Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Mấy ngày nay nóng thấy mồ, đầu hôm lại bị cắt điện. Tối qua mấy ông, mấy bà hàng xóm mang ghế ra vỉa hè ngồi kêu cha kêu mẹ. Giống truyện con cóc cầu mưa, ông N (có con là đảng viên) nghiến răng chửi trời. Mình hỏi sao không chửi thêm cả đảng cộng sản?. Ông này cười, nghĩ cái anh "phản động" này ghét cs nên kích động lung tung. Ông ta lý sự:
- Ông TRỜI làm nắng nóng chứ ĐCS làm sao làm được nắng nóng?
Mình: - Nhưng chính quyền CS có các biện pháp, phương tiện và tổ chức để làm giảm nắng nóng cho dân. Tiếc là họ không biết làm với lại họ toàn làm ngược lại!
- Ngược lai?
- Đúng vậy. Để làm giảm nắng nóng thì phải bảo vệ rừng và trồng thêm nhiều rừng nữa. Phải làm cho môi trường xanh-sạch đẹp. Phải giảm khí thải... ĐCS biết vậy và cũng nói vây, nhưng họ có làm vậy không?. Rừng càng ngày càng bị khai thác cạn kiệt, trồng bù lại chẳng được bao nhiêu. Mới đây chính quyền Hà Nội còn ra lệnh chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến phố ở thủ đô. Đất đai không có cây xanh che phủ, đã nắng nóng càng thêm nóng là đúng chứ sao nữa
- Nhưng sao cái gì bác cũng đổ cho đảng. Vậy lũ lụt thì sao?
- Cũng đảng...
- Tại sao?
- Bây giờ lũ lụt không chỉ do ông trời làm ra mà còn do con người làm ra. Rừng bị tàn phá, lúc trời mưa không có gì giữ được nước, tất cả đều chảy ào xuống đồng bằng một lúc, thế là lụt. Các đập thủy điện do con người xây dựng cũng đồng loạt xả nước xuống hạ lưu. Cho nên không lụt mới lạ.
- Chắc hai ba bệnh nhân nằm một giường trong các bệnh viện, bác cũng quy oan cho ĐCS?
- Sao nữa!
- Học sinh đánh nhau, lột truồng nhau ra giữa đường, giữa lớp bác cũng vu oan cho ĐCS
- Vu đúng chứ không vu oan.
- Hối lộ, tham nhũng, mại dâm, ma túy, trộm cắp, giết người, tai nạn giao thông cũng do ĐCS?
- Lại càng đảng. Thế này nhá! Chặt cây, trồng rừng cũng do ĐCS lãnh đạo. Xây đập thủy điện, xả nước cũng do đảng lãnh đạo. Y tế cũng do đảng lãnh đạo. Giáo dục, giao thông... vân vân cũng do ĐCS lãnh đạo. Các ông các bà thấy lĩnh vực nào cũng do ĐCS lãnh đạo." Đảng lãnh đạo toàn diện" . ĐCS dành quyền toàn trị và thực tế đang diễn ra như vậy. Cho nên cái tốt thì ơn đảng, cái xấu thì oán đảng chứ oán ai.?
- Nhưng đảng cũng có cái tốt
- Tốt gì?
- Giữ vững quan điểm, lập trường, tư tưởng Hồ Chí Minh...
- Để cho dân ăn cám hả!
(Bà B nói vậy và xách ghế bỏ về. )
Tối nay mình mong bị cắt điện, bà B lại ra vỉa hè ngồi để mình hỏi xem bà có nhận được giấy mời của công an phường không. Cầu cho bà này tai qua nạn khỏi.
TT - Oan sai tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử nhưng lại rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (trái) nhận lời xin lỗi của Tòa án nhân dân Tối cao vì đã kết tội oan cho ông
Nhiều đại biểu Quốc hội cùng khẳng định điều này tại phiên thảo luận hôm qua (5-6). Đồng thời có một bức xúc không kém cũng được chỉ ra, đó là người bị oan rất chậm nhận được bồi thường.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường thì tối đa là 80 ngày phải ra quyết định bồi thường, nhưng dường như không có vụ nào đúng hạn, thậm chí có vụ thời gian thỏa thuận bồi thường gấp 41 lần quy định.
“Mòn mỏi chờ đợi” là từ mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) dùng để chỉ tình trạng này.
Hãy thử nhìn từ vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, trưởng đoàn là Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hối thúc các cơ quan hữu trách phải khẩn trương giải quyết bồi thường cho người bị oan, đặc biệt là trường hợp của ông Chấn.
Đáp lại, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết TAND tối cao rất tích cực thỏa thuận với ông Chấn, nhưng sở dĩ việc thỏa thuận mất nhiều thời gian là do phải tuân thủ đúng pháp luật, vì luật quy định phải có những giấy tờ nọ kia làm căn cứ.
Trước đó, trong quãng thời gian “mỏi mòn”, người trợ giúp pháp lý cho ông Chấn là luật sư Vũ Thị Nga từng nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng những yêu cầu của tòa án “khó như đi lên trời” (luật sư cho biết tòa án yêu cầu ông Chấn nộp hơn 100 loại giấy tờ).
Cũng liên quan đến công tác bồi thường, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, với những quy định hiện hành, tuy là người bị oan đi yêu cầu bồi thường nhưng họ thường vị lép vế trước các cán bộ và cơ quan nhà nước.
Hơn nữa, cũng khó tránh sự bẽ bàng và khó khăn trong bối cảnh cuộc thỏa thuận bồi thường lại là giữa người bị oan và cơ quan gây ra oan trái đó.
Ông Ngọc đề nghị sửa Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, giao cho một cơ quan độc lập, khách quan giải quyết việc bồi thường cho dân.
Số tiền 7,2 tỉ đồng mà TAND tối cao quyết định bồi thường cho ông Chấn chắc hẳn sẽ gây ra nhiều bình luận khác nhau. Nhiều người sẽ chúc mừng ông, có người cho đó là số nhiều và có người cho là chưa đủ.
“Một ngày tù, ngàn thu ở ngoài”, biết bao nhiêu để trả đủ cho 10 năm đằng đẵng tù oan, để bù đắp cho cả một gia đình, dòng họ, cho người mẹ già khổ đau, người vợ cay cực và đám con thơ tủi hờn của ông Chấn?
Vì vậy, cái “giá” mà các cơ quan, những người bảo vệ pháp luật, nắm cán cân công lý phải “trả” bao giờ cũng rất đắt. Cách tốt nhất là phải làm sao không xảy ra oan sai nữa.
Quốc hội cũng nên rà soát sửa các quy định của pháp luật còn gây rắc rối, phiền hà, thiếu khả thi để chấm dứt tình trạng người bị oan phải “mòn mỏi đợi chờ”.
(GDVN) - Sau khi phản ánh tình trạng xuống cấp của 1 công trình cầu treo dân sinh trong Dự án 186 cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông, phóng viên đã bị đe dọa...
Mới đây, Nhà báo Phạm Quốc Cường (phóng viên Báo Dân trí) đã gửi Đơn kêu cứu khẩn cấp tới Hội nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, trình bày sự việc mình bị đe doạ qua điện thoại.
Theo như đơn thư, trong quá trình phỏng vấn qua điện thoại, phóng viên Quốc Cường đã bị ông Nguyễn Tăng Cường (Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, trụ sở đóng tại tỉnh Ninh Bình) - đe doạ đánh gãy răng, mạt sát là “nhà báo giẻ rách”.
“Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khoẻ tinh thần cũng như danh dự của cá nhân tôi và danh dự cơ quan tôi là Báo điện tử Dân trí” - ông Cường viết trong đơn.
Cầu treo dân sinh tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn của Bộ Giao thông Vận tải có biểu hiện xuống cấp.
Trước đó, nhà báo Quốc Cường được Báo Dân trí cử đi tác nghiệp tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn để ghi nhận tình trạng sạt lở 2 bên đầu cầu treo dân sinh tại huyện Chợ Mới và một số vấn đề liên quan đến chất lượng kỹ thuật cây cầu treo dân sinh.
Sau khi tác nghiệp xong ở hiện trường, ngày 3/6, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Tăng Cường để được đặt lịch phỏng vấn.
“Quá trình nói chuyện với tôi, ông Nguyễn Tăng Cường đã liên tiếp xỉ vả, hạ nhục một người làm báo như tôi, chưa dừng lại ở đó, ông Cường còn đe doạ tát vào mặt tôi, đánh tôi gãy răng”- đơn ông Cường viết.
Chưa dừng lại ở đó, giám đốc Công ty Cơ khí Quang Trung còn lớn tiếng bôi nhọ cả báo điện tử Dân trí, nói đây chỉ là tờ báo lá cải.
Ông Nguyễn Tăng Cường hiện là Giám đốc xí nghiệp cơ khí Quang Trung và là người nổi tiếng được biết đến với danh hiệu "Vua thép" và "Vua cần cẩu". Ông cũng là doanh nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nằm trong nhóm 100 doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2006". Khởi nghiệp từ anh thợ sửa xe đạp, không được đào tạo bài bản nhưng hàng loạt ý tưởng táo bạo của ông đã trở thành hiện thực.
MANILA (NV) - Khác với sự “chừng mực,” đôi lúc gây khó hiểu của chính quyền Việt Nam. Philippines càng lúc càng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.
Dân chúng Philippines biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. (Hình: aitonline.tv)
Diễn biến mới nhất liên quan đến nỗ lực kiềm chế tham vọng của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình là Philippines tuyên bố bắt đầu đàm phán với Nhật về Hiệp Định Thăm Viếng Quân Sự (Visiting Forces Agreement - VFA).
Nếu Philippines và Nhật thông qua VFA, phi cơ và chiến hạm của Nhật có thể ghé các căn cứ quân sự của Philippines để nhận tiếp liệu, mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông. Trước đó, Philippines đã có VFA với Hoa Kỳ và Úc.
Hồi tháng 4, Nhật từng công bố dự định điều động các phi cơ tham gia tuần tra trên Biển Đông. Một VFA với Philippines sẽ giúp Nhật thực hiện dự định này dễ dàng hơn. Bên cạnh các hành động dứt khoát như vừa kể, những chỉ trích của chính quyền Philippines đối với Trung Quốc cũng càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Mới đây, khi đến thăm Nhật, ông Aquino tiếp tục cảnh báo cộng đồng quốc tế về viễn cảnh Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới, giống như nước Đức Thời Quốc Xã. Cộng đồng quốc tế đã từng làm ngơ để Hitler và nước Đức ngang nhiên sáp nhập vùng Sudetenland (vốn là một phần lãnh thổ của Czech và Slovakia), rồi sau đó là toàn bộ Tiệp Khắc. Nếu cộng đồng quốc tế làm ngược lại thì có lẽ Thế Chiến Thứ Hai không xảy ra.
Theo ông Aquino, việc khuyên nhủ Trung Quốc sẽ khó có hiệu quả vì Trung Quốc không chịu từ bỏ các yêu sách về chủ quyền, trong đó có chủ quyền tại Biển Đông. Ông Aquino nhấn mạnh, nếu Hoa Kỳ không quan tâm đến tham vọng của Trung Quốc thì sẽ không còn lực lượng nào đủ sức kiềm chế các tham vọng của một số quốc gia khác.
Ngay sau đó, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã lập tức phản đối việc so sánh Trung Quốc với nước Đức thời Quốc xã. Bà Oánh bảo rằng đó là một “nhận định phi lý và quá đáng.” Bà bảo rằng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông xảy ra là vì “Philippines chiếm đóng bất hợp pháp một số hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực từ thập niên 1990.”
Cũng tại Nhật, ông Aquino tuyên bố ủng hộ các đề nghị sửa đổi Hiến Pháp của Nhật vì điều đó cho phép Nhật đóng vai trò tích cực hơn vì hòa bình và an ninh trong khu vực.
06-05-2015 5:43:39 PM
Ông Aquino mới kết thúc chuyến thăm Nhật sau khi ký với một xưởng đóng tàu tại Nhật Bản hợp đồng trị giá 12,7 tỷ yen và khoản này được chính phủ Nhật cho vay với lãi suất thấp để đóng các tàu tuần duyên.
Chẳng riêng chính phủ mà dân chúng Philippines cũng đang tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngoài việc liên tục biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Philippines để phản đối tham vọng và các hành động càn rỡ của Philippines tại Biển Đông, dân chúng Philippines đang kêu gọi nhau ngưng sử dụng hàng hóa Trung Quốc vốn nhan nhản ở Philippines. Ông Renato Reyes, tổng thư ký Đảng Liên Minh Mới, kêu gọi hành động để ngăn chặn tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, Đặc Khu Kinh tế, xua đuổi ngư dân Philipines trên Biển Đông.
Vừa có tin một chiến hạm Trung Quốc đã nổ súng để cảnh cáo một tàu đánh cá của Philippines. Ông Voltaire Gazmin, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, cho biết đang phối kiểm tin này. Theo ông, nếu thông tin này chính xác thì đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng. (G.Đ.)
Sáng nay 6-6, vào khoảng 7 giờ 15 phút, Tàu thăm dò Dầu khí Tân Hải 517 (Binhai517) của tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở khu vực tây nam đảo Phú Quý (Bình Thuận), cách đảo vào khoảng 20 hải lý và bờ chừng 40 hải lý (nằm giữa bờ và đảo).
Lực lượng chức năng Việt Nam đã huy động 06 tàu ra giám sát chặt. Tuy nhiên do chiếc tàu đang di chuyển và chưa có hoạt động tác nghiệp nào nên lực lượng chức năng Việt Nam vẫn dừng ở mức theo dõi.
Vùng biển tàu Tân Hải 517 đang di chuyển cũng là vùng biển có các lô dầu khí của Việt Nam với một số giàn khoan dầu khí của Việt Nam đang hoạt động.
17h chiều nay, Tân hải 517 đã lùi ra xa hơn nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lực lượng chức năng đang tiếp tục theo dõi.
Đây không phải là lần đầu tiên cuộc tấn công trên mạng qui mô lớn được truy nguyên xuất phát từ Trung Quốc.
Theo VOA-07.06.2015
Theo các bản tin thì việc tin tặc đánh cắp hàng triệu hồ sơ nhân viên chính phủ Mỹ, và những cáo buộc cho rằng vụ tấn công này có thể xuất phát từ Trung Quốc sẽ đặt vấn đề an ninh mạng lên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung vào cuối tháng này.
Việc xâm nhập hệ thống máy vi tính của Văn phòng Quản trị Nhân viên được chính quyền Obama tiết lộ hôm thứ Năm nói rằng một con số kỷ lục lên đến 4 triệu hồ sơ cá nhân của cựu nhân viên và nhân viên liên bang hiện hành có thể đã bị đánh cắp.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Sáu cho biết các nhà điều tra “nhận thức được rằng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc.”
Thông tấn xã AP trích lời dân biểu Jim Langevin, một tiếng nói hàng đầu tại Quốc hội về an ninh mạng cho rằng “Chúng tôi biết là cuộc tấn công diễn ra tại một nơi nào đó ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi không biết đó là một cá nhân, một nhóm hay một cuộc tấn công cấp nhà nước.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gọi những cáo buộc là “vô trách nhiệm” và nói Trung Quốc cũng là nạn nhân của những cuộc tấn công trên mạng.
Những cáo buộc về vai trò của Trung Quốc trong cuộc tấn công, bao gồm cả việc có thể do nhà nước bảo trợ, có thể làm tăng thêm mối căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Căng thẳng đã lên cao về sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc theo đuổi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Nam Hải.
Tin tặc cũng làm phát sinh những câu hỏi về việc Hoa Kỳ đáp ứng như thế nào nếu quả thật chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau những vụ tấn công trên mạng này.
Việc tiết lộ tin tặc được đưa ra trước cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ- Trung hàng năm được tổ chức từ ngày 22 đến 24 tháng 6 tại Washington D.C.
An ninh mạng được dự trù sẽ đứng hàng đầu trong nghị trình của cuộc đối thoại.
Các giới chức Mỹ nói những cuộc thảo luận sẽ được tiến hành như dự trù, cũng như kế hoạch của Tổng thống Barack Obama tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Washington vào mùa thu năm nay.
Thông tấn xã Reuters trích lời ông James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng “Trung Quốc đã nói một cách riêng tư và đôi lúc công khai là chúng tôi muốn hội nghị thượng đỉnh tiến hành tốt đẹp. ‘Đừng nói đến gián điệp, nhưng hãy nói về việc làm thế nào chúng ta có thể làm việc với nhau.’”
Ông Lewis nói thêm là “Có thể câu trả lời của Mỹ là ‘Không, chúng ta thảo luận về gián điệp’”
Đây không phải là lần đầu tiên cuộc tấn công trên mạng qui mô lớn được truy nguyên xuất phát từ Trung Quốc.
Tháng 7 năm ngoái, tờ New York Times trích lời các giới chức Mỹ không tiết lộ danh tánh cho biết các tin tặc Trung Quốc cũng bị qui trách là đã xâm nhập vào mạng lưới máy vi tính của Văn phòng Quản trị Nhân viên Mỹ hồi năm ngoái.
Trong năm 2014, FBI truy tố 5 sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc về tội phối hợp xâm nhập hệ thống máy vi tính của 6 công ty có trụ sở tại Mỹ như U.S. Steel và Alcoa.
Các giới chức Trung Quốc liên tục phủ nhận bất cứ liên hệ nào đối với những cuộc tấn công như vậy, nói rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ đưa ra những bằng chứng rõ rệt về những vụ tấn công mạng có nguồn gốc từ Bắc Kinh.
Ông Bruce Schneier, một chuyên gia về mật mã hàng đầu nói rất khó truy nguyên những cuộc tấn công mạng.
Ông Schneier nói với Đài VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây trong năm là “Chúng ta có thể làm được việc này khi các tin tặc phạm lỗi trong việc che dấu vết tích của họ và đây không phải là việc chúng ta có thể làm một cách nhanh chóng. Trong những trường hợp khác chúng ta có thể biết với đảm bảo hợp lý là những cuộc tấn công xuất phát từ các tòa nhà và văn phòng tại Trung Quốc và chính phủ biết được và chấp thuận việc này.”
Truyền thông của hai quốc gia cộng sản mới đây đã dùng những ngôn từ không hề kiêng nể để nhắm vào nhau, gây ra một cuộc đối đầu trên 'mặt trận báo chí' nhà nước của hai quốc gia láng giềng.
Trong một bài bình luận đăng ngày 2/6 về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tờ Hoàn cầu Thời báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “người Việt Nam thừa biết là Washington đang lợi dụng Hà Nội để khống chế Trung Quốc tại biển Đông”.
“Người Mỹ không hâm mộ thể chế chính trị của Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra sau khi nước này tự ngả vào vòng tay của Mỹ? Câu trả lời không thể rõ ràng hơn”.
Bài viết của tờ báo thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết thêm rằng “Hà Nội luôn luôn cảnh giác trước Washington, và điều đó không dễ thay đổi vì những lời đường mật của ông Carter, và ngược lại. Hoa Kỳ sẽ không tin Việt Nam sẽ trung thành với mình”.
Đáp lại, tờ Giáo dục Việt Nam nói rằng “bài xã luận sặc mùi cay cú” của Hoàn cầu Thời báo “xuyên tạc quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, Việt – Trung”.
Tờ báo thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Đúng là Hoa Kỳ không ngây thơ, và người Việt Nam cũng không ngây thơ. Người Việt Nam không quên quá khứ, nhưng quá khứ ấy không chỉ có 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mà còn cả ngàn năm Bắc thuộc, gần nhất cũng là những cuộc chiến như năm 1979 Trung Quốc xua quân xâm lược tàn sát hàng ngàn đồng bào mình và xâm lược, thôn tính Hoàng Sa năm 1974, 6 bãi đá Trường Sa năm 1988”.
'Xóa sạch quá khứ'
“Còn Trung Quốc thì sao? Bề ngoài Bắc Kinh luôn miệng muốn "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" nhưng thực bụng lại chỉ muốn láng giềng xóa sạch quá khứ bị phương Bắc xâm lược để tiếp tục bành trướng, "xâm lược mềm" lãnh thổ trong hiện tại và tương lai,” tờ báo viết thêm.
Báo chí Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nên các nhà quan sát cho rằng phản ứng của tờ Giáo dục Việt Nam nhiều khả năng đã được “bật đèn xanh”.
Trên bình diện ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua cũng đã có lời qua tiếng lại về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Đích thân các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nồng hậu đón tiếp ông Carter. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang thì nói rằng “hai bên đã khép lại quá khứ và hướng tới tương lai thể hiện bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đặc biệt quan trọng là trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên hơn”.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011.
Theo VnExpress, Thanh Niên, VOA-07.06.2015
Việt Nam dự tính mua 13 tàu điện của Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội với tổng chi phí hơn 63,2 triệu USD.
Theo báo chí trong nước, mỗi đoàn tàu có 4 toa xe, sử dụng vật liệu không gỉ do Công ty trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất.
Tàu mô hình sẽ được giới thiệu với người dân vào cuối năm 2015, và 13 đoàn tàu sẽ được đưa về Việt Nam năm 2016.
Quyết đinh trên đã vấp phải nhiều phản ứng của dân chúng. Về lý do chọn mua tàu của Trung Quốc chứ không phải một quốc gia nào khác, theo truyền thông trong nước, theo hiệp định khung giữa hai chính phủ năm 2008, phía Trung Quốc đồng ý cho vay khoản tín dụng ưu đãi hơn 100 triệu đôla, và trang thiết bị, công nghệ cho tuyến đường sắt trên đều phải sử dụng của Trung Quốc.
Nhiều sự cố
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD.
Dự án này đã gặp phải một số sự cố nghiêm trọng, và đỉnh điểm là cuối năm ngoái, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao này chấn chỉnh nhà thầu thực hiện một dự án này.
Kiến nghị được đưa ra sau hai sự cố xảy ra, làm một người chết và ba người bị thương, trong chưa đầy hai tháng tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với các tư vấn giám sát và tổng thầu Trung Quốc.
Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng nói rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc.
Việc ông Thăng chỉ trích nhà thầu Trung Quốc đã bị một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc cáo buộc là 'tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc'.
Được đầu tư xây dựng trên 10 tỷ đồng, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ được sử dụng một thời gian ngắn rồi “đắp chiếu”. Công trình tiền tỷ này hiện đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Đường vào nhà máy xử lý nước thải thị trấn Me cây cỏ dại mọc um tùm, chắn hết lối đi
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thị trấn Me được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt xây dựng theo Quyết định số 2190/QĐ-BTNMT ngày 12/11/2009. Nhà máy được xây dựng với mục đích xử lý nước thải sinh hoạt, ngăn chặn ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy; đồng thời làm cơ sở thực hiện dự án ở các lưu vực sông khác trên toàn quốc.
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thẩm lọc thị trấn Me có tổng mức đầu tư trên 10,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp môi trường. Được xây dựng từ tháng 11/2009 (theo quy chuẩn kỹ thuật
Quốc gia về nước thải sinh hoạt – QCVN14: 2008/BTNMT) trên tổng diện tích 11.800m2. Năm 2012 nhà máy hoàn thành và được bàn giao cho UBND huyện Gia Viễn quản lý, sử dụng với công suất 950m3/ngày.
Khu nhà điều hành bị bỏ hoang nhiều năm nay
Tuy nhiên, nhà máy này sau khi đưa vào sử dụng được thời gian ngắn thì ngừng hoạt động, rồi bỏ hoang trong thời gian dài. Toàn bộ khuôn viên rộng hàng nghìn m2 của nhà máy hiện bị cỏ dại mọc um tùm không còn lối đi. Nhà máy tiền tỷ nhưng không có người trông coi, cửa và các thiết bị điện của khu nhà điều hành bị tháo rỡ hư hỏng. Toàn bộ hệ thống bể lọc, bể chứa, bãi lọc ngầm và ống dẫn nước đã bị hư hỏng nằm chỏng chơ khắp nơi. Khu tường rào xung quanh nhà máy bằng sắt cũng đã bị cắt bỏ, tháo dỡ…
Chứng kiến công trình tiền tỷ “đắp chiếu”, bị bỏ hoang nhiều năm nay khiến nhiều người dân không khỏi xót xa. Một nghịch lý đó là dù đã có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhưng hàng trăm hộ dân ở thị trấn Me hàng ngày vẫn phải thải nước thải sinh hoạt ra môi trường. Do không có nơi thải nước sinh hoạt, nhiều hộ dân còn trực tiếp xả nước thải sinh hoạt ra sông, ao, hồ, ruộng gần nơi sinh sống gây ô nhiễm cảnh quan môi trường.
Khu vực bể chứa đang xuống cấp nghiêm trọng
Lý giải về việc nhà máy ngừng hoạt động nhiều năm, ông Hoàng Văn Lượng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Gia Viễn cho biết, công trình được bàn giao từ cuối năm 2012 nhưng do chưa đồng bộ, không có có hệ thống thu gom, dẫn nước từ các khu dân cư của thị trấn về nhà máy để xử lý nên không đủ lượng nước thải để vận hành. “Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch phát triển thị trấn Me, sau khi triển khai quy hoạch xong thì sẽ hoàn thiện đồng bộ các hệ thống thoát nước, thu gom và dẫn nước thải về nhà máy để xử lý” – ông Lượng cho biết thêm.
Qua tìm hiểu được biết, việc xây dựng hệ thống thu gom, dẫn nước thải từ khu dân cư vào nhà máy là do UBND huyện Gia Viễn đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên đến nay hệ thống này vẫn chưa được huyện triển khai thực hiện.
Bàn ghế trong nhà điều hành nằm chỏng chơ, các cánh cửa sổ bị phá tan
“Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục, đưa nhà máy đi vào hoạt động. Không hiểu vì lý do vì sao đến nay nhà máy vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Người dân chúng tôi không còn cách nào khác vẫn phải thải nước sinh hoạt ra môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường sống” – một người dân sống gần khu vực nhà máy bức xúc.
Hệ thống tường rào bằng sắt bao quanh đã bị kẻ xấu lấy cắp nhiều năm nay
Bà Đinh Thị Huyền Nhung – Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình – thừa nhận: “Qua kiểm tra cho thấy nhà máy đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay. Sở TN&MT tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Gia Viễn cần có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay công trình vẫn bỏ hoang”.
Theo ĐSPL-June 6, 2015 Bức xúc việc mình bị… cả gia đình cựu trưởng thôn hành hung đốt vùng kín, chị Đ.T.P đã làm đơn tố cáo vụ việc.
Khu vực nơi xảy ra sự việc.
Đó là câu chuyện của chị Đ.T.P (SN 1973, trú tại thôn Vệ Sơn Đoài, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Theo tìm hiểu, câu chuyện xảy ra vào ngày 29/10/2014.
Trong ngôi nhà rách nát, dáng hình gầy nhỏ, chị Đ.T.P vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại mọi chuyện.
Theo lời chị Đ.T.P, nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ việc gia đình nhà ông N.V.H – trưởng thôn khóa trước (nay đã bãi nhiệm) xây dựng nhà vệ sinh nhưng chiếm ra phần đất đi lại khu nghĩa địa và ruộng của nhiều người. Không đồng ý với điều đó, chị Đ.T.P và gần 20 người đã làm đơn gửi lên chính quyền nhờ can thiệp.
Sau đó, gia đình ông N.V.H đã phá bỏ nhà vệ sinh, trả lại lối đi cho mọi người theo yêu cầu của chính quyền. Theo lời chị Đ.T.P, có thể vì lý do đó mà cả gia đình ông N.V.H căm ghét nên rình rập, đuổi đánh chị nhiều lần. Đỉnh điểm nhất là sự việc cả gia đình nhà ông này hành hung, đốt vùng kín của mình.
Cụ thể, khoảng 7h ngày 29/10/2014, chị Đ.T.P đi mua gói mỳ qua cổng nhà ông N.V.H thì bị con trai cả của ông này chửi mắng thậm tệ.
Sau đó, vợ ông này cũng bất ngờ chạy ra ngoài, tay cầm bắp ngô đấm thẳng vào mặt khiến chị P. chảy máu miệng. Sợ hãi, chị P. chạy về nhà em trai cầu cứu nhưng vẫn bị vợ con ông N.V.H đuổi đánh.
Sự việc tưởng chừng chỉ đến đấy thì đến khoảng 10h cùng ngày, chị Đ.T.P đạp xe đi mua bánh cho con thì tiếp tục bị vợ ông N.V.H cùng hai cô con dâu xông đến kéo chị P. ngã xuống đường.
Chị P. cho biết lúc này một người giữ, một người kéo quần chị xuống dùng, mồi rơm đã châm sẵn dí vào vùng kín của chị và hét lên: “Tao nướng… mày”. Bên ngoài, ông N.V.H đang bế cháu không can ngăn và vẫn hô hét, cổ vũ: “Lôi nó ra mà đánh, đánh chết nó đi!”.
Hoảng loạn, chị cố dừng sức chạy thoát và kêu cứu. Ngay sau đó, chị Đ.T.P đã được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sóc Sơn và sau đó là chuyển lên Bệnh viện Xanh Pôn để tiếp tục điều trị.
Chị Đ.T.P trao đổi với PV.
Sự việc xảy ra, chị Đ.T.P đã làm đơn gửi lên các cấp chính quyền cùng chiếc quần bị cháy ngày hôm đó làm vật chứng, tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa có lời giải đáp chính thức.
“Tôi không mong được đền bù hay gì cả, thậm chí một lời xin lỗi họ còn không có, tôi muốn làm rõ vụ việc để lấy lại công bằng, danh dự cho tôi. Tôi là phụ nữ, có con cái lớn, nhục lắm, hơn nữa họ trước đây từng làm trưởng thôn, rồi gia đình văn hóa mà hành động lỗ mãng như vậy là không được ”, chị Đ.T.P bức xúc cho hay.
Để có cái nhìn đa chiều, khách quan trong câu chuyện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với vợ chồng ông Đ.V.H thì được ông cho biết đó là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
“Hôm đó, quả thực tôi có đốt rơm ở cổng, nhưng không phải là để đốt cô ấy (chị P. – PV) mà là dùng để đốt vía. Cô Đ.T.P ngày nào đi qua cũng chửi, cô ấy có dị tật một chút nhưng ngoa ngoắt, chửi rất khỏe. Hôm đó, tôi bực quá vì con cháu tôi đầy nhà mà cô ấy cứ đứng chửi bậy bạ ngoài cổng nên mới cùng con dâu đem rơm ra cổng đốt vía và có chửi lại cô Đ.T.P nhưng không hề đánh đập hay xô xát dã man như cô Đ.T.P tố cáo”, vợ ông N.V.H cho hay.
Theo lời ông bà N.V.H, cho rằng, vì ghen ăn tức ở nên chị Đ.T.P mới bày trò tự đốt quần rồi đem đi kiện cáo để vu oan giá họa cho gia đình ông. Hiện tại vụ việc đã được khởi tố, tuy nhiên ông bà cho biết sẽ làm đơn để đòi lại công bằng.
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Ngọc Ly – Trưởng Công an huyện Sóc Sơn xác nhận sự việc trên, đồng thời ông Ly cũng cho biết thêm hiện nay đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố, xử lý đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.
QUẢNG TRỊ (NV) - Thay vì có nhiệm vụ chống khai thác, mua bán gỗ lậu từ khu vực rừng thuộc mình quản lý, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh lại trực tiếp buôn gỗ lậu và bị bắt quả tang.
Số gỗ lậu của ông Bùi Quang Linh bị công an phát hiện, bắt giữ ( Hình: Tiền Phong)
Theo Người Lao Động, khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, tài xế xe chở gỗ khai nhận lô hàng trân là của ông Bùi Quang Linh, ngụ thị trấn Hồ Xá, đương kim hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Vĩnh Linh.
Ngày 5 tháng 6, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an tỉnh Quảng Trị xác nhận, vừa bắt giữ một số gỗ lậu lớn và chủ số gỗ này lại chính là hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Vĩnh Linh.
Tin cho hay, sự việc được phát hiện ngày 23 tháng 5 khi một xe tải nhỏ chở theo 7 khối gỗ gồm các loại gỗ dỗi, sến đỏ thuộc nhóm gỗ quý cấm khai thác về thị trấn Hồ Xá thì bị lực lượng công an phát hiện và bắt giữ.
Qua kiểm tra số gỗ, công an xác định trên các khối gỗ không có dấu hợp pháp của kiểm lâm. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã kiểm tra thêm một bãi chứa gỗ tại thị trấn Hồ Xá và phát hiện tại đây có thêm 4 khối gỗ cũng không rõ nguồn gốc và được chủ bãi xác nhận là của ông Linh ký gởi.
Tuy nhiên, khi làm việc với công an, ông Linh thừa nhận số gỗ trên là của mình nhưng là mua giúp cho một người khác từ một người không rõ danh tính tại xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh? Hiện phòng cảnh sát điều tra tội phạm đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc. ( Tr.N)
06-05- 2015 4:55:09 PM
Việt Nam và Hoa Kỳ ký tuyên bố hợp tác quốc phòng với bản tuyên bố mang tính 'tầm nhìn chung'.
Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ mới ký kết có ý nghĩa gì với an ninh trên Biển Đông và khu vực?
Đó là chủ đề mà BBC và các vị khách mời sẽ trao đổi trong cuộc Tọa đàm Trực tuyến Hangout thứ Năm tuần này, hôm 04/6/2015.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang có mặt ở Singapore, cho rằng tuyên bố là 'một bước tiến có ý nghĩa' thể hiện quyết tâm cao hơn của hai bên trong hợp tác an ninh, quốc phòng ở khu vực.
Nhà nghiên cứu nói:
"Theo tôi, tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lần này là một bước thể hiện hai bên quyết tâm đưa quan hệ song phương vào một cấp độ cao hơn, đi vào chiều sâu hơn.
"Đặc biệt sau khi hai bên thiết lập được quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, chúng ta thấy rằng đây là một phần để triển khai bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký năm 2011.
"Cho nên chúng ta thấy ở trong này, họ đề ra một số biện pháp hợp tác cụ thể hơn. Chúng ta thấy trong bối cảnh căng thẳng ở trên Biển Đông gia tăng, cũng như cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gia tăng trong thời gian gần đây, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều lý do hơn để thúc đẩy mối quan hệ song phương của mình, đặc biệt vì các mục tiêu chiến lược.
"Đặc biệt chúng ta thấy bên cạnh các mục tiêu chiến lược khác, lĩnh vực hợp tác quốc phòng là một lĩnh vực then chốt và vẫn còn rất nhiều dư địa để hai bên thúc đẩy các hợp tác.
"Và chúng ta thấy trong bản tuyên bố tầm nhìn chung này, họ có đề ra một số lĩnh vực và một số hoạt động cụ thể để hai bên có thể tập trung vào trong thời gian tới, ví dụ như duy trì an ninh và ổn định ở mỗi nước, ở mỗi khu vực, rồi bảo vệ những nguyên tắc và luật pháp quốc tế, rồi hợp tác về an ninh hàng hải trên biển đông.
"Chính vì vậy tôi nghĩ rằng đây cũng là một diễn biến đáng chú ý, mặc dù vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để quan hệ song phương thực chất hơn.
"Nhưng dẫu sao đây cũng là một bước tiến có ý nghĩa đối với quan hệ giữa hai nước," Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói.
'Thẳng thắn và quyết tâm'
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao lại kỷ vật chiến tranh của liệt sỹ quân đội Bắc Việt cho người đồng nhiệm Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và sử gia từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nêu quan điểm:
"Tôi đồng ý với hết tẩt cả những gì mới vừa nói.
"Tôi nghĩ rằng kỳ này quan trọng bởi vì lý do hình thức.
"Là sau Hội nghị Shangri-La (Diễn đàn An ninh Khu vực lần thứ 14 tại Singapore) thì ông Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ sang gặp Bộ trưởng của Việt Nam liền cho thấy rằng Mỹ thẳng thắn và quyết tâm đối với Việt Nam.
"Vì đối với Mỹ, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng. Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất ở khu vực.
"Và nếu Việt Nam và Mỹ không tỏ ra rõ ràng, cứng rắn, thì các nước khác sẽ bị chùn chân," nhà nghiên cứu nói.
Ngay sau khi bản tuyên bố Việt - Mỹ được công bố, Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo mạng thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài lên tiếng trong đó kêu gọi Việt Nam nên có một 'cái đầu lạnh' và thận trọng trước toan tính của Mỹ mà tờ này cho là muốn đẩy Việt - Trung vào thế 'đối địch'.
Bình luận về phản ứng này của Trung Quốc, Giáo sưNgô Vĩnh Long nói:
"Đối với Trung Quốc, đối thủ chính trong vấn đề này là Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng gây hấn với Mỹ, để nếu mà Mỹ không trả lời Trung Quốc một cách rõ ràng,
"Thì Trung Quốc sẽ nói là Mỹ là 'con hổ giấy', và qua đó đe dọa các nước khác trong vùng.
"Mỹ thì muốn kéo Trung Quốc vào một hệ thống mà có thể tạo dựng được an ninh không những trong khu vực Đông Nam Á và khu vực Á Đông, mà cũng cả ở toàn cầu nữa.
"Trung Quốc thì không muốn như vậy. Trung Quốc có thể muốn chia quyền với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã gặp gỡ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chuyến thăm Hà Nội mà Hoa Kỳ đã ký tuyên bố tầm nhìn hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
"Thành ra, mỗi khi mà có một hoạt động gì của Mỹ, thì Trung Quốc la thật lớn lên...
"Thành ra cái đó cũng là một lý do tại sao ví dụ, chẳng hạn Việt Nam nhiều khi cẩn thận sợ rằng nếu mà Trung Quốc không đánh thẳng vào Mỹ, thì cũng gây sự với Việt Nam.
"Mà rõ ràng chúng ta thấy nhiều lần là Trung Quốc cố ý gây sự với Việt Nam để răn đe các nước khác.
"Mà nếu Việt Nam không dám nói rõ ràng và không dám tranh thủ sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ, thì đây là một sự làm cho các nước khác ở trong khu vực e dè.
"Là bởi vì Việt Nam là nước bị mất mát nhiều nhất, bị khó khăn nhiều nhất đối với Trung Quốc, thành ra Việt Nam phải cần chọn đối tác nào có thể giúp cho Việt Nam nhiều nhất.
"Đối tác đó theo tôi thấy đó là Mỹ. Tại sao? Bởi vì Mỹ là đồng minh của Nhật, Mỹ là đồng minh của Hàn Quốc, Mỹ là đồng minh của Phi-luật-tân (Philippines), Mỹ là đồng minh của Úc, và Mỹ có quan hệ rất tốt với tất cả các nước khác. Mỹ đóng vai trò chính."
'Không ràng buộc luật pháp'
Từ Bangkok, trước câu hỏi điều nào trong 5 điểm được đề ra trong Tuyên bố chung tầm nhìn quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ là có ý nghĩa nhất và khả thi nhất, phóng viên Hồng Nga của BBC, người trực tiếp theo dõi nhiều sự kiện Đối thoại Shangri-La trong nhiều năm gần đây, nói với Tọa đàm:
"Tuyên bố hay Tầm nhìn... không có tính ràng buộc gì về luật pháp, bởi vậy nó là Quy ước giữa hai bên để có thể hiểu nhau và có thể tiến tới những hợp tác thực chất hơn trong tương lai.
"Tất nhiên tôi cũng đồng ý với Giáo sư Ngô Vĩnh Long là nó cũng mang một ý nghĩa khá là đặc biệt, bởi vì là đây là lần đầu tiên mà Việt Nam và Hoa Kỳ có ký với nhau một văn bản như vậy.
"Nhưng mà để từ đó chuyển sang thành những hành động thực sự thì chúng ta cũng phải nhớ là còn một thời gian rất là dài.
"Khoản 18 triệu đô-la mà hai bên vừa mới thống nhất thực ra đã được ký với nhau từ lâu rồi, chứ không chỉ là lần này.
"Vì vậy cũng không gắn hai sự kiện này với nhau.
"Mà bây giờ dư luận ở các nơi cũng đặt ra một vấn đề là liệu có phải Việt Nam đang hướng vấn đề đối ngoại này để làm lu mờ những vẫn đề đối nội hay không?
"Cái này thì tôi cũng đặt một nghi vấn rất là lớn.
"Nhưng tựu chung lại, cũng cần phải cân nhắc mọi yếu tố để xem là cái tuyên bố này, sau này, sẽ được diễn dịch ra những hành động như thế nào?
"Và còn quá sớm để mà nói là cái gì khả thi thực hiện được một cách dễ dàng," Hồng Nga nói với Tọa đàm.
Trả lời câu hỏi cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ có phản ứng ra sao trước việc hai quốc gia công bố Tuyên bố chung về Tầm nhìn nói trên, nhà báo Trần Nhật Phong, nhà quan sát cộng đồng từ California, nói:
Thỏa thuận tầm nhìn Việt - Mỹ được cho là một bước đi 'mạnh mẽ' hơn trong quyết tâm hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
"Cộng đồng Việt Nam cũng có hai khuynh hướng khi nghe được thông tin này, tức là hai bên có tầm nhìn chung.
"Khuynh hướng thứ nhất là khuynh hướng tương đối thoáng hơn, thì họ rất mong điều này và họ hoàn toàn ủng hộ điều tích cực này, và cho rằng Việt Nam đi gần với Mỹ thì tốt hơn là đi gần với Trung Quốc.
"Tuy nhiên còn một khuynh hướng thứ hai thì tương đối khó khăn hơn trong vấn đề thấy rằng Hoa Kỳ và Việt Nam càng lúc càng xích lại gần nhau.
"Bởi vì quan niệm về mặt trận chính trị của họ vẫn còn khá cứng rắn. Nhóm này họ nói rằng quyền lợi của Hoa Kỳ tại Biển Đông chưa đủ để cho Tổng thống và Quốc hội có thể bỏ qua hồ sơ mà Việt Nam đang vướng phải.
"Trong đó có hai hồ sơ chính là hồ sơ nhân quyền và hồ sơ môi sinh.
"Và do đó họ hoàn toàn không ủng hộ điều này, đó là hai khuynh hướng bên phía cộng đồng.
'Vì thất bại đối ngoại?'
Theo nhà báo Trần Nhật Phong, ngoài hai quan điểm trên, còn một quan điểm nữa gợi ý rằng động thái của phía Mỹ có liên quan tới chính trị nội bộ của Đảng Dân chủ đang cầm quyền.
Ông nói:
"Riêng còn có một khuynh hướng thứ ba giống như chị Hồng Nga vừa nói, tức là cả ba quốc gia Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam đều có động thái làm nóng hồ sơ Biển Đông để mà làm lu mờ đi những cái
biến động từ trong mỗi một quốc gia.
"Kể cả Trung Quốc, kể cả Việt Nam; kể cả Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử 2016, ta cũng biết rằng Hoa Kỳ trong 8 năm qua là phía (Đảng) Dân Chủ cầm quyền.
"Do đó lần này bà Hillary Clinton đại diện cho phía Dân Chủ ra tranh cử, thì nó có thể ảnh hưởng tới mùa bầu cử của Hoa Kỳ.
"Và động thái này để lấy lại tư thế quân bình mà trong 8 năm phía Dân chủ cầm quyền bị cho, bị đánh giá là thất bại trong mặt trận đối ngoại quân sự.
"Và đây là một trong những động thái để phía Dân Chủ có thể lấy lại uy thế với công chúng Hoa Kỳ. Đó là những cái nhìn từ phía Hoa Kỳ," nhà báo Trần Nhật Phong nói với BBC.
Chương trình Bàn tròn Thứ Năm như thường lệ được phát từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam (tức 13h30-14h00 giờ London).
Các khách mời tham dự cuộc Tọa đàm có:
- Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ;
- Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, từ Singapore;
- Nhà báo Hồng Nga, BBC, từ Bangkok, Thái Lan;
- Nhà báo tự do Trần Nhật Phong, từ California, Hoa Kỳ.