Sunday, June 17, 2018

Tử huyệt


Fb. Đỗ Ngà

Kế nhà tui có ông nội vừa hung hăng vừa ngu muội, ổng tên Sản. Một lần hắn chọc phá tổ ong bị ong đốt cho sưng mặt, vì thế hắn vừa thù ghét vừa hận bầy ong thấu xương. Về nhà hắn mua đầy đủ đồ nghề bắt ong để trả thù. Thế nhưng tìm mãi chẳng thấy kẻ thù đâu, đang hăng máu thì hắn nhìn thấy bãi phân người với vài con ruồi đậu trên ấy. Vì hằn học hận thù quá sức nên nhìn gà hóa cuốc. Nhìn bãi cứt và ruồi hắn tưởng tổ ong. Thế là hắn dùng dụng vụ bắt ong trùm bãi cứt đập cho chết bọn ong khốn nạn. Thế là là cái bịch bể và cứt xịt lên mặt hắn vàng ươm. Chả chết được con ong nào cả.
Vâng, đấy là một mẩu chuyện chắc ai cũng hiểu tôi muốn nói đến đối tượng nào. Đấy chính là cách mà chính quyền CS này đang đối phó với kẻ thù chúng – nhân dân. Vụ biểu tình ngày 10/06/2018 đã làm cho CS ôm hận vì chúng đã chọc vào bầy ong lòng dân. Sau lần đó, bọn họ càng hậm hực và quyết trả thù nhân dân. Không biết ai chơi cũng ác, tung fake news, rằng chủ nhật ngày 17/06/2018 có biểu tình. Thế là chúng cho công an, cảnh sát cơ động, rồi quân đội giả dạng dân quân tự vệ với mặt nạ áo giáp, lực lượng dân phòng, lực lượng trật tự đô thị dày đặc.
Tại nhà thờ Đức Bà, tính đi tính lại cỡ 500 tên các loại có đồng phục đứng lăm lăm vũ khí chuẩn bị tác chiến để trả thù. Xung quanh, hàng ngàn tên mặc thường phục luôn muốn ăn tươi nuốt sống nhân dân đảo qua đảo lại dày đặc. Kết quả, chẳng có ai biểu tình quanh đó, chỉ toàn là du khách hiếu kì. Không nhóm nào, không băng rôn, quanh nhà thờ Đức Bà vẫn như ngày thường. Vì hậm hực, nhìn gà hóa cuốc, thấy du khách ai đưa điện thoại lên chụp hình là chúng xúm lại từ 10 đến 20 tên bắt đánh nạn nhân và tống cổ họ lên xe.
Như chúng ta biết, loài cá Piranha là loài cá hung dữ ở sông Amazon. Khi con mồi bất chợt rơi vào đàn cá đói thì đám cá hung dữ cắn rỉa trong chốc lát thì con mồi trơ xương. Cũng hình ảnh đấy sáng nay tại nhà thờ Đức Bà, đám Piranha đủ loại, nào Piranha CSGT, Piranha CSCĐ, Piranha Dân Phòng, Piranha Trật Tự Đô Thị…luôn đói mồi. Chúng nhìn thấy du khách nào đi qua đưa điện thoại lên chụp hình là xúm nhau cấu xé như đàn Piranha xé mồi. Nơi đó đầy du khách quốc tế, khác nào chính quyền CS tự trét cứt vào mặt mình?
Qua sự cuồng sát của lực lượng cảnh sát, an ninh chìm nổi, côn đồ tay sai nó cho chúng ta thấy gì? Đấy là cái tử huyệt run sợ trước sức dân đã rõ. Như kẻ mù loà, CS đã vung gươm chém loạn xạ vào dân, tự vu dân là kẻ thù để trả thù một cách mù quáng. Dân xuống đường không dễ, phải có cú sốc thật mạnh mới kích lòng dân bùng phát. Với sự run sợ kiểu này chỉ cần vài triệu dân là làm cho chính quyền này lật nhào, vì với kiểu chục người bắt một người thì lấy đâu ra lực lượng mà bắt triệu dân? Lật CS không khó, chỉ cần dân hết sợ, sự phẫn uất tích tụ trong triệu dân thì không có cảnh sát an ninh nào chịu nổi.
Đừng tỏ ra quá hung hăng với chục thằng trăm thằng bu vào xé xác 1 người nhé. Đó là tử huyệt của CS đó nhân dân à. Chỉ cần chúng ta đồng lòng thì điểm được tử huyệt của nó ngay. Chẳng khó! Rồi sẽ tới lúc./.

Đừng xin, họ sẽ không còn cái để cho!

Câu chuyện nguyên một tập thể cô giáo tại Thanh Chương quỳ gối khóc lóc trước một Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện để xin trường mầm non mà các cô đang dạy được mở cửa trở lại đã chìm sâu dưới những cơn nóng giận của mạng xã hội trước các việc khác trọng đại hơn, như Đặc khu kinh tế, như anh Will Nguyễn bị bắt, 300 ngàn đồng để đi biểu tình, hay cách giảng giải “đám mây”… Nhưng theo tôi, hình ảnh quỳ gối có liên quan mật thiết, nếu không muốn nói là nhân quả của Đặc khu kinh tế, Luật An Ninh mạng cũng như hầu hết các tiêu cực, tha hóa, bợm bãi, và tất cả những tính từ miêu tả cái xấu, cái ác tại Việt Nam.
Cộng Sản Việt Nam cai trị dân bằng công thức “xin-cho”. Trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, ngay cả văn hóa mọi thứ người dân đều phải xin. Xin cả những thứ không thuộc về nhà nước, bằng không sẽ không được cho phép sử dụng tới: Internet là thành quả của nhân loại nhưng cho phép người dân sử dụng ra sao thì thuộc bàn tay nhà nước. Giáo Dục là xương sống phát triển của một quốc gia, thiếu cơ chế giáo dục hợp lý giáo dục Việt Nam trở thành con tin của Đảng qua cơ chế xin cho. Cơ chế này thể hiện rất rõ trong hệ thống giáo dục qua câu chuyện mua bán chỗ đứng lớp của hơn 500 cô giáo tại Dak Lak bị mất việc vừa qua.
Tác hại việc xin cho lâu ngày ăn mòn lòng tự trọng của quần chúng. Người dân xem việc ngồi chờ nhiều tiếng đồng hồ để xin một tờ giấy khai tử cho người thân là bình thường, họ không nghĩ rằng cơ chế xin cho đã cướp mất quyền được phục vụ từ nhà nước, nơi có bổn phận cấp cho họ tờ giấy xác nhận người đã chết. Xin giấy khai tử là chuyện nhỏ, quỳ gối xin được dạy học là chuyện to hơn. Động tác quỳ gối làm cho người nhìn thấy bức ảnh này xấu hổ. Bởi là con người, không ai không cảm thấy xấu hổ cho việc làm này. Xấu hổ là một phản xạ của một sinh vật có lý trí vì động tác quỳ chỉ có thể xảy ra cho một hay nhiều người khi bị quân thù buộc phải quỳ trước họng súng. Hai nữa một người phải quỳ khi xin tha mạng cho mình hay chính người thân của mình, có nghĩa là chấp nhận hay tự nguyện quỳ trong trường hợp tính mạng bị đe dọa, bằng không hiếm có ai quỳ để xin… việc làm. Thà như người ăn xin ngoài chợ, còn hơn làm thầy cô giáo trong hình ảnh quỳ gối như câu chuyện vừa xảy ra.
Nhưng với Việt Nam, cô giáo mất trắng tiền tươi thóc thật để xin một chân dạy học là câu chuyện không còn làm cho ai ngạc nhiên. Cái trường mầm non mà các cô làm việc không biết “xin” nên không được “cho” Chỉ khốn khổ cho những con người yếu ớt nhẹ dạ trong xã hội Việt Nam hôm nay. Nếu cái trường Mầm non này hiểu rành rẽ kỹ thuật bôi trơn thì họ đâu đến nỗi phải quỳ, mà ngược lại là đàng khác. Cũng câu chuyện “xin-cho” nhưng khi kẻ “xin” bỏ quá nhiều tiền thì kẻ “cho” trở thành con tin, vừa hèn hạ vừa xuẩn động. Câu chuyện ba Đặc khu kinh tế là một trong hàng trăm ví dụ.
Hèn hạ khi tìm mọi cách biện minh rằng ba vị trí chiến lược này không phải cho Trung Quốc thuê, và nếu có cho Trung Quốc thuê chăng nữa thì cũng như các khu China Town của Tàu tại Mỹ tại Tây mà thôi không có gì phải lo. Xuẩn động khi dự luật đang trên bàn của mấy ông nghị gật, thì ngoài kia các loại xe cơ giới đã ầm ầm hoạt động. Đường băng cho phi cơ hạ cánh đã thành hình, đất đã được phân lô và rao bán công khai tại địa phương nơi được gọi là đặc khu kinh tế.
Luật An ninh mạng là một hình thức “xin-cho” khác. Có điều, Nhà nước tự quyền cho cái mà họ không làm ra, hay nói chính xác hơn cái không thuộc về họ. Internet là sản phẩm chung của nhân loại sau khi đã qua nhiều đợt hoàn thiện. Người sử dụng Internet phải trả cước vận chuyển và không một nước nào của phương Tây đòi hỏi người dùng phải tuân thủ điều luật nào ngoài phạm vi an ninh cho đất nước của họ. An ninh mạng (Cyper Security) bao gồm hacker, tấn công, ăn cắp dữ liệu của người dùng, lừa đảo, lợi dụng internet tập trung, huấn luyện chế tạo vật phẩm với mục đích khủng bố. Không nước nào có hành động ngăn cấm việc bày tỏ chính kiến, phản biện hay phê bình chính phủ, ngoại trừ bốn nước độc tài còn sót lại trên trái đất trong đó có Việt Nam.
Cực lực phản đối Dự Luật An Ninh Mạng
Quen với tư duy xin cho những ông chủ ngồi trong phòng lạnh tuy không run vì nhiệt độ của hàn thử biểu nhưng lại run thật sự khi thấy dân “lợi dụng” trang mạng xã hội để phê phán, nguyền rủa, khai quật, phát tán, những hình ảnh, con người, sự kiện tiêu cực của chế độ. Nếu đến nước này thì có “xin” cũng không “cho” nữa. Một lý do quan trọng hơn: không cho vì người dân không bôi trơn khi vào mạng xã hội, vì vậy cơ quan chức năng “kiểm soát” internet không có cái để ăn thì làm sao cho?
Huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Mặt trái của việc thông qua Dự luật An ninh mạng là ngay lập tức thị trường chứng khoán rơi tự do và kéo theo hệ lụy cho doanh nghiệp nước ngoài trong các sinh hoạt của họ trong tương lai gần. Việt Nam nhìn vào Trung Quốc như một chỗ dựa nếu có vấn đề kỹ thuật xảy ra như Google hay Facebook rút khỏi Việt Nam thì Trung Quốc nhảy vào thay thế. Tuy nhiên nhà cầm quyền tính sai một nước cờ, người Việt Nam muôn đời không thể sống chung với Trung Quốc, ngay cả những con chữ Baidu hay Weibo, Renren hoặc Yoku cũng làm họ dị ứng rồi thì làm sao họ có thể “đồng hành” với những ai còn quá ngây thơ về ý tưởng này.
Ngày 10 tháng 6 không làm cho họ sáng mắt ra chút nào hay sao?

Hậu Mười tháng Sáu: Chính quyền lại ‘mót’ luật Biểu tình!

Thiền Lâm
Việt Nam – Cali Today News – Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’.
‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’ – Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt nam.
Vào tháng Năm năm 2016, sau những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có người đã thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp “sơ kết”: “Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó?”.
Còn vào lúc này, giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm luật Biểu tình”.
Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý” – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra những cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới để “quyết”.
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ: quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như CPTPP, EVFTA, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Thực tế ngược ngạo và hài hước trên lại xuất phát từ chính một chế độ đã đau đầu tìm cách quay lưng lại với luật Biểu tình từ ít nhất một phần tư thế kỷ qua, nếu tính từ thời điểm quyền tự do biểu tình của dân chúng được Hiến pháp năm 1992 quy định.
Trong suốt 7 năm qua, Bộ Công an – cơ quan đặc thù bởi “chuyên môn” về trấn áp và đàn áp người xuống đường – đã không ít lần viện dẫn “còn nhiều ý kiến khác nhau”, cộng thêm với “cống hiến” mang tính phản bác của giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ thời “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh – để cho tới nay vẫn hoàn toàn quay mặt với thứ quyền không còn gì để mất của rất nhiều người dân – nạn nhân của nạn thu hồi đất đai vô lối và phi pháp, nạn nhân ô nhiễm môi trường, công nhân bị bóc lột, những người bất đồng chính kiến bị bịt miệng và bị tống vào tù vì dám nói ra sự thật…
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Xuống đường, rồi muốn ra sao thì ra…
Vào tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Còn đến tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Đã quá muộn để chính thể độc trị ‘tích cực soạn thảo và ban hành luật Biểu tình’.

Luật An Ninh Mạng “nhằm ngăn dòng chảy cuộc sống”

Thụy My – RFI
Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong và ngoài nước. Cư dân mạng đồng loạt thay đổi hình đại diện phản đối, Hoa Kỳ, Canada, RSF kêu gọi hủy bỏ đạo luật này. RFI Việt ngữ phỏng vấn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư Phạm TP. HCM về vấn đề đang gây xôn xao dư luận.
RFIKính chào phó giáo sư Hoàng Dũng. Thưa ông, như ông cũng thấy, vừa qua có phong trào rầm rộ hầu như khắp nơi phản đối Luật An Ninh Mạng. Trên mạng có những người đã than “Hôm nay, chúng ta bước vào bóng tối”. Vì sao dân chúng, đặc biệt là trí thức, lại phản dữ dội như vậy?
PGS Hoàng Dũng: Ngay câu hỏi cũng đã cho thấy thành công của những người soạn thảo luật này. Đặt tên là Luật An Ninh Mạng, họ cài đặt trong đầu người đọc rằng quan tâm của luật là quyền lợi của người sử dụng, cũng như đề phòng và trừng trị trộm cướp vào nhà.
Thực ra, với mục đích như vậy, thì năm 2015 Quốc Hội đã ban hành Luật An Toàn Thông Tin Mạng. Cho nên, Luật An Ninh Mạng có mục đích khác: tạo ra một cái camera trong ngôi nhà mạng của bất cứ người dân nào, và một cái cửa để vào cướp tài sản mạng của họ, từ đó nếu muốn sẽ ra tay trừng trị.
Nói tóm, ta có viễn cảnh hãi hùng trong cuốn 1984 của Orwell: “Big-Brother is watching you”(Anh Cả đang quan sát mày đấy). Trong thế giới của Orwell, nhân danh quyền lợi quốc gia, mọi công dân đều bị giám sát bằng màn hình từ xa (telescreens). Thế giới ấy trở thành hiện thực với Luật An Ninh Mạng, cũng nhân danh quyền lợi quốc gia!
RFINhưng so sánh với 1984 của Orwell thì liệu có phóng đại quá không? Nhiều nước trên thế giới cũng có luật tương tự mà?
Khi tôi nhắc tới 1984, là tôi muốn nói đến tinh thần của Luật An Ninh Mạng, chứ chưa bàn đến kết quả thực tế của nó.
Nói cho đúng, luật nói chỉ chế tài những người nào dùng không gian mạng để “xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nhưng vấn đề là cơ quan nào phán quyết công dân phạm pháp?
Luật giao cho Công an, chứ không phải Tòa án: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mạng phải: “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Như thế, ngôi nhà mạng của bất kỳ ai cũng có thể bị xộc vào khám xét, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan an ninh. Ngôi nhà mạng rõ ràng kém an toàn hơn rất nhiều so với nhà ở: theo Luật Tố tụng Hình sự, việc khám xét nhà ở chỉ có thể tiến hành nếu được tòa án hay Viện Kiếm sát ra lệnh hay phê chuẩn.
Nói một cách hình ảnh, Luật An Ninh Mạng cho phép cơ quan an ninh lắp telescreens của Orwell trong nhà mạng của từng cư dân và việc bật công tắc để theo dõi hoàn toàn giao phó cho cơ quan này. Đây chính là điểm khác biệt chủ chốt giữa Luật An Ninh Mạng Việt Nam với luật của các quốc gia văn minh.
Việc Quốc hội vội vã thông qua Luật An Ninh Mạng có lẽ một phần do tác động của các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, xét về địa bàn và số lượng người tham gia biểu tình. Người ta dễ quy nguyên nhân là do mạng xã hội.
Nhận định như thế là nguy hiểm vì nó đổ tội cho người dân và che giấu nguyên nhân đích thực: các cuộc biểu tình là do lòng yêu nước trước viễn cảnh nhượng địa, sự phẫn nộ trước sự dối trá thô bạo (như ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo Luật An Ninh Mạng không có một từ “Trung Quốc” nào), và cả những uất ức khác (như nạn ô nhiễm trầm trọng ở Bình Thuận v.v…).
RFIDẫu sao trong 466 đại biểu, cũng đã có 15 đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu không tán thành, 28 đại biểu không biểu quyết. Sự kiện này nhất định phải có một ý nghĩa nào đó chứ?
Tất nhiên là có. Nhưng không ít người đã hy vọng số đại biểu không tán thành nhiều hơn, dầu họ vẫn nghĩ chắc chắn dự thảo sẽ được thông qua. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, vì thế, đã viết trong một status: “423/466- Không thể tin nổi! Dù đoan chắc một tỉ lệ áp đảo nhưng khó có thể tin con số này. Kinh hoàng!”
Tôi cũng kinh hoàng nhưng là khi thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông đọc Facebook thành Pê-tê-bóc, lại tưởng điện toán đám mây cũng như mây bay trên trời, có thể dịch chuyển đi nơi này nơi nọ.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra Luật An Ninh Mạng, mà người đứng đầu lại như thế. Nói cho đúng, không ai hiểu được mọi chuyện. Không hiểu thì học. Mà khởi đầu học là hỏi. Chẳng lẽ ông Võ Trọng Việt không hỏi bất cứ chuyên gia nào về vấn đề tối quan trọng của đất nước mà ông có nhiệm vụ thẩm tra hay sao?
Còn kinh hoàng hơn nữa là theo tiết lộ của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết (trên Facebook của ông), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lỗi của ông Võ Trọng Việt chỉ là đọc sai tên Facebook. Còn những chuyện khác là lỗi tập thể: đây là ông Võ Trọng Việt đọc một báo cáo đã được duyệt qua nhiều cấp, nhiều lần!
Cho nên, chắc chắn có một tỷ lệ lớn các đại biểu Quốc hội không đủ năng lực bàn và quyết những vấn đề đại sự quốc gia. Một Quốc hội như thế thì không thể kỳ vọng gì nhiều.
RFINgười ta nói nhiều đến việc có sự giống nhau khó hiểu giữa Luật An Ninh Mạng Việt Nam với Luật An Ninh Mạng của Trung Quốc. Xin ông cho biết ý kiến về việc này.
Có đến bảy điểm giống nhau giữa Luật An Ninh Mạng của hai nước. Muốn hiểu điều đó cẩn phải đặt trong một bối cảnh rộng hơn.
Lãnh đạo đất nước là Đảng Cộng sản, chứ không còn cái tên Đảng Lao động xưa kia. Một khi đã khăng khăng bằng giữ được chủ nghĩa Cộng sản, thì mặc nhiên lãnh đạo Việt Nam đã gắn vận mệnh của đất nước với Trung Quốc. Phương châm cuối cùng trong bốn phương châm tổng cộng 16 chữ (Thập lục tự phương châm) do Hồ Cẩm Đào đề xướng và được Việt Nam vui mừng chấp nhận, khẳng định hai nước có chung một vận mệnh (vận mệnh tương quan). Đảng Cộng sản Trung Quốc đi đời thì Đảng Cộng sản Việt Nam làm sao đứng vững?
Vì thế, chiến lược, sách lược của Việt Nam ở nhiều mặt rất giống Trung Quốc, thậm chí là hàng viện trợ của Trung Quốc là điều không có gì khó hiểu.
Không chỉ Luật An Ninh Mạng. Lực lượng 47 chuyên đấu tranh trên mạng gồm đến 10.000 người được thành lập trong quân đội dễ nghĩ tới mô hình “Ngũ mao đảng” (Đảng 50 xu, tổ chức của các dư luận viên).
Ngay lời lẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng có bóng dáng lãnh tụ Trung Quốc: ngày 22/1/2013, phát biểu trước Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đòi “nhốt quyền lực vào lồng chế độ” (Bả quyền lực quan tiến chế độ đích lung tử lý) thì ngày 14/4/2016, nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến chuyện “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế”.
Cao hơn nữa, nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ nói đến “thế lực thù địch”, “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Đó là sản phẩm dịch từ “Địch đối thế lực”, “xã hội chủ nghĩa thị trường kinh tế” của Trung Quốc.
Đã “vận mệnh tương quan” thì tất yếu dẫn đến việc nhận viện trợ vũ khí tư tưởng từ Đảng “bạn”!
RFIDù sao Luật An Ninh Mạng cũng đã được Quốc Hội thông qua. Theo ông, hậu quả của việc này như thế nào?
Tôi không đủ hiểu biết để nói về tất cả hậu quả của Luật An Ninh Mạng, tuy tôi tin chắc là rất nghiêm trọng. Riêng về kinh tế, theo Hiệp hội Điện toán Đám mây Châu Á, việc hạn chế dòng dữ liệu xuyên biên giới có thể làm Việt Nam tổn thất 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và tổn thất 1,5 tỉ đô la Mỹ giá trị phúc lợi tiêu dùng.
Ngay ngày 12/6, ngày Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An Ninh Mạng, thị trường chứng khoán phản ứng tức khắc: các sàn chứng khoán đỏ rực, lao dốc rất nhanh do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu, thiệt hại đến 3,6 tỉ đô la Mỹ. Nhưng như thế có lẽ còn xa mới lay tỉnh được những đầu óc chủ trương Luật An Ninh Mạng.
Luật An Ninh Mạng chỉ như một cố gắng tuyệt vọng be bờ để ngăn dòng chảy cuộc sống. Tất nhiên, nước sẽ chậm lại. Nhưng cuối cùng cuộc sống vẫn cứ lừng lững, làm sao ngăn được!
RFIChúng tôi xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư Phạm TP. HCM, đã vui long dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Clip dân chất vấn ‘đại biểu Quốc Hội’ CSVN được hàng ngàn người ‘share’


Người đàn bà chất vấn các “đại biểu Quốc Hội” về việc bỏ phiếu. (Hình: cắt từ clip)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến tối 17 Tháng Sáu, đã có gần 9,000 lượt share và 4,000 lượt like clip một bà gọi điện chất vấn 20 “đại biểu Quốc Hội” ở đoàn thành phố Hà Nội về việc họ bỏ phiếu thông qua Luật An Ninh Mạng hôm 12 Tháng Sáu.
Trong clip được đăng trên Facebook Trương Huy, người đàn bà này tự giới thiệu mình “là một cử tri quận Hà Đông, Hà Nội, thực hiện quyền giám sát đại biểu Quốc Hội của cử tri.”
Qua điện thoại, bà Trần Thị Phương Hoa, một “đại biểu Quốc Hội” nói với bà này là “không được hỏi về việc tôi có nhấn nút đồng ý hay không” rồi cúp máy.
“Đại biểu Quốc Hội” Trần Thị Quốc Khánh không trả lời thẳng câu hỏi mà nói loanh quanh rằng “cử tri cứ yên tâm và nên tin tưởng vào “đại biểu Quốc Hội nhấn nút theo nguyện vọng của cử tri”.
“Đại biểu Quốc Hội” Vũ Thị Lưu Mai thẳng thắn nói là bà “nhấn nút không đồng ý.” (thông qua thông qua Luật An Ninh Mạng)
“Đại biểu Quốc Hội” Bùi Huyền Mai nói “đang họp” và cúp máy, còn “đại biểu” Nguyễn Thị Bích Ngọc cúp máy sau khi nghe câu hỏi. Một số “đại biểu” khác trong clip này không bắt máy hoặc nói là “vắng mặt tại nghị trường” hôm 12 Tháng Sáu.
Đến nay, công luận chỉ biết rằng có 15 “đại biểu Quốc Hội” được ghi nhận “không tán thành thông qua Luật An Ninh Mạng” hôm 12 Tháng Sáu nhưng không rõ danh tính những người này, ngoài ông Dương Trung Quốc tự công bố ông là một trong số họ. Điều này khiến cộng đồng yêu cầu làm rõ tên tuổi của những “đại biểu” thực sự đứng về phía người dân, không tán thành một luật nhằm bóp miệng những tiếng nói đối lập.
Tuy vậy, mong muốn này không được giới chức Quốc Hội đáp ứng. Tại cuộc họp báo chiều 15 Tháng Sáu, Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại, quyết định ra sao là quyền của Quốc Hội. Quốc Hội Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết nhưng không nêu danh tính.”
Việc Quốc Hội thông qua luật An Ninh Mạng và chỉ lùi chứ không hủy luật Đặc Khu được cho là một trong những nguyên do thôi thúc hàng vạn người dân biểu tình tại các thành phố lớn hôm 10 Tháng Sáu. Trước đó, đã có 40,000 chữ ký cá nhân và 22 chữ ký của các tổ chức xã hội dân sự được thu thập trong các bản kiến nghị yêu cầu Quốc Hội không thông qua luật An Ninh Mạng nhưng không được phản hồi.
Đến nay, nhằm đối phó với công luận và ngăn biểu tình trong những ngày tới, chính quyền vẫn cho người rải các tờ tuyên truyền về “tính đúng đắn” của luật An Ninh Mạng và luật Đặc Khu đến từng hộ gia đình ở các thành phố lớn. Mặt khác, chính quyền còn huy động các “đại biểu Quốc Hội” lên báo tán dương hoặc đưa thông tin lập lờ nhằm trấn an người dân về luật An Ninh Mạng, trong số đó có các ông Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Thanh Hồng… (T.K.)

Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình

Người biểu tình đốt xe cảnh sát ở Phan Rí, Bình Thuận. (Hình: Getty Images)
Việc dây dưa, “ngâm” luật về biểu tình đưa Việt Nam vào tình thế… chông chênh và hơn thế nữa – Tình trạng dầu sôi, lửa bỏng!
Vậy nên, Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình!
Nhất là, mới đây hôm 10 Tháng Sáu tại Việt Nam đã bùng phát cuộc “tổng biểu tình” trên nhiều tỉnh thành để phản đối dự luật về “Đặc Khu Kinh Tế” và “An Ninh Mạng” mà Quốc Hội CSVN đang bàn thảo.
Cuộc biểu tình của người dân, nhiều nơi diễn ra trong ôn hòa. Nhưng có những nơi đã xảy ra tình trạng “bạo động.” Như ghi nhận tại Bình Thuận, người dân vì phẫn nộ đã tràn vào đập phá trụ sở của Ủy ban tỉnh. Hay như ở Sài Gòn, tuy biểu tình ôn hòa nhưng cũng đã có xảy ra tình trạng dùng bạo lực để trấn áp người dân…
Thời mà chủ tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam là Trương Tấn Sang còn đang tại vị. Trước những cuộc biểu tình sôi sục của người dân chống lại việc Trung Cộng đem dàn khoan vào Biển Đông. Tuy dân chúng biểu tình bày tỏ lòng yêu nước (chính đáng), lại bị các sai nha -công quyền đàn áp dữ dội. Ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng trước giới truyền thông, là: “Quyền bày tỏ lòng yêu nước của người dân là quyền thiêng liêng.” Tuy chủ tịch nước nói vậy, nhưng hôm sau người dân đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng vẫn bị đàn áp, nhiều người bị bắt bớ, giam cầm…
Vì không có luật về biểu tình, nên lằn ranh giữa việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa của đông đảo người dân. Với việc đám đông giận dữ, phẫn uất chuyển qua bạo động, chỉ cách nhau trong… “đường tơ, kẽ tóc.”
Qua thực tế, từ những va chạm trong các cuộc biểu tình (dù là ôn hòa). Khi hàng rào an ninh làm bằng người (là những nhân viên công lực), bắt đầu có sự xô lấn. Người biểu tình thì muốn tràn tới, bị nhân viên an ninh đẩy ngược lại, hoặc chặn không cho đi tới địa điểm (như tòa lãnh sự Trung Cộng). Sự xô đẩy giữa hai “thế lực” này đôi khi khá căng thẳng, chỉ cần một ai đó, trong hàng ngũ bên đây hoặc bên kia, thiếu kiềm chế hoặc mất kiểm soát là những điều đáng tiếc ngay lập tức có thể xảy ra.
Chưa kể, khi thế lực thuộc phe “người lạ” cho cài cắm người, trà trộn tạo tình huống kích động, để phe người Việt “đập” lẫn nhau. Gây bạo động trên diện rộng, hòng “đục nước béo cò,” dễ bề tạo cớ thôn tính nước ta.
Nhiều trí thức tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình thấy rõ tình huống rất chông chênh. Khi không có luật về biểu tình, nhân viên thực thi công lực rất dễ “lạm dụng tình huống” để quá đà trong việc “giữ gìn trật tự” mà không sợ bị trừng phạt. Ngược lại, về phía người biểu tình chống xâm lược là thể hiện lòng yêu nước chính đáng, nhưng vì không phải là “biểu tình hợp pháp.” Nên họ không được tổ chức và huấn thị những điều cần thiết, cũng như xử lý những tình huống cố tình bị “khiêu khích,” kích động dễ dẫn tới những hành vi mất kiểm soát làm phương hại tới mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc biểu tình, tuần hành.
Một khi, súng đã nổ và máu đã đổ thì “hòa khí” giữa các bên sẽ khó bề hàn gắn.
Các nghiên cứu về tâm lý học đám đông, đều cho thấy kết quả – Khi đám đông nổi giận (ở đây là đoàn người biểu tình), bị kích động bằng phản ứng tâm lý dây truyền, thì không có gì ngăn cản được cơn “cuồng nộ” của đám đông. Việc đập phá trụ sở, đốt xe thậm chí tấn công công an, cảnh sát đều là điều… bình thường. Đám đông chỉ “hạ nhiệt”khi cơn “cuồng nộ” của họ được thỏa mãn. Ở Việt Nam điều này đã xảy ra, sau sự kiện về Formosa, đám đông đã tấn công, đốt phá các công ty có bảng hiệu bằng chữ Tàu, mà không cần phân biệt đó là công ty Đài Loan hay Nam Hàn…
Tại các nước văn minh, nhà nước hành xử bằng luật pháp, do vậy họ có luật về biểu tình. Như vậy, người biểu tình hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ, và không được phép đi quá những gì mà luật về biểu tình quy định. Và nhân viên công lực không có trách nhiệm đàn áp biểu tình hợp pháp, mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, giám sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi trái với luật biểu tình. Nên có người nói “hơi quá” là ở các nước dân chủ – văn minh, đi biểu tình cũng giống như là đi… píc-níc. Chứ không quá ghê gớm như ở Việt Nam, đi biểu tình mà giống như đi làm chuyện… động trời.
Luật biểu tình ở Việt Nam phải sớm ban hành, vì nó cấp thiết phù hợp với tình trạng xã hội đang chuyển biến ở Việt Nam. Vì chắc chắn một điều, dân chúng dù bị cấm tụ tập, biểu tình nhưng họ không cam tâm ngồi yên, khi vận nước đang hồi – dầu sôi, lửa bỏng. Như những người tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lăng (hôm 10 Tháng Sáu) đã bày tỏ: “Thà làm ‘phản động’ còn hơn làm kẻ bán nước!”; “Không để Tàu Cộng thuê đất dù chỉ một ngày, đừng nói tới chuyện cho thuê đất tới 99 năm!”…
Lòng dân đã rõ, còn sự “dòm ngó” của Tàu Cộng xâm lăng, thì người dân sẽ còn xuống đường, tuần hành, biểu tình dài dài. Quyền được bày tỏ lòng yêu nước của người dân chẳng những thiêng liêng, mà đó là một quyền phải được pháp luật bảo vệ, tại bất kỳ quốc gia có chủ quyền độc lập nào. Những thế lực nào ngăn chặn lòng dân yêu nước, thì những kẻ đó đã lộ rõ dã tâm bán nước.
Nếu Quốc Hội Cộng Sản kỳ này, bỏ phiếu thông qua “Luật Đặc Khu” với thời hạn thuê đất lên tới 99 năm, thì lịch sử Việt Nam sẽ ghi rõ – quốc hội kỳ này, là một quốc hội bán nước. Vì như những đại biểu còn lương tri trong Quốc Hội Cộng Sản cũng đã chỉ rõ rằng – Thời hạn thuê đất 99 năm, không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, mà chỉ khuyến khích Trung quốc di dân xuống “làm tổ” tại ba đặc khu là: Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Để từ đó lan tỏa giấc mộng bành trướng, mà không cần nổ một phát súng, chỉ cần quăng ra một tí tiền.
Cùng với luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng (nếu được thông qua), Việt Nam sẽ sớm biến thành dê béo trên bàn tiệc của hổ Trung Hoa. (Văn Lang)

Sài Gòn: Biểu tình không nổ ra, nhưng hàng trăm người bị bắt

An ninh siết chặt tại khu vực nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn hôm 17 Tháng Sáu. (Hình: trang Đô Thành Sài Gòn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Không ngoài dự báo, hôm 17 Tháng Sáu tại Sài Gòn không thể diễn ra biểu tình do nhà cầm quyền siết chặt an ninh tại các khu trọng điểm.
Hình ảnh và clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng ngàn công an, dân phòng và nhân viên an ninh, mật vụ mặc thường phục được rải khắp các ngã ba, ngã tư, vòng xoay, công viên…
Trả lời nhật báo Người Việt từ Sài Gòn, ông Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, cho biết: “Tôi cảm nhận tình hình ở Sài Gòn giống như nhà cầm quyền đang huy động toàn lực để trực chiến. Tại các điểm nóng như nhà thờ Đức Bà, phi trường Tân Sơn Nhất, lãnh sự quán Trung Quốc… thì người của chính quyền bố trí đông hơn và có nhiều chốt canh. Nhiều người đã bị bắt đi hoặc bị kiểm tra hành chính khi họ có mặt ở đó, dù đang ngồi trong quán cà phê hay đi bộ một mình hoặc theo nhóm.”
Tính đến chiều 17 Tháng Sáu, danh sách bị câu lưu do “bị nghi đi biểu tình” tại Sài Gòn đã lên đến hàng trăm người, trong đó có các blogger Trương Thị Hà, Nguyễn Ngọc Lụa, Sáu Nhị…
Theo blogger Hoàng Cua, người được thả ra khỏi nơi tạm giữ là sân vận động Tao Đàn ở quận 1, có khoảng 200 người bị giữ tại đây, trong đó có năm, bảy trẻ em và chục người lớn tuổi. Tất cả đều bị lục túi xách, đồ đạc tư trang.
Facebooker Kha Trinh, người tình cờ đi ngang qua công viên Hoàng Văn Thụ và bị câu lưu, sau đó được thả ra, tường trình sự việc trên mạng xã hội.
“Tôi bị công an quận Tân Bình bắt và nhốt hơn 5 giờ khi đang đi qua công viên Hoàng Văn Thụ. Lý do bị bắt nhốt là tay tôi đeo dây vải đỏ mà họ nghi ngờ trong nhóm phản động. Ngoài tôi ra thì thấy có cả những người ngồi trong quán uống cà phê mà “bị nghi đi biểu tình” thì cũng bị bắt. Đó là chưa kể những người chụp hình gần những nơi xảy ra biểu tình hay chỉ đơn giản là dừng xe nghe điện thoại cũng bị bắt. Bi hài hơn là xe Grab đón khách dừng tại chỗ mở cửa đón khách cũng bị bắt. Thậm chí tôi biết có người vào sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị check-in rồi vì đeo dây đỏ mà… bị nhốt.”
Hàng rào kẽm gai phủ dày đặc quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn hôm 17 Tháng Sáu. (Hình: trang Đô Thành Sài Gòn)
Sự “sốt sắng, nhiệt tình” của công an và nhân viên an ninh còn lên đến đỉnh điểm khi họ câu lưu “nhầm” bà Khánh Mai, vợ của cựu phóng viên VTV Đoàn Quý Lâm.
Ông Lâm viết trên trang Facebook cá nhân: “Sáng 17 Tháng Sáu, vợ tôi đang tổ chức chụp hình cho khách hàng trong dự án truyền thông xây dựng thương hiệu cá nhân ở đường sách Nguyễn Văn Bình tại quận 1 thì bị các chú thường phục bắt lên xe buýt chở đi. Có lẽ các chú làm việc nhiều quá mệt nên không còn đủ tỉnh táo để phân biệt ai đi làm việc, ai đi biểu tình. Cứ làm đại thế này thì tốn kém lắm…”
Trong một diễn biến khác, truyền thông “lề phải” ghi nhận phát ngôn của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi “tiếp xúc cử tri” ở Hà Nội hôm 17 Tháng Sáu.
Nguyễn Phú Trọng cáo buộc: “Lợi dụng quy định cho thuê đất 99 năm trong Luật Đặc Khu để nói Trung Quốc vào 99 năm là mất nước, kích động đi biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, dẫn đến làm việc chống đối, phá hoại. Bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc khác, có bàn tay phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài.” (T.K.)

Công an Việt Nam chuẩn bị chiến tranh với ai?

Theo VOA-15/06/2018 
Công an biểu diễn bắn súng ở Hà Nội, tháng Tám, 2015.
Phạm Chí Dũng Công an biểu diễn bắn súng ở Hà Nội, tháng Tám, 2015.
Không phải văn bản cấp nghị quyết hay nghị định của chính phủ, mà chỉ là hình thức một thông tư của Bộ Công an nhưng lại đang gây ngạc nhiên, nếu không muốn nói là kinh ngạc, đối với dư luận xã hội và giới quan sát chính trị.
Vào trung tuần tháng Sáu năm 2018, Bộ Công an bất ngờ ban hành Thông tư số 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã... được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... Còn công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay...
Vì sao lại xuất hiện động thái vũ trang quá đặc biệt trên trong thời điểm này?
‘Thế lực thù địch’ hay nhân dân?
Nếu cơ chế trang bị súng cho công an xã là có thể lý giải được vì đây là một đề xuất loại ‘cố đấm ăn xôi’ của Bộ Công an từ vài năm trước và tái xuất hiện vào cuối năm 2017, thì việc công an từ cấp huyện trở lên được trang bị những loại vũ khí hạng bán nặng và hạng nặng như súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... đã đặt ra một dấu hỏi rất lớn: công an cần những loại vũ khí này để đánh ai?
Chiến tranh với ‘thế lực thù địch’ hay với dân?
Nếu đối tượng bị tấn công là ‘các thế lực thù địch’ thì không có cơ sở, vì cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã hình thành một lực lượng ‘phản động’ được quân sự hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng chẳng có một lực lượng chính trị đối lập nào. Thậm chí ngay cả những tổ chức xã hội dân sự độc lập còn không thể tổ chức sinh hoạt vì bị công an ngăn chặn.
Còn nếu giới quan chức công an vẫn cố tình cường điệu vai trò của ‘tổ chức khủng bố Việt Tân’ thì chính ngành công an lại quá thiếu bằng chứng để chứng minh rằng Việt Tân có một vai trò chính trị hay quân sự đủ lớn ở Việt Nam mà phải khiến cho toàn bộ ngành công trang bị súng ống từ đầu đến chân.
Vậy phải chăng các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng sẽ được công an dùng để đàn áp dân?
Nếu mục đích trên là có thực, sẽ là quá hoang tưởng đối với ngành công an khi xem nhân dân là thù địch, cho là dân có thể tự chế ra xe tăng và phải dùng đến những loại vũ khí sát thương hạng nặng để chống lại những người đã sinh thành ra mình.
Tuy nhiên, trong thực tế đàn áp dân từ trước đến nay, đa phần công cụ được ngành công an sử dụng là dùi cui, lực đạn cay hay cùng lắm là đạn cao su. Theo logic phát triển về tầm mức sử dụng vũ khí, nếu tình hình trở nên thách thức lớn hơn, công an có thể dùng súng thật và đạn thật, nhưng vẫn không thể đến mức dùng máy bay trực thăng vũ trang hay súng chống tăng… trong khi dân chỉ toàn tay không.
Hơn nữa, việc trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho công an từ cấp huyện trở lên là cực kỳ tốn kém. Liệu một nền ngân sách quốc gia - vốn đang lâm vào tình thế cạn kiệt, đang phải vắt cổ dân để dùng đến hơn 70% trong mục chi thường xuyên chi trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đang phải xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và giảm mạnh biên chế của ngành này…, có chịu nổi gánh nặng trang bị vũ khí hạng nặng cho công an?
Trong khi đó, các loại vũ khí như súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... thường chỉ được trang bị trong quân đội ở cấp tiểu đoàn, còn trực thăng vũ trang chỉ được trang bị cho cấp trung đoàn trở lên. Những loại vũ khí này chỉ được sử dụng trong tác chiến trên chiến trường với đối phương chứ không phải là đánh nhau với dân trong từng góc phố.
Chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc?
Chỉ còn lại một nguồn cơn mà rất có thể đã dẫn tới quyết định quân sự hóa công an từ cấp huyện trở lên: Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, rất nhiều tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa vào năm 2018.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn: không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 (theo lời “cầu viện” chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Nhưng nguyên nhân đặc biệt nhất là chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn có thể phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Sáu năm 2018, một bản đồ lưỡi bò được Trung Quốc vẽ lại đã ‘liếm’ qua đến 67 mỏ dầu khí của Việt Nam, bất chấp Việt Nam luôn tuyên bố đây là vùng chủ quyền của mình. Điều đó có nghĩa là ngay giờ đây, chính thể Việt Nam không còn có thể tự khai thác dầu khí ngay trên vùng lãnh thổ của mình nữa.
Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Phương trình Biển Đông cứ mỗi tháng trôi qua lại sinh sôi thêm nhiều ẩn số. Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc là Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Thật thế, tương lai Trung Quốc tái hiện cuộc chiến biên giới năm 1979 trên biển Đông và có thể cả trên đất liền có vẻ đang đến gần, nhất là khi sự can thiệp của hải quân và không quân Hoa Kỳ ở Biển Đông là chưa đủ ý nghĩa để khiến Trung Quốc phải chùn bước.
Nếu trong nhiều năm trước giới chóp bu Việt Nam hầu như vô cảm trước cảnh tàu ngu dân Việt bị ‘tàu lạ’ đâm va bắn giết, thì nay trước nguy cơ mất ăn dầu khí và mất nguồn ngân sách nuôi đảng bởi ‘đồng chí tốt’, chính thể Việt Nam mới phải tìm cách trang bị các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng cho cả công an, mà có thể ưu tiên cho công an ở các khu vực biên giới phía Bắc, vùng duyên hải và biên giới Tây Nam giáp Campuchia.
Đồng thời, chính thể Việt Nam cũng ‘giải mật’ Thông tư 17/2018 về trang bị vũ khí cho công an như một động tác công khai hóa nhằm ‘hù’ Trung Quốc…
Kế hoạch quân sự hóa ngành công an có thể nằm trong một kế hoạch tổng thể của Bộ Quốc phòng Việt Nam về các những tình huống và phương án tác chiến với Trung Quốc.
‘Chiến tranh dầu khí’ Trung - Việt có thể nổ ra chỉ trong một vài năm tới?

Công an thành phố HCM gia tăng bắt giữ người trước lời kêu gọi biểu tình vào cuối tuần

RFA-2018-06-17  
Người biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018
 Người biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018-Photo by Nguyễn Peng
Trong những ngày vừa qua, công an TP Hồ Chí Minh đã gia tăng bắt giữ người vào khi có lời kêu gọi biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua.
Theo trang Hội Sinh viên Nhân quyền, vào sáng ngày 17/6, công an TP HCM đã bắt giữ sinh Trương Thị Hà và hai người khác tai công viên 30/4 gần nhà thờ Đức Bà. Theo trang web này, an ninh gồm hơn 10 người đã xúm vào đòi kiểm tra giấy tờ của 3 người rồi bắt cả 3. Hiện vẫn không biết 3 người bị giam giữ tại đâu.
Anh Hoàng Cua, một người có mặt tại một quán cafe gần nhà thờ Đức Bà cho đài ACTD biết anh cũng nằm trong số những người bị bắt vào buổi sáng ngày 17/6: "khoảng 8:30 tôi ra quán ngồi, chủ nhật mình hay ra sớm một chút. Tình cờ đang ngồi thì mấy ông ấy ập vào chỉ mặt người này người kia bắt bắt".
Anh Hoàng Cua cho biết anh không bị đánh nhưng anh chứng kiến một số người khác bị an ninh mặc thường phục đánh. Lý do bắt theo anh Hoàng Cua cho biết là vì anh không có giấy tờ tuỳ thân, vì anh đi ra quán cafe gần nhà nên không mang giấy tờ tuỳ thân. Anh Hoàng Cua bị đưa cùng những người khác về công viên Tao Đàn. Đến khoảng 4 giờ chiều anh được thả khi cảnh sát khu vực nơi anh cư trú đến bảo lãnh anh ra vì anh chỉ là người uống cafe bình thường.
Cũng trong sáng ngày 17/6 Đài Á Châu Tự Do nhận được tin nhắn bị bắt của sư thầy Thích Đồng Long thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sư thấy Thích Đồng Long là người đã tham gia biểu tình hôm 10/6 và bị công an thành phố bắt giữ 1 ngày.
Trước đó vào tối ngày 15/6, ca sĩ Nguyễn Tín, một người chuyên hát nhạc vàng và cũng tham gia biểu tình hôm 10/6 đã bị công an ập vào phòng trọ ở Sài Gòn bắt đi. Hiện giờ bạn bè vẫn chưa có thêm thông tin gì từ anh.
Báo Tuổi trẻ trích nguồn tin từ công an thành phố hôm 16/6 cho biết tính tới 15 giờ ngày 16/6, tình hình an ninh trật tư trên địa bàn thành phố đã được đảm bảo, và công an đã tạm giữ 3 người giả danh công an và “mời” về trụ sở 100 người. Công an cho biết 100 người này có biểu hiện tụ tập gay rối, chuẩn bị nhiều loại hung khí, vật dụng để phá rối an ninh, chống đối lại lực lượng chức năng.
Cũng trong cuồi tuần, lãnh đạo quốc hội và đảng đã lên tiếng cảnh báo lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng.
Tổng Bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 17/6 nói rằng việc người dân biểu tình là do sự thật bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 15/6 kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ tình hình, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, tại địa bàn thành phố HCM, người dân cho biết những ngày qua họ nhận được những tờ truyền đơn kêu gọi không đi biểu tình.
Vào các ngày 10 và 11/6 vừa qua hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường biểu tình luật Đặc khu và An ninh mạng. Các hình ảnh video cho thấy người biểu tình bị an ninh đánh đập và kéo lê trên đường phố.
Công an cho biết đã có khoảng 300 người bị bắt vì tham gia biểu tình.

Chủ tịch Quốc hội lên án hành động lợi dụng dân chủ, quá khích

RFA-2018-06-16   
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2017
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2017-AFP
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 15/6 lên án những hành động mà bà gọi là lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bà Ngân đưa ra phát biểu này tại lễ bế mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào sáng ngày 15/6 ở Hà Nội.
Tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội đưa ra sau khi hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã đổ ra đường biểu tình phản đối hai dự luật được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này là dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Những người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu đồng ý cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm vì lo ngại các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vào lấy đất. Trong khi đó, luật an ninh mạng bị cho là nhằm giúp chính phủ gia tăng bóp nghẹt quyền tự do trên mạng, tự do biểu đạt của người dân.
Trong phát biểu bế mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói “Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm của nhân dân đến các vấn đề hệ trọng của đất nước”.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở và vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng,… nghiêm minh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó, vào ngày 11/6, sau cuộc biểu tình rầm rộ của người dân cả nước vào ngày 10/6, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên tiếng kêu gọi người dân cả nước nên tin tưởng vào quyết định của đảng và nhà nước và hứa quốc hội sẽ luôn lắng nghe ý kiến của người dân.
Dự luật Đặc khu đã được Quốc hội bỏ phiếu hoãn thông qua, tuy nhiên hôm 12/6 Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng với hơn 86% số phiếu tán thành, bất chấp những phản đối không chỉ của người dân mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Sài Gòn: Khoảng gần 200 người bị bắt giữ vô cớ

Nhân chứng: Bị bắt khi đang ngồi uống cafe 

Blogger Dương Đại Triều Lâm đã có cuộc phỏng vấn ngắn với anh Hoàng Cua, người duy nhất vừa thoát ra khỏi sân vận động Tao Đàn (đường Huyền Trân Công Chúa, Bến Thành, quận 1) trong buổi bố ráp, bắt giữ người tùy tiện diễn ra ngày 17/06.

Theo đó, anh Cua cho biết: 

“Khoảng gần 200 người đang bị giữ trong SVĐ Tao Đàn, trong đó có 5-7 trẻ em và chục người lớn tuổi.” 

Kể về việc bị bắt của mình, anh Cua nói: 

“Sáng nay, tôi đang ngồi cfe Highland ở Phạm Ngọc Thạch thì hàng chục người ập vào. Đầy đủ sắc phục, thường phục, cảnh sát cơ động. Họ chỉ mặt rồi bắt tôi và khoảng 5-6 người khác đang ngồi trong quán ra xe bus chở đi về Tao Đàn. 

Tại đây họ ghi biên bản tôi tụ tập gây rối và không mang chứng minh nhân dân. 

Nhưng tôi không ký vào biên bản tội gây rối. Tôi không mang chứng minh vì nhà tôi ở gần ngay đó. Công an khu vực đến nhận tôi về rồi thả tôi ra”. 

Anh Cua cũng cho biết thêm: “Công an đang phân loại và di lý những người ở đó đi nơi khác. Những ai mang theo điện thoại thông minh, có chức năng quay phim, chụp hình đều bị tịch thu cả. Tất cả đều bị lục túi xách, đồ đạc tư nhân. tất cả người ở đó đều bị lấy lời khai, lăn tay, chụp hình..." 

"Tôi bị bắt lúc khoảng 9h30 gì đó, đến tận gần 16h20 mới được ra về, dù tôi chỉ ngồi uống ở bên trong quán, uống cafe chứ không làm gì cả. Tôi rất bực mình với cách hành xử này". 

Hàng trăm người vẫn đang bị giam giữ trái phép 

Từ sáng sớm nay 17 tháng 06 năm 2018, các lực lượng công an, mật vụ, CSCĐ, CSGT, dân phòng, dân quân tự vệ, quản lý đô thị... đã rải quân đông đặc khu trung tâm Sài Gòn. Cùng với đó là hàng rào, kẽm sắt được bố trí ở nhiều góc đường gần các khu trung tâm như nhà thờ Đức Bà, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, LSQ Tàu cộng, sân bay. Nhiều hàng quán ở khu vực này cũng bị nhà cầm quyền ép buộc phải đóng cửa. 


Theo ghi nhận, hàng loạt vụ bắt bớ tùy tiện đã diễn ra. Bất cứ ai bị nghi ngờ đi biểu tình đều bị giữ lại kiểm tra hoặc bị bắt đi, dù đang ngồi trong quán cafe hay đi bộ, đi 1 mình hay nhóm. 


Mạng xã hội cũng đăng tải nhiều thông tin về việc việc người thân, bạn bè của họ bị công an bắt giữ ở khu vực trung tâm quận 1 như: Chị Nguyễn Ngọc Lụa, Chị Trương Thị Hà, vợ chồng anh Trần Đình Châu, chị Đinh Thị Thu Thủy... Đặc biệt, anh Trịnh Toàn bị hành hung phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh. Theo chẩn đoán ban đầu của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, anh Toàn đã bị chấn thương sọ não, tràn máu não. 


Trước đó, đã có nhiều trường hợp bị bắt giữ, câu lưu khác do nhà cầm quyền lo ngại về việc có thể xảy ra biểu tình lớn. Anh Nguyễn Tín, một ca sĩ tự do có mặt trong buổi biểu tình hôm 10/06 đã bị công an ập vào phòng trọ bắt giữ trong đêm 15/06. Anh Lê Hoàng Tân bị câu lưu hơn 30 tiếng đồng hồ ở các phường của quận 9, quận Gò Vấp. 

Trong tối cùng ngày, báo Pháp luật TpHCM dẫn thông tin cho biết: “Công an TP.HCM và các lực lượng chức năng đã đưa về trụ sở để làm việc với 140 người có dấu hiệu, hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng.”