Thursday, September 15, 2016

Vay tiền Trung Quốc thì khó bỏ công nghệ bẩn

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-09-15  
051_XxjpbeE001297_20151224_TPPFN0A001.jpg
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng ký thỏa thuận hợp tác tại Bắc Kinh, ngày 24 tháng 12 năm 2015.  AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hôm 11/9/2016 ở Quảng Tây Hoa Lục là Công nghệ Trung Quốc nếu tốt và sạch thì Việt Nam chào đón. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang ý nghĩa gì, trong bối cảnh 90% dự án công nghiệp nặng như điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm. Nam Nguyên trình bày một số khía cạnh liên quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ muốn chuyển một thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, sau khi ông hứa hẹn với người dân Việt Nam là phải chấm dứt thời kỳ đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Trả lời chúng tôi vào tối 13/9/2016, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
Tuyên bố này là một tuyên bố ngoại giao, còn thực thi đối với việc nhập khẩu này là phải do các bộ, các ngành người ta đặt hàng.
- GSTS Vũ Văn Hóa
“Chúng tôi cho rằng bây giờ thì Trung Quốc cũng có những tiến bộ nhất định, đối với những ngành thích hợp thì cần phải kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể nhập được. Tuyên bố này là một tuyên bố ngoại giao, còn thực thi đối với việc nhập khẩu này là phải do các bộ, các ngành người ta đặt hàng. Nhưng bây giờ các bộ các ngành đặt hàng đấy là phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa có tính chất tư nhân thì cái quyền lại thuộc về của họ, không phải là quyền thuộc về Thủ tướng nữa. Cho nên đặt ra vấn đề quan hệ ngoại giao như thế nhưng còn việc thực thi chính sách nhập khẩu cụ thể thì lại do các công ty thực hiện.”
Trên thực tế các nhà môi trường ví von Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ phế thải, đặc biệt từ kỹ thuật và máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo thống kê công bố vào tháng 4/2014 của Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công thương, thì vào thời điểm đó Trung Quốc làm tổng thầu 15 công trình trong tổng số 20 dự án nhiệt điện. Tài liệu trước đó của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội từng cho thấy có đến 90% các dự án tổng thầu EPC bao gồm tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp  là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Phía Trung Quốc bao sân gần như hầu hết các dự án điện, dầu khí, hóa chất, xi măng, khai khoáng và dệt kim. Nhà thầu Trung Quốc có lúc thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia.
Những dự án với công nghệ kỹ thuật và thiết bị Trung Quốc đầy tai tiếng phải kể tới hai dự án bauxite Tây Nguyên là Tân Rai Lâm Đồng và Nhân cơ Đak Nông mà các nhà phản biện từng cảnh báo rất nhiều. Các thí dụ khác phải kể tới dự án gang thép Thái Nguyên và phân bón Hà Bắc. Báo điện tử Tuổi Trẻ, bản tin trên mạng ngày 16/11/2015, từng mô tả dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên tiêu tốn 8.100 tỉ đồng nhưng đắp chiếu trở thành đống sắt gỉ.
TS Nguyễn Quang A nhà phản biện độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội, từng nhiều lần cảnh báo về việc các dự án công nghiệp nặng sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, tưởng rẻ nhưng cuối cùng là quá đắt. Ông nói:
“Thí dụ như Dự án Khu Gang thép Thái Nguyên, không những là vấn đề ô nhiễm môi trường mà là chuyện hậu quả kinh tế, là một chuyện sờ sờ ra đấy…thực sự những chuyên gia như chúng tôi đã cảnh báo từ thời cách đây 20 năm rồi là đối với những trường hợp như thế không bao giờ nên tiếp tục mở rộng với công nghệ như vậy. Tôi có quen Tổng Giám đốc của Nhà máy Phân đạm Hà Bắc cách đây khoảng 26 năm, anh ấy nói rằng nếu mà Trung Quốc có cho không công nghệ mở rộng, anh ấy cũng không lấy và các chuyên gia chúng tôi đã cảnh báo kể cả với các cá nhân… nhưng rất đáng tiếc phân đạm Hà Bắc cũng mở rộng, Gang thép Thái Nguyên cũng mở rộng và đến bây giờ những thiệt hại về kinh tế chưa nói gì đến môi trường đã chình ình ra đấy rồi…”
Khi Trung Quốc là chủ thầu
Trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên trong cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký vay Trung Quốc thêm 250 triệu USD để giải quyết chuyện dự án đường sắt trên cao Cát linh-Hà Đông bị đội vốn từ mức tổng vốn đầu tư 552 triệu USD tăng lên 868 triệu USD. Báo chí Việt Nam từng mô tả đây là một dự án bê bối, nhiều tai nạn lao động và làm đau đầu Chính phủ. Dự án bị chậm tiến độ là do Việt Nam lệ thuộc vốn vay Trung Quốc, nên bị tổng thầu Trung Quốc trì hoãn công việc và đòi nâng giá thực hiện.
Dự án đường sắt trên cao Cát linh Hà Đông là một thí dụ điển hình về việc sử dụng công nghệ thiết bị Trung Quốc và giao cho phía Trung Quốc làm tổng thầu. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
Việc này khó tránh, đây là một dự án mà bây giờ không thể phá đi được mà bây giờ biết chắc chắn nó là loại thiết bị lạc hậu rồi.
- GSTS Vũ Văn Hóa
“Việc này khó tránh, đây là một dự án mà bây giờ không thể phá đi được mà bây giờ biết chắc chắn nó là loại thiết bị lạc hậu rồi. Bây giờ cũng phải xem xét nhập các toa xe và các thiết bị còn lại thì phải xem lại. Tôi nghĩ là các ông ấy nói như thế thì Chính phủ cũng phải giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Đường sắt để khai thác và sử dụng thì bây giờ phải làm thế nào nhập cho nó những máy hiện đại. Cũng phải chờ đợi thôi dù biết chắc chắn nó là chậm tiến độ, nó là đội vốn lên…cái đó không phải chỉ Chính phủ biết mà dân chúng đều biết cả…bây giờ khắc phục như thế nào thì là trách nhiệm của Chính phủ cũng như các đơn vị thực hiện dự án đó.”
Có thể xem Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhân vật đầu tiên của thuộc hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản hứa hẹn chấm dứt thời kỳ phát triển kinh tế bằng mọi giá xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Nhưng giới chuyên gia nói rằng, cho dù Việt Nam làm được điều bất khả thi là ngừng nhập khẩu công nghệ và thiết bị máy móc giá rẻ từ Trung Quốc, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dù có tại vị 2 nhiệm kỳ 10 năm cũng chưa đủ thời gian để giải quyết hậu quả môi trường và dọn sạch bãi rác công nghệ lạc hậu xuất xứ Trung Quốc.

Ði thu hoạch măng, 5 phụ nữ mất tích sau lũ quét

Dân quân và công an xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An tìm kiếm các nạn nhân Thanh Hóa mất tích. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
THANH HÓA (NV) – Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rải dọc khe suối ở Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, để tìm kiếm 5 phụ nữ ở tỉnh Thanh Hóa mất tích do lũ quét khi đang đi thu hoạch măng.
Mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, đến chiều 15 tháng 9, mực nước trên Khe Tằm chảy qua xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, bắt đầu rút để lại khung cảnh hoang tàn khi nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị cuốn trôi. Nhiều đoạn đường dân sinh bị nước lũ xói nham nhở, chia cắt.
Ông Lang Văn Tý, chủ tịch xã Châu Hội cho biết, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân và người dân dọn dẹp bùn đất nơi lũ quét qua các tuyến đường, cầu tràn… để đảm bảo giao thông thông suốt trở lại.
Theo ông Tý, nước lũ đổ về rạng sáng 14 tháng 9 quá nhanh và bất ngờ. Ðến sáng 15 tháng 9, sau khi tìm được 7 người dân cùng bản của xã bị mất liên lạc do mưa lũ, xã Châu Hội tiếp tục tung lực lượng ở các bản hơn 20 người, phối hợp cùng chính quyền xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với hơn 100 người tìm kiếm thêm 5 phụ nữ đang mất tích trong rừng sâu gồm các bà Vi Thị Nội, Vi Thị Thay, Vi Thị Thoang, Vi Thị Tin, Vi Thị Doan, đều trú tại bản Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa.
Phạm vi tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích được mở rộng, rải dọc khe suối Khe Tằm, chảy ra sông Hiếu với chiều dài khoảng hơn 20 cây số.
“Mặc dù không còn mưa nhưng từ đầu nguồn nơi các nạn nhân gặp nạn xuôi xuống hạ lưu chảy ra sông Hiếu trải qua nhiều khe suối địa hình hiểm trở nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Phía huyện cũng đã phát thông báo đến các xã có khe suối chảy qua để người dân cùng phối hợp tìm kiếm,” ông Tý nói.

Sài Gòn đang bị nhiều nguồn ô nhiễm vây bọc

Sương mù do bụi trong không khí tạo ra phủ mờ Sài Gòn. (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN (NV) – Ðó là nhận định của Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn khi được yêu cầu báo cáo về tình trạng ô nhiễm của thành phố này.
Nhận định vừa kể không có gì mới. Ðiểm mới nằm ở chỗ tình trạng ô nhiễm của Sài Gòn càng ngày càng tồi tệ.
Trong thập niên vừa qua, tình trạng và mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nguồn nước ở Sài Gòn càng lúc càng nghiêm trọng.
Một báo cáo do Trung Tâm Quan Trắc và Phân Tích Môi Trường thuộc Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn công bố hồi cuối năm ngoái năm ngoái, nhấn mạnh, 50% giá trị quan trắc (theo dõi, đo đạc) không đạt quy chuẩn Việt Nam, nguy hại cao cho sức khỏe con người.
Nồng độ bụi trong không khí tại tất cả các trạm quan trắc đều vượt gấp đôi quy chuẩn Việt Nam. Tương tự, nồng độ carbon monoxide – một loại khí độc trong không khí tiếp tục tăng đều đặn. Mức độ ô nhiễm do tiếng ồn thì đã vượt xa giai đoạn 2010-2014. Ðó cũng là lý do sương mù ở Sài Gòn càng ngày càng thường xuyên. Có những thời điểm, sương mù dày đặc trùm lên Sài Gòn cho đến trưa. Ðài Khí Tượng-Thủy Văn khu vực Nam Bộ, cảnh báo, đó không phải là do thời tiết mà vì không khí bị ô nhiễm.
Chất lượng nước ở hệ thống sông rạch giảm đáng kể. Hàm lượng vi sinh vật, Coliform đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Chất lượng nước tại các điểm cấp nước cũng giảm. Những chỉ tiêu trong nước – đe dọa sức khỏe của người sử dụng – như: pH, COD, BOD, độ mặn… đều tăng từ 50% đến 83% các điểm quan trắc. Còn chỉ tiêu DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật trong nước) thì lại giảm tới 83%.
Trong bối cảnh như vừa kể, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn, bồi thêm rằng ô nhiễm sẽ trầm trọng hơn do rác. Lượng rác mà Sài Gòn thải ra khoảng 8,000 m3/ngày nhưng các trạm trung chuyển rác vừa thiếu, vừa không đạt yêu cầu. Chỉ có 5/31 trạm đạt chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo và 13 trạm tạm đều có vấn đề.
Bà Mỹ bảo rằng, mỗi năm, lượng rác phát sinh thêm khoảng 5%. Chôn lấp tới 76% là một tỉ lệ quá lớn và ảnh hưởng bất lợi cho môi trường (làm đất nhiễm độc, phát tán mùi hôi-ô nhiễm không khí), lãng phí đất. Do ô nhiễm hoặc đã đầy nên đã phải đóng một số bãi chôn lấp rác. Hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn ở Bình Chánh và Củ Chi thì hoạt động cầm chừng vì chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn chưa tổ chức được việc phân loại rác tại nguồn (phía thải rác tự phân loại rác trước khi rác được thu gom).
Cũng theo Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Sài Gòn thì ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp vẫn khó có thể ngăn chặn vì thiếu hệ thống xử lý nước thải cho cả các khu dân cư lẫn khu công nghiệp. Theo qui hoạch, lẽ ra Sài Gòn phải có 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng vào lúc này chỉ mới có nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hoạt động với công suất 141,000 m3/ngày. Tương tự chỉ mới có 30% trong số 830 nguồn thải công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải. (G.Ð)

Việt Nam xem xét dự án ‘lên trời gọi mưa’ đòi ứng 5,000 tỷ đồng

Hạn hán tại ÐBSCL xảy ra là suy giảm chung của sản lượng nông-lâm-ngư nghiệp cả nước. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Một số báo ở trong nước, đặc biệt các tờ Dân Trí và Ðất Việt hôm Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016 loan tin “Văn Phòng Chính Phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cho ý kiến” về “đề xuất” của một công ty có tên “Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh” cho một dự án có tên là “Lên trời gọi mưa.”
Chủ đích của dự án này là “chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino” và công ty nói trên xin chính phủ “tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5,000 tỷ đồng (hay khoảng $225 triệu theo thời giá hiện nay) để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10 tháng 10 tới.”
Theo lời ông Phan Ðình Phương, tổng giám đốc công ty An Sinh Xanh nói trên tờ Dân Trí, dự án trên sẽ gồm 1,000 (một ngàn) trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (mưa bão nhiều).
Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì “100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố.”
Ðồng thời, “Có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.”
Ông Phương chia sẻ về dự án “Lên trời gọi mưa” của mình. (Hình: Dân Trí)
Ông Phương nói về dự án “Lên trời gọi mưa” của mình. (Hình: Dân Trí)
Trên thế giới, đặc biệt là những nước có khoa học kỹ nghệ tân tiến như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản v.v… suốt bao năm qua, chưa có nước nào nghĩ ra được trò “thay trời làm mưa” chỗ này hay đuổi mưa đi chỗ khác. Nay có một công ty Việt Nam đưa ra một dự án thần sầu quỷ khốc, cướp được cả quyền lực thiên nhiên.
Ông Phan Ðình Phương nói những điều rất tử tế, rằng ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.
“Khoảng tháng 4, tháng 5, tôi xem ti vi thấy người dân than khóc vì ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô. Lúc đầu tôi cũng không quan tâm vì nghĩ mình có giúp được gì đâu. Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng,” lời ông Phương nói trên tờ Dân Trí.
Vẫn theo lời nói của ông Phương được kể lại trên tờ Dân Trí, ông còn lập “400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.”
Theo tờ Dân Trí, ông Phương “tự tin dự án sẽ thành công 100% khi triển khai nhưng thành công ở mức độ nào là… tùy thuộc vào tài chính.” Không thấy nói hóa chất mà ông Phương “rải lên trời” là cái gì, bằng cách nào.
Chờ xem 7 bộ gồm Bộ Khoa Học và Công Nghệ, Bộ Quốc Phòng, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài Chính, Bộ KH-ÐT, Bộ GTVT cho biết ý kiến thế nào về cái dự án “Lên trời gọi mưa.” (TN)

Ngành thuế 'trịch thượng', 'cần được giáo dục lại'

Nhiều viên chức ngành thuế vẫn hành xử như “ông.” (Hình: TBKTSG)
ÐỒNG NAI (NV) – Ðề nghị ‘giáo dục lại nhân viên’ ngành thuế được nêu ra tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Ðồng Nai với đại diện 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh này để nghe góp ý về ngành thuế.
Ðại diện công ty Việt Ðức nhận định, thái độ và cách hành xử của viên chức ngành thuế với đối tượng nộp thuế vẫn “rất tệ” và vì vậy, ngành thuế cần phải “giáo dục lại cán bộ nhiều hơn nữa.” Ðại diện của công ty Hải Nam, tiếp lời rằng, đây là chuyện đã được nêu ra từ lâu nhưng vẫn chẳng có thay đổi nào cả.
Ðại diện nhiều doanh nghiệp tiếp tục than phiền về sự trịch thượng của viên chức ngành thuế, luôn luôn bắt đại diện doanh nghiệp đến tận nơi để “hầu” chứ không chịu giải đáp thắc mắc qua điện thoại. Khi cần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thì đi lại năm, bảy lần mà vẫn chưa xong việc.
Cục trưởng Cục Thuế Ðồng Nai thú thật rằng, đúng là vẫn còn nhiều thuộc cấp của mình hành xử như “ông.” Những so sánh giữa ngành thuế Ðồng Nai và ngành thuế Ðà Nẵng, thắc mắc tại sao ngành thuế Ðà Nẵng hoạt động hiệu quả hơn, tôn trọng đối tượng nộp thuế hơn được cục trưởng Cục Thuế Ðồng Nai giải thích là vì Ðà Nẵng ít doanh nghiệp hơn và vì chính quyền Ðà Nẵng hỗ trợ tốt cho cả ngành thuế lẫn doanh giới tốt hơn.
Cần nhắc lại rằng, tuy đã thực hiện “cải cách thủ tục hành chính” suốt hai thập niên nhưng cuối năm 2014, khi công bố “Doing Business 2015” (khảo sát thường niên về môi trường kinh doanh toàn cầu) Ngân Hàng Thế Giới xác định, tại Việt Nam, mỗi năm, doanh nghiệp mất đến 872 tiếng cho chuyện nộp thuế. Ðiểm cho “nộp thuế” (một trong tám yếu được WB chọn làm tiêu chí để xếp hạng môi trường kinh doanh) của Việt Nam tiếp tục giảm, bởi nhiều yếu tố quan trọng khác (vay vốn, khởi nghiệp, bảo vệ giới đầu tư thiểu số, giao thương xuyên biên giới) cũng giảm nên thứ hạng của Việt Nam trong “Doing Business” tiếp tục tụt từ 78/189 hồi năm 2014 xuống 93/189 trong năm 2015.
Vào thời điểm đó, ông Olin McGill – một chuyên gia của USAID (Cơ quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ) được cử đến Việt Nam để hỗ trợ dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện,” từng công bố một thống kê, theo đó, do thủ tục rườm rà về thuế và xuất cảng, mỗi năm, Việt Nam thất thu thương mại khoảng 17 tỉ Mỹ kim, trong xuất cảng, Việt Nam bị thất thu hơn 19 tỉ Mỹ kim. Tổng cộng thất thu thương mại do Việt Nam muốn trở thành “vô địch về những yêu cầu liên quan tới giấy tờ” khoảng 37 tỉ Mỹ kim.
Ðến năm 2015, Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Việt Nam (VCCI) thực hiện một cuộc khảo sát riêng về ngành thuế của Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát này cho người ta thấy mọi thứ vẫn thế. Có nghĩa là vẫn còn ít nhất khoảng 1/3 doanh nghiệp tại Việt Nam phải dùng tiền lót tay cho các viên chức ngành thuế khi họ… nộp thuế.
Theo kết quả cuộc khảo sát vừa kể thì 32% trong số 2,542 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát, xác nhận họ vẫn tiếp tục phải “trả chi phí không chính thức” cho viên chức ngành thuế khi… nộp thuế. Có tới 40% doanh nghiệp tin rằng, nếu không lót tay, họ sẽ bị làm khó dễ.
Gần đây, WB công bố “Doing Business 2016,” theo đó, thứ hạng của Việt Nam từ 93/189 năm 2015 tăng lên ba bậc thành 90/189. Tuy nhiên đó là vì môi trường kinh doanh của một số quốc gia khác tệ hơn chứ không phải do môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. WB cảnh báo, dẫu Việt Nam đã dẫn đầu Châu Á về tỉ trọng thuế/lợi nhuận nhưng trong vài năm nay, nhiều sắc thuế tại Việt Nam đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải đóng cho nhà nước đến 40% lợi nhuận.
Tuy chính quyền Việt Nam liên tục thề thốt, hứa hẹn cải thiện môi trường kinh doanh song môi trường kinh doanh tại Việt Nam không những không có chuyển biến nào tích cực mà càng ngày càng tồi tệ. (G.Ð)

Phó Thanh Tra Giao Thông Cần Thơ 'nhận 3.5 tỷ bảo kê'

Công an khám xét nhà riêng của ông Dương Minh Tâm tại quận Cái Răng, Cần Thơ. (Hình: báo Thanh Niên)
CẦN THƠ (NV) – Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố, bắt giam một phó chánh thanh tra Sở Giao Thông thành phố này vì “liên quan đến vụ nhận 3.5 tỷ đồng tiền bảo kê.”
Theo báo Thanh Niên, ngày 15 tháng 9, ông Dương Minh Tâm (36 tuổi), phó chánh thanh tra Sở Giao Thông thành phố Cần Thơ vẫn đến cơ quan làm việc bình thường. Sau đó, ông bị cảnh sát mời về cơ quan điều tra làm việc rồi đưa về nhà thực hiện lệnh bắt. Khám xét nơi ở, làm việc của ông Tâm, cảnh sát thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Ông Tâm nằm trong nhóm 11 cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) vừa bị luân chuyển tạm thời về nhận công việc tại văn phòng Sở Giao Thông vài ngày trước cho tới ngày bị khởi tố để điều tra.
Trước đó, vào tháng 7 năm 2016, cơ quan cảnh sát điều tra, công an Cần Thơ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông: Võ Hoàng Anh (34 tuổi), đội trưởng đội TTGT số 3, phụ trách quận Ninh Kiều; Lý Hoàng Minh (31 tuổi), đội phó đội TTGT số 3; Ðoàn Vũ Duy (38 tuổi), đội trưởng đội TTGT số 11, phụ trách quận Bình Thủy và Nguyễn Văn Cần (29 tuổi), ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để điều tra về tội “Ðưa và nhận hối lộ.”
Trong quá trình điều tra, công an Cần Thơ xác định, vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ thanh tra giao thông đang công tác tại Sở Giao Thông Cần Thơ, nên tiếp tục mở rộng điều tra.
Ðến ngày 9 tháng 9, giám đốc Sở Giao Thông Cần Thơ đã ký lệnh điều chuyển tạm thời 11 cán bộ đang công tác tại thanh tra sở này về nhận công việc tại văn phòng sở để công an Cần Thơ điều tra mở rộng, trong đó có ông Tâm.
Tin cho biết, ông Tâm là cháu của một lãnh đạo Sở Giao Thông Cần Thơ, được cho là một trong những trường hợp có đường thăng tiến khá nhanh tại đơn vị. Ông Tâm về công tác tại Sở Giao Thông Cần Thơ từ năm 2002 với vị trí công tác là nhân viên. Sau một thời gian được cất nhắc lên làm đội phó thanh tra giao thông tại huyện Thới Lai.
Cách đây 4 tháng, ông Tâm được đề bạt làm phó chánh thanh tra giao thông Cần Thơ, sau khi được điều động về làm đội trưởng thanh tra giao thông phụ trách quận Cái Răng, tiếp theo về làm đội trưởng phụ trách quận Ninh Kiều.(Tr.N)

Theo đạo là quyền của ai?

Phạm Trần (Danlambao) - Ở Việt Nam thời Cộng sản cai trị không có chuyện gì mà thiếu bàn tay lông lá của Nhà nước dù dân có muốn hay không. Chuyện tâm linh cũng vậy.

Điều 24 trong Hiến pháp viết:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Trong điều 24, không có câu quen thuộc: "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" như vẫn thấy ghi trong nhiều điều của Hiến pháp 2013. Mấy chữ "do pháp luật quy định" chỉ có tác dụng nhằm vô hiệu hóa ý nghĩa và mục đích của Hiến pháp.

Chẳng hạn như Điều 25 của Hiến pháp quy định rằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định." 

Nhưng trong thực tế người dân Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí vì nhà nước tự cho phép mình cấm tư nhân ra báo và giữ độc quyền thông tin và kiểm soát dư luận. 

Luật báo chí chỉ dành riêng cho các cơ quan đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị và xã hội của đảng. Các tổ chức này là chủ nhân (cơ quan chủ quản) của số 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo - tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình. 

Số gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ nhà báo và khoảng 5 nghìn phóng viên hoạt động báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ đều phải làm việc phục vụ và tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước.

Công dân Việt Nam cũng không có quyền được tự do hội họp, chưa được phép lập hội và biểu tình vì chưa có luật theo quy định của điều 25.

Như vậy họ có vi phạm Hiến pháp không?

Vậy tại sao nhà nước lại cần có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để kiểm soát người theo đạo trong khi Hiến pháp không đòi hỏi phải có luật quy định? 

Có nhiều nguyên nhân nhưng điểm cốt lõi là đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) là một đảng vô thần. Trên 3 triệu đảng viên cũng vô thần. Tiêu biểu như trong Quốc hội, khóa XIV có 494 Đại biểu (thay vì 500 như kề hoạch ban đầu) thì đã có tới 473 đảng viên. Ngoài đảng chỉ có 21 người, nhưng số người có tôn giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước đều khai lý lịch "không có tôn giáo" thì họ biết gì về ý nghĩa của Tôn giáo mà bầy biện ra luật để kiểm soát và làm khó dễ người có đạo?

Như vậy đem chuyện Tôn giáo nói với đảng cầm quyền vô thần và những người vô thần thì có hơn gì nói chuyện với đầu gối?

Vẫn biết là phí thời giờ và vô ích, nhưng vì nhà nước vô thần này vẫn muốn húc đầu vào đá để viết ra dự thảo “Luật tín ngưỡng, tôn giáo” nên người dân phải lên tiếng.

Cho đến tháng 9/2016 đã có tiếng nói góp ý của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan đại biểu của các Tổ chức chính trị và xã hội, hầu hết của đảng và nhà nước lập ra để yểm trợ việc thi hành các chính sách của đảng và nhà nước; của một số Đại biểu Quốc hội và của Giáo hội Công giáo. 

Nhận xét chung của các giới này là bản Dự thảo mới, dường như lần thứ 6 thì phải, đã thông thoáng hơn trước nhưng còn nhiều điểm cần làm rõ hơn trước khi đem ra thảo luận tại kỳ họp 2 của Khóa XIV vào tháng 10/2016. Nhiều giới hạn, kiểm soát tôn giáo và gây khó khăn cho người theo đạo vẫn tồn tại.

Một số điểm chính

Căn cứ vào bản Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Chuyên trách ngày 8/8/2016 thì Luật này xác nhận:

1. "Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân."

Nhưng tại sao lại “bảo hộ” rồi còn “quản lý” nữa?

Dự luật viết thế này: "1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. 

Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định."

Như thế thì không phải là kiểm soát các tổ chức tôn giáo và tín đồ của họ là gì?

Dự luật còn quy định việc gọi là "Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo".

Dự luật viết: "Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo."

"Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo:

a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của ủy ban nhân dân các cấp;

b) Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo."

Về những điều mở mới của Dự luật thì nhà nước cho phép các tôn giáo và người dân được quyền "khiếu nại và khởi kiện".

Dự thảo viết: "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…"

Nhà nước còn cho phép: "Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tài Tòa án có thẩm quyền đối với hành vi của tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác…"

Và: "Mọi cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo."

Lần đầu tiên nhà nước đã nhìn nhận "Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại".

Dự thảo cũng cho phép: "Người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của mình."

Và: "Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc theo học tại trường đào tạo tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu hoặc theo học tại các trường đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý."

Cho đến nay việc tu hành của công dân vẫn gặp nhiều khó khăn về lý lịch.

Khó khăn tồn tại

Tuy nhiên, việc tổ chức các buổi lễ thờ phượng vẫn gặp trở ngại tại nơi mà chính quyền “không công nhận là hợp pháp” như Dự thảo minh thị rằng: "Chức sắc, chức việc, người lãnh đạo tổ chức đã được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo có quyền tự do thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách; giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác."

Chế độ “đăng ký” và xin phép tổ chức lễ và các hoạt động của tôn giáo không thay đổi. Tỷ dụ như họ viết: "Cơ sở tín ngưỡng phải đăng ký hoạt động tín ngưỡng diễn ra trong năm. Việc đăng ký này chỉ thực hiện một lần.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trường hợp không chấp thuận nội dung đăng ký thì phải nêu rõ lý do."

Hay: "Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng diễn ra định kỳ trong thời hạn chậm nhất là 20 ngày trước khi tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau:

a) Đối với lễ hội tín ngưỡng tổ chức trong một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là xã) gửi thông báo đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức lễ hội;

b) Đối với lễ hội tín ngưỡng tổ chức trong nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là huyện), gửi thông báo đến ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi tổ chức lễ hội;

c) Đối với lễ hội tín ngưỡng tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh) hoặc trong nhiều tỉnh, gửi thông báo đến ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi tổ chức lễ hội.

2. Văn bản thông báo nêu rõ tên lễ hội tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, dự kiến thành viên ban tổ chức và các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn, trật tự trong lễ hội. 

3. Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ tại cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bảo đảm việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo nội dung thông báo."

Nhưng bắt buộc này tuy không mới nhưng tiếp tục gây khó khăn cho các Tôn giáo vì trong quá khứ đã xảy ra nhiều trường hợp chậm giải quyết, hay không đồng ý mà không hề cho biết lý do khiến các tôn giáo chới với hay phải hủy bỏ sau khi đã tốn phí tổ chức. 

Ngoài ra, Dự thảo cũng vẫn duy trì những ngăn cấm mơ hồ và nguy hiểm như: 

"1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 

2. Ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác. 

4. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dẫn đến: 

a) Xâm hại quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường; 

b) Xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; 

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

d) Chia rẽ dân tộc, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 

đ) Chia rẽ người theo tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân. 

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi."

Nhưng Dự thảo không giải thích thế nào là "Xâm hại quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân."?

Như vậy, nhà nước vẫn có thể, như trong quá khứ, lạm dụng quyền hành để hạn chế hay chống phá các hoạt động tôn giáo.

Khi nói đến “nghĩa vụ công dân” thì chuyện này, vẫn thường xảy ra cho tín đồ Công giáo vào những ngày Chúa Nhật hay lễ hội đặc biệt của Giáo hội Công giáo. 

Nếu không muốn giáo dân đi lễ hay tìm cách gây khó khăn cho người theo đạo có thể giữ đạo thì các cấp chính quyền chỉ việc bày ra các công tác lao động có tính bắt buộc vào đúng ngày giờ giáo dân phải đến nhà Thờ. Bởi vì giữa giữ đạo và phải lao động theo đòi hỏi của nhà nước để giữ miếng cơm manh áo thì người dân không còn cách nào khác là phải tuân theo lệnh nhà nước!

Thay đổi khích lệ

Ngoài những khó khăn và ràng buộc, Dự thảo mới cũng đã có những điều thay đổi mới quan trọng đáng khích lệ trong việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc và việc các Tôn giáo tham gia vào công tác giáo dục và xã hội.

Thay đổi lớn gồm: "Tổ chức tôn giáo sau khi thực hiện việc phong phẩm, suy tôn, suy cử chức sắc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có kết quả: Hoà thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành, phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài và những phẩm trật tương đương của các tổ chức tôn giáo khác.

2. Đối với các trường hợp phong phẩm, suy tôn, suy cử chức sắc không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức sắc cư trú và hoạt động tôn giáo trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có kết quả."

Trước đây, đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo thì việc “phong phẩm” trong Giáo hội phải có phép và phải được nhà nước đồng ý theo cách “xin-cho” từng gây rất nhiều khó khăn cho việc thay thế hay bổ nhiệm.

Bằng chứng như trong quá khứ nhà nước CSVN đã nhúng tay vào nhiều vụ bổ nhiệm các Giám mục mới cho Giáo hội Công giáo Việt Nam của Tòa thánh Vatican.

Từ việc phong phẩm, việc thuyên chuyển cũng dễ dàng hơn theo đề nghị của Dự thảo mới. Họ viết: "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến trước khi thuyên chuyển chậm nhất là 20 ngày. 

Văn bản thông báo nêu rõ họ tên, phẩm trật, chức vụ trong tổ chức tôn giáo của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, nơi hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, nơi thuyên chuyển đến."

3. Trường hợp chức sắc, chức việc, nhà tu hành vi phạm một trong các quy định tại Điều 5 Luật này, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc dừng việc thuyên chuyển.

(Điều 5 quy định những ngăn cấm như đã nêu trên)

Ngoài ra, Dự thảo mới cũng cho phép lần đầu tiên các Tôn giáo được hoạt động giáo dục và y tế.

Chẳng hạn như họ viết: "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục."

Hay cũng có thể là giải pháp thứ 2: "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục."

Các Tôn giáo cũng được phép "Hoạt động y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo."

Dự Luật đề xướng: "1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và thực hiện các hoạt động y tế, bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo trợ xã hội.

2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật."

Đây là kết quả của đề nghị trong nhiều năm của các tổ chức Tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Công giáo.

Tuy nhiên, tất cả những điều ghi trong Dự thảo còn phải được Quốc hội chấp thuận thông qua tại kỳ họp vào tháng 10. Quốc hội có thể sẽ thay đổi nhiều hay ít, nhưng bên cạnh những cởi mở, nhà nước CSVN vẫn không từ bỏ kiểm soát các Tôn giáo.

Đó là hậu quả của một đảng cầm quyền vô thần và một nhà nước không hề biết đến giá trị của Tín ngưỡng - Tôn giáo. -/-

14/9/2016

Hoan hô Thím Ngân

Cu Tèo (Danlambao) - Mặc ai nói ngã nói nghiêng gì thì nói, gièm pha gì thì gièm pha, Cu Tèo cứ yêu Thím Ngân. Không yêu mà em cứ mớ tới mớ lui thím ấy nhiều đêm, như em đã phơi bày tự sự (1).

Khi yêu ai thì “thói đời” thường hoặc là vì cái thể phách bên ngoài, hoặc là vì cái tinh anh bên trong của người mình yêu, nhưng người khó tính thì đòi hỏi người mình yêu phải hội đủ hai yếu tố xác lẫn hồn.

Cu Tèo là một trong những người khó tính ấy, nhưng “nhờ ơn bác, ơn đảng”, em đã gặp người yêu lý tưởng hội đủ tiêu chuẩn cả hồn lẫn xác. Người ấy còn ai trồng khoai đất này là Thím Ngân, dân Kiến Hòa.

Về phần xác thím Ngân thì khỏi chê, không nói ra ai cũng biết rồi, thím đạt đầy đủ cả 4 tiêu chuẩn của một con “đĩ” ngựa (2) là, “Hồng diện, Mi Trường, Tế yêu, Trường túc” , nên cứ “trông mặt mà bắt hình dong” là biết ngay liền thím Ngân “đa dâm thủy, hậu tố mao, chân cự huyệt, và bất tri lao”.

Nhưng để cho khách quan, em mượn lời nhà văn Tưởng Năng Tiến viết về Thím Ngân (3) nói thay cho em, như sau, (Trích):

“Hồi nẳm, không hiểu thi sĩ Bùi Giáng si mê kịch sĩ Kim Cương ở cái điểm nào; chớ còn bây giờ thì tui chết mê chết mệt chỉ vì nhan sắc khuynh thành của thím Nguyễn Thị Kim Ngân.” (Hết trích)

Đó là mới chỉ “sơ bộ” về vẻ đẹp bên ngoài và cái tướng Ngựa (2) của thím Ngân. Em không tiện tả thêm vì chỉ muốn thưởng thức mình em. Thôi, em xin nhảy sang cái phần “hồn” của Thím: Nả, em định tả thì chú Tưởng Năng Tiến đã nhanh tay “lấy mất phần” của em rồi (Trích):

“Chủ Tịch Quốc Hội ăn mặc cách chi tôi ngó cũng xinh, chụp hình kiểu nào tui coi cũng đặng. Ngay cả cái cách bà ấy đổ (mẹ) nguyên cả sô bắp xuống ao cá bác Hồ tui cũng thấy (sao) nhí nhảnh, ngây thơ và dễ thương hết sức!” (Hết trích).

Nói chung, những cái làm Cu Tèo yêu Thím Ngân thì rất nhiều, nhưng điều em khoái nhất là lời phát biểu rất mới mẻ, hoành tráng, có thể nói là một bước ngoặt vĩ đại, đàng sau quay, đá giò lái vào “tư tưởng Hồ Chí Minh” là “Không có gì qúy hơn Độc lập Tự do”.

Nếu Cu Tèo nhớ không lầm, thì trong “Tuyên ngôn Độc Lập” hay trong “Bản án Chế độ Thực dân” mà cứ cho là của “bác” viết đi (thực sự thì trình độ tiếng Pháp bồi bàn của Hồ Chí Minh lúc đó sức mấy mà viết được Le Procès de la colonisation française, như “bác” nổ) (4), “Bác” lên án Thực dân Pháp không cho dân Việt Nam quyền biểu tình và "bác" đòi nhà nước đô hộ phải để dân VN được quyền tự do đó”.

“Bác” Hồ đã có công ra đi tìm đường kíu quyền biểu tình cho dân. Thế mà hôm nay “cháu Ngân” với tư cách Chủ tịch Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói của dân lại phán”:

“Luật biểu tình nếu được ban hành sẽ làm rối loạn đất nước”,

Cứ theo tinh thần “Con hơn cha, nhà có phúc”, thì cháu (Ngân) hơn bác (Hồ), chắc chắn là đảng cũng có phúc. Ma thực tế là đảng đang có Phúc!

Chỉ kẹt một nỗi là không phải phúc hạnh, phúc đức mà là Phúc hói, Phúc niểng, Phúc Ma dze, thì đúng là đồ vô phúc.

Nói túm lại, và nói trắng ra, em yêu Thím Ngân vì Thím đã dám chửi- cha “bác” Hồ.

Cuối cùng, em xin bà con cho một tràng pháo tay thật lớn hoan hô Thím Ngân!

14.9.2016


_________________________________

Chú thích:


(2) Nếu tác giả nhớ không lầm thì bốn câu thơ này là của một thầy Tàu (quên mất tên) nói về tướng của Ngựa, chứ không phải Người.



Nghệ An: Sau lũ quét, phát hiện nhiều phần thi thể dọc khe suối

Dân trí Sau trận lũ quét kinh hoàng ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An người dân bàng hoàng khi phát hiện nhiều phần thi thể của các nạn nhân trôi dạt theo dòng suối.


Các phần thi thể được người dân đặt trong thùng xốp.
Các phần thi thể được người dân đặt trong thùng xốp.
Sáng ngày 15/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quỳ Châu đã có mặt tại khu vực khe Tằn, bản Huội 3, xã Châu Hội để khám nghiệm hiện trường, giám định các phần thi thể nghi của một nạn nhân nữ và một nạn nhân nam được người dân phát hiện tại bờ suối ở bản này.
Trước đó, vào khoảng 16h30 ngày 14/9, nhiều người dân đi ra khu vực khe Tằn để nhặt củi, lấy gỗ thì phát hiện nhiều phần thi thể đang mắc kẹt trên các cành cây, bờ suối.
Hầu hết các phần thi thể được phát hiện được xác định là của một phụ nữ và một nam giới. Các phần thi thể đều đã bị dập nát, rất khó nhận dạng.
Sau khi phát hiện, CA huyện Quỳ Châu cùng cơ quan chức năng đã đặt các phần thi thể trong thùng xốp để tại địa bàn bản Hội 3. Đến sáng 15/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quỳ Châu đã tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường và lấy mẫu để giám định ADN.
Người dân phát hiện nhiều phần thi thể dọc khe suối Tằn.
Người dân phát hiện nhiều phần thi thể dọc khe suối Tằn.
Thiếu tá Vi Xuân Thủy - Phó trưởng công an huyện Quỳ Châu cho biết: “Hiện danh tính nạn nhân chưa xác định được, cơ quan chức năng đang lấy mẫu để phân tích ADN. Sau khi lấy mẫu chúng tôi đã giao cho chính quyền địa phương tiến hành chôn cất theo quy định”.
Liên quan đến thông tin 7 người ở bản Tần 1, xã Châu Hội bị mất liên lạc trong mấy ngày qua khiến chính quyền cũng như người dân hoang mang, ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - cho biết: “Hiện cả 7 người nói trên đều đã liên lạc về nhà. Cả 7 người sức khỏe đều tốt và đang trên đường về nhà”.
Được biết, trong sáng ngày 15/9, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm 5 người dân Thanh Hóa bị nước lũ cuốn mất tích trong khi đi lấy măng trên khu vực rừng huyện Quỳ Châu vào ngày 14/9.
15/09/2016 - 15:27
Nguyễn Duy