Thursday, December 4, 2014

Truyền thông vỉa hè:Chửi công an như chị này mới gọi là..gái Hà Thành..chứ.

Video mới post hôm qua mà đã gần đến 3000 người "like" & 1000 người share..Thế mới thấy dân tình coi công an không ra gì..Ngoài ra, cũng nhờ đến "truyền thông vỉa hè "mà người người đều biết đến bộ mặt công an như thế nào...cứ cái kiểu "truyền thông vỉa hè " như thế này thì khối công an bị bệnh tâm thần mà xem.


CSVN buộc phải hoãn 2 án tử hình vì sức ép dư luận

12-04- 2014 2:36:35 PM
LONG AN  (NV) .- Trưa 4 tháng 12-2014, Phó Chánh án Tòa án tỉnh Long An, đồng ý hoãn thi hành án tử hình tử tội Hồ Duy Hải – người mà theo kế hoạch sẽ bị tiêm thuốc độc vào sáng hôm sau.

 
Hồ Duy Hải trong một lần ra tòa và bị kết án tử hình. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trước đó hai ngày, hôm 2 tháng 12-2014, Hội đồng Giám đốc thẩm của Tòa án Tối cao Việt Nam cũng đã quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm – tuyên tử hình ông Hàn Đức Long vì “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Không riêng dân chúng, báo giới mà nhiều viên chức trong hệ thống tư pháp, hệ thống công quyền, luật sư, đại biểu Quốc hội tin rằng tử tội Hồ Duy Hải và tử tội Hàn Đức Long vô tội.

Tử tội Hồ Duy Hải vốn là một sinh viên, bị hệ thống tư pháp CSVN xác định là thủ phạm vụ “giết người”, “cướp tài sản”, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hồi năm 2008, khiến hai nữ nhân viên làm việc tại bưu điện này thiệt mạng. Cũng vì vậy, Hồ Duy Hải bị kêu án tử hình và một số “đồng phạm” bị các bản án tù nặng nề.

Trong vài năm qua, nhiều luật sư và nhiều tờ báo tại Việt Nam liên tục đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy tiến trình điều tra – truy tố - xét xử – kết án tử hình Hồ Duy Hải có nhiều điểm đáng ngờ và đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam làm ngơ.

Các dấu vân tay mà Công an tỉnh Long An thu thập được tại hiện trường không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, kết quả giám định các mẫu máu thu được tại hiện trường cũng không xác định được là của Hồ Duy Hải. Dao, thớt mà công an bảo là hung khí Hồ Duy Hải đã sử dụng để giết hai nạn nhân đều mua ngoài chợ chứ không phải đã thu được tại hiện trường…

Cách nay ít ngày, đại diện Tòa án tỉnh Long An đến gặp mẹ tử tội Hồ Duy Hải loan báo Hồ Duy Hải sẽ bị tiêm thuốc độc và cho biết bà ta có thể làm đơn xin nhận xác con. Mẹ Hồ Duy Hải kêu cứu. Nhiều người thuộc nhiều giới sử dụng Internet để vận động hoãn tử hình người mà họ tin là hàm oan...

Sáng 4 tháng 12-2014, một số tờ báo loan tin Hồ Duy Hải sẽ bị tử hình vào sáng 5 tháng 12. Công chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ. Đến trưa, Phó Chánh án Tòa án tỉnh Long An bút phê, chấp nhận hoãn thi hành án tử hình để xem lại vụ án theo đề nghị của gia đình tử tội. Tuy nhiên tới chiều thì báo chí Việt Nam cho biết, việc hoản thi hành án tử hình là theo yêu cầu của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước CSVN.


Bút phê của ông Lê Quang Hùng – Phó Chánh án Tòa án tỉnh Long An, đồng ý hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải vào phút chót. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hồ Duy Hải không phải là tử tội duy nhất suýt bị tước đoạt sinh mạng trong khi nhiều người tin là anh ta bị kết án oan. Ông Hàn Đức Long cũng vừa mới thoát khỏi án tử lơ lửng trên đầu. Ông Long từng bị tuyên án tử hình hai lần và đây là lần thứ hai, Tòa án Tối cao Việt Nam quyết định hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm – tuyên tử hình ông Hàn Đức Long vì “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Trước nay, công chúng, báo giới, nhiều luật gia, viên chức trong hệ thống tư pháp, hệ thống công quyền, đại biểu Quốc hội cũng tin rằng ông Hàn Đức Long vô tội nhưng hệ thống tư pháp Viện Nam không tha mạng mà cũng chẳng thả ông.

Hồi năm 2005, Công an Bắc Giang kêu gọi dân chúng tố giác thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái ở huyện Tân Uyên. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Long, gửi đơn tố giác ông. Đây là lý do khiến Công an Bắc Giang bắt ông Long.

Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại Tòa, ông Long kêu oan và tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông đành nhận tội với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa. Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội.

Thời điểm bé gái bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với hàng chục người nhưng những cơ quan này không thèm xem xét. Cả Toà án Bắc Giang lẫn Tòa án Tối cao cùng tuyên phạt tử hình ông Long. Hai bản án này bị Hội đồng Giám đốc thẩm của Tòa án Tối cao Việt Nam hủy, yêu cầu điều tra lại. Năm 2011, dù hồ sơ vụ án vẫn cón vô số điểm đáng ngờ, cả Toà án Bắc Giang lẫn Tòa án Tối cao vẫn tuyên phạt tử hình ông Long thêm một lần nữa!

Với kiểu hoạt động và hành xử như vừa kể của hệ thống tư pháp CSVN, cả sinh viên Hồ Duy Hải lẫn ông Hàn Đức Long chỉ thoát chết lần này còn sau đó thế nào thì không ai biết. (G.Đ)

Xe cứu thương BV Phụ sản TƯ bỏ mặc người tai nạn

Đêm 3/12 xe cứu thương của BV Phụ sản TƯ bỏ mặc nạn nhân bất tỉnh trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) vì chở một y tá đi hội chẩn.

Nhân chứng Mạnh Tuấn cho hay, thời điểm trên anh Trần Minh Hiếu (29 tuổi, ở phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) đi xe máy từ phố Huế về tới ngã ba Lê Duẩn - Trần Nhân Tông thì va chạm với một xe máy khác.

Cú va chạm mạnh khiến anh Hiếu bất tỉnh giữa đường, chảy nhiều máu ở đầu. Còn người điều khiển xe máy va chạm với anh Hiếu bỏ chạy khỏi hiện trường ngay sau đó.

Theo anh Tuấn, khi mọi người hô hoán tìm cách đưa người gặp nạn đi bệnh viện thì chiếc xe cấp cứu BKS 29M-007 73 đi tới. Khi thấy người dân chặn lại yêu cầu hỗ trợ chở nạn nhân tới Bệnh viện Bạch Mai ở cách đó chừng 1 km thì tài xế từ chối với lý do đang chở bệnh nhân khác.

"Tài xế nói chiếc xe này của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang chở bệnh nhân khác về bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, tôi cùng nhiều người khác nhòm vào xe chỉ thấy bên trong có tài xế và một người mặc áo blouse trắng", anh Tuấn thuật lại và bày tỏ, kể cả xe chở bệnh nhân khác thì thái độ thờ ơ khi thấy người gặp nạn đang nguy kịch là không chấp nhận được.

 
Chiếc xe cứu thương từ chối cứu người gặp nạn tối 3/12. Ảnh:Otofun.

Ngay sau khi chiếc xe cứu thương vọt đi, người dân đã đưa nạn nhân về Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Trưa 4/12, người thân anh Hiếu cho biết, sau khi cấp cứu anh này được chẩn đoán bị đa chấn thương vùng đầu, mặt, cơ thể mất nhiều máu nên được chuyển sang bệnh viện Saint Paul điều trị. Hiện, nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.


Chiếc xe máy của anh Hiếu tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Otofun.

Chiều 4/12, trả lời PV, lãnh đạo phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, chiếc xe cấp cứu mang biển số 29M-007 73 thuộc quản lý của phòng. Tối 3/12, tài xế Trần Văn Khánh điều khiển chiếc xe chở một y tá đi dự hội chẩn tại

Bệnh viện Bạch Mai, tới phố Lê Duẩn gặp tai nạn nhưng đã từ chối chở người thanh niên nguy kịch đi cấp cứu.

"Sau khi nhận được phản ánh, Ban lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu tài xế Khánh làm tường trình. Ngày 5/12, lãnh đạo bệnh viện sẽ họp về sự việc này", đại diện Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên xe cứu thương từ chối chở người bị nạn. Trước đó, sáng 11/10, nhiều người dân lưu thông trên cầu Thanh Trì cũng bức xúc khi tài xế điều khiển chiếc xe cấp cứu mang BKS 30A từ chối đề nghị hỗ trợ cứu người bất tỉnh trong vụ tai nạn giao thông. Chiếc xe này lúc đó không có còi báo hiệu và bên trong không có bệnh nhân.
 20:52 04/12/2014
Theo Hoàn Nguyễn/Zing

Cấp phép 3 tầng, xây 8 tầng, chính quyền nói... chỗ quan hệ!

DUY PHONG 04/12/14 09:45
(GDVN) - Không “tự nhiên” một công trình ở phố cổ Hà Nội được cấp phép 3 tầng nhưng lại được xây dựng lên tới 8 tầng.
Hàng loạt vi phạm
Công trình xây dựng tại số 1B Tô Tịch, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) do ông Phan Trung Trực và vợ là Nguyễn Thị Phượng làm chủ đầu tư.
Tháng 1/2014, công trình số 1B Tô Tịch xây lên tầng 03, chính quyền đã phát hiện ra một loạt sai phạm như: vượt diện tích được cấp phép, vượt chiều cao tầng, xây đua ban công… nhưng “không hiểu vì lý do gì” mà công trình vẫn ngang nhiên tồn tại và tiếp tục xây dựng.
UBND phường Hàng Gai ban hành Quyết định đình chỉ từ tháng 1/2014 ở hiện trạng 03 tầng nhưng đến nay công trình sắp hoàn thiện tầng 08.
Theo hồ sơ mà phóng viên thu thập được, ngày 11/10/2013, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký cấp Giấy phép xây dựng số 181/GPXD cho bà Nguyễn Thị Phượng, ông Phan Trung Thực ở số 1B Tô Tịch. Theo đó, tổng chiều cao công trình đến đỉnh mái ngói là 12m, chiều cao tầng: 03 tầng.
Khi công trình xây dựng lên tầng 03, UBND phường Hàng Gai phát hiện ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Ngày 03/1/2014, Thanh tra xây dựng phường Hàng Gai lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng số 03/BB-VPHC. Tiếp đến, ngày 06/1/2014, UBND phường Hàng Gai ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Công nhân đang nhộn nhịp thi công phía bên trong tòa nhà.
Nội dung Quyết định nêu chủ đầu tư đã có hành vi vi phạm: Đã đổ mái tầng 1 ở độ cao 3,4m/3,2m cho phép; Đã đổ mái bằng BTCT tầng 3/tầng nhẹ cho phép ở độ cao 3,0m/2,8m cho phép; đã làm ban công tầng 2-3 đua mặt phố không có trong giấy phép xây dựng.
Phó Chủ tịch phường thừa nhận “chỗ quan hệ”
Tại Điều 2, Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 06/1/2014 của UBND phường Hàng Gai về đình chỉ thi công, nêu rõ:
1. Thủ trưởng các đơn vị cấp điện, cấp nước phải dừng ngay việc cấp điện, cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng;
2. Trưởng Công an phường Hàng Gai chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công xây dựng công trình vi phạm; phối hợp với chính quyền địa phương, đôn đốc các cơ quan liên quan đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định ngay sau ký.
Quá thời hạn 03 ngày (kể cả ngày nghỉ) kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ bộ phận công trình vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ.
Một công trình sai phép nhưng được xây dựng đồ sộ, cao chót vót nhất khu phố Tô Tịch, lẽ nào chính quyền lại không biết?
Tuy công trình đã được phát hiện sai phạm và lập biên bản từ tháng 1/2014, nhưng sau đó Công trình vẫn tiếp tục xây dựng lên đến tầng 8 và hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện.
Dư luận tại địa phương tỏ ra bức xúc trước việc làm bất chấp pháp luật của chủ đầu tư và đặt ra nhiều nghi vấn về sự “bảo kê, nhận hối lộ” của "cá nhân nào đó" tại UBND phường Hàng Gai. Nhiều người cho rằng, một công trình đồ sộ, nằm trong phố cổ, xây dựng sai phép cả năm trời nhưng chính quyền không đả động đến là một sự "bất thường".
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với ông Vũ Thành Kiên, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị UBND phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm) về vụ việc trên. Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng quy định của pháp luật là vậy nhưng phải tạo điều kiện cho người dân, toàn chỗ quan hệ. “Nói thật với các anh là không phải chỉ có thẩm quyền của phường đâu. Vì sao mà họ xây được như thế? Anh em chia sẻ với phường. Công trình nhà dân trong phố cổ thì nó chật hẹp, mong muốn là cải thiện chỗ ở…”, ông Kiên phân trần.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Trung Quốc sẽ mua thêm tàu sân bay đối phó Mỹ

(Kiến Thức) - Bên cạnh việc đóng mới các tàu sân bay, có khả năng Trung Quốc sẽ mua thêm tàu sân bay để đối phó với sức mạnh Hải quân Mỹ.

Tờ Want China Times đưa tin, Trung Quốc đang xem xét việc đưa vào trang bị nhiều hơn 3 tàu sân bay theo kế hoạch nhằm tăng cường lực lượng hải quân của nước này, đối phó với chiến lược “Xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ những năm gần đây. Được biết thông tin trên có nguồn gốc từ một báo cáo thường niên của chính phủ Trung Quốc được tờ Hoàn Cầu công bố cách đây không lâu.

Dựa trên bản báo cáo này thì các tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng, nước này cần ít nhất là 3 tàu sân bay để có thể thành lập một lực lượng tác chiến cơ bản trên biển.
Tuy nhiên theo nguồn tin của một kênh truyền thông Nga đưa tin, cũng trích dẫn bản báo cho này lại cho biết rằng, Trung Quốc sẽ vẫn trang bị thêm 3 tàu sân bay mới nhưng nước này sẽ mua số tàu sân bay trên từ một quốc gia khác, tương tự như với trường hợp của tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine.


 Tướng lĩnh Trung Quốc muốn sở hữu càng nhiều tàu sân bay càng tốt.

Bắc Kinh xem chiến lược “Xoay trục” Châu Á của Tổng thống Mỹ Obama là một trong những nổ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc của Washington, khi Mỹ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Hai trong số đó là Philippines và Nhật Bản đều đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Cũng theo tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cho hay, nước này đang lên kế hoạch đóng mới mẫu tàu sân bay nội địa Type 001A dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh. Mặt khác tạp chí quốc phòng Khán Hòa của Canada lại cho rằng, có nhiều khả năng Trung Quốc đã bắt đầu quá trình đóng mới Type 001A tại khu công nghiệp hành hải ở Đại Liên và chuẩn bị đóng thêm một chiếc khác tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, lượng giãn nước của cả hai tàu trên có thể từ 30.000 tấn đến 40.000 tấn.

 
Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh hải quân của mình, để đối phó với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với các quốc gia láng giềng.

Bản báo cáo trên cũng không đề cấp tới việc các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc có chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không, mà chỉ cho biết rằng sẽ trang bị mẫu động cơ tuabin khí R0110 do nước này chế tạo trên các tàu sân bay nội địa và việc sử dụng các động cơ chạy bằng năng lượng nguyên tử chỉ là lựa chọn thứ hai.

Việc chế tạo một tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc về mặt công nghệ, mặc dù hải quân nước này đang sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.
 09:00 05/12/2014
Trà Khánh

Trung Quốc và thủ đoạn "cắt hàng ngàn vết nhỏ" ở Biển Đông

 HỒNG THỦY 05/12/14 08:26
(GDVN) - Kelly lưu ý, với thủ đoạn này của Trung Quốc ở Biển Đông, đối thủ của Bắc Kinh có thể "chết bởi hàng ngàn vết cắt nhỏ".

Lính Trung Quốc, hình minh họa.
The Diplomat ngày 4/12 đăng bài phân tích của Robert E. Kelly, giáo sư quan hệ quốc tế khoa Khoa học chính trị đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc bình chọn 5 sự kiện tiêu biểu trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á năm 2015, trong đó căng thẳng Biển Đông và sự hung hăng của Trung Quốc xếp vị trí số 2.
Tháng cuối năm 2014 là khoảng thời gian các nhà quan sát và giới phân tích khắp nơi bình chọn các sự kiện ưu tiên của năm theo các tiêu chí khác nhau, phần lớn mang màu sắc chủ quan của từng người nên đúng hay sai, hơn hay kém do cảm nhận của người đọc. Kelly đưa ra danh sách 5 sự kiện tiêu biểu trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á với tiêu chí có thể làm tăng hoặc giảm mức độ cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Thứ nhất, cuộc chiến không mong muốn chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dù muốn dù không đã ảnh hưởng đến chiến lược Mỹ xoay trục sang châu Á. Mặc dù là người ủng hộ mạnh mẽ chiến lược này, nhưng Kelly cho biết ông vẫn hoài nghi về khả năng của Hoa Kỳ để thực hiện chiến lược, đặc biệt là những cam kết đối với khu vực.
Mỹ muốn duy trì quyền bá chủ tập trung trong 4 khu vực: Mỹ - La tinh theo học thuyết Monroe, châu Âu thông qua khối NATO, Trung Đông - vịnh Ba Tư và Đông Á. Ở 3 khu vực sau này, Washington đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ: Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.
Thế giới đơn cực không có nghĩa là Mỹ trở thành Đấng toàn năng, vì vậy cần thiết cho Washington để sắp xếp thứ hạng các cam kết phát triển với mỗi thử thách mới. Và mỗi một cuộc chiến tranh mới của Mỹ ở Trung Đông càng đẩy châu Á lại gần Trung Quốc hơn.
Thứ hai, căng thẳng Biển Đông và sự hiếu chiến ngày một gia tăng của Trung Quốc. Đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm qua là hung hăng mới hay không. Một số quan điểm lưu ý rằng, tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là mới, chỉ có sức mạnh và sự hung hăng của Bắc Kinh là mới.
Nhưng theo Kelly, những cuộc tranh luận này đang được giải quyết bởi Tập Cận Bình. Dưới sự lãnh đạo của ông Bình, Trung Quốc đã kiểm soát được 3 xung đột lớn trong vòng chưa đầy 1 năm. Phần lớn các quan điểm đều đồng ý rằng Trung Quốc đang xử lý thận trọng, khôn ngoan vấn đề Biển Đông thông qua lực lượng "ngư dân" và "tàu công vụ".
Bắc Kinh chắc hẳn đã rút được bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô nên rất sợ bị cô lập hay bao vây bởi một liên minh khắc nghiệt dẫn đến phá sản nền kinh tế. Vì vậy Bắc Kinh thường xuyên sử dụng áp lực nhẹ như việc cải tạo (bất hợp pháp) một số bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).
Tuy nhiên Kelly lưu ý, với thủ đoạn này của Trung Quốc ở Biển Đông, đối thủ của Bắc Kinh có thể "chết bởi hàng ngàn vết cắt nhỏ". Nếu Mỹ thực hiện chiến lược xoay trục, các nước Đông Nam Á có thể tìm kiếm được một số phản ứng với thủ đoạn nham hiểm này.
Thứ ba, vấn đề quyền chỉ huy lực lượng quân sự liên hợp trên bán đảo Triều Tiên đang gây tranh cãi. Nếu như chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun trước đây đòi lại quyền chỉ huy lực lượng quân sự từ Mỹ như dấu hiệu của sự độc lập quốc gia khỏi Washington, thì chính quyền Hàn Quốc ngày nay đang trì hoãn điều này với lo ngại nếu rút quyền chỉ huy khỏi tay Mỹ sẽ làm giảm cam kết bảo trợ an ninh của Washington với Seoul.
Trong cam kết rộng rãi của Mỹ đối với an ninh Hàn Quốc, Bộ Tư lệnh liên hợp do Mỹ chỉ huy đã giúp nền quốc phòng Hàn Quốc giảm đáng kể chi phí, đồng thời cũng giảm đáng kể áp lực đối với quân đội nước này. Thời hạn chuyển giao quyền chỉ huy 10 năm đã qua, được gia hạn đến năm 2020 nhưng nó gần như chắc chắn có thể trì hoãn khi cần thiết.
Thứ tư, các cuộc cãi vã liên tục giữa 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á, Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề lịch sử khiến 2 nước này không thể làm việc cùng nhau, rõ ràng có lợi cho các đối thủ của Mỹ trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga.
2014 là một năm "khủng khiếp" cho mối quan hệ Nhật - Hàn khi Nhật Bản kiên quyết không thay đổi lập trường về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc phải làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong chiến tranh và vấn đề không có khả năng được cải thiện trong thời gian tới.
Thứ năm là báo cáo về nhân quyền Bắc Triều Tiên được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc chứ không phải Mỹ nên mang tính trung lập hơn. Nó tạo ra áp lực rất lớn và bất ngờ cho Bình Nhưỡng và người bảo trợ - Trung Quốc. Bắc Kinh có thể buộc phải công khai phủ quyết nỗ lực chỉ trích hay trừng phạt Bình Nhưỡng gây ra bối rối rất lớn cho Trung Quốc đang trong quá trình tìm kiếm uy tín toàn cầu.
Trong khi đó Bình Nhưỡng có rất ít "bạn bè" ngoài Trung Quốc, nếu khoảng cách giữa Triều Tiên với nước láng giềng này tiếp tục gia tăng cuối cùng có thể buộc Triều Tiên phải thay đổi bởi vì họ không thể tồn tại mà hông có viện trợ từ bên ngoài.

Mẹ quỳ khóc van xin, con vẫn đổ xăng châm lửa đốt bố

H.Sơn-H.Hải | 04/12/2014 14:03


Theo một nhân chứng kể lại, trong lúc con trai đổ xăng châm lửa định đốt bố, bà Y. đã liên tục quỳ lạy van xin nhưng Ngọc vẫn không chịu dừng.

    Ngày 3/12, cơ quan CSĐT Công an TP. Bắc Giang cho biết, đang tạm giữ đối với Trần Tuấn Ngọc (SN 1983, trú tại phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) để làm rõ hành vi bạo hành với bố dượng.
    Đứa con bất hiếu…
    Đêm 1/12, người dân sinh sống cạnh bên nhà ông Đỗ Văn Đ. (SN 1949, bố dượng Ngọc) nghe thấy cãi vã lớn tiếng, nhưng không mấy ai để ý.
    Đến khoảng gần 24h cùng ngày, người dân nghe thấy tiếng kêu thất thanh phát ra từ nhà nạn nhân. Biết có chuyện chẳng lành xảy ra, mọi người liền chạy sang xem sao.
    “Tôi vừa đến cửa nhà thì thấy Ngọc hung hãn chạy từ trong nhà ra, người nồng nặc mùi rượu. Vừa bước vào nhà, tôi thấy mùi xăng bốc lên khắp phòng.
    Lúc này, ông Đỗ Văn Đ. (bố dượng Ngọc) đang nằm ở góc nhà trong tình trạng bỏng ở phần mặt và đầu, đau đớn, kêu than cầu cứu. Thấy vậy mọi người liền đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu đồng thời báo Công an phường Lê Lợi.
    Nơi nạn nhân Đ. đang điều trị
    Nơi nạn nhân Đ. đang điều trị
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Đ. lấy bà Nguyễn Thị Y. được khoảng 1 năm nay và mua nhà chuyển về đây sinh sống từ thời gian ấy.
    Từ thời gian này, Ngọc cũng về ở cùng với bố dượng. Tuy nhiên, do tính tình cục cằn, hiếu thắng, Ngọc luôn muốn mọi người trong nhà phải làm theo ý mình.
    Cứ mỗi lần giáp mặt nhau, giữa hai bố con lại xảy ra to tiếng, cãi lộn. Ấy vậy, Ngọc chẳng chịu thua lấy nửa lời, thậm chí còn bất chấp tất cả đạo lý làm con để chiếm lấy phần thắng.
    Vì không muốn chuyện bố con, gia đình chia rẽ, ông Đ. đành nhẫn nhịn cậu con riêng của vợ dù hắn cư xử quá đáng.
    Được đà lấn tới, Ngọc có lần còn tỏ thái độ: “Cứ nhìn thấy ông là tôi đã thấy ghét rồi”. Nhưng vì hạnh phúc gia đình, ông Đ. cố gắng chịu nhịn để mọi chuyện êm xuôi.
    Chỉ vì mâu thuẫn về tiền bạc sau khi gia đình vừa tổ chức đám cưới cho em gái Ngọc xong, hắn càng tỏ rõ muốn “trèo lên đầu” bố dượng.
    Mẹ chắp tay quỳ khóc van xin con, nhưng…
    “Chúng tôi cũng có biết chuyện của hai bố con ông Đ. mâu thuẫn từ lâu, cứ gặp nhau là lại như nước với lửa, nhưng vì là chuyện riêng gia đình, chúng tôi cũng không ai dám can thiệp sâu.
    Tính tình cậu này nhiều người biết rồi, không ai muốn va chạm, chuốc lấy phiền hà làm gì. Nhưng việc lần này thì không còn kiểm soát được nữa.
    Ngay cả cái hôm xảy ra sự việc, nó đánh ông Đ. nằm gục rồi mà vẫn hung hăng ra xe máy lấy xăng, châm lửa đốt bố. Làm con sao hành xử như thế được?
    Nhất là việc chứng kiến hình ảnh bà mẹ cứ chắp tay quỳ khóc van xin con, nhưng nó thì mặc kệ, bất chấp đạo lý. Nghĩ đến chuyện đó mà chúng tôi thương cho ông Đ. quá...”, một người hàng bức xúc kể lại sự việc.
    Không chịu được tính chồng, vợ Ngọc cũng đã bỏ đi vì nhiều lần bị gã đánh đập.
    Ông Ngô Ngọc An, Tổ phó Tổ dân phố Lê Lợi trao đổi với PV
    Ông Ngô Ngọc An, Tổ phó Tổ dân phố Lê Lợi trao đổi với PV
    Ông Ngô Ngọc An, Tổ phó Tổ dân phố Lê Lợi, phường Lê Lợi cho biết: “Đây là vụ việc đầu tiên xảy ra trên địa bàn. Vì là mâu thuẫn xảy ra trong gia đình nên chúng tôi không nắm rõ nguyên nhân”.
    Cũng theo ông An, ông Đ. hàng ngày vẫn làm nghề sửa chữa xe đạp quanh T.P Bắc Giang để kiếm tiềm, trang trải cuộc sống.
    “Qua rà  soát, chúng tôi chưa thấy Ngọc gây ra việc gì liên quan đến pháp luật. Gia đình giờ còn đang lo chữa trị cho ông Đ. nên chúng tôi chưa tiếp xúc, hỏi chuyện được. Mong rằng sự việc chỉ qua loa thôi”- ông An cho hay.
    Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Đỗ Văn Đ. cho biết, bệnh nhân vào viện cấp cứu vào rạng sáng 2/12 trong tình trạng bị bỏng ở phần mặt và đầu, trên người có nhiều vết thương, xương sườn bị tổn thương.
    Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ trong khoa đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp để kịp thời cứu chữa, băng bó các vết thương. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch.
    Hiện toàn bộ vụ việc đã được chuyển lên Công an T.P Bắc Giang thụ lý, điều tra tiếp.

    Mỹ ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, Bắc Kinh phản ứng tức tối

    Trọng Nghĩa
    RFI-Ngày 04-12-2014 13:18
    media
    Quang cảnh xung quanh khu trụ sở chính quyền Hồng Kông Admiraty ngày 4/12/2014.REUTERS/Bobby Yip
    Trung Quốc vào hôm nay, 04/12/2014 đã nhắc lại rằng nước ngoài không nên gây thêm rắc rối tại Hồng Kông. Phản ứng trên đây từ phía Bắc Kinh được đưa ra sau khi một quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao Mỹ đã lên tiếng hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh dân chủ ở đặc khu hành chánh Trung Quốc, một lời ủng hộ được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

     Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh xác định chính quyền Trung Quốc phản đối mọi hành vi can thiệp vào Hồng Kông. Theo bà : « Vấn đề Hồng Kông thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc… Chúng tôi đã nhiều lần long trọng tuyên bố quan điểm của Trung Quốc về việc một số cá nhân ‘và thế lực’ nước ngoài can thiệp vào nội tình Hồng Kông hay thậm chí kích động hoặc hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp như Chiếm Trung Hoàn ».

    Bà Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố như trên sau khi ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương, đã lên tiếng kêu gọi tạo ra một sự « cạnh tranh » thực thụ cho cuộc bầu cử năm 2017 tại Hồng Kông.

    Trong cuộc điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, ông Russel nhận xét : « Tính chính đáng của nhà lãnh đạo Hồng Kông sẽ gia tăng đáng kể nếu các cam kết cho áp dụng thể thức phổ thông đầu phiếu được tôn trọng ». Nhà ngoại giao Mỹ giải thích thêm : « Điều đó có nghĩa là cho phép cho một cuộc bầu cử thực sự có cạnh tranh, trong đó một loạt các ứng viên với đường lối khác nhau đều có cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri Hồng Kông. »

    Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 11 vừa rồi trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cũng từng đề cập đến hồ sơ Hồng Kông khi khẳng định rằng Mỹ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa của người dân Hồng Kông để, nhưng không có vai trò gì tại vùng lãnh thổ này.

    Vừa lên tiếng phản đối Mỹ và tất cả những ai có biểu hiện ủng hộ phong trào dân chủ tại vùng thuộc địa cũ của Anh Quốc, Trung Quốc vừa có những biện pháp cụ thể chống can thiệp, như việc từ chối cho phép một nhóm nghị sĩ Anh đến Hồng Kông.

    Nhà công vụ Hà Nội và 'lỗi cơ chế'

    BBC-6 giờ trước
    Ông Trần Văn Truyền là cựu quan chức đầu tiên bị Ban Bí thư Đảng yêu cầu thu hồi nhà đất
    "Tuần tới thành phố sẽ họp về vấn đề [nhà công vụ], [nếu thấy] cần thiết [thì] sẽ thanh tra," báo trong nước dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Vũ Hồng Khanh trả lời chất vấn của các đại biểu trong phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố vào sáng 4/12.
    Việc các quan chức được cấp nhà công vụ tại Hà Nội nhưng không hoàn trả sau khi nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác lâu nay đã là chủ đề được nói tới nhiều.
    Là trung tâm đầu não chính trị, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn được cấp hoặc cho thuê nhà công vụ, nhất là các trường hợp chuyển từ các tỉnh thành khác tới.
    Trong buổi chất vấn hôm 4/12, các đại biểu đòi thanh tra trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng không thu hồi được nhà công vụ, đồng thời yêu cầu phải minh bạch, công khai việc quản lý các biệt thự công trong thành phố.
    Theo quy định hiện hành về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, việc thu hồi nhà sẽ được thực hiện nếu người thuê nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê, chuyển công tác sang địa phương khác hoặc chết.
    Ngoài ra, nhà còn được thu hồi trong trường hợp người thuê muốn trả lại, khi người thuê sử dụng nhà sai mục đích hoặc không thực hiện nghĩa vụ của người thuê.
    Việc thu hồi được thực hiện dựa trên quyết định xử lý thu hồi của cơ quan quản lý nhà công vụ, theo Thông tư 01 của Bộ Xây dựng.

    Lỗi cơ chế?



    Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi dường như vẫn chưa có trình tự rõ ràng.
    Trong lúc công chúng tỏ thái độ giận dữ 'vì sao không chịu trả nhà' thì những người được thuê lại có lập luận khác.
    Theo báo Tuổi Trẻ, một số cựu quan chức nói rằng họ chưa trả nhà là bởi 'không biết trả cho ai' và 'không thấy ai đòi'.
    Cựu Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Văn Đức, người nay chủ yếu sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và để căn nhà được phân ở Hà Nội cho người em sử dụng, được trích lời nói: "Đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi."
    Có suy nghĩ tương tự là cựu Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Đặng Huỳnh Mai: "Trong quyết định phân nhà công vụ mà tôi còn giữ không hề ghi thời hạn phải trả nhà và khi tôi nghỉ hưu cũng không thấy ai nói gì."
    "Chỉ cần có công văn yêu cầu những người đã thôi công tác quản lý phải trả lại nhà công vụ thì ai cũng sẵn sàng trả lại hết," bà Đặng Huỳnh Mai nói thêm.

    'Đòi nhưng không trả'

    Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp được cấp nhà công vụ đều 'không thấy ai đòi'.
    Được nhắc đến nhiều nhất tại Hà Nội là vụ ông Hoàng Văn Nghiên, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố trong thời gian 1994-2004, và khu biệt thự ông được thuê từ 2001.
    Chuyện thu hồi căn biệt thự của ông Hoàng Văn Nghiên được nêu nhiều trên báo chí
    Năm 2006, tức là hai năm sau khi nghỉ hưu, ông Nghiên làm đơn xin mua lại căn biệt thự này nhưng không được chuẩn thuận.
    Tuy nhiên, ông được tiếp tục ký hợp đồng thuê cho tới cuối 2006 thì ông và đại diện thành phố đã cùng có biên bản dừng hợp đồng cho thuê nhà, với điều kiện ông vẫn tiếp tục được ở tại đó miễn phí, cho tới khi hai bên thu xếp được chỗ ở mới phù hợp cho ông.
    Việc ở miễn phí này được kéo dài từ đó cho tới nay, khi mà yêu cầu về 'chỗ ở mới phù hợp' của ông Nghiên là quá cao, thành phố không thể đáp ứng.
    Hay một trường hợp khác cũng gây nhiều ồn ào, là vụ cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng bị ra quyết định thu hồi đất hồi 2007 và chính ông cũng làm đơn xin trả đất, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục chiếm giữ, sử dụng lô đất.
    Ông Truyền, người mới đây bị ra quyết định thu hồi một số nhà, đất được cấp ngoài tiêu chuẩn, cũng từng được cho thuê nhà công vụ tại Hà Nội trong lúc đã được nhà nước bán cho một căn nhà ở Bến Tre và cho thuê một căn ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong cùng năm 2003.
    Căn nhà ở Hà Nội chỉ được ông trả lại vào đầu năm 2014, hơn hai năm sau khi ông nghỉ hưu và trở về sống ở Bến Tre.

    Việt Nam tiến một bước để lùi hai bước?

    Nguyễn Hải Gửi cho BBC từ Quảng Ninh 7 giờ trước

    Quan hệ Việt - TrungBộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh thăm TQ gần đây.
    Ngay sau khi Blogger Điếu cày – Nguyễn Văn Hải được trả tự do để Việt Nam đổi lấy việc được Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, nhiều người đã hy vọng về việc cải thiện quan hệ với Mỹ và một xã hội dân sự sắp hình thành ở Việt Nam.
    Nhưng chỉ hơn một tháng sau, một Blogger nữa – ông Hồng Lê Thọ lại phải vào tù. Những hy vọng về một Việt Nam thay đổi liệu có phải quá lạc quan?
    Sau sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 tiến vào biển Đông, giới lãnh đạo Việt Nam không còn cách nào khác phải phản ứng quyết liệt. Việc biểu tình chống Trung Quốc được nới lỏng, cả nước sôi sục với hy vọng một cuộc thoát Trung đang đến gần.
    Nhưng nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo, ngay trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, Việt Nam khi ra diễn đàn đa phương cũng không dám chỉ trích Trung Quốc.

    'Động tác giả với Mỹ'

    Ngày 31-5, tại Hội nghị đối thoại Quốc phòng an ninh châu Á (Shangri La 2014), trong khi Mỹ và Nhật lên án mạnh mẽ Trung Quốc và “hỗ trợ tối đa mọi nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á nhằm bảo vệ an ninh trên biển và trên không… Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam và Phillippines trong bảo vệ lãnh hải”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã làm tất cả (trừ Trung Quốc) phải tiu nghỉu:
    “Quan hệ giữa Việt Nam và nước BẠN láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014”.
    Như vậy ngay từ đầu Việt Nam đã xác định mối quan hệ với Trung Quốc là không thể thay đổi dù bất cứ điều gì xảy ra. Những phản ứng của Việt Nam rốt cuộc cũng chỉ để làm màu.
    Đặc biệt sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào ngày 16/7, xu thế này càng rõ hơn. Ngày 19/7, Đài truyền hình Quốc gia quay trở lại những lời lẽ nặng lời với Mỹ do quan hệ trong quá khứ, có lẽ để mở đường cho Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm Mỹ trong chuyến đi mà không ai biết để làm gì.
    Chuyện nổi bật nhất trong chuyến đi này là ông Phạm Quang Nghị tặng Thượng nghị sĩ John McCain tấm ảnh chụp lại tấm bia “Ngày 26 10 1967 tại hồ Trúc Bạch quân và dân Hà Nội bắt sống TÊN John sney ma can thiếu tá không quân Mỹ lái chiếc máy bay A4...”.
    Chúng ta thì thấy bình thường, nhưng nếu Trung Quốc sang thăm Việt Nam mà tặng những dấu tích với lời lẽ như thế về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bị tù đày ở Trung Quốc thì người Việt Nam sẽ nghĩ gì?
    Có thể thấy rằng Việt Nam muốn thăm Mỹ không phải với tư thế của người đi cầu cạnh, chúng ta muốn ở tư thế bề trên, kiểu như: Anh ngày xưa thua chúng tôi, bị chúng tôi bắt làm tù binh đấy.
    Chuyến đi của Phạm Quang Nghị cũng chỉ để cho có, ngay từ cái chức vụ ông nắm cũng đã nói lên điều đó. Tại sao chuyến đi đáng lẽ được nhiều người kỳ vọng như thế lại để người lãnh đạo một thành phố dẫn đầu? Ngay từ chức Bí thư Hà Nội cũng đã cho thấy đây là một chuyến đi “vô hại”.
    Người đáng lẽ ra phải đi theo lời mời vào ngày 21/5 của Ngoại trưởng John Kerry là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam để bàn về các vấn đề trên biển Đông, nhưng gần 5 tháng sau ông Phạm Bình Minh mới được qua Mỹ. Trong thời gian đó đã có quá nhiều sự kiện xảy ra, đặc biệt là chuyến đi hâm nóng quan hệ Việt-Trung của Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh.
    Ông Phạm Quang Nghị thăm Mỹ
    Bí thư thành ủy Hà Nội gặp gỡ Thượng nghị sỹ John McCain trong chuyến thăm Mỹ.
    Chuyến đi của ông Phạm Bình Minh được đánh dấu bằng việc Mỹ thông báo gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng ngay sau đó bị che mờ bằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng 12 tướng lĩnh khác sang thăm Trung Quốc.
    Các hoạt động ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc đều phải song song, ông Phạm Bình Minh muốn sang Mỹ thì trước đó cũng phải đi Trung Quốc đã, hoặc sau các chuyến thăm bình lặng đến Mỹ thì ngay lập tức phải có một quan chức cao cấp hơn thăm Trung Quốc trong một chuyến đi trang trọng hơn nhiều.
    Những cái bắt tay với Mỹ cũng chỉ để đánh động với Trung Quốc, đất nước mà “dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là láng giềng” và nhắc nhở về “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu trước Quốc hội.
    Những phát biểu này không thật sự thống nhất với chính phát biểu của Thủ tướng cách đây vài tháng khi ông nói không chấp nhận đánh đổi chủ quyền “để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

    Chìa tay ra với Nga

    VN đã đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga vào Cam Ranh nhân chuyến thăm Nga của ông Trọng.
    Những nước đi ngoại giao của Việt Nam bị nhiều người đánh giá là không hiệu quả, nhưng với góc nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam thì rõ ràng đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất: Nối lại quan hệ nồng ấm với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu lấy đó làm mục tiêu tối thượng, nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng đã thành công.
    Một bước đi quan trọng cuối cùng để phục hồi các mối quan hệ trước đây chính là chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga (chuyến thăm được hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin một cách trang trọng).
    Dù nhiều người đánh giá rằng cách thức đón tiếp của Tổng thống Putin không thật sự trọng thị, nhưng Việt Nam vẫn nối lại việc cho Nga ra vào vịnh Cam Ranh – vịnh mà theo nhiều người là số một thế giới. Mỹ cũng rất muốn thuê ở đây nhưng không được sự đồng ý của Việt Nam.
    Nước Nga đang gặp vận bĩ và buộc phải quay sang Trung Quốc để tìm đối tác chiến lược, chính vì thế mà họ không hề lên tiếng bảo vệ Việt Nam khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 . Chưa kể báo Nga lúc đó đã rất thiếu thiện chí khi bình luận giàn khoan 981 nằm trên thềm lục địa, cách bờ biển Trung Quốc chỉ 27 km trong khi cách bờ biển Việt Nam đến 241 km và so sánh Việt Nam là Ukraine của Trung Quốc.
    Ngay cả thời còn đang sử dụng cảng Cam Ranh, Nga cũng chẳng thể làm gì giúp Việt Nam lúc “đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988” .
    Nếu thân Trung Quốc còn có thể được nhà cầm quyền lý giải là “giả vờ” để vừa hợp tác vừa đấu tranh, thì thân thiết trở lại với Nga mang mục đích gì đây?
    Không những thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn phản đối Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga. Có lẽ Việt Nam ủng hộ cách can thiệp quân sự vào nước láng giềng như những gì Nga đang làm với Ukraine. Nếu sau này Trung Quốc cũng làm vậy với chúng ta, không biết nhà cầm quyền có phản đối phương Tây nếu họ trừng phạt nước láng giềng của ta hay không?
    Chỉ trong vài tháng “rối loạn”, Việt Nam đã phục hồi nguyên trạng thế “kiềng ba chân” với Nga và Trung Quốc như trước, đây là thế đứng lý tưởng nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đồng thời dập tắt hy vọng xã hội dân sự vừa mới le lói. Cái đích cuối cùng vẫn là dân chủ kiểu Nga, Trung Quốc chứ không phải kiểu Mỹ và phương Tây.
    Việt Nam khá giống với một cô gái Á Đông truyền thống, chung thủy với chồng dù có bị ngược đãi. Hôm nay bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay có thể hờn dỗi đôi chút, nhưng ngày mai khi phu quân đấu dịu thì lại làm lành như không có chuyện gì xảy ra.
    Phần vì quá yêu thương chồng, phần vì phụ thuộc kinh tế vào chồng (không làm chủ được bản thân như các cô gái hiện đại) nên “dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là” vợ chồng. Và người chồng khi đã biết vợ không dám bỏ mình sẽ biết quý trọng vợ hơn? Không bao giờ! Được đằng chân lân đằng đầu và bản tính thô bạo càng được dịp thể hiện. Ôi, thương thay thân phận người phụ nữ!
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả.

    Hạ viện Mỹ ủng hộ tuyệt đối nghị quyết về Biển Đông

    Dân trí Tối 3/12 theo giờ địa phương, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết một cách hòa bình và hợp tác các tranh chấp trên biển theo luật quốc tế.

    Quốc hội Mỹ lên án các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông
    Quốc hội Mỹ lên án các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông
    Nghị quyết có số hiệu H.Res.714 đồng thời tái khẳng định những lợi ích thiết yếu của nước Mỹ đối với hoạt động tự do hàng hải, và việc sử dụng vùng biển và vùng trời một cách đúng đắn theo luật pháp quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
    Nghị quyết này được nghị sỹ đảng Cộng hòa Faleomavaega, cùng các nghị sỹ Chabot, Engel, Roslehtinen và Bordallo trình ra Hạ viện hồi tháng 9, và được chuyển tới Ủy ban đối ngoại Hạ viện thông qua, trước khi đưa ra biểu quyết trong phiên họp toàn thể hôm thứ Tư.
    Sau khi điểm lại tình hình tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, với nhiều diễn biến gây hấn từ các tàu Trung Quốc đối với các bên có tranh chấp trên hai vùng biển này, nghị quyết đã khẳng định 6 nội dung, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của nước Mỹ đối với việc giải quyết một cách hòa bình các bất đồng trên biển Đông và Hoa Đông, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do hàng hải và sử dụng không phận bên trên các vùng biển này.
    Nghị quyết cũng lên án các hành động gây sức ép, đe dọa và sử dụng vũ lực, hoặc xâm phạm tự do hàng hải và không phận bởi các tàu dân sự hoặc quân sự để thay đổi hiện trạng hoặc gây bất ổn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
    Đáng chú ý, nghị quyết của Hạ viện Mỹ hối thúc Trung Quốc rút lại việc thực thi Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, vốn đi ngược lại sự tự do hàng không trên không phận quốc tế, hối thúc Trung Quốc kiềm chế những hành vi khiêu khích tương tự tại các khu vực khác ở châu Á Thái Bình Dương.
    Đối với khu vực Đông Nam Á, nghị quyết hối thúc các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền giải quyết những bất đồng một cách công bằng và hòa nhã, bao gồm thông qua xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
    Thứ Năm, 04/12/2014 - 21:50
    Thanh Tùng