Theo BBC- 8 giờ trước
Dù bản án bao nhiêu năm đi nữa thì họ cũng "bị oan", một luật sư ̣nói với BBC sau khi tham gia bào chữa tại phiên xử sáu nhà hoạt động ngày 5/4.
Phiên tòa kết thúc muộn tối 5/4 với bản án 15 năm tù, năm năm quản chế dành cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Nhà hoạt động Trương Minh Đức nhận bản án 12 năm tù, ba năm quản chế , Nguyễn Trung Tôn 12 năm tù, ba năm quản chế , Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù, ba năm quản chế, Lê Thu Hà chín năm tù, hai năm quản chế, Phạm Văn Trội bảy năm tù, một năm quản chế.
Thông tấn xã Việt Nam nói bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đã thành lập và xây dựng "Hội anh em dân chủ" để "lôi kéo những người có cùng quan điểm với mình hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân".
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 6/5, luật sư Ngô Anh Tuấn, bào chữa cho bị can Phạm Văn Trội và Nguyễn Trung Tôn nhận định:
"Khung hình phạt [trong Bộ Luật Hình sự] với tội danh âm mưu lật đổ nhà nước tương đối cao, khởi điểm từ 12, 20 năm đến tử hình. Với mức án trong khung đó, họ tuyên án không sai."
"Nhưng thực tế trong trong suốt quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, viện kiệm sát không thể làm rõ được các bị cáo có hành vi cụ thể nào nhằm mục đích lật đổ chính quyền".
"Vì thế tôi nhận định bản án này rất cao, rất nặng nề với các bị cáo. Vì họ bị oan."
'Không có người đối chất'
Luật sư Ngô Anh Tuấn nói việc 'không có người đối chất' đã diễn ra rất nhiều trong nhiều vụ án có các hành vi tương tự' và 'sẽ còn diễn ra'.
"Theo quy định, tất cả các chứng cứ phải được làm rõ tại phiên tòa. Chứng cứ chủ yếu ở đây là bản giám định thì bản này không có người đối chất. Những giám định viên mà chúng tôi đề nghị triệu tập không có mặt, hoàn toàn không có ai để đối chất."
"Tức là việc làm sáng tỏ các nội dung trong cáo buộc không được thực hiện. Người ta tuyên án trên cơ sở suy diễn chứ không phải căn cứ trên nội dung thực sự được làm rõ tại phiên tòa."
"Hai thân chủ của tôi (Phạm Văn Trội và Nguyễn Trung Tôn) nhận mức án nhẹ hơn so với mức Viện Kiểm sát đề xuất. Trong đó bị cáo Trội nhận mức nhẹ nhất."
"Tuy nhiên tôi cho rằng họ không phạm tội nên dù mức án bao nhiêu năm đi nữa thì họ cũng bị oan."
'Luật sư được tự do làm việc'
Đánh giá về cách thức tổ chức phiên tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn nói về cơ bản diễn ra "công khai, dân chủ, trên tinh thần cải cách tư pháp".
"Có các quan sát viên quốc tế tham dự nên có thể nó diễn ra tốt hơn so với một số phiên tòa khác."
"Việc tiếp cận thân chủ không có gì khó khăn. Chỉ có thủ tục đăng ký với trại giam thì hơi lòng vòng, mất thời gian. Chứ gặp các bị cáo tại trại giam thì thuận lợi, không vấn đề gì."
"Tại phiên tòa các luật sư hoàn toàn được tự do làm việc, không có bất cứ một hành vi gây cản trở nào."
Nhưng luật sư này vẫn khẳng định việc "kết tội bị can không có chứng cứ rõ ràng".
"Theo Bộ luật tố tụng mới thì hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp mọi nội dung mà luật sư và bị cáo đưa ra, nhưng thực tế không phải như vậy."
"Nghĩa là phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, chủ tọa cũng mong muốn đối đáp nhưng thực tế viện kiểm sát không tham gia đối đáp nhiều, trả lời một cách chung chung thì không đi đến được việc gì rõ ràng cả."
"Ví dụ cần đối đáp để xem tôi đúng hay anh đúng để tòa có cơ sở kiểm định và đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên một bên nói thì bên kia ngưng không nói, hoặc chỉ nói chung chung."
Luật sư Ngô Anh Tuấn hy vọng các phiên tòa trong tương lai "sẽ tổ chức công phu hơn và phải có nhiều kiểm sát viên hơn, có trình độ cao hơn và nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng hơn để có được các nội dung chuẩn bị tốt để đối đáp với các luật sư vào bị cáo".
Luật sư Tuấn cũng cho biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các bị cáo có quyền kháng án.
Việt Nam 'bác bỏ những thông tin sai sự thật'
Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội ngày 5/4, trả lời câu hỏi của phóng viên AFP về việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa xử sáu nhà hoạt động về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói:
"Việt Nam bác bỏ những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan này".
Theo bà Hằng, ở Việt Nam không có cái gọi là "tù nhân lương tâm".
"Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật."
Bà Hằng cũng cho hay những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.