Friday, August 10, 2018

Tái cơ cấu Bộ Công an: một cột mốc?

RFA-2018-08-10   
Các công an nhân dân Việt Nam. (Hình minh họa)
Các công an nhân dân Việt Nam. (Hình minh họa)-AFP
Sau khi có nghị quyết về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Bộ Công an do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành; vào ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ Công an. Tiếp liền sau đó ngành này xúc tiến việc cải tổ.
Điều này được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam cho rằng, đây có thể được xem là đợt giảm biên chế lớn nhất của ngành công an từ trước đến nay.

Cuộc cách mạng lớn của “ngành”

Bộ Công an Việt Nam vào chiều ngày 7/8 đã có buổi họp báo công bố chính thức xóa sổ 6 tổng cục, hơn 60 đơn vị cấp cục và 300 đơn vị thuộc cấp phòng.
Thiếu tướng Lương Tam Quang chánh văn phòng của Bộ Công an nói tại buổi họp báo rằng “Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục; mà sắp xếp, tinh gọn các đơn vị thuộc Bộ Công an sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc không rõ nhiệm vụ, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.”
Ông Quang giải thích thêm rằng lực lượng công an dôi dư từ Bộ, sau khi tinh giản sẽ được bố trí tăng cường cho địa phương. Các tổng cục trưởng vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ theo quy định, có một số tổng cục trưởng xuống làm cục trưởng. Ông nhấn mạnh rằng trong cuộc tái cơ cấu này “ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Luật sư Trần Quốc Thuận gọi quá trình tái cơ cấu bộ công an là "đợt tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị."
Tôi đánh giá đây là cuộc sắp xếp mang tinh thần tiến bộ và có thể coi đó là một cuộc cải tổ đáng ghi nhận từ bộ công an, thậm chí đó là ý chí cao nhất của Bộ Chính trị.
- NB. Trương Duy Nhất
Nhà báo Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cũng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, đây được xem là đợt cải tổ bộ máy chính quyền đáng ghi nhận vì theo ông này thì ngoại trừ Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An lâu nay được xem là một thành trì bất khả xâm phạm, anh cho biết thêm:
“Thì cái cuộc cải tổ và tinh giản lại cái bộ máy lần này thì tôi đánh giá đây là cuộc sắp xếp mang tinh thần tiến bộ và có thể coi đó là một cuộc cải tổ đáng ghi nhận từ bộ công an, thậm chí đó là ý chí cao nhất của Bộ Chính trị. Bởi vì không thể xóa hết một lần 6 tổng cục và giảm gần 60 đơn vị cấp cục từ 126 cục còn 60 cục, cấp phòng giảm 300 đơn vị cấp phòng, giảm kinh khủng như thế cùng một lúc.”
Việc xóa sổ 6 tổng cục trong Bộ Công an đã râm ran trong dư luận từ lâu nay. Đề án cải tổ này đã được ngành công an xây dựng trong suốt 2 năm qua, kể từ sau đại hôi đảng lần thứ 12. Mục tiêu của việc cải tổ được nói nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng công an.
Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết thêm: “Thì vừa rồi Bộ Công an cũng đã điều chuyển các tướng lĩnh của các tổng cục, các cục bị dôi ra đã được dần dần điều chuyển về các địa phương làm giám đốc CA các tỉnh thành, ông nào tới tuổi về hưu thì cho về và đưa các tướng từ tổng cục và cục bị giải thể về làm lãnh đạo công an các địa phương để giải quyết các vấn đề thừa các tướng này và giải quyết theo tinh thần và chủ trương mới trong ngành công an là không bố trí người đứng đầu CA các tỉnh thành là người địa phương.”
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, bộ đồ trắng đứng giữa.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, bộ đồ trắng đứng giữa. AFP
Vị nhà báo này còn cho biết, đây không chỉ là biện pháp giảm bớt bộ máy Công An, mà còn là một ý chí từ Bộ Chính trị muốn công phá trừng trị các tướng tá dính đến tham ô, tham nhũng.
Cùng quan điểm đó Nhà báo Võ Văn Tạo cho RFA biết “Bởi vì trong cái giai đoạn mười mấy năm trở lại đây ngành công an đã có bành trướng ghê gớm việc phong hàm cấp tướng cho công an rất là nhiều. Mà đối với ngành công an thì có nhiều tiêu cực mà chúng ta đều thấy. Thực tế cho thấy là một khi lực lượng quá mạnh mà không kiểm soát được chất lượng thì nó xảy ra những tiêu cực rất là ghê gớm, không chỉ mất niềm tin đối với dân mà chính nó cũng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.”

Cột mốc đáng ghi nhận?

Trong một báo cáo của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ công bố hôm 2 tháng 7 năm 2018. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108, tính từ năm 2015 đến đầu tháng 3/2018, tổng số biên chế đã được giải quyết tinh giản là hơn 34.000 người. Ngoài ra, các Bộ ngành sắp xếp giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ và Cục.
Kể từ đầu tháng 8 đã có hai tỉnh thành đã thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và tái cơ cấu lại đội ngũ viên chức. Trong đó tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong việc giảm hơn 1000 viên chức làm việc trong cơ sở giáo dục, tiếp đến là Thanh Hóa với hơn 2000 cán bộ, viên chức đang làm việc tại các địa phương.
Riêng Bộ Công an đến ngày 7 tháng 8 công bố giải thể 6 Tổng cục, giảm từ 126 đơn vị cấp Cục còn 60 và giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Không có số liệu cho biết Bộ Công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.
Những bộ ngành nào cũng vậy vừa đủ hợp lý thì vận hành nó chạy, còn mà bôi ra nhiều quá, anh này làm ngồi nhìn anh kia tị nạnh nhau rồi đùn đẩy nhau thì nó không hiệu quả, nếu tin gọn được như thế thì rất tốt.
-NB. Võ Văn Tạo
Một câu hỏi được đặt ra là đây có phải là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị dành cho Bộ Công an hay không. Nhà báo Trương Duy Nhât cho biết:
“Tôi cho là lấy bộ công an ra làm thí điểm và nó song hành với cuộc chiến chống tham nhũng được cho là quyết liệt từ trước tới nay. Bởi vì chủ trương nhất thể hóa chúng ta thấy được từ chủ trường cấp hành chính thấp nhất trở lên mà nó khởi động từ  Quảng Ninh thành chiến dịch cắt giảm các thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh tại các bộ ngành, tôi cho đó là mặt tích cực.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng so với các tinh giảm biên chế trước đây thì lần này được xem là cột mốc lịch sử trong việc thanh giảm bên chính quyền
Ông đánh giá “Trước hết là chi tiêu giảm bớt đi, các đầu mối tổng cục và cục cũng giảm bớt đi cho lương, chế độ xe cộ này nọ phụ cấp công tác phí …và những chuyện khác nữa mọi thứ đều giảm đi thì nó cũng có hiệu quả. Những bộ ngành nào cũng vậy vừa đủ hợp lý thì vận hành nó chạy, còn mà bôi ra nhiều quá, anh này làm ngồi nhìn anh kia tị nạnh nhau rồi đùn đẩy nhau thì nó không hiệu quả, nếu tin gọn được như thế thì rất tốt.”
Những nhà quan sát chính trị và các nhà báo mà chúng tôi tiếp xúc đều có cùng quan điểm cho rằng cuộc tinh giảm lần này không nên dừng lại ở Bộ Công an mà cả hệ thống chính trị cơ quan Đảng cũng phải làm triệt để, vì ngân sách quốc gia không nuôi nổi một bộ máy cồng kềnh mà kém hiệu quả như bấy lâu nay.

Hệ quả của nạn nâng điểm thi tốt nghiệp phổ thông 2018

 Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-08-10  
Ảnh minh họa: Công an, an ninh Việt Nam bắt người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 09/12/2012.
 Ảnh minh họa: Công an, an ninh Việt Nam bắt người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 09/12/2012.AFP
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc nâng khống điểm thi Tốt Nghiệp Phổ thông Trung học năm 2018, ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn… là hàng chục thí sinh từ các địa phương vừa nêu đậu thủ khoa vào các trường an ninh, quân đội. Hiện tượng này tác động đến xã hội như thế nào?

Nghi vấn đậu thủ khoa

Học viện An ninh cho báo giới biết có 47 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao nhất năm 2018, đến từ 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, là các tỉnh bị phát hiện nâng điểm thi khống trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018. Thủ khoa và á khoa đậu vào Học viện Hậu cần, Học viện Khoa học Quân sự, Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Lục quân năm 2018 đều đến từ Hòa Bình. Gần 5% thí sinh trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị là thí sinh của Lạng Sơn. Thí sinh của tỉnh Sơn La là thủ khoa và á khoa hai trường Học viện Biên phòng và Học viện Kỹ thuật Quân sự năm nay.
Công luận đặt ra nghi vấn đối với kết quả xét tuyển như vừa nêu vì do hậu quả từ vụ việc nâng điểm thi khống tại Hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018, ở các tỉnh bao gồm Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình mà hàng loạt cán bộ giáo dục bị bắt giam và khởi tố.
Bên cạnh đó, công luận còn đặc biệt quan tâm đến thông tin trong số 35 thí sinh tự do, là cảnh sát cơ động ở Lạng Sơn, nằm trong danh sách điểm bị phát hiện cao bất thường thì có đến 28 người đậu vào Học viện Cảnh sát và Học viện An ninh. Ba thí sinh cảnh sát cơ động trúng tuyển có bài thi tự luận môn Ngữ văn bị giảm điểm sau khi được chấm lại.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận những ngày qua, trên các mạng xã hội, dư luận bày tỏ sự hoang mang về hiệu quả làm việc của những cán bộ, thuộc các ban ngành quốc phòng của Việt Nam là các sinh viên được nhào nặn từ sự gian dối trong giáo dục, sau này sẽ ra sao? Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến, từ Hà Nội chia sẻ:
“Việc những em đó bây giờ đỗ vào như thế, những người nhìn theo góc độ tiêu cực thì đặt ra câu hỏi các em kém năng lực mà lại đỗ vào thủ khoa các trường an ninh thì ra trường sẽ trở thành cán bộ an ninh như thế nào? Người ta thắc mắc như vậy bởi vì gần đây vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, gồm các tướng an ninh cấp cao, thậm chí liên quan đến Bộ trưởng Bộ Công An, đến cả an ninh bên nước Đức và nước Slovakia nữa, cũng như vụ việc vẫn chưa dừng lại. Thế thì liệu các em có năng lực kém, điểm thấp, thậm chí còn không tốt nghiệp trong các kỳ niên khóa của mình, mà bây giờ đỗ vào thủ khoa để trở thành các tướng, tá an ninh thì sẽ còn như thế nào nữa?”
Tôi cho là ngành nào cũng thế thôi. Bởi vì bằng chứng ở chỗ mãi đến bây giờ, như ai đó đã nói là ‘một dân tộc không chịu lớn’ thì có lẽ thế thôi. Và tất nhiên những ngành ở lãnh vực chủ yếu của hệ thống, nó nhạy cảm thì nó sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Dẫu sao thì đây cũng là lỗi của cả hệ thống và cũng là câu chuyện dài, không thể khắc phục ngày một ngày hai được đâu
-TS. Trịnh Hòa Bình

Lỗi hệ thống

Lê tiếng với RFA, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng nỗi lo ngại của công luận không phải là không có cơ sở khi mọi lãnh vực trong xã hội Việt Nam tồn tại hiện trạng viên chức, cán bộ nhà nước mà người ta gọi là “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói:
“Tôi cho là ngành nào cũng thế thôi. Bởi vì bằng chứng ở chỗ mãi đến bây giờ, như ai đó đã nói là ‘một dân tộc không chịu lớn’ thì có lẽ thế thôi. Và tất nhiên những ngành ở lãnh vực chủ yếu của hệ thống, nó nhạy cảm thì nó sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Dẫu sao thì đây cũng là lỗi của cả hệ thống và cũng là câu chuyện dài, không thể khắc phục ngày một ngày hai được đâu.”
Truyền thông quốc nội, vào cuối tháng 10 năm 2016, dẫn nguồn từ các chuyên gia dự báo có khoảng 700 ngàn công chức, viên chức (chiếm 30%) làm việc không có hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn trong vai trò Phó Thủ tướng cũng đã tuyên bố đội ngũ công chức chỉ có khỏang 30% có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Và, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh rằng 30% cán bộ còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Ảnh minh họa: Các sỹ quan quân đội Việt Nam mua đồ lưu niệm trên Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson, ở Đà Nẵng ngày 05/03/18.
Ảnh minh họa: Các sỹ quan quân đội Việt Nam mua đồ lưu niệm trên Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson, ở Đà Nẵng ngày 05/03/18. AFP
Hồi trung tuần tháng Giêng năm 2018, Kiểm toán Nhà nước công bố phát hiện dư thừa hơn 57 ngàn cán bộ trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, góp phần không nhỏ vào bội chi ngân sách hàng năm của chính phủ.
Qua thông tin nữ sinh Sơn La là thủ khoa Học viện Cảnh sát năm 2018 có bố mẹ làm công an, không ít người khẳng định lại là một hình thức “tham nhũng quyền lực”, mà theo nhận định của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thì bộ máy hành chính của Đảng Cộng sản và hành chính của Nhà nước Việt Nam tham nhũng từ trên xuống dưới và vô phương cứu chữa.

Căn nguyên từ giáo dục

Vào ngày 6 tháng 8, Báo mạng Giáo dục Việt Nam dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội phát biểu rằng vụ việc gian lận trong thi cử là báo động đạo đức xã hội và sự giả dối sẽ làm cho xã hội suy vi. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh nếu để giả dối trong giáo dục lan truyền, mà không được khắc phục thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước và dân tộc.
Chế độ này tuyển dụng những kẻ vô dụng bất tài như thế để sau này hy vọng vào tương lai bảo vệ chế độ thế thì chế độ này chắc sẽ không tồn tại được lâu
-Ông Nguyễn Chí Tuyến
Báo giới và cộng đồng cư dân mạng cũng lan tỏa câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela rằng “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Trong khi đó, một số nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhận xét sự gian giối trong thi cử và trong tuyển dụng cán bộ, viên chức ở Việt Nam càng tiếp diễn, có thể nhìn dưới khía cạnh tích cực thì Việt Nam càng tiệm cận hơn với tự do, dân chủ, như nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến khẳng định: “Chế độ này tuyển dụng những kẻ vô dụng bất tài như thế để sau này hy vọng vào tương lai bảo vệ chế độ thế thì chế độ này chắc sẽ không tồn tại được lâu.”

Công an, quân đội bắt dân ký cam kết ‘không đi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu’

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy (áo dài cầm băng rôn) cùng chồng là Lê Khánh Duy (bồng con) xuống đường biểu tình chống dự Luật Đặc Khu hôm 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: Facebook Huỳnh Thục Vy)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một loạt văn bản bị rò rỉ trên mạng xã hội hôm 10 Tháng Tám cho thấy dường như công an, ban chỉ huy quân sự các địa phương đang có hành động “dọn đường” cho “Luật Đặc Khu” sắp được thông qua.
Trước thời điểm Tháng Mười, 2018, dự trù Quốc Hội CSVN sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắt là Luật Đặc Khu), phong trào phản đối dự luật này vẫn đang âm ỉ trên mạng xã hội.
Có lẽ vì vậy mà người ta thấy Ban Chỉ Huy Quân Sự quận Hoàn Kiếm trong một văn bản gửi các phường, cơ sở, cơ quan đề ngày 3 Tháng Tám, 2018, ghi: “Trong thời gian tới, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, các thế lực phản động ở nước ngoài tiếp tục móc nối với các đối tượng chống đối trong nước để chống phá.”
“Trên cơ sở đó, đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiểu rõ chủ trương và sự cần thiết phải ban hành Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng… Lãnh đạo các cơ quan vận động, tuyên truyền cán bộ, nhân viên, học sinh, gia đình trên địa bàn viết bản cam kết chấp hành nghiêm pháp luật và không nghe lời xúi giục đi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu,” văn bản nêu trên ghi.
Cùng thời điểm, một văn bản đề ngày 6 Tháng Tám bị rò rỉ cho thấy Công An thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cũng phát đi một nội dung tương tự nhưng nhấn mạnh chi tiết: “Đề nghị phát hiện và báo cáo danh sách thể hiện cán bộ, công chức trên địa bàn tham gia mạng xã hội và bình luận, chia sẻ phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng về Công An thành phố Biên Hòa (qua đội An Ninh) trước ngày 15 hàng tháng.”
Từ các văn bản nêu trên, có thể thấy, tin Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội “chưa xem xét Luật Đặc Khu trong Tháng Tám” chỉ là kế hoãn binh của CSVN, trong lúc ráo riết cho công an, ban chỉ huy quân sự tại các địa phương đồng loạt khuyến cáo và bắt người dân phải ký bản cam kết “không nghe lời xúi giục đi biểu tình phản đối Luật Đặc Khu.”
Việc sắp đặt này không ngoài mục tiêu để việc bỏ phiếu thông qua dự luật vào Tháng Mười, 2018, sẽ “êm ả” hơn hồi Tháng Sáu. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền sẽ mạnh tay trấn áp nếu việc tuyên truyền, ép người dân ký “giấy cam kết” không hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, 11 trong số 20 người bị kết án tù từ 8 đến 18 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” (thực chất là vì đi biểu tình chống Luật Đặc Khu ở Đồng Nai) vừa làm đơn đề nghị kiểm tra việc họ bị quản giáo ngăn cản kháng cáo và đe dọa “nhốt chung với người nhiễm HIV/AIDS” để trừng trị.
Đồng Nai và Bình Thuận là hai tỉnh vừa cấp tập đưa hàng chục người biểu tình hồi Tháng Sáu ra tòa và phạt án tù “để răn đe” cho những người dân còn có ý định tiếp tục phản đối dự Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. (T.K.)

Lũ quét lên nhanh nhấn chìm cả vùng biên giới ở Kon Tum

Lũ quét, cây cối ngã rạp. (Hình: Thanh Niên)
KON TUM, Việt Nam (NV) – Chỉ vài giờ đồng hồ, lũ quét lên nhanh nhấn chìm cả vùng biên giới thuộc huyện Ia H’Ddrai.
Sáng 10 Tháng Tám, 2018, nói với báo Thanh Niên tại thôn 3, xã Ia Dal, huyện Ia H’Ddrai, Trung Tá Phạm Xuân An, đồn phó Đồn Biên Phòng Suối Cát, thuộc huyện Ia H’Ddrai, tỉnh Kon Tum, ngao ngán nói: “Lũ lên nhanh lắm. Cả ngày, đêm mưa lớn liên tục.”
Trước đó, khuya ngày 9 Tháng Tám, nước lũ bắt đầu đổ về đục ngầu trên dòng suối Bãi Lau, ngập ngang các con đường. Đến khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, cầu Bãi Lau ngập hơn 1 mét, nước chảy xiết, cuốn trôi tất cả những gì trên đường của dòng chảy. Các con đường tắc nghẽn, khó qua lại.
Trong vòng vài giờ đồng hồ, nước dâng lên nhanh, lại chảy mạnh đã nhấn chìm nhiều nóc nhà của người dân ở đây.
Ông Võ Xuân Thắng (38 tuổi, ở thôn 3, xã Ia Dal) cho biết, khi lũ về, ông và một người em đang ngủ thì giật mình thức giấc, nhìn ra xung quanh nước đã vây lênh láng tứ bề đành bỏ chạy thoát thân.
Nhiều tài sản của người dân bị lũ cuốn trôi. (Hình: Thanh Niên)
Theo mô tả của báo Thanh Niên, xung quanh nhà ông Thắng, rác, gỗ mục, tôn, kèo… vương vãi. Nhìn xuống dòng suối, cỏ rạp, chuối và hàng loạt cây khác bị tróc gốc nằm chỏng chơ.
Chưa hết, lũ đã làm sập và kéo hai xưởng mộc nhà ông Thắng xuống suối, trôi mất. Căn nhà ở thì nước dâng lên 1.5 mét, trôi sạch giấy tờ tùy thân, tủ lạnh, ti vi và rất nhiều tài sản khác, gây thiệt hại khoảng 400 đến 500 triệu đồng (khoảng $17,000 đến $21,000).
Ông Bùi Văn Nhàng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Ia H’Drai, cho biết mưa lũ đã làm ngập hầu hết các thôn, làng, nhiều nơi đã bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Đến chiều cùng ngày, huyện Ia H’Drai vẫn chưa thống kê đầy đủ thiệt hại do lũ quét gây ra. Tuy nhiên, Đài Khí Tượng Thủy Văn Kon Tum báo động, huyện Ia H’Drai sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, rủi ro thiên tai ở cấp độ 1.
Theo đó, trong hai ngày qua, lượng mưa đo được đạt 151 mm. Trong 24 giờ tới,  huyện Ia H’Drai tiếp tục có mưa to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc và ngập úng ở vùng trũng thấp, rủi ro thiên tai ở cấp 1. (Tr.N)

Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam cựu bí thư Bến Cát

Ông Nguyễn Hồng Khanh khi còn đương chức. (Hình: bencat.binhduong.gov.vn)
BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Ông cựu bí thư thị xã Bến Cát bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, sáng 10 Tháng Tám, 2018, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh (51 tuổi, cựu bí thư thị xã Bến Cát).
Trước khi làm bí thư thị xã Bến Cát, ông Khanh từng làm trưởng Phòng Tài Chính Ủy Ban Nhân Dân huyện Bến Cát (cũ, nay là thị xã Bến Cát), sau đó giữ chức phó chủ tịch, rồi chủ tịch ủy ban thị xã Bến Cát, và bí thư thị xã Bến Cát.
Giữa năm 2016, ông Khanh bị cách chức bí thư thị xã Bến Cát, điều động về Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Bình Dương cho đến nay.
Theo báo Người Lao Động, đúng 3 giờ chiều cùng ngày, tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo để thông báo chính thức vụ bắt giữ cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh.
Đại Tá Trần Văn Chính, phó giám đốc Công An tỉnh Bình Dương, cho biết Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Bình Dương đang thụ lý điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Hồng Khanh khi còn đương chức. (Hình: bencat.binhduong.gov.vn)
Báo này cho hay, trong lúc điều tra, công an xác định từ năm 2005 đến 2008, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuất Khẩu Thương Mại An Tây (viết tắt công ty An Tây) do bà Hồ Thị Hiệp làm giám đốc, có vay của chi nhánh Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn 72 tỷ đồng (hơn $3 triệu), tài sản thế chấp là khoảng 20 hécta đất, nhà xưởng, thiết bị với định giá khoảng 80 tỷ đồng (hơn $3.4 triệu). Đến năm 2008, công ty An Tây không có khả năng trả nợ, bị đưa vào diện nợ xấu.
Từ năm 2012-2015, ông Vũ Huy Hùng, giám đốc chi nhánh ngân hàng trên, cùng ông Vũ Quang Lập là một phó trưởng phòng “đã làm thủ tục xử lý tài sản thế chấp. Bên mua là ông Nguyễn Hồng Khanh.”
Theo cơ quan điều tra, việc giải quyết như trên của ông Hùng, Lập “có dấu hiệu vi phạm về giao dịch bảo đảm thời gian, cùng một số quy định khác gây thiệt hại cho ngân hàng, trong đó có vấn đề: Không đấu giá tài sản, tự ý hạ thấp giá trị tài sản.”
“Quá trình điều tra bước đầu xác định ông Khanh đã có thỏa thuận với ông Hùng và ông Lập thực hiện các hành vi trên,” báo Người Lao Động cho hay.
Báo Tiền Phong cho biết: “Ông Khanh lúc đó là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị xã Bến Cát đã thỏa thuận với ông Hùng, ông Lập để trích 50% số tiền bán tài sản cho bà Hiệp, phần còn lại đưa cho ngân hàng. Trong quá trình điều tra, công an xác định ông Khanh đã đưa cho bà Hiệp 4.1 tỷ đồng (hơn $176,139) sau khi đã trả tiền mua tài sản cho ngân hàng.”
“Từ những sai phạm trên của ông Khanh, cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án vào ngày 12 Tháng Ba, 2018, và đến ngày 10 Tháng Tám đã ra quyết định khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Hồng Khanh, tỉnh ủy viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương,” báo này viết.
Ngoài ra, theo báo Thanh Niên, Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh ủy Bình Dương đã kiểm tra, chỉ ra nhiều sai phạm của ông Khanh trong thời gian giữ các chức vụ bí thư, chủ tịch ủy ban, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân thị xã Bến Cát khi “tự quyết định thay cho tập thể một số vấn đề quan trọng” và “can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền.” (Tr.N)

Đô thị thông minh, có thành công hay lại đầu voi đuôi chuột?

RFA-2018-08-08   
Hình chụp hôm 11/4/2011: thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ bên kia sông Sài Gòn
Hình chụp hôm 11/4/2011: thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ bên kia sông Sài Gòn-AFP
Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc mới phê duyệt đề án phát triển đô  thị thông minh bền vững VN giai đoạn 2018-2025, hướng đến năm 2030.
Theo đề án này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng xong nền tảng pháp lý và tiến hành các khâu chuẩn bị từ cơ sở dữ liệu  cho đến mô hình quản lý dân cư, giao thông, đất đai,…
Đến năm 2025, mục tiêu chính phủ Hà Nội đề ra là thực hiện giai đoạn 1 thí điểm đô thị thông minh và đến năm 2030 sẽ triển khai nhân rộng hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho RFA biết một số thông tin về việc xây dựng đô thị thông minh ở VN:
Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ đang đưa các đoàn sang Mỹ và một số nơi để học mô hình đô thị thông minh. Cái chính là trong quá trình phát triển đô thị thông minh ở VN bây giờ, nhất là những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh rất đông dân, hơn 10 triệu dân nên tất cả các vấn đề rất phức tạp. Hơn nữa lại là thời kỳ mình chưa có kinh nghiệm phát triển đô thị nên từ đường sá đến nhà cửa, rất nhiều cái mình còn làm chắp vá.
Bây giờ mình đưa ra tiêu chí đô thị thông minh để mình có cái hướng tới công tác quản lý đô thị phải được nâng lên một bước.
Tức là không phải làm đô thị thông minh như ở các nước, chẳng hạn như Canberra cũng đang hướng tới đô thị thông minh nhưng VN chúng ta hướng tới đô thị thông minh để bắt đầu xác định dần các tiêu chí để hướng tới cái đó.
Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng đất nước mình bây giờ nếu đưa vào ngay cả ở thành phố lớn thì tôi vẫn e rằng có gì đó vẫn còn khập khiễng.
- TS. Nguyễn Thị Hậu
Cơ quan chức năng TP.HCM hồi tháng 4 vừa rồi đã họp liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh và đưa ra ý kiến VN không nên theo bất cứ mô hình đô thị thông minh nào trên thế giới mà nên “liệu cơm gắp mắm” theo tình hình trong nước. Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết thêm:
Ví dụ như quản lý thông tin địa lý là điểm rất quan trọng, quản lý cấp nước, cấp điện,… tất cả hướng đến một giải pháp hiện đại hơn. Những điều này nếu làm tốt thì thành phố sẽ hoạt động tốt hơn và nói một cách khác nó thông minh hơn.
Đó là chủ trương của thành phố và bây giờ cũng đang tập trung làm, nhưng không phải làm toàn bộ mà đang chọn một số lĩnh vực có thể tiếp cận được một cách tương đối dễ và không tốn kém chi phí quá. Nếu từng phần làm tốt được thì tự động đô thị sẽ thông minh hơn hiện nay.
Tôi nghĩ từng bước cũng có thể làm được, nhưng con đường dài còn khó khăn bởi vì nền tảng còn đang rất sơ sài.
Hiện chưa có một định nghĩa cụ thể cho đô thị thông minh nhưng có thể hiểu là mô hình lấy công nghệ thông tin làm trọng tâm, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn sống của đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Chất lượng phục vụ của chính quyền là một trong những tiêu chí căn bản nhất của mô hình đô thị thông minh. Kể từ năm 2010 khi lần đầu tiên khái niệm đô thị thông minh được đưa về VN đến nay đã 8 năm, các thành phố lớn vẫn đang loay chưa xong việc xây dựng chính quyền điện tử, tức là mọi thủ tục hành chính cho người dân đều được thực hiện qua Internet.
Theo các chuyên gia Hà Lan, để được công nhận là một thành phố thông minh thì phải đáp ứng đủ 5 yếu tố là sử dụng năng lượng thông minh, giao thông thông minh, chính phủ thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh. Tất cả đều dừa trên những ứng dụng công nghệ điện tử, tin học hiện đại.
Hình chụp hôm 12/8/2016: một nhà tập thể xây kiểu Liên Xô cũ ở Hà Nội
Hình chụp hôm 12/8/2016: một nhà tập thể xây kiểu Liên Xô cũ ở Hà NộiAFP
Trong khi đó ở VN, kể cả ở các thành phố lớn, các chuyên gia trong nước đã chỉ ra nhiều bất cập như giáo dục còn lạc hậu, y tế thì bệnh viện luôn quá tải, nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung cũng còn nhiều vấn đề như thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, rác thải, ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu của Đại học Yale, Mỹ cho biết VN là một trong 10 quốc gia ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.
Đây cũng là những vấn đề được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nêu lên:
Ở VN, cứ trào lưu nào trên thế giới xuất hiện thì sớm muộn cũng xuất hiện ở VN, đặc biệt qua tuyên truyền và các văn bản của Nhà nước. Nếu nói về xu hướng phát triển của thế giới trên văn bản thì phải nói rằng chúng ta làm rất nhanh. Nhưng từ lý thuyết đến triển khai vào thực tế luôn có hiện tượng không phù hợp lắm trong thực tế.
Đứng trên góc độ nghiên cứu về văn hóa tôi thấy rằng xu hướng đô thị thông minh trên thế giới là đúng đấy và nhiều nước họ đã thành công. Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng đất nước mình bây giờ nếu đưa vào ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì tôi vẫn e rằng có gì đó vẫn còn khập khiễng.
Trước đây VN cũng nhiều lần “nhập khẩu” trào lưu của thế giới từ giáo dục đến công nghệ thông tin hay kinh tế nói chung. Chẳng hạn như mô hình giáo dục VNEN vốn rất thành công ở Mỹ Latinh nhưng khi đưa về VN đã thất bại. Hay cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đang được VN học từ nước ngoài, mô hình nông thôn mới, hay thậm chí mô hình đặc khu kinh tế đang bị người dân phản đối cũng bắt nguồn từ nước khác.
Tôi nghĩ từng bước cũng có thể làm được, nhưng con đường dài còn khó khăn bởi vì nền tảng còn đang rất sơ sài.
-Ông Nguyễn Trọng Hòa
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cũng cho rằng VN sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi xây dựng mô hình đô thị thông minh:
Ví dụ về giao thông, mình vẫn còn nhiều xe máy, ít phương tiện cộng cộng. Để làm đô thị thông minh mình hướng tới giao thông công cộng nhiều lên, giảm bớt phương tiện cá nhân, từ xe máy đến ô tô. Bây giờ mình đã có xe buýt rồi nhưng mình kết nối tốt hơn, như vậy là thông minh hơn. Nếu kết nối chưa tốt thì đi lại khó khăn, người dân không thiết tha với xe buýt lắm.
Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Chính phủ Hà Nội sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là nguồn nhân lực:
Theo tôi hiểu đô thị thông minh phải dựa trên nền tảng Internet phát triển. Tất cả các dữ liệu và phương thức quản lý của mình phải dựa trên sự phát triển của Internet, từ đó phải có phương thức quản lý cho phù hợp. Quản lý xã hội, phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị, và đặc biệt vấn đề liên quan đến an sinh của con người.
Nói đến công nghệ 4.0 hay kể cả đô thị thông minh tôi cho rằng vấn đề cơ bản nhất là không thể coi máy móc thay thế con người mà những phương tiện hiện đại đó để phục vụ cho những con người đang quản lý thôi. Vậy thì điều quan trọng là những con người đó có đáp ứng được sự phát triển của mặt kỹ thuật hay không?
Một vấn đề nữa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hâu nêu ra đó là trong tất cả các văn bản liên quan đến cái gọi là đô thị thông minh của chính quyền, không thấy nêu đối tượng được quản lý cụ thể là ai. Khi chưa xác định được đối tượng cộng đồng con người mà chính quyền đó quản lý thì bà e rằng đô thị thông minh cũng chỉ dừng lại ở phần máy móc, trang thiết bị đầu tư thôi, còn sẽ rất khó đi vào thực tiễn.

Sinh viên và chuyện kiếm tiền

TTVN-2018-08-08 
Nhiều sinh viên ở lại hè để đi làm thêm
 Nhiều sinh viên ở lại hè để đi làm thêm-RFA
Trong khi vụ bê bối điểm thi tốt nghiệp ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam chưa giải quyết rõ ràng thì hiện tại, hàng trăm trường đại học ở Việt Nam vừa công bố điểm chuẩn vào trường. Việc học như một giấc mơ và nếu như với nhiều học sinh thành phố, con ông cháu cha thì việc đỗ đạt vào một trường nào đó chỉ là một thủ tục để hợp thức hóa cái chức sau này của họ thì với các học sinh nghèo nông thôn lại khác, giấc mơ tốt nghiệp đại học là giấc mơ thay đổi số phận, thay đổi cái nhìn của dân làng với tộc họ, của xã hội đối với quê hương mình. Và để qua được những năm tháng đại học, đa số sinh viên từ quê lên thành phố học đều phải đi làm thêm kiếm tiền ăn học, mỗi người chọn một ngành nghề nhưng tâm lý chung thì vẫn là kiếm được đồng nào, cha mẹ đỡ đồng đó.

Sinh viên được gì?

Bạn Trương Thị Lan Hương, sinh viên trường công nghệ thực phẩm Sài Gòn, chia sẻ: “Đi làm thêm để phụ trang trải kinh phí gia đình. Vì ở nhà ở quê ba mẹ làm ruộng vất vả lắm, mình cũng chỉ phụ được tiền ăn thôi chứ tiền học thì ba má vẫn phải cho tại vì học phí của tụi em khá nhiều. Kinh phí học bây giờ khá cao so với ba má làm lụng vất vả ở nhà nhưng mỗi năm có được bao nhiêu đâu nhưng học phí của tụi em mỗi kì cả mấy triệu, mười mấy triệu rồi.”
Sài Gòn là mảnh đất nhiều sinh viên chọn để theo học. Với các bạn trẻ ở quê, từ khi ý thức gia đình mình nghèo, muốn thoát khỏi vòng xoáy thiếu, đói bủa vây thì chỉ có thể ráng sức mà học và họ chọn các trường đại học ở Sài Gòn để thi vào một phần vì công việc ở thành phố này nhiều không những sau khi ra trường, mà ngay khi vào trường, nếu muốn làm thêm đã không phải là khó.
Bạn Đinh Thùy Hương, sinh viên học viện bưu chính viễn thông cho hay: “Mỗi tháng gia đình em gửi cho 1 triệu rưỡi, còn nếu em không đi làm thêm thì chắc mỗi tháng phải 3 triệu.”
Với số lượng hơn 50 trường đại học, chưa kể các trường trung cấp, cao đằng, các trung tâm dạy nghề… Sài Gòn là mảnh đất nhiều sinh viên chọn để theo học. Với các bạn trẻ ở quê, từ khi ý thức gia đình mình nghèo, muốn thoát khỏi vòng xoáy thiếu, đói bủa vây thì chỉ có thể ráng sức mà học và họ chọn các trường đại học ở Sài Gòn để thi vào một phần vì công việc ở thành phố này nhiều không những sau khi ra trường, mà ngay khi vào trường, nếu muốn làm thêm đã không phải là khó.
Bạn Lan Hương chia sẻ thêm: “Mỗi ngày được tầm 100 ngàn đến 150 ngàn, cũng phụ giúp được một ít cho gia đình rồi.”
Bạn Thùy Hương chia sẻ: “Mỗi ngày như vậy bình quân em thu được 200 ngàn. Chi phí mỗi ngày thì tiền thuê nhà trọ, xăng xe, ăn uống, đang hè nên em không tốn tiền mua sách… chi tiêu bình thường thôi, nếu dư thì em gửi tiết kiệm ngân hàng.”
Theo kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ như Lan Hương và Thùy Hương, tìm được việc làm thêm ở trong quá trình đi học có ý nghĩa rất lớn đối với họ. Với các công việc bán thời gian như gia sư, chạy bàn, bán hàng ngoài giờ… Mức thu nhập các bạn nhận được đủ để lo tiền ăn uống, mua các dụng cụ cần thiết trong quá trình học của mình, ngoài ra tiền học vẫn phải xin ba mẹ.
Nhưng khi hè đến, nhiều sinh viên quyết định ở lại thành phố để làm toàn thời gian, như vậy họ vừa đỡ tốn một khoản ăn ở quê, tiền tàu xe… mà còn tăng thêm thu nhập. Nhiều bạn sinh viên chọn nhận thêm vài suất dạy thêm trong quá trình hè. Nghĩa là buổi sáng họ tranh thủ dạy sớm, đến nhà học sinh từ 7 giờ sáng và kết thúc suất đầu tiên lúc 8 giờ 30, sau đó tiếp tục đến suất thứ hai từ 9 giờ đến 10 giờ 30. Về cơm trưa, nghỉ ngơi, họ lại bắt đầu suất thứ ba lúc 2 giờ và nhiều khi kết thúc suất thứ năm lúc 9 giờ tối… Tăng số suất dạy của mỗi ngày lên, ít nhất mỗi tháng hè họ cũng nhận được vài triệu đồng, ăn uống ki cóp cũng đủ để đóng học phí đầu năm.
Một số bạn có ngoại hình dễ nhìn thì thường chọn xin những chân PR trong các chương trình quảng bá thương hiệu, công việc này cho thu nhập cao mà cũng đỡ vất vả hơn những nghề khác, tuy không phải ai cũng có may mắn này.
Theo chia sẻ của Thùy Hương, không khó để tìm được công việc làm thêm mà vấn đề là mình có chịu khó hay không thôi. Lấy mình ra làm ví dụ, Hương nói mình cũng đã kiêm qua nhiều công việc nhưng hè này bạn quyết định tìm đến các bến xe, các địa điểm công cộng để bán sim cho các hãng di động. Bởi công việc này vừa giúp ích cho bạn về kinh tế vừa giúp bạn học hỏi nhiều điều.
Chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa, năm học mới lại bắt đầu. Cái vòng lẩn quẩn cơm áo gạo tiền đâu đó thoắt ẩn thoắt hiện trong những bữa cơm sinh viên, những bước chân hối hả cho kịp giờ làm thêm, những cuốn sổ tiết kiệm ngắn hạn để khỏi sợ bị cướp giật, móc túi ở đất Sài thành… Đâu đó trong ánh mắt của các bạn trẻ, tương lai vẫn ở phía trước khi ta tự lực từ hôm nay.
Đinh Thùy Hương cho biết: “Đối với các bạn sinh viên năm nhất thì khi mới lên thì nếu siêng tìm việc làm hoặc hỏi thăm các anh chị các khóa trên thì rất dễ kiếm được việc làm nếu không tự kiếm được việc làm. Nếu mình chủ động đi kiếm được việc làm thì thường tìm được các công việc như gia sư… việc này em cũng thường làm hồi còn năm nhất, năm hai. Bây giờ thì em đi bán sim, nói chung là công việc trên thành phố rất nhiều, nếu các bạn siêng năng và chịu làm.”

Mất gì?

Tuy việc làm thêm mùa hè giúp ích không ít cho nhiều sinh viên, nhất là các sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố lớn học tập nhưng đôi khi, nó cũng chính là cám dỗ nếu các bạn không kiên định.
Nói về vấn đề này, Thùy Hương chia sẻ thêm: “Về mặt cám dỗ trên đây cực kì nhiều luôn. Nếu các bạn không tự chủ thì rất dễ sa đọa vào các cuộc vui chơi bỏ bê học hành hoặc là đi làm thêm kiếm tiền trước mắt mà bỏ học.”
Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ như Hương, việc học ở các thành phố lớn luôn mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, nhưng đó cũng là nơi có nhiều cám dỗ nhất. Từ một cô gái quê chân chất thật thà, không ít bạn trẻ sau đó trở thành tú bà, trùm ma túy. Từ những cơ hội kiếm tiền nhỉnh hơn một chút, dần dà, nhiều bạn sa chân và mãi không rút ra được khỏi cái hố bùn mà họ lỡ giẫm chân vào.
Và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của sinh viên. Với con số hàng ngàn sinh viên ở Sài Gòn bị đuổi học hằng năm vì điểm số kém, bên cạnh sự than phiền của nhiều bạn rằng bài giảng nhiều khi quá chán đến mức lên lớp chỉ biết ngồi ngủ gục, rồi thì thi lần là cho qua chuyện, thì việc làm thêm nhiều cũng là một nguyên nhân. Nhiều bạn mãi chạy theo công việc đến mức không còn sức để theo học. Cũng có bạn đi làm thêm và nhận ra rằng những điều mình học hỏi được từ cuộc sống giúp ích cho mình nhiều hơn, và rằng “cái ngành mình học, tụi con cha cháu ông nó đầy rẫy rồi, ra trường không có tiền, mà cũng không có ô dù như mình, chạy miết cả đời không có việc”, vậy nên cũng không ít người chọn theo “nghiệp làm thêm”, thả việc học.
Chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa, năm học mới lại bắt đầu. Cái vòng lẩn quẩn cơm áo gạo tiền đâu đó thoắt ẩn thoắt hiện trong những bữa cơm sinh viên, những bước chân hối hả cho kịp giờ làm thêm, những cuốn sổ tiết kiệm ngắn hạn để khỏi sợ bị cướp giật, móc túi ở đất Sài thành… Đâu đó trong ánh mắt của các bạn trẻ, tương lai vẫn ở phía trước khi ta tự lực từ hôm nay.

Trường ‘chuẩn quốc gia’ ở Đồng Nai mới xây, đang… chờ sập

Học sinh cùng giáo viên ôn tập dịp Hè trong vài phòng còn “tạm được” như thế này. (Hình: Người Lao Động)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Một ngôi trường “chuẩn quốc gia” ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, được xây dựng chưa lâu nhưng “bỗng dưng” xuống cấp trầm trọng, từng mảng tường rơi xuống khiến nhiều phòng học phải bỏ hoang.
Theo báo Người Lao Động, đó là tình trạng đang diễn ra tại trường Trung Học Cơ Sở Phước Thái, được công nhận đạt chuẩn quốc gia, ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 9 Tháng Tám, 2018, đến ngôi trường này, nhiều người khó tưởng tượng các học sinh và giáo viên đang phải dạy và học trong một ngôi trường xuống cấp trầm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến vậy.
Trường có ba dãy, xây dựng theo hình chữ U, thì cả ba đều rơi vào tình cảnh mục ruỗng, hoang tàn. Nhìn bên ngoài, đã thấy cảnh hoen bẩn, rêu phong không khác một ngôi trường bỏ hoang. Vào bên trong hầu hết các dãy nhà đều bị hư hỏng nặng nề, tường nứt, hoen ố, bục giảng bong tróc, nền nham nhở, mỗi phòng học đều rỉ nước khi mưa, nền tróc từng mảng…
Do sợ nguy hiểm cho học sinh, giáo viên và thực tế cũng không thể tiếp tục dạy và học trong những căn phòng mà các mảng trần nhà liên tục rơi xuống, nên hiện tại hơn nửa số phòng học tại đây đã bị bỏ không. Nhà trường cho chắn các lối đi, để mọi người không được đi đến nơi nguy hiểm. Do vậy, học sinh phải dồn lại, học tạm ở những phòng còn tương đối an toàn, nhưng cũng không khá hơn là mấy.
Các bức tường, vôi vữa xoa nhẹ là rơi rụng, chỉ thấy toàn cát. (Hình: Người Lao Động)
Theo phản ánh của ban giám hiệu nhà trường, trường Phước Thái được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004, gồm 24 phòng học và một số phòng chức năng, hội trường, khu vực hành chính. Hai năm trở lại đây, trường bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.
Thừa nhận với báo Người Lao Động, bà Huỳnh Lệ Giang, giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Đồng Nai, cho biết tình trạng xuống cấp của trường diễn ra từ cuối năm 2017, sau đó Ban Quản Lý Dự Án huyện Long Thành đã khảo sát và cho biết chi phí sửa khoảng hơn 3.5 tỷ đồng (hơn $150,336). Tuy nhiên, do trường tiếp tục xuống cấp trầm trọng, nên Ủy Ban Nhân Dân huyện Long Thành đề nghị Sở Xây Dựng tỉnh xem xét nên tiếp tục sửa chữa hay là xây trường mới.
Tuy nhiên, đại diện Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai thì cứ hẹn “hiện đang tiến hành kiểm định, để có kết luận về nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý.”
Trong khi đó, nhiều lần nhà trường đã có tờ trình gửi ủy ban huyện Long Thành và Sở Giáo Dục Đào Tạo để “kêu cứu,” nhưng hiện các bên liên quan mới bắt đầu vào cuộc.
Để “chữa cháy,” khi chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới, các bên liên quan đưa bèn ra giải pháp tạm thời là một nửa số học sinh của trường sẽ phải mượn ngôi trường tiểu học Phước Thái cũ, nơi đã ngưng sử dụng mấy năm nay do nằm trong khu vực giải tỏa của một dự án giao thông để học tạm. Nửa số học sinh còn lại sẽ tiếp tục học tại trường, ở những phòng “còn tạm được.”
Bực tức và thất vọng, một số người dân đã xin cho con em chuyển sang trường khác vì lý do không an toàn. (Tr.N)

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị tạm giữ vì ‘xịt sơn lên cờ đỏ?’

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy. (Hình: Facebook Huỳnh Thục Vy)
ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Sáng 9 Tháng Tám, 2018, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị hàng chục công an ập vào nhà riêng ở Buôn Hồ, Đắk Lắk, và bắt tạm giam để điều tra, với “cái cớ” mà chính quyền tỉnh Đắk Lắk đưa ra là “xịt sơn lên cờ tổ quốc.”
Bà Huỳnh Thục Vy được biết đến là tác giả cuốn sách “Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền.” Bà là con gái của cựu tù nhân lương tâm, nhà bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn.
Bà Vy từng bị chính quyền liên tục cho người sách nhiễu do đi biểu tình chống Trung Quốc, chống dự Luật Đặc Khu, cũng như thường xuyên đưa tin về nhân quyền trên mạng xã hội.
Đáng lưu ý, bà Vy bị bắt trong lúc đang nuôi con gái nhỏ chỉ mới 22 tháng tuổi. Chồng của bà Vy, ông Lê Khánh Duy cùng con gái được cho là đang bị an ninh canh giữ tại nhà riêng và điện thoại bị tịch thu.
Đến cuối ngày 9 Tháng Tám, chưa có lệnh bắt hoặc khởi tố đối với bà Vy được công bố.
Nhật báo Người Việt được tiếp cận một văn bản ghi “Lệnh Khám Xét Khẩn Cấp” đối với bà Vy do Trung Tá Trần Quang Vinh, phó thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thị xã Buôn Hồ, ký.
Lệnh khám xét khẩn cấp đối với nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thị xã Buôn Hồ. (Hình: Facebook Huỳnh Bá Phương)
Tờ giấy này ghi: “Tại chỗ ở có tài liệu liên quan đến vụ án” nhưng không ghi rõ chi tiết vụ án gì.
Vụ bắt giữ bà Vy và khám nhà bà được suy đoán rằng bà bị tạm giữ để điều tra, lệnh truy tố nếu có sẽ được công bố sau ba ngày theo “quy trình.”
Trong các post trên trang cá nhân trước khi bị bắt, bà Vy nói mình “không việc gì phải làm việc với an ninh theo giấy triệu tập gửi lần thứ năm vì nghi liên quan đến vụ xịt sơn lên cờ đỏ.”
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy và con gái. (Hình: Facebook Huỳnh Thục Vy)
Hồi cuối năm 2017, người ta thấy trên trang cá nhân của bà Vy đăng một số tấm ảnh chụp bà bên cạnh cờ đỏ “bị bạc màu và có ai đó xịt sơn lên.”
Trong một diễn biến khác, cũng trong hôm 9 Tháng Tám, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải đưa cáo buộc trên trang cá nhân rằng ông bị Facebook xóa post thông báo khẩn về vụ Huỳnh Thục Vy bị bắt với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” trong lúc post này đã đạt trên 1,000 lượt share.
Hồi cuối Tháng Bảy, 2018, bà Vy viết lời nhắn đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thọ án 16 năm tù, trên trang cá nhân: “Anh ơi, đồng ý ra đi đi. Ở tù lúc này không ích gì cả. Những người cần sự bền chí của anh làm nguồn cảm hứng thì đã được truyền cảm hứng rồi. Số còn lại, họ không thấy ở anh nguồn động lực nào cho cuộc sống và ý chí của họ cả. Anh ở bên ngoài vẫn còn làm được nhiều việc hơn. Xin nhắn gởi đến gia đình anh.”
Hồi năm 2012, bà Vy cùng cha mình được tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) trao giải Hellman/Hammett nhằm “ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị.” (T.K.)