ĐĂNG BỞI  - 
Thời gian qua một số báo đã đưa nội dung "Một năm Việt Nam đã chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo 3,5 tỉ  USD (76.000 tỉ đồng, tương đương giá trị 77 sân vận động Mỹ Đình".
Trước thông tin trên, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về vấn đề này.
-Gần đây có một số thông tin cho rằng hàng năm số tiền chi vào bộ máy giảm nghèo là gần 76.000 tỉ đồng (3,5 tỉ USD). Thứ trưởng giải thích điều này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Mới đây, trên một số báo có thông tin nói về chi tiêu hành chính cho giảm nghèo tiêu tốn lớn, bằng 77 sân vận động Mỹ Đình. Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định thông tin này là không chính xác về công tác chỉ đạo giảm nghèo của Việt Nam từ trước đến nay.
Việt Nam không có bộ máy riêng chuyên trách làm công tác giảm nghèo mà đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị cùng phối hợp thực hiện.
Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 đã quy định rõ từng bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp đề xuất các chính sách; hướng dẫn thực hiện; kiểm tra đánh giá về lĩnh vực mình phụ trách đối với công tác giảm nghèo.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa là cơ quan thường trực ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp vừa phải thực hiện một số chính sách đối với người nghèo theo lĩnh vực Bộ đảm nhiệm (dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động) đồng thời, các bộ, ngành sẽ cử các cán bộ tham gia ban chỉ đạo tại trung ương.
Tại tỉnh, các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cấp huyện là phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, cấp xã là các công chức phụ trách từng lĩnh vực là thành viên của ban chỉ đạo giảm nghèo.
Tất cả cán bộ làm công tác giảm nghèo đều là kiêm nhiệm. Không có ngân sách riêng cho hoạt động này mà đây là kinh phí thường xuyên của bộ máy hành chính hiện có. Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, nếu nói rằng Việt Nam phải nuôi bộ máy riêng làm công tác giảm nghèo là rất sai lầm, dẫn đến cộng đồng quốc tế hiểu sai về công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Thông qua việc này, tôi đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục tích cực tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo bằng cách truyền thông, vận động, giải thích định hướng chính sách một cách chính xác; đồng thời thẳng thắn phê bình các bất cập, sai trái trong quá trình thực hiện công tác này.
-Thứ trưởng có thể cho biết một số định hướng của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới?
Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành đánh giá giữa kỳ chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Quốc hội cũng đang giám sát tối cao về vấn đề này. Các đánh giá cho thấy các chính sách về giảm nghèo hiện có những điểm mạnh nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập như: chính sách về giảm nghèo quá nhiều, phân tán, khó lồng ghép; đầu mối quản lý điều hành nằm ở rất nhiều bộ, ngành.
Bên cạnh đó các chính sách của ta chưa khuyến khích được người nghèo vươn lên, vô hình chung còn tạo ra cho một bộ phận người nghèo thụ động...
Mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 là các bộ, ngành cần thống nhất về quan điểm thiết kế chính sách phù hợp để giảm nghèo bền vững, tăng cường rà soát, sắp xếp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong thiết kế chính sách; tập trung hỗ trợ cho các vùng khó khăn về điều kiện sản xuất, trình độ, hạ tầng cơ sở như vùng đồng bào dân tộc, miền núi trên cơ sở địa thế, đặc điểm của từng vùng, tránh "cào bằng;" xây dựng hệ thống giám sát rõ ràng nhằm khuyến khích được cộng đồng người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng, thiết kế chính sách, phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói "đa chiều" để xác định đối tượng, xây dựng chính sách để người nghèo tự đối chiếu mình thiếu hụt về vấn đề gì để hỗ trợ.

Theo Phúc Hằng (TTXVN)  
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm. (Ảnh:TTXVN)