Monday, August 17, 2020

Vừa cướp chén cơm, vừa đá văng chén cháo, vừa miệt thị người ta, thì chỉ có thể là Cộng Sản!

 

Đỗ Ngà (Facebook Nga Van Do)

Trong một phóng sự sáng ngày 17 Tháng Tám, 2020, VTV (Đài Truyền Hình Việt Nam) đã gọi người bán hàng rong nghèo khó (ở Sài Gòn) là “ký sinh trùng,” một cách dùng từ đầy miệt thị đối với tầng lớp nghèo khổ của đất nước. Sau khi mạng xã hội phản ứng dữ dội thì xướng ngôn viên Anh Quang của đài này đã lên facebook xin lỗi với tư cách cá nhân.

Tuy VTV mang mác là “đài truyền hình quốc gia,” nhưng thực chất nó là đài truyền hình của đảng. Mọi bản tin trước khi lên sóng đều phải qua tay ban kiểm duyệt, vậy mà từ “ký sinh trùng” vẫn lọt qua và được lên sóng. Chỉ cần một ý nào người soạn mà ban kiểm duyệt không đồng ý thì sẽ bị chặn lại ngay. Vậy nên, từ “ký sinh trùng” được lên sóng cho thấy một điều rằng, quan niệm của những người đang làm trong VTV là thống nhất, tất cả bọn họ đều xem người bán hàng rong là một thứ “ký sinh trùng” ăn bám.

Đây không phải là một “tai nạn” như lời xin lỗi mang tính chiếu lệ của tay xướng ngôn viên kia, mà nó là một tư tưởng mang tính hệ thống trong đảng Cộng Sản hiện nay. Tuy đảng Cộng Sản nhân danh giai cấp cùng khổ, nhưng chính nó lại là kẻ gây nên sự khốn cùng cho giai cấp cùng khổ chứ không ai khác.

Cộng Sản vì dân nghèo thì tại sao từ năm này qua năm khác họ cứ xua công an và đám dân phòng ưng khuyển đi đạp đổ cướp phá chén cơm những người bán hàng rong khắp mọi nơi trên đất nước này? Họ vì dân nghèo thì họ đã không làm vậy. Vậy nên, câu miệt thị hôm nay trên VTV không phải là một tai nạn, mà là một câu nói ra tư tưởng vốn có của những người Cộng Sản.

Thực ra nếu không có Cộng Sản, thì đất nước này đã không mất tiền vì bọn quan tham bốc hốt. Nếu không có Cộng Sản thì đất nước cũng đã không mất tiền cho những tượng đài ngàn tỷ, cổng chào trăm tỷ. Nếu không có Cộng Sản thì đất nước đâu mất tiền cho vô số dự án thua lỗ hàng tỷ đô la. Nếu không có Cộng Sản thì đất nước đâu mất tiền cho những trình vô dụng như đường sắt Cát Linh-Hà Đông,…

Chính đảng Cộng Sản đã làm nghèo đất nước bằng cách như thế đấy! Và vì làm nghèo đất nước nên mới đẩy nhân dân phải bươn chải mưu sinh như vậy. Vậy thì nói cho cùng, Việt Nam xuất hiện một lượng người bán hàng rong đông đảo như hiện nay do chính Đảng Cộng Sản gây ra chứ không ai khác.

Trên thế giới, có nước nào tham nhũng cao mà dân được hưởng phúc lợi đâu? Những nước như Úc, Canada, New Zealand,… đều là những nước có chính quyền cực kỳ trong sạch. Cứ như vậy, mức độ tham nhũng càng tăng thì nước càng nghèo, phúc lợi càng giảm. Như vậy rõ ràng là chính tham nhũng đã cướp mất phúc lợi của dân, đút đầy túi tham và đẩy họ vào thế phải tự bơi kiếm sống. Đã cướp nhà người ta, đẩy người ta đi bán hàng rong rồi miệt thị người ta là “ký sinh trùng,” thì còn gì khốn nạn bằng?!

Biên tập viên Anh Quang của VTV trong bản tin lúc 7 giờ sáng 17 Tháng Tám, đã gọi người bán hàng rong ở Sài Gòn là “ký sinh trùng.” (Hình: Facebook)

Thực ra buôn bán là hình thức mua đi bán lại để kiếm lời. Dù cho đó là công ty thương mại tỷ đô hay một người bán hàng rong có vốn chừng 50 đô, thì họ đều giống nhau về bản chất và chỉ khác nhau ở quy mô mà thôi. Vậy thì cớ sao gọi những người bán hàng rong là “ký sinh trùng”? Vậy EVN cũng mua đi bán lại, Petrolimex cũng mua đi bán lại, tại sao không gọi những ông đó là “ký sinh trùng” mà lại dùng từ này với những người dân nghèo?

Tại Thái Lan, chính quyền nơi đây không bao giờ cho cảnh sát đi cướp phá, đạp đổ chén cơm người bán hàng rong như Cộng Sản đang làm ở Việt Nam. Nhà nước đã không lo cho họ được đã là một lỗi lớn, cớ sao đạp đổ chén cơm của họ?! Vừa cướp mất chén cơm người nghèo, vừa tàn ác, đạp đổ tô cháo loãng trên tay của họ, vừa miệt thị họ là “ký sinh trùng” ăn bám thì có thể nói, chỉ có Cộng Sản mới làm được. Phải vừa tham lam tột cùng, vừa vô trách nhiệm đến tột cùng, vừa khốn nạn đến tột cùng mới có thể làm được như vậy.

Đất nước Cộng Sản cai trị, những kẻ ăn cướp thì được vinh danh là anh hùng, những người làm ăn chân chính thì bị xem là “ký sinh trùng” ăn bám. Thời mạt pháp! Khốn khổ cho đất nước, khốn khổ cho dân tộc.

Hàng ngàn tàu đánh cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông

 

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc ùa ra khơi, tràn xuống Biển Đông vơ vét thủy sản sau khi lệnh cấm khai thác hàng năm đã hết hạn.

Ít ra cũng khoảng 16,000 tàu đánh cá cỡ lớn của tỉnh đảo Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, trong số hàng trăm ngàn tàu đánh cá của Trung Quốc đã rời bến tràn xuống Biển Đông, sau khi lệnh cấm đánh bắt hàng năm đã hết hiệu lực từ ngày 16 Tháng Tám.

Lệnh cấm khai thác thủy sản trên biển của Trung Quốc có từ năm 1999 với ý định bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái biển cũng như tránh khai thác quá đáng nguồn thủy sản. Lệnh này không những bao trùm các vùng biển của Trung Quốc mà còn ngang ngược lấn vào những khu vực biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines. Thêm nữa nó lại có hiệu lực vào mùa khai thác chính vụ của ngư dân Việt Nam.

Tuy lệnh kể trên nằm trong cái vỏ bọc tử tế nhưng trong số những tàu đánh cá Trung Quốc, một số đáng kể là “tàu dân quân biển” đóng vai trò tai mắt tình báo, cản trở tàu đánh cá hoặc cảnh sát biển nước ngoài, trong vỏ bọc dân sự. Một số bản báo cáo của chính phủ Mỹ gửi quốc hội từng nêu ra số lượng đông hàng chục ngàn tàu loại này của Trung Quốc.

Năm ngoái, tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ, Đô Đốc John Richards, đã cảnh cáo người đồng cấp Trung Quốc, Phó Đô Đốc Thẩm Kim Long, rằng Mỹ đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân quân để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Richards được thuật lời là Hải Quân Mỹ sẽ đối phó các hành động gây hấn của những tàu đó như đối phó với tàu quân sự.

Người ta từng thấy tin tức về những nhóm tàu đánh cá cỡ lớn, tháp tùng theo các tàu hải cảnh và tàu khảo sát địa chất xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều đoàn tàu đánh cá đông đảo của Trung Quốc tràn vào sâu các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển không có khả năng bắt giữ hoặc xua đuổi.

Mới ngày 11 Tháng Tám, báo chí tại Việt Nam cho hay 11 ngư dân tỉnh Ninh Thuận bị Hải Cảnh Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Vụ việc xảy ra tại Vịnh Bắc Bộ từ ngày 21 Tháng Bảy nhưng ba tuần sau báo chí trong nước mới đưa tin.

Dân Philippines biểu tình đốt cờ Trung Quốc vì tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của họ. (Hình: Jes Aznar/Getty Images)

Chiếc tàu đánh cá Việt Nam mang số NT-91567, bị cáo buộc “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung Quốc” ranh giới trên biển Việt Nam-Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ. Các ngư dân của tàu này bị Hải Cảnh Trung Quốc đưa về thành phố cảng Phong Thành, Quảng Tây, hiện không thấy nói tiếp số phận của họ ra sao.

Rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bì tàu Hải Cảnh Trung Quốc hoặc đâm chìm, hoặc đâm cho hư hỏng nghiêm trọng. Ngư dân Việt thì bị đánh đập, hải sản bị cướp đoạt, ngư cụ bị đập phá.

Một bản nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) hồi năm 2019 nói lực lượng tàu bán quân sự tức dân quân biển của Trung Quốc hoạt động gần như công khai ở Biển Đông.

Bản báo cáo nói: “Khi họ tranh giành để đánh bắt những con cá cuối cùng từ Biển Đông, ngư dân Trung Quốc ít nhất có nhiều khả năng gây ra một cuộc đụng độ dữ dội tương tự như các lực lượng vũ trang trong khu vực.” (TN) [kn]

Hậu Giang: Nhiều dòng sông nước đen kịt và hôi thối bất thường

HẬU GIANG, Việt Nam (NV) – Nhiều con sông chảy qua huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ lại chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối khiến cá chết và cuộc sống của người dân đảo lộn.

Chiều 16 Tháng Tám, nói qua điện thoại với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Danh, chủ tịch thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, xác nhận nước sông Cái Lớn đoạn chảy qua thị xã lại bị nhiễm đen, bốc mùi hôi thối.

“Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, thường kéo dài từ 5-7 ngày thì dứt. Mấy năm trước chỉ một vài nơi có, còn năm nay thì xảy ra trên diện rộng vì mưa,” ông Danh giải thích.

 Nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết vài ngày trước, ngoài sông Long Mỹ, một số con sông khác như sông Cái Lớn, các tuyến kênh Hậu Giang, nước cũng chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi nhiều hơn đã khiến một số loài cá chết và trôi dạt vào bờ. Người dân địa phương không thể lấy nước từ các con sông này để tắm giặt.

Ông Lý Minh Lâm (ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ) cho hay nhiều ngày qua, gia đình ông phải ngừng lấy nước sông Cái Lớn tưới vườn nấm rơm vì nguồn nước bị ô nhiễm. Thay vào đó, ông Lâm đang tính toán đầu tư ống nhựa dẫn nước từ mương vào để duy trì nguồn nước cho trại nấm.

Đang nuôi cá lóc, cá trê và thác lác dưới sông, ông La Bảo Khánh (xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ) lo lắng nói với báo VNExpress: “Năm trước nước ở đây cũng rơi vào cảnh tương tự, khiến cá trong lồng của tui chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.”

Dòng nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối kéo dài hơn 10 cây số từ thị xã Long Mỹ đến huyện Long Mỹ. Một số nơi cá chết nổi lềnh bềnh khắp mặt nước. Còn nước sinh hoạt trong khu vực thì ngả sang vàng, đỏ không ai dám dùng.

Tình trạng nước trên sông bị ô nhiễm hiện tại. (Hình: H.T/Pháp Luật TP.HCM)

Thế nhưng, “Địa phương loại trừ nguyên nhân các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xả thải vì họ đã ngưng sản xuất từ lâu. Có thể do người dân thu hoạch vụ lúa Hè Thu hơn 10,000 hécta trong những ngày mưa, nên nước từ rơm rạ theo dòng chảy ra gây ô nhiễm. Rơm rạ của diện tích lúa còn sót lại bị thối rữa, cùng dòng nước từ vùng lúa ở huyện Phụng Hiệp chảy sang khiến nước sông chuyển màu đen hơn, ”ông Danh nói thêm.

Còn theo ngành hữu trách, nguyên nhân của đợt nước đen và có mùi hôi lần này là do “đợt bão vừa qua, người dân không cắt lúa còn lại nhiều rơm rạ trên đồng. Từ đó, mưa ủ ngập làm chết rơm rạ, sau đó nước này chảy ra sông cái làm nước biến màu đen và có mùi hôi thối.”

Sông Cái Lớn dài khoảng 60 cây số, bắt nguồn từ huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chảy theo hướng Tây Bắc qua các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên, Châu Thành và đổ ra vịnh Rạch Giá, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trước đó hồi Tháng Năm, 2019, nước sông chảy qua huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ cũng chuyển màu đen, khiến thủy sản tự nhiên và cá tôm nuôi trong bè của người dân chết hàng loạt.

Cá chết do nước sông quá ô nhiễm. (Hình: Anh Lam/VNExpress)

Kết quả quan trắc nước mặt đoạn sông của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hậu Giang, cho thấy “có nhiều chỉ số chất thải đã vượt quy định. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm hữu cơ làm phát sinh mùi hôi và màu đen.”

Khu vực bị ô nhiễm có các nguồn nước thải từ cơ sở xay lúa, giết mổ, chăn nuôi, nước thải đô thị… Song, nơi có nguồn xả thải công nghiệp lưu lượng lớn là nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát. Hiện nhà máy này đã ngưng hoạt động.

Theo tin từ báo điện tử của VTV, trong ngày hôm nay 17 Tháng Tám, Sở Tài Nguyên đã đến kiểm tra một số con sông ở thị xã Long Mỹ. “Nguyên nhân khiến nước sông bị đen sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất.” (Tr.N) [kn]

5 thanh niên đi bộ vượt đèo Hải Vân về quê vì mất việc do COVID-19

 

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Báo Nghệ An hôm 16 Tháng Tám thuật lại câu chuyện của nhóm năm ông người Nghệ An phải mất nửa ngày mò mẫm theo đường mòn vượt đèo Hải Vân, hướng về quê, sau khi mất việc tại một công trường xây dựng mà chưa được nhận lương.

Đèo Hải Vân có độ cao 500 mét so với mực nước biển và dài 20 km, nếu đi xe qua hầm cùng tên thì chỉ mất độ nửa tiếng.

Theo tờ báo này, năm ông này từ 20 đến 25 tuổi, bốn trong số này là người Khơ Mú ở Kỳ Sơn, người còn lại quê ở huyện Nghĩa Đàn.

Gần hai tháng trước, họ vào Đà Nẵng làm thuê tại một công trường xây dựng. Làm được khoảng một tháng, chưa kịp nhận lương thì thành phố Đà Nẵng bắt đầu áp lệnh cách ly xã hội, công việc tạm ngưng. Trong nhiều ngày liền, họ phải ăn mì gói, đến khi không chịu đựng được nữa, cả nhóm kéo nhau về quê bằng cách đi bộ, bắt đầu từ sáng 14 Tháng Tám.

“Do trên đường đèo vẫn có lực lượng chức năng chốt nên bọn tôi không đi đường lớn. Hễ thấy bóng dáng cơ quan chức năng là bọn tôi né, chọn những lối mòn trên núi,” một người trong nhóm kể với báo Nghệ An.

Họ cứ nhắm thẳng hướng Bắc mà đi theo lối mòn. Đến tối cùng ngày, họ đến gần chân núi gần thị trấn Lăng Cô trong tình trạng “mệt rũ rượi, vừa đói, vừa khát.”

Sau khi tin được lan truyền, họ được người của Hội Đồng Hương “Sông Lam Tại Đà Nẵng” đem xe hơi lên đón về lại thành phố Đà Nẵng, cho ăn uống và ở tạm tại một lán trại xây dựng trong lúc chờ ngày được chở về quê.

Đà Nẵng bắt đầu áp lệnh cách ly xã hội từ ngày 28 Tháng Bảy, khiến nhiều người lâm vào cảnh chật vật. Nhiều người đã bỏ trốn cách ly để tìm đường về quê.

Năm thanh niên Nghệ An được đồng hương cho ăn uống. (Hình: báo Nghệ An)

Trong vòng hai tuần, có ít nhất 1,600 người đã về quê Nghệ An. Nhiều người trong số này chọn cách đi bộ hàng chục km băng qua đèo Hải Vân rồi bắt xe về, theo báo Nghệ An.

Tờ báo cũng cho biết, hôm 15 Tháng Tám, Sở Xây Dựng Đà Nẵng đề nghị lập danh sách công nhân lao động mất việc do bệnh dịch  COVID-19 để quản lý và trợ giúp ăn ở hoặc chở về nơi thường trú.

Hiện tại, Facebook group “Hội Sông Lam Tại Đà Nẵng” đang phát đi lời kêu gọi: “Mọi người [Nghệ An] đừng tự ý về quê khi chưa có chủ trương, vì bình yên của quê hương nhé. Nếu khó khăn quá thì liên hệ chúng tôi để được trợ giúp nhé, tấm lòng của người Nghệ tại Đà Nẵng đủ yêu thương để lo được cho các hoàn cảnh khó vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể. Ai thật sự khó khăn thì liên hệ chúng tôi.” (N.H.K) [kn]

Chóp bu CSVN ‘giả nhân nghĩa’ khi viếng tang ‘đồng chí’

 

Tư Ngộ/Người Việt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các lãnh tụ chóp bu đảng CSVN khi viếng tang “đồng chí” đều đầy những lời tình nghĩa, ca tụng công ơn, đức độ kẻ đã chết, nhưng không phải họ viết.

Trên mạng xã hội có những chứng cớ đưa ra chứng minh những kẻ cầm đầu đảng CSVN khi viếng tang Lê Khả Phiêu, đều chỉ có ký tên dưới những lời chia buồn trên đó của họ đều do cán bộ đảng viết sẵn. Người ta cũng thấy không chỉ ở đám tang ông Phiêu, mà những lãnh tụ chết trước đó, cũng đều cùng một trò.

Các lời chia buồn viết trong sổ tang lưu niệm những lãnh tụ CSVN từ Phan Văn Khải, Trần Đại Quang, Lê Khả Phiêu,… đều dễ nhận ra từ nét chữ khác nhau của cùng một người đến chia buồn, thậm chí có lời chia buồn rất dài dòng và cần nhiều thời gian để viết nắn nót theo nội dung đã soạn sẵn.

Nét chữ khác nhau của những người viết sẵn lời chia buồn của bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong sổ tang với  ông Trần Đại Quang vàoTháng Chín, 2018 và với ông Lê Khả Phiêu tuần qua. (Hình: FB Hoàng Dũng)

“Đến viết vài dòng tiễn biệt, chia buồn đồng chí đồng đội cũng phải có người khác làm thay! Mặc dù ai cũng giả ngồi vào bàn ghi sổ tang như thật để quay phim chụp hình. Truyền thông nhặng xị…. Vậy mà đầu thì trống rỗng không có nổi một chữ là của chính mình …” Facebooker Bùi Thị Minh Hằng viết bình luận. “Và Chị Ngân Cuốc họi đã có câu trả lời rồi nhá!”

Bản viết sẵn chưa có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Phúc trong sổ tang lưu niệm. (Hình: FB Hoàng Dũng)


Bản trong sổ tang Lê Khả Phiêu sau khi Nguyễn Xuân Phúc Phúc đã ký vào. (Hình: FB Hoàng Dũng)

Theo Facebooker Hoàng Dũng viết hôm Chủ Nhật 16 Tháng Tám: “Tất cả đó chỉ là một vở kịch lớn mà tất cả những kẻ tham dự đều là các diễn viên bất đắc dĩ. Những lời sáo rỗng cuối cùng trong sổ tang tưởng như là chút tình cảm cuối cùng của họ với nhau, cũng không phải.”

Theo Facebooker Hoàng Dũng “Nó được chép sẵn bởi một người nào đó có chút chữ đẹp, rồi yếu nhân chỉ cần ngồi vào đó, tạo dáng, tỏ vẻ mặt buồn rầu. Chờ cho ánh đèn chớp từ các camera giảm nhịp độ thì ký và đứng dậy, buồn rầu.”

Nét chữ người khác viết sẵn cho Nguyễn Xuân Phúc ký tên trong sổ viếng tang Phan Văn Khải, Tháng Ba, 2018. (Hình: FB Nguyễn Việt Hoàng)

Tấm hình chụp lại hai lời chia buồn của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi trong hai sổ viếng tang của ông Trần Đại Quang hai năm trước và sổ viếng tang ông Lê Khả Phiêu hồi tuần qua là một trong những thí dụ về cái thứ tình nghĩa “đồng chí anh em” được viết sẵn rồi chỉ cần ký tên. Hai thứ nét chữ khác nhau chứng tỏ có 2 người khác nhau viết “gà” sẵn cho bà Thịnh, không phải bà ta là tác giả.

Tương tự, người ta chụp được cả lời chia buồn với gia đình ông Lê Khả Phiêu của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được viết sẵn trước và sau khi ông ta ký tên với nét chữ nắn nót khác hẳn những lần viếng tang những người khác trước đó.

Một điều cũng đáng nói trong những lời tiễn biệt các lãnh tụ CSVN vốn xưa nay vốn vô thần nhưng người ta lại thấy ông Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình đọc lời tiễn biệt ông Lê Khả Phiêu là “Xin được cầu chúc linh hồn nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu an nghỉ vĩnh hằng,” báo Tuổi Trẻ tường thuật tang lễ hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Tám.

Thêm nữa, trong tang lễ Lê Khả Phiêu còn có cả “tiếng chuông, tiếng gõ mõ của các nhà sư” thì cái đảng này rõ ràng tuy không nói ra nhưng vẫn tin chết không phải là hết. [kn]