Wednesday, July 6, 2016

Ân Nghĩa & Oán Hận

07/06/2016 - 08:07 

Sau gần một thập niên giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã hạ ... cánh an toàn, và để lại (hơi) nhiều điều tai tiếng. Người kế nhiệm, ông Nguyễn Đức Chung, tuy mới nhận việc chưa lâu nhưng đã được dân chúng và nhiều ban ngành đoàn thể “hoan nghênh” và “ngợi khen” không ngớt – theo như nguyên văn cách dùng từ của giới truyền thông thuộc nhà nước Việt Nam:
Hôm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ ký quyết định tuyển dụng đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào dạy tại trường Chu Văn An.
Trước nỗi đau, mất mát to lớn về con người sau khi sự ra đi của phi công, Đại tá Trần Quang Khải (thuộc Trung đoàn không quân 923, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng tại sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) gặp nạn khi luyện tập nghiệp vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có quyết định kịp thời để động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình phi công Trần Quang Khải vơi đi nỗi đau, vượt lên khó khăn trong cuộc sống...
Trước việc làm kịp thời của người đứng đầu chính quyền UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng hết sức ghi nhận và hoan nghênh về chủ trương rất kịp thời này của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng  các sở, ban ngành liên quan.
Sau khi biết được chủ trương rất kịp thời từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nhiều bạn đọc đã gửi những lời cảm ơn, chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (trái) nhận lời chúc mừng của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo. Ảnh và chú thích: báo Kinh Doanh 
Công luận, buồn thay, vẫn có dăm ba điều tiếng (eo sèo) về “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.”
“Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là    không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dỡ, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt.
Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì đó không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân “cột mốc sống bảo vệ chủ quyền” bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?”
“Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách [nên làm] sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia…
Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!”
Tôi thât tiếc là đã không thể đồng tình với những ý kiến (trái chiều) thượng dẫn. Theo Wikipedia tiếng Việt thì ông Nguyễn Đức Chung hiện đang là Ủy Viên Trung Ương Đảng khóa XII mà Đảng thì có nguyên cả một đội ngũ dư luận viên chuyên “đánh bóng lư đồng.” Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội, do đó, cần chi phải tự vái mình – trừ trường hợp ông có chu cầu muốn “quảng cáo” thêm (cho nó chắc ăn) như vị Chủ Tịch Nước, với bút danh Trần Dân Tiên, ngày trước.
Tôi cũng rất tiếc là Đảng đã không trao cho Nguyễn Đức Chung những trọng trách lớn lao hơn – ở tầm mức quốc gia – để cả nước được nhờ (chứ không riêng gì vợ con của phi công Trần Quang Khải) vào “quyết định kịp thời” và “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen" của ông.
Xin đơn cử một thí dụ, một "quyết định muộn màng." Ngày 29 tháng 3 năm 2016 vừa qua, báo Quân Đội Nhân Dân hân hoan thông báo:
“Từ ngày 1-1-2016, các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc...
Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí. Trợ cấp một lần từ 2 đến 3,5 triệu đồng…
Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng…”
Nữ dân công hỏa tuyến & nhiệm  vụ quốc tế. Ảnh: tạp chí Tài Chánh
Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà người ta chỉ cần làm ngày là đủ, chớ không ai phải tranh thủ làm đêm (làm thêm giờ nghỉ) và phải làm luôn “nhiệm vụ quốc tế” (nữa) nên không biết chi về công tác của lực lượng “dân công hoả tuyến” cả. Lò mò tìm hiểu thì được ông Hà Xuân Định, Chính Trị Viên Đại Đội Dân Công Hỏa Tuyến Mặt Trận B5, cho biết như sau:
“Nhiệm vụ đầu tiên của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ là tiếp tế đạn trực tiếp cho chiến trường, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch...
Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đã đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi hàng với mỗi chuyến 100 kg; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao.
Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa) chở mỗi chuyến trên 500 kg… Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào...”
Qúi đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Dương Văn Tiên,  Nguyễn Đức Thọ  ... nếu còn sống sót, và vẫn còn giữ được những huân chương chiến công (làm bằng) thì họ sẽ là đối tượng của Quyết Định số 49 (ký vào ngày 14 tháng 10 năm 2015) và sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần ... từ 2 đến 3,5 triệu đồng” …
Thiệt là tình nghĩa và tử tế hết biết luôn. Thảo nào mà ông nhà báo Duy Đức phải thốt nên đôi lời cảm kích:
Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thoả lòng mong ước của hàng vạn dân công hoả tuyến qua các thời kỳ trong cả nước. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, thậm chí có cả những người đến tuổi “xưa nay hiếm.
Sự “cảm kích” của ông Đức khiến tôi nhớ đến những câu thơ, viết về những cô Thanh Niên Xung Phong, của thi sĩ Anh Ngọc:
Có những người leo núi
Vượt qua dốc Cổng Trời
Là những cô con gái
Qua tuổi mình ba mươi…
Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay…
Đi qua tuổi ba mươi
Nhọc nhằn và lặng lẽ
Bao ước mơ giản dị
Mà sâu thẳm không cùng
Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ

Tuổi ba mươi chối từ …
Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong san lấp hố bom do địch bắn phá tại đường Trường Sơn. Chú thich: Báo Tin Tức Ảnh: Hữu Ngôi-TTXVN
Sau cuộc chiến – nếu sống còn – những “đoá hoa nhầu,”  hay những quả chanh khô (theo như cách nói bạc bẽo của đời thường) có tên gọi là nữ TNXP đều trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!
Ông Nguyễn Đức Chung còn khá trẻ, hoạn lộ còn dài. Hy vọng, sẽ có lúc vị CTUBNDTPHN được giữ chức Thủ Tướng để “kịp thời” ký một cái Quyết Định về "chính sách được hưởng chế độ" cho đám TNXP. Họ đã "đi qua tuổi ba mươi, nhọc nhằn và lặng lẽ." Phần lớn (nay) đang bước vào tuổi bẩy mươi, cũng lặng lẽ và nhọc nhằn không kém mà vẫn chưa được hưởng chế độ gì ráo trođi - dù chỉ một lần, và rất tượng trưng!

Phóng sự về cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngày đã tử nạn sau khi lặn tại Formosa tháng 4/2016

Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Thảm họa môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung xảy ra hồi tháng 4/2016 đến nay bước đầu đã xác định nguyên nhân là do nhà máy thép Formosa xả chất thải độc hại. 

Bên cạnh những thiệt hại về tài sản còn có liên quan đến sinh mạng con người. Anh Lê Văn Ngày (44 tuổi), là thợ lặn quê ở Khánh Hòa đã tử vong vào ngày 24/4/2016, sau khi lặn làm việc gần khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa.

Những thợ lặn cùng làm việc với anh Ngày cho biết họ có dấu hiệu mệt mỏi khác thường khi làm việc trong những ngày phát hiện cá biển chết. 

Đến nay, gần 3 tháng trôi qua nhưng nguyên nhân khiến thợ lặn Lê Văn Ngày chưa được làm rõ. Công an tỉnh Quảng Bình không giao kết quả xét nghiệm tử thi cho gia đình. 

Để có thêm thông tin về vấn đề này, Mạng Lưới Blogger Việt Nam thực hiện phóng sự dưới đây:



06.07.2016

"Chiếu sáng biển Đông"?

D.L.V. (Danlambao) - Lãnh đạo có trình độ và tầm nhìn thường thốt ra những câu nói xứng đáng danh ngôn. Những các cán bộ CSVN do thiếu học nên thường thốt lên những phát ngôn làm cho thiên hạ cười ồ. Nghe viên thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nói về Sài Gòn "tỏa sáng" làm chúng ta không khỏi cười lăn. Cười cho sự ngu ngốc của một cán bộ cộng sản học đòi làm trưởng giả trí thức.

Tuần vừa qua dân Sài Gòn bàn tán về câu nói nổi hứng của viên thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc. Nhân dịp kỷ niệm ngày Sài Gòn bị cưỡng ép thành "Hồ Chí Minh, ông nói:

"TP. HCM là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông, chứ không phải là hòn ngọc viễn đông theo cách gọi thông thường".

Thốt ra câu nói đó chứng tỏ viên cán bộ cấp cao Nguyễn Xuân Phúc cực kỳ dốt nát và ngu xuẩn. Tưởng toả sáng ra đâu, ai ngờ toả sáng ra... biển Đông! Thế nào là hòn ngọc Viễn Đông theo "cách gọi thông thường"? Tôi dám chắc rằng ông cán bộ Nguyễn Xuân Phúc không biết xuất xứ của "Hòn ngọc Viễn Đông".

Ngày xưa, năm 1862, khi người Pháp xây dựng thành phố Sài Gòn, họ đã muốn thành phố này là Ba Lê phương đông (Paris de l'Orient). Theo nhiều sách sử, người Pháp đã xây dựng một Sài Gòn tối tân, theo mô hình Paris. Một thành phố phương Đông mà có được một thánh đường hoành tráng, và những tòa nhà hành chánh nguy nga thời đó. Trong vùng đất kỳ bí và còn hoang sơ mà có một thành phố như vậy, nên chính người Pháp ví von thành phố như là một Hòn Ngọc Viễn Đông (la Perle de l'Extrême-Orient). Chữ "Hòn Ngọc Viễn Đông" không phải do người Việt đặt ra. Sau này, nghe nói có lần ông Lý Quang Diệu muốn phấn đấu để Singapore được như Sài Gòn. Có thể nói rằng Sài Gòn thời trước 1975 tuy không phải là thành phố loại số 1, nhưng ít ra cũng có cái trang nhã và mức hiện đại mà các nước trong vùng ít nhiều ngưỡng mộ.

Nhưng đó là Sài Gòn thời xa xưa, chứ ngày nay thành Hồ có gì để gọi là "toả sáng" như viên thủ tướng CSVN nói. Bất cứ lãnh vực chánh trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến hạ tầng, cái thành phố bị cưỡng ép mang tên Hồ Chí Minh không có một cái gì để tự hào hay để toả sáng. Hầu như bất cứ một lãnh vực nào cái thành Hồ đều làm cho Việt Nam thêm xấu hổ.

Trong thời đại dân chủ, sự hiện diện của hệ thống chánh trị độc quyền và độc tài là một nỗi nhục. Với cái hệ thống chánh trị đó thì thành Hồ vẫn hoàn Hồ thành, không thể nào khá hơn được. Đó là một sự thật. Một thành phố bị cai trị bởi những con người từ trong rừng ra hay được tiến hóa từ cuộc sống rừng rú thì làm sao có thể nói chuyện văn minh. Ai còn nhớ những năm tháng người miền bắc vào chiếm nhà, chiếm đất và họ đem theo cái "văn minh rau muống" vào Sài Gòn, họ trồng rau trên sân thượng villa, họ nuôi heo trong villa, họ ăn ngủ trong phòng làm việc... Ngày nay họ đã tiến hóa khá hơn nhưng bản chất rừng rú thì vẫn còn. Vậy mà dám mơ tưởng đến "chiếu sáng"!

Sài Gòn ngày xưa là "hòn ngọc Viễn Đông", thành Hồ là một nỗi nhục của Việt Nam. Thành phố người ta chỉnh chu, văn minh, hiện đại bao nhiêu thì thành Hồ dơ dáy, lạc hậu, bán khai bấy nhiêu. Hãy nhìn những khu "đô thị" do cộng sản xây dựng thì sẽ thấy cái bản chất tủn mủn, chấp vá, tù túng như thế nào. Người Pháp xây dựng Sài Gòn có quy hoạch đâu ra đó, VNCH phát huy thêm, nhưng những cán bộ cộng sản bắc Việt thì chỉ giỏi phá hoại và chia chác riêng tư chứ chẳng quan tâm đến mỹ quang chung. Nói "toả sáng" mà không biết nhục thì quả là đáng xấu hổ.

Kinh tế thì lẹt đẹt, toàn theo sau đuôi thiên hạ. Hạ tầng cơ sở nghèo nàn và tồi tệ. Có thành phố nào mà cứ mưa xuống là đường thành sông? Càng sửa là càng phá. Càng phá lại thêm sửa chữa. Cái vòng sửa - phá - sửa cứ luân phiên nhau làm tan nát Sài Gòn. Chắc sẽ có dư luận viên phản đối rằng thành Hồ đã xây được những cây cầu, nhưng họ đâu biết rằng đó là những món nợ do nước ngoài cho vay hoặc bố thí. Một nhà nước suốt ngày chỉ giơ tay xin tiền thiên hạ và bị thiên hạ mắng vào mặt mà chưa biết nhục, lại còn đòi "tỏa sáng". Đúng là một lũ nằm mơ giữa ban ngày.

Thành phố đáng lý ra phải là một trung tâm văn hoá, nhưng hãy nhìn vào thành Hồ xem, cái chất văn hoá ở đâu? Thành Hồ ngày nay là một sự pha trộn hỗn tạp của văn hoá cộng sản được du nhập từ Trung Cộng, văn hoá hiphop Nam Hàn và cặn bã của phương Tây. Người Sài Gòn ngày xưa lịch thiệp bao nhiêu thì người thành Hồ ngày nay thô lỗ bấy nhiêu. Nhìn ra đường là những dòng xe gắn máy chạy như điên và những phụ nữ thanh niên trùm khăn, bịt mặt cứ như là ở một nước Trung Đông Ả Rập. Một loại văn hoá như thế thì toả sáng ra đâu?

Nói "toả sáng" mà không nhìn thấy cuộc sống cùng cực của người dân thì viên thủ tướng CSVN hoặc là không có mắt hoặc là có mắt mà không biết nhìn. Nhìn vào thực tế thành Hồ chẳng đâu xa mà ngay tại trung tâm quận I ông sẽ thấy người bán dạo đầy đường. Họ đi trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, mặc quần áo rách tả tơi, rao bán vài trái cây không bằng một phần trăm tiền lẻ của một cái túi xách LV đang được bày bán cách đó vài mươi mét. Đó chỉ là một hình ảnh tương phản rõ rệt nhất của một thành phố với sự cách biệt lớn giữa người nghèo và kẻ giàu. Kẻ nghèo là con em thân nhân của dân quân cán chánh VNCH miền nam, kẻ giàu là con em thân nhân của cán bộ CSVN đa phần là người từ miền bắc. Sự hiện diện của những người nghèo ngay tại trung tâm thành Hồ còn là một chỉ dấu rõ rệt nhất về một nền kinh tế bất ổn. Thành Hồ ngày nay chỉ có thể ví như một cô gái quê miền bắc đang vội vã tô son trét phấn để che giấu cái gốc của mình.

Kể ra thì cũng có thể hiểu cho trình độ của những người cán bộ như Nguyễn Xuân Phúc. Suốt đời chỉ sống trong giáo huấn của đảng cộng sản thì làm sao có được một tư duy độc lập để suy xét thấu đáo. Suốt đời chỉ loanh quanh trong cái tỉnh Quảng Nam nghèo đói thì làm sao có thể thấy được những Singapore, Hồng Công, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok để mà so sánh và đối chiếu. Những Singapore, Hồng Công, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok chẳng ai dám vỗ ngực đòi "toả sáng" cả vì sự thật nói lên tất cả. Chỉ có những kẻ có tư duy trẻ con, ham hố làm người lớn mới đòi toả sáng. Tưởng rằng toả sáng sang các thành phố lân cận, ai ngờ cán bộ Xuân Phúc đòi toả sáng ra... biển Đông. Quả là một tư duy trẻ con học làm người lớn.

Một thành phố mà sau khi chiếm được thay vì làm cho tốt hơn thì lại trở nên tồi tệ hơn, để rồi sau 40 năm người CSVN lại mơ "toả sáng", mơ làm "Hòn Ngọc Viễn Đông" của thế kỷ 19. Cái giấc mơ "toả sáng" của Nguyễn Xuân Phúc là một lời tố cáo hùng hồn cho sự bất tài của CSVN, một minh chứng hùng hồn cho một quá trình phá tan hoang Sài Gòn suốt 40 năm.

07.07.2016

Người Kỹ Sư Mở Đường


Trần Bảo Như (Danlambao) - Trần Huỳnh Duy Thức bị “Tòa Án Nhân Dân” của CSVN tuyên án 16 năm tù về tội “mưu toan lật đổ chính quyền nhân dân” vào ngày 24/5/2009. Ngày 24/5/2016 anh tuyên bố tuyệt thực cho đến chết trong tù để đòi hỏi nhà cầm quyền chấm dứt bản án luật rừng, sau khi từ chối giải pháp trao đổi phóng thích sang Mỹ.

Thân nhân và những người bạn tranh đấu đã thuyết phục, và chúng ta đã rất mừng nghe tin anh đồng ý chấm dứt tuyệt thực vào ngày 7/6/2016. Anh phải sống để cùng toàn dân Việt Nam tranh đấu cho đến ngày đất nước tự do. 

Và người dân Việt Nam luôn nhớ từng ngày có những công dân yêu nước ĐANG bị nhà cầm quyền giam hãm đầy đọa trong tù. Chúng ta sẽ hỗ trợ cho những người chiến sĩ tự do này bằng mọi cách, mọi giờ phút, không để họ phải dùng đến sinh mạng của họ để tranh đấu trong tù.

Ca khúc Người Kỹ Sư Mở Đường xin tặng anh Trần Huỳnh Duy Thức, bác Trần Văn Huỳnh, gia đình thân yêu cuả anh, và hai người bạn cùng chí hướng của anh là Lê Công Định và Lê Thăng Long.

Xin được phép nhắc sơ lại vụ án năm xưa. Những đoạn in nghiêng trong bài đều được trích từ quyển sách "Trần Huỳnh Duy Thức Con Đường Nào cho Việt Nam.


Ba “tội phạm” trong vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” này đều lớn lên, học hành, trưởng thành dưới thời CS. Lý lịch họ cũng không liên quan đến chính quyền VNCH cũ, thậm chí Lê Công Định và Lê Thăng Long còn thuộc gia đình có “gốc” CS. Họ là kỹ sư, luật sư, những doanh nhân thành đạt, đã có cuộc sống và vị trí xã hội đáng mơ ước theo tiêu chuẩn VN và cả quốc tế.

Tuy vậy lòng công chính và tinh thần yêu nước đã không cho phép các anh “mũ ni che tai.” Họ muốn tranh đấu cho một xã hội công bằng, thay đổi chính sách ngu dân để VN có thể mở mang phát triển thành cường quốc, không bị các thành phần cơ hội khuynh loát, dẫn đến mất nước. Ba người bạn xuất thân là những trí thức, không màng chính trị, thừa sức làm giàu sung sướng cho gia đình riêng... Nhưng có người yêu nước nào có thể đứng ngoài vòng chính trị, khoanh tay nhìn đất nước nghiêng ngả?

“Thức nhìn thấy nguy cơ đất nước rơi trọn vào tay những kẻ cơ hội và ngoại bang là cực kỳ lớn. Xuất phát từ đó với tấm lòng yêu nước mà không hề toan tính thiệt hơn cho bản thân, Thức đã đề ra một chiến lược với hai điểm chính như sau:

- Cảnh báo nguy cơ một cách rộng rãi, phê phán mạnh mẽ những kẻ cơ hội và chỉ ra những âm mưu tiếp tay cho ngoại bang.

- Nghiên cứu để đưa ra một cách thức hóa giải nguy cơ này khi nó xảy ra để xoay chuyển tình thế đất nước theo hướng tiến bộ của dân chủ và thịnh vượng.

Chiến lược hai điểm này đã được đưa ra từ đầu năm 2006, trước đại hội thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điểm thứ hai đã dẫn đến việc viết một quyển sách được đặt tên là “Con đường Việt Nam”. Còn điểm thứ nhất thì Thức đã bàn với Lê Công Định, Lê Thăng Long và thống nhất như sau:

- Thức sẽ chịu trách nhiệm viết các thư cảnh báo gửi cho các lãnh đạo cao cấp của đất nước để chỉ rõ các nguy cơ nói trên. Đồng thời sẽ lập blog để đăng tải các bài viết cảnh báo về các nguy cơ này.

- Định chịu trách nhiệm viết đăng các bài báo trong và ngoài nước để cảnh báo nguy cơ, đồng thời tiếp xúc với các tổ chức chính trị ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để chia sẻ quan điểm về nguy cơ cũng như cách thức hóa giải nó một cách tốt đẹp cho đất nước.

- Long chịu trách nhiệm mở rộng quan hệ với các thành phần trí thức trong và ngoài nước để cảnh báo nguy cơ, đồng thời học hỏi và tham khảo ý kiến từ họ về cách thức hóa giải. Ba người đã miệt mài thực hiện những việc trên trong suốt những năm 2006-2008.”

Tiếc thay, Con Đường Việt Nam không phải là con đường của CS, những kẻ “tam vô” này không thể chấp nhận con đường nào cắt đi sự độc quyền của họ, nên ý nguyện còn trong vòng chuẩn bị thì Thức - Định - Long đã lần lượt bị bắt và khép vào tội “lật đổ chính quyền.” Kể cũng không “oan” dưới nhãn quan CS: Khi anh quảng bá cho nhân dân biết được quyền con người, đòi bình đẳng thì cái "chính quyền CS” còn “quyền” nào để tiếp tục buôn dân bán nước? Không là “lật đổ” thì là gì?

Thức đã nói với hai bạn của mình cố chịu đựng “nhận tội”để có thể nhanh chóng được thả, tiếp tục con đường mà cả ba đã vạch ra. Còn bản thân mình, Thức kiên quyết không nhận mình có tội dù có bị nhục hình ép cung hay được hứa hẹn sẽ được giảm án nhằm mục đích bảo toàn chính nghĩa việc làm của mọi người. Và bản án khắc nghiệt, bất công “16 năm tù giam, 5 năm quản chế ” đã dành cho anh.

Đoán trước kết quả đó, nhưng Thức vẫn không nao núng lên án sự cường quyền bạo ngược diễn ra trong cuộc sống của nhân dân ngay tại phiên tòa. Anh dõng dạc tuyên bố: “Tôi không lật đổ chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống nó đến khi nào còn thấy nó”.

Lê Thăng Long bị kết án 3 năm, Lê Công Định 5 năm, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm.

Sau khi mãn hạn tù, Lê Thăng Long đã nỗ lực dấy động phong trào Con Đường Việt Nam như ước muốn của ba người bạn. PTCĐVN đã gây xôn xao dư luận ngay khi vừa khởi xướng. Có hai dư luận đối nghịch ủng hộ và chống đối rõ rệt ngay trong thành phần cổ vũ Dân chủ cho Việt Nam. Phía chống đối tin rằng Lê Thăng Long chỉ là “Dân chủ Cuội” với lý do là Lê Thăng Long mời cả những người thuộc phiá CS tham gia. Dư luận ủng hộ và những người chủ xướng Con Đường Việt Nam, ngược lại, tin rằng công cuộc đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam là một con đường công khai và mở: Công khai, minh bạch tư tưởng, chính kiến, danh tánh của người ủng hộ, và mở cho tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần, đảng phái đúng với mô hình và tên gọi của nó. 

Chủ đích của CĐVN là toàn dân sẽ lên tiếng đòi hỏi quyền công dân và bày tỏ niềm tin của mình để thay đổi thể chế, như một cuộc trưng cầu dân ý mở. Và để tiến tới đích này, với chính sách ngu dân và khủng bố để gieo rắc sợ hãi của chế độ CSVN, cần một phong trào đại chúng để truyền bá những khái niệm về quyền công dân, tự do, công bằng xã hội, để người dân bị trị hiểu được các quyền tối thượng của mình. Vì là một phong trào đại chúng, không phải là một “kế sách bí mật”, để phải có “chọn lọc” trong thành phần người hợp tác, nên phong trào đã mời tất cả những người “của công chúng” tham gia, có lẽ với hy vọng nếu họ ủng hộ, tác động và sự trợ giúp của họ sẽ lan tỏa mau chóng đến đại chúng. Thành phần này bao gồm cả người CS. Tại sao không? Vấn đề là những người CS có muốn đi chung với CĐVN, xây dựng một xã hội mới, chế độ mới cho VN hay không, chứ không phải họ bị loại trừ ra khỏi con đường tiến tới Dân chủ của đất nước. 

Tôi đã đọc Con Đường Việt Nam khi đó còn phổ biến qua các trang mạng, chưa được in thành sách. Nhưng tôi chưa hề đọc đầy đủ về cuộc đời của anh Trần Huỳnh Duy Thức, cho đến gần đây, trong lúc tìm hiểu để viết chút tâm tình đi kèm nhạc phẩm Người Kỹ Sư Mở Đường này.

Tôi đã đọc một mạch 60 trang đầu phần tiểu sử của Trần Huỳnh Duy Thức trong Con Đường Nào Cho Việt Nam không ngừng được. Xin được chia sẻ những mẫu đoạn về anh Thức khiến tôi đặc biệt thích thú dưới đây.

Lúc chưa đầy năm tuổi, khi đang nghe ba đọc một quyển truyện tranh kể về một ông tiều phu bị những kẻ ăn thịt người bắt, chuẩn bị cho vào nước sôi làm thịt, Thức giật lấy quyển truyện rồi nhằm vào những hình ảnh của những kẻ xấu mà xé bứt ra. Ba má hỏi Thức vì sao làm như vậy thì Thức nói là để cứu ông tiều phu với thái độ rất phẫn nộ và thương xót

Vào lúc chưa đầy 9 tuổi mà Thức đã hỏi khi được nghe ba mình nói về tự do, bình đẳng, bác ái như thế này:

- Dạ, làm sao để có công bằng?

- Thì phải có những người có lòng bác ái có được quyền hạn để đảm bảo sự công bằng đó cho mọi người.

- Nhưng nếu như vậy thì đã có người này có quyền để cho người khác công bằng thì làm gì còn công bằng nữa?

Một tuổi nhỏ cơ cực nghèo khổ, giúp mẹ chăn bò, làm thuê ở thôn quê sau ngày CS chiếm miền Nam nhưng vẫn không mai một tính hiếu học, tài trí trong những năm ở học đường, và cuộc đời sinh viên tự lập, vừa lo gíup kinh tế cho gia đình vưà học để lấy được bằng Kỹ sư Tin Học từ Đại Học Bách Khoa. 

Từ tay trắng anh đã lập nghiệp trở thành một doanh nhân thành công trong môi trường công nghệ thông tin để Việt Nam có thể cạnh tranh với thế giới. Công ty IES cuả anh, ngoài ở Việt Nam còn có hai chi nhánh ở ngoại quốc, một ở Mỹ và một ở Singapore. Điểm đáng qúy nhất là anh luôn tự hào về nguồn gốc Việt và nghĩ đến lợi ích của nước nhà trước lợi nhuận của bản thân. Tiếc thay, tài năng, trí tuệ đi đôi với lòng yêu nước khó có được trên mảnh đất cằn cỗi "nhân tài như sao buổi sớm" của Việt Nam, mà có được thì đều bị bọn sâu dân mọt nước tiêu diệt.

Năm 1987, em trai kế Thức - Trần Huỳnh Duy Linh mất vì tai nạn xe cộ trên đường đạp xe chở gạo từ Long An về Sài Gòn bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Biến cố này đã thay đổi ước mơ trở thành một nhà khoa học, phát minh sáng chế của Thức. Lúc đó Thức đang học đại học năm thứ ba. Nếu tiếp tục theo đuổi ước mơ và đam mê khoa học của mình thì sẽ không thể kiếm ra nhiều tiền để thay đổi hoàn cảnh sống của gia đình. Thời đó phải mất hàng chục năm để một kỹ sư ra trường có chỗ đứng tương đối trong xã hội. Từ đó Thức quyết định trở thành doanh nhân dù vẫn tiếp tục học hết kỹ sư ở đại học Báck khoa. Thức có lúc đi làm thợ canh lò bánh mì vào mỗi sáng sớm để vừa kiếm thêm tiền vừa quan sát cách người Hoa Chợ Lớn làm ăn.

-----------------------------------------

Vào đầu năm 1993 Thức mở một cửa hàng dịch vụ tin học nhỏ, có tên là EIS - “Electronic Information Systems”, ở góc đường Nguyễn Văn Thủ và Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đầu cửa hàng chỉ làm dịch vụ đánh máy thuê, photocopy và bán đĩa mềm. Sau vài tháng tiếp cận thị trường, Thức đã cập nhật được công nghệ và nhập linh kiện rời về ráp thủ công thành những bộ máy vi tính đầy đủ. Cửa hàng nhỏ lúc ấy đã mạnh dạn dán nhãn hiệu riêng của mình là EIS lên máy PC trọn bộ trong lúc thị trường đang chuộng các mác ngoại. Đây không chỉ là một sự táo bạo mà còn là tính cách không bao giờ thay đổi của Thức: luôn tự hào và khẳng định nguồn gốc Việt của mình trong tất cả những việc mình làm.

------------------------------

Vào buổi tối cuối năm 1994 ở khách sạn Boss ấy, Trần Huỳnh Duy Thức đã mời Lê Thăng Long thành lập công ty. Long hỏi Thức công ty này sẽ làm gì để thu hút nhân tài đang gần như bị hút về các công ty nước ngoài, liên doanh như một trào lưu vào lúc đó. Thức trả lời hãy nói với họ rằng chúng ta cùng nhau khẳng định trí tuệ Việt trong công nghệ thông tin với thế giới. Long nói sẽ suy nghĩ và trả lời Thức sau. Thế rồi một chiều tháng 3 năm 1995, Long đột ngột xuất hiện tại cửa hàng tin học EIS và nói với Thức rằng: “Tôi đã sẵn sàng, thôi việc và bàn giao xong ở Oscan rồi. Giờ hãy cùng nhau khẳng định trí tuệ Việt thôi”.

-------------------------------

Nguồn nhân lực, yếu tố quyết định cho mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ, lúc đó là một thách thức quá lớn đối với công ty Duy Việt. Việc tuyển dụng kỹ sư từ những trường nổi tiếng như Đại Học Bách khoa, Đại Học Tổng hợp là một điều không thể thực hiện được với khả năng tài chính của công ty trong thời gian mới gượng dậy. Vì vậy Duy Việt đã thu nhận những người có chuyên ngành khác và có trình độ khác nhau từ các trường như Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mở, những người tốt nghiệp phổ thông trung học, v/v.

Đến đây Trần Huỳnh Duy Thức cho thấy khả năng sư phạm rất đặc biệt của mình. Thức trực tiếp đứng lớp, đào tạo mọi người theo mô hình vừa học vừa làm. Họ cùng nhau xây dựng nên một mạng intranet (đặt tên là Infonet) để giả lập Internet làm môi trường nghiên cứu thực nghiệm. Thời gian đầu Thức đích thân qua Singapore, Đài Loan để tìm tòi và mua các sách nghiên cứu cần thiết. Tiếng Anh mọi người lúc đó còn hạn chế,Thức trực tiếp dịch những phần đầu rồi hướng dẫn mọi người đọc và dịch tiếp. Cứ như vậy trình độ công nghệ và tiếng Anh của các bạn trẻ tiến bộ rất nhanh chưa đầy một năm sau. Đến giữa năm 1997, Duy Việt đã có một đội ngũ 10 người trẻ nhưng “thiện chiến” và rất hăng hái “vào trận”.

----------------------------------

Thức ý thức được rằng làm như vậy thì EIS sẽ không có lợi đối với thị trường trong nước nhưng người dân sẽ được hưởng lợi lớn và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội giao lưu mở rộng quan hệ làm ăn ra nước ngoài nhiều hơn. Một khi điện thoại Internet hiện diện trên thị trường, nó sẽ làm cho giá cước tất cả các loại dịch vụ viễn thông Internet khác giảm nhanh chứ không chỉ có cước viễn thông quốc tế. Thức nói: “Chúng ta phải hành động nhưng không phải vì lợi nhuận. Điều này sẽ mang lại lợi ích quá lớn cho đất nước để có thế toan tính thiệt hơn. Nếu điều này không xảy ra trong năm sau thì Việt Nam sẽ đánh mất một cơ hội lớn giống như lỡ một chuyến tàu”.

“Nhưng điều này sẽ còn gây khó khăn cho chúng ta ở các thị trường cung cấp giải pháp hạ tầng mạng viễn thông và Internet trong nước nữa.” - Long đặt vấn đề.

Thức đáp: “Chắc chắn như vậy, nhưng phải phát triển nhanh thị trường nước ngoài để bù đắp. Nhưng đó không phải điều tồi tệ nhất. Cái khiến chúng ta sẽ trả giá nhiều hơn là ở chỗ việc này sẽ làm dính dáng đến vấn đề chính trị mà lâu nay chúng ta vẫn tránh. Nó sẽ gây cho chúng ta nhiều phiền phức hơn việc phải nỗ lực làm việc nhiều hơn để mở rộng thị trường nước ngoài. Đó là điều tôi muốn ông ý thức rõ trước khi quyết định”.

Long bảo: “Tôi hiểu và sẵn sàng chấp nhận. Làm thôi.”

Trần Huỳnh Duy Thức đã từ bỏ hạnh phúc riêng và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để đòi hỏi tự do nhân quyền cho cả nước. Dù thân giam cầm nhưng những hy sinh của anh không hề uổng phí. Tôi rất vui khi đọc được tâm sự của Paulus Lê Sơn trong một bài viết rằng anh đã là động lực thúc đẩy Sơn bước vào con đường tranh đấu. Hẳn tấm gương quả cảm, yêu nước của anh còn tác động đến rất nhiều thanh niên tuổi trẻ khác… 

Giờ đây anh vẫn không ngừng tranh đấu ngay cả trong tù ngục. Anh ngừng tuyệt thực, nhưng bản án 16 năm vẫn còn đó, một tài năng, trí tuệ của VN đang mai một trong tù. Chúng tôi, những đồng bào của anh xin cố gắng bằng mọi cách lên tiếng cho chí nguyện của anh, đồng hành với anh trên Con Đường Việt Nam.

Chế độ bạo tàn không thể tiêu diệt những hạt giống tự do.


06.07.2016

Cái nhìn phiến diện và thiếu hiểu biết về chính trị

Ngọn núi lửa (Danlambao) - Chúng ta vẫn thường bắt gặp một số câu nói như trong hình ảnh. Thử phân tích về nó xem sao.

Nhìn chung, cái gì người ta thấy xấu sẽ ghét, và cái gì cho là tốt sẽ yêu thích. Vậy thử xem xem chính trị tốt hay xấu? Nó đáng yêu hay đáng ghét? Nó có phức tạp hay không, nó phức tạp đến đâu? Và nó phức tạp với những ai mà không phức tạp với những đối tượng nào?

Đầu tiên, hãy tự hỏi: mục đích tối thượng của chính trị là gì? 

À, chính trị là để điều hành quốc gia, để trị nước, để thiết lập một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu nước mạnh, chính trị để mang lại lẽ phải cho nhân dân. Đây là những nguyên tắc đúng đắn bất di bất dịch trong bất cứ thể chế nào, nền văn hóa nào, quốc gia nào...

Trên thế giới vẫn còn sót lại một số ít những nhà nước độc tài lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của quốc gia một cách nghiêm trọng, nhưng những nhà nước đó cũng không bao giờ dám phủ nhận những nguyên tắc đúng đắn kể trên, có cái là họ tuyên truyền một đằng, làm lại một nẻo mà thôi. Họ duy trì quyền lực độc tài bằng bưng bít thông tin, bằng tuyên truyền dối trá và bàn tay sắt bạo lực, họ luôn tìm mọi cách để làm cho người dân hiểu sai hoặc không đầy đủ về vai trò của chính trị, sợ và né tránh chính trị, nhờ vậy mà họ dễ cai trị dân để chia chác nhau quyền lực và những món lợi khổng lồ trên mồ hôi nước mắt, xương máu của dân.

Chính trị rất rộng lớn, bao trùm tất cả mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực của đời sống, từ những vấn đề lớn như điều hành quản trị đất nước, ban hành/thực thi luật pháp, bảo vệ môi trường tài nguyên, phát triển y tế giáo dục, văn hóa thể thao,... Cho đến những chuyện thường nhật như tăng giảm thuế phí, giá xăng, giá điện lên xuống, thực phẩm ăn hàng ngày an toàn hay không, nguồn nước trong lành hay nhiễm độc, không khí sạch hay bẩn... 

Chính trị tốt/xấu khi nào? 

- Ở trong một thể chế tốt và dân chủ, có tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp nghiêm minh, môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, bình đẳng, với sự điều hành của những chính trị gia tốt do dân bầu ra, người dân có thái độ chính trị rõ ràng và quan tâm đến những quyền của mình, thì chính trị sẽ trở nên tương đối đẹp đẽ bởi nó mang lại sự phát triển tích cực, tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc.

- Ở trong một thể chế độc tài tồi bại, với sự điều hành của những chính trị gia tồi dở không do dân bầu ra - họ lũng đoạn thâu tóm quyền lực, người dân bị bưng bít thông tin, không có thái độ chính trị và không hiểu được quyền của mình, thì chính trị lại trở thành thứ ma quỷ xấu xa, kéo tụt sự phát triển, làm hại rất nhiều người thậm chí hại cả 1 dân tộc.

Đây là chia rõ 2 thái cực, chứ trên thực tế, tùy theo mức độ thịnh vượng chung của từng quốc gia mà nền chính trị nước đó sẽ được coi là đang nằm ở một vị trí đâu đó trên một dãi liên tục trải rộng từ thái cực tốt đến thái cực xấu.

Như vậy, chính trị cũng chỉ là phương tiện mà thôi, tự thân chính trị nó không xấu cũng chẳng tốt, chính trị không phải là để yêu hay là ghét, mà nó phải được hiểu và nhìn nhận đúng với vai trò của nó. Chính trị trở nên tốt/xấu, hoàn toàn do con người sử dụng, tác động tới nó. Và con người ở đây bao gồm tất cả trong XH đủ mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, mọi thành phần, mọi ngành nghề, cho dù là quan chức hay dân thường, người giàu hay người nghèo.

Chính trị có phức tạp không? Phức tạp với những ai?

Tất nhiên là phức tạp đối với những người làm chính trị. Người làm chính trị ở đây chính là các chính trị gia, các chính khách, quan chức, nguyên thủ:

- Với chính trị gia tốt: Nó phức tạp bởi ông/bà ta phải rất nỗ lực cố gắng tìm các giải pháp để trị nước an dân, đối nội đối ngoại, để phát triển đất nước một cách hiệu quả, sao cho mang lại nhiều lợi ích cho dân.

- Với chính trị gia tồi: Nó phức tạp vì ông/bà ta phải lo vơ vét tham nhũng thật nhiều, căng đầu ra nghĩ những thủ đoạn ranh ma để bảo vệ phe cánh, triệt hạ nhau để tranh giành lợi lạc về quyền lực và tiền bạc...

Thế nhưng, đó là với quan chức, với các chính trị gia, với những ai đang phải gánh vác những việc điều hành, quản trị đất nước - xã hội. Còn ở một khía cạnh khác, đối với những người dân bình thường thì chính trị lại không phức tạp đến như vậy, bởi người dân chỉ cần có một thái độ chính trị thôi là đủ rồi!

Có thái độ chính trị là chuyện rất bình thường và đương nhiên ở người dân các nước chịu phát triển, đó là quan tâm đến những quyền chính đáng của mình để thể hiện sự làm chủ đích thực của một công dân: quan tâm để hiểu sự quan trọng của lá phiếu bầu cử của mình có giá trị hay không, có quyền lên án lãnh đạo yếu kém, phê phán nhà nước nếu nhà nước sai, có quyền tự do ngôn luận, có quyền lập hội, có quyền biểu đạt tư tưởng - cảm xúc khi chính quyền có biểu hiện thiếu minh bạch, có quyền biểu tình ôn hoà bất bạo động phù hợp với hiến pháp, và thậm chí có cả quyền “chửi” lãnh đạo khi thấy lãnh đạo làm việc bố láo... v.v... Đó chính là sự thể hiện thái độ chính trị cần phải có của bất cứ công dân nào!

Đây chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để cấu thành nên một xã hội tiến bộ, bởi nó thể hiện một trong những giá trị bất biến phổ quát của nhân loại: người dân làm chủ.

Ở những đất nước tiến bộ, người dân thấy lãnh đạo tồi sẽ lập tức sử dụng quyền của mình thông qua lá phiếu bầu để phế truất lãnh đạo thậm chí thay thế hẳn chính phủ yếu kém để bầu cho những lãnh đạo khác hoặc chính phủ khác xứng đáng hơn lên làm thay. Ở những nước này, những chính trị gia làm chính trị song song với việc người dân luôn có một thái độ chính trị, người dân họ hiểu rõ rằng họ có quyền như vậy, họ phải như vậy để giám sát chính phủ, họ ý thức như vậy vì cộng đồng chung và cũng vì chính bản thân họ. Họ được nhà nước - chính phủ nước họ tích cực phổ biến, giáo dục cho từ bé để họ ý thức được quyền thể hiện thái độ chính trị của họ. 

Ở những nước độc tài lạc hậu, người dân không có quyền lựa chọn lãnh đạo theo ý mình muốn. Lãnh đạo làm chính trị (thực ra phần nhiều là phá hoại chính trị thì đúng hơn), còn người dân thì lại có rất ít cơ hội để hiểu được quyền thể hiện thái độ chính trị. Nguyên nhân chính cũng do người dân không được nhà nước - chính phủ chú trọng giáo dục, phổ biến về những điều đó, thêm nữa người dân cũng lại bị bưng bít thông tin, bị tuyên truyền sai trái quá lâu, bị chụp mũ “phản động” khi dám bày tỏ thái độ chính trị.

Người dân chỉ có thể có cơ hội hiểu được khi tự họ tò mò tìm hiểu, ngộ ra, sau đó tự họ phổ biến cho nhau mà thôi. 

Thời phong kiến ngày xưa: Vua là Thiên Tử, quan là bậc quyền quí, dân là kẻ “tiểu nhân” phục tùng vua quan. Chính trị là những đặc quyền của vua quan DÙNG ĐỂ CAI TRỊ dân, sinh mệnh người dân nằm trong tay Vua quan. 

Thời văn minh ngày nay: Dân làm chủ, nhà nước - chính phủ phải là công bộc của dân. chính trị không còn là đặc quyền riêng của nhà nước nữa bởi người dân có quyền thể hiện thái độ chính trị để tác động, yêu cầu chính phủ phải phục vụ dân thật tốt. Sinh mệnh chính trị của quan chức phải nằm trong tay người dân tùy thuộc vào việc họ có làm tốt chức trách của mình hay không. 

Người dân đóng thuế nuôi nhà nước cũng nôm na như khách hàng của một công ty vậy: Khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm sẽ nuôi sống công ty, vậy thì công ty phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm tốt cho khách hàng, lễ phép lịch sự với khách hàng, chăm sóc khách hàng, chiều lòng khách hàng cho dù là khách hàng khó tính, khách hàng luôn là thượng đế, khách hàng luôn có quyền phàn nàn chê bai sản phẩm mà không có nghĩa vụ phải cải thiện sản phẩm bởi việc cải thiện sản phẩm là của công ty, uy tín đối với khách hàng quyết định sự tồn vong của công ty…

Như vậy, câu trả lời cho vấn đề “chính trị có phức tạp hay không” chính là: Chính trị vừa phức tạp mà cũng lại vừa không phức tạp, nó tùy vào cương vị của mỗi người thế nào, tùy vào việc anh ta là một chính trị gia phải đảm nhiệm việclàm chính trị, hay là anh ta chỉ là một người dân thường bày tỏ thái độ chính trị.

Quan sát ra ngoài sẽ không khó để thấy những tình huống giả định như sau:

+ A: Vấn đề cá chết mãi vẫn không có câu trả lời thuyết phục từ chính phủ, theo cậu thì làm thế nào để người dân có thể buộc chính phủ phải minh bạch vấn đề?

- B: Thôi tôi xin, tôi không phải lãnh tụ, không phải là chính trị gia, tôi sống cuộc đời của tôi thôi!

+ A: Thấy cậu cứ luôn mồm chửi người Việt Nam là vô tổ chức, là cảm tính, bầy đàn… vậy theo cậu thì phương hướng khai dân trí để góp phần cải thiện điều này là như thế nào?

- B: Tôi chỉ là một thằng abc xyz, tôi không có tham vọng dẫn dắt xã hội hay làm một nhà chính trị đâu!..

+ A: Lãnh đạo yếu kém và tham nhũng quá, ngân sách cạn kiệt, nợ công tăng cao, môi trường bị hủy hoại...

- B: Anh đã làm được cái gì chưa mà ăn cơm nhà bàn chuyện quốc gia? Có giỏi thì anh đi làm lãnh đạo đi! 

+ A: Tại sao vấn đề khắc phục thảm họa cá chết lại lâu như vậy? Liệu có gì khuất tất đằng sau?

- B: Đừng có bàn những chuyện bao đồng mà hãy làm tốt việc của mình, mọi việc lớn đã có đảng và nhà nước lo!

+ A: Ông lãnh đạo A đúng là quá kém, ông lãnh đạo B chỉ giỏi nói mà không chịu làm.

- B: Cho anh làm lãnh đạo chắc gì anh hơn người ta mà anh chê bai?

+ A: Việt Nam cần phải cải cách thể chế sao cho người dân thực sự làm chủ.

- B: Anh ngồi một chỗ mà phán như thánh ấy nhỉ! Anh phải làm thủ tướng mới được!

+ A: Người dân Việt Nam cần phải hiểu về những quyền của mình để thể hiện quyền làm chủ đất nước, mày nên quan tâm một chút về những vấn đề bất công trong xã hội, chúng ta cần lên tiếng giùm cho những người bất hạnh trong xã hội.

- B: Anh đi tìm thằng khác mà nói chuyện, tôi chỉ dám làm kẻ hèn mọn thôi, không dám cao siêu như anh!

Thấy gì từ những câu nói từ nhân vật B ở trên? Đó là cái sự vô tình hoặc cố ý đánh tráo khái niệm làm chính trị thay cho bày tỏ thái độ chính trị, quàng vấn đề làm chính trị vào để thoái thác, né tránh câu trả lời cho nhân vật A hoặc đôi khi cũng để nhằm công kích cá nhân A. Trong khi A cũng chỉ đang thể hiện thái độ chính trị mà thôi, A đâu có đao to búa lớn gì để mà phải nâng tầm lên thành người làm chính trị, và A cũng đâu có kêu gọi bất cứ ai làm chính trị?

*

Từ tất cả những phân tích trên, có thể dễ dàng quan sát thấy không ít người vẫn thường đánh giá, nhìn nhận về chính trị một cách phiến diện, thiếu sót, họ đã bỏ qua cái ý nghĩa tối thượng và rất tốt đẹp của chính trị là để nhằm thiết lập một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu nước mạnh. Họ nhìn nhận chính trị trên một vài khía cạnh hạn hẹp nhỏ bé, từ đó chụp mũ tùy tiện những ý nghĩa tiêu cực cho chính trị, để rồi tỏ ra xa lánh chính trị như thể họ đang tránh xa cái xấu. 

Họ không thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần làm cho chính trị trở nên tốt đẹp. Khi quá nhiều người dân xa lánh chính trị khiến cho chính trị bị lũng đoạn trở nên xấu xa, rồi họ lại kêu: “Đấy! chính trị đen tối thủ đoạn lắm!...”, và họ tiếp tục tỏ ra xa lánh chính trị... cứ thế trở thành một vòng luẩn quẩn, đất nước cứ thế tụt hậu khi mà những “ông chủ” tự chối bỏ quyền làm chủ của mình để mặc sức cho bọn “đầy tớ” làm loạn.

Mà khổ nỗi, chẳng có ai là thoát được chính trị cả, ai cũng đều bị chính trị ảnh hưởng hết. Người ta thường chỉ quan tâm bày tỏ thái độ chính trị khi quyền lợi sát sườn của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Ví dụ: Ông nông dân A bị chính quyền cướp đất, người nhà ông B ăn phải thực phẩm độc rồi chết, anh kỹ sư C có khả năng tốt nhưng không xin việc được trong một công ty ưng ý chỉ vì đã đủ chỉ tiêu con ông cháu cha, bạn thanh niên D bị công an ép cung và đánh chết trong đồn, chị E đi thi hát có khả năng đoạt giải cao nhưng do không hối lộ đút lót nên bị loại sớm, gia đình trẻ F muốn cho con vào học trường XYZ phải đút lót tiền cho cán bộ ngành giáo dục, cầu thủ bóng đá G có tài năng nhưng không được gia nhập đội tuyển do không đủ tiền để “chạy”, ông H có tâm có tài kinh doanh lập công ty tư nhân nhưng không cạnh tranh nổi với công ty nhà nước do cơ chế cạnh tranh bất bình đẳng v.v...

Nền chính trị của một quốc gia ví như phần gốc rễ của 1 cái cây, bộ máy nhà nước - chính phủ ví như cái thân cây, tất cả mọi ngành nghề lĩnh vực trong xã hội ví như là những cành, nhánh mọc ra từ cái thân cây đó. Nếu cái gốc rễ chính trị mà bị hỏng thì cũng có nghĩa là tất cả mọi thứ của đất nước đều hỏng.

Trong xã hội, tầng lớp người nghèo chiếm đa số, trong đó rất đông những người công nhân, nông dân với đời sống quá thiếu thốn, khổ cực, họ không có tâm trí và không đủ điều kiện tiếp cận thông tin đa dạng. Họ rõ ràng là rất khó khăn để có khả năng hiểu rõ được những vấn đề chính trị xã hội, về luật pháp, các vấn đề về nhân quyền... để tự bảo vệ mình. Do họ bị hạn chế về nhận thức nên cũng rất dễ hành động nông nổi cảm tính mà để lại những phiền toái hoặc hậu quả đáng tiếc. Đây là tầng lớp cần nhận được sự cảm thông, giúp đỡ và cần được hướng dẫn bởi tầng lớp trung lưu trí thức.

Tầng lớp trí thức trung lưu có thể coi là quan trọng nhất để giúp chính trị - xã hội trở nên tốt đẹp, bởi họ có điều kiện để tiếp cận thông tin đa dạng, có hiểu biết rộng, có đủ kinh tế để sống, có mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, tiếng nói có trọng lượng và sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Vì vậy, sự hiểu đúng về vai trò của chính trị ở tầng lớp này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho xã hội thậm chí là quyết định sự tồn vong của một dân tộc.

Một chút suy tư về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam:

Việt Nam đang nguy cấp, đối mặt với những nguy cơ hiểm họa khôn lường, xin được nêu lên một số hiểm họa nhãn tiền nhất mà ai cũng có thể thấy: Môi trường môi sinh bị tàn phá, hủy hoại nặng nề, không khí ô nhiễm, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi đầu độc người Việt Nam hàng ngày hàng giờ, biển cũng đã bị đầu độc, tài nguyên cạn kiệt, nợ công tăng cao và tính trên mỗi đầu người khoảng 30 triệu, gần 200 ngàn người bị ung thư mỗi năm, kinh tế lệ thuộc trầm trọng vào Trung Quốc, lãnh thổ - biển đảo mất dần... và điều bi thảm nhất là nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc.

Những vấn nạn này không được giải quyết thì gần như toàn bộ 90 triệu dân VN sẽ cùng gánh chịu khổ đau bất hạnh và tệ hơn nữa là sự diệt vong, chỉ trừ một số rất ít có điều kiện sẽ tị nạn sang những nước phát triển.

Có thể hình dung những vấn nạn của Việt Nam ví như đang có một cơn sóng thần tiến từ từ đằng xa trở lại, tầng lớp những người nghèo đang đứng gần nó hơn, tầng lớp khác đứng cách xa hơn. Nếu không ngăn chặn được con sóng đó thì dần dần trước sau gì tất cả mọi người đều cùng chết khi con sóng ập đến, những ai đứng gần nó hơn sẽ chết trước. Vậy thì tất cả mọi người đều cần phải nhận thức được những nguy cơ đó để cùng nhau ngăn cơn sóng thần này lại, đặc biệt là những người đứng xa mà nhìn thấy sự hiện diện của cơn sóng cùng với những thảm họa nhãn tiền được dự báo trước.

Xin được đặt phần lớn kỳ vọng vào tầng lớp trung lưu. Họ chiếm khoảng 10% dân số, nhưng 10% dân số này lại đang gánh vác những trọng trách có thể nói là quan trọng nhất để mang lại thay đổi và cứu nguy cho Việt Nam. 

07.07.2016