Sunday, July 31, 2016

'Tư tưởng' của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam

31-7-2016
H2

Bà Ngân mới lên nhậm chức Chủ tịch quốc hội với tư cách lập pháp nhưng có lẽ bà ấy đang không hề có tư duy lập pháp.
Bỏ qua việc đòi hỏi những người phản biện chính phủ là đã làm được gì cho đất nước, Bà ấy tiếp tục có một nhận định làm tôi bất ngờ: ban hành luật biểu tình làm rối loạn đất nước.
Đây là tư duy phi logic nhất của một nhà với tư cách lập pháp, nếu là người dân hoặc một chức trách khác vì một lý do nào đó thiếu hiểu biết thì có thể thông cảm cho họ. Nhưng nguy hiểm thay, Bà ấy đang đứng ở cương vị một nhà lập pháp và quản trị quốc gia.
Từ trước đến nay tôi vẫn nói, và nói rất nhiều về vấn đề trình độ lập pháp của các đại biểu quốc hội là một thực trạng đáng lưu tâm, đặc biệt quan trọng hơn là việc Quốc hội không lập pháp mà chỉ đóng vai khách mời trong việc soạn thảo các đạo luật mà do Chính phủ (Hành pháp) tạo lập nên. Đây là sự lầm lẫn tai hại về thẩm quyền lập pháp trực tiếp mà uỷ nhiệm lập pháp trong luật học rồi đóng vai thẩm tra một thành phẩm của kẻ khác.
Lập pháp, giống như việc xây dựng những con đường, không phải đứng tay chỉ trỏ người khác san lấp, đổ nhựa vào những đâu, mà phải tự mình thiết kế nên con đường và bắt tay vào trực tiếp dựng lên nó.
Việc Bà ấy coi luật biểu tình, nếu được ban hành ra, sẽ gây rối loạn, chính là một tư duy sẽ khiến một nhà nước cố tình đảm bảo sự “ổn định” bằng quyền lực không trên cơ sở luật pháp. Một đất nước không có luật pháp để điều hành, quản lý và chuẩn hoá hành động con người, hành vi định tính xã hội thì mới là thứ đẩy xã hội đến rối loạn và tạo nên những bức xúc, mâu thuẫn ngày càng gay gắt hơn.
Một nhà lập pháp là phải ban hành và thiết lập nên hệ thống pháp luật để loại trừ những hành vi ngoại lai, suy biến mà quản trị xã hội bằng luật pháp, từ đó mới tạo nên sự ổn định của đất nước nhờ sự văn minh và khoa học.
Nỗi sợ hãi do sợ bị xâm phạm hoặc phải hạn chế quyền lực chính trị chính là thứ làm gián đoạn những công tác lập pháp cần thiết, và từ việc lùi luật biểu tình, đương nhiên không ảnh hưởng đến quyền Hiến định về quyền tự do biểu đạt chính kiến của đám đông dân chúng này của người dân, cộng thêm việc đình chỉ ba bộ luật lớn đặc biệt quan trọng của một quốc gia, cho thấy thêm tình trạng lập pháp của một cơ quan gần 500 đại biểu, kéo theo là một loạt các cơ quan, tổ chức cùng liên quan trong việc tạo lập nên các đạo luật ấy, thực sự đang có những vấn đề và đặc biệt nghiêm trọng đáng báo động trong việc lập pháp.
Ông Fukuzawa đã nói cách cả hơn thế kỷ trước vào thời Minh Trị ở Nhật Bản rằng, một chính quyền mà chỉ biết sử dụng quyền lực thì không tiếp cận được sự văn minh. Điều đó như một chân lý, bởi thứ gì đặt tên là chuyên chế thì luôn là thứ chỉ dùng quyền lực mà áp đặt chứ hoàn toàn không để cho những điều khác biệt tồn tại song cùng.
Hãy luôn ghi nhớ một nguyên tắc cốt lõi quan trọng bậc nhất, dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, đó là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và nhà nước chỉ được làm mà những gì pháp luật cho phép. Đó là ranh giới giữa người dân và chính phủ của một đất nước về vai trò và quyền năng của hai thực thể chính trị có liên quan nhưng rất dễ xung đột mang tính đối lập nhau.
Và sau tất cả những đại biến xảy ra nhan nhản và liên tiếp trên đất nước mình, từ biển đảo, sông hồ, thực phẩm, an toàn bay, an ninh mạng, giáo dục suy cấp, pháp luật rối ren và hơi thở ô nhiễm, tôi tự hỏi, vẫn còn có bao nhiêu con người mắt đang mở mà tâm hồn vẫn còn ngủ mê như những con cừu ngoan đạo, tiếp tục im lặng và chờ ngày rủi ro xảy đến với mình trong sự bế tắc vì không hề có giải pháp đối phó từ trước? Hay sẽ lại là một sự trốn chạy tiếp tục đã được sắp sẵn, là chạy trốn khỏi quê hương khốn khổ mà cũng chính do sự phó mặc của đa phần người dân tạo nên này?
(Ba Sàm)

Quốc hội tật nguyền” và nỗi đau bác Cả

Quang Nguyên-01-08-2016

(VNTB) - Những cái bất cập, bất công, không trung thực được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục của đảng, của nhà nước đẻ ra một cái “quốc hội tật nguyền” ngay từ khi thai sản.


“Thề cá trê chui ống”

Sau cú thắng áp đảo tại kỳ Đại hội đảng lần thứ XII hạ đo ván toàn bộ đối thủ, Bác Cả Trọng tự tin vào sức mạnh của sự "đoàn kết" trong đảng của những đồng chí phe ta còn lại có thể làm được điều gì tốt hơn cho đảng của ông. Nhưng sau vài tháng có vẻ được rộng tay lãnh đạo, chỉ đạo, người ta thấy nồi lẩu mắm-và-rau đem trình làng càng nhiều sâu, không chết, mà bơi nhung nhúc trong đó. Tình thế rối mù, khó khăn đang lớn dần, sự yếu kém của đảng, chính phủ và của Tổng bí thư càng ngày càng lộ rõ.

Đại hội đảng được mô tả đầy hãnh diện là "Đại hội mà trình độ học vấn cũng như chất lượng của đại biểu cao nhất qua 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc...Trong 1.510 đại biểu dự đại hội: có 1.509 đại biểu trình độ đại học và trên đại học, trong đó 55 giáo sư và phó giáo sư, 752 tiến sĩ và thạc sĩ; 1.501 đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân (99,4%)" (*), chẳng tìm ra được con đường sáng, mới nào thoát hiểm cho đảng. Đại hội đảng mà từ anh, chị cán bộ cấp cơ sở vùng nghèo đói, hẻo lành nhất trở lên đến thượng đỉnh vàng son cùng  bằng cấp sáng rỡ như đèn pha chiếu vào mắt nhau khiến chẳng ai nhìn thấy ai, chẳng ai nhìn thấy  gì; lối ra, đường vào càng không thấy. Cái  Chủ đề của Đại hội XII tổng số có 63 chữ, tượng trưng cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung uơng (sic)  cũng trở thành lạc đề.

Những cải cách, đổi mới ông Tổng Bí và đại hội hứa đến nay chưa thấy gì ngoài dậy nhau cách đứng, cách giơ tay thề trước quốc hội của tứ trụ triều đình. Những khuôn mặt, chỉ vài tháng trước, ai cũng biết sẽ dung dăng vào cửa chính vinh quang, đã thề một lần  nay thề lại một lần nữa trong vai trò y xì như trước(!). Hình như bao lớp học làm theo lời bác về cần kiệm liêm chánh, dĩ công vi tư, vì dân vì nước hết năm này qua tháng nọ  đều tuồn tuột qua khỏi lớp đất sét não bộ như nước trôi qua cầu ba cẳng, cho nên phải lôi nhau ra thề chí chết.

VN mình có câu “Thề cá trê chui ống”, thật đúng với nhiều trường hợp. Người  càng dễ thề, càng dễ nuốt lời, càng dễ tráo trở. Chỉ đi một vòng quanh chợ, có thể nghe đến một vài chục lời thề của bọn lừa gạt, bán đồ giả, đồ chôm chĩa. Ngày này qua ngày khác, vẫn câu thề ấy, vẫn món đồ giả ấy, vẫn đồ gian, đồ chôm chĩa ấy.

“Quốc hội tật nguyền”

Điều Bác Cả gọi là thẳng tay diệt tham những, nhìn ra cũng vẫn chỉ là những con sâu tí hon mà một vài anh nhà báo rình chộp được qua chỉ dẫn của người dân. Những con hổ bự như đàn anh của bác Cả, đồng chí Tập, đã đập thì bác và tập thể Bộ Chính Trị vẫn kính nhi viễn chi.

Có hai lý do chính: Một là những con cọp đó thuộc phe ta, cánh hẩu cùng lợi ích không thể đụng tới. Hai là dù chúng thuộc phe địch, nhưng là phe "đồng chí địch" X,Y,Z nào đó, đã chui sâu, leo cao quá, rứt giây sợ động rừng, như vụ Năm Cam, vụ Vinalines, vân vân, "trên" đã phải chỉ thị "chỉ đến đó thôi". Tất cả trong cái mớ bòng bong tầm gửi đều sợ đụng chạm phải nhau. Những chuyện thường ngày ở huyện, nhỏ như móng tay, như vụ cà phê Xin Chào cũng phải Thủ Tướng, Tổng bí thư chỉ đạo làm tới cấp dưới mới dám làm.

Vụ như phó chủ tich Hậu Giang, anh chàng bảng xanh bảng trắng gì đó, lỡ trượt chân, cái sẩy nẩy cái ung, che không nổi mới phải cắn răng "chỉ đạo". Hai vụ xét lại tư cách để đưa ra khỏi quốc hội, một người thì có "bản tóm tắt lý lịch thật đẹp", người kia  có phiếu bầu cao nhất tỉnh, hai người bị đưa ra khỏi quốc hội đã từng được tổ chức bầu cử địa phương, Mặt trận tổ quốc quảng cáo, vận động đưa lên tận mây xanh, được dồn phiếu để trúng thầu, một lần nữa lộ rõ những bất cập, bất công, không trung thực trong tổ chức bầu cử.

Những cái bất cập, bất công, không trung thực được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục của đảng, của nhà nước đẻ ra một cái “quốc hội tật nguyền” ngay từ khi thai sản.

Trong lịch sử bầu bán Việt Nam chưa bao giờ có nơi phải bầu đi bầu lại vì cá chết, chưa bao giờ mới bầu xong, lời ca ngợi còn chưa ráo mực, người trúng thầu chưa kịp ăn mừng dã bị kéo tuột xuống, chưa bao giờ bầu xong vẫn thiếu đại biểu, và cay đắng hơn bao giờ hết, một quốc hội mà có vị cựu đại biểu chỉ dám cầu xin, hy vọng quốc hội có đủ trí tuệ, bản lĩnh để :"không thông qua những luật mà vừa thông qua chưa kịp có hiệu lực thi hành đã phải sửa, đã phải tạm đình chỉ.” (**)

Bảo vệ tình đồng chí và sự ràng buộc chủ nghĩa

Vụ cá chết không chỉ phá hoại một vùng môi trường rộng lớn, gây khó khăn cho cuộc sống của hàng trăm ngàn ngư dân, còn làm ảnh hưởng đến danh tiếng đã mất tiếng thơm từ lâu của chính phủ và đảng. Những tuyên bố không trung thực, dối trá, loanh quanh từ lúc đầu, đến cách đối xử quá dễ dãi, khoan nhượng, nể sợ, bênh vực Formosa làm người dân cả nước, nhất là những người ngư dân mất nghề, mất nghiệp, mất môi trường sống, mất cả sức khỏe, tính mệnh không còn thể tin tưởng vào lời nói vì dân của họ. Trong trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống, kéo dài đến vài thế hệ này, dân có quyền mở miệng, biểu tình phản đối, thậm chí nổi dậy cũng không thể trách họ. Vậy mà chỉ một cuộc xuống đường ôn hòa  bênh vực ngư dân, đòi bảo vệ môi trường, phản đối những kẻ gây hại đã bị chính quyền đàn áp một cách tồi tệ.

Sự việc Formosa đang nóng bỏng, thì"đùng một phát", hai chiếc máy bay rớt. Máy bay rớt chẳng là chuyện động trời. Từ trước đến nay đã có biết bao nhiêu vụ máy bay quân sự rớt ở VN. Có những vụ chết cháy cả hàng chục tướng tá. Máy bay rớt khi đang bay công vụ có, máy bay rớt khi bay huấn luyện có, chỉ vài cột tin là xong, có ông tướng, ông tá nào được rình rang làm đám táng, được đề cao lên tận mây xanh như liệt sĩ hy sinh ngoài chiến trường. Kiểu đưa tin của báo chính thống, sự nổi cơn giận cá chém thớt của đảng lột thẻ nhà báo khiến người dân càng nghi ngờ việc máy bay ta bị máy bay lạ bắn "tan xác".

Nếu thật chiếc chiến đấu cơ SU bị tàu lạ hay máy bay lạ bắn tan xác thì việc ngậm bồ hòn làm ngọt không lấy gì làm lạ, chính phủ và đảng vẫn có truyền thống nhẫn nại với kẻ lạ. Sự việc nóng bỏng nhất ngay sau đó, ngày 12 tháng 7 trong khi nhân dân Phi Luật Tân nhảy mừng vì phán quyết của tòa Trọng Tài The Hague về đường lưỡi bò, ảnh hưởng lớn quyền lợi của VN, thì người dân Việt bị khóa miệng phải làm thinh như đó là chuyện riêng của hàng xóm.

Phán quyết của tòa án trọng tài về tham vọng của TQ cũng là trắc nghiệm về tham vọng quyền lực của bọn bành trướng Bắc Kinh. Tòa trọng tài phán quyết tham vọng của TQ là "không có căn cứ pháp lý". TQ không có quyền trong vùng biển  quan trọng, nhiều dầu mỏ và hải sản mà họ đã ngang nhiên tuyên bố sở hữu, chiếm đoạt, cải tạo thành các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ, đe đọa đến an ninh khu vực.

Mặc dù phán quyết của tòa này không có tính chất bắt buộc Bắc kinh phải thi hành, Bắc kinh tức giận nhạo báng phán quyết này là một "trò hề chính trị"-political farce-, nhưng Hà Nội chỉ lên tiếng tán dương phán quyết của tòa theo kiểu tát nước theo mưa, họ sợ đám Trung Nam Hải trút giận trên đầu họ. Hà Nội cấm tuyệt các vụ biểu tình của người dân phản đối lưỡi bò, ngay cả biểu tình tỏ lòng biết ơn chính phủ Phi, một điều mà người có lòng biết ơn phải mở miệng. Đến lúc này có người gọi những người cúi đầu trước Trung Quốc là Hán Nô cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ  nghĩ rằng phán quyết của tòa trọng tài không những không làm cho TQ chùn tay xâm lược mà còn làm lòng tự ái của anh cả bị tổn thương, con hổ giấy có thể xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên các đảo họ chiếm, đảng CSVN vội cúi đầu khuất phục để bảo vệ tình đồng chí và sự ràng buộc chủ nghĩa.

Cái ung khác

Đe dọa cho đảng hơn nữa là "kẻ thù của chế độ" đang ngày càng lớn mạnh. "Các thế lực thù địch  trong lòng xã hội chủ nghĩa VN" này lớn dần, và đến nay họ mạnh hơn bao giờ hết. Họ là những người dân bị áp bức, những người bị mất tự do, bị đối xử bất bình đẳng, những người bị ăn cắp cái tôi của họ. Họ là những người thoát khỏi sự sợ hãi, dám đứng lên, dậy mà tiến lên. Họ là những người ý thức được mỗi hành động cá nhân đều có ảnh hưởng đến xã hội và có ý thức sâu sắc về tập hợp những người cùng chí hướng, có khả năng chấp nhận hy sinh để mưu tìm tự do, bình đẳng thực sự cho dân tộc.

Là công dân Việt Nam, họ nhận được sứ mệnh phải thi hành nghĩa vụ của người yêu nước. Tương lai của dân tộc, tổ quốc nằm trong tay họ, trong tay nhân dân. Tiền đồ dân tộc, tổ quốc không thể để cho một thiểu số đảng viên Cộng sản nắm giữ, làm của riêng.

Bác Cả Trọng vừa thoát được cái ung này trong bụng, thì lại mắc cái ung khác nặng nề hơn. Thân thể già nua đang xụm xuống dần bởi chính đám tầm gửi, ký sinh trùng của cơ chế và sức tấn công mạnh hơn bao giờ hết của các thế lực thù địch bạn có thù có.



(**)"http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160725_hangout_cong_dan_va_quoc_hoi

Tái diễn vay vốn Trung Quốc: Tiếp tục ''cõng rắn cắn gà nhà''

Thiên Điểu-01-08-2016

(VNTB) - Ngày 28/7/2016, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Dân Trí về khoản vay 300 triệu dollar của Trung Quốc cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Chính phủ Việt Nam tiếp tục lún sâu hơn vào con đường lệ thuộc vào Trung Quốc.

Ai, những ai đang cõng rắn cắn gà nhà?

Phạm Bình Minh: nói và ''làm''

Một trong những nguy hiểm mà rất nhiều chuyên gia kinh tế lẫn các nhà quan sát, bình luận cả trong và ngoài nước cảnh báo.

Trong câu hỏi phóng viên đặt ra “..nhiều người dân, giới chuyên gia kinh tế cũng có lo ngại khi nhìn vào một số công trình dự án đã từng vay vốn của Trung Quốc trước đây nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề. Ví dụ như họ cho vay nhưng buộc ta phải nhận nhà thầu Trung Quốc nhưng nhà thầu đó thực tế năng lực lại yếu, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, mất hiệu quả vốn vay ?”.

Ông Phạm Bình Minh đã trả lời rằng: “Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, cũng kèm theo các điều kiện của các nước cho vay vốn ODA. Không phải Trung Quốc mà các nước khác cũng vậy: Vay ODA của chúng tôi vớilãi suất thấp hơn vay thương mại thì phải chấp nhận nhà thầu của chúng tôi tham gia, hoặc sử dụng máy móc, công nghệ của họ...Với các điều kiện như vậy, chúng ta cũng xem xét, nếu vay mà vẫn có lợi thì chúng ta phải sử dụng nguồn lực đó thôi.”

Rõ ràng ở đây thông điệp này không hề được đánh giá hay rút tỉa kinh nghiệm qua các dự án lớn sử dụng công nghệ Trung Quốc tại Việt Nam đều là công nghệ lạc hậu, gây nguy hại mà vụ Formosa đang còn nóng hổi chưa đi đến hồi kết. Ông  Phạm Bình Minh  không hề trả lời thẳng vào câu hỏi để giải thích về việc trên thực thế rất nhiều dự án ODA mà Doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu chỉ vì bỏ thầu chỉ thấp hơn nhà thầu Nhật, Hàn, Úc.. rất ít. Nhưng sau đó thì giá đội lên gấp nhiều lần và chất lượng công trình thì không công trình nào không chậm, không hư hỏng ?

Trong khi về nguyên tắc quản lý dự án công: Các công trình  lớn, nguyên tắc điều chỉnh giá chỉ được tính  thêm 2 khoản là trượt giá đồng tiền (làm tăng chi phí vật tư và nhân công) và chi phí phát sinh và luôn có hạn mức tỷ lệ cụ thể. Trong khi  đó các dự án do Trung Quốc thắng thầu thì có dự án đội vốn tới 300%-400% . Như vậy thì ODA từ Trung Quốc gắn với điều kiện giao cho Doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu không hề rẻ và lãi suất thấp như  câu trả lời của ông Phạm Bình Minh được. Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh với các công trình như  Cầu Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận .. (Australia);  Cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân…(Nhật Bản) .v.v. đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi: Một ví dụ nhãn tiền là Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), cũng vay vốn Trung Quốc nhưng hậu quả hiện đã khá rõ ràng thì người dân lo ngại là có cơ sở chứ, thưa Phó Thủ tướng?

Ông cho rằng “Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do qúa trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ...Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều”. Câu trả lời này không chỉ sai về nội dung mà còn sai cả về khía cạnh quản lý nhà nước.

Có thể thấy, trong câu hỏi này ông không trả lời  trên cương vị là lãnh đạo Bộ ngoại giao, vì nó đi sâu vào việc không thuộc chuyên ngành của mình. Rõ ràng câu hỏi và cả câu trả lời này là trên cương vị Phó thủ tướng – nghĩa là cương vị trách nhiệm quản lý chung. Các lý do ông đưa ra thì có vẻ đúng, nhưng nó thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quan (các Bộ  chuyên ngành và nhà thầu). Trên phương diện quản lý cấp Chính phủ mà ông là Phó thủ tướng thì câu trả lời cho thấy ông đã không chỉ ra sự thật: Các dự án ODA - cả các dự án đầu tư FDI  sử dụng vốn ưu đãi (cũng phải sử dụng từ nguồn vay nước ngoài để phân bổ) - nếu chậm hay đội vốn, sử dụng được hay không thì Việt Nam vẫn phải trả nợ cho nguồn vốn đó. Đây mới là khía cạnh thiệt hại và nguy hiểm nhất khi không lựa chọn đúng đối tác tài trợ ODA và đánh giá đầy đủ các điều kiện kèm theo. Còn việc triển khai chậm hay phát sinh là lỗi do quản lý nhà nước đã tạo kẽ hở cho nhà thầu lợi dụng (điều kiện phụ đi kèm ODA) chứ không bao giờ nằm trong các điều kiện vay của Hợp đồng. Nghĩa là ở đây, Chính phủ chỉ quan tâm yếu tố duy nhất là “có vốn” chứ  không xem xét tới hiệu quả , taác động liên quan sử dụng vốn.

Thay lời kết

Việc Chính phủ tiếp tục các khoản vay từ Trung Quốc đã và đang đặt ra mấy vấn đề:

Thứ nhất:  Gia tăng gánh nợ công nhưng hiệu quả không có nếu không nói hầu hết đều lỗ hoặc không thể sử dụng. Các dự án như Bauxite Tây Nguyên; Đường sắt Cát Linh; trụ sở Bộ Công an; Trung tâm Hội nghị quốc gia.v.v. là những ví dụ “nhãn tiền” mà phóng viên đặt ra nhưng qua câu trả lời của ông Phạm Bình Minh cho thấy Chính phủ không hề xem xét tới khía cạnh hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn vay của Trung Quốc.

Thứ hai:  Khía cạnh nguy hiểm về mặt an ninh quốc phòng  đối với các dự án sử dụng vốn vay từ Trung Quốc mới chính là mối quan tâm lớn nhất của dư luận khi có sự “trùng hợp”  đến kỳ lạ là hầu hết các công trình lớn dùng nguồn vốn  này đều  đặt ra rất nhiều nghi ngờ và nhạy cảm vẫn  bị “phớt lờ” trong các quyết định  vay dưới danh nghĩa “đầu tư”.

Thứ ba: Tại sao trong bối cảnh dư luận phản ứng khá gay gắt và rất nhiều chuyên gia lên tiếng không đồng tình tiếp tục vay vốn từ Trung Quốc, Chính phủ lại không lắng nghe  hay tổ chức lấy ý kiến  rộng rãi hơn mà lại tiếp tục có  khuynh hướng tự quyết?

Thứ tư: Việc gia tăng nợ vay từ Trung Quốc đồng nghĩa  sẽ gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế  - đương nhiên sẽ dẫn tới lệ thuộc về chính trị - của Việt Nam vào Trung Quốc. Riêng điều này cũng đã đủ để xem xét lựa chọn nguồn vay khác chứ không phải là Trung Quốc chỉ vì  so sánh điều kiện phụ có chút ít lợi ích (nếu có).


Nợ công đã và đang là gánh nặng cho người dân. Đã đến lúc Chính phủ cần chứng tỏ những quyết định của mình là vì dân, vì nước hay tiếp tục  thể hiện việc quản lý theo kiểu tự quyết, bất chấp hậu quả. Sẽ không thể có chuyện cố làm lấy được, làm cho có để rồi trút gánh nợ cho thế hệ sau.

Vài “sự cố” VTV, “động cơ là gì?”

Kông Kông (Danlambao) - Tôi chưa hề xem bất cứ chương trình VTV nào, ngay cả cái tên VTV cũng chỉ đoán là Việt Nam TV. Còn con số đi kèm theo sau VTV là VTV của địa phương. Như vậy, với tôi, VTV là Hệ thống Truyền hình Việt Nam. Nói rõ hơn là Hệ thống Truyền hình của chế độ cộng sản Việt Nam. Thế nhưng tại sao VTV cứ liên tục tạo ra “sự cố” và mỗi “sự cố” lại được ngụy biện, bất kể bằng chứng hiển nhiên?

Dẫn chứng 1:

Mấy tháng trước một VTV quảng cáo về một địa phương kinh doanh trồng “rau sạch”. Họ đạo diễn cho một chị nông dân đứng bên luống rau cầm chổi quét nhẹ trên lá, lá bị trầy sướt như tự nhiên, chứ không lành lặn tươi mượt, để phân biệt với rau bị bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu! Phóng sự đó đã bị công luận bóc mẽ. Bản chất của sự việc nầy là VTV biến việc kinh doanh tốt đẹp của địa phương thành trò lừa đảo người tiêu thụ. Họ coi khán giả là ngu muội! Kênh tuyên truyền cho chế độ mà như vậy thì bản chất chế độ đó ra sao?

Còn cái gọi là “rau sạch”, đã đình đám một dạo, vì có liên quan đến một ông Tổng Bí thư. Ông Lê Khả Phiêu!

Ngày đó ông Lê Khả Phiêu quảng cáo với phái đoàn đồng hương Thanh Hóa của ông “vườn rau sạch” trên sân thượng nhà ông. Ông khoe “rau sạch” là ông biết ngoài xã hội đang tràn ngập rau bẩn. Trách nhiệm về rau bẩn đó không phải ở lãnh đạo cấp cao nhất như ông? Bây giờ “rau sạch”, “rau bẩn” đã không còn thuần túy chỉ về rau nữa mà chỉ về cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả! Cái tốt, cái thật giới lãnh đạo thụ hưởng còn cái xấu, cái giả là của toàn dân. Đó đang là chuẩn mực “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” của chế độ!

Dẫn chứng 2:

Chuyện một VTV khác thực hiện chương trình 'đối thoại mở' của bà Tạ Bích Loan, về một đề tài thời sự “Làm từ thiện”! Bà Tạ Bích Loan đặt câu hỏi: Làm từ thiện “động cơ là gì?” Có lẽ không một ai không biết nghĩa 3 chữ “làm từ thiện”! Làm từ thiện là tự mình giúp đỡ những người nghèo khó một cách vô vị lợi. Dân gian Việt Nam đã thấm đẫm các câu “lá lành đùm lá rách”, “miếng khi đói, gói khi no”, “thương người như thể thương thân” hay rộng lớn hơn, mang tính xã hội, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hoặc “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”... v.v...

Đấy là đạo lý Làm Người của dân tộc!

Là chủ một show VTV không lẽ bà Tạ Bích Loan không hề biết căn bản đạo lý tối thiểu đó? Thế nhưng bà vẫn vặn hỏi, ngụ ý mỉa mai và bắt bí, là làm từ thiện với “động cơ là gì?” Dĩ nhiên hàm ý ở đây là muốn vu cáo những người làm việc từ thiện. Như việc ông Trần Đăng Tuấn (từ chức một chức vụ quan trọng lo về tuyên truyền cho chế độ) đứng ra kêu gọi và thực hiện chương trình “Cơm có thịt” cho các em học sinh bé bỏng ở vùng cao, đang được ủng hộ rộng rãi! Nhưng thay vì khuyến khích các tổ chức như thế, chế độ lại lo sợ! Họ lo sợ về phương diện chính trị (!) vì họ không tin bất cứ việc làm từ thiện nào! Họ gây chia rẽ tình tự dân tộc. Chia để trị mà! Trong lúc đó thì tại các nước càng văn minh càng có nhiều tổ chức xã hội dân sự. Những tổ chức nầy chẳng những vừa thể hiện thương yêu, vừa giúp đắc lực cho chính quyền trong các biến cố, như thiên tai, mà còn thể hiện tính nhân đạo của một dân tộc trên thế giới! Việt Nam thì ngược lại. Thường xuyên ngửa tay xin sự giúp đỡ khắp thế giới, kể cả từ các tổ chức dân sự, trong lúc tìm mọi cách cấm đoán các hoạt động dân sự. Như vậy chế độ cộng sản đang bôi nhọ Nhân cách Việt Nam, vốn dĩ tốt đẹp thành xấu xa tệ hại. Là, chỉ biết ăn xin khắp thế giới.

Đấy là tội sỉ nhục dân tộc!

Câu hỏi vặn đầy ác ý của bà Tạ Bích Loan về việc làm từ thiện “động cơ là gì”, tự nó, đã vạch trần bản chất của chế độ!

Dẫn chứng 3:

Chuyện đang sôi nổi, là “Ký sự Syria - góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” do nhóm của bà Lê Bình thực hiện. Trước hết là sự thiếu trung thực của phóng sự đang bị phơi bày cụ thể và chi tiết. “Hơn phân nửa hình ảnh của phóng sự được cắt ghép từ các tư liệu khác, không ghi rõ nguồn”, đến cách dàn dựng kịch bản và ngay cả trang bị thực địa... đều thiếu cả kiến thức sơ đẳng!

Nếu muốn làm phóng sự (để nổi tiếng) thì tại sao không đến Tây Tạng tìm hiểu thân phận bi đát của người dân ở đó dưới bàn tay Tàu cộng, một đề tài lớn về Nhân bản, mà qua Syria làm phóng sự chiến tranh? Cuộc nội chiến nồi da sáo thịt do miền Bắc gây ra (1954-1975) và chiến tranh đẫm máu ở biên giới phía Bắc do Tàu cộng xâm lược chưa đủ để người Việt Nam kinh hoàng? Hơn thế nữa, nguyên khởi cuộc chiến ở Syria nằm trong dòng thác Cách mạng Hoa Lài. Là phản ứng của người dân trước chế độ độc tài! Do đó chỉ nêu ra sự tang tóc và đổ vỡ mà giấu đi nguyên nhân chính thì mục đích của Ký sự chẳng những vi phạm trầm trọng về đạo đức thông tin, đặc biệt với người Syria, mà còn lộ rõ chủ đích của Ký sự là hù dọa phản ứng của người Việt Nam đối với chế độ tham nhũng và bán nước của đảng cộng sản Việt Nam!

Vì thế Ký sự Syria bị công luận bóc mẽ là đương nhiên.

Chỉ với vài dẫn chứng “sự cố” VTV như thế cũng đã biết VTV là ai, đang phục vụ cho ai và “động cơ là gi?”!

Thành trì của cộng sản là tuyên truyền gian dối nhưng với thời buổi hiện tại thì vô phương che giấu. Dù biết rõ như thế nhưng VTV vẫn tiếp tục ngạo mạn và thách đố công luận chỉ vì chế độ đang đi vào đường cùng nên VTV bất kể liêm sỉ. Nhưng sự ngạo mạn nào rồi cũng phải trả giá. Và, chắc chắn, cái giá phải trả nầy không hề rẻ. Lịch sử đã chứng minh điều đó!

01.08.2016

Căn bản của một quốc hội dân chủ chính là sự mâu thuẫn đối lập

Mai Tú Ân (Danlambao) - Việc nước ta không cho một số người đối lập được ứng cử vào Quốc Hội là một sai lầm, sai lầm kinh điển giống như sai lầm của các nhà nước CS trên thế giới. Không có đối lập, Quốc Hội sẽ đánh mất vai trò làm luật, giám sát chính phủ cùng nhiều chức năng quan trọng khác mà chỉ còn là bù nhìn, tồn tại chỉ để hợp thức hóa các quyết sách của đảng cộng sản. Không có đối lập, QH sẽ ù lì, các đại biểu cũng vậy vì thiếu sự tranh biện qua lại về mọi vấn đề. Nó cũng giống như trong ngành Tòa Án của thế giới ngày nay, cũng từ nước Anh mà ra. Trong một phiên tòa kiểu Anh thường có một Bồi Thẩm Đoàn, gồm toàn người nghiệp dư và chỉ ngồi nghe chứ không được lên tiếng, xem bên nguyên và bên bị, tức bên Công Tố với bên Luật Sư cãi nhau ì xèo. Để rồi cuối cùng chính những người trong ban bồi thẩm đó bỏ phiếu xem đối tượng đó có tội hay không có tội.

Sự tranh biện qua lại về mọi vấn đề giữa hai thực thể mâu thuẫn đối nghịch nhau tỏ ra vô cùng hữu hiệu để tìm ra chân lý.

Chúng ta hãy tìm hiểu về Quốc Hội nước Anh, quốc hội đầu tiên và hình mẫu cho mọi quốc hội dân chủ (Đại Nghị) trên khắp thế giới nhé. Có nhiều điều để nói về một Quốc Hội của các thể chế dân chủ đó nhưng điều căn bản nhất thì chỉ là một. Đó là sự đối lập, luôn tranh cãi giữa hai hay hay nhiều hơn những phe phái đối lập. Sự mâu thuẫn hiển nhiên, cùng sự tranh cãi giữa hai hay nhiều hơn các phe phái đối lập lại là điều cốt tử để tạo nên một Quốc Hội Dân Chủ Tự Do. Bởi chỉ có thế thì nó mới cho ra lẽ phải, điều đúng để sau đó bỏ phiếu thành luật. Nó cũng giống như khi ta vỗ tay thì phải có hai bàn tay phải trái để vỗ vào nhau thì mới phát ra tiếng kêu. Còn chỉ có một bàn ta thì ta không thể vỗ như thường được, cho dù có hàng triệu bàn tay phải đi nữa thì cũng vô ích, nên luôn cần có thêm bàn tay trái nữa thì mới có tiếng vỗ tay đúng nghĩa.

Quốc Hội dân chủ bắt nguồn xa xưa từ thời La Mã cổ đại, rồi tất cả đều xuất phát từ nước Anh, sau đó lan qua nước Mỹ và lan ra khắp thế giới với đôi chút khác biệt nhưng điều căn bản của Quốc Hội vẫn là phải 2 hoặc nhiều hơn các đảng phái đối nghịch nhau. Quốc Hội Anh có hai viện, Thượng viện và Hạ viện. Hạ viện (ở Anh gọi là Viện Thứ Dân, tức là Viện của Dân Ngu khu đen) do dân bầu ra và là Viện quan trọng nhất, đề ra luật. Còn Thượng Viện (tức Viện Quí Tộc, tức Viện của dân Khu trắng) do chỉ định thì lại có ít quyền hơn nhiều.

Và tất cả mọi quyết sách quan trọng đều diễn ra trong một tòa nhà của cung điện Wét Minh Tơn (Westminster) trong phòng họp của Hạ Viện (xem hình) gọi là phòng Xanh vì ghế toàn màu xanh (Thượng Viện ghế đỏ). Có thể nói tòa nhà chật chội chen chúc người ngồi trong hình lại là một trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Đế Chế Anh lẫn của cả thế giới 500 năm qua. Các ông nghị được bầu, cùng thủ tướng và các thành viên chính phủ cũng có chân trong QH ngồi sát vai nhau vì rất chật chội và không có bàn hay màn hình, nút bấm sang trọng như Quốc Hội của các anh nghị gật xứ Việt Nam ta.

Thủ tướng và các bộ trưởng ngồi hàng ghế đầu, phía sau là phe đối lập, hoặc cũng có thời gian mỗi phe ngồi một bên. Ở chính giữa có các chủ tịch, phó chủ tịch Hạ Viện đội tóc giả chỉ ngồi làm vì để điều khiển trật tự, không tham gia tranh luận. Phía trên hội trường có rất nhiều chỗ để báo chí và dân chúng rảnh rỗi thì vào coi chùa. Và căn phòng trong hình bên dưới chính là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Đế Quốc Anh hùng mạnh ngày trước cũng như của nước Anh hiện nay. Và mấy trăm năm rồi căn phòng ấy, cái bàn ấy và những luật lệ không hề thay đổi một chút nào theo đúng truyền thống bảo thủ của nước này.

Qui tắc cuộc chơi thì rất đơn giản. Một vấn đề, một dự luật lớn nhỏ được đưa ra trước Hạ Viện, rồi hai bên, tương ứng với hai đảng (hiện nay là đảng Bảo Thủ và Công Đảng) cứ thế mà thay nhau trình bày kế hoạch. Bên chính phủ đưa ra kế hoạch thì tán hươu tán vượn, ca kế hoạch của mình đưa ra là đỉnh cao trí tuệ. Phe đối lập thì dìm hàng, mạt sát, riễu cợt cái đỉnh cao trí tuệ ấy. Cứ thế hai bên, một hàng tôm, một hàng cá phang qua phang lại chí chóe, tơi bời… quá lắm thì chủ tọa lắc chuông bảo stop. Hai bên cứ cãi nhau như thế, và rồi qua các cuộc tranh cãi chết bỏ đó thì chân lý, là cái tốt nhất được rút ra và biểu quyết theo đa số thành luật.

Trong lịch sử nghị viện Anh như rứa cùng với đại đa số nghị viện của gần như toàn bộ thế giới dân chủ hiện đại đều theo chế độ cãi nhau này như Anh, Úc, Canada, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Thái Lan… có tới gần trăm nước, gọi là những nước theo thể chế Đại Nghị. Còn hầu hết các nước còn lại thì theo chế độ Tổng Thống như Mỹ, Pháp, Indo, Hàn Quốc v.v…

Trở lại các cuộc tranh cãi ở chế độ nghị viện như Anh thì rất là vui, rất đáng xem nếu rảnh. Các ông nghị hồi trước tranh luận một hồi nổi máu lên phang nhau cả bằng nắm đấm giống như các ông nghị xứ Đài Loan gần đây. Sau này Nghị viện cấm chơi bạo thì các ông nghị chơi nhiều chiêu độc như ném vào các bộ trưởng cặp táp, sổ sách thậm chí cả giày, dép. Có cả guốc của lady nữa. Sau này cấm nên QH Anh chẳng thấy có em nào xài láp tóp hay ri động gì ráo trọi. Thậm chí tài liệu đem theo cũng không được phép có bìa cứng. Vì sợ các em lấy đó làm vũ khí sát thương chọi nhau. Nhưng cùng tất biến, lại chơi chiêu khác, cứ thấy thủ tướng hay bên chính quyền phát biểu thì các em đối lập hò hét, hát quốc ca, vỗ tay đểu hoặc dậm gót giầy ầm ĩ để chọc quê, để át tiếng kẻ thù…

Nhưng rồi cũng cấm, và bây giờ thì chỉ còn màn là xé giấy (tài liệu) tung lên như bươm bướm hoặc bỏ phòng họp để phản đối phe kia mà thôi.

Tất cả những điều trên thật khôi hài, nhưng lại mang một tầm quan trọng cốt tử của một thể chế dân chủ. Đó là phải luôn có sự đối lập, phản biện của các lực lượng đối nghịch nhau để có sự tiến bộ. Quốc Hội không phải là nơi để nhường nhịn nhau, không phải để tâng bốc nhau, không phải để đồng thuận, đồng lòng, không phải nơi để gật mà là nơi để đối lập nhau, kình chống nhau, phản biện nhau, tranh luận nảy lửa với nhau, thậm chí tố cáo nhau, hạ nhục nhau v.v... Và qua các cuộc đấu đá nảy lửa đó thì các thành viên ngồi nghe mới hiểu rõ vấn đề. Rồi cái ngu dốt, cái tham nhũng, cái dở hơi mới lòi ra cũng như đưa đến những sáng kiến, những sự thật cùng những điều luật được lòng dân. Và cũng chính từ các cuộc cãi vã giữa hai phe đó mà nhiều điều tốt đẹp nhất mà thế giới văn minh hiện nay đang được hưởng. Nước Anh là nơi cống hiến cho thế giới nhiều điều luật tốt đẹp nhất, và tất cả đều từ những cuộc cãi vã mà ra.

Và đối lập, mâu thuẫn mới là điều đáng ngưỡng mộ của nền nghị viện Anh Quốc cũng như của toàn thế giới dân chủ. Ngược lại một QH đồng thuận đồng lòng là điều mà các nền dân chủ sợ như sợ tà. Cũng như QH mà một đảng chiếm đa số tuyệt đối (chiếm 75%) lại là tai họa cho nền dân chủ. Thế mới hãi con số gần 100% như của xứ ta.

Như Quốc Hội CHLB Đức hiện giờ, dù một đảng có được 100% dân Đức bầu cho, tức cầm quyền tuyệt đối nhưng cũng chi được phép có 49% số ghế của QH, đa số 51% còn lại để dành cho phe đối lập vào ngồi để cãi nhau.

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trước cuộc bầu cử quốc hội tự do đầu tiên sau khi chế độ phân chủng bị đổ những năm 1990 thế kỷ trước, trước sự thắng thế hiển nhiên của dân da đen chiếm gần 90% dân số, da trắng chưa đầy 10%, thì khi được hỏi ông lo sợ gì nhất trong cuộc bầu cử này, nạn gian lận hay bạo lực thì ông Mandela đã trả lời: "Tôi sợ rằng chúng tôi (AND) thắng tuyệt đối (75%). Vì như thế chúng tôi sẽ được thay đổi luật, độc chiếm QH, bóp chết đối lập..." Và Trời đã chiều ông khi năm ấy đảng ĐH Dân tộc Phi của ông chỉ chiếm chưa đầy 70%... không độc chiếm QH và nước Nam Phi dân chủ đã phát triển thành công mạnh mẽ như thế..

Quốc Hội nước ta nếu có được những con người tài năng không ở trong hệ thống Đảng và Chính quyền ngồi trong đó thì sẽ không có những vụ lùm xùm như Vinaline, Bauxite Tây Nguyên, các món nợ xấu khổng lồ, không có những chiêu bán đất vô tội vạ cho Trung Cộng cũng như không sợ, không hèn với Trung Cộng như bây giờ.

Có một danh nhân thế giới đã nói: "Nếu có một QH đồng thuận, đồng lòng thì chỉ có một cách duy nhất đê giúp cho dân cho nước, đó là nó hãy chết đi”

Mâu thuẫn chính là tiến bộ...