Tuesday, February 16, 2016

Vũng Tàu: Các nhà hoạt động XHDS độc lập kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung

CTV Danlambao - Sáng 17/02/2016, tại Thành phố Vũng Tàu nhiều băng rôn, biểu ngữ tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979 được các anh em hoạt động treo tại nhiều địa điểm công cộng như: trụ sở UBND, Sở Giáo dục, Sở Tài nguyên Môi trường, nhà Văn hoá Thiếu nhi, đài tưởng niệm, siêu thị...

Khác với các sự kiện chiến tranh lịch sử khác, cuộc chiến biên giới Việt - Trung luôn bị nhà cầm quyền lãng quên một cách có chủ đích từ việc chỉ đạo đục bỏ bia tưởng niệm chiến tranh đến việc thay tên Trung Quốc bằng dấu ba chấm trong các văn kiện đảng.

Không nhận giặc làm đồng chí, không né tránh chỉ mặt kẻ thù - người dân Việt Nam nói chung và người dân tại Vũng Tàu nói riêng, đã tưởng nhớ sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979 theo cách của mình.

Nhân dân không quên!





Ảnh: CTV Dân Làm Báo

Sài Gòn: Côn đồ phá rối buổi tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979

CTV Danlambao - Sáng 17/02/2016, tại tượng đài Trần Hưng Đạo, nhiều người dân cùng CLB Lê Hiếu Đằng tổ chức buổi thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979.

Vài giờ trước khi buổi tưởng niệm diễn ra, lực lượng côn an Hồ Chí Minh tung quân đi bao vây canh gác nhà các thành viên CLB Lê Hiếu Đằng như chị Sương Quỳnh, ông Huỳnh Kim Báu, Tô Lê Sơn, Kha Lương Ngãi...

Có hơn 50 người tham gia buổi tưởng niệm sáng nay giữa vòng vây gắt gao của an ninh, côn an và côn đồ.

Theo quan sát của CTV Dân Làm Báo, côn an đã cẩn thận cử người dùng dù che chắn những người thắp hương tưởng niệm nhằm ngăn cản mọi người chụp ảnh và tránh tầm quan sát của người đường.

Như mọi lần, vòng hoa tưởng niệm luôn được xem là vật phẩm chiến công nên cả an ninh, côn an và côn đồ nhanh chóng cử người lao vào giật vòng hoa ngay khi vừa được đem đến.

Gọi giặc là đồng chí, ngăn cản nhân dân tưởng niệm các anh linh đã ngã xuống trong trận chiến biên giới Việt - Trung 1979, thêm một lần nữa, côn an Hồ Chí Minh đã vẽ nên rất rõ chân dung bọn Hán gian trong mắt nhân dân Việt Nam.


Côn đồ lao vào giật vòng hoa. Ảnh CTV Danlambao

Ảnh: CTV Danlambao

Thượng Viện Mỹ đòi đặt tên công trường Lưu Hiểu Ba, TQ nổi giận

WASHINGTON DC (NV) – Một nhật báo Trung Quốc chê các chính trị gia Mỹ nhỏ mọn sau khi Thượng Viện Mỹ chấp thuận dự luật, lấy tên chính trị gia đối lập đang bị Trung Quốc cầm tù, đặt cho công trường phía trước tòa đại sứ họ ở Washington, DC.
 
 Người biểu tình cầm ảnh ông Lưu Hiểu Ba đứng trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Hồng Kông. (Hình: Getty Images/Mike Clarke)

Báo Guardian của Anh trích dẫn tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái loa của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hôm Chủ Nhật gọi hành động của Mỹ là khiêu khích, cố tình chọc giận Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc coi đó chỉ là chuyện nhỏ.

Dự Luật 2451 của Thượng Viện, do Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), một ứng cử viên tổng thống, đưa ra, đề nghị đặt lại tên cho công trường là Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hòa Bình đang bị Trung Quốc kết án 11 năm tù về tội xúi giục chống phá nhà nước.

Dự luật được Thượng Viện thông qua hôm Thứ Sáu nhưng vẫn còn chờ sự thông qua của Hạ Viện và sự phê chuẩn của tổng thống, trước khi trở thành luật.

Nếu thành luật, địa chỉ chính thức của tòa đại sứ Trung Quốc sẽ là số 1 Công Trường Lưu Hiểu Ba, trong khi địa chỉ hiện tại là 2503 International Place.

Văn phòng ông Cruz nói, dự luật nhằm bày tỏ sự đoàn kết với những người chống đối ở Trung Quốc.

Nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo gọi dự luật này xuất phát từ lòng ganh tị của Tây phương và không thể gây ảnh hưởng nào đối với Trung Quốc.

Bài xã luận của tờ báo có đoạn viết: “Hành động mới nhất của Quốc Hội Mỹ không thể làm thay đổi được sự kiện, rằng ông Lưu Hiểu Ba là người gây hại cho nền an ninh Trung Quốc và đang phải thọ án tù.”

Bài báo thêm rằng “ông Lưu đã trở thành một công cụ cho Tây Phương chống lại Trung Quốc.”

Theo RFI, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm Thứ Ba tuyên bố dự luật của Thượng Viện Mỹ là trái với các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.

Ông Hồng Lỗi còn cảnh cáo là nếu văn bản nói trên trở thành luật thì điều này sẽ gây nên “những hậu quả nghiêm trọng.”

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Reuters, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói rằng các cố vấn cao cấp sẽ đề nghị Tổng Thống Barack Obama phủ quyết dự luật này, và nói thêm rằng: "Trong khi chúng tôi tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu họ tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, cũng như các tù nhân chính trị khác, chúng tôi không tin rang, ý định của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz muốn đặt lại tên một con đường ở Washington, DC, là một cách hiệu quả để đạt được cả hai mục tiêu này." (TP)

02-16-2016 3:27:04 PM 

Quan chức Việt Nam bắt đầu lấp ló ‘công đoàn cơ sở’

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, vừa một lần nữa hé lộ về “người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận” trên báo chí nhà nước.
6 tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam “hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước”, một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP là định chế Công đoàn độc lập mới dần được hé lộ trên mặt báo chí nhà nước Việt Nam.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn có thể được coi là có đầu óc tiến bộ hơn nhiều so với rất nhiều viên chức khác khi tối thiểu còn nói vài ẩn ý về “Công đoàn cơ sở”, cho dù vẫn chưa dám dùng thẳng cụm từ Công đoàn độc lập.
Vào tháng 9/2015,  ông Nguyễn Đức Kiên đã trở thành viênchức đầu tiên (và cho đến nay vẫn là quan chức duy nhất) gián tiếp thông tin về việc Việt Nam chấp nhận Công đoàn độc lập trong một bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.
Trong khi đó, một viên chức khác là ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ công thương và đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam – cho đến nay vẫn không thốt nổi một từ về Công đoàn độc lập, mặc dù định chế này đã được ghi rõ trong bản văn TPP.
Cũng phải mất đến 6 tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung Công đoàn độc lập. Hành động này chỉ diễn ra sau ngày 4/2/2016 là thời điểm Việt Nam chính thức ký kết TPP tại New Zealand.
Tuy nhiên tính bưng bít truyền thống của nhà nước  Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì được khai sáng: trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ cụm từ “Công đoàn độc lập” nào trên miệng giới quan chức và trên mặt báo chí, tất cả đều chỉ nói về “công đoàn cơ sở”, hoặc cùng lắm đề cập về việc “người lao động có quyền thành lập tổ chức của mình”.
Cố tình không công bố thông tin về Công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký tá.
Vào cuối năm 2015, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã cứng rắn chưa từng có: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP”.
Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…
Cũng vào cuối năm 2015, chính quyền và công an Việt Nam đã đàn áp thô bạo những nhà hoạt động công đoàn độc lập là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức. Vào giữa tháng 12/2015, một nhà hoạt động công đoàn độc lập khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã bị Bộ công an bắt giam, cho đến nay vẫn chưa được thả ra dù bị quốc tế lên án nặng nề về hành vi bắt bớ này.
 02/16/2016 - 18:50
Lê Dung / SBTN

17/2/1979 và cuộc chiến trong tôi thời trưởng thành - Phần I

02/16/2016 - 22:03  

Một thời giáo dục và nhận thức
Sau 1975, là một thanh niên mới lớn, tôi thường hay chú ý đến các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế qua hệ thống báo chí và truyền thanh. Thuở ấy, nhà nào có cái radio là thuộc diện hiếm hoi. Những bộ đội từ miền Nam về phép hành lý mang theo là con búp bê bằng nhựa và cái khung xe đạp là chính, thỉnh thoảng lắm mới có cái radio phải lên đăng ký ở xã mới được dùng.
Những tin tức từ trong nước đến quốc tế, tất tật đều qua hệ thống tuyên truyền của nhà nước. Thỉnh thoảng, người ta lén nghe đài BBC tiếng Việt như một hành động tội phạm, chẳng may chính quyền bắt được thì đó là một tai họa. Ở các quán nước, hàng ăn, nơi công cộng... người ta vẫn thấy những câu khẩu hiệu đại loại như:
Nghe đài, đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch ba hoa nói càn.
Hệ thống báo chí và đài Tiếng nói Việt Nam mấy năm liền sau cuộc chiến 1975, chủ yếu là ca ngợi "thắng lợi vĩ đại" và công ơn đảng.... Đề tài chính là ca ngợi đại hội Đảng, "đưa nghị quyết và cuộc sống", và hô hào "tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng" để "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội" bằng những cuộc "Cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh" rồi chuyện đánh tư sản mại bản ở miền Nam, chuyện các chiến sỹ, các đội biệt động thành ném bom như không vào nhà hàng Mỹ Cảnh, vào Câu lạc bộ sỹ quan, khách sạn Caravelle, rạp hát Kinh Đô, Sân vận động Cộng Hòa.... (Hình: Vụ biệt động quân tấn công Nhà hàng Mỹ Cảnh)
Những vụ đánh bom, nổ mìn, hạ gục các quan chức chính quyền cũ được mệnh danh là "ác ôn" thi hành bằng lệnh miệng và mìn ném vào xe, với những chiến sỹ thoắt ẩn, thoắt hiện gây ra cảnh máu me lênh láng với những xác người... được kể thành các câu chuyện ly kỳ, rùng rợn và hấp dẫn trên các tờ báo dành cho thanh, thiếu niên như Tiền Phong, Thiếu Niên Tiền phong... Những câu chuyện đó đã lôi cuốn thế hệ thanh niên thời đó được định hướng, mơ ước và lý tưởng hóa các hành động bạo lực mà sau này người ta không thể gọi bằng cái tên nào khác là "Khủng bố". Cũng qua đó, giáo dục cho cả nước lòng căm thù giữa con người với con người chỉ có thể giải quyết bằng bom đạn và súng.
Qua hệ thống đó, những thanh niên mới lớn chúng tôi cứ như thấy trước mắt, cảnh "đồng bào miền Nam đau thương dưới chế độ Mỹ - Ngụy" với muôn vàn bẩn thỉu và sự nghèo khổ của người dân. Chỉ có miền Bắc Xã hội chủ nghĩa là tươi đẹp với một tương lai rạng ngời.
Rạng ngời đến nỗi, khi chúng tôi học cấp 3, các thầy giáo đã bơm vào đầu thanh niên bằng những câu chuyện hoặc có, hoặc không chỉ có Trời mới biết. Thỉnh thoảng, nhà trường còn tổ chức những buổi nói chuyện thời sự hoặc văn thơ cách mạng về đảng, về "bác Hồ". Nếu ngày nay nghe lại những buổi đó, thì cỡ "Giáo sư" Hoàng Chí Bảo ngày nay còn chạy dài.
Chẳng hạn, câu chuyện "bác Hồ" là người tiết kiệm, giản dị vô cùng, ông đã ngồi tỉ mẩn dùng giấy loại, cuộn mẩu bút chì đã mòn đến lúc không thể cầm được nữa, để dùng tiếp được trong vài năm, rồi những hình ảnh "bác" đang tắm và phơi quần áo bằng sào tre được đưa ra để minh chứng. Hay câu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi đi thăm Đông Âu, ông hỏi và được biết giá của mấy quả chuối sau khi ăn trong khách sạn đã về nước tuyên bố rằng: "Sau này, đất nước chúng ta chỉ cần trồng chuối cung cấp cho các nước anh em trong phe XHCN cũng đủ giàu rồi".
Chúng tôi cứ há hốc mồm đọc theo những bài viết, những câu nói của các thầy cô và các cán bộ đến nói chuyện thời sự. Bởi đơn giản như một công thức mà đám Dư luận viên ngày nay đang đóng đinh cố hữu trong đầu rằng: Đã là đảng, thì hẳn nhiên là quang vinh, sáng suốt và tài tình. Đã là "bác" thì đương nhiên là vĩ đại, là cao cả, là giản dị, là thánh nhân.
Chẳng ai đủ kiến thức, hoặc có đủ cũng chẳng ai dám đặt câu hỏi nghi ngờ nội dung những câu chuyện đó, dù bạn có thể suy nghĩ rằng: Tại sao đảng tài tình đến thế mà sau chiến tranh, đất nước dần dần đi vào đói kiệt quệ? Tại sao một người đứng đầu đất nước với trăm công ngàn việc trong nhiệm vụ của mình lại bỏ ra cả đống thời gian vô giá trị chỉ vì một mẩu bút chì không đáng giá nửa xu? Hoặc những hình ảnh "bác" ăn mặc quần áo rách rưới trên rừng, ngồi phơi quần áo trên cái sào tre được đưa lên khắp nơi. Vậy nhưng vào thời đó, những thước phim và thời gian chụp, in tráng, lưu trữ những hình ảnh ấy đáng giá mấy ngàn bộ quần áo đẹp, tại sao không dùng số tiền đó mua cho bác bộ quần áo đẹp nhất thế giới cho đàng hoàng... Hoặc người dân đâu biết đến giá quả chuối ông Thủ tướng ăn trong khách sạn và giá quả chuối người nông dân chênh lệch bao nhiêu.
Tất cả lắng nghe và tin như là một chân lý. Cái chân lý được hình thành bằng sự bào mòn bộ não luôn tiếp nhận các thông tin đó ngày này qua tháng khác từ khi lọt lòng đến khi lìa đời.
Tôi còn nhớ, chỉ duy nhất một lần khi học cấp 3, thầy giáo dạy văn say sưa giảng về "thơ bác" rằng thì là tuyệt vời, là vô giá, là tinh hoa. Nhưng, khi đến hai bài thơ:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Hỏi thăm các cháu tỏ lòng nhớ thương."
Lúc đó tôi hỏi lại:
- Thưa thầy, bài thơ này chưa đủ ý, bởi sau bốn câu sau là kết thúc bài thơ. Như vậy "bác viết mấy dòng" là những dòng nào? Và thơ Bác có đúng là hay thật mà bọn em không hiểu, hay là bởi nó là thơ Bác nên... nó hay?
Thầy giáo nhìn tôi như một tội đồ từ trên trời rơi xuống, bởi dám đặt câu hỏi nghi ngờ về những "tinh hoa của bác".
Đến câu chuyện chiến tranh tiếp diễn
Tháng 5/1975, Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng CSVN mạnh miệng tuyên bố rằng: Vĩnh viễn từ nay, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược,non sông liền một dải... Trong khi mới trước đó chỉ hơn 1 năm, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị bọn bá quyền Trung Quốc đã ngang nhiên dùng vũ lực xâm chiếm.
Thế rồi cả đất nước say sưa với "chiến thắng" và những "thành tích tiến thẳng lên Chủ Nghĩa Xã Hội không qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa" với những thành tựu kỳ quái như phong trào "Đưa mạ vô sân, đưa dân vô rú" (rú - rừng - Tiếng Nghệ Tĩnh) hoặc "mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi lên CNXH".... và kết quả là nạn đói kém triền miên kể từ 1978 trở đi.
(Hình: Công trường Vách Bắc - Nghệ An. ngày 3/1/1978 khoảng hơn 100 đoàn viên thanh niên bị đất đá vùi lấp dưới công trình này). 
Những năm sau 1975, hầu như báo chí và hệ thống tuyên truyền ít nói đến "Bộ đội cụ Hồ" hoặc anh chiến sĩ quân đội. Chúng tôi lại quen với sự quên lãng những người lính như vậy để say sưa với nạn thủ dâm chính trị: " Quên hết cực rồi. Trời đất đầy hoa/ Bữa rau muối, mà mặt người rạng rỡ". (Tố Hữu).
Thế rồi, bỗng một đêm, chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam có bài bình luận khá dài, nói về những người lính và "vinh quang" của họ. Nghe bài viết đọc qua máy thu thanh, tôi có cảm giác không bình yên, báo hiệu một thời kỳ thay đổi.
Bắt đầu từ đó, những bài viết về những vụ thảm sát ở biên giới Campuchia, rồi chuyện "Nạn Kiều", rồi việc Trung Quốc cắt viện trợ, rút chuyên gia... liên tục được đưa lên với thái độ ngày càng thù địch rõ ràng giữa những người anh em "môi hở, răng lạnh".
Đặc biệt, những vụ xung đột nảy sinh ngày càng nhiều trên Biên giới phía Bắc ngày càng được đưa tin nhiều hơn.
Trên các tờ báo nhà nước, những bài viết, bình luận... liên tục đưa tin về thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc với biệt danh "Bành trướng, Bá quyền, nước lớn"... được nhắc đi nhắc lại với nhịp độ và tần số ngày càng cao. Nhiều bài báo viết, vẽ châm biếm, tuyên truyền như cái chợ cá.
Cả hai nước, theo đúng truyền thống của tuyên truyền Cộng sản xưa nay, thi đua tặng nhau những biệt hiệu và luôn tự xưng mình là "Cộng sản chân chính" còn bên kia chỉ là giả danh Chủ nghĩa Xã hội, là phản bội mà thôi.
Tiếp theo là những công hàm, bị vong lục, sách trắng... là những ngôn từ mới lạ, được cập nhật liên tục trên hệ thống tuyên truyền.
Tất cả căng thẳng như đang trong trận chiến tuyên truyền dữ dội nhất mà chúng tôi lần đầu thấy trong đời mình giữa hai quốc gia cộng sản mà mới đó thôi, thiếu nhi Việt Nam còn thi nhau hát bài Đông Phương Hồng, hay những câu thơ:
- Việt Nam có bác Hồ
Trung Hoa có bác Mao
Nhi đồng cả hai nước
Yêu hai bác như nhau
Hoặc:
Bên kia bên giới là nhà
Bên ni biên giới, cũng là quê hương.
(Còn tiếp)
Hà Nội, 16/2/2016. Kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cộng  trên biên giới phía Bắc
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bắc Kinh: Mỹ nên ngưng lôi kéo ASEAN chống Trung Quốc

BẮC KINH (NV) Ðó là khuyến cáo từ Tân Hoa Xã hôm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN khai mạc tại Sunnylands, California.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN lần này được xem là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thắt chặt quan hệ với tất cả các thành viên ASEAN, giảm tối đa tác động của Trung Quốc ở khu vực Ðông Nam Á.


Tổng Thống Obama và các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN. (Hình: Getty Images)


Các viên chức của chính quyền Trung Quốc chưa có ý kiến chính thức về hội nghị vừa kể. Chỉ mới có hãng thông tấn của chính quyền Trung Quốc lên tiếng.

Tân Hoa Xã nhận định, việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á là một chính sách ích kỷ và đó là nguyên nhân tạo ra tình trạng căng thẳng tại Châu Á.

Tân Hoa Xã tuyên bố sẽ không bao giờ làm ngơ trước bất kỳ âm mưu nào nhằm thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại biển Ðông. Thậm chí còn dọa rằng, việc đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là một “sai lầm nghiêm trọng.”

Theo Tân Hoa Xã, Hoa Kỳ không phải và sẽ không bao giờ là phát ngôn viên cho một tổ chức độc lập như ASEAN về bất kỳ vấn đề nào. Ðồng thời khuyên các thành viên ASEAN nên giữ cho “đầu óc tỉnh táo,” đừng để Hoa Kỳ lợi dụng.

Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã quảng cáo Trung Quốc khác hoàn toàn với Hoa Kỳ vì “luôn luôn cổ xúy cho sự phát triển và ổn định.” Trung Quốc đã đề ra nhiều “sáng kiến” nhằm giúp Ðông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung đạt đến mục tiêu đó. Chẳng hạn như kế hoạch “Một vành đai, một con đường,” thành lập Ngân hàng Ðầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu. Chưa kể Trung Quốc luôn thúc đẩy cho tiến trình đạt tới Quy tắc Ứng xử tại biển Ðông.

Các hoạt động của Trung Quốc tại biển Ðông chỉ nhằm phát triển “hạ tầng dân sự” để hỗ trợ và bảo vệ tự do hàng hải.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng này. Theo AFP, trong ngày làm việc đầu tiên (15 tháng 2), tổng thống Hoa Kỳ và nguyên thủ mười quốc gia ASEAN đã thảo luận về những vấn đề có liên quan đến hợp tác phát triển thương mại, kinh tế.

Ngày làm việc thứ hai (16 tháng 2) được quan tâm đặc biệt vì tổng thống Hoa Kỳ và nguyên thủ mười quốc gia ASEAN sẽ thảo luận về hợp tác chính trị và an ninh. Biển Ðông sẽ là trọng tâm.

Các hãng thông tấn quốc tế cho biết, ông Obama và nguyên thủ mười quốc gia ASEAN sẽ xác định phản ứng chung khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông. Nếu Hoa Kỳ và ASEAN xác định sẽ ủng hộ vô điều kiện kiện phán quyết mà theo dự kiến sẽ được công bố vào khoảng giữa năm nay, Trung Quốc - quốc gia liên tục phủ nhận cả vai trò lẫn thẩm quyền của Tòa Trọng Tài về Luật Biển - sẽ rơi vào thế mà ông Ernest Bower, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ, ví von là “côn đồ quốc tế.”

Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN khai mạc, giới ngoại giao Hoa Kỳ từng tiết lộ ông Obama sẽ đưa ra những nhận định rất thẳng thắn về thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc tại biển Ðông.
Tuy nhiên điểm cốt lõi mà người ta chờ đợi từ hội nghị thượng đỉnh lần này và đến nay vẫn chưa có câu trả lời là với nỗ lực của Hoa Kỳ, ASEAN có thể xác lập được lập trường chung trong ứng xử ở biển Ðông hay không?

Ở ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, ông Obama từng nhấn mạnh, nếu muốn bảo vệ an ninh trong khu vực Ðông Nam Á, cả Hoa Kỳ lẫn ASEAN cần có sự thống nhất về lập trường. Phải có sự tôn trọng luật pháp quốc tế và những tranh chấp về chủ quyền phải được giải quyết bằng những giải pháp hợp pháp và ôn hòa.


Dẫu điều này giống như chuyện đương nhiên song do tác động từ Trung Quốc, các quốc gia thành viên ASEAN chưa bao giờ đồng ý với nhau là nên như thế. (G.Ð)

02-16-2016 1:32:24 PM 

Tòa án Long An hủy việc 'xử lưu động' một thiếu niên

TÂN AN (NV) Cuối cùng, tòa án Long An phải hủy kế hoạch đưa Nguyễn Mai Trung Tuấn, 16 tuổi ra xử lưu động khi tổ chức phúc thẩm vụ án này.

Trước đó, dù bị chỉ trích kịch liệt, tòa án Long An vẫn khăng khăng sẽ tổ chức phúc thẩm theo hình thức lưu động (xử ở nơi công cộng để “giáo dục, phòng ngừa, răn đe”).


Nguyễn Mai Trung Tuấn trước tòa án huyện Thạnh Hóa. (Hình: Tuổi Trẻ)

Gần đây, cả dân chúng, báo giới lẫn nhiều luật sư tại Việt Nam đã yêu cầu hệ thống tòa án chấm dứt hình thức xét xử lưu động vì vi phạm quyền con người, vô nhân đạo và gây ra nhiều hậu quả khó lường. Do bị làm nhục, đã từng có một số bị cáo tự tử. Một số vụ xử lưu động khác trở thành bạo động hoặc vì đám đông phẫn nộ với bị cáo, hoặc vì phẫn nộ với hệ thống tư pháp.

Riêng vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn, có nhiều dấu hiệu cho thấy, hệ thống tư pháp ở Long An đã hợp tác với chính quyền tỉnh này trả đũa một đứa trẻ. Sự trả đũa lộ liễu và tàn tệ tới mức, ông Ðinh Văn Quế, cựu chánh án Tòa Hình Sự của Tòa Án Tối Cao Việt Nam, phải khuyến cáo, “Ðừng cố chấp với Nguyễn Mai Trung Tuấn nữa”!
Hồi đầu tháng này, do đuối lý, tòa án tỉnh Long An từng phải hoãn xử phúc thẩm Tuấn. Thiếu niên này bị cáo buộc “cố ý gây thương tích” và từng bị tòa án huyện Thạnh Hóa phạt bốn năm sáu tháng tù.

Ngày 14 tháng 4 năm 2014, gia đình Tuấn - ngụ tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - và hàng xóm đã liều chết kháng cự đoàn cưỡng chế để bảo vệ nhà, đất của họ.

Trong khi chính quyền giải thích, việc tổ chức cưỡng chế là nhằm có mặt bằng để xây dựng đê bao quanh sông Vàm Cỏ Tây thì dân chúng trong vùng tố cáo, mục tiêu chính của việc giải tỏa nhà, thu hồi đất là nhằm lấy đất xây dựng trung tâm thương mại.

Những người bị giải tỏa nhà, thu hồi đất chỉ được bồi thường 300,000 đồng một mét vuông nhưng khi mua đất tái định cư bên cạnh khu vực bị giải tỏa, họ phải trả 25 triệu đồng cho một mét vuông đất. Cũng vì vậy, năm 2013 tại Thạnh An, đã từng xảy ra xung đột giữa những người bị thu hồi đất với lực lượng cưỡng chế.

Trong lần cưỡng chế thứ hai vào tháng 4 năm 2014, do bị đoàn cưỡng chế bao vây với xe ủi mở đường, gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn và hàng xóm đã tự đốt nhà, kích nổ bình ga, tạt acid vào những viên chức tham gia cưỡng chế.

Công an tỉnh Long An thông báo, sự kháng cự của các nạn nhân đã làm 20 viên chức bị thương và bắt giữ 11 người, trong đó có cả ông ngoại, cha, mẹ, chú, cậu của Tuấn. Những người này bị khởi tố về một trong hai hoặc cả hai tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích.” Họ đã bị tòa án huyện Thạnh Hóa đưa ra xử sơ thẩm hồi tháng 9 năm 2015 và tòa án tỉnh Long An đưa ra xử phúc thẩm hồi tháng 11 năm 2015. Tất cả đều bị phạt tù. Ông Nguyễn Trung Can, cha của Tuấn bị phạt ba năm tù. Bà Mai Thị Kim Hương, mẹ của Tuấn bị phạt 3 năm 6 tháng tù. Hai vụ xử sơ thẩm và phúc thẩm đều hạn chế người dự xử. Cả 11 người đều không có luật sư vì họ không có tiền để trả phí luật sư.

Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng bị bắt nhưng bị điều tra, truy tố và xét xử riêng với cáo buộc đã trực tiếp tạt acid vào viên trung tá tên là Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an xã Thạnh Phú.

Cả dân chúng, báo giới lẫn chín luật sư tình nguyện bào chữa cho Tuấn đều tỏ ra bất bình khi hệ thống tư pháp tỉnh Long An tìm mọi cách để nhốt cho bằng được một thiếu niên, bị coi là phạm tội lúc mới 14 tuổi.

Ðiểm mấu chốt để công an đề nghị truy tố, Viện Kiểm Sát đề nghị phạt tù và tòa án huyện Thạnh Hóa phạt Tuấn 4 năm 6 tháng tù là tỉ lệ thương tật mà Tuấn đã gây ra cho ông Thủy khi tạt acid vào viên trung tá này là 35%.

Tuy nhiên các luật sư đã chứng minh rằng cáo buộc đó thiếu tin cậy. Giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện Chợ Rẫy cấp cho ông Thủy khi cấp cứu cho ông này ghi nhận, tỷ lệ thương tích vào lúc cấp cứu cho ông ta chỉ có 16%. Sau đó, Trung Tâm Giám Ðịnh Pháp Y của Sở Y Tế tỉnh Long An “giám định lại” và nâng tỷ lệ thương tật lên 35% mà không mô tả thương tật, không xác định diện tích các vết phỏng, không chụp ảnh lưu hồ sơ để minh họa cho kết luận giám định.

Theo các luật sư, acid mà Tuấn sử dụng đã được pha loãng và tỉ lệ thương tích chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của Tuấn.

Các luật sư cũng phản đối việc tòa án không triệu tập giám định viên và “nạn nhân” là trưởng công an xã Thạnh Phú để đối chất.

Họ còn yêu cầu thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên xử phúc thẩm, bởi trước đây, khi trả lời phỏng vấn của báo giới về bản án sơ thẩm mà tòa án huyện Thạnh Hóa đã tuyên đối với Tuấn, trong vai trò phó chánh án Tòa án tỉnh Long An, ông ta từng khẳng định, tòa cấp dưới đã “xử đúng người, đúng tội.”

Những luật sư này cho rằng, bởi ông ta từng khẳng định như thế nên khi xử Tuấn, ông ta không thể giữ được sự khách quan mà luật pháp đòi hỏi.

Tuấn đã bị tạm giam hai năm và sẽ tiếp tục bị tạm giam cho đến khi tòa án tỉnh Long An tổ chức phúc thẩm trở lại. Tuy các luật sư đã chứng minh, Tuấn hội đủ yêu cầu để được tại ngoại và đã ba lần đề nghị cho thiếu niên này được tại ngoại nhưng hệ thống tư pháp không đáp ứng.

Gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn có bốn người. Sau khi mất nhà, mất đất, gia đình này có ba người vào tù. Chỉ có một bé gái 11 tuổi tự do nhưng không có nơi nương tựa. (G.Ð)
02-16-2016 1:24:26 PM 

Điện nước tăng nhanh, nhưng không tăng nhanh bằng học phí ĐH Tôn Đức Thắng?

Theo  VNTB  17.2.16
Kiều Phong (VNTB) Mỗi người lao động ở Việt Nam  đều phải đóng ít nhất 5% thu nhập cho Tổng liên đoàn Lao Động (Công đoàn).  Đại học Tôn Đức Thắng là một cơ sở đào tạo trực thuộc Công đoàn lớn nhất nước. Mấy năm trở lại đây, dư luận lên án trường này  vì  học phí tăng phi mã. 
VNTB - Điện  tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng
Lạm thu học phí

Ngày 28.01.2016, trang TDT Confessions (trang fanpage facebook chính thống đảm bảo ẩn danh cho sinh viên đại học Tôn Đức Thắng ) đăng một bài gây chấn động dư luận toàn trường. Một sinh viên bức xúc liệt kê 7 vấn đề nhức nhối, nhất là chuyện lạm thu học phí.

Tính đến thời điểm này, học phí cơ bản áp dụng tại các trường công lập trên cả nước  dao động ở mức 134 000 đồng/ tín chỉ. Đại học Tôn Đức Thắng tự ý đơn phương áp đặt mức học phí  220 000 đồng/tín chỉ. Ngay lúc này học phí tại đây đã tăng lên đến 264 000 đồng/ tín chỉ, cao gấp đôi mặt bằng chung.

Mức thu  phí tại đại học Tôn Đức Thắng, và  đại học Công nghiệp được bình luận là cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của các trường công lập trong thành phố. Ở TP.HCM những trường  tạm coi là danh giá thuộc khối đại học quốc gia cũng không thu học phí cao như vậy. Trong khi đó chất lượng đầu vào của Tôn Đức Thắng và Công nghiệp không cao hơn các trường kia.

Trả lời dư luận, nhà trường đưa ra lý do là phải tăng thu để phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Một nghìn lẻ một lý do trên đời thì lý do nào cũng đúng, nhưng nếu cứ tăng mãi thì sinh viên lấy tiền đâu ra để học?!

“Những bạn có gia đình khá giả thì đó không thành vấn đề nhưng đối với những học sinh vừa học vừa làm và xa quê  như chúng em thì đó là một cơn ác mộng thật sự”, một sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết.

Sự “vượt rào” không dừng lại ở đó. Khi người học thi trượt một môn,  luật giáo dục quy định học phí học lại chỉ từ 140%  trở xuống so với phí đăng ký học lần đầu, nhưng ĐH Tôn Đức Thắng  áp đặt khoản thu lên đến 170%- 180%!

Thực tế nói lên tất cả, ở Sài Gòn lưu hành một câu nói quen thuộc: “Điện tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng”. Trước đây, câu nói này dùng cho đại học Công nghiệp, nay còn đúng hơn đối với đại học của Công đoàn. 

Lời hứa gió bay

Lo ngại bùng nổ bức xúc trong sinh viên, đại diện trường lặp đi lặp lại câu trả lời quen thuộc: “Nếu các bạn có thắc mắc, thầy mong gặp thầy riêng thầy sẽ trao đổi thêm”. Với cách trả lời này hiển nhiên không có em nào dám lên gặp cán bộ nhà trường cả, vì hầu như tâm lý sinh viên Việt Nam vẫn e ngại sự trù dập.

Nhận thức được vấn nạn đó,  một số giảng viên tìm cách thực hiện một cuộc “thay máu” trong trường. Qua tiếp xúc, đại diện nhóm giảng viên đã trực tiếp làm việc với người viết với mong muốn đưa vụ việc ra  công luận .

Cụ thể, nhà trường đã nuốt lời hứa ổn định mức thu. Bởi khi chào mời sinh viên làm hồ sơ vào trường học, ban tư vấn tuyển sinh nói là không tăng học phí. Nhưng trong thực tế, học phí vẫn tăng trái quy định và cam kết. Ban tuyển sinh giải thích rằng, không hề một văn bản chính thức nào về điều này, do đó trường không có trách nhiệm. Tình thương dành cho sinh viên hối thúc  người thầy lên tiếng. Người đại diện nhóm giảng viên - thầy Tr.  (xin được giấu tên thật) bức xúc chia sẻ: “Lời nói của  đại diện một trường đại học, lời nói của nhà giáo mà không có chút uy tín và  bảo đảm nào!”.

Ngoài chương trình đào tạo chính quy tập trung, ĐH Tôn Đức Thắng còn tổ chức đào tạo hệ chất lượng cao, còn gọi là chương trình cử nhân tài năng. Những lời quảng cáo về chương trình chất lượng cao lý tưởng không thua gì đại học Âu- Mỹ:  chương trình do giáo sư nước ngoài đứng bục, ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu sẽ là tiếng Anh… Nhưng hiện tại trong danh sách giảng viên cơ hữu không có tên một  giáo sư nước ngoài nào. Tỉ lệ nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh giảm dần, có khi chỉ còn 30%. Trong khi đó, sinh viên chương trình chất lượng cao phải đóng tiền rất đắt so với sinh viên chính quy đại trà. Thầy Tr. - cũng người từng dạy trong chương trình chất lượng cao, nhận thấy sự vô lý rõ ràng và  gọi đây là nạn “nạn treo đầu dê, bán thịt chó”. Lời hứa gió bay, giảng đường giờ chẳng khác gì cái chợ.

Và các bê bối trôi nổi khác

Về những hoạt động trường và khoa, cũng chẳng có nơi nào áp đặt kỳ lạ như trường này. Người sinh viên kia đồng ý rằng “những hoạt động nào cần thiết như là về học tập, đối thoại với danh nghiệp, giao lưu với các trường quốc tế, cơ hội nhận học bổng, đối thoại cùng giảng viên trường thì nên bắt buộc.” Nhưng không phải cái gì cũng đè lên đầu sinh viên: “Thầy cô lại bắt tụi em đi cổ văn nghệ, cổ vũ đá bóng... em thấy những cái đó không cần thiết và tụi em có quyền không đi. Cớ sao lại trừ điểm tụi em? Tụi em còn rất nhiều công việc chứ đâu phải rãnh rỗi lắm đâu ạ. Cái đó chỉ nên cho vào phong trào cộng điểm thôi.”.

Cụ thể, ngày 26/1/2016,  đại học Tôn Đức Thắng ép buộc tất cả sinh viên  đi xem trận  Futsal giao hữu giữa Việt Nam và Malaysia. Thầy giáo trực tiếp đến sân vận động để điểm danh. Ai không đi thì bị trừ vào  điểm rèn luyện. Tư duy quản lý này bị lên án trên toàn thế giới nhưng không hiểu sao vẫn đang diễn ra  tại Việt Nam.

Thiết nghĩ, đại học trực thuộc Công đoàn phải làm gương cho các nơi khác về đổi mới tư duy tổ chức.  Đằng này Tôn Đức Thắng lại là trường “khét tiếng” về ức hiếp sinh viên và giảng viên. 

Nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nằm trong vũng lầy, với rất nhiều đại học ở Việt Nam vẫn tồn tại dù thực tế không đảm bảo được chất lượng dạy và sự tôn trọng đối với sinh viên – giảng viên trong trường.

Do đó, bài viết này không lên tiếng phê phán riêng một trường, nhưng nghĩa vụ của báo chí là chỉ ra những cái sai vô lý tồn tại trong môi trường giáo dục ấy, và ĐH Tôn Đức Thắng là một trong số đó.

Tác giả bài viết cho rằng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cần thiết phải rà soát các cơ sở trực thuộc, không để cho tình trạng “điện  tăng, nước cũng tăng, nhưng không tăng nhanh bằng học phí đại học Tôn Đức Thắng” tiếp tục diễn ra.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Sacombank đang “ẩn” khối nợ xấu cực khủng?

Có lý do để nghi ngờ về về số liệu nợ xấu thực ở Sacombank trong báo cáo tài chính mới nhất. Để làm rõ điều này đơn vị kiểm toán, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cần thiết bóc tách rõ con số hơn 44 nghìn tỷ đồng đang được Sacombank hạch toán ở khoản mục Tài sản có khác.


Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HSX: STB) vừa công bố Báo cáo tài chính riêng Quý IV/2015. Đây là Báo cáo tài chính đầu tiên được Sacombank công bố sau ngày nhận sáp nhập Southern Bank.

Báo cáo đã cho thấy phần nào tình hình sức khỏe của Sacombank hậu sáp nhập. Nhất là những số liệu nợ xấu – vấn đề mà công chúng đang đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, suốt từ 2013 đến nay, Southern Bank – đối tượng vừa “hòa tan” vào STB – luôn bí mật về các thông tin tài chính.

Theo phân loại của Sacombank, trong tổng số 180 nghìn tỷ đồng cho vay khách hàng của nhà băng này tính đến ngày 31/12/2015, đang có 176.423 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), 790 tỷ đồng nợ cầu chú ý (nhóm 2), 225 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), 125 tỷ đồng nợ nghi ngờ (nhóm 4) và 3.029 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Tính ra, tổng nợ xấu cho vay khách hàng (nhóm 3 – nhóm 5) của Sacombank là 3.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,85% tổng dư nợ. Đây là tỷ lệ hoàn hảo với các ngân hàng, và dường như cho thấy sau sáp nhập với "bệnh nhân" Southern Bank, tình hình tài chính Sacombank vẫn rất ổn. 

So sánh với cùng kỳ 2014, nợ xấu ở Sacombank đã tăng 1.893 tỷ đồng về số tuyệt đối và 0,65% về số tương đối.

Cùng với đó là cả chục nghìn tỷ đồng nợ xấu khác đang “tạm trú” ở Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam dưới tên “trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành”. 

Khối nợ xấu tráo danh này hiện đang chiếm phần lớn trong tổng số hơn 16 nghìn tỷ đồng chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn mà Sacombank đang liệt kê trong Bảng cân đối kế toán của mình.

Nhưng liệu rằng khối nợ xấu đang “di căn” trong lòng Sacombank đã dừng ở đó… ?

Cả tỷ USD nợ xấu đang “ẩn” ở Tài sản có khác?

Theo tính toán, quy mô nợ xấu thực sự ở Sacombank, không loại trừ khả năng, có thể bị đội lên… cả tỷ USD nữa.

Khối nghi ngờ nợ xấu này rất có thể đang được Sacombank ghim ở tài khoản Tài sản Có khác.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, tổng giá trị Tài sản Có khác của Sacombank đã tăng sốc tới hơn 4 lần so với đầu năm, lên mức 44.315 tỷ đồng, chiếm đến… 15% tổng tài sản.

Chiếm lớn nhất trong số đó là Các khoản lãi, phí phải thu với 25.144 tỷ đồng. Kế đến là Các khoản phải thu với 17.529 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn sự bất thường của số liệu Tài sản có khác ở Sacombank, chúng ta có thể so sánh với các số liệu tương ứng ở các ngân hàng khác.


Dư nợ cho vay khách hàng gấp đôi Sacombank, nhưng giá trị Tài sản có khác của Vietcombank chỉ bẳng 1/5.
Chẳng hạn như ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietcombank tại ngày 31/12/2015 lên tới 376 nghìn tỷ đồng – gấp đôi Sacombank – nhưng Tài sản có khác của Vietcombank chỉ là 8.927 tỷ đồng, bằng 1/5 so với Sacombank. Trong đó, Các khoản lãi và phí phải thu là 4.815 tỷ đồng (bằng 1/5 so với Sacombank), Các khoản phải thu là 2.527 tỷ đồng (bằng 1/7 so với Sacombank).

Hay như ở Ngân hàng Công thương Việt Nam, mặc dù tổng dư nợ Cho vay khách hàng của Vietinbank gấp 3 lần Sacombank nhưng giá trị Tài sản có khác của Vietinbank cũng chỉ bằng phân nửa so với Sacombank.

Sự bất cập tương tự cũng diễn ra trong các so sánh giữa Sacombank với BIDV và MBBank.

Thống kê của VietTimes, Sacombank đang là nhà băng đang có giá trị Tài sản có khác lớn nhất hệ thống về cả số tuyệt đối, lẫn số tương đối. Khoảng cách với các ngân hàng khác thậm chí còn được tính bằng bội số.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, Các khoản lãi, phí phải thu;Các khoản phải thu là một nơi giấu nợ rất kín đáo.

“Lãi quá hạn không thu được là dự thu. Lãi dự thu có thể có tài sản bảo đảm, còn phí dự thu thường do ngân hàng đứng ra bảo lãnh, không có tài sản bảo đảm, đến khi khách hàng không trả được, ngân hàng trả thay. Đến phí còn không thu được, thì tất nhiên gốc làm sao thu được. Các ngân hàng không tách riêng phí phải thu, lãi phải thu, mà gộp chung thành lãi, phí phải thu”, vị này cho hay.

Rõ ràng, có lý do để nghi về về số liệu nợ xấu thực chất ở Sacombank và để làm rõ điều này đơn vị kiểm toán, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng cần thiết bóc tách rõ con số hơn 44 nghìn tỷ đồng đang được Sacombank hạch toán ở Tài sản có khác.

Bất ngờ báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015

Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, giải trình cho lý do khiến ngân hàng bị lỗ trong quý IV, Sacombank cho biết có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất là Thu nhập lãi thuần giảm 348,5 tỷ đồng do chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng 1.153,1 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 96.332 tỷ đồng và lãi suất huy động cũng tăng lên chi phí trả lãi tăng 1.151 tỷ đồng; tiền vay tăng 533 tỷ đồng, chi phí trả lãi vay giảm 4,5 tỷ đồng; chi phí khác tăng 6 tỷ đồng.

Thu nhập lãi tăng 804,6 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay tăng 59.655 tỷ đồng và lãi suất cho vay cũng tăng nên thu nhập lãi vay tăng 872 tỷ đồng; Tiền gửi đình kỳ tài các TCTD bình quân trong quý tăng so với cùng kỳ năm trước nên thu nhập lãi tiền gửi tăng 13,5 tỷ đồng; Đầu tư chứng khoán nợ giảm 2.016 tỷ đồng nên thu lãi từ chứng khoán nợ giảm 79,2 tỷ đồng và thu nhập lãi khác giảm 2,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 2 khiến Sacombank lỗ quý IV là thu nhập từ các hoạt động khác giảm 18,9 tỷ đồng.

Nguyên nhân thứ 3 là do chi từ các hoạt động khác tăng 622 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí dự phòng tín dụng tăng 938,1 tỷ đồng.

Ba nguyên nhân trên khiến Sacombank bị lỗ 989,4 tỷ đồng và làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.


Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ, vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập Southern Bank ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).
16.02.2016
Theo Viettimes