Wednesday, October 22, 2014

ADPi (Pháp) chưa cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào sân bay Long Thành

Đại diện Tập đoàn ADPi (Pháp) khẳng định chưa có cam kết nào về việc tài trợ số vốn 2 tỷ USD cho sân bay Long Thành.


ADPi chưa cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào sân bay Long Thành
Trước đó Bộ Giao thông vận tải công bố rằng Tập đoàn ADPi (Pháp) cam kết tài trợ số vốn 2 tỷ USD cho sân bay Long Thành.

Theo tìm hiểu của PV, ADPi chỉ là một công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay, với doanh thu năm 2012 (số liệu cập nhật mới nhất được công bố tại website của công ty này) là 67 triệu USD...

ADPi chỉ là công ty tư vấn thiết kế

Theo website www.adp-i.com, Công ty ADPi, thành lập năm 2000, là một công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp thuộc Aéroports de Paris Group (ADP).

Công ty này quản lý và thiết kế các công trình phức hợp sân bay (nhà ga hành khách, tháp điều khiển, nhà ga để máy bay: hangar, trung tâm bảo dưỡng máy bay...), trong đó có các công trình sân bay tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul, Dubai, Jeddah và Jebel ...

Cơ quan Kinh tế Pháp (SE) tại VN xác nhận ADPi là một trong những công ty con của ADP, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế.

Cũng theo SE, một công ty con khác của ADP là Công ty ADP-M vừa mới sang VN và có cuộc làm việc với Bộ GTVT, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Trả lời CTV Võ Trung Dung tại Paris, đại diện ADP cho biết ADPi chỉ làm dịch vụ kỹ thuật chứ không bao giờ đầu tư.

Trong khi đó, theo website của Công ty ADPi (www.adp-i.com/en/long-thanh-international-airport-master-plan), công ty này đã cùng Công ty JAC (Japan Airport Consultants) thực hiện quy hoạch tổng thể sân bay quốc tế Long Thành. ADPi đã hoàn tất quy hoạch tổng thể và kiến trúc của dự án hồi tháng 9-2010.

Các bước kế tiếp, vẫn theo thông tin từ website này, ADPi sẽ phải chỉnh sửa và chọn lựa các thông số liên quan đến kinh tế, tài chính của dự án để đưa các thông số này vào dự án tiền khả thi dự kiến trình trong năm 2011.

Thông tin từ website này cũng cho biết ADPi sẽ cung cấp các dịch vụ: nghiên cứu các yêu cầu về trang thiết bị để chuẩn bị cho quy hoạch tổng thể, phát triển ý tưởng kiến trúc bốn công trình trong giai đoạn 1: nhà ga hành khách, tháp điều khiển không lưu, trạm cứu hỏa - cứu hộ máy bay và văn phòng cơ quan quản lý sân bay.

ADPi cho biết họ thực hiện dự án này trong khoảng thời gian từ tháng 12-2009 đến tháng 9-2010. Tình trạng công việc: hoàn tất (completed). Loại công việc: quy hoạch tổng thể sân bay (airport master plans). Công việc thực hiện: lên kế hoạch (planning services) và giám sát (supervision services).

ADP-M là ai?


Website của Bộ GTVT cho biết tại cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Ðinh La Thăng ngày 17/9, ADP-M đã thể hiện mong muốn tham gia dự án xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Tại cuộc gặp nêu trên, ông Frederic Dupeyron, tổng giám đốc Công ty ADP-M, cho biết công ty này là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia cổ phần hóa các sân bay ở Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc.

Vẫn theo nguồn tin này, năm 2000 ADP-M đã đầu tư mua 10% cổ phần sân bay Bắc Kinh, năm 2012 mua 38% cổ phần sân bay Istanbul...

Một nguồn tin khác cho biết tại cuộc gặp này, ông Frederic Dupeyron đã đề nghị xin được làm đối tác chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) nếu tổng công ty này cổ phần hóa và sẵn sàng đầu tư từ 15-25% vào ACV, giúp ACV tìm đối tác đầu tư chiến lược.

Với dự án sân bay quốc tế Long Thành, ADP có thể dành khoảng 2 tỷ USD để góp vốn tham gia đầu tư dự án này theo hình thức PPP.Tuy nhiên, theo thông tin của SE tại VN, hiện chưa có cam kết 2 tỷ USD nào của ADP với đại diện của VN về khả năng đầu tư vào sân bay quốc tế Long Thành.

Liên quan đến thông tin ADP cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào dự án sân bay quốc tế Long Thành, trả lời PV tại Paris - nhà báo Võ Trung Dung, đại diện bộ phận truyền thông và quan hệ báo chí của ADP cho biết: “Chúng tôi không xác nhận cũng không phủ nhận ADP-M có hứa hẹn gì với bên VN hay không. Thật ra, chúng tôi không biết rõ về chi tiết, vì đây chỉ là trao đổi giữa hai bên chứ chưa ký kết gì hết, cũng chưa có gì chắc. Hơn nữa, theo quy tắc, chúng tôi không thể bàn bất cứ chuyện gì trước khi ký hợp đồng chính thức, không bao giờ đưa thông tin hay đề cập những gì đang trao đổi...”.
 
Công ty ADP-M là công ty con của ADP, chuyên đầu tư vào các công ty khai thác và điều hành sân bay bên ngoài Paris. Theo website của công ty này (http://www.aeroportsdeparis.fr/ADP/en-GB/Professionnals/Expertise/Management/Presentation), ADP-M đang trực tiếp và gián tiếp vận hành, duy trì, phát triển dịch vụ của 26 sân bay trên toàn thế giới.
ADP-M chuyên chào hàng, giới thiệu sản phẩm (cố vấn dịch vụ, khai thác sân bay và các vấn đề liên quan), mua quyền khai thác sân bay và dịch vụ sân bay, hợp tác cùng khai thác quyền khai thác sân bay chung với công ty sở hữu và quản lý sân bay.
Theo Tuổi trẻ

Quốc hội CSVN bỏ khẩu hiệu ca ngợi Đảng

Sáng 20.10.2014, phiên họp đầu tiên của kỳ hop thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới, một công trình kiến trúc đặc biệt có quy mô, hiện đại... xứng tầm như một biểu tượng của cơ quan quyền lực cao nhất. Một chi tiết rất quan trọng đáng chú ý được nhiều người quan tâm, đó là tại phòng họp chính của Quốc hội có tên gọi là phòng Diên Hồng, khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm" đã không còn chễm chệ ngư trên vị trí trang trọng nhất như từ trước đến nay (xem ảnh). Điều này được dư luận cho rằng đây là chuyện cực kỳ lạ, một chuyện không bình thường, theo họ việc này về mặt hình thức đồng nghĩa với sự rút lui một cách lặng lẽ của Đảng CSVN ra khỏi cơ quan Quốc hội, vốn là cơ quan quyền lực cao nhất được ghi trong Hiến pháp từ nhiều chục năm qua.

Phòng Diên Hồng, phòng họp chính của Quốc hội mới
Hội trường Ba Đình cũ vốn là phòng họp chính của Quốc hội VN
Đánh giá về hiện tượng này, có người cho rằng theo Hiến pháp và luật pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam thì các đại biểu Quốc hội không có nghĩa vụ phải tuân theo các chỉ thị của Đảng CSVN. Tuy nhiên, trên thực tế Chủ tịch Quốc hội được Bộ Chính trị chỉ định và hiện nay là khoảng 90% các đại biểu quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và họ bắt buộc phải tuân thủ các chỉ thị của đảng. Do đó, với bất kể lý do nào, thì Quốc hội Việt Nam không bao giờ có thể có sự độc lập khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nghĩa là xét về bản chất, việc có hay không có cái khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm" trong phòng họp lớn của Quốc hội thì cũng không hề làm cho quan hệ về quyền lực của Đảng CSVN đối với Quốc hội thay đổi, nghĩa là Quốc hội vãn phải phục tùng ý đảng.

Từ trước đến nay ở Việt nam, việc treo khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm" tại các nơi trang trọng, trong các cuộc họp, lễ hội hay nơi công... là quy định bắt buộc của nhà nước. Điều đó cho thấy việc tại phòng họp chính của Quốc hội, nơi hội họp của cơ quan quyền lực cao nhất bỏ qua quy định bắt buộc này là chuyện không bình thường. Chắc chắn việc làm này phải được Bộ Chính trị chuẩn thuận.

Chính vì vậy cần coi đây là một mốc quan trọng, đó là việc bước đầu Đảng CSVN thừa nhận để xác lập vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất như Hiến pháp quy định một cách công khai. Cho dù đây chỉ là việc làm về mặt hình thức, nhưng dù sao chăng nữa, đây là một điểm đáng ghi nhận và đáng hoan nghênh về việc đột phá thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo Việt nam.

Quan trọng hơn, từ việc Quốc hội Việt nam đã không để khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm" trên vị trí trang trọng nhất, sẽ tạo tiền đề tiến tới việc bỏ quy định treo khẩu hiệu ca tụng đảng ở trong các trụ sở, hội trường, phòng họp hay các lễ lạt của các cấp các ngành từ Trung ương tới địa phương. Điều không chỉ là sự coi thường dân chúng, mà còn là điều rất dễ gây ra sự phản cảm của người nước ngoài khi hiểu nội dung của các khẩu hiệu này.

Điều này sẽ giúp cho xóa bỏ hình ảnh Việt nam là một chế độ độc tài đảng trị trong mắt người nước ngoài. Những việc làm như thế sẽ có tác dụng giúp và thúc đẩy việc công cuộc cải cách ở Việt nam để hòa nhập vào thế giới tiến bộ văn minh của nhân loại.

Ngày 22 tháng 10 năm 2014

© Kami

(Blog Kami)

Hà Nội: Cứu hỏa thiếu nước hay năng lực yếu kém?

HÀ NỘI (NV) - Chỉ trong một ngày, 155 tỷ đồng của doanh nghiệp bốc hơi theo “bà hỏa” do năng lực lính cứu hỏa còn hạn chế, dụng cụ không đầy đủ... Thế nhưng, giới lãnh đạo lại đổ thừa do thiếu nước.


Nước không thiếu, chỉ thiếu năng lực và công cụ chuyên nghiệp. (Hình: Lao Động)

Tin từ Lao Động cho biết, theo ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội thì vụ cháy xảy ra ngày 18 tháng 10, 2014, tại khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh “do nhà kho tại khu công nghiệp này bị cháy có diện tích quá rộng khoảng 13,000m2, có kết cấu khung thép mái tôn tường gạch, lại nhiều đồ dễ bắt lửa nên phải huy động nhiều xe cứu hỏa chuyên dụng và hàng trăm lính cứu hỏa đến dập lửa.

Đồng thời, do nguồn nước chữa cháy tại khu vực rất yếu và thiếu, bể dự trữ phòng cháy chữa cháy của khu công nghiệp quá ít, chỉ có hơn 100 m3 nên đã không đáp ứng được nhu cầu chữa cháy vào thời điểm đó, phải mất hơn 24 tiếng đồng hồ thì ngọn lửa mới được dập tắt.”

Còn trong vụ cháy ở khu Nam Trung Yên, lính cứu hỏa cũng phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới dập tắt được đám cháy với diện tích khoảng 3,000m2. Nguyên nhân cũng “do thiếu nước.”

Thế nhưng theo nhiều người dân tại hiện trường cho biết, việc cứu hỏa ở 2 điểm trên bị cháy trụi từ các nguyên nhân: Ngoài diện tích cháy quá rộng, thì vòi phun nước chuyên dụng không đủ dài để đưa nước được tới trung tâm của đám cháy, cộng với phương tiện kỹ thuật chưa đủ mạnh để khống chế ngọn lửa trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, “các trụ nước trên đường cũng không đạt yêu cầu, kể cả tăng cường áp suất cũng không đủ. Do vậy lính cứu hỏa đã phải xin thêm 30 xe bồn chở nước của phía môi trường đô thị,” ông Sơn thừa nhận.

Cũng theo thông tin từ Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội, mặc dù các vụ cháy lớn vừa qua may mắn không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp qua ước tính ban đầu là khoảng 155 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội xảy ra 126 vụ cháy, nổ làm 18 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy, nổ không tăng, không giảm, tuy nhiên, số người chết lại tăng 12 người, số người bị thương thì giảm 9 người.

Nguyên nhân cháy nổ phần lớn là chập điện với 54 vụ, rò rỉ khí gas 3 vụ, hàn cắt 2 vụ, sơ suất khi sử dụng lửa 15 vụ, thắp hương thờ cúng 2 vụ...(Tr.N)

10-22- 2014 2:30:40 PM

Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch

Ông Ðặng Xương Hùng mới dùng một từ tôi được nghe lần đầu: “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Hùng, từng giữ chức “vụ phó” trong Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, chắc ông biết rõ chuyện ông Nguyễn Cơ Thạch mất chức bộ trưởng sau Hội nghị Thành Ðô năm 1990 giữa giới lãnh đạo hai đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) và Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng). Hai chữ “hội chứng” hơi trừu tượng không quen thuộc với đa số độc giả cho nên tôi tạm dùng chữ “bệnh chứng,” dù không chính xác bằng.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã mắc một căn bệnh nặng, gọi bằng tên ông Nguyễn Cơ Thạch, vì triệu chứng căn bệnh phát lên rõ nhất trong thời gian hai đảng chuẩn bị Hội nghị Thành Ðô mà sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch bị mất chức.

Ở hải ngoại, giới truyền thông gần đây không quan tâm đến Hội nghị Thành Ðô. Nhưng đồng bào trong nước còn rất thao thức về câu chuyện này. Cô Nguyễn Phương Uyên cùng các ông Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa trong phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” đã yêu cầu “Bạch hóa Hội nghị Thành Ðô.” Không những thế Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản còn đưa ra lời giải thích về hội nghị này để các đảng viên học tập. Trong bài trước, mục này tỏ ý nghi hoặc không biết bản tuyên bố trên có thực hay không, vì thấy nó chỉ “vạch áo cho người xem lưng” mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu vụ phó Dân Vận Trung Ương Ðảng mới xác nhận với đài BBC rằng: “Văn bản của Ban Tuyên Giáo... thì nó có thật đấy... Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích... không biết là có đến nơi, đến chốn không...” Muốn hiểu “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” thì phải nhắc lại chuyện ở Thành Ðô năm 1990.

Năm đó, sau khi đảng Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, Việt Cộng mất chỗ dựa chính trị, ngoại giao, cũng như nguồn viện trợ kinh tế. Như người sắp chết đuối cần một cái phao bám, Việt Cộng kết thân lại với Trung Cộng. Sau cuộc chiến năm 1979 hai đảng từng coi nhau là tử thù. Mối tranh chấp lớn trong mười năm trước là cuộc chiến tranh ở Campuchia, Trung Cộng ủng hộ Khờ Me Ðỏ còn Việt Cộng bảo trợ chính quyền Hun Sen. Biết Việt Cộng đang tuyệt vọng, muốn cầu thân, nên Trung Cộng lợi dụng; buộc Việt Cộng phải giải quyết cuộc chiến ở xứ Khờ Me theo dự án của Bắc Kinh.

Năm 1990, quân Hun Sen đang mạnh hơn; cả thế giới đều ghét Khờ Me Ðỏ vì chúng đã giết hàng triệu người dân vô tội. Nguyễn Cơ Thạch không chấp nhận “đầu hàng” ở Campuchia trong khi phe Hun Sen đang thắng. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh nghĩ khác, sẵn sàng nhượng bộ ở Campuchia, chỉ mong được kết thân với Trung Cộng. Nguyễn Văn Linh đã cho sửa lại bản Hiến Pháp Việt Nam, xóa bỏ nhưng đoạn kể tội Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân Việt. Linh và Lê Ðức Anh, bộ trưởng Quốc Phòng đã tự hạ mình đến gặp đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội xin cho được gặp giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong hoàn cảnh đó, Trung Cộng đã đưa ra mồi nhử, và toàn thể ban lãnh đạo Việt Cộng rơi vào bẫy. Mồi nhử là chấp nhận thảo luận chuyện lâu dài, theo lời Linh yêu cầu là “hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.” Nhưng họ đặt điều kiện sẽ chỉ bàn chuyện đó sau khi hai bên thỏa thuận một giải pháp cho Campuchia. Việt Cộng phải chiều ý. Suốt trong thời gian hai bên bàn bạc, chuẩn bị, Trung Cộng đã bày trò chia rẽ nội bộ Việt Cộng. Họ không thèm nói chuyện gì với Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại Giao của Việt Cộng mà nói chuyện thẳng tới tổng bí thư, hoặc qua Ban Ðối Ngoại thuộc Trung Ương Ðảng.

Khi chính thức gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng Từ Ðôn Tín, Trần Quang Cơ, cũng giữ chức thứ trưởng ngoại giao sau này viết hồi ký, ghi lại: “Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu ‘sứ giả thiên triều’ của Từ...” Từ Ðôn Tín nói: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí...,” ý nói đã gặp Nguyễn Văn Linh và Lê Ðức Anh. Trần Quang Cơ nhận xét: “Ðây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện xem xét nguyện vọng của giới lãnh đạo Việt Nam được?” Nguyễn Cơ Thạch không được đi họp ở Thành Ðô, dù là ủy viên Bộ Chính Trị và đang giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao. Ông Trần Quang Cơ nói thẳng trong hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ: Trung Quốc muốn ta phải thay đổi bộ trưởng Ngoại giao. Tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc họp ở Nữu-ước tháng 9 năm đó Ngoại Trưởng Trung Cộng Tiền Kỳ Tham từ chối không cho Nguyễn Cơ Thạch được gặp.

Cuối cùng, tại Thành Ðô Việt Cộng đã phải đồng ý công thức của Trung Cộng về một hội đồng lãnh đạo xứ Campuchia. Việt Cộng trước đó yêu cầu mỗi phe cộng sản ở Campuchia có sáu người trong hội đồng này. Trung Cộng đòi mỗi phe có sáu người, thêm người chủ tọa là Sihanouk, một ông hoàng sống thường xuyên ở Bắc Kinh, vẫn cộng tác với Khờ Me Ðỏ, tức là phe Khờ Me Ðỏ có bảy người! Bản tuyên cáo sau Hội nghị Thành Ðô ghi tám điểm thì bảy điểm chỉ nói chuyện Campuchia, điểm thứ tám nói đến việc hợp tác giữa hai đảng Cộng sản cũng nhấn mạnh tới việc Campuchia. Những yêu cầu “hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” của Nguyễn Văn Linh trở thành mơ tưởng hão huyền. Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết thêm rằng trong thời gian hội nghị Trung Cộng xếp cho Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở ba biệt thự khác nhau, không thể bàn gì với nhau được.

Nhưng đau đớn cho Việt Cộng là những đòn ngoại giao của Trung Cộng sau đó. Trong hội nghị, hai bên đồng ý là sẽ cùng giữ bí mật. Nhưng ngay sau khi họp xong, Trung Cộng tiết lộ hết. Báo chí ở Thái Lan loan tin Việt Cộng đã chịu theo giải pháp của Trung Cộng ở Campuchia. Ngoại trưởng Mỹ gặp Nguyễn Cơ Thạch cũng nói rằng đã được nghe Trung Cộng báo tin đầy đủ. Việt Cộng uất ức nhưng phải im miệng, như gái ngồi phải cọc.

Người ức nhất là Hun Sen, vì thấy phe Khờ Me Ðỏ có bẩy người, mình chỉ được có sáu. Hun Sen uất hận nhất là cảnh Việt Cộng đi đêm với Trung Cộng, đâm sau lưng mình. Từ đó Hun Sen dần dần lánh xa Hà Nội, tiến gần Bắc Kinh. Vì thà đi thẳng với ông chủ lớn còn hơn đi qua một anh đầu nậu. Trung Cộng cũng bỏ rơi Khờ Me Ðỏ, sau khi bắt được Hun Sen ích lợi hơn nhiều. Cuối cùng, Việt Cộng vừa mất chân trên đất Campuchia, vừa không được Trung Cộng hứa hẹn gì về hợp tác lâu dài bảo vệ chủ nghĩa xã hội!

Hội nghị Thành Ðô là một thảm bại ngoại giao của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nó cũng là triệu chứng hiện lên rõ nhất của một căn bệnh có gốc từ bên trong, gọi là “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Ðặng Xương Hùng giải thích: Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc.” Hội chứng này bao gồm cảnh Trung Cộng “không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc.” Ngoại giao, tổ chức nhân sự, cơ cấu nhà nước, cái gì cũng bị Trung Cộng khống chế. Phải thấy đây là một tình trạng bệnh trầm kha. Trên thế giới có quốc gia nào bị nước khác khống chế từ bên trong ra bên ngoài như vậy hay không?

Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch khiến cho tất cả guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng lo sợ không biết những gì mình nghĩ, mình làm, có hợp ý các “đồng chí” Trung Quốc hay không! Ông Ðặng Xương Hùng lấy thí dụ: “Nhiều nhân vật [chính quyền ở Việt Nam] sau này,... khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Ðông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch. Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước [qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam].”

Ông Nguyễn Cơ Thạch đã kết luận về Hội nghị Thành Ðô: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.” Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch cũng là bệnh chứng “Bắc thuộc mới.”
10-21-2014 7:16:23 PM
 Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt

Úc giúp Bắc Kinh thu hồi tài sản tham nhũng ở ngoại quốc

SYDNEY, Úc (Reuters) - Cảnh sát Úc đã đồng ý sẽ trợ giúp Trung Quốc trong việc dẫn độ và tịch thu tài sản của các giới chức Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng và bỏ trốn khỏi nước, mang theo hàng trăm triệu đô la có được một cách phi pháp, theo tờ báo Sydney Morning Herald cho hay hôm Thứ Ba.


Dân Trung Quốc chờ kết quả một phiên tòa xử tham nhũng ở Hồ Bắc. (Hình minh họa: STR/AFP/ Getty Images)

Chiến dịch này sẽ khởi sự việc tịch thu tài sản đầu tiên ở Úc trong vài tuần lễ tới đây, theo tờ báo, trích dẫn phát biểu của một giới chức cảnh sát liên bang Úc (AFP), ông Bruce Hill.

Trung Quốc hồi Tháng Bảy loan báo mở chiến dịch mang tên “Săn Cáo” để truy lùng các giới chức chính quyền đã bỏ trốn ra ngoại quốc với tài sản của họ.

Chiến dịch này là một phần của nỗ lực bài trừ tham nhũng do Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Có được sự hợp tác của Úc sẽ là một thành quả quan trọng cho Bắc Kinh, vốn đang gặp khó khăn trong việc truy lùng nghi can ở các quốc gia Tây Phương vì những lo ngại là họ sẽ không được xét xử công minh nếu bị dẫn độ về Trung Quốc.

Mỹ, Canada và Úc là những nơi có nhiều thành phần tội phạm kinh tế Trung Quốc chạy đến nhất, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Úc và Trung Quốc đã đồng ý lập danh sách ưu tiên về những tội phạm kinh tế đang bị truy nã và hiện đang ở Úc, theo tờ Sydney Morning Herald.

Trong số những nghi can được kể đến có cả các công dân nhập tịch và các thường trú nhân từng rửa tiền ở Úc trong nhiều năm qua dưới danh nghĩa đầu tư hay mang tiền sang Úc lập nghiệp.

Ông Hill cho tờ báo hay số tài sản mà chính quyền Trung Quốc đang truy lùng ở Úc lên tới “nhiều trăm triệu đô la.” (V.Giang)
10-21-2014 1:44:20 PM

CSVN đổi Điếu Cày lấy võ khí của Mỹ?

LOS ANGELES 22-10 (NV) - Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger nổi tiếng Điếu Cày đã đặt chân đến Mỹ buổi tối Thứ Ba 21 tháng 10, 2014, do ông “tự nguyện” đi hay là một sự đổi chác của CSVN lấy võ khí? Câu hỏi nhiều người đặt ra, nhưng không ai có câu trả lời chính xác.


Blogger Điếu Cày bị một đoàn đông đảo báo chí, truyền hình Việt Nam và Quốc tế vây lại phỏng vấn ở phi trường Los Angeles. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Chuyến máy bay hãng hàng không Cathay Airlines tới phi trường quốc tế Los Angeles lúc gần 9 giờ tối Thứ Ba nhưng do phải làm thủ tục và giấy tờ nhập cảnh nên sau 10 giờ đêm ông Nguyễn Văn Hải mới được một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hộ tống ra gặp mặt cộng đồng người Việt đang háo hức chờ đón và chào mừng ông thoát khỏi nhà tù Cộng Sản tại Việt Nam.

Trước một đoàn đông đảo đồng hương chào đón, gồm cả đại diện một số hội đoàn cộng đồng người Việt và một số dân cử địa phương, ông Hải đã hô to “Freedom for Vietnam” (Tự do cho Việt Nam) và mọi người hô theo.

“Đây là thắng lợi của những giá trị dân chủ. Kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ bao nhiêu năm qua của anh em chúng ta. Của bạn bè, các tổ chức và các chính phủ trên khắp thế giới để chúng tôi có được tự do ngày hôm nay.” Blogger Điếu Cày phát biểu với những người vây chặt lấy ông. “Đây cũng là thông điệp hiệu quả nhất gửi đến những anh em tù nhân còn đang nằm trong nhà tù Cộng Sản, rằng anh em hãy tin tưởng anh em không đơn độc. Ở bên ngoài vẫn có các chính phủ, các tổ chức, các bạn bè quốc tế vẫn luôn luôn quan tâm, ủng hộ và bảo vệ anh em. Cho nên anh em còn ở trong tù ở Việt Nam hãy mạnh mẽ lên, cố gắng lên để xứng đáng với lòng mong mỏi của mọi người.”

 
 Chờ đón Blogger Điều Cày tại phi trường Los Angeles tối 21 tháng 10. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dịp này, trả lời một câu hỏi về lý do sang Mỹ, ông nói rằng “Tôi thấy chính phủ Hoa Kỳ thì mong muốn tôi trở thành một công dân của Hoa Kỳ. Nhưng tôi không hiểu tại sao chính phủ Việt Nam lại muốn trục xuất tôi đi. Mà những việc tôi làm chỉ mang lại lợi ích cho dân tộc Việt Nam, cho tổ quốc Việt Nam, cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng mà tôi bị đẩy ra khỏi đất nước thì đấy là một điều chính phủ Việt Nam phải suy nghĩ.”

Khi được hỏi về những ngày sắp tới, blogger Điếu Cày cho biết “Tất nhiên, trước khi quyết định đi vào Hoa Kỳ, chúng tôi đã chuẩn bị cho mình một bước đấu tranh mới để hỗ trợ cho anh em đấu tranh dân chủ ở trong nước. Đặc biệt là anh em làm báo tự do.”

Khi được hỏi có khi nào ông nghĩ sẽ trở lại Việt nam không? Ông đáp “Tôi sang đây đấu tranh là để cho ngày trở về.”

Ông Nguyễn Văn Hải, 62 tuổi, nổi tiếng với blog có tên là “Điếu Cày” nhiều năm trước khi bị nhà cầm quyền CSVN bắt tù. Sau các vụ biểu tình trên đường phố Sài Gòn chống Trung Quốc bá quyền bành trướng, ông đã bị bắt bỏ tù 30 tháng lấy cớ “trốn thuế” hồi năm 2008 mà ông phủ nhận hoàn toàn. Hết bản án này, ông không được trả tự do mà bị tròng tiếp lên cổ bản án khác vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước...” cùng một vụ với hai bloggers khác, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon tức Phan Thanh Hải.

Tin ông Nguyễn Văn Hải đến Mỹ bất ngờ được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ loan báo buổi sáng cùng ngày.  Thân nhân của ông tại Sài Gòn cũng xác nhận như vậy, đồng thời cũng bày tỏ sự bất ngờ không kém về chuyện ông đi thẳng từ nhà từ huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An ra phi trường Nội Bài, trong sự hộ tống của một viên chức tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội và lên máy bay đi Mỹ.

Trong bản tin hôm Thứ Ba, hãng thông tấn AP thuật lời bà Marie Harf, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho biết “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tù nhân lương tâm này.” Bà nói ông Nguyễn Văn Hải “tự quyết định đi đến Hoa Kỳ sau khi được nhà cầm quyền CSVN trả tự do.”

Hồi tháng trước, trong một cuộc trò chuyện với Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), anh Nguyễn Trí Dũng nói ra một sự thật mọi người đều đã biết. Bố của anh, Nguyễn Văn Hải, đã bị tù đày hơn 6 năm trời từ Tháng Tư 2008 đến nay chỉ vì quá sốt sắng bày tỏ lòng yêu nước chống lại chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Thời gian gần đây, nhất là sau vụ giàn khoan HD981 Trung Quốc mang tới dò tìm dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí của nhà cầm quyền CSVN theo nhau tố cáo tham vọng độc chiếm Biển Đông. Thậm chí, ngay trong ngày CSVN thả blogger Điếu Cày đi Mỹ, tướng Đỗ Bá Tỵ, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội CSVN nói trong cuộc họp ở Quốc Hội Hà Nội rằng “Âm mưu thực hiện hóa đường 'Lưỡi Bò,' độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi,” theo tường thuật của tờ Đất Việt.

Không thấy chế độ Hà Nội bỏ tù đám báo chí tố cáo hay đả kích Trung Quốc và bây giờ thì cả ông phó tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN cũng nói ra cái điều blogger Điếu Cày tố cáo hơn 6 năm trước.

Nhiều người ở Việt Nam viết blogs hay có trang mạng xã hội trên Facebook có cùng một nhận định rằng Hà Nội đã đổi sự tự do của blogger Điếu Cày lấy sự bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương, rồi sau đó có thể mua được máy bay tuần tra, tàu chiến và các trang bị quốc phòng khác.

Việc trả tự do cho blogger nổi tiếng Điếu Cày diễn ra trong bối cảnh CSVN đang điều đình với Hoa Thịnh Đốn để mua một số máy bay tuần tra chống tàu ngầm Orion P-3 và các bộ phận rời để sửa chữa cho đám máy bay, xe tăng, đại bác cũ kỹ thu lại từ quân đội VNCH hồi năm 1975. Chính phủ Mỹ từng lập lại nhiều lần là việc nới lỏng lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam tùy thuộc vào sự cải thiện tình trạng nhân quyền của chế độ Hà Nội.

“Trước nay cộng sản Việt Nam trả tự do trước thời hạn cho tù nhân lương tâm, một là vì người đó "cải tạo" tốt là dịp để quảng cáo cho chế độ giam giữ của họ và cũng để hạ thấp uy tín của những người đấu tranh; hai là để đổi chác các lợi ích kinh tế, quân sự hoặc ngoại giao.” Facebooker Huỳnh Thục Vy nói với báo Người Việt qua một thư điện tử. “Trường hợp Điếu Cày cũng không ngoại lệ. Với bản lĩnh kiên cường của ông, chúng ta không nghĩ đến trường hợp thứ nhất, vậy chỉ có thể rơi vào trường hợp thứ hai.”

Cô Huỳnh Thục Vy viết thêm rằng “Thế nhưng cần lưu ý là phía Mỹ không tự dưng biết được các hồ sơ tù nhân lương tâm và cũng không tự dưng đặt điều kiện nhân quyền với cộng sản Việt Nam trong việc bán vũ khí sát thương hay đàm phán TPP. Phía sau những đổi chác cay đắng này là nỗ lực vận động  không mệt mỏi của các nhà hoạt động Nhân Quyền Việt Nam trong và ngoài nước cũng như của các tổ chức nhân quyền quốc tế.”

Facebooker Tấn Huỳnh cáo buộc: “Chuyện đáng chán hơn là thân phận người tù chính trị - hay thân phận của những công dân muốn cất lên tiếng nói tự do cho mình. Cùng là con dân đất Việt nhưng dường như giá trị của họ cũng chỉ là những thứ nhà cầm quyền dùng để đổi chác, như trường hợp của anh Điều Cày là một số thỏa thuận mua bán vũ khí.”

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn khi được hỏi “có phải ông đang cho rằng do nhu cầu từ phía Hà Nội muốn Hoa Kỳ tiếp tục nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí và thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP, sẽ có nhiều tù nhân chính trị tiếp tục được trả tự do trong thời gian tới?”

Nhà báo Phạm Chí Dũng đáp rằng “Chắc chắn là như vậy. Hiện nay nếu nói là về lợi thế so sánh thì nhà nước Việt Nam có gì? Họ không còn thứ tài nguyên gì đáng kể ngoài cái gọi là tài nguyên nhân quyền. Còn vài trăm con người còn nằm trong chốn tù đày, đó là món lợi đặc sản và có thể đem ra trao đổi với nước ngoài. Muốn nhận được TPP hoặc vũ khí sát thương thì nhà nước chỉ còn cách đem các tù nhân đó ra trao đổi.”

Trong một bản tin trước trên báo Người Việt, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một nhà tranh đấu nhân quyền tại Quận Cam, California cũng đã cho rằng “Việt Nam chỉ thả tù chính trị khi họ thấy được lợi gì. Còn Mỹ bán máy bay tuần tra biển, tàu tuần tra thì cũng muốn thấy phía bên kia có nghĩa cử đáp lại. Nhà cầm quyền CSVN là một tổ chức buôn người. Bởi vì tù chính trị chỉ là một món hàng để mặc cả đổi chác.” (TN)
10-22- 2014 5:28:17 PM
Theo Người Việt

PICS:Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada

(ĐSPL) – Liên tiếp những vụ xả súng xảy ra vào sáng ngày 22/10 (giờ địa phương) ở Canada đã khiến một nhân viên an ninh thiệt mạng, một tay súng khủng bố đã bị bắn chết trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội.
Vụ xả súng xảy ra lúc gần 10h sáng 22/10 (giờ địa phương) tại 3 địa điểm ở trung tâm thủ đô Ottawa, trong đó có Đài tưởng niệm Chiến tranh, tòa nhà Quốc hội và một trung tâm thương mại. Theo các nhân chứng, những kẻ tấn công trước tiên đã nổ súng vào một trong 2 cảnh sát bảo vệ trước Đài tưởng niệm chiến tranh làm một người thiệt mạng và người còn lại bị thương.
Những kẻ khủng bố sau đó đã cướp một xe cảnh sát chuyên dụng để áp sát tòa nhà Quốc hội, khu vực chỉ dành riêng cho các loại phương tiện được phép và xe cảnh sát. Những tên này sau đó đã đột nhập vào bên trong tòa nhà trung tâm, nơi có các nghị sĩ Quốc hội đang làm việc. Cảnh sát Canada đã tiêu diệt được một tay súng và vẫn đang tìm kiếm 2 nghi phạm còn lại. Theo Văn phòng Thủ tướng, ông Stephen Harper vẫn an toàn và đã rời nhà Quốc hội.
Hàng chục cảnh sát đặc nhiệm, được trang bị vũ khí hạng nặng đã được triển khai, trong khi toàn bộ khu vực trung tâm thủ đô Ottawa bị phong tỏa. Theo cảnh sát, tham gia vụ tấn công có khoảng 3 tay súng. 
Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 1

Cảnh sát Canada tiến vào bên trong tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Ottawa ngày 22/10.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 2

Lực lượng an ninh Canada phong tỏa lối ra vào tòa nhà Quốc hội.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 3

Cảnh sát gấp rút sơ cứu cho một nhân viên an ninh bị bắn tại Đài tưởng niệm chiến tranh, gần tòa nhà Quốc hội Canada.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 4

Báo cáo ban đầu cho biết có một nhân viên an ninh thiệt mạng và một người khác bị thương sau vụ xả súng.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 5

Nhân viên an ninh bị bắn được tiến hành sơ cứu.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 6

Những kẻ khủng bố sau đó đã cướp một xe cảnh sát và tiến vào tòa nhà Quốc hội Canada.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 7

Một nghi phạm đã bị bắn chết bên trong tòa nhà Quốc hội trong khi cảnh sát đang tìm kiếm hai nghi phạm còn lại.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 8

Cảnh sát phong tòa một con đường dẫn đến tòa nhà Quốc hội Canada.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 9

Những người bên trong tòa nhà Quốc hội nhanh chóng được sơ tán ra xe bọc thép.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng ở tòa nhà Quốc hội Canada - Ảnh 10

Lực lượng an ninh Canada canh gác ở cửa ra vào tòa nhà Quốc hội.

09:31 AM, 23-10-2014
ĐĂNG NGUYỄN

VIDEO - Phụ Nữ VN Làm Gái Bị Bắt Tại Malaysia

Người biểu tình Hồng Kông không lùi bước

Khoảng 200 người biểu tình đồng loạt tuần hành tới nhà của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm 22-10 trong khi những người khác tiếp tục chiếm giữ các trục đường chính - nơi họ cắm trại gần 1 tháng qua - để kêu gọi chính quyền chấp nhận việc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Người biểu tình lặp lại lời kêu gọi ông Lương Chấn Anh từ chức. Nhiều người vẫn chưa hết bất bình với phát biểu trước đó của ông khi cho rằng phổ thông đầu phiếu sẽ dẫn tới việc người nghèo có nhiều tiếng nói hơn trong chính trị(!).

Hố sâu khác biệt vẫn ngăn cách giữa người biểu tình và chính quyền Hồng Kông dù hai bên lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán 1 ngày trước đó. Tổng thư ký quản trị Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết sẽ chuyển yêu cầu về bầu cử của người dân đặc khu tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, các thủ lĩnh Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) muốn biết cụ thể hơn.

Người biểu tình “bảo vệ” chướng ngại vật ở khu Vượng Giác hôm 22-10 Ảnh: REUTERS
 Người biểu tình “bảo vệ” chướng ngại vật ở khu Vượng Giác hôm 22-10 Ảnh: REUTERS

 Tỏ ra thất vọng sau cuộc đàm phán, các thủ lĩnh HKFS nói họ chưa quyết định có tiếp tục đối thoại hay không nhưng chắc chắn biểu tình sẽ tiếp diễn cho đến khi chính quyền chấp nhận cải cách bầu cử.

Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký HKFS Chu Vĩnh Khang hôm 22-10 gọi các đề xuất của chính quyền là “một kiểu mập mờ”. Trong khi đó, một đại diện khác của HKFS là Sầm Ngao Huy chia sẻ anh bị sốc vì chính quyền Hồng Kông cương quyết yêu cầu người biểu tình tuân thủ các nguyên tắc bầu cử do Bắc Kinh đề ra.

Tòa án Tối cao Hồng Kông hồi đầu tuần ban bố lệnh cấm người biểu tình chiếm giữ các tuyến phố ở khu vực Vượng Giác (Mong Kok) nhưng cảnh sát vẫn chưa ra tay. Chiều 22-10, cảnh sát được triển khai để phòng ngừa đụng độ khi một nhóm tài xế taxi xông vào dỡ bỏ chướng ngại vật tại Vượng Giác.

Sau khi làn sóng biểu tình nổ ra ở Hồng Kông từ hôm 28-9 tới nay, số người tìm hiểu và đăng ký di cư tại Công ty Tư vấn Di cư Goldmax đã tăng 40%-50%.

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Trung Quốc đang mở cuộc thăm dò ý kiến về khả năng trừng phạt những người nổi tiếng Hồng Kông ủng hộ phong trào biểu tình bằng các biện pháp như tẩy chay, cấm biểu diễn và kiểm duyệt mạng.
Thứ Tư, 22:08  22/10/2014
Đỗ Quyên

Trục Xuất hay Tống Khứ Điếu Cày ? Hiến Pháp CSVN có công nhận không ?

Nhân việc blogger Điếu Cày đi Mỹ . Nhiều người gọi là bị trục xuất .   Vậy địn nghĩa của từ trục xuất là gì ?  Tại sao bị trục xuất ?  Ai có thể bị trục xuất ra khỏi quốc gia của họ ?


Tỉ lệ quan chức TQ tự tử tăng 30%: Chết nhanh còn hơn sống nhục

Shoha.vn-22/10/2014 09:30

Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu đang được dân chúng Trung Quốc rất ủng hộ.


Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng ở Trung Quốc đang khiến tỉ lệ quan chức, viên chức tự tử tăng cao hẳn vì lo sợ mất cả danh lẫn tiền.

Lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra quyết tâm đập ruồi đả hổ, theo đuổi "cuộc chiến một mất một còn này".
Từ "hổ" đến "ruồi" đều "sống trong sợ hãi" Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hồi tháng 3/2013, đời sống chính trị và kinh tế Trung Quốc thay đổi rõ rệt. Chiến dịch này khiến hàng chục nghìn viên chức bị điều tra hoặc bỏ tù, ngày càng nhiều viên chức tự tử với mức tăng ít nhất 30% so với trung bình.
Gần đây nhất, ngày 14/9, một viên chức tự tử bằng cách gieo mình từ tầng 9 xuống. Đêm hôm trước, ông Đồng Học Cương đã bị các nhà điều tra về tham nhũng thẩm vấn liệu rằng có thể ông đã hối lộ để được thăng chức hay không. 12 tiếng đồng hồ sau, ông gia nhập danh sách thật dài những viên chức thà chọn cái chết thật nhanh còn hơn là sống cuộc sống nhục nhã trong tù.
Chính quyền ông Tập đã bỏ tù hàng nghìn viên chức và những người còn lại hiện rất lo sợ. Ông Cao Cần Vinh, phóng viên đầu tiên đưa tin về cái chết của ông Đồng Học Cương, cho hay các viên chức này sợ mất tài sản, danh tiếng của mình hơn sợ cái chết. Sơn Tây là tuyến đầu trong cuộc vận động chống tham nhũng của Trung Quốc. Nhưng chỉ đơn giản hối lộ đang là cách làm ăn của viên chức, quan chức tại đây. Vì thế, tất cả họ đang sống trong sợ hãi vì nỗi lo là người bị bắt kế tiếp.
Tính tới đầu tháng 10/2014, ít nhất 51 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ bị "sờ gáy", trong đó nổi bật là các ông Chu Vĩnh Khang - nguyên Thường vụ Bộ Chính trị, Từ Tài Hậu - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thị trưởng thành phố Đại Liên,... Với chủ trương "đập cả hổ lẫn ruồi" của ông Tập, theo đó, 74.000 trong số 86 triệu Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bị kỷ luật vì vi phạm các quy định về sinh hoạt, có lối sống xa hoa.
Ông Uông Hu Khải, chuyên gia về quản trị, cho hay không ai nghi ngờ về chính sách của ông Tập Cận Bình. Ông Tập nhắm vào cả các nhà lãnh đạo hàng đầu. Nó làm rúng động toàn bộ hệ thống và kết quả là ông Tập được sự ủng hộ rất lớn từ dân chúng.
Ông Tập Cận Bình coi cuộc chiến chống tham nhũng của ông là "cuộc chiến một mất một còn".
Không biếu quà, dự án không trôi
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã thay đổi dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2014 xuống còn 7,4%. Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một cuộc suy thoái đầu tư nước ngoài trực tiếp, giảm 6% trong tháng 7 vừa qua - mức giảm đầu tiên trong vòng 17 tháng.
Cuộc chiến chống tham nhũng còn tấn công vào các công ty đa quốc gia lớn như Microsoft, GlaxoSmithKline và Audi khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế có "độ giãn" nhất định.
Xu hướng này khiến không ít người Trung Quốc lo ngại liệu kinh tế có còn tăng trưởng mạnh? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy tiêu dùng, song chính quyền ông Tập lại đang "ra tay" đối với các ngành công nghiệp như hàng hóa cao cấp, khách sạn hạng sang, ôtô - những lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế.
Một nhà buôn bán bất động sản ẩn danh ở Sơn Tây cho biết mọi dự án bất động sản ở đây đều có đút lót. Nay, chiến dịch chống tham nhũng đã làm tê liệt cả hệ thống. "Người ít, người nhiều, nhưng tất cả đều tham nhũng. Và cả các doanh nhân đang làm ăn với họ cũng vậy. Nếu không biếu quà, thì dự án sẽ không trôi chảy", doanh nhân này cho hay.
BBC đặt ra câu hỏi: Vậy, làm sao hệ thống có thể chạy khi không cần đến "dầu bôi trơn"?
Tuy nhiên, Cheng Li - chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings - cho rằng tham nhũng làm méo mó nền kinh tế bằng cách bòn rút tiền khiến việc sử dụng nguồn vốn không đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, một cuộc chiến như thế này sẽ thực sự tốt "cho sức khỏe nền kinh tế" về lâu dài.
Theo Tân Hoa xã, chiến dịch này đã giảm tới 8,6 tỉ USD trong các chi phí công, loại bỏ hơn 160.000 "lao động ma", công chức kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", chấm dứt việc sử dụng 115.000 xe công vào mục đích cá nhân. Chiến dịch cũng giảm được 25% các cuộc họp chính thức.
Ông Cheng Li cho biết thêm rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể là cần thiết, nhưng chưa đủ để giải quyết vấn đề sâu sắc hơn đang gây rắc rối cho nền kinh tế.
"Cải cách pháp lý và hệ thống chính trị rất quan trọng để mang lại thay đổi cơ bản đối với việc quản trị tốt ở Trung Quốc", ông Li nói.

Không lọt vào top ‘tệ nhất thế giới’ là… may rồi

Đăng Bởi  - 

Hình ảnh về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được đăng tải trên trang mạng.
Hình ảnh về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được đăng tải trên trang mạng.
“Rõ ràng, hạ tầng và dịch vụ sân bay của Việt Nam hiện nay kém” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói như vậy xung quanh đánh giá “tệ nhất châu Á”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng không ít hài hước trong một phát biểu hoàn toàn nghiêm túc, rằng: Rất may sân bay của chúng ta đã không lọt top "tệ nhất thế giới".
Câu chuyện hai sân bay quốc tế lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài lọt top sân bay tệ nhất châu Á, từ bàn trà vỉa hè đã trở thành một chủ đề bên hành lang Quốc hội.
Với các tiêu chí vệ sinh kém, bố trí không thuận tiện cho hành khách, thiếu tiện nghi trang thiết bị; thủ tục giải quyết chậm trễ dẫn đến tình trạng hành khách phải xếp hàng dài; việc bố trí quá ít điều hòa không khí với những nước vùng nhiệt đới… một trang mạng nước ngoài đã “bêu” 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài vào top sân bay tệ nhất châu Á.
Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi nói đến các sân bay Việt Nam, phải nói đến những bát mì tôm, những chai nước “9 tháng mài dao 3 tháng chém”, phải nói đến nạn “cầm nhầm” giờ đã không còn là cá biệt.
Và không thể không kể đến căn bệnh delay (chậm, trễ) co giãn thời gian để đến nỗi chính khách hàng Việt không hề đùa khi đọc trại Vietnam Airlines thành ra Sorry Airlines (Hãng hàng không Xin lỗi).
Nhưng vấn đề không ở chỗ nó tệ nhất châu Á hay tệ nhất thế giới. Vấn đề ở cái cách các nhà quản lý hàng không nhìn thấy nó tệ hay không.
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh ngay lập tức phản bác. Phản bác từ tư cách của “một trang mạng” rằng nó không chính thống. Phản bác cả các đánh giá rằng là “chủ quan của cư dân mạng”. Và song song với phản bác là tự vuốt ve nào là được cải thiện nhiều từ hạ tầng đến trang thiết bị, dịch vụ, ý thức, thái độ…
Tóm lại là một hình thức “xù lông nhím” truyền thống cho dù cũng ở những cái sân bay ấy, từng xảy ra câu chuyện HLV tuyển Taekwondo quốc gia bị còng tay như tội phạm. Hay năm ngoái, là lời ta thán của ngay cả những khách VIP thuộc diện “khách ưu tiên và cán bộ cấp cao nhà nước”, đến nỗi Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu phải đánh xuống một công văn yêu cầu “chấn chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không”.
“Tôi không quan tâm đó là trang web của tổ chức, cá nhân nào. Cái mà tôi quan tâm đó là phản ánh của hành khách. Họ đi máy bay, đến sân bay và sử dụng dịch vụ tại sân bay nên đánh giá của họ là khách quan. Rõ ràng, hạ tầng và dịch vụ sân bay của Việt Nam hiện nay kém” - Bộ trưởng Thăng đã nói như vậy xung quanh đánh giá “tệ nhất châu Á”.
Nếu không tự nhìn lại mình, chẳng hạn với thái độ “may là chưa tệ nhất thế giới”, thì liệu ngành hàng không bao giờ mới thay đổi được sự tồi tệ của bản thân trong con mắt hành khách cả tây lẫn ta.
Không khí ở sảnh chờ, trước ga đi nội địa luôn nóng nực. Cảnh hành lý để khắp nơi trên sàn nhà càng khiến quang cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thêm nhếch nhác. Ảnh: Khải Huyền
Theo Dân Việt

Sắp công bố kết luận thanh tra một loạt “ông lớn” Nhà nước

Đăng Bởi  - 

Sắp công bố kết luận thanh tra một loạt “ông lớn” Nhà nước
Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý 4/2014, cơ quan này sẽ ban hành kết luận thanh tra tại Ngân hàng Công Thương (VietinBank), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng...
Cụ thể, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong quý 4.2014 sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Dự án Đầu tư Khu dân cư Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).
Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN trong việc quản lý, điều hành thị trường vàng; việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý ĐTXD tại Quảng Ngãi.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng dự kiến sẽ ban hành kết luận thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh An Giang gắn với thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Dự án Phát triển cở sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng tập trung vào thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng; việc quản lý, sử dụng đất của Tổng công ty Đường sắt VN tại Bình Dương; Dự án Đường 5 kéo dài đoạn Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long, TP. Hà Nội; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ của các đơn vị thuộc Bộ; việc chấp hành pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, trong quý 3/2014, Thanh tra Chính phủ đã triển khai 2.146 cuộc thanh tra hành chính và 47.390 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.069 tỷ đồng, 183 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.535 tỷ đồng  và 154,5 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 931 tỷ đồng. Đồng thời, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 322 tập thể, 384 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 12 vụ.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 6 vụ, 12 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng  gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1,362 tỷ đồng và đã thu hồi 1,319 tỷ đồng. 
Duyên Duyên

Tình báo Mỹ nhận định Trung Quốc âm mưu đánh Nhật, chiếm Senkaku

Đăng Bởi  - 

Ảnh minh họa: SCMP
Ảnh minh họa: SCMP
Rõ ràng, Trung Quốc đang theo đuổi vị thế cường quốc thế giới còn Nhật Bản đã thể hiện rõ ý định của mình là kiềm chế Trung Quốc. Một bài viết trên tờ The Atlantic của tác giả Howard French có nhận định rằng, tranh chấp giữa Trung Quốc - Nhật Bản có thể quyết định tương lai của Đông Á.
Vì sao Trung Quốc muốn giành Senkaku cho được?
Cách Philippines vài trăm km về phía bắc, Trung Quốc đang tranh giành với Nhật một nhóm đảo nhỏ, cằn cỗi và cho đến gần đây vẫn ít người biết đến gọi là Senkaku/Điếu Ngư. Dù có vẻ không có ý nghĩa về mặt lãnh thổ - không có người sinh sống - nhưng sự tranh giành này có phần rủi ro cao hơn nhiều so với những vụ đụng độ ở khu vực khác.
Việc kiểm soát Senkaku (và có thể cả quần đảo Ryukyu, phía đông nam của quần đảo Senkaku) được Bắc Kinh coi là chìa khóa để tiếp cận trực tiếp, tự do ra khu vực đại dương bên ngoài và quan trọng hơn, là một bước ngoặt để tiếp quản Đài Loan, một mục tiêu cơ bản của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc không tranh cãi chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư cho đến năm 1971, khi Mỹ chuyển giao quần đảo cho Tokyo quản lý. Chỉ 2 năm trước khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo, Liên hiệp Quốc công bố kết quả một cuộc khảo sát địa chất khu vực, kết luận rằng “thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong những mỏ dầu lớn nhất trên thế giới”.
tranh chap trung quoc nhat ban hinh anh senkaku
 Ảnh: The Atlantic
Năm 1978, sau vài năm tranh cãi, ông Đặng Tiểu Bình nói với phía Nhật rằng 2 nước nên hoãn lại vấn đề quyền sở hữu các hòn đảo để cho “một thế hệ trong tương lai”. Căng thẳng lại nổi lên mạnh trong năm 2010, tức 13 năm sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào một tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ở vùng biển gần đó.
Nhật Bản có mối quan ngại rằng sớm hay muộn Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm quần đảo Senkaku bằng vũ lực. Bên cạnh các lợi ích khác, việc kiểm soát các hòn đảo sẽ cung cấp cho Trung Quốc một nền tảng để tấn công tàu Mỹ đặt ở xa các căn cứ ở Okinawa, ngăn ngừa tiếp cận Trung Quốc hay can thiệp vào một cuộc xung đột chiếm quyền kiểm soát Đài Loan.
Đầu năm nay, phát biểu tại một hội nghị ở San Diego (Mỹ), giám đốc hoạt động thông tin tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ James Fanell cho rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị lực lượng của mình “để có thể tiến hành một cuộc chiến nhanh gọn tiêu diệt lực lượng Nhật Bản tại biển Hoa Đông, sau đó chiếm quần đảo Senkaku hoặc thậm chí quần đảo Ryukyus ở phía nam”.
Sẽ dùng vũ lực chiếm Senkaku?
Nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này, nhiều nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ thắng thế. Ngoài hệ thống vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp, lực lượng Nhật Bản còn được hưởng lợi từ nhiều năm liên kết đào tạo cùng với các đối tác Mỹ, có lẽ sẵn sàng chiến đấu tốt hơn so với hải quân Trung Quốc.
Vì lý do đó, so với nhiều chuyên gia khác, các nhà phân tích Nhật Bản nhận thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ quan tâm đến một cuộc đụng độ trực diện lớn trong thời gian sớm. 
Tuy nhiên, nhiều đánh giá khác nhìn chung tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục kích động dồn Nhật Bản vào thế khó và có thể bao gồm cả những cuộc đụng độ nhỏ với các máy bay quân sự Nhật như quấy rối, đâm tàu cảnh sát biển. Mục tiêu cuối cùng là đạt được thắng lợi trong một cuộc chơi dài hơi hơn.
Nếu Tokyo bị coi là kẻ gây chiến, hoặc thậm chí chỉ đơn thuần là thiếu thận trọng, các nhà phân tích Nhật Bản lo sợ phản ứng dữ dội ở cả trong và ngoài nước. Công luận Nhật Bản có thể sẽ quay lưng lại với Abe, hoặc một chính phủ trong tương lai.
Thậm chí nguy hiểm nhiều hơn, trong con mắt của các nhà phân tích Nhật Bản, là phản ứng của công chúng Mỹ. Nếu Mỹ dao động trong cam kết của mình đối với Tokyo, hoặc lẩn tránh hoàn toàn, Bắc Kinh khi đó đã đi được cả một chặng đường dài hướng tới mục tiêu lâu dài lớn nhất: làm suy yếu liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản. 
Washington sẽ mất uy tín trong khu vực và lần lượt các quốc gia, thậm chí có thể bao gồm cả Nhật Bản, sẽ bắt đầu thực hiện các tính toán mới nhằm thích nghi với Trung Quốc.
Thời điểm này, trừ Nhật Bản, không nước nào có khả năng chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, một số chỉ là những nhân vật tí hon. 
Cùng ràng buộc người khổng lồ
Sự tự cao của Trung Quốc khiến tất cả các quốc gia xung quanh đều lo ngại. Nhiều nước đã bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác có cùng mối quan tâm: kiềm chế Bắc Kinh.
Đây cũng có thể là mục tiêu nổi bật nhất của trục Mỹ: làm dày mạng lưới các nước láng giềng lo ngại Trung Quốc, những bên có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực.
Thời điểm này, trừ Nhật Bản, không nước nào có khả năng chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, một số chỉ là những nhân vật tí hon. Tuy nhiên, trên sân khấu, ngay cả khi không tham gia liên minh tuyệt đối, họ vẫn có thể ràng buộc người khổng lồ vào các quy tắc quốc tế được hai bên chấp nhận.
Trong mọi trường hợp, các nước láng giềng của Trung Quốc không hẳn bị động chờ đợi Mỹ chỉ đường. Nhật Bản đóng góp nhiệt tình hỗ trợ củng cố tiềm lực hải quân của một số nước Đông Nam Á. Ngay cả Hàn Quốc, vốn là một trong những các nước láng giềng quan tâm nhất đến Trung Quốc, cũng đang bán trang thiết bị cho Philippines.
Cuối cùng, hoạt động cân bằng trong khu vực như thế này có thể triển vọng tốt nhất để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ ở bờ Tây Thái Bình Dương.
Càng nhận thấy một sự phản ứng phối hợp của nhiều nước đối với sự tăng cường quân sự và tấn công hải quân, càng có khả năng Bắc Kinh sẽ chuyển hướng sang ngoại giao, và ngừng tìm kiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Tất nhiên, đó không phải là khả năng duy nhất.
Nguồn gốc sự hung hăng của Trung Quốc
Trong suốt nhiều thập kỷ, bắt đầu với Đặng Tiểu Bình, khẩu hiệu địa chiến lược của Trung Quốc là ẩn mình chờ thời. Tôn chỉ của Đặng Tiểu Bình đã không bao giờ mất đi giá trị, nhưng hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng rằng cách tiếp cận của ông này đã bị gạt sang một bên. Giới diều hâu trong quân đội Trung Quốc không ngớt kêu gọi phải quyết đoán hơn nữa, thậm chí đến mức hiếu chiến.
Một ví dụ gần đây là, Liu Yazhou, ủy viên chính trị tại Đại học Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân, nghe giống như binh pháp thời cổ đại Trung Quốc khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn tạp chí: “Không có chiến thắng quân sự thì chẳng nghĩa lý gì. Những khu vực biên giới mà quân đội của chúng ta đã giành được chiến thắng thì hòa bình và ổn định hơn, nhưng những nơi chúng ta đã quá nhút nhát thì tranh chấp nhiều hơn”.
Tiếng nói của Liu Yazhou có thể bị coi là không chính thức, nhưng bản thân ông Tập Cận Bình đã công khai cổ vũ phát triển vũ khí và khuyến khích trang bị quân sự. Trong chuyến đi đầu tiên của mình sau khi nhậm chức ra ngoài thủ đô Bắc Kinh vào tháng 11.2012, ông này đã tới thăm quân sĩ tại quân khu Quảng Châu và phát biểu “tất chiến, tất thắng là linh hồn của một đội quân mạnh”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, thay đổi gần đây của nước này là do họ có sự tự tin lớn hơn trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến hầu hết các nền kinh tế phương Tây kiệt quệ, còn Trung Quốc chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. 
Các sự kiện tiếp theo, như sự kiện vũ khí hóa học của Syria và việc Washington không thể ngăn chặn Nga sáp nhập Crimea, có thể cũng góp phần khiến Bắc Kinh cảm nhận rằng tiềm năng của Mỹ ở nước ngoài đang suy giảm.
Theo VietnamNet, bài viết này được đăng trên tờ Atlantic. Tác giả là Howard French. Bài viết gần đây nhất của ông về cuộc di dân của Trung Quốc nhằm xây dựng một đế chế mới của châu Phi.