Monday, March 14, 2016

Gạc Ma, Biên giới - Bài học lịch sử cho ai?

03/14/2016 - 17:01 

"Ai khống chế quá khứ sẽ kiểm soát tương lai, ai khống chế hiện tại sẽ kiểm soát quá khứ" - Văn hào nổi tiếng với các tác phẩm về chủ nghĩa toàn trị Geogre Orwell đã từng viết như vậy. 
Lịch sử là những điều xảy ra trong quá khứ, chỉ có một, song rất tiếc nó không thể tự mình lên tiếng. Thế là, những ai đang nắm giữ quyền lực chính trị đồng nghĩa là độc quyền về truyền thông sẽ buộc lịch sử phải lên tiếng theo cách mà họ muốn. 
Và đôi khi, trong nhiều trường hợp, họ còn có thể khiến lịch sử im bặt.
Lịch sử về các cuộc chiến nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam chống lại quân Trung Quốc xâm lược cả trên bộ lẫn trên biển là một thứ lịch sử bị tắt tiếng như thế, trong suốt hàng chục năm kể từ nó kết thúc, vì tình hòa hiếu ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản đang nắm quyền lực độc tôn ở hai quốc gia.
Nay thì tình hòa hiếu đó đang dần bị vứt vào sọt rác vì những diễn biến hung hăn trên biển Đông của quốc gia phương Bắc, vốn chưa từng từ bỏ tham vọng kiểm soát người làng giềng phương Nam.
Những người nắm quyền Việt Nam, trước tình thế mới, cùng với áp lực từ phía số đông quần chúng đang đòi hỏi những biện pháp cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đã buộc phải tháo vòi kìm kẹp đối với báo chí trong dịp kỷ niệm thảm sát Gạc Ma 1988 và chiến tranh biên giới 1979 lần này.
Tuy nhiên họ cũng đã kịp có những động thái trốn tránh trách nhiệm đối với việc tại sao phần lịch sử về hai sự kiện bi thương kia bị câm lặng quá lâu. 
Bằng cách nào? Thật dễ dàng, họ đổ hết lỗi cho giới trẻ đã thiếu quan tâm tới lịch sử. Họ nhấn mạnh rằng “Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ” [1]  và kêu gọi người trẻ hãy học bài học lịch sử từ “vòng tròn bất tử Gạc Ma”để “bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.” 
Nếu thực sự có một bài học nào đó từ chuyện Gạc Ma cho người trẻ chúng tôi, đó sẽ không phải là ba cái câu sáo rỗng như văn mẫu: "góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước"
Mà đó nên là bài học về sự phản bội của những người lớn nắm quyền - những kẻ sẵn lòng vì chiếc ghế của họ và thứ tình đồng chí ý thức hệ viển vông mà vài chục năm qua đã bán đứng máu xương của các chiến sĩ Hải quân.
Những kẻ đã triệt để ràng buộc dư luận báo chí, không cho bàn về cuộc chiến, để người lớn tuổi thì dần dần lãng quên, người nhỏ tuổi thì không hề biết đến.
Những kẻ đã thẳng tay xóa sạch mọi thông tin cuộc chiến trong sách giáo khoa, khiến những người đã nằm xuống và gia đình của họ sống trong tủi hờn đến hàng chục năm, khi mà xương máu cha, anh, chồng, con của họ bị coi như bọt biển, chẳng hề được công nhận.
Những kẻ đã công nhiên sai quân quấy phá lễ tưởng niệm, tổ chức múa hát tưng bừng tại nơi làm lễ, giẫm đạp hương hoa mà nhân dân thành kính dâng lên để tri ân những bậc tử sĩ.
Những kẻ như thế, lấy tư cách gì để dạy cho người trẻ chúng tôi bất kỳ bài học gì về lịch sử?
[1]:Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ”
URL: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tuong-Thuoc-Ngay-1721979-mai-la-bai-hoc-cho...
[2]: Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma và bài học cho người trẻ, URL: http://news.zing.vn/Vong-tron-bat-tu-o-Gac-Ma-va-bai-hoc-cho-nguoi-tre-p...

Nhức nhối chuyện giáo dục ở Việt Nam

VietTuSaiGon — 03/14/2016 - 11:09 
Việt Nam là nước nghèo, dù đứng trên góc độ nào vẫn không thể chối bỏ thực trạng nghèo khổ và lạc hậu. Nhưng đáng sợ hơn cả là đất nước hình chữ S này lại gánh chịu trên đôi vai vốn gầy gò của mình cái gánh y tế và giáo dục quá tồi, hỏng hóc và vô luận. Chỉ có thể nói vậy!
Chuyện mất đạo đức của ngành y tế có thể xem như hết thuốc chữa, chỉ mong vào những thế hệ sau. Nhưng để có những thế hệ sau tốt hơn thì ngay từ bây giờ phải có một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục đào tạo ra những con người đúng nghĩa chứ không phải những cái máy, những con vẹt hay những cá thể mang thần kinh khốn nạn (nói theo cách của giáo sư Ngô Bảo Châu).
Rất tiếc là hiện tại, nền giáo dục Việt Nam không những dự báo sẽ cho ra đời những cái máy, những con vẹt, những kẻ mang thần kinh khốn nạn mà rất có thể tương lai Việt Nam sẽ là những thế hệ khốn nạn, những đám đông khốn nạn và một đất nước khốn nạn.
Bởi lẽ, dù đứng trên góc độ nào thì nói về giáo dục, cái chuẩn đầu tiên và mục tiêu lớn nhất vẫn là con người chứ không phải cơ sở hạ tầng hay những cái chuẩn về cơ sở hạ tầng, những cái “chuẩn quốc gia” đậm tính hình thức và dung chứa đầy rẫy tham nhũng, hối lộ, đút lót và đánh mất lòng tự trọng.
Từ những năm 2010 cho đến nhay, có nhiều vụ nổi cộm về nạn bằng giả trong giới quan chức, đút lót để mua chức, đút lót để được dạy học, mua chỗ hành nghề trong giáo dục để hợp thức hóa việc dạy ngoài giờ, chạy sô trong giảng dạy… Những chuyện này, hầu như không có chuyện nào là không phản giáo dục, nếu không muốn nói là nó phát sinh nguy cơ làm cho nền giáo dục trở thành chợ búa và hổ lốn.
Nhưng đó vẫn chưa phải là chuyện cộm cán khi mà đạo đức của người dạy học trở nên băng hoại, đội ngũ quản lý giáo dục trở thành những kẻ cò mồi, tú ông, tú bà để đưa học sinh vào con đường trụy lạc với giới quan chức. Sự tổn thương về phẩm hạnh của học sinh trở thành thứ hàng xa xỉ để giới quan chức giáo dục bôi trơn con đường hoạn lộ thông qua việc môi giới cho những cuộc mua vui của giới quan chức hành chính cấp cao hơn.
Câu chuyện hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang đã môi giới nhiều nữ sinh bán dâm cho giới quan chức cấp tỉnh và khi các em nữ sinh này tố cáo thì Sầm Đức Xương không bị gì mà chính các em nữ sinh, các nạn nhân bị truy tố trước cơ quan pháp luật địa phương. Điều này cho thấy giới quan chức, đặc biệt là quan chức ngành giáo dục đã không những đánh mất nhân cách, tư cách mà còn hiện rõ bản chất lưu manh, tú ông mà về nguyên tắc giáo dục họ tuyệt đối không được bén mảng đến gần môi trường phấn trắng bản đen.
Nhưng trong nền giáo dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa, những kẻ lưu manh không những bị loại bỏ mà còn được nâng cấp, thăng tiến trở thành lãnh đạo ngành, kẻ làm sai quấy càng nhiều thì càng mau thăng quan tiến chức, kẻ càng nghiêm túc, càng có trách nhiệm với công việc bao nhiêu thì càng bị đày bấy nhiêu, bởi họ trở thành cái gai trong mắt của đám lãnh đạo.
Và những tưởng đây sẽ là bài học để giới quản lý giáo dục biết nhìn vào đó mà tổ chức quản lý tốt hơn cũng như giới cầm phấn đứng bục giảng sẽ lấy làm bài học mà tu thân, mà giữ đạo đức làm thầy. Nhưng không, hoàn toàn không dừng ở đó mà câu chuyện đáng xấu hổ này vẫn tiếp tục nảy nở.
Câu chuyện về thầy giáo Cao Văn Dũng (mà đa phần báo chí trong nước chỉ đăng tên C.V.D hoặc thầy D.) ở trường tiểu học Hưng Bình tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã xúc phạm thân thể, sờ mó vùng kín của các nữ học sinh lớp ba (tức hành vi dâm ô với học sinh tiểu học) và khi bị cha mẹ các em tố cáo, thầy giáo này vẫn chưa chịu bất kỳ hình thức kỉ luật nào tương thích. Giả sử giới quản lý giáo dục cố tình bao biện cho con yêu râu xanh này rằng y là một giáo viên giỏi, trường đang thiếu giáo viên thì điều này chỉ cho thấy hai vấn đề: Chạy theo thành tích và nói láo.
Bởi một nền giáo dục quen chạy theo thành tích từ chuẩn tỉnh cho đến chuẩn quốc gia dựa vào cơ sở hạ tầng và thành tích chạy thi giải này giải nọ nhưng yếu tố nhân cách, phẩm cách không bao giờ được đề cập thì chẳng những không tạo ra thế hệ con người tốt mà có nguy cơ lưu manh hóa xã hội.
Hơn nữa, giả sử lý do để không loại bỏ con yêu râu xanh này là vì trường thiếu giáo viên thì càng không hợp lý! Bởi hiện tại, có hàng ngàn sinh viên loại giỏi, loại khá đã tốt nghiệp nhưng không có chỗ để dạy, phải đi bưng bê thức ăn cho quán, đi phụ hồ, đi bưng cà phê, chạy xe ôm… để tồn tại. Như vậy giáo viên không bao giờ thiếu mà chỉ thiếu sự công bằng và thiếu sự minh bạch trong tuyển chọn, đào tạo cũng như bố trí công việc.
Trở lại chuyện giáo viên dâm ô với những học sinh tiểu học, những cháu bé này đang tuổi thiếu nhi, sự sờ mó của con yêu râu xanh này sẽ làm các cháu tổn thương tâm lý và khó có thể nói rằng tương lai của các cháu không bị khủng hoảng bởi một sự mặc cảm sâu xa nào đó. Lẽ ra thì tội dâm ô với trẻ em phải bị truy tố trách nhiệm hình sự. Nhưng ở đây, bà Ngô Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng Giáo dục thành phố Vinh cho rằng mức độ sai phạm chưa có gì trầm trọng vì chưa để lại hậu quả nghiêm trọng và “do hoàn cảnh thầy Dũng nghèo khổ nên trường tạo điều kiện cho thầy vượt qua khó khăn…”(?!).
Chỉ riêng góc độ xã hội thuần túy thì tên Cao Văn Dũng đã phải lãnh án tù giam từ năm đến bảy năm với bản án hình sự. Đằng này hắn ta là một giáo viên, mà kẻ làm quản lý giáo dục lại cho rằng mức độ phạm tội chưa trầm trọng thì không còn gì để bàn!
Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một đất nước mà ăn trộm một con gà có thể chịu ba năm tù, vậy mà dâm ô, sàm sỡ trẻ nít chỉ bị nhắc khéo.
Lẽ ra, động thái đầu tiên mà ngành giáo dục bắt buộc phải làm là loại bỏ tên giáo viên râu xanh này ra khỏi ngành nhằm giữ cho ngành giáo dục được trong sạch, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ phạm tội cũng như đơn thư tố cáo về những tội y gây ra sang cho ngành công an và Viện kiểm sát để họ tiếp tục điều tra làm rõ vấn đề.
Đằng này một Phó trưởng phòng giáo dục ở một thành phố là quê hương của ông Tổ Cộng sản Việt Nam, thành phố luôn “học tập và làm việc theo gương Bác” lại cho rằng tội sàm sỡ, dâm ô trẻ em vị thành niên là “không có gì trầm trọng”. Câu nói này chẳng khác nào đang đổ nước thối vào gương mặt của ngành và chứng minh rằng ngành giáo dục là thối nát, là chẳng có gì gọi là đạo đức.
Thế nhưng bà Nguyệt đã nói như vậy và kẻ sàm sỡ, dâm ô vẫn chưa bị bắt, vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này không những gây bức xúc cho giới phụ huynh học sinh mà còn cho thấy rằng nền giáo dục đang đứng ngay hố trũng của thối nát, băng hoại, vô liêm sỉ!
Và câu chuyện của Sầm Đức Xương cũng như câu chuyện của tên giáo viên mà báo chí nhà nước đăng với tên “thầy D.” chỉ cho thấy rằng tương lai đất nước này sẽ bệ rạc khinh khủng hơn hiện tại rất nhiều. Bởi các thế hệ trẻ của đất nước đang bị đầu độc bởi những tên lưu manh đội lốt nhà giáo và chúng được dung dưỡng, được bao che bởi giới quan chức lãnh đạo ngành dốt nát và cũng không kém phần khốn nạn.
Một tương lai của đám đông khốn nạn, tập thể khốn nạn, quốc gia khốn nạn đang chờ đợi chúng ta nếu như ngành giáo dục Việt Nam tiếp tục bị thao túng bởi những kẻ mang thần kinh khốn nạn như đang thấy!

Việt Nam và Hoàng Sa: Điều chỉnh đối sách ra sao để chống Trung Quốc?



Sinh viên Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm (Woody Island) ngày 19/02/2016 trước lãnh sự Trung Quốc ở Manila. REUTERS/Erik De Castro

Từ cuối tháng Giêng 2016, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc (và Đài Loan) đã đột nhiên được quốc tế chú ý nhiều hơn. Mối quan tâm của dư luận thế giới bắt nguồn trước tiên từ một loạt động thái từ phía Mỹ, vạch trần các hành động của Trung Quốc bị tố cáo là nhằm quân sự hóa khu vực bị Bắc Kinh chiếm đóng, nhưng bị hai láng giềng Việt Nam và Đài Loan đòi chủ quyền.
Cơ hội tốt cho một hồ sơ ít được chú ý
Đối với Việt Nam, thu hút được sự chú ý của thế giới đến vấn đề Hoàng Sa là một điều rất tốt, vì lẽ trong hồ sơ này, Việt Nam hầu như đơn độc trước Trung Quốc, toàn bộ quần đảo đã bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974, từ đó đến nay Bắc Kinh vừa tìm cách khẳng định chủ quyền của mình trên thực tế, dùng sức mạnh xua đuổi tàu bè Việt Nam trong khu vực, vừa không chấp nhận đàm phán về một vùng lãnh thổ mà họ cho là « không có tranh chấp ».
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) cho rằng sự chú ý của quốc tế đến vấn đề Hoàng Sa là một cơ hội rất tốt để vận động dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam trong việc tố cáo các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, muốn tranh thủ cơ hội này, Việt Nam cần phải thay đổi một số lập luận trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, nhằm tăng sức thuyết phục cho lập trường của Việt Nam.
Phải tố cáo các hành vi bạo lực của Trung Quốc trong và sau khi đánh chiếm Hoàng Sa
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam cần phải đặc biệt « nhấn mạnh đến chuyện Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm bằng bạo lực và đang tiếp tục đe doạ tánh mạng của ngư dân Việt Nam, cũng như quyền tự do thông thương của các nước trong khu vực và trên thế giới qua việc chiếm đóng ».

Sau đây, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.
RFI Vấn đề Hoàng Sa đột nhiên được Mỹ nêu bật trở lại với chiến dịch FONOP của chiếc USS Curtis Wilbur. Tiếp theo đó là một loạt thông tin về vũ khí mà Trung Quốc triển khai tại Hoàng Sa (do CSIS tiết lộ), thu hút sự chú ý của công luận thế giới nhiều hơn đến tranh chấp riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vấn đề Hoàng Sa. Giáo sư giải thích sao về động thái đó của Mỹ ? Ý tưởng nằm phía sau quyết định tuần tra Tri Tôn là gì ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Về ý tưởng nằm sau quyết định tuần tra Tri Tôn của Mỹ, thông cáo chính thức của bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 30/01/2016 cho biết : « thách thức » (challenge) những « yêu sách thái quá trên biển » (excessive maritime claims) của các bên đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Thông cáo đó nói tiếp là hoạt động đó là để thách thức những cố gắng của 3 nước đang tranh chấp - Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam - để hạn chế quyền thông thương và những quyền tự do trên biển (navigation rights and freedoms) xung quanh những bộ phận (features) của quần đảo Hoàng Sa bằng những chính sách bắt buộc phải được phép trước hay phải thông báo trước khi đi qua khu vực lãnh hải (territorial seas). Những yêu sách thái quá đối với Tri Tôn là không đúng theo luật quốc tế như phản ánh trong Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Những điểm vừa trích trong thông cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ cần được giải thích để độc giả hay thính giả có thể hiểu thêm :
Về những quyền và những tự do trên biển thì theo luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển là các “quyền” gồm có quyền di chuyển không có ý định gây phương hại (innoccent passage) - như tấn công hay phóng uế - quyền quá cảnh (transit right) và quyền sử dụng những đường thông thương qua các quần đảo (archipelagic sea lanes passage).
Còn những “tự do” gồm có tự do di chuyển trên mặt biển, tự do bay trong vùng trời trên biển, tự do đặt giây cáp truyền thông và ống dẫn dầu khí dưới biển, và những tự do khác mà luật quốc tế cho sử dụng.
Những quyền và tự do này được bảo đảm cho tất cả loại thuyền bè và máy bay dân sự và quân sự, trong đó có quyền được tuần tra để bảo vệ thông thương (Freedom of Navigation Operation, FONOP).
RFI : Như vậy, ý nghĩa chính của chiến dịch tuần tra Tri Tôn có thể là gì ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Tri Tôn là một mỏm đá khi chìm khi nổi và không có thể gọi là đảo, cũng chưa chắc gì có thể có được lãnh hải 12 hải lý như đề cập đến trong Điều 3 của Công Ước về Luật Biển. Thế mà năm 2014, công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc CNOOC đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách Tri Tôn 17 hải lý về phía Việt Nam và trong thềm lục địa của Việt Nam, để thách thức Việt Nam và luật quốc tế cũng như để tìm cách thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đó.
Đó là lý do tại sao thông cáo của Lầu Năm Góc ngày 30/01/2016 khẳng định rằng những yêu sách đối với Tri Tôn là thái quá.
Và đúng như Mỹ đã nhận định, ngày hôm sau, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng chiến thuyền của Mỹ đã ngang nhiên « vi phạm luật lệ của Trung Quốc bằng cách đi vào lãnh hải của Trung Quốc mà không được cho phép trước ». Do đó, phía Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ là phải tôn trọng và tuân thủ luật của Trung Quốc để duy trì sự tin tưởng lẫn nhau cũng như an ninh trong khu vực.
Trung Quốc cũng doạ rằng tuần tra của Mỹ là một hoạt động quân sự hoá Nam Hải (Biển Đông) và do đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo. Tuần trước đó, trong một tường trình tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, đô đốc Harry B. Harris Jr. (tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương), đã cho biết rằng chỉ trong 18 tháng trước đó, Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng khoảng 1.215 ha đảo nhân tạo, so với tổng số 87 ha mà các nước Việt Nam, Maylaysia, Philippines, và Đài Loan bồi đắp trong hơn 40 năm.
Mỹ lo ngại là các đảo nhân tạo của Trung Quốc có đường bay và cảng có thể dùng cho máy bay và tàu chiến cũng như những thiết bị quân sự khác, cho nên Mỹ sẽ phải có những hoạt động FONOP thường xuyên hơn để bảo vệ an ninh trên biển và trong khu vực.
RFI : Việt Nam còn có thể làm gì được khi mà đảo thì đã bị Trung Quốc chiếm, mà đòi đàm phán thì lại bị Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và đã giết hại người Việt, không những trong lúc chiếm năm 1974 mà còn dùng vị trí chiếm được để tiếp tục gây tổn thương cho ngư dân Việt Nam cũng như đe doạ an ninh của khu vực và thế giới.
Nay Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã hiểu rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc cho nên Việt Nam cần dùng cơ hội rất tốt này để vận động sự trợ giúp tích cực trong việc gây sức ép đối với Trung Quốc.
Việt Nam là nước bị Trung Quốc làm tổn thương lớn nhất, một phần vì có lãnh hải dài nhất trong khu vực, và một phần là vì gần đảo Phú Lâm nhất, cho nên Việt Nam có tiếng nói nhất định nếu có chiến lược đối ngoại và đối nội thích hợp, và có những hoạt động tích cực. Bằng không thì Trung Quốc sẽ tiếp tục đe doạ an ninh của Việt Nam trên biển, trên đất liền, và cả từ trên không.
RFI : Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ sự chú ý bắt nguồn từ việc Mỹ tuần tra Hoàng Sa và để thúc đẩy lập trường của Việt Nam trên vấn đề Hoàng Sa ?
G.S. Ngô Vĩnh Long : Việc Mỹ nhắc đến những yêu sách thái quá về Hoàng Sa mà có đề cập đến tên của 3 quốc gia - Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan - là cơ hội rất tốt để Việt Nam giải thích cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới tại sao Việt Nam không giống như Trung Quốc và không « thái quá ».
1/ Việt Nam không nên tiếp tục tụng khẩu hiệu « Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam », mà nên xoáy vào chuyện Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm bằng bạo lực và đang tiếp tục đe doạ tánh mạng của ngư dân Việt Nam, cũng như quyền tự do thông thương của các nước trong khu vực và trên thế giới qua việc chiếm đóng đó.
2/ Việt Nam cũng nên khẳng định là Việt Nam không dùng luật của Việt Nam để đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những bãi hay những mỏm đá ngầm như Trung Quốc, qua đó hạn chế những quyền và tự do trên biển như luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển đã ghi rõ. Việt Nam nên tuyên bố là Việt Nam nhất thiết tuân thủ luật quốc tế và Công Ước về Luật Biển và các quyền và tự do được ghi nhận.
3/ Thêm vào đó Việt Nam nên yêu cầu thế giới tìm cách đo đạc những đảo, bãi ngầm, và mỏm đá, kể cả Tri Tôn, để khẳng định cái gì là cái gì, hòng bảo vệ các quyền tự do vừa đề cập đến.
Lẽ  dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ từ chối, nhưng qua đó Việt Nam sẽ được sự ủng hộ quốc tế cũng như đặt Trung Quốc vào thế bị động. Việt Nam không nên tiếp tục thụ động và để cho Trung Quốc cứ gây hấn, giết hại ngư dân Việt Nam và đe doạ bằng mọi cách.
Mỹ là nước ngoài khu vực và đã nhiều năm và nhiều lần khẳng định là không dính líu đến việc tranh chấp chủ quyền ở các vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên Mỹ chỉ có thể giúp bảo vệ các quyền và tự do trên biển theo các luật quốc tế, và có lý do đưa Trung Quốc ra trước công luận quốc tế, cũng như các tòa án quốc tế.
Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấy mất đảo và từ đó gây thiệt hại về nhiều mặt, thì Việt Nam là nước phải lên tiếng mạnh nhất và rõ ràng nhất để giúp Mỹ và các nước khác có lý do ủng hộ Việt Nam.
*****
Sự chú ý của thế giới đến vấn đề Hoàng Sa được xem là một cơ hội tốt cho Việt Nam để đánh động công luận quốc tế về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên quần đảo này, một tranh chấp vốn không được chú ý bằng vấn đề Trường Sa, nơi có đến 4 nước ASEAN cùng với Đài Loan đối kháng với Trung Quốc.
Sự kiện đầu tiên có tác dụng thu hút sự quan tâm đến tranh chấp Hoàng Sa là chiến dịch tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ bất ngờ tiến hành hôm 30/01/2016 bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa.
Dư âm của chiến dịch này trong công luận chưa dứt, thì ngay trong tháng Hai, đến lượt Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố một loạt ảnh vệ tinh mới nhất, cho thấy là Trung Quốc đã triển khai tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong vùng quần đảo Hoàng Sa.
Tiết lộ của trung tâm tham vấn Mỹ đã làm dấy lên những mối quan ngại chính đáng trước việc Trung Quốc triển khai vũ khí trong khu vực này, đe dọa quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, nhất là khi sau đó, Bắc Kinh lại bị tố cáo là đã điều chiến đấu cơ phản lực hiện đại đến Phú Lâm.
Phong van G.S. Ngo Vinh Long_Hoang Sa

Tới lượt Sài Gòn bị hạn hán đe dọa

SÀI GÒN (NV) - Hạn hán không chỉ đe dọa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, mà còn ảnh hưởng tới thành phố Sài Gòn.


(Hình minh họa: STR/AFP/Getty Images)

Do mực nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn tụt sâu, nước mặn từ biển tràn vào, độ mặn trong nước sông vượt quá mức 25 gram/lít khiến hoạt động của hàng loạt nhà máy lọc và cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức,... liên tục bị gián đoạn, cuối tuần vừa qua, bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng ở Tây Ninh đã phải xả nước suốt ba ngày với lưu lượng lên tới 30 mét khối/giây để đẩy nước mặn ra xa.

Từ đầu năm đến nay, bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng đã phải xả nước đẩy mặn như vừa kể tới năm lần và chắc chắn bộ phận điều hành hồ chứa nước Dầu Tiếng sẽ còn phải làm như thế nhiều lần nữa, nếu không sinh hoạt tại thành phố Sài Gòn sẽ tê liệt vì thiếu nước.

Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão của thành phố Sài Gòn cho biết, độ mặn của sông rạch tại Nhà Bè tăng khoảng 80% so với những năm trước và tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất là đến cuối Tháng Tư.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thiệt hại do hạn hán khiến mực nước trên hệ thống sông rạch tụt sâu và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tiếp tục gia tăng. Không chỉ có hàng trăm ngàn héc ta lúa và các loại cây trồng chết khô vì thiếu nước hoặc vì độ mặn trong nước quá cao mà còn hàng triệu người khốn khổ do thiếu nước ăn uống.

Cuối tuần vừa qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu giới hữu trách ở tỉnh này phải đắp ngay một con đập để chặn kênh Xuân Hòa - Cầu Ngang đoạn chảy qua huyện Gò Công Đông, vét nước bơm vào kênh Trần Văn Dõng và kênh Sampo, cứu 4,000 héc ta lúa.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi và Phòng Chống Lụt Bão của tỉnh Tiền Giang, thì đó là cách duy nhất để cứu 4,000 héc ta lúa vì các kênh chính của dự án ngọt hóa Gò Công đã cạn, các kênh nội đồng đã hết nước để bơm vào ruộng, còn nước ngoài sông Tiền quá mặn.

Cũng vào cuối tuần qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã chi tiền thuê một sà lan chở nước cho cù lao Tân Phú Đông để “cứu khát” cho dân chúng tại đó. Sà lan này sẽ tiếp tục hoạt động suốt mùa khô năm nay để “cứu khát” cho 3,000 gia đình.

Ngoài Tiền Giang, “khát” giữa hệ thống sông rạch chằng chịt và cần được cứu bằng nước ngọt chuyển từ nơi khác về đang xảy ra tại nhiều nơi ở Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang. Người ta ước đoán, tình trạng này có thể sẽ kéo dài hơn hai tháng nữa.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn và thủy lợi của Việt Nam thì tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng trầm trọng là do hai nguyên nhân: (1) Vì tác động của El Nino (trời khô nóng nhiều ngày, ít mưa, lưu lượng nước trong vùng giảm từ 30% đến 60%) kéo dài từ 2014 đến nay và (2) Do Trung Quốc trữ nước để vận hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước vốn đã thiếu lại còn thiếu trầm trọng hơn nên nước biển ồ ạt tràn vào thế chỗ.

Trong một công hàm vừa gửi cho chính phủ Trung Quốc hồi cuối tuần qua, chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc yêu cầu bộ phận điều hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Cửu Long xả khoảng 43 tỷ khối nước để giảm thiệt hại do khô hạn tại đồng bằng sông này.


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã hứa “sẽ làm việc ngay với các cơ quan hữu trách của Trung Quốc” nhưng không biết “các cơ quan hữu trách của Trung Quốc” có đáp ứng hay không (?). (G.Đ.)

03-13-2016 3:27:29 PM 

Dân Hà Nội ăn rau bán rửa từ cống nước thải đầy phân

HÀ NỘI (NV) - Những bó rau cải ở vựa rau Hưng Yên trước khi được mang ra chợ bán mỗi ngày được người bán rửa từ dòng nước cống đen ngòm, bốc mùi hôi thối cùng với nước phân, nước thải sinh hoạt. 

Rau mang bán được rửa từ rãnh nước cống đầy phân heo, rác thải. (Hình: Báo Công An Việt Nam) 

Theo báo Công An Việt Nam, ngày 13 Tháng Ba, mô tả, hai bên con rạch nhỏ dẫn thải từ các cống rãnh ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, luôn có người làm nơi rửa rau sau mỗi lần thu hoạch, mà nếu như không tận mắt chứng kiến, người tiêu thụ sẽ không biết những bó rau mơn mởn, trắng trẻo đã rửa ở một con rạch bẩn hơn sông Tô Lịch.

Tại một con rãnh nhỏ này, nhiều phụ nữ ở xã Yên Hòa, nơi được xem là vựa rau lớn nhất miền Bắc, cung cấp rau cho rất nhiều chợ đầu mối lớn ở Hà Nội đang bịt kín khẩu trang, tay cầm những bó hành rửa dưới dòng nước đen ngòm, xung quanh là những đống rác thải, phân lợn, phân bò chảy trực tiếp xuống nguồn nước này.

Không chỉ có phân heo, rác thải, gà chết ném xuống, những người đi làm đồng hay đi phun thuốc trừ sâu cũng tranh thủ xuống con kênh chết này để rửa vật dụng, những lọ thuốc trừ sâu được ném vương vãi trên mặt nước. Một phía là rác thải, phía còn lại là người đang rửa rau, rửa đồ làm đồng.

Mỗi ngày, có hàng ngàn bó rau được người dân nơi đây rửa bằng nguồn nước hôi thối, tanh tưởi của phân, những đám bọ gậy, ruồi muỗi với nhiều nguồn bệnh nguy hiểm. Dù có cống to ở rãnh nhỏ nhưng nguồn nước ở đây luôn tích tụ lại và nếu có chảy, nguồn phân này cũng đổ ra dòng kênh lớn ở bên ngoài và lưu lại, không có chỗ thoát.

Theo nhiều người rửa rau ở nguồn kênh này cho biết, tuy nước bẩn nhưng thoải mái, nhanh gọn, tiện lợi hơn so với việc lấy từng chậu nước ở nhà rửa, vừa không sạch đất mà tốn và lâu hơn rất nhiều.

“Rau trồng gần đây nên tôi mang xuống đây rửa cho đỡ nặng, chứ đất nhiều như thế mang về nhà rửa không biết khi nào mới hết, vừa mệt lại mất sức. Tuy nước có bẩn, nhưng rửa rồi mang về xối lại tý nước giếng là sạch,” bà Lê Thị Liễu (52 tuổi), sống ở xã Yên Hòa, nói.

Cứ như vậy, nước bẩn từ cống nhỏ đổ ra kênh lớn, người người rửa rau mà không cần biết đến vệ sinh, an toàn sức khỏe. Những người tiêu dùng hàng ngày vẫn mua rau mà không hề biết bản thân đang rước mầm bệnh vào người. (Tr.N)

03-13-2016 3:23:44 PM 

Việt Nam vẫn ém nhẹm ‘công đoàn độc lập’

Phạm Chí Dũng (Người Việt)-


“Vừa hợp tác vừa đấu tranh”

Sáu tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam “hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước” vào Tháng Chín, 2015, chính thể của phương châm đối ngoại “vừa hợp tác vừa đấu tranh” vẫn hầu như ém nhẹm trên mặt truyền thông về định chế công đoàn độc lập - một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP mà Bộ Chính Trị đảng CSVN đã phải chấp nhận vô điều kiện.


Hé lộ hầu như duy nhất chỉ đến từ ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam. Sau Tết Nguyên Đán 2016, ông Kiên tiếp tục “người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận” trên báo chí nhà nước.

Dù chỉ hé lộ, ông Kiên vẫn có thể được coi là có đầu óc tiến bộ hơn nhiều so với rất nhiều quan chức khác. Vào Tháng Chín, 2015, ông là quan chức đầu tiên (và cho đến nay vẫn là quan chức duy nhất) gián tiếp thông tin về việc Việt Nam chấp nhận “công đoàn cơ sở” trong một bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.

Trong khi đó, một quan chức khác là ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương và đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, cho đến nay vẫn không thốt nổi một từ về công đoàn độc lập, mặc dù định chế này đã được ghi rõ trong bản văn TPP.

Cũng phải mất đến sáu tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung công đoàn độc lập. Hành động này chỉ diễn ra sau ngày 4 Tháng Hai là thời điểm Việt Nam chính thức ký kết TPP tại New Zealand.

Tuy nhiên, não trạng bưng bít truyền thống của nhà nước Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì được khai sáng: Trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ cụm từ “công đoàn độc lập” nào trên miệng giới quan chức và trên mặt báo chí, tất cả cùng lắm chỉ đề cập đến “người lao động có quyền thành lập tổ chức của mình.”

Cố tình không công bố thông tin về công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam: 2% và vô tích sự

Tết Nguyên Đán 2016 đã tái hiện những năm lạnh lẽo 2011, 2012. Nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê nên đã đành đoạn nằm lại Sài Gòn, Hà Nội. Ngay trước Tết, nhiều cuộc đình công lại nổ ra liên quan đến lương thưởng và điều kiện làm việc.

Khoảng 600 công nhân công ty cổ phần giày Sài Gòn ở quận 10 tập trung tại công ty yêu cầu được trả đủ tiền lương Tháng Giêng, tiền thưởng Tết, cũng như trợ cấp thất nghiệp đúng theo quy định của pháp luật. Gần 1,000 công nhân công ty TNHH YS Vina ở khu công nghiệp Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, đình công, yêu cầu được nhận tiền thưởng Tết một lần. Tại Hải Phòng, 600 công nhân công ty G-Tech ở cụm công nghiệp Vĩnh Niệm thức trắng đêm tại nhà xưởng của công ty để đòi tiền lương vì công ty bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động ngày 29 Tháng Giêng. Ở khu chế xuất Biên Hòa 2, Biên Hòa, Đồng Nai, khoảng 4,000 công nhân công ty sợi Tainan Việt Nam ngưng làm việc từ ngày 2 Tháng Giêng cho đến nay vì cho rằng chế độ lương thưởng chưa thỏa đáng.

Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá lộn ngược là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát và đều bị xem là bất hợp pháp.

Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.

Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt tám năm qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng chỉ kiếm được trung bình khoảng $70/tháng. Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất hàng trăm lần.

Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và chen lấn về ý thức hệ này.
Một khi đã không thể biểu diễn được lòng thành và khả năng nâng cao mức sống và quyền lợi cho công nhân sau WTO, không có gì bảo đảm là các chính sách của nhà nước và doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam sẽ làm cho đời sống người công nhân đỡ khốn khổ hơn nếu nhà nước này được chấp nhận tham gia vào cơ chế TPP trong thời gian tới.

Lẽ đương nhiên, nếu được hình thành, công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như VGCL và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước - những tổ chức chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ ít nhất 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1,000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Nếu quyền lợi của công nhân không được bảo vệ bằng các cơ quan nhà nước thì phải có những tổ chức dân sự độc lập đứng ra tổ chức những chuyện này. Kinh nghiệm tổ chức những chuyện này đã có quá nhiều ở Mỹ, ở các nước phương Tây, ở Bắc Âu, họ đã lo được nhiều cho người công nhân. Trong những năm suy thoái ở Mỹ vẫn có chính sách là người công nhân có thời gian nghỉ việc đến 18 tháng và được trợ cấp đến 70%, ở Bắc Âu còn cao hơn nữa, phụ nữ có thai được nghỉ tới hai năm và được trợ cấp gần 100% lương. Trong khi đó ở Việt Nam xảy ra tình trạng thậm chí chỉ đi vệ sinh cũng phải làm đơn xin phép, nghỉ không phép không có khoản bổ trợ nào.

Quyền được lên tiếng để tự bảo vệ những lợi ích của mình trước giới chủ và trước những chính sách bất hợp lý của nhà nước về thuê và sử dụng lao động là quá cấp thiết đối với hàng chục triệu công nhân Việt Nam!



Phương châm “được cả hai”




Vào cuối năm 2015, ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, nói một cách cứng rắn chưa từng có: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong hiệp định TPP.”


Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình.

Cũng vào cuối năm 2015, chính quyền và công an Việt Nam còn đàn áp thô bạo những nhà hoạt động công đoàn độc lập là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức. Vào giữa Tháng Mười Hai, 2015, một nhà hoạt động công đoàn độc lập khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị công an bắt giam, cho đến nay vẫn chưa được thả ra dù bị quốc tế lên án nặng nề về hành vi bắt bớ này.

Chỉ còn ít thời gian nữa, văn bản TPP sẽ được chính thức trình lên Quốc Hội Mỹ. Tổng thống Mỹ lại sắp thăm Việt Nam vào Tháng Năm. Mọi thứ đã sẵn sàng.

Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những người theo đường lối một đảng lợi ích ở Việt Nam chắc chắn vẫn hy vọng kịch bản WTO năm 2007 “được cả hai” sẽ lặp lại vào năm nay: Vừa vào được TPP, vừa “hồi tố” bắt giam trở lại những kẻ bất đồng chính kiến liều lĩnh nhất.

Còn trong thời gian chờ đợi TPP được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, chiến thuật thích đáng nhất là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít đến mức tối đa về công đoàn độc lập!

Người trẻ không biết Gạc Ma là 'đáng buồn'

Theo BBC-7 giờ trước 

Image copyrightAP
Image captionBãi đá Gạc Ma được Trung Quốc bồi đắp
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người trẻ không biết gì về trận Gạc Ma là “một sự buồn” và ông gọi đây là một cuộc “thảm sát”.
Ông Lê Kế Lâm là cựu Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, Nguyên giám đốc Học viện Hải quân. Ông cũng là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, nắm được rõ mọi diễn biến ở Trường Sa trong thời điểm xảy ra Hải chiến Gạc Ma 1988.
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Lâm nói: Trước hết phải nói cuộc thảm sát 64 chiến sĩ hải quân tại Gạc Ma, đó là một sự đau thương của hải quân chúng tôi. Chúng tôi, sự thật lúc đó là căm thù. Đến bây giờ chúng tôi vẫn xem đấy là nợ máu. Còn đòi nợ máu đấy như thế nào thì dân tộc Việt Nam có cách giải quyết phù hợp với tình hình.
  • Nhưng tại Việt Nam, mãi đến gần đây trận hải chiến mới được nhắc đến. Với ông và những người trực tiếp ở trong cuộc chiến đó, đó có phải sự tổn thương không?
Vì sao ít nhắc đến, nói thật là chúng tôi vẫn không biết lý do thế nào. Nhưng tôi nghĩ đó là một sự thật lịch sử, không thể quên được và xóa nhòa nó đi được. Chúng ta có thể gác lại quá khứ, đau thương tiến về phía trước. Hai dân tộc Việt Nam- Trung Quốc vẫn đoàn kết với nhau và tiến về phía trước. Nhưng sự kiện do một số sĩ quan và hải quân Trung Quốc manh động gây ra cuộc thảm sát 14/3/1988 với hải quân Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là tội ác, và phải lên án.
  • Khi ông gặp những người trẻ không biết gì hết về cuộc chiến này, đó có phải một sự thiếu hụt của lịch sử không?
Đó là sự thiếu hụt của lịch sử. Trách nhiệm đấy, thế hệ chúng tôi cũng phải chịu một phần. Vì chúng tôi chứng kiến sự thật lịch sử đó nhưng chưa làm cho lớp trẻ thấy một cách đầy đủ và hiểu đúng tại sao lại có cuộc thảm sát đó. Đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Từ nay trở đi có lẽ phải khắc phục thiếu sót đó.
  • Thân nhân của những người đã hi sinh và cả những người ở thời đó như ông và người dân, liệu có cảm thấy thất vọng vì sự lãng quên?
Rõ ràng với những người hi sinh ở đó ở bãi đá ngầm Gạc Ma, đó là một sự buồn và cảm thấy không được tôn vinh một cách thỏa đáng.
Họ hi sinh xương máu, hi sinh tấm thân của mình trong một cuộc đụng độ vô tiền khoáng hậu như thế. Rõ ràng họ có suy nghĩ. Chúng tôi những người sống trong giai đoạn đó cũng có những suy nghĩ.
Và chúng tôi những người sống trong giai đoạn đó thấy không nhắc đến những sự hi sinh đó là một sai lầm. Sai lầm đó phải sửa.
Image copyrightAFP
  • Quay lại câu hỏi về Hải chiến Gạc Ma, ông gọi đó là một vụ thảm sát, vì sao vậy?
Vì tôi biết rằng phía hải quân Việt Nam không hề bắn một phát súng nào sang hải quân Trung Quốc. Mà giữa hai lực lượng công binh của chúng tôi lên đảo Gạc ma, và lính hải quân Trung Quốc cũng lên đảo Gạc Ma. Nhưng thời gian không cùng một lúc.
Xảy ra hiện tượng lính Trung Quốc đến nhổ cờ đỏ sao vàng của chúng tôi xuống. Anh em bảo vệ cái cờ đó phải phản ứng lại.
Trong quá trình vừa phản ứng lại đó, Trung Quốc dùng các loại súng, súng máy và các loại súng có trong tay bắn về phía chúng tôi và tàn sát 48 anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma.
Còn 16 người trên hai tàu vận tải HQ604 và HQ605. Hai tàu vận tải này mỗi chiếc 400 tấn thôi, và không có vũ khí, chỉ có những khẩu AK, tiểu liên. Họ ở cách xa chúng tôi hàng mấy km là chúng tôi không hề có khả năng bắn về họ.
Nhưng họ dùng pháo trên chiến hạm bắn chìm hai tàu HQ604 và HQ605 của chúng tôi làm 16 cán bộ chiến sỹ hi sinh. Còn một số sống sót phải dùng mọi phương tiện có thể bám để nổi được, trôi nổi trên biển.
Chúng tôi phải cho màu mang cờ Chữ Thập Đỏ đến cứu, vớt số anh em đó lên. Đấy, vì thế cho nên tôi gọi là thảm sát. Vì chúng tôi không hề có đọ súng với Trung Quốc, kể cả súng nhỏ và súng lớn.
Chúng tôi chưa có một khẩu súng lớn nào để đối diện, gọi là bắn lại tàu hay lính của người Trung Quốc. Tôi biết sự thật của Gạc Ma 1988 là vậy.
Image copyrightAFP
  • Vậy liệu nỗ lực dành lại đảo của Việt Nam có cơ hội nào không?
Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam và bao đời được người Việt Nam quản lý và khai thác. Luôn luôn có bao nhiêu sinh mạng sống chết vì hai quần đảo đó.
Còn lại Gạc Ma, nó là một bãi đá ngầm. Sau khi đụng độ, Trung Quốc chiếm và chúng tôi không để xảy ra một cuộc đụng độ lớn hơn. Vì vậy lãnh đạo chúng tôi lúc đó để lính Trung Quốc đóng ở Gạc Ma.
Cùng với việc họ đóng ở bãi đá Gạc Ma, họ chiếm luôn Bãi Chữ Thập. Đến năm 1995, họ chiếm luôn bãi đá ngầm Vành Khăn, gần Philippines hơn.
Như thế họ đã có dã tâm nối dài bãi đá ngầm Chữ Thập, với bãi đá ngầm Gạc Ma, kéo dài sang đến bãi đá ngầm Vành Khăn. Ba bãi đá ngầm đó tạo thành một tuyến dài 300km trên một vĩ tuyến. Vĩ tuyến đó khoảng 9 độ 5" đến 9 độ 35".
Như thế rõ ràng nằm trong âm mưu của Trung Quốc. Họ muốn chiếm quyền kiểm soát và độc chiếm Biển Đông.
Cho nên từ 1988, họ đã đóng ở ba bãi đá ngầm đó, cộng với một số bãi đá ngầm khác như Cô Lin, Len Đao. Tất cả nằm trong âm mưu của họ.
Nhưng tôi nghĩ rằng nhà nước chúng tôi đã đưa ra tranh chấp bất kỳ tranh chấp gì phải cố gắng giải quyết bằng hòa bình, thương lượng, dựa vào luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc để bàn cãi với nhau.
Đó là con đường mà chúng tôi theo đuổi.