Thursday, April 12, 2018

Nghĩ về 30/4


Mài gươm mãi đến bao giờ nhỉ
Bao giờ chém chết nỗi đau thương
Nỗi đau vẫn đó ngày Quốc Hận
30 tháng 4 sông núi ngẩn ngơ!
Thơ Huỳnh Công Ánh

Không biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp nầy lòng tôi dường như chùng xuống. Trước khi về hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi, cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết bài hoặc đi đó đi đây…tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ cơm áo, nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng…dai dẳng hơn thêm, càng cô đọng hơn nữa đến nỗi nhiều khi tôi chỉ muốn nói… một mình!


1. Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?


Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư?

Mà cũng có lẽ, theo lời của một người bạn xưa, Ngộ Không nhận xét về tôi trong bài “Thằng… chào cờ” là: "Thêm một lần với biệt hữu thiên địa phi nhân gian, và ông hiểu là gã làm như đang sửa soạn cho một chuyến đi xa… Lại thêm một lần sau ánh mắt xa vắng như vắt ngang dòng sông Bến Hải đang lặng lờ với nước chẩy đôi dòng. Dòng sông vẫn tiếp tục trôi đi, ở giữa dòng có một giải phân cách ý thức hệ tích tụ đã bao năm. Cùng một cảm hoài, ông cảm thấy thanh thản ở cái tuổi cổ lai hy nên hiểu được cuộc đời là dòng sông đã gần đến cửa biển. Mà biển là tàng thức chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những dòng sông chính là những mảnh đời. Qua ánh mắt thằng Nam Kỳ quốc dường như đã mệt mỏi. Ông nhìn thấy ánh mắt ấy vắt qua một khoảng không gian nào đó mà gã đã từng hoài bão, kể cả những hoài vọng thầm kín như giấc mơ của một đời người với … mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây. (Nguyễn Bính)”.

- Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã còn lại ở Việt Nam trước khi vượt biên sau 30/4/1975, phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay, vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu nước?) cho một gánh nặng với 4 đứa con dại…

- Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.

Nhưng chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn, vì nghiệm thấy con đường mình đang đi vẫn còn quá xa…mà ước mơ một ngày Việt Nam ơi! Quê hương réo gọi - Những người con Việt hẹn nhau về - Chung vai vá lại dư đồ rách - Cùng nhau xây đắp mảnh Tình Quê …vẫn còn quá xa…

2. Buồn để mà buồn một mình!

Không thể nào nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự của tôi vì hai lý do:


- Đất Nước còn điêu linh,

- Và Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình… mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi đô la, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi. Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.

Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.

Tới thứ hai tuần sau đó, vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng tư, lên Đại học Cao Đài Tây Ninh, tôi gặp mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi Bà vừa xuống chợ Tây Ninh, cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính giờ phút viết lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu” nữa.


3. Đi? hay Ở?

Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.

Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu từ lâu, căm cụi viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gửi đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về Pháp, để con mình nhận được thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất. Ba tôi mất ngày chủ nhật và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.


Còn Má tôi. Một người mẹ già gặp lại và sống với con chưa đầy hai năm…sau khi tôi về nước. Mà cũng chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu với những “đam mê” cho cuộc sống, mải mê chuẩn bị cho con đường “công danh” của mình… thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ nầy, tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.


Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa Ở nửa Đi.

- Đi không đành cũng vì mẹ già đơn côi.

- Đi không đành cũng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ níu kéo lại để làm một “cái gì” cho quê hương.

- Và đi cũng không đành vì một suy nghĩ non dại (mà chắc cũng có nhiều người suy nghĩ như tôi), đó là “Mình có thể đối thoại với người cộng sản, vì trước khi họ là cộng sản, họ cũng là người Việt Nam với đầy đủ dân tộc tính; vì vậy mình có thể hợp tác được”.

Một khi đã biết sai lầm thì đã muộn, tôi phải trả cái giá gần 8 năm trong nhà tù lớn Việt Nam dưới chế độ nầy. Biết là sai lầm trong giai đoạn đó, nhưng tôi không bao giờ hối hận vì quyết định trên. Vì sao? Vì chính cái sai lầm oan nghiệt nầy đã làm cho tôi hiểu được người cộng sản Bắc Kỳ như thế nào…và chính điều sau này làm cho tôi dứt khoát hơn là chúng ta, những người con Việt hiền hòa không thể nào sống chung với những người luôn mang não trạng chuyên chính vô sản và không có tình người.

Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký dạy Văn chương của mái trường thân yêu của người miền Nam; đó là Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, mà thời tôi đi học có tên là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký – LPK. Anh Ký khi đi “tù” về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa bên Trường Luật và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm. Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”

Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức. Đó là GS Nguyễn Văn Trường, vừa qua đời ngày 3/1/2018 tại Houston.


Ngay từ những ngày đầu còn chập chững bước vào ngưỡng của trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn với tâm thức đầy tự tin, Anh đã từng khuyên tôi:”Cuộc sống vốn bất toàn. Vì thế mà con người cầu toàn. Vì cầu, và muốn cho bằng được, cho nên mới có thất vọng. Cuộc sống vốn vô thường, không ngừng biến đổi. Nhưng ta lại muốn ngưng giòng đời, gói nó trong những ước vọng của ta, cho nên mới có khổ đau. Vọng tâm là duyên tạo thành, và biến đổi tùy duyên, ta lại đồng nhất mình với nó, cho nó là chân lý, căn cứ vào nó để phê phán thiệt hơn, đúng sai, phải trái. Thế thì làm sao ta không nhìn sai lệch, không sống trong giả tưởng của vọng. Cho nên, nhà Phật dạy vô trụ. Đừng trụ vào bất cứ một niệm nào, Đừng trụ vào Phật Tánh, Chân Tâm, Thiên Đàng, Địa Ngục. Đừng trụ ngay cả vào cái ý niệm vô trụ”.

4. Tôi đã chứng kiến được gì và đã học được gì?

Xin ghi lại vài dòng để chiêm nghiệm nỗi đau thương, nhục nhằn của những người con Việt trước cảnh quốc phá gia vong trong những ngày cuối cùng của Miền Nam. Đó là:

- Hình ảnh một Trung tá TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc áo trận và cắt từng nút áo cũng như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói với người anh qua giọt nước mắt và trong từng tiếng nấc “Anh xem như em đã chết ngày hôm nay”;

- Hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn sáng rọi vào mặt chúng tôi trên sân thượng của cư xá trong lúc tháo chạy và chở người di tản đi ra hạm đội;

- Hình ảnh những người lính tôi không còn nhớ Dù tiếp tục chiến đấu ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường đi ra Ngã tư Hàng Xanh. Tiếng súng bắt đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Và tiếng súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến đấu cho đến quả lựu đạn cuối cùng.

Chuyện ĐI và Ở đã được tôi quyết định ở khúc quành định mệnh nầy, không khác chi khúc quành của nhân vật Thiệu “phải” rời bỏ khúc quành của con sông Đuống đầy kỷ niệm tuổi thơ với Yến, người bạn thời trẻ thơ mà sau nầy trở thành…người tình muôn thuở cho đến cuối đời, để di cư vào Nam tìm tự do. (trong quyển tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sĩ).

5. Những ngày sau đó

Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.

Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đảo lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn. Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Thế mà, rốt cuộc, họ cũng phải liều thân vượt thoát và hiện đang sống rải rác tại Canada, Hoa Kỳ, Pháp, và Úc châu. Thật là nẽ bang cho chính họ!

Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngủi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết rằng tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung. Tết đến, cô cũng không quên hái vài trái xoài trước nhà để biếu tôi, thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ. Chính là Tôn Nữ Thị Ninh.

- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt I ngày 22/9/1975, đổi 1Đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500Đ tiền Việt Nam Cộng Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình 100.000Đ mà thôi.

- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1Đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1Đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100Đ mà thôi.


- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1Đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1Đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).

- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến địch nầy gọi là X1;

- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn;


- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nơi ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc kỳ được điền khuyết vào;

- Làm sao tôi quên được những đợt bị bắt buột đi “học tập cải tạo”, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một tháng…để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa…. 

6. Những ngày hôm nay và sắp tới

Một người bạn trong nước vừa viết những nhận định của anh về CSBV như sau:

- Cuộc Cách mạng Môi trường hiện tại chưa phải là “ý chí của cả dân tộc”, đứng dậy, dứt khoát và trực diện “đối đầu” với một đảng độc tài đang đi dần đến sự tự hủy! Vì vẫn còn nhiều chữ “nếu” “nếu toàn dân đã ý thức được vận mệnh đất nước, tương lai của mình mà nổi dậy, biểu tình lớn thì …”

- Thế trận hiện tại trong nước: Thành phần trong Đảng CSBV chống đối với nhau tới cùng …” chứ không hẳn phải “thành phần thứ ba luôn “quyết tử” với đảng …”

- Đảng viên: niềm tin lý tưởng đảng Cộng sản hiện nay không phải là mối liên kết hay trở lực lớn, vấn đề chính chi phối mọi người là quyền lực và quyền lợi. Lý tưởng đảng hiện nay đã trở nên vật trang trí rẻ tiền cho toan tính quyền lợi…”

- Lớp cầm quyền: Lớp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, Lớp doanh nhân ăn theo, Lớp hy vọng hưởng lợi, Lớp công lực: công an, quân đội;

- Tầng lớp muốn thay đổi: cuộc sống bế tắc, ủng hộ thay đổi;


- Người Việt trong nước: Đây là một trở lực lớn khi mà người dân trong nước sau bao nhiêu năm sống trong môi trường thiếu tin tức, đã bị nhiễm độc âm mưu tuyên truyền của Cộng Sản, xem những thành phần chiến đấu cho dân chủ tại Hải Ngoại là hoạt động chống phá nhà nước, rước ngoại bang để chịu hàng phục làm nô lệ! Tuy nhiên, ngoài lực cản như trình bày thì lực lượng trí thức của người Việt nước ngoài đông đảo mang nguồn tư tưởng dân chủ tiến bộ là một nguồn lực vô cùng quí giá sẵn sàng cổ vũ sự thay đổi, xây dựng lại đất nước sau ách toàn trị.

- Quốc nội: Số ít chưa nhận ra đại họa Tàu Cộng. Trong số Dân đã nhận thức được đại họa của Quốc Dân, thì đa số Dân quá ù lì thụ động, kể cả hàng ngũ Chức Sắc các Tôn giáo, Nhân sĩ, Trí thức, chỉ thở dài thất vọng hoặc khóc, mà không biết nên làm gì (?)

- Cái khó là nhìn thấy hướng đúng, hướng phù hợp với từng người! Cái khó vạn nan kế tiếp là hăng hái bước lên đi vào hành động.

Qua sự nhận xét của một người con Việt trong nước cùng với những lời biện bạch trên, người viết xin diễn lại bức tranh vân cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia vong và suy nghĩ miên man sau 43 năm trong cuộc hành trình chưa thấy …Điểm đến!

Xin chia xẻ cùng bà con. 

Đây không phải là lời tự thú hay than thở, hay nói về mình.

Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.

Đó là:

- Đừng bao giờ mơ tưởng những người Việt cộng sản Bắc kỳ là người Việt Nam.

Và để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực trong những ngày đau thương của Đất và Nước, tôi tự điều hướng cho chính mình cần phải hành xử trong tương lai như:

- Đứng trước quá khứ, hãy ngả mũ. Đứng trước tương lai, hãy XẮN TAY ÁO (H.L.Mencken) và chúng ta phải tiếp tục giữ lửa Quê Hương trong lòng mãi mãi.


- Lời ca của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã kéo tôi về với thực tại, bài “Không phải là lúc”, bắt đầu bằng “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề”, để rồi kết thúc bằng một quyết tâm dứt khoát “…Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lỳ, chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết khi nào mới làm xong!”

Và cũng chính vì mang quyết tâm trên mà tôi vẫn “Không đặt vấn đề với anh em, nhưng chắc chắn đứa con Việt nầy dứt khoát đặt vấn đề những người đang tàn phá Đất và Nước của Ông Cha để lại.

Và tôi ”đặt vấn đề” với người Cộng sản Bắc Kỳ, đã và đang chấp nhận và tiếp tục đóng vai trò “thái thú biết nói tiếng Việt” cho Trung Cộng thực thi “Đại Họa Mất Nước” để hoàn tất công cuộc Bắc thuộc lần thứ V.


Nhưng tôi cũng không quên dứt khoát đặt vấn đề với những kẻ cuối đời vẫn còn bon chen - danh lợi, bất kể cố ý hay vô tình, bị rơi vào cái bẫy lợi danh của Cộng sản, cái bẫy của “cây gậy và củ cà rốt” với cây gậy đập trên đầu mà củ cà rốt vẫn không cho ăn, cái bẫy của Cộng sản muốn mượn tay người Quốc gia “bôi đen” người Quốc gia chống Cộng, cái bẫy “gây rối cộng đồng” do những tay ăn bã của cộng sản; những kẻ dễ đánh mất thân phận làm “người” của mình, bất kể đó là loại “người” gì; lắm khi đó là những con “ếch” muốn làm con “bò”, cho dầu “ếch” hay “bò”, “nhỏ” hay “lớn”, vẫn không phải là... “người”.


Xin ghi lại và góp phần vào những Ngày Buồn Tháng Tư của những người con Việt.

Mùa Quốc hận tại Ottawa ngày 30/4/2018

Vụ lừa tiền ảo 15 nghìn tỷ: “Người Việt Nam hay bị lừa vì lòng tham”

VOA Tiếng Việt/13/04/2018 
Người dân biểu tình bên ngoài tòa nhà nơi đặt văn phòng Công ty Modern Tech ở quận 1, TP HCM. Công ty này được cho là đã lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của người đầu tư từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin. (Ảnh chụp màn hình Phap Luat Plus)
Người dân biểu tình bên ngoài tòa nhà nơi đặt văn phòng Công ty Modern Tech ở quận 1, TP HCM. Công ty này được cho là đã lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của người đầu tư từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin. (Ảnh chụp màn hình Phap Luat Plus)
Với 15.000 tỷ đồng và 32.000 nạn nhân, vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất từ trước tới nay đang buộc chính phủ Việt Nam phải vào cuộc.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 11/4 đã yêu cầu 6 bộ, ngành – trong đó có Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước – xử lý vụ lừa đảo tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị yêu cầu tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo. Mọi loại hình tiền ảo và các giao dịch bằng tiền ảo đều không hợp pháp ở Việt Nam, theo người đứng đầu chính phủ.
Người Việt Nam ham lợi nhuận và ít suy nghĩ, ít hiểu biết cho nên hay bị lôi kéo, hay bị lừa đảo.
Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội



Công ty Cổ phần Modern Tech có trụ sở ở quận 1, thành phố HCM, bị hàng chục nghìn người dân cáo buộc lừa đảo 15.000 tỷ đồng (658 triệu USD) từ việc bán tiền ảo iFan và Pincoin.
Cuối tuần qua, hàng chục người dân tụ tập bên ngoài tòa nhà nơi đặt trụ sở của Modern Tech trên đường Nguyễn Huệ để biểu tình. Họ căng băng rôn gọi đây là vụ “tiền ảo – lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bloomberg, người quản lý tòa nhà cho biết công ty Modern Tech đã giải thể và chấm dứt thuê văn phòng một tháng trước đó.
“Vụ sập bẫy này không phải là vụ đầu tiên, một trò lừa đảo với hình thức rất xưa cũ, rất ‘kinh điển’ bằng lãi suất cao bất hợp lý nhưng người dân vẫn mắc lừa,” theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với báo Pháp luật TP HCM.
Tiền ảo và bất kỳ giao dịch nào liên quan điến tiền ảo bị cấm ở Việt Nam.
Tiền ảo và bất kỳ giao dịch nào liên quan điến tiền ảo bị cấm ở Việt Nam.
Luật sư Trần Thu Nam, cũng của Đoàn Luật sư Hà Nội, nói với VOA rằng nhiều người ở Việt Nam bị lừa vì “lòng tham” và “thiếu hiểu biết.”
“Người dân Việt Nam rất hay bị lừa, bị các đối tượng lợi dụng vào lòng tham, ví dụ như ở kinh doanh đa cấp và đánh bạc," theo LS Nam. Người Việt Nam ham lợi nhuận và ít suy nghĩ, ít hiểu biết cho nên hay bị lôi kéo, hay bị lừa đảo.”
Vụ sập bẫy này không phải là vụ đầu tiên, một trò lừa 
đảo với hình thức rất xưa cũ, rất ‘kinh điển’ bằng lãi suất cao bất hợp lý nhưng người dân vẫn mắc lừa.
Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội




Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo với lãi suất hàng tháng lên tới 40%, theo truyền thông trong nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, người dân không thể rút tiền mặt từ lãi xuất. Còn VTV cho biết họ cũng mất luôn cả tiền đầu tư.
Tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng các loại tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, phát triển rất mạnh ở Việt Nam và được các cá nhân và các tổ chức trong nước đầu cơ hoặc “đào”, theo ZingNews.
Cuối năm 2017, một số lượng lớn máy “đào” tiền ảo Bitcoin đã được nhập về Việt Nam và cùng với đó, trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo cũng nở rộ.
LS Kim Ron Tha của Đoàn LS TP HCM cho rằng vụ lừa đảo của Modern Tech là một “câu chuyện pháp lý rất hay vì Việt Nam không coi tiền ảo là tài sản” và hoạt động kinh doanh này không được thừa nhận ở Việt Nam. Do đó, theo LS Kim nói với báo Pháp Luật TP HCM “những người tham gia vào quan hệ pháp luật bị cấm thì sẽ không phải là chủ thể được pháp luật bảo vệ.”
Việt Nam đang xem xét khung pháp lý để quản lý bitcoin và các giao dịch liên quan.
Việt Nam đang xem xét khung pháp lý để quản lý bitcoin và các giao dịch liên quan.
LS Trần Thu Nam cho rằng những nhà đầu tư tiền ảo của dự án Modern Tech có thể sẽ “mất trắng” số tiền đầu tư của mình.
“Việc này không có khung pháp lý thì nếu xảy ra rủi ro anh sẽ bị mất số tiền đó vì khó đòi. Ví dụ đối tượng đã tiêu xài hết số tiền đó rồi thì nếu có tuyên trả thì chỉ là tuyên trả trên giấy thôi còn về mặt thực tiễn thì họ khó có thể lấy lại số tiền đó. Tôi nghĩ rằng 99% là có thể mất trắng.”
Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một đề án có thể đưa tới việc chính thức công nhận tiền ảo bitcoin như một hình thức thanh toán. Cũng trong năm ngoái, chính phủ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo.
Đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên hợp pháp hóa các hoạt động kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam hay không trong khi nhiều cửa hàng trong nước đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Tuy nhiên LS Nam cho rằng không nên làm điều đó tại thời điểm này.
“Quản lý nhà nước về những việc này rất là khó. Họ chưa có đủ trình độ và cơ sở pháp lý và hiểu biết của người dân về những vấn đề này còn đang hạn chế. Ngay bây giờ mà hợp pháp hóa các giao dịch tiền ảo thì rất là khó và không quản lý được. Nó sẽ là lợi bất cập hại.”
Theo luật sư Nam, các cơ quan quản lý đáng lẽ ra đã phải giám sát và điều tra nhằm tránh để xảy ra những vụ lừa đảo tương tự như hành động lừa gạt của Modern Tech. Theo ông, muốn bảo vệ người dân, phải nâng cao sự hiểu biết của họ về hoạt động bị cấm này và hậu quả khôn lường của nó.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết khoảng 32.000 người đã trở thành nạn nhân của “dự án tiền ảo đa cấp” của Modern Tech.

VN đứng đầu về tội phạm người nước ngoài ở Nhật

Theo VOA-12/04/2018 
Cảnh sát Nhật tuần tra ở Tokyo (ảnh tư liệu, 2016)
Cảnh sát Nhật tuần tra ở Tokyo (ảnh tư liệu, 2016)
Số liệu do cảnh sát Nhật công bố hôm 12/4 cho thấy cùng lúc với số cư dân người Việt tăng vọt ở Nhật, số tội hình sự do người Việt gây ra cũng tăng theo, khiến người Việt trong năm 2017 lần đầu tiên đứng đầu về số tội hình sự của người nước ngoài không thuộc diện thường trú nhân ở Nhật. 

Tính theo quốc tịch, cảnh sát ghi nhận 5.140 vụ tội phạm do người Việt Nam gây ra trong năm 2017, so với 3.177 vụ năm trước đó, chiếm 30,2% tổng số. Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, trước đây Trung Quốc chiếm vị trí số một, nhưng năm 2017 họ đứng thứ hai với 4.701 vụ án hình sự.
Số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, một tổ chức tư vấn phi đảng phái Hoa Kỳ, cho thấy Nhật Bản là một trong 10 nước tiếp nhận nhiều di dân Việt Nam nhất trong năm 2017. Số người Việt Nam không thuộc diện thường trú ở Nhật đã tăng gấp sáu lần từ năm 2008, đạt con số khoảng 260.000 người vào năm 2017.
Số sinh viên Việt Nam tại Nhật đã tăng gấp 12 lần trong giai đoạn 2012-2016, lên tới khoảng 54.000 người.
Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này là số vụ tội phạm của người Việt cũng tăng lên. Số vụ trộm cắp trong các cửa hàng, siêu thị lên đến 2.037 trường hợp, trộm cắp vặt đã tăng tới 325 vụ trong năm 2017 so với chỉ có 12 vụ trong năm 2016.
Một thông dịch viên cho cảnh sát ở vùng Chubu nói với Japan Times rằng khoảng một nửa số thực tập sinh và du sinh Việt Nam không thể trang trải học phí và phải bỏ học, chuyển sang cuộc sống tội phạm.
Tổng số vụ tội hình sự của các cư dân ngoại quốc, trừ quân nhân Mỹ, là 17.006, tăng 20,3% so với năm trước đó. Brazil xếp hạng ba với 1.058 vụ, tiếp theo là Hàn Quốc với 1.038 vụ.
Về số người vi phạm, Trung Quốc đứng đầu với 3.159 người, tiếp theo là Việt Nam với 2.549 người. Tổng số người nước ngoài phạm tội là 10.828, tăng 7,1% so với một năm trước đó.
(Kyodo, Nhật Bản Times, VNE)

Chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam thay đổi

RFA-2018-04-12  
Cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa vào sáng ngày 10/04/18.
Cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa vào sáng ngày 10/04/18.AFP
Một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên tiếng kêu gọi Việt Nam ngưng tình trạng cấm đoán xã hội dân sự hay dập tắt tiếng nói đối lập sau khi cho bỏ tù gần chục nhà hoạt động với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Thông cáo báo chí phát đi từ Geneva vào ngày 12 tháng tư của các nhóm chuyên trách của Liên Hiệp Quốc nêu ra trường hợp của 6 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị tuyên án vào ngày 5 tháng tư từ 7 đến 15 năm tù giam và khi mãn án còn phải bị quản chế nữa. Tiếp đến là các nhà hoạt động khác như Nguyễn Văn Túc bị kết án hôm 10 tháng tư 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Theo lời của những chuyên gia Liên Hiệp Quốc thì họ hết sức quan ngại về cách thức mà Việt Nam hành xử đối với những nhà vận động ôn hòa; đặc biệt theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999. Mục tiêu của Hà Nội được cho là nhằm cáo buộc và kết án những tiếng nói đối lập, những nhà bảo vệ nhân quyền mà án có thể lên đến mức chung thân hay tử hình.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc còn quan ngại khi những nhà hoạt động vì dân chủ phải bị giam giữ trước khi bị tòa kết án vào ngày 5 tháng tư và bị giới hạn tiếp cận tư vấn pháp lý. Điều này rõ ràng vi phạm những chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Thông tin về việc cơ quan chức năng Hà Nội cho bắt giữ những nhà hoạt động đến ngoài phiên xử hôm 5 tháng tư đối với sáu nhà hoạt động dân chủ cũng bị các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho là khủng khiếp khi mà những người này chỉ mang theo những biểu ngữ “Dân Chủ Không Phải Tội”, “Công Lý Cho Hội Anh Em Dân Chủ” hay ‘Hãy Ngưng Đàn Áp Hội Anh Em Dân Chủ”
Theo nhận định đưa ra trong thông cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc thì trong năm 2017, tình trạng bắt bớ, giam giữ những nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam gia tăng đáng kể.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã liên lạc với chính phủ Việt Nam để yêu cầu làm rõ về những vấn đề được nêu ra. 

Tràn lan quy định phi lý

Diễm Thi, RFA-2018-04-12  
Giới trẻ Việt Nam. Ảnh minh họa.
 Giới trẻ Việt Nam. Ảnh minh họa.AFP
Dự thảo thông tư mới của Bộ Y tế được công khai hồi cuối tháng 3 quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt phục vụ trực tiếp trên tàu. Trong đó có những điểm như răng vẩu, ngực lép không được lái tàu và một số quy định về chức năng sinh lý.
Ông Lê Lương Đống người được truyền thông trong nước dẫn lời trong tư cách Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo về những điểm vừa nêu. Thế nhưng khi được RFA hỏi về điều đó thì ông bác bỏ như sau:
Cái ngày 1 tháng 4 họ đăng báo đùa đấy. Vì trước tôi làm Bộ Y tế 5, 6 năm nên họ đăng cái tên chứ tôi đã về hưu mấy năm rồi, năm nay tôi gần 70 tuổi rồi. Đó là cái ngày “cá” mà. Ngày “Cá tháng Tư” oái oăm đưa tên ông Đống vô báo VietnamNet.
Ngày xưa thì tôi có làm Phó Vụ Trưởng rồi Vụ trưởng Bộ Y tế nhưng từ hồi năm 2007, thời đó chưa có soạn thảo văn bản này đâu.
Chúng tôi nêu vấn đề về tiêu chí ‘răng vẩu, ngực lép’ như được đề cập đến với một vị bác sĩ tên Võ Ngọc Vũ tại Sài Gòn; và trong trả lời qua facebook, ông cho rằng những quy định đó được nói đến từ lâu rồi nhưng chắc chắn chẳng bao giờ thông qua vì nó “hài” quá. Tôi chẳng quan tâm.
Một bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình không muốn nêu tên trao đổi với RFA qua điện thoại rằng trong y khoa có một bệnh gọi là bệnh ngực lõm, đây là bệnh bẩm sinh chứ không phải ngực lép, nhưng ở Việt Nam thì cách gọi ở miền nam và bắc khác nhau nên đọc văn bản cũng rất khó hiểu.
Vị bác sĩ này nói thêm rằng khi kiểm tra sức khỏe thì phải đo vòng ngực lúc hít vào và thở ra để xác định độ giãn nở của lồng ngực. Bây giờ chỉ ra cái văn bản như vậy thì rất khó xác định vì vòng ngực lép hay không phải so sánh với các số đo khác trên cơ thể.
Chuyện văn bản của Bộ Y tế về ‘răng vẩu, ngực lép’ không được tham gia phục vụ trên tàu chưa lắng xuống thì lại có thông báo yêu cầu  nếu chủ thuê bao điện thoại di động không cập nhật được hình chân dung và thông tin cá nhân trước 24/4 thì nhà mạng sẽ khóa thuê bao. Một bạn trẻ bức xúc bày tỏ:
Nếu vậy thì em sẽ bỏ sim vì khi đăng ký đã có chứng minh (CMND) đã có hình mình rồi, chứng nhận là mình rồi. Em sẽ không đồng ý việc phải đi nộp hình chân dung.
Một bác chạy xe ôm thì có ý kiến:
Họ làm vậy họ mất doanh thu thôi, mình đổi qua cái khác xài chứ phiền phức quá thời gian đâu mà làm.
Vị bác sĩ làm ở bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình cho rằng điều này không thể thực hiện được bởi ở Việt Nam có thể mua sim ở bất cứ cửa hàng bán sim điện thoại nào. Các sim này do tên chủ cửa hàng đứng tên. Bây giờ đem nộp ảnh chân dung làm sao khớp với tên đã được đăng ký?
Ông cho chúng tôi biết thêm rằng ở Việt Nam thì những công ty nào muốn mở mạng viễn thông thì phải thông qua nhà nước. Sau một thời gian kinh doanh phải chứng minh số thuê bao đủ lớn thì công ty đó mới tiếp tục tồn tại. Nên có những công ty khuyến mãi thật nhiều, người dân cứ mua sim thật nhiều và số khách hàng thực sự là con số ảo. Bây giờ nhà nước muốn có con số thật nên phải thay đổi cách quản lý bằng cách bắt buộc thuê bao nộp hình chân dung.
Một quy định nữa khi đưa ra cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận dù có phần hạn hẹp hơn bởi đối tượng được nói đến là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
Theo đó thì tất cả sinh viên phải tham gia khám sức khỏe để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Một sinh viên năm cuối trường này nói với RFA:
Em nghĩ khám sức khỏe để giấy tờ đi kèm với hồ sơ xin việc sau này thôi chứ không phải không đủ sức khỏe thì không được ra trường.
Cũng có những bạn sinh viên không hẳn đồng tình, nhưng cho rằng nếu phản đối thì cũng chẳng được gì:
Em thấy khám sức khỏe với mức 50 ngàn như hiện nay thì cũng không có giá trị với phiếu khám sức khỏe đó, sau này có đi làm thì cũng phải khám lại. Nhưng cái này bắt buộc nên em cũng không làm được gì, em cũng phải chịu thôi. Em thấy một số bạn than phiền nhưng một số bạn cũng chấp nhận như em thôi. Mà than phiền cũng không làm gì được.
Sau khi sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phản ánh quy định phải khám sức khỏe mới được xét tốt nghiệp, ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT, trả lời với truyền thông trong nước rằng việc khám sức khỏe định kỳ (ưu tiên đầu cấp cuối cấp) là nhiệm vụ bắt buộc của các trường đại học, và quy định này là đúng.
Thực tế cuộc sống trong quá trình vận động phát triển cần có những yêu cầu mới cho phù hợp; tuy nhiên những qui định cần hợp lý thì mới có thể thuyết phục người dân thi hành.

Đề xuất hợp nhất mọi đoàn thể vào Mặt Trận

RFA-2018-04-12  
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
 Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.AFP
Ban Tổ chức Trung ương trong nghiên cứu về đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể của các giới như Phụ Nữ, Thanh Niên…vào làm một với Mặt Trận. Sao lại có ý kiến đó và cần làm sao cho hiệu quả?

Hợp nhất để tiết kiệm ngân sách?

Đề xuất vừa nêu được ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong cuộc họp nghiên cứu về đổi mới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 7 tháng 4  đưa ra.
Cụ thể hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trước tiên sẽ thực hiện ở cấp quận huyện và phường xã.
Việc cải cách này được thực hiện theo chủ trương “tinh gọn biên chế” và “giảm 10% biên chế” của Hội nghị trung ương VI vào tháng 10 năm 2017.
Tôi chắc rằng cái bộ máy nó phình ra quá, lương trả cho các bộ phận nó nhiều quá, thế thì người ta muốn gộp lại như thế chắc rằng người ta muốn giảm bớt cái việc trả lương thôi.
-GS Nguyễn Đình Cống
Theo lý thuyết, nếu việc “tinh gọn biên chế” này thành công, số công chức và nhân viên không chuyên trách ở các cấp bị “tinh gọn biên chế” sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức của Việt Nam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vào tháng 10 năm 2017 có đưa ra kiến nghị bên cạnh tinh giảm biên chế lãnh vực hành chính công thì phải bỏ biên chế các tổ chức chính trị-xã hội. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc hợp nhất 5 đoàn thể vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông cho biết:
“Việc hợp nhất các tổ chức và giảm biên chế là kết luận của Hội Nghị Trung Ương VI, bây giờ họ đang triển khai.Hợp nhất bây giờ hợp nhất các tổ chức từ cấp huyện trở xuống, chỉ làm từ cấp huyện trở xuống cấp xã chứ chưa làm đến cấp tỉnh và cấp trung ương.”
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổng chi phí hàng năm cho Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và 28 hội khác là từ 45,6 đến 68,1 ngàn tỷ đồng, tương đương từ 1 đến 1,7% GDP của Việt Nam, nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn chưa rõ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cựu giảng viên tại Đại học Xây dựng, một tiếng nói phản biện tại Việt Nam, vào năm 2016 từng kiến nghị nên giải tán Mặt trận Tổ quốc vì tổ chức và hoạt động của nó tốn kém nhiều và hiệu quả ít. Nhận định về việc hợp nhất này, ông nói:
000_9U2Y4-960.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
“Tôi chắc rằng cái bộ máy nó phình ra quá, lương trả cho các bộ phận nó nhiều quá, thế thì người ta muốn gộp lại như thế chắc rằng người ta muốn giảm bớt cái việc trả lương thôi. Tôi thì tôi đoán thế vì người ta không nói ra là vì sao, nhưng nếu có nói thì chắc người ta cũng sẽ nói là để làm việc hiệu quả hơn.Hiện nay của đảng, của nhà nước, của mặt trận nó quá cồng kềnh, nên người ta gộp vào như thế.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến về thay đổi này:
“Các hội đoàn như công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mà chúng tôi gọi là ‘Công nông thanh phụ cựu’; phải tìm hiểu cái hoạt động này thì mới tính đến việc muốn thay đổi hay làm cho nó chất lượng hơn, đứng đắn hơn, và đây là công việc mà mấy chục năm nay người ta vẫn trăn trở nói đi nói lại mà cũng không ăn thua gì và càng ngày thì các đoàn thể này nó càng phình to ra, và tính vô hiệu ngày càng bộc lộ ra rất rõ.”

Hội đoàn có giúp ít người dân?

Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ví dụ về vụ doanh nghiệp cưỡng chế đất ở Long Hưng, Đồng Nai gây bất bình nhiều năm nay nhưng không có tiếng nói nào của hội nông dân, cũng như vụ quân đội lấy đất của nông dân Đồng Tâm, Hà Nội hồi năm 2017 cũng không được hội nông dân địa phương lên tiếng. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận một số thành tích của các hội đoàn này:
“Nhưng nói cho cùng, thì cũng thấy một sự thật là những hoạt động của những đoàn thể này cũng đạt được một số kết quả xã hội nhất định như hội cựu chiến binh đã vận động hàng vạn cựu chiến binh tham gia làm kinh tế, lập doanh nghiệp. Hay những hoạt động từ thiện và khuyến học cũng đạt được một số kết quả. Nhưng nhìn tổng thể thì tôi vẫn cho rằng là vô tích sự, đến mức là giáo sư Nguyễn Đình Cống phải bảo là hãy giải tán cái mặt trận tổ quốc vì nó vô tích sự.”
Luật sư Trần Quốc Thuận thì lại cho rằng việc sát nhập là phù hợp với thực tế hiện nay, ông nói thêm:
Sát nhập thì tôi cho là phù hợp vì Bộ chính trị nó cũng gần gần giống nhau, mà nó giảm được biên chế, giảm đầu mối và tiết kiệm ngân sách. Đó là một cái chủ trương đúng, nên làm và làm một cách tích cực.
-LS Trần Quốc Thuận
“Sát nhập thì tôi cho là phù hợp vì Bộ chính trị nó cũng gần gần giống nhau, mà nó giảm được biên chế, giảm đầu mối và tiết kiệm ngân sách. Đó là một cái chủ trương đúng, nên làm và làm một cách tích cực.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng đề nghị không những giải thể Mặt trận tổ quốc, mà các đoàn thể cũng phải tự lo tài chính cho mình, ngân sách phải công khai minh bạch và thông qua quốc hội một cách vừa phải. Ông cho rằng hiện nay những người ăn lương ở cấp cơ sở đã quá nhiều, ông nói thêm:
“Tôi thì trong một lần tôi có đề nghị nên giải tán đi cho rồi. Tại vì các nước thì họ đâu cần có mặt trận như thế, các đoàn thể như thế. Những cái mặt trận hay đoàn thể đó là chẳng qua trong cái thời kỳ người ta vận động cách mạng, cướp chính quyền thì người ta nối dài cái hoạt động của người ta. Còn trong hoàn cảnh như hiện nay thì tôi cho rằng không phải cứ gộp vào mà phải để các đơn vị ấy họ tự lo (tài chính) thì nó mới phải.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận thì việc hợp nhất sẽ giảm biên chế và chi phí rất lớn:
“Tiết kiệm nhiều chứ, vì nếu hợp nhất như thế thì người ta bố trí lại thành các cơ quan, tất cả như vậy kể cả mặt trận tổ quốc là 6 tổ chức chính trị xã hội ghép lại. Trước nhất thì các cơ quan, bộ phận phục vụ bên dưới như hành chánh quản trị, thế này thế khác thì nó chỉ còn lại một, trước thì 6 bộ phận, cho nên nó giảm biên chế rất lớn và giảm chi phí rất lớn. Tôi cho rằng làm như vậy trước mắt là rất tốt.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng đồng ý là việc sát nhập có khả năng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và giảm biên chế. Tuy nhiên ông cho rằng đây chỉ là giải pháp “nước đến chân mới nhảy”, muốn có những hội đoàn dân chủ, tử tế thì phải đổi mới cách khác. Ông nói thêm:
“Hiện nay bầu cử phải thông qua những đại diện của họ, nhưng đại diện lại là những anh tự bầu ra thành ra tư cách đại diện của mặt trận tổ quốc, công đoàn nó không rõ, không hề có một tư cách đại diện nào hết, cho nó đàng hoàng đúng đắn.”

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, muốn cải cách để có những hội đoàn  xứng đáng với dân tộc thì phải không đánh lừa nhau và không làm giả dối.

Hệ lụy khi du lịch VN phát triển ‘nóng’

RFA-2018-04-12 
Khách du lịch chật kín bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong dịp 30/4 - 1/5 năm 2017.
 Khách du lịch chật kín bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong dịp 30/4 - 1/5 năm 2017.Courtesy of Zing.vn
Một bài viết của tác giả Mai Hương đăng trên mạng báo The Jakarta Post ngày 29 tháng 3 với nhan đề “Vietnam eyes tourism reform” đã đề cập đến những hậu quả cũng như khó khăn Việt Nam phải đối mặt khi ngành du lịch phát triển quá nhanh trong những năm gần đây.
Theo tác giả bài viết, ngành du lịch của Việt Nam trong những năm gần đây đang bùng nổ và nhanh chóng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tác giả đưa ra dẫn chứng cho thấy năm ngoái, gần 13 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam, mang đến nguồn lợi nhuận lên tới hơn 500 tỷ đồng (tương đương 22 tỷ USD), tăng 30% so với năm 2015 và 20 % so với năm trước đó 2016.
Trong thập niên qua, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong khi doanh thu tăng 9 lần. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới và được đánh giá là một trong những nước có thành tích phát triển du lịch tốt nhất ở châu Á vào năm 2017. Năm ngoái ngành công nghiệp không khói này đã đóng góp 7,5% vào GDP của quốc gia.
Vẫn theo tác giả Mai Hương, với những thành tựu ấn tượng như vậy, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam vào năm 2020, giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác như xây dựng, bất động sản, kinh doanh, giáo dục và việc làm.
Năm ngoái Bộ Chính trị đã đưa ra một nghị quyết về phát triển du lịch, theo đó đã ghi nhận ngành du lịch đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế lớn của Việt Nam.
Trước đà phát triển nhanh chóng như vậy, chính phủ Hà Nội hy vọng sẽ đón từ 17-20 triệu lượt khách nước ngoài và 82 triệu lượt khách du lịch trong nước vào năm 2020. Doanh thu du lịch dự kiến ​​sẽ đạt 35 tỷ USD, đóng góp 10% vào GDP, đồng thời có thể tạo ra bốn triệu việc làm.
Theo tác giả, ngành du lịch Việt được dự báo sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự quyết tâm của chính quyền các tỉnh thành và sự phát triển năng động của cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Thách thức đầu tiên là sự quá tải của khách du lịch tại các điểm du lịch. Điều này sẽ tác động đến tài nguyên và môi trường ở điểm du lịch đó.
- PGS.TS Phạm Trung Lương
Tuy nhiên, tác giả Mai Hương nhận định rằng tốc độ phát triển nhanh như vậy khiến VN phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi quá trình tái cấu trúc ngành du lịch, nếu không VN có thể thất bại bởi chính sự phát triển quá mức này.
RFA nêu vấn đề này với PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ông Phạm Trung Lương cho biết phát triển du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Việt Nam bấy lâu nay, nhưng nếu không được quản lý tốt, ngành này có thể mang lại rất nhiều hệ lụy:
Thách thức đầu tiên là sự quá tải của khách du lịch tại các điểm du lịch. Điều này sẽ tác động đến tài nguyên và môi trường ở điểm du lịch đó. Bên cạnh đó sự phát triển nhanh của các điểm du lịch cũng kéo theo nhiều vấn đề về xã hội như trộm cắp, ăn xin ăn mày,… Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản địa ở đó bởi vì một điểm du lịch bao giờ cũng đi kèm theo chuyện giá cả tăng cao nên đời sống của người anh bị tác động.
Tình trạng quá tải ở các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam đặc biệt trong các dịp lễ, bấy lâu nay đã trở thành một vấn đề chưa có giải pháp hiệu quả từ cơ quan chức năng. Tình trạng này gây ra những hậu quả như cơ sở vật chất tại điểm đến xuống cấp nhanh chóng, rác thải bừa bãi, chặt chém giá cả, làm mất hình ảnh của một khu du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương, Cục trưởng Cục Quản lý Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết số lượng khách đến Việt Nam tăng nhanh trong thời gian ngắn đang đặt ra nhiều áp lực lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và năng lực quản lý điểm đến.
Ông Phương cho rằng những thiếu hụt về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay quá tải sẽ khiến du khách mất nhiều thời gian do phải chờ đợi lâu trong khi thiếu nguồn nhân lực và năng lực quản lý các điểm đến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Trên thực tế, các sân bay ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Một nửa số người nước ngoài năm ngoái vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.  Sân bay này có sức chứa tối đa là 25 triệu hành khách mỗi năm, nhưng năm 2016 đã có đến 32 triệu lượt người đi qua.
Theo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam xếp thứ 113 trên tổng số 136 nền kinh tế.
PGS.TS Phạm Trung Lương đưa ra một số điều cơ bản nhất để giúp khắc phục những hệ lụy khi ngành du lịch VN phát triển quá nhanh chóng:
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy, điều đầu tiên là phải nâng cao năng lực quản lý của điểm đến. Quản lý ở đây không có nghĩa là mình đi soi mói, bắt bẻ này kia mà là hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp phát triển theo nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển bền vững và quản lý khách du lịch theo sức chứa của điểm đến. Ví dụ điểm này chỉ chứa được khoảng 100 khách thôi thì mình luôn luôn phải quản lý chứ không phải cứ chạy theo lợi ích về vật chất rồi tăng lên đến 1 ngàn hay 1 triệu khách.
Cũng theo TS Phạm Trung Lương, cần nâng cao nhận thức của khách du lịch về những việc họ được làm và không được làm, tránh ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội của điểm đến trong đó bao gồm việc tôn trọng văn hóa của người bản xứ.

Lại chuyện khách Trung Quốc

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, một người có thâm niên trong ngành du lịch cho biết khi ngành du lịch VN nở rộ như hiện nay kéo theo lượng khách nước ngoài cũng tăng nhanh chóng, trong đó phần lớn là khách Trung Quốc. Theo ông, nhiều đoàn Trung Quốc ồn ào, thiếu lịch sự, và thậm chí ăn uống tục tĩu. Điều này gây ra hệ lụy:
Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam và trước mắt sẽ làm cho khách châu Âu, châu Mỹ sẽ rất phản ứng. Họ sẽ nói với nhau và tránh né không đến nữa. Như vậy sẽ gây thất thu cho ngành du lịch.

Chính quyền cứ thấy đông khách là họ mừng.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Tổng cục Du lịch cho biết gần nửa triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm lĩnh hầu như thị trường du lịch Việt Nam. Con số này tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vấn nạn khách Trung Quốc tràn ngập gây nhiều tác hại cho ngành du lịch VN đã được truyền thông và cả người dân lên tiếng rất nhiều lần. Tuy nhiên cho đến nay khách du lịch từ quốc gia này tiếp tục tăng cao. RFA đã nhiều lần liên lạc với cơ quan chức năng về vấn đề này nhưng vì lý do nào đó họ đều né tránh trả lời. Một số hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi đây là vấn đề nhạy cảm mà bản thân họ cũng e ngại khi lên tiếng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu ra một trong những nguyên nhân vấn đề này chưa được giải quyết:
Chính quyền địa phương không quan tâm lắm. Những sở như Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch họ cũng không quan tâm lắm vì họ cứ thấy đông khách là họ mừng. Thực tế tôi biết mặc dù họ là quan chức nhưng họ cũng không hiểu biết về du lịch bao nhiêu đâu. Họ từ những ngành khác nhảy sang làm nên không có tầm nhìn.
Việt Nam đặt ra mục tiêu thu hút 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa trong năm nay, tương đương doanh thu 620 ngàn tỷ đồng. Đây là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, những mặt trái của thành tựu này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng.