Monday, August 10, 2020

Những bài học từ Cô Vy

COVID-19: FAQ about Pregnancy & Breastfeeding | Medela 

08/09/2020 - 18:23 — songchi

Song Chi.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 19, 894, 063 người bị nhiễm, 731, 099 người tử vong (tính đến ngày 9.8.2020). Và những con số này vẫn chưa dừng lại.

Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12.2019 (có nhiều chuyên gia cho rằng có thể thực ra dịch đã xuất hiện từ trước đó, tại Trung Quốc), tới giờ đã hơn 7 tháng trôi qua, nhiều quốc gia đã trải qua cao điểm dịch lần thứ hai, thứ ba…nhưng cũng không ai biết bao giờ thì dịch chấm dứt, bao giờ thì sáng chế được vaccine, và liệu vaccine đó có khống chế được con coronavirus này không.

Một số khoa học gia cho rằng chính vì sự chủ quan, ngạo mạn, coi thường thiên nhiên, thói quen ăn uống động vật hoang dã của một số dân tộc-tức cũng là một kiểu coi thường sự tồn tại, cộng sinh của các động vật khác trên trái đất, nên cứ lâu lâu thiên nhiên lại giận dữ giáng một trận dịch, để dạy cho con người một số bài học.

Vậy thì đại dịch COVID-19 lần này đã dạy cho con người những bài học gì?

Quốc gia cho tới cá nhân nào chủ quan, coi thường nó là “toang”.

Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới là một ví dụ cho sự chủ quan, coi thường này. Cho đến hôm nay- 9.8.2020, ở Mỹ đã có 5,160,141 người bị nhiễm, 165,199 người chết.

10 quốc gia có số lượng người bị nhiễm cao nhất thế giới theo thứ tự là Mỹ, Braxil, Ấn độ, Nga, Nam Phi, Mexico, Peru, Colombia, Chile, Tây Ban Nha.

10 quốc gia có số lượng người chết cao nhất thế giới theo thứ tự là Mỹ, Brazil, Mexico, UK, Ấn độ, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Peru.

Vương quốc Anh, nơi tôi đang sinh sống, có số người bị nhiễm là 310,825 người, đứng hàng thứ 12 trên thế giới, và số người chết là 46,574, đứng hàng thứ tư trên thế giới, một phần cũng vì sự chủ quan, đối phó hơi chậm giai đoạn đầu.

Trong tháng Hai và Ba, khi nhiều nước ở Châu Âu đã phong tỏa và đóng cửa hết mọi thứ, thì ở Anh vẫn tranh luận về việc có nên đóng cửa hay chọn giải pháp miễn dịch cộng đồng (herd immunity)

Ngày 23.3, Thủ Tướng Boris Johnson mới đọc diễn văn cho toàn quốc gia, tuyên bố phong tỏa cả nước.

Một số dân biểu Anh cũng chỉ trích chính sách nhập cảnh của Anh trong giai đoạn đầu. Họ cho rằng “Tốc độ virus corona lan mạnh tại Anh Quốc lẽ ra đã có thể được làm chậm lại nếu các biện pháp kiểm dịch được áp dụng với người nhập cảnh sớm hơn,” “các dân biểu nói rằng nhiều khả năng hàng ngàn người nhiễm virus đã vào Anh trước khi lệnh phong tỏa hoàn toàn được áp dụng, ngày 23/3/2020…(“Covid-19: Anh 'sai nghiêm trọng' về chính sách nhập cảnh?”, BBC).

Trong khi đó một số quốc gia được đánh giá cao vì người đứng đầu và chính phủ đã không tỏ ra coi thường dịch bệnh ngay từ đầu như Đài Loan, Singapore, New Zealand, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Đức…

Không chỉ ở tầm mức quốc gia mà ở mức độ cá nhân cũng vậy, nếu chủ quan, coi thường là bị Cô Vy quật ngay. Chúng ta đã từng đọc thấy những câu chuyện từ một số chính khách cho tới dân thường ở Mỹ và các nước, vì chủ quan không mang khẩu trang hoặc thậm chí không tin là coronavirus này có thật nên đã bị nhiễm và tử vong.

VN giai đoạn đầu cũng là một trong những quốc gia được đánh giá là chống dịch tốt. Có lẽ một phần do các nước láng giềng của Trung Quốc trong đó có VN, đã từng trải qua những kinh nghiệm về các đại dịch trước đó, mà hầu hết xuất phát từ Trung Quốc và Hong Kong, cộng với sự thiếu lòng tin vào những tuyên bố chính thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh nên khi nghe thấy có dịch ở Trung Quốc là phải lo đối phó ngay, đây cũng là tâm lý của chính phủ Đài Loan.

Một số đại dịch do virus, cúm hay virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc:

Bệnh cúm châu Á, năm 1957, xuất phát từ tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lan sang Úc và nhanh chóng phủ khắp Bắc Bán Cầu.

1968, một trận dịch cúm gia cầm lại xuất hiện từ Hồng Kông tàn phá thế giới, cướp đi hơn một triệu sinh mạng.

Năm 1997, dịch cúm A với virus H5N1 lại xuất phát từ Hồng Kông. Một biến thể của H5N1 đã gây ra trận đại dịch SARS 2003-2006. (Dịch viêm phổi cấp SARS, thực tế đã xuất hiện từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ 11.2002)

Và bây giờ là COVID-19 lại xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Chống dịch cần sự nhất quán, đoàn kết, phối hợp từ trên xuống dưới.

Quốc gia nào có sự thống nhất, phối hợp ăn ý giữa các cơ quan của chính phủ, đội ngũ chuyên gia y tế, các nhà khoa học...cho tới các địa phương, các ngành nghề cộng với việc người dân đặt lòng tin vào chính phủ, tuân thủ mọi hướng dẫn của nhà nước và các nhà khoa học thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh, không đến nỗi “vỡ trận”.

Lại phải lấy thí dụ từ Mỹ, vì thiếu sự nhất quán, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa người đứng đầu Nhà Trắng và chính phủ của Tổng thống Donald Trump với các chuyên gia, cố vấn, giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang, giữa người dân với nhau cũng mỗi người quan niệm khác nhau về dịch bệnh, việc mang khẩu trang, đóng cửa, mở cửa xã hội v.v…nên dịch cứ thế lây lan.

Thêm một lý do khiến đại dịch lần này trở nên tồi tệ ở Mỹ là do từ chính phủ cho tới người dân đã chống dịch theo quan điểm chính trị chứ không phải theo quan điểm khoa học.

Trở lại vương quốc Anh tuy giai đoạn đầu có chậm trễ nhưng các biện pháp phòng chống dịch, đóng cửa cho tới mở cửa, phục hồi kinh tế…đều có kế hoạch từng bước, có hướng dẫn cụ thể, người dân cứ thế mà thi hành, nên mặc dù số lượng người bị nhiễm, số lượng người chết cao nhưng ngành dịch vụ y tế quốc gia (National Health Service/NHS) không đến nỗi bị quá tải, không có ai phải để cho chết vì không đủ máy thở hay thiếu giường v.v…

Anh là một quốc gia luôn đặt nặng vấn đề sức khỏe và an toàn (health and safety) trong lao động lên hàng đầu. Mọi cửa hàng, quán xá, nhà hàng, dịch vụ, ngành nghề đều tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về sức khỏe và an toàn cho nhân viên, cho môi trường làm việc và cho khách hàng, nếu không sẽ bị phạt nặng, nên bây giờ khi có dịch đến thì chỉ việc áp dụng thêm những quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng có chất sát khuẩn thường xuyên, lập màng kính ngăn giữa nhân viên với khách hàng v.v…

Trong khi đó, VN tuy tinh thần chống dịch của người dân khá tốt thể hiện qua thói quen mang khẩu trang, nhưng sự nghiêm ngặt tạo thành nếp, thành luật về sức khỏe và an toàn trong mọi môi trường lao động thì lại chưa có, hoặc chỗ này ngành này làm, chỗ khác ngành khác không, thành ra cũng khó kìm hãm được mức độ lây lan.

Lối sống, cách sống của các dân tộc, các cộng đồng khác nhau cũng có ảnh hưởng đến tỷ lệ bị nhiễm coronavirus.

Chẳng hạn, ở Anh này, cộng đồng BAME-viết tắt của 'Black, Asian and minority ethnic” (Da đen, Châu Á và dân tộc thiểu số) bị nhiễm coronavirus cao hơn và khi bị nhiễm, dễ bị nặng hơn người da trắng.

Nói thêm, khái niệm người châu Á ở Anh, khác với ở Mỹ, là nhằm nói đến các dân tộc ở khu vực Nam Á như Ấn độ, Pakistan, Bangladesh…Còn người Hoa, người Việt, Nhật, Hàn, Thái, Phi…thì được gọi là các dân tộc ở khu vực Viễn Đông (Far East).

Nói như thế không có nghĩa là Cô Vy có ý kỳ thị/phân biệt chủng tộc gì, nhưng vì điều kiện sống, công việc-các cộng đồng BAME thường làm việc trong những công việc dễ bị lây nhiễm như công nhân trong nhà máy, siêu thị, tài xế xe bus, y tá (tỷ lệ BAME làm việc trong NHS ở UK rất cao), trong gia đình lại thường có cảnh 2, 3 thế hệ sống trong cùng một ngôi nhà nên khó có thể giãn cách xã hội v.v…Tỷ lệ người da đen và người Nam Á bị các loại bệnh như tiểu đường, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia), bệnh cao huyết áp…cũng khá cao nên khi bị nhiễm COVID-19 thì dễ bị nặng.

Ở Mỹ tình trạng này cũng tương tự.

Còn tại sao đại dịch COVID-19 và nhiều đại dịch cúm trước đó thường phát xuất từ Trung Quốc, Hong Kong là do thói quen ăn uống, chế biến các loại động vật hoang dã.

Thật đáng tiếc là VN đã kiểm soát dịch khá tốt giai đoạn đầu nhưng do chủ quan, cũng lại là chủ quan, nên đã bị bùng phát dịch trở lại từ tuần lễ thứ tư trong tháng 7 và lần này dịch tiến triển nhanh hơn nhiều. Tổng số ca nhiễm cho đến hôm nay đã tăng lên 841, từ không có người nào bị tử vong trong đợt 1, đến ngày 9.8 đã có 11 người chết, và nhiều khả năng con số tử vong sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Có lẽ do VN đã mở cửa hoàn toàn mà không áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa cẩn thận tại mọi cửa hàng, cơ quan, quán xá, dịch vụ, cộng thêm việc du khách từ nước ngoài vào, hàng trăm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào VN cũng như số người Việt từ các vùng dịch trở về, trong đó có những người đã bị nhiễm bệnh.

Bài toán vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Làm thế nào để vừa kiểm soát được dịch, hạn chế tối đa số người bị nhiễm, số người chết mà vẫn không để cho kinh tế bị trì trệ, kiệt quệ, ảnh hưởng tới đời sống của bao nhiêu con người, là bài toán chung cho mọi quốc gia. Nhưng tất nhiên những quốc gia giàu hơn, có nền kinh tế phát triển, có nguồn ngoại tệ dự trữ dồi dào thì dù dịch có nặng cũng sẽ dễ hồi phục hơn là những quốc gia nghèo, đang phát triển.

VN là một nước đang phát triển, kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu, nên đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng và thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Chính vào những giai đoạn khó khăn như thế này thì nhà nước VN cần phải có kế hoạch rất kỹ, vừa truy đuổi dấu vết, khoanh vùng dập dịch chứ không thể đóng cửa toàn bộ như lần trước, vừa có những biện pháp hỗ trợ người dân, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế, kích cầu kinh tế …

Đại dịch sẽ làm thay đổi thể giới. Thay đổi lối sống của con người.

Khi đại dịch mới xảy ra, và biện pháp đóng cửa, cách ly xã hội được thực hiện ở hầu khắp mọi quốc gia, con người cảm thấy khó khăn để thích nghi với việc phải làm việc, học hành, khám bệnh…qua internet, bị cách ly với xã hội với thế giới bên ngoài, thiếu sự giao tiếp trực tiếp…Nhiều nhà xã hội học, tâm lý học đã lo ngại đến việc bạo hành trong gia đình sẽ gia tăng do việc bức bối, mất việc, phải ngồi ở nhà, hoặc một số người sẽ bị trầm cảm, nhất là người già, những người sống một mình (cả hai điều này đều đã xảy ra nơi này nơi khác). Nhưng nhìn chung con người cũng quen dần, sống chậm hơn, đơn giản hơn, quay về với gia đình, người thân và với chính mình, điều mà nhiều khi đời sống quá bận rộn trước kia chúng ta khó làm được.

Có một điều chắc chắn rằng đại dịch rồi sẽ qua đi nhưng thế giới sẽ thay đổi, cuộc sống của con người sẽ có những thay đổi. Chẳng hạn, một số công việc lâu dài có thể sẽ chuyển sang làm việc từ xa qua internet, một phần hoặc toàn bộ, việc học hành, đào tạo…cũng thế. Con người sẽ phải tính đến chuyện chuyển đổi cách thức làm việc. Nhưng quan trọng hơn, bài học từ đại dịch, từ rất nhiều thảm họa do con người đã gây ra, đó là phải tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên và những sinh vật, động vật khác, không tham lam sân si, tàn sát mọi thứ nếu không muốn lại phải đón nhận những thảm họa khác.

Đơn thuốc cho đảng

 Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) nhận quyết định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh hôm 22.7. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) nhận quyết định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh hôm 22.7. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh.

08/08/2020 - 14:28 — nguyenanhtuan

Vậy là chỉ sau 15 ngày, Nguyễn Nhân Chinh đã phải rời khỏi chiếc ghế Bí thư thành ủy Bắc Ninh do chính bố mình - Bí thử tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến - sắp xếp.

Mặc dù quyết định này đến sau khi có ý kiến của Trung ương nhưng có phải do ái ngại đảng cương (kỷ luật đảng) mà những kẻ quan quyền này chấp nhận rút lui không? Có vẻ là không, vì nếu e ngại thì họ đã không dám trắng trợn xếp ghế cho con cháu như vậy ngay từ đầu.

Họ rút lui vì nỗi sợ quốc sỉ - trở thành đối tượng cho toàn dân xỉ vả. Trước là trên mạng xã hội, sau là trên báo chí. 

Tuy nhiên dù Chinh có tại vị như kế hoạch ban đầu hay phải ra đi như những gì đang xảy ra thì nỗi thất vọng của công chúng đối với công cuộc chống tham nhũng 4 năm qua vẫn y nguyên. 

Sát vách thủ đô, khi ‘người đốt lò vĩ đại’ còn ngồi đó, mà quan tỉnh vẫn điềm nhiên sắp ghế cho con, thì thử hỏi mai kia nếu chủ lò về hưu, mọi chuyện sẽ thế nào?

Không khó để có câu trả lời.

Bốn năm qua kể từ Đại hội XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xướng một chương trình chỉnh đảng gồm ba thành tố: nêu gương, xử lý kỷ luật đảng, tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ. 

Ít người, nhất là trong nội bộ đảng, phủ nhận tấm gương trong sạch của ông Trọng, song thử hỏi mấy ai làm theo? Ông Trọng hẳn cũng không ngây thơ đến mức nghĩ rằng nhiều cán bộ tham lam vô độ trước đó sau khi thấy hình ảnh giản dị của ông cũng sẽ học theo để trở nên giản dị. 

Xử lý kỷ luật đảng có lẽ là phần sáng nhất trong đơn thuốc mà ông Trọng kê ra bởi lẽ chưa có giai đoạn nào mà nhiều cán bộ cấp cao bị trừng phạt như vậy. Nhưng xử nặng cán bộ này có khiến cán bộ kia e sợ không? Hay hành vi tham nhũng của số cán bộ còn lại sẽ trở nên tinh vi hơn? Ngay trong mùa dịch nước sôi lửa bỏng mà ở nhiều địa phương, cán bộ có trách nhiệm vẫn tìm cách nâng khống giá thiết bị thì thử hỏi cán bộ có thực sự sợ kỷ luật đảng? 

Phần cuối cùng trong đơn thuốc là tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ. Vô số các tiêu chí và quy trình được đặt ra, song ai cũng biết là tiêu chí và quy trình do cán bộ đặt ra thì cán bộ cũng có thể lách được. Bằng chứng là chuyện bí thư bố bổ nhiệm bí thư con ở trên, ngay cả khi vỡ lở ra thì cán bộ có trách nhiệm ở Bắc Ninh vẫn bao biện bằng cách quen thuộc: đủ tiêu chuẩn, đúng quy trình. 

Tóm lại, không phải khi nào bắt được bệnh cũng kê được đúng thuốc. Đảng cần cán bộ tài đức để chỉnh đốn những hư hỏng nhưng nêu gương, xử lý kỷ luật và tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ không đem đến cho đảng cán bộ tài đức. 

Không một tiêu chuẩn hay quy trình nào có thể làm được điều này. 

Chỉ khi được thử thách trong những cuộc bầu cử tự do công bằng, trui rèn trong cạnh tranh với ứng viên khác để giành lấy sự tín nhiệm của nhân dân, cán bộ tài đức của một đảng mới xuất hiện.

Bởi vậy đơn thuốc đúng ở đây là cải cách chính trị để giao lại quyền lựa chọn cho người dân thông qua một cuộc bầu cử tự do công bằng. Chính người dân sẽ cho đảng biết ai là cán bộ tài đức bằng lá phiếu của họ. 

 

Bọn chúng mang khuôn mặt chính quyền

 

08/05/2020 - 19:10 — canhco

“Cái địt cụ nhà mày, nó có chiếm  thì nó chiếm 2 cái đảo đéo có người. Chứ nó có chiếm nước này để nó phải nuôi 90 triệu dân của mày hả? Tao hỏi mày ví dụ …Campuchia nó xin sát nhập vào vn, vn có dám cho Campuchia sát nhập không hả? Bố lại khóa con mẹ mày mõm bây giờ địt bố cái thằng khố rách áo ôm kia một tháng đi làm đã chắc kiếm đươc 1 trăm củ chưa mà đòi bàn chuyện chính trị hả?”

Trên đây là nguyên văn một status của nhạc sĩ Duy Mạnh, người sở hữu trang Facebook có hàng chục ngàn người follow. Với những lời lẽ cực kỳ dơ bẩn và phản quốc như vậy trách sao mấy ngày vừa qua Facebook Việt Nam lem luốc tới mức người ta không dám xem những phản hồi của người khác về tay ca sĩ này.

Tự điển Việt Nam có từ nào miệt thị nhất đều được dùng để tỏ sự căm ghét của người dùng Facebook đối với Duy Mạnh về cái mà họ gọi là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng Facebook đó. Ông Simon Harari - Giám đốc phụ trách chính sách nội dung Facebook châu Á - Thái Bình Dương, đã công bố bộ tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook và khẳng định các bài viết vi phạm sẽ bị gỡ bỏ.

Theo ông Simon Harari thì hiện nay tổng cộng có 9 chính sách trong Tiêu chuẩn cộng đồng, đó là: ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục, bắt nạt và quấy rối, ảnh khỏa thân trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em, tài khoản giả, ngôn từ gây thù ghét, hàng hóa bị kiểm soát, spam, hoạt động tuyên truyền khủng bố toàn cầu, nội dung bạo lực và phản cảm. Tất cả các bài viết có liên quan đến các chủ đề này, sẽ bị gỡ bỏ khỏi nền tảng Facebook.

Rõ ràng ngôn từ của Duy Mạnh sử dụng trong status của anh ta là “gây thù ghét và phản cảm” thế nhưng đã gần một tuần lễ trôi qua những dòng chữ này vẫn ngang nhiên tồn tại như một thách thức của Facebook đối với cộng đồng người dùng nó.

Tại Việt Nam không ít trường hợp chỉ một phát biểu ngắn tuy vô hại và không dính tới Tiêu chuẩn cộng đồng mà Facebook đưa ra nhưng không có lợi cho chính quyền đều bị Facebook cấm cửa.

Về phần chính quyền đã tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc kiểm soát trên Facebook. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động cho quỹ 50 ngàn giúp tù nhân lương tâm cho BBC biết đã ít nhất sáu lần bị "mời lên phường", trong đó bốn lần do nội dung bà viết trên Facebook. Facebooker Võ Phương Thuận bị mời lên Trụ sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An làm việc do "đăng bài viết trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật". Nguyễn Hữu Quốc Duy, bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì lý do mà gia đình được nói là 'tuyên truyền chống phá Nhà nước' trên mạng xã hội.

Ông Phạm Văn Điệp, cư ngụ ở Thanh Hoá bị Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam 4 tháng vì bị cáo buộc “dùng Facebook chống phá đảng, nhà nước.” Facebook Chương May Mắn ở Cần Thơ cũng bị cơ quan công an tạm giữ hình sự vì đăng tải thông tin xuyên tạc vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, Hà Nội.

Người ta kỳ vọng vào phàn ứng mạnh mẽ của chính quyền khi Duy Mạnh công khai nguyền rủa và miệt thị những ai lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, tuy nhiên ít người chú ý đến một sự thật là từ năm 2015 đến nay vấn đề bênh vực Trung Quốc không còn là cấm kỵ nữa, nó được rỉ tai, tảng lờ và thậm chí khuyến khích âm thầm trong bộ máy cầm quyền.

Năm 2015 Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc.”

Đại tá-PGS-TS-NGND Trần Đăng Thanh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng giảng về Biển Đông cho các lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học-Cao đẳng Hà Nội. cho biết “Đối với Trung Quốc hai điều không được quên: họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa.

Phó chủ nhiệm ủy ban biên giới Nguyễn Duy Chiến còn đi xa hơn: "Việc nước bạn Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ta, rồi đâm tàu, cắt cáp…Thực chất vấn đề là cách hành xử Bố mẹ dạy con mình. Yêu cho roi, cho vọt. Vậy sao lại bất bình?"

Một sư thầy quốc doanh là ông Thích Chân Quang sau khi tuyên bố “Lý Thường Kiệt hỗn khi đánh Trung Quốc” hiện nay vẫn nhơn nhơn giảng những bài thuyết pháp cho người dân với tôn chỉ thờ phượng Trung Quốc trước khi thờ phượng Đức Phật.

So với các “diễn giả” này thì Duy Mạnh cũng chỉ là con tép tuy ngôn ngữ có chợ búa, mất dạy hơn nhưng nội dung bênh vực Trung Quốc chỉ là “muỗi” so với những cán bộ đảng viên khác từ Phúng Quang Thanh trở xuống.

Cùng lắm Duy Mạnh cũng chỉ là một trong hơn 80 ngàn dư luận viên trên toàn quốc chứ chưa xứng đáng là một thành viên trong lực lượng 47 vốn được Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội CSVN, khoe quân đội CSVN gần đây vừa thành lập để chống phá bọn phản động, trong đó có cả bọn chống Trung Quốc. Với hơn 10,000 người được gọi là “Lực Lượng 47,” tức theo “Chỉ Thị 47” làm “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ”.

Theo bạn, Duy Mạnh thuộc diện nào? Có phải anh ta là khuôn mặt của chính quyền hiện nay hay không?

Hai bức ảnh, một đời dân

Hai bức ảnh, một đời dân | Chân Trời Mới Media

 08/07/2020 - 17:47 — canhco

Khi dịch Covid-19 bùng phát đợt hai tại Đà Nẵng cả nước chừng như đồng loạt lo sợ dịch cúm lần này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nước vì sự lây lan nhanh và rộng khắp. Các bệnh viện gấp rút chuẩn bị nhân lực cũng như biện pháp khi dịch bệnh tấn công vào lúc cao trào.

Người dân chấp nhận mọi biện pháp nhà nước đưa ra một cách tự nguyện như mang khẩu trang, không tụ tập đông người, chấp nhận cách ly khi có dấu hiệu nhiễm bệnh…mọi nỗ lực ấy giúp cho nhà nước yên tâm chống dịch mặc dù đời sống của người dân rất bấp bênh và khó khăn từ sinh hoạt thường nhật tới kinh tế gia đình, tất cả đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thật sự sắp xảy ra nếu tình hình dịch bệnh không khả quan hơn trong thời gian tới.

Vài ngày sau khi Đà Nẵng tuyên bố cách ly một bức ảnh gây xúc động cả mạng xã hội ghi lại hình ảnh của một nhóm bác sĩ lặng lẽ ra tuyến đầu chống dịch. Tấm ảnh được chụp từ sau lưng các bác sĩ mặc quần áo cách ly y tế, lầm lũi ra đi không có bất cứ một lời lẽ hoa mỹ nào chào đón hay tiễn đưa họ ngay cả những tấm biểu ngữ, cờ hay hoa đều vắng bóng. Một chút gì đó ngậm ngùi cho những con người này. Đây có lẽ là bức ảnh báo chí đẹp và ý nghĩa nhất trong mùa dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Vài ngày sau một tấm ảnh khác cũng xuất hiện trên báo chí. Lần này tấm ảnh chụp trực diện nhân vật và hoàn cảnh của nó trong lúc dịch bệnh tràn lan: Ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hãnh diện dẫm lên tấm thảm đỏ hai bên là dàn chào ông với những nụ cười cầu tài. Điều đáng chú ý không ai trong bức ảnh mang khẩu trang kể cả ông Vương Đình Huệ.

Hai bức ảnh cho người ta thấy những vấn đề đã và đang diễn ra liên lỉ chưa bao giờ thay đổi tại Việt Nam nơi có những câu tuyên truyền có cánh về liên hệ hỗ tương giữa chính phủ và người dân.

Bức ảnh thứ nhất miêu tả sự chịu đựng vô giới hạn của y giới, nhất là những y bác sĩ có liên quan trực tiếp tới dịch bệnh. Bác sĩ tuy được xem là tinh hoa của xã hội nhưng tại Việt Nam nếu bác sĩ ấy không phải là đảng viên thì mọi chỉ đạo của nhà nước họ buộc phải thi hành bất kể có công bằng hay không. Tuy nhiên không hiếm các bác sĩ vẫn còn tôn trọng lời thề Hippocrates khi mang tấm áo màu trắng để phục vụ xã hội, lúc ấy bất kể bị lợi dụng hay không họ sẽ mang tính mạng mình ra để cứu giúp người khác.

Bức ảnh thứ hai phản ánh lại tư duy vua chúa của lãnh đạo, không loại trừ cấp lãnh đạo nào từ cấp nhỏ nhất. Họ cho phép mình được ngoại lệ và tận hưởng cung cách của một ông vua theo vị trí của họ nắm giữ. Trong bức ảnh Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ có nét mặt không kìm được sự phấn khích khi bước đi trên tấm thảm đỏ rực và không thể nén nụ cười thỏa mãn, nụ cười của kẻ chiến thắng. Nhưng trong bức ảnh này sự phản cảm nhất chưa phải là tấm thảm đỏ mà là việc không mang khẩu trang như chính thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. Thói kiêu ngạo cộng sản làm cho ông Huệ bất cần tuân giữ kỷ luật vì ông biết không ai có thể phạt hay kiểm điểm ông ngay cả dịch khi bệnh có lan rộng vì một trong các đồng chí chung quanh ông nhiễm bệnh vì không mang khẩu trang.

Phía sau bức ảnh thứ nhất là sự chịu đựng của dân chúng thông qua hình ảnh của các bác sĩ. Sự chịu đựng quen thuộc đến nỗi không ai nghĩ các bác sĩ ấy là bản sao của chính mình và người ta xúc động vì hình ảnh này mà không cảm thấy đấy chính là sự xúc động tiềm thức nảy sinh khi một hình ảnh nào đó giống mình xảy ra trong đời thật.

Phía sau bức ảnh thứ hai là sự vô trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Vô trách nhiệm trong tất cả mọi mặt từ kinh tế tới giáo dục, từ xã hội tới văn hóa và nhất là luật pháp. Hành động của Vương Đình Huệ là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm trước dịch bệnh, mà dịch bệnh là sinh mạng người dân. Ông Huệ ý thức được rằng không mang khẩu trang là đi ngược lại với chủ trương chính sách của nhà nước nhưng chiếc thảm đỏ dưới chân khiến ông mất trí. Không những mất trí ông ta còn mất luôn sự tôn trọng vào đảng của ông ta đang phục vụ.

Cả hai bức ảnh cùng nói lên hiện trạng của đất nước hôm nay, nó phô bày sự bất bình đẳng giữa dân chúng và nhà cầm quyền. Nó cho thấy sự khinh thường dân chúng của lãnh đạo và sự cam chịu của nhân dân.

Bức ảnh thứ nhất phô bày những tấm lưng của các bác sĩ ra tuyến đầu chống dịch. Bức ảnh thứ hai phô bày nụ cười rạng rỡ của ông Huệ và các đồng chí của ông trong tuyến đầu lan truyền dịch bệnh.

Những tấm lưng chịu đựng ấy không ai biết nhưng nụ cười của ông Bí thư thành ủy Hà Nội thì người dân sẽ biết và tuy ngấm ngầm nhưng chúng có khả năng làm tiêu mòn sự sợ hãi trong lòng họ. Khi sợ hãi không còn thì những nụ cười trơ trẽn như của ông Huệ mặc nhiên sẽ biến mất.

Và khi lãnh đạo cộng sản không thể cười được nữa chính là lúc người dân không còn xoay lưng trước những tấm ảnh của chính họ.

Đại sứ quán Trung Quốc nhắc lại ’16 chữ vàng’ khi Lê Khả Phiêu qua đời

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Tám, mạng xã hội dấy lên tranh cãi xoay quanh một post viết bằng tiếng Việt trên fanpage của Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội: “… Đồng chí Lê Khả Phiêu là đồng chí tốt và bạn bè tốt của đảng và nhân dân Trung Quốc, trên cương vị tổng bí thư đã cùng với lãnh đạo cao nhất đảng và nhà nước Trung Quốc lúc đó xác định phương châm 16 chữ định hướng cho quan hệ Trung-Việt (‘Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’), đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quan hệ Trung-Việt…”

Bài đăng nêu trên nhắc lại tuyên bố chung cấp cao hồi năm 1999, khi cựu Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã khái quát phương châm “16 chữ vàng” và “bốn tốt” với người đồng cấp thời điểm đó là ông Phiêu, để làm định hướng cho quan hệ song phương.

Đáng lưu ý, bên dưới post của Sứ Quán Trung Quốc với nội dung chia buồn về việc ông Phiêu qua đời, hàng chục Facebook nhấn icon “haha” và để lại một số bình luận: “Nhờ ông [Lê Khả Phiêu] mà Trung Quốc rộng thêm mấy chục ngàn km vuông bảo sao không tốt,” “Cảm ơn nhưng ‘16 chữ vàng’ xin trả lại Trung Quốc, là một người Việt Nam, tôi không nhận”…

Đây được cho là lần thứ hai trong vòng một tháng, Sứ Quán Trung Quốc gây tranh cãi và nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng Việt Nam.

Lần trước, hôm 13 Tháng Bảy, cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam nhận nhiều chỉ trích gay gắt vì post Facebook “Nói Vài Lời Thật Lòng Với Người Việt Nam.” Trong bài đăng, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu, bình luận rằng việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích “ly gián quan hệ Trung-Việt,” cũng như nhằm biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung Quốc.”

Post trên fanpage của đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. (Hình chụp qua màn hình)

Ông Hồ viết thêm: “Việc Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ là quyền lợi của người Việt Nam và người Trung Quốc sẽ không phản đối. Tuy vậy, chúng tôi [người Trung Quốc] sẽ phản đối quan hệ Việt-Mỹ bị lợi dụng để ủng hộ Mỹ kiềm chế Trung Quốc bằng bất cứ hình thức nào.”

Post Facebook nêu trên được đăng tải trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ có một loạt hoạt động đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hệ.

Sau khi bị công luận phản đối và đưa nhiều bình luận phản hồi lập luận của ông Hồ, Sứ Quán Trung Quốc đã phải lẳng lặng gỡ post.

Trong một diễn biến khác, đã hai ngày trôi qua kể từ thời điểm ông Lê Khả Phiêu qua đời, tính đến đêm 9 Tháng Tám, giờ địa phương, đảng CSVN vẫn chưa loan báo thời điểm tổ chức quốc tang cho ông này.

Một số Facebooker nêu suy đoán rằng Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng trong lúc tuổi cao sức yếu nên ngại “âm khí” khi ông này đương nhiên phải nhận lãnh chức danh trưởng ban tang lễ của người tiền nhiệm. (N.H.K) [kn]

Mưa, Sài Gòn ngập lụt, cư dân mạng lại ‘mỉa mai’ nhà cầm quyền

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Tám, trong lúc Sài Gòn liên tiếp có mưa to và nhiều điểm ngập vẫn chưa cạn nước, trên mạng xã hội nhiều người mỉa mai nhà cầm quyền thành phố bằng cách nhắc lại câu nói “để đời” của ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố, được báo Phụ Nữ TP.HCM đăng hồi Tháng Sáu, 2019: “Ngập là một đặc điểm rất tự nhiên của thành phố. Ngập của thành phố phần nào là một hình ảnh rất đẹp!”

Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội: “Từ năm 1975, khi tiếp quản thành phố này, các anh chị [giới chức lãnh đạo] đã xây dựng gì thêm về cơ sở hạ tầng, về hệ thống cấp thoát nước cho thành phố này? Và đã bao giờ trong lịch sử của dân tộc lại có một nỗi đau như nỗi đau Thủ Thiêm khi hàng vạn người dân bị cướp đất chưa? Vị lãnh đạo tên Hoan phát biểu ‘việc ngập của thành phố phần nào cũng là một hình ảnh rất đẹp’ ấy nhỉ?

Tôi muốn ông Hoan dắt xe máy ngập ngang bụng đi vài km để xem ông còn thấy đẹp không, nhưng cẩn thận mà rơi xuống hố tử thần.”

Đáng lưu ý, sau trận mưa to diễn ra vào đêm 6 Tháng Tám, khiến nước ngập đến yên xe gắn máy tại nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, không có bất kỳ giới chức nào của Ủy Ban Nhân Dân thành phố hay Thành Ủy đứng ra nhận trách nhiệm và có lời trấn an về giải pháp chống ngập trong thời gian tới.

Báo Zing dẫn ý kiến của bà Lê Thị Xuân Lan, cựu phó phòng Dự Báo, Đài Khí Tượng Thủy Văn Nam Bộ: “Tôi cho rằng từ cuối Tháng Tám đến Tháng Mười, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ nhiều khả năng hứng chịu thêm những trận mưa tương tự tối 6 Tháng Tám.”

Báo này đưa ra cảnh báo rằng “mưa lớn cực đoan kết hợp triều cường có thể khiến nhiều nơi ở Sài Gòn tiếp tục ngập nặng trong thời gian tới” và “đỉnh triều cường trong năm ở Sài Gòn thường rơi từ Tháng Chín đến Tháng Mười Một.”

Liên quan vụ ngập nước ở Sài Gòn, tờ Phụ Nữ TP.HCM phanh phui chuyện nước ngập trên thực tế đêm 6 Tháng Tám “đến thắt lưng người đi đường,” nhưng báo cáo của phòng Hạ Tầng Thoát Nước, Trung Tâm Quản Lý Hạ Tầng Kỹ Thuật, Sở Xây Dựng chỉ ghi địa điểm ngập sâu nhất ở đường Quốc Hương, ngập 35cm, tức “ngang đầu gối.”

“Hình ảnh không nói dối, nghĩa là báo cáo điểm ngập chắc chắn có vấn đề. Nếu đó là số liệu sai, các kế hoạch, dự án chống ngập của thành phố này sẽ phá sản ngay từ khâu thiết kế và đương nhiên sẽ không thể phát huy hiệu quả khi đưa vào thực tế, sẽ trở thành sự lãng phí tiền của cực lớn khi tiền vẫn chi ra mà ngập vẫn ngập,” tờ báo viết.

Ông Võ Văn Hoan ngồi ghế phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn. (Hình: VietNamNet)

Cùng thời điểm, tờ Pháp Luật TP.HCM dẫn lời biện hộ của ông Nguyễn Hồng Quân, cựu giám đốc Trung Tâm Quản Lý Nước và Biến Đổi Khí Hậu, Viện Môi Trường và Tài Nguyên (Đại Học Quốc Gia TP.HCM: “Việc giảm ngập do mưa ở Sài Gòn hiện nay sẽ gặp khó, bởi lẽ một số hệ thống thoát nước đã bị lỗi thời, xuống cấp, trong khi cường độ mưa ngày một gia tăng. Ngoài ra, các hệ thống thoát nước hỗ trợ như kênh rạch, mảng xanh đô thị còn ít nên nước không thấm nổi, chảy ra đường và gây ngập.” (N.H.K) [kn]

Phùng Xuân Nhạ ham ‘diễn tuồng’ ngay kỳ thi tú tài mùa dịch COVID-19

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Tám, thời điểm diễn ra kỳ thi tú tài của hàng triệu học sinh trên toàn quốc, mạng xã hội lan truyền hình ảnh ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Giáo Dục-Đào Tạo CSVN, dẫn theo bầu đoàn thê tử, đang “tạo dáng chỉ đạo” trong vòng vây của hàng chục ống kính phóng viên báo đài.

Dù trong tấm ảnh, ông Nhạ và các thuộc cấp cũng như giới phóng viên đều đeo khẩu trang, nhưng việc tập trung đông người đứng san sát nhau trong một lớp học giữa mùa dịch COVID-19 bị công luận chỉ trích là thiếu ý thức.

Cùng thời điểm, một tấm ảnh ở góc chụp khác đăng trên tờ Lao Động với chú thích đây là chuyến đi kiểm tra công tác chuẩn bị công tác thi cử ở trường Nam Từ Liêm, Hà Nội, của người đứng đầu Bộ Giáo Dục-Đào Tạo CSVN.

Tấm ảnh ông Nhạ giữa một rừng ống kính của truyền thông nhà nước cũng làm người ta nhớ lại hình ảnh cựu Bí Thư Thành Ủy ở Sài Gòn Đinh La Thăng hăng say “diễn” cảnh vớt bèo để phóng viên chụ hình quya phim hồi năm 2016 trước khi ông này “ngã ngựa” và nay đang thi hành án tù.

Thật ra, ông Nhạ không phải là ngoại lệ, vì giới chức CSVN lâu nay vẫn có thói quen “tạo dáng chỉ đạo” trước ống kính phóng viên trong mỗi chuyến công tác. Tuy vậy, Bộ Trưởng Nhạ gây chú ý và bị cười nhạo nhiều hơn do ông này đến nay vẫn đường hoàng tại vị sau một loạt vụ bê bối của ngành giáo dục trong các năm qua: Vụ nâng điểm trong kỳ thi tú tài năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và Lạng Sơn; Bản thân ông Nhạ cũng bị tố cáo đạo văn khi đăng bài ở “tạp chí khoa học quốc tế”…

Trước các sự việc này, nhà báo tự do Huy Đức từng đưa ra lời kêu gọi trên trang cá nhân: “Ông Phùng Xuân Nhạ từ chức bộ trưởng Giáo Dục là cách duy nhất cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi, của ngành giáo dục.”

Từ một tuần trước, Bộ Trưởng Nhạ gây tranh cãi với phát ngôn nhân danh nguyện vọng của tất cả các học sinh ở Việt Nam: “Phần lớn học sinh đều bày tỏ nguyện vọng thi đúng thời điểm vì đã chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi, trừ trường hợp bất khả kháng do dịch thì mới thi sau.”

Nhà báo Hoàng Linh, công tác tại báo Tuổi Trẻ, bình luận trên trang cá nhân: “Bộ Giáo Dục-Đào Tạo đã rất mạo hiểm khi vẫn tổ chức thi tú tài giữa tâm dịch COVID-19. Là một công dân và là cử tri tôi đề nghị dừng cuộc thi vì tính mạng của các thí sinh vì công cuộc phòng chống dịch bện của toàn dân. Đem sinh mệnh của hàng trăm ngàn người đánh cược với một kỳ thi luôn có trên 90% đậu tốt nghiệp là một điều mạo hiểm.”

Hình trên mặt báo của ông Phùng Xuân Nhạ. (Hình: Lao Động)

Trong khi đó, Facebooker Lê Quốc Châu đặt câu hỏi với ông Nhạ trên mạng xã hội: “Tỷ lệ thi hỏng tốt nghiệp năm nào cũng chỉ 2-3-4%, vậy tại sao không xét tốt nghiệp đi cho nhẹ nhàng, tiết kiệm? Nhiều người dân cho rằng, có tổ chức thi tốt nghiệp mới có giải ngân và mới có thành tích, điều này có đúng không?” (N.H.K) [kn]