Friday, December 11, 2020

Facebook cáo buộc nhóm tin tặc APT32 do Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn lan truyền mã độc

RFA-2020-12-11

 Facebook cáo buộc nhóm tin tặc APT32 do Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn lan truyền mã độc

Trang Facebook của CyberOne Security bị Facebook treo. Ảnh chụp hôm 10/12/2020- Reuters


Nhóm bảo mật của Facebook hôm 10/12 cho biết nhóm hacker APT32 do chính phủ Việt Nam hậu thuẫn đã lan truyền mã độc nhắm vào các nhà hoạt động Việt Nam, các chính phủ nước ngoài, các cơ quan báo chí, cùng các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp.

Nathaniel Gleicher, người đứng đầu bộ phận Chính sách An ninh của Facebook và Mike Dvilyansky, quản lý bộ phận thông tin tình báo về đe doạ trên mạng của Facebook cho biết các nghiên cứu của hãng cho thấy CyberOne Group - một công ty IT của Việt Nam có liên quan đến hoạt động lan truyền mã độc. Công ty này còn được biết đến với những cái tên như CyberOne Security, CyberOne Technologies, Hành Tinh Company Limited, Planet and Diacauso.

CyberOne Group phủ nhận có liên hệ với tin tặc và cho báo cáo này là một sai lầm.
"Chúng tôi KHÔNG PHẢI là Ocean Lotus", một người điều hành Fanpage của công ty CNTT hiện đã bị Facebook đình chỉ cho biết khi được Reuters liên hệ.

Theo điều tra của Facebook, nhóm hacker APT32 hoạt động trên Facebook bằng cách tạo các tài khoản, trang giả, thường lấy tên là các nhà hoạt động hoặc doanh nghiệp.

Nhóm này chia sẻ các đường dẫn với những nạn nhân của mình tới những trang mà nhóm này hoặc đã hack được hoặc được nhóm lập nên. Các đường dẫn này thường là mã độc hoặc phishing hoặc có các đường dẫn đến các ứng dụng Android mà nhóm này đã tải lên Play Store, cho phép nhóm có thể giám sát đối tượng của mình.

Facebook cho biết hãng này đã gỡ các tài khoản và trang của nhóm hacker này, đồng thời chặn các trang của nhóm này.

APT32 được cho biết bắt đầu hoạt động từ năm 2014 và thường được biết đến với cái tên OceanLotus. Các hoạt động tấn công của nhóm thường có liên quan đến các mối quan tâm của chính quyền Việt Nam.

Hồi năm ngoái, nhóm này bị các hãng an ninh mạng quốc tế cáo buộc đã tấn công vào các trang của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như BMW, Hyundai, Toyota Australia, Toyota Nhật Bản, thậm chí cả Toyota Vietnam để đánh cắp thông tin công nghiệp.

Nhóm APT32 cũng bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ tấn công nhắm vào giới chức chính phủ thuộc thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trong năm nay để lấy thông tin về bệnh dịch COVID-19.

Hàng trăm tài xế beBike diễu hành phản đối hãng

RFA/2020-12-11

 Hàng trăm tài xế beBike diễu hành phản đối hãng

Tài xế căng băng rôn phản đối Be Group. plo.vn



Hàng trăm tài xế beBike vào chiều 11/12 đã phản đối việc doanh nghiệp tự ý thay đổi tiền thưởng mà không thông báo bằng cách đồng loạt tắt ứng dụng và diễu hành, bấm còi trên các tuyến đường lớn ở Hà Nội. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày.

Trao đổi với phóng viên trong nước, các tài xế beBike cho biết hãng đã tự giảm mức thưởng mỗi tuần từ 980.000 đồng xuống còn 630.000 đồng.

Trong khi đó, mức chiết khấu gồm thuế VAT, phí ứng dụng và thuế thu nhập cá nhân mà beBike trừ vào tài khoản tài xế là hơn 33%.

Với mức chiết khấu cao hơn nhều hãng khác, nay lại giảm thưởng, nhiều tài xế cho hay không có động lực để tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, theo giải thích của người đại diện Công ty cổ phần Be Group, vụ việc xảy ra do tài xế hiểu nhầm vì doanh nghiệp vừa có nhiều chương trình thưởng cho rài xế, thay vì một mức thưởng như trước.

Cụ thể, tài xế sẽ được tham gia cùng lúc ba chương trình thưởng khác nhau bao gồm thưởng hoàn doanh thu của chương trình “Tài xế be Thân thiết”; thưởng tuần “Lái nhiều thưởng cao” và thưởng Tết “cùng đón Tết về - lái Be nhận thưởng”.

Ngoài ra, từ quý I/2021, Be Group sẽ tăng 2% mức thưởng so với hiện tại đối với những tài xế đang ở các mức hạng Vàng, PRO và PRO+.

Cát Linh-Hà Đông chạy thử 13 cây số, cần đến 700 người vận hành

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lại có đợt gia hạn vận hành mới đến Tháng Ba, 2021.

Hôm 11 Tháng Mười Hai, truyền thông nhà nước cho hay đây là tuyến đường sắt tốn nhiều giấy mực, sau nhiều lần “đội vốn” và trễ hẹn ít nhất tám lần trong các năm qua.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại có đợt gia hạn vận hành mới đến Tháng Ba, 2021. (Hình: Zing)

Dự án dài 13 cây số gồm 12 nhà ga và một khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu gần $553 triệu, sau đó điều chỉnh lên $868 triệu. Trong số này, phần lớn là vốn vay ODA Trung Quốc.

Thời gian vận hành thử toàn tuyến dự trù diễn ra từ ngày 12 đến 31 Tháng Mười Hai, với sự tham gia của 681 người đang được tập huấn và sát hạch chuyên môn.

Trước đó, công trình đường sắt liên tục đội vốn, được nhà cầm quyền CSVN chỉ thị “phải chạy trước Đại Hội 13 (dự trù diễn ra vào đầu năm 2021).”

Tuy vậy, dường như đa số người dân Hà Nội tỏ vẻ không mấy hào hứng với lịch chạy thử hay chạy thật của Cát Linh-Hà Đông.

Luật Sư Nguyễn Danh Huế ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Nếu đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 cây số khi vận hành cần 700 người thì quả là sự phỉ báng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hàng chục năm trước, các nước Châu Âu đã có rất nhiều nhà ga tàu không có người khi mà bán vé, soát vé, chỉ dẫn hoàn toàn tự động, nhiều tuyến tàu điện mới ở Đức giờ thậm chí còn không cần người lái.”

Luật Sư Danh Huế nhận định rằng ít có quốc gia nào mà lãnh đạo nói nhiều về cuộc cách mạng 4.0 nhiều như lãnh đạo CSVN nhưng trên thực tế, “việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ có sẵn vào đời sống thì chẳng quốc gia nào ít như ở Việt Nam.”

Vị luật sư dẫn chứng rằng ở Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh BRT “được đầu tư mấy ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chủ yếu chạy bằng cơm [tài xế, phụ xe, nhân viên bán vé] trong khi việc bán vé và soát vé hoàn toàn có thể tự động để tiết kiệm chi phí.”

Dự án Cát Linh-Hà Đông được ghi nhận gắn liền với những phát ngôn cứng rắn của ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, trước thời điểm ông này bị bắt và khởi tố hồi cuối Tháng Tám.

Tới nay, người dân Hà Nội chỉ nhiều lần nghe lịch chạy thử chứ không rõ về lịch chạy thật của đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Hình: Zing)

Khoảng hai tháng trước khi vướng vòng lao lý, cựu Chủ Tịch Chung được báo VietNamNet dẫn lời: “Dự án này đã nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã thành lập ra một công ty đường sắt để tiếp nhận. Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn.”

Ông Chung cũng được ghi nhận là giới chức từng mạnh miệng lên báo hứa hẹn đưa tuyến đường sắt này vào vận hành từ… Tháng Mười Hai, 2019, nhưng hiện tại đã một năm trôi qua từ thời điểm này.

Liên quan vụ dự án này nhiều lần “trễ hẹn,” dân mạng nửa đùa nửa thật bình luận rằng “đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã trải qua ba đời tổng thống Mỹ mà vẫn chưa chạy được.” (N.H.K) [qd]

Vụ 4 ngư dân bị chém, xô xuống biển Cà Mau: Tỉnh ‘hỏa tốc,’ huyện thờ ơ

 CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Đồn trưởng Đồn Biên Phòng Đất Mũi cho rằng người khai báo vụ tài công chém, xô bốn ngư dân xuống biển ở Cà Mau là do “ngáo đá” mặc dù có hình ảnh, chứng cứ khá rõ ràng.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Mười Hai, ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch tỉnh Cà Mau, đã ra văn bản “Hỏa tốc” chỉ đạo Công An tỉnh phối hợp Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Cà Mau “khẩn trương thụ lý thông tin ngư phủ trình báo tài công chém bốn thuyền viên rồi đẩy xuống biển đang gây bất bình công luận. Đồng thời nhanh chóng xác minh, truy tìm những người liên quan điều tra, làm rõ.”

Hình ảnh được cho là ngư dân bị ông Triều trói nằm trên tàu cá. (Hình: Nguyễn Hùng/Tuổi Trẻ)

Mặc dù việc tố cáo liên quan đến bốn mạng người và có kèm theo hình ảnh làm bằng chứng, nhưng nói với báo Zing hôm 11 Tháng Mười Hai, Thượng Tá Nguyễn Minh Chiếm, trưởng Công An huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, thờ ơ cho biết chưa xác minh vì cho rằng: “Người dân báo tin tội phạm thì chúng tôi tiếp nhận, nhưng chưa biết thực hư như thế nào. Chúng tôi thấy anh T. nói chuyện không bình thường.”

Trong khi đó Thiếu Tá Huỳnh Văn Bảo, đồn trưởng Đồn Biên Phòng Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, thì né trách nhiệm nhận định: “Người này [anh T.] có thể ‘ngáo đá’ nên khai bậy chứ thực tế không có. Hai tháng trước có một người mất tích và gia đình trình báo là do tai nạn.”

Trước đó vào chiều tối 10 Tháng Mười Hai, Công An huyện Ngọc Hiển cho biết ngư dân NCT (30 tuổi, ngụ thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã đến Đồn Biên Phòng Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tố cáo về việc khi đang đánh bắt hải sản trên biển đã tận mắt chứng kiến một tài công trói tay một ngư dân treo lên rồi đánh, chém và đẩy nạn nhân xuống biển.

Theo trình bày của anh T. với cơ quan hữu trách, vào Tháng Mười vừa qua, anh T. đi làm thuê cho ghe cào đôi (một chiếc Cái, một chiếc Đực) có bảng kiểm soát của tỉnh Bến Tre.

Anh T. không xác định được trên ghe có bao nhiêu người, mà chỉ nhớ tên khoảng năm, sáu người. Đi theo ghe Cái do tài công tên Triều – người bị tố cáo lái, là ghe Đực có người em ruột của ông Triều tên là D.

Ghe cào xuất bến từ cửa biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trong lúc đánh bắt hải sản, ông Triều thường đánh đập các ngư phủ. Các ngư phủ không dám phản ứng lại vì ông Triều “có súng điện luôn mang theo bên mình.”

Khoảng một tháng sau, đang trong đêm thì bất ngờ ông Triều dùng dây trói tay một ngư dân treo lên, sau đó dùng mã tấu tự chế chém vào vai, đầu người này nhiều cái rồi xô xuống biển. Theo anh T., khi bị xô xuống biển, người này vẫn còn bị trói tay, nổi lên hớp mấy cái rồi chìm xuống biển mất tích.

Khi anh T. bất bình lên tiếng với ông Triều “sao đánh người ta dữ vậy” thì bị ông Triều chửi và dùng ống tuýp inox đánh vào đầu ngất xỉu. Sau khi bị ông Triều đánh ngất xỉu, sáng hôm sau anh T. tỉnh dậy, được một ngư dân khác kể lại rằng ông Triều còn dùng mã tấu chém thêm ba người nữa và đều vứt xuống biển.

Tài công Triều dùng ống inox đánh ngư dân. (Hình: Công An Nhân Dân)

Ghe đánh đầy cá, ông Triều lái ghe Cái vào bờ theo hướng cửa biển Sông Đốc. Khi ông Triều đi được một lúc thì một số ngư dân xin bỏ qua một ghe tải để vào bờ. Lúc đó, anh T. và những người còn lại trên ghe Đực đã chặt bỏ neo, chạy ghe vào bờ theo hướng xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Ghe chạy được 24 tiếng thì vào đến đoạn kênh Hai Thiện thuộc ấp Cồn Mùi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, còn cách bờ khoảng 1 cây số thì bị mắc cạn. Anh T. và ba người khác phải xin đi nhờ xuồng lưới của ngư dân địa phương để vào đất liền.

Vào đến bờ, anh T. đến Đồn Biên Phòng Đất Mũi trình báo sự việc. Ba người đi cùng cũng đã đến các cơ quan hữu trách trình báo sự việc. (Tr.N) [qd]

Nguyễn Đức Chung được xử kín, chỉ bị 5 năm tù

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Đức Chung (53 tuổi), cựu chủ tịch thành phố Hà Nội, “có vai trò chủ mưu cầm đầu để lấy cắp nhiều tài liệu mật, là tài liệu điều tra đại án Nhật Cường,” nhưng chỉ bị tòa án Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù, thay vì phải từ 10 đến 15 năm.

Sáng 11 Tháng Mười Hai, sau bốn tiếng xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung, báo VNExpress cho hay, cùng tội danh, các bị cáo Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Kinh Tế, Tham Nhũng, Buôn Lậu Bộ Công An, nhận 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung, cựu cán bộ Công An Hà Nội là tài xế của ông Chung, bị tuyên phạt 2 năm tù; và Nguyễn Anh Ngọc, cựu phó trưởng Công An quận Cầu Giấy, cán bộ Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, nhận 18 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung (thứ hai, phải) và các đồng phạm tại tòa. (Hình: Danh Trọng/Tuổi Trẻ)

Các báo nhà nước dẫn lời Luật Sư Ngô Kim Lan bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Dũng cho hay “bản án không nêu phần dân sự và hình phạt bổ sung.”

Trong khi đó, Luật Sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Trung nói tại phiên tòa “các bị cáo thừa nhận sai phạm.” Ông Chung và các đồng phạm “được áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo và đây là một trong các căn cứ để tòa tuyên mức án dưới khung hình phạt truy tố.”

Do sức khỏe yếu, ông Chung được ngồi khi trả lời thẩm vấn, thừa nhận mình là chủ mưu như nội dung cáo buộc. “Trong lời nói sau cùng, ông Chung gửi lời xin lỗi đến đảng, nhà nước và các cử tri khi ông đã để mất niềm tin,” Luật Sư Thanh cho hay.

Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho biết ông Chung và vợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án công ty Nhật Cường – một đại án thuộc diện Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, ông Chung biết Phạm Quang Dũng được trưng dụng tham gia điều tra vụ án này nên nhờ thu thập và “nắm thông tin về hướng điều tra.”

Kết quả điều tra xác định ông Chung “giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu” khi kết nối và hối lộ $10,000 cho ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, để “tuồn tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường.”

Theo đó ngày 14 Tháng Năm, 2019, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An khởi tố, điều tra vụ án hình sự “Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu” xảy ra tại công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (vụ án công ty Nhật Cường), trong đó có việc điều tra về những người liên quan đến gia đình ông Nguyễn Đức Chung.

Vụ án này sau đó được xếp vào “đại án” thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng.

Thông qua giới thiệu của ông Phan Huy Lệ, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Hà Thành, ông Chung làm quen với bị can Phạm Quang Dũng, đặt vấn đề thu thập một số tài liệu của vụ án, được ông Dũng đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án “công ty Nhật Cường.”

Sau đó, ông Dũng lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án “công ty Nhật Cường,” đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của cấp trên lẻn vào lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc vào phòng làm việc của cán bộ khác để chụp tài liệu.

Kết quả điều tra xác định, từ Tháng Bảy, 2019, đến Tháng Sáu, 2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án. Hai lần chuyển cho ông Chung sáu tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật.”

Đối với hai bị can Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, đã có một lần nhận ba tài liệu thông qua Viber là tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” từ ông Chung, và chuyển tiếp cho nhau in ra, đưa lại cho Nguyễn Đức Chung.

Phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. (Hình: Tiền Phong)

Kết luận điều tra cho rằng vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội “có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp, tài liệu chiếm đoạt của vụ án tham nhũng, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng, theo dõi và chỉ đạo. Các bị can là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó có thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi, triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm nên đã gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án.” (Tr.N) [qd]

Một tài công bị tố chém, xô 4 ngư dân xuống biển ở Cà Mau

 CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Công An huyện Ngọc Hiển đang phối hợp với các nơi liên quan điều tra vụ bốn ngư dân được cho là bị một tài công tàu cá đánh, chém rồi đẩy xuống biển Cà Mau.

Theo báo Thanh Niên, vào chiều tối 10 Tháng Mười Hai, Công An huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết ngư dân NCT (30 tuổi, ngụ thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã đến Đồn Biên Phòng Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tố cáo về việc khi đang đánh bắt hải sản trên biển đã tận mắt chứng kiến một tài công trói tay một ngư dân treo lên rồi đánh, chém và đẩy nạn nhân xuống biển.

Ngư dân đi biển ở Việt Nam luôn đối diện với nhiều hiểm nguy tới tính mạng. (Hình: Thanh Niên)

Cũng theo anh T., khi anh phản ứng lên tiếng “Tại sao lại đánh người ta như thế?” thì liền bị tài công nói trên dùng ống inox đánh ngất xỉu. Đến sáng hôm sau khi tỉnh lại, anh T. nghe người bạn tên M. cho biết cũng ngay trong đêm anh bị đánh, người tài công nói trên tiếp tục dùng mã tấu “chém ba người khác, đẩy hết xuống biển.”

Anh T. và một số người khác sau đó tìm cách chạy thoát được vào bờ. Liền sau đó, anh T. tìm đến Đồn Biên Phòng Đất Mũi trình báo sự việc.

Trong khi đó theo báo VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam, Công An huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cũng đã tiếp nhận trình báo của một số ngư dân khác liên quan đến vụ việc này. Hiện giới hữu trách tỉnh Cà Mau đang tập trung điều tra vụ án đã khiến công luận địa phương rất quan tâm.

Trước đó, báo VNExpress cho biết Việt Nam đang xác minh nhân thân thuyền viên người Việt Nam tử vong trong vụ xô xát trên tàu Inlaco Express ở cảng Vostochny, Nga.

“Ngày 30 Tháng Mười Một, trong khi tàu Inlaco Express của công ty cổ phần Vận Tải Biển và Hợp Tác Lao Động Quốc Tế Inlaco Sài Gòn đang neo đậu tại cảng Vostochny của Nga, xô xát đã xảy ra khiến một thuyền viên Việt Nam tử vong. Các cơ quan sở tại đang làm việc với năm thuyền viên Việt Nam ‘có liên quan’ để điều tra làm rõ,” bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, cho hay trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 3 Tháng Mười Hai.

Tàu hàng Inlaco Express neo tại cảng Vanino, Nga, hồi Tháng Năm, 2020. (Hình: Vessel Finder)

Tin cho biết, thi thể thuyền viên người Việt được tìm thấy với nhiều dấu hiệu bị bạo lực trên boong tàu Inlaco Express khi neo đậu tại cảng Vostochny giáp biển của Nhật.

Cục Điều Tra Giao Thông Viễn Đông thuộc Ủy Ban Điều Tra Liên Bang Nga đã khởi tố vụ án với tội danh “Giết người,” đồng thời tiến hành giám định, thẩm vấn nhân chứng và xác định nghi can liên quan. (Tr.N) [qd]