Friday, June 28, 2019

Dự án Long Hưng, lo ngại là đại ‘Thủ Thiêm’ ở Đồng Nai

Một cử tri bật khóc khi nói việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất. (Hình: Tuổi Trẻ)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Sáng 25 Tháng Sáu, 2019, cử tri tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến với Đại Biểu Quốc Hội Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, về việc “đôn đốc Thanh Tra Chính Phủ sớm công bố kết luận thanh tra hai dự án Sơn Tiên, Long Hưng.”
Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi tiếp xúc ở xã Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa), cử tri Trịnh Thị Nhàn cho hay dự án Khu Kinh Tế Mở Long Hưng (xã An Hòa) đã được Thanh Tra Chính Phủ vào cuộc thanh tra từ lâu. Dân có đất bị thu hồi cũng khiếu nại từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi đang xảy ra các vụ cưỡng chế thu hồi đất của dân.
Nhiều người dân có đất ở khu vực này cho hay sẽ chuyển tâm thư của khoảng 200 gia đình cho Tổ Đại Biểu Quốc Hội về dự án này và mong muốn “công bố kết luận thanh tra vì đã vào cuộc hai năm rồi.”
Bà Nhàn nói: “Dự án này đang là điểm nóng của Đồng Nai. Nếu trung ương không quan tâm giải quyết, làm rõ các kiến nghị của cử tri thì có thể xảy ra những mất mát như vụ Thủ Thiêm ở Sài Gòn.”
Người dân xã An Hòa, biểu tình chống đối. (Hình: Facebook)
Ông Thưởng nói: “Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm cá nhân làm việc với cơ quan trung ương, tôi sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, nhắc nhở để kiên trì sao cho vấn đề cử tri nêu ra được giải quyết. Ngoài trách nhiệm của đại biểu Quốc Hội, tôi còn trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo của đảng nên nhiều việc không chỉ chuyển đơn mà còn gặp gỡ, trao đổi trực tiếp.”
Thế nhưng, hôm qua 27 Tháng Sáu, trên mạng xã hội Facebook cho thấy người dân xã Long Hưng đã có những phản ứng quyết liệt chống bị cướp đất. Có gia đình còn mang cả quan tài ra chắn ngay trước cửa nhà, thề tử thủ giữ đất. Tình hình căng như dây đàn.
Theo quy hoạch mà chính phủ CSVN đã phê duyệt, các tuyến xa lộ tỏa đi các ngã đều đi qua hoặc chạy bên cạnh địa phương này. Long Hưng giáp ranh, chỉ cách quận 9 (Sài Gòn) một con sông Đồng Nai, cách trung tâm Biên Hòa 7 cây số, cách trung tâm Sài Gòn 20 cây số và cách phi trường quốc tế Long Thành trong tương lai 15 cây số…
Người dân đặt cả quan tài trước nhà thề quyết tử để giữ nhà đất của mình. (Hình: Facebook)
Chính vị trí đắc địa, rất thuận lợi về mặt giao thông này “mảnh đất vàng” Long Hưng đã khiến những nhóm “lợi ích” chuyên “ăn đất” đã lưu ý từ hơn 10 năm trước.
Ngày 8 Tháng Tám, 2016, siêu Dự Án Dreamland City-Khu Đô Thị Long Hưng của Liên Hiệp Hợp Tác Xã Dịch Vụ Nông Nghiệp Tổng Hợp Đồng Nai (Dona Co.op) cùng hai đối tác là Kepppel Land và VinaCapital, có diện tích gần 1,300 hécta, tổng vốn đầu tư gần $2 tỷ được công bố. Phần đất của Long Hưng phải giao cho dự án lên tới hơn 899 hécta (xấp xỉ 86% tổng diện tích toàn xã).
Phần lớn nhất dự án thuộc về Dona Co.op. Tập đoàn đầy tai tiếng này vốn chỉ là một Hợp Tác Xã được thành lập vào năm 2002 với số vốn chỉ 450 triệu đồng ($19,293) do 30 xã viên đóng góp. Nhưng, được sự giới thiệu và ủng hộ của Ban Kinh Tế Tỉnh Ủy Đồng Nai, chỉ năm năm sau đó, khi chính thức trở thành Dona Co.op với 5 tỷ đồng ($214,370) vốn, nó đã được Đồng Nai ưu ái giao tới 11 triệu mét vuông đất.
Cử tri nán lại gặp ông Võ Văn Thưởng và trình bày thêm những bực tức chưa được giải quyết. (Hình: Tuổi Trẻ)
Đến thời điểm 2016, với siêu Dự Án Dreamland City, Dona Co.op tiếp tục được giao thêm 13 triệu mét vuông đất nữa. Cùng với các siêu dự án, Dona Co.op cũng trở thành một siêu thế lực, “có thể vẽ lại toàn bộ bản đồ quy hoạch đất đai ở Đồng Nai.”
Để lấy đất của dân, Dona Co.op chỉ đưa ra giá đền bù “cho có.” Người dân Long Hưng được đền bù, tùy loại, có khi chỉ 60,000 đồng ($2.5)/mét vuông đất để giật sập nhà, chặt vườn, đào ruộng, san dời mồ mả tổ tiên.
Sau đó, Dona Co.op bán lại nền đất trong khu dân cư mới đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng với giá từ 14-17 triệu đồng ($600-$728)/mét vuông. Khu đắt nhất, có thể trùng vị trí nền nhà hoặc mảnh vườn cũ đã bị thu hồi, giá có thể lên tới 29 triệu đồng ($1,243)/mét vuông, đắt gấp 483 lần giá được đền bù. (Tr.N)

Một phó chủ tịch xã ở Tiền Giang lừa tiền tỷ rồi ‘mất tích’

Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, nơi ông Trần Hiếu Nhi đang công tác. (Hình: Tuổi Trẻ)
TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, mượn nợ người dân hàng trăm ngàn đô rồi bỏ việc trốn khỏi địa phương.
Ngày 28 Tháng Sáu, 2019, một lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, xác nhận với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Hiếu Nhi (37 tuổi, quê Chợ Gạo), phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Trung Hòa thuộc huyện này, đã bỏ việc trốn khỏi địa phương.
Theo vị lãnh đạo này, từ ngày 13 Tháng Sáu đến nay ông Nhi “đã không đến cơ quan làm việc và gửi đơn xin nghỉ việc qua đường bưu điện. Trong đơn, ông Nhi trình bày ‘do hoàn cảnh khó khăn’ nên xin nghỉ việc.”
Sau khi ông Nhi nghỉ việc, có nhiều doanh nghiệp, người dân đến Ủy Ban Nhân Dân xã Trung Hòa trình báo việc ông này đã mượn số tiền tổng cộng hơn 6 tỷ đồng ($257,403) nhưng không trả đúng hẹn và tắt điện thoại.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, thời gian gần đây, ông Nhi đã đến nhiều doanh nghiệp, gia đình khá giả ở địa phương than phiền việc cần mượn số tiền để nộp “đáo hạn” ngân hàng. Ông Nhi hứa sau khi vay tiền lại sẽ hoàn trả. Thế nhưng khi mượn được tiền, ông Nhi không trả và “cắt” luôn liên lạc với các chủ nợ.
Ông Trần Hiếu Nhi, phó chủ tịch xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, người được cho là đã mượn hơn $257,403 của người dân, doanh nghiệp rồi bỏ trốn. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo người dân địa phương, ông Nhi có vợ, con nhưng đã ly dị. Thời gian gần đây, ông Nhi có quen với một phụ nữ ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo. Khi ông bỏ trốn khỏi địa phương, người tình này cũng “mất tích” nên dư luận cho rằng hai người đã cùng “đi xa.”
Từ ngày ông Nhi nghỉ việc, bỏ trốn khỏi địa phương, phía đảng ủy, ủy ban xã và gia đình đã không liên lạc được.
Về phía chính quyền, ở xã Trung Hòa chỉ có một phó chủ tịch là ông Nhi và một người là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã kiêm bí thư đảng ủy, nên khi ông Nhi bỏ trốn, nhiều hoạt động của Ủy Ban Nhân Dân xã này gặp khó khăn về nhân sự. (Tr.N)

Quảng Ninh bất lực trước nạn khai thác than lậu giết chết Vịnh Bái Tử Long

Công trường chế biến than trái phép bức tử vịnh Bái Tử Long. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Bùn, đất, nước thải từ các công trường chế biến than lậu ở thành phố Cẩm Phả nhiều năm qua đã hủy hoại môi trường Vịnh Bái Tử Long nhưng giới hữu trách bất lực không thể dẹp bỏ.
Theo báo Thanh Niên, hàng chục năm nay, dọc bờ biển các phường Cẩm Thịnh, Cẩm Phú (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) được chính người dân Cẩm Phả gọi là “thiên đường than lậu”,  hình thành một công trường với hàng loạt “phân xưởng” sàng tuyển than trái phép. Than trôi nổi, trộm cắp, “tuồn” từ các mỏ ra hầu hết đều tập kết tại đây để được “hợp thức hóa.”
Phía bên đối diện, các bãi xít (phần bỏ đi sau khi sàng tuyển) mênh mông cũng được đưa về đây lấn mãi ra phía Vịnh Bái Tử Long. Nhiều bãi tường xây kiên cố hoặc dựng tôn quây lại tránh sự dòm ngó, xe cộ lũ lượt kéo vào, máy móc phục vụ lọc rửa xít lấy than vẫn chạy rầm rộ.
Nước thải, bùn đất không qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường. (Hình: Thanh Niên)
Từ những bãi than, bãi xít trên những dòng nước thải đen ngòm từ việc rửa xít lấy than rồi cả bùn, đất, nước thải than không qua xử lý đã đổ thẳng ra Vịnh Bái Tử Long, hủy hoại môi trường nghiêm trọng.
Cuối năm 2018, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Ninh đã quan trắc môi trường nước tại khu vực trên, kết quả cho thấy “hàm lượng chất thải rắn vượt hơn ba lần cho phép.”
Môi trường gần khu vực công trường sàng tuyển than bị hủy hoại. (Hình: Thanh Niên)
Theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cẩm Phả, từ năm 2009, Công Ty Tuyển Than Cửa Ông Thuộc Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam được phép đổ xít thải (đất đá lẫn than) ra khu vực ven biển các phường Cẩm Thịnh, Cẩm Phú. Lợi dụng việc này, khoảng 30 gia đình tại đây đã tự ý lập ra các xưởng sàng tuyển xít thải để tận thu than. Lượng than sau khi sàng tuyển không được quản lý và trở thành đầu nguồn của một số đường dây than lậu, hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Vịnh Bái Tử Long đang tiếp tục bị lấp để làm mặt bằng. (Hình: Thanh Niên)
Thế nhưng, nói với báo Thanh Niên, để né trách nhiệm một lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cẩm Phả, chỉ cho biết: “Hồi Tháng Tư, 2019, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu các hộ dân phải dừng ngay hoạt động sàng tuyển và tự tháo dỡ thiết bị sản xuất than trái phép. Đồng thời, yêu cầu Công Ty Tuyển Than Cửa Ông ‘khẩn trương hoàn thiện’ việc khởi công hệ thống đưa xít thải ngược về các bãi thải mỏ vào Tháng Tám tới đây. Làm được như vậy thì sẽ chấm dứt tình trạng sàng tuyển gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này,” vị lãnh đạo thành phố Cẩm Phả nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo Thanh Niên, trong các ngày 25 và 26 Tháng Sáu, hoạt động vận chuyển, sàng tuyển than tại đây vẫn diễn ra bình thường. (Tr.N)

Một người dân bị CSVN phạt 8 năm tù vì ‘livestream kích động biểu tình’

Ông Trương Hữu Lộc tại phiên tòa hôm 28 Tháng Sáu. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 28 Tháng Sáu, Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn tuyên phạt ông Trương Hữu Lộc 8 năm tù về tội “Phá rối an ninh,” cụ thể là “livestream kích động biểu tình chống chính quyền.”
Theo báo Thanh Niên, ông Lộc bị công an bắt hôm 10 Tháng Sáu, 2018, tại khu vực nhà thờ Đức Bà, nơi tập trung những người biểu tình phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.
Sau hơn một năm bị tạm giam, ông Lộc mới được nhà cầm quyền CSVN đưa ra xét xử.
Tờ Pháp Luật TP.HCM dẫn cáo trạng nói ông Lộc “có tư tưởng bất mãn, thù hận chế độ và dùng Facebook Loc Huu Truong kết nối với nhiều người, nhận được sự cổ động từ những đối tượng chống đối chính trị trong và ngoài nước.”
“Nói xấu nhiều lãnh đạo cấp cao nhằm kích động, lôi kéo người dân tham gia tổng biểu tình nhằm chống chính quyền nhân dân. Trong đó, nhiều bài viết thu hút hàng trăm đến hàng chục ngàn người xem, tham gia bình luận. Nội dung livestream gây ảnh hưởng xấu, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền, kích động người dân biểu tình, gây rối an ninh trật tự để chống chính quyền nhân dân,” báo này viết.
Ông Trương Hữu Lộc bị CSVN phạt 8 năm tù. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Phiên xử ông Lộc là phiên tòa thứ ba diễn ra chỉ trong vòng một tuần ở Sài Gòn, mà các bị cáo cùng bị cáo buộc “chống đối, nói xấu lãnh đạo hoặc vi phạm an ninh quốc gia” và họ phải nhận phán quyết nặng nề.
Trước đó, hôm 27 Tháng Sáu, ông Trần Công Khải, công chứng viên Văn Phòng Công Chứng quận 7, bị các báo nhà nước cáo buộc “là người thuộc tổ chức của Đào Minh Quân bị tuyên phạt 8 năm tù và 3 năm quản chế về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’”
Hôm 24 Tháng Sáu, 2019, phiên tòa xét xử ông Michael Phương Minh Nguyễn, cư dân Orange County, California, cùng ba người khác với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” kết thúc với bản án 12 năm tù dành cho ông Michael.
Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Huỳnh Đức Thanh Bình (người bị tuyên phạt 10 năm tù trong phiên tòa này), nói với nhật báo Người Việt: “Ở trong tất cả vụ án hình sự mang tính an ninh chính trị thì dường như nó có một khung hình phạt đối với cả các vụ án tương tự như nhau. Riêng với vụ án của ông Michael Phương Minh thì họ cũng ghép vào khung mà họ đã xử cho các tổ chức vi phạm an ninh quốc gia. Riêng nội hàm của vụ án này thì tôi thấy là họ quy chụp cho anh Michael Phương Minh cũng như các cá nhân khác tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì nó mang tính hơi khiên cưỡng. Nhóm này chưa hẳn là nhóm, họ chỉ tập hợp lại với nhau.”
Hồi tháng trước, thông cáo do Tổ Chức Amnesty (Ân Xá Quốc Tế) phát đi nói số lượng tù nhân lương tâm bị nhà cầm quyền CSVN tống giam một cách không thỏa đáng “đã tăng vọt lên một phần ba” trong năm 2019, với ít nhất 128 người đang bị giam, trong lúc con số này hồi năm ngoái là 97 người. (T.K.)

Đồng Nai: Hai thanh niên cướp trạm thu phí bị tuyên án 39 năm tù

Hai bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Nam (bìa phải) và Trần Tuấn Anh tại tòa. (Hình: VietNamNet)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hai thanh niên vốn là nhân viên cũ của Trạm Thu Phí Cao Tốc Dầu Giây ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, bị cáo buộc “xông vào trạm cướp tiền” vừa bị tòa tuyên phạt tổng cộng 39 năm tù.
Truyền thông Việt Nam đưa tin, ngày 27 Tháng Sáu, 2019, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Nai đưa vụ án cướp tại Trạm Thu Phí Cao Tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây ra xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, quê Nam Định) 20 năm tù và Trần Tuấn Anh (27 tuổi, ngụ quận 2, Sài Gòn) 19 năm tù về tội “Cướp tài sản.” Phiên tòa được tổ chức lưu động tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất “thu hút nhiều người dân theo dõi.”
Báo VietNamNet dẫn cáo trạng cho biết, bị cáo Nam và Tuấn Anh sau khi nghỉ việc vào đầu năm 2019, cả hai hẹn nhau lên kế hoạch và mua các dụng cụ như súng bắn đạn bi, dao, kìm, khẩu trang để thực hiện vụ cướp.
“Sáng ngày 7 Tháng Hai, 2019 (Mùng 3 Tết), hai người đi xe gắn máy che kín bảng số đến giấu trong bụi cây ven đường, rồi đi bộ theo lô cao su đến phía sau trạm thu phí ở xã Xuân Thạnh. Cả hai mặc áo khoác đen, bịt mặt, mang giày thể thao leo qua tường rào, đột nhập phòng kế toán tiền vé qua lối cửa sổ.”
“Lúc này, ba nhân viên trạm thu phí đang giao ca, chuyển tiền vào két sắt. Bị cáo Nam rút súng bắn vào bàn phím máy tính để uy hiếp, trong khi đó Tuấn Anh dùng cán dao đánh vào cổ nhân viên, khống chế rồi cướp 2.2 tỷ đồng ($94,318).”
Sau khi cướp được tiền, cả hai chạy xe máy vào vườn cao su gần đó cất giấu tiền, phi tang vật gây án. Tuấn Anh chạy bộ vào lô cao su còn Nam chạy xe gắn máy về Sài Gòn lẩn trốn.
Trong quá trình bỏ trốn, Nam gửi cho bạn bè ở Sài Gòn và Bà Rịa-Vũng Tàu giữ giúp số tiền hơn 1.5 tỷ đồng ($64,308). Ngoài ra, Nam còn đến một tiệm vàng ở Sài Gòn mua 10 lượng vàng và một dây chuyền vàng với tổng trị giá gần 400 triệu đồng ($17,146).
Một ngày sau, hai người hẹn gặp nhau tại Bến Xe Miền Đông để chia tiền, sau đó cùng nhau đến Ga Sài Gòn để bỏ trốn thì bị công an bắt giữ.
Công an đã thu hồi được hơn 1.7 tỷ đồng ($ 72,873) trả lại cho trạm thu phí, tạm giữ số vàng trị giá gần 400 triệu đồng ($17,146), số tiền còn lại khoảng 100 triệu đồng ($4,286) Nam khai trong lúc bỏ trốn đã tiêu xài cá nhân và bị rớt một phần nên chưa thu hồi được.
Từ vụ cướp ở trạm thu phí này, công luận đặt nghi vấn về doanh thu của tuyến cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây, cũng như tính minh bạch trong việc thu phí ở các tuyến cao tốc khác do Tổng Công Ty Đầu Tư Phát Triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VECE) quản lý, vận hành khai thác.
Cụ thể, ban đầu VEC E thông tin số tiền bị mất có 300 triệu đồng ($12,860), nhằm che đậy báo cáo thu một ngày của BOT này dưới một tỷ đồng. Tthế nhưng, khi công an vào cuộc điều tra thấy theo sổ sách thì số tiền bị cướp lên đến 2.2 tỷ đồng ($94,318). Thậm chí, theo báo Người Lao Động cho biết tổng số tiền thu hằng ngày của trạm này lên đến khoảng từ 6.6 -7.5 tỷ đồng ($282,922 – $321,503). Vậy số tiền chênh lệch vào túi ai? (Tr.N)