Monday, September 7, 2015

Nông dân Đoàn Văn Vươn sẵn sàng ‘nổi dậy’ nếu tiêu cực tái diễn

Ông Đoàn Văn Vươn được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng sau khi được đặc xá trở về ngày 31/8.
Ông Đoàn Văn Vươn được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng sau khi được đặc xá trở về ngày 31/8.
Một nông dân nổi tiếng vừa được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 tuyên bố sẵn sàng tiếp tục ‘đứng lên’ trước áp bức, bất công.

Ông Đoàn Văn Vươn được trả tự do hôm 31/8 sau hơn 3 năm rưỡi thi hành bản án 5 năm tù về tội danh ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ.’

‘Người nông dân nổi dậy’ Đoàn Văn Vươn được mọi người biết tiếng từ vụ án gây chú ý công luận về chính sách trưng thu đất đai của Việt Nam khi ông cùng gia đình dùng vũ khí tự tạo chống trả lực lượng cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi đầu năm 2012, khiến 6 nhân viên công lực bị thương.

Kết thúc vụ án, 6 thành viên trong gia đình ông Vươn bị bắt và bị khởi tố; một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác, bị cách chức, và được hưởng án treo.

Vụ án Đoàn Văn Vươn được xem là đỉnh điểm xung đột đất đai xuất phát từ những bất cập về luật và chính sách thi hành luật đất đai tại Việt Nam. Vụ này thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều bạn trẻ đã khởi xướng các cuộc vận động thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho ông.

Trò chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA ngày ra tù, người được mệnh danh là ‘anh hùng áo vải’ Đoàn Văn Vươn nói ông không hối tiếc về việc đã làm vì đó là điều cần thiết giúp phơi bày ra ánh sáng những bất công-áp bức và ông nhấn mạnh sẽ không ngần ngại lặp lại hành động của mình nếu tái diễn tiêu cực.
"Bản thân tôi đã vận dụng hiến pháp và pháp luật Việt Nam để khiếu nại-tố cáo và làm hết tất cả những việc có thể. Tôi cũng đã khởi kiện ra tòa và được tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Hải Phòng giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên. Ủy ban huyện Tiên Lãng đã chấp nhận, tiếp tục giao lại đất cho tôi và tôi rút lại đơn kháng cáo. Nhưng sau đó, người ta bất chấp pháp luật, ép tôi phải bàn giao đất. Tôi không chấp nhận và họ đã tổ chức lực lượng cưỡng chế để áp đặt. Tôi không còn con đường nào khác nữa. Nếu như phải chết, nằm tại đất này và phải xông lên. Từ tiếng súng, tôi đi tìm công lý."-Ông Đoàn Văn Vươn nói.
Đoàn Văn Vươn: Khi chấp hành được 1/3 mức án, cải tạo từ khá trở lên sẽ được đặc xá, tha tù trước thời hạn.

Trà Mi: Một trong những điều kiện không thể thiếu để được đặc xá là làm đơn ‘nhận tội’, ‘xin khoan hồng.’ Ông có làm việc này không?

Đoàn Văn Vươn: Cái đấy bắt buộc phải làm. Nếu không làm, không được giảm án, không được đặc xá.

Trà Mi: Như vậy cuối cùng ông đã phải ‘nhận tội’ dù việc này trước đây tại tòa ông đã cương quyết từ chối?

Đoàn Văn Vươn: Vâng.

Trà Mi: Vì sao ông thay đổi quan điểm của mình?

Đoàn Văn Vươn: Khi tôi vào vòng lao lý, mong mỏi lớn nhất là làm sao sớm được trở về cùng gia đình. Không còn con đường nào khác ngoài việc phải chấp nhận những điều kiện họ quy định.

Trà Mi: Ngay từ buổi đầu khi ra tòa, chắc ông cũng biết nếu ‘nhận tội, xin khoan hồng’ sẽ được mức án nhẹ hơn. Vì sao lúc đó ông cương quyết từ chối?

Đoàn Văn Vươn: Tại tòa, quan điểm của tôi rất rõ. Tôi khẳng định hành vi của chúng tôi không phải là ‘giết người’ hay ‘chống người thi hành công vụ.’ Chúng tôi đã đưa ra những chứng cứ nhưng tòa hoàn toàn bác bỏ. Khi chấp hành án, trong cả một quá trình rất dài đều nung nấu một điều là làm sao sớm được trở về. Cho nên, không còn con đường nào khác, buộc phải chấp nhận. Đây là buộc phải chấp nhận. Kể cả bây giờ đã được về rồi, tôi vẫn còn muốn phải đấu tranh việc này cho rõ ràng.

Trà Mi: Ông nghĩ mình sẽ làm bằng cách nào?

Đoàn Văn Vươn: Theo pháp luật Việt Nam, việc kháng cáo, khiếu nại, hay giám đốc thẩm thì kể cả khi mình đã chấp hành xong bản án mình đều có quyền đòi hỏi việc này.

Trà Mi: Ông quyết định sẽ kháng cáo?

Đoàn Văn Vươn: Tôi sẽ đề nghị giám đốc thẩm việc này để giải quyết cho ‘thấu tình đạt lý’. Về tội danh người ta đưa ra là ‘giết người’ với khung hình phạt từ 12 năm tới chung thân hay tử hình, nhưng người ta chỉ xử tôi 5 năm vì đã có những áp lực và có kết luận của Thủ tướng rằng hành vi làm trái (của chính quyền địa phương) là nguyên nhân gây nên. Tuy mức án 5 năm, nhưng với tôi, xử tôi về tội ‘giết người’ là không đúng vì tôi chỉ phòng vệ chính đáng.

Trà Mi: Báo chí Việt Nam nói vụ việc xảy ra năm đó do gia đình ông ra tay trước, rằng lực lượng thi hành công vụ chưa ra tay đã bị tấn công. Thực hư ra sao?

Đoàn Văn Vươn: Chúng tôi đã cảnh báo trước khi người ta xuống cưỡng chế bất hợp pháp chúng tôi. Đầm nhà tôi có 2 quyết định giao đất và 2 quyết định thu hồi đất. Trong đó chỉ có quyết định thu hồi 19,3 hecta được giải quyết ở cấp tòa và người ta ra quyết định cưỡng chế ở khu đất 19,3 hecta này. Chúng tôi không hề tổ chức chống lại việc cưỡng chế ở diện tích 19,3 hecta mà chúng tôi tổ chức để bảo vệ giữ lại khoảng đất 21 hecta chưa bị áp dụng theo quyết định cưỡng chế.

Trà Mi: Hôm đó, bên nào ra tay trước thưa ông?

Đoàn Văn Vươn: Trên diện tích 21hecta chưa có quyết định cưỡng chế, chúng tôi đã rào để cảnh báo cấm không cho người đi lại. Họ đưa lực lượng cưỡng chế có cả cảnh sát cơ động, súng ống, chắn đạn v..v.. Họ xuống rất hùng hồn. Họ yêu cầu giao đất, chúng tôi dứt khoát không chấp nhận. Lúc đó chúng tôi chỉ đặt cảnh báo đầu tiên là mìn tự chế và vỏ bình gas không có gas, không xảy ra thương tích nào cho ai cả. Bản thân tôi đã qua bộ đội công binh, tôi hiểu và tính toán được là có thể kiềm chế được. Mục đích chúng tôi đánh dọa, tạo tiếng vang để cảnh báo thôi. Thế nhưng người ta không dừng lại. Quân đội và công an tiến hành nổ súng, bắn thẳng vào nhà mà bên trong người thân chúng tôi đang ở trong nhà. Chúng tôi vẫn cứ nằm ém, nhưng người ta bước tiếp tới hàng rào cảnh báo cuối cùng, cách 18 mét. Người ta tháo phá hàng rào. Người ta nổ súng, tiếp tục nổ súng và phá hàng rào. Không còn con đường nào nữa, chúng tôi buộc phải nổ súng để chống trả.
"Buộc những nông dân như chúng tôi phải đứng lên làm những việc này thật sự là một điều vô cùng tai hại. Bản thân tôi và tất cả dân Việt Nam đều không muốn. Người ta đẩy chúng tôi vào tỉnh cảnh buộc phải đứng dậy. Từ vụ việc nhà tôi, tôi khẳng định nếu không dám ra tay thì mất hết. Buộc phải lựa chọn con đường: phải đứng lên, phải chống trả quyết liệt."-Nông dân Đoàn Văn Vươn.
Trà Mi: Cho dù bên công lực bắn trước nhưng họ không gây thương tích cho ai trong khi tiếng súng nhà ông Vươn gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ. Cho nên, họ buộc ông tội ‘giết người’, ông nghĩ sao?

Đoàn Văn Vươn: Người ta sử dụng vũ khí quân lực. Nếu viên đạn của họ hôm đó trúng người thân nhà tôi thì chắc chắn chết. Còn chúng tôi chống trả lại bằng súng hoa cải và đạn 1,5 li chỉ bắn được chim, nếu bắn vào người chỉ ở mức gây bị thương nhất định, không thể gây tử vong. Ở khoảng cách 18-20 mét, tôi khẳng định với súng hoa cải mà tôi đã bắn vào lực lượng đấy không thể gây chết người.

Trà Mi: Vụ việc xảy ra là một cú sốc vì chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Ông Vươn nghĩ gì khi ra tay hành động như thế?

Đoàn Văn Vươn: Bản thân tôi đã vận dụng hiến pháp và pháp luật Việt Nam để khiếu nại-tố cáo và làm hết tất cả những việc có thể. Tôi cũng đã khởi kiện ra tòa và được tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Hải Phòng giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên. Ủy ban huyện Tiên Lãng đã chấp nhận, tiếp tục giao lại đất cho tôi và tôi rút lại đơn kháng cáo. Nhưng sau đó, người ta bất chấp pháp luật, bất chấp bản thỏa thuận thay cho một bản án của tòa và ép tôi phải bàn giao đất. Tôi không chấp nhận và họ đã tổ chức lực lượng cưỡng chế để áp đặt. Tôi không còn con đường nào khác nữa. Nếu như phải chết, nằm tại đất này và phải xông lên. Từ tiếng súng, tôi đi tìm công lý. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ được như thế vì nếu không giữ được đất, cả gia đình tôi không thể sống được, bị mất hết toàn bộ, không còn cái gì nữa.

Trà Mi: Ông nói lúc đó, ông ‘chỉ nghĩ được như thế’ nhưng giờ đây, sau bao nhiêu năm nhìn lại những gì phải trả giá cho hành động lúc đó, ông có hối tiếc-ân hận không hay cảm thấy đó là điều cần phải làm?

Đoàn Văn Vươn: Tôi hoàn toàn không hối hận, không ân hận. Việc này cần thiết phải làm. Nếu không làm thì không những vụ của tôi mà còn kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến quyền lợi của những người nông dân khác, những người dân Việt Nam cũng sẽ cùng cảnh ngộ như thế này. Nếu tiếp tục xảy ra như tương tự, tôi cũng sẽ sẵn sàng.

Trà Mi: Kết cục câu chuyện có đúng như những gì ông dự tính?

Đoàn Văn Vươn: Trước khi tôi ra tay, bản thân chỉ nghĩ rằng sẵn sàng chết ngay để chiến đấu với lực lượng cưỡng chiếm bất hợp pháp này. Nếu mình có phải hy sinh thì đây cũng là một tiếng vang, một lời cảnh tỉnh cho chính phủ Việt Nam, cho dư luận lên tiếng để nhà nước Việt Nam phải vào cuộc để làm rõ và yêu cầu chính quyền huyện Tiên Lãng rút lại các quyết định thu hồi đất. Đó là mong muốn và mục đích tôi làm việc này. Mong muốn đó cho tới giờ mới được đáp ứng một phần nào. Thứ nhất, chính phủ Việt Nam cũng đã kết luận việc làm trái và yêu cầu huyện Tiên Lãng rút lại các quyết định thu hồi đất. Trước mắt, người ta chưa làm thủ tục nhưng cũng đã giao lại cho gia đình nhà tôi quản lý, sử dụng. Tôi cũng đã tiếp tục khởi kiện, yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng phải bồi thường các thiệt hại do các quyết định hành chính của họ gây ra.

Trà Mi: Nếu ngày hôm đó ông không ra tay, ông có nghĩ kết cục sẽ khá hơn kết cục ngày hôm nay chăng?

Đoàn Văn Vươn: Nếu hôm đó tôi không ra tay, toàn bộ tài sản của nhà tôi sẽ mất trắng và gia đình nhà tôi chắc sẽ không sống nổi đến ngày hôm nay.

Trà Mi: Trong vụ việc này, ông Vươn thấy ông được và mất những gì?

Đoàn Văn Vươn: Cái được của tôi là giữ được tài sản hợp pháp, được dư luận trong và ngoài nước cùng những người yêu chuộng công lý trên thế giới ghi nhận. Cái mất là tôi và người thân lâm vào vòng lao lý và toàn bộ tài sản khi họ tổ chức cưỡng chế. Ngôi nhà họ đã bồi thường. Còn những tài sản lưu động khác, như trang thiết bị phục vụ nghề tôm cá, đều bị thiệt hại. Từ thông báo của họ không cho tôi đầu tư sản xuất từ năm 2007 mà phải đội đơn đi khiếu kiện một thời gian dài, những thiệt hại đó rất lớn.

Trà Mi: Kết cục vụ việc: người nông dân ở tù, quan tham bị mất chức. Cách giải quyết của phía chính quyền trong vụ việc này, ông thấy thế nào?

Đoàn Văn Vươn: Giải quyết như thế là chưa thấu tình đạt lý. Phi lý ở chỗ người ta là những người chức trách, thừa biết việc này là sai trái mà vẫn cố tình làm. Thế nhưng tòa án bỏ qua và cho họ hưởng án treo. Trong khi đó, chúng tôi là những người phòng vệ, bảo vệ chính đáng tài sản của mình lại bị bắt đi tù.

Trà Mi: Đi tìm công lý ôn hòa không được giải quyết. Cùng đường phải dùng tới bạo lực-bạo động thì mới được giải quyết. Điều đó cho ông suy nghĩ thế nào?

Đoàn Văn Vươn: Buộc những nông dân như chúng tôi phải đứng lên làm những việc này thật sự là một điều vô cùng tai hại. Bản thân tôi và tất cả dân Việt Nam đều không muốn. Người ta đẩy chúng tôi vào tỉnh cảnh buộc phải đứng dậy. Từ vụ việc nhà tôi, tôi khẳng định nếu không dám ra tay thì mất hết. Buộc phải lựa chọn con đường: phải đứng lên, phải chống trả quyết liệt.

Trà Mi: Với chính sách đất đai tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều người đã đang và sẽ lâm vào tình cảnh của ông, ông muốn chia sẻ điều gì với họ?

Đoàn Văn Vươn: Mình phải am hiểu pháp luật, phải dũng cảm đứng lên kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chân lý.

Trà Mi: Với giới hữu trách, ông có điều gì muốn nói?

Đoàn Văn Vươn: Tôi muốn nói rằng tất cả những người thực thi pháp luật hãy thực hiện đúng theo những gì pháp luật quy định. Tôi chỉ mong muốn họ làm công tâm, xứng đáng làm công bộc cho người dân Việt Nam như khẩu hiệu của nhà nước từng nói.

Trà Mi: Còn về luật đất đai của Việt Nam, ông Vươn thấy thế nào?

Đoàn Văn Vươn: Cho đến nay tương đối có thay đổi nhưng còn nhiều bất cập. Hiến pháp có nhiều những từ chung chung, cần tách bạch rõ ràng. Ví dụ điều 67 Luật Đất đai năm 2003 nói rằng ‘cho dân thuê đất không quá 20 năm.’ Những người áp dụng luật, nếu bảo 1 năm thì cũng ‘không quá 20 năm’ mà bảo 20 năm thì cũng ‘không quá 20 năm.’ Nó khiến cho các cấp chính quyền địa phương tùy tiện áp dụng, dẫn tới mâu thuẫn, tranh chấp.

Trà Mi: Đất đai ở Việt Nam theo mô hình xã hội chủ nghĩa nghĩa là dân có quyền sử dụng nhưng quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Việt Nam đi từ mô hình phong kiến qua xã hội chủ nghĩa với ý tưởng cho ‘dân cày có ruộng’. Nhưng xét cho cùng, với mô hình xã hội chủ nghĩa, dân cày dù có ruộng nhưng ruộng cũng không phải của họ, cũng chỉ là một hình thức họ làm thuê mà thôi. Ông nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn không hối hận, không ân hận. Việc này cần thiết phải làm. Nếu không làm thì không những vụ của tôi mà còn kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến quyền lợi của những người nông dân khác, những người dân Việt Nam cũng sẽ cùng cảnh ngộ như thế này. Nếu tiếp tục xảy ra như tương tự, tôi cũng sẽ sẵn sàng.-Ông Vươn nói.
Đoàn Văn Vươn: Chính cái đó là mấu chốt rất vướng cho đất đai Việt Nam. Luật Đất 1987 ghi rằng đất đai sở hữu của nhà nước. Đến 1993, khái niệm đó được đổi thành đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, nhà nước có đặc quyền giao đất và thu hồi đất.

Trà Mi: Có người cho rằng tư hữu hóa đất đai là một giải pháp tốt. Là một nông dân, ông Vươn thấy giải pháp này thế nào?

Đoàn Văn Vươn: Tư hữu đất đai là gốc của mọi vấn đề. Mô hình đó sẽ khẳng định những người có đất có những quyền được bảo đảm chắc chắn hơn là quyền sử dụng đất.

Trà Mi: Khép lại mọi chuyện đã qua, ông Vươn thấy từ đây ông sẽ bắt đầu thế nào khi mà đất đai vẫn có nguy cơ có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào?

Đoàn Văn Vươn: Sắp tới, tôi phải tiếp tục đầu tư để khai thác, thu hồi những công sức và vốn liếng đã bỏ ra đầu tư. Còn sợ hay không, tôi không sợ gì cái việc đó.

Trà Mi: Vì ông không nghĩ họ sẽ tái diễn hành động đó với ông?

Đoàn Văn Vươn: Tôi cũng chưa dám khẳng định họ có tái diễn hay không. Nhưng nếu họ cố tình làm trái các quy định của luật pháp thì buộc cũng phải đứng lên.

Trà Mi: Có người xem ông là ‘anh hùng áo vải’, nhưng cũng có người gọi ông là thành phần ‘chống đối’, ‘bạo động’. Một định nghĩa về mình, ông Vươn sẽ nói gì?

Đoàn Văn Vươn: Không dám nhận mình là ‘anh hùng áo vải.’ Mọi người ủng hộ tôi, tôi rất cảm ơn. Còn bảo tôi là ‘chống đối’, ‘bạo động’ là sai hoàn toàn và họ hiểu lầm. Hành động của tôi để thức tỉnh các cấp chính quyền ở Việt Nam xem xét lại những người mà họ chọn làm thi hành công vụ, làm cán bộ phục vụ công bộc cho dân. Phải xem xét lại và chỉnh đốn lại. Tôi chỉ muốn nói một điều là người nông dân hãy mạnh dạn làm ăn và dám đấu tranh để bảo vệ thành quả, đất đai, và các tài sản hợp pháp được luật pháp Việt Nam quy định.

Trà Mi: Cảm ơn ông rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Đoàn Văn Vươn: Cảm ơn quý đài đã quan tâm đến tôi và gia đình tôi

Nông dân Đoàn Văn Vươn sẵn sàng nổi dậy nếu tiêu cực tái diễn


Trí thức Việt Nam có thể làm được gì cho đất nước?

Việt Hoàng -08/09/2015
Theo Thông Luận
Chính quyền Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh 2/9 và Cách mạng Tháng 8 với những hoạt động vô cùng tốn kém và nhiều lời lẽ khuếch trương, tâng bốc đảng cộng sản lên tận mây xanh. Người yếu bóng vía nghe xong có thể cảm động khóc rưng rức vì tin rằng nếu không có đảng cộng sản quang vinh và bác Hồ vĩ đại thì sẽ không có họ ngày hôm nay…
Yêu-ghét, khen-chê, thích-không thích là cảm xúc của từng người và chúng ta nên tôn trọng các cung bậc cảm xúc đó. Có điều chắc chắn là không phải người dân nào cũng hồ hởi, phấn khởi chào đón ngày lễ mà đáng ra nó xứng đáng được ghi nhận và tự hào. Tại Sài Gòn, nhà văn Phạm Đình Trọng quyết định “ở nhà” trong ngày 2/9 để suy tư về thân phận của con người và đất nước Việt Nam để rồi “nhận ra trách nhiệm của một người Việt chân chính”.
Từ Na-uy nữ đạo diễn Song Chi cay đắng thốt lên rằng, có lẽ người Việt chưa đủ đau đủ nhục chăng? Và bà tự đặt câu hỏi cho mình và cho cả lương tri người Việt “Bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?
Tuy rằng ba vị trí thức nói trên không đại diện cho cả tầng lớp trí thức Việt Nam nhưng ít nhiều nó đã phản ánh được tâm tư và trăn trở của những người trí thức chân chính. Suy nghĩ của họ đã vượt lên một tầm cao mới. Từ trước tới giờ, trí thức Việt Nam chỉ quanh quẩn trong việc chỉ trích những cái sai của đảng cộng sản và sau đó là góp ý, đề nghị với hy vọng là chế độ sẽ thay đổi tốt hơn và sau cùng là…ngồi đợi. Chấm hết.
Ngày hôm nay họ đã có một thái độ giận dữ và bức xúc thật sự. Họ không còn ngọt nhạt, rào trước đón sau như mọi khi. Họ đã nói thẳng, nói thật và chỉ đích danh thủ phạm của sự tụt hậu mà Việt Nam đang gánh chịu ngày hôm nay chính là đảng cộng sản.
Không những thế họ còn đi xa hơn (vì đã mất hoàn toàn kiên nhẫn sau 70 năm năn nỉ và hy vọng) khi đặt những câu hỏi như: “đâu là trách nhiệm của một người Việt chân chính?”, “còn tương lai, chúng ta sẽ để mặc nó cho một nhóm người quyết định hay chính chúng ta sẽ quyết định chọn một tương lai khác với cái hiện tại đầy nhức nhối này?”, “Bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?”…
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng ý với các vị trí thức trên rằng đã đến lúc thôi đừng chỉ trích hay chửi bới đảng cộng sản nữa. Chửi thế chứ chửi nữa cũng không thể làm cho chế độ này sụp đổ được. Hãy để những người dân oan mất đất, những nạn nhân trực tiếp hàng ngày mà chế độ gây ra… làm việc đó. Trí thức Việt Nam phải đi nhanh hơn, đi trước để dẫn dắt và hướng dẫn cho người dân. Đừng làm cho người dân, vì chịu đựng quá lâu mà không có một tia hy vọng nào để rồi họ tuyệt vọng trong chán chường. Một người dân oan mất đất phải tự thiêu đó là lỗi của chúng ta, những người được xem là trí thức, ở trong đó.
Chúng tôi cũng cho rằng là đã đến lúc trí thức Việt Nam cần thay đổi tư duy và hành động. Chúng ta cần thay đổi tư duy cũ rằng người trí thức sinh ra là để làm quan và phục vụ chính quyền bằng tư duy mới là người trí thức phải luôn đi trước về tư tưởng lẫn hành động để dẫn dắt và hướng dẫn cho quần chúng. Suy cho cùng thì với bất cứ một quốc gia nào, trong bất cứ thời điểm nào hay hoàn cảnh nào thì sứ mệnh và vai trò của giới trí thức vẫn là tiên phong và đại diện cho dân tộc đó. Vinh hay nhục, phát triển hay tụt hậu, phồn vinh hay nghèo khổ đều do tầng lớp trí thức mà ra. Người dân không có lỗi vì người dân nơi nào cũng thế, đa số chỉ lo làm ăn và không mấy quan tâm đến chính trị. Đặc tính của quần chúng là không kiên nhẫn, không lãng mạn và rất thực dụng (luôn tìm các giải pháp cá nhân như luồn lách để tồn tại).
Tầng lớp trí thức Việt Nam đã có một bước nhảy vọt về tư duy đó là chuyển từ trạng thái thụ động, chờ đợi sang tâm thế bức xúc và sẵn sàng hành động. Vấn đề quan trọng bậc nhất mà giới trí thức Việt Nam cần mổ xẻ và tìm đồng thuận ngay bây giờ là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Chúng ta cần hành động những gì và hành động như thế nào? Rõ ràng là phong trào dân chủ và trí thức Việt Nam vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đồng thuận chung trên vấn đề này. Đây cũng là lý do chính khiến đối lập dân chủ chưa thuyết phục được quần chúng Việt Nam.
Đã đến lúc trí thức Việt Nam cần đoạn tuyệt với tư duy xin xỏ, năn nỉ, khuyên nhủ chính quyền cộng sản Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ. Họ sẽ không bao giờ làm điều đó nếu trước mặt họ không có một tập hợp dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc được đa số người dân ủng hộ. Cộng sản chỉ thay đổi khi không thể không thay đổi. Vẫn có những trí thức không hiểu được điều này nên họ vẫn kêu gọi đảng cộng sản phải thay đổi, phải thế này, phải thế nọ… Thế nếu đảng cộng sản không thay đổi thì sao? Chúng tôi không thấy những trí thức đó đưa ra bất cứ giải pháp nào.
Trở lại với ba vị trí thức tiêu biểu mà chúng tôi đề cập ở trên thì có thể thấy rằng họ đã nhận ra một điều rất căn bản của sự tranh đấu đó là phải có tổ chức. Bà Từ Huy cổ vũ cho các tổ chức “xã hội dân sự”, ông Phạm Đình Trọng cũng đã tham gia vào một tổ chức thuộc xã hội dân sự là “Văn Đoàn Độc Lập”. Trong thời gian qua các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam có những bước tiến và đột phá rất ngoạn mục, gần 20 tổ chức như vậy đã ra đời và có các hoạt động rất bổ ích.
Nếu đa số trí thức Việt Nam hiểu ra được một điều rằng tranh đấu cần có tổ chức thì đó là một sự thay đổi lớn. Không có tổ chức thì sẽ không có sức mạnh và sự thu hút. Các nhân sĩ (hoạt động chính trị độc lập, không thuộc một tổ chức chính trị nào) chỉ là những chiếc đũa và chính quyền cộng sản dễ dàng bẻ gẫy họ.
Các tổ chức thuộc về xã hội dân sự dù phát triển mạnh mẽ đến đâu cũng không thể thay thế cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Vì sao thì chúng tôi đã giải thích nhiều lần, một tổ chức xã hội dân sự chỉ có một vài mục tiêu cụ thể và giới hạn. Các tổ chức xã hội dân sự không có tham vọng cầm quyền vì các tổ chức này độc lập với mọi chính quyền. Trong khi đó các tổ chức chính trị dân chủ đối lập là có tham vọng cầm quyền để thực thi những chương trình mà họ đã đề nghị trước đó.
Như vậy, chúng ta cần đi đến một kết luận quan trọng là muốn Việt Nam thay đổi và có dân chủ thì trí thức Việt Nam cần tiến thêm một bước quyết định nữa đó là hãy dấn thân chính trị bằng cách tham gia vào một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, góp phần tạo ra một lực lượng chính trị khác ngoài đảng cộng sản nhằm tạo ra một đối trọng hùng mạnh và có tầm vóc, buộc đảng cộng sản phải ngồi vào bàn đàm phán để thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ một cách dứt khoát và trong hòa bình.
Chúng tôi mạnh mẽ khẳng định rằng nếu không có một lực lượng chính trị đối lập hùng mạnh làm đối trọng thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Mọi cải cách mà đảng cộng sản đề nghị chỉ là để câu giờ và kéo dài sự cai trị của đảng cộng sản. Cuộc tranh đấu mà chúng ta đang theo đuổi là một cuộc cách mạng thật sự, rất cam go và quyết liệt chứ không hề đơn giản. Chúng ta cố gắng để cuộc cách mạng này diễn ra trong hòa bình và không có bạo lực. Chúng tôi rất đồng ý với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với bài phân tích rất rõ ràng về chủ đề này trên BBC (Cách mạng bất bạo động cho Việt Nam)
Có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến cho tầng lớp trí thức Việt Nam, không phải ai cũng có thể tham gia vào một tổ chức chính trị. Tuy nhiên một việc mà mọi trí thức Việt Nam đều có thể làm được và nên làm đó là hãy xem việc mình không tham gia vào một tổ chức chính trị như là một ngoại lệ thay vì một thông lệ. Trí thức Việt Nam cần nhìn nhận sự hạn chế của bản thân thay vì xem đó là một lựa chọn “sáng suốt” khi không tham gia vào một tổ chức chính trị. Chúng tôi ghi nhận và biết ơn nhà văn Phạm Đình Trọng rất nhiều khi ông đã bỏ thời gian để đọc Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015)-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và rồi có bài viết “Một luận cương khai sáng”.
Chúng tôi cho rằng tư tưởng và nhận thức chính trị của ông Phạm Đình Trọng đã đạt đến mức cao nhất khi ông cho rằng “sứ mệnh lịch sử đầu tiên của luận cương Khai Sáng chính là thức tỉnh những trí thức yêu nước và tập hợp họ lại thành đội ngũ trí thức chính trị và đội ngũ trí thức chính trị đó sẽ đưa luận cương Khai Sáng vào đời sống chính trị đất nước, đưa đất nước Việt Nam thân yêu từ bóng đêm nô lệ độc tài ra ánh sáng dân chủ, phát triển”.
Một câu hỏi rất thú vị liên quan đến DACT 2015 của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) đó là liệu dự án chính trị này có đánh bại được chế độ độc tài hay không? Ông Nguyễn Gia Kiểng đã trả lời rất rõ ràng với tấ cả sự khiêm tốn rằng, nếu đối lập dân chủ Việt Nam làm đúng như lộ trình năm bước mà chúng tôi đề nghị thì cũng có thể chưa chắc đã thành công nhưng nếu không làm theo lộ trình năm bước đó thì chắc chắn là sẽ thất bại. Chúng tôi cho rằng một cuộc “vận động tư tưởng” phải đi trước một cuộc “vận động chính trị” hay một cuộc cách mạng. Chiến thắng về tư tưởng sẽ dẫn đến chiến thắng về chính trị. Không có một lộ trình, không có một giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản hiện nay, không có một tương lai đáng mơ ước cho mọi người Việt Nam thì cuộc tranh đấu này sẽ bế tắc vì không động viên được quần chúng.
Chúng tôi xin trả lời một thắc mắc nữa của một thân hữu là “Làm thế nào để DACT 2015 đến được với đa số người dân Việt Nam? Liệu có được bao nhiêu người Việt Nam biết đến dự án chính trị này?”. Đây là một câu hỏi rất thú vị và thật ra là chúng tôi đã trả lời rồi, tuy nhiên chúng tôi sẽ kiên nhẫn nhắc lại, hy vọng là mọi người sẽ hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Sự thật là không có một tác phẩm tư tưởng nào viết trực tiếp cho quần chúng, kể cả những tác phẩm dành riêng cho quần chúng. Ví dụ giáo lý hay kinh thánh của các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Các giáo sĩ của các tôn giáo này đã liên tục giảng giải giáo lý của mình trong suốt hơn hai nghìn năm qua và vẫn tiếp tục công việc đó hàng ngày hàng giờ. Chủ nghĩa Mác-Lênin rõ ràng là độc hại và ảo tưởng nhưng sỡ dĩ nó đến với quần chúng các nước kém phát triển là nhờ sự tuyên truyền của tầng lớp trí thức các nước đó.
DACT 2015 của THDCĐN cũng vậy. Tác phẩm tư tưởng này chỉ có thể đến được với đa số người dân Việt Nam qua sự trung gian và chuyên chở của tầng lớp trí thức Việt Nam nói chung và của các thành viên THDCĐN nói riêng. Suy cho cùng thì bất cứ một tư tưởng mới mẻ nào cũng cần đến sự kiểm tra và sàng lọc của tầng lớp trí thức tinh hoa. Nếu không thuyết phục được giới trí thức thì không thể nào thuyết phục được người dân và nếu chỉ nhắm vào thuyết phục người dân mà bỏ qua giới trí thức thì cũng không thể thành công và thành công nếu có, cũng rất mong manh và nguy hiểm.
Như vậy, nếu trí thức Việt Nam đã nhận ra rằng Việt Nam cần có một cuộc cách mạng triệt để và ôn hòa để thay đổi số phận cho dân tộc Việt Nam thì cần lên tiếng ủng hộ cho một tư tưởng chính trị lành mạnh và đúng đắn để tạo ra được một lực lượng chính trị lương thiện và có trách nhiệm với đất nước. Cuối cùng là tham gia vào lực lượng chính trị yêu nước đó để cùng mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự.

Việt Hoàng

 https://www.danluan.org/tin-tuc/20150907/viet-hoang-tri-thuc-viet-nam-co-the-lam-duoc-gi-cho-dat-nuoc#sthash.GkAc4kJh.dpuf

Philippines: TQ phải ngưng ‘luận điệu xảo trá’ về Biển Đông

Hoạt động xây cất của Trung Quốc tại bãi Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 11 tháng 5, 2015.
Hoạt động xây cất của Trung Quốc tại bãi Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 11 tháng 5, 2015.
VOA-07.09.2015
Bộ Quốc phòng Philippines nói Bắc Kinh phải có hành động thiết thực hơn là những lời nói trống rỗng nếu nước này thực sự muốn duy trì hòa bình trong tranh chấp ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra phát biểu này hôm Chủ nhật sau khi Trung Quốc phô bày sức mạnh quân sự của mình với cuộc duyệt binh lớn đánh dấu kết thúc Thế chiến thứ hai, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại sự kiện này rằng nước của ông theo đuổi hòa bình và không tìm kiếm "bá quyền."
"Giới lãnh đạo Trung Quốc nên tiến xa hơn những luận điệu xảo trá tuyên bố những nỗ lực hòa bình trước khi hành động xâm lấn của họ gây tác động lớn hơn và không thể khắc phục được đối với khu vực và rộng hơn nữa," Peter Paul Galvez, người phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, nói trong một thông cáo.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc thể hiện sự chân thành của mình bằng cách ít nhất là dừng mọi hoạt động xây cất và quân sự hóa đang diễn tiến và ngưng việc hạn chế tự do hàng hải và hàng không" trong vùng biển đang tranh chấp, ông nói.
Philippines đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc thực thi tuyên bố chủ quyền bằng việc chiếm giữ những đảo nhỏ và biến những bãi đá thành những đảo nhân tạo có thể đặt những cơ sở quân sự.
Ông Galvez nói thêm: "Bộ hoan nghênh tuyên bố gần đây của giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng họ cam kết theo đuổi hòa bình. Nhưng tại sao lại phô bày những loại vũ khí tấn công (trong cuộc duyệt binh ngày 3 tháng 9)?"
Philippines, nước có quân đội thuộc hàng yếu nhất trong khu vực, đã tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với những nước khác như Mỹ và Nhật Bản để đối trọng với lực lượng của Trung Quốc.
Philippines cũng đã đem vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện.
Theo AFP, ABS-CBNNews

Về hai nhà báo 'mất việc' vì Facebook

Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt -6 tháng 9 2015
Image copyrightiStock
Image captionHai cây viết gặp rắc rối cùng vì những gì viết trên Facebook
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua hai cây viết người Việt đã mất việc.
Một người làm báo trong nước và một người làm báo ở nước ngoài, cả hai đều bị xử lý vì những gì họ viết trên Facebook chứ không phải trong công việc thường ngày.
Nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm khỏi chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên và cũng bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo.
Blogger Lê Diễn Đức bị đài Á châu Tự Do, RFA, hủy hợp đồng mà theo đó ông được sử dụng trang web của đài này để thể hiện cách nhìn của ông về các vấn đề thời sự.
Hiện trang blog của ông Đức trên RFA đã không còn truy cập được nhưng ông vẫn tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình trên Facebook của ông nơi ông tuyên bố có 5.000 bạn và hơn 7.000 người theo dõi.
Nhà báo Đỗ Hùng trong khi đó đã xóa nội dung đã đăng trên Facebook cá nhân và hiện trang Facebook của ông cũng không thấy còn xuất hiện trên Facebook (6/9/2015).

Cách viết 'tếu táo'

Cả hai nội dung được đăng trên Facebook của hai cây viết đều về những người đã khuất và về những sự kiện trong quá khứ.
Tuy nhiên nhiều người Việt có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về những nhân vật được nêu và sự kiện được nêu.
Nhà báo Đỗ Hùng viết thông điệp "tếu táo" toàn dấu sắc, giờ đã không còn truy cập được, về các diễn biến ở Việt Nam cách đây 70 năm trong đó có đoạn:
"...[B]ác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế xứ Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh Phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến.
"Đánh tới cuối tháng 8, bác Ái quốc thắng lớn. Bác ấy với các chú kéo xuống Giáp Bát, chiếm phố, chiếm lấy bót phát xít, chiếm hết. Hết đánh đấm , bác ấy nói: "Các chú thắng phát xít, thắng Pháp, quá xuất sắc". Tới tháng 9, bác ấy xuống phố bố cáo quốc khánh. Bác ấy nói: "Đất nước hết chiến đấu, hết đói kém. Phát xít cút. Đế quốc Pháp cút. Các mế, các chú, các cháu bé hết khóc lóc. Thế giới bác ái...".
"Nói tới đó, bác Ái Quốc thắc mắc: "Bác nói thế các chú, các mế, các cháu có thấy quá lí nhí?" Bá tánh phía dưới đáp: "Chúng cháu thấy bác nói rất lớn. Nói thế quá tốt!". Tướng Giáp đứng kế đó thét lớn: "Quyết chiến quyết thắng!".
Sau quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Đỗ Hùng, một phong trào viết bình luận chỉ có dấu sắc đã diễn ra trên Facebook.
Người dùng Facebook Van Vo viết:
"Viết báo, nói xấu bác Ái Quốc, nói xấu tướng Giáp. Viết thế "đám cán ngố d[ố]t nát" tức tới chết. Chúng chém hết, đốt hết, chúng nói "đám chống đối, phá nước, giết hết...dám viết láo thế".
Blogger Đoan Trang cũng chia sẻ trên Facebook phản ứng của một nhà báo giấu tên đề cập tới công văn thu hồi thẻ nhà báo của Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn:
"Lính chú Tuấn tức tốc cách chức cái đứa viết láo. Chú Tuấn thích lắm, thấy thế ký giấy lấy giấy báo chí đứa ấy. Chú Tuấn quyết giết nó mất chức, chấm dứt cái kiếp báo chí chán ngán. Chú ghét dấu sắc, nếu có viết báo nhớ tránh dấu sắc. Có viết nhớ lấy dấu khác cấm viết dấu sắc."
Nhưng cũng có nhiều người phản đối cách viết của ông Đỗ Hùng và cho rằng ông "đã xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuyên tạc về Cách mạng tháng Tám".
Một người dùng Facebook được dẫn lời nói cựu nhà báo Thanh Niên là người "biến dị tư tưởng đội lốt nhà báo".

Tranh luận lịch sử

Trong lời chia sẻ, vốn góp phần dẫn tới việc RFA cắt hợp đồng với ông, blogger Lê Diễn Đức viết về thất bại của quân lực Việt Nam Cộng hòa và của chiến dịch Đông Tiến của Việt Tân thời Tướng Hoàng Cơ Minh:
"Cả hàng trăm ngàn quân lính trong tay, vũ khí xềnh xàng mà còn bị bộ đội Bắc Việt đánh cho tan tành, chạy chít chết, cuối cùng phải đầu hàng, thì vài chục người đi qua rừng núi Thái Lan dựng "chiến khu" với mục đích "Đông Tiến","phục quốc" chỉ là trò cười, ảo tưởng, chứ "anh hùng" cái nỗi gì.
"Đây đích thực là một cuộc làm "chiến khu" giả lừa gạt bà con hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền, không hơn không kém! Niềm tin vào những "anh hùng vị quốc vong thân" ấy là niềm tin ngô nghê, mù quáng."
Trong khi chỉ trích ông Đỗ Hùng "phỉ báng" và "bêu riếu" lãnh tụ, những người phản đối ông Hùng cho rằng ông Lê Diễn Đức đã nói "sự thật" và chỉ trích quyết định của RFA.
Họ nói quyết định của RFA gửi thông điệp tới các cộng tác viên với một số cơ quan truyền thông hải ngoại rằng "các người phải bẻ cong ngòi bút chửi cộng sản và không được đụng chạm đến Hoàng Cơ Minh thì mới không bị mất việc".
Nhưng Trinity Hồng Thuận, một đảng viên Việt Tân bình luận trên Facebook của cô:
"[Ông] Lê Diễn Đức sau khi bày tỏ những quan điểm mang tính xúc phạm và gặp phải những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, ông đã bị những cơ quan truyền thông mà ông đang hợp tác cho nghỉ. Đơn giản vì họ đánh giá hành động của ông ảnh hưởng đến uy tín của họ, cũng như làm mất niềm tin mà độc giả / thính giả dành cho họ và họ muốn khẳng định sự không liên quan đối với những quan điểm này của ông.
"...Ông Đức không giống như nhà báo Đỗ Hùng, ông không bị một cơ quan thẩm quyền nào rút đi tư cách nhà báo, và chắc chắn là ông sẽ không bị một chính quyền nào lăm le đàn áp nếu tiếp tục bày tỏ quan điểm của ông. Chuyện những nhà báo trong nước không những bị rút đi tư cách cầm bút mà còn bị đàn áp, tù đày, vì có những bài viết "vượt quá khuôn khổ" là chuyện không quá xa lạ với tất cả chúng ta."
Trininy Hồng Thuận cũng nói ông Đức đã "miệt thị đối những người lính" Việt Nam Cộng hòa và "nhục mạ" những đảng viên Việt Tân thế hệ đi trước.
Còn blogger Lê Diễn Đức đã dùng Facebook của ông để đáp lại:
"Tôi là người cầm bút. Nhiệm vụ của người cầm bút là nói lên và bảo vệ sự thật. Thất bại cay đắng ê chề của VNCH là sự việc không thể chối cãi và bức tranh những ngày cuối cùng của Tháng Tư năm 1975 quân lính chạy tán loạn, vứt bỏ quân phục đầy đường, là những gì tôi nói ra. Nhưng nói ra được hiểu là mạ lị quân lực VNCH.
"Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là ý tưởng ảo tưởng thì đúng như nó đã xảy ra! Cán bộ nòng cốt của Mặt trận lấy danh nghĩa thu tiền của bà con là Hoàng Cơ Định đưa vào lợi tức của mình, bị đưa ra tòa án Liên bang Mỹ, vì tội gian lận thuế. Đó cũng là sự thật, nhưng nói ra là xúc phạm đến những người đã chết."

Góc nhìn từ Anh

Trong các tranh luận liên quan tới nhà báo Đỗ Hùng, một số người dùng Facebook đã dẫn các quy định của BBC về sử dụng mạng xã hội mà theo đó các nhà báo BBC không được "nêu ý kiến riêng về các vấn đề chính trị" hay các vấn đề khác mà trách nhiệm của một nhà báo BBC không cho phép nêu ra.
Tuy nhiên có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu so báo Thanh Niên với các tờ báo ở Anh, vốn có những tờ thiên tả và những tờ thiên hữu, chứ không bắt buộc phải có quan điểm "trung dung" như cơ quan có nguồn ngân sách từ lệ phí truyền hình thu từ dân và cũng dùng tài nguyên công cộng như sóng phát thanh và truyền hình.
Image captionThẻ nhà báo ở Anh do một tổ chức tình nguyện, không liên quan tới chính quyền, cấp
Chẳng hạn báo Independent của Anh khi viết về cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay ở châu Âu đã có bài viết với tít "Anh không có chỗ cho người tị nạn? Thế những phòng này thì sao?" kèm theo ảnh và dòng tin trên Facebook "Đây là nhà nghỉ ở nông thôn của ngoại trưởng Philip Hammond. Nhà 115 phòng."
Tờ The Guardian thường có quan điểm ủng hộ BBC mỗi khi chính quyền tìm cách giảm ngân sách hay chỉ trích BBC nói chung trong khi Daily Mail có quan điểm ngược lại.
Cũng phải nói thêm những nhà báo BBC tham gia nghiệp đoàn có lựa chọn giữa thẻ nhà báo thông qua BBC hay thông qua nghiệp đoàn báo chí NUJ.
Cả BBC hay nghiệp đoàn sẽ đều đề nghị tổ chức không do chính phủ kiểm soát,UK Press Card Authority, cấp và chính quyền hoàn toàn không tham gia vào chuyện cấp thẻ nhà báo cho báo giới.
Điều kiện để được cấp thẻ báo chí chỉ là "có hầu hết hay toàn bộ thu nhập từ nghề báo".
Liên quan tới trường hợp của blogger Lê Diễn Đức, BBC đã gọi điện thoại tới người phụ trách RFA nhưng hiện chưa liên hệ được để lấy phản hồi trực tiếp.
Trong lần trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt hồi tháng Hai năm ngoái, Tổng Giám đốc RFA Libby Liu nói Đài Á châu Tự do đăng tải những thông tin mà chính quyền Việt Nam không cho phép xuất hiện ở trong nước.
Bà nói nếu "dòng chảy tự do thông tin" không bị ngăn thì RFA sẽ không có lý do để đưa những tin tức như hiện tại.
Còn về trường hợp cụ thể liên quan tới blogger Lê Diễn Đức, RFA cũng có thông báo trên Facebookmà theo đó:
"Đoạn viết của nhà báo Lê Diễn Đức công khai nhận định chủ quan về những người lính Việt Nam Cộng hòa, và quy chụp những người có tư tưởng, suy nghĩ và hành động riêng là “lừa gạt bà con Hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền” mà không có bằng chứng chứng minh. Từ đó gây ra mâu thuẫn, chia rẽ trong cộng đồng người Việt trong nước và Hải ngoại.
"Đối với các vấn đề lịch sử, chúng ta cần có góc nhìn khách quan, không thiên kiến và tôn trọng cả hai bên của cuộc chiến, dù thành hay bại, nhằm mục tiêu xa nhất là xóa bỏ hận thù, hòa hợp, hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó là một trong những mục tiêu, nguyên tắc của RFA.
"Do đó, trong các bài viết, RFA Việt ngữ dù có nói đến vấn đề lịch sử cũng đều cố gắng nói về hiện tại và tương lai. Những vấn đề hiện tại là hậu quả của quá khứ, chúng ta cần biết để khắc phục, hoàn thiện cho tương lai, chứ không phải bới móc, quy chụp mà không chứng minh."