Friday, May 4, 2018

Giải pháp nào cho cờ Vàng và cờ Đỏ

Theo RFA-Phi Cảnh-2018-05-04  
Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu châu ở Bruxelles, Bỉ để cùng biểu tình hôm 30/4/2015
 Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu châu ở Bruxelles, Bỉ để cùng biểu tình hôm 30/4/2015-RFA
Cờ Vàng hay cờ Đỏ là chủ đề gây tranh cãi bao năm qua, đó không chỉ là sự tranh cãi giữa những người Cộng hòa và Cộng sản, mà còn là sự bất đồng trong chính những người đấu tranh dân chủ. Tình trạng này bao giờ mới chấm dứt?

Hiểu biết là một quá trình

Việc bị nhồi sọ từ bé khiến cho ác cảm về cờ Vàng rất khó phai nhạt. Người Cộng sản tô vẽ rằng “Cờ ba sọc” là biểu tượng của cái ác. Vì thế mà ngay chính những nhà hoạt động dân chủ - những nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản cũng ngượng ngùng khi được trao cho lá cờ này.
Ban đầu thì những nhà dân chủ chỉ đơn thuần chỉ trích lãnh đạo hiện tại, cho rằng họ suy thoái đạo đức, tham nhũng, đi chệch hướng so với những gì mà thế hệ lãnh đạo đi trước mong muốn. Có nghĩa là lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa vẫn tốt đẹp, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh vẫn vĩ đại, và vì thế mà lá cờ đỏ sao vàng vẫn thiêng liêng. Có người còn giặt sạch sẽ, gấp phẳng phiu lá cờ để mang đi biểu tình chống Trung Quốc.
Nhưng mà dần dần rồi người ta hiểu thêm được nhiều thứ.
Cờ Đỏ sao vàng hóa ra không phải cờ dân tộc như mọi người vẫn nghĩ, nó giống đến 99% cờ của tỉnh Phúc Kiến – nơi có thể coi như điểm khởi đầu của Cộng sản Trung Quốc. Nhìn cờ Phúc Kiến khiến cho cảm tình với cờ Đỏ sao vàng giảm đi ít nhất 1 nửa.
Rồi cùng với thời gian, hàng bao nhiêu cái xấu xa được tìm hiểu. Rồi Nhà nước Việt Nam lập nên những Hội cờ Đỏ đi đàn áp tôn giáo, xỉ nhục những người lên tiếng vì chủ quyền đất nước… Với từng ấy điều xảy ra, ngày trước dẫu có yêu cờ Đỏ mấy thì bây giờ nhìn vào cũng thấy không đẹp nữa.
Cho dù lá cờ ấy có tung bay khi một người Việt nào đó giành được một thành tựu ở quốc tế, Nhà nước Việt Nam Cộng sản cũng chỉ tìm cách khuếch trương, tung hô quá đà với mục đích cho người dân và những nhà đấu tranh dân chủ thấy rằng: đất nước Việt Nam vẫn tươi đẹp lắm, đáng tự hào lắm, các anh đừng có quấy phá, chê bai làm gì.
Xin khẳng định đó đều là những thành tích nhỏ nhoi và phải lâu lắm mới có 1 lần, nó không giúp ích được gì nhiều mà còn làm che giấu thực trạng đáng báo động của đất nước với bao nhiêu vấn đề cấp bách cần phải quan tâm.
Các quốc gia dân chủ, tiến bộ hơn cũng có vấn đề, nhưng mức độ của nó thấp hơn, không đến mức “chết người”, không vô lý đến mức khủng khiếp. Người ta có lúc đấu tranh với các vấn đề xã hội, có lúc ăn mừng thành tựu, thì việc ăn mừng ấy là bình thường. Còn mình chẳng quan tâm đến những vấn đề ngay sát sườn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo mà lại đi tung hô quá đà, tự hào mù quáng với thứ mà mình chẳng được hưởng thì đúng là kỳ cục.
Cứ mỗi một thành tích nhỏ bé ấy, Đảng thổi phồng lên, cho tung hô với cờ Đỏ ru ngủ người dân dù đất nước ngày càng tụt hậu. Việt Nam hiện nay đã thua cả Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất; thua Campuchia về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thua về Công nghiệp ô tô và thua cả những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa gạo.
Chúng ta từ trước tới nay luôn “tự hào” là dẫn đầu nhóm 4 nước nghèo nhất Asean là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar; nhưng nay đã bị Lào và Campuchia vượt qua nhiều mặt, nếu cứ tiếp tục tình hình này thì sẽ còn thua cả Myanmar.
Cái công lao “thống nhất đất nước” đến nay cho thấy không còn đúng nữa. Tại sao không nghĩ rằng đó là sự mở rộng cái nghèo đói cho cả 2 miền vốn chẳng đem lại lợi lộc gì ngoài bao nhiêu người chết?
Kết quả ấy chỉ đơn thuần là chiến thắng của Chủ nghĩa Cộng sản, hay nói đúng hơn là của một nhóm lãnh đạo Cộng sản. Nhóm người có chức có quyền ấy thắng, là vì sau khi cướp được chính quyền, họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú, tỷ phú Đô la dễ như bỡn; còn phần thua thuộc về cả dân tộc, cả đất nước.
Người Đức có cách thống nhất mà không tốn một giọt máu. Mà nếu không mang Chủ nghĩa Cộng sản về Việt Nam thì còn độc lập dễ hơn nhiều, vì các nước thực dân đến một thời điểm đều trao trả thuộc địa. Hồng Kông rồi cũng được trả về cho Trung Quốc đấy thôi, nhưng dân Hồng Kông có lẽ chẳng bao giờ được tự do như thời còn làm thuộc địa nữa. Và một điều quan trọng: Hồng Kông giàu có văn minh là do thực dân Anh hay do Trung Quốc?

Có giải pháp nào dung hòa?

Nhiều người kêu gọi sự hòa giải từ hai phía, nghĩa là cần phải có giải pháp dung hòa cho cả hai, điều này nghe thì hay và tưởng chừng là khách quan, nhưng không hợp lý.
Hãy nhìn người Mỹ hòa giải như thế nào. Khi tướng Lee - chỉ huy quân đội miền Nam quyết định đầu hàng, vị tư lệnh miền Bắc là tướng Grant đã nghiêm cấm các sĩ quan và binh lính không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng miền Nam bại trận. Tướng Lee đến nơi hẹn trong tiếng kèn chào đón của lính miền Bắc.
Hai người nói chuyện thân mật về kỷ niệm từng sát cánh thời chiến tranh với Mexico. Tướng Grant (bên thắng) ngại ngùng không dám hỏi tướng Lee về quyết định đầu hàng. Thành ra câu chuyện kéo dài, đến nỗi tướng Lee (bên bại) sốt ruột, phải chủ động nói: mục đích buổi gặp gỡ ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng.
Tướng Grant (bên thắng) chủ động viết những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó cam kết binh lính miền Nam không bị coi là phản quốc và không phải ở tù; chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ. Sau đó ông cũng chấp nhận cho bính lính miền Nam được đem lừa ngựa về nhà để giúp gia đình.
Khi quân miền Bắc định bắn đại pháo ăn mừng, tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức. Ông nói: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.
Sau chiến tranh, có nghĩa trang chung cho binh lính hai miền, cờ miền Nam vẫn tung bay trên nước Mỹ. Và còn nhiều tình tiết cảm động nữa. Đáng chú ý, miền Bắc nước Mỹ - phe thắng trận, phe muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, là phe có nhiều chính nghĩa hơn nhưng lại chủ động nhún nhường.
Nó trái ngược hoàn toàn với cách đối xử của Bắc Việt với Nam Việt sau 1975:  hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù khổ sai với mỹ từ “học tập cải tạo”; cả triệu người bị tịch thu tài sản, bắt đi vùng Kinh tế mới; đó là chưa kể những nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị cư xử tàn tệ, còn cờ Vàng đương nhiên là bị cấm.
Thế cho nên những trường hợp nhắn nhủ với người Việt tị nạn rằng: “Ở đâu cũng là người Việt Nam, phải yêu thương lấy nhau, không nên hận thù”, thì đấy là những người chẳng hiểu gì cả. Họ cầm cờ Đỏ sang Mỹ “hòa giải” trong khi đáng lẽ phải cầm cờ Vàng ra Hà Nội mới đúng. Họ nói đồng bào hải ngoại đừng “thù hằn” trong khi người ở trong nước ai ai cũng được dạy phải căm thù “Mỹ - Ngụy”. Đã thắng rồi mà còn căm thù, vậy mà bắt những người bị tan cửa nát nhà, chết trên biển cả phải yêu quý mình sao?
Quân miền Bắc nước Mỹ nhiều lẽ phải hơn mà còn nhún nhường để hòa giải, còn Bắc Việt đã sai mà lại tìm mọi cách nhục mạ người bị hại. Hòa giải phải xuất phát từ bên đã làm việc không đúng, phải đi xin lỗi người mình đã gây hại chứ không thể nào xuất phát từ bên bị hại. Nhất là bên sai nhưng lại suốt ngày ca ngợi việc làm sai ấy thì làm sao xóa đi được nỗi đau.
Xin khẳng định là: Nếu không phân biệt được đâu là bên chính nghĩa sẽ không thể có sự hòa hợp dân tộc, không thể có giải pháp dung hòa. Dung hòa thế nào, rằng “chúng tôi đã có công thống nhất đất nước, các anh hãy quên chuyện cũ đi, quên cờ Vàng đi để yêu cờ Đỏ rồi đừng thù hằn nữa” chăng?
Chỉ khi nào bên Cộng sản thừa nhận rằng “chúng tôi đã dại dột làm anh lính xung kích cho Nga và Trung Quốc khiến bao người Việt chết oan để rồi đất nước nghèo nàn và lại bước vào một thời kỳ Bắc thuộc mới. Chính chúng tôi hiện nay cũng dị ứng với cờ Đỏ vì gợi nhớ lại thứ chủ nghĩa quái thai và mang ý nghĩa là 1 tỉnh của Trung Quốc. Mãi sau này chúng tôi mới biết được rằng cờ Vàng là cờ dân tộc có từ thời vua Thành Thái. Nay chúng tôi đồng ý đổi tên nước thành Việt Nam Cộng hòa, xóa bỏ chế độ độc đảng, đưa đất nước đi theo con đường tự do dân chủ. Chỉ xin giữ lại bài Tiến Quân Ca làm quốc ca (có thể thay lời), vì nhạc sỹ Văn Cao thật ra sau này cũng chẳng ưa gì Cộng sản và bị đóng dấu phản động”, thì khi đó người Việt tị nạn mới có thể bỏ qua hết mọi chuyện để chung tay xây dựng đất nước.
Nhưng điều này chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra, nếu không tin, hãy nhìn cái cách họ ăn mừng ngày 30/4 thì rõ.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ai là "thực dân" trên đất nước hình chữ S

Paramita Thành Đỗ (Danlambao) - Trên FB có người tiếp tục và quen miệng gọi người Pháp là "thực dân", vậy ta cùng nhau xem "ai" mới chính thực là "thực dân" của nước Việt Nam? 

"Thực dân" là gì? Theo định nghĩa thì khi một chũ nghĩa áp đặt quyền cai trị lên một dân tộc và bóc lột tận xương tủy dân tộc nay thì gọi là "thực dân"Thực dân là một loại "dân ăn" cai trị, bóc lột và phá hoại đất nước. 
Với 80 năm tại Việt Nam, nhìn kỹ thì ta thấy những gì mà chúng ta có ngày nay, cái thành phố mà ta sống, con đường ta đi, công viên mà ta đi dạo, bờ sông thơ mộng, hoặc tất cả những gì được xem như một công trình lớn bình diện quốc gia thì tất cả đều do người Pháp đã xây dựng để lại, họ đã: 

- Xây dựng quy hoạch hầu hết các thành phố lớn nhỏ của VN, từ ải Nam Quan đến Cà Mau; 

- Xây dựng đường phố, đường xe lửa, đường cống rảnh, hệ thống nước uống sạch; 

- Họ để lại một hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh và văn minh; 

- Một đất nước mà văn hoá và bản chất dân tộc được phát triển, tôn sư trọng đạo, đạo làm người, làm trò, làm con, làm dân có bổn phận với xã hội trong nề nếp tôn ti trật tự. 

Tất cả, vâng tất cả những gì mà ta gọi là “văn minh” đều do người Pháp họ xây dựng để lại cho nước Việt. Ta cũng thấy là hầu hết các lãnh đạo VN, từ nhiều thế hệ cho đến ngày nay họ đều mơ ước được ở trong một căn biệt thự do người Pháp xây để lại. 

Người Pháp họ gìn giữ biển đảo VN, gìn giữ bờ cỏi VN giỏi hơn nhà cầm quyền CS từ 80 năm nay. Xin nhắc lại chuyện ai cũng biết là chính Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã ký công hàm 1958 nhường biển đảo cho TQ. 

Người Pháp họ đem ánh sáng văn minh tự do đến cho dân Việt vào thời ấy. 

- Tự do ngôn luận: những cụ Phan Chu Trinh hay cụ Phan bội Châu vẫn diễn thuyết, kêu gọi chống Pháp trước dân chúng; 

-Tự do báo chí: ra đời nhiều tờ báo Việt độc lập và tư nhân như Đông Dương tạp chí vân vân; 

-Tự do lập hội đoàn: như nhóm Tự lực Văn đoàn, văn thơ nghệ sỹ hay phong trào yêu nước khắp nơi 

- Tự do tôn giáo: Đạo Cao Đài ra đời, Đạo Phật Giáo Hoà Hảo ra đời, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo hoạt động tự do. 

Nhưng từ 80 năm nay, người CS VN không ngừng kéo lùi dân tộc Việt vào bóng tối của u mê, sự ngu dân lên ngôi để cai trị độc tài và để trục lợi. Người Việt tự xây dựng đã không có gì mà phá bớt đi cũng nhiều từ 80 năm nay, phá bớt trong tình trạng chiến tranh và khủng bố đặt mìn lung tung, pháo kích hoặc bị bom thả, phá rừng, giết biển, bán cát cho ngoại bang. Đất mẹ Việt Nam đang từng ngày giẫy chết với người cs, văn hoá suy đồi, tài nguyên khánh kiệt 

Chỉ có một vài việc mà nhà cầm quyền CSVN hơn hẳn người Pháp: 

- Đem tiền tẩu tán gởi qua Thụy Sĩ; 

- Tuyên truyền láo toét; 

- Tàn ác với chính người dân Việt. 

Ngày nay, người CS kêu gào chuyện hoà giải với người Việt hải ngoại, mà mục đích chính ai cũng biết là vì thế hệ thứ 2 của người Việt tỵ nạn không còn tha thiết với VN, họ nghĩ đến viễn ảnh mất mỗi năm vài chục tỷ $US tiền kiều hối nên sót ruột, nhưng tuy sót đấy nhưng họ vẫn trịch thượng, ngạo mạn đến lố bịch và xem người Việt hải ngoại chỉ là loại ngu dân, nói sao cũng được. 

Nếu người người CS thực tâm muốn hoà giải hoà hợp dân tộc thì đơn giản thôi, học theo Miến Điện kià, có tấm gương đấy: 

- Họ rời khỏi qũy đạo của TQ và thả hết tù nhân lương tâm; 

- Xóa bỏ cái hiến pháp nô lệ chủ nghĩa Mác Lê; 

- Tổ chức tam quyền phân lập và đa nguyên đa đảng; 

- Bầu cử tự do để chọn người xứng đáng lãnh đạo đất nước; 

- Ngưng tức khắc việc tuyên tuyền láo toét, nhồi sọ, tẩy não thế hệ trẻ vì mục đích chính trị. 

Lời thật mất lòng, một vài thiển ý xin chia sẻ với các bạn. 

04/05/2018 

Thấy công bị vặt lông chết mà nghĩ tới dân tộc Việt

Thục Quyên (Danlambao) - Hôm 30/04/2018 tờ South China Morning Post phát hành tại Hongkong đưa tin (1) khách du lịch Trung hoa đã bắt bốn con công trong sở thú Liwan tại Yangzhou (Dương Châu) để nhổ lông đuôi của chúng. Nhân viên sở thú đã phát giác sự việc khi thấy có nhiều vết máu loang lỗ trên đất đá. Bản tin không cho biết tình trạng thương tích của những con công, nhưng nhấn mạnh đây là lần thứ hai sự kiện xảy ra tại vườn thú này, cũng trong cùng năm 2018.

Năm 2017 du khách Trung hoa đã làm như vậy trong một công viên động vật hoang dã gần Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, và năm 2016, hai con công của sở thú Yunnan (Vân Nam) đã chết sau khi bị du khách Trung hoa bắt để chụp hình chung rồi nhổ lông (làm kỷ niệm hay đem bán?)

Chỉ một tuần trước sự kiện xảy ra tại sở thú Liwan, tại công viên động vật hoang dã Fujian (Phúc Kiến) một con kăng-gu-ru bị ném đá chết và một con khác bị thương nặng vì du khách Trung hoa có thói quen ném đá vào những con vật này để... xem chúng nhảy. 

Sự tàn bạo và mức độ nhận thức.

Chuyện lập đi lập lại từ nhiều năm nhưng những vườn thú Trung hoa không có biện pháp ngăn ngừa, cho thấy họ không có khả năng vật chất để làm điều này (tuy có đưa tin và kết tội những kẻ tàn ác) nhưng cũng cho thấy mức độ nhận thức của người dân và nhà cầm quyền Trung hoa về sự tàn bạo cũng như mức độ họ đánh giá những tàn bạo nào không cần bị ngăn cấm và những nạn nhân nào không cần phải bảo vệ.

Chống Trung Cộng nhưng không chống người Trung hoa.

Những nhà tôn giáo, những nhà đạo đức thường hay dạy không chống CON NGƯỜI. Đồng ý rằng ta không thể chống lại cái ÁC bằng cách thù oán mù quáng, biến chính bản thân mình thành cái ÁC: lo lắng bị Trung Cộng cướp nước rồi gặp bất cứ người Trung hoa nào tại Việt Nam cũng tìm cách đánh giết.

Nhưng chúng ta phải có quyền và có bổn phận lo tự bảo vệ, nhìn thấy hiểm nguy trước khi hiểm nguy đến, vì khi hiểm nguy đã tới rồi thì qúa trễ, trở tay không kịp.

Nhưng muốn thấy hiểm nguy thì phải đầu tư thời gian quan sát, phân tích, tìm hiểu, để thông tin chính xác cho đám đông những người cùng cảnh ngộ, thì mới có hy vọng cùng nhau tìm cách đối phó.

Ai cũng biết...

Một ý thức và câu nói sai lầm của nhiều người Việt Nam. 

Mỗi lần gặp một người Việt đi du lịch tôi đều hỏi thăm họ có gặp, có thấy người Trung hoa tràn qua sống tại Việt nam không và họ có lo ngại không, thì đại đa số lắc đầu, không thấy. Năm thì mười họa có người trả lời có nghe nói, nhưng chẳng thấy bằng chứng. Ngay cả những người Việt ở hải ngoại về thăm nhà cũng nói không thấy, hình ảnh họ chụp thì toàn danh lam thắng cảnh, (thấy còn không thấy thì làm sao chụp hình?). Gần đây mới có vài người than là du khách Trung hoa đông. Nhưng du khách Trung hoa bình thường như những du khách khác hay có những điều gì bất thường? Câu trả lời luôn luôn là không có thì giờ để quan sát!

Vậy thì qúa dễ cắt nghĩa tại sao những người bạn ngoại quốc của tôi qua thăm Việt Nam không thể hiểu được tại sao có những người bế con thơ dại đi biểu tình chống Trung Cộng làm gì để bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bỏ tù? 

Bằng chứng, bằng chứng, và bằng chứng.

Nói chuyện đạo đức, kể lể, nguyền rủa, không thể mang tới sự thay đổi trong xã hội.

Đọc thoáng qua chuyện con công hay con Kăng-gu-ru chết không làm người ta suy nghĩ như hình ảnh những bộ mặt nham nhở cười của những kẻ nắm chặt con vật đang dãy dụa cho đứa khác vặt lông sống, hoặc so sánh hình ảnh con kăng-gu-ru nằm chết trong sở thú Trung hoa với con kăng-gu-ru bao quanh bởi ánh mắt thân thiện của những đứa trẻ con trong một sở thú Âu Mỹ.

Cũng như trên một diễn đàn những bạn học cũ, bài nghiên cứu cả tháng trời về tình trạng thảm họa Formosa của tôi (để gửi cho những tổ chức quốc tế bảo vệ môi sinh) được đáp lại bởi tấm hình của một người bạn từ Mỹ về chơi Đà Nẵng chụp đĩa hải sản đầy ắp anh đang thưởng thức.

Đau xé ruột!

Nhưng không phải là lý do để nguyền rủa, mà là một bài học để suy nghĩ khi muốn đóng góp làm việc khai dân trí. Chính người dân phải trực diện với tình trạng thực, thì họ mới có thể phản ứng. Qúa nhanh chóng buộc tội "vô cảm" cho những người thật ra là thiếu hiểu biết, sẽ không giải quyết được vấn đề.

Dân trí người Trung hoa như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Trung Cộng?

Nếu biết những gì đang xảy ra thì sẽ biết những gì sẽ xảy ra.

Bao nhiêu người Trung hoa đang có mặt tại Việt Nam? Thái độ và cách sống của họ trên đất nước chúng ta như thế nào?

Chuyện gì đang xảy ra hàng ngày ở những hãng xưởng Trung hoa tại Việt Nam?

Chuyện gì đang xảy ra hàng ngày cho những người dân ở những xóm làng chung quanh những hãng xưởng đó?

Andrew Sheng, một người chuyên viết về những vấn đề toàn cầu dưới góc nhìn Á đông, đã nhận xét trong bài "Trật tự và hỗn loạn dưới bầu trời" của ông(2):

Giới tinh hoa giờ đây ngày càng mất liên lạc với những gì quần chúng đang suy nghĩ. 

Có lẽ những người hoạt động khai dân trí không được chỉ cơ bản vẽ ra hình ảnh lý tưởng của họ cho đất nước, mà phải thấm vào dân để thấu rõ những chi tiết khó khăn người dân phải trực diện và giải quyết hàng ngày. 

Gom góp tài liệu, lập hồ sơ, gạt cảm tính ra để phân tách tình hình. Đó là những việc làm cần thiết có thể làm một cách kín đáo, không nguy hiểm.



________________________________





Thống nhất và nhất thống

Theo VOA-Trân Văn/04/05/2018 
Thiên Hạ Luận 
Hai lãnh đạo Nam và Bắc Hàn thảo luận tại Nhà Hòa Bình, Bàng Môn Điếm, 27 tháng Tư.
Hai lãnh đạo Nam và Bắc Hàn thảo luận tại Nhà Hòa Bình, Bàng Môn Điếm, 27 tháng Tư.
Cho đến bây giờ, dư âm cuộc hội kiến giữa ông Moon Jae-in – Tổng thống Nam Hàn và ông Kim Jong-un – Lãnh tụ Tối cao của Bắc Triều Tiên vẫn còn ngân rất dài trên mạng xã hội Việt ngữ.
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều người Việt đem cuộc hội kiến này so với sự kiện Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, diễn ra cách nay tròn 43 năm (30/04/1975 – 30/04/2018)…
***
Không có cơ quan truyền thông chính thức nào của Việt Nam bỏ qua sự kiện Moon – Kim hội kiến, trong số này có Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam. Giống như tất cả các cơ quan truyền thông chính thức khác, Công An Nhân Dân cũng tỏ ra hết sức phấn khích trước viễn cảnh hòa bình đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Trong “Cơ hội hiếm hoi để người dân Bắc – Nam Cao Ly quyết định vận mệnh” đăng hôm 27 tháng 4, Công An Nhân Dân nhận định, sự đối đầu giữa miền Bắc và miền Nam của Triều Tiên từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, đặc biệt trong cuộc chiến từ 1950 đến 1953 làm hàng triệu người thiệt mạng là… “MỘT CUỘC XUNG ĐỘT PHI LÝ” chỉ vì khác biệt… “Ý THỨC HỆ” . Theo Công An Nhân Dân, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim đáng trân trọng, đáng chú ý vì đã tạo ra cho “dân tộc Cao Ly quyền tự quyết định vận mệnh và tương lai, bởi một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Những nhận định đó của Công An Nhân Dân không sai nhưng không may là nhận định của cơ quan ngôn luận thuộc ngành công an tại Việt Nam lại giống hệt như suy nghĩ của nhiều người, thuộc đủ mọi giới đang đòi xét lại bản chất cuộc cách mạng “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước”, thành ra một số facebooker như Nguyễn Chương khen là “lạ”. Những lời khen kiểu đó khiến Công An Nhân Dân tự ý đục bỏ bài viết vừa dẫn ngay lập tức để thay bằng một bài viết khác, không còn những chi tiết có thể dẫn đến sự liên tưởng về cuộc chiến giữa Bắc – Nam Triều Tiên với Bắc – Nam Việt Nam như “Miền Bắc được Liên Xô ủng hộ, miền Nam được Mỹ hậu thuẫn”.
***
Nhìn một cách tổng quát, cuộc hội kiến Moon – Kim diễn ra vào cuối tháng 4 là một sự ngẫu nhiên hết sức tai hại cho hệ thống Tuyên Giáo của Đảng CSVN trong việc duy trì nhận thức sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như “đại công” của Đảng CSVN.
Xuân Sơn Võ kể rằng khi còn nhỏ, ông đã từng hỏi nhiều người lớn rằng, tại sao Đức và Triều Tiên cũng bị chia đôi như Việt Nam nhưng không có cuộc chiến “giải phóng dân tộc” nào và câu trả lời mà Xuân Sơn Võ nhận được là: Vì chúng ta yêu nước hơn họ! Nay, sau khi thống nhất, Đức là một trong những quốc gia nằm trong nhóm dẫn dắt thế giới. Nam Hàn thì vượt lên, trội hơn hẳn nhiều quốc gia khác với những Samsung, Huyndai... Nếu Triều Tiên thống nhất một cách hòa bình, khả năng Triều Tiên trở thành một quốc gia hùng mạnh rất cao. Xuân Sơn Võ so thực tế đó với thực trạng Việt Nam sau 43 năm “giải phóng dân tộc” làm hàng triệu người mất mạng: Đạo đức băng hoại, xã hội càng ngày càng bất ổn, những cá nhân là thành viên hệ thống công quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, dân chúng càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang... Xuân Sơn Võ than: Giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước quá đắt. Chưa kể chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê với thù lao rẻ mạt và đang bị chính những kẻ “không yêu nước bằng chúng ta” sai khiến, bóc lột. Có nên vui không?
Theo xu hướng vừa kể, rất nhiều facebooker chia sẻ hàng loạt thống kê liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như Đinh Tấn Lực: “444.000 thanh niên ‘sinh Bắc, tử Nam’. 282.000 quân nhân miền Nam tử trận. Hai triệu thường dân uổng mạng. Một triệu người phải vào các trại cải tạo, 165.000 người chết trong các trại cải tạo. 1,5 triệu người vượt biên, vượt biển. 200.000 người chết trên biển. 90 triệu người mất quyền làm người” và thay nhau nêu ra những câu hỏi kiểu như: Quang vinh hay tội ác? Giải phóng hay sát nhân uống máu để ăn mừng?
Đọc xong bài viết ca ngợi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 trên báo Nhân Dân vào dịp này, có những facebooker như Đào Tuấn điểm lại các sự kiện mới nhất, vừa diễn ra sau 43 năm ngày “thống nhất” mà tính chất chẳng khác những tiếng thở dài: Nếu không có vụ Quốc Cường Gia Lai mua đất Thủ Thiêm, chúng mình không hề biết tại sao Thành ủy TP.HCM lại làm kinh tế, làm để làm gì, ai tiêu! Không có vụ trẻ em bị hiếp sống bởi một đảng viên 45 tuổi đảng thì không biết 43 năm qua, có tới chín đơn vị cùng giữ chức năng bảo vệ trẻ em. Không hề biết vì sao lại có Hội Phụ nữ khi họ im lặng lúc một phụ nữ đơn thân bị hiếp sống giữa đêm và công an thì bảo là thông dâm. Không biết có các hội chống hàng giả, khi xảy ra những chuyện như thuốc ung thư làm từ than tre, Capital H hay cà phê pin (giờ là tiêu pin). Không hề biết trên đời có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi nhà mạng đè nghiến con nhà người ta ra chụp ảnh. 43 năm và một phiên đại án (Oceanbank), khi các cổ đông tư nhân đòi bồi hoàn thiệt hại như cổ đông nhà nước, thẩm phán - chủ toạ bảo rằng: “Cũng có lý, nhưng khó khả thi”! 43 năm và Thành ủy TP.HCM chỉ đạo huỷ một hợp đồng kinh tế… Chúng mình đã ra khỏi rừng đâu!
Tịnh Văn Võ quy tình thế càng ngày càng nan giải, bi đát của quốc gia, dân tộc là do… thực dân Pháp. Nếu “bọn thực dân” đừng… cách chức cụ Sắc thì cháu Cung đâu có… đói meo tới mức phải bò lên tàu của Pháp xin làm Oshin. Nếu bọn lái buôn Pháp không tuyển dụng Oshin phụ bếp thì đâu có vụ “ra đi tìm đường cứu nước”. Giờ, Việt Nam thua cả Lào, Campuchia là vì… thực dân Pháp!
Tran Manh Hao trách thêm “tên tổng thống Pháp gian ác thời đó” không cho anh Nguyễn Ái Quốc vào học trường thuộc địa như anh ấy xin. Nếu được vào đó, học xong, anh Nguyễn Ái Quốc làm quan cho Pháp thì dân tộc Việt Nam hôm nay đã không bị chủ nghĩa cộng sản đầy đọa thảm khốc thế này! Nam Tran kêu Trời khi “miền Nam luôn ở trong trái tim” của ông Hồ Chí Minh nên ông xua hơn một triệu thanh niên miền Bắc đi cưỡng chiếm bằng được miền Nam trong suốt ba mươi năm, kể cả “phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Theo Nam Tran, nếu ông Hồ Chí Minh không “yêu” miền Nam cuồng nhiệt đến thế thì ít nhất một nửa Việt Nam) đã hơn Nam Hàn. Thanh niên toàn quốc không phải tìm mọi cách lo lót để được ra đi làm nô lệ cho xứ Kim Chi như hiện nay!
***
Dẫu bên cạnh hoan hỉ, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim không thể xóa sạch nghi ngại và không thiếu người cám cảnh, than như Truong Huy San: Nhà Kim giữ Bắc Hàn làm con tin hơn 65 năm, nay chỉ hứa “buông dao”, “Kim Đệ tam” đã được tung hô như một anh hùng.
Thế nhưng dõi theo lộ trình hòa giải của dân tộc Triều Tiên, so lộ trình ấy với tiến trình “giải phóng miền Nam” và tiến trình phát triển của Việt Nam sau thống nhất, giới sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vẫn nêu ra giả định, kiểu như Tran Nhat Binh: Nếu Bắc Hàn và Nam Hàn thống nhất không tốn giọt máu nào thì lại có thêm bằng chứng cho quan điểm, thống nhất không nhất thiết phải là huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Viễn cảnh Triều Tiên thống nhất còn “rất xa vời” nhưng giống như nhiều người, lộ trình ấy là nền để Bình nêu ra thắc mắc đang ám ảnh nhiều người: Có dứt khoát phải thống nhất bằng máu của đồng bào mình không?
Cũng tham gia bình luận về cuộc hội kiến giữa Moon và Kim, Chanh Tam cho rằng, hình ảnh Moon và Kim nắm tay nhau, đắt nhau qua lại lằn ranh phân đôi Triều Tiên là một thông điệp mà người Triều Tiên muốn chuyển cho thế giới, hoà bình - thống nhất trên bán đảo Triều Tiên phải đến từ sự dàn xếp của chính dân tộc Triều Tiên, chứ không phải là kết quả của một cuộc ngả giá giữa các thế lực. Hai chế độ xã hội thù nghịch dường như đều cố kiềm chế để thể hiện họ sẵn sàng cùng đứng về một phía, một bên - bên trong cuộc. Theo Chanh Tam, chính lựa chọn đó làm không ít người Việt chạnh lòng.
Chanh Tam lặp lại, 45 năm trước, Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam thiếu chữ ký của Việt Nam Cộng hoà. Giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam khi đó chọn tư thế đàm phán trực tiếp với Mỹ chứ không phải là với anh em khác chiến tuyến. Có thể lịch sử cũng từng có cơ hội cho một nền hòa bình chỉ còn một bên - bên trong cuộc - nhưng khi hòa bình đến Việt Nam thì đó lại là nền hoà bình được “phân công”. Chiến tranh chấm dứt bằng thắng – thua. Ý chí thống nhất đất nước đã biến dịch thành ý chí thống nhất chế độ xã hội. Cuộc đoàn tụ dân tộc trong khát vọng mãnh liệt của người Việt Nam đã đi quanh co trong lối diễn giải của bên thắng cuộc về ngày 30/04/1975.
Nhìn lại 43 năm vừa qua, Chanh Tam bảo rằng, chúng ta đang tái lập các tệ trạng vốn là lý do để tiến hành tiến trình “giải phóng”: Từ sự chi phối của ngoại bang cho đến sự xuất hiện của các thế lực đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tham nhũng, bất công,... 43 năm sau, một phần lãnh thổ đã rơi vào tay “đồng chí” từng “phân công” chúng ta vào cuộc chiến… Khát vọng hoà bình, thống nhất không bao giờ nên là cuộc cờ chỉ còn bên thắng cuộc. Người Việt Nam dường như có sẵn sự đồng cảm này với người Triều Tiên song chọn cách nào để trở thành bên trong cuộc? Theo Chanh Tam, có lẽ người Việt phải chờ trải nghiệm tiếp theo của dân tộc Triều Tiên. Khó có thể hình dung khẩu khí bom hạt nhân lại mang đến hoà bình, thống nhất. Cũng không có thứ hoà bình, thống nhất nào làm tức mắt thiên hạ kiểu hồng hộc chạy bộ để che chắn cho chiếc xe chở lãnh tụ.

Dân chủ? Hãy như nước!

Theo VOA-Phạm Phú Khải/04/05/2018
Sinh viên Hong Kong biểu tình phản đối quyết định xiết chặt cải cách bầu cử do Bắc Kinh ấn định, tháng Chín, 2012.
Sinh viên Hong Kong biểu tình phản đối quyết định xiết chặt cải cách bầu cử do Bắc Kinh ấn định, tháng Chín, 2012. 
Trong mọi tổ chức chính trị, lớn hay nhỏ, triết lý chính trị là nền tảng quan trọng hàng đầu [1]. Triết lý chính trị là những kiến thức nền tảng vững chắc, bao gồm cả nguồn gốc lịch sử hình thành tư tưởng chính trị của nhân loại. Nó giúp uốn nén hình thành nên những tư tưởng lớn. Nhưng có kiến thức sâu rộng cũng chưa đủ vì như thế chỉ dừng lại ở tầm học thuật. Người lãnh đạo tầm quốc gia hay quốc tế cần phải có những ước mơ cao xa và những quyết tâm phi thường. Có tư tưởng lớn sẽ giúp lãnh đạo quốc gia lèo lái con thuyền vững ổn khi gặp thử thách trong thời đại lắm rủi ro này.
Tư tưởng lớn là có tầm nhìn lớn. Đối với trường hợp Việt Nam, chúng ta thật sự cần những lãnh đạo và tổ chức có tầm nhìn xa. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng chính trị thì làm sao đối phó với bao nhiêu thử thách vô cùng lớn lao trên bình diện quốc gia, một khi chế độ độc tài sụp đổ! Đâu là những chính sách phát triển thích hợp cho đất nước về kinh tế, thương mại, giáo dục, an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa v.v...? Làm sao giải quyết những vấn nạn lớn của xã hội do chế độ độc tài để lại trong bao thập niên qua, từ độc đoán, tham nhũng, tội ác, cho đến các cơ sở hạ tầng hay các định chế nhà nước yếu ớt, vô hiệu quả? Chính sách ngoại giao khôn khéo nào để đối phó với các thế lực ngoại bang, trong đó có Trung Quốc, luôn tìm cách thao túng và lũng đoạn nền chính trị dân chủ non trẻ? Làm sao để nâng cao tinh thần tự lập, tự cường, nhân bản và dân chủ cho các thế hệ hôm nay và mai sau? V.v...
Toàn là những vấn đề lớn và nhứt nhối, đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm và tiềm năng của toàn dân tộc. Nhưng đầu tiên hết là những lãnh đạo chính trị có tầm nhìn để vạch ra hướng đi và tìm ra những giải pháp tối ưu cho đất nước. Nếu lãnh đạo quốc gia mà không suy nghĩ về các vấn đề này, thì làm sao họ có giải pháp thích hợp? Khi thử thách đến mới tìm cách giải quyết trong thời đại này thì quá trễ rồi. Thử nhìn xem, lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ nghĩ đến việc lật đổ Việt Nam Cộng Hòa bằng mọi giá, nhưng họ hoàn toàn không có ý niệm hay dự án nào để xây dựng lại Việt Nam sau khi thống nhất! Chỉ toàn là những ước mơ viễn vông, ảo tưởng về thiên đường cộng sản, vậy thôi!!!
Còn phần lớn người Việt, trong lẫn ngoài nước, hình như vẫn chưa đọc tác phẩm nào hay phần trích đoạn nào của các triết gia chính trị của thời kỳ Phục Hưng cho đến nay [2]. Họ coi các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền như là khẩu hiệu hơn triết lý, như là phương tiện hơn mục tiêu sau cùng.
Nhưng tư tưởng chính trị sâu sắc vẫn chưa đủ, bởi muốn thay đổi thì cái lý thuyết hay học thuật chỉ là khởi đầu. Thực tế luôn khác với lý thuyết. Phải có đủ tiềm lực, và lãnh đạo tài tình, mới tạo ra những thay đổi tích cực và hiệu quả. Về mặt chính trị, mọi chế độ cầm quyền không tự nhiên nhường ghế cai trị cho người khác, trừ khi bị áp lực hay bắt buộc phải thay đổi. Các chế độ độc tài toàn trị còn hơn thế vì họ chủ trương nắm quyền bằng mọi giá và tiếp tục duy trì quyền lực bằng mọi giá. Cho nên muốn thay đổi hay thương lượng với họ mà không có đủ lực trong tay thì đừng mong đạt được điều gì vững ổn. Do đó những người muốn thay đổi thực trạng Việt Nam hôm nay không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc xây dựng các tổ chức của mình cho thật vững mạnh. Đến một lúc nào đó các tổ chức phải nỗ lực kết hợp nhau, hoặc liên kết chặt chẽ nhau, để hội tụ thành một vài chính đảng có tiềm năng tổ chức và tầm nhìn hầu có đủ sức mạnh tạo áp lực, thách thức hay cân bằng quyền lực của chế độ.
Tuy nhiên bước đầu tiên quan trọng nhất vẫn là xây dựng văn hóa đấu tranh có tổ chức [3]. Còn đấu tranh lẻ tẻ, vô tổ chức, vô định hướng, kiểu chơi nổi, trình diễn v.v..., thì chẳng khác gì lấy trứng chọi đá, chỉ mất mát nhưng không đi đến đâu cả, cho dù tinh thần quyết tâm và can đảm đó thật đáng khâm phục đi nữa!
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao nhiêu tổ chức đấu tranh như Phong trào Cần Vương (kể cả cuộc khởi nghĩa Yên Thế của ông Hoàng Hoa Thám), Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, cho đến các tổ chức cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, v.v... tất cả đều thất bại. Sau 30 tháng Tư năm 1975, nhiều tổ chức kháng chiến đã được hình thành nhưng rồi cũng đi đến thất bại. Hai thời điểm khác nhau nhưng có cùng lý do: thiếu nền tảng tư tưởng, thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo. Nên nhớ tổ chức nào đến với nhau cũng đều có một số quy ước chung để hoạt động, nhưng ở bình diện quốc gia, tổ chức và lãnh đạo đó phải có tư tưởng lớn, tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng tổ chức ở bình diện quy mô để có thể huy động một phần đáng kể của bộ phận dân tộc cho mục tiêu thay đổi ngắn hạn và dài hạn.
Chỉ có Đảng Cộng Sản/Lao Động Việt Nam, trong bao nhiêu tổ chức khác, thành công trong cuộc cách mạng của thế kỷ qua, nhờ ba yếu tố chính. Một, mặc dầu là một hệ tư tưởng phản khoa học, ít ra họ có triết lý chính trị nhờ vay mượn từ chủ nghĩa cộng sản. Hai, dù rất sắt thép và bạo ngược, họ đấu tranh có tổ chức và kỷ luật. Ba, tuy hoàn toàn bất lương và mị dân, họ có khả năng tuyên truyền để người dân trong nước tin theo mục tiêu ảo tưởng của họ, và có khả năng vận động cộng sản quốc tế cũng như người dân ở các quốc gia tự do ủng hộ mục đích trá hình của họ.
Cho đến ngày hôm nay, tuy bộ mặt thật của chế độ đã được phơi bày, tuy chính nghĩa không còn đứng về phía họ bấy lâu nay, chế độ cầm quyền hiện tại vẫn còn đủ mạnh để tiếp tục cai trị một cách hà khắc, và tiếp tục đàn áp một cách thô bạo. Ai muốn chửi chế độ thì cứ chửi, nhưng không phải vì bị chửi mà họ sẽ sụp đổ. Không nên coi thường mọi khả năng và thủ đoạn của họ. Các lực lượng dân chủ nếu không nhìn ra được sức mạnh của chế độ ở đâu, làm thế nào họ duy trì được nó cho đến hôm nay, và nếu không nhìn thấy khả năng và sức mạnh thực sự của mình, tìm ra những phương cách mới để huy động được người dân, để vận dụng mặt trận quốc tế vận, thì cuộc vận động dân chủ sẽ không đi về đâu cả. Rồi cũng chỉ loay hoay, một bước tới hai bước lùi, như đã thấy hơn bốn thập niên qua.
Ở chỗ tôi làm, khi áp dụng một chính sách, một phương pháp hay một ý tưởng nào đó thành công, những người đồng nghiệp ở mọi cấp đều muốn tìm hiểu và học hỏi. Ngược lại, khi áp dụng thất bại, mà thất bại đó có những ảnh hưởng tiêu cực lên một số cá nhân hay một số thành phần trong xã hội, hay chỉ với một người thôi, thì cũng đủ lý do để rà soát lại toàn bộ hệ thống, toàn bộ khung sườn suy nghĩ (framework), để những sai lầm hay thất bại đó không tái diễn nữa.
Không phải chỉ chỗ làm của tôi thôi. Hầu như tinh thần chung ở mọi mặt xã hội tại Úc, và các quốc gia dân chủ cấp tiến và văn minh, đều như vậy cả. Đại đa số công dân ai cũng muốn thành công, không ai muốn thất bại, ngoại trừ những người lười biếng. Muốn thành công thì cần phải học cái hay cái đúng và tránh cái dở cái sai. Cái sai trong nền pháp trị thường phải trả giá rất đắc, về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Đó là tinh thần cầu tiến, khoa học, tự tin, liêm chính và trách nhiệm cần thiết để xây dựng đất nước và con người. Người Tây phương và quốc gia của họ, và một số quốc gia thuộc Á châu sau này, trở nên hùng mạnh chủ yếu nhờ tinh thần cầu tiến không ngừng này để canh tân và hoàn thiện mọi mặt xã hội. Nhờ lối suy nghĩ phê phán, phân tích hệ thống và lý luận cao siêu, họ luôn nhận diện ra được những cái bất công bất toàn và bất lương trong xã hội và do đó họ luôn chấp nhận những ý kiến và sáng kiến mới để tìm cách cải thiện.
Thời gian đã quá đủ, nếu không phải là quá trễ, để nhìn lại và bình tâm phân tích nguyên do nào cuộc vận động dân chủ chưa thành công. Đâu là những bài học và kinh nghiệm cần thiết nhất để giúp nhau nhìn ra vấn đề, một cách khoa học và hệ thống, hầu có thể cùng nhau đi những bước tiến và vững trong thời gian tới?
Trên tinh thần đó, tôi muốn trình bày ba đề nghị chính sau đây.
Một, nghiên cứu một cách hệ thống cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam trong quá khứ và cho tương lai.
Muốn đẩy mạnh công cuộc dân chủ về phía trước thì người vận động phải là những tín đồ dân chủ thật sự. Nghĩa là phải có tư tưởng và hành động dân chủ. Không thể hô hào dân chủ mà hành xử độc đoán. Trong môi trường/văn hóa dân chủ, mọi người đều có quyền chia sẻ và bầy tỏ quan điểm của chính mình. Điều này đồng nghĩa với việc mình phải biết lắng nghe ý kiến người khác. Sự đóng góp ý kiến là một việc lành mạnh và luôn được khuyến khích. Nhưng thái độ đóng góp ý kiến, thái độ lắng nghe, thái độ tiếp cận ý kiến, mổ sẻ phân tích, vân vân, là điều mà tất cả chúng ta cần phải học hỏi. Người thiếu kiến thức, đuối lý, thiếu khả năng tranh luận nên cố gắng trau dồi kiến thức để có thể đóng góp tích cực hơn. Đừng quay ra sử dụng những ngôn ngữ thiếu đứng đắn, thiếu giáo dục. Cách lý luận gàn bướng trở thành hàm hồ, hay tệ hơn là đạp đổ. Những người có thái độ thiếu văn hóa trong việc góp ý đã tự công khai cho người khác khả năng yếu kém, thiếu kiến thức của mình.
Trên đây chỉ là một trong vô số các điều kiện cần thiết và căn bản cho cuộc vận động dân chủ. Nhưng để giúp mọi người nhìn ra được hướng đi và phương pháp rõ ràng, cụ thể thì phải cần nghiên cứu khoa học, khách quan. Cho nên cuộc điều nghiên này sẽ đưa ra những phân tích và kết luận cho những đề nghị cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong một hoặc hai thập niên tới, dựa trên những thất bại đã qua và các thành công nhỏ, nếu có. Để có giá trị thì cuộc nghiên cứu này đòi hỏi tính chuyên môn cao và tính độc lập hoàn toàn.
Hai, phát huy khả năng suy nghĩ phê phán trong mọi tầng lớp người Việt trong và ngoài nước.
Cả một dân tộc từ ngàn năm qua bị đầu độc bởi những tư tưởng, chủ thuyết và các giá trị chính trị và văn hóa có mục tiêu phục vụ cho chế độ cầm quyền hơn cho người dân, trong đó có Khổng giáo và Cộng sản. Văn hóa chính trị là cản trở chính của người Việt trong nhiều thập niên qua. Tôn trọng bằng cấp, suy nghĩ cục bộ, chạy theo các sự kiện nhất thời, không có tính kỷ luật bảo mật, nặng hình thức nhẹ nội dung, thù dai v.v... là điều nên dứt đỏ càng sớm càng tốt. Mở mang trí tuệ để nghiên cứu học hỏi sự thành công lẫn thất bại của nền chính trị Tây phương là vô cùng cần thiết. Quan trọng nhất là lối suy nghĩ phê phán.
Tập trung đào tạo lối suy nghĩ phê phán cũng đồng nghĩa với việc giúp cho người ta có một cái nhìn mới, cái suy nghĩ mang tính đa chiều, chấp nhận khác biệt, bỏ bớt đi thói quen chụp mũ bừa bãi hay nghe răm rắp những lời ngon ngọt của các chính trị gia mị dân, chẳng hạn. Nó giúp cho người ta biết suy nghĩ chín chắn hơn, sử dụng lý luận để nhận định thay vì cảm xúc. Một khi thu nạp được khả năng này thì người ta sẽ khó bị tuyên truyền. Khả năng này man tính phổ quát, phi chính trị, hữu ích cho mọi người, nhất là cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đi kiếm việc làm, viết đơn xin việc, chuẩn bị phỏng vấn, tiến thân trên đường sự nghiệp v.v... Tính áp dụng cho kỹ năng này là vô hạn trong mọi xã hội, giảm thiểu các nạn mê tín dị đoan, các đồ giả và các tiên tri giả đang lan tràn trên khắp mọi miền đất nước. Sẽ rất là khó, nếu không phải là bất khả, cấm đoán hay hạn chế nếu người ta muốn học hỏi về kỹ năng này.
Kỹ năng này đã được các nhà giáo dục tại Hoa Kỳ quan tâm hơn, nhất là cho học sinh từ cấp bậc trung học trở lên, sau kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Một nền dân chủ đích thực cần có những công dân hiểu biết (informed citizen), có lối suy nghĩ phê phán, nếu không thì nền dân chủ đó sớm muộn cũng bị suy thoái hay khủng hoảng.
Kỹ năng phi chính trị này có thể thay đổi toàn diện văn hóa chính trị.
Ba, phát huy truyền thông nhân ái (compassionate communication) hay còn gọi là truyền thông bất bạo động (non-violent communication).
Để cuộc vận động dân chủ thành công thì nên bắt đầu luyện tập truyền thông nhân ái/bất bạo động. Truyền thông ở đây có nghĩa rộng, bao hàm mọi cách thức truyền đạt thông tin từ một hay nhiều người sang một hay nhiều người khác. Trao đổi, thảo luận, tranh luận, phát biểu, cãi lộn v.v... đều là truyền thông giữa con người với nhau.
Một trong những vấn đề lớn nhất giữa người Việt với nhau, kể cả giữa những người đấu tranh cho dân chủ, là truyền thông. Vì không chịu đọc bản gốc hay không đọc kỹ, vì dễ dàng tin những lời đồn nhảm ác ý, vì không trao đổi thẳng thắn với nhau sợ mất lòng, vì không sử dụng ngôn ngữ chính xác để diễn đạt ý tưởng, vì sử dụng ngôn ngữ cảm xúc quá nhiều thay vì lý luận (chưa kể bị bẫy bởi những kẻ ác ý hay bàn tay của dư luận viên) v.v... cho nên người Việt dễ hiểu lầm nhau, dễ gây và xa nhau. Không phải chỉ riêng người Việt, người Tây cũng gặp những vấn đề tương tự. Nhưng mức độ của vấn đề này thì chúng ta gấp nhiều lần người Tây phương. Chúng ta chưa kịp nghe là đã có đầy định kiến; chưa kịp hiểu là đã đánh giá rồi, mà đa phần lại đánh giá trật nữa, nên làm hư mọi sự. Trong truyền thông của người Việt, thay vì tìm hiểu một người nói một điều gì đó, trong thâm tâm họ có ý gì, và họ thật sự muốn gì, thì lại tập trung kết luận họ là gì trước. Chúng ta quá dễ dàng chụp mũ mạ lỵ nhau, tự biến thành những quan toà mù để kết tội người khác một cách vô tội vạ. Kết quả: không chỉ chúng ta làm rối và làm thối mọi sự. Trong quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội v.v... cũng làm hư hỏng nốt. Có cộng đồng Việt Nam nào trên khắp thế giới mà không chia năm xẻ bảy, tuy có cùng chung mục đích? Khi bất đồng ý kiến hay có vấn đề, chúng ta đã dùng những ngôn từ nặng nề nhất để dành cho nhau, ngay cả cho những người bạn cùng chung lý tưởng với mình suốt cuộc đời, để rồi bây giờ không còn nhìn mặt nhau nữa?
Cái thói quen này xảy ra một cách vô ý thức tưởng chừng như không có lối thoát. Chúng ta biết mình bị tổn thương nhưng lại tiếp tục làm như thế với người khác. Chúng ta phát ngôn bừa bãi, vô ý thức và vô trách nhiệm. Hậu quả là sự bôi nhọ nhau, kéo nhau xuống vũng lầy, đưa đến sự leo thang của bạo lực và bạo động. Ai sung sướng hưởng kết quả này? Chế độ cầm quyền chỉ muốn người dân tuân phục và khiếp nhược, cảm tính và bạo động, chứ không phải công dân có tư duy và lý luận. Chế độ nào người dân đó, và người dân nào chế độ đó. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát, rất nguy hiểm trừ phi chính mỗi chúng ta ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình cho cách hành xử, suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Rất may trong vấn đề này có nhiều sách vở, tài liệu có thể giúp cho mỗi chúng ta nhìn ra được nguyên do nào chúng ta thường sử dụng loại truyền thông mang đầy chia rẽ, và làm sao mỗi chúng ta có thể luyện tập, một cách ý thức và tự chủ, sử dụng truyền thông nhân ái. Tác phẩm “Truyền thông bất bạo động: Một ngôn ngữ của cuộc sống” của tiến sĩ Marshall B. Rosenberg, chẳng hạn, sẽ giúp chúng ta nhìn ra vấn đề [4]. Nó hoàn toàn hữu ích cho mỗi cá nhân, cho gia đình, và nhất là cho công cuộc vận động dân chủ hiện nay và mai sau. Ngôn ngữ, lồng trong tư tưởng và lý luận, sẽ mạnh hơn gươm, hơn thép. Cho nên biết sử dụng truyền thông nhân ái cho người thân thương và biết truyền đạt lý luận sắt bén với kẻ thù gian hiểm thì đó chính là sức mạnh vô biên vậy.
Yêu nước là quan niệm đã bị lợi dụng, lạm dụng và đánh tráo quá nhiều, cho nên thay vì kêu gọi yêu nước, tôi kêu gọi hãy yêu và hãy như nước.
Tình yêu giúp cho chúng ta hướng đến chân thiện mỹ. Yêu người, yêu thiên nhiên, yêu động vật, yêu công bằng lẽ phải và sự thật. Yêu minh bạch, yêu công lý, yêu bình đẳng, yêu hòa bình, yêu tinh thần trách nhiệm, yêu thử thách, yêu trí tuệ, yêu kiến thức, yêu nỗ lực, yêu dấn thân, yêu sự kính trọng nhau, yêu giá trị đạo đức. Yêu cái gì cũng tốt cả, ngoại trừ cái tham sân si, cái lười, cái ác, cái độc, nhất là độc tài và độc đoán. Nhưng trên hết xin hãy yêu người, yêu mạng sống của mình và những người chung quanh. Mạng sống con người là quan trọng nhất. Hy sinh là hành động cao cả, nhưng phải đúng lúc đúng chỗ. Đừng hy sinh một cách vô ích và vô lý khi chưa cần thiết. Đấu tranh là quyết tâm phải sống để thấy thành quả mình góp phần xây dựng nên, và để tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ đầy cam go trong thời gian tới.
Tại sao phải như nước? Vì nước là hơi thở, là sự sống. Trong các bí quyết truyền lại, Lý Tiểu Long nhấn mạnh một triết lý hay: hãy như nước, bạn ơi (be like water, my friend) [5]. Nước chảy đá mòn. Không có gì linh động, uyển chuyển, biến hóa, vô dạng, vô hình, đa nguyên, như nước cả. Không có gì mạnh mẽ và có sức tàn phá cao độ trên trái đất này như nước. Sức dân được ví như sức nước.
Để bắt đầu tiến trình này, trong bối cảnh đất nước ngày hôm nay, tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh sáng suốt để nhìn rõ mọi hiểm nguy, thử thách, cơ hội, tiềm năng và điểm yếu của mình và của chế độ cầm quyền. Không nên lấy trứng chọi đá để mất đi tiềm lực cần thiết. Hãy hoạt động có tổ chức để nương tựa vào nhau, xây dựng sức mạnh. Hãy tìm cách phát huy suy nghĩ phê phán. Hãy cố gắng đối xử nhau một cách văn minh và nhân bản bằng truyền thông nhân ái để xây dựng lại một văn hóa đã bị độc hóa quá lâu mà rồi không ai còn có thể đối thoại một cách nghiêm túc với nhau.
Không đối thoại được thì xây dựng được cái gì chung chứ!
Những điều căn bản đó, tuy nói dễ nhưng làm vô cùng khó. Nó đòi hỏi thay đổi thói quen suy nghĩ. Nó bắt đầu bằng cái tư duy, tư tưởng. Phải có ý thức và quyết tâm thì mới thực hiện được. Nhưng muốn làm người tử tế văn minh, muốn dân tộc thoát khỏi gọng kìm của độc tài áp bức, muốn đất nước sánh vai với các con rồng con hổ, thì phải bắt đầu bằng cái đầu thôi.
Phạm Phú Khải
Úc Châu, 04/05/2018
Tài liệu tham khảo:
1. Triết lý được định nghĩa là “lẽ tinh vi quyền diệu trong triết học”, mà triết học là “môn học nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ/vạn vật”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Theo tự điển tiếng Anh như Oxford Dictionary of English thì triết học là sự nghiên cứu về bản chất căn bản của kiến thức, thực tế và hiện hữu, đặc biệt khi được xem như là một lĩnh vực học thuật. Do đó triết học chính trị có thể được định nghĩa là sự nghiên cứu các vấn đề nền tảng về nhà nước, chính quyền, chính trị, bang giao quốc tế, tự do, công lý, hòa bình v.v…
2. Ngày nay những ai muốn tìm hiểu triết học chính trị chỉ cần dùng Google thì sẽ tìm kiếm bao nhiêu tài liệu gốc hay được soạn thảo lại một cách hệ thống. Nếu không đọc được tiếng Anh thì nhóm Tinh Thần Khai Minh, thành lập năm 2014, có đăng tải vô số tài liệu được dịch sang tiếng Việt về tự do, dân chủ và pháp quyền.
3. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nói nhiều về đề tài này. Mời đọc “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai” của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
4. Marshall B. Rosenberg, “Nonviolent Communication”, A Language of Life, PuddleDancer Press, 2015.
5. Có thể xem phát biểu này của Bruce Lee qua các phim ảnh hay phỏng vấn trên Youtube (dùng google để truy tìm).

Luật an ninh mạng sẽ siết chặt tự do ngôn luận?

VOA Tiếng Việt/04/05/2018 
Nhà hoạt động dân chủ Lã Việt Dũng viết thư ngỏ cho CEO của Facebook Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn những thông tin mà họ cho là “độc hại.”
Nhà hoạt động dân chủ Lã Việt Dũng viết thư ngỏ cho CEO của Facebook Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn những thông tin mà họ cho là “độc hại.”
Trong tháng này, Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết thông qua dự thảo luật an ninh mạng. Nếu được ban hành, luật này được cho là sẽ thắt chặt thêm việc khống chế những ý kiến bất đồng đối với chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dự thảo luật an ninh mạng đã được trình Quốc hội xem xét và thảo luận từ kỳ họp cuối năm 2017. Luật này nằm trong 7 dự án luật dự kiến được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc ngày 21/5 tại Hà Nội, theo truyền thông trong nước.
Tại phiên thảo luận ở kỳ họp cuối năm ngoái, có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung của dự thảo chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng và một số nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người và quyền công dân.
Theo ghi nhận của Dân Trí, những ý kiến này cho rằng việc giao các quyền con người, quyền công dân cho Chính phủ quy định là chưa phù hợp với Hiến pháp.
Đối với những nhà hoạt động thường đưa ra các ý kiến trái chiều với Đảng Cộng sản hay chỉ trích các điều hành của chính phủ thì bộ luật mới là một công cụ để nhà cầm quyền siết chặt việc quản lý họ, theo một nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội, Nguyễn Chí Tuyến.
“Luật này thông qua thì nó sẽ phần nào thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng," anh Tuyến nói với VOA. "Quốc gia nào cũng phải tăng cường bảo vệ an ninh mạng nhưng thực sự họ nhằm vào tiếng nói của người dân hơn, họ mượn chuyện an ninh quốc gia để họ tròng vào cổ người dân.”
Theo toàn văn dự thảo được đăng trên trang web của Quốc hội, điều 49 quy định Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành có liên quan “phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại” gây ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia” và “trật tự an toàn xã hội.”
Đây là một trong những điều mà những người có tiếng nói bất đồng với chính quyền như anh Tuyến, người từng bị chính quyền sách nhiễu và bắt giữ vì tham gia biểu tình ở Hà Nội, “lo ngại” nhất.
“Họ đặt ra những từ, cụm từ trong các điều khoản ví dụ như thông tin ‘xấu’ và ‘độc hại’. Một từ như thế không có định lượng và căn cứ như thế nào là ‘xấu’ và như thế nào là ‘độc hại’. Bởi vì có thể đối với một quan chức tham nhũng, thông tin này đưa ra người ta có thể coi là xấu nhưng đối với nhân dân, người ta lại hồ hởi mừng rỡ đón nhận.”
“Thòng lọng mơ hồ”
Anh Tuyến, một thành viên sáng lập hội Câu lạc bộ bóng đá No-U Club để phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng những cụm từ “chung chung” khi được thông qua thành luật sẽ trở thành “thòng lọng mơ hồ” của chính quyền để “chụp lên ai mà người ta muốn.”
Theo các chuyên gia, sự phát triển cơ sở hạ tầng về internet của Việt Nam đã vượt xa khả năng quy định kiểm soát của chính phủ. Điều tốt nhất họ có thể làm là ngăn chặn sự tiếp cận vào các website nhất định mà họ cho là ‘xấu độc.’
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn những thông tin “độc hại.” Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.”
Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Việt Nam thành lập Lực lượng 47 với 10.000 ‘binh sỹ đấu tranh trên mạng’ để ‘phản bác các quan điểm sai trái.’ Sau đó, vào tháng 3 năm nay, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng “bảo vệ Tổ quốc” được thành lập theo một quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển Internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Hiện có 80 triệu tài khoản Facebook và 50 triệu thuê bao Internet ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 100 nhà báo, blogger và những nhà hoạt động dân chủ từng ‘chỉ trích’ chính phủ.
Một điều khoản khác trong dự luật này cũng đang gây ra tranh cãi là việc yêu cầu “cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.” Quy định này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là đáp ứng được yêu cầu “bảo vệ chủ quyền quốc gia” và “trật tự xã hội.”
Trước đó, Luật An ninh mạng đã yêu cầu Facebook, Google… đặt máy chủ “quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.” Nhưng sau nhiều tranh cãi, điều luật này đã bị lược bỏ.