BBC-10:14 GMT - thứ năm, 4 tháng 9, 2014
Tâm lý 'bài Hoa, kỳ thị' không hề có trong dân tộc Việt Nam, đó là ý kiến của một nhà văn hóa học trong cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 04/9/2014, giữa các vị khách là các chuyên gia và nhà quan sát với BBC về hiện tượng số đông lao động và người di cư Trung Quốc tại Việt Nam.
Từ Sài Gòn, nhà văn hóa học, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói:
"Tôi nghĩ rằng tâm lý bài Hoa, kỳ thị không hề có trong dân tộc của chúng ta," nhà nghiên cứu nói và điểm lại các giai đoạn tiếp xúc chính giữa người Hoa với Việt Nam từ lịch sử tới nay.
"Bây giờ cái người ta quan ngại là lao động phổ thông và các thương lái, thương lái rõ ràng, phần lớn là những người sang đây chui và làm ăn phần lớn không đường đường chính chính.
"Thông thường dòng chảy lao động phổ thông là từ nước nghèo hơn đến nước có thu nhập cao hơn. Thế nhưng trong trường hợp này ở nước ta (Việt Nam) thì hơi bị ngược lại."Giáo sư Trần Ngọc Thêm
"Rõ ràng là một lực lượng đáng quan ngại và gây khó khăn rất nhiều cho kinh tế nước ta (Việt Nam)."
'Nghịch lý và lo ngại'
Giáo sư Thêm cho rằng đang tồn tại một nghịch lý và một điều đáng lo ngại đáng nói về dòng nhập cư người Trung Quốc vào Việt Nam.
Ông nói thêm: "Lực lượng thứ hai là các lao động phổ thông. Thông thường dòng chảy lao động phổ thông là từ nước nghèo hơn đến nước có thu nhập cao hơn. Thế nhưng trong trường hợp này ở nước ta thì hơi bị ngược lại. Trung Quốc thu nhập trung bình cao hơn của chúng ta.
"Nước đi thường người ta giải quyết công ăn việc làm cho dân chúng. Còn với nước đến, thường thường có nhu cầu, thông thường là nước có GDP (tổng thu nhập quốc nội) cao hơn, người ta thiếu lao động phổ thông là một.
Số đông lao động và người nhập cư Trung Quốc vào VN đang là thách thức, hay cơ hội?
"Cái thứ hai là dân chúng người ta không mặn mà với các công việc 3D. Tức là những công việc bẩn (dirty), nguy hiểm (dangerous), rồi là hạ thấp nhân phẩm (disgraceful) v.v...
"Còn chúng ta (Việt Nam), thì lao động phổ thông, chúng ta đang cần xuất khẩu đi nước ngoài, trong khi đó lại tiếp nhận lao động phổ thông của Trung Quốc sang.
"Và một điều đáng lo ngại hơn, như tôi đã nói, ở Trung Quốc thu nhập trung bình cao hơn chúng ta, vị thế cao hơn nước ta, những người lao động phổ thông ấy trình độ thấp, sang đây với một tư cách, một tư thế lại là những người có cái gì đó họ tự hào họ có phần coi thường người Việt Nam chúng ta.
"Và như vậy nó rất dễ dẫn đến những xung đột và để lại những hậu quả không mong muốn về mặt xã hội, văn hóa."
'Thiếu lao động có tay nghề?'
Khi được hỏi liệu Việt Nam có thực sự bắt buộc phải tuyển nhiều lao động Trung Quốc vì VN chưa có đủ lao động có tay nghề với trình độ phù hợp tại chỗ hay không, Tiến sỹ Trần Tuấn, chuyên gia đào tạo và chính sách cộng đồng nói:
"Đây là một thế giới phẳng, rõ ràng việc Trung Quốc thắng thầu, sau đó đưa đội ngũ nhân công của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm, câu trả lời liệu đội ngũ công nhân Trung Quốc này là loại đội ngũ lao động có nghề, có kỹ năng chuyên môn, có kiến thức chuyên môn thích hợp hay không, thì câu hỏi này phụ thuộc vào chính lãnh đạo các khu kinh tế đó đánh giá.
"Cho đến lúc này, hình như chưa có được một nghiên cứu nào đầy đủ để chỉ ra trình độ của người nhập cư lao động TQ vào VN là ở mức độ nào và cụ thể kỹ năng chuyên môn họ đạt được đến đâu"Tiến sỹ Trần Tuấn
"Tôi cho rằng cho đến lúc này, hình như chưa có được một nghiên cứu nào để chỉ ra rằng là các trình độ của người nhập cư lao động Trung Quốc vào Việt Nam là ở mức độ như thế nào và cụ thể là các kỹ năng chuyên môn họ đạt được đến đâu.
"Thế còn nhận định của một lãnh đạo ở cấp tỉnh nói rằng ấy là những cán bộ cung cấp những kiến thức kỹ năng mà ở Việt Nam thiếu, thì tôi cho rằng đây là một nhận định có lẽ của một cá nhân. Chúng ta cần có một bài báo khách quan, một nghiên cứu khách quan để nêu ra những số liệu khách quan.
VN hàng năm vẫn đào tạo và xuất khẩu đội ngũ lao động 'có tay nghề' ra thị trường quốc tế.
"Điểm thứ hai, tôi cho rằng khi đưa lao động từ nước ngoài sang, các nhà kinh doanh, các nhà đầu tư luôn luôn nghĩ đến các vấn đề lợi nhuận kinh tế, cho nên chắc chắn rằng ở đây bài toán được đặt ra là liệu có thực sự Việt Nam không có được đôi ngũ nhân công đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đó hay không.
"Câu hỏi này là câu hỏi phải được trả lời và nhận định, và tôi cho rằng chúng ta có thể phỏng vấn trực tiếp các bộ phận liên quan vấn đề này. Còn vấn đề tay nghề và liên quan đào tạo người lao động, hiện nay chúng ta phải thấy rằng hiện nay ở Việt Nam thực sự chúng ta có được đội ngũ hàng năm kể cả trẻ, cũng như là đã ra trường, kể cả đội ngũ học đại học và các trường kỹ thuật và chúng ta hiện nay đang có một số lượng lớn.
"Và tôi cho rằng về khả năng học nghề và hệ thống trường nghề của chúng ta là có, tất nhiên để đáp ứng loại hình nghề như thế nào, thì nó phụ thuôc vào từng chuyên môn cụ thể, nhưng tôi cho rằng trước hết hạ tầng cơ sở của chúng ta là có, đội ngũ nhân lực để sẵn sàng đáp ứng việc học nghề là chúng ta có. Nhất là khi chúng ta đang dư thừa đội ngũ lao động sẵn sàng có thể đi làm ở các nước khác.
Bạo lực xảy ra ở Hà Tĩnh, Bình Dương và vài nơi khác tại VN sau vụ giàn khoan HD-981.
"Cho nên tôi cho rằng nếu như thực sự ở trong điều kiện ở Việt Nam có nhu cầu về nhân lực, thì hoàn toàn chúng ta có thể đáp ứng được bằng cách khởi động các hệ thống đào tạo để có thể phục vụ ngay, cung cấp cho thị trường ở trong nước."
Có chính sách hạn chế nhập cư?
Được hỏi về chính sách, pháp luật quản lý, kiểm soát nhập cư đối với người nước ngoài, người lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia về chính sách pháp luật nêu quan điểm:
"Ngay khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì chính sách đối với việc sử dụng lao động người nước ngoài đã được thể hiện rất rõ ở trong luật đầu tư, cũng như ở trong luật lao động.
:Nhiều bằng chứng là họ sống trong lòng dân cư VN trong các làng xã của VN, gây ra bất ổn, rất nhiều vấn đề có thể nói là những vấn đề xã hội, xung đột với người dân địa phương" PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
"Và hiện nay trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam, chính sách này đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ, chính vì điều đó, khi xảy ra các hiện tượng như thông tin đại chúng đã đưa là lao động phổ thông của Trung Quốc vào (dự án) Bauxite Tây nguyên, lao động phổ thông của Trung Quốc vào những dự án lớn như Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh, với tư cách người nghiên cứu chính sách và pháp luật, điều băn khoăn của tôi là vấn đề không phải ở chỗ chúng ta không đủ nguồn nhân lực để cung cấp cho các dự án.
"Mà vấn đề là trách nhiệm của chính quyền trong việc thực thi pháp luật nhự thế nào. Luật pháp của chúng ta (Việt Nam), ngay trong Nghị định năm số 102 năm 2013, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn lao động liên quan người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã có quy định rất rõ là các nhà thầu khi nộp hồ sơ thầu phải có nội dung yêu cầu liên quan đến vấn đề sử dụng lao động như thế nào.
"Trong đó chỉ được cho phép sử dụng những lao động có kỹ thuật cao mà người Việt Nam không thực hiện được và trong Nghị định này cũng nói rất rõ là nghiêm cấm các nhà thầu sử dụng lao động phổ thông để đưa vào các dự án, đấy là quy định của luật.
"Thứ hai, về mặt quản lý nhà nước, cũng quy định rất rõ là hàng quý, nhà thầu phải báo cáo với Ủy ban Nhân dân Tỉnh nơi dự án đó hoạt động, hàng nửa năm cũng như một quý, Sở Lao động cũng như Công an thanh tra kiểm soát việc sử dụng lao động.
Thương lái Trung Quốc mua 'đủ thứ lạ đời ở VN' và có thể dừng thu gom 'bất thình lình'.
"Tình hình xảy ra là hàng nghìn lao động Trung Quốc ở (dự án) Bauxite Tây Nguyên, hàng nghìn lao động Trung Quốc ở Bình Dương, mà là các lao động phổ thông, báo chí đưa rất rõ nhiều bằng chứng là họ sống trong lòng dân cư Việt Nam trong các làng xã của Việt Nam, gây ra bất ổn, rất nhiều vấn đề có thể nói là những vấn đề xã hội, xung đột với người dân địa phương, vậy mà bao nhiêu năm nay vấn đề này dường như vẫn chưa được giải quyết."
'Căn tính tiểu nông hám lợi'
Trước câu hỏi có thể tư vấn gì cho chính phủ, nhà nước và cả người dân Việt Nam để ứng phó hiệu quả, biến 'thách thức' thành 'cơ hội' trong câu chuyện số đông lao động và người nhập cư Trung Quốc vào Việt Nam các năm gần đây và hiện nay, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói
"Tôi thấy rằng người Việt Nam chúng ta có một căn tính tiểu nông rất rõ rệt, và một trong những hệ quả của căn tính tiểu nông, nông nghiệp đó là hám lợi. Và cái hám lợi nó giết chúng ta."
Dẫn ra các trường hợp về thực phẩm, hàng hóa "độc hại" được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như việc có luật nhưng để lao động phổ thông Trung Quốc nhập cư tùy tiện, tràn lan vào Việt Nam... như những ví dụ, nhà nghiên cứu đặt vấn đề:
"Phải chăng có những cán bộ địa phương nào đó hám lợi đã nhận thù lao, khoản phần trăm gì đó của những người Trung Quốc có liên quan để rồi đưa lao động phổ thông ấy vào, hàng nghìn người, hạng vạn người không thể nào là lao động kỹ thuật và lao động phổ thông thì chúng ta đang thừa?
"Như vậy tôi cho rằng chúng ta (Việt Nam) phải rà lại chính mình, xem lại cách quản lý vấn đề tham nhũng ở tất cả mọi cấp, vấn đề nhận hối lộ ở tất cả mọi cấp. Nếu làm được điều đó, tôi chắc rằng chúng ta sẽ giữ vững biên giới của mình, giữ vững chủ quyền của mình.
"Phải chăng có những cán bộ địa phương nào đó hám lợi đã nhận thù lao, khoản phần trăm gì đó của những người TQ có liên quan để rồi đưa lao động phổ thông ấy vào, hàng nghìn người, hạng vạn người không thể nào là lao động kỹ thuật và lao động phổ thông thì chúng ta đang thừa?"Giáo sư Trần Ngọc Thêm
"Và chúng ta có tư thế của mình như ông cha ta đã từng có tư thế khi nói chuyện với người bạn láng giềng rất lớn, có quan hệ rất lâu đời, nhưng mà chúng ta không phải nhục nhã, không phải hèn kém," Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói với BBC.
Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm của BBC gồm Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng và Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, thuôc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam.