Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2017-10-31
Những tòa nhà cao tâng đang được xây dựng trên bờ sông Sài Gòn. Hình chụp hôm 21/2/2017- AFP
Báo chí nói nợ công của Việt Nam năm nay có thể tăng lên hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán còn tăng nữa trong năm tới. Có báo nói là con số thực có thể cao hơn 65% GDP nhưng báo chí nhà nước Việt Nam nói là vẫn trong mức cho phép, tức là chưa đến mức nguy kịch. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu thực hư về chuyện này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, một số báo chí dẫn nguồn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà cho rằng nợ công của Việt Nam trong năm 2017 này có thể vượt hơn ba triệu tỷ đồng, tức là bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán là còn tăng nữa trong năm tới. Câu hỏi nhiều người đặt ra là con số này có thực sự đáng ngại không và vì sao? Ông nghĩ thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trình bày trước về bối cảnh để thính giả chúng ta cùng hiểu chuyện rắc rối này. Thông thường, chúng ta có giới đầu tư tài chính trên thị trường trái phiếu là thị trường vay nợ. Họ cần có thống kê chính xác về các khoản nợ công, hay công trái, của một chính phủ, và tính bằng tỷ lệ bách phân của sản lượng kinh tế trong năm, gọi là GDP hay Tổng sản lượng. Sở dĩ như vậy vì họ muốn biết quốc gia ấy có khả năng trả nợ không, rồi căn cứ vào đó mà tính ra phí tổn cho vay, hay là phân lời, cao hay thấp. Đã mắc nợ nhiều mà đòi vay thêm thì xứ này phải trả phân lời cao và lãi đơn chồng lãi kép, gánh nợ sẽ còn cao hơn. Vì vậy thị trường tài chính thường theo dõi và thông báo dữ kiện về số công trái của các nước.
- Về trường hợp Việt Nam, người ta nghiệm thấy là các khoản nợ đã tăng vọt, từ khoảng 31% Tổng sản lượng vào năm 2000 nay lên gấp đôi, là hơn 62%. Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì ngạch số nợ sẽ ở khoảng 63,3% trong năm nay và 64,3% vào năm tới cho nên nếu có nơi nói tới tỷ lệ nợ nần là 65% GDP thì người ta hiểu được. Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý là số nợ khi tính bằng tiền Việt Nam, nó lên tới con số chóng mặt là hơn ba triệu tỷ đồng, tức là số ba trước 15 số không, chưa kể các con số lẻ tẻ sau dấu phẩy!
Về trường hợp Việt Nam, người ta nghiệm thấy là các khoản nợ đã tăng vọt, từ khoảng 31% Tổng sản lượng vào năm 2000 nay lên gấp đôi, là hơn 62%.- Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ông một chuyện liên hệ là hôm 24 vừa qua trên tờ Asia Time Online, một nhà báo du lịch người Úc là James Clark có bài viết về ngạch số quá lớn của tiền đồng Việt Nam nếu so với đô la Mỹ vì một Mỹ kim ăn hơn 22 ngàn đồng nên chỉ cần có 44 đô la thì cũng là một triệu phú bằng đồng Việt Nam. Ông có đọc bài báo đó không và nghĩ sao khi có dư luận cho rằng bài báo là tín hiệu cho biết Việt Nam lại có thể sắp đổi tiền nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi có đọc bài báo và thấy tác giả có lý nhìn từ giác độ của du khách khi nêu vấn đề về sự tiện dụng vì đồng bạc Việt Nam có mệnh giá quá cao so với Mỹ kim, có lẽ chỉ thua đồng “rial” của xứ Iran. Chuyện thứ hai cũng hơi lạ là Việt Nam có tờ giấy bạc mang mệnh giá cao nhất thế giới là 500 ngàn hay nửa triệu! Việt Nam là xứ hiếm hoi mà người ta nói chuyện bạc tỷ hay bạc triệu như xu hào của xứ khác. Vì vậy, việc đổi tiền hay đổi mệnh giá đồng bạc, như từ một vạn hay một triệu đồng cũ ăn một đồng mới là điều nên làm, mà nhiều xứ khác đã làm. Còn làm sao để vẫn giữ được sự tín nhiệm của mọi người về trị giá đồng bạc thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng có kinh nghiệm sau ba lần đổi tiền kể từ năm 1975.
- Tôi còn nhớ lần đầu thì họ đột ngột trưng thu nhà tôi tại Quận Ba là một trong nhiều địa điểm đổi tiền và tôi chứng kiến sự bất mãn của nhiều người, kể cả bà Nguyễn Hữu Thọ hay ông Gaston Phạm Ngọc Thuần là lớp người thế giá của chế độ mới! Sau đó là nạn lạm phát phi mã nên bây giờ mới có tờ giấy mang mệnh giá nửa triệu bạc! Đấy là chuyện cười ra nước mắt rất khó quên. Trở lại chuyện nợ nần của Việt Nam ngày nay, thính giả của chúng ta có thể tự hỏi rằng con số này có thực sự đáng ngại không và tại sao đáng ngại?
Nguyên Lam: Thưa ông quả là như thế. Khi số nợ công của Việt Nam lên tới hơn 62% của Tổng sản lượng GDP thì tình hình có đáng ngại hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chưa phân giải khoản nợ bằng ngoại tệ quy ra nội tệ hay bạc Việt Nam với hiệu ứng hay rủi ro ngoại hối của tỷ giá đồng bạc, tôi cho là tình hình đáng ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất là tại sao lại mắc nợ nhanh và nhiều như vậy và thứ hai, nhà nước đi vay để làm gì mà có tính trước về khả năng hoàn trả không? Câu hỏi khiến ta phải truy nguyên lên lý do đi vay. Thật ra đi vay là để tiêu trước, đi vay là vì chi nhiều hơn thu, nên khi chi thì phải biết là để làm gì sau này còn trả nợ là điều nhiều người khỏi cần nghĩ trước mà đẩy về sau.
- Vụ nợ nần của Việt Nam xuất phát từ một hiện tượng được quốc tế quan tâm và cảnh báo vì nạn bội chi ngân sách - là chi nhiều hơn thu. Tỷ lệ bội chi từ 5% GDP vào năm 2000 đã vượt 6,5% vào năm ngoái mà chưa có dấu hiệu suy giảm dù nhà cầm quyền đặt chỉ tiêu là hạ tỷ lệ bội chi tới 3,5% GDP vào năm 2020. Khi xét vào cơ cấu chi thu của nền tài chính công quyền thì ta thấy số thu cho ngân sách Việt Nam tăng mạnh nhờ đà tăng trưởng sản xuất tới hơn 6% trong hơn 10 năm qua. Nhưng số thu đó không đáp ứng nổi mức tăng chi trong cùng thời kỳ.
- Cho nên bài toán nợ nần và trả nợ của Việt Nam xuất phát từ tình trạng tăng chi của bộ máy công quyền và nếu không chấn chỉnh thì tìm đâu ra tiền để trả nợ?
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, Việt Nam chi cho ai và để làm gì đến độ không có khả năng trả nợ? So sánh với nhiều xứ khác, từ Nhật Bản đến Trung Quốc hay Hoa Kỳ thì tỷ lệ nợ nần của Việt Nam là hơn 62% cũng không là quá lớn, thế thì vì sao đấy là chuyện đáng ngại?
Y như trường hợp Trung Quốc, khối nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các khoản nợ xấu, khó đòi và dễ mất vì các đơn vị sản xuất này kém hiệu suất mà cứ tồn tại vì lý do chính trị sau hai chục năm nói về cổ phần hóa. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhật Bản chủ yếu vay tiền người dân và họ chấp nhận thắt lưng buộc bụng để ra khỏi 25 năm suy sụp. Gánh nợ quá lớn của Trung Quốc là bài toán cho lãnh đạo vì nó liên quan tới chính trị, chẳng khác gì Việt Nam. Món nợ của Hoa Kỳ nguy ngập vì vay quá nhiều trong tám năm của Chính quyền Barack Obama và đang là đề tài tranh luận trong Quốc hội và trước dư luận. Trường hợp Việt Nam nguy kịch vì người dân không được quyền hỏi đi vay để làm gì nên chẳng giới hạn được việc đi vay mà sẽ còn è cổ gánh vác việc trả nợ. Vấn đề đáng ngại vì nó nằm trong cơ cấu chính trị. Đầu tiên, giới chức Bộ Tài Chính giải thích là công trái hay nợ công của Việt Nam sở dĩ tăng vọt chủ yếu là vì họ không quản lý được gánh nợ.
- Y như trường hợp Trung Quốc, khối nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các khoản nợ xấu, khó đòi và dễ mất vì các đơn vị sản xuất này kém hiệu suất mà cứ tồn tại vì lý do chính trị sau hai chục năm nói về cổ phần hóa. Thứ hai, Việt Nam đi vay để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất nổi tiếng là vừa xây đã sập, mà sập rồi lại còn vay thêm để sửa nên chất thêm vào núi nợ. Cho tới nay, chưa thấy một ai trong guồng máy công quyền bị kỷ luật hay chịu trách nhiệm về các hồ sơ nhạy cảm về chính trị như vậy. Sau cùng, phải nói đến chuyện đáng ngại nhất của nợ nần là đi vay để nuôi bộ máy chính trị của đảng.
Nguyên Lam: Ông nói như vậy vì ngân sách quốc gia bị bội chi và đi vay là để tài trợ bộ máy đảng hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo thống kê của Bộ Tài Chính Hà Nội thì ngân sách công quyền dành 66,3% cho các khoản chi điều hành, 18,7% cho việc trả lãi cho các khoản tiền đã vay và 15% cho việc đầu tư của công quyền trong các dự án mình vừa nói ở trên. Bây giờ, xét vào các khoản chi điều hành thì chính phủ phải tài trợ cho bộ máy đảng và các ủy ban phụ thuộc của đảng, từ trung ương tới địa phương. Chúng ta có hiện tượng éo le là người dân đóng thuế để tài trợ việc điều hành hai bộ máy cưỡng bách song hành, của nhà nước và của đảng.
- Nhà nước có cán bộ phục vụ từ trung ương tới địa phương và ăn lương do dân trả bằng thuế. Rồi đảng cũng có bộ máy từ Ban Chấp Hành Trung Ương xuống tới gần 60 tỉnh và năm thành phố do trung ương trực tiếp quản lý. Ngoài ra, Trung ương đảng còn có các ban bệ trải rộng và hoạt động song song với các cơ quan của nhà nước. Sau cùng, đảng còn có năm sáu đoàn thể lập ra để đoàn ngũ hóa quần chúng như Mặt Trận Tổ Quốc hay hội Liên Hiệp Phụ Nữ, v.v.., Cho nên bộ máy đảng và bốn triệu đảng viên vốn không sản xuất gỉ mà vẫn tiêu thụ tiền thuế của dân y như bộ máy nhà nước. Chúng ta không chỉ có sự bất công về đạo lý mà còn có sự phi lý về kinh tế khả dĩ giải thích vì sao Việt Nam mắc nợ và không có lối thoát.
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì Việt Nam sẽ lấy đâu ta tiền để trả nợ? Theo như ông nghĩ thì những kịch bản gì có thể xảy ra khi số nợ công lên cao đến 65% hoặc còn cao hơn nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện dễ mà ai cũng tính ra hay nghĩ tới là tăng thuế để giảm mức bội chi và đi vay. Đấy là kịch bản gọi là “giết con gà đẻ trứng vàng” vì tăng thuế sẽ cản trở sản xuất và còn đánh hụt số thu. Kịch bản thứ hai là “xin vỡ nợ từng phần” như ta đang chứng kiến tại xứ Venezuela sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chính quyền Venezuela đang xin ân hạn khoản nợ đáo hạn trị giá 320 triệu đô la của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA phải thanh toán trễ nhất vào mùng hai này. Riêng trong Quý 4 thì họ phải trả ba tỷ rưỡi, nếu không thì vỡ nợ! Việt Nam đang trôi dần tới chỗ đó trong vài năm tới mà người dân không biết và không được biết rằng khi đã vỡ nợ thì phải đi vay nặng lãi hơn và chất thêm gánh nợ mà đời sau sẽ trả.
- Kịch bản sau cùng là người dân có thể viện dẫn quy luật quốc tế về các “khoản nợ ghê tởm” do một thiểu số đi vay và chia chác cho nhau mà dân không được biết. Trong giả thuyết đó các chủ nợ phải xóa nợ hoặc truy nã những kẻ đi vay bất chính chứ không thể bắt dân trả. Thế kỷ 20 có ba chục trường hợp như vậy đã trở thành án lệ hay tiền lệ cho các tòa án áp dụng.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.