Friday, April 17, 2020

Vòng vây xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình

Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình. Sau Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ Anh Quốc tới Liên hiệp Âu Châu, đã công khai hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh, trong khi người ta có bằng chứng là Trung Cộng đã cố tình giấu nhẹm trong 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khiến virus đã lây lan khắp thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ chính thức điều tra về nghi vấn virus đã ‘’xổng chuồng ‘’ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.
CÂU HỎI HÓC BÚA
Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Bắc kinh che giấu mức độ nghiêm trọng từ những ngày đầu, khiến Covid-19 trở thành đại hoạ cho cả thế giới.
Boris Johnson nói ‘’ Trung Hoa phải trả lời những câu hỏi hóc búa về nguồn gốc virus, và lý do tại sao không ngăn chặn từ khi khởi dịch’’. Thủ tướng Anh không ngần ngại tố cáo Trung Cộng, mờ ám, mặc dù sau Brexit, một trong những mục tiêu của Anh là thắt chặt giao thương với Tàu để thay thế thị trường Âu Châu
Emmanuel Macron, vốn dè dặt, cũng vừa công khai lên tiếng. Tổng thống Pháp nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Financial Times: ‘’có những vùng bóng tối trong việc xử lý đại dịch. Đừng ngây thơ nghĩ (nước Tàu) giỏi nhất trong việc quản trị virus. Chắc chắn đã có nhiều chuyện mà chúng ta không biết.’’
Đây là lần đầu tiên người ta thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, nhất là đối với một cường quốc, những lời đả kích gay gắt, không úp mở như vậy.
Các đảng viên, nhất là những người đã đưa hoàng đế lên ngôi, một cách nhiệt thành hay miễn cưỡng, khám phá ra Tập không còn được thế giới kính nể nữa.
6 NGÀY SINH TỬ
Trong khi đó, một cuộc điều tra của AP, chạy trang nhất các media thế giới, cho thấy Bắc Kinh đã giấu nhẹm chuyện virus 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khi đã có hàng ngàn người lây nhiễm, khi hàng trăm triệu người di chuyển nhân dịp Tết, mang virus đi khắp nước Tàu, khắp thế giới.
AP đã tìm được một tài liệu, trong đó giới chức có thẩm quyền, ngày 14/01 ra lệnh cho các địa phương chuẩn bị đương đầu với đại dịch. Nghĩa là họ đã biết, đã chuẩn bị từ ngày 14, nhưng không nói gì với dân Tàu cũng như với thế giới, cho tới ngày thông báo chính thức 20/1.
Marie Holman, chuyên viên về Trung Hoa nói với đài truyền hình Pháp France 5: hai ngày trước khi Tập Cận Bình thông báo chính thức về đại dịch, Đảng Cộng Sản Tàu đã tổ chức một đại tiệc hàng năm tại Vũ Hán cho 40.000 gia đình đảng viên, với trên dưới 100.000 người tham dự.
AP nhấn mạnh tới 6 ngày nguy kịch nhất, nhưng ký giả Pháp Nicolas Clemanceau cho hay việc giấu giếm đã kéo dài 3 tuần lễ, từ ngày một bác sĩ Vũ Hán báo cáo về một trường hợp lây nhiễm, ngày 30/12/2019 tới 20 tháng 1/2020.
Mặt khác, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho hay Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra về nguồn tin coronavirus đã ‘’xổng chuồng’’ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Pompeo nói Washington coi giả thuyết này có tính cách nghiêm chỉnh, cần một cuộc điều tra để biết nguồn gốc của đại dịch đã khiến gần 140.000 người chết.
Cách đây hai năm, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo cáo Washington về tình trạng thiếu an toàn của các phòng nghiên cứu về virus, gốc từ loài dơi, ở Vũ Hán.
Hầu như để trấn an dư luận về chuyện bưng bít thông tin, Bắc Kinh hôm qua đã chính thức nâng số tử vong ở Vũ Hán thêm… 50%!, từ 2579 tới 3832 nạn nhân (với tổng số 4632 trên toàn quốc)
Bắc Kinh giải thích sở dĩ có sai lầm, vì nhiều báo cáo địa phương chưa về tới trung ương, và nhiều nhà thương chưa quen xử dụng phương tiện thống kê qua Internet (Ở một xứ kỹ thuật hiện đại đã được tận dụng khại thác để kiểm soát mỗi người dân!)
Việc thanh đổi, thêm bớt nhưng con số thống kê, thay vì nâng cao uy tín, càng chứng tỏ sự lúng túng của Bắc Kinh, khiến người ta nghi ngờ hơn nữa.
KINH TẾ SUY SỤP
Trong khi Tập bị chỉ trích từ bốn phía, kinh tế Tàu đang chìm vào khủng hoảng. Bắc Kinh nhìn nhận PIB Trung Cộng suy giảm nặng, -6,8 %, con số xấu nhất kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hoá cách đây 40 năm đã làm nước Tàu kiệt quệ.
Sau dịch SARS (SRAS) những năm 2002-04, nước Tàu đã phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng, nhưng lần này, kịch bản khác hẳn.
Thứ nhất: Covid-19 trầm trọng hơn, đe doạ kinh tế toàn cầu.
Thứ 2: Trước đây, kinh tế Tàu phát triển nhanh chóng nhờ xuất cảng, ngày nay các quốc gia lâm nạn đã rút tỉa bài học, sẽ tự sản xuất những sản phẩm nhu yếu.
Thứ 3: ngày nay, Trung Hoa bị các nước đang phát triển cạnh tranh, vì lương bổng Tàu đã lên cao.
Thứ 4, quan trọng nhất : từ 3 năm nay, Trung Cộng, để đối phó với những khó khăn trong việc xuất cảng, đã đặt trọng tâm vào phát triển khả năng tiêu thụ nội địa, nhưng với virus vẫn còn đe doạ, ít người Tàu nghĩ đến việc tiêu thụ, ở một xứ không có an sinh xã hội, tương lai bấp bênh.
PIB suy giảm -6,8 là một gánh nặng đối với những nước Tây Phương, nhưng là một đại hoạ với một quốc gia muốn ổn định, nhất là muốn đóng vai leader thế giới, phải có mức tăng trưởng ít nhất 6%./.
– Tuyên bố của Macron:
https://m.lematin.ch/articles/26094648…

Người cộng sản

Ông ta, Tedros Adhanom, với vai trò Tổng giám đốc WHO, đã cư xử như là một nhân vật chính trị hơn là một nhà chuyên môn (tiến sỹ y khoa) ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh mà sau đó nó nhanh chóng bùng phát trở thành một thảm hoạ toàn cầu.
Ông ta nói rằng: vi rút Vũ Hán không lây từ người sang người; khuyến cáo Mỹ không nên dừng (hạn chế) sớm đường bay từ Trung Hoa tới Hoa Kỳ; loay hoay tìm một tên gọi để “tránh gây kỳ thị” mà không tìm cách tập trung để hành động với các yếu tố chuyên môn; đưa ra mức cảnh báo sai lầm và sau đó sửa lại, nâng từ “vừa phải” lên “mức cao” và đổ cho việc đánh máy chưa chuẩn xác; nâng phạm vi cảnh báo từ “khu vực” lên mức “toàn cầu” sau khi cố trì hoãn và phủ nhận thực tế đó; đưa ra lời khuyên “nên tin tưởng Trung Quốc vì họ có khả năng kiểm soát được tình hình”;…
Và sau khi bị truy trách nhiệm thì ông ta nói như một người người cộng sản: xin rút kinh nghiệm. Trong khi trước đó ông ta đe doạ rằng, đừng chính trị hoá vấn đề nếu thế giới không muốn thấy “nhiều túi đựng xác hơn”.
Ông ta, theo lý lịch trên trang từ điển mở, được ghi chú đã từng là một đảng viên Đảng cộng sản theo trường phái Marxism Leninism ở một nước cộng hoà ở Châu Phi, Ethiopia.
Vậy nên, những quan điểm và hành động của ông ta tỏ ra thân thiện và bảo vệ Trung Hoa cộng sản thực dân là điều dễ hiểu, dù thế giới đang rơi vào thảm hoạ xuất phát từ sự thân cộng đó của ông ta.
“Kinh nghiệm” của ông ta được rút ra từ bởi “nhiều hơn những túi đựng xác” ở khắp nơi trên thế giới./.

Những bài học lịch sử từ 45 năm qua

Trần Diệu Chân
Sau cuộc đổi đời kinh hoàng ngày 30-4-1975, biết bao nhiêu biến chuyển đã xảy ra trên đất nước Việt Nam và trong đời sống của hàng triệu gia đình đã liều mình chạy trốn ách độc tài Cộng sản.  Những chuyển biến đó đã để lại cho chính chúng ta và con cháu hậu duệ rất nhiều bài học xương máu mà dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng mạng sống của hàng triệu sinh linh.
Nhân đánh dấu 45 năm biến cố 30 tháng 4, chúng ta cần nhìn lại một số điều như những bài học cần rút tỉa, để tránh được những lầm lỡ tai hại, giúp lịch sử dân tộc được sang trang, khép lại những tháng ngày đen tối và mở ra một chân trời mới bình an, hạnh phúc.
Bài học I : Không có bữa ăn trưa nào miễn phí
Người Tây Phương có câu “no free lunch,” tạm dịch là không có bữa ăn trưa nào miễn phí. Triết lý này đặc biệt đúng trong quan hệ quốc tế, nơi chỉ có tương quan quyền lợi, sự giúp đỡ của nước khác với nước ta sẽ không bao giờ hoàn toàn là vì lòng nghĩa hiệp.
Do vậy, trong tương quan quốc tế, chúng ta cần biết cân nhắc và đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết để không bị lợi dụng hoặc thất vọng vì mong chờ được giúp đỡ miễn phí, mà hãy nhớ rằng mọi bang giao hay trợ giúp từ ngoại bang đều nhắm vào một điểm lợi nào đó cho họ trong ngắn hạn hay dài hạn. Khi đối tượng là một thể chế xấu, càng phải cẩn trọng hơn như trường hợp Trung Cộng đối xử với nước ta từ bấy lâu nay – luôn coi Việt Nam là chư hầu để khai thác kinh tế và chính trị.
Trong cuộc chiến Quốc-Cộng (1954-1975), chính thể miền Bắc đã sai lầm đi theo khối Cộng sản Quốc tế, làm tay sai cho Trung Cộng và Liên Sô trong âm mưu cộng sản hoá Đông Dương, gây ra cuộc chiến tương tàn đẫm máu giữa hai miền đất nước. Miền Nam muốn bảo vệ phần đất tự do từ khối Cộng Sản nên phải nhờ đến đồng minh Mỹ và khối Tự Do, nhưng đã quá tin tưởng hầu như “tuyệt đối” vào vai trò “tiền đồn chống Cộng”, tới độ tự hào mà không đề phòng để sửa soạn cho mình một tinh thần và thế đứng tự lập, tự cường khi đồng minh thay đổi đường lối và chính sách “be bờ – chống cộng.”  Bài học đau đớn của người Kurks tại Bắc Syria mới đây khi bị đồng minh Mỹ bỏ rơi (tháng 10/2019) đã gợi nhớ cho chúng ta thảm cảnh 30-4-1975.
Ngoài ra, việc Trung Cộng tiến hành chính sách xâm lược Biển Đông cùng chiến lược Hán hóa Việt Nam trong nhiều thập niên qua đã cho thấy dã tâm bành trướng của Phương Bắc, thế mà Cộng sản Việt Nam (CSVN) vẫn ôm cứng Bắc Kinh với cái gọi là láng giềng hữu nghị “16 vàng – 4 tốt.” Họ đã hoàn toàn bị Bắc Triều khống chế, trở thành công cụ cho ngoại bang và đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc chỉ vì muốn giữ chặt quyền lực độc tôn của đảng.
Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng tình trạng lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng chỉ có thể chấm dứt khi tập đoàn lãnh đạo CSVN không còn cầm quyền, và được thay thế bởi một chính quyền do chính lá phiếu của người dân chọn lựa. Đừng bao giờ chờ đợi lãnh đạo CSVN biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng, trở về với dân, và dựa vào sức mạnh của dân tộc để xây dựng thế độc lập hầu thoát khỏi vòng kim cô Trung Cộng.
Bài học II : Sức mạnh dân tộc là chính. Vận mệnh dân tộc nằm trong tay người Việt.
Sẽ không cường quốc nào có thể thao túng, lợi dụng hay quyết định số mệnh của Việt Nam nếu chúng ta biết đoàn kết và đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết.
Sẽ luôn luôn có những thế lực bên ngoài muốn ảnh hưởng hay khai thác đất nước ta, nhất là với một vị trí địa dư quan trọng và dân số đông gần 100 triệu người. Nhưng từ mối tương quan quyền lợi trong bang giao quốc tế, chúng ta phải biết khai dụng sức mạnh chính trị, kinh tế, và địa dư của đất nước để phục vụ cho quyền lợi của dân tộc. Và giá trị hơn cả vẫn là sức mạnh đoàn kết của toàn dân thể hiện qua những người đại diện xứng đáng trong một chính quyền thực sự vì dân và do dân bầu ra. Hiểu rõ sức mạnh “tự thân” này, chúng ta sẽ vượt qua mặc cảm nhược tiểu, không chờ đợi ai ban phát điều gì, không để bị cường quốc nào thao túng hay khai thác, và sẽ tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc qua những chính sách đối ngoại thân thiện, khéo léo, hài hòa, hợp tác khôn ngoan và bình đẳng với mọi quốc gia trên thế giới.
Bài học III : Công bằng xã hội chỉ nẩy nở trong một thể chế đa nguyên
Thể chế chính trị Độc tài-Độc đảng-Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) hay Cộng sản, và nền “Kinh tế Thị trường dưới Định hướng XHCN” đã bị chứng minh là tai hại, kém cỏi, thua xa thể chế Tự do-Dân chủ và nền Kinh tế Thị trường Tự do trong mục tiêu phát triển và phục vụ con người.  Thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã cho thấy: một đất nước, một xã hội chỉ có thể phát triển và thăng hoa khi chấp nhận sự khác biệt và giải quyết những khác biệt đó bằng nền tảng sinh hoạt chính trị đa nguyên, đa đảng.
Bằng chứng cụ thể nhất là các quốc gia Đông Âu sau cuộc cách mạng dân chủ vào năm 1989, đã may mắn thoát ra khỏi guồng máy Cộng sản và theo đuổi mô hình chính trị tự do-dân chủ trong 30 năm qua, nay trở thành cường quốc so với Việt Nam trong cùng một giai đoạn (1989-2019) dù tài nguyên thua xa Việt Nam. Chỉ cần nhìn qua một số đối chiếu sau đây, chúng ta thấy rõ Việt Nam đã và đang bị tụt hậu đối với Đông Âu, qua những chỉ số phát triển được định hình bởi các tổ chức quốc tế:
Thứ nhất, chỉ số Thu nhập Quốc dân (Gross National Income – GNI), là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một năm, và là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia.
Theo số liệu công bố năm 2018 của Quỹ Tiền Tệ IMF, lợi tức đầu người (tức GNI chia đều cho dân số) của 170 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm một số các nước cựu cộng sản được xếp theo thứ tự cao-thấp như sau: Cộng hòa Slovenia, 26.000 Mỹ kim – đứng thứ 32/170; Cộng hòa Tiệp,  22.000 Mỹ kim – đứng thứ 28/170; Hungary, 16.000 Mỹ kim – đứng thứ 52/170; Ba Lan, 15.400 Mỹ kim – đứng thứ 54/170; và Rumania, 13.000 Mỹ kim, đứng thứ 67/170. Trong khi đó, GNI của Việt Nam là 2.800 Mỹ kim và đứng thứ 129/170.
Chỉ số GNI nói trên cho thấy là tiềm năng kinh tế của các quốc gia tại Đông Âu đã không những phục hồi tốt đẹp mà còn bỏ xa Việt Nam ngày nay, dù mức độ kinh tế của Đông Âu và Việt Nam vào năm 1990 có cùng một điểm xuất phát là rất nghèo.
Thứ hai, chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) là chỉ số tổng hợp của tuổi thọ trung bình, tỷ lệ biết chữ, giáo dục và các tiêu chuẩn về cuộc sống của các quốc gia trên thế giới. Đây là chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phúc lợi trẻ em. Đây cũng là chỉ số xác định ảnh hưởng của các chính sách kinh tế đến chất lượng cuộc sống.
Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào năm 2017 đã công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của 197 quốc gia và khu vực để so sánh, với kết quả cho thấy: Cộng hòa Slovenia đứng ở vị trí 26/197; Cộng hòa Tiệp ở vị trí 27/197; Ba Lan ở vị trí 36/197; Rumania ở vị trí 50/197; Cộng hòa Albania ở vị trí 68/197. Việt Nam đứng ở vị trí 116/197 thuộc hạng nước kém phát triển.
Thứ ba, chỉ số dân chủ (Index of Democracy) do tạp chí Economist ở Anh khảo sát dựa trên năm phân loại chung: 1) Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; 2) Các quyền tự do của công dân; 3) Sự hoạt động của chính quyền; 4) Việc tham gia chính trị; và 5) Văn hóa chính trị.
Năm 2018, Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã xếp hạng các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu về chỉ số dân chủ như sau: Cộng Hòa Tiệp đứng hàng thứ 34/167; Cộng Hòa Slovenia 36/167; Bulgary 46/167; Ba Lan 54/167; Hungary 57/167; Rumania 66/167; và Việt Nam 139 /167.
Dựa vào các chỉ số nói trên, rõ ràng là người dân tại những quốc gia cựu cộng sản Đông Âu sau 30 năm thay đổi, đã được hưởng những quyền lợi căn bản về an sinh xã hội, giáo dục, chính trị và các quyền tự do căn bản khác như người dân tại các quốc gia Tây Âu vốn có một nền dân chủ lâu đời.
Bài học IV: Sức mạnh dân tộc sẽ chỉ có thể phát huy trên nền tảng nhân bản – tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm.
Nhân bản là nền tảng để vạch ra những chính sách phục vụ cho hạnh phúc của  người dân. Đây là kim chỉ nam để xây dựng đất nước và thực hiện những chính sách vừa ổn định được xã hội, vừa mời gọi được sự đóng góp tích cực của nhân dân, vừa phát triển được mọi tiềm năng của dân tộc.
Những chính sách được soi sáng bởi mục tiêu phục vụ và nhân bản này sẽ đem đến các thành quả mà chúng ta đã thấy tại các quốc gia phát triển đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc như các nước Bắc Âu, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Canada, Úc, New Zealand, Đức … nơi người dân tuy không giầu có bằng Mỹ, nhưng lại sống an nhàn, bớt căng thẳng, và hạnh phúc hơn, không bị bạo lực súng đạn đe dọa, được bảo vệ sức khỏe khi đau ốm v.v… Gần Việt Nam về địa dư và văn hóa là các quốc gia có mẫu mực phát triển đáng học hỏi như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Singapore, đã giúp họ trở thành những cường quốc kinh tế, được thế giới vì nể, và người dân hãnh diện được làm con dân của đất nước mình.
Vì thế, một nước Việt Nam văn minh, tiến bộ trong thế kỷ 21 khiến người Việt hãnh diện sẽ là một đất nước mà mọi người, mọi giới, mọi sắc tộc đều được tôn trọng như nhau, cùng có cơ hội bình đẳng để theo đuổi ước mơ riêng và sống đời hạnh phúc. Muốn như vậy, luật pháp quốc gia được soạn thảo là để bảo vệ và phục vụ người dân, không dùng để đàn áp người dân hầu bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số cầm quyền. Đặc biệt là xã hội phải luôn luôn khuyến khích và chú tâm vào việc phát huy và xây dựng tin yêu, đoàn kết để hàn gắn những đổ vỡ, đau thương. Dựng lại niềm tự hào dân tộc trong tinh thần khiêm cung và sống thân ái với mọi quốc gia bạn.
Kết luận : Bốn bài học nói trên sẽ giúp dân tộc chúng ta “đốt giai đoạn” để mau chóng bắt kịp đà văn minh của nhân loại và thực hiện ƯỚC MƠ VIỆT NAM mà biết bao thế hệ đã anh dũng hy sinh nhưng vẫn chưa đạt được, đó là niềm hãnh diện được sống trên quê hương giầu đẹp, trong tự do, no ấm, thái hòa, người người biết thương yêu nhau, nhân vị được tôn trọng; không còn bị bạo lực, áp bức, bất công, sợ hãi và đói nghèo vây bủa.
Ước mơ này sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa nếu chúng ta quyết tâm hành động bằng sự chung sức của mọi người. Tưởng niệm 45 năm Quốc Hận 30 tháng 4 chính là cơ hội lớn để mọi con dân Việt Nam cùng cam kết thực hiện ƯỚC MƠ VIỆT NAM trong tinh thần tri ân sâu xa, và đền đáp nghĩa cử của biết bao người đã nằm xuống vì tiền đồ của dân tộc.
Ngày 8/4/2020
Trần Diệu Chân

Mắc nghẹn vì một cái công hàm

Trung cộng lại nhắc Công hàm Phạm Văn Đồng | Chân Trời Mới Media
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Quốc hội Trung Cộng họp bàn và ra bản Tuyên bố đưa ra 4 quan điểm về vấn đề Đài Loan và chủ quyền trên biển của Trung Cộng. Trong 4 điểm đó, đáng chú ý là điểm thứ nhất vì nó có dính tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nội dung điểm 1 trong bản tuyên bố này có nội dung như sau: “Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.” (hết trích)
Vấn đề chiều rộng lãnh hải 12 hải lí là đúng luật không có gì bàn cãi, nhưng ở đây họ kèm vào đó là chủ quyền của họ ở Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam sa (tức Trường Sa) của Việt Nam. Thế nhưng không biết vì lí do gì 10 ngày sau đó, ông Phạm Văn Đồng đã ký một công hàm công nhận bản tuyên bố của CHDCND Trung Hoa ngày 4 tháng 9 năm 1958, và giao cho Nguyễn Khang -đại sứ Việt Nam DCCH tại Trung Quốc trình lên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Cộng-Cơ Bàng Phi. Như vậy là phía Trung Cộng xem công hàm này là sự thừa nhận của phía Việt Nam DCCH đối với chủ quyền của Trung Cộng trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Và từ đó đến nay, Trung Cộng xem Công hàm này như là sự bảo chứng cho “chủ quyền hợp pháp” của họ trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì thế ngày 30 tháng 1 năm 1980 khi Việt Nam ra sách trắng về chủ quyền biển đảo thì Trung Cộng trưng công hàm này như “một bằng chứng không thể chối cãi” về chủ quyền của họ trên 2 quần đảo này. Tiếp theo là để bao biện cho việc kéo dàn khoan HD-981 vào lãnh hải Việt Nam, ngày 20 tháng 5 năm 2014 đại sứ Trung Quốc tại Indonesia – Lưu Hồng Dương cho đăng công hàm trên báo Jakarta Post để báo cho thế giới biết rằng “nó đã bán cho tao rồi nè!”. Và cứ mỗi khi phía Trung Cộng trưng công hàm này thì phía Việt Nam lại im lặng.
Thực ra công hàm đó của ông Phạm Văn Đồng là đã bán nước thật chứ không phải chối cãi gì nữa. Vấn đề là khi ông Đồng kí bán là ông ta “bán vịt trời”, tức bán những thứ không thuộc chủ quyền của phía ông ta. Giờ chỉ có VNCH mới đủ tư cách đòi chủ quyền (về lí) chứ CHXHCN Việt Nam thì làm sao đủ tư cách? Nếu nói CHXHCN Việt Nam làm chủ hợp pháp phần lãnh thổ vốn thuộc VNCH thì tại sao Trung Cộng không làm chủ “hợp pháp” 2 quần đảo Trường sa và Hoàng Sa? Cả 2 đều đánh chiếm để cướp của kẻ khác chứ có ai được bán hay được cho hay được nhường một cách hợp pháp đâu? Một khi anh giết người cướp của thì làm sao anh là chủ nhân hợp pháp những gì anh cướp được từ nạn nhân? Tất nhiên nếu dựa vào hành động đánh cướp thì Trung Cộng không đủ lí, nhưng nên nhớ trên tay của Trung Cộng đang giữ công hàm của Phạm Văn Đồng nên họ sẽ vin vào đó mà cho rằng, họ là chủ sở hữu hợp pháp 2 quần đảo của Việt Nam. Đây là yếu điểm chết người, và chính nó sẽ được phía Trung Quốc khai thác nếu Việt Nam dám kiện.
Nếu Trung Quốc có cơ sở để trưng bằng chứng chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa thì ngược lại, CS Hà Nội sẽ không có cơ sở để tuyên bố mình đủ tư cách để thay mặt VNCH đòi lại chủ quyền với 2 quần đảo trên. Anh cướp của người ta thì sao anh đủ tư cách hợp pháp được? Cho nên có thể nói, dù cho chính quyền Cộng Sản có thừa nhận chính thể VNCH là một chính quyền hợp pháp thì họ vẫn không đủ lý để cho rằng, họ là chủ hợp pháp của những phần đất vốn thuộc VNCH trước đây. Đó là một lẽ mà chính quyền CS Việt Nam hiện nay không dám kiện Trung Cộng, đấy là chưa nói đến phận chư hầu mà ĐCS Việt Nam đang tự chấp nhận.
Hiện nay phía CS Việt Nam cho rằng, Trung Cộng chiếm 2 quần đảo là bất hợp pháp nên phần chủ quyền biển mà Trung Cộng tự vẽ ăn theo phần ăn cướp kia cũng bất hợp pháp. Đúng! Thế nhưng thực tế Trung Cộng phớt lờ lý do đó, họ chỉ xoáy vào công hàm bán đảo của Phạm Văn Đồng thì sao đây? Văn bản cấp nhà nước chứ đâu phải là trò chơi con nít đâu mà ĐCS Việt Nam có thể phủ nhận? Như vậy qua đây chúng ta thấy, ngay cả việc giành lấy cái lý cho mình thì CS Việt Nam cũng không thể làm được thì nói gì đến việc giành lại chủ quyền “bằng biện pháp hòa bình”? Người ta nói “danh không chính thì ngôn không thuận” là rất đúng trong trường hợp này. ĐCS thực ra là kẻ ăn cướp phần lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền thì hôm nay họ không thuận ngôn trong vấn đề phản đối sự lộng hành của Trung Cộng ngay trên lãnh hải vốn của Việt Nam. Trung Quốc sẽ nắm yếu điểm này mà quật lại, chắc chắn. Để chỉ mặt Trung Cộng một cách hợp pháp thì chỉ có VNCH, nhưng VNCH đã chết nên việc giành lấy cái lí cho mình thì CS Việt Nam không thể. Cho nên nên câu nói “Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại” của ông Vũ Đức Đam là câu nói khốn nạn vô cùng. CS tiếp tục gạt thế hệ con cháu trong khi mình đã bán hết cho giặc.
Ngày 30 tháng 3 năm 2020, CS Việt nam trao công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bày tỏ quan điểm ủng hộ Công hàm số CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và tất nhiên việc ủng hộ Công hàm của Malaysia thì cũng đồng nghĩa với việc phản đối Công hàm số CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn Trung Cộng gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc khẳng định chưa từng che giấu về dịch COVID-19
Triệu Lập Kiên
Lập tức ngày 14 tháng 4, Bắc Kinh mở cuộc họp phản pháo lại công hàm Việt Nam. Tại cuộc họp, người phát ngôn ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên khẳng định “Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) là lãnh thổ Trung Quốc. Các chủ trương liên quan của phía Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế (trong đó có Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển), là phi pháp và vô hiệu.”
Vâng! Tại sao Trung Cộng cho họp báo không đáp trả phía malaysia mà đáp trả thẳng thừng phía Việt Nam? Bỡi vì đơn giản, phía Trung Cộng đang nắm Công hàm của Phạm Văn Đồng trên tay. Chính công hàm này biến mọi hành động cướp bóc của Trung Cộng đều trở thành “hợp pháp” trước mọi cuộc tranh chấp với Việt Nam. Nói thật, trên mặt chữ của công hàm năm 1958 thì ông Đồng đặt bút ký, nhưng chủ trương thì phải là kẻ có quyền cao hơn, kẻ đó là ai chắc không cần phải giải thích./.

Người nghèo ở Hà Nội mất phương hướng trong đại dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cùng 11 tỉnh thành khác, Hà Nội tiếp tục “cách ly xã hội” thêm ít nhất một tuần nữa, khiến những người lao động nghèo chơi vơi, mất phương hướng tìm kế sinh nhai chỉ còn cơm trắng.
Họ là những người dân nghèo ở các tỉnh thành lân cận xuống làm việc, thuê phòng ở trong những xóm trọ tạm bợ quanh phường Phúc Tân, phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), hay những khu vực nghèo khác.
Theo báo Zing, tại các xóm trọ tạm bợ ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), hàng trăm lao động nghèo làm đủ các ngành nghề từ kéo xe, bốc hàng, xe ôm… đều là những nghề không thiết yếu, bắt buộc phải tạm dừng trong thời gian Hà Nội “cách ly xã hội.”
Song, sống trong cảnh “ăn không ngồi rồi” không có người thân, gia đình bên cạnh do “mắc kẹt” ở lại Hà Nội vì “Về quê chẳng may sẽ lây bệnh cho gia đình, dù sao Hà Nội cũng là một thành phố đang có dịch,” như anh Nguyễn Văn Tới cho biết, nhiều người lại cảm thấy chơi vơi.

Người và xe kéo ở xóm trọ phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, “ế việc” nhiều ngày qua. (Hình: Duy Hiệu/Zing)

Anh Nguyễn Văn Tường, chuyên bốc hàng tại chợ Đồng Xuân, cho biết từ ngày 29 Tháng Ba, khi chợ đóng cửa để phòng dịch COVID-19 cũng là ngày anh không có việc làm cho đến nay. Mỗi ngày, anh Tường quanh quẩn tại xóm trọ, ăn uống tạm bợ chờ đợi thông tin chợ mở cửa để quay lại công việc.
Tương tự, anh Thiều Viết Khánh, chạy xe ôm “công nghệ,” cũng tạm thời nghỉ việc được gần hai tuần. Những ngày qua, anh Khánh dùng số tiền tích góp trước đây để trang trải cuộc sống và dành phần lớn thời gian trong căn phòng trọ chật hẹp, nấu ăn rồi tìm những trò giải trí trên điện thoại cho qua ngày.
Trong khi đó, bà Cao Thị Thắng (59 tuổi), kéo hàng thuê tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), cho biết do không có nguồn thu nhập nào khác nên từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, bà phải chạy ăn từng bữa ăn. Nhiều lúc biết không nên ra đường vì dịch bệnh, nhưng bà vẫn phải loanh quanh các bãi rác để nhặt ve chai bán lấy tiền thêm thắt bó rau, quả trứng cho bữa cơm.
Có những ngày hết rác, bà Thắng phải vay hàng xóm 20,000-30,000 đồng (khoảng $1) để mua thức ăn. Một quả trứng vịt chiên, không có nước mắm, bà dùng muối để làm gia vị cho chén bí luộc. “Có đạm, có rau thế là đủ rồi,” bà cười nói.

Ông Nguyễn Văn Bình (phải) lo lắng nếu kéo dài cách ly không biết lấy tiền đâu để trả cho nhà trọ và chi phí điện, nước. (Hình: Duy Hiệu/Zing)

Trong căn phòng trọ chừng 10 mét vuông, ông Nguyễn Văn Bình lo lắng sau khi hết “cách ly xã hội,” các tiểu thương không đến chợ Long Biên lấy hàng thì công việc của mình “sẽ ra sao ngày sau.” Giờ đây, ông chỉ mong ngóng ngày hết dịch hoàn toàn để được đi làm, bởi vì dù ở trong căn phòng trọ tạm bợ ông vẫn phải trả chi phí từ nhà trọ, điện, nước.
Cách căn gác nhỏ trên phố Hàng Buồm 2 cây số về phía bãi sông Hồng, 10 ngày nay mẹ con bà Nguyễn Thị Dung (hơn 50 tuổi, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) sống qua ngày bằng gạo cứu tế và đồ ăn thừa của hàng xóm.
Theo báo VNExpress, xóm trọ nơi bà Dung ở nằm trong một vườn bưởi, nơi người ngụ cư tứ xứ thuê những chái nhà vài mét vuông sau chợ Long Biên, kiếm ăn bằng nhiều việc tay chân, người kéo xe, bốc vác, người bán bánh mì, nước chè, lượm rác, ve chai.
Buổi chiều, tiếng cọ xoong nồi và mùi xào nấu lan khắp các góc bếp. Căn nhà cuối xóm của bà Dung không nổi lửa. Đứa con gái 15 tuổi bị bệnh tâm thần ôm chân mẹ trông ra cửa, hít hít, nhận ra mùi trứng rán bên nhà hàng xóm, đòi ăn. Bà Dung kéo con vào nhà, đóng cửa tránh ngửi mùi thức ăn.
Cuối Tháng Ba xe hàng ít về, chợ Long Biên vắng hoe. Việc ít, tiểu thương cũng ưu tiên thuê những người khỏe, làm nhanh. Được một xe chở dứa quen thương tình thuê ba chuyến trả công 50,000 đồng ($2.13) bà Dung chia ra, mẹ con ăn ba ngày, sáu bữa trứng gà dầm nước mắm thật mặn.

Chợ Long Biên buôn bán về đêm, nơi tập trung của nhiều người kéo xe, bốc vác mưu sinh. (Hình: Thanh Huế/VNExpress)

Bốn năm nay, bà Dung bắt đầu quãng đời nằm viện nhiều hơn chạy chợ. Nằm nghỉ dăm ngày bà mới dậy làm được một tối. Giờ vai bà chỉ gánh được 20 kg, đêm bốn chuyến, có bận đang gánh quả qua đường thì ngã ra bất tỉnh.
Đầu Tháng Tư, đến hạn trả tiền thuê nhà, bà Dung lôi những đồng bạc lẻ ra đếm đi đếm lại được 200,000 đồng ($8.53), phải chạy sang nhà hàng xóm vay thêm 1 triệu đồng ($42.67) để đóng. Khi chưa dịch và còn nhiều việc, mỗi lần vay tiền bà Dung khất mươi ngày sẽ trả. Nhưng giờ bà không dám hứa, người hàng xóm cũng không nỡ đòi.
Nhờ có dịch, Hà Nội xuất hiện “ATM gạo” miễn phí, siêu thị 0 đồng cho lao động nghèo không còn việc. Bà Dung không biết thông tin, cũng không còn sức đi bộ hàng chục cây số để nhận đồ từ thiện.
Theo lịch ngày 15 Tháng Tư, Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội trình chính phủ CSVN dự thảo về các nhóm được hưởng trợ cấp 62,000 tỷ đồng ($2.64 tỷ). Những người làm thuê như bà Dung, bà Thắng, anh Tường, ông Bình… có cơ hội “được xem xét hỗ trợ.”
Thế nhưng trong khi chờ được cứu trợ  và đợi ngày Hà Nội hết “cách ly xã hội,” trở lại sinh hoạt bình thường, những người nghèo “ráo mồ hôi hết tiền” như họ không biết có vượt qua được hay không khi phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” do không thể ra đường mưu sinh. (Tr.N) [qd]

3 cảnh sát ở Hà Nội bị 2 đồng nghiệp lừa tiền ‘chạy kỷ luật’


Hai công an tại Hà Nội bị truy tố vì lừa đảo hàng tỷ đồng của đồng nghiệp là ba cảnh sát giao thông. (Hình minh họa: Pháp Luật TP.HCM)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai cựu cán bộ công an quận ở Hà Nội nhận tiền tỷ của ba đồng nghiệp nhờ “chạy kỷ luật,” nhưng sau đó chiếm đoạt không làm.
Theo báo VietNamNet, Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (37 tuổi), cựu cán bộ Công An huyện Đan Phượng, và ông Phạm Hoài Nam (42 tuổi), cựu Công An quận Cầu Giấy, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Báo Zing dẫn cáo trạng cho hay, chiều ngày 7 Tháng Năm, 2015, ba cán bộ Đội Cảnh Sát Giao Thông số 2 thuộc Công An Hà Nội gồm các ông Nguyễn Minh Anh, Vũ Anh Duy và Nguyễn Thái Bình bị phát giác “bỏ vị trí công tác để đi hát karaoke trong giờ làm việc.”
Sợ bị cấp trên kỷ luật, thông qua nhiều người, ông Nguyễn Minh Anh liên hệ với bà Thủy đang là điều tra viên Đội Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Kinh Tế và Ma Túy Công An huyện Đan Phượng, để nhờ “chạy án” kỷ luật.
Bà Thủy nhận lời ông Minh Anh, sau đó bàn với ông Phạm Hoài Nam đang là phó Đội Cảnh Sát Ma Túy Công An quận Cầu Giấy để nhờ ông Nam “liên hệ với cấp trên.”
Tối ngày 10 Tháng Năm, 2015, nhóm ba cán bộ cảnh sát giao thông cùng người thân đến gặp bà Thủy tại nhà riêng ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Theo thỏa thuận, bà Thủy yêu cầu gia đình nhóm cảnh sát giao thông chuẩn bị tiền để lo “chạy kỷ luật.”
Thế là đến giữa Tháng Năm và đầu Tháng Sáu, 2015, bà Thủy nhiều lần nhận tiền từ nhóm đồng nghiệp trên với tổng số tiền gồm 690 triệu đồng ($27,647) và $30,000. Sau đó bà Thủy đưa cho ông Nam $30,000, phần tiền còn lại giữ cho riêng mình.
Ngày 8 Tháng Mười, 2015, Công An Hà Nội ra quyết định kỷ luật, điều động các ông Minh Anh, Anh Duy và Thái Bình từ Phòng Cảnh Sát Giao Thông về công tác tại Phòng Cảnh Sát Bảo Vệ Công An Hà Nội.
Biết mình bị lừa, nhóm cảnh sát giao thông đã gửi đơn tố cáo bà Thủy và ông Nam đến Công An Hà Nội tố giác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” kèm theo bằng chứng là một thiết bị ghi âm, quay phim dạng cây viết; một USB có nội dung ghi âm liên quan đến việc bà Thủy nhận tiền.
Qua điều tra, bà Thủy thừa nhận việc mình có nhận tiền và đã đưa $30,000 cho ông Nam. Tuy nhiên, sau đó bị can đã thay đổi lời khai cho rằng “đã đưa toàn bộ số tiền cho ông Nam.”
Tại cơ quan điều tra, ông Nam thừa nhận bà Thủy có liên hệ nhờ lo cho người quen. Song, ông Nam từ chối vì cho rằng mình không có khả năng giúp “chạy án” nhưng bà Thủy vẫn cương quyết đưa $30,000. Ngoài ra, ông Nam thừa nhận có hai lần nhận 30 triệu đồng ($1,277).
Căn cứ tài liệu có được, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội cáo buộc bà Thủy “đã có hành vi gian dối, đưa ra những cam kết, hứa hẹn giúp ba người không bị xử lý kỷ luật để nhận tiền nhưng sau đó bị can không thực hiện cam kết, lấy tiền sử dụng mục đích cá nhân.”
Với hành vi này, các bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy và Phạm Hoài Nam bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. (Tr.N) [qd]

5 triệu người nghèo Việt Nam bị nhà cầm quyền ‘đánh đố’ nếu nhận trợ giúp COVID-19


Năm triệu lao động tự do là người bán vé số, hàng rong, xe ôm… không biết nhận cứu trợ COVID-19 thế nào. (Hình: Lillian Suwanrumpha/AFP via Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau vài ngày chính phủ CSVN công bố gói trợ giúp 62,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ) cho người nghèo và người mất việc do bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, khoảng 5 triệu lao động tự do là người bán vé số, hàng rong, xe ôm… vẫn không biết làm cách nào để được nhận.
Theo báo Giao Thông, những người bán hàng rong thuộc diện được nhận trợ giúp 1 triệu đồng ($42.5)/tháng, tuy nhiên họ “phải đáp ứng một số điều kiện như không có đất sản xuất nông nghiệp, mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức ‘chuẩn nghèo quốc gia.’” Những tiêu chí này khá “tù mù,” “đánh đố” người nghèo trong việc kê khai, làm thủ tục để được hưởng tiền trợ giúp.
Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động-Thương Binh và Xã Hội CSVN, nói với báo Zing hôm 16 Tháng Tư rằng vài ngày gần đây ông “nhận được hàng trăm cú điện thoại, tin nhắn hỏi chủ yếu về việc trợ giúp cho nhóm lao động tự do.”
Ông Dung thừa nhận việc xác định người làm nghề nào được ghi nhận là lao động tự do như trong gói trợ giúp “là vấn đề rất khó, bởi họ không có quan hệ, giao kết lao động.” Và do đây là “vấn đề khó,” nên người đứng đầu Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội CSVN đẩy cho lãnh đạo các tỉnh thành phải chịu “trách nhiệm chính” trong việc trao tiền giúp người nghèo.
Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động-Thương Binh và Xã Hội CSVN, thừa nhận việc xác định người làm nghề nào được ghi nhận là lao động tự do như trong gói trợ giúp “là vấn đề rất khó.” (Hình: Zen Nguyễn/Zing)
Trước đó, cũng chính Bộ Trưởng Dung mạnh miệng hứa hẹn trên báo điện tử Chính Phủ rằng sẽ đưa tiền trợ giúp đến người dân “ngay trong Tháng Tư” và còn cam đoan rằng việc này sẽ được tiến hành “đúng người cần giúp, công khai, minh bạch.”
Trong một diễn biến khác, giới xã hội dân sự cho hay tính đến hôm 16 Tháng Tư, khoảng 2,500 người bán vé số dạo ở tỉnh Tiền Giang vẫn chưa nhận được khoản trợ giúp “1,050,000 đồng” ($44.6) mà Ủy Ban Nhân Dân tỉnh này hứa hẹn từ hôm 4 Tháng Tư.
Khoản tiền này của chính quyền tỉnh Tiền Giang được báo đảng ghi nhận là để giúp người bán vé số trang trải trong nửa tháng vé số dừng phát hành theo chỉ thị “cách ly xã hội” của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc.
Theo báo Zing, cuộc khảo sát gần đây của Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội CSVN đưa dự báo, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp diễn, tỷ lệ người thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm ở Việt Nam trong Tháng Tư và Tháng Năm là khoảng 2 triệu rưỡi người. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục bùng phát sau thời gian đó, tình trạng người mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp lên đến khoảng 3 triệu rưỡi đến 4 triệu người. (N.H.K) [qd]

Nguyễn Đức Chung ‘nhắc khéo’ thuộc cấp ăn chặn tiền chống dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các vụ mua sắm vật tư chống thiên tai như bão lũ hoặc chia tiền quyên góp cứu trợ luôn là dịp béo bở để quan chức các địa phương tha hồ xà xẻo, kê giá và ăn chặn.
Hôm 16 Tháng Tư, báo VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội: “Chúng ta được giao nhiệm vụ này [chống dịch] mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn thành phố, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế.”
Khuyến cáo của ông Chung được đưa ra trong thời điểm Sở Y Tế và các quận, huyện ở Hà Nội đang được rót tiền thuế và tiền đóng góp của người dân để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
Để việc mua sắm này diễn ra “minh bạch,” ông Chung hứa hẹn thêm là sẽ cử Ban Kinh Tế Ngân Sách của Hội Đồng Nhân Dân thành phố “giám sát,” nếu cần thì mời thêm Mặt Trận Tổ Quốc.
Hồi Tháng Sáu, 2018, tờ Người Lao Động tường thuật vụ cơ quan phòng chống thiên tai ở Thái Bình dự định chi tiền ngân sách cho cán bộ đi thị sát tình hình lũ lụt, trong đó chỉ tính riêng tiền áo mưa đã hết 300 triệu đồng ($12,780), áo mưa không rõ thương hiệu của công ty nào nhưng giá 1 triệu đồng ($42.6)/bộ. Sau khi bị dư luận chỉ trích, vụ mua áo mưa giá cao đã bị dừng lại.
Các vụ chia tiền quyên góp cứu trợ luôn là dịp béo bở để quan chức các địa phương tha hồ xà xẻo. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)
Mặt khác, đến nay quan chức chỉ quen “nói lời chót lưỡi đầu môi” về yếu tố “minh bạch” trong chuyện chi tiền thuế hoặc tiền đóng góp của người dân chứ không có hành động mang tính thuyết phục. Việc buộc tất cả các mạnh thường quân, doanh nghiệp muốn quyên góp chống dịch COVID-19 đều phải qua Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc càng khiến người ta nghi ngại về việc liệu đồng tiền mà họ chi ra có đến được các y bác sĩ ở những bệnh viện trên tuyến đầu.
Facebook Thanh Hằng kể trên trang cá nhân về vụ một doanh nghiệp muốn đóng góp 500 triệu đồng ($21,300) cho Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật thành phố Hà Nội nhưng “lòng thành không được đón nhận,” vì Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc được chỉ định nhận tất cả tiền và hàng tài trợ rồi phân bổ lại sau.
“Tôi thấy cách quản lý cũ kỹ kiểu này hoàn toàn không phù hợp với thực tế nóng giãy của dịch bệnh hiện nay. Nhà tài trợ đương nhiên muốn nhìn thấy đồng tiền của mình trao tới nơi họ muốn tặng, là các nhân viên y tế trên tuyến đầu, chứ không bao giờ muốn tiền của họ trôi nổi bao giờ đến, có đến không và đến được bao nhiêu phần trăm, mà họ lại không biết được! Tiền là mồ hôi nước mắt chứ có phải vỏ hến đâu?,” theo Facebook Thanh Hằng. (N.H.K) [qd]