Thursday, April 25, 2019

Lê Đức Anh có dinh thự ở Sài Gòn cho thuê $18,000 mỗi tháng

Các mẩu rao cho thuê nhà 240 đường Pasteur thuộc sở hữu của ông Lê Đức Anh. (Hình chụp qua màn hình)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau khi cựu Chủ Tịch Nước CSVN Lê Đức Anh qua đời, một bài trên báo Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Tư cho biết vị tướng này “ở khu nhà công vụ của Bộ Quốc Phòng CSVN trên đường Phan Đình Phùng.”
Tờ báo còn dẫn lời Thiếu Tướng Hoàng Kiền: “Cho tới cuối đời, Đại Tướng Lê Đức Anh vẫn chỉ ở trong căn hộ công vụ đơn sơ.”
Chi tiết này khiến nhà báo Huy Đức, tức Facebook Truong Huy San, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” không hài lòng. Ông Huy Đức bình luận trên trang cá nhân: “Cho dù mục tiêu của Đại Tướng Lê Đức Anh không phải là tiền bạc – ông có một vẻ ngoài giản dị gần giống như những nhà lãnh đạo cộng sản cùng thời – nhưng, về nhà cửa ông cũng không thua kém ai cả. Các con của ông, từ con của bà lớn ông để lại miền Nam, hay con của bà sau ông cưới khi ra Bắc, ai đủ tiêu chuẩn đều được cấp nhà, cấp đất. Bản thân ông, từ những ngày đầu về Sài Gòn, đã ở dinh thự mênh mông ở 240 Pasteur.”
“Khác với nhiều nhà lãnh đạo có quê từ vĩ tuyến 17 trở vô. Khi về hưu, Lê Đức Anh không trả nhà công vụ. Ông vẫn ở một dinh thự ‘trong thành,’ số 5A Hoàng Diệu. Chỉ thỉnh thoảng ông mới vào Sài Gòn, ở căn nhà đã thuộc về mình, ở Pasteur. Tôi không nghĩ Lê Đức Anh nói dối với ông Kiền. Tôi cũng không nghĩ ông Hoàng Kiền nhớ nhầm. Cách nói của tướng Kiền cũng theo truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận.” Vấn đề là, báo Tuổi Trẻ hoàn toàn có thể xác minh để không hăm hở đưa chi tiết đó. Khen nhau như thế cũng bằng hại nhau,” theo Facebook Truong Huy San.
Vài giờ sau khi đăng, ông Huy Đức đã sửa post, bỏ số “240” trong địa chỉ nhà thuộc sở hữu của ông Lê Đức Anh.
Tuy vậy, nhiều blogger mau chóng phát hiện một số mẩu rao cho thuê “tòa nhà rộng 1,300 mét vuông trung tâm Sài Gòn, ở 240 Pasteur, quận 3, Sài Gòn, gồm tầng hầm, trệt, năm lầu, có trang bị thang máy, giá thuê $18,000 hoặc 418 triệu đồng/tháng…”
Các mẩu rao cho thuê dinh thự này được đăng liên tục trên các trang web dịch vụ bất động sản hồi Tháng Chín, Tháng Mười, 2018.
Trong một diễn biến khác, theo báo Tuổi Trẻ, linh cữu ông Lê Đức Anh sẽ được đưa về chôn cất tại Nhà Văn Hóa Đại Tướng Lê Đức Anh ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng đến nay vẫn chưa rõ thời điểm tang lễ diễn ra.
“Đây là công trình được xây dựng từ năm 2011, hoàn thành năm 2012 với diện tích 4,000 mét vuông gồm nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn, tư liệu ảnh của vị đại tướng,” theo Tuổi Trẻ.
Hôm 25 Tháng Tư, Facebooker Dương Quốc Chính, một blogger có nhiều lượt follow, dự báo quốc tang ông Lê Đức Anh “phải tổ chức vào sau đợt nghỉ lễ 30 Tháng Tư và tránh ngày 7 Tháng Năm vì năm nay kỷ niệm năm chẵn trận Điện Biên Phủ (65 năm) nên chắc sẽ rơi vào quãng ngày 2 đến 6 Tháng Năm.”
Blogger này cũng dự đoán rằng do Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng chưa rõ bệnh tình thế nào, vị trí trưởng ban tang lễ có thể là Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc hoặc Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng Trần Quốc Vượng.” (T.K.)

Nhà máy Trung Quốc ồ ạt sang tuyển người làm dân Việt bất an

Nhiều nhà máy sản xuất từ Trung Quốc ồ ạt sang phía Nam Việt Nam tuyển lượng lớn nhân công. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các nhà máy của những tập đoàn đa quốc gia chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian qua, nay đang tuyển nhân sự ồ ạt khiến nhiều người dân lo ngại.
Theo báo VNExpress ngày 24 Tháng Tư, 2019, từ Quý 4/2018 nhiều công ty đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI – Foreign Direct Investment) mảng công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Làn sóng này gồm hai nhóm: các công ty đa quốc gia có nhà máy tại Trung Quốc và các công ty Trung Quốc.
Phúc trình nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Quý I/2019 của Navigos Search cho biết: “Nhiều dự án mới vào Việt Nam dự kiến mở rộng quy mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp… Vị trí kỹ sư có thể được trả mức lương là $4,000; cấp quản lý có vị trí trả đến $8,000 mỗi tháng.”
Mới đây, một công ty vốn đầu tư của Mỹ tại Khu Công Nghệ Cao ở Sài Gòn đã xây thêm nhà máy mới để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và quyết định tuyển thêm 1,000 lao động.
Ba tháng đầu năm, nhiều nhà máy tại khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương) đăng tuyển thêm hàng trăm nhân sự. Một nhà máy sản xuất thiết bị điện quy mô 300 nhân công nhưng đã công bố dự định mở rộng lên 1,000 nhân viên.
Ở phía Nam, các dự án năng lượng tái tạo ở Bến Tre cũng ráo tiết tìm người. Một dự án của nhà đầu tư Mỹ tại đây đang vừa thiếu lao động phổ thông, lẫn quản lý cấp cao.
Cũng theo phúc trình của Navigos Search, bên cạnh ngành công nghiệp sản xuất thì bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, địa ốc và nông nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển dụng lớn ở nhóm nhân sự trung và cao cấp trong những tháng qua.
Báo VNExpress dẫn tin từ Tổng Cục Thống Kê cho biết thêm, trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam trong Quý I/2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với $723.2 triệu, chiếm 18.9%. Điều này sẽ thức đẩy nhu cầu tuyển dụng trong các nhà máy Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, điểm chung của các nhà máy từ Trung Quốc chuyển sang Việt nam khi tuyển dụng nhân viên, nhất là nhiều vị trí giám sát và cấp quản lý, đều yêu cầu ứng viên phải nói được tiếng Bắc Kinh.
Mặc dù chính quyền CSVN “phấn khởi” với thông tin trên, nhưng nhiều người dân lại tỏ thái độ lo lắng, nghi ngờ.
Bày tỏ trên báo VNExpress, bạn đọc tên An cho rằng: “Thật sự là người dân như chúng tôi không hề muốn biến Việt Nam thành khu công nghiệp. Sự phát triển quá đà sẽ mang nhiều hệ lụy xấu đến môi trường, đời sống của người dân. Ô nhiễm nặng nề từ Trung Quốc là bài học đắt giá mà các lãnh đạo nên xem xét.”
“Nước nào đầu tư vào Việt Nam càng nhiều thì người dân của họ cũng nhập cảnh vào Việt Nam càng đông, ở thành một khu dân cư…. Rồi đây Việt Nam lại bị ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường sống như: bụi, khói, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt…,” bạn Huong Vu bổ sung.
Còn bạn tên Bắp tỏ thái độ nghi ngờ: “Bên Trung Quốc thay thế các dây chuyền cũ bằng dây chuyền công nghệ mới, trong khi các dây chuyền cũ còn hoạt động được thì Việt Nam là nơi mà các nhà máy Trung Quốc muốn hướng tới để giải quyết vấn đề của họ.”
“Tôi mong sao các cơ quan hữu trách làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tài nguyên giàu đẹp của Việt Nam,” bạn Phạm Huệ kỳ vọng.
Những ý kiến bày tỏ trên đã nhận được hàng ngàn lượt đồng tình của người dân. (Tr.N)

Bamboo Airways tố Vietnam Airlines ‘chơi xấu’

Quầy làm thủ tục check-in của Bamboo Airways tại phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Tân Sơn Nhất)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 24 Tháng Tư, Hãng Hàng Không Bamboo Airways đề nghị nhà chức trách làm rõ vụ Hãng Vietnam Airlines gửi báo cáo về việc Bamboo Airways “có hành vi giành giật phi công của Vietnam Airlines.”
Bamboo Airways thuộc sở hữu của đại gia Trịnh Văn Quyết, được cho là hãng hàng không phát triển “thần tốc,” chỉ sau hơn nửa năm thành lập đã cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa Tháng Giêng, 2019.
Hãng hàng không thứ năm của Việt Nam công bố trên các báo nhà nước rằng từ khi chính thức hoạt đông đến nay, họ “đã thực hiện gần 4,000 chuyến bay với tỷ lệ đúng giờ cao.”
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Tư, trong văn bản được cho là của Vietnam Airlines đề gửi Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, Cục Hàng Không Việt Nam, Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp, Vietnam Airlines tố cáo Bamboo Airways “giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, khiến Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.”
Báo cáo nêu trên cũng đề xuất Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN “dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với phi cơ Boeing 787 của Bamboo Airways vì không đảm bảo an toàn hàng không.”
Báo Tuổi Trẻ viết thêm: “Hãng Bamboo Airways nhấn mạnh báo cáo này đóng dấu ‘Mật’ và có chữ ký của lãnh đạo Vietnam Airlines. Bamboo Airways đề nghị làm rõ đây có phải là báo cáo giả mạo hay không. Bamboo Airways cho rằng cáo buộc giành giật phi công là bịa đặt, thực tế hãng này tuyển dụng công khai đúng quy định.”
Báo này cũng cho biết Vietnam Airlines hiện chưa có phản hồi về vụ việc.
Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản gần đây cho hay, Vietnam Airlines lên sàn giữa lúc thị phần giảm, cạnh tranh tăng. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia phân tích tại Công Ty Chứng Khoán SSI, nói rằng Vietnam Airlines có thể sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức trong hai năm tới. Các hãng hàng không nội địa khác là Vietjet Air và Bamboo Airways đang khiến cho cạnh tranh ngày càng thêm gay gắt và xâm lấn thị phần của Vietnam Airlines.
Tính đến Tháng Mười Hai, 2018, thị phần hàng không nội địa của Vietnam Airlines là 37%, sụt giảm đáng kể so với mức 80% vào năm 2011 khi Vietjet – hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam – bắt đầu hoạt động.”
Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc (giữa) hiện diện tại lễ ký thỏa thuận Bamboo Airways mở đường bay thẳng đến Praha, thủ đô Cộng Hòa Tiệp. (Hình: Facebook Trinh Van Quyet)
Đáng lưu ý, áp dụng cùng chiêu thức “ăn theo tên tuổi lãnh đạo” với Vietjet, các sự kiện quảng bá thương hiệu của Bamboo Airways thường xuyên có sự hiện diện của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc.
Trong một sự kiện gần đây nhất, ông Trịnh Văn Quyết viết trên trang cá nhân hôm 17 Tháng Tư: “Bamboo Airways ký thỏa thuận mở đường bay thẳng đến Praha, thủ đô Cộng Hòa Séc, dưới sự chứng kiến của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cộng đồng người Việt đông đảo tại Séc hiện lên tới gần 70,000 người và đã được chính phủ Séc công nhận là một trong các dân tộc thiểu số tại nước này. Quan hệ giao thương Việt-Séc cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc chưa có hãng hàng không Việt Nam nào mở đường bay thẳng đến Séc khiến quá trình đi lại giữa hai nước gặp nhiều bất tiện với những chuyến bay quá cảnh kéo dài.”
“Chúng tôi hy vọng, đường bay thẳng Việt-Séc sắp tới của Bamboo Airways (dự trù đầu năm 2020) sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch, giao thương của kiều bào, người dân và doanh nghiệp giữa hai đất nước tuy cách trở về địa lý, nhưng đã có mối quan hệ thân thiện gần gũi từ rất nhiều năm,” theo Facebook Trinh Van Quyet. (T.K.)

Thêm 14 người Trung Quốc lừa đảo bị bắt ở Khánh Hòa

Khu nhà Mường Thanh Viễn Triều ở thành phố Nha Trang, nơi 14 người Trung Quốc nghi lừa đảo vừa bị công an bắt. (Hình: Tuổi Trẻ)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Thêm 14 người Trung Quốc sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao để lừa đảo đã bị bắt giữ ở thành phố Nha Trang, nâng tổng số lên gần 100 người bị bắt chỉ trong vòng bốn ngày.
Sáng 24 Tháng Tư, 2019, cơ quan hữu trách tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã bắt thêm 14 người Trung Quốc nghi là tội phạm công nghệ cao tại khu nhà Mường Thanh Viễn Triều (trên đường Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang).
Theo báo Tuổi Trẻ, nhóm người Trung Quốc này đã sử dụng các máy vi tính cùng nhiều thiết bị công nghệ để “làm việc trái với mục đích đi du lịch và giấy tờ khai báo để được nhập cảnh vào Việt Nam.”
Hiện cả nhóm đã được giao cho công ty du lịch liên quan bảo lãnh ở lại thành phố Nha Trang để công an điều tra.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ cho biết, trong khu nhà Dự Án Khách Sạn Và Căn Hộ Cao Cấp Mường Thanh Viễn Triều mà nhóm người Trung Quốc này cư trú, Thanh Tra Sở Xây Dựng tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện chủ đầu tư bán trái phép một số căn hộ cho người Trung Quốc, mặc dù dự án vẫn chưa hoàn tất các thủ tục xây dựng. Sở Xây Dựng Tỉnh Khánh Hòa cũng đã ký giấy xử phạt vi phạm “nhưng đến nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa đến làm việc theo yêu cầu của thanh tra sở.”
Khách sạn Duy Nhất, thành phố Nha Trang, nơi 77 người Trung Quốc bị công an bắt giữ đã thuê trọ thường xuyên từ năm 2018. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trước đó ngày 20 Tháng Tư, báo chí Việt Nam đưa tin, Công An tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ 77 người Trung Quốc tại khách sạn Duy Nhất (khu Hòn Rớ, thành phố Nha Trang), nằm trên đường Nguyễn Tất Thành vào phi trường Cam Ranh.
Do bị khám xét bất ngờ vào tối 19 Tháng Tư nên hầu hết những người Trung Quốc hoạt động phạm pháp tại đây không kịp tẩu thoát hoặc tiêu hủy, tẩu tán máy móc, thiết bị.
Công an tìm thấy bên trong khách sạn Duy Nhất “có lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ cao cùng nhiều tang vật khác cất giấu ở tầng 4 và tầng 5 được dùng để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn như: mạo danh nhà chức trách, điện thoại đe doạ, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản phi pháp…”
Theo báo Văn Hóa, nhiều tháng qua ở các xã Phước Đồng, phường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên… (thành phố Nha Trang) có rất nhiều nhóm người Trung Quốc tìm đến thuê nhà để ở. Nhiều căn nhà được thuê dùng để chứa hàng hóa, mua bán “bí mật” và “bất khả xâm phạm.” (Tr.N)

Doanh nghiệp lo sợ bị thiệt hại do quốc tang Lê Đức Anh

Trong hình, một người đã chết, một người đang đau bệnh: dư luận thắc mắc ông Nguyễn Phú Trọng liệu có hiện diện trong đám tang ông Lê Đức Anh? (Hình: Dân Việt)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 24 Tháng Tư, hai ngày sau khi cựu Chủ Tịch Nước CSVN Lê Đức Anh qua đời, dư luận hoang mang về chuyện hai ngày quốc tang dành cho ông này vẫn chưa được công bố.
Việc này sẽ gây ảnh hưởng và thiệt hại trầm trọng cho các doanh nghiệp trước đó nhiều tháng đã có lịch tổ chức các sự kiện, nếu hai ngày quốc tang rơi đúng vào ngày họ dự trù. Bởi vì theo quy định tại Việt Nam, nhà nước cấm các hoạt động vui chơi, giải trí,… trong các ngày quốc tang.
Cụ thể là các sự kiện ra mắt phim, live concert của ca sĩ, lễ ra mắt sản phẩm… của doanh nghiệp đương nhiên bị hủy vào giờ chót. Do vậy, nhiều blogger đang lo ngại sự kiện công chiếu phim “Avengers: Endgame” sẽ bị hủy vì trùng vào quốc tang. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim “bom tấn” ở Việt Nam.
Điều oái ăm là nhiều doanh nghiệp đã lên lịch 30 Tháng Tư là thời điểm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, do đây là kỳ nghỉ dài ngày của người dân.
Nhà báo Phạm Việt Thắng, báo Lao Động Nghệ An, viết trên trang cá nhân: “Tôi không biết gì về quốc tang. Từ đêm qua đến giờ, nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi về thời gian quốc tang. Lý do các bạn hỏi không phải vì tò mò, mà để họ bố trí công việc. Ví như có bạn nhắn tin như khóc: ‘Em lỡ ký hợp đồng mấy chương trình giải trí rồi. Nếu quốc tang vào mấy ngày ấy thì em có mà đền ốm…’ Tôi trả lời các bạn một thể: Tôi hoàn toàn không biết gì về quốc tang! Tuy nhiên, tôi cũng rất chia sẻ với các bạn, lỡ dở công việc làm ăn, phải bỏ lỡ nhiều hợp đồng, hợp tác. Vì thế, tôi xin nhắc lại ý kiến hồi năm ngoái: Chỉ nên tổ chức quốc tang với nguyên thủ đang đương chức qua đời, mà cũng chỉ nên để tang một ngày thôi!”
Việc CSVN bối rối và chậm công bố cụ thể thời điểm quốc tang dành cho ông Lê Đức Anh được hiểu là do Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hiện vẫn chưa hồi phục trong lúc đang có tin đồn “ông Trọng bị tai biến mạch máu não và đang điều trị tại Viện Quân Y 108.”
Tin đồn này càng có cơ sở vì ông Trọng đã phải cử Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thay ông đi dự Diễn Đàn Cấp Cao Hợp Tác “Vành Đai và Con Đường” lần thứ hai diễn ra từ hôm 25 đến 27 Tháng Tư tại Bắc Kinh, theo lời mời của Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Theo lẽ thường, quốc tang của cựu chủ tịch nước không thể vắng mặt đương kim chủ tịch nước và thủ tướng, do vậy có thể quốc tang ông Lê Đức Anh sẽ diễn ra sau ngày 27 Tháng Tư.
Mặt khác, dư luận còn quan tâm đến vị trí của các lãnh đạo CSVN trong “Ban Lễ Tang,” vì nó thể hiện mức độ tín nhiệm và uy lực của từng giới chức của đảng và nhà nước CSVN. Trên lý thuyết, trưởng ban lễ tang đương nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng nhưng thực tế thế nào thì dư luận còn phải đợi.
Hồi diễn ra quốc tang Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang vào Tháng Chín, 2018, mạng xã hội xôn xao chuyện bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, quyền chủ tịch nước, đương nhiệm vị trí nguyên thủ quốc gia, người giữ chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang theo Hiến Pháp CSVN, người có quyền ra lệnh tổng động viên và phát động chiến tranh (khi hữu sự) lại chỉ được xếp ở vị trí thứ 17, thậm chí còn đứng sau nhiều bộ trưởng. (T.K.)

4 tháng, 4 người chết bất thường trong tay công an CSVN

Người nhà có mặt tại Bệnh Viện Hữu Nghị Đa Khoa tỉnh Nghệ An chờ xem kết quả giảo nghiệm tử thi ông Nguyễn Văn Quang. (Hình: VietNamNet)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Dù nhà cầm quyền CSVN đã ký vào Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, nhưng những người bị tạm giam trong nhà tù của công an vẫn chết với các dấu tích bất thường.
Hôm Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2019, truyền thông Việt Nam đưa tin về cuộc giảo nghiệm tử thi ông Nguyễn Văn Quang (50 tuổi), đội phó Đội Quản Lý Thị Trường Số 8, Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Nghệ An, chết bất thường trong thời gian bị tạm giam.
Ông Quang bị Công An huyện Thanh Chương bắt ngày 26 Tháng Giêng, “tạm giam bốn tháng” để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Ông bị bắt vì tình nghi ăn hối lộ 6 triệu đồng ($258).
Khoảng 1 giờ sáng 22 Tháng Tư, ông Quang được đưa thẳng từ trại tạm giam Công An tỉnh Nghệ An đến bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết “lúc vào viện tim đã ngừng đập. Sau đó được các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu tim đập trở lại. Đến 8 giờ 15 cùng ngày, ông Quang tử vong.”
Tức là ông Quang đã tắt thở trước khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Trên trang Facebook của ông Phan Công Hải, cùng với mấy tấm hình mặt ông Quang máu mũi tràn ra, kết quả giám định pháp y đúng ra đã tìm thấy là ông “bị gãy xương sườn số 5, dập lách, dập phổi, tụ máu, lún não.” Tức là cái chết của ông do hậu quả của những trận tra tấn khủng khiếp của công an khi ép cung.
Tháng trước, công an CSVN tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cũng đã tra tấn chết một nghi can chỉ sau năm ngày bị bắt tạm giam về chuyện cờ bạc ở địa phương. Theo báo chí trong nước, ông Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi) bị Công An huyện Nam Đàn bắt giam từ ngày 8 Tháng Ba, đã được đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển sang bệnh viện tỉnh và Bệnh Viện Việt Đức, ở Hà Nội. Đến ngày 14 Tháng Ba, ông Tuấn tử vong.
Trên người của ông Tuấn đầy vết bầm tím và cả mặt cũng vậy nhưng bệnh viện giải thích là “bị tụ máu đông.” Thân nhân của ông kêu khóc và xô xát với công an. Người dân ở đó thấy cũng phẫn nộ nên lấy gạch đá ném vào công an. Công an phải đưa cảnh sát cơ động đến “dẹp loạn.”
Cái chết của ông Nguyễn Văn Tuấn diễn ra vào lúc nhà cầm quyền CSVN điều trần tại Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chối hết tất cả các vụ công an tra tấn chết người dù sự thật hoàn toàn ngược lại với các chứng cớ hiển nhiên.
Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có bốn người chết bất thường trong tay công an CSVN, gồm hai người ở Nghệ An, một người ở huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, và một người ở tỉnh Quảng Ninh. Công an CSVN thường chối tội giết người bằng cách đổ cho nạn nhân tự tử hay chết bệnh với sự bao che của guồng máy cầm quyền các cấp. (TN)