Wednesday, May 9, 2018

Dân Thủ Thiêm khốn đốn dù tấm bản đố “thất lạc” có tìm được hay không

Dân Đen (Danlambao) - Thông thường trước những kỳ đại hội của cộng sản đảng thường xảy ra những vụ việc được xem là nhạy cảm để định hướng dư luận. Vì thế suốt thời gian hơn tuần vừa qua cho đến nay, dư luận đang nóng với những diễn biến xung quanh việc lãnh đạo thành Hồ để “thất lạc” tấm bản đồ qui hoạch tại quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/1996 phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Võ Văn Hoan, chánh văn phòng thành Hồ lấp liếm khi trả lời truyền thông: “công tác lưu trữ không tìm thấy bản đồ gốc. Nghe nói hình như đã tìm thấy một bản sao?!”… Mặc dù dự án này đã triển khải “từ đó tới nay đã hơn 20 năm rồi”.

Những luận điệu của nhà cầm quyền thành Hồ được lều báo của ban tuyên giáo cộng sản soi rất kỹ từ chân tơ kẽ tóc. Điều đó cho thấy một thế lực nào đó đang áp lực phải moi bằng được tấm bản đồ “thất lạc”. Nhưng thực chất việc có hay không có tấm bản đồ qui hoạch, tìm thấy hay không tìm thấy tấm bản đồ ấy thì chính quan chức thành Hồ và ngay cả bộ sậu cao nhất của đảng cộng sản đã có câu trả lời. Và dĩ nhiên mọi việc sẽ được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam “xử lý đúng qui trình”.

Một vài khúc củi đương quyền hay đã về hưu sẽ được cai lò Nguyễn Phú Trọng lôi ra để ném vào lửa. Rồi Thủ Thiêm sẽ vẫn được qui hoạch như đã được “duyệt” vì đảng cộng sản không thể bỏ miếng mồi ngon là 9 lô đất vàng cùng hàng trăm hecta bất động sản sẽ được chia chác trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vấn đề không nằm ở chỗ tấm bản đồ “thất lạc” và cái quyết định 367/TTg nhưng nó tạo ra hàng trăm dân oan bị cưỡng chế đất đai. Nó đã khiến Thủ Thiêm trở thành điểm nóng về việc người dân khiếu kiện lâu dài. Đã không ít người vật vạ, lang thang hàng năm trời từ các cơ quan công quyền của thành Hồ cho đến xào huyệt T.Ư cộng sản tại động Ba Đình-Hà Nội. Và cũng không ít dân oan bị qui chụp là “phản động” là lợi dụng quyền tự do biểu đạt để chống đối “nhà nước nhân dân”. Để rồi những cái án tù oan đã cùm những mảnh đời đầy bất hạnh khi phản đối cái sai của dự án phát triển đô thị do nhà cầm quyền cộng sản thực hiện.

Trái ngược với những nỗi đau mà dân oan Thủ Thiêm đang phải gánh chịu suốt hơn 20 năm, các dự án vẫn cứ lởm chởm mọc lên, các chủ đầu tư (hầu hết đều là sân sau của quan chức cộng sản) vẫn cứ miệt mài đẻ ra những dự án mới với mục đích làm sao chiếm được càng nhiều đất đai của dân đen càng tốt. Vì thế lại xuất hiện thêm hàng loạt dân oan mới khi những dự án “mới” của quan chức cầm quyền “cơi nới” thêm diện tích diện tích qui hoạch để chiếm nhà của đất đai của nhiều hộ dân không nằm trong ranh qui hoạch. Thậm chí đến Chùa Chiền hay Nhà Thờ, Đền Miếu cũng không thoát khỏi số phận “oan” một khi dự án qui hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm triển khai thực hiện.

Chắc rằng đến giờ phút này, hơn 500 vong hồn vẫn không thể an lòng khi nhà cầm quyền thành Hồ san phẳng ngôi chùa Liên Trì, nơi đã lưu giữ hài cốt của họ suốt nhiều năm trời. Chắc hẳn đến giờ phút này, ngôi nhà thờ Thủ Thiêm và nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không khỏi lo lắng trước những quyết định cưỡng chế di dời. Chắc hẳn không ít người Công Giáo đang tỏ ra hoang mang trước lời phát biểu của Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành Hồ khi chỉ bán đấu giá hai di tích văn hoá của Sài Gòn nói chung và của giáo hội Công Giáo nói riêng.

Kể từ ngày cộng sản Việt Bắc cưỡng chiếm miền Nam và dưới khả năng cai trị của những kẻ cướp chính quyền, người dân Việt Nam đã mất đi cuộc sống tự do. Kể từ ngày 12/5/1995 lập ký dự án cho đến nay đã hơn 20 năm nhưng khu đô thị mới chưa thể hình thành một cách trọn vẹn. Mặc dù vậy nó đã mang lại nỗi đau tột cùng của những số phận dân đen bị cộng sản cưỡng cướp đất đai nhà cửa, ruộng vườn… Để rồi Thủ Thiêm sẽ vẫn được qui hoạch sau khi “truy tìm” tấm bản đồ “thất lạc”.


Lương thế là cao chót vót rồi, còn đòi hỏi gì nữa

Hạ Trắng (Danlambao) - Tại “một hội thảo bàn về công tác cán bộ mới đây”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT đã “khoe” rằng Bộ trưởng như ông chỉ được 11,690 triệu đồng một tháng. Ông này đưa ra câu hỏi “với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”.

Xin nhắc thêm là vấn đề tiền lương đang nằm trong đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN và được thảo luận tại hội nghị TƯ 7. 

Khi ông Dũng vừa Phọt – Mô -Sa ra câu này, lập tức báo chí “lề sản” xúm vào khen ngợi, ca tụng ông bộ trưởng là thẳng thắn, dũng cảm. 

Còn đại đa số dân chúng thì bĩu môi, cười nhạt và buông một câu xanh rờn rằng: “chúng mày sống bằng Lậu, bằng tiền vơ vét của dân chứ Lương gì.”. 

Đương nhiên, những ý kiến mang tính khẳng định này không phải không có cơ sở. Dễ thôi, chỉ cần trả lời được mấy câu hỏi dưới đây là mọi sự thông suốt ngay: 

Lương của bốn chức danh đứng đầu Đảng (cướp)- Nhà Nước (độc tài) chỉ khoảng 17 triệu một tháng. Lương bộ trưởng chưa đầy 12 triệu một tháng. Tất nhiên lương của các cấp thứ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, người đứng đầu các địa phương v.v… phải thấp hơn. Vậy thì bọn người này lấy đâu ra tiền xây biệt phủ, đi xe siêu sang, dùng đồ hiệu đắt tiền, cho con du học nước ngoài? Không những thế, chúng còn sở hữu những nhà hàng, khách sạn, sân golf, khu công nghiệp, khu chế xuất…, tức là giá trị tài sản lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD. Và một điều ít người dám nghĩ tới, nhà ở và nơi làm việc của chúng còn trang bị bộ lọc không khí vì ở Việt Nam, dưới sự cai trị của chúng, ở đâu cũng bị ô nhiễm, cũng mang nguy cơ bệnh tật, chết người. Vậy tiền ấy ở đâu ra? 

Xin trả lời ngay, đấy là tài sản do tham nhũng mà có. Đấy là tài sản do bán nước hại dân mà có. 

Cho nên, theo quan điểm của tôi, không riêng gì tiền lương của bộ trưởng, mà mức lương hiện nay đối với mọi tên cán bộ cộng sản như thế là quá cao. Bởi vì, bọn người này không những không làm được gì có lợi mà còn làm hại cho dân, cho nước. Đúng là chỉ có ở xứ thiên đường XHCN này mới có thể loại vừa được làm lãnh đạo, lại vừa được hưởng lương trong khi việc duy nhất lũ người này biết làm và làm giỏi, đó là tham nhũng, vơ vét, phản nước hại dân. 

Cho nên, lương như thế là cao chót vót rồi, còn đòi hỏi gì thêm nữa.


Nếu thứ cần mất vẫn còn…


Tổng Bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng Việt Nam vẫn im lặng, chưa lên tiếng về sự kiện Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” mà chính quyền TP.HCM từng đệ trình và từng được người đứng đầu chính phủ Việt Nam hồi 1996 phê duyệt – bị… “mất”!
Không biết Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 đính kèm tờ trình, phần không thể tách rời của quyết định cho phép TP.HCM biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới”, cơ sở để chính quyền TP.HCM dựa vào đó thu hồi đất, biến quy hoạch “Khu Đô thị mới” tại Thủ Thiêm thành hiện thực - “mất” từ lúc nào?
Cũng không rõ tại sao Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 “mất” nhưng các Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000, tỉ lệ 1/500, chi tiết hóa hình hài, diện mạo của “Khu Đô thị mới”, xác định chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất làm trung tâm thương mại, chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất xây nhà, dựng chung cư,… vẫn… còn? 
Cho tới giờ, sau tiết lộ của ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM: Chưa tìm thấy Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm! Phản bác của ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp dân của Thanh tra Chính phủ: Đừng nói với dân là tấm bản đồ ấy thất lạc, phải thú thật với dân là… không có (!) vì đã lục tìm tất cả các kho lưu trữ từ trung ương đến địa phương vẫn… không thấy! Biện bạch của ông Lê Quang Hùng – một trong những Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm hồi 1996 đã hết hiệu lực, đã được thay thế bằng Quy hoạch hồi 2005 và quy hoạch này vẫn còn… thắc mắc của 15.000 gia đình vốn là cư dân khu vực Thủ Thiêm: Tại sao chính quyền TP.HCM không dành 160/770 héc ta của “Khu Đô thị mới” cho họ theo đúng tinh thần Tờ trình, Quyết định phê duyệt của chính phủ, Bản đồ qui hoạch tỉ lệ 1/5.000 hồi 1996 (?)  vẫn không được giải đáp.
Những thắc mắc khác, kiểu như: Tại sao cư dân khu vực Thủ Thiêm chỉ được nhận khoảng 200.000 đồng bồi thường cho mỗi mét vuông trong khi một số doanh nghiệp được “giao” đất Thủ Thiêm có thể hưởng đặc lợi từ việc bán lại mỗi mét vuông đất ở Thủ Thiêm với giá vài chục triệu?  Tại sao một số cư dân mà nhà đất nằm ngoài phạm vi Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm vẫn bị cưỡng chế, thu hồi đất, vẫn bị ép nhận tiền bồi thườngvới giá rẻ mạt (?)... vẫn không có ai, nơi nào nằm trong nhóm trước kia là “hữu trách” hoặc nay đang có nghĩa vụ làm rõ, trả lời!    
Những câu hỏi, câu chuyện liên quan đến Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” hồi 1996 không chỉ có chừng đó. Hàng loạt những dấu hiệu đáng rủa khác như: Tại sao đại diện hàng trăm gia đình cư trú ở Thủ Thiêm hết khiếu nại ở Sài Gòn, lại tất tả ra Hà Nội tố cáo, ròng rã suốt 22 năm vừa qua, vẫn không có ai đoái hoài? Tại sao hệ thống tiếp nhận các khiếu nại – tố cáo từ địa phương đến trung ương hết “nâng” các khiếu nại, tố cáo lên rồi lại “đặt” xuống hơn hai thập niên mà vẫn không giải quyết xong? Tại sao 20 năm qua, thỉnh thoảng báo giới hăm hở xông vào rồi lại rút ra, đi đã không tới nơi, về cũng chẳng tới chốn?..
***
“Mất” những thứ lẽ ra phải còn để xem xét - truy cứu trách nhiệm đã trở thành hiện tương phổ biến ở Việt Nam.
Để bảo tồn rừng, chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa rừng và cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tháng 5 năm ngoái, dân chúng Việt Nam chưng hửng trước tin chính quyèn tỉnh Phú Yên cho phép Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt dọn sạch 140 héc ta rừng phòng hộ mà Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh này khẳng định là “xung yếu” vì “chắn gió, chắn cát từ biển vào đất liền” để xây dựng sân golf, khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn “5 sao” nhằm phục vụ… “Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017”... Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính phủ Việt Nam ra lệnh cho Thanh tra kiểm tra. Thanh tra xác định, ở Phú Yên không chỉ có 140 héc ta rừng phòng hộ được chính quyền tỉnh này cho phép dọn dẹp. Ngoài các dự án của Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt, chính quyền tỉnh Phú Yên còn cho phép thực hiện 17 dự án khác, xâm hại tổng cộng 1.107 héc ta rừng… 
Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Phú Yên loan báo, sổ ghi nội dung các cuộc họp của UBND tỉnh Phú Yên, trong đó có nội dung các cuộc họp liên quan đến việc cho phép phá rừng đã… “mất”. Không còn cơ sở để xác định trách nhiệm của các viên chức đang tại nhiệm hay đã nghỉ hưu nên tất cả nhất trí cùng “rút kinh nghiệm sâu sắc”!
Trước nữa, giữa năm 2016, sau khi người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyển cho nhau hàng loạt thông tin, hình ảnh cáo buộc ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” và ông Chiến không chỉ vung tiền bao cô “bồ nhí” này mà còn biến hệ thống công quyền ở Thanh Hóa thành bệ phóng cô “bồ nhí” lên đỉnh quyền lực, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh rõ ràng là “sai nguyên tắc”.
Cô gái khoảng 30 tuổi này khởi đầu “sự nghiệp chính trị” ở vị trí tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa rồi đột nhiên “chuyển công tác” sang làm chuyên viên tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong vài năm, sau khi được kết nạp vào Đảng CSVN, “chuyên viên” Trần Vũ Quỳnh Anh được  bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nhà và Bất động sản, được gửi đi học Cao cấp Chính trị, Cao học, được “qui hoạch” làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Cũng chỉ trong vài năm, cô Trần Vũ Quỳnh Anh trở thành chủ nhiều biệt thự tọa lạc ở những khu vực sang trọng nhất Thanh Hóa, Hà Nội, chủ những chiếc xe hơi đắt tiền như Cadillac, Mercedes,… sở hữu một quần thể sân tennis cho thuê!
Tuy nhiên do cô Trần Vũ Quỳnh Anh chủ động xin thôi việc, chủ động “đòi” và được ưu ái trả lại toàn bộ hồ sơ Đảng viên, hồ sơ công chức của cô nên sau đó, dù hệ thống công quyền của cả trung ương lẫn địa phương cùng nhập cuộc để kiểm tra nhưng  vì… không có lý do để thẩm định về tài sản của cô Trần Vũ Quỳnh Anh, không còn tài liệu để xem xét - truy cứu trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo Đảng, lãnh đạo hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, thành ra đầu năm nay, chỉ có cựu Giám đốc Sở Xây dựng, đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật!
***
Dư luận, công luận, rồi những tiếng kêu oan ức của cư dân Thủ Thiêm vang vọng suốt 20 năm qua. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có bận tâm không? Câu trả lời là không!
Bản đồ tỉ lệ 1/5.000 quy hoạch “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” bị… “mất” chỉ được thông báo rộng rãi, trở thành scandal và bàn luận rôm rả khi “lò” đang cần “củi”.
Tại sao những Trọng, Ngân, Quang, Phúc – vẫn ra rả khẳng định xây dựng Việt Nam thành xứ sở của “công bằng, dân chủ, văn minh”, vốn không ngừng cổ xúy cho việc xây dựng “chính phủ kiến tạo”, liên tục khẳng định tham nhũng là quốc nạn không nghe, không thấy, không nói gì về việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?
Tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng gần như chẳng bao giờ bỏ qua những cơ hội rất nhỏ, kiểu như chỉ đạo, điều tra, xử lý ngay chuyện trẻ con ngộ độc thực phẩm, ói ỉa tung tóe để chứng tỏ họ luôn đau đáu về vận nước, lợi ích của nhân dân mà lại bỏ qua việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?
Hai mươi năm là hai thập niên! Có thể tin, yên tâm không khi những người dường như bị suy giảm nghiêm trọng về thính lực, thị lực, thậm chí trí lực bởi “đãng trí” để “mất” gần như sạch sẽ mọi thứ, kể cả thứ quan trọng nhất là nhân tâm trong quãng thời gian dài như vậy đột nhiên trở thành tinh tường và sẽ nghe, sẽ thấy rõ mọi thứ, không làm “mất” thêm gì nữa?
Ai dám khẳng định nếu thảy vào “lò” củi nhỏ, củi to, củi khô, củi tươi, đốt thành tro mớ củi bị chọn để tạo ra lửa này thì tình trạng “mất” những thứ lẽ ra phải còn sẽ chấm dứt? Làm sao chấm dứt tình trạng đó khi những người vận hành “lò” cũng chính là những người phải chịu trách nhiệm vì “củi” vương vãi khắp nơi? Khi thứ cần mất vẫn còn thì thứ cần còn sẽ mất, mất sạch như lau!

"Mất bản đồ Thủ Thiêm", liệu còn bản đồ Việt Nam?


Những ngày gần đây, câu chuyện Thủ Thiêm bỗng nóng lên như đốt lò. Báo chí được dịp nói đến nơi này, nơi mà bao năm đã trở thành cấm kỵ đối với báo chí và là nỗi đau của biết bao người dân nơi đây.
Hơn 20 năm khiếu kiện xuôi ngược, từ địa phương đến trung ương, cái sai, cái sự bất nhân, bất nghĩa đẩy người dân vào chỗ khốn cùng thì đã rõ, chỉ có điều là dưới "sự lãnh đạo tuyệt đối tài tình" của đảng, cái ung nhọt vẫn còn đó và ngày càng lớn lên.
Đã có nhiều phiên tòa xử về những khiếu kiện ở đây, nhưng vẫn là một quy luật của riêng cộng sản: Tòa thì cũng chính là cộng sản, là quan chức đảng viên nên xử theo phe nhóm lợi ích, còn luật pháp chỉ "là cái đinh".
Và cứ thế, người dân cứ uất ức và tắc nghẹn khi mọi lối kêu Trời không thấu.
Đặc biệt, ở đó các quần thể kiến trúc tôn giáo lâu đời, có lịch sử hàng trăm năm nay vẫn bị lên kế hoạch phá hủy, mục đích thì đã rõ: Tiền.
Bỗng nhiên, khi mọi chuyện được báo chí xới lên, tìm hiểu thì nhà cầm quyền hô biến mất tấm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 là cơ sở để có quyết định cho dự án Thủ Thiêm từ Thủ tướng Chính phủ.
Việc các cơ quan từ Trung ương đến địa phương kêu mất tấm bản đồ hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi hàng vạn người dân là đã làm thiên hạ đặt ra nhiều câu hỏi.
Ai cũng hiểu, để một dự án lên đến bàn của Thủ tướng chính phủ ký, thì nó đã phải đi qua biết bao nhiêu cửa, biết bao công đoạn khác nhau, và các nhà đầu tư thì phải vượt biết bao nhiêu cửa ải đó. Ở mỗi nơi, đều có hồ sơ lưu lại chắc chắn để "giữ mình" trước những bất trắc lật lọng không thiếu vẫn thường xảy ra trong cơ chế chính trị hiện nay.
Vì thế, để "mất" được tấm bản đồ này, người ta lại phải chạy qua bấy nhiêu cửa ải đó làm cho nó "biến mất".
Và hẳn nhiên, để vượt qua các cửa ải đó thì vẫn phải theo phương châm "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" (Bác ở đây là hình ông Hồ Chí Minh trên tờ giấy bạc).
Nhưng, điều đáng nói ở đây, là tham nhũng và bóp cong luật pháp đã thành hệ thống và "đúng quy trình" từ trung ương đến địa phương.
Nhưng, vì sao nó biến mất?
Đặt ví dụ, nếu là một dự án minh bạch, thì tấm bản đồ quy hoạch phải được công bố công khai cho mọi người, mọi cơ quan, đặc biệt là người dân tại chỗ biết được mục đích, ý nghĩa cũng như những lợi, hại của dự án mà đồng tâm thực hiện.
Tuy nhiên, điều ai cũng biết, là dựa vào súng và đạn, công an và chó, nhà đầu tư kết hợp với nhà cầm quyền, nhất là các sân sau của quan chức cộng sản, của những phe nhóm lợi ích đã bất chấp tất cả mọi nguyên tắc chính nhà nước đặt ra để kiếm lợi cho mình bằng mọi giá.
Chỉ đơn giản là tại các dự án đó, những khu đất từ ngàn đời của người dân, bỗng nhiên được "nhà nước quản lý và đại diện chủ sở hữu" rồi ra lệnh "thu hồi". Cái cơ chế cướp - biến của người khác thành của mình - này là căn nguyên mọi bất công, mọi sự khốn cùng của người dân trong một chế độ độc tài. Mảnh đất bao đời của cha ông họ, được nhà nước tự định giá vài trăm ngàn một mét vuông để bán với giá mấy chục triệu đồng, nghĩa là lãi gấp cả hơn trăm lần.
Và đó là căn nguyên để các dự án biến thành miếng mồi ngon của các đại gia sân sau của các phe nhóm cộng sản.
Có lẽ chưa bao giờ và chưa có nơi nào trên thế giới, những "đại gia" những người giàu có nhanh chóng trong xã hội từ đất đai và dùng bàn tay "thu hồi" của đảng như ở Việt Nam.
Thế nhưng, điều đó chưa đủ.
Để thỏa mãn cơn khát tiền của mình, các nhóm sân sau, nhóm lợi ích cộng sản đã thực hiện đúng đường lối, bản chất cộng sản: "Nói một đường, làm một nẻo". Dự án được duyệt một, thì về căn cứ vào đó cướp đất của dân đến 2-3 lần.
Thậm chí, tại Đông Yên, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh còn có chuyện nhà cầm quyền dùng đủ mọi thủ đoạn, cưỡng chế người dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng đến khi dân đã đi, những người còn lại yêu cầu một câu hỏi: "cưỡng chế để làm gì?" mà không ai có thể trả lời.
Bởi thấy đất đẹp thì cướp thôi chứ chưa kịp nghĩ ra dự án. Và súng đạn, chó, dùi cui của "nhà nước của dân, do dân, vì dân" đã được sử dụng cho việc cướp đoạt tài sản, nhà cửa đất đai của dân.
Thế rồi khi dân phát hiện đất đai của mình bị cướp đoạt vô lý, thì con đường khiếu kiện cứ vậy mà đi.
Từ Thủ Thiêm đến hải đảo và biên cương
Khi một tài liệu quan trọng ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn hộ dân và hàng vạn sinh mạng bỗng chốc mất đi như không và đặc biệt là không ai chịu trách nhiệm, cứ trả lời "đã thất lạc, đã mất" là xong, rồi theo kinh nghiệm dân gian là "Để lâu, cứt trâu hóa bùn" là hết thì đó là lối thoát khá hữu hiệu.
Đến đây, người ta nhớ lại những vụ "mất" hết sức "ngẫu nhiên" nhưng có tính toán.
Đó là vụ khi báo chí phanh phui ra việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, cơ quan yêu cầu hồ sơ thì hồ sơ bổ nhiệm bỗng dưng "biến mất" rất kịp thời không ai tìm được và không ai chịu trách nhiệm. Thế là huề cả làng.
Đó là cô gái xứ Thanh là bồ nhí của lãnh đạo tỉnh, được lãnh đạo bao cấp cho nhà đẹp, xe sang giá hàng chục tỷ đồng và từ một con bé làm hợp đồng được bổ nhiệm thần tốc lên đến trưởng phòng của Sở và còn "quy hoạch" lên đến Phó giám đốc sở. Khi người ta đặt câu hỏi: Tiền đâu ra? Ai bổ nhiệm?  thì ngay lập tức biến mất những bút phê, hồ sơ bổ nhiệm và rồi cô ta cũng biến mất luôn không chỉ khỏi cơ quan công tác mà còn biến mất khỏi đất nước, định cư với con nhỏ ở nước ngoài.
Rồi biết bao sự "ngẫu nhiên" khác được gán ghép khi thì tinh vi, khi thì vụng về mà dù "Ai cũng hiểu, chỉ một người cố tình không hiểu" để giải thích kiểu "rửa bát bẩn"  hoặc "gạt tay trúng má" hay "giơ chân hơi cao"... để rồi những kẻ sáng tác ngôn ngữ đó cứ vậy mà leo lên chức cao hơn.
Thậm chí, khi Giáo xứ Thái Hà đến gặp UBND Tp Hà Nội để "đối thoại" về đất đai của mình, ban bệ cán bộ đưa ra các cái gọi là "Chứng cứ" liền bị giáo xứ bẻ gãy bằng luật lê và lý luận, thì chính Vũ Hồng Khanh, Phó  Chủ tịch UBND Tp đã nói với cấp dưới: "Đem cất các chứng cứ đi, cái nào có lợi thì đem ra". Nghĩa là hệ thống này rắp tâm cướp đoạt và chứng cứ, luật lệ... chỉ nhằm phục vụ cho việc cướp đoạt của đảng.
Hài hước và trắng trợn nhất là hắn nói công khai ngay trước bên khiếu nại là các linh mục, giáo dân của Giáo xứ Thái Hà.
Vậy thì ai chẳng sử dụng con bài "mất, thất lạc" và "sáng tác ngôn ngữ mới... vừa an toàn vừa hiệu quả.
Và cứ thế thành nạn dịch cho đến tấm bản đồ Thủ Thiêm.
Đã đến lúc dừng lại?
Xin thưa là chưa bởi chẳng ai chọn cho mình sự nguy hiểm nếu nhận hoặc trưng ra những điều bất lợi cho mình.
Chính vì những cái "mất, thất lạc" kia có chủ đích, còn có lợi cho ai thì chẳng cần hỏi cũng biết, nhưng rồi "huề cả làng" thì người ta có quyền đặt câu hỏi: Liệu có khi nào đó người dân đến hỏi bản đồ gốc của đất nước Việt Nam khi mới lọt vào tay Cộng sản ở đâu? Yêu cầu đem ra đối chiếu với bản đồ hiện tại xem đất nước, lãnh thổ của cha ông kể từ khi có "sự lãnh đạo sáng suốt của đảng tài tình" đã mất còn ra sao?
Lúc đó, tôi tin rằng lại sẽ là con bài: "Mất hoặc thất lạc chưa tìm thấy".
Đặt điều này ra ở đây không hề là sự ngẫu nhiên, bởi với một nhà cầm quyền coi giặc là bạn vàng, coi kẻ thù thành anh em, coi dân như thù địch và lãnh thổ cha ông chỉ là chuyện mua bán... thì điều đó rất có thể.
Ngày trước, khi mà Nguyễn Trãi đưa cha đi sứ Trung Quốc còn đưa qua cửa Ải Nam Quan, rồi ngồi khóc chia tay ở bên kia cửa ải, chỗ con suối phía Trung Quốc. Và con suối đó được đặt tên là Suối Phi Khanh. Năm 1960, Phạm Văn Đồng còn trồng một cây si tại đó để đánh dấu cột mốc số 0 của Việt Nam.
Nếu người dân bây giờ hỏi lại nhà nước về Tấm bản đồ chi tiết ở Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đó ở đâu mà Ải Nam Quan đã lùi sâu vào đất "Bạn vàng của đảng" cả gần nửa cây số?
Chắc chắn câu trả lời sẽ là: "Mất hoặc thất lạc không tìm thấy".
Và viễn cảnh của đất nước sẽ là vậy.
Khi mà chưa giáp mặt giặc, quan quân và tướng lĩnh, cả bầy như chó con chỉ biết lo ăn và cướp đã "mặt xanh nanh vàng". Trong khi đất đai biển đảo đang bị xâm lấn từng ngày, lại giao cho ngư dân bám biển giữ chủ quyền... thì chắc chắn sẽ có ngày nhà cầm quyền phải trả lời trước người dân Việt.
Khi mà giặc Tàu đang tràn ngập quê hương từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, mua bán đất đai ở Việt Nam như mua rau, xây dựng cả khu phố giữa lòng Đà Nẵng như chỗ sơn cùng thủy tận mà không hề hấn gì, thì chắc chắn sẽ có ngày những phần lãnh thổ đó được gắn vào Trung Hoa đại lục.
Khi mà nhà cầm quyền đã và đang dùng mọi thủ đoạn đê hèn nhất để tận diệt, đàn áp những người yêu nước, những người con đất Việt biết quan tâm đến lãnh thổ cha ông, thì việc vẽ lại bản đồ Việt Nam không có gì là lạ.
Một thể chế chính trị khi mà ngay trong phòng làm việc của Thủ tướng Chính phủ treo chiếc bản đồ hình lưỡi bò to khổng lồ, thì việc lãnh thổ được công nhận là của "bạn vàng của đảng" là chuyện không khó xảy ra.
Và nếu người dân đợi đến khi đó mới hỏi, hẳn sẽ được trả lời ráo hoảnh: "Mất, thất lạc chưa tìm thấy".
Bởi lối thoát đó cho những kẻ chối tội hiện nay đang rất hiệu quả.
Và rồi, đến một lúc nào đó, khi người ta hỏi lại đảng Cộng sản và nhà nước rằng: Không chỉ tấm bản đồ, mà dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam ở đâu rồi?
Thì khi đó, tôi tin rằng đảng và nhà nước lại sẽ trả lời: "Mất, hoặc thất lạc chưa tìm thấy".
Điều này không khó xảy ra trong tương lai gần, nếu người dân vẫn cứ im lìm nghe đảng gào thét: "Hãy để đảng trường tồn với dân tộc".
Có điều, đó có thể là dân tộc Hán.
Ngày 9/5/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Chủ nghĩa Mác: Soi rọi đến đâu, lụi tàn đến đấy

 Theo RFA-Nguyễn Tường Thuỵ-2018-05-09   
Tượng đài Marx và Engels trong một công viên tại thủ đô Berlin của Đức.
Tượng đài Marx và Engels trong một công viên tại thủ đô Berlin của Đức.AFP
Nếu không có người nhắc thì chẳng ai còn nhớ Các Mác sinh ngày nào, năm nay là năm thứ bao nhiêu kể từ khi ông sinh ra. Đến khi xuất hiện các bài phát biểu của mấy nhà tuyên giáo nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Các Mác thì người ta mới biết đến. Cũng phải thôi, nếu mấy nhà tuyên giáo này mà còn không nhớ nữa thì các ông biết chuyển sang nghề gì.
Để giữ cái nghề của mình, các ông bất chấp thực tế, bất chấp lý luận để ca ngợi Mác và cái chủ nghĩa Mác đưa ra bằng những ngôn từ tốt đẹp nhất, tưởng như kho từ vựng Tiếng Việt không đủ để diễn tả. Nào là “bộ óc kiệt xuất”, “Học thuyết của Mác là công cụ vạn năng để giải cứu thế giới”, “Tư tưởng của Mác là một nguồn động lực vô biên để động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng trên thế giới”, "Những giá trị của chủ nghĩa Mác là không thể xuyên tạc". Thâm chí tư tưởng của Mác còn soi rọi đến cả... cách mạng công nghiệp 4.0, làm cho nhiều người được phen cười nghiêng ngả.
(Trích phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tạ Ngọc Tấn, chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương).
Vậy Mác đã cống hiến cho loài người những gì? Trước hết cũng nên thừa nhận học thuyết của ông có những luận điểm chấp nhận được về thế giới quan, trong đó có những luận điểm ông thừa hưởng từ Hêghen, Phơ bách. Hoặc ông đưa ra một nguyên lý đúng mang tính đúc kết cao là “quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, ông có những luận thuyết chết người cộng thêm với sự vận dụng và phát triển tùy tiện của những nhà mác xít ở các nước cộng sản đã gậy ra tác hại rất lớn ở khu vực chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Ở đây xin đề cập hai luận thuyết đấu tranh giai cấp và giá trị thặng dư.
Trong học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận lao động của nhà tư bản thành bóc lột lao động của công nhân, làm cho người ta tưởng bị bóc lột thật nên cần phải dùng bạo lực để cướp lại. Mác cổ vũ cho sự cướp bóc này, gọi hành động này là “tước đoạt của kẻ tước đoạt”.
Từ nhận xét “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, Mác đưa ra luận điểm “đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội”
Học thuyết về giá trị thặng dư và đấu tranh giai cấp là hai luận thuyết mà sự ảnh hưởng của nó sâu đậm nhất đối với các quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, gây nên bao nhiêu tai ương ở các quốc gia này.
Chủ nghĩa Mác đã từng ảnh hưởng và làm thay đổi chế độ chính trị khoảng 1/3 thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì ở đó có bạo lực và thanh trừng đẫm máu trong nội bộ. Tất nhiên, những cuộc chiến tranh trên thế giới không chỉ sinh ra từ luận điểm đấu tranh giai cấp. Có tài liệu ước tính, nạn nhân của những cuộc tàn sát ở riêng 3 quốc gia: Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia lên tới 70 triệu người. Không chỉ là nội chiến hay thanh trừng nội bộ mà còn có cả chiến tranh giữa các nước XHCN với nhau.
Chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì kinh tế ở đó tụt hậu, sản xuất không phát triển được vì động lực thúc đẩy sản xuất bị triệt tiêu bởi chính sách làm ăn chung, triệt tiêu kinh tế tư bản tư doanh, công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều quốc gia lâm vào cảnh đói kém, nhất là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Theo Wikipedia, giai đoạn 1958 - 1962 Trung Quốc có khoảng 15 đến 45 triệu người chết đói. Nạn đói ở Bắc Triều Tiên trong thập niên 1990 đã làm chết khoảng 240.000 tới 3.500.000 người mà đỉnh cao là năm 1997.
Ngoài bạo lực chuyên chính vô sản, kinh tế tụt hậu, việc áp dụng chủ nghĩa Mác còn bộc lộ ra rất nhiều điều bất ổn trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.
May thay, chủ nghĩa Mác những tưởng sẽ thắng thế ở phần còn lại của thế giới thì cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bỗng dưng đồng loạt sụp đổ, từ Liên Xô, “thành trì của cách mạng thế giới” đến Đông Âu, Mông Cổ. Sự sụp đổ này không phải là ngẫu nhiên mà là do mâu thuẫn nội tại trong lòng các nước đi theo chủ nghĩa Mác bùng nổ. Ngày nay chỉ còn 3 đứa con đơn độc của chủ nghĩa Mác là Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba (Triều Tiên trong tình trạng không rõ ràng). Tất cả các quốc gia đã thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác không có gì phải nuối tiếc nếu không nói là vẫn còn kinh hoàng. Chủ nghĩa Mác đã kéo nhân loại chậm lại, có lẽ không dưới một trăm năm hoặc hơn, nếu tính đến cả những ảnh hưởng lâu dài của nó.
Sự sụp đổ của hệ thống XHCN vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy.
Chủ nghĩa Mác soi rọi đến đâu thì lụi tàn đến đấy. Đó là một sự thật. Sự sụp đổ của hệ thống XHCN cũng là một sự thật. Thế nhưng, các nhà tuyên giáo ở Việt Nam cố tình không nhìn thấy. Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tạm thời của nhân loại, nó đã chết ở quê hương Các Mác, chết ở châu lục mà Mác sinh ra nhưng ở một đất nước nghèo đói xa lạ, người ta cố thổi hồn vào nó, hà hơi cho nó những mong nó sống lại. Đó là một điều không tưởng. Chết rồi mà vẫn sống mãi, vẫn thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới, vẫn là chìa khóa vạn năng để giải cứu thế giới và còn đòi soi rọi đến cả... cách mạng 4.0. Thật là không còn sự khôi hài nào hơn.
Dám chắc, chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa Mác, kể cả những người đang cổ súy cho nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Gần 90 năm đi cùng nó, tuyên truyền, cổ vũ cho nó, từng thất bại ê chề vì nó, chẳng lẽ giờ lại đột nhiên từ bỏ, hóa ra công nhận mình đã từng sai? Đây là tâm lý bảo thủ cố hữu của người cộng sản. Ngoài ra, người ta cố giữ lấy nó còn để làm bình phong lừa mị dân, để kéo dài sự độc quyền thống trị chứ không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước cho người khác, còn đất nước ra sao, đi về đâu thì không cần biết.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Facebooker "Hieu Bui" bị án tù 4 năm rưỡi

RFA-2018-05-09 
Ảnh minh họa ngăn cấm facebook.
 Ảnh minh họa ngăn cấm facebook.AFP
Thêm một facebooker bị Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh kết án 4 năm 6 tháng tù giam trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/5/2018 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Theo cáo trạng, tài khoản facebook “Hieu Bui” thuộc ông Bùi Hiếu Võ, đăng những bài viết nói xấu đảng và nhà nước nhằm kích động khủng bố, phá hoại nề chính trị và kinh tế.
Theo truyền thông trong nước, xuất phát từ thảm họa môi trường Formosa, rồi vấn đề bồi thường đất đai tại Đồi Nhái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà bản thân ông này cho rằng chính quyền bao che, giải quyết không thỏa đáng nên ông bắt đầu tham gia bình luận, thu thập tài liệu trên mạng về xã hội rồi tổng hợp thành các bài viết đăng lên mạng xã hội facebook, bắt đầu từ tháng 9/2016.
Ông Bùi Hiếu Võ bị lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở tại Chung cư Hà Đô, Sài Gòn và bị bắt khẩn cấp vào ngày 17 tháng 3 năm ngoái.
Cũng tin liên quan, chiều 8/5/2018, công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam anh Nguyễn Duy Sơn với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...’
Anh Nguyễn Duy Sơn là chủ tài khoản facebook “Nguyễn Sơn”. Anh thường dùng mạng xã hội để chia sẻ những bài viết của mình nhưng chính quyền cho rằng anh đưa tin sai sự thật.
Tội ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà Nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…’ nay thuộc điều 331, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015. Trước đây là điều 258, Bộ Luật Hình sự năm 1999.

Người dân Thủ Thiêm cáo giác những sai phạm đất đai

RFA-2018-05-09 
Image may contain: 1 person, on stage
Người dân quận 2 tham dự buổi tiếp xúc cử tri.Courtesy of congan.com.vn
Người dân quận 2, Sài Gòn vào chiều ngày 9 tháng 5 có buổi gặp nêu ý kiến với đại biểu Quốc Hội về ranh giới quy hoạch cũng như việc đền bù cho các hộ trong dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Buổi tiếp xúc diễn ra từ 2 giờ chiều, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đại biểu Quốc Hội khóa XIV. Theo dự kiến, buổi làm việc sẽ kéo dài đến 4 giờ chiều, nhưng những cử tri tham gia yêu cầu có thêm thời gian tiếp xúc vì cho rằng 2 tiếng không đủ để giải quyết những bức xúc của họ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó chủ tịch quận 2 nói trong buổi gặp gỡ rằng đang chờ kết luận Thanh tra chính phủ về kiến nghị quy hoạch Thủ Thiêm. Đồng thời cho biết thêm là sau khi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, việc cưỡng chế đất đã tạm ngưng từ năm 2016.
Nhiều người dân tham gia buổi tiếp xúc cho biết họ đã bị đẩy ra đường trong khi nhà không nằm trong khu vực bị giải tỏa, ngoài ra tiền đền bù quá thấp so với giá trị thực sự căn nhà của họ và để mua được những ngôi nhà khác để tái định cư.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho biết bà từng gọi lên công ty Đại Quang Minh thì được biết giá căn hộ của khu đô thị Sala của công ty này là 350 triệu đồng/m2, trong khi bà chỉ nhận được 18 triệu đồng/m2. Bà cho rằng đang bị bóc lột vì mức đền bù không thỏa đáng.
Cử tri Lê Thị Mão, người có căn nhà 2 mặt tiền bị thu hồi vào năm 1997 chỉ với mức đền bù 4 triệu đồng/m2, cho rằng cơ quan chức năng quận 2 thiếu tôn trọng dân. Đồng thời đề nghị các Đại biểu Quốc hội cần kiểm tra xem các văn bản giải tỏa nhà đất phường An Phú, Quận 2 có đúng trình tự, thủ tục hay không khi những văn bản bà nhận từ cơ quan chức năng không hề có con dấu hợp pháp.
Ngoài ra còn có nhiều người dân khác cũng nêu lên trường hợp của riêng họ, đồng thời bày tỏ thái độ không chấp nhận phương pháp giải quyết của chính quyền.
Trước đó, vào ngày 7 tháng 5, ông Phan Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mục đích để làm rõ nhiều yếu tố pháp lý trong đó đảm bảo chính sách bồi thường giải tỏa, tái định cư cho người dân được làm đúng không. Hay việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng pháp luật không…

Nữ tu biểu tình đòi ngưng thi công trên đất Nhà Dòng

 RFA-2018-05-09 
Các nữ tu Dòng Thánh Phao Lồ Hà Nội vào hôm 9 tháng 5 năm 2018 tiến hành diễu hành mang theo biểu ngữ đến trước trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo Hà Nội để yêu cầu ngưng thi công trên khu đất của Nhà Dòng bị giao cho đơn vị tư nhân.
 Các nữ tu Dòng Thánh Phao Lồ Hà Nội vào hôm 9 tháng 5 năm 2018 tiến hành diễu hành mang theo biểu ngữ đến trước trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo Hà Nội để yêu cầu ngưng thi công trên khu đất của Nhà Dòng bị giao cho đơn vị tư nhân.Courtesy FB Hà Vân.
Các nữ tu Dòng Thánh Phao Lồ Hà Nội vào hôm 9 tháng 5 năm 2018 tiến hành diễu hành mang theo biểu ngữ đến trước trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo Hà Nội để yêu cầu ngưng thi công trên khu đất của Nhà Dòng bị giao cho đơn vị tư nhân.
Biểu ngữ mang theo nêu rõ "Đề nghị dừng thi công trên mảnh đất Nhà Dòng - số 5 Quang Trung".
Vào giữa năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định buộc chủ đầu tư dừng thi công Nhà Dòng - số 5 Quang Trung do có tranh chấp. Tuy nhiên ngày 08 tháng 5 năm 2018, phường Trần Hưng Đạo lại ra một văn bản không thuộc quyền của mình cho phép chủ đầu tư thi công trên khu đất của Nhà Dòng.
Cùng ngày, các nữ tu ra ngăn cản nhóm người cố đưa máy xúc, các thiết bị vào khu đất 5A-5B Quang Trung để thi công. Tin cho biết, các nữ tu bị một nhóm “côn đồ” nhục mạ, cầm dùi cui tấn công, một nữ tu bị đánh ngất xỉu.
Khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an có mặt nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Các nữ tu đã đến trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu buộc chủ đầu tư dừng việc thi công nhưng không được giải quyết, do đó sáng ngày 9 tháng 5, các Sơ phải tiếp tục xuống đường biểu tình kêu cứu.

Nha Trang: Ăn rồi ‘không chịu trả tiền,’ khách Trung Quốc bị đánh

Hai nhóm trong đó có người Trung Quốc lao vào ẩu đả sau bữa ăn tại nhà hàng ở Nha Trang. (Hình: Facebook)
KHÁNH HÒA ,Việt Nam (NV) – Kéo vô ăn 17 người, ăn 17 món rồi cho rằng nhà hàng ở phường Lộc Thọ, Nha Trang tính tiền không đúng, nhóm khách Trung Quốc không trả, sau đó ẩu đả khiến 3 người phải vào bệnh viện.
Nói với báo Người Lao Động ngày 8 Tháng Năm, ông Nguyễn Hồng Kỳ, trưởng công an thành phố  Nha Trang, cho biết công an phường Lộc Thọ kết thúc làm việc giữa các bên liên quan đến vụ ẩu đả đêm 6 Tháng Năm, tại nhà hàng Let’s Go, đường Trần Phú, phường Lộc Thọ. Công an thành phố đã rút hồ sơ để làm rõ vụ việc.
Nói với báo Người Lao Động ngày 8 Tháng Năm, ông Mạc Hùng Anh, đại diện công ty Khang Thái Vietnam Travel, cho biết nhóm khách Trung Quốc bị đánh đã được công ty đưa về Trung Quốc theo lịch trình, 3 người bị đánh yêu cầu phải được bồi thường viện phí. Tổng số tiền viện phí là 40 triệu đồng, công ty hỗ trợ 17 triệu đồng.
Theo ông Anh, nguyên nhân là do khi tính tiền thấy giá bữa ăn là 9,950,000 đồng, trong đó nhiều món có giá không đúng với thỏa thuận ban đầu nên các vị khách Trung Quốc không trả tiền mà gọi điện cho cơ quan thẩm quyền Trung Quốc nhưng không được nên bỏ đi. Khi đó, chủ quán cùng nhân viên chạy theo đòi tiền. “Do bất đồng ngôn ngữ nên hai bên hiểu lầm,” ông Anh cho biết và đã đưa ra một phiếu tính tiền để làm bằng.
Trong khi đó, ông Thạch Ngọc Tỉnh, chủ nhà hàng Let’s Go, cho biết khi kêu tính tiền, khách bỏ ra ngoài đứng, sau đó lẳng lặng bỏ đi. Nhân viên nhà hàng thấy vậy mới chạy theo nhưng họ không chịu mà hẹn ngày mai. Rất nhiều người dân nói là sao ăn uống mà không trả tiền nên một số người xông vào đánh, xảy ra ẩu đả.
Phiếu tính tiền do khách Trung Quốc cung cấp và phiếu của nhà hàng sửa lại sau đó. (Hình: Facebook)
“Tổng tiền thanh toán là 9,010,000 đồng. Họ đi 17 người ăn 17 món chủ yếu hải sản, trong đó có tôm hùm, tôm sú, cá chim, ốc biển… cùng rượu và 48 chai bia, ngồi kín bàn trên tầng hai. Khi đưa hóa đơn, do nhân viên mới vào làm nên đánh nhầm, cộng gộp số lượng với đơn giá, sau đó nhà hàng đã điều chỉnh lại. Cuối cùng, các khách Trung Quốc trả 2,200 nhân dân tệ, số tiền này tôi cũng đưa công an lập biên bản,” ông Tỉnh cho biết và cũng đưa một phiếu tính tiền với số tiền là 9,010,000 đồng để chứng thực.
Nói với báo Người Lao Động, ông Anh cho biết thêm, việc dịch sai ý khách Trung Quốc của nhân viên nhà hàng đã làm cho vụ việc căng thẳng. Trong khi khách nói “chờ cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc xử lý rồi mới trả tiền,” thì nhân viên nhà hàng lại dịch “về Trung Quốc mà tìm tôi” nên nhà hàng tức giận.
“Khách Trung Quốc cũng thừa nhận họ bỏ đi là không đúng. Nhưng không phải vì vậy đánh họ, mà báo công an để xử lý,” ông Anh nói.
Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, phó giám đốc Sở Du Lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng vụ việc dù ai đúng, ai sai thì chuyện đánh người là không nên. Điều này ảnh hưởng đến môi trường du lịch Nha Trang “mến khách, thân thiện.” Sở đang phối hợp với Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch xây dựng bộ văn hóa ứng xử đối với du khách.
“Riêng về vụ việc nhóm khách Trung Quốc xảy ra xô xát với nhân viên nhà hàng Let’s Go, chúng tôi đang đợi kết luận của cơ quan điều tra,” bà Thanh cho biết. (Tr.N)

Clip ‘công an Hải Dương đánh người’ bị tung lên mạng

Cảnh giằng co giữa người bị đánh và công an. (Hình: Báo Lao Động cắt từ video clip)
HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Một clip ghi lại cảnh được cho là cán bộ Cảnh Sát Giao Thông, công an huyện Thanh Hà đánh người vi phạm giao thông đang gây bất bình dư luận.
Theo báo Lao Động ngày 8 Tháng Năm, đoạn video clip dài hơn 4 phút trên do một người dân ghi lại và đăng lên Facebook vào sáng ngày 6 Tháng Năm, thông tin lại toàn bộ diễn biến vụ việc và nhận được hàng ngàn lượt xem, bình luận.
Theo đó, ông Nguyễn Văn M (35 tuổi), ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, đi xe máy quên đội nón bảo hiểm đã bị tổ công tác đội Cảnh Sát Giao Thông trật tự và cơ động, công an huyện Thanh Hà chặn xe đòi kiểm tra, xử lý “vi phạm luật giao thông.”
Khi tổ công tác yêu cầu ông M xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì ông M cho rằng mình không vi phạm luật giao thông và không xuất trình các giấy tờ liên quan. Thay vì chỉ lập biên bản xử phạt tại chỗ lỗi không đội nón bảo hiểm theo quy định, nhóm công an huyện đã thu giữ xe mang về trụ sở “để giải quyết.” Bất bình ông M phản đối giành lại thì bị đám công an vây tứ phía đánh té xuống đường. Nhiều người dân đi đường bất bình lên tiếng phản đối.
Ngày 8 Tháng Năm, nói với báo Lao Động, đại diện lãnh đạo công an huyện Thanh Hà xác nhận vụ việc xảy ra vào sáng ngày 6 Tháng Năm. Song, vị này cho rằng: “Trong quá trình giằng co, người vi phạm có hành vi chống đối nên Trung Úy Nguyễn Thành Trung, cán bộ trong tổ công tác đã buộc phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế, khiến cả 2 cùng ngã ra đường. Tổ công tác đã đỡ cả 2 dậy và giải thích cặn kẽ các lỗi đối với người vi phạm. Lúc này, người vi phạm mới xuất trình giấy tờ để lực lượng chức năng kiểm tra.”
Sau khi đánh xong, qua kiểm tra, thấy ông M có đầy đủ giấy tờ cần thiết nên tổ công an đã phải cho đi và chỉ “nhắc nhở” nên đội nón bảo hiểm. (Tr.N)

Năng suất lao động của người Việt Nam thấp hơn cả Cambodia

Một bác tài chạy xe lôi chở khách trên đường phố thủ đô Phnom Penh. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Năng suất lao động của người Việt Nam thua kém hẳn so với các nước trong khu vực dù chỉ so sánh với Cambodia, quốc gia thường được coi như thua Việt Nam về mọi mặt.
Ngày 8 Tháng Năm, 2018, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) phối hợp với Đại Học Kinh Tế (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) họp báo công bố công trình nghiên cứu thường niên về nền kinh tế của Việt Nam có chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất.”
Người ta thấy tại phần khảo sát “Đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế,” bản báo cáo nói khi so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN, thì thấy “năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Cambodia.”
Theo bản báo cáo “Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự ‘đội sổ’ bao gồm ‘chế biến chế tạo’, ‘xây dựng’ và ‘tiếp vận’ cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.”
Một số báo mạng tại Việt Nam tường thuật buổi hội thảo công bố báo cáo kể trên, trong đó có tờ Tiền Phong, cho hay: “Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng và phổ biến được sử dụng trong đo lường hiệu quả phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng và phân tích chuyển dịch cơ cấu để tìm hiểu nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam.”
Một bác thợ rèn ngồi làm bên cái lò thủ công trên phố “lò rèn” ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
Theo cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên viên kinh tế kể trên, năng suất lao động trung bình của người Việt Nam tính theo giá hiện hành tăng từ 38.64 triệu đồng năm 2006 lên 60.73 triệu đồng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, bản nghiên của của VEPR cho thấy, tới năm 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đang ở mức gần hoặc thấp nhất so với khu vực ASEAN và Đông Bắc Á.
Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Cambodia ở các nhóm ngành: nông nghiệp, điện-nước-khí đốt, bán buôn-bán lẻ-sửa chữa. Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng, tài chính-bất động sản-dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng-xã hội-cá nhân.
Các tác giả bản nghiên cứu khuyến cáo rằng: “Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Cambodia về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn về năng suất lao động của các ngành kinh tế,” theo VNExpress thuật lại.
Giữa tháng trước, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam cho biết, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay “vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực” theo tờ Dân Trí ngày 13 Tháng Tư, 2018, tường thuật. “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9,894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17.6% của Malaysia; 36.5% của Thái Lan; 42.3% của Indonesia và bằng 56.7% năng suất lao động của Philippines.”
Tháng Giêng đầu năm nay, khi thấy có báo cáo nói năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn năng suất lao động Lào, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu rằng ông “chưa công nhận” khi ông đến “tham dự và chỉ đạo nhiệm vụ năm 2018 tại Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội. (TN)

Tổng bí thư Trọng ‘củng cố di sản’ tại Hội nghị 7?

Theo VOA-Viễn Đông/09/05/2018 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các quan chức Việt Nam năm 2016.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các quan chức Việt Nam năm 2016.
Sức nóng từ Hội nghị Trung ương 7 tiếp tục lan tỏa với việc bầu và khai trừ nhân sự, giữa lúc có ý kiến nói rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang “muốn củng cố di sản” bằng “những người trung thành”.
Tin tức từ trong nước cho hay, sáng 9/5, dưới sự “chủ trì” của ông Trọng, Hội nghị Trung ương 7 đã “nhất trí” bầu bổ sung hai thành viên vào Ban Bí thư, cơ quan giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày của Đảng Cộng sản.
Tổng bí thư Trọng muốn củng cố di sản của mình bằng cách đưa vào trong đảng những người trung thành, không phe nhóm, tham nhũng, hay tham quyền cố vị.
Chuyên gia David Brown nhận định.
Đó là hai ông Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn. Ông Tú, hiện là Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, còn được giao giữ chức chủ nhiệm Ủy ban này, thay ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng.
Hồi tháng Ba năm nay, ông Vượng được bổ nhiệm lên thay ông Đinh Thế Huynh làm Ủy viên thường trực Ban Bí thư, phụ trách và chủ trì công việc hàng ngày của đảng.
Trả lời VOA Việt Ngữ về Hội nghị Trung ương 7 kéo dài từ ngày 7 – 12/5, ông David Brown, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, nhận định rằng “từ hội nghị này tới Đại hội Đảng 13 dự kiến diễn ra vào tháng Giêng năm 2021, sự cạnh tranh tiến thân trong đảng sẽ mạnh lên”.

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Tổng bí thư Trọng muốn củng cố di sản của mình bằng cách đưa vào trong đảng những người trung thành, không phe nhóm, tham nhũng, hay tham quyền cố vị”, chuyên gia về Việt Nam nhận định.
“Để cảnh cáo những người khác, Hội nghị Trung ương 7 có thể loại bỏ hoặc giáng cấp các đảng viên thiếu phẩm chất đạo đức, nhưng nếu những ai 'ngã ngựa' từng có quan hệ thân cận với cựu Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng], các nhà quan sát sẽ coi đó là cuộc đấu đá nội bộ của Tổng bí thư Trọng”.

Ông Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi đảng hôm 9/5.
Ông Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi đảng hôm 9/5.
Cũng trong phiên họp dưới sự “điều hành” của ông Trọng sáng 9/5, các đại biểu tham dự hội nghị đã quyết định khai trừ đảng đối với ông Đinh La Thăng.
Cựu ủy viên Bộ Chính trị này đang vướng vào vòng lao lý với hai bản án hơn 30 năm tù giam vì các “sai phạm” thời còn làm lãnh đạo tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước khi nhận các bản án mà nay ông Thăng đang kháng cáo, quan chức từng “thét ra lửa” khi làm lãnh đạo ở TP HCM này đã “nghẹn ngào” nói rằng ông “cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư” với tuyên bố “xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được”.

Ông Đinh Thế Huynh, Cựu Ủy viên Thường trực Ban Bí thư.
Ông Đinh Thế Huynh, Cựu Ủy viên Thường trực Ban Bí thư.
Giới quan sát nhận định rằng tại Hội nghị Trung ương 7 lần này, “sẽ xuất hiện thêm các gương mặt mới” trong Bộ Chính trị đầy quyền lực, thay ông Thăng và ông Đinh Thế Huynh (lý do sức khỏe).
Trong một bài viết mới đây trên trang Asian Sentinel, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu về Việt Nam, ông David Brown cho rằng Tổng bí thư Trọng đang mở một cuộc “thanh trừng” trong đảng, và rằng Hội nghị Trung ương 7 lần này là dịp để ông “đưa các ‘đệ tử’ vào các vị trí còn khuyết trong Bộ Chính trị”.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không bao giờ công khai đáp trả các bình luận của giới quan sát, và VOA tiếng Việt cũng khó liên hệ để phỏng vấn ông.

Nhân sự là một trong các vấn đề chính của Hội nghị Trung ương 7.
Nhân sự là một trong các vấn đề chính của Hội nghị Trung ương 7.
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 với một trong các trọng tâm là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp”, ông Trọng nói rằng “một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.
“Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”, ông Trọng nói tiếp.
... Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm
Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Trong một diễn biến khác liên quan, một trang mạng có tên gọi “Đại biểu nhân dân”, hiện không rõ ai quản lý, mới đây đã đăng một bài viết có tựa đề “Mong ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ tới” của một luật gia có tên Trần Thúc Hoàng.
Ông Hoàng cho rằng Hội nghị Trung ương 7 “cũng cần phải hiến kế thêm về tư duy chọn nhân sự cho người đứng đầu”.
“Đó là việc cần đồng sức đồng lòng tiếp tục tín nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ khóa tới. Bởi một lẽ đơn giản Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã có công ‘nhóm lửa, đốt lò’ để ra tay trị ‘giặc nội xâm’ lấy lại niềm tin của đảng viên và quần chúng đối với Đảng và Nhà nước”.
Theo giới thiệu trên trang Facebook cá nhân, luật gia Hoàng từng học “Đại học Luật Hà Nội” và Trường Sĩ quan Chính trị (nay là Đại học Chính trị).
Bài viết này sau đó đã gây ra cuộc tranh luận trên một diễn đàn dành cho các nhà báo ở Việt Nam và thổi bùng những đồn đoán về tương lai chính trị của ông Trọng.