Saturday, September 1, 2018

Bình Thuận khởi tố thêm 17 người biểu tình chống Luật Đặc khu

RFA-2018-08-31   
Image may contain: 10 people, people standing
Công an dẫn những người biểu tình ra khỏi tòa án ở Bình Thuận hôm 23/7/2018 sau khi bị kết án.AFP
Truyền thông trong nước hôm 30 tháng 8 loan tin Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 17 bị can liên quan đến cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu ngày 10/6, sau đó chuyển thành bạo động đốt phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.
Trang tin của báo Công An trích nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, qua khai thác, những người bị bắt giữ tại thành phố Phan Thiết đều thừa nhận do có người cho tiền và bảo tham gia gây rối; và không biết và không có động cơ mục đích phản đối dự thảo Luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Luật Đặc khu.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được trích lời cũng cho rằng, việc lôi kéo người dân tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại địa phương trong tháng 6 năm 2018 là do các đối tượng phản động, chống đối gây ra; thành phần bị lôi kéo chủ yếu là các đối tượng hình sự, ma túy...
Vụ biểu tình biến thành bạo động tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng sáu 2018 là một trong những vụ bạo động lớn nhất của dân chúng chống nhà cầm quyền trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo báo Công An, tính đến thời điểm này đã có 32 người bị khởi tố  vì liên quan đến vụ gây rối và đốt phá trụ sở UBND tỉnh  Bình Thuận. Trong số này, có 17 người bị xử tổng cộng gần 30 năm tù giam.

Sợ vỡ đập thủy điện, dân Nghệ An nháo nhào chạy lên núi

Gỗ bị nước lũ cuốn trôi ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Hình: VietNamNet)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Lượng nước đổ về quá lớn khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Tương Dương. Người dân huyện này nhìn thấy nước lũ chảy cuồn cuộn trên sông và nghe mọi người kháo nhau “vỡ đập thủy điện,” nên dân nháo nhào chạy lên núi lánh nạn.
Theo báo VietNamNet, Ủy Ban Nhân Dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập úng ở nhiều xã như thị trấn Hòa Bình, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang…
“Nhiều xã bị ngập, quốc lộ 7 ngập năm đoạn chưa thể đi qua. Một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy, nhiều nhà bị cuốn trôi,” vị lãnh đạo văn phòng ủy ban huyện cho hay.
Báo VNExpress dẫn tin, hơn 9 giờ sáng 31 Tháng Tám, 2018, trên mạng xã hội rộ tin với nội dung “vỡ đập thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An),” khiến nhiều người dân ở huyện này hoảng hốt.
Một ngôi nhà ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị ngập sâu. (Hình: VietNamNet)
Các nhà dân ở thị trấn Hòa Bình, xã Xá Lượng, Yên Na, Tam Quang… nháo nhào gọi nhau chạy lên chỗ cao. Người lớn bế trẻ nhỏ, dắt người già ôm đồ đạc di chuyển lên các ngọn núi gần nhà để tránh lũ.
“Tôi thấy nước lũ ở sông chảy cuồn cuộn dâng nhanh. Cùng lúc này mọi người nói với nhau có thông tin vỡ đập thủy điện nên tay chân run bần bật rồi chỉ biết gọi mọi người cùng chạy lên điểm cao,” chị Thái Thị Tú, ở xã Xá Lượng, nói.
Nhận tin báo về sự hoảng loạn của nhiều người dân, ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch huyện, “đã tới khu vực thủy điện Bản Vẽ để kiểm tra; đồng thời chỉ đạo phòng văn hóa dùng xe hơi gắn loa chạy dọc các tuyến đường để bác bỏ thông tin thất thiệt về việc vỡ đập thủy điện,” báo VNExpress tường thuật.
Theo báo này, tại các khối, xóm, do điện lưới bị mất nên cán bộ phụ trách được yêu cầu dùng máy phát điện để lên loa phóng thanh thông báo cho người dân biết “đập thủy điện vẫn an toàn.” Lực lượng công an, quân đội cũng được giao nhiệm vụ dùng điện thoại, trực tiếp gặp dân hoặc có thể lên mạng xã hội đăng thông tin chính thức về thủy điện Bản Vẽ.
Người dân thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nháo nhào chạy lên núi lánh nạn. (Hình: VietNamNet)
“Ước tính có cả ngàn người dân bị hoảng loạn bởi thông tin thất thiệt, hàng trăm người chạy lên núi tránh lũ. Đến chiều nay, người dân khi có thông tin chính thức đều đã trở về nhà,” ông Hải nói và cho biết công an đang vào cuộc xác minh người đăng thông tin thất thiệt nêu trên.
Nằm ở hạ du thủy điện Bản Vẽ, nhiều người dân huyện Con Cuông cũng lo lắng gọi điện thoại hỏi nhau về tình hình mưa lũ.
Để trấn tĩnh người dân, ông Nguyễn Đình Hùng, bí thư Huyện Ủy Con Cuông, đã viết thông báo trên mạng xã hội với nội dung: “Hiện tại có một thông tin thất thiệt về vỡ đập thủy điện. Đề nghị cấp ủy chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân hết sức bình tĩnh…”
Nói với báo VNExpress, ông Tạ Hữu Hùng, phó giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Bản Vẽ, cho biết: “Tôi đang ở khu vực nhà máy thì bất ngờ có nhiều cuộc điện thoại từ lãnh đạo các huyện, xã gọi tới tấp để xác minh thông tin vỡ đập thủy điện. Chúng tôi khẳng định công trình vận hành an toàn.”
Người dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, căng bạt tá túc trên núi. (Hình: VietNamNet)
Chiều cùng ngày, thủy điện Bản Vẽ giảm lưu lượng xả từ 4,200 mét khối/giây xuống còn 3,800 mét khối/giây.
Mặc dù ông Hùng khẳng định “công trình vận hành an toàn,” nhưng theo báo VietNamNet dẫn tin của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai-Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Nghệ An cho hay: “Lũ dâng khiến 15 ngôi nhà tại huyện Tương Dương bị ngập sâu, 10 nhà bị sụt lún, sạt lở phải di dời; 13 nhà dân ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, đang bị ngập sâu.”

Ngoài một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy thì “Nhiều vị trí trên quốc lộ 7A bị ngập. Có đoạn ngập sâu 2.5 mét. Hiện tuyến quốc lộ 7A từ huyện Tương Dương lên cửa khẩu Nặm Cắn (huyện Kỳ Sơn) có nhiều đoạn đang bị ngập sâu 30-50 cm gây tắc nghẽn giao thông,” ông Nguyễn Việt Phương, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Đường Bộ II.2, được báo VietNamNet trích lời nói. (Tr.N)

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 94,000 người chết vì ung thư

Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HUẾ, Việt Nam (NV) – Khoảng 94,000 người Việt Nam chết vì ung thư mỗi năm. Con số này được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên lần thứ 6 của Hội Ung Thư Việt Nam tổ chức tại bệnh viện Trung Ương Huế, hôm 30 Tháng Tám, 2018.
Báo Thanh Niên cho hay, “Hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên toàn quốc cùng của 25 chuyên gia về ung bướu đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia…”
“Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệp, cập nhật thông tin khoa học về điều trị ung thư theo chủ đề: ung thư phổi, vú-phụ khoa, tiêu hóa, đầu-cổ, xạ trị, ung thư nhi, điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ.”
Con số 94,000 người chết vì ung thư, gấp hơn 9 lần số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm.
Hồi năm 2017, báo VietNamNet dẫn lời ông Trần Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K Trung Ương cho biết, mỗi năm Việt Nam có thêm 126,000 người mới mắc ung thư.
Theo ông Thuấn, “Nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao vì trên 70% người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Trong khi với ung thư, phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao.”
Tiến hành kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc Elekta Axesse thứ 2 để điều trị ung thư tại bệnh viện Trung Ương Huế. (Hình: Thanh Niên)
Tại Việt Nam, “Tổng chi phí để chữa trị 6 loại ung thư phổ biến là vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26,000 tỷ đồng, chiếm 0.22% GDP của năm 2012.”
Kết quả điều tra trong năm 2012 cho thấy, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh.
“Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ mắc ung thư. Trong đó nguyên nhân từ thuốc lá chiếm 30%, rượu bia là nguyên nhân gây ra 7 loại ung thư phổ biến.” (KN)

Tướng công an CSVN Phan Văn Vĩnh bị truy tố đến 10 năm tù

Phan Văn Vĩnh. (Hình: Báo CAND)
PHÚ THỌ, Việt Nam (NV) – Ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, tổng cục trưởng cảnh sát, Bộ Công An CSVN bị truy tố đến 10 năm tù, vì cáo buộc “Bảo kê đường dây đánh bạc trị giá hàng triệu đô la.”
Báo VNExpress cho hay, hôm 31 Tháng Tám, “Viện Kiểm Sát tỉnh Phú Thọ hoàn tất cáo trạng gồm 235 trang truy tố ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao – C50, Bộ Công An) cùng 90 bị can về sáu tội danh.”
“Ông Vĩnh và Hóa bị truy tố về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,’ theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.”
“92 người trong vụ án bị truy tố về các tội: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, hai chủ mưu gồm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam về hai tội, tổ chức đánh bạc và rửa tiền,” VNExpress loan tin.
Theo cơ quan công tố, “Công ty TNHH Đầu Tư Phát Triển An Ninh Công Nghệ Cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương thành lập tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ. Cụ thể, CNC chuyển cho C50 số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus.”
Theo Bộ Công An CSVN, “…đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành thông qua hai cổng Rikvip/Tip.club đã thu hút gần 43 triệu tài khoản. Đây được đánh giá là mạng lưới trò chơi cờ bạc trá hình có quy mô và doanh thu lớn nhất Việt Nam.”
“Game Rikvip hoạt động từ ngày 18 Tháng Tư, 2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua hai trang web.”
“Nhà chức trách cho rằng số tiền giao dịch qua đường dây từ 2015 đến nay khoảng 10,000 tỷ đồng. Trong đó, Dương và Nam hưởng lợi trên 3,200 tỷ đồng. Các người chơi được trả thưởng trên 2,600 tỷ đồng, các nhà mạng trung gian cung cấp thẻ và thanh toán trực tuyến hưởng lợi khoảng 1,600 tỷ đồng.”
Vẫn theo cáo buộc của cơ quan công tố, “Ông Vĩnh biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản, đề nghị Bộ Thông Tin Truyền Thông tạo điều kiện thuận lợi cho sai phạm trên. Ông chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất bộ trưởng Công An cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12 Tháng Mười, 2011, để ‘che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp.’”
“Lãnh đạo Bộ Công An khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, yêu cầu có báo cáo song ông Vĩnh không chấp hành.”
Việc ông Vĩnh bảo kê cho CNC tổ chức đánh bạc trá hình của ông Vĩnh đã được Dương biếu đồng hồ Rolex.
“Mặc dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1.1 tỷ đồng, song công tố viên cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu,” theo VNExpress.
Con ông Nguyễn Thanh Hóa “bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.” (KN)

Sài Gòn: Nhà cầm quyền nhét giấy yêu cầu ‘không biểu tình’ vào nhà dân

Một trong số hình ảnh về cuộc biểu tình hôm 10 Tháng Sáu, 2018 khiến nhà cầm quyền CSVN lo sợ tái diễn trong dịp 2 Tháng Chín. (Hình: Nhật Ký Biểu Tình)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lo sợ nổ ra các cuộc biểu tình vào dịp “Quốc Khánh 2 Tháng Chín,” nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đang thực hiện “chiến dịch” nhét giấy tuyên truyền “không được biểu tình” vào tận cửa nhà người dân.
Giấy ghi là “tài liệu tuyên truyền do ‘Ban Tuyên Giáo Thành Ủy'” ở Sài Gòn phát đi, gồm bốn trang, với tiêu đề “Hãy cảnh giác và đấu tranh với mọi âm mưu phá hoại”, kêu gọi người dân “bảo vệ thành quả lịch sử”.
Tờ giấy nhắc lại các vụ bị nhà cầm quyền CSVN “xử lý nghiêm khắc” như vụ anh Will Nguyễn bị trục xuất vì tham gia biểu tình ở Sài Gòn, phiên tòa xử hai Việt kiều Mỹ Nguyễn James Han và Phan Angel mỗi người 14 năm tù vì bị cáo buộc tội “Tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
“Mỗi người dân cùng tuyên truyền, cùng đấu tranh phản bác các luận điệu xấu, vận động bạn bè, người thân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không tham gia các hoạt động gây mất ổn định xã hội, không tham gia biểu tình,” văn bản nêu trên viết.
Cùng với việc ra văn bản khuyến cáo người dân về biểu tình, dường như nhà cầm quyền CSVN còn tăng cường kiểm soát giới hoạt động, những người mà họ cáo buộc “kích động biểu tình” trên mạng xã hội.
Một đoạn trong lời tuyên truyền do nhà cầm quyền ở Sài Gòn nhét vào nhà dân. (Hình: Facebook)
Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam viết trên trang Facebook cá nhân: “Những ngày này, giới hoạt động đang được ‘thăm hỏi, chăm sóc’ khá cẩn thận. Nhiều mức độ khác nhau: Từ nhẹ thì gọi điện hỏi thăm đến nặng nề hơn thì có giấy mời lên làm việc…Tất nhiên, đặc sản canh giữ nhà, nơi trọ (hay vẫn được gọi đùa là ‘bánh canh’) những người hoạt động thì không thể thiếu.”
“Lướt trên mạng, thấy đâu đó vài lời kêu gọi biểu tình vào những ngày đầu Tháng Chín, không rõ của nhóm nào và mục tiêu gì. Nhưng trên mạng có kêu gọi thì ngoài đời, các tổ dân phố, các hội đoàn đi phát tờ rơi, đi vận động từng nhà, từng người đừng tụ tập đông người, đừng nghe theo kẻ xấu…,” ông Lâm viết.
Vài ngày trước, một bài trên báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông nói Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn vừa chỉ thị các quận huyện “lập danh sách các vụ việc, địa bàn có khả năng phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự”, “không để phát sinh phức tạp, lây lan thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng kích động, lôi kéo người dân khiếu kiện tập trung đông người, biểu tình”.
“Thành phố cũng cho biết sẽ giao lực lượng công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền biện pháp xử lý những tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh trật tự; kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân,” tờ báo viết.
Hành động tương tự cũng được ghi nhận đang diễn ra ở Hà Nội. Bản tin đăng tải trên trang mạng của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội tường thuật cuộc họp ngày 27 Tháng Tám, 2018 của các chức sắc đứng đầu thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố thúc giục: “Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, làm tốt công tác phòng chống, phòng ngừa, không để tình trạng tụ tập đông người, biểu tình diễn ra trên địa bàn thành phố” khi chế độ kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2 Tháng Chín hàng năm.
Tuy vậy, người ta không thấy nhà cầm quyền thành phố Hà Nội nêu lý do gì cụ thể và nghiêm trọng buộc phải chuẩn bị đối phó một cách quy mô chống biểu tình. (T.K.)

Chi cục trưởng ở Hà Nội bổ nhiệm con làm phó phòng rồi… về hưu

Ông Lê Thiết Cương, cựu chi cục trưởng Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chi cục trưởng Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội ký quyết định bổ nhiệm con trai làm phó phòng trước khi về hưu gây ồn ào dư luận thời gian qua.
Ngày 30 Tháng Tám, 2018, ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hà Nội, khẳng định việc bố ký quyết định bổ nhiệm con trai trước khi về hưu của ông Lê Thiết Cương, chi cục trưởng Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội, “không có gì sai.”
“Cho dù ông Cương chỉ còn một ngày công tác thì vẫn phải làm, ký quyết định bổ nhiệm,” báo Dân Trí viết.
“Ông Lĩnh là cán bộ nằm trong quy hoạch cấp phòng của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Nội. Nếu đủ điều kiện và năng lực thì làm chi cục phó luôn cũng được, có gì đâu. Chức đó bé tý mà,” báo Dân Trí trích lời ông Mỹ nói.
Trong suốt buổi nói chuyện với báo Dân Trí, ông Mỹ khẳng định “ông Lê Thiết Lĩnh là cán bộ làm tốt công việc, đưa về Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội để đào tạo, khi làm tốt rồi sẽ rút lên sở.”
Vì đâu ông Lĩnh được về chi cục nơi cha làm việc? Theo báo Dân Trí, đầu năm 2018, ông Lê Thiết Cương ký tờ trình gửi Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thánh phố Hà Nội đề nghị luân chuyển cán bộ thuộc sở để bổ nhiệm chức danh trưởng phòng Kế Hoạch Tổng Hợp thuộc Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội.
Chi Cục Phát Triển Nông Thôn thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hà Nội đang nảy sinh nhiều chuyện ồn ào dư luận. (Hình: Dân Trí)
Cuối Tháng Hai, 2018, ông Chu Phú Mỹ ký quyết định điều động ông Lê Thiết Lĩnh, chuyên viên Phòng Tài Chính-Kế Hoạch thuộc sở này, đến nhận công tác tại Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội kể từ ngày 1 Tháng Ba, 2018.
Ngay sau đó, ông Lê Thiết Cương với quyền hạn là chi cục trưởng đã ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Thiết Lĩnh giữ chức phó trưởng Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp.
Đáng chú ý, ông Lĩnh là con ruột ông Cương. Tại thời điểm ký quyết định bổ nhiệm này, Sở Nội Vụ Hà Nội đã có thông báo về việc ông Lê Thiết Cương sẽ nghỉ hưu từ ngày 1 Tháng Tám, 2018; Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp của chi cục này chỉ có sáu người nhưng đã có đến bốn cán bộ.
Trước đó, ông Lê Thiết Cương bị chính Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hà Nội buộc phải có trách nhiệm thu và nộp lại gần 287 triệu đồng (hơn $12,315) vì đã chi tiền “không đúng quy định.”
“Trách nhiệm trước hết thuộc về Chi Cục Trưởng Lê Thiết Cương trong công tác quản lý tài sản từ Tháng Tư, 2009, đến Tháng Mười Hai, 2012. Sau nhiều năm yêu cầu, đến nay Chi Cục Phát Triển Nông Thôn Hà Nội vẫn chưa nộp số tiền đã thu từ việc cho thuê tài sản công và sử dụng không đúng quy định vào ngân sách nhà nước,” báo Dân Trí viết.
Mặc dù bị buộc có trách nhiệm thu và nộp lại tiền nhưng “kết luận của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hà Nội lại không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật nào đối với ông Cương,” báo Dân Trí cho hay. (Tr.N)

Giám Đốc Công An Đà Nẵng Lê Văn Tam đột ngột mất chức vì ‘biệt phủ triệu đô’

Đại Tá Lê Văn Tam. (Hình: Tri Thức Trẻ)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Bốn tháng sau vụ ồn ào là chủ nhân căn biệt phủ có giá cả triệu đô la do “Vũ Nhôm” tặng, ông Lê Văn Tam, giám đốc Công An thành phố Đà Nẵng đột ngột mất chức.
Tin này được truyền thông tại Việt Nam loan báo vào chiều 31 Tháng Tám, 2018, khiến nhiều người sửng sốt.
Tờ Pháp Luật TP.HCM dẫn nguồn tin từ Bộ Công An CSVN nói Đại Tá Lê Văn Tam “nghỉ chờ hưu” và thời điểm chính thức về hưu của ông này là “hôm 1 Tháng Mười Hai, 2020,” nghĩa là ông mất chức trước hai năm.
Như vậy sự nghiệp làm sếp công an của ông Tam khá chóng vánh vì ông mới ngồi vào ghế giám đốc từ hồi Tháng Năm, 2015.
Nay người được điều động thay thế ông là Thiếu Tướng Vũ Xuân Viên, cục trưởng Cục Tham Mưu Cảnh Sát thuộc Bộ Công An CSVN.
Quyết định cho ông Tam “nghỉ chờ hưu” được dư luận suy đoán là có liên quan đến vụ lùm xùm cho rằng ông này làm chủ căn biệt thự trên 100 tỷ đồng (hơn $4.39 triệu) tại Làng Châu Âu Đà Nẵng (Euro Village Đà Nẵng) do ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”) biếu tặng.
Hồi cuối Tháng Tư, 2018, Facebook của nhà báo Dương Hằng Nga, người được cho là trưởng đại diện tạp chí Giao Thông Vận Tải khu vực miền Trung Tây Nguyên và Đà Nẵng, đăng loạt ảnh cáo buộc ông Tam có “biệt thự triệu đô” do ông Vũ “Nhôm” tặng.
Căn biệt thự triệu đô của Đại Tá Lê Văn Tam, người vừa mất chức giám đốc Công An Đà Nẵng. (Hình: Facebook Dương Hằng Nga)
Sau đó, báo Tuổi Trẻ dẫn bình luận của Tiến Sĩ Nguyễn Hoàng Chương: “Xây nhà cửa tử tế thì không có gì phải xấu hổ. Nhưng với cán bộ, lương khoảng 30 triệu đồng ($1,315)/tháng, nhẩm tính cũng phải mất 277 năm mới có được 100 tỷ đồng (hơn $4.39 triệu). Vậy lấy tiền đâu xây biệt phủ hàng trăm tỷ đồng?”
Theo “bảng nâng lương quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân (CSVN) và sĩ quan công an nhân dân (CSVN) trên trang ‘thukyluat.vn’, người có cấp bậc đại tá như ông Lê Văn Tam thì mức lương từ ngày 1 Tháng Bảy, 2018 là 11,676,000 đồng ($512)/tháng.
Người ta thấy các báo Việt Nam sau đó đăng tin ông Tam bị xác minh biệt phủ triệu đô nhưng kết quả thế nào thì không được công bố. Đến thời điểm này cũng không có bất kỳ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền kết luận Đại Tá Lê Văn Tam “có sai phạm đến mức bị kỷ luật.”
Hồi cuối Tháng Bảy, 2018, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng được báo Đà Nẵng trích lời: “Đến nay, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy đang phối hợp với Ủy Ban Kiểm Tra Đảng Ủy Công An Trung Ương tiến hành kiểm tra vấn đề nhà ở của ông Lê Văn Tam và sẽ có kết luận trong thời gian tới. Không có chuyện Bộ Công An tiến hành điều tra như một số thông tin nêu vừa qua.”
Cùng thời điểm, ông Vũ “Nhôm,” một thượng tá tình báo công an, đã bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.” Nhiều khả năng ông này còn phải tiếp tục phải ra tòa về các cáo buộc khác.
Hiện tại, các báo “lề phải” vẫn chưa đăng tải gì về mối quan hệ giữa ông Tam và ông Vũ “Nhôm” trong lúc một số blogger cáo buộc trên mạng xã hội rằng ông Tam là một trong những sếp công an đóng vai trò như “cái ô” của ông Vũ.
Hồi đầu Tháng Tám, 2018, báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết: “Vũ ‘Nhôm’ ngày hôm nay đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng mong muốn lớn hơn từ dư luận là những người bao che, tiếp tay cho Phan Anh Vũ lộng hành trong cả thời gian dài phải được xử lý nghiêm minh, nhất là khi họ lại được giao nhiệm vụ quan trọng là những ‘thanh bảo kiếm’ bảo vệ đất nước và chế độ.” (T.K.)

Cựu giám đốc bệnh viện Hòa Bình vừa bị khởi tố giàu cỡ nào?

Một góc biệt thự ông Dương ở. (Hình: Tiền Phong)
HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Sau khi cựu giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị khởi tố vì những sai phạm trong vụ chạy thận gây chết người, báo Tiền Phong công khai đăng một loạt hình và chú thích đó là “tư dinh” của ông này.
Lâu nay, các tấm hình “biệt phủ triệu đô” của quan chức thường chỉ được rò rỉ trên mạng xã hội chứ ít khi nào được đăng tải chính thức trên mặt báo. Việc rò rỉ các tấm hình này thường được suy đoán là do “đối thủ” của vị quan chức sở hữu “biệt phủ” đó tung ra, đánh vào tâm lý “ghét quan chức giàu có” của đám đông, và nhằm khiến cho “chủ nhân” phải xấu mặt hoặc trở thành mục tiêu bị kiểm tra sai phạm.
Những tấm hình đăng trên báo Tiền Phong cho thấy căn biệt thự “của ông Trương Quý Dương” rất bề thế do được trang bị khá nhiều đồ gỗ, cột gỗ và còn có tiểu cảnh cho đúng phong thủy.
Bài báo không nói rõ về ước lượng chi phí để xây căn biệt thự này nhưng cho biết ông Dương “từng bị tố cáo chi tiêu phung phí bằng tiền công quỹ khi còn làm giám đốc Trung Tâm Y Tế huyện Kim Bôi.”
Cửa của một căn phòng nhà ông Dương. (Hình: Tiền Phong)
“Năm 2001, cơ quan chức năng kết luận: Ông Trương Quý Dương vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng (hơn $2,058). Ông Dương bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật,” báo Tiền Phong viết.
Báo này cũng cho hay: “Ông Trương Quý Dương bị kết luận không lập hội đồng tuyển dụng, tự ý tuyển thêm 15 cán bộ biên chế và ký hợp đồng lao động với 78 trường hợp.” Đáng chú ý, “trong số những người được ông giám đốc nhận về, có hộ lý làm công việc hằng ngày ở mức độ bình thường lại được xếp lương cao hơn đồng nghiệp; có người thường xuyên vi phạm kỷ luật không bị xử lý…”
Trước đó, một số báo khác cũng dẫn lại văn bản của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương nói ông Dương “có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý.”
Ông Dương bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ Luật Hình Sự CSVN 1999 nay là Điều 360 Bộ Luật Hình Sự 2015 và đang “bị cấm đi khỏi nơi cư trú.”
Chưa rõ thời điểm ông này phải ra tòa.
Khuôn viên căn biệt thự. (Hình: Tiền Phong)
Trong phiên tòa xử Bác Sĩ Hoàng Công Lương hồi Tháng Năm, truyền thông Việt Nam đặt câu hỏi về việc ông Dương được ghi nhận xuất cảnh sang Canada dài ngày trong lúc đang bị triệu tập đến phiên tòa với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.”
Đến nay, trong vụ “tai nạn” chạy thận nhân tạo xảy ra hôm 29 Tháng Năm, 2017, khiến tám người chết, dư luận có vẻ đứng về phía Bác Sĩ Lương, trong lúc ông Dương nhận được nhiều chỉ trích và bị suy đoán “phải nhận trách nhiệm lớn nhất.”
Tuy vậy, trên mạng xã hội vẫn có một số ý kiến tỏ ra bênh vực ông này. Luật Sư Trần Huy Tuấn bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Động thái khởi tố ông Trương Quý Dương và cùng lúc thay đổi tội danh đến lần thứ ba với Hoàng Công Lương cho thấy cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Hòa Bình rất bất nhất và lúng túng trong tiến trình điều tra vụ án. Động thái này khiến chúng ta thấy bóng dáng của áp lực dư luận.”
“Chắc lúc này, ông Trương Quý Dương (một vị tiến sĩ đầu tiên của Hòa Bình, một thầy thuốc ưu tú trong làng y học Việt Nam) đang uống chén rượu đắng chát về tình người, tình đời, mà lẽ ra, ông phải rung đùi bên ly rượu vang,” ông Tuấn viết. (T.K.)