Sunday, August 21, 2016

Bắc Kinh dọa đánh Nhật nếu xía vào tranh chấp Biển Đông

Không ảnh cho thấy một số nhà chứa máy bay cỡ lớn được xây dựng trên đảo nhân tạo Đá Thập. (Hình: NYT/CSIS)
Không ảnh cho thấy một số nhà chứa máy bay cỡ lớn được xây dựng trên đảo nhân tạo Đá Thập. (Hình: NYT/CSIS)
TOKYO (NV) – Trung Quốc đe dọa Nhật rằng nếu Tokyo tiếp tục lập trường như từng tuyên bố về tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh có thể có hành động quân sự.
Lời cảnh cáo này, theo một bản tin của Kyodo News thuật dựa trên một nguồn tin ngoại giao, được Đại Sứ Trình Vĩnh Hoa của Trung Quốc ở Tokyo chuyển đến một viên chức hàng đầu của chính phủ Nhật hồi Tháng Sáu vừa qua.
Ông Trình Vĩnh Hoa nói với phía Nhật rằng Trung Quốc sẽ có thể “vượt lằn ranh đỏ” nếu tàu của Nhật tham gia các hoạt động “tự do hải hành” do chính phủ Mỹ phát động trên Biển Đông.
Ông này còn cho biết Bắc Kinh sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng biện pháp quân sự.
Tuy chuyện này chỉ được tiết lộ vào ngày Chủ Nhật, 21 Tháng Tám, lời đe dọa đã xảy ra từ hồi Tháng Sáu.
Ông Trình Vĩnh Hoa được thuật lời nói với viên chức Nhật rằng Trung Quốc “không nhường nhịn trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ và cũng không sợ các khiêu khích quân sự.”
Nhật không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp các vùng biển trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, nhưng vùng biển này là hải lộ quan trọng hàng đầu thế giới với số lượng hàng hóa thương mại vận chuyển lên trị giá tới $5,000 tỷ.
Từ Tháng Mười năm ngoái đến nay, Hoa Kỳ đã nhiều lần cho tàu chiến, máy bay tuần tiễu qua Biển Đông, có khi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Các chuyên viên phân tích thời sự nhiều lần cảnh báo rằng Bắc Kinh đang biến bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa thành bảy căn cứ khổng lồ cho cả không quân và hải quân để khống chế toàn bộ Biển Đông.
Ngày 8 Tháng Tám, nhật báo The New York Times viện dẫn những không ảnh mới nhất do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) thu thập được trong Tháng Sáu và Tháng Bảy vừa qua.
Theo đó, người ta thấy ít nhất có 20 nhà chứa máy bay xây dựng bằng xi măng cứng, thích hợp cho các loại máy bay từ chiến đấu cơ đến máy bay ném bom và cả máy bay tiếp dầu trên không tại các đảo nhân tạo Đá Thập, Su Bi, và Vành Khăn. Những tháng trước đó, Trung Quốc đã xây dựng các đường băng dài 3,000 mét trên các đảo nhân tạo này để các loại máy bay quân sự lớn của họ có thể lên xuống.

Khi Bắc Kinh hoàn tất các công trình xây dựng, cơi nói các đảo ở cả Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc coi như tiến dần đến mục tiêu kềm chế toàn bộ Biển Đông. (TN)

Thảm sát Yên Bái, lòng dân và Tháp đôi nước Mỹ

Nguyễn Tường Thụy-22-08-2016

(VNTB) - Khi Tòa tháp đôi của Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001 làm 2999 người tử vong và mất tích, trong đó có tới 2944 người là dân thường. Vậy mà ở Việt Nam, không hiếm người tỏ rõ sự hả hê với những từ ngữ như “đáng đời”, “cho chết”…

Hãy nhớ lại Tòa tháp đôi của Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2011

Thông tin đầu tiên về vụ bắn chết hai quan đầu tỉnh Yên Bái có lẽ lên báo sớm nhất là tin “Chấn động: Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái nổ súng bắn lãnh đạo tỉnh của Pháp luật Việt Nam” vào lúc 9 h40’ ngày 18/8/2016, tức là chỉ sau khi vụ việc xảy ra 1 giờ rưỡi . Tuy nhiên ít phút sau, bài báo này đã bị ẩn. Chỉ khi đến giữa ngày, nhiều trang báo đồng loạt đăng tin thì bài này mới cho hiện trở lại.

Lập tức, các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook dày đặc các thông tin, bình luận về sự kiện này. Sang mấy ngày tiếp theo, các facebooker gần như không quan tâm đến thông tin nào khác. Đặc biệt, thái độ khi bình luận đối với họ tuyệt đại đa số là… hả hê.

Sự hả hê lan rộng tới mức, ngay tối hôm đó, VTC phải đăng bài để chấn chỉnh, định hướng, được các facebooker coi là bài khóc mướn “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án” của tác giả Khánh Nguyên. Bài viết đầy những giáo lý từng nghe đến nhàm chán, chỉ trích nặng nề đám đông đang hả hê đó.
  
Sau khi cho rằng, đây là tổn thất lớn của hệ thống chính trị, của gia đình nạn nhân, tác giả cao giọng dạy bảo, qui kết: “Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh”.

Và đương nhiên, lời rao giảng giáo điều này bị cộng đồng mạng đồng thanh lên tiếng kịch liệt phản đối. Họ đặt ra những câu hỏi mà tác giả khó trả lời. Chỉ xin dẫn ra đây một ý kiến của Trương Minh Tam, một tù nhân lương tâm từng chịu quá nhiều đau khổ: “Không có lương tri nào đòi hỏi mỗi chúng ta phải đau khổ, thương xót khi đứng trước cái chết của những kẻ tội đồ cả. Nhỏ nước mắt trước cái chêt của quỷ dữ là nước mắt của những kẻ không có não!”.

Hỉ, nộ, ái, ố là các cung bậc trạng thái tình cảm của con người. Những trạng thái này được thể hiện bằng thái độ, bằng lời nói tuy đôi khi cũng phải kìm nén. Bày tỏ như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người do quan hệ cá nhân của họ. Việc thể hiện hay không, thể hiện như thế nào, không ai có thể bắt được ai. Một chàng trai không thể chất vấn một cô gái rằng, tôi nhà giàu, đẹp trai, con quan, tại sao cô không yêu tôi? Không thể qui cho cô gái là không có xúc cảm trước cái... đẹp. Việc các facebooker hả hê trước vụ thanh toán nhau ở Yên Bái là trạng thái tình cảm thật, khi mà người dân phải chịu quá nhiều áp bức, đè nén, bất công, đau khổ vì chính quyền gây ra, khi mà chính quyền coi họ như cỏ rác, giẫm đạp, giày xéo lên họ để thăng tiến, để sống cuộc đời vương giả, phè phưỡn. Thời buổi soi vào tim óc người ta xem người ta nghĩ gì, định hướng tình cảm phải yêu ai, ghét ai đã qua rồi.

Xin hỏi tác giả bài viết, tác giả có thái độ thế nào trước cảnh tượng như sau mỗi cuộc đàn áp dân thành công như đàn áp biểu tình, cưỡng chế đất, cán bộ và nhân viên cộng lực hả hê nhau chia tiền và nâng cốc ở các nhà hàng, không cần biết đến hậu quả là những gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn vì mất nhà, mất đất? Ngược lại chút thời gian, trong thời kỳ chiến tranh, báo chí hả hê đưa tin như thế nào sau mỗi trận thằng, giết được bao nhiêu Mỹ và “Ngụy”, trong khi những người lính ấy cũng có gia đình, vợ con?... Lúc ấy, tác giả ở đâu? Nếu chưa sinh ra, tác giả có biết đến cuộc nội chiến đẫm máu và nước mắt trong giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử dân tộc?

Xin kể một chuyện về vụ Tòa tháp đôi của Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2011 làm 2999 người tử vong và mất tích, trong đó có tới 2944 người là dân thường. Vậy mà ở Việt Nam, không hiếm người tỏ rõ sự hả hê với những từ ngữ như “đáng đời”, “cho chết”. Trong bữa ăn trưa ngày 12/9 năm ấy, vợ tôi đi chợ về kể nhiều người mừng lắm, tôi bảo: “Sao lại mừng? Nước Mỹ nhức đầu thì Việt Nam cũng sổ mũi. Bin Laden là kẻ thù chung của loài người chứ đâu của riêng Nước Mỹ. Người chết lại toàn là dân thường”.

Chú em tôi đi họp chi bộ về nói cuộc họp phổ biến việc Nước Mỹ bị khủng bố không được tỏ ra vui mừng. Rồi chú ấy nhận xét: “Như vậy là rõ ràng công nhận là mình có vui mừng rồi còn gì”.

Đừng lên mặt đạo đức để rao giảng cho thiên hạ mỗi khi có người tỏ thái độ khác với mình. Cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao công an chết, cán bộ chết thì dân mừng, cấp càng cao thì càng mừng hơn nữa. Vấn đề nên làm là cần rút ra ở đây là tại sao họ mừng, lòng dân hướng về ai, họ cần gì và căm ghét những gì.

Việc cán bộ cao cấp ở Yên Bái bị thanh toán mà dân lại mừng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý về lòng dân đối với Đảng và nhà cầm quyền. Nó không như những gì mà cộng sản thường rêu rao như “ý đảng, lòng dân”, “nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng” và cả những đại ngôn “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn”. Nhân đây, xin nhắc thêm sự kiện gần nhất là Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam. Sự cuồng nhiệt của người Việt Nam khi đón Tổng thống Mỹ, cách bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam với ông Obama cho thấy, họ đang hướng về Nước Mỹ, khát khao những giá trị Mỹ, đặc biệt là giá trị dân chủ, nhân quyền. Đó cũng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý vậy.

21-08: Người dân Kỳ Anh xuống đường

Paul - Bắc Việt (VNTB) Vào lúc 10h ngày 21/08/2016 trên Quốc lộ 1 A đoạn đi qua Phường Sông Trí Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam. Gần 500 người dân xã Kỳ Hà, đã xuống đường với những khẩu hiệu tự viết lên vãi " Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch " vừa đi vừa hát bài “ trả lại cho dân” của nhạc Sỹ Trúc Hồ.



Họ xuống đường với mong muốn chính phủ kịp thời hỗ trợ, đền bù cho người dân. Cần ưu tiên việc khám chữa bệnh cho các Thuyền viên và miễn tiền học phí, để con em của họ được đến trường, đồng thời phải đóng cửa công ty Fomosa.

Họ cũng mong muốn chính quyền địa phương phải minh bạch các khoản tài trợ đến từ chính phủ trong thời gian qua.​

Họ nói rõ, kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường biển miền trung, họ chỉ mới nhận được 5 triệu đồng đối với những hộ gia đình có Thuyền lớn hơn 90 Cv, còn các loại Ghe nhỏ, thuyền múng thì được 3 triệu đồng một chiếc, và một người được 15 kg gạo/tháng. Nhưng số gạo hỗ trợ đã bị mốc, chất lượng cực kỳ kém.


Người dân ở xã Kỳ Hà sống chủ yếu bằng nghề biển và làm muối, kể từ thời điểm thảm họa ô nhiễm môi trường biển xảy ra, họ thất nghiệp, không có bất kỳ thu nhập nào để trang trải cho cuộc sống. 

​Mùa học mới của các con em nơi đây đang lâm vào nhiều tình cảnh bi đát​, thiếu thốn tư bề và các khoãn học phí " khổng lồ" đang là những trăn trở vô vọng của các bậc phụ huynh nơi đây.


Thảm sát Yên Bái: Hả hê công khai thì khốn nạn hay sự giả nhân thì bớt khốn nạn hơn?

Phạm Tuân-22-08-2016

(VNTB) - Thật đau lòng khi so sánh sự hăm hở của đám đông khi đánh chết kẻ trộm chó và sự vui mừng khi có một cán bộ lãnh đạo tử nạn, và thật buồn cho những lương tâm tử tế vẫn ngồi chung một con thuyền có tên là đảng.

 

Khi những âm vang của tiếng súng từ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh còn chưa dứt thì cả nước rúng động về những tiếng súng của ông Đỗ Cường Minh chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái.

Ông Đỗ Cường Minh và hai nạn nhân của ông là Phạm Duy Cường, Ngô Ngoc Tuấn đều là các đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, họ được đào tạo, bổ nhiệm đúng quy trình và chắc chắn thấm nhuần tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua các cuộc học tập mà đảng của họ phát động học tập, nạn nhân và người gây án gọi nhau là đồng chí, và chắc chắn không ai nghi ngờ họ về tình yêu giai cấp mà họ hay nói trong các bài phát biểu trong các kỳ đại hội và lúc họp hành.

Qua các nhân chứng, và thông tin về cuộc họp báo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thì người ta dễ dàng nhận thấy, ông Đỗ Cường Minh đã chuẩn bị kỹ cho cuộc tảo thanh này, từ việc chọn thời điểm trước cuộc họp để có thể cùng lúc hai nạn nhân cùng có mặt đến cơ số đạn mang theo và chia cho mỗi người, quyết tâm đoạt mạng đến cùng, và cẩn thận chọn cho chính bản thân một kết thúc nhanh gọn. Ông Minh cũng như các nạn nhân của ông ta đều là những thành phần có quyền tiền, thế, nhiều ràng buộc để họ không muốn từ bỏ cuộc sống, và một người như ông Minh không thể bồng bột hay nóng giận nhất thời mà hàm hồ. Nguyên nhân gì chỉ ông Minh, ông Cường ông Tuấn rõ. Cái chết đã mang cả ba đi nên chỉ có thể biết rằng cá nhân ông Minh phải mang gánh một thâm thù, bi phẫn cực lớn mới ra tay như vậy và bất cần ngay cả mạng sống của mình và dư âm tai tiếng cho người ở lại.

Ba mạng người, ba cái chết thảm nhưng thật buồn là có quá nhiều tiếng reo mừng! Đa số người dân hả hê kia độc ác trước đau khổ của đồng loại hay họ đã không coi các ông Minh, Cường, Tuấn là đồng bào của mình? Xin nhắc lại vụ suối Tre khi các cảnh sát giao thông bắn nhau chết, người dân cũng hả hê như vậy. Phải chăng từ lâu trong mắt người dân những cán bộ nhà nước càng cao cấp càng đồng nghĩa với sự xấu xa và đảng cũng giống như băng nhóm trộm cướp tàn độc xấu xa nào đó không thuộc nhân dân?

Thật đau lòng khi so sánh sự hăm hở của đám đông khi đánh chết kẻ trộm chó và sự vui mừng khi có một cán bộ lãnh đạo tử nạn. Trộm nghĩ các ông lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước nên biết sợ khi nhìn vào thái độ của người dân hôm nay, và thật buồn cho những lương tâm tử tế vẫn ngồi chung một con thuyền có tên là đảng.

Còn có cả sự hả hê ngầm của những tay ngấp nghé mấy chiếc ghế trống kia, nhưng đang được che giấu bằng bộ mặt bi ai và nước mắt thương tiếc, và câu hỏi đặt ra là hả hê công khai thì khốn nạn hay sự giả nhân thì bớt khốn nạn hơn?

Những phát súng của ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Ngọc Viết phản ánh bi phẫn của tầng lớp cần lao, thì giờ đây phát súng của ông Minh cho thấy sự mâu thuẫn, thối nát không thể che giấu lan tỏa trong thượng tầng kiến trúc.

Những cần lao như ông Vươn hay ông Viết bị báo chí truyền thông lề đảng lái dư luận đổ cho họ là phần tử bất mãn chống đối chế độ bị Việt Tân xui giục, nhưng tiếng súng của ông Minh hôm nay nổ vào đồng chí của mình chắc không thể đổ cho Việt Tân giật dây được nữa... Chẳng lẽ định hướng dư luận rằng tại ông Minh bị Viettel xui giục Làm Theo Cách Của Bạn?


Ung nhọt càng che càng phát triển lớn, và sẽ đến lúc vỡ tung cùng máu mủ của nó. Vụ Yên Bái chỉ là khởi đầu của một đổ vỡ dây chuyền trong thời mạt pháp mà thôi.

Tại sao người dân vui mừng vì vụ án ở Yên Bái...

Mai Tú Ân-22-08-2016

(VNTB) - Việc người dân vui mừng, đôi khi thái quá trước những cái chết bất đắc kỳ tử của hai quan chức đầu tỉnh Yên Bái đã chứng tỏ một điều thật đơn giản và không có gì phải bàn cãi. Đó là đa số người dân càng lúc càng xa rời chính quyền hơn. Cuộc song hành của người dân với chính quyền, như Cá với Nước nếu có từ thời xa xưa, nay đang dần đi vào thế đứt đoạn, chấm hết.


Chẳng có gì lạ cả là trong khi chính quyền cởi mở hóa một số vấn đề thì lại vẫn giữ nguyên một số điều lỗi thời, gây chia rẽ hoặc không công bằng.

Chiến tranh kết thúc đã hơn 40 năm rồi mà đất nước vẫn chia hai thành phần dân chúng khác nhau. Một số ít thì là người "Có công với Cách Mạng", được hưởng các đặc quyền về tiền bạc, giáo dục, xã hội. Còn tuyệt đại đa số người dân còn lại thì không. Các trường Đại Học thuộc ngành CA hoặc một số ngành khác thì chỉ tuyển con cái cán bộ, CA. Các trường này không thu học phí, thậm chí là còn được hưởng lương khi theo học. Vô lý hơn nữa là các nhân viên, quan chức khi phạm lỗi đi tù thì Tòa Án cũng vì là người có công nên có thể giảm án vô tội vạ. Các CA phạm tội, đáng lẽ ra phải bị trừng trị nặng hơn vì phạm tội trong khi có chức quyền, thì cũng được giảm án theo kiểu như vậy. Khiến cho lực lượng CA, AN, Đảng viên cấp cao luôn là một thứ kiêu binh, lờn mặt với cả người dân lẫn Pháp Luật.

Còn quá nhiều lý do để người dân không đồng tình với chính quyền, có quá nhiều sự kiện để lòng căm ghét ấy dâng lên và thành chuyện căm phẫn. Và các viên chức chính quyền đã trở thành một thứ giỏ rác lãnh đủ các tội nợ của chính quyền, nhất là khi những người đó gặp chuyện không may. Người dân đã tổng hợp hóa các bất mãn của mình với chính quyền bằng lòng căm ghét các viên chức chính quyền bất kể đúng sai. Và câu nói cửa miệng của họ khi nhìn nhận một quan chức chính quyền là :

"Ông ấy không thể là người tốt. Vì người tốt thì không thể leo cao như thế trong bộ máy chính quyền".

Nên chuyện người dân vui mừng hả hê vì hai ông quan Yên Bái chết cũng là một điều bình thường và không có gì ngạc nhiên trong một xã hội mà người dân và chính quyền càng lúc càng xa rời nhau.

Khoản tiền Formosa Hà Tĩnh bồi thường bao giờ đến tay người dân?

Hàn Giang-22-08-2016

(VNTB) - “...Chuyện bồi thường cho ngư dân thì đầu tiên ngư dân phải đòi cái đã, phải đánh giá tôi bị thiệt như thế này và tôi đòi chứ không phải để người ta bố thí coi như cho, đây cũng là bài học cho người dân của mình biết quyền của mình là gì?”- Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016 tại Đài Loan

Cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016 tại Đài Loan, bằng một cuộc họp báo trước trụ sở mẹ của tập đoàn Formosa nhằm mục đích kêu gọi chính phủ Đài Loan công bố kết quả điều tra việc công ty Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường biển tại Việt Nam, liệu có những thỏa thuận bí mật nào giữa Formosa Hà Tĩnh với chính phủ Việt Nam hay không? Đặc biệt là mối quan tâm của dư luận Việt Nam về khoản tiền bồi thường 500 triệu USD của công ty Formosa Hà Tĩnh đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa đến tay người dân? Và có uẩn khuất gì đằng sau số tiền  hơn 10.450 tỷ đồng mà Tổng cục thuế trình Bộ tài chính về việc miễn thuế và không truy thu thuế cho Formosa Hà Tĩnh hay không?...
  
Chưa bạch hóa nhiều vấn đề dư luận quan tâm đối với Formosa 

Theo anh Nguyễn Đức Huy, một công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan có theo dõi cuộc họp báo vận động “ Vì Môi Trường Biển Miền Trung” cho Việt Nam Thời Báo (VNTB) biết, có khoảng hơn 40 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đài Loan, nhiều tổ chức dân sự ở Đài Loan tham dự cuộc họp báo như; Hội Luật sư Môi trường, Tổ chức Nhân quyền Đài Loan, Văn phòng pháp lý về người lao động và cô dâu Việt tại Đài Loan..., đặc biệt là sự có mặt của những vị dân biểu nằm trong Quốc hội Đài Loan. Ngoài ra, các tổ chức dân sự ở Việt Nam cũng cử những đại diện qua Đài Loan tham dự nhưng cuối cùng đi không được. Anh Huy nói: 

Ở Việt Nam lẽ ra có 4 tổ chức (Xã hội dân sự) đến đây (Đài Loan) nhưng bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn hoặc có thể là do Văn phòng kinh tế Đài Bắc có trụ sở tại Hà Nội không muốn cho các tổ chức đến đây.”

Cuộc họp báo kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, có đưa ra nhiều vấn đề như yêu cầu Chính phủ Đài Loan công bố kết quả điều tra việc Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường tại Việt Nam, giữa Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam có những thỏa thuận bí mật nào hay không? Tuy vậy, cuộc họp báo đến nay đã qua nhiều ngày nhưng vẫn chưa thấy có sự hồi đáp nào đến từ Chính phủ Đài Loan cũng như ở phía công ty Formosa. Đặt một câu hỏi mang ý kiến cá nhân, anh Huy nói bản thân anh nghĩ giữa Formosa Hà Tĩnh với chính phủ Việt Nam hẳn có những thỏa thuận ngầm, những toan tính rất chặt chẽ từ vấn đề tiền đền bù cho đến việc các đại diện lãnh đạo của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đứng cúi đầu nhận lỗi trước dư luận Việt Nam, thiết nghĩ đây là một hành động nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân Việt Nam. Anh Huy nói thêm:

“Còn vấn đề tiền đền bù 500 triệu USD thì đến bây giờ người dân vẫn chưa nhận được số tiền đó, rồi báo đài loan tin miễn thuế cho Formosa với số tiền tương đương vậy ,tôi nghĩ ở đây có những thỏa thuận ngầm nào đó. Rồi những kết quả xét nghiệm môi trường biển bị nhiễm độc của các nhà khoa học không được công khai bị giữ bí mật mà người dân không được biết.”

Cuộc họp báo vận động “ Vì Môi Trường Biển Miền Trung” vào ngày 10/8/2016, đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến số tiền 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh công bố sau khi thừa nhận mình là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.

“Người ta nói về vấn đề tiền bồi thường đến giờ đã trôi qua hơn một tháng rồi mà những người bị thiệt hại vẫn chưa nhận được tiền bù đó, có gửi cho dân một số gạo nhưng gạo lại không ăn được.”

Không chỉ nêu vấn đề chậm trễ trong khâu thực hiện đền bù, người dân đến theo dõi buổi họp báo đã đưa nhiều khẩu hiệu phản đối kịch liệt và yêu cầu đóng cửa, di dời Formosa ra khỏi Việt Nam.

Vấn đề đóng cửa cũng được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, các tổ chức đã lên tiếng rằng, nếu không làm tốt thì cần phải đóng cửa Formosa.”, lời của anh Huy.

Anh Huy còn cho biết thêm các vị dân biểu Đài Loan còn quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vấn đề môi trường và sẽ tiếp tục lên tiếng để vận động dư luận quan tâm hơn nữa về vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam. Ngoài các dân biểu thì còn có một số đại diện của các tổ chức lên tiếng yêu cầu cải thiện một số điều luật trong vấn đề đầu tư, trách nhiệm khi gây hậu quả cần phải phù hợp với môi trường đầu tư trong nước lẫn quốc tế.    
  
Nói gì về khoản tiền bồi thường của Formosa Hà Tĩnh?

Tại Việt Nam, theo nguồn tin từ báo nhà nước, Tổng cục Thuế đã có dự kiến một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do sự kiện ngày 13/5/2014, tức là thời điểm người dân Việt Nam từ Bắc xuống Nam rầm rộ biểu tình phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng biển Việt Nam. Cũng ở những cuộc biểu tình này, đã có nhiều danh nghiệp của Trung Quốc lẫn Đài Loan bị đập phá nên theo một văn bản của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài Chính, đáng chú ý Công ty Formosa Hà Tĩnh dự kiến được miễn thuế và không truy thu thuế số tiền hơn 10.450 tỷ đồng - gần tương đương với số 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh công bố bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường vào đầu tháng 4/2016. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến dư luận Việt Nam cho rằng, đây hẳn là sự dàn xếp giữa chính phủ Việt Nam với Formosa Hà Tĩnh để qua mắt người dân trong việc bồi thường thiệt hại.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VNTB, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A đã bác nguồn dư luận này. Ông Quang A nói:

“Theo tôi nghĩ nguồn dư luận ấy hơi không có cơ sở. Người ta có thể gắn hai chuyện này với nhau nhưng việc bồi thường thiệt hại (sự kiện 2014) kéo dài cả mấy năm nay, việc này đã xảy ra rồi, còn việc 500 triệu USD xảy ra sau... Không phải cái chuyện thuyết âm mưu. Chuyện hoãn, miễn là chuyện có thật, không ai biết là bao nhiêu giờ mới xì ra là hai con số tương đương nhau, lẽ ra khoản ấy phải nộp, giờ như thế này thế kia, nó bồi thường một ít lúc thiệt hại giàn khoan. Như thế chỉ ở từ trên chóp (lãnh đạo cấp cao Việt Nam) chứ đâu phải mấy thằng Hà Tĩnh làm ra cái ấy, mà đố mấy thằng Tổng cục Thuế làm ra cái ấy. Cái ấy có từ lâu rồi, vụ cá chết thì Việt Nam có thể nói là giờ Formosa Hà Tĩnh đã được như thế rồi thì giờ đóng đúng nghĩa vụ thôi. Điều này có thể nhưng nếu gắn ghép vào thì hơi miễn cưỡng.”

Khi được hỏi, liệu sự trùng hợp ngẫu nhiên này có ảnh hưởng gì đến việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng sau thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra hay không? Tiến sĩ Quang A nói tiếp:

“Tôi nghĩ đây là hai chuyện rời ra. Chuyện bồi thường cho ngư dân thì đầu tiên ngư dân phải đòi cái đã, phải đánh giá tôi bị thiệt như thế này và tôi đòi chứ không phải để người ta bố thí coi như cho. Đây cũng là bài học cho người dân của mình biết quyền của mình là gì?”

Tiến sĩ Quang A dẫn chứng vụ công ty Vedan cũng của Đài Loan đã xả thải làm ô nhiễm sông Thị Vải bị phát hiện năm 2008. Thời điểm này, vì tiếng nói của người dân quá ít nên kết quả cứ phó mặc cho chính phủ Việt Nam và công ty Vedan tự quyết vấn đề bồi thường. Số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng là những số tiền mà Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra quyết định phạt hành chính đối với công ty Vedan tại thời điểm đó - một số tiền quá ít ỏi so với những hậu quả mà công ty Vedan đã để lại.           

Trở lại khoản tiền bồi thường mà công ty Formosa Hà Tĩnh đã công bố, dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao đến nay kế hoạch bồi thường cho ngư dân qua sự cố thảm họa môi trường vẫn chưa công bố? Liệu rằng sự chậm trễ này là một bước tìm cách chạy tội Formosa Hà Tĩnh hay không? Tiến sĩ Quang A đáp:

Cái đấy phải chất vấn Chính phủ hiện tại do ông Xuân Phúc đứng đầu, bản thân tôi chỉ đoán thôi, có thể người ta khó, người ta chưa có kinh nghiệm xử lý việc này như thế nào? Và không biết cách làm. Còn có thể suy nghĩ họ muốn cù nhầy, lừa… chỉ suy đoán thôi, nhưng theo tôi không nên đoán xấu bất kể ai thậm chí cả Chính phủ

Tôi nghĩ rằng điều này cũng cần phải cân nhắc, tiếng nói của đa số, của đông đảo người dân chưa hẳn đã là đúng cho nên Chính phủ không dứt khoác phải nghe theo tiếng nói của số đông tức nhiên phải để ý. Nhưng mà tiếng nói của số đông người chưa chắc phải là cái quyết định được, sự việc trên đời này luôn luôn là như vậy.”, lời của tiến sĩ Quang A.

Cũng như Tiến sĩ Quang A đã nói trên, anh Huy thừa nhận tiếng nói của người dân là rất quan trọng. Anh nói:“Chúng ta muốn Formosa và chính phủ Việt Nam phải công khai, phải cải tạo lại môi trường, phải đóng cửa thì trước hết những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp phải lên tiếng để gây áp lực cho Chính phủ Việt Nam và công ty Formosa. Các tổ chức phi chính phủ, đảng phái cần phải tích cực vận động quốc tế khi đó chúng ta mới có kết quả như mong muốn.”         

Thâm hụt ngân sách, 'vá' sao cho hết thủng

Theo Tiền phong-22-08-2016

Thâm hụt ngân sách, 'vá' sao cho hết thủng
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu không thu hồi được, ngân sách phải chi tiền mua nhà công vụ mới. Ảnh: Phạm Thanh.

Không phải ngẫu nhiên trong báo cáo trước Quốc hội, khi “liệt kê” những khó khăn chính phải đối mặt thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xếp nợ công vào vị trí số 1 với điểm nhấn về thâm hụt ngân sách. Khó khăn này sẽ còn lớn hơn nếu “vấn nạn” chi tiêu ngân sách “vung tay” không được giải quyết.

Dù ngân sách nhà nước khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu được nói tới nhiều, nhưng thực tế sự lãng phí vẫn cứ… nối dài. Doanh nghiệp nhà nước vay đầu tư không hiệu quả khiến tiền thuế của dân góp phải “gánh” trả thay.
Trong câu chuyện sử dụng nhà công vụ, thực tế hàng chục căn hộ phân cho cán bộ tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Hà Nội) chưa thu hồi được, dù nhiều cán bộ không còn tiêu chuẩn sử dụng (đã về hưu, chuyển công tác...).
Sắm nhà công vụ, xe công, dự án đội vốn
Trong khi đó, Nhà nước lại tiếp tục chi số tiền lớn để mua hơn 100 căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) và khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) làm nhà công vụ, bố trí cho cán bộ các cơ quan trung ương chưa có nhà ở tại Hà Nội.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, hàng loạt vấn đề như mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công cũng được chỉ ra. Trong đó, ô tô công vẫn bị sử dụng bừa bãi nhất. Như Bộ Y tế sử dụng vượt 17 ô tô so với định mức, trong đó Đại học Y Dược TPHCM vượt 5 xe, Bệnh viện Việt Đức vượt 3 xe, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập vượt 2 xe… Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chưa thu hồi 6 ô tô công thuộc Dự án Đồng bằng sông Cửu Long (đã kết thúc từ năm 2013) theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hay tại Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 (Sân bay Nội Bài, Hà Nội), dù Chính phủ và Bộ GTVT không đồng ý trang bị xe cho nhà thầu, đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án. Tuy nhiên, thực tế dự án đã chi tiền mua 3 ô tô, 24 xe máy cung cấp cho tư vấn, tổng chi phí mua xe và xăng dầu là hơn 9,8 triệu yên Nhật và hơn 14 tỷ đồng.
Dù Chính phủ đã yêu cầu thắt chặt chi đầu tư, hạn chế khởi công mới những dự án chưa cần thiết. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, dự án khởi công mới vẫn tăng mạnh và chiếm gần một nửa số dự án có vốn nhà nước thực hiện trong năm, đặc biệt phổ biến ở cấp địa phương. Như năm 2014, có hơn 45% số dự án là khởi công mới. Những dự án khởi công mới tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Yên chiếm hơn 77% là dự án mới, TPHCM hơn 76%, Long An hơn 74%, Khánh Hòa gần 69%...
Năm 2003, số tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước mới hơn 9.000 tỷ đồng, năm 2010 đã lên hơn 102.600 tỷ đồng và năm 2014 hơn 120.700 tỷ đồng. Tuy số dư tạm ứng tăng dần, nhưng không có quy định nào về thời hạn trả.
Cùng với đó, nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh, đội vốn lớn. Điển hình như dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, chậm tiến độ 3 năm, công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, dẫn tới phải điều chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng 2 lần, lần 1 tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng, lần 2 thêm hơn 4.700 tỷ đồng. Dù vậy, chủ đầu tư không phân tích rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm các bên liên quan.
Tương tự, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài cũng sai sót trong lập dự án, chậm tiến độ, dẫn tới tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên hơn 6.700 tỷ đồng (thêm gần 2.000 tỷ đồng, tăng 36%). Thậm chí, chủ đầu tư còn tính sai khối lượng, định mức, đơn giá với số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Trong phong trào xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều vấn đề. Như dự án xây dựng Trung tâm hành chính Đà Nẵng, mới đây dư luận xôn xao khi tòa nhà “ngàn tỷ” này thiết kế không hợp lý dẫn tới quá trình sử dụng gặp nhiều bất cập. Chưa kể, những sai sót này khiến vốn đầu tư dự án tăng tới 142%, từ 880 tỷ đồng lên hơn 2.100 tỷ đồng.
Điều tương tự cũng xảy ra với Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Hòa Bình, khiến tổng mức đầu tư tăng tới 173%. Dự án Trung tâm hành chính Lâm Đồng điều chỉnh tăng vốn 2 lần, từ hơn 495 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (tăng 105%)…
ODA - Cần lập lại trật tự
Trong phiên họp sáng 16/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các thành viên ủy ban bày tỏ sự “khó hiểu” với việc phân bổ vốn vay nước ngoài (ODA). Theo nhiều đại biểu, đang xảy ra thực trạng: Có nơi cần, đã hoàn thành thủ tục, có kế hoạch sử dụng thì không được bố trí vốn, có nơi chưa cần lại bố trí. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải đề nghị Bộ KH&ĐT, Tài chính báo cáo Chính phủ để lập lại trật tự kỷ cương, thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó có vốn ODA. Tất cả chủ trương, quyết định phân bổ, điều chỉnh phải đúng thẩm quyền, đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá, năm 2014, việc giao kế hoạch vốn ODA của Bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các bộ ngành, địa phương, khi giao thấp so với nhu cầu tới hơn 24.300 tỷ đồng. Bộ này cũng giao kế hoạch hơn 4.500 tỷ đồng vốn ODA cho 254 dự án không đăng ký, trong khi có 359 dự án đăng ký số vốn hơn 7.000 tỷ đồng lại không được giao vốn. Một số dự án hoàn thành nhiều năm trước nhưng không giao đủ vốn, nên năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch chi trả… Điều này dẫn tới giải ngân ngoài dự toán lớn. Đây là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt.
Không chỉ bội chi cao, theo Kiểm toán Nhà nước, số dư tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước cũng tăng dần qua từng năm. Như năm 2003, số tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước mới hơn 9.000 tỷ đồng, năm 2010 đã lên hơn 102.600 tỷ đồng và năm 2014 hơn 120.700 tỷ đồng. Tuy số dư tạm ứng tăng dần, nhưng không có quy định nào về thời hạn trả, nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước, tới khả năng cân đối bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay vốn chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro; nhiều dự án sử dụng vốn không hiệu quả, khó trả nợ. Tính hết năm 2014, tổng dư nợ nước ngoài quá hạn của các dự án lên tới hơn 1,29 tỷ USD. Trong đó, Vinashin (nay là SBIC) có tới 60 dự án với số nợ 281,3 triệu USD, Dự án nhà máy xi măng Thái Nguyên nợ 21,48 triệu USD, Xi măng Hạ Long nợ 10,3 triệu USD… Ngoài ra, có 10 dự án Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số tiền 4.703 tỷ đồng.
 Lê Hữu Việt