HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bệnh ung thư vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân Việt Nam, bởi tỷ lệ người chết, người mắc mới gia tăng mạnh mỗi năm, lên đến cả trăm ngàn người.
Báo Tuổi Trẻ ngày 12 Tháng Mười Hai, 2018, dẫn lời ông Trần Văn Thuấn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Ung Thư Việt Nam, cho biết trong năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 164,000 ca mắc ung thư mới và trên 114,000 người chết do bệnh này, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong.
Bác Sĩ Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, cho biết ung thư phụ khoa ở phụ nữ dưới 30 tuổi đang gia tăng, “thực sự là báo động.” Đặc biệt, ung thư cổ tử cung có khuynh hướng càng ngày càng trẻ hóa, thậm chí bệnh nhân mới chỉ 23 tuổi cũng bị mắc bệnh.
Đứng đầu ung thư ở Việt Nam hiện nay là ung thư gan. Bác Sĩ Vũ Trường Khanh, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết năm 2018 số mắc ung thư gan chiếm 5.4%/tổng số các loại ung thư ở Việt Nam, xếp vị trí thứ 5 thế giới.
Nguyên nhân do nhiễm viêm gan virút B cứ tăng dần: năm 1990 có 21,000 người xơ gan, 940 người ung thư gan; năm 2025 dự báo có gần 59,000 người xơ gan, trên 25,000 người ung thư gan.
Bác Sĩ Khanh cho hay, người bệnh ung thư gan ở Việt Nam phát hiện muộn vì chưa được tầm soát nhiễm virút siêu vi B, C và người xơ gan do rượu.
Tương tự, ung thư thực quản ở Việt Nam nằm trong 10 loại ung thư phổ biến nhất của Nam giới. Đặc biệt, bệnh nhân ở vùng nông thôn chiếm tỉ lệ cao. Thuốc lá, rượu là hai yếu tố chính gây ra ung thư.
“Ở Hà Nội loại ung thư này đứng vị trí thứ 5 với tỉ lệ mắc ở nam là 8.7/100,000 người, ở nữ là 1.7/100,000 người,” Bác Sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Bệnh Viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết.
Không chỉ có người lớn, theo Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, ung thư ở trẻ em cũng đang gia tăng ở mức báo động với khoảng 250,000 ca. Tăng nhanh nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi năm, có thêm khoảng 160,000 trẻ em bị ung thư và 90,000 trẻ em chết vì ung thư, tỉ lệ tử vong xếp thứ 2 ở các nước đang phát triển.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Bệnh Viện Ung Bướu Cần Thơ, số lượng bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại bệnh viện gia tăng theo từng năm. Cụ thể, trong tổng số 10,792 bệnh nhân nhập viện, có đến hơn 9,000 bệnh nhân ung thư (tỉ lệ trên 84%). Hầu hết người bị bệnh là nông dân, tiếp đến là người hưu trí, nội trợ… (Tr.N)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sau trận mưa lớn, rác thải đủ loại thoát ra từ các cống xả thải và tấp vào bờ biển ở Đà Nẵng kéo dài khoảng 15 cây số.
Do hệ thống thu gom nước mưa thiết kế dùng chung với gom nước thải, nên trận mưa lớn liên tiếp trong hai ngày 10 và 11 Tháng Mười Hai, 2018 đã đẩy một lượng rác lớn tồn đọng trong các cống thoát nước thải chảy tràn ra biển Đà Nẵng, khiến dọc các bãi biển từ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, đến quận Thanh Khê, Liên Chiểu đều ngập ngụa rác.
Theo báo VNExpress, đến chiều hôm 11 Tháng Mười Hai, nhiều rác thải tiếp tục tấp vào bờ biển Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê). Trong khi đó, ngay trước cống xả thải cuối đường Tôn Thất Đạm(quận Thanh Khê), một khối rác quyện vào nhau trôi dạt trên biển. Xung quanh là nước thải đen ngòm.
Ông Nguyễn Đức Vũ, trưởng Ban Quản Lý Bán Đảo Sơn Trà Và Các Bãi Biển Du Lịch Đà Nẵng, xác nhận cho biết rác đã tấp vào 15 cây số bờ biển trên toàn thành phố. Trong đó, hầu hết là rác thải sinh hoạt và một số rác từ các sông suối đổ về.
Tin cho biết, bờ biển Mỹ Khê ngập ngụa rác. Trong rác, nhiều xác cá chết khi trôi theo dòng nước thải tràn ra biển, dạt vào bờ và bốc mùi hôi thối và rất nhiều, những loại chai, lọ chất thải từ nhựa, cao su, da…không thể phân hủy.
Đáng ngạc nhiên, những loại chai, lọ này phần nhiều đều mang nhãn mác Trung Quốc, hầu hết là chai lọ nước ngọt, bia rượu và bao bì các loại bánh…
“Chỉ trong hai ngày, chúng tôi đã thu gom đến 10 tấn rác thải ở bãi biển Thọ Quang và Mỹ Khê. Khối lượng này mới chiếm khoảng 1/3 lượng rác tấp vào bờ,” ông Vũ nói.
Nhiều loại rác tấp vào bờ dài ngày chưa được dọn dẹp. Hai ngày qua, công nhân môi trường và lực lượng hữu trách đã ra thu gom rác nhưng cứ dọn xong thì qua đêm rác lại tấp vào bờ. Nhiều du khách ngoại quốc buộc phải dạo chơi, chụp ảnh giữa bãi biển đầy rác.
“Chưa bao giờ thấy rác thải sinh hoạt tràn ra biển nhiều như lần này,” một ông đi câu cá ở biển Mỹ Khê, khi kéo lên lưỡi câu đã dính rác nói.
Theo báo Thanh Niên, trưa ngày 11 Tháng Mười Hai, tại âu thuyền Thọ Quang – Vũng Thùng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tình trạng rác thải ngập kín khu vực này với đủ loại từ phao xốp, chai lọ, giày dép, củi cây… Nhiều nhất là bao nylon. Việc rác thải theo dòng nước chảy từ sông Hàn ra khu vực âu thuyền khiến các ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển ghe, tàu.
Ông Nguyễn Văn Sáng (48 tuổi, trú quận Sơn Trà), một ngư dân neo đậu thuyền tại âu thuyền cho biết, trước cơn mưa nơi đây cũng có rác nhưng số lượng ít, nhưng đến nay thì rất nhiều, dồn lại thành từng bãi quanh ghe thuyền neo đậu.
“Rác từ trên nguồn theo dòng chảy cuốn hết về và mắc tại đây. Khổ nhất là lúc chúng tôi kéo phao từ thuyền để lên bờ, rác nhiều quá kéo dây để vào bờ cực lắm,” ông Sáng nói.
Nói với báo VNExpress, ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia thuỷ lợi, nguyên phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Đà Nẵng, cho rằng không chỉ cống thoát nước chưa đáp ứng với tốc độ đô thị hoá của thành phố, mà lượng rác thải lớn không được nạo vét thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến việc chậm thoát nước, khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng biến thành sông khi mưa lớn.
Nhà chức trách cho hay, đến cuối tuần này mới có thể huy động nhân lực thu gom rác. “Rác quá nhiều nên chúng tôi rất mong cộng đồng, người dân thành phố cùng chung tay dọn dẹp để bãi biển sớm sạch đẹp trở lại,” đại diện Ban Quản Lý Các Bãi Biển Du Lịch Đà Nẵng nói. (Tr.N)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lâu nay mức lương mỗi tháng của chủ tịch nước, thủ tướng CSVN là điều bí ẩn với người dân trong lúc các vị này luôn thể hiện mình là người “cần kiệm, liêm chính, hết lòng vì dân” mỗi khi xuất hiện trước đám đông.
Báo VietnamNet hôm 11 Tháng Mười Hai cho hay: “Từ ngày 1 Tháng Bảy, 2019, mức lương tháng của Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng là 19,370,000 đồng ($826 Mỹ kim), tăng 1.3 triệu đồng, tức $55 đô la, so với trước. Trong khi đó, lương của Chủ Tịch Quốc Hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ở mức thấp hơn, cùng là 18,625,000 đồng ($795 Mỹ kim, tăng 1.25 triệu đồng, tức $53 đô la).”
Bài báo của VietnamNet không đề cập chi tiết rằng ngoài mức lương, lãnh đạo đảng và chính phủ CSVN có được hưởng thêm bất kỳ khoản “phụ cấp trách nhiệm” nào không. Đây là “tập tục” tại các cơ quan, tổ chức nhà nước: Các giới chức luôn có một khoản lương tượng trưng làm căn cứ để tính thuế thu nhập, bên cạnh một khoản phụ cấp không bị tính thuế, có khi nhiều gấp mấy lần mức lương chính.
Khi tin ông Trọng và ông Phúc được tăng lương hơn 1 triệu đồng được công khai trên mặt báo, một số blogger nửa đùa nửa thật rằng có thể vì mức lương quá thấp nên ông Trọng mới quyết tâm “nhất thể hóa” hồi Tháng Mười, 2018 nhằm ăn hai đầu lương.
Tất nhiên, đa số người dân ở Việt Nam không tin là lãnh đạo đảng CSVN và giới chức chính phủ có thể hưởng mức lương thấp như những con số hiển thị trên giấy tờ.
Mối nghi ngờ càng tăng cao khi đến nay, công luận không hề được thấy bản tự kê khai tài sản cá nhân của ông Trọng, ông Phúc hay bà Ngân. Hồi Tháng Năm và Tháng Mười, 2018, có ít nhất hai đợt cử tri và giới tri thức ở Việt Nam ký tên vào bản kiến nghị đòi ông Trọng công khai tài sản nhưng ông này không hề hồi đáp.
Điều oái ăm là trước đó, người ta thấy chính ông Trọng và Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN ban hành quyết định yêu cầu đảng viên là cán bộ lãnh đạo “phải công khai bản kê khai tài sản trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng để báo chí, nhân dân giám sát”.
Hồi Tháng Mười, 2018, báo Tuổi Trẻ đăng bài ca ngợi ông Trọng “ở nhà công vụ, cuộc sống bình dị, hoàn toàn trong sạch, vô cùng liêm khiết…”
Hồi Tháng Hai, 2018, báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam đăng tấm ảnh đoạt giải “Búa liềm vàng” và mô tả hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “chân đi dép, ngồi bên bậc cửa căn nhà sàn đơn sơ, cùng nở nụ cười với một thương binh thời chống Mỹ, rất gần gũi, bình dị.”
Tuy vậy, dường như các bài báo quảng bá “hình ảnh đẹp, bình dị” của ông Trọng không còn phát huy tác dụng, vì hầu hết các blogger khi dẫn lại link bài trên mạng xã hội đều kèm theo lời bình mang tính nghi hoặc, cười cợt. Facebooker Thanh Hằng bình luận trên trang cá nhân: “Hên quá chồng tôi không phải là chủ tịch nước… Lương chủ tịch nước mà như thế này sao nuôi tôi nổi!” (T.K.)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Mưa lũ tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa khiến 7 người chết, 2 người mất tích, hơn 23,000 căn nhà bị ngập và khiến 1,800 gia đình phải bỏ nhà di dời khẩn cấp.
Theo báo VNExpress, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai cho biết, người dân thành phố Đà Nẵng đang sống chung với trận lụt lịch sử. Còn ở Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ mênh mông nước, nhiều khu dân cư bị chia cắt; nước dâng cao một mét ở quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình khiến giao thông tê liệt. Ở Quảng Ngãi, hàng ngàn nhà dân ở các vùng trũng bị ngập, hàng chục điểm sạt lở chia cắt các xã miền núi.
Tính đến 1 giờ 30 phút trưa 11 Tháng Mười Hai, 2018, thống kê của Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai đã có 5 người chết do bị lũ cuốn (Quảng Trị có 2 người; Thừa Thiên-Huế 1; Quảng Nam 1; Bình Định 1). Hiện còn bốn người đang mất tích do bị lũ cuốn (Quảng Nam 1; Quảng Ngãi 1; Bình Định 2).
Báo Tuổi Trẻ cho hay, đến hết ngày 10 Tháng Mười Hai, mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ cũng làm 23,126 nhà bị ngập nước (Đà Nẵng 2,551 nhà; Quảng Nam 17,320 nhà; Quảng Ngãi 1,061 nhà; Bình Định 2,194 nhà) và 1,830 gia đình ở Quảng Nam phải di dời khẩn cấp.
Ngoài nhà cửa, tài sản bị ngập, hơn 7,800 hécta lúa, rau màu bị hư hại, ngập úng, trong đó riêng tỉnh Bình Định chiếm khoảng 6,900 hécta. Kéo theo đó là 61,777 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi(Quảng Trị 7,047 con; Quảng Nam 8,600 con; Bình Định 46,130). Bên cạnh đó, 14 đập thủy lợi bị ảnh hưởng và hơn 10,000 mét bờ biển, bờ sông bị sạt lở.
Trưa cùng ngày, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Châu Thanh Phong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cho biết sau cả ngày trời cứu hộ, di dời người dân ở những vùng ngập lũ sau ở xã Tam Thăng, Tam Kỳ, anh Trương Văn Được (30 tuổi, trú thôn Mỹ Cang,xã Tam Thăng), dân quân tự vệ, thành viên đội cứu hộ, trở về nhà và qua đời vì lạnh.
Theo ông Phong, trong ngày 10 Tháng Mười Hai, anh Được cùng với nhiều thành viên trong đội cứu hộ đã đến những nơi bị ngập lũ sâu, di dời, sơ tán dân bị cô lập, mắc kẹt ở vùng lũ.
Sau một ngày nỗ lực cứu hộ, đến khoảng 11 giờ khuya cùng ngày, anh Được lội nước lũ ngập đến ngực về nhà. Khi về đến nhà do lạnh cóng, anh Được đã ngã xuống. Đến 8 giờ sáng 11 Tháng Mười Hai, người dân ở khu vực này phát hiện anh Được nằm chết co ro dưới đất, bỏ lại mẹ già gần 80 tuổi.
Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, chiều và đêm 11 Tháng Mười Hai, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-70 mm, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phổ biến 70-120 mm, có nơi trên 150 mm.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường mạnh, từ ngày 14 Tháng Mười Hai, kết hợp với nhiều động của đới gió Đông trên cao nên mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung Trung Bộ còn có khả năng kéo dài và mở rộng đến tỉnh Khánh Hòa gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. (Tr.N)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng loạt cựu quan chức Sài Gòn bị khởi tố hoặc bị bắt giam để điều tra về các tội danh “làm trái quy định của nhà nước” hầu hết đều dính đến các dự án “đất vàng” ở trung tâm thành phố Sài Gòn.
Hiện tại, đứng đầu là ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn, đã ký các quyết định liên quan tới sai phạm tại nhiều khu “đất vàng” trị giá cả tỷ đô la.
Theo báo Tiền Phong, đầu tiên là khu “đất vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Sài Gòn. Khu đất tỷ đô này có vị trí đắc địa từ mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công Trường Mê Linh, Đông Du, với tổng diện tích khoảng 6,000 mét vuông ban đầu được giao cho Tổng Công Ty Bia-Rượu-Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) mà không tổ chức đấu thầu.
Thế nhưng sau đó, ông Tín đã “trợ giúp” cho một nhân vật bí ẩn là ông Ngô Văn An, người đứng tên của hàng loạt doanh nghiệp ngàn tỷ khác như: Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Mê Linh Square; Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Trade Wind; Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Golden Hill; Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Quản Lý Tài Sản và Bất Động Sản Alpha King; Công Ty Cổ Phần Quản Lý Phát Triển Dự Án Đông Sài Gòn, biến thành đất tư để trục lợi.
Sau những lần đổi chủ hiện khu đất này vẫn chỉ là khu đất trống và bị biến thành nơi cho thuê giữ xe như nhiều khu “đất vàng” khác ở Quận 1 hiện nay.
Tại sai phạm liên quan tới khu “đất vàng” rộng 2,337 mét vuông ở số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Tín và các thuộc cấp gồm ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường cùng hai lãnh đạo đang đương nhiệm là ông Lê Văn Thanh, phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố, và ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng Phòng Đô Thị, Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố, về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Theo báo Nhà Đầu Tư, trong một thương vụ kín đáo giữa Ủy Ban Nhân Dân thành phố và Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Bắc Nam 79, một công ty “bình phong” của Bộ Công An CSVN đã bắt tay giao cho Công Ty Nova Bắc Nam 79 của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Sau đó, lô đất này nhanh chóng được Xây Dựng Bắc Nam 79 thực hiện dự án Madison và bán lại cho Tập Đoàn Novaland để xây dựng dự án cao ốc thương mại.
Do liên quan đến hai khu đất này, cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam ông Nguyễn Hữu Tín, ông Kiệt, ông Trương Văn Út, phó trưởng Phòng Quản Lý Đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường thành phố.
Ngoài ra, khu “đất vàng” gần 1,300 mét vuông, số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1 cũng được chính quyền thành phố giao cho Công Ty Nova Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm,” hay khu đất số 8 Lê Duẩn, quận 1, với diện tích gần 3,460 mét vuông và mặt bằng số 12 Lê Duẩn, rộng hơn 1,430 mét vuông, dự kiến xây dựng Thư Viện Thiếu Nhi, nhưng sau đó ông Tín đều ký trao cho Vũ “nhôm” và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Lavenue đều là “đất vàng” có hai mặt tiền, tọa lạc tại trung tâm Sài Gòn.
Riêng khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thanh Tra Chính Phủ kết luận “để tư nhân hóa mà không qua đấu thầu công khai có trách nhiệm chung thuộc về Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn. Trong đó, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố nhiệm kỳ 2011-2015, bởi vì ông Tài là người “đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công Ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án.”
Trên trang Facebook cá nhân, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết:
“Trong kết luận của Thanh Tra Chính Phủ kết chỉ rõ: Ủy Ban Nhân Dân thành phố ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất với hai khu đất số 8 và 12 Lê Duẩn cho Lavenue tại thời điểm công ty này đã thay đổi cổ đông sáng lập; có 2/3 cổ đông là Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Đầu Tư Kinh Đô và Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hoa Tháng Năm; chiếm cổ phần chi phối (80% vốn góp) không phải là tổ chức kinh tế đang được nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm là không đúng đối tượng; vi phạm nghị định số 121 của chính phủ.
Kinh Đô thì quá nổi tiếng rồi khỏi nói, còn Hoa Tháng Năm là con mẹ nào!?
Sài Gòn có một nữ… ma đầu từng ‘làm mưa làm gió’ khuynh đảo nhiều quan chức và đại gia, được biết nhiều dưới biệt danh Hà Sen (tên thật là Lê Thị Thanh Thúy). Cô từng mở nhà hàng Sen Huế ở Nguyễn Huệ, quận 1, gần bên Công Ty Fahasa, ngay trung tâm quận 1. Hà Sen đẹp dạng lả lơi, đưa đẩy và xung quanh có vô số giai thoại!
Nhưng ấn tượng nhất của Sen vẫn là thời ông Tư Huy (biệt danh của ông Nguyễn Thành Tài). Sen được cho là người bảo kê hết các dự án. Anh Tư từng triệt đường kinh doanh của một doanh nhân nổi tiếng vào lĩnh vực truyền hình vì… đẹp trai phong độ hơn và được Sen yêu.
Không chỉ có quan chức, các đại gia Nhơn Novaland, Don Lam, Nguyên Kinh Đô… đều từng dính chưởng của… ‘Bạch phát ma nữ.’
Làm chính trị để đàn bà phiền lụy rất khó đi xa, lên cao. Với ông Tư Huy, đây cũng không phải là người đẹp duy nhất. Anh Tư còn có bạn gái ở văn phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố, cả vợ và bạn gái đều kém nhan sắc với Sen và từng nổi khùng vì Sen. Ông Tư một thời còn cạ với Đỗ Thụy – HTV (đài truyền hình thành phố), sẵn sàng ly dị vợ!
Chính vì Sen mà ông Tư Huy mới duyệt bán chỉ định khu ‘đất vàng’ Lê Duẩn, sau đó Sen đã đem dự án này hợp tác với cha nội Nguyên-Kinh Đô. Thử Google nhé, Công Ty Hoa Tháng Năm hồ sơ đăng ký kinh doanh đứng tên Lê Thị Thanh Thúy và có… 3 đứa… nhân viên. Cho nên, Nguyễn Thành Tài phát biểu trên báo: ‘Tôi sai sót nhưng không tư túi vụ đất vàng,’ tin là ổng không có nói ngoa.” (Tr.N)