Năm gia đình nuôi cá đặc sản trên sông Gâm trong tỉnh Tuyên Quang bị thiệt hại tổng cộng 6 tỉ đồng (hơn 265,000 Mỹ kim), khi nhà máy thủy điện Tuyên Quang xả lũ.
Báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật 2 tháng 7 dẫn lời ông Ma Văn Long, phó chủ tịch huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết nhà máy thủy điện Tuyên Quang đã thông báo trước khi xả lũ trong đêm 29 tháng 6. Nhưng nước lũ làm đứt một phần cầu phao ở huyện Na Hang, khiến các khối phao va đập gây hư hỏng 39 lồng cá của người dân ở thôn Đầu, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa. Chịu thiệt hại nặng nhất là gia đình ông Bùi Phương Diện với 35 lồng cá bị mất; 4 gia đình khác bị mất lồng 4 cá. Trong số 35 lồng cá bị cuốn trôi, có 29 lồng cá mất trắng, 6 lồng còn lại còn khối lượng cá khoảng 6 tấn. Hơn 70 tấn cá bị mất chủ yếu là cá lăng chấm, cá diêu hồng và cá rô phi.
Tin cho hay nhà chức trách huyện Chiêm Hóa đã điều động lực lượng trục vớt được 14 lồng cá bị cuốn trôi xuống gần nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa ở khu vực hạ lưu sông Gâm. Số lồng cá còn lại đã bị nước lũ nhấn chìm.
Được biết trong mấy ngày trước đó, nhiều nơi trong các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La và Lai Châu có mưa trên diện rộng. Giới chức nhà máy thủy điện Tuyên Quang cho biết hôm 29 tháng 6, trước áp lực lớn của lượng nước đổ về hồ thủy điện, họ quyết định mở 3 cửa xả đáy.
AN GIANG, Việt Nam (NV) – Sau khi ăn cơm của một bếp ăn mới khai trương một ngày, khoảng 200 công nhân của công ty An Giang SAMHO, khu công nghiệp Bình Hòa, đều có triệu chứng nôn ói, đau đầu, chóng mặt.
Khoảng 11 giờ sáng 1 Tháng Bảy, hàng ngàn công nhân của công ty An Giang SAMHO thuộc khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, sau khi ăn cơm của một bếp ăn mới khai trương một ngày thì đến đầu giờ chiều cùng ngày, nhiều công nhân có triệu chứng nôn ói, đau đầu, chóng mặt.
Ngay sau đó, Ban Quản Lý Khu Công Nghiệp Bình Hòa đã nhanh chóng đưa các nạn nhân nhập viện ở bệnh viện Đa Khoa huyện Châu Thành. Do số người bị ngộ độc cùng lúc quá nhiều, nên phải nhờ thêm nhiều xe cứu thương của các xã Cần Đăng, Bình Hòa… chở các công nhân nhập viện.
Chiều cùng ngày, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Nhựt, bí thư huyện ủy Châu Thành, cho biết có trên 200 công nhân ngộ độc được bố trí nằm ở bệnh viện Châu Thành và bệnh viện Trung Tâm Đa Khoa An Giang để điều trị. Đa số có chung triệu chứng là nôn ói. (Tr.N)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ô nhiễm, cộng với cách phòng chống “nửa vời” của chính quyền Hà Nội khiến bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, số người nhập viện tăng gấp 5 lần.
Theo báo Phụ Nữ TP.HCM, thống kê mới nhất của Sở Y Tế Hà Nội cho thấy sáu tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 2,743 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2016.
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y Tế Hà Nội, nhận định dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh từ đầu Tháng Năm và tập trung trong khu vực nội thành.
Ông cho hay, đáng lưu ý, dù đã có nhiều thông tin khuyến cáo trong thời gian gần đây, Sở Y Tế cũng khai triển nhiều chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, nhưng tốc độ gia tăng ca mắc sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt.” Với tình trạng này, dịch bệnh có khả năng đến sớm, thay vì sẽ rơi vào khoảng từ Tháng Chín đến Tháng Mười Một như mọi năm.
Giải thích điều này, ông cho rằng “Tình trạng ô nhiễm môi trường đi cùng tốc độ đô thị hóa đang là một trong những nguyên nhân đẩy sốt xuất huyết tăng cao. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017 tới nay, nhiệt độ miền Bắc cao hơn trung bình các năm và hầu như không có rét đậm, rét hại và mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi sốt xuất huyết sinh trưởng, phát triển.”
Theo ông, ngoài ra, việc điều tra giải quyết các ổ dịch nhỏ còn hạn chế. Nhiều địa phương cũng chưa lập được danh sách các gia đình trong khu vực ổ dịch. (Tr.N)
YÊN BÁI, Việt Nam (NV) – Tài sản “khủng” được cho là của gia đình ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an tỉnh Yên Bái, và ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường, được các quan chức tỉnh và Thanh Tra Chính Phủ đùn đẩy nhau.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Chính Phủ, khẳng định “việc ông Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh ủy Yên Bái, không ảnh hưởng gì đến quá trình thanh tra.”
“Tôi khẳng định đoàn thanh tra sẽ không chịu bất cứ áp lực nào và không bị tác động từ phía nào. Kết quả thanh tra sẽ được làm công tâm để đối tượng bị thanh tra cũng như dư luận tâm phục, khẩu phục,” ông nói, và cam kết sau khi có kết luận thanh tra sẽ “hết sức minh bạch, không có gì phải giấu diếm,” nếu sai thì phải giải quyết nghiêm túc, “không có vùng cấm,” “không có chuyện nương nhẹ.”
Tuy nhiên, dù ông khẳng định việc thanh tra tài sản của quan chức Yên Bái sẽ khách quan, công tâm và không chịu bất kỳ một sức ép nào, nhưng mọi chuyện không phải như vậy!
Ông cho rằng: “Trách nhiệm thanh tra làm rõ những nghi vấn này trước hết thuộc các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái.”
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, “về tài sản nhà, đất được cho liên quan đến ông Đặng Trần Chiêu, tại tổ 44, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, ông Chu Đình Ngữ, chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, cho biết tỉnh đã giao các cơ quan của tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin. Sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh, ủy ban tỉnh sẽ thông tin báo chí.”
“Cách trả lời này cũng khá giống với hồi đáp của Trung Tướng Nguyễn Văn Lưu, chánh thanh tra Bộ Công An, trong cuộc họp báo sáng 28 Tháng sáu. Theo đó, bộ sẽ tiến hành nắm tình hình, căn cứ luật thanh tra và các quy định của chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thanh tra, làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, bộ sẽ có thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí,” báo này viết.
Tờ này dẫn một nguồn tin cấp vụ từ Thanh Tra Chính Phủ cho rằng: “Ông Chiêu là thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh. Cán bộ cỡ đó, theo phân cấp quản lý cán bộ thì thuộc diện Ban Bí Thư quản lý. Và như thế, chỉ có Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Ban Bí Thư mới có thẩm quyền quyết định kiểm tra về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập.”
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, Trung Tướng Trần Văn Độ, cựu chánh án Tòa Án Quân Sự Trung Ương, cũng xác nhận như vậy.
“Theo ông, trong lực lượng vũ trang, mỗi chức vụ đều gắn theo trần quân hàm nhất định. Phân cấp quản lý cán bộ chủ yếu gắn theo quân hàm: Cùng một chức vụ nhưng quân hàm cấp tướng trở lên thì do Ban Bí Thư, thậm chí Bộ Chính Trị quản lý. Vấn đề này cũng được minh định trong văn bản của Bộ Chính Trị về ‘kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý’ ban hành cuối Tháng Năm, 2017. Theo đó, cấp có thẩm quyền kiểm tra với cán bộ cỡ tướng Chiêu ít nhất phải là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương,” báo này dẫn lời ông Độ.
Trong khi đó, sau nhiều ngày im lặng, chiều 29 Tháng Sáu, ông Phạm Sỹ Quý đã đồng ý gặp báo chí để trả lời những thông tin liên quan đến khu biệt phủ của gia đình ông.
Giải thích thắc mắc của dư luận về bản thân chỉ là công chức nhà nước thì tiền đâu để ông sở hữu khối tài sản lớn với 13,000 mét vuông đất, ông nói: “Để mua được khu đất ấy tôi cũng đã phải vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, tôi còn vay mượn của anh em bạn bè nữa.”
“Đây còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ đi làm từ thời trẻ, nỗ lực vươn lên làm đủ thứ nghề rồi. Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ ba đại học tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình,” ông kể.
Báo Tuổi Trẻ hỏi: “Ông vay 20 tỷ chỉ để làm nhà ở thôi sao?” “Đó không chỉ là nhà mà còn là trang trại để nuôi cá, gà, lợn nữa. Ao cá năm nay mất giá chứ cuối năm ngoái bán nhiều vô kể. Khu đồi phía bên trên là đang cải tạo để làm vườn hoa công nghệ cao trồng địa lan. Thực ra mua chỗ đấy không hề đắt, báo chí cứ nói đất vàng nhưng đâu phải vậy. Bây giờ cứ đi hỏi có những chỗ bán 50-70 triệu một hécta. Tôi mà không phải công chức nhà nước thì tôi cũng đầu tư rồi. Ngay giữa trung tâm thành phố có quả đồi bán 50 triệu một hécta. Tôi vay khoảng gần 20 tỷ. Bây giờ vẫn còn nợ nhiều, nợ cả anh em bạn bè vẫn chưa trả được bao nhiêu,” ông nói.
Theo tờ Tuổi Trẻ, trong bản kê khai tài sản của ông Quý đã được công bố công khai từ Tháng Giêng, gia đình ông sở hữu một ngôi nhà có diện tích xây dựng 600 mét vuông, một ngôi nhà thứ hai rộng trên 130 mét vuông với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2.5 tỷ đồng, một nhà tạm diện tích xây dựng 150 mét vuông, giá trị 200 triệu đồng, một mảnh đất 1,000 mét vuông trị giá 500 triệu đồng, một trang trại diện tích 2 hécta giá trị 1 tỷ đồng. Thu nhập trong năm 2016 tăng 1 tỷ đồng là “thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016.”
Nói về chuyện đi vay, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết: “Để vay được gần 20 tỷ đồng, ông Quý chắc phải lo thủ tục vất vả hơn nhiều. Người ta tính mỗi tháng ông Quý phải bỏ ra hơn 330 triệu đồng để trả gốc và lãi.”
“Tiền lương của ông Quý chỉ hơn chục triệu đồng, vậy số tiền này ở đâu ra? Hẳn ông phải tăng gia sản xuất, nuôi heo, làm vườn, làm rẫy… thuộc hàng siêu đẳng, cộng thêm việc buôn chổi đót (nếu ông vẫn còn làm việc này) thì mới may ra… kham đủ số này!” tờ này viết và cho rằng, bởi vì vay tiền ngân hàng không hề dễ, ngoài chứng minh thu nhập, còn là việc thẩm định giá của ngân hàng về căn nhà sẽ mua (dùng làm tài sản thế chấp) với đủ thứ giấy tờ nhiêu khê, khổ ải. (Q.D.)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Không làm năm tuyến đường nội đồng, song chính quyền xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, vẫn thành lập nhóm thẩm định kết quả và thanh toán với tiền hơn 2.1 tỷ đồng (khoảng $92,400).
Ngày 30 Tháng Sáu, hàng chục gia đình thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, đã gửi đơn tới các cơ quan chính quyền đề nghị làm rõ việc Ủy Ban Nhân Dân xã Tịnh Châu không làm đường nhưng vẫn tổ chức thẩm định kết quả, thanh toán tiền công trình.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Sách, bí thư chi bộ thôn Kim Lộc, người đứng đơn tố cáo vụ việc, cho biết toàn bộ năm tuyến đường nội đồng tại xã Tịnh Châu đã được Ủy Ban Nhân Dân thành phố Quảng Ngãi cho phép đầu tư xây dựng đường bêtông bằng vốn vay ưu đãi năm 2015.
“Dù đã được phê duyệt xây dựng, nhưng ủy ban xã không thi công, đã thế còn lấy tiền kinh phí,” ông nói. Chính vì vậy, cả năm tuyến đường nội đồng nói trên dù đã được “thẩm định kết quả và thanh toán tiền” từ năm 2015 nhưng hiện vẫn chỉ là đường đất nhỏ hẹp.
Trong khi đó, nói với báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Lâm, chủ tịch xã Tịnh Châu, cho biết: “Do một số tuyến đường không có nền và nằm trên các thửa đất người dân sản xuất, rất khó cho việc khai triển. Hơn nữa, thời điểm xây dựng đang trong giai đoạn sản xuất vụ Hè Thu 2015 nên không thể phá bỏ ruộng để làm đường.”
“Bởi vậy, ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã thống nhất chuyển địa điểm xây dựng những tuyến đường này. Các tuyến đường được chuyển cũng nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới và trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp phục vụ sản xuất cho người dân. Việc chuyển đổi cả năm tuyến đường trên đã được sự thống nhất của ủy ban thành phố Quảng Ngãi,” ông phân trần.
Ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch thành phố Quảng Ngãi, cho biết thanh tra đang vào cuộc. “Sau khi có kết quả thanh tra, sai tới đâu chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm tới đó,” ông khẳng định. (Tr.N)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Tài Chính vừa công bố dự thảo mới về sửa đổi thuế môi trường. Đây là dự thảo thứ ba trong vòng hai tháng và nội dung vẫn nhằm moi thêm tiền từ dân chúng.
Theo báo Tiền Phong, ý định buộc tất cả các giới phải trả thêm tiền khi dùng xăng dầu cho cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường” vẫn còn nguyên trong dự thảo lần ba.
Điểm mới trong dự thảo lần ba là bỏ văn bản giải thích tại sao cần phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu. Người ta tin rằng đó là vì Bộ Tài Chính đuối lý.
Hồi đầu Tháng Tư vừa qua, cơ quan này công bố dự thảo đầu tiên của dự luật sửa Luật Thuế Bảo Vệ Môi Trường. Nội dung là buộc các giới phải trả 8,000 đồng/lít xăng (khoảng 35 cent), 4,000 đồng/lít dầu (trừ dầu hôi) để “giải quyết vấn đề môi trường.” Dự tính đó đã đã bị dân chúng và các chuyên gia chỉ trích kịch liệt.
Hiện nay, các khoản thuế đang được thu qua xăng (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu từ 5% đến 10%, thuế bảo vệ môi trường 3,000 đồng/lít) vốn đã chiếm đến 41.5% giá bán mỗi lít xăng. Tuy nhiên chính phủ vẫn chưa muốn ngừng tại đó, mà muốn nâng thuế bảo vệ môi trường tính trên mỗi lít xăng lên 2.5 lần.
Các chuyên gia nhận định, dù mang danh nghĩa “bảo vệ môi trường” nhưng khoản tiền mà chính phủ dự trù thu thêm trên mỗi lít xăng không phải để chi cho lĩnh vực môi trường mà chỉ nhằm để có thêm tiền chi tiêu, bởi vì công quỹ đang thiếu hụt trầm trọng.
Bằng chứng là từ khi thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường qua xăng (2012), chính quyền chỉ chi chưa tới 1/4 số tiền thu được cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn năm 2016, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường là 42,393 tỷ đồng (khoảng $1.8 tỷ) nhưng thực chi cho bảo vệ môi trường chỉ có 12,290 tỷ đồng.
Không thể tranh biện, đầu Tháng Năm, Bộ Tài Chính rút lại dự luật sửa luật thuế này để điều chỉnh.
Đầu Tháng Sáu, bộ này lại công bố dự thảo lần hai, cho biết tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường đã thu từ 2012 đến 2016 là 105,985 tỷ đồng và đã chi cho các hoạt động “bảo vệ môi trường” là 131,875 tỷ đồng.
Nói cách khác, theo cách diễn giải mới của bộ này, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường không những không dư như tính toán trước đó của chính bộ này (chừng 55,000 tỷ đồng) mà còn thiếu khoảng… 26,000 tỷ đồng.
Lần này, Bộ Tài Chính công bố dự thảo lần ba mà không thèm giải thích gì thêm, ngoài tuyên bố sẽ ráng thuyết phục Quốc Hội cho thu thuế bảo vệ môi trường với mức mới từ 1 Tháng Bảy năm tới.
Ai cũng biết tăng thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu sẽ làm vật giá đồng loạt gia tăng, cả hoạt động kinh tế lẫn sinh hoạt xã hội vốn đã hết sức khó khăn sẽ còn khó khăn nhiều hơn, bất lợi hơn về nhân tâm. (G.Đ)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Không chấp nhận lỗi phạt do chạy quá tốc độ của cảnh sát giao thông huyện Can Lộc, tài xế xe container lái xe bỏ chạy. Vì đứng phía trước xe nên một cảnh sát đã vội bám gương chiếu hậu, tài xế đánh tay lái khiến cảnh sát bị hất văng xuống đường bất tỉnh.
Sáng 1 Tháng Bảy, tin từ công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cho báo Tuổi Trẻ biết cơ quan điều tra ra lệnh bắt tài xế Lưu Văn Châu (26 tuổi, trú huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), người điều khiển xe container hất văng một cảnh sát giao thông.
“Bước đầu, Châu thừa nhận do hoảng loạn mới dẫn đến hành động lái xe kéo, làm bị thương một cảnh sát giao thông,” theo báo Tuổi Trẻ.
Báo điện tử VietNamNet cho hay: “Khi xuống xe, tài xế Châu đã cãi lại cảnh sát giao thông, không xuất trình giấy tờ và lái xe bỏ chạy với lý do theo thiết bị giám sát của phương tiện thì lái xe không chạy quá tốc độ.”
Ngay sau khi bắt khẩn cấp tài xế vì hành vi “Chống người thi hành công vụ,” công an huyện Can Lộc phối hợp với công an tỉnh đo nồng độ cồn, kết quả tài xế này không vi phạm. Hiện công an đã gửi mẫu để xét nghiệm ma túy và đang chờ kết quả.
Trước đó, khoảng 4 giờ 30 phút chiều 30 Tháng Sáu, trong lúc tuần tra trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Can Lộc, Đội Cảnh Sát Giao Thông phía Bắc, công an tỉnh Hà Tĩnh, thấy xe container biển số Bình Định chạy quá tốc độ nên yêu cầu dừng kiểm tra.
Ông Lê Ngọc Sáng, đội trưởng Cảnh Sát Giao Thông phía Bắc, cho biết ban đầu tài xế dừng xe xuống tranh cãi với cảnh sát vì cho rằng mình không chạy quá tốc độ, rồi bỏ lên xe ngồi.
“Vài giây sau, tài xế nhấn ga khiến hai cảnh sát đang đứng đầu xe bị bất ngờ. Một người nhảy sang bên né được, còn chiến sĩ Nguyễn Anh Đức vội bám vào gương phía đầu xe,” báo điện tử VNExpress tường thuật lời ông Sáng.
“Đi được khoảng 200 mét, tài xế liên lục đánh tay lái khiến chiến sĩ Đức rơi xuống đường, văng trúng taluy, bất tỉnh. Đồng đội sau đó đưa anh Đức tới bệnh viện Đa Khoa Hồng Lĩnh cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng,” báo này cho hay.
Theo báo Thanh Niên, toàn bộ diễn biến sự việc được một hành khách đi trên xe hơi phía sau ghi lại. Sau khi gây ra sự việc, chiếc xe container chạy thêm một đoạn nữa mới chịu dừng lại, tài xế nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Nói với báo này, ông Nguyễn Thái Lâm, giám đốc bệnh viện Đa Khoa thị xã Hồng Lĩnh, cho biết vào khoảng 5 giờ chiều 30 Tháng Sáu, ông Đức nhập viện trong tình trạng bị chấn thương ở vùng đầu và hai bàn chân bị xây xát. Sau khi sơ cứu, ông Đức được chuyển tới bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều trị.
Tuy nhiên, do vết thương ở đầu quá nặng, ông Đức đã được chuyển ra bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, ngay trong đêm.
“Nguồn tin từ bệnh viện Việt Đức cho biết thêm Thượng Úy Nguyễn Anh Đức hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa phẫu thuật thần kinh 1 bệnh viện Việt Đức. Rất may nạn nhân này không bị chảy máu trong não mà bị gãy chân, có chấn thương não nhưng tình trạng ổn định, đang được điều trị nội khoa,” theo bản tin của báo Người Lao Động.
Báo điện tử VietNamNet cho hay: “Một cán bộ cảnh sát giao thông huyện Can Lộc thông tin, anh Đức về công tác tại cảnh sát giao thông Can Lộc năm 2009. Vào khoảng năm 2012, anh bị một người chạy quá tốc độ tông gãy chân khi dừng xe kiểm tra.” (Tr.N)