Thursday, November 23, 2023

Diện mạo của một kiểu ‘do dân, vì dân’

 Trân VănẢnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam

Ảnh minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam

Trong khi những báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng... lung linh thì tất cả các giới càng ngày càng chật vật.

Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Văn Luông, tọa lạc ở quận 6, TP.HCM đã nhận được khoảng 200 triệu đồng, khoản tiền đủ để trang trải chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2024 cho khoảng 300 học sinh. Đó là kết quả của đợt vận động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay.

Cách nay chừng mươi ngày, Ban Giám hiệu (BGH) THCS Nguyễn Văn Luông gửi thư ngỏ cho phụ huynh và các doanh nghiệp thường ủng hộ trường để cho biết, tại trường đang có 89 đứa trẻ mà gia cảnh khó khăn đến mức phụ huynh không thể trả nổi khoản phí bảo hiểm y tế (BHYT) là 680.400 đồng. Do trường thường được tặng hoa, bánh vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20 tháng 11 hàng năm) mà hoa đẹp và bánh ngon chỉ có giá trị sử dụng trong một ngày, rất phí phạm, nên năm nay, BGH THCS Nguyễn Văn Luông đề nghị được đổi hiện vật thành hiện kim để giúp những được trẻ có gia cảnh khó khăn trang trải chi phí BHYT.

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Văn Luông, kể với báo giới, trường chỉ mong nhận được sự ủng hộ đủ để giúp 89 đứa trẻ, không dè mức độ ủng hộ lại nhiều như đã kể. Theo lời ông Cường, trước kia, số học sinh có gia cảnh khó khăn đến mức đó không nhiều nên giáo viên tự nguyện đóng góp hỗ trợ học sinh song năm nay, số trẻ có gia cảnh khó khăn tăng vọt, nhiều phụ huynh chấp nhận để con không có BHYT, những phụ huynh khác thì xin được trả góp... Khi đã nhận đủ tiền để mua BHYT cho 89 đứa trẻ, trường đã thông báo ngưng nhận ủng hộ nhưng nhiều phụ huynh phản đối, thành ra trường sẽ dùng khoản còn dư để chăm sóc những học sinh nghèo vào dịp Tết sắp tới (1).

***

Trong khi những báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng... lung linh (2) thì tất cả các giới càng ngày càng chật vật. Doanh nghiệp tiếp tục ngừng hoặc thu hẹp hoạt động, sản xuất đình đốn, dịch vụ ế ẩm, thất nghiệp càng ngày càng cao. Vì sao “kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực”, rồi “kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió, có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới” (3) nhưng các trung tâm thương mại, các khu phố thương mại trên toàn quốc vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí tự khai tử vì mãi lực quá thấp?

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không có bất kỳ giải pháp thiết thực nào để hỗ trợ doanh giới, ổn định dân sinh nên mới có những sự kiện như chuyện vừa xảy ra tại THCS Nguyễn Văn Luông – giáo viên không còn sức hỗ trợ chi phí BHYT cho những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn vì số lượng những đứa trẻ như vậy càng ngày càng nhiều. Điều duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền quan tâm vẫn chỉ là thúc ép toàn hệ thống phải giải ngân cho bằng được 711 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công của năm nay (4) vì... “giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%, nếu năm nay giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công thì sẽ thúc GDP tăng thêm 1,3%”, bất kể “nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước, thậm chí xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023” vì “hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải theo phương châm ‘cả làng cùng vui’ mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (5) và với những yếu tố như thế, chắc chắn vài năm nữa sẽ có thêm hàng loạt đại án ngàn tỉ sau khi kinh tế - xã hội điêu đứng, chưa thể gượng dậy vì những đại án ngàn tỉ để ông Nguyễn Tấn Dũng lập thành tích tăng trưởng GDP.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn say sưa đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù dân chúng vẫn còn còng lưng gánh hậu quả của những chuyện như bất kể giá dầu thế giới đang giảm vẫn ép ngành dầu khí phải khai thác thêm một triệu tấn dầu, bất kể đang ứ đọng chín triệu tấn than vẫn ép tập đoàn than – khoáng sản khai thác thêm than để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP dù lỗ nặng (6). Không chỉ cách nay mươi năm mới thế mà giờ cũng vậy. Đầu tháng này, bất kể không ít đại biểu băn khoăn vì cả kinh tế lẫn dân sinh đang đối diện với vô số vấn nạn nan giải, quốc hội vẫn nhất trí cao trong việc ấn định chỉ tiêu tăng trưởng năm tới - GDP phải đạt từ 6% đến 6,5% (7).

***

Khi năm mới cận kề, báo chí Nam Hàn nhắc lại một quyết định sắp có hiệu lực của chính phủ Nam Hàn: Từ 1/1/2024, trợ cấp cho trẻ dưới một tuổi sẽ tăng từ 700.000 Won (khoảng 540 Mỹ kim)/tháng thành 1.000.000 Won (khoảng 744 Mỹ kim)/tháng. Trợ cấp cho trẻ từ 12 tháng đến 23 tháng sẽ tăng từ 350.000 Won (khoảng 270 USD)/tháng 500.000 Won (khoảng387 USD)/tháng (8). Tiêu chuẩn xác định gia đình đông con cũng đã được điều chỉnh từ ba con xuống còn hai con, nghĩa là nếu có hai con sẽ được ưu đãi khi mua nhà, mua xe, được giảm giá khi mua vé sử dụng các dịch vụ do nhà nước cung cấp như tham quan bảo tàng, vào nhà hát quốc gia.

Nam Hàn đặt định và liên tục điều chỉnh chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy con vì kinh tế - xã hội bị đe dọa bởi tình trạng sinh suất giảm, dân số bị già hóa, thiếu nhân lực. Vì sao Việt Nam đang đối diện với vấn nạn tương tự (9) nhưng không làm gì để khuyến sinh cả, thậm chí giáo giới phải hy sinh hoa, bánh để những đứa trẻ còn trong độ tuổi thiếu niên có BHYT? Chẳng lẽ dân chủ gấp ngàn lần tư bản là “sống chết mặc bay”, là thản nhiên duy trì thực trạng nghèo khổ không chỉ đồng nghĩa với thiếu cơm ăn, áo mặc mà còn bị tước bỏ cơ hội thụ hưởng phúc lợi giáo dục, y tế và cơ hội được làm cha, làm mẹ bởi không đủ sức kham gánh nặng nuôi dạy con cái?

Chú thích

(1) https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-gui-thu-ngo-xin-doi-hoa-banh-kem-dip-2011-bang-the-bhyt-cho-hs-post239317.gd

(2) https://vov.vn/chinh-tri/kinh-te-xa-hoi-tiep-tuc-xu-huong-phuc-hoi-tich-cuc-post1048703.vov

(3) https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-tiep-tuc-thao-luan-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post1056289.vov

(4) https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM266948

(5) https://tuoitre.vn/dau-tu-cong-thuc-cho-tien-chay-20230912091454078.htm

(6) https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/

(7) https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quoc-hoi-chot-chi-tieu-tang-truong-gdp-nam-2024-o-muc-6-0-6-5--i713263/

(8) https://koreajoongangdaily.joins.com/2022/12/13/national/socialAffairs/korea-birth-rate-childcare/20221213192442987.html

(9) https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/tan-dung-dan-so-vang-de-phat-trien-dan-so-gia-nguoi-tre-ngai-sinh-con-2023041120285058.htm

Trung Quốc: Mô hình kinh tế gây bế tắc

 Ngô Nhân Dụng-23/11/2023

Chúng ta có thể hiểu tại sao đảng Cộng sản chọn một cơ cấu kinh tế khập khiễng như vậy: Vì mục đích bảo vệ Đảng.

Chúng ta có thể hiểu tại sao đảng Cộng sản chọn một cơ cấu kinh tế khập khiễng như vậy: Vì mục đích bảo vệ Đảng.

goài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa: Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng.

Giá nhà cửa ở Trung Quốc từ tháng Chín qua tháng Mười đã tụt xuống năm tháng liền, mạnh nhất kể từ tháng Hai năm 2015, theo bản tin kinh tế Bloomberg. Cả nền kinh tế xuống theo vì ngành xây dựng đóng góp một phần tư trong Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Trung Quốc. Kinh tế xuống không phải chỉ do thị trường địa ốc. Nguyên nhân sâu xa là sự thất bại của cả mô hình kinh tế bất chấp thực tế cũng như lý luận, vì chỉ nhắm mục đích bảo vệ quyền hành của đảng Cộng sản.

Sau vụ công ty Hằng Đại (Evergrande) phá sản, năm nay đến công ty Bích Nhai Viên (Country Garden) cũng không trả được nợ. Năm ngoái, 18 công ty xây cất không trả được nợ nước ngoài. Tháng Sáu vừa qua, năm công ty lớn nhất đã không trả được nợ vay bằng đô la Mỹ, tổng cộng $226 tỷ đô la, cũng bằng trị giá những ngôi nhà họ đã bán trả góp trước, theo báo The Wall Street Journal. Bích Nhai Viên không trả được $83 tỷ tiền nợ, đã tuyên bố phá sản trong tháng Mười.

“Tập Đoàn Hằng Đại,” (恒大集团, nghĩa là Lớn Mãi Mãi) thành lập năm 1996, vào năm 2017 trị giá lên tới $50 tỷ mỹ kim, hiện nay chỉ còn đáng giá $3 tỷ trên thị trường chứng khoán. Hai năm trước Hằng Đại có 150,000 nhân viên; với 1,300 dự án xây dựng tại 280 thành phố; mang nợ $88.5 tỷ đô la nhưng còn nợ 1 triệu 600 ngàn căn hộ chưa xây xong mà người mua đang góp tiền trả trước. Hiện có 20 triệu đơn vị gia cư đã bán rồi nhưng phải ngưng vì các công ty địa ốc thiếu tiền, theo báo The Wall Street Journal.

Tháng Bảy năm ngoái, nhiều người mua nhà trả góp trước bắt đầu “đình công” ngưng đóng tiền vì lo không bao giờ xây xong, tạo ra một phong trào lan ra toàn quốc. Khi đặt tiền, người mua được hứa hẹn trong ba năm nhà sẽ xong, nhưng chờ mãi không được trao chìa khóa! Những người lo lắng nhất tìm cách bán tống bán tháo khiến giá cả xuống theo, khiến các công ty xây cất thiếu tiền nặng hơn. Các ngân hàng không dám cho các công ty đó vay vì thấy giá trị của các công ty xuống thấp và người mua ngưng trả góp, khiến các công ty càng thiếu tiền. Những xí nghiệp cung cấp cho ngành xây cất bị cuốn theo. Tất cả tạo ra một cái vòng lẩn quẩn.

Công ty Bloomberg đã phân tích tình trạng bế tắc này. Trước năm 1998, Trung Cộng chưa cho phép mua bán nhà cửa tự do, chỉ có một phần ba dân chúng sống tại các thành phố. Sau 25 năm, số dân ở đô thị tăng thêm 480 triệu người, chiếm hai phần ba dân số. Đó là cơ hội cho các công ty xây cất. Họ đua nhau vay tiền dễ dàng từ khắp nơi vì ai cũng thấy viễn tượng phát triển tốt. Năm ngoái, tổng số nợ người nước ngoài đã lên đến $207 tỷ, vay bằng đô la gồm vay từ các ngân hàng và bán trái phiếu, tức giấy nợ. Năm 2009 số trái phiếu bán ra nước ngoài chỉ có $675 triệu, năm 2020 đã tăng gần gấp 100 lần, lên tới $64.7 tỷ. Khi nợ đáo hạn mà không trả được thì phải khai phá sản. Trong khi đó dân số bắt đầu giảm bớt, cả nước còn 50 triệu căn hộ đang không có người ở, và nhiều công trường xây cất ngưng hoạt động.

Những chủ nợ lớn nhất của các công ty địa ốc là người mua nhà trả góp. Khi Tập Cận Bình ra lệnh các ngân hàng bớt cho vay tiền xây nhà, các công ty địa ốc gây vốn bằng cách bán trước các căn hộ sắp xây. Từ 2015 đến tháng Bảy 2021, loại vốn này tăng từ 39% lên 54% nguồn vốn của các công ty địa ốc.

Tiền tiết kiệm của 70 phần trăm các gia đình trong lục địa đổ vào việc mua nhà, để ở hoặc đầu tư. Nhà cửa chiếm 60% tài sản của dân. Giá tụt xuống nghĩa là 70% dân Trung Hoa đang mất tiền dành dụm cả đời; giống như dân Mỹ bỗng dưng mất hết tiền trong quỹ hưu bổng và mất bảo hiểm y tế khi về già! Địa ốc không còn là một cơ hội kinh tế mà đã trở thành một vấn đề xã hội và chính trị.

Từ năm 2020 chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hạn chế số nợ của các công ty xây dựng, dựa trên ba tiêu chuẩn: tỷ lệ nợ tối đa, tổng số nợ, và tổng số tiền mặt. Năm ngoái chính quyền trung ương dành $48 tỷ đô la để giúp các công ty tiếp tục xây dựng, hứa sẽ cho các ngân hàng vay $27 tỷ không cần trả lãi nếu cho các công ty xây cất vay; nhưng đến nay số tiền đó vẫn chưa được dùng hết. Công việc xây cất giảm 14% trong năm 2021, xuống nặng nhất kể từ 6 năm. Tháng Tám vừa qua, Bắc Kinh giảm số tiền phải đặt xuống để mua nhà (down-payment); cho phép các ngân hàng hạ thấp lãi suất. Trong khi ở Mỹ tăng lãi suất thì Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh đã cắt để cứu thị trường nhà cửa, nhưng không thấy hiệu quả.

Kinh tế đang trở thành mối lo lớn nhất kể từ khi bắt đầu mở cửa đầu thập niên 1980. Chính sách đổi mới thành công, kinh tế Trung Quốc lớn dần. Trước đây 40 năm, Tổng Sản Lượng Nội Địa của Trung Quốc chỉ bằng 2 phần trăm GDP cả thế giới; năm 2021 đã chiếm 18.4%, theo báo Financial Times. Sau đó Trung Quốc bắt đầu đi xuống, trong khi Mỹ và nhiều nước khác, từ Ấn Độ đến Brazil vẫn tiến lên. Năm 2022, Trung Quốc chỉ còn chiếm 17% GDP toàn cầu.

Nhật báo Financial Time mô tả địa vị của Trung Quốc đang xuống dần. Trong năm 2023 sản lượng toàn thế giới sẽ lên đến $105 ngàn tỷ mỹ kim, tăng thêm $8 ngàn tỷ. Trung Quốc không hưởng một phần nào trong số $8 ngàn tỷ mới lên đó; kinh tế Mỹ góp 45%; các nền kinh tế đang lên đóng góp 50%; một nửa là do năm nước: Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan.

Số hàng xuất cảng của Trung Quốc đang giảm vì kinh tế các nước mua hàng cũng gặp khó khăn, hoặc đang tìm các nguồn cung cấp mới. Các công ty quốc tế đang rút tiền lời ra khỏi Trung Quốc, cắt số đầu tư bớt $12 tỷ trong quý thứ ba năm nay. Đồng nhân dân tệ xuống giá, các xí nghiệp Trung Quốc cũng theo gót, chuyển đô la ra nước ngoài, mua bất động sản.

Ngoài mối lo giảm phát, thay vì lạm phát, Trung Quốc đứng trước hai vấn đề lớn nữa: Số người làm việc giảm xuống và hiệu năng sản xuất ngưng đọng. Lực lượng lao động của Trung Quốc có lúc lên cao nhất, bằng 24% số người làm việc trên thế giới; hiện xuống chỉ bằng 19% và trong 35 năm nữa sẽ xuống tới 10%. Tính số người làm việc cùng với sản năng lao động, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng 2.5% một năm, bằng nửa chỉ tiêu trên 5% của ông Tập Cận Bình, vẫn theo Financial Times.

Đây là kết quả tự nhiên của mô hình kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi “đổi mới.” Họ từ bỏ kinh tế chỉ huy kiểu cộng sản cũ nhưng vẫn đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Đó là những xí nghiệp hiệu năng thấp nhất, nhưng được cung cấp tài chánh nhiều nhất. Các xí nghiệp tư nhân đóng góp cho sản lượng quốc gia nhiều hơn nhưng khó vay được tiền từ các ngân hàng.

Cán bộ cầm đầu các địa phương được chấm điểm theo tiêu chuẩn đã “sản xuất” được bao nhiêu, tính bằng số tiền sử dụng và số công nhân có việc làm. Các địa phương chọn lãnh vực dễ thực hiện và dễ phô trương nhất, là xây dựng, từ đường xá, cầu cống, bến cảng, phi trường, và các khu cao ốc. Họ vay nợ dễ dàng, vì các ngân hàng do nhà nước kiểm soát.

Cơ cấu kinh tế Trung Quốc nặng về đầu tư, nhẹ về tiêu thụ, trái ngược với các nước theo kinh tế thị trường. Trong năm 2021, ở Mỹ và Anh quốc, 80% Sản Lượng Nội Địa là để cung cấp cho nhu cầu của dân tiêu thụ; ở Trung Quốc người tiêu thụ chỉ hưởng 54%, theo Ngân hàng Thế giới. Đầu tư ở Trung Quốc chiếm 40% GDP, gấp đôi tỷ lệ ở nước Mỹ, vì các cán bộ đầu tư không cần tính toán đến mức lời. Khi trình độ phát triển còn thấp, như thời 1980, đầu tư sinh lợi cao vì thúc đẩy kinh tế lên. Nhưng càng về sau thì đầu tư thêm lợi ích càng giảm, theo định luật “năng suất tiệm giảm” trong kinh tế học.

Trong thời gian bệnh dịch Covid-19, chính phủ Mỹ trợ cấp tiền cho dân đóng thuế để giữ vững khả năng tiêu thụ của họ. Người Trung Hoa trong lục địa phải tự lo lấy mình. Khi kinh tế mở cửa lại, dân Mỹ đua nhau đi mua sắm, người Trung Hoa vẫn lo tiết kiệm, giữ tiền phòng bị tương lai.

Chúng ta có thể hiểu tại sao đảng Cộng sản chọn một cơ cấu kinh tế khập khiễng như vậy: Vì mục đích bảo vệ Đảng. Đảng nắm tiền đầu tư nên dân bị lệ thuộc. Nếu tư doanh phát triển mạnh, thì sẽ đến lúc không ai cần nhờ Đảng nữa!


https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-mo-hinh-kinh-te-gay-be-tac/7366410.html

Nhân lễ Tạ ơn bên Mỹ...

 Trương Nhân Tuấn-23-11-2023

letaon1

Lễ Tạ ơn ở Playmouth – tranh do họa sĩ Jennie A. Brownscombe vẽ năm 1914 - Wikipedia

Hôm nay là lễ Tạ ơn bên Mỹ. Lễ Tạ ơn có ý nghĩa ban đầu là ngày "mừng thu hoạch mùa màng và tạ ơn Thiên chúa đã ban phước lành cho mọi người".

Người Việt Nam bên Mỹ đại đa số là di dân. Họ mới hội nhập vào nước Mỹ nhưng họ được hưởng ân huệ của tổ quốc Mỹ, như những người Mỹ lâu đời. Cha ông, tổ tiên của họ không, hay đổ máu rất ít để bảo vệ tổ quốc Mỹ. Cha ông họ cũng đóng thuế ít hơn những người Mỹ sinh sống nhiều đời. Tức là họ đóng góp không nhiều để xây dựng một quốc gia Mỹ siêu đại cường. Nhưng họ trở thành công dân của nước Mỹ, bình đẳng với những công dân Mỹ khác. Họ được hưởng hạ tầng cơ sở, từ giao thông cho đến kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... hàng đầu thế giới. Quyền lợi của họ được nhà nước Mỹ bảo vệ, cho dầu họ ở bất cứ nơi nào trên trái đất này. Họ cũng được hưởng đủ thứ an sinh xã hội, như những công dân Mỹ khác. Mà công dân Mỹ là một thứ công dân thượng đẳng về quyền lợi, hơn hẳn những công dân các quốc gia khác, trên nhiều phương diện. (Thí dụ Mỹ in tiền làm gói trợ cấp Covid. Dân Mỹ ai cũng được "cục tiền", xài đã tay. Rốt cục số tiền này do dân cả thế giới nai lưng ra trả).

Vì vậy người Mỹ gốc Việt mừng lễ Tạ ơn theo "cái cách của họ".

Còn người Việt Nam tuy không có "ngày lễ Tạ ơn" nhưng (mỗi khi được chuyện gì) người dân hay niệm câu thần chú "ơn đảng, ơn nhà nước"...

Tim viec lam - timviec365.vn

Ơn đảng ơn nhà nước về cái gì ?

Vấn đề là ơn nghĩa cái gì ?

Hạ tầng cơ sở, từ giao thông tới kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... an sinh xã hội Việt Nam so với Mỹ khác nào đom đóm so với mặt trời. Dân Việt Nam ngoài ra cũng không được tổ quốc Việt Nam bảo vệ. Vụ "các chuyến bay giải cứu" cho ta thấy tổ quốc Việt Nam khác gì con thú hoang ăn thịt đồng loại ?

Tổ quốc Mỹ tư bản chủ nghĩa bảo bọc công dân họ. Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có người đổ máu cả ba đời để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Nhưng họ không có bất cứ quyền lợi nào trước tổ quốc này cả. Tổ quốc Mỹ "tư bản giẫy chết" nhưng (dầu có chết đói) họ không có chủ trương "xuất khẩu lao động" như tổ quốc xã hội chủ nghĩa vinh quang.

Xuất khẩu lao động là "chủ trương lớn của đảng và nhà nước".

Ơn đảng ơn nhà nước về cái gì ? Không lẽ về cái kiếp làm trâu ngựa, cái kiếp làm dâu trên xứ người ?

Hay là ơn đảng, ơn nhà nước vì được đảng và nhà nước "bán làm nô lệ" ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 23/11/2023

“Chăm” phần “chăm”

 Võ Xuân Sơn-23-11-2023

Một lần, tôi tuyển một anh lái xe. Tôi đăng tin trên vài mạng tìm việc làm bình dân, và có nhiều người đến dự tuyển. Anh là một trong số đó.

Sau khi tuyển anh vô một thời gian, anh mới nói chuyện. Thì ra anh là cán bộ của một ban quản lí dự án. Anh cứ bị ép kí nghiệm thu các công trình. Ban đầu thì anh được cấp trên yêu cầu bỏ qua một vài lỗi nhỏ. Nhưng càng ngày, các lỗi được yêu cầu bỏ qua càng lớn. Anh thấy nguy hiểm quá, và quyết định không kí khi bị yêu cầu kí một giấy tờ hết sức vô lí. Anh bị o ép đến mức phải xin nghỉ. Anh mua một cái xe tự chạy chở khách kiếm sống. Thế rồi dịch đến, rồi khó khăn trong kiểm định, lại thêm vụ bảng số vàng… Anh quyết định bán xe và xin đi lái xe.

Bây giờ, tôi tuyển người làm vườn, một dạng lao động phổ thông. Rất nhiều hồ sơ dự tuyển. Và không ít trong số đó là những người đã làm tại các cơ sở nhà nước hoặc tư nhân. Có những người từng là bí thư đoàn phường, rồi giữ trọng trách ở Hội đồng nhân dân… không ăn cánh bị hất ra. Thậm chí có người còn hỏi tôi, rằng nếu họ chuyển sinh hoạt đảng về nơi tôi thuê họ làm việc thì có được không.

***

Tôi thấy nhiều bạn tỏ ra ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền hối lộ để cho SCB và bà Trương Mỹ Lan tiếp tục vi phạm, gây thiệt hại hàng chục tỉ USD. Sao lại có thể ngạc nhiên nhỉ? Chính tôi ngạc nhiên vì cái sự ngạc nhiên của các bạn. Hay là các bạn chưa bao giờ tiếp xúc với những thể loại như vậy? Vậy thì các bạn quá là may mắn.

Ảnh chụp màn hình bài báo đăng trên VNE: “100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền để dung túng cho SCB”

100% cái gì thì tôi không dám chắc. Nhưng 100% cùng nhau tìm cách moi móc, tróc nã thì tôi tin chắc chắn là thường xuyên có như vậy. Chẳng có gì ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận hối lộ cả. Ngay cả khi kẻ bị thanh tra có bị truy tố, bị bắt, thì tôi cũng không tin rằng các thành viên thanh tra không nhận hối lộ của chính kẻ bị truy tố, bị bắt. Tôi sẽ chỉ ngạc nhiên khi họ không nhận hối lộ thôi.

Những người không bước vô, hoặc bị loại ra khỏi số 100% ấy, bây giờ đang đầu quân trong đội ngũ shipper, lái taxi, làm vườn, hoặc các công việc phổ thông. Một số ít những người rút ra khỏi số 100% ấy thành đạt, một số phải ra nước ngoài sinh sống, số khác thì bị các cựu đồng liêu bòn rút, và dần trở thành vị trí doanh nghiệp thân hữu. Vài người dấn thân cải thiện con số 100% thì đang ở trong tù, hoặc bị đày đi biệt xứ.

Ở bộ máy 100% này, làm gì có chuyện đứng ngoài con số 100% ấy, nhất là khi được hưởng lợi. Chỉ cần không đồng thuận, thì bạn sẽ bị cô lập và bị đá đít. Muốn tồn tại trong bộ máy, thì phải 100% trong mọi việc.

Hậu 20-11: Cái phong bì rách

 Chu Mộng Long-23-11-2023



1. Đầu tháng 11 dương, có nghĩa là giữa tháng 10 âm. Tin lũ miền Trung. Cá tung tăng bơi vào tận cung điện. Chúng kiếm ăn trong nước bạc. Xác heo, gà, chó, mèo trôi lềnh phềnh. Nhà dân ngập đến nóc. Người già, trẻ em chấp chới giơ tay cầu cứu. Lãnh đạo lên thuyền vào vùng lũ, tay chém gió: “Cần xây nhà cao tầng để dân sống chung với lũ!”. Các tổ chức từ thiện ào ạt quyên góp, ào ạt đi phân phát lương thực và phát tiền cho dân.

Thằng bé đập con heo đất. Nó đếm đi đếm lại vẫn chưa tới 200.000 đồng. Nó dự tính sẽ đem số tiền này nộp cho cô giáo theo lời kêu gọi quyên góp giúp trẻ em vùng lũ. Mẹ nó không phải lấy trong số tiền còm cõi bán ve chai ra nộp. Không làm mẹ khóc là thằng bé vui.

2. Trên nhóm Zalo, đã thấy quý thầy cô giáo khoe quà 20.11. Quà của những năm trước. Nào hoa, nào phong bì. Trên quà, phong bì có dán nhãn: “Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam”, đính kèm tên lớp, cả tên cá nhân học sinh. Có thầy làm thơ tự tôn vinh mình. Có cô ngợi khen học sinh biết điều… Món quà ấy tự nó nói lên: “Mình phải như thế nào mới được đối xử như thế!” Hội cha mẹ kêu gọi phụ huynh quyên góp cho lễ 20.11 năm nay.

Thằng bé nhìn mặt mẹ nó. Mấy ngày liền mẹ không nói gì. Mẹ đi làm từ sáng đến tối, phờ phạc. Mắt mẹ đỏ hoe. Nó hiểu mẹ khóc nhiều lắm. Năm nào cũng vậy. Cứ đến tháng 11 là mẹ khóc. Khóc như trăng úa tàn trong mây đen vần vũ.

3. Đêm ấy mẹ ôm thằng bé vào lòng. Mẹ nói: “Năm trước mẹ đã không đủ tiền đi thầy cô cho con. Mẹ có lỗi”. Thằng bé hiểu, cô giáo khoe quà năm trước như là nhắc nhở năm nay. Đúng là trong số quà cô khoe, không có tên nó và những bạn có hoàn cảnh như nó. Thằng bé lặng im trong lòng mẹ. Số tiền ít ỏi lâu nay bỏ hũ nhờ nhịn ăn sáng, nó dự tính sẽ nộp từ thiện cho các bạn vùng lũ, có lẽ phải giúp mẹ đi quà 20.11 cho cô giáo thôi. Giá mà nó có nhiều tiền.

Cả đêm thằng bé mơ Bụt hiện ra, cho nó rất nhiều tiền. Nó thừa tiền, không chỉ giúp các bạn vùng lũ mà còn đi quà cho cô giáo. Khi nộp tiền, cô giáo xoa đầu khen nó ngoan quá. Nó mơ đến cả năm sau, nó cũng vinh dự được cô giáo đưa tên lên mạng khoe nó biết điều, mẹ nó biết tôn sư trọng đạo.

4. Các bậc cha mẹ đã đi thầy cô từ đầu tháng. Lễ tết 20.11 kéo dài đến 20 ngày. Từ trong chợ đến vỉa hè, hoa và quà tràn ngập. Người mua nườm nượp. Kẻ vui người buồn. Người vui hy vọng con mình năm nay học giỏi. Người buồn vì lo không biết món quà bé mọn của mình có làm cho thầy cô vui không.

Thằng bé chờ mãi rồi đến 19.11, mẹ cũng đưa nó ra chợ mua hoa, quà. Nó nhìn gói quà mẹ nó mua, tính ra mẹ phải đi nhặt ve chai cả tháng. Nó cùng mẹ đến nhà cô giáo. Cô giáo đon đả đón từ ngoài cổng. Mẹ thằng bé cúi đầu nói nhanh một câu: “Cảm ơn cô giáo đã quan tâm đến con tôi. Tôi không có gì hơn, gửi lòng biết ơn đến cô!” Nói xong thì hai mẹ con vội vã ra về.

5. Ngày 20.11, tại lớp học. Thằng bé gói ghém số tiền lẻ trong cái phong bì. Nó giấu mẹ từ trước. Nó quyết định không đóng tiền lũ lụt nữa mà phong bì cho cô giáo. Trên trang của cô giáo, nó nhận ra các bạn đều có phong bì, nhưng nó thì không. Nó mặc cảm và lo âu. Đợi đại diện Hội Cha mẹ tặng quà cho cô xong, nó cũng sẽ tặng phong bì cho cô. Hy vọng năm sau, trên trang của cô sẽ có tên nó, cùng với hoa, quà là cái phong bì này.

Thằng bé quan sát cô giáo vui như tết khi nhận hoa, quà của Hội Cha mẹ. Thằng bé cũng vui lây, nhưng phải bật khóc khi đại diện Hội Cha mẹ công khai tên họ những phụ huynh đóng góp tiền thì không có tên mẹ con nó. Nó thốt lên “Mẹ ơi…” rồi vội vàng lôi cái phong bì trong cặp ra và đi lên bục tặng cho cô giáo. Thằng bé ấp úng: “Mẹ con… có… món quà tặng cô!”

Cô giáo nhìn cái phong bì khá dày. Mắt cô sáng lên. Nhưng nhìn thằng bé không vui, cô lưỡng lự không nhận ngay. Cô nói: “Hôm qua cô đã nhận rồi. Con mang số tiền này về cho mẹ”. Cô cầm chặt cái phong bì và đẩy về phía thằng bé. Trong đầu thằng bé lập tức nghĩ ngay đến những bạn vùng lũ. Nếu cô không nhận, coi như số tiền này nó nộp từ thiện, vừa đỡ lo cho mẹ. Nghĩ thế, thằng bé mừng ra mặt và kéo lại cái phong bì. Không ngờ cô nắm chặt quá. Cái phong bì rách đôi. Số tiền lẻ trong cái phong bì rơi ra lả tả. Cả lớp bật cười. Còn thằng bé thì chết đứng trong tiếng cười của các bạn.

6. Ngoài sân trời vẫn tiếp tục mưa. Tin lũ miền Trung và lời kêu gọi quyên góp vẫn dồn dập trên truyền thông. Những chiếc lá còn lại của mùa thu xao xác bay trong gió lạnh đầu mùa…

Giá cà phê ‘rớt thê thảm,’ nông dân ở Quảng Trị xót xa bỏ rẫy

 QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Bị ép giá từng ngày khiến giá xuống thấp, thu nhập không đủ tiền trả nhân công, nông dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, xót xa bỏ cho rơi rụng hàng tấn quả cà phê, theo báo Tuổi Trẻ hôm 23 Tháng Mười Một.

Giữa Tháng Mười Một, quả cà phê chín rộ lẽ ra nông dân huyện Hướng Hóa vào vụ thu hoạch rộ nhưng khoảng 50 gia đình ở xã Hướng Phùng bỏ hái cà phê, kéo nhau ra ủy ban huyện để cầu cứu.

Giá cà phê xuống thấp, nhiều nông dân bỏ không thu hoạch khiến quả khô héo, rơi rụng. (Hình: Hoàng Táo/Tuổi Trẻ)

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, có 3 hécta cà phê Arabica, dự tính sản lượng khoảng 40 tấn. Tuy nhiên trong ba ngày qua, giá bán quả cà phê xuống thấp, bà Lan bỏ không thu hoạch khiến khoảng 5 tấn quả rơi rụng, héo khô.

Theo bà Lan, gia đình bà đã đầu tư 140 triệu đồng ($5,779) tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Số vật tư này vay của đại lý, phải trả tiền lãi trong suốt niên vụ, nên giờ không biết làm sao thu vào cho đủ để trả tiền “phân tro.”

Tương tự, ông Phan Hữu Phong, ở thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng, lo âu vì giá cà phê xuống thấp, nguy cơ thua lỗ thêm một niên vụ nữa.

Các năm trước giá cà phê thế giới xuống thấp, nông dân chấp nhận rủi ro, thua lỗ nhưng vẫn bám vườn. Tuy nhiên hiện nay, giá cà phê thế giới cao hơn năm ngoái, nhưng giá cà phê tại tỉnh Quảng Trị lại thấp.

“Tôi nhập cà phê cho đại lý chiều hôm trước, nhưng hôm sau mới có giá. Doanh nghiệp cho giá như thế nào thì nông dân chấp nhận như thế. Chúng tôi không quyết định được giá bán nông sản. Nông dân bỏ công sức, tiền của cả năm trời để chăm vườn, nay giá thấp phải vất bỏ cà phê như này rất đau xót, không có tâm trạng tiếp tục làm cà phê,” ông Phong nói.

Nông dân trồng cà phê ở Hướng Hóa cho rằng các doanh nghiệp, đại lý đang bắt tay nhau làm giá, ép giá nông dân, khiến họ đứng trước thua lỗ, thậm chí bỏ vườn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo, chủ một cơ sở thu mua cà phê, cho hay doanh nghiệp không ép giá nông dân. Năm nay xuất cảng cà phê không thuận lợi, chủ yếu tiêu thụ nội địa cộng với trời mưa, cà phê lẫn tạp chất, độ ẩm nên giá thấp.

Qua nhiều năm thua lỗ do giá thấp, nhiều nông dân vứt bỏ vườn cà phê. (Hình: Hoàng Táo/Tuổi Trẻ)

“Nếu trời tiếp tục mưa thì tôi sẽ không thu mua nữa vì giá có xuống 7,500 đồng/kg, doanh nghiệp cũng thua lỗ,” bà Thảo cho biết.

“Được nước,” ông Hoàng Đình Bình, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Hướng Hóa, ăn theo nói cho qua chuyện: “Qua làm việc thì doanh nghiệp khẳng định không ép giá.” (Tr.N) [kn]

Đại gia Hà Nội ‘bỏ chạy’ sau khi trúng thầu ‘triệu đô’ thuê nhà hàng ở Đà Lạt

 LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Nhà chức trách xác nhận ông Đoàn Hải Hà ở Hà Nội, đã rút lui ngay lúc sắp đến hạn nộp khoản 151 tỷ đồng ($6.2 triệu) trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ ở thành phố Đà Lạt trong mười năm.

Nhà hàng Thủy Tạ được coi là có vị trí đắc địa do nằm trên mặt hồ Xuân Hương ở ngay trung tâm thành phố Đà Lạt.

Nhà hàng Thủy Tạ nằm trên mặt hồ Xuân Hương ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Hình: Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên hôm 23 Tháng Mười Một, lý do được công bố là ông Hà yêu cầu đổi tên nhà hàng Thủy Tạ bị nhưng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Lạt khước từ.

Như vậy, ông Hà chấp nhận mất cọc 600 triệu đồng ($24,793).

Không có nhiều chi tiết về nhân thân cũng như hình ảnh của ông Hà, ngoài mô tả ông này cư trú tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Nửa tháng trước, vụ đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Nhiều ý kiến suy đoán rằng đây là vụ rửa tiền của “đại gia” Hà Nội vì theo giới kinh doanh ở Đà Lạt, người trúng đấu giá không thể nào có lời khi phải trả đến 15.1 tỷ đồng ($623,966) cho tiền thuê nhà hàng này mỗi năm, trong lúc bị nhà chức trách giới hạn không được thay đổi công năng, hiện trạng khu đất cũng như loại hình kinh doanh.

Vụ đấu giá càng gây bàn tán trong bối cảnh hàng loạt khách sạn, nhà hàng, homestay ở Đà Lạt đang phải bán tháo hoặc sang nhượng, do lượng du khách sụt giảm thê thảm.

Bên dưới bản tin của báo VNExpress, độc giả “Trần Phong Phú” bình luận: “Với một thành phố nhỏ như Đà Lạt, một nhà hàng kiếm được hơn 3 tỷ đồng ($123,966) mỗi tháng tiền lãi để đủ trả lãi vay và tiền thuê là không hề dễ dàng. Bỏ của chạy lấy người như vậy là sớm!”

Trước vụ này, thành phố Đà Lạt từng ghi nhận tiền lệ về vụ rút lui sau khi thắng đấu giá một số dịch vụ với giá triệu đô la.

Báo Tuổi Trẻ hồi giữa Tháng Hai cho hay, bà Đinh Thị Bích Thảo chấp nhận bỏ cọc sau khi trúng thầu 28 tỷ đồng ($1.1 triệu) để giành quyền kinh doanh 11 bãi giữ xe tại Đà Lạt trong năm năm.

Lối vào nhà hàng Thủy Tạ. (Hình: Thanh Niên)

Theo bản tin, bà Thảo đề nghị hủy kết quả đấu giá vì sau khi tính toán lại bà này “nhận ra tổng doanh thu không đủ trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác.”

Trong vụ này, bà Thảo bị mất tiền cọc 59 triệu đồng ($2,438). (N.H.K) [kn]