Monday, January 15, 2018

CSVN buộc công ty dịch vụ internet cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng

CSVN buộc công ty dịch vụ internet cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng
Theo voa.com, Việt Nam đang tăng cường áp lực để buộc các công ty ngoại quốc thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng internet tại địa phương, biện pháp được coi là thắt chặt kiểm soát hoạt động trên mạng xã hội của giới bất đồng chính kiến.
Trong tháng này, bộ công an CSVN đề nghị dự luật, buộc các công ty dịch vụ internet có ít nhất 10,000 khách hàng sử dụng mạng tại Việt Nam phải mở văn phòng đại diện.  Theo VNExpress thì quốc hội CSVN đang cân nhắc việc kêu gọi các công ty ngoại quốc lưu trữ tài liệu và thông tin cá nhân của khách hàng mình tại Việt Nam, trong đó có các tài liệu quan trọng của các nhà vận động dân chủ ở trong nước.
Sự kiện này cho thấy, các công ty ngoại quốc cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook và Google  được sử dụng thông dụng tại Việt Nam sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là hoạt động của giới bất đồng chính kiến, như họ từng làm suốt 2 năm qua.
Theo ông Trung Nguyễn- khoa trưởng Bang Giao Quốc Tế của trường đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TPHCM-  sự bùng nổ của các tổ chức truyền thông xã hội và internet khiến vai trò của hai lực lượng này trở thành quan trọng đối với đời sống cư dân Việt Nam. Đó là lý do khiến nhà nước CSVN muốn thắt chặt việc kiểm soát.
Tháng 6 năm ngoái, Bộ công an CSVN đề nghị ban hành luật mở rộng phạm vi hoạt động bị cấm đoán, trong đó có tội phạm tin tặc và hoạt động chống nhà nước. Chủ nhân các quán cà phê internet bị yêu cầu cài đặt nhu liệu theo dõi, và buộc khách hàng phải đưa chứng minh nhân dân cho họ kiểm soát.
Song Châu / SBTN

Thêm trạm thu phí BOT tại Bình Thuận “vỡ trận” do dân bất tuân dân sự

Thêm trạm thu phí BOT tại Bình Thuận “vỡ trận” do dân bất tuân dân sự
Theo bản tin của tờ VNExpress, vào chiều ngày 14 tháng 01, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ 200 đồng mua vé qua trạm BOT Sông Phan, tỉnh Bình Thuận làm cho quốc lộ 1 bị tê liệt.
Các tài xế vẫn mua vé theo quy định, nhưng dùng tiền lẻ và tiền nhàu nát để trả phí.  Cũng trong ngày 14 tháng 01, người dân địa phương kéo ra phản đối trạm thu phí BOT Sông Phan, nên cả khu vực hỗn loạn.
Dẫn lời của anh Nguyễn Văn Phúc, tờ VNExpress cho biết anh Phúc một ngày anh chở hai đứa con đi học, sáng đứa, chiều đứa. Bốn lượt đi về, mất hết 140,000 đồng. Cộng lại một năm số tiền quá lớn. Anh Nghĩa không biết kêu ai, giờ chỉ có cách phản đối để mong được giảm phí. Anh Ngô Sơn chạy xe chở thanh long cho biết: “Chở hàng giá thấp, mà qua lại thường xuyên thu phí cao quá, đâu có doanh thu bao nhiêu đâu. Chỉ có lỗ, trạm thu phí ăn hết. Một năm tới ba mươi mấy triệu, cộng với cước phí đường bộ nữa, tổng cộng gần 40 triệu. Tiền đâu mà chúng tôi sống”.
Sau 45 phút, trước áp lực của tài xế và người dân địa phương, trạm BOT Sông Phan đã cho xả trạm.
Trong ngày 14 và 13 tháng 01, nhiều tài xế cũng dàn xe hơi, không chịu mua vé để phản đối trạm BOT Sông Phan, buộc chủ đầu tư phải liên tiếp xả trạm.
Hồi tuần trước, lãnh đạo BOT Sông Phan đã đối thoại với người dân địa phương, hứa đề nghị với Bộ Giao thông giảm giá vé. Cũng theo tờ VnExpress, từ đầu tháng 1 đến nay, liên tiếp các trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, T1 và T2 trên Quốc lộ 91, Sóc Trăng… đã rơi vào tình trạng tê liệt, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trước sự phản đối quyết liệt của các chủ xe địa phương. Nhiều trạm đã phải liên tục xả trạm, giảm phí để giãm sự phản đối.
Tường Thắng / SBTN

Phóng Viên Không Biên Giới lo ngại về ‘lực lượng 47’ Của CSVN

Phóng Viên Không Biên Giới lo ngại về ‘lực lượng 47’ Của CSVN
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới bày tỏ lo ngại về thông báo của nhà cầm quyền CSVN điều động 10,000 “chiến binh mạng”, để chống lại những quan điểm bất đồng trên Internet, và gọi đó là một “cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin.”
Cuối tháng 12 vừa qua, Thượng tướng CSVN Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị  quân đội, cho biết một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10,000 người mang tên “Lực lượng 47” đã bắt đầu hoạt động để “đấu tranh chống các quan điểm sai trái”. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời tướng Nghĩa cho biết, “Lực lượng 47” gồm những người “vừa hồng vừa chuyên, kiên định về ý thức hệ, có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ”.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nói bước đi này của nhà cầm quyền CSVN càng củng cố thêm lo ngại của họ về xu hướng các chính phủ tổ chức những đạo quân dư luận viên trên Internet, để tấn công và bịt miệng các nhà báo độc lập và các cơ quan truyền thông. Ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của Phóng Viên Không Biên Giới, nói đây là một cuộc tấn công mới nhắm vào quyền tự do thông tin, ở một quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng mô hình kiểm duyệt chặt chẽ của họ trên mạng xã hội.
Việt Nam hiện đứng thứ 175 trong 180 quốc gia trong bảng xếp hạng Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2017 của Phóng Viên Không Biên Giới.
Huy Lam / SBTN

Thêm tội danh cho ông Vũ ‘Nhôm’?

Theo VOA-15/01/2018
Ngoài cáo buộc "tiết lộ bí mật nhà nước", ông Phan Văn Anh Vũ còn đang bị điều tra một số sai phạm khác về kinh tế, theo truyền thông trong nước.
Báo chí Việt Nam hôm 15/1 trích lời ông Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, cho biết rằng ngoài tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, nghi can được gọi là Vũ “nhôm” vì từng có thời làm nhôm kính “còn có một số sai phạm liên quan hoạt động kinh tế”.
Tuy nhiên, ông Yến từ chối cho biết chi tiết mà chỉ nói rằng "mọi việc đang được làm rõ", theo VnExpress.
Truyền thông trong nước cũng đặt câu hỏi về thẻ ngành công an lan truyền trên mạng mang tên người được cho là “trùm bất động sản” ở Đà Nẵng này là thật hay giả, cũng như vì sao ông này có ba hộ chiếu khi bị bắt ở Singapore, ông Yến chỉ trả lời “vụ án đang được điều tra”.
Singapore hôm 2/1 chính thức xác nhận với VOA tiếng Việt về vụ bắt giữ ông Vũ tại quốc gia Đông Nam Á này hôm 28/12/2017 vì vi phạm Luật xuất nhập cảnh của Singapore.
Các luật sư ông Vũ ở Singapore và Đức cho biết rằng thân chủ của mình “muốn tị nạn chính trị ở Đức”.
Sau đó, hôm 4/1, Bộ Công an Việt Nam cho biết đã “tiếp nhận” ông Vũ sau khi ông này bị Singapore “trục xuất”.
Nhà của ông Vũ "Nhôm" bị khám xét ở Đà Nẵng hồi tháng 12 năm ngoái.
Nhà của ông Vũ "Nhôm" bị khám xét ở Đà Nẵng hồi tháng 12 năm ngoái.
Hồi cuối năm ngoái, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", nhưng tới nay, vẫn chưa rõ các bí mật đó là gì.
Báo điện tử Zing News dẫn lời ông Yến nói rằng “nhiều người nghĩ doanh nghiệp không liên quan bí mật quốc gia, tuy nhiên trên thực tế có doanh nhân, cán bộ hưu trí vẫn bị khởi tố về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’”.
Theo Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999, tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”; tội “chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Ông Đinh La Thăng muốn làm 'ma tự do'

Theo VOA-14/01/2018
Ông Đinh La Thăng bị dẫn giải ra tòa.
Ông Đinh La Thăng bị dẫn giải ra tòa.
Cựu ủy viên Bộ Chính trị hôm 13/1 đã đề cập tới lời phát biểu về việc xử lý cán bộ sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phần tự bào chữa, và nói muốn làm "ma tự do".
Ông Thăng trích lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng “xử lý cán bộ không phải dập cho người ta không ngóc lên được mà xử lý để cho họ khắc phục sửa chữa, để tiến bộ, trưởng thành và quan trọng để cho họ thấy sai”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói việc xử lý tham nhũng “cốt là để người ta giác ngộ".
Ông Nguyễn Phú Trọng nói việc xử lý tham nhũng “cốt là để người ta giác ngộ".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng phát biểu rằng việc xử lý tham nhũng “cốt là để người ta giác ngộ, thấy được vết xe đổ thì mới thành công, không gây bất mãn cho xã hội”.
Theo các đoạn video đăng trên mạng, cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói rằng lời phát biểu đó "cho bị cáo thấy được, cảm nhận được sự nhân văn sâu sắc của tổng bí thư”.
Ông Thăng từng bị “cảnh cáo”, “cho thôi làm Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy HCM” rồi bị bắt và đưa ra xử vì “liên quan tới các sai phạm thời còn làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.
Hôm 10/1, ông bị đề nghị mức án 14 - 15 năm tù giam. Trong khi tự bào chữa, ông Thăng “đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý, đúng căn cứ, pháp luật và công bằng cho cán bộ dầu khí, không vì tư lợi mà chỉ muốn tập đoàn phát triển nhanh theo đúng kỳ vọng của chính phủ".
Bị cáo chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè...
Ông Đinh La Thăng nói tại tòa.
Trước đó một ngày, về quyết định gây tranh cãi về việc để cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), công ty con của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), làm tổng thầu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, “gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng”, ông Thăng khai rằng nó từng được thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] “chấp thuận” và “theo chủ trương của Bộ Chính trị”.
Bày tỏ nguyện vọng trước tòa, ông Thăng nói rằng ông “chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè”.
Ông được nhiều tờ báo trong nước trích lời nói rằng ông “cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Nguyện vọng “làm ma tự do” của ông cũng trở thành một chủ đề được nhiều người thảo luận trên mạng xã hội.
Luật sư Lê Công Định viết: “Dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng mà có Ma Tự Do sao?”
Bị cáo cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do".
Ông Trịnh Xuân Thanh nói.
Lời bào chữa của ông Thăng mà nhiều tờ báo nói là “nghẹn ngào” đã trở thành bài được nhiều người đọc nhất trên hầu hết các trang tin điện tử ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh, một bị cáo khác trong vụ xử về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và "Tham ô tài sản”, tự bào chữa rằng ông “không tham ô”.
Ngoài ra, theo truyền thông Việt Nam, ông Thanh, nguyên lãnh đạo PVC, cho biết “thấy có lỗi với anh Định La Thăng” và “cũng lo sợ viễn cảnh phải "làm ma trong tù" chứ không được "làm ma tự do" vì còn một phiên tòa nữa đang chờ đợi bị cáo”. Ông Thanh trước đó bị đề nghị án tù chung thân.

Bao giờ ông Đinh La Thăng mới sáng mắt?

Kami/Theo RFA- 2018-01-15  
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018.
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP
Chúng ta thường nghe ước muốn được làm người tự do của kẻ đang sống, chứ ít nghe thấy ai mong ước bi đát "được làm ma tự do" như cựu Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh la Thăng. Bày tỏ nguyện vọng trước tòa ngày 13/1/2018, ông Đinh La Thăng đã nói rằng ông “chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè”. Đã có nhiều tờ báo nhà nước trích lời nói rằng ông  Thăng “cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Có lẽ phát biểu thể hiện sự bất lực này của ông Đinh La Thăng hôm 9/1/2018, không chỉ liên quan đến việc ông Thăng đã khai trước tòa: "Chỉ định thầu là chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chỉ đạo”. Song việc hàng loạt các báo của nhà nước đồng loạt giật tít như vậy, nhưng đến chiều hôm 10/1/2018, thì tất cả các báo đều đồng loạt hạ các tít bài này xuống.
Không chỉ thế, đêm 10 Tháng Giêng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, công khai về chi tiết này trên trang Facebook cá nhân: “Chiều nay tôi xin phép Hội Đồng Xét Xử hỏi giám định viên Bộ Tài Chính đúng một câu nhưng bị đại diện Viện Kiểm Sát “nháy” giám định viên không trả lời câu hỏi. Tôi hỏi: “Giám định viên cho Hội Đồng Xét Xử biết, ngoài bản giám định kết luận hậu quả thiệt hại 119 tỷ đồng là hậu quả được tính bằng lãi suất từ “cơ hội đầu tư” ra, thì giám định viên trong quá trình giám định của mình đã kết luận doanh nghiệp nào bị thiệt hại giống như phương pháp tính thiệt hại “cơ hội đầu tư” giống như của PVN chưa? Rất tiếc, vị kiểm sát viên ngồi trước mặt nhắc giám định viên đã không trả lời tôi và giữ quyền im lặng.”
Cũng như việc Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội trong bản luận tội đã cố ý cho rằng các bị cáo phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra chậm tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và làm đội vốn dự án. Theo Luật sư Nguyễn Chiến - ĐBQH khóa XIV: “Nếu suy luận như vậy, đối với nhiều dự án khác đang chậm tiến độ, đội vốn, như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, thì liệu những người thực hiện có chịu kết cục thế này hay không?" là một những ví dụ về những bản án đã được định trước.
Những điều kể trên là hệ quả của một nền tư pháp thiếu tính độc lập, chịu sự chi phối của nhà nước độc đảng. Hơn thế nữa, trong một xã hội mà nền tư pháp bị "kim ngân phá luật lệ", khi chuyện "thằng kia nó đúng - (đút tiền nhiều) hơn mày" là phổ biến. Thì sự "oan ức" của Đinh La Thăng cũng là chuyện dễ hiểu.
Chỉ có trong các nền chính trị độc đoán mới có những chuyện bi hài như chúng ta thấy đang xảy ra ở Việt Nam trong những tháng gần đây. Nguyên nhân không có gì khác, trước hết là sự tê liệt của hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp độ.
Cách đây chưa lâu, những Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm không thể nghĩ rằng họ có một kết cục bi thảm như ngày hôm nay. Trước khi chưa bị lộ, các đồng chí Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM, đồng chí Nguyễn Xuân Anh Ủy viên TW đảng - Bí thư TP Đà Nẵng, đồng chí Trịnh Xuân Thanh - phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đồng chí Phan Văn Anh Vũ - thượng tá Công an được báo chí của bộ máy này tung hô không tiếc lời và những người này đã không ngừng thăng tiến lên những vị trí đầy quyền lực.
Vậy mà đến hôm nay, những kẻ đó chỉ chớp mắt những người hùng ấy hôm qua nay đã trở thành những kẻ cắp với tội danh tham nhũng. Chỉ trong một vụ án Trịnh Xuân Thanh đã nhận bản án chung thân, còn Đinh La Thăng nghị án 14-15 năm tù cho dù đã đã thành khẩn nhận tội. Riêng Nguyễn Xuân Anh và nhiều các đồng chí chưa bị lộ thì bây giờ chuyện cũng chưa hết, chắc chắn đến nước này khi Vũ Nhôm đã bị bắt thì chẳng còn gì để mất. Chắc chắn Vũ sẽ khai sạch đã chi cho những ai, chi bao nhiêu, chi như thế nào chắc chắn Phan Văn Anh Vũ có thừa bằng chứng và tài liệu. Và không chỉ Nguyễn Xuân Anh thôi đâu, mà sẽ là hàng lô, hàng lốc những ông Trời con ở Bộ Công An và Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ rơi mặt nạ trong vụ việc này.
Đó là hệ quả của vũng lầy chính trị ở Việt Nam, nơi mà hầu hết các quan chức ngày hôm nay vẫn cao giọng đạo đức để răn dạy công chúng, nhưng thực chất tất cả bọn họ cũng chẳng sạch sẽ gì hơn Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...
Khi mà ở đó ý chí của người đứng đầu bộ máy đảng đứng trên cả luật pháp, một khi những người này họ muốn thì tay chân của họ trong bộ máy nhà nước sẽ thực hiện bằng mọi giá. Việc giới chức Việt Nam sau khi đề nghị Chính phủ CHLB Đức không được, đã bất chấp luật pháp cho lật tung nước Đức để bắt cóc bằng được nghi can Trịnh Xuân Thanh về nước là một ví dụ. Song nó chưa bi hài bằng chuyện hành vi của Trịnh Xuân Thanh đã "tự nguyện" bỏ vợ bỏ con về nước đầu thú nhưng không được xem xét để giảm nhẹ tội. Mà lại (bit.ly/2COADKw) bị đề nghị tình tiết tăng nặng vì... không thành khẩn khai báo (!?).
Sau nữa cũng bởi cái thứ pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa mà đảng CSVN đang sử dụng để cai trị ở Việt Nam, khi mà Tổng BT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ngày 28/09/2013 từng lớn tiếng khẳng định "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.
Song nguy hiểm nhất là họ đã quên cái chất lượng của đảng CSVN, một đảng chính trị duy nhất có vai trò lãnh đạo đất nước, được Tiến sỹ Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã từng cảnh báo rằng, “Các tổ chức của đảng là tập hợp những củ khoai tây trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc... Lợi ích phường hội, bè cánh trong Đảng là những u bướu ác tính, hay nói cách khác, là những cục nghẽn mạch, nếu không kịp thời chữa trị thì Đảng sẽ bị đột quỵ”. (bit.ly/2AkmSAj). Và điều dự báo của ông Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cách đây chưa lâu, hôm nay đã trở thành hiện thực.
Nói thế để thấy, nêu như hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp được coi trọng. Đảng CSVN và nhà nước biết tôn trọng luật pháp vốn là nền tảng của việc cai trị thì chắc chắn không có chuyện những cán bộ lãnh đạo mới hôm qua được tung hô như một vị anh hùng, một điểm sáng hay một nhân tố mới thì chỉ qua một đêm đã bị xộ khám với tội danh ăn cắp.
Một khi vấn đề đạo đức xã hội không dựa trên một chuẩn mực cụ thể của luật pháp, mà tùy hứng dựa theo ý chí của lãnh đạo cao nhất thì việc "sáng đúng, chiều sai và ngày mai lại đúng" để phong anh hùng cho những tên kẻ cắp là điều dễ hiểu. Chuyện cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng được ca ngợi là tấm gương chống tham nhũng, người từng được Tổng Bí thư điều ra trung ương chịu trách nhiệm về việc chống tham nhũng là một ví dụ. Khi những lùm xùm ở Đà Nẵng được bạch hóa thì người ta mới biết Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là kẻ cầm đầu và tạo dựng ra đế chế tham nhũng tại thành phố lớn nhất miền Trung. Vậy mà trước đây ông Nguyễn Bá Thanh từng lớn tiếng rao giảng về chuyện chống tham nhũng, thậm chí là chuyện đạo đức
Ông Đinh La Thăng và đồng bọn có tội là chuyện không phải bàn cãi, nhưng các tội danh bị truy tố phải được xem xét đầy đủ trên cơ sở của luật pháp, chứ không thể xét xử theo lối những bản án đã được định sẵn theo chỉ đạo như chúng ta đang thấy. Điều đáng ngạc nhiên là, dẫu như vậy song ông Đinh La Thăng vẫn nói với luật sư của mình là vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự công tâm, xem xét của cơ quan điều tra, viện kiểm sát luận tội.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Y án 5 năm tù và 4 năm quản chế cho Nguyễn Văn Oai

Theo RFA-Tiến Thiện 2018-01-15  
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai Courtesy citizen
Phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai đã được diễn ra tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sáng ngày 15/01/2018 trong bầu không khí căng thẳng. Bên trong phiên tòa, những lời khai của bị cáo và luận chứng của luật sư đều bị bác bỏ và cuối cùng thẩm phán vẫn tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với ông Nguyễn Văn Oai. Bản án được luật sư nhận định là “oan sai”.
Bên ngoài tòa án, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu “tự do cho Nguyễn Văn Oai” bị giằng lấy xé nát, nhiều người bị đánh đập, cướp điện thoại và hai trẻ vị thành niên đã bị công an bắt đi đâu chưa rõ.

Một phiên tòa còn nhiều khúc mắc

Ngay khi phiên tòa vừa kết thúc, Bà Nguyễn Thị Liệu - mẹ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai nói trong tiếng nấc nghẹn “con tôi nó chống lại, nó không nhận tội nào hết. Phiên tòa xử bất công. Con tôi bị oan. Các ông hãy xử lại cho con tôi.”
Để kết tội một người tội không chấp hành án thì phải có điều kiện là đã áp dụng cưỡng chế cần thiết, khi đã áp dụng biện pháp đó rồi mà người ta vẫn không thi hành thì mới kết được tội “không chấp hành án”. - LS. Hà Huy Sơn
Nói về những yếu tố pháp lý và căn cứ luận tội ông Nguyễn Văn Oai, Luật sư Hà Huy Sơn cho biết khi vừa ra khỏi cổng tòa án
“Tòa cuối cùng vẫn y án sơ thẩm. Tội không chấp hành án 2 năm, tội chống người thi hành công vụ là 3 năm. Là luật sư tại tòa, tôi đã nói là không có tội.
Để kết tội một người tội không chấp hành án thì phải có điều kiện là đã áp dụng cưỡng chế cần thiết, khi đã áp dụng biện pháp đó rồi mà người ta vẫn không thi hành thì mới kết được tội “không chấp hành án”.
Biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định bao gồm: áp giải, dẫn giải, niêm phong tài sản. Cả ba biện pháp này đều chưa được chính quyền thực hiện. Nhưng mà người ta đã quy vào tội không chấp hành án. Do vậy đó là oan sai.
Với tội danh thứ hai, Oai tuy bị thực hiện việc quản chế, bị tước một số quyền của công dân, nhưng quyền được đảm bảo nơi ở là quyền không được tước đoạt. Trên thực  tổ công tác công an xã cứ xâm phạm vào nhà anh, đó là vi phạm điều 22 của Hiến Pháp quy định.”
Điều 22, Hiến Pháp năm 2013 quy định:
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) nêu quan điểm trong thông cáo hôm 14/1/2018:
“Nguyễn Văn Oai bị kết án năm năm tù vì vi phạm điều kiện quản chế, theo điều 304 của bộ luật hình sự và chống người thi hành công vụ, theo điều 257 của bộ luật hình sự trong phiên xử hồi tháng Chín năm 2017. Lệnh quản chế đối với anh, có nội dung buộc phải trình báo theo định kỳ với Ủy ban Nhân dân sở tại và hạn chế đi lại, được căn cứ trên một bản cáo trạng và bản án không thỏa đáng về việc anh có liên quan tới một tổ chức chính trị bị cấm ở Việt Nam, là một sự vi phạm quyền tự do nhóm họp và tự do ngôn luận đối với Nguyễn Văn Oai.”
Linh Châu - Vợ của ông Nguyễn Văn Oai và bà Liệu là hai người thân duy nhất được tham dự phiên tòa xét xử sáng nay còn những người khác thì bị ngăn không cho vào phiên tòa.
Cô Linh Châu kể trong nước mắt rằng ông Nguyễn Văn Oai người trông gầy, yếu. Trong phiên tòa Oai đã bị ngăn phát biểu một số quan điểm. Một chi tiết mà cô Linh Châu lưu ý là người được cho “là bị hại cũng là người làm chứng” và “phải cầm giấy để đọc”. Điều này được luật sư Hà Huy Sơn cho là không khách quan.
“Ở đây người làm chứng cũng là người thực thi công vụ, giống như người đó là người bị hại và là người làm chứng luôn. Ở phiên tòa thì luật sư và anh oai cũng nói là không hợp lý. Không thể vừa là người bị hại và là người làm chứng được.”
Hai người được cho là nạn nhân và là nhân chứng là ông Võ và ông Toán, công an thị xã Hoàng Mai. Chúng tôi đã cố liên lạc với hai ông này để hỏi quan điểm nhưng không được trả lời.

Bên ngoài tòa án người ủng hộ bị hành hung

Một số người mặc thường phục đã lao vào tấn công, cướp giật băng rôn, biểu ngữ của những người thân Nguyễn Văn Oai. 
Ở bên ngoài, Ngay từ sáng sớm khi mới gần tới phiên tòa, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu “tự do cho Nguyễn Văn Oai” bị giằng xé giật đi, nhiều người đã bị đánh đập và cướp điện thoại.
Bà Nguyễn Thị Tri, chị của ông Nguyễn Văn Oai nói: “Chúng tôi rất hoảng sợ. Phiên tòa ngày hôm nay nam rất ít, chỉ toàn là đàn bà phụ nữ cả thôi nên chúng tôi rất sợ. Khi chúng tôi giương băng rôn biểu ngữ lên liền bị xông vào cướp.”
Lúc 10:45 phút sáng, tường thuật trực tiếp từ Nghệ An, một người xin dấu tên vì lý do an toàn cho RFA biết “tại hiện trường ngay lúc này, vào lúc 10:30 sáng, một số người mặc thường phục đã lao vào tấn công, cướp giật băng rôn, biểu ngữ của những người thân Nguyễn Văn Oai. Trong lúc đang làm truyền thông, thì anh Nguyễn Văn Thông bị một số người mặc thường phục lao vào ôm lấy anh, đánh đập anh, lôi anh lên xe. Một anh nữa cũng bị bắt đi là anh Huỳnh. Một số chị em vào can thì liền bị đánh đập.”
Hai người bị bắt đi đó là em Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 2000 và em Hồ Huy Thông sinh năm 2002. Cả hai đều chưa đủ 18 tuổi nhưng đã bị đánh đập và bắt đưa đi đâu không rõ. Hai người cũng bị đánh đập là bà Nguyễn Thị Tri – chị của ông Nguyễn Văn Oai và em Nguyễn Thị Thanh – cháu của ông Oai. Em Thanh cũng mới chỉ 17 tuổi và bị những người mặc thường phục tát vào mặt.
Chị Nguyễn Thị Hương xác nhận với chúng tôi từ trước cổng tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An: “Khi lấy điện thoại ra chụp ảnh, lúc đầu thì họ làm khá gắt. Họ giành điện thoại. Sau đó lấy băng rôn ra chụp ảnh thì họ cướp luôn băng rôn. Mà đa số là họ mặc thường phục và mặc đồng phục, với mấy người mặc như bảo vệ dân phố.”
Hình ảnh mà chúng tôi có được cho thấy, công an đã đứng chặn đường đi lại khu vực này, ai đi qua đều phải xuất trình giấy tờ và được phép thì mới được đi qua. Trong đó có hai xe phá sóng, và nhiều xe đặc chủng của quân đội, cảnh sát cơ động được điều tới xung quanh phiên tòa.
Lúc 1:30 phút chúng tôi đã liên lạc được với hai em Hồ Văn Thông và Nguyễn Văn Huỳnh khi hai em đang trên đường về nhà. Hai em cho biết đã bị dùng dùi cui, và đánh đập nhiều.
Hồ Văn Thông, 16 tuổi, kể “Trong khi em bắt trên xe, họ toàn đập vào đầu em. Nó bắt cầm điện thoại, cầm đồng hồ, dây thắt lưng, ép vào cánh xe. Nó đánh chừng khoảng 15-16 vào đầu em. Rồi nó lôi vào đồn, bắt em khai báo. Nhưng em không có gì để khai báo cả. Thì nó dùng dùi cui nện 5-6 quả vào tay. Nện xong, nó hỏi lại quay phim như vậy là đúng hay sai? Em nói là quay đúng, nên nó bắt em quay đầu vào tường, bắt quỳ xuống. Nó nện tiếp. Cái anh không mặc đồng phục tiếp tục đánh em, xong nó bỏ đi. Rồi có một người không mặc đồng phục đến lập biên bản với em. Khi lập biên bản với em xong thì nó không đánh nữa.”
Em Nguyễn Văn Huỳnh, 17 tuổi cũng tường thuật trong khi còn đang đau đớn rằng:
Khi đưa lên xe, họ tập trung vào người, vào lưng và đánh. Sau đó họ bắt ghi lời khai, bắt ghi tên rõ họ tên, gia đình, họ hàng và hỏi nhiều chuyện. Họ niết mặt em xuống. Lúc mới lên xe, một anh niết cổ em xuống. hai anh lên giẫm vào lưng, một người đằn lưng em xuống, một người chỏ lên lưng và tát lên mặt. bây giờ em còn đau bả vai và cột xương sống. ”
Trước phiên tòa diễn ra, nhiều giáo xứ tại giáo phận Vinh như Phú Yên, Song Ngọc, Cẩm Trường, Vạn Lộc, Yên Đại, Yên Hòa… đã thắp nến cầu nguyện cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai. Đó được cho là lý do mà nhà cầm quyền sợ sẽ có hàng ngàn người tham dự phiên tòa xử ông Nguyễn Văn Oai và 13 thanh niên Công Giáo như hồi năm 2011.
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Oai bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, bộ luật hình sự.
Cũng với khí khái như trong phiên tòa năm 2013, tại phiên toà lần này Nguyễn Văn Oai quả quyết mình chỉ một lòng với đất nước mà bị kết án thôi.
Trong lời nói sau cùng, anh Oai khẳng định mình vô tội. Tòa kết án anh Oai cũng chỉ là để chia cắt tình cha con, tình mẹ, tình anh em thôi. Chứ với anh thì anh luôn một lòng với đất nước chứ anh không có tội gì cả. vì sự tự do của đất nước, anh phải nói lên điều anh nên làm  chứ anh không có tội gì hết. Anh luôn hướng về một đất nước tự do và công bằng.” cô Linh Châu thuật lại.

Năm 2018, dân Sài Gòn sẽ phải đóng $11.9 tỷ tiền thuế

Người dân đến nộp thuế tại Cục Thuế Sài Gòn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 14 Tháng Giêng, báo Tuổi Trẻ cho hay Cục Thuế của thành phố Sài Gòn đang đặt mục tiêu thu 1,000 tỷ đồng ($44.3 triệu) mỗi ngày vì họ được giao chỉ tiêu năm 2018 phải thu 268,780 tỷ đồng ($11.9 tỷ), tăng 12.5% so với số thu thực tế của năm 2017.
Tờ báo nói trong năm 2017, Cục Thuế Sài Gòn “hoàn thành dự toán trong tình cảnh hết sức khó khăn”, thu được 238,888 tỷ đồng ($10.5 tỷ) và “chỉ vượt 6.7 tỷ đồng ($296,810) so với dự toán.”
Tuổi Trẻ viết: “Để đạt được kế hoạch trên, Cục Trưởng Cục Thuế Sài Gòn Trần Ngọc Tâm cho biết ngay từ đầu năm 2018, cơ quan thuế phải tập trung cao độ để thực hiện bên cạnh việc đẩy mạnh chống thất thu. Cụ thể, Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở Y Tế Sài Gòn quản lý hoạt động kê khai thuế của các nhà thuốc, phối hợp với Sở Tư Pháp quản lý thuế văn phòng công chứng, phối hợp với cơ quan hải quan, quản lý thị trường thực hiện chống thất thu qua chuyển nhượng giá, giao dịch đáng ngờ… Ngoài ra việc quản lý các khoản thu từ đất và mua bán bất động sản cũng được ngành thuế đặc biệt coi trọng.”
Trong một diễn biến khác, hôm 4 Tháng Giêng, truyền thông Việt Nam đưa tin Tòa Án Nhân Dân thành phố Sài Gòn đã quyết định không thụ lý vụ kiện của Hãng Uber B.V của Hòa Lan nhắm vào Cục Thuế Sài Gòn. Theo báo điện tử Dân Trí, tòa giải thích nguyên do là đơn vị được ủy quyền (Uber Việt Nam) “chưa chứng minh đủ tư cách pháp lý.”
Trước đó, Cục Thuế Sài Gòn yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần (VietcomBank, EximBank, SacomBank, ACB, Vietinbank) cưỡng chế tài khoản của hãng Uber từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018 đến 10 Tháng Giêng, 2018. Trong thời gian này, tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V chuyển vào tài khoản cơ quan thuế thay vì chuyển ra nước ngoài cho đến khi Cục Thuế Sài Gòn thu đủ khoản nợ 53.3 tỷ đồng ($2.35 triệu), theo báo Tuổi Trẻ.
Việc lãnh đạo Cục Thuế Sài Gòn công khai chuyện họ bị “khoán doanh thu” hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm và năm sau cao hơn năm trước, lý giải vì sao thời gian qua, cơ quan thuế ráo riết đẩy mạnh việc thu thuế của những người bán hàng qua mạng xã hội.
Hồi Tháng Mười Hai, 2017, các báo Việt Nam đưa tin Cục Thuế Sài Gòn “truy thu 9.1 tỷ đồng ($403,130)” của một cá nhân “kinh doanh mỹ phẩm thương hiệu T. (viết tắt) qua mạng” từ việc đối chiếu thu nhập kê khai và thu nhập thực tế của người này “chênh nhau đến hơn 400 tỷ đồng ($17.7 triệu).” Công luận và mạng xã hội dấy lên ngờ vực quanh những con số được cơ quan thuế công bố, vì không tin một cá nhân có khả năng kiếm được doanh thu bán hàng qua Facebook cả trăm tỷ đồng – điều mà các công ty, cửa hàng bán lẻ phải ao ước. Nhất là khi danh tính của cá nhân “kinh doanh mỹ phẩm qua mạng” không được nêu rõ.
Ông Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright, bình luận về tin Cục Thuế Sài Gòn phải “chạy theo chỉ tiêu” trên trang Facebook cá nhân: “Địa phương và trung ương chơi chiêu với nhau. Trung ương hứa thưởng cho địa phương khi thu vượt kế hoạch, nhưng lại giao kế hoạch rất cao để khó có thể vượt. Địa phương thu không đạt kế hoạch để nói rằng tôi kiệt sức rồi và trung ương cũng khó đạt kế hoạch và ảnh hưởng đến các kế hoạch chi tiêu chung. Với cơ chế hiện tại, chưa kể các vấn đề tiêu cực hay ẩn đằng sau, nguồn lực (nhân sự và tiền bạc) đang tiêu tốn rất nhiều cho các công việc giữa trung ương và các địa phương. Muốn tinh giản và làm bộ máy trở nên hiệu quả hơn thì đây là một không gian rất lớn.” (T.K.)

Tòa phúc thẩm y án với cựu TNLT Nguyễn Văn Oai

CTV Danlambao - Sáng nay, 15/1/2018, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An (đường Phạm Đình Toái, xóm 20, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử cựu TNLT Nguyễn Văn Oai với các cáo buộc tội danh “Chống người thi hành công vụ” và “không chấp hành án” (toà bắt đầu từ 8h00 đến 11h15), kết thúc là bản án 5 năm tù giam, 4 năm quản chế - tức y án sơ thẩm.

Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho anh Oai tại phiên tòa cho biết, trong 2 tội danh đã cáo buộc, nhà cầm quyền CS đã tuyên 2 năm về “Tội không chấp án” và 3 năm tội chống người thì hành công vụ.

Luật sư Sơn cũng đã chỉ ra điểm sai trái so với pháp luật do chính cộng sản đặt ra tại phiên tòa này: Đó là những công an xã Quỳnh Vinh, công an huyện Quỳnh Lưu tự ý xâm phạm trái phép vào chỗ ở riêng của anh Oai (vi phạm điều 22 hiến pháp), sau đó lại tự mình làm nhân chứng cho chính mình tại phiên tòa khi cáo buộc anh Oai “chống người thi hành công vụ”.

“Tòa án này như có sự chỉ đạo ở đâu nên tòa án người ta không nghe” luật sư Sơn nói bên ngoài khi kết thúc phiên tòa.

Cũng như những phiên tòa “công khai” xét xử người yêu nước khác thì ngay từ sáng sớm, mọi con đường dẫn đến khu vực tòa án đều đã bị ngăn chặn bởi rào chắn và các chốt công an, an ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động...

Ảnh: Thanh niên Công Giáo

Hàng chục người là thân nhân, bạn bè của anh Oai đã bị bao vây, cô lập cách khu vực tòa án khoảng 200m bởi lực lượng côn an, côn đồ. Nhiều băng rôn, biểu ngữ đã bị giật trộm, xé nát. Một số nhân chứng có mặt tại phiên tòa cho biết, nhà cầm quyền còn sử dụng loa có công suất lớn, xe cứu hỏa, xe buýt.



Ảnh: Thanh niên Công Giáo

Khoảng hơn 10h, nhà cầm quyền đã sử dụng bạo lực để đàn áp khi những thân nhân anh Oai đứng giăng biểu ngữ “"Cầu Nguyện Cho Môi Trường Biển Miền Trung", “Tự do cho Nguyễn Văn Oai”. Chị Nguyễn Thị Tri và 3 cháu đã bị đánh đập vào người rất nặng. Em Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Văn Hiếu, Facebooker Muối Tiêu bị đám công an côn đồ lao vào đánh đập, cưỡng ép bắt lên lên xe và chở đi. Một số người khác bị đám mật vụ chìm lao vào cướp điện thoại. Trước đó, 2 thanh niên trẻ Hồ Huy Thông và Hoàng Nguyên bị hành hung và câu lưu khi đang trên đường chạy xe gắn máy đến phiên tòa.

Ảnh: Thanh niên Công Giáo

Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai sinh ngày 19 tháng 6 năm 1981. Cư trú tại xóm 4, xã Quỳnh Vinh, thị xã Quỳnh Mai, Nghệ An.

Năm 2013, anh bị nhà cầm quyền CSVN kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế theo Điều 79 BLHS với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Anh mãn hạn tù vào tháng 8/2015.

Ra tù, anh Oai tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản của mình. Chính những điều này, nhà cầm quyền đã lo sợ và tìm mọi cách để bỏ tù anh thêm lần nữa.

15/1/2017


Ai mới thật sự là kẻ vong nô?

Hồn Nhiên (Danlambao) - Người cộng sản hay chửi bới những anh chị em đấu tranh ở hải ngoại là “kẻ vong nô”, khi những anh chị em này dám livestream công khai chỉ trích vào chế độ cộng sản, nói lên sự hèn kém của đảng cộng sản và những hành vi bắt bớ, đàn áp những tiếng nói đối lập.


Thế thì chúng ta thử tìm hiểu xem “vong nô” là gì nhé!

Trước hết cho mình hỏi, có ai thấy ông Ăng Ghen, ông Các Mác, hay ông Sì ta lin làm được cái gì cho đất nước mình chưa? Mấy ổng đẻ ra cái chủ thuyết cộng sản là chỉ để áp dụng cho đất nước của mấy ổng thôi, mắc mớ gì HCM lại đem cái chủ thuyết đó về cùng với mấy ông mũi lõ mắt xanh, rồi đưa lên bàn thờ bắt dân mình sì sụp vái lạy? HCM đã có hội ý với tiền nhân của chúng ta chưa mà bắt cả nước nghe và đi theo chủ nghĩa cộng sản vậy? Truyền thống dân tộc mình đâu có cái chủ nghĩa nào là “Chủ Nghĩa Xã Hội” đâu? Sao cái chủ nghĩa đó nó ở tuốt tận trời Tây, tự nhiên lại mang về VN bắt dân mình phải ngửi nó, phải nếm nó, một cái chủ nghĩa man rợ phi dân tộc tính như vậy mà bắt dân mình phải theo, vậy thủ lĩnh của đảng cộng sản có phải là kẻ vong nô không? Vong nô đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì!

Thôi, tạm gác lại chuyện năm nẳm đi, nói chuyện hiện tại nè. Tôi muốn một chút sơ lược về ý nghĩa của chữ Vong Nô. Kẻ bị gọi là Vong Nô chắc chắn không phải là thuần Việt. Mặc dù tóc trên đầu họ vốn là màu nâu đen nhưng họ nhuộm thành vàng, xanh, đỏ. Cho dù da họ cũng vàng, mũi họ cũng tẹt. Chưa nói tới bàn chân Giao Chỉ xấu ơi là xấu. Nhưng có hề gì? Da vàng thì đi tắm trắng, mũi tẹt thì đi thẩm mỹ viện cho nó chống lên. Nói chuyện với người cùng chủng tộc thì lâu lâu cũng xổ tiếng Ăng Lê, hay tiếng Mẽo để tỏ ra mình là người văn minh, lịch lãm. Phong cách ăn uống cũng vậy, bắt chước người Tây người Mỹ, bữa ăn thì có những vật dụng như nĩa, muỗng, dao. Tuyệt đối không dùng đũa. Nhưng nói thật, phong cách này là phong cách của các con ông cháu cha bên VN, chứ người Việt hải ngoại không có đâu nha các em dlv. Người Việt hải ngoại luôn dạy con em đi thưa về trình, học nói sỏi tiếng Việt và thuộc làu những câu ca dao tục ngữ răn dạy các em biết đến công ơn dưỡng dục sinh thành. Thử nhìn lại cái đám con cái của quan chức VN xem, cha mẹ của chúng là An Nam mít, chứ có phải Tây hay Mỹ gì đâu, vậy mà đặt tên cho con cháu mình nào là Tom, Victo, Billy, con gái thì Kelly, Kristine v.v… Nghe cứ như là con ông Tây bà Đầm nào chứ không phải là dân VN ăn mắm quanh năm suốt tháng. 

Đó, đó mới thật là kẻ vong nô. Chúng tôi, vì hoàn cảnh đất nước mà phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không ai muốn lìa xa quê hương của mình cả. Tuy nhiên, kể từ khi “lũ khỉ Trường Sơn” tràn xuống đồng bằng cướp đất chúng tôi, chiếm dụng nhà cửa ruộng vườn chúng tôi, đuổi anh chị em chúng tôi đi vào những nơi hoang sơn cùng cốc với cái mỹ từ là “Kinh Tế Mới”, sống không nổi phải trở về thành phố thì nhà cửa đã mất, ruộng vườn cũng không còn, đành làm kiếp ăn mày, lang thang rày đây mai đó, rồi kiếm chút đỉnh đi vượt biên. May mà thoát chết, đến được bến bờ tự do này, phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Cho dù vậy nhưng chúng tôi không quên cái gốc của mình, và không quên đồng bào của chúng tôi đang còn kẹt lại ở quê nhà. Bao nhiêu cũng lâm vào hoàn cảnh giống như chúng tôi ngày xưa, cũng mất đất mất nhà, đi kiện tụng khắp nơi mà chẳng một ai đứng ra giải quyết. Nếu chúng tôi ở lại VN thì chúng tôi cũng giống như họ, đời sống bi thảm như vậy hỏi ai còn tha thiết ở lại VN? 

Hiện nay trên thế giới người ta đặt cho VN cái tên là “Cường Quốc Dân Oan”. Thật là xấu hổ! Chưa một đất nước nào có nhiều dân oan như VN chúng ta. Vậy cho hỏi mấy tên dlv, có thấy vinh dự gì khi thế giới gọi VN mình bằng cái tên đó không?

Vậy nhé, đừng bao giờ gọi người Việt hải ngoại là “kẻ vong nô” nữa nhé! Câu chửi đó nên chửi ngược lại mình. Sống ngay trên đất nước mình mà có cái tư tưởng vọng ngoại, đó mới là “kẻ vong nô.”

California Jan.15, 2018

Ngao ngán!

Nguyên Thạch (Danlambao) - Độc tài, hoang tưởng, gian trá và mụ mị là bản chất của cộng sản, mọi tư duy, hành động, đề cương lý luận, tôn chỉ, mục đích là phục vụ cho bản chất ấy, trong đó có Hiến pháp, Luật pháp, Nghị quyết, quyết định, nghị định... đều dựa trên nguyên tắc phải phục vụ cho bản chất dối trá của đảng. Cho nên xã hội đừng ngạc nhiên khi thấy những cuộc xử của cái gọi là tòa án nhân dân này có vô vàn nghịch lý, mà hãy xem đó những cuộc diễn tuồng của những tên hề có chung một tên là ĐCSVN.

*

Chủ Nghĩa Cộng Sản là một thứ chủ nghĩa hoang tưởng, Xã Hội Cộng Sản là xã hội gian dối để đạt đến sự hoang tưởng đó. Nếu người viết là Tổng thống hay một người nổi tiếng thì câu nhận định này sẽ trở thành một trong những câu khuôn mẫu chuẩn mực chung để kết luận khi nói về cộng sản. Nhưng trên thực tế thì câu nói ấy sẽ chìm vào quên lãng và một số người cứ mù mờ mơ hồ về thứ chủ nghĩa mà xã hội do nó nắn lên để rồi theo dòng thời gian cứ nhận ra từ sai trái này đến sai trái khác và cuối cùng mới thất vọng.

Thật sự thì không có gì to lớn và sâu sắc lắm để nhận biết thứ chủ nghĩa độc tài độc tôn này. Thế nào là "Đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để"? Ai cũng biết đó là lời khẳng định như đinh đóng cột trong điều 4 Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nhưng hiểu điều đó ra làm sao thì lại là một vấn đề khác.

Độc tài, hoang tưởng, gian trá và mụ mị là bản chất của cộng sản, mọi tư duy, hành động, đề cương lý luận, tôn chỉ, mục đích là phục vụ cho bản chất ấy, trong đó có Hiến pháp, Luật pháp, Nghị quyết, quyết định, nghị định... đều dựa trên nguyên tắc phải phục vụ cho bản chất dối trá của đảng. Cho nên xã hội đừng ngạc nhiên khi thấy những cuộc xử của cái gọi là tòa án nhân dân này có vô vàn nghịch lý, mà hãy xem đó những cuộc diễn tuồng của những tên hề có chung một tên là ĐCSVN. 

Với chế độ cộng sản, Đa Đảng, Đa Nguyên, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Ngôn Luận là những thứ xa xỉ chứ không hề mang tính nhân văn nhân loại và hơn thế nữa, những thứ trên là kẻ thù của độc tài và toàn trị. Có Đa Đảng, Đa Nguyên, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Ngôn Luận... thì không có cộng sản và ngược lại.

Có quốc gia nào trên thế giới này, yêu nước, yêu Tổ Quốc là có tội?

Ngoài Trung Cộng, Bắc Hàn và Việt Nam có quốc gia nào bắt dân yêu nước phải yêu Xã Hội Chủ Nghĩa?

Hãy đơn cử vài thí dụ để thấy nhiều nghịch lý dưới trào cộng sản.

Cướp bánh mì khi đói, 2 thiếu niên lĩnh án

Ngày 20/7, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù - bằng thời gian tạm giam - về tội Cướp giật tài sản (1).

Một thanh niên lãnh 7 năm tù… vì bắt 1 con vịt về nhậu

Ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản” (2).
Một vài ổ bánh mì là 20.000 VND, tức 1 USD, phải ở tù 8 tháng. 1 con vịt trị giá 120.000 VND, tức 5 USD, phải ở tù 7 năm!. Vậy mấy ngàn tỉ, mấy chục, mấy trăm ngàn tỉ VND, tức vài trăm triệu USD hoặc vài tỉ, vài chục tỉ đô Mỹ thì khoảng cách giá trị tiền tệ là bao xa và phải ở tù là bao lâu?.

Nhưng không, nhiều đảng viên cao cấp tham nhũng, đục khoét ngân quỹ quốc gia, cướp giựt tài sản nhà cửa đất đai của dân, bán lậu tài nguyên quốc gia... vẫn khư khư tự tại, chễm trệ trên nhung lụa, con cháu, gia đình sống ở nước ngoài với nhà cửa, biệt thự, cơ sở kinh doanh lên đến bạc trăm triệu, bạc tỉ đô Mỹ.

Những điều dẫn chứng trên là sự thật mà một số người đã nhìn thấy nhưng cũng có một số người cố tình không nhìn thấy!.

Thêm một vài hình ảnh thí dụ nữa để chứng minh cho mọi người thấy rằng cộng sản không vì đất nước, vì dân tộc và dĩ nhiên những khẩu hiệu "Vì mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" chỉ là những xáo ngữ mị dân, mà người cộng sản chỉ vì đảng là ưu tiên trên, với họ, đất nước còn hay mất thì không "nghĩa địa" chi cả.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị xử phạt 10 năm tù.

Ngày 29.6, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (3).

"Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN" là tuyên truyền gì? Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã gióng lên tiếng nói trên các mạng xã hội cho công chúng biết được nhiều sai trái trầm trọng của guồng máy cầm quyền cũng như cô đã trực tiếp xuống đường thể hiện lòng yêu nước chống giặc Tàu xâm lấn Biển Đảo cũng như phản đối Formosa thải chất độc giết hại biển và dân của 4 tỉnh miền Trung... Đó là những điều mà đảng cho là "tuyên truyền chống lại nhà nước". Vạch ra sự thật, điểm mặt bọn phản quốc, rước voi dày mả tổ, bán nước... là "chống lại đảng, chống lại nhà nước"?.

Cùng quan điểm với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là: Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Trung Tôn, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu... cùng nhiều nhà đấu tranh khác mà bạn đọc có thể tìm thấy ở đây (4):



Người dân Việt Nam nội ngoại đã vô cùng chán ngán dưới cái gọi là "Chiến dịch chống tham nhũng" nửa vời như hiện nay Nguyễn Phú Trọng cùng đồng đảng đang làm. Xã hội Việt Nam sẽ còn phải mục kích vô vàn hình ảnh đầy kịch tính của ĐCSVN.

ĐCSVN là một thế lực đứng trên cả Hiến pháp và có quyền đứng ngoài vòng Luật pháp. Người dân Việt Nam phải chịu đựng sự nghịch lý này cho đến bao giờ?.

14/1/2018