tráo thê thảm. Sở dĩ hai chữ này bị đánh tráo bởi khái niệm sang và hèn đã bị đánh tráo trước đó. Hay nói cách khác là hệ qui chiếu về chữ nghĩa, về vị thế xã hội thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa hầu như bị sao chép 100% hệ qui chiếu thời phong kiến. Trong khi đó, thời đại toàn cầu hóa, cách nhìn, cách tiếp cận cũng như phương vị của mỗi cá nhân không còn bị giới hạn trọng một hệ tư tưởng độc tài, toàn trị như trước. Chính vì khả năng mở rộng này mà hệ qui chiếu thời Cộng sản trở nên lỗi thời, khủng hoảng.
Với kiểu quan niệm về sang và hèn của thời phong kiến, cứ sang dành chỉ những kẻ làm quan, sống bên trên xã hội, hèn là những thứ dân, không có chức quyền trong xã hội. Cái quan niệm này đem chụp y như vậy lên thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Người dân vẫn cứ quan niệm người sang là phải ngồi trên xã hội, phải được làm quan, phải có chức này chức nọ. Chính vì kiểu quan niệm đầy chất võ đoán như vậy mà hầu hết người dân luôn tỏ ra nễ phục những kẻ làm quan. Và đây là cơ hội để bọn làm quan thả sức làm càn. Vì có làm càn cỡ nào thì họ vẫn cứ là hạng sang. Họ vẫn cứ là những kẻ “vinh dự” bởi họ là quan, họ được sang.
Trong khi đó, bản chất của chữ sang không phải nằm ở chỗ anh ngồi đâu mà là anh làm gì. Chính hành động cao thượng, đẹp đẽ và nhân văn của con người mang lại cho ncon người sự sang trọng. Một người ăn xin chẳng hạn, ông ta xin được một ổ bánh mỳ nhưng thấy người ăn xin khác đói giống mình nhưng chưa có bánh mỳ, ông bẻ nửa ổ để chia sẻ với người ăn xin kia. Hành động này sang trọng và cao quí gấp triệu lần một kẻ giàu có, làm quan cao chức trọng rút ra vài trăm USD tặng cho em chân dài nào đó trong bàn nhậu để đi ăn phở hoặc đi mua thỏi son.
Nhưng trong thời lộng giả thành chân, ít ai thấy được sự sang trọng của người ăn mày nếu không muốn nói trong con mắt thiên hạ, người ăn mày vẫn mãi là người ăn mày cho dù họ có bỏ hết túi tiền ra để cho người khác nghèo khó hơn họ. Nhưng kẻ làm quan ăn trên ngồi trốc chỉ cần cho ai một thứ gì để diễn kịch thì không riêng gì dư luận xã hội mà ngay cả báo chí nhà nước cũng xông vào ca ngợi họ như một điển hình cao quí. Trong khi đó, ít ai suy tư về giá trị thật của hai món quà, một của người ăn mày phải dầm mưa dãi nắng, phải đánh đổi cả sức khỏe, cuộc đời và số phận để có được nó và cho một cách không cần suy nghĩ khi thấy đồng loại khốn khó hơn mình. Còn cái gọi là sang trọng kia, có thể là nguồn tiền tham nhũng, hối lộ, đục khoét tài sản nhân dân, trộm cắp tài nguyên quốc gia… Nhưng khi mang cho ai đó thì cố gắng đánh tiếng cho to tát. Nhưng người đời vẫn nhầm lẫn đó là sang trọng, là lòng tốt. Người ta đã hoàn toàn nhầm lẫn khái niệm giữa sang và hèn.
Bởi chính sự nhầm lẫn khái niệm giữa sang và hèn nên người ta cũng nhầm lẫn dây chuyền giữa nhục và vinh. Một gia tộc có nhiều con cháu làm quan, không cần biết con cháu của họ đã làm gì để được làm quan, trình độ cỡ nào, liêm khiết hay tham ô… Cứ nghe làm quan là thấy vinh cả dòng, càng nhiều người làm quan và chức quan càng lớn thì càng vinh dự, càng tự hào. Thậm chí mới hôm qua con hoạn lợn, bữa nay lên làm bộ trưởng, làm nghị gật hay hôm qua làm anh y tá quèn, bữa nay lên làm bộ trưởng, thủ tướng, không biết gì ngoài thủ đoạn và chui luồn, cố chấp, tài phiệt… Nhưng vẫn thấy rằng đây là niềm vinh dự của tổ tiên.
Những trường hợp như Nguyễn Lân Thắng hay Anh Chí, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Trương Duy Nhất… và rất nhiều trí thức yêu nước khác, hễ cứ nghe những người này bị hành hung, bị bắt nhốt, gán tội để bỏ tù thì ngoại trừ một nhóm nhỏ trí thức trong xã hội thấy bất bình nhà cầm quyền, đồng cảm với người bị hại… Đa phần còn lại đều cho rằng điều này là nhục nhã, tù tội là nhục nhã. Họ không cần biết trắng đen, tốt xấu… Và họ cũng chưa bao giờ định nghĩa được chữ vinh và chữ nhục cho chính xác.
Chính cái nền giáo dục thối nát của chế độ cụng như những chủ trương lớn của đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại suốt mấy mươi năm nay đã làm cho đa số nhân dân trở nên mù quáng và u muội, không thể phân biệt được đâu là nhục, đâu là vinh.
Và cũng chính cái chế độ này mới tạo ra được những con người ngồi ghế bí thư, ghế chủ tịch, thậm chí ghế bộ trưởng, tiền bạc rủng rỉnh, xe cộ láng cóng, nhà năm bảy cái vẫn cứ khai man mình là hộ nghèo để được hưởng trợ cấp. Làm quan hách dịch, tham lam, vô cảm, bị dân lên facebook nhận xét có gương mặt kênh kiệu thì thay vì tự sữa, tự thấy nhục, người ta lại tìm để trả thù bằng cách phạt người nhận xét và những ai đồng cảm, sau đó ra bộ tha thứ. Đến nước này, chỉ có những kẻ bị liệt dây thần kinh mắc cỡ và không thể hiểu được thế nào là nhục mới có thể trơ tráo và hợm hĩnh đến độ như vậy.
Quan lớn ăn lớn, quan nhỏ ăn nhỏ, quan bé tí ăn theo kiểu bé tí, tất cả đang tùng xẻo, xâu xé quốc gia, ăn trên mồ hôi nước mắt của trí thức, của lao động nghèo và cả của những người tứ cố vô thân, quanh năm mặc quần thủng đít phải vá đi vá lại trăm bề… Ăn thông qua thuế, đâu có ai hiểu chuyện này, mà có hiểu thì cũng vậy thôi!
Khi cả một hệ thống quan lại từ trung ương xuống địa phương xem sự nhục là bình thường, đánh tráo nỗi nhục thành cái vinh thì thử hỏi đất nước này sẽ ra gì? Và cách tốt nhất để trả đất nước về trạng thái bình thường là những người không biết nhục cần phải lùi về sống tầng đáy xã hội, để từ đó họ lớn khôn, trưởng thành mà hiểu được thế nào là làm người, thế nào là nhục là vinh. Chỉ có như vậy mới hy vọng đất nước này tiến bộ! Mặc dù chỉ là hy vọng!


Một vở kịch thiểu năng

 12/02/2015 - 15:56 

Kẻ tham nhũng tự nguyện nộp từ 75% tiền tham nhũng trở lên sẽ được miễn án tử hình và cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn phải chịu bốn năm rưỡi tù vì đã bức xúc, đã đấu tranh vì quyền lợi gia đình. Hai câu chuyện này nghe có vẻ không có điểm liên quan nào. Nhưng trên thực tế, nói gần thì nó cho thấy một điểm chung là pháp luật Việt Nam không những lỏng lẻo mà còn là trò hề, nói sâu xa một chút, khi mà huy hiệu đảng Cộng sản còn treo trên tòa án thay thế cho vị trí của nữ thần tự do hay cán cân công lý, mọi phiên tòa ở Việt Nam chỉ mang tính chất là một sân khấu kịch của chế độ mà ở đó mọi thể loại kịch đều có thể được trình diễn.
Vì sao nói vấn đề khai nộp 75% tiền tham nhũng và bốn năm rưỡi tù của cậu bé 15 tuổi có liên quan với nhau? Và vì sao nói rằng tòa án ở Việt Nam là một loại sân khấu kịch của chế độ? Và cả hai câu hỏi này cho ra đáp án gì?
Ở vấn đề thứ nhất, nộp 75% tiền tham nhũng trở lên sẽ được miễn án tử hình. Vấn đề này lại phát sinh hai vấn đề mới, đó là khả năng thật thà của kẻ tham nhũng và sự vẽ đường cho hươu chạy, mối nguy tham nhũng tràn lan. Hay nói cách khác là sự thiếu thông minh của lập pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường sau này.
Bởi lẽ, một khi kẻ tham nhũng còn một chút thật thà, họ đã không tham nhũng, nếu có đủ lương tri và lòng tự trọng, chắc chắn người ta đã không tham nhũng. Và nói sâu xa hơn, nếu hệ thống cầm quyền Việt Nam còn một chút lương tri cũng như lòng tự trọng thì người ta đã không tự biến mình thành một tập thể sâu mọt và đất nước này cũng không đến nỗi bị đục khoét, hỏng hóc như hiện tại.
Chính vì không có lương tri, không được đào tạo trở thành một con người trước khi trở thành một quan chức nên người ta không cần bận tâm gì đến đồng loại hay xã hội. Người ta đã bất chấp trên mọi thứ, miễn sao là đạt được mục tiêu vinh thân phì gia. Và hầu hết giới quan chức Việt Nam đã đạt được mục tiêu vinh thân phì gia một cách mỹ mãn. Để trả giá cho mục tiêu này của họ, người dân càng này càng trở nên khốn đốn bởi giá điện, giá nước, giá xăng tăng một cách khủng khiếp, mọi thứ vật giá cũng leo thang, đồng tiền Việt Nam trở nên nhỏ nhoi, mất giá trị trong khi người lao động kiếm ra nó một cách vất vả.
Và khi phải đối diện với tòa án, đứng trước vành móng ngựa, liệu kẻ tham nhũng có đủ thật thà để khai ra số tiền mà y đã tham nhũng? Bởi những con số tham nhũng bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với con số mà cơ quan chức năng nắm bắt. Vì qui trình điều tra của cơ quan an ninh kinh tế Việt Nam căn cứ vào các mối quan hệ kinh tế cũng như các văn bản liên quan đến đối tượng điều tra để làm bằng chứng. Trong khi đó, tiền tham nhũng là một loại tiền khắc tinh của văn bản và bằng chứng. Chính vì điều này mà nạn tham nhũng tràn lan nhưng những con sâu tham nhũng chỉ bị bắt khi mà sự việc đã xì ra cho cả thiên hạ nhìn thấy. Và kẻ tham nhũng bị bắt ở Việt Nam chỉ đóng vai trò là con dê tế thần để chịu trận thay cho rất nhiều tội lỗi giấu mặt phía sau nó.
Với kiểu quản lý cà rịch cà tàng và với đà tham nhũng tàn bạo như đang thấy, chắc chắn kẻ tham nhũng nếu có chịu nộp 100% tiền tham nhũng thì y vẫn dư được một khoản rất lớn nằm ở các ngân hàng nước ngoài, các tài khoản đứng tên ảo mà y chỉ cần nắm mật mã. Và đương nhiên y phải bằng mọi giá giữ mạng sống để còn cơ hội dùng đến những mật mã tài khoản khi có đủ điều kiện.
Theo hướng này, việc mở ra cơ hội sống nếu chịu nộp 75% tiền tham nhũng là một biểu hiện cho thấy khả năng quản lý kinh tế quá kém của nhà nước và sự bất lực của ngành an ninh kinh tế. Kẻ tham nhũng đã đạt được thế thượng phong mặc dù sắp đối mặt với cái chết. Bởi nếu y chết, số tiền tham nhũng của y sẽ không còn ở Việt Nam. Trong khi đó, nếu để cho y sống, cơ hội vớt vát những đồng tiền tham nhũng đã nằm rải rác ở khắp các ngân hàng thế giới sẽ giúp cho ngân sách nhà nước bớt trống rỗng.
Và điều này cũng cho thấy sự thất bại của chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Một chế độ tồn tại và hoạt động được nhờ vào vay nợ, bán tài nguyên rẻ mạt, bán sức lao động rẻ mạt và thu thuế trên bất cứ thứ gì thông qua thuế giá trị gia tăng. Mọi hoạt động này lại được duy trì và phát huy trên nền cảm hứng tham nhũng của giới quan chức. Và mục tiêu cuối cùng của đồng tiền vay nợ, bán sức lao động, thậm chí bán lương tri để vay nợ lại là tài khoản ở ngân hàng các nước tư bản. Nếu bắn bỏ kẻ tham nhũng, một lượng lớn tư bản sẽ nằm lại vĩnh viễn trong tài khoản của các nước tư bản.
Và phiên tòa xét xử kẻ tham nhũng, đến đây, nó giống như một sân khấu hề để trình diễn vở kịch mà đảng Cộng sản đã dàn dựng nhằm che đậy sự hỏng hóc nội bộ, che đậy cái xấu của hệ thống cũng như trút tội vào một con dê tế thần đang đứng trước vành móng ngựa nhằm xoa dịu dư luận. Một vở kịch không hơn không kém, nó cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam là những khung kịch bản của chế độ, mỗi luật sư, công tố viên, cơ quan điều tra, chánh án, bồi thẩm đoàn, thẩm phán… Đều là những con rối trong vở kịch của đảng Cộng sản.
Cũng chính vì nguyên nhân, lý do này mà mặc dù Việt Nam là nước phê chuẩn sớm nhất trong công ước về quyền trẻ em nhưng là là quốc gia vi phạm quyền trẻ em nặng nề nhất. Sự bất công đối với trẻ em diễn ra khắp mọi nơi, từ công viên đến quán nhậu, đường phố, nhà trường, bệnh viện… Nơi nào cũng có thể bắt gặp những trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em bán sức lao động, làm việc cật lực để kiếm cái ăn, bị giới chủ hất hủi, trù dập, đánh đập, bị đối xử bất công… Và nặng nề nhất là trẻ em dân oan.
Từ những em bé dân oan chưa đầy mười tuổi phải theo cha mẹ ăn nắng ngủ sương ở công viên Lý Tự Trọng, vườn hoa Mai Xuân Thưởng và khắp các vỉa hè Hà Nội, phải đi lượm ve chai kiếm sống và không được đến trường cho đến em Nguyễn Mai Trung Tuấn, cậu bé 15 tuổi vừa bị tòa án kết tội bốn năm rưỡi tù trong tuần này tại Việt Nam. Trong khi độ tuổi của Nguyễn Mai Trung Tuấn, xét theo Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì đây là độ tuổi vị thành niên, không có bất kỳ tòa án nào được kết án em. Phải đợi đến khi em đủ tuổi thành niên thì phiên tòa xét xử em mới hợp pháp.
Nhưng ở đây, vì đảng Cộng sản sợ hãi, họ thật sự sợ hãi khi mà sự phản đối, phản kháng từ nhân dân càng lúc càng tăng cao. Phải nói rằng mức độ phản kháng trong nhân dân tăng cao tỉ lệ với sự phình ra của túi tiền tham nhũng trong giới quan chức. Chính vì sợ hãi, họ buộc phải diễn một phiên tòa nhằm đánh vỗ mặt, nhằm chặn đứng sự phản kháng của giới trẻ và trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.
Rất tiếc là phiên tòa đánh vỗ mặt này không những không làm cho giới trẻ và trẻ em dân oan sợ hãi mà còn làm lộ bản chất láo khoét của chế độ. Với trẻ em, không có gì đáng khinh bằng sự không thành thật. Một khi Nguyễn Mai Trung Tuấn bị nhốt tù, bị kết án, thì có bằng bất cứ thủ pháp gì để mị dân vẫn không thể qua mặt được giới trẻ và trẻ em. Bởi với giới trẻ và trẻ em, chỉ có sự thật và lòng cao thượng mới thuyết phục được họ. Đảng Cộng sản Việt nam đã sai lầm khi chọn đấu pháp đánh vỗ mặt bằng một vở kịch tồi mà nội dung của nó là bản án bốn năm rưỡi tù giam đối với một em bé chưa đầy mười lăm tuổi.
Điều này vô tình làm lộ ra một gương mặt thật của đảng Cộng sản trong mắt giới trẻ và trẻ em, đó là hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ là những đạo cụ trong vở diễn của đảng nắm quyền và càng ngày, đảng nắm quyền càng diễn những vở kịch tồi, để lộ bản chất thiểu năng trí tuệ cũng như tính phi nhân của họ.
Và 75% tiền tham nhũng nộp để giữ mạng sống hay bốn năm rưỡi tù giam của một em bé vị thành niên sẽ không còn là chuyện ngạc nhiên đối với người Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung khi mà tất cả đã nhận rõ bản chất láo xược, phi nhân tính của hệ thống cầm quyền. Tất cả như một vở kịch tồi trước lúc hạ màn vĩnh viễn. Bởi không ai muốn xem hoài kịch thiểu năng.
Ngay cả những kẻ diễn kịch, họ cũng sẽ thấy chán và xấu hổ khi phải thủ mãi vai tồi trong một vở kịch tồi hết lần này lại sang lần khác. Cái giá phải trả của diễn kịch tồi sẽ là đạo diễn tự loại mình ra khỏi sân khấu bởi diễn viên thì chán bỏ công việc mà khán giả ngày càng bụm mũi, quay mặt. Lấy gì để sống khi mà diễn viên bỏ việc, khán giả không màng xem kịch, thưa các đạo diễn Cộng sản đáng kính?!

Chúng ta đã dạy môn Sử như thế nào?

Cát Linh, phóng viên RFA 2015-12-02
hinh1-622.jpg
Hình ảnh minh họa -Courtesy photo
Thời gian gần đây, Bộ giáo dục đào tạo đang có dự tính đưa môn Lịch Sử vào chung với các môn học khác, tạm gọi là môn tích hợp. Rất nhiều người lên tiếng bày tỏ quan điểm không đồng tình với kế hoạch này. Trên các diễn đàn truyền thông, không ít những tranh cãi từ những người có tâm huyết với môn Lịch sử và từ cả phía người dân trong và ngoài nước, là nên bỏ, hay giữ lại.
Cát Linh tìm đến những người đang trực tiếp đứng giảng dạy môn học này để hiểu thêm và nghe họ nói về phương cách giảng dạy mà họ đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, đài Á Châu tự do chúng tôi xin phép tôn trọng lời đề nghị của những giáo viên này, là không nêu tên trong bài phóng sự này.

Dạy ‘đối phó’

Lịch sử là những gì đã qua, được giữ lại bằng cách ghi lại, và truyền lại bằng cách tái hiện lại. Mỗi một người thầy hoặc cô sẽ có cách tái hiện lại theo phương cách riêng của mình nhằm mục đích làm cho học sinh hiểu được những diễn biến của lịch sử. Thế nhưng, theo lời của một người có khoảng 30 năm đứng lớp, hiện đang là giáo viên giỏi môn Lịch Sử của trường cấp 2 Củ Chi cho biết về cách thức mà người giảng viên Sử đang áp dụng hiện nay:
Nếu phòng giáo dục, sở giáo dục đi dự giờ thì học sinh thích lắm, vì khi có người dự giờ thì các cô dạy rất nghiêm túc. Mấy cô sử dụng tranh ảnh, sử dụng phòng chiếu, sử dụng đủ hết chức năng. Nên khi có người đi dự giờ, học sinh mê lắm.
-Một giáo viên
“Nếu phòng giáo dục, sở giáo dục đi dự giờ thì học sinh thích lắm, vì khi có người dự giờ thì các cô dạy rất nghiêm túc. Mấy cô sử dụng tranh ảnh, sử dụng phòng chiếu, sử dụng đủ hết chức năng. Nên khi có người đi dự giờ, học sinh mê lắm.”
Một giờ học, hay còn gọi là một tiết học ở các trường phổ thông ở Việt Nam được qui định là 45 phút. Trong 45 phút đó, người giáo viên vừa phải kiểm tra bài cũ, vừa phải truyền tải hết tất cả những nội dung trong sách giáo khoa mà Sở giáo dục đã qui định cho một tiết học. Chính do qui định này mà xảy ra rất nhiều trường hợp gọi là ‘cháy giáo án’, theo lời của người giáo viên dạy Sử ở trường Củ Chi.
“Cái khâu mà kiểm tra, bây giờ tưởng tượng lên dạy một bài sử chính, nếu cho đọc và viết một bài theo qui định sách chuẩn kiến thức mà Bộ giáo dục bắt buộc tối thiểu phải ghi, thì hết một tiết học, đừng nói đến việc giảng.”
Để tránh tình trạng “cháy giáo án”, các giáo viên bắt buộc phải dạy theo cách đối phó. Khi có dự giờ, thì họ sẽ không kiểm tra bài cũ. Còn với những giờ học bình thường, nghĩa là không có người dự giờ, thì các giáo viên thường áp dụng cách thức giảng trước, và photo bài cho học sinh về nhà tự chép vào.
“Một số trong những giáo viên đó, nếu mà người nào tâm huyết lắm thì người ta mới dạy không có người dự giờ cũng giống như có người dự giờ. Còn đa số thì họ biết môn này thứ nhất là không có thi, cho nên nếu họ không có trách nhiệm tí xíu thì họ dạy cho nó xong. Mà dạy cho nó xong thì học sinh không thích.”
Hinh02-400.jpg
Tích hợp môn lịch sử với những môn khác trong chương trình sách giáo khoa, ảnh minh họa. Courtesy photo.
Nói một cách khác, như đã trình bày ở trên, lịch sử là môn học được chép lại, truyền lại. Người giáo viên khi đó đóng vai trò không khác gì một kịch sĩ, có nhiệm vụ làm sống lại giai đoạn lịch sử đó trước mấy chục khán giả đang dõi theo mình. Đây là lúc mà kiến thức, sự sáng tạo và cả đam mê của người giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Theo một giáo viên từng là tổ trưởng tổ chấm thi môn Lịch sử, hiện là hiệu trưởng một trường Đại học tư thục cho biết về những gì bà từng góp ý với các sinh viên sư phạm khoa Lịch Sử trước đây:
“Nếu như các em lên lớp giảng bài mà nói y như trong sách giáo khoa thì phần lớn học sinh nó ngủ, mà tôi cũng ngủ. Vì lúc đó, ăn thì thiếu, đạp xe thì cực, đổ mồ hôi đến trường dạy và dự giờ cái giờ 12 giờ trưa thì không ngủ mới lạ, nếu thầy giáo không có cái gì nói ngoài sách giáo khoa.”
Người giáo viên dạy giỏi môn Sử của trường Củ Chi nói rõ thêm về phản ứng của học sinh khi thầy cô có những sáng tạo khác bên ngoài sách giáo khoa:
“Cũng một kiến thức đó, nếu nói bình thường thì học sinh không thích. Mà lúc nói, mà mình nhập tâm với cái đó thì học sinh mê lắm.Ví dụ như giai đoạn nhà Nguyễn đi từ đầu hàng này đến đầu hàng khác là nó cũng phẫn uất, cũng tức lắm, nó nói ‘trời ơi sao kỳ vậy? ông vua này kỳ vậy?’”

Không đầu tư vào phương pháp dạy

Theo lời người giáo viên của trường Củ Chi, nguyên nhân của cách dạy Sử chưa sống động còn do ở bước tuyển chọn ban đầu, mà theo cách gọi của bà, là “đầu vô” của bộ môn này.
Cái đầu vô của ngành Sư phạm, những người học Sử, họ… không giỏi. Số lượng giỏi hiếm lắm. Nói chung là họ thi nhiều môn khác không nổi, thì họ phải thi môn Sử. Cho nên, họ đã không giỏi, thì làm sao họ dạy giỏi? Họ dạy không hấp dẫn.
-Một giáo viên
“Cái đầu vô của ngành Sư phạm, những người học Sử, họ… không giỏi. Số lượng giỏi hiếm lắm. Nói chung là họ thi nhiều môn khác không nổi, thì họ phải thi môn Sử. Cho nên, họ đã không giỏi, thì làm sao họ dạy giỏi? Họ dạy không hấp dẫn.”
Cũng là ý kiến về cách dạy, đầu vào, hay trình độ của những giảng viên môn Sử, nhưng bà hiệu trưởng của trường Đại học Tư thục đưa ra một nhận định gián tiếp:
“Lúc đó, chẳng những thầy giáo là những người đã được đào tạo chế độ cũ, mà sinh viên trường đại học Sư phạm đang còn học 3 năm chế độ cũ, mới 1 năm chót chế độ mới thôi. Nên trong đầu họ có nhiều kiến thức lắm chứ. Họ cũng biết mình phải làm gì trên lớp. Nhưng cái đó càng ngày càng mai một đi, vì người đứng lớp là ai? Và xã hội phải diễn tiến theo diễn tiến bình thường mà lịch sử diễn ra. Là chế độ chính trị như thế nào thì đẻ ra chế độ chính trị của xã hội đó.”
Thêm vào nữa, là những người giáo viên dạy Sử chưa thật sự có sự đầu tư vào cách dạy của mình, theo nhận định của giáo viên dạy Sử trường Củ Chi. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra sự cảm thông khi đề cập đến vấn đề chung trong cuộc sống, đó là cơm áo gạo tiền, những thứ mà có vẻ như đã lấy mất sự quan tâm và nhiệt huyết của người giáo viên. Họ phải bươn chải làm chuyện khác, thời gian đầu tư vào chất lượng và phương pháp dạy thu hút thì hoàn toàn không có.
“Người nào có trách nhiệm thì sẽ cố gắng tìm tòi, học hỏi để truyền đạt cho hay. Còn người mà học đã không giỏi,mà hơn nữa làm để cho có việc, cho nên nên cái nhiệt tâm, đam mê của họ không có.”
Những phụ huynh mà Đài Á Châu tự do chúng tôi có dịp nói chuyện đều bảo rằng ngay từ bé, bất cứ công dân của quốc gia nào đều được dạy và xây dựng lòng tự hào về lịch sử của đất nước mình. Chính từ nền tảng cơ bản đó, hình thành nên văn hoá yêu nước của một dân tộc. Vì thế, họ nói rằng môn lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá này. Và người xây nên những viên gạch vững chắc cho trường đài văn hoá ấy không ai khác hơn chính là người giáo viên dạy Sử.

Tự do lập hội: Tương lai mù mịt

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-12-02 
000_Hkg10109896-622.jpg
 Một phiên họp của Quốc hội khóa 13 trước đây, ảnh minh họa. AFP
Dự thảo Luật về Hội sớm nhất cũng phải đến tháng 10/2016 mới được Quốc hội khóa tới thông qua. Nhiều thập niên mòn mỏi trông đợi một số quyền tự do căn bản của người dân Việt có thể sắp kết thúc. Nhưng tương lai về quyền tự do lập hội ở Việt Nam vẫn là nghi vấn.

Hạn chế hay thúc đẩy quyền công dân?

Quyền tự do lập hội được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ 1946 tới 1992 và 2013, nhưng phải đến gần đây một Dự thảo Luật về Hội mới được Quốc hội khóa 13 đem ra thảo luận. Tuy vậy chỉ là thảo luận góp ý thế thôi, chứ việc biểu quyết thông qua được dành cho kỳ họp thứ nhì của Quốc hội khóa 14, hình thành sau cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2016.
Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 11, một số đại biểu Quốc hội đã mạnh dạn nêu lên vấn đề ẩn chứa phía sau Dự thảo Luật về Hội, khi họ tự nêu câu hỏi Luật về Hội thực ra để hạn chế hay thúc đẩy quyền công dân. Bởi vì Dự thảo Luật về Hội có quá nhiều điều khoản khóa chặt quyền tự do lập hội của công dân. Chẳng hạn như nhiều qui định mang tính hành chính can thiệp vào nội bộ hoặc gây khó cho việc lập hội. Ngoài ra còn tạo ra tình trạng phân biệt đối xử, khi miễn trừ 6 tổ chức không chịu sự chi phối của Luật về Hội là Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn tức Tổng Liên đoàn Lao Động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Đây là những tổ chức Hội do nhà nước thành lập và cấp ngân sách.
Đảng Cộng sản này vẫn kiên quyết giữ quyền lực và họ chưa có ý định gì dân chủ hóa cả. Trên tổng thể như thế mọi động tác đều là động tác giả, cho nên Luật Biểu tình thực sự là cấm biểu tình. Luật thành lập hội thực ra là cấm thành lập những hội mà đúng nghĩa xã hội của nhân dân, tức là những tổ chức xã hội dân sự.
-TS Hà Sĩ Phu
Theo Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, nhà hoạt động lâu năm hiện sống ở Đà Lạt, trong tiến trình dân chủ hóa đưa lại những quyền căn bản cho nhân dân trong đó có quyền lập hội thì không có gì gọi là đột nhiên được chấp nhận, mọi thứ phải cùng một hệ thống nhất quán với nhau. TS Hà Sĩ Phu phân tích:
“Đảng Cộng sản này vẫn kiên quyết giữ quyền lực và họ chưa có ý định gì dân chủ hóa cả. Trên tổng thể như thế mọi động tác đều là động tác giả, cho nên Luật Biểu tình thực sự là cấm biểu tình. Luật thành lập hội thực ra là cấm thành lập những hội mà đúng nghĩa xã hội của nhân dân, tức là những tổ chức xã hội dân sự. Đảng lại thấy rằng cái đấy là xu hướng không thể chối cãi thì ông ấy sẽ làm giả, tức là sẽ lập ra hội đó nhưng phải duyệt thật kỹ, những hội nào để nhà nước vẫn còn giữ được quyền lãnh đạo thì ông ấy cho thành lập. Còn những hội nào trái ý của Đảng thì không cho.”
Đối với bản Dự thảo Luật về Hội đang nằm ở Quốc hội và nhiều khả năng sẽ được sửa đổi bổ sung trước khi Quốc hội khóa 14 biểu quyết thành luật. TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức không được chính quyền công nhận, từ Saigon phát biểu:
“Hiện nay vẫn còn giằng co, nhà nước vẫn muốn duy trì cơ chế xin cho. Không muốn áp dụng hình thức đăng ký hoặc thông báo như ở các nước phát triển đối với việc thành lập hội đoàn. Các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đang đấu tranh về việc này, kể cả đấu tranh về qui định trong Dự luật là không cho thành lập những hội đoàn nào mà trùng lắp với hoạt động đã có sẵn của những hội đoàn nhà nước. Nếu đúng tinh thần như vậy có thể sẽ không có một hội đoàn xã hội dân sự nào được thành lập, bên Văn Đoàn Độc lập thì trùng với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập thì trùng với Hội Nhà báo Việt Nam…có lẽ chỉ có mỗi Hội cựu Tù nhân Lương tâm là không trùng lắp với hội nào của chính quyền.”
Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội
Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tán dương tinh thần góp ý của một số đại biểu quốc hội, khi họ đặt vấn đề Dự thảo Luật về Hội cần xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các hội đoàn do nhà nước thành lập, hoạt động bằng ngân sách nhà nước và các hội đoàn của xã hội dân sự . Ông nói:
“Đó là câu chuyện đóng góp ý kiến, dĩ nhiên một quốc hội trên 95% là đảng viên, thì chắc họ cũng không dễ gì thông qua một luật hội thông thoáng, để cho những người không phải là đảng viên tụ tập với nhau thành lập một hội có sức mạnh của nó. Đó cũng là quy luật tự nhiên thôi.”

Không chấp nhận lực lượng đối lập?

Theo SaigonTimes Online, trong buổi thảo luận ngày 26/11/2015 tại Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM băn khoăn về điều khoản miễn trừ sự chi phối của Luật về Hội đối với 6 tổ chức gọi là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí và vai trò đặc biệt và sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn tức Tổng Liên đoàn Lao Động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Tờ báo trích lời ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị cân nhắc lại vấn đề này. Theo lời ông, Điều 16 Hiến pháp  qui định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa , xã hội…trong khi Dự thảo Luật về Hội lại cho quyền hội được thành lập theo nhu cầu của Đảng, Nhà nước và hoạt động được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước.
Mới vừa vào TPP đấy, thì công an đánh luôn hai đại diện của công đoàn độc lập vừa thành lập là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức…tức là ông ấy cấm ngặt những tổ chức mà ông ấy không thể chi phối.
-TS Hà Sĩ Phu
Soạn thảo Luật về Hội được cho là một công đôi việc của Nhà nước, vừa thực thi Hiến pháp lại tạo cơ sở để thích nghi các điều kiện khó khi hội nhập thế giới, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Tất cả các nước thành viên TPP phải tôn trọng quyền tự thành lập tổ chức nghiệp đoàn của của người lao động tại cơ sở, quyền chọn lựa  nghiệp đoàn, cũng như quyền thương lượng tập thể và cao hơn nữa là quyền liên kết giữa các nghiệp đoàn... Cùng về vấn đề này, TS Hà Sĩ Phu nhận định:
“Mới vừa vào TPP đấy, thì công an đánh luôn hai đại diện của công đoàn độc lập vừa thành lập là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức…tức là ông ấy cấm ngặt những tổ chức mà ông ấy không thể chi phối. Còn những tổ chức mà các ông ấy cho phép thì vẫn phải là giữ được sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có thể đưa cán bộ vào tài trợ tiền và để phô ra rằng đấy là các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng đó là các tổ chức xã hội dân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng thực chất hay là gián tiếp…dù có vào TPP thì rồi ông ấy cũng đánh lừa quốc tế thôi. ”
Theo thông tin chính thức Việt Nam hiện có tới hơn 52.000 hội trong đó có 483 hội hoạt động toàn quốc và hơn 8.700 hội có tính chất đặc thù tức do ngân sách đài thọ toàn phần hoặc một phần.
Theo giới phân tích chính trị, Luật về Hội sắp ra đời sẽ khó có khả năng là một Luật cởi mở về tự do lập hội. Nhất là trong thể chế chính trị một đảng Cộng sản toàn trị, không chấp nhận bất kỳ lực lượng chính trị đối lập thực sự nào.

Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuộc vụ sát hại ngư dân

Bộ đội biên phòng làm việc với các thành viên trên tàu ở Quảng Ngãi, ngày 1/12/2015 (Ảnh chụp từ trang Tuoi Tre).
Bộ đội biên phòng làm việc với các thành viên trên tàu ở Quảng Ngãi, ngày 1/12/2015 (Ảnh chụp từ trang Tuoi Tre).
Theo Tuổi Trẻ, Zing, VOA-02.12.2015
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi hôm nay đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa, sau khi lấy lời khai, thu thập vỏ đạn cũng như chụp hình ảnh nhiều vết bắn trên tàu cá gặp nạn.
Báo chí trong nước dẫn lời người đứng đầu lực lượng biên phòng của tỉnh Quảng Ngãi cho biết văn bản báo cáo vụ việc đã gửi lên cơ quan đảm trách quốc phòng của Việt Nam để “tiếp tục điều tra, đấu tranh”.
Tin cho hay, tàu cá bị tấn công có 5 vết đạn ghim vào tàu, và các ngư dân đã giao cho chính quyền 4 vỏ đạn.
Cơ quan chức năng xác định, ngư dân Trương Đình Bảy tử vong vì trúng hai phát đạn ở vùng bụng.
Một ngày sau khi thi thể của ông Bảy được đưa về nhà, hôm nay, hàng nghìn người đã tới đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Báo chí trong nước trích lời thuyền trưởng tàu, ông Bùi Văn Cu, cho biết rằng khi sự việc xảy ra, 12 thuyền viên đã dùng ghe nhỏ để đi lặn bắt hải sản, và trên tàu chỉ còn ông và ông Bảy.
Ông cho biết thêm rằng nhóm tấn công “gồm 4 người, đi trên tàu dân sự, nổ súng nhằm khống chế cướp tài sản”.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi cho biết rằng các ngư dân bị nạn “nói mấy tàu đó của Philippines”.
Trong khi đó, một nhân viên của xã Bình Châu, không muốn nêu tên vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, cho biết chưa thể khẳng định thủ phạm là người Philippines.
Hôm qua, tại buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho biết rằng chính quyền Hà Nội đã “chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này."
Người phát ngôn này nói thêm: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam”.
Chính phủ Việt Nam từng bị nhiều người chỉ trích vì kêu gọi ngư dân bám biển Đông để khẳng định chủ quyền trong bối cảnh căng thẳng leo thang với các hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội nghề cá Việt Nam, từng tuyên bố với VOA Việt Ngữ rằng “biển của Việt Nam thì ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt”.

Niềm tin giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc trong năm 2015?

Nhân viên kiểm tra hóa đơn của khách hàng bên trong siêu thị ở Hà Nội, ngày 12/10/2015.
Nhân viên kiểm tra hóa đơn của khách hàng bên trong siêu thị ở Hà Nội, ngày 12/10/2015.
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hôm nay nhận định rằng “niềm tin được củng cố tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn” của Việt Nam.
Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của World Bank, nhận định thêm rằng “đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện quản lý Kinh tế Trung ương, đồng ý với bà Kwakwa. Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:
"Niềm tin đầu tiên là việc kinh tế vĩ mô ổn định hơn là thấy rất rõ. Niềm tin là đồng tiền Việt Nam không bị mất giá như trước đây. Niềm tin rằng là đà phục hồi này đang có cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội Việt Nam mở rộng cánh cửa hội nhập, và một phần nào đấy đang có những nỗ lực cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng mà tôi cho rằng cái quan trọng nhất của niềm tin vừa qua là thấy rằng cái việc chuyển hướng chính sách của chính phủ không phải chỉ là lời nói, mặc dù thành tựu thì vẫn còn ở phía trước, và những việc làm được vẫn đang dang dở.”
Niềm tin đầu tiên là việc kinh tế vĩ mô ổn định hơn là thấy rất rõ. Niềm tin là đồng tiền Việt Nam không bị mất giá như trước đây. Niềm tin rằng là đà phục hồi này đang có cơ hội mới, đặc biệt là cơ hội Việt Nam mở rộng cánh cửa hội nhập, và một phần nào đấy đang có những nỗ lực cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.