Wednesday, September 25, 2019

Phụ thuộc Trung Quốc, làng đồ gỗ Bắc Ninh có nguy cơ phá sản

Quang cảnh đìu hiu vắng khách tại các cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ. (Hình: VTC News)
BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ ở thị xã Từ Sơn đang lâm cảnh “khuynh gia bại sản” vì thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” do kinh tế nước này đang gặp khó khăn.
Theo báo VTC News, trong đầu những năm 2000 cho đến 2015, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được xem là “khu vực kinh tế trọng điểm địa phương” bởi sự phát triển của nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, với gần 500 trăm doanh nghiệp ra đời.
Sự phát triển “nóng” của làng nghề này kéo dài đến những năm 2015, thì có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đến nay bắt đầu “tụt dốc thê thảm,” với không ít doanh nghiệp phải giải thể do hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng thị trường xuất cảng chính là Trung Quốc không “ăn hàng.”
Các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín thì vẫn còn hoạt động cầm chừng, nhưng những cở sở sản xuất mới, ít vốn phải giải thể hoặc chuyển nghề kinh doanh, thậm chí phá sản.
Nói với báo VTC News, ông Vũ Quốc Vương, chủ tịch Hiệp Hội Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ, thừa nhận hiện nay tình hình kinh doanh của làng nghề “rất kém và đang rơi vào tình trạng khó khăn.”
“Hàng hóa ế ẩm không bán được, vốn bị ứ đọng, nhiều chủ cơ sở lâm vào tình cảnh khốn đốn khi trót vay tiền ngân hàng để ‘ôm hàng’ mà không kịp quay vòng vốn. Những lô gỗ được mua vào ở thời điểm giá cao, nay tụt xuống một nửa mà không có người mua, cộng với tiền lãi vay sinh sôi khiến nhiều cơ sở rơi vào cảnh mất trắng,” ông Vương cho biết.
Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ giá trị cao nhưng ế ẩm do mẫu mã “lai Tàu” không phù hợp với nhiều người Việt. (Hình: VTC News)
Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gỗ có tiếng ở Đồng Kỵ đang lâm cảnh khó khăn, ông Dương Văn Mười (46 tuổi) cho biết hằng tháng gia đình ông phải gánh số tiền lãi của khoản vay gần 20 tỷ đồng ($863,215), chưa kể số tiền vốn đầu tư của gia đình.
“Gia đình tôi vừa bị ngân hàng siết nợ một căn nhà. Còn căn gia đình đang ở cũng trong tình trạng chờ gán nợ. Trước đây, cơ sở sản xuất của tôi lúc nào cũng có mấy chục nhân công nhưng hiện giờ phải cho nghỉ hết,” ông Mười ngậm ngùi nói.
Giải thích cho tình trạng này, nhiều chủ doanh nghiệp ở Đồng Kỵ cho biết do từ trước đến nay thị trường chính của làng nghề chủ yếu là dựa vào thị trường Trung Quốc, nên khi thương lái Trung Quốc dừng thu mua sản phẩm thì tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng, nếu không muốn phá sản.
Ngoài ra, do phải nhập nguyên liệu gỗ từ Lào, Cambodia về với giá thành cao nhưng sản phẩm làm ra lại không bán được, hàng hóa bị tồn động nên thường xuyên phải bù lỗ.
Anh Vũ Văn Quyền, chủ một cơ sở kinh doanh đồ gỗ ở Đồng Kỵ, cũng cho biết: “Những năm trước, thị trường gỗ đang lên, nhiều người làm ăn phất lên nhanh chóng, nhưng sau đó thị trường đảo chiều, nhiều người lúc ôm gỗ thì giá cao, đến khi bán ra giá thấp khiến lợi nhuận sụt giảm, thâm hụt cả vào vốn gốc. Lúc thị trường đi lên, người ta vay nhiều để làm cố, cứ nghĩ giá còn lên nữa, nhưng hóa ra sau giá càng ngày càng xuống thấp và họ không kịp bán, thế là lỗ.”
Ông Chử Văn Nhung, chủ Cơ Sở Đồ Gỗ Mỹ Nghệ Việt Trung, cho biết thêm nếu thị trường Trung Quốc gặp thời điểm tốt thì một cơ sở sản xuất tại Đồng Kỵ bình quân mỗi tháng cho ra từ 3-5 sản phẩm, với giá vài trăm triệu đồng. Nhưng hiện giờ, có nhiều gia đình đã sáu tháng mà không bán được một sản phẩm nào.
Ông Dương Đức Sinh, chủ tịch phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nói về khó khăn của làng nghề. (Hình: VTC News)
“Thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ‘đóng băng’ kéo theo các doanh nghiệp xuất cảng đồ gỗ tại Đồng Kỵ cũng lao đao. Mặc dù cứ vài năm tình trạng này lại tái diễn một lần, nhưng làng nghề và chính quyền vẫn chưa tìm được hướng giải quyết,” ông Nhung nói.
Ông Dương Đức Sinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Đồng Kỵ, xác nhận hiện nay Đồng Kỵ chỉ còn khoảng gần 100 doanh nghiệp kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Do hàng hóa ế ẩm nên nhiều gia đình lâm vào tình trạng phá sản. Hơn 40% các gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ nghề truyền thống để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác mong cầm cự, gồng gánh để trả nợ ngân hàng.
“Từ đầu năm đến nay, hàng trăm thanh niên của địa phương đến ủy ban phường xin xác nhận giấy tờ để đi tìm việc làm. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì không còn ai tiếp tục theo nghề đồ gỗ Đồng Kỵ nữa,” ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, do nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, bị ngân hàng siết nợ thu hồi tài sản, nên vừa qua phường đã phải phối hợp với cơ quan hữu trách giải quyết vấn đề vay nợ của doanh nghiệp.
“Để tồn tại, giờ các chủ cơ sở sản xuất gỗ của Đồng Kỵ phải chú trọng việc phát triển thị trường nội địa, tuy không mua bán ào ạt nhưng chậm mà chắc,” ông Sinh nhận xét.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, một khách hàng hiếm hoi từ tỉnh Phú Thọ đến mua sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ trong thời điểm này, cho biết: “So về giá thành và phẩm chất thì sản phẩm của Đồng Kỵ vẫn hơn với các thị trường làng nghề khác. Tuy nhiên, các sản phẩm phải có mẫu mã mới, phẩm chất bảo đảm, kỹ thuật tốt thì mới giữ được khách hàng và thị trường.” (Tr.N)

CS thích ‘khoe mẽ’ quyết xây bảo tàng $60.4 triệu, nhưng ‘né’ Thủ Thiêm vì ‘nhạy cảm

Viện Bảo Tàng T.P HCM vắng như “Chùa Bà Đanh”, chỉ được biết đến là nơi chụp ảnh cưới. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Thật ra vị trí xây bảo tàng ban đầu là ở Thủ Thiêm cũng có chút nhạy cảm, nhất là sau vụ nhà hát giao hưởng như mọi người đã biết. Với lại, trước đây khi có chủ trương xây bảo tàng ở Thủ Thiêm thì quy mô diện tích khác, về sau thì diện tích trên quy hoạch chỉ còn 1.8 hécta, so với bảo tàng hiện hữu ở đây là 1.3 hécta rồi. Như vậy, để xây một bảo tàng mới có quy mô và công trình có tính biểu trưng, thì diện tích đó là không đủ,” tờ Tuổi Trẻ hôm 25 Tháng Chín dẫn lời bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, giám đốc Bảo Tàng TP.HCM, biện minh cho lý do xây bảo tàng mới ở quận 9 chứ không phải tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như ban đầu.
Báo Infonet cùng ngày tiết lộ kinh phí xây bảo tàng mới lên đến 1,400 tỉ đồng (gần $60.4 triệu) với mục tiêu “tạo ra một công trình văn hóa nghệ thuật ngang tầm với một trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội lớn của Việt Nam”.
Dự trù bảo tàng sắp xây sẽ có khu giới thiệu tổng quan vùng đất Sài Gòn qua nhiều thập kỷ, trưng bày các di sản vật thể, phi vật thể. Bên cạnh đó, bảo tàng này còn làm đậm “yếu tố chính trị” với việc trưng bày vật phẩm của “phong trào kháng chiến, phong trào đấu tranh cách mạng tại Sài Gòn”…
Tuy việc xây bảo tàng mới tốn một khoản tiền ngân sách đáng kể, nhưng hiệu quả của công trình này được giới chức diễn giải khá vu vơ. “Về định hướng cho một bảo tàng tương lai, xem xét các mặt về giao thông, tuyến metro, kết nối với các khu du lịch… thì thấy hướng tương lai bảo tàng này cũng thu hút được khách,” báo Tuổi Trẻ trích lời bà Huyền.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, sau khi bảo tàng bắt đầu hoạt động thì Bảo Tàng TP.HCM hiện hữu, tức Dinh Gia Long cũ, trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, “sẽ dành để tổ chức các hoạt động trưng bày chuyên đề gắn với lịch sử văn hóa Sài Gòn”.
Tuy vài năm qua, các báo nhà nước liên tục đăng cảnh báo về chuyện các bảo tàng ở Sài Gòn, Hà Nội… rơi vào tình trạng ế ẩm khách thăm viếng, nhưng “phong trào” xây bảo tàng hàng chục triệu đô vẫn được triển khai đều đặn.
Hồi Tháng Ba, 2019, báo Lao Động cho hay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội quyết định đổ thêm $34.4 triệu vào bảo tàng Bảo Tàng Hà Nội, nơi được mô tả là “‘vắng như chùa bà Đanh.” Tòa bảo tàng này vốn dĩ đã hoàn thành năm 2010 với trị giá đầu tư 1,600 tỉ đồng (gần $69 triệu).
Sự ế ẩm của các bảo tàng đặt nặng “yếu tố chính trị, tuyên truyền” của CSVN được chính báo đảng, tờ Sài Gòn Giải Phóng lý giải: “Hầu hết các bảo tàng tập trung chủ yếu vào tính chính trị, lịch sử dân tộc qua các thời kỳ, mà vắng bóng các loại bảo tàng chuyên ngành để khai thác các tư liệu, hiện vật còn nằm rải rác trong dân. Hoặc những loại bảo tàng khoa học đời sống giúp nâng tầm kiến thức văn hóa cho người dân.” (T.K.)

Triệu Tài Vinh ‘mặt dày’ tuyên bố ‘đã vượt qua’ các vụ tai tiếng

Triệu Tài Vinh cả nhà làm quan, con cháu gian lận thi cử, nay làm phó Ban Kinh Tế Trung Ương. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Có lẽ nhiều người nói tới chuyện năm 2013, trên Facebook nói về việc cả gia đình tôi làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, mình phải đối mặt với thực tế và vượt qua nó,” báo Zing hôm 25 Tháng Chín dẫn phát ngôn mới nhất của ông Triệu Tài Vinh, cựu bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang và nay ngồi ghế phó Ban Kinh Tế Trung Ương.
Ông Vinh cũng không quên “khoe khéo” về bản thân khi kể rằng ông Trương Tấn Sang, cựu chủ tịch nước, trong một lần đi công tác tại Hoàng Su Phì, vào thăm trường cũ của ông Vinh và được cho là đã nói: “Trường này phải có nhiều Triệu Tài Vinh hơn.”
Ông Vinh, người tại vị ở ghế bí thư suốt chín năm liền (2010 – Tháng Bảy, 2019), từng là tâm điểm của một loạt vụ bê bối kéo dài trong nhiều năm. Hồi năm 2016, ông Triệu Tài Vinh gây xôn xao với vụ “cả họ Triệu làm quan đúng quy trình.” Trong vụ này, công luận phát hiện có ít nhất tám người là vợ, anh em ruột thịt, em rể, anh em họ hàng của ông Vinh đang giữ các vị trí chủ chốt của nhiều ban ngành, địa phương tại tỉnh Hà Giang. Thời điểm đó, ông Vinh biện hộ trên báo Tuổi Trẻ: “Nếu chỉ nhìn vào danh sách người nhà này thì sẽ là chuyện không hay, nhưng đi vào từng trường hợp cụ thể thì sẽ thấy việc bổ nhiệm này không có gì khuất tất.”
Đến giữa năm 2018, tên tuổi ông Vinh lại gây ồn ào với vụ bê bối sửa điểm thi tú tài quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Theo báo điện tử VietNamNet, trong số 114 thí sinh được giới chức phòng Khảo Thí giúp nâng điểm bất thường, có con gái và hai người cháu ruột của ông Triệu Tài Vinh. Điều khôi hài là khi trả lời chất vấn của báo chí, ông Vinh nói: “Tôi đã rất buồn và không hề biết gì về vụ việc này.”
Sau khi vụ bê bối vỡ lở, trong lúc một số giới chức liên quan bị truy tố trách nhiệm hình sự nhưng ông Triệu Tài Vinh được ghi nhận hoàn toàn vô sự và còn được đưa về làm phó Ban Kinh Tế Trung Ương.
Điều đáng nói là với một loạt vụ lùm xùm như vậy, ông Vinh vẫn được mời làm diễn giả tại cuộc hội thảo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới” với bài phát biểu “Nói về công tác cán bộ từ bài học của Hà Giang.” Sự kiện này diễn ra hôm 25 Tháng Chín và gây chú ý vì có sự xuất hiện của ông Vinh.
Trong một diễn biến khác, báo VietNamNet hồi Tháng Năm, 2018, cho biết Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Sáu trong số 11 huyện của tỉnh miền núi phía Bắc này được ghi nhận “thuộc diện huyện nghèo đặc biệt khó khăn.”
Hà Giang cũng là một trong những tỉnh mà vào dịp Tết mỗi năm đều nhận hàng trăm tấn gạo cứu đói cho dân.
Trong bối cảnh đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang khiến công luận bất bình khi đề xuất xây trụ sở cho các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang, với dự trù tổng vốn đầu tư của dự án là gần 700 tỉ đồng ($30.2 triệu). (T.K.)

Bộ Giao Thông CSVN ‘chọn nhà thầu trong nước làm cao tốc Bắc-Nam’

Cao tốc Bắc Nam. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo VietNamNet loan tin Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN “hủy sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, thay vào đó sẽ đấu thầu trong nước.”
Báo chí nhà nước đưa tin này khi dư luận không ít người vẫn còn đang nghi ngờ dự án đường cao tốc Bắc-Nam khó tránh khỏi bàn tay phù thủy của Trung Quốc khi họ toa rập với các quan chức tham nhũng CSVN.
Đường cao tốc Bắc-Nam được coi là “dự án trọng điểm quốc gia” dài 654 km đi qua 20 tỉnh, thành phố, chia thành 11 dự án thành phần, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phí tổn ước tính 102,513 tỉ đồng (hay khoảng $4.4 tỉ).
Hồi Tháng Bảy vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN tổ chức mời thầu quốc tế vì cho rằng các công ty xây dựng cầu đường trong nước không đủ khả năng tài chính để dự thầu. Do vậy, một số công ty trong nước hoặc liên kết với nhau, hoặc liên kết với công ty nước ngoài, phần nhiều là Trung Quốc, dự thầu.
“Tính đến cuối Tháng Bảy, 2019, sau hai tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các ban quản lý dự án của Bộ Giao Thông Vận Tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển,” VietNamNet tường thuật.
“Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có bốn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, hai dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, một dự án có từ hai nhà đầu tư và một dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao,” báo này dẫn chứng.
Quốc lộ 5 qua tỉnh Hải Dương “lượn sóng” “sóng trâu” rất nguy hiểm cho xe chạy. Hình ảnh không hiếm về phẩm chất đường lộ tại Việt Nam. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
Ba dự án đầu tư công là Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.
Còn tám dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (Build-Operate-Transfer, xây dựng-vận hành-chuyển giao) là: Dự án Mai Sơn-quốc lộ 45; quốc lộ 45-Nghi Sơn; Nghi Sơn-Diễn Châu; Diễn Châu-Bãi Vọt; Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây.
Lấy lý do “tính cạnh tranh không cao,” Bộ Giao Thông Vận Tải đã bỏ quyết định gọi thầu quốc tế khiến dư luận ngạc nhiên không ít. Ngược lại với lý do chính thức được viện dẫn, một trong những bằng hữu bình luận trên trang Facebook của ông Huỳnh Ngọc Chênh viết là “Do bị chửi nhiều quá.”
Một số báo tại Việt Nam, mấy tháng qua, đăng tải ý kiến của những chuyên viên kinh tế và trong ngành xây dựng cầu đường trong nước, phân tích, chỉ trích việc gọi thầu quốc tế. Nhất là khi họ thấy đa số những công ty nước ngoài muốn dự thầu, có cả công ty Đường Sắt Trung Quốc – công ty đang làm nhà cầm quyền CSVN khốn đốn tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đang như khúc xương mắc ở cổ họng.
Đặc biệt, cuối Tháng Tư, 2019, một bài viết của bà Phạm Chi Lan, một cố vấn kinh tế suốt nhiều năm của chế độ nay đã nghỉ hưu, trên tạp chí Người Đô Thị, chất vấn sự sử dụng một số tiền lớn (phải vay nợ dưới hình thức công trái) vào dự án này trong khi có nhiều dự án khác cấp thiết hơn khi đã có hai đường quốc lộ song song từ Bắc tới Nam.
Đã vậy, bà hoài nghi sự lương thiện của các quan chức nhà nước vì “những thủ đoạn móc ngoặc, gian dối của các nhóm lợi ích để thâu tóm dự án cùng các món lời khủng về tay mình, bán rẻ lợi ích chung, coi thường pháp luật (mà nhiều khi đã bị chúng khuynh đảo hoặc cài cắm lợi ích vào) không còn xa lạ.”
Vì nhà thầu phải “chung chi” cho các quan chức của chế độ, phẩm chất của cầu đường tại Việt Nam phần lớn chưa “thông xe” hoặc mới sử dụng chưa dược bao lâu thì đã “xuống cấp,” đầy những “ổ voi,” “lượn sóng” nhấp nhô nghiêm trọng, thấy không hiếm trên báo chí nhà nước. (TN)

Nam Hàn xác nhận còn 7 người trong đoàn Quốc Hội CSVN chưa bị bắt

Đài truyền hình MBC của Nam Hàn tiết lộ vụ các thành viên đoàn Quốc Hội CSVN bỏ trốn. (Hình chụp qua màn hình)
SEOUL, Nam Hàn (NV) – Hiện vẫn còn bảy người trong phái đoàn tháp tùng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN, thăm chính thức Nam Hàn cuối năm ngoái, không biết ở đâu nơi xứ người.
Phóng viên tiếng Hàn của hệ thống truyền thanh BBC được Bộ Ngoại Giao Nam Hàn xác nhận là hiện có “bảy người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn” trong tổng số 162 người do bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sang thăm chính thức Nam Hàn từ ngày 4 đến 7 Tháng Mười Hai, 2018.
Hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, đài truyền hình MBC của Nam Hàn đưa tin và trang mạng Thông Tin Hàn Quốc của chính phủ Hán Thành bằng tiếng Việt cũng tổng hợp lại, đưa tin thuộc loại chấn động dư luận vụ bỏ trốn tập thể lên đến chín người của phái đoàn CSVN đi thăm viếng chính thức nước ngoài, đã không trở về nước.
Chính phủ Nam Hàn không biết gì cho đến Tháng Giêng, 2019, khi có một trong chín người ra đầu thú xin về nước. Một người bị cảnh sát bắt được và trục xuất.
Cho tới nay, người ta không hề thấy báo chí nhà nước đề cập thông tin trên.
Một số người trên mạng xã hội bình luận đây là chuyện “nhục quốc thể.” Viên chức của các phái đoàn những nước Cộng Sản khi đi công tác ở các nước Tây phương, trước đây, thỉnh thoảng vẫn thấy có tin một số người bỏ trốn thường là lý do chính trị, không mấy ai lạ. Hiện người ta không biết những người trong phái đoàn bà Ngân bỏ trốn lại Nam Hàn là những thành phần nào, có nhiệm vụ gì.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại một diễn đàn trong chuyến thăm Nam Hàn. (Hình chụp qua màn hình)
Báo Nam Hàn nói những người đó nằm trong thành phần “kinh tế,” nhiều phần là chạy chọt tiền bạc để được ghi tên vào phái đoàn rồi trốn ở lại, kiếm việc làm. Quan chức của chế độ của phái đoàn chính thức và có vai vế, nếu họ muốn trốn, thường thấy họ chọn các quốc gia tây phương, những nơi họ có thể đã chuẩn bị sẵn tiền bạc, thậm chí nhà cửa, cơ sở kinh doanh.
“Chuyện người đi theo ‘CÁC ĐOÀN’ rồi trốn ở lại bất hợp pháp tại các nước Châu Âu thì nhiều lắm. Hồi mình ở Ba Lan nghe chuyện này như cơm bữa: Đoàn văn công đi biểu diễn, đoàn vận động viên đi thi đấu, các đoàn đi tham quan, học tập… thường có người đi ‘ghé’ và trốn lại. Mỗi suất đi ké là vài chục ngàn đô la đấy. Nhưng đoàn Quốc Hội do bà Ngân dẫn đầu mà có 9 người trốn lại thì Quốc Hội như cái chợ và bà chủ tịch như bù nhìn! Nhục quá thể!” Ông Mạc Văn Trang một cựu giáo chức nay đã nghỉ hưu ở Việt Nam, viết trên Facebook.
Theo báo Nam Hàn, Việt Nam đứng hàng thứ ba trong số những nước có công dân sống bất hợp pháp tại Nam Hàn mà con số đến hàng trăm. Hoặc họ sang Nam Hàn làm theo hợp đồng lao động, hết hạn rồi tìm cách ở lậu, làm việc tiếp. Hoặc đi theo con đường du lịch rồi bỏ trốn.
Hồi cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, chỉ mấy tuần lễ sau phái đoàn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đến Nam Hàn và có người trốn, một đoàn gồm 152 người từ Việt Nam du lịch Đài Loan đã trốn tất cả, chỉ trừ có trưởng đoàn là hướng dẫn viên du lịch trở về nước. Cho tới nay, trừ một số ít bị bắt và trục xuất hoặc tự nguyện trình diện trở về, một phần lớn vẫn còn trốn lại Đài Loan.
Trang Thông Tin Hàn Quốc ngày 23 Tháng Chín đưa tin chín người trong phái đoàn Quốc Hội CSVN bỏ trốn tại Nam Hàn cách đây 10 tháng. (Hình chụp qua màn hình)
Tháng trước, ngày 5 Tháng Tám, tờ Tuổi Trẻ thuật tin từ một bản báo cáo của Bộ Công An CSVN nói “Việt Nam hiện có hơn 1,200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.”
Những năm gần đây, người ta thấy có nhiều vụ quan chức CSVN trốn chạy ra nước ngoài để tránh bị bắt khi đánh hơi thấy có thể sắp bị hành tội tham nhũng. Nổi tiếng nhất là vụ một đoàn công an, mật vụ cấp cao do chính Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm dẫn đầu sang thủ đô nước Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đem về Hà Nội bỏ tù. Vụ bắt cóc làm chính phủ Đức tức giận, đuổi một số viên chức sứ quán CSVN tại Berlin và ngưng hiệp định đối tác chiến lược với Việt Nam.
Sau đó, ông Vũ Đình Duy, tổng giám đốc nhà máy Xơ Sợ Đình Vũ (Hải Phòng), cũng bỏ trốn hồi năm 2016 chỉ thời gian ngắn sau ông Trịnh Xuân Thanh và đang sống ở Đức, dù có tin bị nhà cầm quyền CSVN “truy nã quốc tế.”
Trong khi vụ Trịnh Xuân Thanh vẫn còn nóng trong dư luận, “Vũ Nhôm” tức Phan Văn Anh Vũ được mô tả như một “mafia đỏ” của Việt Nam, được các tướng ở Bộ Công An bao che để làm bậy, trốn sang Singapore những ngày cuối năm 2017 và bị bắt lại, bỏ tù.
Trước ông Thanh có ông Dương Chí Dũng, cựu cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), bỏ trốn hồi năm 2012 nhưng bị bắt lại tại Cambodia, kết án tử hình, vì bị cáo buộc “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ…”
Cón nhiều quan chức khác của CSVN hiện đang trốn lại nước ngoài khi đi công tác hay được cử du học rồi không về, hoặc trốn bị truy nã về tham nhũng mà bản bán cáo của Bộ Công An được báo Tuổi Trẻ tháng trước thuật lại nói rằng “Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và ngược lại có xu hướng gia tăng.” (TN)

Chính quyền xã phá hàng ngàn cây keo của người dân

Hàng ngàn cây gỗ keo bảy tháng tuổi của người dân bị xã vô cớ nhổ bỏ. (Hình:Pháp Luật TP.HCM)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Sau khi nhổ hàng ngàn cây keo của người dân, chính quyền xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, mới phát hiện chủ rừng chưa nhận được thông báo do cán bộ xã “ghi nhầm tên, gửi nhầm địa chỉ.”
Ngày 24 Tháng Chín, 2019, bốn gia đình ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, phản ảnh với báo chí Việt Nam về việc chính quyền xã bất thình lình cử người vào rẫy của họ nhổ cây keo đang trồng.
Báo VNExpress cho biết, chính ông Nguyễn Tấn Đồng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Xuân 2, dẫn hơn 10 người lên nhổ cây keo lấy gỗ của bốn gia đình ở đồi Núi Tre. Khi nhổ được gần 3,000 cây trên diện tích khoảng một hécta thì người dân phát hiện và yêu cầu dừng lại.
Ông Doãn Bá Ba (41 tuổi, ngụ cùng xã), một gia đình trồng keo, cho biết 15 năm trước gia đình ông lên khai hoang vùng đất này để trồng cây lâm nghiệp. Năm 2018, ông khai thác gỗ lứa đầu và tiếp tục trồng mới trên diện tích này.
“Sáng nay, tôi đang đi làm thì hàng xóm gọi điện nói ủy ban xã cho người lên nhổ cây. Tôi về đến nơi, thấy hàng trăm cây keo bảy tháng tuổi đã bị nhổ lên hoặc bẻ gãy nằm la liệt,” ông nói.
Theo ông Ba, đây là việc làm hủy hoại tài sản của người dân bởi vì trước đó ông không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc nhổ cây từ chính quyền.
Tương tự, gia đình bà Mai Thị Thảo (40 tuổi) cũng đang đứng ngồi không yên. “Nhẩm tính, khoảng 3,000 cây keo lá tràm của bốn gia đình chúng tôi vô cớ bị cán bộ xã thuê người nhổ trơ gốc. Chúng tôi phải làm sao đây? Yêu cầu lãnh đạo địa phương giải thích rõ ràng,” bà Thảo phẫn nộ nói với báo Pháp Luật TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đại cũng có gần một hécta cây keo bị nhổ, cho rằng việc làm của xã khiến người dân bất bình. “Dù nhà nước có thu hồi thì phải họp dân và có phương án đền bù. Nếu người dân không đồng ý, xã cưỡng chế thì phải có quyết định thu hồi, thông báo chứ không thể tự động đến nhổ như vậy,” ông Đại tức giận nói.
Ông Doãn Bá Ba trên khu vực trồng cây gỗ keo bị chính quyền xã nhổ mà không được thông báo. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Thấy việc làm của xã sai trái, không đúng luật pháp nên nhiều người đã yêu cầu ngừng ngay hành động này và lập biên bản sự việc.
Giải thích về việc làm của xã, Phó Chủ Tịch Nguyễn Tấn Đồng cho biết khu vực Núi Tre được quy hoạch xây dựng nghĩa trang. Xã đang tiến hành giải tỏa mặt bằng để xây dựng. Trước khi triển khai, Ủy Ban Nhân Dân xã đã mời bốn gia đình có cây trồng trên diện tích đất này lên làm việc, tuy nhiên chỉ có một gia đình đến. Sau đó, xã tiếp tục gửi thông báo yêu cầu các gia đình tự thu hồi nhưng không có ai thực hiện.
“Sáng nay tổ công tác lên nhổ cây theo đúng như thông báo nhưng khi sự việc xảy ra, chính quyền xã mới phát hiện trong bốn gia đình chỉ có một hộ nhận được thông báo, một hộ nhầm tên và một hộ sai địa chỉ nên thông báo không đến được,” ông Đồng ngụy biện.
Để chữa cháy và xoa dịu người dân, Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Xuân 2 đã lập biên bản xác nhận sự việc và số cây bị nhổ. “Việc sai sót này do cán bộ thôn cung cấp danh sách không đúng tên và địa chỉ. Dự kiến sáng 2 Tháng Mười, xã sẽ họp với người dân để giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc,” ông Đồng cho biết.
Sau khi sự việc được truyền thông loan tải, nhiều người không khỏi ngao ngán cách làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm của cán bộ xã Tam Xuân 2. “Cấp nhỏ nhất, gần dân nhất mà đã như vậy… Làm sai rồi tìm cách gỡ ‘kiểm điểm, rút kinh nghiệm’ hoài vậy sao? Đau lòng!” bạn đọc Tu Bach bày tỏ trên báo VNExpress.
Trong khi đó, bạn đọc Phúc Thành châm biếm: “Hài không chịu nổi. Lần này là lỗi ông đưa thư chứ không phải lỗi ông đánh máy. Địa giới hành chính xã chỉ bằng cái bàn tay với vài chục gia đình thế mà vẫn nhầm tên, nhầm địa chỉ. Thật bó tay.” (Tr.N)

Nổ tàu cá ở Thanh Hóa, 3 người chết, 5 bị thương

Hiện trường vụ cháy nổ tàu cá ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, đêm 23 Tháng Chín. (Hình: Tuổi Trẻ)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Một tàu cá ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, đang neo đậu bất ngờ bốc cháy rồi phát nổ như bom, làm chủ tàu cá cùng hai ngư dân chết tại chỗ, năm người bị thương nặng.
Xác nhận với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Đức, trưởng Công An xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, cho biết khoảng 8 giờ 30 phút tối 23 Tháng Chín, 2019, tàu cá TH-91940TS của gia đình ông Lê Xuân Bình (43 tuổi, ở thôn Đông Thắng, xã Hải Châu) đang neo đậu ở bến cá Xuân Thắng, xã Hải Châu, bất ngờ bốc cháy.
Thấy vậy, chủ tàu cùng nhiều người chạy ra chữa cháy cứu tàu. Ít phút sau, một tiếng nổ lớn như bom phát ra từ chiếc tàu cá cùng ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt bao trùm cả thân tàu. Áp lực của vụ nổ khiến ba người rơi xuống nước.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến rạng sáng ngày 24 Tháng Chín, thi thể của hai nạn nhân là anh em ông Lê Xuân Bình và ông Lê Xuân Hiếu (57 tuổi) đã được tìm thấy. Riêng thi thể anh Đặng Đình Kiên (30 tuổi) đến chiều cùng ngày mới được lực lượng cứu hộ tìm thấy cách vị trí tàu bị cháy hơn 500 mét.
Cũng theo ông Đức, năm người còn lại bị thương với “đa chấn thương ở phần đầu, lưng, mặt, bị phỏng…” đã được đưa tới Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.
Tàu cá chìm hẳn xuống sông sau vụ nổ. (Hình: Zing)
Ông Đặng Duy Tân, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hải Châu, nói với báo VNExpress: “Hiện chưa biết nguyên nhân chính xác nhưng sự việc bước đầu được xác định do chủ tàu kéo điện lưới ra nạp điện bình ắc quy gây cháy nổ.”
Theo người nhà chủ tàu kể lại, thời gian gần đây tàu nằm bờ nên ông Bình đã kéo điện lưới từ nhà ra để sạc bình ắc quy trên tàu nhưng để quên dẫn tới bị chập cháy. Mọi người thấy có khói nên truy hô tới dập lửa. Đúng lúc này thì bình gas trên tàu phát nổ khiến mọi người bị hất văng xuống biển.
Nói với báo Công Lý, anh Đậu Văn Tám (27 tuổi), một nạn nhân bị thương, cho biết: “Khi đang ngồi trong nhà thì nghe mọi người tri hô cháy tàu. Tôi liền chạy ra xem, thấy tàu bốc khói, mọi người lao ra, 6-7 người bơi và lên tàu để múc nước dập lửa. Khi mọi người đang cố gắng khống chế đám cháy thì bất ngờ tàu phát nổ hất văng mọi người xuống nước. Dù choáng váng nhưng tôi vẫn cố bơi vào bờ. Nếu đứng gần khoang tàu chắc tôi sẽ không thoát khỏi án tử.”
Anh Lê Ngọc Tiến kể lại giây phút thoát chết khi đang tham gia chữa cháy. (Hình: Thanh Niên)
Là một trong những người bị hất văng xuống sông khi vụ nổ xảy ra, ông Nguyễn Văn Dinh (53 tuổi, ngụ tại thôn Đông Thắng, xã Hải Châu) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Dinh cho biết ông và một số người nữa đã may mắn thoát chết trong gang tấc khi tàu phát nổ.
“Nhà tôi cách chỗ tàu đậu có khoảng 50 mét. Lúc nghe bà con hô tàu cháy, tôi vội chạy ra rồi leo lên đứng ở mũi tàu cùng mọi người dập lửa. Lúc đó, người dân kéo ra đông lắm, đứng ở trên đê hô hoán nhau. Và có khoảng hơn 20 người tập trung lên tàu chữa cháy, trong đó có tôi. Được khoảng 10 phút sau (kể từ lúc phát hiện cháy) khi mọi người đang dập lửa thì tiếng nổ lớn phát ra từ khoang máy, rung chuyển cả con tàu, hất văng nhiều người xuống sông. Tôi đứng ở mũi tàu, cũng bị hất xuống sông, choáng váng. Nhưng may còn đủ tỉnh táo nên bơi được vào bờ. Tuy không bị thương, nhưng từ hôm qua đến giờ cứ oang oang trong đầu,” ông Dinh kể với báo Thanh Niên.
Anh Lê Ngọc Tiến (39 tuổi, ngụ tại thôn Đông Thắng), cũng là một trong những người bị thương ở đầu, nhưng không phải nhập viện điều trị, kể: “Lúc đó tôi cùng một số người khác đứng ở thuyền nhỏ cạnh tàu cháy, dùng các vật dụng hất nước lên chữa cháy. Đang làm thì tiếng nổ lớn phát ra, nhiều thanh gỗ, vật dụng trên tàu bay xuống sông. Tôi bị một thanh gỗ bay trúng đầu làm rách da đầu, cũng bị choáng váng nhưng không phải nhập viện.”
Theo báo Zing, con tàu này có trị giá hơn 1 tỷ đồng ($43,100), mới đưa vào sử dụng được hai năm nay. Sau vụ cháy, tàu bị hư hại nặng, chìm sâu dưới nước. (Tr.N)