Saturday, October 5, 2019

Chính quyền nâng đường không hợp lý, dân lo nhà biến thành hầm nước

Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng mỗi khi có mưa hay triều cường. (Hình: Kiến Thức)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, tỏ ra không đồng tình và lo lắng các con hẻm, nhà ở có thể sẽ biến thành hầm chứa nước một khi chính quyền nâng cao tuyến đường này để chống ngập.
Hôm 3 Tháng Mười, 2019, sau khi nhà chức trách cho biết sẽ nâng 500 mét đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn, đang bị lún lên cao hơn hiện nay từ 0.5 mét đến 1.2 mét nhằm “bảo đảm yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên.” Bên cạnh đó, về tổng thể, gần 3.2 cây số con đường này cũng sẽ được “nâng cấp, sửa chữa và cải tạo, cùng lúc với việc cải tạo hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…”
Theo báo Zing, dự án nâng và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh tiêu tốn ngân sách gần 473 tỷ đồng ($20.4 triệu), được thi công trong 14 tháng và sẽ khởi công vào ngày 5 Tháng Mười. Điều này không làm người dân vui mừng mà còn lo lắng.
Bà Trần Thị Tư (81 tuổi, ở đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh), lo lắng cho biết hồi đầu Tháng Chín vừa qua, cán bộ phường 22 (quận Bình Thạnh) cùng vài nhân viên khảo sát đến kiểm tra hiện trạng căn nhà của bà để làm cơ sở bồi thường nếu xảy ra lún, nứt trong lúc thi công.
“Họ nói đoạn trước nhà tôi nâng cao khoảng 70 cm để chống ngập. Nâng chừng đó thì vỉa hè chỉ cao đến bậc tam cấp. Tuy tôi không phải nâng nền nhà như nhiều hàng xóm, nhưng sau này tái diễn ngập thì chết,” bà Tư nói.
Đoạn trước tòa nhà The Manor được nâng cao 1.2 mét để chống ngập. (Hình: Zing)
Sát bên cạnh, nhà bà Huỳnh Thị Ngọc Châu cao hơn mặt đường. Gia đình bà Châu vừa nâng nền nhà gần một mét, nhưng đến nay chỉ còn 30 cm. Cũng như nhiều người khác, bà Châu chưa biết được nhà mình thời gian tới sẽ thấp hơn mặt đường bao nhiêu.
“Tôi hy vọng đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập chứ đừng như mấy lần trước, đường nâng xong nhà vẫn ngập,” bà Châu nói.
Theo chủ đầu tư, mặt đường đoạn trước tòa nhà The Manor là rốn ngập của tuyến đường này được nâng cao nhất (1.2 mét) sẽ giúp xe cộ không bị chết máy, nhưng có thể sẽ khiến nước tràn vào nhà dân.
Bà Cao Kim Tào (ngụ hẻm 113 Võ Duy Ninh, cạnh tòa nhà The Manor), cho rằng nâng đường thêm 1.2 mét là quá cao, việc này sẽ khiến nước mưa từ ngoài đường tràn vào trong hẻm. Người dân trong hẻm đã chứng kiến cảnh nước ngập lênh láng suốt một ngày mới rút, nên khi nghe tới việc nâng đường họ lại thấy bất an.
“Nâng khoảng 70-80 cm là vừa, vì khi đó nền đường ngang với trong hẻm. Chứ nâng cao cả mét, nước tràn vào nhà thì người dân sống chung với ngập,” bà Tào phân tích.
Nói với báo Đất Việt, Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Lê Huy Bá, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường, đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Các Công Trình Giao Thông Sài Gòn, phải khảo sát địa chất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, cũng như mức độ chênh lệch giữa mặt đường và nhà dân.
Theo ông Bá, thành phố Sài Gòn là đô thị nền đất yếu, riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên mặt phẳng nghiêng, trên nền một dòng sông cổ. Do đó, đất ở khu vực này cứ chuội dần và lún xuống.
“Không thể làm chắp vá, tốn tiền, chạy theo cái vòng luẩn quẩn mà đường lún vẫn hoàn lún, mà cứ nâng mãi thì biết đến khi nào mới xong,” ông Bá bất bình nói.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết “sẽ xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để khắc phục tình trạng đường cao hơn nhà, giúp người dân đi lại dễ dàng.”
Chưa hết, đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp nhận hàng chục ngàn xe cộ lưu thông mỗi ngày, nhất là đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn là “điểm đen” về ùn tắc. Vào giờ cao điểm, cảnh kẹt xe xếp dài hàng trăm mét thường xuyên diễn ra và chắc chắn trong thời gian tới khi thi công dự án, tình trạng kẹt xe sẽ còn trầm trọng hơn. (Tr.N)

Tàu Trung Cộng không cứu, còn ép ngư dân Việt Nam ký giấy ‘đánh bắt vi phạm chủ quyền’

Tàu cá Qna 90569 TS gặp nạn trên biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc từ chối cấp cứu đã được một tàu cá Việt Nam đưa về bờ an toàn hôm 2 Tháng Mười, 2019. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – “Phía tàu Trung Quốc bắt ép chúng tôi phải ký vào giấy vi phạm vùng biển của họ. Trong khi đó, vùng biển tàu cá thả trôi vẫn thuộc vùng biển Việt Nam,” thuyền trưởng tàu cá QNa – 90569 TS vừa thoát nạn bất bình cho biết.
Kể với báo Thanh Niên ngày 5 Tháng Mười, 2019, ông Phan Bá Tín (47 tuổi, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành), thuyền trưởng tàu cá QNa – 90569 TS, cho biết thời điểm tàu gặp nạn và trả trôi gần đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc này xuất hiện một tàu Trung Cộng tiếp cận và nói nếu có yêu cầu thì họ sẽ dắt vào neo đậu tại khu vực đảo Bạch Quy cho an toàn. Tuy nhiên, theo quan sát của ngư dân thì khu vực tàu Trung Cộng định dắt tàu cá Việt Nam vào là rất cạn, thực chất khu vực này không hề an toàn như họ nói.
“Nếu tàu mà neo đậu tại khu vực như tàu Trung Quốc yêu cầu thì sẽ rất nguy hiểm, bởi neo đậu khu vực đó chỉ cần một cơn sóng đánh là tàu sẽ vỡ hết rồi chìm ngay nên chúng tôi không chấp nhận lời đề nghị từ họ,” ông Tín kể.
Cũng theo ông Tín, sau khi tàu kia bỏ đi thì có một tàu Trung Cộng khác tiếp tục đến và tiếp cận tàu đang bị nạn. “Chúng bước lên tàu, chúng bắt 12 ngư dân chúng tôi dồn về hết lên mũi tàu. Chúng yêu cầu đề máy để khám xét xem có phải hư hay không. Chưa dừng lại, chúng còn yêu cầu mở hết hầm lên để khám xét có cá hay không,” ông Tín nhớ lại.
“Sau khi kiểm tra hết mọi thứ trên tàu, bọn chúng cáo buộc chúng tôi đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc rồi bắt ép ký vào một tờ giấy với nội dung ‘đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc.’ Chúng tôi trả lời lại là tàu bị nạn nên thả trôi đến đây chứ không hề đánh bắt, nhưng chúng vẫn ép buộc phải ký vào giấy đó nên đành chấp nhận. Trong khi đó, vùng biển tàu thả trôi vẫn thuộc quần đảo Hoàng Sa, vùng biển Việt Nam,” ông Tín bất bình nói.
Các ngư dân trên tàu gặp nạn kể lại sự việc bị tàu Trung Quốc ép ký vào giấy “vi phạm chủ quyền lãnh thổ.” (Hình: Thanh Niên)
Theo ông Tín, việc bị ép ký giấy “vi phạm chủ quyền vùng biển” đã được các ngư dân báo lại cho đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Cảng Kỳ Hà hôm 4 Tháng Mười. Tuy nhiên, khi báo Thanh Niên liên lạc với Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Quang, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã chỉ xác nhận tàu về bờ, còn việc ngư dân bị ép ký giấy vi phạm thì chưa biết.
Ngư dân Phạm Văn Kiên (55 tuổi, ở thôn An Hải Tây) người đi trên chuyến tàu gặp nạn trở về vẫn chưa hết bàng hoàng cho hay, thời điểm hai tàu Trung Cộng tiếp cận hầu hết ngư dân ai cũng lo sợ. Lo sợ rằng sẽ bị đánh đập cũng như cướp tài sản trên tàu.
“Trước đây, tàu cá ở Quảng Nam cũng đã từng bị tàu Trung Quốc húc hư hỏng rồi cướp đi nhiều tài sản nên nghĩ đến việc đó ngư dân chúng tôi ai cũng rất bất an. Nhưng lần này thay vì họ đánh đập, cướp tài sản như những tàu khác thì họ lại ép chúng tôi ký giấy ‘đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc,’” ông Kiên ngao ngán nói.
Trước đó, chiều 1 Tháng Mười, 2019, Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố, Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn, thuộc Cục Cứu Hộ Cứu Nạn, Bộ Quốc Phòng, cho biết 12 ngư dân cùng tàu cá QNa 90569 TS gặp nạn trên biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ đã được một tàu cá khác giúp và đang kéo vào bờ.
Báo Thanh Niên cho hay, tàu cá do anh Phan Bá Tín làm thuyền trưởng, cùng 11 ngư dân đang hành nghề lưới vây cách đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 27 hải lý đã bị gãy trục láp, phải thả trôi trên biển từ 9 giờ tối ngày 25 Tháng Chín.
Theo đề nghị của Cục Lãnh Sự Bộ Ngoại Giao, trong ngày 29 Tháng Chín, phía Trung Quốc đã cử một tàu cứu nạn đến khu vực đảo Bạch Quy để cứu hộ tàu cá QNa 90569 TS đang gặp nạn trên biển.
Tuy nhiên khi đến nơi, lực lượng cứu nạn Trung Quốc cho rằng“ tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn,” rồi giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu của Trung Quốc và cho biết “nếu muốn được hỗ trợ phải trả tiền theo thỏa thuận.” Sau đó, phía Trung Quốc cũng thông báo cho giới hữu trách Việt Nam hiện có một tàu cá khác đi cùng tàu QNa 90569 TS nhưng không nói rõ số hiệu tàu.
Trước tình huống này, Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố, Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn đã phải chỉ đạo các cơ quan hữu trách xác minh thông tin về tàu cá đi cùng, và nhờ hỗ trợ để kéo tàu cá QNa 90569 TS về bờ. (Tr.N)

Nhiều hãng lớn bỏ Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư

Một nhà máy sản xuất của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. (Hình: Nhà Đầu Tư)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Rời Trung Quốc sang Việt Nam là chiến lược của nhiều công ty công nghệ khác, vì Trung Quốc đang bị mất lợi thế “công xưởng của toàn cầu.”
Báo VietNamNet ngày 5 Tháng Mười, 2019, dẫn tin từ Reuters, cho biết nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ điện tử đã ào ạt rời khỏi Trung Quốc khi vấp phải những khó khăn cạnh tranh trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt hơn.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên thay thế nhờ vào vị trí gần với Trung Quốc, giúp thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó chi phí lao động thấp, tay nghề công nhân khá cao cũng là một yếu tố quan trọng để các hãng công nghệ cân nhắc, lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các sản phẩm của mình.
Tin cho biết, sau khi đình chỉ một nhà máy vào cuối năm 2018, mới đây Tập Đoàn Samsung Electronics của Nam Hàn đã chính thức ngừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Việc đóng cửa diễn ra sau khi hãng này cắt giảm sản xuất tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) hồi Tháng Sáu, 2019, với lý do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế tại quốc gia này.
Theo ông Park Sung-Soon, một nhà phân tích tại Cape Investment & Securities, người dân Trung Quốc thường mua điện thoại thông minh giá rẻ từ các thương hiệu nội địa, nếu chọn hàng cao cấp, thì họ lại chọn iPhone của Apple (Mỹ) hoặc Huawei. Do vậy, Samsung “có rất ít hy vọng để tăng trưởng doanh số tại Trung Quốc sau thời gian sụt giảm liên tục.”
Tương tự, Hãng Sony (Nhật Bản) cũng cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Bắc Kinh, chuyển sản xuất mặt hàng này sang Thái Lan.
Theo tờ Nikkei Asian Review, tuy hãng Apple vẫn sản xuất các sản phẩm lớn tại Trung Quốc, nhưng họ cũng đang dự phòng kế hoạch cho những điểm sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Trước mắt, Goertek một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods (tai nghe không dây) thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, một sản phẩm mà từ trước đến nay được sản xuất ở Trung Quốc.
Tập Đoàn Foxconn đang mở rộng đầu tư, sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh (Hình: BizLIVE)
Hiện Goertek có hai nhà máy lắp ráp tại Khu Công Nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam). Trong thời gian gần đây, Goertek Việt Nam liên tục đăng tin tuyển công nhân để chuẩn bị cho dây chuyền lắp ráp AirPods mới nhất của Apple.
Trong khi đó, theo Bloomberg nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc về Việt Nam, để tránh việc sản phẩm bị đánh thuế nhập cảng vào Mỹ khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.
Chẳng hạn, hãng Inventec sản xuất máy tính HP và Dell dự định chuyển 30% công suất sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Google cũng đang chuyển sản xuất điện thoại Pixel, thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ năm tại Mỹ sang Việt Nam, sớm nhất là vào mùa Thu này.
Ngoài ra, Google cũng có kế hoạch chuyển sản xuất phần lớn lượng phần cứng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng Compal cũng bắt đầu sản xuất thiết bị kết nối mạng tại Việt Nam và cho biết có thể sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác tại đây.
Cũng theo tin VietNamNet, Tập Đoàn Foxconn Việt Nam đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà Máy Lắp Ráp Linh Kiện Màn Hình Tivi tại Khu Công Nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam), với quy mô nhà xưởng rộng 10 hécta, có 3,000 công nhân, tổng mức đầu tư giai đoạn một là $40 triệu. (Tr.N)

Quan chức lớn của đảng bị bêu rếu vì nghỉ hưu, ‘quên’ bàn giao hồ sơ mật

Ông Nguyễn Minh Mẫn, theo nhận xét của Luật Sư Trần Đình Triển thì có vẻ không phải là người có đầu óc bình thường. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Mười, một số báo nhà nước cùng đưa tin ông Nguyễn Minh Mẫn, cựu quyền vụ trưởng Vụ III, Thanh Tra Chính Phủ, đã nghỉ hưu hơn ba tháng mà chưa bàn giao hồ sơ thanh tra, trong đó có cả hồ sơ mật.
Ông Mẫn từng được công luận biết tới qua vụ “phát ngôn thiếu chuẩn mực về báo chí” trong một đoạn video clip bị rò rỉ hồi Tháng Chín, 2016. Thời điểm đó, ông Mẫn được ghi nhận nói: “Tôi đề nghị tất cả các thông tin báo chí, kể cả quá trình thanh tra các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng và tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp Tết… Tôi sẵn sàng kết hợp đuổi nhà báo đó ngay chứ tôi chả ngại gì. Bởi vì trong quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục.” Ông Mẫn sau đó thanh minh rằng mình “bị người xấu cắt ghép ghi âm, tung lên mạng xã hội.”
Nay báo Pháp Luật TP.HCM dẫn nguồn một giới chức ẩn danh của Thanh Tra Chính Phủ cho biết: “Thông thường trong hồ sơ thanh tra sẽ có một số tài liệu nội bộ, thậm chí là mật hoặc quản lý theo chế độ mật. Và như vậy, việc cố tình không bàn giao hồ sơ, tài liệu công tác sau khi nghỉ hưu có thể bị xem xét hình sự theo tội danh ‘chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức’ hoặc thậm chí tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước.’”
Tờ báo của Sở Tư Pháp ở Sài Gòn cũng cho hay rằng ông Mẫn nói mình “đang phải điều trị sau đột quỵ, sức khỏe rất yếu nên không thể tư duy vấn đề gì căng thẳng.” “Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Minh Mẫn nhiều lần khẳng định cả cuộc đời mình đã “đấu tranh vì nước, vì dân.” Đây cũng là câu nói được ông Mẫn nêu nhiều lần trước đây, trong các cuộc họp báo, gặp gỡ phóng viên do ông chủ động tổ chức khi còn tại vị,” theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Điều kỳ lạ là truyền thông nhà nước ghi nhận những diễn biến xoay quanh ông Mẫn rất “tiền hậu bất nhất.” Hồi Tháng Tư, 2019, báo Dân Trí viết: “Dù đang bị xem xét kỷ luật, ông Nguyễn Minh Mẫn vẫn được trao tặng danh hiệu ‘Lao động tiên tiến’ năm 2018. Trước đó thì ông không chấp hành yêu cầu của cấp trên về việc phải lên tiếng xin lỗi báo chí và dư luận.”
Hồi Tháng Mười, 2017, khi các vụ ồn ào đang diễn ra, ông Mẫn dự định tự tổ chức cuộc họp báo thanh minh về việc mình “bị chà đạp, làm mất uy tín, danh dự,” nhưng sự kiện này không được diễn ra. Thời điểm đó, Luật Sư Trần Đình Triển bình luận trên trang cá nhân: “Ông Nguyễn Minh Mẫn, đầu óc có bình thường không? Lẽ nào ông Mẫn không biết việc tổ chức họp báo phải xin phép cơ quan quản lý báo chí và báo cáo lãnh đạo cơ quan. Tôi buồn là một cán bộ như ông Mẫn mang danh vị không phải là nhỏ tại cơ quan kiểm tra, kiểm soát, thanh tra thực thi pháp luật mà thiếu hiểu biết và bất chấp pháp luật như vậy.” (T.K.)

Nghệ An: Vô cớ bị ép bãi nhiệm, nữ hiệu trưởng trường treo cổ chết

Đơn của cô Thanh gửi đến Ủy Ban Nhân Dân và Phòng Giáo Dục Đào Tạo huyện Quỳ Châu. (Hình: VietNamNet)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Trước khi tự tử tại nhà riêng, nữ hiệu trưởng trường Mầm Non Châu Phong ở huyện Quỳ Châu, nhận được thông báo bãi nhiệm chức vụ do lãnh đạo huyện gửi với cáo buộc sai với thực tế.
Ngày 4 Tháng Mười, 2019, Công An huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đang làm rõ nguyên nhân vụ cô Nguyễn Thị Thanh (42 tuổi), hiệu trưởng trường Mầm Non Châu Phong, huyện Quỳ Châu “chết trong tư thế treo cổ tại nhà riêng.”
Nói với báo Zing sáng cùng ngày, ông Ngô Đức Thuận, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Quỳ Châu, cho biết “thông tin nữ hiệu trưởng tự tử vì bị ép thôi chức là không chính xác.”
“Hiện chưa có ai cho thôi việc, cũng không ép gì và chưa có văn bản nào bãi nhiệm cô Thanh. Đơn kiến nghị của nữ hiệu trưởng về kết quả thi đua xếp loại khen thưởng gửi các cấp cũng đã xin rút rồi,” ông Thuận biện minh.
Thế nhưng, báo VietNamNet dẫn đơn của cô Thanh, cho biết trong năm học 2018-2019, cô Thanh đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không vi phạm hay bị xử lý kỷ luật.
Chính vì thế, bản thân nữ hiệu trưởng tự nhận xếp loại và được tập thể sư phạm nhà trường xếp loại “Hoàn Thành Tốt Nhiệm Vụ,” danh hiệu “Tập Thể Lao Động Tiên Tiến.”
Tuy nhiên, theo quyết định kết quả xếp loại của Ủy Ban Nhân Dân huyện Quỳ Châu ký ban hành ngày 3 Tháng Bảy, 2019, thì cô Thanh chỉ được xếp loại “Hoàn Thành Nhiệm Vụ Hạn Chế Về Năng Lực” và tập thể xếp loại “Trung bình.”
Không đồng tình với kết luận trên, cô Thanh cùng tập thể giáo viên Trường Mầm Non Châu Phong đã gửi kiến nghị lên Ủy Ban Nhân Dân huyện Quỳ Châu “đề nghị xem xét và có câu trả lời thích đáng.”
Trường Mầm Non Châu Phong, nơi cô Nguyễn Thị Thanh đang làm hiệu trưởng. (Hình: VietNamNet)
Trong đơn của cô Thanh có xác nhận của Ban Giám Hiệu nhà trường, công đoàn và nhiều giáo viên đồng thuận ký tên. Ấy vậy mà Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Quỳ Châu, cho rằng đơn “chưa đúng, không có giá trị.”
Ngày 29 Tháng Bảy, cô Thanh tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần hai. Trong đơn, nữ hiệu trưởng cho biết trong cuộc họp ngày 19 Tháng Bảy, tại Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Quỳ Châu, “tôi bất ngờ khi được thông báo bị bãi nhiệm chức vụ hiệu trưởng vì lý do hai năm liên tục xếp loại thi đua ở mức ‘Hoàn thành nhiệm vụ’”.
Cũng theo nội dung trong đơn, cô Thanh cho biết: “Bản thân tôi có quá trình công tác trong ngành giáo dục đã 22 năm, trong đó nhiều năm công tác xa nhà tại các điểm miền núi khó khăn, trải qua các chức danh hiệu phó, hiệu trưởng. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều cống hiến, không bị hình thức kỷ luật nào.”
Dư luận địa phương cho rằng, việc cô Thanh tự tử tại nhà riêng “có thể xuất phát từ việc vô cớ bị bãi nhiệm chức vụ hiệu trưởng xuống làm giáo viên.”
“Việc này do Hội Đồng Xếp Loại Thi Đua của Phòng Giáo Dục và Đào Tạo làm. Chủ tịch huyện làm gì xếp được, có hội đồng xếp,” ông Thuận lý giải.
Trong khi đó, nói với báo Zing, bà Nguyễn Thị Châu, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Quỳ Châu, chỉ nói chung chung: “Vừa qua, cô Thanh gửi đơn xin nghỉ phép từ ngày 2 đến 4 Tháng Mười. Nữ hiệu trưởng vẫn làm việc bình thường, không bị xử lý gì cả.”
Lãnh đạo Công An huyện Quỳ Châu, cho biết do gia đình xác định cô Nguyễn Thị Thanh “tự sát ở trong nhà” nên công an không điều tra. (Tr.N)

Thượng úy công an cướp ngân hàng, bắn nhân viên bảo vệ bị thương

Người bịt mặt cầm súng vào ngân hàng được xác định là Đào Xuân Tư. (Hình: Giao Thông)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Công An tỉnh Thanh Hóa xác định nghi can nổ súng, bắn nhân viên bảo vệ để cướp ngân hàng ở huyện Tĩnh Gia cách đây hơn hai tháng là một thượng úy công an.
Chiều 4 Tháng Mười, 2019, tại cuộc họp báo về “Tình Hình Kinh Tế, Xã Hội Chín Tháng Năm 2019” do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Đại Tá Đào Đức Minh, phó giám đốc Công An tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi điều tra vụ nổ súng cướp ngân hàng tại Chi Nhánh Vietcombank ở Khu Kinh Tế Nghi Sơn, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, vào ngày 25 Tháng Bảy, công an tỉnh đã xác định được nghi can chính là Thượng Úy Đào Xuân Tư (32 tuổi), cán bộ Đội Xây Dựng Phong Trào, Công An huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
“Công An tỉnh Thanh Hóa đã tước quân tịch, khởi tố, bắt tạm giam nghi can Đào Xuân Tư về tội ‘Gây rối trật tự công cộng,’” ông Minh xác nhận với báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, truyền thông Việt Nam đưa tin, khoảng 11 giờ 15 trưa ngày 25 Tháng Bảy, một ông bịt mặt, đội mũ bảo hiểm cầm theo súng ngắn đến Chi Nhánh Vietcombank ở Khu Kinh Tế Nghi Sơn cướp ngân hàng.
Lúc đó, hai nhân viên bảo vệ của ngân hàng ngăn cản thì liền bị người này rút súng bắn nhiều phát làm ông Phạm Văn Bằng, một trong hai nhân viên bảo vệ bị thương, phải khâu năm mũi do đạn sượt qua đùi.
Bị một trong hai bảo vệ giằng co và đẩy ra ngoài không thực hiện được ý đồ, nghi can sau đó tẩu thoát khỏi hiện trường bằng xe gắn máy.
Đại diện Chi Nhánh Vietcombank tỉnh Thanh Hóa, cho biết “ngân hàng không bị mất tài sản, chỉ đưa bảo vệ bị thương đi bệnh viện chữa trị.” (Tr.N)

Cộng Sản Việt Nam vẫn nhờ Trung Cộng ‘đào tạo cán bộ đảng viên’

Ảnh lễ bế giảng khóa đào tạo đảng viên CSVN ở Quảng Đông trong bối cảnh diễn ra căng thẳng ở bãi Tư Chính. (Hình: Facebook Trịnh Vĩnh Phúc)
QUẢNG ĐÔNG, Trung Quốc (NV) – Hôm 4 Tháng Mười, tấm ảnh đăng trên trang cá nhân của Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc gây tranh cãi vì cho thấy đây là buổi lễ bế giảng một khóa đào tạo đảng viên CSVN ở Sở Ngoại Vụ tỉnh Quảng Đông, Trường Đảng Tỉnh Ủy Quảng Đông, hôm 27 Tháng Chín. Điều đáng nói là sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp diễn và còn có thêm tin Trung Cộng mới đây leo thang bằng việc đưa giàn khoan Hải Dương (Thạch Du) 982 tới Biển Đông.
Tấm ảnh khiến nhiều cộng đồng mạng đặt dấu hỏi vì sao khóa đào tạo đảng viên CSVN đó không bị hủy như một cách thể hiện phản ứng trước hành vi Trung Cộng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy vậy, nếu nhìn vào diễn biến của các phát ngôn yếu ớt và mang tính chiếu lệ của Bộ Ngoại Giao CSVN về vụ Bãi Tư Chính thời gian qua, người ta không có gì ngạc nhiên về việc khóa đào tạo vẫn được tiến hành như bình thường.
Không thấy các báo nhà nước đưa tin về khóa đào tạo nêu trên.
Ông Nguyễn Ngọc Chu, tiến sĩ toán học, công tác tại Viện Toán Học, bình luận trên trang cá nhân: “Đảng CSTQ là tai họa của nhân dân Việt Nam. Đây là điều không bàn cãi. Đảng CS của Mao đã mang cải cách ruộng đất đến Việt Nam, lập mưu đưa Việt Nam vào cuộc chiến tranh chia cắt đất nước lùi từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17… Bây giờ cũng đảng CSTQ đó đang đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, đưa tàu thăm dò địa đất đến bãi Tư Chính của Việt Nam, tuyên bố Bãi Tư Chính là của Trung Quốc… Việc gì mà phải đến kẻ thù để cho chúng nó ‘đào tạo’? Mang thân là đại diện của một nước, sao để cho cấp tỉnh (Quảng Đông) không những ngang hàng mà còn làm thầy? Một sự nhục nhã đến ê chề!”
Được biết đảng CSVN đã có “truyền thống” cử nhiều đợt đảng viên qua học tập tại Quảng Đông từ nhiều năm qua.
Liên quan đến việc này, báo SGGP hồi năm 2017 từng dẫn lời ông Nguyễn Việt Hùng, trưởng khoa Xây Dựng Đảng-Tư Tưởng HCM, Học Viện Cán Bộ ở Sài Gòn: “Ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, có khu trường học do HCM thành lập trong những năm 1925-1927. Đây chính là địa chỉ đỏ đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, bởi vì nó là nơi hình thành nên các yếu tố để sau này HCM và đảng [CSVN] cứu quốc. Điều đó cho thấy rằng, các bạn Trung Quốc cũng rất trân trọng những gì mà lịch sử để lại, là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, lâu dài, bền vững giữa Việt Nam-Trung Quốc. Thông qua đây nhắc nhở các thế hệ hôm nay phải làm sao gìn giữ mối quan hệ hữu nghị này như tài sản quý báu của hai đảng và nhân dân hai nước…” (T.K.)

Đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang tại Bãi Tư Chính?

Bản đồ Trường Sa với các tin tức gia tăng căng thẳng tại Bãi Tư Chính. (Hình: Đồ họa của IndoPacific-SCS-Info)
HÀ NỘI (NV) – Đang có những dấu hiệu cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính leo thang đến mức nguy hiểm với những hệ quả có thể không lường trước được.
Theo nhóm thông tin Biển Đông IndoPacific_SCS_Info, ngày 3 Tháng Mười, 2019, gửi tới nhóm chuyên viên quốc tế lâu nay thường phân tích, bình luận về tình hình Biển Đông như Greg Poling, Collin Koh, Alex Vuving v.v… thì tình hình khu vực Bãi Tư Chính 24 giờ qua có những dấu hiệu leo thang căng thẳng.
“Các tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu 37111 và 31302 đã có những hành động nguy hiểm, chận đường đi của chiếc tàu tiếp liệu Crest Argus 5 có nhiệm vụ tiếp tế cho giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động tại lô 6-1.”
Theo nhóm thông tin vừa kể, “Trung Quốc đang cố ngăn chặn hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 6-1 bằng cách chặn tàu tiếp liệu của Việt Nam. Đây là sự leo thang nguy hiểm có thể có những hậu quả không thể lường trước.”
Theo nhóm IndoPacific_SCS_Info, từ ba tháng qua, người ta đã thấy xảy ra những vụ tàu Trung Quốc xịt vòi rồng và cả ủi vào tàu của Việt Nam mà người thấy báo Thanh Niên hồi tháng trước trưng ra tấm hình tàu Trung Quốc xịt nước đuổi tài Cảnh Sát Biển Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất có vẻ như Bắc Kinh muốn tăng áp lực với Hà Nội.
Rất có thể vì vụ chặn tàu tiếp liệu Crest Argus 5 mà cùng ngày 3 Tháng Mười, 2019, người ta thấy bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội: “Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.”
Tàu Crest Argus 5 cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí, đi lại giữa Vũng Tàu và lô 6-1 (phía Ðông Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370km). Tại lô 6-1 ở Bãi Tư Chính, liên doanh Việt Nam Gas và Rosnelf của Nga đang khai thác hai mỏ khí đốt (Lan Tây và Lan Đỏ) thuộc dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Liên doanh này thuê dàn khoan Hakuryu 5 của Nhật đào thêm giếng mới từ khoảng Tháng Năm thì bị nhóm tàu Trung Quốc bắt đầu tới kiếm chuyện, kéo dài tới bây giờ.
Một ngày trước cuộc họp báo của bà Hằng, đại sứ CSVN tại Ấn Độ là Phạm Sanh Châu nói với báo chí địa phương rằng từ đầu năm đến nay, có 28 chiếc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam mà Hà Nội đã phản đối ngoại giao với Bắc Kinh 40 lần. Dù vậy, vẫn không thấy có tác dụng.
Vài ngày trước ngày diễn binh quân sự nhân ngày Quốc Khánh 1-10, Trung Cộng khoa trương những loại võ khí tối tân đe dọa cả thế giới và công bố cuốn Sách Trắng “Trung Quốc và thế giới trong thời đại mới” trắng trợn viết rằng: “Suốt 70 năm qua, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không hề phát động một cuộc chiến tranh hay cuộc xung đột nào, hoặc xâm lăng một vuông đất nào của đất nước khác.”
Có rất nhiều bằng chứng chứng minh là quyển “Sách Trắng” của Bắc Kinh dối gạt mọi người. Năm 1949, Trung Cộng đánh chiếm Tây Tạng. Năm 1962, cướp nhiều vùng đất biên giới của Ấn Độ. Năm 1974, cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh. Năm 1979, xua quân tràn sang đốt phá, đánh suốt 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Năm 1988, cướp một số bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa, giết 64 lính CSVN.
Nay các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính đang chịu sức ép ngày càng nặng hơn từ Bắc Kinh. (TN)