Wednesday, March 25, 2015

Cảnh giác: Hàng loạt vụ học sinh, sinh viên mất tích bí ẩn

An Khương (tổng hợp) - Thứ Năm, ngày 26/3/2015 - 11:19
(PLO) – Tính từ đầu năm 2015 đến nay, hàng loạt các vụ mất tích xảy ra trên cả nước. Đáng nói là đối tượng mất tích đều là những học sinh, sinh viên tuổi còn nhỏ nên khả năng xảy ra chuyện không hay với các em là rất lớn.
Những thiếu nữ ngoan hiền đột nhiên mất tích
Em Đỗ Ngọc A. (16 tuổi) trú tại tổ 14, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội là một cô bé khá xinh xắn, học hết lớp 6 thì bỏ học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Hôm xảy ra vụ việc (29-1), Ngọc A. đi sửa quần áo và đón cháu đang học lớp 3, cách nhà gần 1km nhưng A. đã biến mất, không dấu vết trước khi đón cháu nhỏ. Nhiều người kể thấy cô bé chở phía sau xe đạp một người đàn ông lạ mặt qua ngã 3 gần nhà rồi biến mất.
Theo thông tin từ Công an phường Thạch Bàn, nhân chứng thấy cô bé và người đàn ông này cười đùa nên loại trừ khả năng bắt cóc tống tiền. Từ trước đến nay Ngọc A. chưa bao giờ đi ra khỏi nhà quá 20 phút, không đi chơi tối, do đó, việc cô mất tích là điều vô cùng sốc với gia đình.

 Em Đỗ Ngọc A. lúc còn ở nhà
Các bé trai cũng không tránh khỏi nguy hiểm
Cũng trong tháng 3, Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ Nguyễn Vũ Thiện (36 tuổi, quê tỉnh Quãng Ngãi), giải cứu hai bé trai Trịnh Văn Tài (học lớp 7 trường THCS Quang Trung) và Nguyễn Đức Ninh (học lớp 5, trường tiểu học Trần Quốc Toản, cùng xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức).
Hai bé trai này bặt vô âm tín trong suốt 3 tuần liền. Nhận tin báo từ gia đình, Công an huyện Châu Đức đã vào cuộc điều tra. Đến ngày 18-3, từ nguồn tin của quần chúng, công an phát hiện Thiện và hai em Tài, Ninh đang sống trong một căn nhà trọ trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Qua khai thác thông tin, một năm trước Thiện cũng đã “dắt” một bé trai khác là Nguyễn Văn Phúc (14 tuổi, trẻ mồ côi sống tại trung tâm nhân đạo Làng Tre, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đi khỏi nhà đến này chưa về.

Đối tượng Nguyễn Vũ Thiện  
Trong khi vụ việc chưa kịp lắng xuống thì tối 25-3, chị Trần Thị Sâm (42 tuổi, quê Hà Tĩnh, tạm trú phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hớt hải đến công an trình báo con trai chị, cháu Trần Vương (10 tuổi, học sinh trường Võ Thị Sáu, xã An Hòa, TP Biên Hòa) cùng bạn là Trần Đình Chiến (12 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân) đã mất tích ba ngày liền, không rõ tin tức.
Theo lời chị Sâm kể, khoảng 16 giờ 30 ngày 22-3, chị đi làm về nhà trọ thì phát hiện con trai không có ở nhà. Chị Sâm cùng mọi người cuống cuồng đi tìm nhưng đến khuya vẫn không thấy. Được biết hằng ngày đi học về Vương thường đi lượm ve chai quanh khu vực khu phố 1, phường Long Bình Tân. Ngày xảy ra vụ việc Vương đi chiếc xe đạp mini màu tím cà, mặc bộ đồ đá banh màu xanh nhạt, mang áo số 10.
Tìm lại được ở nơi cách nhà nhiều km
Chỉ riêng trong tháng 3 có ít nhất hai vụ trẻ em cấp 2 mất tích, một em lớp 8 ngụ Đồng Nai, một em lớp 6 ngụ thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). May mắn là trong cả hai vụ này, gia đình đều tìm được các em trở về.
Như trường hợp bé Trần Lê Hồng N, đang học lớp 6 trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo - TP Nha Trang. Theo lời kể của ông Trần Ngọc Quang (cha bé N.), từ đêm 9-3 không thấy N. về nhà nên gia đình đã đi tìm và dò hỏi khắp nơi về tung tích bé gái. Đến trưa 10-3, nhận tin có người nhìn thấy tốp thanh niên đưa bé lên ô tô đi theo hướng các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phát hiện chiếc mũ của cháu N tại nơi ở một cô gái gần nhà, gia đình đã tìm cách tra hỏi, đưa nghi can này lên trụ sở công an phường.

 Người dân hiếu kỳ vây quanh trụ sở công an phường
Sau đó, lại có nguồn tin người dân nhìn thấy có hai cô gái (nhà ở Chụt, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) đã đưa bé N. ra bến xe lên ô tô đi Buôn Hồ (Đăk Lăk), 17 giờ ngày 10-3, gia đình bé N đã thuê tắc xi đuổi theo. N. được gia đình giải cứu khi đang bị giữ tại một khách sạn tại Buôn Hồ. 
Một trường hợp khác, bé gái C.T (8 tuổi) ngụ ở Đồng Nai sau 12 ngày mất tích đã được tìm thấy ở bến xe Chợ Lớn (TP.HCM) vào ngày 25-3.
Theo trình báo của bà V. L (khu phố 5, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai) - mẹ của bé C.T: “Trưa 13-3, cháu đi học rồi không thấy về. Khi đi T mặc quần thun dài, áo thun trắng cổ tay in viền xanh, nói là sang nhà bạn thay đồ rồi đi học luôn”. Bạn thân của T. cho biết em này từng khoe có một người đàn ông ở Bình Chánh ngỏ ý yêu thích và “dụ” em lên thành phố. Trước khi mất tích, e T. có mượn tiền của bạn nhưng bạn bè không rõ em đi đâu.
Suốt 10 ngày liền, gia đình đã liên tục liên lạc vào số điện thoại T. nhưng không ai nghe máy. Cho đến ngày 25-3, người nhà tìm được T. ở bến xe trong tình trạng tâm lý không ổn định.
Trở về nhà trong khủng hoảng
Thông tin về hai vụ nữ sinh đại học liên tiếp mất tích chỉ cách nhau vài ngày khiến dư luận xôn xao, lo ngại. Nơi xảy ra vụ việc là ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nơi các em đang theo học.
Nữ sinh Nguyễn Thị Diễm My (22 tuổi, quê Phú Yên) mất tích từ ngày 19-3 trên đường đi đến Trường CĐ Bách Việt để nhận giấy giới thiệu thực tập rồi không thấy trở về nhà. My là con út trong gia đình, ở cùng với anh cả là Nguyễn Bá Giang (quận Phú Nhuận, TP HCM) để học. Ngay sau khi My mất tích, gia đình đã tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, anh trai thứ hai của My đăng tải thông tin lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng giúp sức.

 Gia đình Diễm My còn chưa hết bàng hoàng
Điểm kỳ lạ trong vụ việc này là trong thời gian từ 8h30 sáng đến 9h ngày 19-3, My có mặt tại trường. Sau đó, từ khoảng 9h đến 9h30 hai lần My dùng điện thoại nhá máy về cho người thân nhưng khi người nhà gọi lại thì máy đã lập tức bị khóa.
Qua nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng anh trai của My nhận được điện thoại từ một người lạ, cho biết nhìn thấy cô gái giống My đang ngồi tại một quán nước tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, vẻ mệt mỏi, không tỉnh táo. Anh Nguyễn Bá Châu (anh trai My) kể lại: “Tôi lập tức chạy xe đến và nhận ra ngay em mình. My trông rất hốc hác, ủ rũ, tinh thần không được ổn định, không biết cả đường để về nhà, vì sao đến được đây. Hỏi gì em cũng không nói. Nhận ra tôi, My chỉ biết chạy đến ôm tôi mà khóc. Rồi cả 2 anh em cùng khóc”. Cho đến hôm nay, sức khỏe và tinh thần của My vẫn chưa hồi phục, gia đình muốn giữ cho em yên tĩnh nên đã tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài.  
Và những số phận ra đi mãi mãi
Không được may mắn như Diễm My, thi thể của nữ sinh năm cuối trường ĐH Kinh tế TP.HCM Lê Thị Hà Phương (22 tuổi, quê Đắk Lắk) mất tích từ sáng 13-3 vừa được tìm thấy tại hồ Đá, làng Đại học Thủ Đức (Dĩ An, Bình Dương). Nguyên nhân tử vong ban đầu xác định là do ngạt nước. 

 Nữ sinh Hà Phương tử vong bí ẩn tại hồ Đá, làng đại học 
Hà Phương mất tích trên đường đi từ nhà trọ tại quận 5, TP.HCM đến thực tập tại một công ty trụ sở ở thị xã Bình Dương. Theo bà Phan Thị Quyên (mẹ của Phương), trưa 13/3, Phương đi làm bằng xe buýt, đến tối cùng ngày, bạn ở phòng trọ không thấy Phương về nên đã báo với gia đình.
Sau 13 ngày không tìm ra tung tích Phương, chiều tối 25-3, Công an huyện Dĩ An, Bình Dương đã xác nhận dấu vân tay của một nữ sinh chết đuối tại hồ Đá, làng Đại học. 
Trường hợp của em Ngô Ngọc Phút (8 tuổi, học sinh lớp 2, Trường tiểu học Bình Mỹ 2, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM) càng khiến người ta bàng hoàng, đau xót.
Nguyên nhân tử vong của em Ngô Ngọc Phút vẫn đang được điều tra
Em Phút mất tích sau giờ tan học từ ngày 26-1. Cha em, ông Nguyễn Hữu Hạnh và người thân đã tỏa ra khắp nơi, tìm đủ mọi cách ròng rã kiếm tìm trong suốt hai tháng từ Bình Dương, Bình Phước, rồi Sài Gòn đến các tỉnh miền tây và về tận Cà Mau… nhưng vẫn vô vọng.
Mãi đến ngày 19-3, cảnh sát Campuchia phát hiện một thi thể vé gái mặc đồng phục học sinh tại khu vực gần biên giới thuộc tỉnh Svay Riêng (Campuchia) đang trong tình trạng đã bị phân hủy nặng. Bên cạnh còn có cặp sách học sinh, trên tập vở còn có tên cháu Phút nên công an Campuchia đã nhanh chóng liên lạc với công an và chính quyền xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (huyện Gò Dầu) để phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của em Phút.
*
*                  *
Những vụ việc mất tích luôn gây lo âu và phẫn nộ trong dư luận vì sự bí ẩn và nguy hiểm của nó. Đặc biệt, khi đối tượng gặp nạn là những em nhỏ, thanh-thiếu niên càng khiến cho các bậc phụ huynh, gia đình và nhà trường không khỏi hoang mang, sợ hãi. Nếu may mắn được tìm thấy, các em cũng bị những chấn thương tâm lý khó hồi phục; chẳng may hậu quả nghiêm trọng hơn thì sẽ là nỗi đau dai dẳng, giằng xé mãi về sau trong lòng người ở lại.
Qua những vụ việc mất tích bí ẩn, đau lòng này, bạn đọc Khanh Nguyencũng có ý kiến gửi gắm đến mọi người thông qua PLO: "Các bậc làm cha, mẹ và thầy cô giáo lưu ý dạy kỹ năng sống cho con em khi rời khỏi gia đình, nhà trường, nhất là các bé gái, mục tiêu chính của bọn tội phạm để hạn chế rủi ro thiệt hại nhân mạng: 1/ Không giao du qua lại với loại người không rõ nguồn gốc, có lịch sử bất hảo; 2/ Đi đến đâu, làm gì, thời gian, quan hệ với ai phải báo trước cho gia đình, người thân biết rõ; 3/ Đánh giá lại các mối quan hệ tốt, xấu đang có và sắp đến để tránh rơi vào bẫy săn người; 4/ Không tin, không nghe và không làm theo những lời chiêu dụ ngọt ngào hấp dẫn mà bọn tội phạm thường giăng bẫy trên mạng FB, trên báo đài, hãy ý thức tin vào chính mình, bình tĩnh tự chủ xử lý tình huống xấu khi có xảy ra, không hoảng loạn, mất tinh thần, sợ hãi vì đó cũng là nguyên nhân đưa đến bi kịch kết thúc cuộc đời". 
An Khương (tổng hợp)

Sốc với chuyện cổ tích Nàng tiên út xúi con giết ông ngoại (!)

HOÀNG THƠ - VIẾT THỊNH/ Ảnh: Hoàng Thơ - Thứ Năm, ngày 26/3/2015 - 10:34
(PLO) - Tôi ghé hiệu sách mua cho cháu gái cuốn ‘100 Truyện cổ tích đặc sắc’ của Nhà xuất bản văn học. Sau khi đọc qua tôi thấy một số nội dung trong sách không hợp lý, và có những chi tiết vô lý thể hiện các hành vi vi phạm đạo đức xã hội.
Bìa cuốn sách 100 truyện cổ đặc sắc 
Ví dụ câu chuyện Nàng tiên út trong tập sách này. Truyện kể về một vị Ngọc Hoàng có 7 người con gái, trong đó cô con út sống chung với một chàng trai mồ côi dưới hạ giới và sinh được hai đứa con trai. Ngọc Hoàng không yêu thương hai anh em mà luôn tìm cách hãm hại họ. Hai anh em về kể với mẹ (nàng tiên út), nàng đã chỉ cho các con của mình cách để giết chết ông ngoại của chúng.
“… nghe vậy ông sẽ chui vào trống. Lúc đó các con bịt hết các lỗ thủng ở trống lại rồi gõ thật mạnh khi nào thấy trong trống không động cựa rồi hãy mở ra. Nếu thấy ông chết thì đừng nói gì với mẹ”.

 Một số chi tiết để thấy nàng tiên út đã cố ý và xúi dục các con có những hành vi giết người và còn chỉ ra rất cụ thể phải giết ông ngoại như thế nào 
Có thể có nhiều bạn không đồng ý với quan điểm của tôi nhưng tôi tự hỏi, khi trẻ em đọc những dòng chữ như vậy chúng sẽ nghĩ gì, tôi thiết nghĩ chúng cũng sẽ đồng ý với nhân vật trong truyện là ác giả ác báo, Ngọc Hoàng gây ra nhiều điều ác với họ nên xứng đáng bị trừng trị chăng? Ngọc Hoàng là đấng tối cao, đâu phải nói giết là giết được, hơn nữa hậu quả của việc giết người cũng không được nhắc đến. Cứ như thể khẳng định rằng việc làm của hai anh em là đúng, là hợp với lẽ tự nhiên.
 Chưa kể đến việc Ngọc Hoàng chính là ông ngoại của hai anh em, nàng tiên út lại xúi hai con giết chết ông ngoại mình. Không lẽ không còn cách giải quyết nào khác ngoài việc phải giết người? Tính nhân văn, tình yêu thương máu mủ ruột rà lẽ nào không giáo dục được các em? Hơn thế nữa sau khi ông ngoại chết, hai anh em cũng không có biểu hiện hối hận hay ăn năn gì về hành động của mình.
Ngoài ra trong truyện cũng có những chi tiết rất man rợ khi hai anh em giết mụ phù thủy được miêu tả “mụ bị lưỡi dao bôi cứt gà sáp chém một nhát đầu lìa khỏi cổ chết luôn”. Tôi nghĩ có cần phải sáng tạo đến mức như thế không, những hình ảnh như vậy sẽ rất dễ lưu lại trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, chúng sẽ không thấy được tác hại của những việc mình đã gây ra mà ngược lại, những hình ảnh, chi tiết đó chẳng khác gì hướng dẫn cho các em làm theo.

 Những chi tiết rất man rợ khi hai anh em giết mụ phù thủy được tác giả miêu tả tỉ mỉ 
Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng tôi tin chắc rằng còn rất nhiều câu chuyện có những yếu tố rất bạo lực như vậy. Không ai muốn con cháu mình học những điều như thế, tôi chỉ mong rằng những người làm văn, biên soạn sách cần cân nhắc, tỉ mỉ hơn nữa trong việc lựa chọn tác phẩm để in sách.

Ngay khi tiếp nhận cuốn sách này từ bạn đọc, PV Pháp luật TP.HCM đã liên hệ với bà La Kim Liên, Phó giám đốc NXB Văn Học để xác nhận thông tin. Theo thông tin trên cuốn sách, sách này là sản phẩm do NXB Văn Học và nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản.
Bà Liên cho rằng, đây đúng là sách liên kết và hiện NXB vẫn thực hiện liên kết xuất bản với các đối tác. Tuy nhiên theo bà Liên, xã hội bắt đầu soi vào những tình tiết mà bấy lâu họ không để ý. “Do là sách tái bản nên đôi khi, NXB phải thuân thủ theo bản sách cũ, tình tiết đó bấy lâu xã hội không để ý nên coi như đã thông qua. Đó là chuyện cổ tích nên có dị bản, theo quan điểm kể của người xưa,  tác giả chỉ cắt bớt, chứ không bao giờ thêm vào”, bà Liên nói. Ghi nhận phản ánh của độc giả, tuy nhiên bà La Kim Liên cũng bày tỏ, nếu in sách bây giờ chỉnh sửa theo quan điểm hiện đại thì lại là vấn đề cần bàn luận về mặt khoa học.

HOÀNG THƠ - VIẾT THỊNH/ Ảnh: Hoàng Thơ 

Phát hiện voi rừng chết bị lột da, cắt đế chân

ĐẠI DŨNG - Thứ Tư, ngày 25/3/2015 - 11:11
(PLO) - Con voi bị chết ước nặng khoảng 1 tạ trong tình trạng bị lột một phần da trên cơ thể, 4 chân bị cắt lấy đi phần đế và một đoạn đuôi cũng bị cắt mất. 

Ngày 25-3, ông Phạm Văn Lãng – Phó Giám Đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa nhận được tin báo phát hiện một con voi rừng con bị chết tại huyện Ea H’leo và đang cử cán bộ xuống hiện trường để nắm bắt thông tin, điều tra nguyên nhân voi chết.

 Con voi chết trong tình trạng bị lột một mảng da, bị cắt mất đuôi và bốn đế chân. Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp.
 Thông tin ban đầu, con voi bị chết được người dân phát hiện vào chiều 24-3 tại tiểu khu 71B thuộc Công ty Lâm nghiệp Ea Wy, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo. Con voi bị chết ước nặng khoảng 1 tạ; chết trong tình trạng bị lột một phần da trên cơ thể, 4 chân bị cắt lấy đi phần đế và một đoạn đuôi cũng bị cắt mất.
Thông tin từ người dân quanh khu vực phát hiện voi chết, sáng ngày 24-3, có một đàn voi khoảng 20 con về khu vực rừng ở xã Cư Amung tìm kiếm thức ăn. Do đàn voi đông và hung dữ nên người dân không ai dám lại gần. Khi đàn voi bỏ đi, người dân đến hiện trường thì phát hiện xác voi nếu báo cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng huyện Ea H’leo đã vào khám nghiệm hiện trường, ghi nhận trên cơ thể voi con bị chết có một vết thương lớn giống bàn chân voi trưởng thành dẫm lên. Theo nhận định, rất có thể voi con trong lúc kiếm ăn đã bị voi trưởng thành trong đàn dẫm chết.
Nguyên nhân voi chết, bị lóc da, cắt chân, đuôi đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. 

ĐẠI DŨNG

Dự án ‘khủng’ Formosa

  HUY HÀ - Thứ Năm, ngày 26/3/2015 - 08:31
(PLO) - Tính đến tháng 12-2014, có tổng cộng khoảng 40.000 lao động đang làm việc tại dự án Formosa.

Phối cảnh tổ hợp cảng biển và luyện thép Formosa tại Hà Tĩnh
Dự án Formosa là tổ hợp dự án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW, trong đó quy mô nhà máy thép giai đoạn 1 đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm.
Formosa đã cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm, có 13 cầu cảng đi vào hoạt động và năm 2017 sẽ hoàn chỉnh 32 cầu cảng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất khẩu thành phẩm của nhà máy gang thép này.

 Dự án được khởi công từ năm 2008, nhiều hạng mục đang được xây dựng
Dự án có tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương), tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Để phục vụ cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với gần 3.000 hộ thuộc 9 xã của huyện Kỳ Anh.
Tính đến tháng 12-2014, có tổng cộng khoảng 40.000 lao động đang làm việc tại dự án Formosa.

 Dự án huy động hàng chục ngàn lao động
Hiện nay các lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm, đưa những người bị mắc kẹt ra ngoài. Có khoảng 500 cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an, công nhân, các lực lượng khác đang khoan, cắt và dùng cần cẩu cẩu các thanh sắt của giàn giáo ra khỏi hiện trường. 5 xe cấp cứu và đội ngũ y bác sĩ luôn túc trực để sẵn sàng đưa nạn nhân đi cấp cứu.

HUY HÀ

Máy bay gặp sự cố, Tân Sơn Nhất đóng cửa đường băng gần 1 tiếng

Dân trí Sự việc xảy ra tối qua (25/3), khi chiếc Airbus 320 của Vietjet Air cất cánh từ Đà Nẵng đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM, do hệ thống phanh bị kẹt nên máy bay phải nằm lại trên đường băng chờ cứu hộ.

Máy bay gặp sự cố, Tân Sơn Nhất đóng cửa đường băng gần 1 tiếng
Máy bay Vietjet Air kẹt phanh khiến nhiều máy bay khác phải bay chờ trên trời để chờ hạ cánh. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, chuyến bay mang số hiệu VJ117 của Vietjet Air chở theo 173 hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h30, nhưng hệ thống phanh bị kẹt nên máy bay không thể di chuyển vào sân đỗ.

Cơ trưởng của chuyến bay VJ117 đã thông báo cho Cảng hàng không Tân Sơn Nhất về sự cố và cho máy bay nằm lại trên đường băng để chờ cứu hộ.

Một chiếc xe chuyên dụng đã được điều ra đường băng để kéo máy bay vào bãi đỗ. Hành khách trên máy bay được giải thích về sự cố để cùng hợp tác với hãng và cơ quan khai thác cảng.

Trong thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ, Tân Sơn Nhất buộc phải đóng cửa đường băng để xử lý sự cố. Theo đó, các chuyến bay chuẩn bị hạ cánh phải chuyển sang phương án bay chờ ở trên trời, các chuyến bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất cũng phải lùi giờ khởi hành.

Đến 21h40, chiếc Airbus 320 của Vietjet Air đã được kéo vào tới sân đỗ an toàn, 173 hành khách được đưa xuống máy bay vào nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo cơ quan có trách nhiệm, đây không phải là sự cố hàng không hy hữu, trước đó đã từng có những trường hợp máy bay cũng phải nằm lại trên đường băng và sử dụng xe chuyên dụng kéo vào sân đỗ.

Hiện vụ việc đã được Vietjet Air báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam.

Châu Như Quỳnh

Trực thăng rơi gãy đôi tại đảo Phú Quý, nhiều người bị thương

PHƯƠNG NAM - Thứ Năm, ngày 26/3/2015 - 09:59
(PLO) - 9g30 ngày 26/3, một nguồn tin cho biết một chiếc máy bay trực thăng MI8 đã bị rơi tại đảo Phú Qúy (Bình Thuận) khiến phi công bị thương.
Trên máy bay ngoài phi công còn có tám hành khách. Khi máy bay hạ độ cao để chuẩn bị hạ càng đáp xuống sân bay Phú Qúy thuộc xã Ngũ Phụng thì bất ngờ gặp sự cố kỹ thuật.

Ảnh hiện trường máy bay rơi.
Đông đảo người dân đến hiện trường xem máy bay rơi.

Theo mô tả của những người chứng kiến chiếc máy bay chuẩn bị đáp có tiếng nổ rất to so với bình thường.

Khi chuẩn bị tiếp đất, chiếc máy bay bị nghiêng, cánh quạt xoay tít khiến bụi khói tung mù mịt.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện đảo Phú Qúy đã điều xe chữa cháy đến sân bay để khống chế ngọn lửa không để xảy ra cháy nổ.

Lực lượng cứu hộ đang tiếp cận máy bay rơi.
Tại hiện trường phần đuôi bị gãy nằm cách xa thân khoảng 30 m, nằm phơi bụng. Có hai mảnh vỡ văng vào nhà dân gần đó làm vỡ kính nhà.

Hiện đã xác định phi công chính bị gãy chân và có ba người ngồi trên máy bay chỉ bị xây xát nhẹ và tất cả đang được cấp cứu tại Bệnh viện Dân Quân y huyện đảo Phú Qúy.

PLO tiếp tục cập nhật. 

PHƯƠNG NAM

Tàu Quê Hương 2 chở hơn 70 người lại trôi dạt trên biển

PHƯƠNG NAM - Thứ Năm, ngày 26/3/2015 - 08:07
(PLO) - Rạng sáng hôm nay 26/3, tàu Quê Hương 2 chạy tuyến Phan Thiết-Phú Quý chở 73 hành khách đã cập cảng Phú Quý an toàn sau khi gặp sự cố ngoài khơi, phát tín hiệu cấp cứu và được hỗ trợ.
Rạng sáng hôm nay 26/3, tàu Quê Hương 2 chạy tuyến Phan Thiết-Phú Qúy chở 73 hành khách đã cập cảng Phú Qúy an toàn sau khi gặp sự cố ngoài khơi, phát tín hiệu cấp cứu và được hỗ trợ.
Rạng sáng hôm nay 26/3, tàu Quê Hương 2 chạy tuyến Phan Thiết-Phú Qúy chở 73 hành khách đã cập cảng Phú Qúy an toàn sau khi gặp sự cố ngoài khơi, phát tín hiệu cấp cứu và được hỗ tr
Trước đó, lúc 13 giờ ngày 25/3 , tàu Quê Hương 2 rời cảng Phan Thiết khởi hành đi đảo Phú Quý. Ngoài 73 hành khách, thủy thủ đoàn có sáu người và tàu chở thêm 40 tấn  hàng. 
Khoảng 19g ngày 25/3 khi cách đảo Phú Quý khoảng 25 hải lý, tàu gặp sự cố máy chính và bị trôi dạt trên biển. Lập tức sĩ quan boong tàu đã liên lạc khẩn cấp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận nhờ giúp đỡ. Đơn vị này đã điều động tàu Phú Quý và tàu Tân Tiến 1 đang neo đậu tại cảng Phú Quý ra hỗ trợ, lai dắt tàu Quê Hương 2 về đảo Phú Quý.
Đây là lần thứ hai trong năm 2015, tàu Quê Hương 2 bị sự cố hỏng máy, trôi dạt trên biển khi đang chở khách từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý. Trước đó, ngày 10-1, tàu Quê Hương 2 chở hơn 100 hành khách cùng với 40 tấn hàng từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý thì bị hỏng máy, trôi dạt trên biển hơn 10 giờ đồng hồ.                           
 PHƯƠNG NAM

Bị dọa cắt điện, cúp nước, Việt kiều Bỉ uất ức, rồi chết

BÌNH THUẬN (NV) - Bị ban quản lý khu biệt thự buộc phải mua điện, nước với giá cao, chi phí quản lý tăng, nhưng không làm gì được lại còn bị hăm dọa cắt điện, cúp nước, một Việt kiều Bỉ uất ức ngất xỉu rồi thiệt mạng.


Ông N. bị ngất xỉu tại công an phường Phú Hài và được lực lượng công an đưa đến bệnh viện cấp cứu. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Tin từ tờ Pháp Luật Sài Gòn, ngày 24 tháng 3, công an thành phố Phan Thiết đã đưa thi thể ông TNN vào phòng lạnh của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận để bảo quản, chờ người thân từ vương quốc Bỉ về nước.

Trước đó, ngày 23 tháng 3, tại trụ sở công an phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, chính quyền địa phương tổ chức đối thoại giữa công ty Minh Thành, chủ đầu tư và một số cư dân mua nhà trong khu biệt thự Mũi Né Domaine về việc cư dân phản ánh phải mua điện, nước với giá cao, phí quản lý liên tục tăng.


Theo phúc trình của cư dân, từ 2013 đến nay công ty Minh Thành đã hai lần thành lập ban tự quản và ban đại diện trái quy định; bán điện, nước với giá gấp đôi so với giá quy định của nhà nước; tăng phí quản lý hằng tháng lên gấp đôi...

Trả lời tờ Pháp Luật Sài Gòn, ông Hoàng Công Minh, chủ tịch phường Phú Hài cho biết, kết thúc cuộc đối thoại hai bên vẫn không thống nhất về phí quản lý và giá bán điện, nước. Phía công ty Minh Thành vẫn giữ nguyên quan điểm và dọa sẽ cúp điện, cúp nước những nhà không đóng tiền ngay trong chiều cùng ngày.

Ngay sau đó, công ty Minh Thành đã cắt điện hai căn biệt thự trong khu này và tiếp tục cử nhân viên đào cáp ngầm để cắt nước trước sự phản ứng dữ dội của các cư dân.

Thấy vậy, ông TNN, chủ một căn biệt thự tức giận đã ngất xỉu tại cuộc họp và được công an phường chuyển đến một phòng khám đa khoa tư nhân gần đó cấp cứu, nhưng đến ngày hôm sau thì chết.

Công ty Minh Thành rao giá bán biệt thự ở khu biệt thự Mũi Né Domaine từ năm 2009, với giá từ $200,000 đến $1 triệu/căn và hơn 140 biệt thự đã có người mua.

Cùng ngày, đại diện Sở Kế Hoạch-Đầu Tư tỉnh Bình Thuận cùng chính quyền địa phương đến khu biệt thự Mũi Né Domaine điều tra nhưng chưa đưa ra ý kiến gì. (Tr.N)

03-25-2015 1:49:54 PM

Giao thông ở Việt Nam trông đợi vào sự 'hên xui'

* Ba tháng gần 8,000 người thương vong

HÀ NỘI (NV) - Bình quân mỗi ngày ở Việt Nam có hơn 26 người chết, 62 người bị thương vì tai nạn giao thông. Số tiền phạt người vi phạm luật giao thông cũng mang về cho nhà cầm quyền hơn 7.1 tỷ đồng mỗi ngày.


Bình quân mỗi ngày có 26 người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam. (Hình: Thanh Niên)

Truyền thông Việt Nam dẫn phúc trình từ Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia hôm 25 tháng 3, cho hay: trong 3 tháng đầu năm 2015, tại Việt Nam đã xảy ra 5,851 vụ tai nạn giao thông làm 2,345 người chết, bị thương 5,488 người.

Theo tờ Tuổi Trẻ, đặc biệt chỉ trong tháng 3,2015, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tăng mạnh. Cụ thể, tính từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 15 tháng 3, Việt Nam xảy ra 1,744 vụ tai nạn, làm chết 778 người chết, bị thương 1,726 người. So với cùng kỳ năm 2014 tăng 169 người chết và 5 người bị thương.

Ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia cho biết, trong ba tháng đầu năm, lực lượng Cảnh Sát Giao Thông đã kiểm tra, lập biên bản 947,693 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền 616,41 tỷ đồng, tạm giữ 11,022 xe hơi, xe tải và 136,699 xe máy, tước 85,217 bằng lái xe.

Ngoài ra, cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã xử phạt 45,542 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu 23 tỷ 215 triệu đồng tiền phạt. Cả hệ thống chính trị của nhà cầm quyền CSVN từng tổ chức hội thảo, hiến kế, tham mưu... nhưng tất cả hầu như không mang lại kết quả, tai nạn giao thông vẫn cứ tiếp diễn, thậm chí gia tăng, nó không chừa bất cứ ai khi đi đường.

Dư luận chung tại Việt Nam thường nói vui một cách chua chát rằng, ở Việt Nam bây giờ mỗi khi ra đường là đem sinh mạng của mình ra đánh cược, trông đợi vào sự may rủi, hên xui. (Tr.N)


03-25-2015 2:05:28 PM

Mỹ chưa ký hợp đồng bán vũ khí nào cho Việt Nam

WASHINGTON DC (NV) .- Hoa Kỳ “chưa ký một hợp đồng nào” về bán võ khí sát thương cho Việt Nam, theo lời ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói tại “Diễn Đàn Việt Nam” ở Washington DC hôm 24 tháng Ba, 2015.

 
Một kiểu tàu tuần nhỏ thuộc lớp Defiant 140 do công ty Metal Shark ở Louisiana sản xuất mà Jane's Defense nói Mỹ có thể cung cấp cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. (Hình: Metal Shark)

Ngày 24 tháng 3, 2015, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC. tổ chức một cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam với đại sứ hai bên là diễn giả chính và với sự tham dự của một số chuyên viên và khách mời.

Trong phần hỏi đáp giữa các diễn giả với cử tọa, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, cho hay tới nay, “chưa có hợp đồng nào được ký kết” để bán võ khí cho Việt Nam. Theo ông, sự chậm chạp của vấn đề, một phần vì thủ tục mà Việt Nam không quen thuộc.

Nhân dịp này, khi được cử tọa hỏi về vấn đề gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, ông Osius cho hay nó còn tùy thuộc vào sự tiến bộ nhân quyền tại Việt nam. Ông Phạm Quang Vinh, đại sứ CSVN tại Mỹ thì mong muốn Mỹ 'tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương nay đã là 20 năm hai nước thiết lập bang giao.'

Lời phát biểu của đại sứ Ted Osius khác hẳn lời xác nhận của ông Puneet Talwar, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, ngày 4 tháng 2, 2015, nói với đài VOA rằng Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam một số tàu tuần tra biển theo một thỏa tuận mà ngoại trưởng John Kerry loan báo cuối năm 2013 khi đến Hà Nội, trong gói viện trợ 18 triệu đô la.

Tại cuộc họp báo ngày 6 tháng 3, 2015 tại Hà Nội, thiếu tá Lý V. Thắng, một sĩ quan Lục quân Mỹ, Trưởng Văn phòng Hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho hay một số viên chức Cảnh sát biển của Việt Nam đang được huấn luyện tại Hoa Kỳ về tuần tra biển với tàu cao tốc.

Theo lời ông Thắng cho hay các sĩ quan Cảnh sát biển của Việt Nam còn được học cả sử dụng cũng như bảo dưỡng “các xuồng cao tốc” để khi về Việt Nam sẽ huấn luyện lại cho người khác. Thêm nữa, phía Hoa Kỳ còn trao luôn các phụ tùng và các trang thiết bị thay thế và giúp Việt Nam lập xưởng sửa chữa theo một chương trình yểm trợ “trọn gói” lâu dài.

Dù vậy, đến nay không ai biết những tàu tuần tra cao tốc hay xuồng máy cao tốc đó thuộc loại nào, công ty nào sản xuất, trị giá bao nhiêu, cũ hay mới, lớn nhỏ ra sao, có được trang bị võ khí nào không hay phía Việt Nam phải tự lo lấy khoản này.

Mới đây, ngày 18 tháng 3, 2015, một bản tin trên tạp chí an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense tiết lộ theo nguồn tin từ một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam (VCG) sẽ nhận 6 tàu tuần tra tốc độ cao lớp Defiant do Công ty Metal Shark (tiểu bang Louisiana) chế tạo nhằm nâng cao khả năng bảo đảm an ninh hàng hải của Việt Nam.

Hãng Metal Shark sản xuất các loại tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ và xuồng cao tốc cho quân đội Hoa Kỳ cho nhiều hoạt động khác nhau. Một số kiểu tàu lớp Defiant mà công ty này sản xuất mua mẫu từ công ty đóng tàu Damen của Hòa Lan, tương tự như mẫu công ty Sông Thu ở Đà Nẵng sản xuất cùng nguồn gốc.

Lời nói của đại sứ Ted Osius trong cuộc hội thảo nói trên hé lộ cho thấy, thủ tục bán hay cung cấp trang bị an ninh quốc phòng cho nước ngoài của Hoa Kỳ phải qua sự chuẩn y của Quốc hội. Không ít nghị sĩ, dân biểu Mỹ chống lại quyết định bán trang bị an ninh quốc phòng cho Việt Nam khi nhân quyền vẫn không có gì tiến bộ đáng kể mà ông Osius nhìn nhận trong cuộc hội thảo là vấn đề thảo luận gay go nhất giữa hai nước.

Trong cuộc hội thảo nói trên của tổ chức CSIS, ông Phạm Quang Vinh phủ nhận nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền cũng như không có tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Đây là luận điệu quen thuộc của viên chức Việt Nam mà ai cũng biết chỉ là sự dối trá.


Mục sư Nguyễn Hồng Quang bị an ninh Việt Nam đánh đổ máu tại Bình Dương buổi sáng 25/3/2015. (Hình: Facebook)

Để tạo áp lực tiến bộ nhân quyền hơn tại Việt Nam, Đại sứ Osius cho hay Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam sửa đổi một số điều luật hình sự cho phù hợp với bản hiến pháp của chế độ. Hiến pháp CSVN, bản sửa đổi mới nhất công bố năm 2013, tuy công nhận các quyền căn bản của công dân nhưng Bộ Luật Hình Sự vẫn giữ những điều khoản kết án tù người dân chỉ vì người ta sử dụng các quyền đó.

Guồng máy an ninh vẫn núp bóng xã hội đen thường xuyên đánh đập, hành hung dã man tất cả những ai có các hành động mà họ thấy không rập khuôn theo nhu cầu cai trị độc tài. Trên mạng xã hội Facebook hôm Thứ Tư 25 tháng 3, 2015, người ta thấy phổ biến tấm hình mục sư Nguyễn Hồng Quang bị an ninh đánh máu me đầy mặt.

Khoảng 9 giờ 30 sáng 25 tháng 3, 2015, mục sư Nguyễn Hồng Quang cùng con trai là Nguyễn Quang Triệu đã bị công an hành hung dã man khi đến dọn dẹp nhà thờ Hội Thánh Tin Lành Mennonite Mỹ Phước, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (TN)
03-25-2015 4:00:14 PM

Giới trẻ nghĩ gì về hiệp định Geneve 1954 và hiệp định Paris 1973

Chân Như, phóng viên RFA
2015-03-25  

Ông Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại buổi ký Hiệp định Genève 1954.Photo courtesy of wikipedia

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt tròn 40 năm. Cho đến nay những ký ức và hậu quả của cuộc chiến đó vẫn chưa phai nhòa. Giới trẻ trong nước và hải ngoại có cái nhìn thế nào về câu chuyện lịch sử đau thương này và sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc trong hiện tại và tương lai? Đó chính là những điều mà tạp chí diễn đàn bạn trẻ mong muốn được truyền tải đến quý vị và các bạn cho đến hết ngày 30/4/ 2015.

Và trong kỳ này mời quý vị cùng đến với những suy nghĩa của giới trẻ về các hiệp định geneve 1954 và paris 1873. Cùng với 3 bạn khách mời, Minh Hiển, Trường Sơn và Catherine Nguyễn.

Được học những gì?

Chân Như: Khi còn đi học, các bạn được dạy những gì về Hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973? Các bạn thấy những gì được dạy đã thực sự đầy đủ hay chưa?

Catherine Nguyễn: Ngày xưa em di học, có được học về hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973. Hiệp định Geneve em được nghe giáo viên nói là do các "thế lực thù địch" chú tâm gây chia rẽ như Mỹ, Anh, Liên xô và Trung quốc Theo quan điểm của họ, họ đều nói là không nên có hiệp định Geneve 1954 và những gì mà các học sinh học dưới mái trường XHCN về 2 hiệp định này là không đầy đủ.

"Ngày xưa em di học, có được học về hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973. Hiệp định Geneve em được nghe giáo viên nói là do các "thế lực thù địch" chú tâm gây chia rẽ như Mỹ, Anh, Liên xô và Trung quốc Theo quan điểm của họ, họ đều nói là không nên có hiệp định Geneve 1954. "-Catherine Nguyễn.

Trường Sơn: Khi còn học trung học thì hai hiệp định này em được dạy nó như là thành quả của cuộc đấu tranh của ĐCSVN và nhân dân VN. Hiệp định Geneve 1954 là thành quả của ĐCSVN khi đã đánh bại thực dân Pháp ở trận Điện Biên Phủ và buộc người Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Và hiệp định paris 1973 họ cũng dùng cái mô típ giống như vậy đó là cuộc chiến mà họ gọi là Điện Biên Phủ trên không; Có nghĩa là khi người Mỹ dùng oanh tạc cơ đánh bom miền Bắc sau khi bị quân phía Bắc đánh bại buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Hai cái này là thành quả đấu tranh kiên cường của quân và dân miền Bắc em được dạy là như vậy.

Minh Hiển: Không chỉ riêng chương trình phổ thông mà ngay cả những thông tin được gọi là chính thống về các sự kiện này ở trong nước thì hiện nay vẫn không đầy đủ, thường chỉ mang tính một chiều từ những người thắng cuộc. Vì thế, những ý mà bạn Catherine và bạn Sơn đã nói rồi nên em không nhắc lại nữa em chỉ nói đến một điều: có rất nhiều yếu tố mà các thông tin chính thống không được nhắc đến ví dụ như các hiệp định Geneve nó có thực sự hứa hẹn một tương lai thống nhất đất nước Việt Nam hay không? Hay là Việt Nam chỉ là một con bài trong kế hoạch nhuộm đỏ từng phần của quốc tế CS? Hoặc là quan điểm của phía quốc gia Việt Nam như thế nào? Đấy là những vấn đề mà những chương trình chính thống không hề nhắc đến vì vậy thường các bài học lịch sử thường mất đi tính khách quan mà lẽ ra phải có.

Chân Như: Có một chi tiết khá thú vị thế này: đại diện của Quốc gia Việt Nam đã không ký vào Hiệp định Geneve năm 1954. Theo các bạn, tại sao lại có chuyện như vậy?

Trường Sơn: Theo em tìm hiểu thì em biết được chi tiết đó: đại diện của quốc gia Việt Nam đã không ký vào hiệp định Geneve 1954. Em biết rằng trước khi trận Điện Biên Phủ giữa Pháp và Việt minh xảy ra thì ở Việt Nam đã được lập lên thành một chính phủ tên là Quốc Gia Việt Nam và ban đầu đứng đầu là vua Bảo Đại và sau đó được trao lại cho ông Ngô Đình Diệm. Khi đại diện quốc gia Việt Nam đến với hội nghị Geneve 1954 thực sự không được công nhận là một bên đàm phán bởi vì trong tay họ không có thực quyền về chủ quyền cũng như về sức mạnh quân sự kinh tế. Thế nhưng nguyên nhân chính mà em được biết lý do tại sao họ không ký vào hiệp định này đó là một điều khoản khiến cho đất nước Việt Nam bị chia cắt, đó là họ sử dụng sông Bến Hải vĩ tuyến 17 để chia cắt hai vùng Nam Bắc và từ đó người dân cũng như quân cũng như những người theo hai phía này sẽ phải đi về theo phía bên mình. Có một chi tiết là đại diện của quốc gia Việt Nam đã khóc tại hội nghị này vì ông cho rằng từ đây nước Việt sẽ rơi vào một cảnh bi thảm và lịch sử đã chứng minh rằng điều lo lắng của ông là sự thật.


Ông Nguyễn Duy Trinh (giữa), đại diện Bắc Việt Nam, ký thỏa thuận ngừng bắn cuộc chiến Việt Nam, ảnh chụp ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris.

Minh Hiển: Hiệp định Geneve gồm 2 phần một là đình chỉ chiến sự trong đấy có đề khoản chia hai miền theo vĩ tuyến 17; Phần 2 là bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hoà bình ở Đông Dương trong đấy có đề cập đến giải pháp chính trị tổng tuyển cử để thống nhất đất nước thì phía quốc gia Việt Nam đã từ chối ký hiệp định này có thể hiểu theo lập trường ban đầu của phái đoàn quốc gia Việt Nam là đòi hỏi sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Rất có thể phiá quốc gia Việt Nam họ nhận thức rất rõ những kế hoạch nhuộm đỏ từng phần của quốc tế CS và họ phản đối việc chia cắt đất nước đấy. Nhưng cũng cần nên hiểu vì nếu chấp nhận hiệp định này thì phiá quốc gia Việt Nam họ sẽ gặp một cái rất là bất lợi so với phiá Bắc Việt, bởi vì sau trận Điện Biên Phủ thì uy thế của quân đội Việt Minh đang lên rất cao, miền Bắc đang sôi sục về tinh thần dành độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp. Hơn nữa, trên thực tế, dân Miền Nam ít hơn Miền Bắc- lúc đấy chừng 2 triệu người bao gồm cả dân miền Bắc di tản vô Nam. Đây cũng là yếu tố bất lợi mà phía quốc gia Việt Nam không thể không tính đến. Vì thế có những lý do đấy mà phía quốc gia Việt Nam đã không đồng ý với hiệp định Geneve năm 1954.

Vi phạm hay tuân thủ?

Chân Như: Liên quan đến Việt Nam, mục đích đầu tiên của các bản hiệp định này là nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài. Các bạn có nhận xét gì về việc thực thi các bản hiệp định của các bên? Họ vi phạm hay tuân thủ? Vi phạm hay tuân thủ như thế nào?

Catherine Nguyễn: Hiệp định Geneve quy định là các bên phải rút hết quân đội về, như là phe cộng sản tập trung về Bắc và quân đội Pháp được trao trả về miền Nam. Tuy nhiên, lúc đó phe cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng cơ hội hàng chục ngàn đảng viên chưa bị lộ danh sách đã lén cho họ nằm vùng trong Nam và chôn cất rất nhiều vũ khí. Trong số những người nằm vùng đó có Lê Duẩn, người sau năm 1975 làm tổng bí thư CSVN. Việc họ làm là đã vi phạm trắng trợn hiệp định Geneve. Còn về hiệp định Paris 1973 thì khi đó đã thỏa thuận là Mỹ và đồng minh rút quân về hết và trao quyền tự quyết cho Việt Nam thông qua bầu cử chứ không dùng vũ trang; vậy mà khi Mỹ và đồng mình vừa rút hết thì phe cộng sản bắc việt đã vâng lệnh quan thầy Nga, Tàu xé bỏ hiệp định và xua quân đánh chiếm miền Nam. Đây là điều mà dưới các trường học hiện nay học sinh không được học và biết điều này. Thắng lợi của phe cộng sản miền Bắc khi đó đang ở thế mạnh được Nga, Tàu và Đông Âu viện trợ vũ khí và quân trang tối đa trong khi miền Nam đã hoàn toàn bị cắt giảm viện trợ, cạn kiệt và không còn khả năng chiến đấu.

Minh Hiển: Em chỉ nói chung chung về vấn đề này thôi. Như đã nói ở trên người dân Việt Nam chưa khi nào tự quyết một cách độc lập về số phận của mình mà luôn nằm trong sự toan tính của các nước lớn. Vì vậy,một tinh thần thống nhất dựa trên lợi ích dân tộc và nhân dân là điều rất khó mà đạt được ngoài ra cộng với sự thiếu vắng những chế tài mà đủ khả năng kiểm soát các việc thực thi hiệp định khiến cho các bên cho dù họ đã ký vào các hiệp ước đấy rồi nhưng sau này họ vẫn luôn tìm cách thực hiện theo cách có lợi nhất cho mình hoặc ngấm ngầm vi phạm các hiệp định đấy.

"Đánh giá cá nhân của em thông qua những tài liệu em đọc được thì cách ứng xử của các bên của bản hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973 cho em có một nhận xét rằng cả hai bên đều có những sự tuân thủ cũng như vi phạm nhất định từ phía mình. "-Trường Sơn

Trường Sơn: Đánh giá cá nhân của em thông qua những tài liệu em đọc được thì cách ứng xử của các bên của bản hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973 cho em có một nhận xét rằng cả hai bên đều có những sự tuân thủ cũng như vi phạm nhất định từ phía mình. Cụ thể hơn bản hiệp định Geneve 1954 như chị Catherine đã nói rằng chính quyền Việt Minh phía Bắc đã vi phạm hiệp định này khi họ đã không rút hết người của mình về phiá Bắc. Trong bản hiệp định 54 em nói thêm là chính sự không tuân thủ của phiá Bắc đã khiến cho sự thực hiện bản hiệp định không được đảm bảo khi mà lực lượng của phía Bắc còn lại ở miền Nam còn quá lớn và chính lực lượng này về sau đã gây sự rối loạn ở trong xã hội miền Nam. Còn hiệp định Paris 1973 trước tiên miền Nam Việt Nam là VNCH là phiá tỏ ra tích cực hơn về mặt tuân thủ thế nhưng họ cũng có những động thái không tuân thủ đó là trong hiệp định paris 1973 cũng nêu rõ là hai bên phải ngừng bắn thế nhưng ở trong phiá VNCH cũng đã có những chiến dịch cụ thể để nổ súng bắn nhau. Chuyện này là có thật. Tuy nhiên, trong hiệp định paris 1973 thì một lần nữa phía Bắc là phía vi phạm trắng trợn hơn khi đã công khai xua quân để thâu tóm miền Nam chứ không chịu thực hiện theo như cam kết hiệp định paris 1973 đó là thống nhất trong hoà bình.

Chân Như: Theo các bạn, ứng xử của các bên đối với các bản hiệp định, đặc biệt là HĐ Paris năm 1973 đã ảnh hưởng thế nào tới kết quả của cuộc Chiến tranh Việt Nam năm 1975?

Catherine Nguyễn: Bản hiệp định hòa bình Paris tuy là chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng trên thực tế là văn bản khai tử VNCH vì lúc đó tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu không muốn ký vào bản hiệp định vì ổng hiểu rằng cộng sản sẽ không tôn trọng hiệp ước và có lẽ số phận của miền Nam đã được định đoạt từ hiệp định paris 1973 đó; Dựa vào đó Hoa kỳ gây sức ép buộc VNCH phải ký hiệp định để có lý do chính đáng tháo chạy khỏi miền Nam.

Trường Sơn: Nói rằng Hiệp định Paris 1973 là văn kiện khai tử Việt Nam Cộng Hoà cũng đúng. Thế nhưng nó không phải là văn bản kiên quyết để dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Lịch sử ghi nhận rằng sau năm 1973 thì quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam chỉ còn giữ lại lực lượng cố vấn mà thôi. Tuy nhiên, ở phía Bắc thì vẫn còn rất nhiều những chuyên gia quân sự cũng như là những đồng minh. Bản hiệp định Paris 1973 đã trực tiếp ảnh hưởng tới cục diện cũng như là làm thay đổi lịch sử Việt Nam rất nhiều đặc biệt là năm 1975. Bản hiệp định này đã trói chân trói tay chính quyền VNCH. mình phải sử dụng từ như vậy vì trước đó chính quyền Mỹ cũng đã có những thỏa thuận ngầm với chính quyền TQ là bộ binh Mỹ cũng như bộ binh VNCH sẽ không bao giờ được phép vượt vĩ tuyến 17. Trong khi chúng ta đều biết rằng quân đội miền Bắc Việt Nam tự do xông vào miền Nam, đó là một cái thua thiệt từ trước, thì nay bản hiệp định này lại cắt thêm một phần nữa quan trọng hơn của VNCH là họ bị mất đi đồng minh của mình trong khi phía Bắc vẫn còn nguyên 2 đồng minh to lớn đó là Liên Xô và Trung Quốc. Như vậy sự chênh lệch được thể hiện một cách rất là rõ ràng khi phiá Bắc Việt Nam với đội quân đông đảo hơn và được sự giúp sức của hai cường quốc đã tỏ ra chiếm ưu thế rõ rệt trước phía miền Nam với lúc này là đang tự mình chống chọi và trong khi đó sự viện trợ của Mỹ cũng đang bị cắt giảm một cách dần dần.

Minh Hiển: Theo em thì hiệp định 1973 đã an bài rất rõ số phận của VNCH tức là ảnh hưởng trực tiếp. Theo đánh giá cá nhân em, cho dù có không xảy ra vụ watergate hay tổng thống Nixon tái đắc cử thì ông cũng không thể nào qua mặt được quốc hội Hoa kỳ và đảng dân chủ để hậu thuẫn cho VNCH nữa bởi vì như chúng ta hình dung thì mọi tài trợ của Mỹ dành cho VNCH đều phải thông qua ngân hàng các nhà băng vân vân đều là những thứ công khai và rất dễ dàng kiểm soát. Trong khi đấy miền Bắc Việt Nam thì vẫn luôn luôn nhận được các sự ủng hộ từ Liên Xô và Trung Quốc và sự thực thi nghiêm túc hiệp định Paris năm 1973 là điều rất khó kiểm soát. Cái đấy tạo ra sự mất cân bằng giữa Mỹ và Bắc Việt. Và ngoài ra tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì mình hiểu là phong trào phản chiến lại đang rộn lên ở Mỹ và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vào cuối năm 1974 thì quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật chấm dứt viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam; đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ hoàn toàn không còn thể làm điều gì để trợ giúp miền Nam Việt Nam khi CS Bắc Việt họ vi phạm vào hiệp ước Paris nữa.

Chân Như: Nếu như thời gian quay ngược trở lại, giả sử các bên đều tuân thủ các Hiệp định, thì các bạn thử hình dung đất nước Việt Nam ngày nay sẽ ra sao?

Catherine Nguyễn: Theo em nghĩ giả sử như lúc đó 2 bên đều tôn trọng hiệp định thì có 2 khả năng xảy ra. Một là nước Việt Nam sẽ thống nhất như nước Đức. Hai là nếu các lãnh đạo miền bắc thời đó còn coi trọng cái ghế quyền lực thì nước Việt Nam sẽ giống như Triều Tiên. Tuy nhiên, theo em thì giả sử như đất nước đến nay mà vẫn còn bị chia đôi thì mình tương lai Việt Nam vẫn sẽ thống nhất như nước Đức chứ phe miền Bắc không thể dùng chiến tranh vũ trang để thống nhất được nữa.

Minh Hiển: Theo em thì để trả lời điều này thì phải cần rất nhiều các điều khác nữa, do vậy xin cho phép em được để ngõ câu trả lời của mình ở câu hỏi này.

Trường Sơn: Đây là một giả thuyết không có thật bởi vì chúng ta đều biết rằng bản hiệp định đã không được tôn trọng và đã bị xé toạc một cách trắng trợn. Nó chỉ là một giả thuyết vui. Theo suy nghĩ cá nhân của em, nếu thực sự hai bên cam kết và tuân thủ hiệp định này thì khả năng lớn nhất đó là nước chúng ta sẽ giống như Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên.

Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Catherine Nguyễn, Minh Hiển và Trường Sơn đã dành thời gian chia sẻ cho đề tài này.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/the-looks-at-geneve-54-n-paris-73-cn-03252015124842.html/ddbt032515.mp3