Thursday, June 19, 2014

Nổ ôtô tại Thái Lan: Người Việt thứ 13 tử nạn

Sống sót sau vụ tai nạn kinh hoàng ngày 2/6 ở Thái Lan nhưng sau 2 tuần điều trị, anh Thắng đã không qua khỏi.
Ông Đặng Hồng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết anh Nguyễn Văn Thắng (34 tuổi, người sống sót trong vụ nổ ôtô ở Thái Lan ngày 2/6) đã qua đời lúc 11h đêm 18/6.
Theo ông Kiệm, anh Thắng điều trị ở Thái Lan, do vết thương quá nặng đã không qua khỏi. Người nhà nạn nhân đã sang Thái Lan làm thủ tục đưa thi thể về quê an táng.
Trong số 3 người Việt sống sót sau vụ tai nạn ôtô ngày 2/6, anh Nguyễn Hữu Minh (27 tuổi, Đô Lương, Nghệ An) đã được chuyển về bệnh viện ở Nghệ An để điều trị.
Lễ tang các nạn nhân trong vụ tai nạn ôtô tại Thái Lan
Anh Thắng là người Việt tử nạn thứ 13 của vụ tại nạn, trú cùng xã với nạn nhân Trần Thị Yên (21 tuổi) cũng không qua khỏi.
Trước đó, ngày 2/6, chiếc xe khách chở 15 người Việt chạy tới địa phận thị trấn Kaeng Khro (tỉnh Chaiyaphum, Thái Lan) đã phát nổ.
Vụ tai nạn khiến 12 người Việt Nam (trong đó có 6 người Hà Tĩnh, 3 người Nghệ An) cùng lái xe người Thái tử vong.
Nhà chức trách phải xét nghiệm ADN để xác định danh tính thi thể trước khi chuyển về Việt Nam an táng hôm 18/6.
Thứ sáu, 20/06/2014 11:23
Theo vnexpress.net

Chiêu khoét mác biến đồ Trung Quốc thành hàng Việt Nam


Nhiều cửa hàng 'Made in Vietnam' nhưng chỉ có nhãn mác là nội, còn 'ruột' là đồ Trung Quốc.
Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là lựa chọn mua hàng Việt cho an toàn, nhiều cửa hàng thời trang 'Made in Vietnam' mọc lên như nấm trên khắp các con phố Thủ đô.
Một cửa hàng bán quần áo 'Made in Vietnam'
Tuy quảng cáo là bán hàng Việt Nam nhưng nguồn gốc các sản phẩm trong các shop này rất mập mờ. Chị My Lan, 24 tuổi, hiện là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội phản ánh: 
'Không tin tưởng quần áo Trung Quốc, từ lâu mình chuyển sang dùng hàng Việt Nam, thường là hàng Việt Nam xuất khẩu của các hãng như Mango, Zara, Forever 21...'. 
Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện nhiều chiếc áo, váy mua về nhà có hiện tượng mác gắn ở cổ áo bị cắt một nửa. 
Lật tìm trong thân áo chị mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ 'Made in China' in chìm trên mác. 
Chị xem lại tất cả quần áo đã mua ở cửa hàng này thì thấy vài chiếc có hiện tương tương tự như vậy, thậm chí có chiếc trên mác còn bị khoét một chỗ nhỏ rất khéo và khó phát hiện. 
Nhiều chiếc áo bị khoét mác rất tinh vi
Theo tìm hiểu, chiêu trò cắt mác, khoét mác, hay mác gắn ở cổ là 'Made in Vietnam' nhưng ở trong thân áo lại là 'Made in China' là rất phổ biến. 
Bạn Nguyễn Liên, sinh viên năm cuối đại học Sư phạm Hà Nội bức xúc: 'Mình mới mua một chiếc quần hiệu Zara tại cửa hàng ở phố Nghĩa Tân với giá 540.000 đồng. 
Là khách quen, nên khi chủ shop giới thiệu hàng mới, chuẩn hàng hiệu, chỉ có một chiếc duy nhất, thấy đẹp nên mình mua ngay. 
Ai ngờ khi về nhà, lên mạng xem thì shop online nào cũng bán, kiểu dáng, mác y hệt giá chỉ 230.000 đồng'.
Lúc này, Liên mở mác chiếc quần mới mua ra xem nguồn gốc thì tá hỏa mác đã bị cắt, xén một nửa.
Thứ sáu, 20/06/2014 11:02
Theo Zing

VietJetAir chở nhầm khách đi Đà Lạt đến... Nha Trang

Chiều tối 19/6, gần 200 hành khách đi Đà Lạt đã được hãng hàng không giá rẻ VietJetAir chở đến... Nha Trang.

Theo lịch trình, chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt có số hiệu VJ8861 xuất phát từ sân bay Nội Bài và đến Đà Lạt trong chiều ngày 19/6.

Tuy nhiên, toàn bộ gần 200 hành khách đi chuyến bay VJ8861 đã được bay thẳng đến sân bay Cam Ranh - Nha Trang.
Khi đến sân bay Cam Ranh, VietJetAir đã bố trí cho khách tiếp tục bay đến Đà Lạt như hành trình đã bán vé.

Máy bay VietJet Air trên sân đỗ Sân bay quốc tế Nội Bài

Trong khi đó, gần 200 hành khách khác đi chuyến bay VJ8575 Hà Nội - Nha Trang cùng lúc vẫn yên vị chờ ở sân bay quốc tế Nội Bài dù đã quá giờ khởi hành.
Ngay trong tối 19/6, cả hãng hàng không VietJetAir, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc và các đơn vị liên quan đã triển khai các biện pháp cần thiết để đưa khách đi đúng hành trình.
Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, nguyên nhân nhầm lẫn có thể do 2 chuyến bay của VietJetAir có lịch khởi hành gần nhau, số lượng khách tương đương nhau nên các bộ phận liên quan nhầm lẫn khi triển khai nhiệm vụ.
Cục Hàng không Việt Nam đang yêu cầu thu hồi toàn bộ kế hoạch bay của VietJetAir để kiểm tra, phát hiện khâu sai sót.
Trước đó vào ngày 1/5, có 50 hành khách của hãng hàng không VietJetAir từ Nha Trang đi TP HCM cũng suýt bị bay nhầm đến Hà Nội do bộ phận đón khách ra máy bay có sự nhầm lẫn giữa 2 chuyến bay từ Cam Ranh đi Hà Nội và TP HCM.
Rất may là trước khi đón khách lên máy bay, đã có nhân viên phát hiện sự nhầm lẫn này nên hành khách vẫn không bị bay nhầm 1 chặng.

Thứ sáu, 20/06/2014 08:22
Theo nld.com.vn

5 chiến hạm Mỹ tới biển Đông tập trận cùng Philippines

Cuộc tập trận sẽ diễn ra ngay gần bãi cạn Scarborough từ 26 - 29/6 tới, trong bối cảnh căng thẳng vẫn đang gia tăng.

Reuters hôm qua (19/6) đưa tin cuộc tập trận mang tên CARAT sẽ diễn ra tại khu vực cách tỉnh Zambales, trên bờ biển phía Tây quần đảo Luzon, khoảng 64km.

Vị trí này cách nơi đồn trú của 2 hoặc 3 tàu hải cảnh Trung Quốc, đang hoạt động quanh bãi cạn Scarborough, khoảng 80 hải lý.

Đây là bãi cạn mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines năm 2012.

Khoảng 10.000 binh sĩ sẽ tham gia tập trận, bao gồm cả bắn đạn thật. Mỹ sẽ điều 5 tàu chiến, trong đó 1 tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Halsey lớp Arleigh Burke.

Tàu USS Halsey và các tàu chiến khác sẽ cập bến căn cứ quân sự của Philippines trên vịnh Subic từ ngày 26/6.


Tàu khu trục Mỹ USS Halsey

Hải quân Philippines triển khai tàu BRP Ramon Alcaraz và BRP Emilio Jacinto, cùng một số máy bay trực thăng.

Rommel Rodriguez, người phát ngôn của Hải quân Philippines cho biết:
Cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng chiến đấu của hai bên trong đổ bộ, các chiến dịch đặc biệt hay chiến dịch trên biển, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin.

Đây là hoạt động thường niên của hai nước.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% biển Đông, kể cả những vùng nước sát bờ các nước láng giềng.

Không quân Philippines mới đây phát hiện hơn 10 tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh bị nghi ngờ đang khai hoang trái phép ở các bãi đá của quần đảo.

Thứ sáu, 20/06/2014 08:22
Theo vnexpress.net

Vì sao người Trung Quốc ghét Hillary Clinton?

 Hùng Anh - theo Trí Thức Trẻ | 20/06/2014 09:35



(Soha.vn) - Phụ nữ, theo cách nghĩ thông thường (của Trung Quốc), chỉ có thể thành công nhờ sắc dục hoặc là phải nam tính...".

Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên trang SBS News của Australia, 2 tác giả Isaac Stone Fish và Helen Gao đã nhận định rằng, cả giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc dường như sẽ rất tức giận nếu bà Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Theo 2 tác giả, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ bà vì họ không có kinh nghiệm đối phó với những người phụ nữ như bà - nổi tiếng và quền lực. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới truyền thông và cả suy nghĩ của một bộ phận người Trung Quốc.
Dưới đây là những phân tích của 2 tác giả Isaac Stone Fish và Helen Gao trên trang SBS News:
Hillary Cinton đang ghi thêm dấu ấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của mình – vốn không nói ra nhưng gần như ai cũng nhận thấy - với việc phát hành cuốn hồi ký về quãng thời gian làm Ngoại trưởng: "Những lựa chọn khó khăn”. Nó được kỳ vọng sẽ giúp gợi mở thêm những câu chuyện, từ vụ khủng bố Benghazi, Libya, cho tới bốn năm nhiệm kỳ của bà ở Bộ Ngoại giao, từ thành tích quá khứ cho tới những chính sách trong tương lai.
Theo tờ Washington Post, trong cuốn sách của mình, bà Clinton nhắc tới ba lựa chọn để chế ngự Châu Á: "Mở rộng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, tăng cường liên minh với những nước khác trong khu vực như một đối trọng với Trung Quốc, đẩy mạnh các tổ chức đa phương trong khu vực”. “Tôi đã quyết định rằng lựa chọn khôn ngoan là kết hợp cả ba cách tiếp cận này”, bà viết.
Chuyên gia đối ngoại Walter Russell Mead đã mô tả cựu đệ nhất phu nhân Clinton là "một người thực tế với niềm tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được sự hòa hợp chân thành dựa trên lợi ích kinh tế và mong muốn chung là tránh chiến tranh."
Vậy người Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này nghĩ gì về bà Clinton?
“Chỉ có tin đồn mới lên được các mặt báo Trung Quốc”
Chưa có cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy nào về việc 1,4 tỷ người của Trung Quốc nghĩ gì về các chính trị gia Mỹ. Nhưng nếu theo dõi kỹ trên phương tiện truyền thông Trung Quốc và các nội dung trao đổi trên Internet, cũng như hàng chục cuộc phỏng vấn, sẽ không khó nhận ra rằng, ý tưởng về một Tổng thống Hillary có thể gây tâm lý tức giận ở một số lượng người đáng ngạc nhiên trong giới trí thức và người dân Trung Quốc và - xem cái cách mà truyền thông nước này nói về bà thì – có lẽ cả giới lãnh đạo nữa.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton
Trong một bài viết đặc biệt với tựa đề "Sự ra đi của 'kẻ địch’", được đăng tải sau khi bà Clinton rời Bộ Ngoại giao, Hoàn Cầu đã tóm lược nhiệm kỳ của bà và viết rằng "chỉ trong vòng bốn năm tại nhiệm, trong mắt dân mạng Trung Quốc, bà Clinton nhanh chóng trở thành chính trị gia Mỹ bị căm ghét nhất." Trong khi những cuộc thảo luận về bà trên Internet ở Trung Quốc cho thấy những tranh cãi về giới chính trị Hoa Kỳ và sự ngưỡng mộ dành cho thành tựu của nữ cựu Ngoại trưởng, nó thường xoay quanh câu hỏi mơ hồ, từ việc tại sao bà lại "ghét" Trung Quốc tới những cuộc công kích tập hợp thể phản đối ý tưởng bà Clinton lên nắm quyền.
"Bà ta thậm chí còn không quản nổi chồng mình, thế mà giờ lại muốn cai quản cả một quốc gia ư?" – một câu hỏi của người dùng trên Sina Weibo.
Có vẻ như phần lớn các ý kiến ​​tiêu cực chống lại bà Hillary ở Trung Quốc đều xuất phát từ cách mà truyền thông nước này miêu tả về bà trong suốt thập kỷ qua - kể cả khoảng thời gian đương nhiệm và sau đó - như một “bà đầm thép” khó tính, sắc sảo, không thân thiện. Truyền thông quốc gia Trung Quốc soi mói đời tư, đưa tin dựa trên những suy đoán thiếu căn cứ về xu hướng giới tính và bị ám ảnh về gu thời trang của bà. Trong khi chỉ có các ấn phẩm uy tín ở Mỹ viết về kiểu tóc của bà Clinton thì những chuyện hời hợt vô thưởng vô phạt chiếm lĩnh hầu hết các mặt báo Trung Quốc.
Một chùm ảnh đăng trên tờ People’s Daily Online, trang web của cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, môt tả đủ kiểu tóc của bà Hillary qua các giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như gương mặt "luộm thuộm nhất" hay gương mặt "lố bịch" nhất. "Chúng tôi không có nhiều kênh để tìm hiểu về các chính trị gia Mỹ," một phó giám đốc giấu tên của Phòng các Diễn đàn trực tuyến thuộc tờ People’s Daily Online thừa nhận. "Chỉ có tin đồn mới lên được các mặt báo Trung Quốc."
Trung Quốc chỉ quen với việc được phụ nữ rót trà phục vụ
Tuy nhiên, có vẻ như ác cảm trong giới chuyên gia chính trị Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất đồng với các chính sách của bà Clinton, đặc biệt cái gọi là xoay trục sang châu Á - một chiến lược mà bà nêu ra trong một bài viết trên tờ Foreign Policy, số tháng 10/2011 khi còn đương chức Ngoại trưởng.
Bà Hillary Clinton (khi còn là Ngoại trưởng) trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.Bà Hillary Clinton (khi còn là Ngoại trưởng) trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Trong khoảng thời gian tại nhiệm của bà Clinton, Trung Quốc gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng - đặc biệt là tại các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh cũng ngày càng cứng rắn hơn sau khi nền kinh tế nước này trỗi dậy, chủ yếu là nhờ không bị tổn thất nhiều từ cuộc Đại suy thoái.
Dường như hầu hết sự giận dữ của người Trung Quốc xuất phát từ việc bà Hillary công khai quan điểm chống lại Trung Quốc - điều mà bà từng thẳng thừng tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn báo chí và gần như cả 7 chuyến công du tới nước này trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. (Ít ra thì bà cũng là người nhất quán: bà Clinton thậm chí từng làm như vậy trong chuyến thăm nổi tiếng đến Trung Quốc năm 1995 trong vai trò Đệ nhất phu nhân, khi chỉ trích Bắc Kinh hạn chế thảo luận các vấn đề của phụ nữ.)
Cái cách mà truyền thông Trung Quốc mô tả bà Clinton dường như thể hiện một sự khó chịu rõ ràng của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với bà, có lẽ chỉ vì bà là phụ nữ.
"Ở đây có một thái độ phân biệt giới tính nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng bà Clinton khiến họ thấy lo sợ”, Kelley Currie, một thành viên cao cấp của Viện Dự án 2049, người đã làm việc rất nhiều với chính phủ Trung Quốc. "Họ là những người đàn ông lớn tuổi hay nhuộm tóc, đi giày nâng đế và quen với việc được phụ nữ rót trà phục vụ. Bà Clinton không phải đối tượng mà họ có kinh nghiệm đối phó trong hệ thống chính trị của mình. Và bà sẽ không nương tay với họ, theo cách mà ngay cả những phụ nữ cấp cao nhất mà họ từng đối phó đã làm." (Kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay không một người phụ nữ nào có mặt trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc)
Nói chung, Trung Quốc lúc nào cũng gán cái mác nam tính hay dữ dằn cho những phụ nữ có nhiều quyền lực, Paul French, một tác giả và sử gia về Trung Quốc thế kỷ 20, nhận định. Nguyên Phó Thủ tướng Ngô Nghi - một nhà đàm phán kiên định, được mệnh danh là "Bà đầm thép". Vợ Mao Trạch Đông, Giang Thanh bị gọi là "Bạch Cốt Tinh". "Phụ nữ, theo cách nghĩ thông thường (của Trung Quốc), chỉ có thể thành công nhờ sắc dục hoặc là phải nam tính", French viết.
Tuy nhiên, người dân Trung Quốc tỏ ra cảm thông với bà Clinton hơn giới chính trị và quan chức nước này. Bà Hillary là người"có trình độ, quyết đoán và lý trí", ông Li, giảng viên đại học 41 tuổi ở Tế Nam, đánh giá. Vấn đề của bà "là không tạo được một hình ảnh tốt ở Trung Quốc.", ông nói thêm.
Theo ý kiến của nhiều người đã tham gia trả lời phỏng vấn cho bài viết này thì Phó Tổng thống Joe Biden sẽ là một lựa chọn tốt hơn cho vai trò ứng cử viên của đảng Dân chủ. Không giống như bà Clinton, ông Biden "dường như không coi công việc của mình là thực hiện nhiệm vụ Chúa ban cho và buộc Trung Quốc phải phục tùng Mỹ", Han Deqiang, một giáo sư hàng không, người sáng lập trang web Utopia, nhận định.
Ở cả Mỹ và Trung Quốc, ông Biden có cách tiếp cận đặc biệt để kết nối với mọi người. Trong một chuyến công du Trung Quốc tháng 8/2011, ông Biden đã dùng món tại một nhà hàng Bắc Kinh chuyên về lòng lợn. "Việc lựa chọn đồ ăn địa phương giúp ông ấy gần gũi hơn với người dân Trung Quốc", Du nói. "Ấn tượng của nhiều người Trung Quốc về bà Hillary Clinton là một chút gì đó hiếu chiến, trong khi Joe Biden có vẻ ôn tồn và kiềm chế hơn", Chen Chenchen, biên tập viên​ của Hoàn Cầu đánh giá.
Tất nhiên, quan điểm của Trung Quốc về bà Clinton sẽ không ảnh hưởng tới lá phiếu của cử tri Mỹ. Trên thực tế, thái độ tiêu cực của Trung Quốc đối với bà có khi lại là một lợi điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nếu bà quyết định tham gia. Và nếu bà giành chiến thắng, người ta có thể hình dung bà sẽ tìm ra cách để "mở rộng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc," như đã viết trong cuốn sách của mình. Điều đó có vẻ khả thi hơn là đợi Bắc Kinh học được cách đối phó với bà.

Chồng ham cá độ, đâm chết vợ dã man

Nợ tiền cờ bạc và phải bỏ trốn, Quân tìm về nhà bố mẹ vợ để trút giận rồi đâm chết vợ.
Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào chiều 18/6 tại nhà bà Phan Thị Vệ, thuộc thôn Nhang, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nạn nhân là chị H. (SN 1990), con gái ruột bà Vệ.
Nguyên nhân bước đầu được xác định là do gần đây, Đỗ Minh Quân (SN 1984), chồng chị H., nợ cờ bạc, cá độ bóng đá hàng tỷ đồng, phải chạy trốn. Sau một thời gian, Quân trở về tìm vợ để trút giận.
Không chịu đựng nổi sự vô lý của Quân, hai người lời qua tiếng lại, vì vậy Quân nhẫn tâm dùng dao đâm chết vợ.
Hiện trường vụ án mạng
Theo người dân, Quân là kẻ không nghề nghiệp lại ham mê cờ bạc, cá độ, thường xuyên đánh đập chị H. khiến chị phải ôm 2 con thơ bỏ về nhà mẹ đẻ cách đây 2 tuần.
Khi chị H. ở nhà bà Vệ, chị thường xuyên đóng cửa để tránh Quân tìm đến nhưng hôm đó, Quân gọi cho 2 con, nói muốn gặp mẹ, 2 bé đã mở cửa cho Quân vào nhà.
Quân bày tỏ muốn đón chị H. về nhà nhưng chị không chịu, Quân cho rằng chị H. bỏ chồng về nhà mẹ đẻ không xin phép là sai. Quân cũng đòi bán nhà, đất để trả nợ nhưng vợ không đồng ý.
Sau hồi đôi co, Quân lấy dao mổ lợn thủ sẵn đâm liên tiếp vào người chị H. khiến chị tử vong tại chỗ.
Sau khi gây ra án mạng, Quân đến công an tự thú. Hiện, Công an quận Bắc Từ Liêm đang hoàn tất hồ sơ để sớm đưa đối tượng ra trước pháp luật.
Thứ năm, 19/06/2014 14:31
Theo nguoiduatin.vn

Bày tỏ sự tín nhiệm các viên chức Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi

HÀ NỘI (NV) - Sau các cuộc tranh luận quanh chuyện “lấy phiếu tín nhiệm,” tuần tới, các đại biểu Quốc Hội Việt Nam sẽ biểu quyết về việc sửa đổi hoạt động này thế nào.

Cuối năm 2012, Quốc Hội Việt Nam thông qua một nghị quyết (nghị quyết 35) về “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm.”

Bỏ phiếu ở Quốc Hội Việt Nam. (Hình: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Theo đó, “lấy phiếu tín nhiệm” là công việc sẽ được tiến hành hàng năm, đối với 49 chức danh vốn do các đại biểu Quốc Hội từng bỏ phiếu bầu chọn: chủ tịch Nhà Nước, phó chủ tịch Nhà Nước, chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc Hội, các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc, chủ nhiệm các Ủy Ban của Quốc Hội, thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, chánh án Tòa Án Tối Cao, viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, tổng kiểm toán Nhà Nước.

Còn “bỏ phiếu tín nhiệm” là công việc sẽ tiến hành đối với những người không đạt mức độ tín nhiệm ở vòng “lấy phiếu tín nhiệm” (bị 2/3 đại biểu Quốc Hội xác định là “tín nhiệm thấp,” hoặc trong hai năm liền bị 1/2 đại biểu Quốc Hội xác định là “tín nhiệm thấp.”) Hoặc bị Ủy Ban thường vụ Quốc Hội, các Ủy Ban của Quốc Hội hay 20% đại biểu Quốc Hội yêu cầu “bỏ phiếu tín nhiệm.”

Trong kỳ họp Quốc Hội hồi tháng 6 năm ngoái, lần đầu tiên, các đại biểu Quốc Hội Việt Nam thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm.”

Tuy chuyện “lấy phiếu tín nhiệm” bị chỉ trích vì chia việc bày tỏ mức độ tín nhiệm thành ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp sẽ bảo đảm sự an toàn cho tất cả những viên chức nằm trong diện cần phải thăm dò mức độ tín nhiệm song kết quả vẫn rất đáng chú ý. Ví dụ, ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng Việt Nam, nhân vật tai tiếng nhất song đồng thời cũng được xem là nhiều quyền lực nhất trong đội ngũ lãnh đạo đảng, chính phủ - đã trở thành một trong ba kẻ đội sổ về mức độ tín nhiệm.

Một số ủy viên Bộ Chính Trị khác như ông Trần Ðại Quang (bộ trưởng Công An), ông Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng) đội sổ về mức độ bất tín nhiệm (các đại biểu Quốc Hội bỏ trống, không bày tỏ mức độ tín nhiệm đối với những nhân này).

Năm nay, trong kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội, lẽ ra Quốc Hội Việt Nam phải thực hiện chuyện “lấy phiếu tín nhiệm” theo nghị quyết 35, giống như năm ngoái nhưng trước kỳ họp, Ủy Ban thường vụ của Quốc Hội Việt Nam đề nghị hoãn việc “lấy phiếu tín nhiệm,” sửa nghị quyết 35 theo hướng, không thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” hàng năm như trước mà chỉ “lấy phiếu tín nhiệm” bốn năm một lần.

Ðề nghị này đã bị nhiều đại biểu Quốc Hội chỉ trích mạnh mẽ. Họ đòi vẫn phải thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” mỗi năm một lần. Ðòi bỏ việc chia mức độ tín nhiệm thành ba (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) bởi điều đó khiến việc “lấy phiếu tín nhiệm” trở thành thiếu thực chất, khiến dân chúng chê cười. Các đại biểu Quốc Hội này đề nghị, sửa đổi việc phân chia mức độ tín nhiệm thành hai. Ðó là: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công Tác Ðại Biểu của Quốc Hội Việt Nam loan báo, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam “đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu.” Nội dung “tiếp thu” cho thấy Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam buộc phải nhương bộ, đó là sẽ tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm” hai năm một lần trong mỗi nhiệm kỳ.

Cơ quan này cũng sẽ bỏ chia mức độ tín nhiệm thành ba như trước. Trên phiếu tín nhiệm sẽ chỉ còn: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nếu viên chức nào nhận 75% phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay trong kỳ họp đó. Tuy nhiên vẫn chưa rõ, tuần tới, nội dung của nghị quyết sửa nghị quyết 35 sẽ như thế nào, bởi Ðảng CSVN vẫn lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” Quốc Hội Việt Nam.

Trong thực tế, việc “lấy phiếu tín nhiệm” tuy đã được xác định bằng một nghị quyết nhưng chỉ thực hiện được một lần thì phải thảo luận để sửa dù đó không phải là mong muốn của đa số đại biểu Quốc Hội. (G.Ð.)
06-09- 2014 3:47:08 PM

TQ ngang ngược cho đăng ký quyền sử dụng đất Hoàng Sa, Trường Sa

 theo Tuổi trẻ | 20/06/2014 08:53


Chính quyền Trung Quốc tiếp tục có động thái gây hấn mới khi sẽ cho phép đăng ký quyền sử dụng (QSD) đất ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Báo Economic Observer có trụ sở ở Bắc Kinh dẫn nguồn tin từ Văn phòng Đăng ký bất động sản thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho biết hệ thống đăng ký QSD đất mới của nước này sẽ bao gồm tất cả các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Nguồn tin này xác nhận cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính Trung Quốc lập ra một cách phi pháp để “quản lý” quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, cũng sẽ được đưa vào hệ thống đăng ký QSD đất.
Economic Observer cho biết Trung Quốc lập hệ thống đăng ký QSD đất mới dựa trên mô hình của các hệ thống tại Đức, Úc và Pháp. Hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2018.
Báo Đài Loan Want China Times bình luận việc Trung Quốc cho phép đăng ký QSD đất tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trong chiến lược mở rộng chủ quyền lãnh thổ.
Mới đây Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quốc phòng Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Matxcơva cảnh báo Mỹ và các nước khu vực cần cảnh giác cao độ với việc Trung Quốc lập kế hoạch xây đảo nhân tạo trên biển Đông.
Chuyên gia Kashin cho rằng khi đảo nhân tạo hình thành quân đội Trung Quốc hoàn toàn có khả năng triển khai các hệ thống phòng không tại đây và tổ chức các cuộc tấn công xâm lược bằng máy bay trực thăng và tàu đổ bộ.

Hillary Clinton: Chúng tôi đã ngăn Trung-Ấn mật đàm như thế nào?

 Chí Quân - theo Trí Thức Trẻ | 19/06/2014 08:03



Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trong cuộc họp ở Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2009.

(Soha.vn) - "Các vệ sĩ Trung Quốc dùng tay chặn cửa lại, nhưng tôi đã cúi người luồn qua và cũng vào được bên trong”, bà Clinton kể lại.

Tổng thống lách qua cửa vào phòng và gọi “Ngài Thủ tướng”...

Trong cuốn hồi ký “Hard Choices” (tạm dịch “Sự lựa chọn khó khăn”) ra mắt hồi đầu tháng vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến Trung Quốc hơn 300 lần. Người được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng sáng giá trong cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2016 đã kể lại một số sự cố đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ khi bà nắm giữ chiếc ghế Ngoại trưởng.

Một trong số đó là sự kiện Tổng thống Barack Obama buộc phải xông vào căn phòng nơi ông Ôn Gia Bảo, người khi đó là Thủ tướng Trung Quốc, đang có cuộc họp kín với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, tháng 12/2009.

Báo The Economic Times (Ấn Độ) trích dẫn hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ, theo đó, bà Clinton viết rằng, mục đích của Trung Quốc khi tổ chức cuộc mật đàm nói trên là để cô lập Mỹ bằng cách lôi kéo các nước như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi về phía mình.
Nhưng sự quả quyết và nhanh trí của ông Obama đã phá được kế hoạch của Trung Quốc.

“Trong cuộc hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch, Tổng thống Obama và tôi đã cố tìm gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Chúng tôi hiểu rằng cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa về biến đối khí hậu là lãnh đạo các nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, phải ngồi lại với nhau để đi đến một sự thỏa hiệp.”
“Nhưng phía Trung Quốc đã trốn tránh chúng tôi”, bà Clinton viết.
“Tệ hơn nữa, chúng tôi có thông tin là ông Ôn đã kêu gọi một cuộc họp bí mật với lãnh đạo Ấn Độ, Brazil, Nam Phi để ngăn cản, hay chí ít là làm suy yếu thỏa thuận mà Mỹ đang tìm kiếm. Khi không tìm được bất cứ lãnh đạo nào của các nước nói trên, chúng tôi hiểu ngay là đã có vấn đề, và lập tức huy động tất cả các thành viên đoàn Mỹ tỏa ra nghe ngóng thông tin ở khắp trung tâm hội thảo”.

“Tổng thống và tôi nhìn nhau, và hiểu rằng cả hai đang nghĩ về cùng một điều. Rồi chúng tôi lao qua các dãy hành lang dài của trung tâm hội thảo Nordic, theo sau là một đoàn các chuyên gia, cố vấn...”, bà Clinton kể lại trong hồi ký.

“Sau này, chúng tôi nói đùa rằng đó là “đoàn hộ tống hai cẳng”, một đoàn hộ tống đặc biệt, không có xe pháo dềnh dang như nghi thức mỗi lần Tổng thống di chuyển. Nhưng khi đó, tôi chỉ nghĩ đến thử thách ngoại giao đang chờ ở cuối con đường. Chúng tôi lao đi, phi như bay trên các bậc cầu thang và chạm mặt các quan chức Trung Quốc đang hết sức ngỡ ngàng. Những người này còn cố chỉ đường sai để hòng khiến chúng tôi đi trệch...”, hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ viết.
Theo lời kể của bà Hillary Clinton, khi đoàn Mỹ đến trước phòng họp, ở đó đã có một đám các trợ lý đang cãi cọ và các nhân viên an ninh đầy vẻ căng thẳng. Robert Gibbs, thư ký báo chí Nhà Trắng đang đôi co với một vệ sĩ Trung Quốc. Trong đám hỗn độn ấy, Tổng thống lách qua cửa vào phòng và gọi “Ngài Thủ tướng” thật lớn, khiến ai nấy đều phải chú ý.”


“Các vệ sĩ Trung Quốc dùng tay chặn cửa lại, nhưng tôi đã cúi người luồn qua và cũng vào được bên trong”, bà Clinton kể lại.
“Trong căn phòng họp được bố trí tạm thời với các vách kính được che kín bằng rèm để tránh các ánh mắt dò xét, chúng tôi thấy ông Ôn Gia Bảo đang ngồi cùng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma quanh một chiếc bàn dài.

Tất cả “mắt chữ A, mồm chữ O” khi nhìn thấy chúng tôi. “Các ngài sẵn sàng chưa?”, Tổng thống Obama nói, kèm theo một nụ cười sảng khoái. Giờ thì thỏa thuận thực sự có thể bắt đầu. Khoảnh khắc đó, có lẽ ít nhất bằng một năm đàm phán”, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhớ lại.

Tôi đã làm ông Dương Khiết Trì “giận tái người”

Trong hồi ký, bà Hillary Cliton cũng nhắc lại một cuộc khủng hoảng ngoại giao khác giữa Trung Quốc và Mỹ hồi năm 2009. Đó là sự kiện tàu hải quân Mỹ Impeccable va chạm với tàu của Trung Quốc.

BBC dẫn nguồn từ cuốn sách của bà Clinton, cho biết, trong sự cố xảy ra cách đảo Hải Nam chừng 120km, các thủy thủ Trung Quốc đã ném những tấm gỗ xuống nước để chặn tàu Impeccable và tàu này đáp lại bằng phun vòi cứu hỏa vào thủy thủ Trung Quốc khiến có thủy thủ bị nước xối bay hết quần áo chỉ còn đồ lót.

Cũng theo BBC, một năm sau đó, tại cuộc họp của khối ASEAN tại Hà Nội, bà Clinton đã có phát biểu mạnh mẽ, nhấn mạnh chuyện tự do hàng hải là "lợi ích quốc gia" của Mỹ để đối trọng với "lợi ích cốt lõi" mà Trung Quốc gắn cho Biển Đông.
Phát biểu này đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó Dương Khiết Trì "giận tái người" và đề nghị giải lao một giờ trước khi trở lại với bài phát biểu của mình.
"Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Đông và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài," cựu Ngoại trưởng Mỹ, người từng công du Trung Quốc đến 7 lần trong nhiệm kỳ của mình nhớ lại.

Dương Khiết Trì đến Việt Nam chơi Game?

 
Phạm Trần (Danlambao) - Không thấy bất cứ chỉ dấu nào cho thấy cuộc khủng khoảng ở Biển Đông giữa Việt nam và Trung Cộng sẽ được giải quyết trong tương lai gần sau 3 cuộc họp tại Hà Nội ngày 18/06/2014 của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Ông Dương, người phụ trách về vấn đề biên giới và lãnh thổ của Chính phủ Trung Cộng là viên chức cao cấp nhất được gửi đến Việt Nam kể từ khi Bắc Kinh, vào ngày 02/05/2014, kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 đặt vào bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Từ đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, báo chí và các chuyên viên về Biển Đông và chủ quyền lãnh thổ của hai nước đã đua nhau tranh luận, nhưng đôi khi cũng đã sử dụng những ngôn ngữ “xấu xa nhất” để lăng mạ nhau.


Nhưng khi Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận tin Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì sang Việt Nam để nói chuyện về vụ giàn khoan HD 981 thì quan tâm của dư luận được tập trung vào chuyến đi quan trọng này.

Nói một đàng làm một nẻo

Tuy nhiên, chỉ trước một ngày (17/06/2014) nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì đến Hà Nội thì Cục hải sự Trung Cộng (State Oceanic Administration, SOA) đã công bố quyết định di chuyển giàn khoan dầu thứ 2 từ vùng đảo Hải Nam xuống phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, rất gần với hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh mặc dù hai bên Việt-Trung vẫn còn đang thương thuyết về quyền khai thác.

Các báo Việt Nam dịch tin từ trang Web của Cục Hải sự Trung Quốc công bố ngày 17/6/2014 nói rằng: “Trang web Cục Hải sự TQ dẫn thông tin từ cục Hải sự Hải Nam hôm 17/6 cho hay, tàu kéo Đức Gia đang kéo giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) từ vị trí có tọa độ 17°38 vĩ độ Bắc 110°12.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông. 

Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6. Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600 m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.” (Báo VietnamNet, 19/06/2014)

Theo các báo Việt Nam thì: “Điểm đến của giàn khoan này nằm trong khu vực cửa Nam vịnh Bắc Bộ và còn gần bờ biển Việt Nam hơn cả giàn khoan Hải Dương 981. Đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải.”(báo Petro Times, 19/06/2014)

Nhìn trên bản đồ thì thấy vị trí giàn khoan Hải Nam 9 sẽ đối diện với hai Tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Ngòai ra, trừ cuộc điện đàm và đối thọai căng thẳng giữa Bộ trưởng Ngọai giao Việt Nam Phạm Bình Minh với ông Dương Khiết Trì ngày 06/05/2014, bốn ngày sau khi giàn khoan HD 981 được đặt vào vùng biển Việt Nam, Trung Cộng đã từ chối mọi đề nghị nói chuyện cấp cao hơn với Việt Nam.

Bắc Kinh cũng đã gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam gây hấn và trưng ra một số bằng chứng của Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng ở Hòang Sa và Trường Sa. Trong số bằng chứng này có lời nói của Thứ trưởng Ngọai giao Ung Văn Khiêm, Bản đồ quốc tế, Sách giáo khoa Địa lý lớp 9, và đặc biệt là Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạn Văn Đồng.

Cho đến thời điểm ông Dương Khiết Trì có mặt tại Hà Nội, vẫn chưa thấy Chính phủ Việt Nam đưa ra “Tuyên bố chính thức” nào để bác bỏ các lập luận của Trung Cộng vì, theo lời Tiến sĩ Trần Công Trục nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì: “Những tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn này là có thật.” (trích báo Giáo dục Việt Nam ngày 14/06/2014)

“Tuy nhiên”, ông Trục nói, “nội dung của các tài liệu này cụ thể ra sao và giá trị pháp lý của chúng như thế nào? Đó là những câu hỏi cần được phải làm sáng tỏ trên tinh thần thật sự khách quan, trung thực, cầu thị…:

Thứ nhất, xin nói về hình thức của các tư liệu này:

Tài liệu đầu tiên mà Trung Quốc thường xuyên nêu lên trong tất cả các lập luận về cái gọi là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng thừa nhận “chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa, Nam Sa”. Thực chất đây chỉ là bức thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho cố Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 có liên quan đến Tuyên bố quy định về chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của CHND Trung Hoa; hoàn toàn không phải là “Công hàm” như phía Trung Quốc đã nhấn mạnh.

Các tài liệu khác như Sách giáo khoa địa lý lớp 9, Tập bản đồ thế giới…thực chất đây là những tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu, học tập…

Ngoài ra, còn có một số nội dung khác đã được trích dẫn chủ yếu là những cuộc trao đổi, phát biểu cá nhân của một số cán bộ ngoại giao trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.”

Nhưng đó chỉ là quan điểm riêng của Tiến sĩ Trần Cộng Trục, không phải là “lập trường chính thức của Chính phủ Việt Nam”.

Việt Nam cũng chưa thi hành “kế họach kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận đã sẵn sàng từ lâu,như Phi Luật Tân đã làm, để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Sự thiếu cương quyết và không minh bạch này đã khiến cho dư luận trong nhân dân có nghi vấn phải chăng Việt Nam đã bị “há miệng mắc quai” với Trung Cộng bởi những cam kết chính trị, hay chủ quyền lãnh thổ trong quá khứ với Bắc Kinh, hoặc vì không muốn gây hấn quá đà để tránh mất lòng nước láng giềng đã giúp đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc chiến “chống Pháp gìành độc lập” và “chống Mỹ xâm lăng Việt Nam Cộng hòa”?

Có lẽ vì thế mà trong các cuộc nói chuyện với ông Dương Khiết Trì, hai bên đã có sự “kiềm chế phải chăng” và tỏ ra “ hy vọng dè chừng” để không đến nỗi phải “chia tay nhau”. Hai bên cũng tỏ ý muốn kiềm chế tối đa hiểm họa chiến tranh và cùng kêu gọi tiếp tục thảo luận để “ổn định tình hình” ở Biển Đông.

Xinhua viết gì?

Tuy vậy, khi nhìn các ảnh chụp phổ biến thì thấy ngay tính khẩn trương, căng thẳng và bực bội đã hiện trên mặt của ông Phạm Bình Minh cũng như cách “gượng cười” của các ông Trọng, Dũng và họ Dương

Bản tin chính thức của Bộ Ngọai giao Việt Nam viết rằng: “Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức cuộc hội đàm Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt. Hai bên đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và sâu rộng về quan hệ Trung-Việt cũng như tình hình trên biển hiện nay.”

Thêm một lần nữa, ông Phạm Bình Minh đã: “Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Về phiá ông Dương Khiết Trì thì cũng: “Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.”

Vậy đó là “lập trường thế nào”?

Theo Tân Hoa Xã (Xinhua) viết từ Hà Nội thì Dương Khiết Trì đã nói thẳng với ông Phạm Bình Minh những điều như “ra lệnh phải tuân thủ”: “Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan. 

Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồng, gây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”

Lời nói của họ Dương rõ ràng đã nhắc lại “lập trường bất di bất dịch” của Trung Cộng: 

1) Chống mọi khả năng “quốc tế hóa” xung đột giữa Việt Nam và Trung Cộng vì Bắc Kinh không muốn nước khác xía vào chuyện riêng của hai nước Việt-Trung để dễ dàng khống chế và bẻ gãy các lập luận của Việt Nam về chủ quyền biển đảo. Trung Cộng đã thành công trong chiến lược chia rẽ khối 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để cho khối này không chính thức có Tuyên bố chung ủng hộ Việt Nam hay Phi Luật Tân trong các tranh chấp với Trung Cộng.

2) Đòi Việt Nam phải chấm dứt hoạt động của các tầu Cảnh sát biển, tầu Kiểm ngư và tầu cá quanh vùng giàn khoan HD 981 để cho Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm dầu khí. Nói cách khác, Dương Khiết Trì yêu cầu Việt Nam phải nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển mà Việt Nam cho là của mình, trong khi không điếm xỉa đến các vụ tầu Trung Cộng đâm, va và húc chìm tầu cá Việt Nam.

3) Dương Khiết Trì cũng yêu cầu Việt Nam hãy vì “đại cục” (hay “việc chung của hai nước” ) mà “cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng” . Nhưng hướng nào? Hay là họ Dương muốn ám chỉ đến cái bẫy của Bắc Kinh đã giăng ra từ thời Đặng Tiểu Bình gọi là “gác tranh chấp để cùng khai thác” tài nguyên của Việt Nam ở Biển Đông?

Bản tin của Xinhua còn viết, theo bản Tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa thì:“Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam trân trọng tình hữu nghị truyền thống hai nước, mong tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, sẵn sàng nỗ lực cùng Trung Quốc, cải thiện và phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam sẵn sàng tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai nước về xử lý thoả đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, tránh để cho các vấn đề này quấy nhiễu toàn cục của quan hệ hai Đảng và hai nước, sẵn sàng tiếp tục duy trì sự trao đổi mật thiết với Trung Quốc về tình hình trên biển hiện nay, quản lý và kiểm soát tình hình căng thẳng, giải quyết thoả đáng các vấn đề liên quan, tỏ rõ với bên ngoài rằng hai nước Việt-Trung có khả năng giải quyết bất đồng bằng phương thức hoà bình.”

Trọng – Dũng – Dương

Sau hi họp với ông Minh, họ Dương còn gặp Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại cuộc họp với Dương Khiết Trì, Thông tấn xã Việt Nam cho biết Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã: “Khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước; đánh giá cao về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây.”

Tuy nhiên ông Trọng cũng đã: “Nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng Năm đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực.”

Và, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ gián khoan HD 981, ông Tổng Bí thư đảng CSVN mới đưa ra lời “khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.”

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cũng: “Khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để làm giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn cục diện quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định.”

Tại cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Dương Khiết Trì, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lập lại nội dung gần giống như những ý kiến của ông Trọng đã nói với họ Dương. Nhưng ông Dũng còn nói với ông Dương: “Trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của mình, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, luôn coi trọng việc giữ gìn, tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển giữa Việt Nam - Trung Quốc.”

Ông Dũng cũng yều cầu “Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước….Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, một lần nữa: “Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng và chưa bao giờ thay đổi phương châm hữu nghị trong quan hệ với Việt Nam. Đối với vấn đề tranh chấp trên biển, ông Dương Khiết Trì nêu lại lập trường của Trung Quốc.”

Đáng chú ý là trong cả 3 cuộc nói chuyện, hai bên đều không nhắc đến phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt của Trung Cộng trao cho Việt Nam, tiếp theo sau Hội nghị bí mật ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Cộng) năm 1990 giữa hai Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Giang Trạch Dân, đó là: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Trước đây, trong tất cả các cuộc họp lãnh đạo cấp cao đôi bên thì phía Việt Nam luôn luôn, như một thông lệ không thể thiếu, nhắc đến phương châm này trong diễn văn hay khi phát biểu để làm vui lòng khách Trung Cộng!

Nhưng trong cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông Dương Khiết Trì đã trực tiếp trả lời cho những phê phán từ phía Việt Nam cho rằng phía Trung Cộng đã “nuốt lời”, sau vụ giàn khoan HD 981. 

Ông Dương bảo ông Dũng: “Trung Quốc coi trọng chưa bao giờ thay đổi phương châm hữu nghị trong quan hệ với Việt Nam.”

Ngoài ra cũng không hề thấy phía Việt Nam phản đối hay chất vấn tại sao, cùng thời gian với hoạt động của giàn khoan HD 981 thì Trung Cộng đã khẩn trương biến 6 trong số 8 đá ngầm chiếm của Việt Nam ở Trương Sa năm 1988 thành các “đảo nhân tạo” để mở rộng tầm kiểm soát chủ quyền bất hợp pháp?

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Trung thì Trung Cộng đã xây “đảo nhân tạo” trên các bãi đá Gạc Ma, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Gaven, Su Bi, và Châu Viên

Như vậy, nếu đem so với hành động “nói không đi đôi với làm” và những lời “gay gắt” ông Dương Khiết Trì nói như ra lệnh cho ông Phạm Bình Minh thì sẽ thấy họ Dương đã đến Hà Nội để “chơi Game mua thời gian” với hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng để cho giàn khoan HD 981 tiếp tục tự do hoạt động chứ không phải tính chuyện rút đi, hay chấm dứt chủ trương bá quyền và bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh./.

(06/014)

Báo Nhật: Một tiêm kích F-22 có thể "khuất phục" 20 máy bay TQ

Phan Thuấn - Khang Minh - theo Trí Thức Trẻ | 19/06/2014 13:21


Ảnh minh họa theo một kịch bản giả định của báo Nhật, trong đó, các tiêm kích J-10, J-20 sẽ bị bắn rụng như sao trên nền trời biển Hoa Đông.

(Soha.vn) - Theo tạp chí SAPIO (Nhật Bản), một tiêm kích F-22 của Mỹ có khả năng đánh bại 20 tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc.

Các kịch bản xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản.

Tạp chí SAPIO của Nhật Bản đưa ra giả thuyết rằng một khi Trung Quốc chiếm Senkaku, Nhật Bản làm thế nào để phản công? Theo tạp chí này, kết quả đợt tác chiến mô phỏng “tái chiếm đảo Senkaku” do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản phối hợp tổ chức cho thấy, nếu hệ thống an ninh Mỹ - Nhật hoạt động bình thường, “liên quân Mỹ - Nhật sẽ có được thắng lợi tuyệt đối trong tác chiến tái chiếm đảo Senkaku”.

Theo SAPIO, khi phải đối mặt với thách thức về tham vọng trên biển của Trung Quốc, Nhật Bản đã trang bị cho đội tàu hộ tống số 2 đóng tại Sasebo và số 4 đóng tại Kure các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo. Bên cạnh đó các tàu ngầm lớp Soryu và Oyashio tiếp tục tiến hành các chuyến tuần tra trong khu vực có tranh chấp trên biển Hoa Đông, đây được coi là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Trung Quốc hoạt động trong những vùng biển này.

Theo bài báo, không thể đánh giá thấp Hải quân Trung Quốc khi lực lượng này đang không ngừng được hiện đại hóa, tuy nhiên, do tàu sân bay Liêu Ninh không trang bị thiết bị phóng nên các tiêm kích J-15 trên tàu không thể cất cánh khi trang bị đầy đủ vũ khí. Cũng chính vì điều này mà “gần như không thể tính toán được hiệu quả tác chiến của con tàu”.
Các tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh không thể cất cánh khi trang bị đầy đủ vũ khí
Các tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh không thể cất cánh khi trang bị đầy đủ vũ khí

Khác với Hải quân, Không quân Trung Quốc có thể triển khai hơn 100 máy bay chiến đấu thế hệ 4 từ các căn cứ trên bộ. Trong khi đó, liên quân Mỹ - Nhật có thể triển khai 70 máy bay chiến đấu F-15J và 20 chiếc F-2. Ngoài ra, Mỹ còn có thể triển khai các tiêm kích trên tàu sân bay để đảm bảo chiếm ưu thế trên không. Một phóng viên quân sự của Nhật Bản cho biết Nhật Bản có 200 máy bay chiến đấu F-15 nhưng một nửa trong số này chưa được hiện đại hóa, chúng khó chia sẻ dữ liệu với các máy bay chiến đấu của Mỹ nên có thể sẽ gặp khó khăn trong một chiến dịch hiệp đồng tác chiến giữa SDF và quân đội Mỹ.
Tạp chí SAPIO cho rằng một tiêm kích F-22 của Mỹ có khả năng đánh bại 20 tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc.
Tạp chí SAPIO cho rằng một tiêm kích F-22 của Mỹ có khả năng đánh bại 20 tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc.

Cũng theo SAPIO, nếu Trung Quốc chủ trương đánh chiếm quần đảo vốn đang được Nhật Bản quản lý, Mỹ có thể triển khai các tiêm kích F-22 từ căn cứ Kadena. SAPIO nhận định, một máy bay chiến đấu F-22 tương đương với 10 máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc sử dụng đến 20 máy bay chiến đấu thì F-22 cũng có khả năng đánh bại tất cả, sau đó quay về an toàn.

Cuộc chiến được giả định diễn ra tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài J-20, J-31, Nhật Bản dự đoán phải đối mặt với nhóm tác chiến tàu sân bay mang theo tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc.