Tuesday, November 28, 2023

Bị 8 bạn đánh hội đồng, nam sinh lớp Bảy ở Hà Nội ‘phát khùng’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một nam sinh lớp Bảy, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, nhiều lần bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng đến sang chấn tâm lý, quên cả tên mình.

Báo Dân Trí hôm 28 Tháng Mười Một cho hay sau hai tháng được chữa trị tại bệnh viện Nhi Trung Ương và bệnh viện Bạch Mai, em VVTK, học sinh lớp Bảy, trường trung học cơ sở Đại Đồng, huyện Thạch Thất, bị nhóm tám bạn học đánh hội đồng dẫn đến rối loạn tâm thần vẫn chưa nhận ra cha mẹ, người thân, thường xuyên la hét, hoảng loạn, không có khả năng tự chủ trong sinh hoạt, chưa thể đi học lại.

Nạn nhân ngồi thụp, ôm đầu khi bị bạn đánh hội đồng. (Hình: VNExpress)

Các bác sĩ tại hai bệnh viện trên chẩn đoán em K. bị “sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).”

Tuy nhiên, nói với báo Tuổi Trẻ cùng ngày, ông Đỗ Công Dực, hiệu trưởng trường Đại Đồng, cho biết em K. đã đi học trở lại, mỗi ngày chỉ học khoảng 2-3 tiết để “không tạo áp lực.”

Theo ông Dực, em K. trở lại trường học là để “chữa bệnh tâm lý” nên sẽ không đặt nặng việc học trong thời gian đầu. Để việc tới trường của em K. thuận lợi, nhà trường đề nghị phụ huynh lên lớp cùng em trong những tuần đầu để “tiện theo dõi sức khỏe.”

“Tâm lý của em K. còn hơi yếu, khá nhạy cảm. Việc K. đi học trở lại là nguyện vọng của bản thân em. Ngoài ra, gia đình của em K. thấy con đã có thể tái hòa nhập,” ông Dực biện minh.

Trong khi đó, bà Kiều Thị Mai, mẹ em K., cho biết sức khỏe con mình đã đỡ hơn trước, tuy nhiên tinh thần vẫn còn hoảng loạn.

“K. vẫn còn những cơn đau, cơn rối loạn tâm lý, có điều gì không hài lòng là K. sẽ bỏ chạy. Tự K. thích đi học nên gia đình cho con đi, hôm nào không thích là phải cho nghỉ ở nhà. Hiện tại K. viết bài được nhưng không tính toán được. Bệnh của con tôi phải điều trị lâu dài, từ hôm con đi viện đến nay, các gia đình có con đánh K. cũng đã hỗ trợ 50 triệu đồng ($2,062),” bà Mai nói.

“Các học sinh đánh hội đồng em K. cũng đã rất hoảng sợ sau hàng loạt những buổi làm việc với nhà trường và cơ quan điều tra. Trên thực tế, các em cũng đã trải qua nhiều khổ ải về tâm lý. Đây là sự việc đáng tiếc và không ai mong muốn,” ông Dực cho biết thêm.

Trước đó, hôm 25 Tháng Mười, một đoạn video clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nam sinh bị một nhóm học sinh khác đánh hội đồng. Nhóm này dồn nam sinh vào góc tường, liên tục đấm đá thô bạo vào mặt, đầu, bụng của bạn. Nạn nhân bị đánh không chống trả, chỉ khóc và ôm đầu.

Phần sau của clip là hình ảnh nam sinh bị bạo hành đang điều trị trong bệnh viện. Trong clip, nam sinh hoảng loạn và có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ họ tên, địa chỉ của mình ở đâu.

Qua xác minh, sự việc xảy ra hồi giữa Tháng Sáu, tại nhà văn hóa thôn Đồng Cầu khi các em nghỉ Hè. Nạn nhân VVTK do quá sợ hãi đã không báo với thầy cô và gia đình biết.

Theo tìm hiểu của gia đình và nhà trường, em K. đã bị đánh nhiều lần liên tục, không xác định được ngày quay clip bạo lực nói trên một cách chính xác.

Ông Dực thừa nhận đây không phải lần đầu em K. bị đánh. Giữa Tháng Chín, nhà trường phát hiện nhóm nam sinh này có hành vi tương tự với em K. ngay tại trường.

Em K. sau đó phải điều trị “sang chấn tâm lý” 10 ngày, thường xuyên có biểu hiện ngơ ngác, không tập trung. Em trở lại trường vào giữa Tháng Mười nhưng tinh thần không ổn định.

Nhóm nam sinh đánh bạn gồm tám em, bị trường Đại Đồng đình chỉ học bốn ngày theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam.

Em K. không còn khả năng tự chủ trong sinh hoạt, phải được đút cho ăn mỗi ngày. (Hình: Dân Trí)

Hồi Tháng Tám vừa qua, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nhận định bạo lực học đường là một trong những tồn tại của ngành, ước tính gần 7,100 học sinh liên quan trong năm 2022.

Theo quy định hiện nay, việc kỷ luật học sinh vi phạm gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn. (Tr.N) [qd]

Tòa nhà xây ‘sai phép’ sát cấm địa Ba Đình đang bị sờ gáy

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các báo tại Việt Nam theo nhau đưa tin “lâu đài” của “đại gia” gần cấm địa Ba Đình ở Hà Nội đang bị chính quyền thành phố ra lệnh sờ gáy.

Tòa nhà cao tầng được đề cập có địa chỉ xây dựng tại “số 84 và số 86+88+90A+10 ngách 68/16+số 1+3 ngõ 90 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn.” Quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng cho ba người có tên tắt “ông NHĐ, ông NAT, và bà VTTN.”

Tòa nhà vi phạm quy định xây dựng gần trung tâm Ba Đình, Hà Nội. (Hình: Công An Nhân Dân)

Báo Người Lao Động và nhiều báo khác cho biết “một trong các chủ đầu tư công trình này là một ‘đại gia’ có tiếng ở Hà Nội” nhưng không nêu tên.

Tòa nhà này bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2021 đến nay vẫn chưa hoàn tất. Vài ngày trước, người ta đã thấy báo chí nêu ra chuyện giấy phép được cấp “một hầm, một lửng, bảy tầng, một tum nhưng xây sai về mật độ; sai tràn lửng; sai phần mở rộng tum thang, mở rộng thêm giàn hoa và điện thờ; các tầng xây cao hơn khoảng 30 cm so với giấy phép…”

Tuy cơ quan trách nhiệm giám sát tại địa phương có “biên bản kiểm tra” nhưng “lực lượng chức năng không lập biên bản vi phạm hành chính vì nếu lập biên bản vi phạm thì phải phạt tiền và phải dỡ phần vi phạm,” tờ Người Lao Động dẫn lời một ông “lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Phường Đội Cấn.”

Chuyện vi phạm các quy định về xây dựng là “chuyện thường ngày ở huyện” xảy ra trên cả nước mà ai cũng biết. Đây là cơ hội để các quan chia nhau những số tiền “lại quả” to lớn. Cái chuyện tòa nhà của “đại gia” được điểm mặt vì nó xảy ra không bao xa với các trụ sở trung ương, Quốc Hội, Phủ Chủ Tịch, bộ nọ bộ kia v.v… nhưng vẫn có kẻ dám “vuốt râu hùm.”

Việc cấp phép xây dựng và kiểm soát xây dựng, do vậy, phải chặt chẽ, không thể dung túng cho dù là “đại gia” có thể làm càn.

Bốn năm trước, một tòa nhà cao tầng của một công ty trực thuộc thành phố Hà Nội trên đường Lê Trực đã bị buộc “cắt ngọn” vì “các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, có sai phạm trong quá trình cấp phép dự án,” báo Tuổi Trẻ ngày 7 Tháng Mười Một, 2020, đưa tin. Tòa nhà 8B Lê Trực bị cắt ngọn chỉ cách tòa nhà đang bị điều tra tại phường Đội Cấn vài trăm mét.

Theo quy định về “quản lý trật tự xây dựng” tại thành phố Hà Nội, chính quyền quận, huyện phải “chịu trách nhiệm toàn diện.” Tờ Người Lao Động cho hay: “Nếu xảy ra vi phạm, trách nhiệm cao nhất về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương thuộc về chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp quận, huyện.” Do vậy, tòa nhà ở phố Đội Cấn, kiến trúc như một lâu đài, được xây cao hơn nhiều so với các nhà xung quanh như chọc vào mắt mọi người mà chủ đầu tư vẫn ngang nhiên vi phạm cho hiểu ông ta phải mua sự an toàn mới dám làm.

Chuyện ồn ào về vi phạm “trật tự xây dựng” gần cấm địa Ba Đình xảy ra hơn hai tháng sau khi một tòa nhà mini chung cư tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, cháy đêm 12 Tháng Chín khiến cho 56 người thiệt mạng. Giấy phép xây dựng sáu tầng nhưng chủ đầu tư đã xây thành chín tầng với 45 căn chung cư, khoảng 150 người dân sinh sống. Chỉ có một cầu thang nhỏ hẹp duy nhất và không có thang thoát hiểm bên ngoài khi có hỏa hoạn nên số người thiệt mạng mới nhiều như vậy.

Một trong những nạn nhân được đưa ra từ mini chung cư bị cháy tại phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đêm 12 Tháng Chín. (Hình: Tuổi Trẻ)

Sau vụ cháy, chính quyền thành phố Hà Nội mới ra lệnh “rà soát” thấy có hơn một ngàn tòa nhà mini chung cư vi phạm quy định xây dựng như mini chung cư cháy ở Khương Hạ.

Đồng thời, báo Tuổi Trẻ ngày 14 Tháng Mười Một dựa trên báo cáo của Sở Xây Dựng ở Sài Gòn nói rằng tại địa phương này có “58 công trình với 2,165 hộp ngủ.” Mỗi “hộp ngủ” 2m2 chồng lên nhau lên xuống bằng thang “hoàn toàn không bảo đảm an toàn cháy nổ và an toàn tính mạng cho người ở.”

Theo bản kiểm kê vừa kể, Sài Gòn có “60,470 nhà trọ, chứa tối đa hơn 1.4 triệu người.” Nếu hỏa hoạn xảy ra, những người thuê các “hộp ngủ” này khó chạy kịp để bảo toàn mạng sống. Công nhân nghèo từ các tỉnh đổ về kiếm sống, với tiền lương bèo bọt, họ đành phải chui rúc trong những cái ổ chuột bất đắc dĩ.

Ngày 27 Tháng Mười, 2007, ông Trần Văn Truyền, tổng Thanh Tra Chính Phủ, được tờ Tiền Phong dẫn lời “Thanh tra đụng đâu cũng thấy sai phạm” khi nói ở Quốc Hội về phòng chống tham nhũng. Nhưng chính cá nhân ông sau khi nghỉ hưu, người ta cũng thấy ông có một tòa lâu đài vĩ đại ở Bến Tre, trong khi đồng lương ít ỏi của ông không đủ để xây một góc. (TN) [qd]

Đọc ‘Kết Luận Điều Tra’ vụ Vạn Thịnh Phát: Chết và hóa giải trách nhiệm(Phần 1)

 Trân Văn-29/11/2023

Tuy nhiên sau đó chỉ hai ngày, một trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại tạm giam.

Tuy nhiên sau đó chỉ hai ngày, một trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại tạm giam.

Vấn đề đầu tiên là hàng loạt những trường hợp đột tử có liên quan đến việc khởi tố vụ án song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định gọn lỏn “đã chết”.

Phần 1

Nếu có và chịu khó dành thời gian đọc hết 300 trang “Kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động của ngân hàng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” mà ông Nguyễn Ngọc Lâm – Thiếu tướng Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) của Bộ Công an - ký ngày 12/11/2023, hẳn sẽ nhận ra nơi soạn và phát hành văn bản này chưa “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” như quy định tại Điều 15 của Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) (1).

***

Vấn đề đầu tiên là hàng loạt những trường hợp đột tử có liên quan đến việc khởi tố vụ án song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định gọn lỏn “đã chết”.

Theo trang 1 của KLĐT thì vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được khởi tố vào ngày 7/10/2022, năm người đầu tiên bị khởi tố là để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau đó chỉ hai ngày, một trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại tạm giam. Vào thời điểm thực hiện quyết định khởi tố và lệnh tạm giam, qua báo giới, công an xác định bà Hồng là “Trợ lý của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát” nhưng một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam, trong đó có VOA Việt ngữ tìm thấy những dữ liệu cho thấy thông tin về nghề nghiệp và nơi làm việc của bà Hồng không chính xác.

Chẳng hạn ngày 11/10/2023, Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam – tố cáo “SCB bất ngờ gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên Hội đồng quản trị” và theo Infonet thì bà Hồng “có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB như: Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB”.

Tố cáo vừa kể vô tình xác định công an cố tình vi phạm Khoản 2, Điều 179 của Bộ Luật TTHS (chủ động khiến công chúng nhận biết sai về nhân thân bị can) nên đó có thể là lý do khiến Infonet... tự ý đục bỏ tố giác của chính mình (2). Ở trang 15 của KLĐT mới công bố, công an chính thức xác định bà Nguyễn Phương Hồng là một trong những “lãnh đạo chủ chốt của SCB” và “chết vào ngày 9/10/2023, khi đã khởi tố bị can”. Điều tra các vi phạm pháp luật nhưng chủ động vi phạm pháp luật khiến công chúng hiểu sai về thực trạng SCB và thản nhiên bỏ qua vi phạm này của chính mình thì có đáng tin về mức độ “khách quan, vô tư” chăng?

Cần lưu ý, việc bịa đặt chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nhằm giữ cho SCB không sụp đổ. Sự gian trá của công an và các viên chức cao cấp của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra một vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác. Đây là tin báo chí Việt Nam từng loan và đó chính là bằng chứng: Cuối ngày 13/10/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ đường dây nóng của NHNN chi nhánh TPHCM đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng (3).

Nếu đặt những thông tin vừa đề cập bên cạnh nhận định của công an tại trang 5 KLĐT: Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỉ đồng - tự nhiên sẽ thấy việc ngụy tạo chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nghiêm trọng, tàn tệ đến mức nào. Chưa kể, nhà nước pháp quyền XHCN còn cho phép công an càn rỡ đến mức “khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” và từ tháng 10 đến tháng 12/2022 đã xử lý hàng chục người bình luận về SCB để răn đe dân chúng (4).

***

Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, con người chẳng là gì cả, bị can chết trong khi tạm giam được xem là chuyện bình thường, cũng vì vậy, không có bất kỳ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc bà Nguyễn Phương Hồng đột tử, cũng không có bất kỳ cá nhân hữu trách nào yêu cầu báo cáo – xác định để bà Hồng đột tử, những ai phải chịu trách nhiệm, dân chúng cũng không được phép biết vì sao lại thế và vu án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các đơn vị, tổ chức có liên quan không chỉ có một trường hợp bất đắc kỳ tử. Nếu chịu khó nhìn lại những trường hợp đột tử có thể tự nhận định KLĐT chỉ nhằm kết thúc một vụ án hay nhằm xác định sự thật của vụ án...

(còn tiếp)

Chú thích

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Van-ban-hop-nhat-05-VBHN-VPQH-2021-Bo-luat-To-tung-hinh-su-525657.aspx

(2) https://infonet.vietnamnet.vn/scb-bat-ngo-go-toan-bo-thong-tin-gioi-thieu-cac-thanh-vien-hdqt-5002918.html

(3) https://thanhnien.vn/nguoi-dan-gui-them-12000-ti-dong-vao-scb-nhnn-cung-cap-duong-day-nong-1851510160.htm

(4) https://dangcongsan.vn/canh-bao-thong-tin-gia/xu-ly-doi-tuong-dang-tin-that-thiet-khien-nguoi-dan-o-at-rut-tien-621582.html

Từ buôn ma túy đến buôn người ở Việt Nam

 Phạm Trần

buonnguoi01

Các thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc được giải cứu về Việt Nam. 

Tội ác đủ loại

Qua lời đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa), công luận được biết : "Các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản : cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn" (Đài Tiếng nói Việt Nam (VoV, Voice of Vietnam), ngày 1/11/2013).

VoV loan tiếp : "Bên cạnh đó, sự xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá, điện tử, đồ uống thực phẩm gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên và đe dọa đến an ninh trường học, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi". 

Theo một báo cáo của Chính phủ hồi tháng 09/2023 thì : "Trong các loại tội phạm, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42% : số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy".

Báo cáo viết tiếp : "Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương : xuất hiện một số loại ma túy được "núp bóng" thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên".

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến nói với Quốc hội : "Số vụ và số ma túy thu giữ tăng, trong đó nhiều vụ là vận chuyển, trung chuyển qua địa bàn Việt Nam, không chỉ thuần túy qua đường bộ mà còn qua đường biển, đường hàng không. Các đường dây ma túy không chỉ từ khu vực "Tam giác vàng", mà còn cả từ Châu Phi trung chuyển qua Việt Nam sang nước thứ ba. Theo thống kê thì hơn 37,8% các vụ ma túy là trung chuyển qua địa bàn Việt Nam".



Tam giác Vàng (Golden Triangle) là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước LàoThái LanMyanmar, nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới trước đây.

Buôn người lan rộng

Bước sang lĩnh vực buôn người, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết : "Tội phạm mua bán người lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài, cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp. Tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng tăng. Vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật".

buonnguoi2

Nhiều người Việt Nam vượt biên bị ép đi trồng cần sa không dám tố giác vì sợ bị trục xuất về nước và bị trả thù - Ảnh : Cảnh sát Anh

Theo lời trình bầy của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thì có nhiều yếu tố chung quanh, ông thắc mắc : "Vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng ?".

Ông Trí bức xúc : "Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời có lẽ một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc".

Vì, theo ông Trí, "Công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải cùng tham gia thì công tác đấu tranh mới hiệu quả".

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không đưa ra đề nghị cụ thể nào.

Bối rối trước đủ loại tội phạm

Cùng trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết chi tiết hơn những nguyên nhân của tội ác. Ông liệt kê :

"Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật : các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm : về phối hợp giữa các cơ quan chức năng : về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nhưng tại sao lại "chủ quan", có nghĩa tự cho mình có khả năng chống tội phạm hay thờ ơ nên không đối phó kịp ?

Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách.

Ba là, "những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật".

Ông Tô Lâm nói với Quốc hội : "Những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian". 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của ông Lâm thì : "Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp".

Ông Tô Lâm kể : "Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp : số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69% : số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm còn xảy ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực, địa bàn : số vụ được phát hiện nhiều hơn 18,87%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại".

Ngoài ra, ông Tô Lâm cho biết thêm, "Tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp : số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68% : trong đó có một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương...".

Về nạn buôn người, Bộ Ngoại giao Mỹ thắc mắc : Tại sao vẫn chưa làm tốt ?

Về tình trạng buôn người, một loại tội tác tồn tại lâu năm ở các tỉnh biên giới và vùng quê Việt Nam đã được báo cáo với Quốc hội nhưng không có chi tiết và giải pháp.

Những nhận xét của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người ở Việt Nam được công bố trong "Báo cáo Buôn người 2023" (2023 Trafficking in Persons Report), ngày 15/6/2023.

Theo đó, trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6/2023, những thiếu sót của Chính phủ Việt Nam đã được nêu ra như : "Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn mua bán người nhưng hiện đang thực hiện những nỗ lực đáng kể để thực hiện mục tiêu này…".

Theo bảng xếp hạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì Việt Nam đã có những cố gắng nên được "nâng hạng lên Nhóm 2 trong Danh sách theo dõi", đứng trên Trung Quốc, Campuchia, Miến Điện và Bắc Hàn. Tuy nhiên Việt Nam lại đứng sau Đài Loan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Nam Dương, Nhật và Lào.

Lý do Việt Nam được rút ra khỏi Danh sách hạng 3 "tồi tệ" là nhờ đã : "Tiến hành điều tra, truy tố và kết án nhiều đối tượng mua bán người hơn, tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế và khởi tố vụ án hình sự đối với các quan chức bị cáo buộc tiếp tay cho tội phạm mua bán người. Chính phủ cũng xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn và thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài".

Tuy vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nói thẳng với Việt Nam rằng : "Chính phủ vẫn chưa chủ động nhận diện các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong các đường dây lừa đảo trên mạng là nạn nhân bị mua bán để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho họ, trong đó có cả các nạn nhân là người nước ngoài được xác định tại Việt Nam. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra hàng ngàn cơ sở có nguy cơ cao xảy ra tội phạm mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục nhưng chỉ xác định được hai nạn nhân, mặc dù trên thực tế các cơ sở như vậy rất phổ biến".

Nhìn chung, lực lượng Công an đồ sộ của Việt Nam đã thiếu kê hoạch chống nạn buôn người từ gốc, trong khi các "tai mắt quốc tế", trong đó có Mỹ, đã nhìn thấy rất rõ các tổ chức và mánh lới của bọn buôn người ở Việt Nam khiến dự luận nghi ngờ có tình trạng "tiếp tay" hay "cố tình làm ngơ để tham nhũng" của các viên chức chính quyền.

Phạm Trần

(28/11/2023)